V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Ngỡ bây giờ là bao giờ

(Pháp thoại tại Làng Mai)

“Ngỡ bây giờ là bao giờ
Rõ ràng trước mắt còn ngờ chiêm bao”

Câu hay nhất là câu “ngỡ bây giờ là bao giờ”. Mình không chờ đợi một giờ phút như ngày hôm nay, hiện tại đẹp quá chừng, đẹp cho đến nỗi mình tưởng nó không có thật. Mười lăm năm, đêm nào cũng tưởng nhớ, đêm nào cũng tuyệt vọng, bữa nay tự nhiên thấy được tất cả những người mình thương đang có trước mặt.

Câu “ngỡ bây giờ là bao giờ” là một câu siêu tuyệt. Tôi đề nghị quí vị nên viết câu này treo lên tường, tại vì ta không biết trân quí những gì ta có, ta đang sống mà không biết trân quí sự thật là mình đang còn sống. Ta cứ để phiền não, tham sân, giận hờn, tuyệt vọng chiếm ngự mình. Ta không thật sự sống được giây phút mà cuộc đời ban cho ta. Ta không có khả năng sống cái bây giờ, ta luôn nhớ tiếc cái quá khứ hay lo lắng cho cái tương lai, mà cái bây giờ rất là mầu nhiệm.

Ta cứ nghĩ tới một tương lai nào đó. Bao giờ mà tôi có cái đó, bao giờ mà tôi làm được chuyện đó, bao giờ mà tôi có bằng cấp đó, bao giờ mà tôi cưới được người đó, bao giờ mà tôi có được cái nhà như vậy, bao giờ mà tôi có công ăn việc làm đó thì tôi mới có hạnh phúc. Cái “bao giờ” đó có thể không bao giờ tới, trong khi đó thì ta hi sinh cái “bây giờ” cho cái “bao giờ”.

Cái “bây giờ” là cái rất quí báu. Với một hơi thở ta trở về với hình hài của mình và thấy hình hài này là một tặng phẩm quí giá của tổ tiên. Ta có biết trân quí hình hài này không, hay ta đày đọa nó ? Nếu đày đọa hình hài thì ta đày đọa cả Bố Mẹ mình, vì Bố Mẹ mình cũng ở trong đó. Nếu ta đày đọa tấm thân thì ta cũng đày đọa tổ tiên vì tổ tiên cũng nằm trong đó. Thở vào tôi biết là tôi có một hình hài, chính trong cái “bây giờ” ta biết là mình có một hình hài và ta mang theo cha mẹ, ông bà, tổ tiên trong hình hài của mình. Ta hi sinh cái “bây giờ” để đi tìm cái “bao giờ” trong tương lai, một ảo ảnh của hạnh phúc.

Ở Làng Mai, luôn luôn bằng bước chân và bằng hơi thở chúng ta trở về cái “bây giờ” để chăm sóc và trân quí cái “bây giờ”, tại vì sự sống chỉ có mặt trong cái “bây giờ”. Quá khứ đã đi qua và tương lai chưa tới, sự sống chỉ có thể có mặt trong cái “bây giờ”. Vì vậy tại Làng Mai, mỗi hơi thở, mỗi bước chân phải có công dụng đem ta trở lại cái “bây giờ”.

“Ngỡ bây giờ là bao giờ|Rõ ràng trước mắt còn ngờ chiêm bao” - ngày hôm nay ta đang còn sống, ta đang ngồi với người thương của mình, ta đang có thầy, ta đang có bạn, ta còn đòi gì nữa, tại sao ta không có hạnh phúc ngay trong giây phút này.

Khi trời chớm thu

(Thích Tánh Tuệ)

Dặn em thôi những vội vàng
Ngước nhìn mấy cụm mây ngàn phố thu
Bôn ba chi cõi sương mù
Trăm năm ngó lại cũng như ... khóc chào

Dặn em ngày tháng hư hao
Hãy thôi mở mắt chiêm bao, dật dờ
Dù đời đó một cơn mơ
Cũng xin dệt nốt bài thơ thiện lành

Dặn em học để mà hành
Phải đâu mỗi chút hơn tranh với người
Ai chen đua, ấy chuyện đời
Nguyện làm sen trắng bên trời tỏa hương

Dặn em sống Hiểu và Thương
Vì Tâm - Cảnh ấy vô thường cả hai
Nhân gian tô vẽ hình hài
Em ngồi soi lại một đài gương tâm

Dặn em quên những thăng, trầm
Đừng ôm dĩ vãng - âm thầm viễn mơ
Về đây thôi sống hững hờ
Xưa, Sau là mộng. Bây giờ trạm nhiên

Dặn em, lắng giọt ưu phiền
Nhìn thu trải nắng trên miền cỏ hoa
Chi rồi cũng sẽ phôi pha
Trăm năm đó, chẳng qua là một hơi

Dặn em quên lối ngược xuôi
Ngồi yên, thở nhẹ, biết trời chớm Thu

May today there be peace within

(St. Therese)

May today there be peace within. May you trust that you are exactly where you are meant to be. May you not forget the infinite possibilities that are born of faith in yourself and others. May you use the gifts that you have received, and pass on the love that has been given to you. May you be content with yourself just the way you are. Let this knowledge settle into your bones, and allow your soul the freedom to sing, dance, praise and love. It is there for each and every one of us.

╰▶ Có thể hôm nay là một ngày tĩnh tại, thanh thản. Có thể bạn tin tưởng rằng bạn là chính xác nơi bạn có nghĩa là. Có thể bạn không quên những khả năng vô hạn được sinh ra từ niềm tin vào bản thân và người khác. Có thể bạn sử dụng những món quà mà bạn đã nhận được, và truyền lại tình yêu đã được trao cho bạn. Có thể bạn hài lòng với chính mình … Hãy để kiến thức này lắng đọng vào xương của bạn, và cho phép tâm hồn bạn tự do ca hát, nhảy múa, khen ngợi và yêu thương. Nó ở đó, cho chính nó và cho mỗi chúng ta.



Nhân quả trả vay mảy may chẳng sai được

(Sưu tầm)



Đời đúng là vay trả. Vay niềm vui, sẽ trả bằng nỗi buồn. Vay cái tham, sẽ trả bằng gãy đổ. Cái cây cho con chim vay chỗ đậu, chim trả lại món nợ vay bằng cách mang hạt cây đi xa. Người đổ vào sông sự uế tạp, rồi sẽ phải uống nước từ chính dòng sông ấy.

Đời muôn ngàn hướng, tình trăm ngàn lối, mỗi người đều có lựa chọn riêng, nhưng hãy nhớ đời người có vay có trả, luật nhân quả không chừa một ai, đối với mọi sự trên đời, đều theo lẽ này.

Vay trả tình yêu

Luật nhân quả trong tình yêu cũng như bao luật nhân quả ở đời, làm thiện hưởng thiện, làm ác chịu ác. Nhưng có lẽ nó là loại nhân quả đến sớm nhất.

Có ai từng tự hỏi tại sao mình lại khổ đường tình như thế, yêu người không yêu mình, theo đuổi người ta kiên trì, bền bỉ mà vẫn bị phũ phàng ? Phải chăng, trong những ngày tháng trước, ta đã vô tình làm tổn thương một người khác.

Gặp gỡ rồi chia ly, tình yêu không có đúng sai, nay ta yêu người này, mai ta yêu người khác, sự thay đổi của cảm xúc hoàn toàn không phải điều gì quá đáng. Có quá đáng chỉ là thái độ, cách hành xử của mỗi người. Lừa dối, phản bội, không chân thành, thiếu kiên nhẫn, vụ lợi, tệ bạc … cả việc tình yêu thay đổi đều không phải lỗi, mà lỗi ở những nhân cách bị khiếm khuyết.

Đừng vin vào cớ hết tình nên đối xử tệ với nhau. Không còn tình yêu nhưng luôn có tình người, đủ để thẳng thắn, tôn trọng và dành cho nhau những ấn tượng tốt đẹp sau cuối. Nhân quả trong tình yêu thường đến sớm, ngay khi ta phụ một người, thì tức là ta đã gieo nghiệp ác, tự biến mình thành kẻ vô đạo đức, vô lương tâm. Chuyện sau này chưa bàn, trước mắt trong lời người thiên hạ, ta đã chẳng phải một người đáng trọng.

Ông trời rất công bằng với mọi người. Có người khiến bạn khóc thì sẽ có người khiến bạn cười. Người gian dối sẽ gặp người dối gian, người chân thật sẽ tìm thấy tấm chân tình.

Vay trả tiền bạc

Khi ta vay ai một món tiền nghĩa là ta đang nhận ở người đó một món nợ không chỉ đơn thuần là vật chất mà còn là ân nghĩa. Thế nhưng ở đời, nhiều người vay tiền không muốn trả. Có người “xù nợ”, có người trả nợ nhưng lại mang niềm oán giận người cho vay. Đó là cách họ đang gieo nghiệp nghèo cho mình mà không hề hay biết.

Người bằng lòng đem tiền cho chúng ta vay, điều này chứng tỏ người đó đối với chúng ta là rất tốt, cũng rất tin tưởng tín nhiệm, chúng ta cần phải giữ lời hứa của mình, không thể nói vay rồi không trả. Người ta cũng không có nói là bằng lòng tặng cho chúng ta, sao có thể không trả được ?

Dân gian có câu nói truyền miệng rất hay đó là “tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát”, câu này có ý nghĩa là dù yêu quý nhau đến cỡ nào thì vẫn nên minh bạch trong vấn đề tiền bạc. Tiền bạc là mồ hôi, là công sức lao động của mỗi người, nếu vì yêu quý nhau, thân thiết nhau mà lợi dụng tiền bạc của nhau thì đến một ngày tình cảm cũng sẽ sứt mẻ. Ngay cả anh em ruột thịt thì vẫn cần phải rõ ràng về vấn đề tế nhị này. Khoản nào vay thì rõ là vay, và cần phải trả với tấm lòng biết ơn. Khoản nào cho, biếu hay tặng, thì người cho không nên đòi người nhận một ngày nào đó trả ơn mà hãy vô tư theo cách “cho đi hạnh phúc chính là mang lại hạnh phúc cho mình”.

Trong mắt những người vô Thần, nhân quả báo ứng chỉ là truyền thuyết. Nhưng rất nhiều câu chuyện có thật đã chỉ ra rằng điều tưởng như là truyền thuyết ấy lại đang hiện hữu từng phút, từng giờ ngay bên cạnh người ta.

Xưa dạy, kiếp trước đã làm điều gì xấu với ai, lừa lọc ai, thậm chí đoạt đi sinh mệnh của ai, thì đều phải hoàn trả. Kiếp này không trả hết thì sau đoạ địa ngục, chịu cảnh giày vò, đau đớn khôn xiết, rồi cuối cùng vẫn phải đầu thai làm trâu làm ngựa trả nợ người ta.

Cuộc đời có trả có vay
Thị phi gieo oán, đắng cay cho người
Mai này sẽ trả gấp mười
Chớ nên đắc chí mà cười người ta

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|73|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Những người chấp nhận sống trong cảnh không vui nhưng vẫn giữ được từ tâm cho trái tim, giữ được yêu thương trong lời nói, giữ được sự chân thành trong đôi mắt đôi tay, vẫn bước đều về phía trước, vẫn giữ được niềm tin. Kẻ đó như ngọn núi đá không lay chuyển trước những giông gió cuộc đời”.

Đâu phải vì mình bé nhỏ mà cuộc đời thương tình không nổi gió.

Đâu phải vì mình mệt mỏi mà giông bão sẽ mềm lòng.

Đâu phải vì đôi chân đã rệu rã mà con đường chạnh lòng thu ngắn lại.

Đâu phải vì mình muốn giữ lại cuộc sống sẽ mỉm cười đồng ý không cuốn đi.

Người trở về từ phố rộng, sau nhiều lần cuối năm không về. Ngày xưa, người đi, như chiếc thuyền nhỏ tất tả chạy tìm một nơi trốn bão, rồi mới biết, chạy trốn mãi còn mệt mỏi hơn ở lại và mạnh mẽ đối diện một lần.

Người về, rủ lũ sẻ về con phố nhỏ, mỗi sáng, một nắm thóc, một tách cà phê, một hơi thở nhẹ, một thỏi trầm, một câu Kinh, ngồi nhìn lũ sẻ tíu tít rủ nhau về dưới hiên nhặt thóc, nhìn sẻ mẹ cẩn thận tách từng vỏ thóc mớm cho lũ sẻ non. Mỉm cười, cúi đầu, chắp tay chào Gautama, rồi xỏ giày bước ra phố rộng, nghe lòng đủ bình thản để đi qua hết những giấc mộng vô thường ngoài kia.

Người về ngôi nhà có cây Ngọc Lan nơi góc sân tháng Năm thơm từng trang sách.

Người về, thôi không làm chiếc thuyền con nữa, mà làm một hòn đảo nhỏ cho riêng mình, khi là thuyền, có đâu thì cũng lênh đênh.

Cuộc sống không thể tốt hơn bởi những tình cờ, nó chỉ tốt hơn khi trong lòng có gì đó đã đổi thay.

Người ngủ an.



Đau không có nghĩa là khổ

(Sưu tầm)



❝Thông thường người ta gắn liền đau với khổ, ít ai nhận ra rằng đau và khổ là hai khái niệm khác nhau. Phần lớn người ta cho rằng đau chính là khổ và khổ nhất định phải đau. Kì thực chúng không phải là một, giữa chúng có một khoảng cách lớn.❞

Có vị hòa thượng mắc bệnh ung thư nằm liệt giường và không ngừng rên xiết. Các đệ tử hiếu kì hỏi:

- Không phải thầy thường bảo là “tứ đại giai không” sao ? Tại sao thầy còn thấy đau đớn đến thế ?

Vị hòa thượng kia đáp:

- Không là việc của không, còn đau là việc của đau.

Thực sự dù là một vị hòa thượng dày công tu tập nhưng vẫn phải chịu đựng cái đau của thân thể bằng xương thịt. Thông thường người ta gắn liền đau với khổ, ít ai nhận ra rằng đau và khổ là hai khái niệm khác nhau. Phần lớn người ta cho rằng đau chính là khổ và khổ nhất định phải đau. Kì thực chúng không phải là một, giữa chúng có một khoảng cách lớn.

Đau chỉ nỗi đau về mặt thể xác, ví dụ như khi thân thể bị thương, bị đọa đày, dày vò hoặc bị vật gì đó đâm phải thì sẽ có những phản ứng sinh lý nhất định. Đây là hiện tượng sinh lý tự nhiên thông thường, nếu không họ không phải là người mà là cây cỏ, gỗ đá.

Khổ có nhiều loại, ví dụ như khổ về sinh, khổ vì già, khổ vì bệnh, khổ vì chết. Tâm lý tham lam, luyến tiếc, chấp nhặt, đã là một nỗi khổ; thấy bản thân mình lụi tàn theo năm tháng, bệnh tật dồn tới không thể từ chối nhưng tâm lý lại muốn trốn tránh chối từ thì sẽ đau khổ hơn. Khi một người đối diện với cái chết hoặc tận mắt chứng kiến người thân ra đi, họ sẽ bị sốc nặng về mặt tâm lý, họ nghĩ không thể chịu đựng được, đấy chính là khổ.

Ngoài cái khổ vì sinh, già, bệnh, chết … ra, còn nỗi khổ của cầu không toại nguyện, khổ của yêu thương chia lìa cách biệt, khổ của thù oán gặp gỡ, tụ hội và các tâm lý khổ kèm theo như lo âu, sợ sệt, đố kị, ghen ghét, căm hận, hoài nghi ... Tất cả đều cho chúng ta một cảm giác rằng đời là bể khổ.

Những điều trên cho chúng ta thấy rằng đau là biểu hiện về mặt thể xác, khổ là biểu hiện về phương diện tinh thần. Nỗi đau về mặt thể xác là điều hiển nhiên khi mang tấm thân này, không ai có thể tránh được, nhưng một khi thân xác này chết đi thì nỗi đau đó cũng tiêu mất theo.

Trong khi đó, khổ mãi mãi không bao giờ mất vì nó là nỗi đau về mặt tinh thần, nếu không chấm dứt được nỗi đau về mặt tinh thần thì thân xác này có chết đi cũng không thể chấm dứt khổ và giải thoát được. Vả lại, khi nỗi khổ đạt đến mức tột cùng thì sẽ dẫn đến đau ở thân, tức là tinh thần suy sụp thì thân thể cũng bệnh hoạn theo. Ví dụ khi chúng ta nói “đau lòng quá”, thực tế vì chúng ta quá thương tâm, trong lòng quá buồn đau mới thấy lòng mình quặn lại như bị dao cắt, đau đến không thể chịu được, đấy chính là nỗi đau tinh thần. Nhưng nếu đau khổ của chúng ta có sự đền đáp, chúng ta sẽ được an ủi phần nào; dù có trải qua muôn cay nghìn đắng, chịu đủ nỗi giày vò cũng còn một tia hi vọng là mong có ngày “khổ tận cam lai”. Trường hợp này thì niềm hi vọng kia chính là niềm an ủi và còn một tia hi vọng vào tương lai thì sẽ không còn khổ nữa, nên khổ không phải là một cảm giác cố định, bất biến, mà nó sẽ thay đổi theo hoàn cảnh bên ngoài.

Vì thế, nếu chúng ta chuẩn bị tâm lý tốt, dám làm dám chịu, có dũng khí đối diện với thực tế trước mắt, xử lí tình huống với tâm lý tự tại không lo âu sợ sệt, không trốn tránh, đối diện với những gì đang xảy ra trước mắt, chỉ biết dốc hết sức mình để xoay chuyển tình huống theo chiều hướng tốt theo khả năng có thể của mình mà không phải bận tâm nhiều về kết quả của chúng, thì chúng ta sẽ không còn cảm thấy khổ đau, không còn bị áp lực tâm lý nữa.

Một cuộc sống đúng nghĩa là gì ?

(Sưu tầm)

Trong cuộc sống, đôi khi bạn được cái này thì lại mất hay bị thiệt thòi về cái kia. Những người đàn ông và đàn bà có ngoại hình cuốn hút thì lại ít khi chung thủy, vì họ không bao giờ hài lòng với một người, bởi họ luôn nghĩ rằng, họ xứng đáng để có được bất cứ ai và cuối cùng họ cứ mãi đi tìm.

Bạn có biết những người giàu nhất trên thế giới, hầu hết lại là những người học thức kém không ? Cũng vì kém học thức, nên họ mới có tham vọng hơn người có học. Vì người có học ít ai dám phiêu lưu, lý do là vì họ đã hài lòng với công việc ổn định của họ rồi.

Nếu bạn là người nghèo, bạn nghĩ người giàu luôn có cuộc sống tốt hơn bạn, chưa hẳn là vậy. Bạn có biết, hầu hết người giàu ít ai mà có được một tình yêu chân thành không ? Đó là ba điều tiêu biểu nhất của cuộc sống thời nay.

Vì vậy, cho dù nghèo hơn người giàu, xấu hơn người đẹp, kém học hơn người có học thức, thì biết đâu bạn cũng may mắn hơn người ta đấy. Vì tiền bạc, nhan sắc và học thức chưa chắc đã tạo ra được một cuộc sống đúng nghĩa đâu bạn nhé.

Vậy cuộc sống đúng nghĩa là gì ? Là biết cảm nhận hạnh phúc trong cuộc sống từ những điều nho nhỏ, là có trí tuệ và sự bình an, thanh thản trong tâm hồn, bởi người có trí tuệ, họ nhìn thấy nguyên nhân của bất an, bất hạnh nấp sẵn phía đằng sau những hào nhoáng của những giá trị nhất thời mà con người thường đeo đuổi, nên họ không lao vào để “chịu đấm ăn xôi”. Thế là họ sống an vui.

Có bao giờ bạn thấy mình may mắn hơn người khác ?

D.P.A (84)

(Lời Phật dạy)

Từ bi ta nhớ lấy lời
Noi gương trí tuệ, trau dồi thân tâm



Vốn không như mình tưởng

...

Những thứ không đạt được, chúng ta sẽ luôn cho rằng nó đẹp đẽ, chính vì bạn hiểu nó quá ít, bạn không có thời gian ở chung với nó, nhưng rồi một ngày nào đó, khi bạn hiểu sâu sắc, bạn sẽ phát hiện nó vốn không đẹp như trong tưởng tượng của bạn.



Hai nét chữ nhân

(Sưu tầm)



Chữ “nhân” tuy chỉ có hai nét, một nét phẩy một nét mác, nhưng lại không dễ viết. Hai nét này hàm nghĩa phong phú, triết lý sâu xa, không viết đúng được một nét thì không thể gọi là một đời người hoàn chỉnh đúng với ý nghĩa chân thực.

Một nét tả sự tiến lên phía trước, một nét tả sự lùi về phía sau
… đời người giống như việc leo núi, từng bước từng bước leo lên đỉnh, lại từng bước từng bước xuống núi. Thông thường việc xuống núi còn khó hơn lên núi. Người không khuất phục trước mọi khó khăn, không e sợ gian nan nguy hiểm, dũng cảm leo lên dĩ nhiên là rất đáng nể phục, nhưng người khi đã đến đỉnh lại không luyến tiếc chức vị cao mà can đảm lui xuống dòng nước xiết, có thể tiến có thể lui, chẳng bận tâm vinh nhục được mất lại càng đáng quý hơn.

Một nét tả thuận cảnh, một nét tả nghịch cảnh
… đời người có lúc gặp cảnh thuận lợi, cũng có lúc gặp phải cảnh khó khăn, thậm chí nghịch cảnh còn nhiều hơn thuận cảnh. Đối diện với những khó khăn, trắc trở, không thể chỉ biết oán trách, chìm đắm và tuyệt vọng, nghịch cảnh không thể khống chế số phận, chỉ có thái độ và biểu hiện mới có thể quyết định thành công và thất bại. Đứng trước những khó khăn trở ngại càng không thể trốn chạy, trực tiếp đối diện với hiểm nguy đôi khi chính là một con đường sống.

Một nét tả sự bỏ ra, một nét tả sự thu về
… ai ai cũng khao khát thành công, nhưng thành công có cái giá phải trả. Bỏ ra thêm một phần thì sẽ tích lũy được thêm một phần vốn, bỏ ra thêm một phần thì sẽ thể hiện được thêm một phần tài hoa, bỏ ra thêm một phần thì sẽ thu được thêm một phần thành công. Bỏ ra tuy sẽ mất đi nhiều thứ nhưng luôn được báo đáp, chỉ cần chúng ta có tâm thái tiến thủ tích cực thì sự mất mát cũng sẽ trở nên đáng yêu.

Một nét tả đạo đức, một nét tả tài năng
… “Đức” chính là linh hồn của con người. Tài chính là gan ruột của con người. “Đức” và “Tài” chính là nét phẩy và nét mác giữ vững chữ “Nhân”, người không có “Đức” thì không thành người, người không có “Tài” thì người khó đứng vững.

Một nét tả quyền lực, một nét tả trách nhiệm
… mỗi người đều có quyền làm người, đồng thời cũng gánh vác trách nhiệm làm người. Người không gánh vác trách nhiệm, không thực hiện nghĩa vụ, chỉ biết sống hưởng thụ, ngồi mát ăn bát vàng thì cũng giống như loài ký sinh trùng. Con người chính là một vai nhận quyền lợi, một vai gánh trách nhiệm để đi hết đường đời.

Một nét tả bằng hữu, một nét tả đối thủ
… sự trưởng thành của mỗi người không thể tách rời bạn hữu, thêm một người bạn thêm một con đường. Đồng thời sự trưởng thành của con người cũng không thể thiếu đối thủ. Đối thủ là người trợ giúp rèn luyện của người thành công, là người thầy giỏi của kẻ thất thế. Một người nếu không có đối thủ thì cuộc sống và công việc sẽ mất đi cảm hứng và sức sống, có đối thủ mới có cảm giác nguy cơ và năng lực cạnh tranh. Đôi khi bạn bè chính là đối thủ, nhiều lúc đối thủ lại là bạn bè, có bạn bè và đối thủ, đều không thể thiếu trong đời sống.

Viết được một chữ “nhân” chỉ cần hai nét, để làm được một con “người” lại cần cả một đời !

Gặp trên đường

- Trích “Phép Tắc Người Con”,Bài 10
- Theo Zhengjian,Kiến Thiện biên dịch



Gặp người lớn, nhanh đến chào
Người không nói, lùi cung kính
Phải xuống ngựa, phải xuống xe
Đợi người đi, hơn trăm bước
Người lớn đứng, nhỏ chớ ngồi
Người lớn ngồi, cho phép ngồi

Diễn giải

Trên đường gặp người lớn (người bề trên) thì phải mau chóng đến trước mặt hành lễ chào hỏi. Nếu người lớn không nói thì phải lùi sang một bên đứng cung kính. Cưỡi ngựa gặp người lớn thì phải lập tức xuống ngựa. Ngồi xe gặp người lớn thì phải lập tức xuống xe. Khi người lớn đi qua thì vẫn phải đợi một lát, đợi đến khi người lớn đi xa hơn trăm bước thì mình mới có thể đi. Khi người lớn đứng thì người nhỏ tuổi không được ngồi xuống. Khi người lớn ngồi, cho phép người nhỏ tuổi ngồi thì mới được ngồi xuống.

Câu chuyện tham khảo: DƯƠNG THỜI, DU TẠC ĐỨNG CHỜ TRƯỚC CỬA NHÀ HỌ TRÌNH KHI TUYẾT RƠI

Tiến sỹ đời Tống là Dương Thời và Du Tạc là hai trong tứ đại đệ tử của Trình môn (hai bậc đại sư Nho gia là thầy Trình Hạo và thầy Trình Di). Hai người từ Phúc Kiến xa xôi đến Hà Nam để bái sư cầu học, đã để lại giai thoại ngàn năm: “đứng chờ trước cửa nhà họ Trình khi tuyết rơi”.

Dương Thời từ nhỏ đã là một Thần đồng, rất giỏi văn chương, hơn 20 tuổi đỗ tiến sỹ, nhưng anh bỏ chức quan cao lộc lớn, đến xin học với thầy Trình Hạo. Khi đưa mắt tiễn đưa nhìn anh trở về quê, thầy Trình Hạo đã cảm khái nói: “đạo của ta tương lai sẽ được truyền ở phương Nam rồi”.

Du Tạc thuở thiếu thời tư chất thông minh dĩnh ngộ, xem qua là thuộc. Thầy Trình Di vừa nhìn thấy anh liền khen tư chất anh có thể truyền thừa được đạo của Nho gia.

Dương Thời và Du Tạc đầu tiên bái thầy Trình Hạo làm thầy. Sau khi thầy Trình Hạo mất, hai người đã 40 tuổi, cũng đã đỗ tiến sỹ từ trước đó lâu rồi, nhưng vẫn tiếp tục xin học với thầy Trình Di. Ban đầu Dương Thời và Du Tạc bái kiến thầy Trình Di, đúng lúc thầy đang nhắm mắt tĩnh tọa. Hai người cung kính lui ra ngoài cửa chờ đợi. Khi thầy Trình Di phát giác, thầy nhìn hai người và nói: “hai cậu vẫn còn ở đây à, trời tối rồi, đi về nghỉ ngơi đi”. Vừa ra khỏi cửa mới phát hiện rằng ngoài cửa tuyết đã rơi dày đến một thước.

Người đời sau dùng câu “trình môn lập tuyết” (đứng chờ trước cửa nhà họ Trình khi tuyết rơi) để ví với sự tôn sư trọng đạo, thành khẩn cầu học. Hai người sau này đều có thành tựu trong nghiệp học. Dương Thời làm quan đến trực học sỹ long đồ các (tức thư viện của hoàng gia), đồng thời đem những sở học truyền vào Phúc Kiến, trở thành “Mẫn học tỵ tổ” (Mẫn là tên gọi tắt của Phúc Kiến). Du Tạc làm các chức quan bác học, giáo sư Thái học, Giám sát ngự sử, Tri châu … Do Du Tạc có đức hạnh thuần khiết chính trực, làm việc khoan dung nhân hậu, nên những nơi ông đến làm quan, nhân dân đều kính yêu ông như kính yêu cha mẹ họ.

(Nguồn: “Nhị Trình ngữ lục” đời Tống)

Phụ chú

– Trình môn: anh em nhà lý học đời Bắc Tống: Trình Di, Trình Hạo. Họ cho rằng vạn sự vạn vật đều do “đạo” sinh ra, quân vương trị quốc phải “thực thi chính trị thuận theo đạo”, lấy đức làm chính, dùng pháp chế phụ thêm. Trình môn luôn luôn dạy học nghiêm khắc, thanh bạch, khắc khổ, nhưng người đến bái sư nườm nượp không ngớt, truyền đến Chu Hi thì thành tựu lớn. Tập sách chú giải Tứ thư (Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học, Trung dung) của Chu Hi trở thành căn cứ chính cho các kỳ thi khoa cử của ba đời nhà Nguyên, Minh, Thanh, do đó “Trình Chu lý học” được gọi là “Quan học”.

– Tiến sỹ: chế độ thi khoa cử thời xưa, dựa vào thành tích thi cử để tuyển chọn quan lại. Người thi đỗ trong cuộc thi điện (còn gọi là thi đình – cuộc thi cao nhất cấp quốc gia) được gọi là tiến sỹ.

Nguyên tác

路 遇 長 疾 趨 揖
長 無 言 退 恭 立
騎 下 馬 乘下 車
過 猶 待 百 步 餘
長 者 立 幼 勿 坐
長 者 坐 命 乃 坐

Âm Hán Việt

Lộ ngộ trưởng, tật xu ấp
Trưởng vô ngôn, thoái cung lập
Kỵ hạ mã, thừa hạ xa
Quá do đãi, bách bộ dư
Trưởng giả lập, ấu vật tọa
Trưởng giả tọa, mệnh nãi tọa

Chú thích:

• Tật: nhanh, nhanh chóng

• Xu: bước nhanh tới, đi nhanh đến

• Ấp: vái, lạy, chắp tay hành lễ

• Cung lập: đứng cung kính, lập nghĩa là đứng

• Do: vẫn còn, vẫn

• Đãi: đợi, chờ

• Dư: dư, nhiều hơn

• Mệnh: mệnh lệnh

• Nãi: mới

Người tốt số thường làm những việc này

(Sưu tầm)

Có rất nhiều người, theo đánh giá của người khác, họ là những người tốt số, dường như rất được ông trời chiếu cố, bình yên hưởng phúc cả đời. Cuộc đời họ, có thể là không thiếu cơm ăn áo mặc, có thể là không bao giờ phải lo nghĩ, làm gì cũng thuận lợi, gặp khó khăn cũng dễ dàng vượt qua …

Những việc đã qua không thể thay đổi được, nhưng cuộc đời hiện tại của mỗi người đều do chúng ta nắm bắt trong tay. Chỉ cần làm bốn việc mà những người tốt số hay làm dưới đây, chúng ta cũng có thể thay đổi vận mệnh cho chính bản thân mình.


❶ Tránh sát sinh

Sát sinh, theo nghĩa hẹp thì đó là một sinh mệnh, còn theo nghĩa rộng hơn, có thể bao hàm rất nhiều sự vật. Con người sống một đời khó có thể tránh được việc sát sinh, ăn cơm, uống nước có thể ăn cả vi khuẩn vào người, đi đường có thể giẫm chân lên côn trùng, kiến … Đây vốn dĩ là những điều hết sức tự nhiên, không thể tránh được. Nhưng cho dù là như vậy, chúng ta vẫn có thể khiến bản thân mình duy trì một trái tim lương thiện, đối đãi tử tế với thế giới này. Có thể vì công việc bận rộn, chúng ta không thể dành thời gian để tuyên truyền bảo vệ động vật, bảo vệ những thực vật quý hiếm, bảo vệ môi trường. Nhưng chúng ta vẫn nên làm hết khả năng của mình, bắt đầu từ thói quen nhỏ mỗi ngày, hạn chế tối đa việc sát sinh và yêu quý những động vật quanh mình. Chúng ta không cần phải ăn chay, nhưng cũng đừng trở thành người tùy tiện làm hại nguồn động thực vật quý hiếm.

❷ Hiếu thuận với Bố Mẹ

Tục ngữ có câu: “trong trăm điều thiện, chữ hiếu đứng đầu”, mỗi người đều nên tận hiếu với Bố Mẹ của mình.

Trong xã hội hiện đại này, chúng ta đôi khi vẫn nghe được những thông tin đau lòng như: nhiều người làm con bất hiếu, không quan tâm chăm sóc cha mẹ già mà chỉ chăm chăm trục lợi, đòi hưởng thừa kế, thậm chí đến mức cha mẹ già không chịu được phải kiện con ra tòa. Những người làm con như thế, nhất định không phải là người lương thiện, bởi vì, đến chính những người sinh ra mình, họ còn không hiếu kính, không tình nguyện bỏ công sức và tiền bạc ra chăm sóc, hành vi này có khác gì với con vật ?

Khi Bố Mẹ tuổi cao sức yếu, điều họ mong mỏi nhất chẳng phải là có con cái bên mình và được chúng quan tâm chăm sóc hay sao ? Lấy lý do là cuộc sống khó khăn, áp lực để rời xa Bố Mẹ, không quan tâm chăm sóc, hành vi này dù không bị người khác chỉ trích cũng khó tránh được mắt trời. Biết hiếu kính, chăm lo cho cha mẹ, đó là thiện cử lớn nhất ở đời, việc này không chỉ tốt cho bản thân mà còn để lại phúc đức cho cháu chắt đời sau. Con cái nhìn vào hành động của cha mẹ để học, làm gương cho con cũng chính là mở ra một tương lai đáng hy vọng cho chính mình.

❸ Vui vẻ giúp đỡ người khác

Giúp đỡ người khác ở đây muốn nói đến việc giúp đỡ người khác trong những cấp bách, giúp đỡ một cách thông minh chứ không mù quáng cứ được nhờ là giúp. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta khó có thể tránh được những lúc gặp chuyện không như ý. Gặp hoàn cảnh khó khăn thực sự, nếu chúng ta có điều kiện, hãy ra tay giúp đỡ người khác trong khả năng của mình, giúp họ vượt qua cửa ải khó khăn, làm lại cuộc sống, như thế đối với cả hai bên đều rất có ý nghĩa. Tất nhiên, chúng ta cũng phải giúp đỡ ở mức độ hợp lý, không nên quá đà kẻo đối phương lại được thế dựa dẫm, ỷ lại, như thế lòng tốt của chúng ta sẽ bị lợi dụng và trở nên mất giá trị.

❹ Đối đãi tử tế với bản thân

Đối đã tử tế với người khác là một kiểu mỹ đức, đối đãi tử tế với bản thân là một kiểu trí tuệ, mỗi người nên đối xử tử tế với mình theo cách nào ? Chỉ cần có thể chăm sóc tốt sức khỏe bản thân, duy trì một cơ thể thật khỏe mạnh, một trái tim bình an và một tinh thần luôn thoải mái, đó đã là đối xử tử tế với bản thân rồi. Khi mỗi người có thể đối đãi tử tế với bản thân, không bị bệnh tật làm phiền, chúng ta mới có thể thoải mái vô tư chăm sóc cho Bố Mẹ, yêu thương gia đình, quan tâm đến bạn bè.

Bốn việc trên, nếu làm tốt và trong lòng thoải mái, không mong cầu báo đáp, cuộc đời của chúng ta sẽ có được sự thay đổi tích cực lúc nào không hay.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|72|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Mọi thứ đều vô thường, khi cảm nhận được sâu sắc điều này, người ta sẽ không còn đau khổ và bất an nữa, suy nghĩ đó là con đường đi xuyên qua những giông bão trong cuộc sống”.

Vì nghĩ còn cơ hội để làm lại, nên nhiều người vẫn chưa nỗ lực hết mình, để cả đời phải loay hoay mãi trong thất bại.

Vì nghĩ vẫn còn ngày mai để bù đắp lại, nên nhiều người vẫn còn lần lựa chưa chịu thương nhau, rồi cả đời chẳng chân thành tử tế yêu thương nhau được mấy khi.

Vì nghĩ phía trước vẫn còn ngày rộng tháng dài, nên còn phung phí hiện tại để chờ đợi mong ngóng những mịt mù xa xăm.

Vì nghĩ vẫn còn gặp lại, nên còn cất trong lòng những lời chưa nói, chờ lần sau.

Ai cũng biết thời gian sẽ trôi qua nhanh, rất nhanh, nhưng có lẽ ít ai nhận ra, dù trôi qua nhanh thế nào, thời gian cũng phải đi qua tay chúng ta một lần rồi mới biến mất. Người hiểu ta muốn nói gì đúng không ? Cuộc sống ấy mà, luôn đặt vào tay chúng ta cơ hội có tên “hiện tại”, nên - nếu mất thì cũng từ tay chúng ta mà mất, do lòng còn động niệm để đôi tay còn lơ đãng, không thể trách ai.

Người ngủ an.



D.P.A (83)

(Ca dao Phật giáo)

Cha Mẹ nhận một đời bão tố
Để cho con mãi mãi bình yên



11 qui tắc nhân quả trong đời, hiểu thấu ắt sẽ có được bình an

(Sưu tầm)



Người thân có thể là bạn tốt từ đời trước. Bạn thân đa phần là người thân ở đời trước. Những người hay gây phiền hà cho bạn lại là những người kiếp trước bạn từng làm họ tổn thương. Cho nên nhất định phải thiện đãi những người thân bên mình, quan tâm tới bè bạn xung quanh, khoan dung với những người làm tổn thương bạn. Bởi lẽ đây chính là nhân quả.

Trong đời này, những người cam tâm tình nguyện chịu thiệt, cuối cùng lại không phải chịu thiệt. Bởi người có thể chịu thiệt, nhân duyên ắt sẽ tốt. Mà người có nhân duyên tốt cơ hội tự nhiên sẽ nhiều …

Những người thích chiếm lợi của người khác, cuối cùng cũng không chiếm được gì, tưởng là “thả con săn sắt bắt con cá rô”, ai ngờ lại “mất cả chì lẫn chài”. Về cơ bản là họ đều chẳng có thành tựu gì đặc biệt.

Trong tâm không khiếm khuyết thì gọi là phú, được người khác cần tới thì gọi là quý. Vui vẻ không phải là một kiểu tính cách, mà là một năng lực được tôi luyện.

Cười nhìn gió thoảng mây trôi, ngồi nhìn gió đẩy mây dồn, cuộc đời thật bình yên biết bao. Không tranh với người là từ bi, không biện minh là trí huệ. Tai không nghe thì thanh tịnh, mắt không nhìn thì tự tại. Tha thứ thì được giải thoát, biết đủ sẽ có thể buông.

Có bảy mẫu người đáng trân quý

⒈ Hãy trân quý người chủ động gọi điện, nhắn tin cho bạn, bởi vì chẳng ai ăn no rồi lại nhàn nhã mà huyên thuyên với một người mình chẳng quan tâm.

⒉ Hãy trân quý những người luôn ở bên bạn mỗi khi bạn buồn hay cảm thấy tổn thương, bởi vì điều này chứng tỏ bạn có vị trí rất quan trọng trong trái tim họ, chứ không chỉ là người qua đường.

⒊ Hãy trân quý những người đặc biệt dành cho bạn, người này chắc chắn là hy vọng bạn có thể nhớ về họ nhiều hơn một chút.

⒋ Hãy trân quý những người thường trêu đùa bạn, điều này chứng tỏ rằng trong trái tim người này bạn có một sức nặng nhất định.

⒌ Hãy trân quý người thường giúp đỡ bạn, người có thể không tiếc sức mình vì bạn chỉ cần họ có thể làm được, bởi vì khi bạn gặp khó khăn, những người bạn đã từng giúp đỡ có lẽ sẽ rời xa bạn.

⒍ Hãy trân quý những người chịu ngậm oan vì bạn, bởi lẽ trong thế giới này không phải ai cũng dám đứng ra bảo vệ bạn.

⒎ Hãy trân quý những người ngốc nghếch và vô năng, bởi vì chắc chắn họ sẽ là những người đi cùng bạn tới tận cuối con đường. Những người hay mưu tính lại sớm vứt bỏ bạn.

Cũng đừng quên, bốn nỗi khổ trong đời người

⒈ Nhìn không thấu
Nhìn không thấu những nỗi đau âm ỉ sau những nút thắt, những tranh đấu giữa người với người. Nhìn không thấu sự bình yên phía sau cảnh phồn hoa, huyên náo.

⒉ Không thể xả bỏ
Không thể xả bỏ những tháng ngày huy hoàng đã qua. Không thể xả bỏ hư vinh khi đứng trên đỉnh cao và những tràng vỗ tay tán thưởng khi đắc ý.

⒊ Không thể thua
Không thể thua sự mất mát trong một cuộc tình. Không thể thua sự thất bại trong kiếp người.

⒋ Không thể buông
Không thể buông những người và những việc đã trôi xa. Không thể buông những lời thị phi đúng sai sớm đã bị bụi hồng trần phong kín.

Cuối cùng, có 11 quy tắc nhân quả, hiểu thấu bạn ắt sẽ có được bình an:

- Thích phó xuất thì phúc báo ngày càng nhiều.

- Thích cảm ơn thì thuận lợi ngày càng nhiều.

- Thích giúp đỡ người khác thì quý nhân ngày càng nhiều.

- Thích oán trách thì phiền não ngày càng nhiều.

- Thích biết đủ thì niềm vui ngày càng nhiều.

- Thích trốn tránh thì thất bại ngày càng nhiều.

- Thích nổi giận thì bệnh tật ngày càng nhiều.

- Thích chiếm lợi thì nghèo khó ngày càng nhiều.

- Thích bố thí tiền tài thì phú quý ngày càng nhiều.

- Thích hưởng phúc thì khổ đau ngày càng nhiều.

- Thích học tập thì trí huệ ngày càng nhiều.

Trên đời này luôn tồn tại luật nhân quả, bạn đã thấu được bao nhiêu trong số 11 quy luật này ?

Nghĩa Mẹ - Tình Cha

(Nguyễn Minh Anh)



Ngày còn trong nôi đến khi lớn khôn nên người
một lời cảm ơn con chưa nói thành câu
Mẹ chín tháng cưu mang đau đớn khi con ra đời
thân cò lặn lội bờ ao
chỗ ướt Mẹ nằm dành chỗ ráo cho con

Một đời gian nan Cha gánh vác nuôi gia đình
tình Cha thiết tha mãi chở che đời con
dạy con chữ nghĩa nhân, lẽ sống ở trên đời
âm thầm trọn tình yêu thương
như ánh mặt trời Cha soi lối con đi

Ôi, nghĩa Mẹ tình Cha như núi cao biển lớn sông dài
dẫu có ai đếm hết sao trời
thì cũng không đếm nổi nghĩa tình
sâu nặng của Mẹ Cha
một đời vì con, Cha bôn ba dãi dầu mưa nắng
Mẹ nặng gánh lưng còng nuôi con lớn khôn

Ôi, nghĩa Mẹ tình Cha công dưỡng nuôi
ân đức sinh thành
chữ hiếu sao đền đáp cho tròn
nào mấy ai lấy thước đo được
tấm lòng của Mẹ Cha
một đời nuôi con công ơn như biển hồ lai láng
con nuôi Cha Mẹ đành sao tính tháng tính ngày

Phận làm con, chữ HIẾU xin đừng quên
Người ơi hãy nhớ:
“Còn Cha còn Mẹ thì hơn
Không Cha không Mẹ như đàn đứt dây”


Con về tu học Vu Lan

(Thích Tánh Tuệ)

Con về tu học Vu Lan
Phước lành xin nguyện cúng dàng Mẹ Cha
Tâm thành con cắp thay hoa
Cầu cho Cha Mẹ tuổi già an vui
Nguyện cho tất cả mọi người
Vu Lan Thắng Hội đẹp ngời HIẾU TÂM

Câu chuyện: chén cơm thừa còn lại

(Sưu tầm)



Câu chuyện về người mẹ nghèo chịu đói nhường cơm cho các con, rồi lén con ăn vội chén cơm thừa còn lại đã khiến bao người rớt nước mắt.

Cô con gái kể lại:

❝Tôi về đến nhà đã hơn 7 giờ tối. Mẹ và em đang ăn cơm. Thấy tôi, Mẹ liền hỏi:

- Sao con về tối thế ?

- Dạ, hôm nay học năm tiết.

Rồi không biết tôi đã ăn gì chưa, Mẹ liền lấy chén đũa bảo tôi ngồi vào mâm. Bữa ăn thật đạm bạc, chỉ vài con cá nhỏ và một đĩa rau luộc. Như thế cũng là quý lắm rồi. Gia đình đang lúc khó khăn bữa ăn làm sao sung túc được.

Lúc trưa vì sợ trễ học nên tôi không ăn cơm, chỉ lót bụng bằng một ổ bánh mỳ. Chính vì thế mà giờ này tôi ăn một cách ngon lành, cảm thấy ngon miệng hơn bao giờ hết. Tôi vùi đầu vào mâm cơm mà không hay Mẹ tôi đã đứng lên tự lúc nào, rồi lại mang lên một đĩa trứng chiên. - Con và em cứ ăn cho no đi.

- Mẹ ăn thêm cơm.

- Khi chiều Mẹ có ăn mấy củ khoai luộc ở nhà cô Hai nên vẫn còn no.

Tôi nhìn kỹ Mẹ, những nếp nhăn lại hằn sâu hơn và tóc Mẹ cũng bạc nhiều hơn. Mẹ ngồi nhìn hai anh em tôi ăn, đôi mắt Người ánh lên niềm sung sướng. Thì ra một hạnh phúc nữa của Mẹ là được nhìn thấy những đứa con ăn uống ngon miệng. Hạnh phúc của người mẹ sao mà đơn giản và nhỏ bé ...

Cơm nước xong, tôi dạo bước ra trước hiên nhà thì gặp thằng bạn.

- Về lúc nào đó ?

- Mới về.

- Có ca nhạc ở nhà văn hoá. Đi xem với mình nhé.

Tôi vào nhà thay áo quần rồi xuống bếp xin Mẹ đi xem ca nhạc. Tôi sửng sốt khi nhìn thấy Mẹ đang ăn chén cơm thừa còn lại hồi nãy cùng với một chút rau. Tôi đứng như trời trồng, cổ họng nghẹn lại không nói nên lời ...❞


Câu chuyện tuy ngắn nhưng cũng đủ để khiến những đứa con phải suy nghĩ. Từ những quan tâm dường như rất nhỏ của Mẹ, đến khi chúng ta nhận ra mới thấy nó to lớn và ý nghĩa biết bao.

D.P.A (82)

(Ca dao Phật giáo)

Khuyên ai ăn ở cho lành
Kiếp này chẳng gặp để dành kiếp sau



Everyday is a new day

(Carrie Underwood)

Every day is a new day, and you'll never be able to find happiness if you don't move on.

╰▶ Mỗi ngày đều là một ngày mới, và chúng ta sẽ chẳng thể tìm thấy hạnh phúc nếu như chúng ta không tiến về phía trước.



Chấp nhận - Thay đổi - Rời đi

(Sưu tầm)

Nếu chẳng thể chấp nhận thì hãy thay đổi, nếu chẳng thể thay đổi thì hãy rời đi, sống trên đời hà tất phải quá cố chấp, nhưng vẫn phải thành thực đối diện với trái tim mình.

● CHẤP NHẬN

Đừng hỏi người khác vì sao, hãy tự hỏi mình dựa vào điều gì mà đòi hỏi họ.

Có người đối tốt với bạn là vì bạn cũng đối tốt với họ. Có người tử tế với bạn, là vì họ trân trọng điểm tốt của bạn. Sở dĩ khoảng cách đáng sợ, bởi lẽ về căn bản, bạn không thể biết được người ta còn nhớ tới mình hay đã quên.

Vẻ đẹp chân chính không phải nằm nơi dung mạo tuổi thanh xuân, mà nở hoa trong đáy mắt và ẩn sâu nơi tâm hồn bạn.

Người lạc quan chỉ thích mỉm cười mà quên đi oán giận. Người bi quan chỉ nhớ tới oán giận mà quên mất nụ cười.

● THAY ĐỔI

Dẫu là tình yêu hay tình bạn, thì mục đích cuối cùng cũng không phải là tìm một chốn đi về, mà là đôi bên cùng thấu hiểu, âm thầm kết nối hai tâm hồn lại với nhau.

Bên nhau là vì muốn tìm một người có thể vừa dạo bước vừa huyên thuyên những chuyện trên trời dưới đất, dù bất cứ khi nào, trong bất cứ tâm trạng nào. Đừng mong chờ rằng tất cả mọi người đều sẽ hiểu bạn, bởi lẽ mỗi người là một thực thể riêng biệt và có những sở thích riêng.

Rất nhiều người nói rằng: “tôi cũng không biết bản thân mình muốn gì nữa”, hàm nghĩa thực sự của câu này là: “tôi không có đủ dũng khí đối diện với điều mình mong muốn”.

Kỳ thực người khác nhìn bạn thế nào không quan trọng. Điều quan trọng duy nhất là hãy thực sự là chính mình và thấu hiểu tâm trạng hiện tại, dám thay đổi khi cần thiết.

● RỜI ĐI

Mỗi ngày thức giấc chúng ta đều phải mạnh mẽ hơn ngày hôm qua. Hãy nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi của bạn, lau khô những giọt nước mắt của bạn. Cuộc sống giống như chuyến lội ngược dòng, rất nhiều người ban đầu bôn ba vì mơ ước, nhưng sau này lại bận rộn tới quên cả ước mơ.

Những điểm khác biệt của bạn, vào thời khắc bạn thành công, sẽ được người khác coi là điều đặc biệt. Vậy nên hãy là chính mình, đừng bước trên con đường mà người khác vẽ ra cho bạn.

Nếu chẳng thể chấp nhận thì hãy thay đổi, nếu chẳng thể thay đổi thì hãy rời đi.

Trước những thăng trầm

(Thích Nhật Từ)

Thăng trầm được mất ... vẫn vui cười
Thế sự bại thành há mấy mươi
Năm tháng định thiền, thông mấy kiếp
Sớm hôm tỉnh thức, rõ bao đời
Công danh, phú quí: vờn sương cỏ
Vinh nhục, thị phi: thoảng ráng trời
Bỉ thử, ngã nhân ... rơi rụng hết
Tình thương trang trải, thắm lòng người



Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|71|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Cả ngày chỉ đuổi theo những điều phù phiếm, chỉ nhớ những điều không đáng, chỉ nói những lời không hay, chỉ làm những việc không tốt ... luôn tránh né những việc cần làm, luôn thiếu một chút can đảm để có thể bắt tay vào những việc làm ý nghĩa, quay lưng lại với những điều thiện rồi mải miết đuổi theo giông gió. Những người như vậy, dù luôn nói: cần bình yên, sợ bão giông, thì cũng chỉ là lời nói suông vậy thôi”.

Cỏ cây vẫn phải chết khát khi những cơn sấm rung cả đỉnh trời nhưng chẳng mang mưa về.

Mặt đất vẫn khô nứt toác ra khi những đám mây đen kéo nhau về tụ rồi tan.

Người không thể bình yên khi chỉ nói: “muốn bình yên” rồi chẳng làm gì cả, vẫn suy nghĩ những điều, vẫn nói những lời, vẫn làm những việc để cuộc đời mình không được bình yên như ngày xưa.

Nói “muốn nhẹ” nhưng không chịu đặt xuống, nói “muốn thoát ra” nhưng lại cột thêm vào, cuối cùng, đó cũng chỉ là lời nói suông vậy thôi.

Đường trần dài dằng dặc, chẳng lo gì không tìm thấy được cho mình niềm vui mới, chỉ lo không đủ dũng khí để từ bi mà mở tay ra đặt xuống nỗi buồn đã cũ.

Nhân gian rộng mênh mông, chẳng lo gì không tìm thấy được cho mình một buổi sớm mai bình yên, chỉ lo đôi chân còn cố chấp do dự loanh quanh tìm về lại những ngày buồn đã qua.

Người tối an.



Tình cảm đôi lứa có thể là bẫy của nghiệp duyên

(Sưu tầm)



Ta gặp một người nào đó, bất ngờ làm cho ta thương yêu tha thiết, thì hoặc ta với người đó thực sự có duyên nợ, người đó đến đòi nợ (hoặc trả nợ) mình, hay có thể đó là một cái ác duyên dụ ta chuẩn bị bước vào con đường tăm tối, sai lầm để chịu nghiệp báo ... Vì sao lại có chuyện đó ?

Khi nam nữ gặp nhau ta cảm thấy xúc động mạnh, thường đó là do dòng nghiệp dẫn. Nghiệp duyên dẫn hai người gặp nhau cho dù hai người có cách nhau nửa vòng trái đất (nên có câu: hữu duyên thiên lý năng tương ngộ), nghiệp làm tâm ta cảm thấy động chứ không phải như lời bài hát “lúc đầu gặp em/anh tinh tú quay cuồng, lòng đang giá băng ngập tràn muôn tia nắng …”. Hễ thấy tâm mình động mạnh thì phải biết đó là nghiệp dẫn, thì ta phải lo sám hối, lo tu, và tâm phải tỉnh chứ không được để nghiệp xưa cũ đưa đi vào con đường đen tối.

Đừng cảm thấy tâm mình dao động mạnh lên là mình cứ bán sống bán chết chạy theo cái động đó để mà gây tạo tội lỗi và chịu nghiệp báo của dòng nghiệp duyên này, đôi khi có một số trường hợp không làm chủ được thâm tâm nên bị dòng nghiệp duyên này cuốn xa và cứ thế nghiệp đưa đến cho ta tình huống thuận lợi để tạo tội vô cùng to lớn và chịu quả báo vô cùng thảm khốc. Khi ta bị tiếng sét ái tình thì có thể đó là một nhân duyên đời trước nào đó hoặc một ác nghiệp (thiện nghiệp) đang khởi lên.

Thường thì hầu hết con người ta không ai nhìn thấu nghiệp báo nhân quả và không thắng nổi nghiệp dụ nên hầu hết chúng ta sẽ bước vào cái bẫy đó. Muốn thắng được nghiệp dụ thì trước tiên con người ta phải thật vững tâm không dao động, và đừng tin vào những cảm xúc đó mà tự mình bước vào bẫy của dòng nghiệp, trước những cảm xúc như vậy ta hãy cẩn thận, và sau cùng thì phải sám hối, tu thiện, giúp người ... và phát nguyện để thắng nghiệp dụ. Vì rằng kiếp sống con người chỉ là một giai đoạn trong dòng chảy luân hồi, kiếp này nối tiếp kiếp khác, thừa hưởng và kế thừa lẫn nhau.

Con người gặp nhau là bởi chữ DUYÊN, sống và yêu nhau là bởi chữ NỢ. Nhiều cặp vợ chồng đôi lứa đang sống với nhau mà một trong hai người bỗng có tình cảm với người khác (người này lại có duyên nợ của tiền kiếp do nghiệp duyên dẫn đến đòi nợ hay trả nợ), dẫn đến chuyện chia tay là bởi vì người đó bị động tâm không làm chủ được mình và bị dòng nghiệp duyên cuốn trôi nên không thắng nổi bẫy nghiệp (nghiệp dụ). Những người trần sẽ nói người kia là trăng hoa, đểu cáng ... Nhưng thật ra có thể đó là người ta đã trả xong hết nợ và lại không làm chủ được hôn nhân nên bị dòng nghiệp duyên cuốn đi và để trả thêm món nợ khác nữa.

Tình duyên, thường đó là nợ kiếp trước của ta. Vì tình cảm vợ chồng có sự luyến ái, nhưng khi ta chấp nhận trả là ta lại đi gieo thêm nghiệp duyên mới. Tình cảm vợ chồng kiếp này thực chất chính là tình cảm gia đình của các kiếp trước. Nếu ta có đạo nhãn thì sẽ nhìn thấy những tiền kiếp của ta, thì ta sẽ biết người ta yêu kiếp này là người nhà của ta của các kiếp trước như: cha, mẹ, anh, chị, em, vợ, chồng, con, cái ...

Xưa có câu chuyện như sau: có người bà vì quá thương đứa cháu mình, mà lúc xuôi tay nhắm mắt vẫn không muốn xa cháu, cháu bà năm đó nhỏ tuổi, rất quấn quýt bên bà, khi bà chết muốn cứ muốn quay lại chăm sóc đứa cháu, khi sống bà không tạo tội ác nên chết cũng không phải đọa vào địa ngục mà bà khởi lên ý niệm này, nên dòng nghiệp duyên này có thể quyết định cho bà đầu thai lại và làm vợ cháu bé để sau này chăm sóc nó suốt đời.

Do vậy ta thấy tình cảm gia đình khiến ta vướng mắc nhiều kiếp mà không sao thoát ra được. Ta lập gia đình, sinh con đẻ cái, rồi lúc chết lo lắng không biết mình chết rồi thì con mình ai lo ... Vì ý niệm ấy có thể dòng nghiệp duyên lại cho đi đầu thai lại để tìm cách chăm sóc nó. Do vậy, nói tình yêu càng trả chỉ càng gieo. Nên ta không nên quá yêu thương luyến tiếc là vậy. Nếu có trả thì nên trả bằng hình thức làm phước ... (như giúp người từ thiện), ta trả món nợ này cho đời thì vẫn ít đau khổ hơn là việc nợ nần nhau nhiều mà trả bằng sống đời vợ chồng hay con cái.

Còn hiện tượng nhớ thương ai đó thực chất là cái bẫy của Nghiệp. Cảm giác đó không có thật, chỉ dẫn dụ ta để ta rơi vào cuộc sống vợ chồng để rồi trả nợ nhau. Vợ chồng lấy nhau thực chất đa số là để trả nợ nghiệp, còn để hưởng phước thì thấy rất hiếm, nếu nợ nần nhau mà cả hai người đều không rõ tường tận của dòng nghiệp duyên thì sống chung để làm khổ nhau và hành hạ nhau thôi, nhưng nếu có nợ nần nhau mà cả hai hiểu được dòng nghiệp duyên này mà sống có trách nhiệm thông cảm, yêu thương ... lẫn nhau, thì có thể hoá giải được nợ nần và nghiệp duyên này.

Những ai lấy nhau sinh con đẻ cái mà cả gia đình đều hạnh phúc thì đó thiện duyên của tiền kiếp của họ, có thể do cả nhóm người cũng làm các điều thiện lành giúp người và không nợ nần nhau từ tiền kiếp nên chung lại làm một gia đình để hưởng phước và ngược lại. Nhưng thường hai người lấy nhau không khổ vì chồng hay vợ thì cũng khổ vì con cái. Nếu ở đây có ai chưa lập gia đình mà chưa hiểu hết nghiệp duyên (nhân quả - nghiệp báo) thì xin đừng dại dột mà lập gia đình sớm. Còn nếu ta muốn thoát khỏi tình trạng yêu đương thương nhớ hiện giờ thì ta phải hướng thiện, giúp người, làm điều thiện lành … sám hối ... và phát nguyện như sau: “từ trong vô minh vô lượng kiếp nợ nần ai hay đã lỡ hứa hẹn thề non hẹn biển với nhiều người, xin Ngài (đấng mà bạn tôn thờ như Phật, chúa Giêsu ...) cho con sám hối xoá hết những lời ước hẹn đó để con không phải rơi vào bẫy nghiệp duyên của cuộc sống vợ chồng đau khổ”.

Nên nhớ, khi ai nói lời yêu thương mình và khiến mình yêu thương họ thì thật ra họ đang đến đòi nợ mình. Nợ nần nhau, lấy nhau về mà cả hai chưa hiểu hết nghiệp duyên để yêu thương và thông cảm cho nhau, cứ sống rồi để bị dòng nghiệp cuốn thì đa số là để hành hạ nhau là chính thôi. Sự nhớ nhung, yêu mến ai đó ví như con mồi gắn vào móc câu để bẫy con cá. Một khi con cá cắn mồi câu rồi thì khổ cả đời. Nên mong những ai chưa cắn câu, thì ngay bây giờ hãy sám hối, hướng thiện, giúp người ... và phát nguyện ... và hiểu thêm về dòng nghiệp duyên này mà sống yêu thương và thông cảm với nhau để không bị dòng nghiệp nó cuốn theo.

Kết:

Nếu bạn đã hiểu về dòng nghiệp duyên này rồi, muốn tránh bẫy nghiệp (nghiệp duyên) đòi nợ bạn thì rất đơn giản, trước khi lấy vợ/chồng (hoặc đã lấy vợ/chồng) thì ngay từ bây giờ bạn hãy thành tâm sám hối, hướng thiện, giúp người và làm thật nhiều điều thiện lành ... và phát nguyện trước đấng mà bạn tôn thờ để từ đó hãy sống với nhau để thông cảm và yêu thương lẫn nhau thì gia đình bạn có thể sẽ tránh được bẫy nghiệp này, để từ đó sẽ đưa gia đình bạn đến một cuộc sống gia đình vui vẻ và hạnh phúc.


* Có thành tâm thì mọi chuyện sẽ ổn.

D.P.A (81)

(Tâm)

T Â M

… vẫn bình an trong thế giới bất an

… vẫn bất biến giữa dòng đời vạn biến



Khi ai đó bỏ một nhúm muối vào cuộc đời bạn

(Thích Tánh Tuệ)

… Bạn biết không, khổ đau trong cuộc đời này giống như muối vậy. Số lượng muối luôn giữ nguyên, chẳng hề thay đổi. Nhưng khối lượng khổ đau chúng ta phải thọ nhận còn phụ thuộc vào chiếc “bình chứa” của nó. Vậy nên, khi ta đau khổ, điều duy nhất nên làm là mở rộng tầm nhìn ra. Đừng an phận làm một ly nước, hãy trở thành một hồ nước hay một dòng sông hòa tan mọi hết đau đớn trong cuộc đời này.

Đúng như lời những vị thiền sư nói, mỗi con người trong đời đều phải trải qua nhiều khó khăn hay đau đớn, nhưng quan trọng là cách chúng ta nhìn nhận vấn đề. Nhìn xa hơn một chút, có lẽ chúng ta sẽ nhận thấy được nhiều điều tích cực, và rồi nhận ra đớn đau hay gian khó cũng chẳng hề gì, ta vẫn có thể vui vẻ, hạnh phúc ... nếu ta thực sự muốn. Vấn đề như thế nào không quan trọng, điều tất yếu là ta chọn cách đối mặt với nó ra sao. Bạn chọn trở thành một ly nước hay cả một hồ nước ?

Mỗi khi bạn cảm thấy buồn phiền hay chán nản, cảm thấy cuộc sống mình không hạnh phúc, không như mong đợi, thì hãy nhớ lấy điều này: “một nhúm muối nếu bỏ vào một cốc nước, cốc nước ấy có thể không còn uống được, nhưng nếu được bỏ vào một hồ nước thì nguồn nước ấy vẫn trong ngọt, vì thế, vấn đề không chỉ đơn thuần là có hay không có một ai đó bỏ một nhúm muối vào cuộc đời bạn, mà còn là ở trái tim bạn là một hồ nước lớn hay chỉ là một cốc nước nhỏ bé”.

Nếu đời quăng trái chanh
Nhớ làm ly giải khát
Nhỡ gặp người tệ, ác
Biến rác thành bông hoa
Đừng quan trọng thái quá
Mọi việc nơi trần gian
Chuyện chi rồi cũng vậy
Có tụ thi có tan …

Pháp ngữ (60)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Người trì giới thì làm tự tánh thanh tịnh, quét sạch mọi thứ đen đủi xấu xa trong tự tánh đi.

Hạnh phúc thật gần

(Thích Tánh Tuệ)

Này em …
 có phải khi mình mất đi hạnh phúc
 thì mới hay ... hạnh phúc có trong đời
 có phải khi mình mất đi người Mẹ
 mới thật lòng gọi hai tiếng: “Mẹ ơi !”


Có những mai nụ hồng ngoài hiên nở
Chân em qua, không buồn ngắm một lần
Chợt chiều hôm gió về làm hoa vỡ
Nhìn phai tàn, rồi cúi xuống bâng khuâng

Có một người trải qua lần hoạn nạn
Mãi về sau khép lại “cửa tâm hồn”
Từ khi mắt thôi nhìn đời sáng lạn
Ngọc châu và đôi mắt, quý nào hơn ?

Ai cũng sống bằng con tim, nhịp thở
Mà quên đi hơi thở vốn nhiệm mầu
Cơn đau đến, muộn màng lòng chợt hiểu
Trút hơi tàn ... đời sống sẽ còn đâu

Có phải khi bên đời xa vắng Mẹ
Mình mới hay, Mẹ ... tất cả trong đời
Có phải khi Cha tạ từ dương thế
Cuộc chia lìa mới thấm nỗi đơn côi

Em tôi hỡi, hãy về hôn lấy Mẹ
Ôm lấy Cha, thảo hiếu với huyên đường
Là đôi mắt, là hoa, hơi thở nhẹ
Hãy ân cần gìn giữ lấy mà thương

Chớ để khi mình mất đi hạnh phúc
Biết - vòng tay yêu dấu đã xa rồi
Em có biết tôi mơ hoài bé dại
Được Mẹ bồng ... ru giấc ngủ à ơi



What we get, what we give

(Winston Churchill)

We make a living by what we get, but we make a life by what we give.

╰▶ Chúng ta tồn tại nhờ những gì nhận được, nhưng chúng ta sống nhờ những gì chúng ta cho đi.



Phật nói: ai trong chúng ta cũng có bốn người bạn đời

(Sưu tầm)



Phật dạy ai trong chúng ta cũng có bốn người bạn đời, người thứ tư quan trọng nhất nhưng thường bị xem nhẹ, bỏ bê. Nếu sớm thấm nhuần được triết lý này, có lẽ nhiều người đã có một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Người sáng lập Phật giáo Tất Đạt Đa Cồ Đàm là một triết gia, học giả, sống ở Ấn Độ cổ đại khoảng giữa thế kỷ thứ VI và IV trước Công nguyên. Về sau, hậu thế đã tôn vinh Ngài là Đức Phật Gautama, hay Phật Thích Ca Mâu Ni.

Mặc dù sống cách chúng ta đến cả mấy ngàn năm, nhưng những tư tưởng tân tiến, thể hiện tầm nhìn xa và rất sâu rộng cũng như sự uyên thâm của Ngài vẫn có giá trị thời đại và có thể áp dụng cho hậu thế trong việc nhìn nhận thế giới xung quanh, cũng như tìm ra lời giải cho những thắc mắc của họ trong cuộc sống.

Một trong những triết lý do Ngài rao giảng, có một điều đã được nhiều người biết tới và coi là kim chỉ nam trong cuộc sống, đó chính là tư tưởng “ai trong chúng ta cũng có bốn người bạn đời”. Nhưng trước hết, muốn hiểu được điều này, chúng ta hãy cùng nghe một câu chuyện ngắn về một người đàn ông và bốn bà vợ.

Có một người đàn ông có bốn bà vợ. Đây không phải điều gì bất thường, vì ở Ấn Độ thời cổ đại, điều này là hợp pháp. Một ngày kia, người đàn ông này bỗng dưng ngã bệnh và sắp chết. Lúc lâm chung, ông cảm thấy vô cùng cô đơn, và yêu cầu người vợ đầu tiên đi cùng mình sang thế giới bên kia. “Vợ yêu quý, lúc nào tôi cũng yêu bà, chăm sóc cho bà trong suốt cuộc đời, giờ tôi sắp chết rồi, bà có thể đi cùng với tôi sau khi chết được không ?”. Ông mong chờ lời đồng ý của người vợ, tuy nhiên, bà lại đáp rằng: “chồng yêu quý, tôi biết lúc nào ông cũng yêu tôi, và ông sắp qua đời, nhưng giờ đã đến lúc chúng ta chia tay, tạm biệt chồng yêu dấu nhé”.

Lúc này, người đàn ông đành gọi người vợ thứ hai đến bên giường và cầu xin bà hãy đi theo ông tới cõi vĩnh hằng. “Bà ơi, bà biết tôi vẫn luôn yêu bà như thế nào mà. Đôi khi tôi sợ bà sẽ rời xa tôi, nhưng tôi rất tin vào bà. Bà hãy đi cùng tôi nhé” - người đàn ông khẩn khoản. Song, người vợ này cũng lại đáp lại một cách lạnh lùng: “người vợ đầu của ông đã từ chối đi cùng ông xuống cõi âm rồi, làm sao tôi có thể đi theo ông được, ông chỉ yêu tôi vì sự ích kỷ của ông thôi”.

Nằm trên giường trong cơn hấp hối, ông đành gọi đến bà vợ thứ ba cũng với yêu cầu như trên. Tuy nhiên, người này cũng từ chối: “chồng yêu dấu, tôi rất thương ông và buồn cho phận mình, vì thế tôi sẽ đưa tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng, đây cũng là việc cuối cùng mà tôi có thể làm cho ông”.

Cuối cùng, chỉ còn lại người vợ thứ tư, người mà ông không mấy quan tâm, ông đã đối xử với người này như với một nô lệ và luôn thể hiện sự khó chịu với cô. Vì vậy ông nghĩ, giờ nếu yêu cầu cô ấy cùng chết với mình, chắc chắn cô ấy sẽ từ chối. Dù vậy, sự cô đơn và nỗi sợ hãi của người sắp lìa xa cõi đời đã cho ông can đảm để đưa ra lời đề nghị như với ba bà vợ kia. Thật bất ngờ là người vợ này đã đồng ý yêu cầu của chồng. “Chồng yêu quý, em sẽ đi cùng anh, cho dù điều gì có xảy ra, em cũng sẽ quyết tâm ở bên anh mãi mãi, em không thể sống xa anh được”.

Vậy câu chuyện này có ý nghĩa gì ? Bạn hiểu nó như thế nào ? Dưới con mắt của Đức Phật Tất Đạt Đa Cồ Đàm, câu chuyện này ẩn chứa một nội hàm sâu sắc, thâm thúy, vượt lên trên một câu chuyện về gia đình Ấn Độ thông thường thời cổ đại. Theo Đức Phật, trong chúng ta, dù là nam hay nữ đều có bốn người bạn đời.

NGƯỜI BẠN ĐỜI THỨ NHẤT: chính là cơ thể chúng ta. Bất kể lúc nào chúng ta cũng yêu quý bản thân mình. Chúng ta tắm rửa, ăn uống, làm đẹp, chăm sóc, cung phụng cho bản thân giống như người đàn ông đã làm với người vợ thứ nhất trong câu chuyện này. Tuy nhiên đáng tiếc, đến cuối đời, cơ thể ấy, hay người vợ ấy, ta lại chẳng thể đem theo mình sang thế giới bên kia. Khi ta trút hơi thở cuối cùng, cơ thể ấy rồi cũng sẽ được hỏa táng, trở về với cát bụi, với hư không. Đó là quy luật định sẵn cho con người trong cuộc đời này.

NGƯỜI BẠN ĐỜI THỨ HAI: chính là mối quan hệ giữa ta với cha mẹ, anh chị em, họ hàng, bạn bè và xã hội. Họ sẽ đưa tiễn ta tới nơi an nghỉ cuối cùng và khóc thương ta. Họ cảm thông và buồn bã trước sự ra đi của ta. Song, họ cũng không thể đi theo ta sang thế giới bên kia. Chúng ta sinh ra chỉ có một mình, chết đi cũng chỉ có một mình, chẳng ai có thể đi cùng ta trong cuộc hành trình cuối cùng này.

NGƯỜI BẠN ĐỜI THỨ BA: chính là của cải vật chất, tiền bạc, tài sản, công việc, vị thế và danh tiếng của ta, những thứ mà ta phải làm việc khổ cực để có được chúng. Chúng ta luôn muốn có nhiều hơn và sợ mất những thứ vật chất này. Nhưng đến cuối đời, chúng vẫn là những vật ngoài thân, ta cũng chẳng thể mang chúng theo mình.

NGƯỜI BẠN ĐỜI THỨ TƯ: Phật Thích Ca Mâu Ni đã đề cập đến người vợ thứ tư, người đi cùng chồng tới cõi vĩnh hằng. Kỳ thực, bà chính là tâm hồn của chúng ta. Trong suốt cả cuộc đời mình, tâm hồn chúng ta có lẽ là điều ít được chúng ta quan tâm nhất. Ta mặc sức để những cảm xúc tiêu cực chi phối nó, từ cơn giận dữ đến sự ham muốn, hay sự bất mãn. Chúng ta chỉ lo làm việc kiếm tiền chứ hiếm khi nghĩ xem nên làm thế nào để bồi đắp, gìn giữ cũng như làm đẹp cho tâm hồn mình. Thế nhưng, khi ta thác xuống, cũng chỉ có tâm hồn là có thể song hành với ta.

THẾ NÊN: với bản thân, hãy yêu quý, trân trọng, nhưng đừng nuông chìu quá mức, đừng khoác lên mình những bộ trang phục quá xa hoa đắt đỏ, hay ăn uống những món bằng cả năm đi làm của người khác. Hơn nữa, với tiền tài vật chất, đừng quá coi trọng rồi đánh đổi bằng những thứ quý giá. Ngoài ra, với những mối quan hệ trong cuộc sống, đừng quá dựa dẫm, phụ thuộc, thậm chí có những hành động cực đoan khi ta không đạt được như ý nguyện. Thay vì thế, hãy dành ra một góc nhỏ yên bình cho tâm hồn của mình. Làm sao để năm tháng trôi qua, cho dù bạn có già đi, nhưng vẫn giữ được sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ, biết yêu người, yêu đời và cảm nhận được vẻ đẹp của thế giới xung quanh.