V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Danh ngôn (88)

- Kê Khang



Đối với người hiểm ác, nên sợ mà tránh xa.

Đối với người hiền đức, nên thân mà đến gần.

- Người đem điều ác đến, ta lấy điều thiện đáp lại. Người đem lươn lẹo đến, ta lấy ngay thẳng đáp lại. Như vậy sao có thù oán được !

Hồ sen

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương XXI, Thích Nhất Hạnh

Bọn trẻ đi rồi, Bụt đứng dậy đi thiền hành. Người đi ra phía bờ sông. Người vén cao chéo áo, lội qua sông.

Qua sông, Bụt theo con đường giữa hai ruộng lúa đi tới cái hồ sen quen thuộc. Người dừng lại bên hồ. Ngắm những ngó sen, lá sen và hoa sen trong hồ, Bụt thấy vị trí và hình dáng khác nhau của mỗi thứ. Bụt biết những củ sen không bao giờ vượt ra khỏi bùn, Bụt biết có những cọng sen còn đang nằm dưới mặt nước, có những lá sen còn cuốn lại, một nửa ở dưới nước, một nửa ở trên không. Có những bông sen đã trồi lên khỏi mặt nước nhưng búp còn ngậm. Có những bông sen đang hé nở. Có những bông sen đã nở lớn. Lại có những cái gương sen không còn mang theo cánh sen nào. Có những bông sen màu trắng, có những bông sen màu xanh, có những bông sen màu hồng.

Quán sát hồ sen, Bụt thấy con người cũng vậy. Mỗi người có một căn tính khác nhau. Devadatta không giống Ananda, Yasodhara không giống phu nhân Pamita mẹ nàng, Sujata không giống Bala. Tính tình, đức độ, sự thông minh và tài trí mỗi người một khác. Con đường giải thoát mà Bụt đã tìm ra cần được diễn bày nhiều cách để có thể thích ứng với mọi lớp người. Khi Bụt dạy dỗ bọn trẻ con trong xóm, người đã tự nhiên tìm được những phương tiện để diễn giải đạo lý cho chúng hiểu. Những phương tiện này có thể được gọi là những cánh cửa mở ra để con người đi vào và hiểu được giáo pháp, có thể gọi đó là những pháp môn. Vậy pháp môn là kết quả tự nhiên giữa sự tiếp xúc giữa Bụt và quần chúng, chứ không phải là do sự sắp đặt đơn phương của Bụt khi ngồi dưới cội bồ đề. Nghĩ như vậy, Bụt thấy rằng đã đến lúc người cần trở lại với xã hội con người. Trở lại để cho vành xe chánh pháp bắt đầu chuyển động trên con đường gieo rắc những hạt giống của đạo giải thoát. Bốn mươi chín ngày đã đi qua từ khi đạo tỉnh thức đã được chứng đạt. Bụt quyết định trưa mai sẽ rời tụ lạc Uruvela, tạm biệt khu rừng êm mát bên sông Neranjara, tạm biệt cây bồ đề và bọn trẻ. Bụt định đi tìm hai vị đạo sư của mình là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Bụt tin rằng hai vị này nếu được Bụt chỉ bày sẽ có thể đạt tới quả vị giác ngộ rất mau chóng. Bụt dự tính sau khi giúp hai người này, Bụt sẽ đi tìm năm người bạn đồng tu khổ hạnh để giúp họ, và sau đó người mới trở về Vương Xá gặp quốc vương xứ Magadha.

Sáng hôm sau, Bụt mặc áo ca-sa mới, ôm bát và đi vào thôn Uruvela khi trời còn mờ sương. Người tìm tới nhà Svastika. Bụt báo tin cho chú bé biết là người sẽ rời khỏi Uruvela sáng nay. Svastika thức các em dậy. Tất cả đều buồn rầu khi nghe tin Bụt sắp đi. Bụt xoa đầu từng đứa để từ giã. Svastika và mấy đứa em muốn đưa tiễn Bụt ra khỏi làng, nhưng Bụt còn muốn từ giã Sujata, cùng với bọn trẻ, người đi vào xóm. Khi Bụt đến nhà Sujata thì cô bé đã dậy. Nghe tin Bụt sắp đi, Sujata khóc. Bụt nói:

- Ta phải tạm xa các con để đi lo cho tròn trách vụ, nhưng ta hứa là sẽ trở lại đây thăm các con mỗi khi có dịp thuận lợi. Ta cám ơn các con. Các con nhớ sống và làm theo những lời ta dặn, như thế là các con sẽ không bao giờ xa cách ta. Sujata, con hãy lau nước mắt và cười lên đi.

Sujata lấy chéo áo sari lau nước mắt và gượng cười để Bụt vui lòng. Bọn trẻ đưa Bụt ra cổng làng. Tới bờ sông, vừa định chia tay với bọn trẻ thì Bụt trông thấy một sa-môn trẻ từ phía ruộng đi lên. Thấy Bụt, vị sa-môn này chắp tay chào rồi nhìn sững Bụt. Một lúc sau, ông ta mới nói:

- Sa-môn, dáng điệu Ngài trầm tĩnh lắm. Thần sắc Ngài rạng rỡ, Ngài tên là gì, và ai là vị đạo sư của Ngài ?

Bụt trả lời:

- Tôi tên là Siddhatta Gotama. Tôi đã học với nhiều thầy, nhưng hiện tại thì không ai làm thầy của tôi cả, còn thầy, thầy tên gì và đang đi đâu ?

Vị sa-môn đáp:

- Tôi là sa-môn Upaka. Tôi mới từ đạo tràng của đạo sư Uddaka Ramaputta tới.

- Đạo sư Uddaka có mạnh giỏi không, thầy ?

- Đạo sư Uddaka mới tịch cách đây mấy hôm.

Nghe nói đạo sư Uddaka đã tịch, Bụt thở dài. Như vậy là Bụt không có dịp để giúp ông ta. Bụt hỏi thêm:

- Vậy thì thầy đã có dịp thọ giáo với đạo sư Alara Kalama chưa ?

Sa-môn Upaka nói:

- Tôi cũng đã từng được học với đạo sư Alara Kalama. Đạo sư cũng đã tịch rồi.

Như vậy là hai vị thầy đầu mà Bụt từng theo học đã theo nhau tịch. Bụt hỏi thêm:

- Vậy thầy có biết sa-môn Kondanna không ?

Upaka đáp ngay:

- Có, tại đàng tràng cũ của đạo sư Uddaka, tôi có nghe nói rằng sa-môn Kondanna cùng với bốn vị sa-môn bạn hữu hiện đang tu ở Isipatana, trong vườn Nai, gần thành Baranasi. Sa-môn Gotama, xin Ngài cho phép tôi từ biệt. Tôi còn phải đi trọn ngày hôm nay mới tới được nơi tôi muốn tới.

Bụt chắp tay từ giã sa-môn Upaka, rồi quay lại bọn trẻ. Người nói:

- Các con, bây giờ ta sẽ lên đường đi Baranasi. Ta sẽ đi tìm gặp năm người bạn tu khổ hạnh của ta.Thôi nắng đã lên rồi, các con về đi.

Nói xong, Bụt chắp tay từ giã. Người đi dọc theo bờ sông đi về hướng Bắc. Người biết rằng con đường này tuy dài hơn, nhưng dễ đi hơn. Sông Neranjara đi lên hướng Bắc và sẽ đổ vào sông Hằng. Gặp sông Hằng, người sẽ theo bờ sông đi ngược về phương Tây. Chừng sáu ngày đường Bụt sẽ tới làng Pataligrama. Tại đây người sẽ vượt ngang sông Hằng. Bên kia sông là kinh đô Baranasi của vương quốc Kasi.

Bọn trẻ chắp tay đứng nhìn Bụt cho đến khi người đi khuất. Đứa nào cũng buồn hiu. Sujata lại khóc. Svastika cũng muốn khóc, nhưng cậu bé cầm lại được. Các em mình còn đứng đó, khóc sao cho tiện. Cuối cùng Svastika nói:

- Chị Sujata, em chào chị. Em phải về đưa trâu đi ăn. Các em, ta về nhà đi thôi. Bala, hôm nay em phải tắm cho thằng Rupak. Đưa Bhima đây anh ẵm cho.

Trên con đường bờ sông, bọn trẻ âm thầm đi về xóm cũ.

* * *

Thầy Ananda là một vị sa-môn tính tình nhu hòa rất dễ mến. Người thầy rất đẹp. Thầy có trí nhớ thật diệu kì, bất cứ Bụt dạy điều gì, thầy đều ghi nhớ không sót một mảy may. Thầy đã nhắc lại mười một điều mà Bụt nói trong kinh chăn trâu, theo thứ tự trước sau. Vị sa-môn trẻ Svastika nghĩ rằng tất cả những gì mà chú vừa thuật cho thầy nghe, thầy đều đã ghi vào trong ký ức của thầy đầy đủ.

Trong khi thuật lại giai đoạn Bụt còn ở trong rừng với bọn trẻ, Svastika thường thỉnh thoảng ngước mặt nhìn ni sư Gotami. Chú thấy hai mắt bà lóng lánh. Chú biết bà rất ưa được nghe những chuyện này, chú đã cố gắng thuật lại với thật nhiều chi tiết. Bà rất vui khi nghe chú kể tới những chuyện như chuyện bọn trẻ cũng ngồi im lặng ăn quýt với Bụt ở trong rừng. Rahula nghe Svastika kể chuyện cũng rất lấy làm thích thú, còn thầy Assaji nữa, thầy là người nghe im lặng nhất từ cả ngày hôm qua cho đến ngày hôm nay. Chú biết thầy là một trong năm vị sa-môn từng tu khổ hạnh với Bụt tại Uruvela. Chú rất muốn được thầy kể lại cuộc gặp gỡ giữa Bụt và năm thầy sau sáu tháng xa cách, nhưng chú chưa dám. Vừa lúc ấy thì ni trưởng Gotami lên tiếng:

- Chú có muốn đại đức Assaji kể cho chú nghe về những gì đã xảy ra cho Bụt từ khi Bụt rời khỏi Uruvela không ? Đại đức Assaji đã từng thân cận với Bụt trong suốt mười năm nay, chính ta cũng chưa được nghe ai kể hết về những gì đã xảy ra trong mười năm hành đạo của người. Thưa sa-môn Assaji, chúng tôi có thể thỉnh cầu đại đức kể lại cho chúng tôi nghe về quãng đời đó của Bụt được không ?

Thầy Assaji chắp tay đáp lễ:

- Xin ni sư cứ gọi tôi bằng thầy, vừa đơn giản vừa thân mật. Vâng hôm nay chúng ta nghe chú Svastika kể cũng đã nhiều rồi, và cũng lại gần đến giờ thiền tọa buổi tối. Vậy chiều mai xin mời ni sư, đại đức Ananda và hai chú sang liêu xá tôi. Nhớ gì, tôi sẽ xin tường thuật lại hết cho quý vị nghe.

Oán hận là tự hại mình, sao còn không buông bỏ đi ?

- Sưu tầm



Người có tâm oán hận là tự tạo một căn phòng đen tối trong trái tim, khóa chặt tâm mình lại, khiến bản thân không thể được giải thoát. Đời người ngắn ngủi vậy, sao còn ôm giữ mãi tâm oán hận trong lòng làm chi ?

Ở một lớp học Tiếng Anh nọ, để làm một điều tra đơn giản thầy giáo đã hỏi các sinh viên của mình rằng: “Các em ! Nếu có người làm tổn thương các em, các em sẽ tha thứ hay là quên đi ?”

Sinh viên đầu tiên được hỏi trả lời rõ ràng rằng: “Thưa thầy ! Em có thể tha thứ nhưng không thể quên đi !”, phần lớn các sinh viên trong lớp đều có chung câu trả lời như vậy.

Thầy giáo trầm giọng nói: “Kỳ thực, không thể quên đi chính là không thể buông bỏ được tâm oán hận !”

Con người ta sở dĩ thất vọng là bởi vì người ta truy cầu, thất vọng càng lớn thì tức là truy cầu càng nhiều. Một khi bị rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, thất vọng mà người khác không thông cảm, thậm chí còn vô tình vô nghĩa đến làm tổn thương thì thật rất khó quên. Nhưng mà chính vì sự “không thể quên” ấy đã khiến con người rơi vào buồn bực, chán nản và sinh ra oán hận. Người ta nói rằng, trước khi đầu thai sang kiếp khác, các linh hồn đều phải uống canh Mạnh Bà, xóa bỏ trí nhớ về những gì ở kiếp trước, có thể cũng là bởi nguyên nhân này. Mọi người thường xuyên nói rằng phải học được cách quên đi. Nguyên lai là bởi vì hoàn toàn “quên đi” mới là cách để buông bỏ tâm oán hận. Sinh mệnh quá ngắn ngủi, để oán hận mất đi tựa như chưa từng xảy ra thì trong lòng mới thoải mái, rộng rãi. Sinh mệnh là ngang hàng, quá trình của sinh mệnh là quá trình trưởng thành, quá trình của sinh mệnh cũng chính là quá trình làm cho tự thân càng ngày càng trưởng thành và hoàn mỹ hơn.

Con người ta sống cần phải có tấm lòng rộng lớn như biển khơi, phải không ngừng mở rộng tấm lòng của mình, phải nên đặt mình vào hoàn cảnh người khác mà suy nghĩ, suy xét đến khả năng tiếp nhận của người khác. Sống trên đời, phải nên làm một người có thể bao dung người khác, tha thứ được những lỗi lầm của người khác. Những thương tổn đến từ bên ngoài giống như những tảng đá ngầm bên bờ biển, bất quá chỉ làm cho những bọt sóng thêm trắng xóa xinh đẹp, biển rộng không than thở mà dung nạp hết thảy.

Trong lịch sử, Lưu Bị mang hơn mười vạn dân Kinh Châu chạy nạn về hướng Nam, thà rằng sớm tối sống trong nguy nan, nhà tan cửa nát cũng không chịu bỏ mặc dân chúng. Một chữ “nghĩa” hiên ngang lẫm liệt. “Hạ thần tốt chọn chủ mà hầu”, cho nên Gia Cát Khổng Minh mới đến Nam Dương phụ tá ông. Một người nhân nghĩa, tấm lòng rộng mở thì luôn có người tự nguyện đi theo.

Trong xã hội hiện đại của chúng ta, những giá trị “nhân, nghĩa” này dường như đã bị quên đi, có người chỉ biết đến tiền tài vật chất, thậm chí có người còn bất nhân bất nghĩa, không đạt được những danh lợi ấy thì mang tâm oán hận. Như vậy, cái được chẳng bù nổi cái mất vì cho dù là thời nào đi nữa thì một người có tấm lòng rộng mở, đại nhân đại nghĩa thì luôn thắng được lòng người.

Bên Phật gia dạy rằng, con người có nợ thì phải hoàn trả. Trong dòng lịch sử dài này, trong vòng luân hồi chuyển kiếp này, rất có thể vì chúng ta đã từng làm tổn thương người khác cho nên giờ đây người khác mới làm tổn thương lại mình. Cho nên, hãy coi như hoàn trả cho họ đi.

Cổ nhân có câu: “Tĩnh tọa thường tư kỷ quá, nhàn đàm mạc luận nhân phi” (Tạm dịch: Ngồi yên tĩnh thường suy xét lỗi mình, trò chuyện đừng nhắc lỗi người). Đây là cảnh giới chỉ có thể buông bỏ được oán hận trong lòng thì mới làm được.

Cổ ngữ còn nói: “Nhĩ bất nhân, ngã bất năng bất nghĩa” (Tạm dịch: Người bất nhân, ta không thể bất nghĩa). Học được quên đi, đối xử thiện với hết thảy các sinh mệnh, buông bỏ tâm oán hận là căn nguyên để thiện giải lòng người. Người không oán không hận là người đạt đến cảnh giới từ bi.

Trong mắt

- Phạm Ánh



Rõ mình trong mắt người thương
Dẫu nghiêng bóng nắng, dẫu vương gió chiều
Nghìn năm đá núi rong rêu
Huỳnh Mai tâm thế túp lều cổ xưa

Lối mòn chen lẫn nắng mưa
Phong ba bão tố sớm trưa giật mình
Dẫu qua lắm thác nhiều ghềnh
Vẫn không thấu nỗi nhân tình trắng đen

Rõ mình trong ánh mắt em
Thời gian xuôi ngược lạ quen trong đời
MỘT ĐỜI KHÔNG NHÁP EM ƠI
NÊN - HƯ - THÀNH - BẠI … LẺ LOI, MẤT - CÒN


Vì sao trong lịch sử, rất nhiều lần tượng Phật chảy nước mắt ?

- Theo Đại Kỷ Nguyên
- Mai Trà biên dịch



Tự cổ chí kim, nhân loại đã nhiều lần chứng kiến tượng Phật chảy nước mắt. Hiện tượng này báo hiệu điều gì ? Hãy cùng xem những sự kiện xảy ra ngay sau những lần tượng Phật chảy nước mắt để tìm hiểu nguyên do ẩn chứa đằng sau.

Vào thời kỳ Bắc Ngụy, ở kinh thành Lạc Dương có ngôi chùa Bình Đẳng, bên trong có một pho tượng cao đến 2 trượng 8 thước (khoảng 9,3 m) vô cùng uy nghi và trang nghiêm. Vào trung tuần tháng 12, năm Hiếu Xương thứ 3, đời vua Hiếu Minh Đế (tức năm 527 sau CN), hai mắt của pho tượng không ngừng rơi lệ. Nước mắt chảy không ngừng khiến cho toàn thân bức tượng, từ trên xuống dưới đều thấm ướt.

Sau khi tin tức truyền ra ngoài, người dân Lạc Dương từ già đến trẻ, cả nam và nữ đều tấp nập chạy đến chứng kiến cảnh tượng này. Trước chùa Bình Đẳng lúc ấy là một biển người đông nghìn nghịt. Lúc ấy, một vị hòa thượng cầm khăn sạch lau nước mắt cho pho tượng Phật. Khi hòa thượng đưa khăn đi vòng quanh mắt tượng, liền phát hiện tấm khăn bị ướt đẫm. Vị hòa thượng lập tức đổi một chiếc khăn khác và chẳng bao lâu chiếc khăn mới này lại bị thấm ướt. Nước mắt ở hai con mắt của pho tượng Phật vẫn chảy không ngừng, dù vị hòa thượng ấy có lau thế nào cũng không hết. Pho tượng Phật cứ chảy nước mắt như vậy suốt ba ngày đêm liền mới thôi. Gần một năm sau (tức năm 528 sau CN), Nhĩ Chu Vinh dẫn quân lính tấn công vào thành Lạc Dương, giết chết vương công quý tộc và các chức quan lại, tổng cộng lên đến hơn 2000 người, dân chúng chết không đếm xuể.

Vào tháng 3, năm thứ hai niên hiệu Vĩnh An, đời vua Hiếu Trang Đế, pho tượng Phật cổ này lại bắt đầu rơi lệ. Toàn bộ dân chúng trong kinh thành nghĩ đến lần trước và sợ hãi đến xem. Đến tháng 5 năm đó, Bắc Hải Vương Nguyên Hạo tự xưng đế ở Nam Lương, sau đó dẫn quân tiến đánh Lạc Dương, vua Hiếu Trang Đế bị bắt buộc rút lui đến Sơn Tây. Đến tháng 7 năm ấy, Bắc Hải Vương đại bại và dẫn theo khoảng 5000 người già, trẻ, lớn, bé đều là tù binh. Những người này đều không có một ai trở về.

Năm Vĩnh An thứ 3 (tức năm 530 sau CN), pho tượng Phật lại một lần nữa không ngừng chảy nước mắt bi thương. Bởi vì đã dự đoán trước được sự việc dựa vào hai lần tượng Phật chảy nước mắt trước đó, nên người dân khắp kinh thành đều sợ hãi bất an, lo lắng như lửa đốt trong lòng. Cũng vì thế mà lần này người dân không ai dám đến xem như hai lần trước nữa. Đến đúng tháng 12 năm ấy, Nhĩ Chu Triệu lại sát phạt thành Lạc Dương, bắt giết Hiếu Trang Đế. Khiến cho cung điện thành Lạc Dương bỏ trống không, một năm trời không có hoàng đế chủ trì việc chính sự.

Trong ghi chép này, mỗi lần pho tượng Phật cổ rơi lệ, thì nơi ấy liền xảy ra đại kiếp nạn. Từ sự kiện này, chúng ta liên tưởng đến việc tượng Lạc Sơn Đại Phật cũng đã từng rơi lệ nhiều lần và mỗi lần ấy cũng gắn với đại nạn ngay sau đó. Chính là vì Đức Phật từ bi đã nhìn thấy trước tai họa sắp xảy ra mà thông qua hình thức “rơi lệ” này để cảnh tỉnh con người thế gian còn đang mê mờ.

Hiện tượng tượng Phật rơi lệ, thậm chí chảy máu mắt đã không còn là chuyện hiếm trong thời hiện đại của chúng ta ngày nay. Theo hãng AP đưa tin, vào cuối tháng 11/2005, bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh Mary tại Sacramento (California, Mỹ) đã rơi lệ, thậm chí những giọt nước mắt ấy còn giống như những giọt máu tươi.

Ngày 2/2/2007, kênh FTV News đã đưa tin, một bức tượng ở nhà thờ thuộc bang Texas (Mỹ) đã chảy nước mắt trước hơn mười tín đồ. Những giọt nước mắt được miêu tả giống như giọt thủy tinh. Hơn nữa, bức tượng này đã “khóc” kéo dài trong suốt hơn nửa giờ đồng hồ. Mới đây thôi, vào ngày 18/8/2016, tờ Mirror đã đưa tin, nhiều tờ báo địa phương ở Pando (Bolivia) đang kêu gọi các nhà khoa học tiến hành kiểm tra những giọt nước trên gương mặt bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh tại một nhà thờ hẻo lánh ở Pando. Những người tới cầu nguyện ở nhà thờ đã rất kinh ngạc khi chứng kiến tượng Đức Mẹ Đồng Trinh “khóc ra máu”. Hiện tượng vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu kiểm tra.

Vì sao sự việc tượng Phật chảy nước mắt lại xảy ra nhiều như vậy ? Rốt cuộc, Thần Phật muốn cảnh bảo đến chúng ta điều gì ? Tương lai sẽ xảy ra đại kiếp nạn nào ? Cổ nhân nói: “Thượng Thiên có đức hiếu sinh” hay “Trời không tuyệt đường người”, cho nên khi đại kiếp nạn sắp xảy ra trong tương lai, Thần Phật đều sẽ bằng mọi cách cảnh báo cho con người tìm đường để được bình an. Trong xã hội mà đạo đức đã ngày càng bại hoại như ngày nay, ai mới xứng đáng được Thần Phật cứu giúp ? Chỉ có trừ dứt cái ác, toàn tâm hướng thiện, tin vào Thần Phật, trở thành người thực sự tốt, chân thật, lương thiện và nhẫn nại, con người mới có được tương lai bình an.

D.P.A (6)

- Thích Nhật Từ


Siêng năng quét rác vườn tâm
Cho cây tuệ giác nẩy mầm tốt tươi

Đừng (10)

- Marc(Thủy Nguyệt dịch)



Nếu bạn không cảm thấy hạnh phúc với chính con người bên trong của mình, thì bạn sẽ chẳng thể nào có được hạnh phúc lâu dài với bất kỳ người nào khác. Bạn phải tạo ra sự ổn định trong cuộc sống của mình trước rồi mới nghĩ tới chuyện chia sẻ cuộc sống đó với người khác được.╰▶ ĐỪNG TÌM KIẾM HẠNH PHÚC Ở NGƯỜI KHÁC

Soi gương

- Thích Tánh Tuệ



Thế gian như một tấm gương
Nếu mặt mày ta nhăn nhó
Bóng hình trong gương cau có
Lỗi đó, đâu phải là gương

Cuộc đời là một tấm gương
Cười, bóng trong gương cười lại
Vì thế chớ nên ngần ngại
Nhìn ai ... gửi nụ cười hiền

Thế gian lắm nỗi muộn phiền
Nếu lau gương lòng cho sáng
Sẽ thấy đời luôn tỏ rạng
Dù ngoài kia vẫn mù sương

Mọi người là một tấm gương
Bài học hằng luôn phản chiếu
Nếu lòng có Thương và Hiểu
Đời vi diệu ngát hương hoa

Sai lầm lớn nhất của đời người đó chính là buông thả bản thân

- Theo Sound-of-hope
- Mai Trà biên dịch



Phật gia giảng: “bất yếu lãng phí sinh mệnh tại nhĩ nhất định hội hậu hối đích sự tình thượng” - tạm dịch: “không nên lãng phí sinh mệnh của bạn ở những việc mà bạn nhất định sẽ hối hận”. Vậy trong cuộc đời, điều gì sẽ khiến bạn phải hối hận mãi không thôi ?

Sai lầm lớn nhất đời người chính là phóng túng, buông thả bản thân. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người ta phải hối hận. Phóng túng, buông thả bản thân có thể khiến cho sinh mệnh sa đọa, biến chất. Cử chỉ, hành vi của con người một khi không khống chế được thì tự nhiên sẽ gây ra hậu quả, khiến bản thân bất lương, khiến con người cả đời hối hận. Nhà Phật có câu: “con người phải có kính sợ, không thể phóng túng”. Có tín tất sẽ có kính sợ. Người phóng túng dục niệm thì hậu quả thường sẽ bi ai. Xã hội hiện đại ngày nay, một số người trẻ tuổi hễ gặp một chút suy sụp liền phóng túng bản thân, kỳ thực, bạn té ngã ở chỗ này nhưng có thể đứng dậy ở chỗ khác. Ông trời không tuyệt đường người.

Ngoài ra, khi đắc ý cũng chớ vì thế mà phóng túng bản thân. Có một câu cổ ngữ rằng: “ngạo bất khả trường, dục bất khả túng, chí bất khả mãn, nhạc bất khả cực” - tạm dịch: “ính cao ngạo không thể để cho lớn, không nên buông thả lòng ham muốn, không nên thỏa mãn về chí hướng, không nên vui vẻ đến tột độ”. Theo thuyết nhân quả bên Phật gia thì phóng túng chính là nguyên nhân của hối hận.

Phật gia giảng, sai lầm lớn nhất của đời người là phóng túng, buông thả bản thân. Đây chính là nguyên nhân của hối hận. Họ cho rằng, người mà không khống chế được hành vi phóng túng, buông thả tư tưởng suy nghĩ, tùy tâm sở dục thì đều là ác nhân. Rất nhiều bi kịch trong cuộc đời đều là bắt nguồn từ việc con người phóng túng bản thân. Khi con người ta buông thả bản thân đến một mức độ nhất định thì sẽ bắt đầu bị sa đọa và cuối cùng tạo thành bi kịch. Bởi vì phóng túng quá độ sẽ khiến con người ta mất đi quy phạm ước thúc, lý trí trở nên yếu kém, không còn kiêng nể điều gì, đánh mất nguyên tắc làm người. Cho nên, buông thả phóng túng không chỉ tự hủy đi bản thân mình mà còn gây tổn hại đến cho những người yêu thương mình.

Đời người ngắn ngủi chỉ mấy chục năm, thân người lại khó được, đừng phóng túng buông thả bản thân để đến lúc hối hận không kịp.

Đừng cho rằng việc ác nhỏ không tổn hại đến ai là có thể làm. Bởi vì ngẫu nhiên nhiều lần sẽ trở thành thói quen và lâu dần sẽ hình thành tính cách.

Đừng cho rằng làm việc ác không ai biết, bởi vì “trên đầu ba thước có thần linh”, chỉ cần làm việc ác thì sẽ có hậu quả.

Đừng cho rằng ngày hôm nay đã qua đi thì còn có ngày mai, bởi vì mọi chuyện đều là không thể nói trước được, có một số việc ngày hôm nay không làm sẽ vĩnh viễn không còn cơ hội. Cho nên, gặp việc thiện dù nhỏ cũng hãy làm ngay.

Đời người đáng sợ nhất không phải là cực khổ mà đáng sợ nhất chính là ở trong cực khổ mà buông thả bản thân mình. Con nhộng nhẫn nại ở trong kén với nhiều khổ sở dày vò nhưng cuối cùng có thể thành điệp, lưu lại vẻ đẹp cho nhân gian. Ngọc trai chịu bao cực khổ và âm u ở trong thân con trai cuối cùng thành vật báu sáng lạn.

Đời người bởi vì có cực khổ mà thấy được sự huy hoàng, không trải qua ngày mưa sao thấy được cầu vồng ? Mưa gió trong cuộc đời mới là nhân sinh hoàn mỹ. Đời người khó tránh khỏi những tháng ngày u tối, dũng cảm đối mặt với hiện thực sẽ có ngày nhìn thấy ánh mặt trời. Ở vào hoàn cảnh cực khổ chỉ có thản nhiên đối mặt, mới có thể từ trong đó mà chiến thắng bản thân mình, đi ra khỏi hoàn cảnh khốn khó. Nếu e sợ cực khổ, sợ hãi khó khăn, bạn sẽ ở trong hoàn cảnh đó mà buông thả bản thân mình và đó là sai lầm.

Nhà văn nổi tiếng của Pháp – Balzac đã nói: “Gian khổ là người thầy tốt nhất trên đời !”, cho nên, càng ở trong gian khổ thì càng phải chiến thắng bản thân, vượt qua hoàn cảnh và tiến về tương lai.

Khó khăn chưa chắc là sai lầm của bạn, nhưng ở trong khó khăn mà buông thả bản thân thì là sai lầm lớn của chính bản thân bạn. Ngày hôm nay không gieo hạt giống “hối hận” thì ngày mai bạn sẽ không phải nhận quả “hối hận”. Kỳ thực, buông thả, phóng túng cũng không thể làm cho bạn bớt thống khổ mà còn làm cho bạn càng trở nên trống rỗng, hư không, chi bằng hãy tu dưỡng bản thân để luôn bình tĩnh đối mặt với mọi hoàn cảnh trong cuộc đời, làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời mình.

Cây lúa không trổ bông

- Quà tặng cuộc sống



“CÂY LÚA KHÔNG TRỔ BÔNG” là câu chuyện ý nghĩa trong cuộc sống. Con người phải trải qua nỗ lực và rèn luyện mới có thể thu hái được thành quả tốt.

Nếu em nhớ

- Thích Tánh Tuệ



Em dẫu biết Thu sang rừng thay lá
Sao mãi ngồi tiếc nhớ những mùa Xuân
Em vẫn biết Xuân qua trời sang Hạ
Sao Đông về ... khóe mắt lại rưng rưng

Nếu em nhớ nhân gian là quán trọ
Một sớm nào trở gót bước đi xa
Em sẽ sống cõi lòng luôn rộng mở
Như bình minh trải nắng đẹp chan hòa

Em nếu nhớ ngày vui qua rất vội
Tắt nụ cười đêm tối chợt vây quanh
Sẽ nhìn lại, thôi sống đời nông nổi
Vén mây mù, ngước mặt phía trời xanh

Trôi năm tháng, tàn canh đời trắng mộng
Lợi, danh, tình ... lơ lửng một làn hơi
Chỉ thế đấy, đâu có gì quan trọng
Sống cho đi, ý nghĩa kiếp con người

Nếu em nhớ, trần duyên tìm cát bụi
Sẽ thấy lòng thanh thản giữa phù hư
Trong thầm lặng nguyện làm thân đá cuội
Lót chân người quy hướng nẻo Chân Như

Nếu em nhớ đời ngược xuôi, tất bật
Dòng miên man ... còn chảy đến vô cùng
Dừng chân lại, quay về trong lẽ thật
Đốt hương trầm, tỉnh thức sống ung dung

... không cần ganh đua cao thấp

- Theo Soundofhope
- Mai Trà biên dịch



Người xưa có câu: “Nhường đường đi cho người thì con đường của mình mới rộng rãi !”, sống trên đời quả thực chỉ mấy chục năm ngắn ngủi, đâu cần mải ganh đua cao thấp làm gì ?

Vào triều đại nhà Thanh những năm vua Khang Hy tại vị, có một vị đại học sĩ – một chức quan cao cấp thời bấy giờ tên là Trương Anh rất công minh và hiểu biết. Một ngày nọ, Trương Anh nhận được lá thư ở quê nhà gửi đến. Trong thư kể rằng gia đình hiện đang vì ba thước đất làm tường mà phát sinh tranh chấp với gia đình hàng xóm. Sự việc kéo dài trong thời gian lâu mà vẫn chưa giải quyết được nên muốn ông sử dụng chức quyền của mình để giải quyết mối tranh chấp này. Nếu thắng được vụ này thì …

Vừa đọc đến đó, Trương Anh đã phá lên cười thản nhiên rồi dùng bút viết một phong thư gửi về quê nhà. Trong bức thư, ông ghi hai câu thơ:

“Thiên lý tu thư chích vi tường, nhượng tha tam xích hựu hà phương ?
Vạn lý trường thành kim do tại, bất kiến đương niên Tần Thủy Hoàng”


(Tạm dịch nghĩa: từ ngàn dặm gửi thư về chỉ vì một bức tường, nhường họ ba thước có sao đâu ? Vạn Lý Trường Thành còn ở đó mà Tần Thủy Hoàng nay đâu còn.)

Người nhà sau khi tiếp nhận lá thư, hiểu được ý mà ông muốn nhắn nhủ nên đã chủ động nhường cho hàng xóm ba thước đất. Không ngờ, người hàng xóm thấy vậy cũng chủ động nhường ra ba thước đất. Cuối cùng hai bên gia đình đều xây tường lùi vào ba thước và ngõ hẻm đó rộng thành sáu thước. Câu chuyện “biến chiến tranh thành tơ lụa” này được lưu truyền cho đến ngày nay.

Cuộc sống không phải chiến trường, đâu cần ganh đua cao thấp, khi tấm lòng rộng mở một chút thì phúc phận cũng sẽ nhiều. Giữa người với người, nếu như có thể hiểu nhau nhiều hơn một chút thì hiểu lầm sẽ không còn. Giữa tâm với tâm, nếu như có thể bao dung nhiều hơn một chút thì phân tranh sẽ ít đi. Đừng chỉ dùng ánh mắt của mình để đi nhìn nhận người khác, bình luận người khác hay phán đoán một sự việc đúng sai. Đừng quá truy cầu người khác phải có cùng quan điểm giống mình và cũng đừng bắt buộc người khác phải hoàn toàn hiểu mình.

Mỗi người đều có riêng một tính cách và một quan điểm của bản thân mình. Bởi vì con người thường luôn đề quan bản thân, xem trọng bản thân nên mới suy tính thiệt hơn, mới lo cái được, cái mất và cần người khác lý giải mình. Kỳ thực, xem nhẹ mình một chút, đề cao người khác một chút thì tâm mới vui vẻ, khoái hoạt. Người mà có tư tâm càng nhiều thì khoái hoạt còn được bao nhiêu ? Người nhường nhịn không phải là người thua cuộc, cũng không phải là người nhu nhược hèn yếu mà là người hiểu được tôn trọng, biết tiến biết lui, “lùi một bước biển rộng trời cao”. Đó là một loại nhân cách, một loại trí tuệ cao và là một loại hàm dưỡng. Người biết nhượng bộ là người đáng quý. Họ biết buông bỏ ý kiến, quan điểm, lợi ích cá nhân của mình đúng lúc mà mở đường cho người khác. Buông bỏ được không phải thua mà là thắng được lòng người.

Khi bạn sống nhiều một chút bình thản, nhiều một chút ấm áp thì cuộc sống mới có nhiều ánh nắng mặt trời chiếu rọi.

Nai ngọc

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương XX, Thích Nhất Hạnh

Mỗi ngày, Bụt đều có xuống tắm dưới dòng Neranjara. Người thường đi bách bộ để thiền hành trên bờ sông hoặc ở những con đường mòn trong rừng do chính dấu chân của Ngài tạo ra. Có khi Bụt ngồi tĩnh tọa trên bờ sông bên dòng nước chảy.
Có khi Bụt ngồi tĩnh tọa dưới cây Bồ Đề trong lúc hàng ngàn chim chóc ca hát líu lo trên cành lá.

Lời nguyện xưa bây giờ đã được thực hiện. Bụt biết là người sẽ trở về Kapilavatthu. Ở đó có nhiều người đang chờ đợi Bụt, nhưng Bụt cũng nhớ rằng ở thành Rajagaha, vua Bimbisara cũng đang đợi chờ người. Vua Bimbisara quả là một người bạn tri kỷ của Bụt. Bụt phải đáp lại tấm thịnh tình đó trước, và còn năm người bạn đồng tu nữa, Bụt phải giúp đỡ họ. Họ là những người có khả năng tiếp nhận đạo giải thoát. Có lẽ năm người ấy cũng chỉ đang quanh quẩn trong vùng này mà thôi.

Dòng sông, bầu trời, trăng sao, núi rừng cũng như từng ngọn cỏ và từng hạt bụi đều trở nên mầu nhiệm đối với Bụt. Người thấy những năm lang thang tìm Đạo của mình trước kia không phải là vô ích. Chính nhờ những năm phong trần ấy mà người thấy được rằng đạo sáng nằm ngay trong tự tâm mình. Tâm của chúng sinh chính là tâm của giác ngộ. Hạt giống tỉnh thức nằm ngay trong tâm của mỗi người. Chúng sanh không cần đi tìm sự giác ngộ ở bên ngoài, bởi vì mỗi sinh vật chứa đủ trong tự thân tất cả trí tuệ và hùng lực của toàn vũ trụ. Đây là một phát kiên vĩ đại của Bụt, và là một tin mừng lớn cho tất cả.

Bọn trẻ đã rủ nhau trở lại nhiều lần để được Bụt dạy dỗ. Trong khi tiếp xúc với chúng, Bụt vui mừng nhận ra rằng đạo lý giải thoát có thể diễn bày bằng một ngôn ngữ đơn giản và mộc mạc. Bọn trẻ, dù là những em bé chưa bao giờ đi học cũng có thể hiểu được giáo pháp của Bụt. Điều này làm cho Bụt phấn khởi.

Có một bữa nọ, bọn trẻ đã tới Bụt với một rổ quýt. Rổ quýt này do Sujata đem đến. Chúng muốn được cùng ăn quýt với Bụt trong sự tỉnh thức để thực tập lại bài học đầu tiên mà chúng đã được học về đạo Bụt. Sujata nâng rổ quýt đi mời từng người. Trước hết cô bé quỳ trước Bụt và nâng rổ quýt lên trên hai tay, đầu cô bé hơi cúi xuống trong dáng điệu thành kính. Bụt chắp tay búp sen và tiếp nhận một trái quýt từ trong rổ. Sujata hướng sang mời Svastika hiện đang ngồi phía bên trái của Bụt, Svastika cũng chắp tay búp sen như Bụt để tiếp nhận một trái quýt. Sujata làm như thế cho đến khi mọi người đều đã có trong tay một trái quýt mới trở về chỗ ngồi. Đặt rổ quýt trước mặt, cô bé cũng chắp tay trước khi lấy lên một trái quýt. Bọn trẻ im lặng, Bụt bảo chúng theo dõi hơi thở và mỉm cười. Rồi Bụt để trái quýt lên trên lòng bàn tay trái, đưa lên, nhìn vào trái quýt để quán tưởng chiêm nghiệm. Bọn trẻ đồng loạt làm như Bụt. Một lát sau, Bụt từ từ bóc quýt, bọn trẻ cũng làm như người. Thầy trò thong thả ăn quýt trong im lặng, trong tỉnh thức. Khi mọi người đã ăn xong quýt, Bala đi thu hồi tất cả những cái vỏ quýt. Bọn trẻ rất sung sướng được ăn quýt với Bụt trong chánh niệm và Bụt cũng cảm thấy một niềm vui lớn khi được ngồi thực tập với bọn trẻ quê mùa nhưng rất dễ thương này.

Bọn trẻ thường trở lại với Bụt vào những buổi chiều. Có khi Bụt dạy chúng cách theo dõi hơi thở để điều phục tâm ý trong những khi buồn bực hoặc nóng giận. Có khi Bụt dạy chúng cách ngồi yên để làm cho tâm trí tĩnh lặng. Có khi Bụt dạy chúng cách đi thiền hành để học nếm sự thảnh thơi. Bụt dạy chúng thật kỹ về cách nhìn người và sự việc, nhìn như thế nào để có thể thấy, có thể hiểu và có thể thương. Bài dạy nào bọn chúng cũng hiểu được. Một hôm nọ, Nanbadaal và Sujata quyết định cùng nhau may một chiếc áo ca-sa mới để dâng Bụt. Hai chị em đã để ra một ngày để làm chuyện này. Chiếc áo ca-sa mới này màu gạch, hơi giống với tấm vải mà Bụt đang choàng. Sujata đã khám phá được nguồn gốc của tấm vải đó. Đó là tấm vải đã được phủ lên thi hài của Radha, người ở của nhà cô, khi còn quàng ngoài nghĩa địa. Radha đã chết vì bệnh thương hàn. Ba Mẹ của Sujata đã nuôi một người ở khác tên là Purna. Khi biết rằng thầy mình đã phải lấy một tấm vải ngoài nghĩa địa để giặt đi mà làm áo ca-sa. Sujata như muốn khóc, và đó là lý do khiến cô bé đi tìm người chị họ.

Ngày hai chị em đem áo vào dâng, Bụt đang ngồi thiền dưới gốc Bồ Đề. Hai chị em ngồi im lặng đợi cho đến khi người xuất thiền mới dâng áo ca-sa lên. Bụt rất vui lòng khi có áo mới. Người nói người sẽ cần đến áo này. Và người nói người muốn giữ lại tấm vải, để mỗi khi giặt áo thì có vật khoác lên trên người. Nghe nói thế, Nanbadala và Sujata quyết định may thêm cho Bụt một chiếc nữa để người có thể thay được áo ngoài mà đem đi giặt. Một hôm nọ, bọn trẻ được nghe Bụt kể một chuyện tiền thân. Hôm ấy chúng đến khá đông, bé Balagupta hỏi Bụt về tình bạn. Balagupta là một cô bạn gái của Sujata, mới lên mười hai tuổi. Sở dĩ Balagupta hỏi Bụt về tình bạn vì ngày hôm trước cô đã cùng với cô bạn gái là Jatilika có chuyện xích mích cùng nhau, và hôm nay trước khi đi vào thăm Bụt cô bé đã định không ghé vào rủ Jatilika cùng đi, nhưng cuối cùng, Sujata đã ép cô vào rủ Jatilika, Jatilika đã chìu Sujata mà đi, nhưng khi tới cội Bồ Đề, đôi bạn ngồi ra hai góc chứ không ngồi gần sát bên nhau như trong những lần khác.

Bụt kể cho bọn trẻ nghe về tình bạn giữa một con nai, một con chim và một con rùa. Theo Bụt thì chuyện này đã xảy ra từ thời xa xưa, cách đây hàng ngàn năm, lúc Bụt còn là một con nai. Bọn trẻ ngạc nhiên, nhưng Bụt bảo:

- Trong những kiếp trước, chúng ta ai cũng đều đã từng làm đất, làm đá, làm sương, làm gió, làm nước, làm lửa. Chúng ta ai cũng đã từng làm làm rêu, làm cỏ, làm cây cối, làm côn trùng, làm cá, làm rùa, làm chim muông, làm thú vật. Điều này ta thấy rất rõ trong thiền quán của ta. Vậy thì trong một kiếp trước, ta đã làm một con nai, đó là chuyện rất thường. Ta còn nhớ, có một kiếp nọ, ta làm một mỏm đá trên đỉnh núi. Có một kiếp khác nữa, ta đã làm một cây bông sứ. Các con cũng vậy, chuyện ta sắp kể là chuyện một con nai, một con chim, một con rùa và một bác thợ săn. Có thể là một đứa trong các con ngày xưa ấy đã làm con chim, và một đứa khác làm con rùa.

Các con nên biết, có một thời nọ, trên cõi đất của chúng ta, chưa có mặt của loài người, và cũng chưa có mặt chim chóc và muông thú. Lúc ấy chỉ có rong rêu dưới nước và cây cối trên cạn mà thôi. Hồi đó, chúng ta chỉ có thể là đất đá, sương khói hoặc cây cối. Rồi từ đó mà chúng ta luân chuyển thành chim chóc, thành các loài cầm thú và thành con người. Ngay trong kiếp này, chúng ta cũng không phải chỉ là người. Ta là người nhưng ta cũng đồng thời là cây lúa, là cây dừa, là trái quýt, là dòng sông, là không khí ... bởi vì không có mặt những thứ đó thì con người cũng không thể nào có mặt. Cho nên khi các con nhìn cây lúa, trái dừa, trái quýt, dòng sông, các con nên nhớ trong kiếp này tuy mình là người mình cũng phải nương tựa vào các loài ấy và mình cũng có thể nói rằng mình là những loài ấy. Thấy được như vậy mới thật là có hiểu biết và có tình thương. Chuyện ta sắp kể cho các con nghe tuy đã xảy ra cách đây hàng ngàn năm nhưng có thể là đang xảy ta ngay trong giờ phút này. Các con hãy lắng nghe cho kỹ mà suy nghĩ, để xem mình có dính líu gì tới những con vật ở trong truyện hay không.

Rồi Bụt bắt đầu kể. Thuở ấy Bụt là một con Nai ở trong rừng. Trong rừng có một hồ nước. Dưới hồ nước có một con Rùa. Bên hồ nước có một cây dương, và trên cây dương có một con chim Sáo. Nai, Rùa, và Sáo chơi nhau rất thân. Một hôm có một người thợ săn đi theo hai dấu chân Nai tới bên hồ, nơi Nai thường xuống uống nước. Ông ta đặt một cái bẫy bằng những sợi dây da rất chắc ở đó, rồi đi về nhà. Nhà ông ta không xa bìa rừng là mấy. Chiều hôm ấy, tới bờ hồ để uống nước, Nai bị mắc bẫy, Nai kêu lên, Rùa và Sáo nghe tiếng Nai, Rùa bò đến, Sáo bay tới. Thấy Nai bị nạn, Rùa và Sáo bàn nhau phương thức giải cứu cho bạn. Sáo nói với Rùa: “Chị Rùa ơi, chị có răng khỏe thì chị hãy gắng gặm cho đứt những chiếc dây da của cái bẫy này, còn em, em sẽ tìm cách ngăn ông thợ săn lại, đừng cho ông tới”, nói xong, Sáo vội vã bay đi.

Rùa khởi sự gặm các sợi dây da. Sáo bay ra khỏi rừng, tới nhà người thợ săn và đậu sẵn trên một cành cây xoan trước cửa nhà, chờ đợi. Trời sáng, người thợ săn cầm lấy con dao nhọn và mở cửa đi ra. Thấy người thợ săn bước ra, Sáo vỗ cánh bay tới và lao mình vào mặt ông ta bằng hết cả sức mạnh. Bị Sáo đạp vào mặt, bác thọ săn choáng váng. Bác trở lui vào nhà. Bác nằm xuống giường để nghỉ ngơi chốc lát. Hồi lâu sau bác lại chồm dậy, cầm lấy con dao nhọn. Lần này, bác đi ra bằng cửa sau, nhưng Sáo đã biết trước. Sáo đã chực sẵn trên một cành mít ở sân sau. Khi bác thợ săn mở cửa đi ra. Sáo lại vỗ cánh và lao mình vào mặt bác một lần nữa.

Bị chim tấn công hai lần liên tiếp, bác thợ săn quay vào nhà. Bác suy nghĩ: “ngày hôm nay xấu quá, dù ta đi bằng ngõ trước hay bằng ngõ sau thì cũng bị con chim quái gở này ngăn cản. Thôi ta hãy nghĩ ngơi, để ngày mai sẽ vào rừng”. Sáng hôm sau, người thợ săn thức dậy sớm, cầm lấy chiếc dao nhọn, ông lấy nón đội lên che kín mặt rồi mở cửa đi ra. Không tấn công ông ta vào mặt được nữa. Sáo lập tức bay về rừng báo cho hai bạn: “Bác thợ săn sắp tới”. Lúc ấy Rùa đã gặm đứt gần hết các sợi dây da. Chỉ còn có một sợi nữa thôi là Nai có thể thoát được. Rùa dùng hết sức bình sinh để gặm, nhưng sợi dây này cứng quá, cứng như thép. Răng của Rùa gần như là sắp rụng hết và miệng Rùa chảy máu rất là tội nghiệp. Rùa đã ra sức gặm trong hai đêm và một ngày, miệng Rùa không chảy máu sao được. Trong lúc đó người thợ săn vừa tới. Trông thấy ông ta, Nai hoảng kinh vùng mạnh một cái. Nhờ vậy sợi dây mà Rùa gặm nửa chừng bị đứt. Nai vội phóng vào rừng. Lúc đó Sáo đã bay lên đậu trên cây dương, nhưng Rùa kiệt sức quá, không bò đi đâu được.

Thấy mất Nai, bác thợ săn tức lắm, bác lượm lấy Rùa, bỏ vào trong một cái túi da và treo túi trên một thân cây rồi đi tìm Nai. Lúc đó, Nai đang đứng sau một bụi rậm nhìn ra để thăm chừng các bạn. Nai nghĩ: “các bạn đã liều thân cứu ta, đến lượt ta, ta cũng phải liều thân cứu bạn”, nghĩ như thế, Nai từ từ bước ra cho người thợ săn trông thấy. Nai làm ra vẻ kiệt sức và khuỵu hai chân trước xuống. Người thợ săn nghĩ: “con Nai này kiệt sức rồi, ta có thể đuổi theo nó và đâm nó một nhát”. Ông ta liền cầm đao đuổi theo Nai. Nai đứng dậy từ từ đi vào rừng, dụ bác thợ săn đi theo. Sau khi đã dụ được bác thợ săn đi vào khá sâu trong rừng, Nai vụt chạy thật nhanh, làm mất dấu chân mình, rồi phóng trở ra hồ nước. Tới bên cây dương, Nai dùng gạc của mình đẩy cái túi da của bác thợ săn úp ngược xuống. Nhờ vậy Rùa rơi ra khỏi túi. Sáo cũng bay tới gần. Nai nói với hai bạn: “nhờ hai bạn mà tôi đã thoát chết về tay người thợ săn, tôi cám ơn hai bạn, người thợ săn sẽ trở lại ngay bây giờ, anh Sáo, anh hãy dời tổ anh đi nơi khác, còn chị Rùa, xin chị bò xuống nước đi thôi. Mau lên, còn tôi, tôi sẽ đi ngay vào rừng”. Khi người thợ săn trở lại, ông ta thấy Rùa đã thoát đi đâu mất. Nai và Sáo cũng bặt tăm. Buồn bã, ông ta đeo túi và cầm dao đi về nhà.

Bé Rupak và bé Subash nghe đến chỗ con Rùa gặm những sợi dây da suốt hai đêm và một ngày khiến cho miệng Rùa chảy máu thì lấy làm thương lắm. Chúng nó gần khóc. Kể xong chuyện tiền thân, Bụt hỏi:

- Các con nghĩ xem, thuở ấy ta là Nai, còn ai trong các con là Rùa ?

Bốn em bé đưa tay lên. Svastika nhận thấy trong số những người đưa tay có cả Sujata. Bụt lại hỏi:

- Vậy ai trong các con là Sáo ?

Lần này Svastika đưa tay lên. Nó nhận thấy có hai đứa nữa cũng đưa tay lên. Đó là Jatilika và Balagupta. Sujata nhìn Jatilika rồi nhìn Balagupta:

- Cả hai em đều là Sáo, như vậy hai người chỉ là một người. Sáo mà giận Sáo thì còn ra gì nữa. Tình bạn của chúng ta không bằng tình bạn giữa Sáo, Rùa và Nai hay sao ?

Nói xong Sujata lại nhìn Balagupta, Balgupta hiểu ý, đứng dậy. Cô bé tiến tới chỗ Jatilika, đưa hai tay nắm lấy tay bạn. Jatilika cũng đưa hai tay ôm Balagupta vào lòng, rồi nó ngồi xịch ra một bên cho Balagupta có chỗ ngồi sát bên nó. Bụt mỉm cười:

- Các con đã hiểu được chuyện tiền thân. Các con nên nhớ rằng chuyện tiền thân như chuyện ta vừa kể đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày giữa chúng ta.

Danh ngôn (87)

- Cảnh Hành Lục



Bậc đại trượng phu cần phải bao dung người mà không để người bao dung mình. Cốt cách phải kiên quyết, kiên quyết thì tự mình đứng vững được

Rằm Trung Thu

- Đoàn Minh Hợp



Đêm qua len lén nhìn trăng
Trời ơi sáng rõ sánh bằng tầm tay
Đêm sao mà ngỡ ban ngày
Nên mình thức trắng ngắm say bóng Rằm

Chú Cuội mắt mở chăm chăm
Ngồi bên thơ thẩn biết nhầm tay không
Hồn tôi neo gió phập phồng
Mơ màng ánh nguyệt thinh không yên lành

Ngoài hiên con nít vây quanh
Vuốt Lân ve Địa gõ mành trống chum
m vang cốc cốc bùm bùm
Hò reo nhảy nhót bên lùm trúc xanh

Giơ tay hứng gió đùa cành
Heo may man mác trời xanh hiền hoà
Trung Thu ngan ngát hương hoa
Bánh thơm kẹo ngọt thật là hân hoan

Đừng (9)

- Marc(Thủy Nguyệt dịch)



ĐỪNG TẬP TRUNG VÀO NHỮNG GÌ BẠN KHÔNG MONG MUỐN XẢY RA, hãy tập trung vào những gì bạn thực sự muốn xảy ra. Suy nghĩ tích cực là “tiền đồn” cho mọi thành công vĩ đại. Nếu mỗi sáng bạn thức dậy với tâm niệm rằng ngày hôm nay sẽ có điều tuyệt vời xảy ra trong cuộc sống của mình, và bạn để tâm chú ý, thì rồi thường là bạn sẽ nhận thấy rằng niềm tin của mình là đúng.

Đời người giống như nửa cốc nước

- Theo Letu.life
- Quỳnh Chi biên dịch

Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Đôi lúc chúng ta phải đối mặt với những sự việc khó khăn mà không biết cách ứng phó, thậm chí còn khiến ta rơi vào bế tắc và tuyệt vọng.

Bế tắc không phải là ngõ cụt. Một lần thử thách cũng có thể là bước ngoặt để ta tỉnh ngộ và thăng hoa. Đối với một người thì thử thách ấy lại càng là sự khảo nghiệm về sức chịu đựng và ý chí. Thêm một lần vấp ngã là thêm một lần trưởng thành, một lần tiếp thêm sức mạnh. Vượt qua bế tắc, đằng sau núi non trùng điệp, chắc chắn sẽ mở ra một tương lai tươi sáng. Ai mà không theo đuổi một sự hoàn mỹ chứ ? Nhưng lẽ đời là vậy, mong muốn mười phần nếu may mắn cũng chỉ đạt được tám, chín phần mà thôi.

Đời người giống như nửa cốc nước, thật khó mà hoàn mỹ. Cũng như nửa cốc nước này, có người nhìn thì thấy cốc nước thiếu mất một nửa, lại có người nhìn thì thấy cốc nước đã có được một nửa. Đó chính là sự khác biệt khi nhìn nhận một vấn đề, cũng chính là sự khác biệt của tâm người ta để đạt được hạnh phúc. Nếu như chỉ nhìn thấy phần thiếu một nửa, vậy chính là đang đánh mất sự vui vẻ, cũng chính là đang tự dày vò bản thân mình. Bí quyết của hạnh phúc và vui vẻ là ở chỗ, cần nhìn thấy rằng mình đã có một nửa, đồng thời hưởng thụ một nửa mà bạn đang có ấy.

Con người có thần thái tốt, bề ngoài trẻ hơn tuổi thực của mình, nhưng lại trưởng thành hơn tuổi thực của mình. Càng nhìn càng cảm thấy đó là người giản dị nhưng nội tâm thì vô cùng phong phú. Con người đi lên từ những ước mơ của bản thân mình, có học hỏi thì mới đổi thay, có thực hành thì mới có ngày công thành viên mãn.

Không ai hiểu bản thân hơn chính mình, không có gì cô đơn hơn là một mình cô độc. Người gần gũi nhất là bản thân mình, nhưng người xa lạ nhất cũng chính là bản thân mình. Chúng ta có đôi mắt để nhìn thế giới, nhìn vạn vật, nhìn người khác, thế nhưng lại không nhìn được chính bản thân. Có thể nhìn thấy được lỗi lầm của người khác, nhưng lại không nhìn thấy nhược điểm của bản thân mình. Nhìn thấy được sự tham lam dục vọng của người khác, nhưng không nhìn thấy sự keo kiệt của bản thân. Có thể nhìn thấy sự gian trá của người khác, nhưng không nhìn thấy sự ngu ngốc của bản thân …

Hãy nghĩ cho người khác trước, hãy nhìn vào những ưu điểm của người khác, và hài lòng với những gì mình đang có, như thế bạn sẽ là một người hạnh phúc nhất.

Điều ước của ba cây cổ thụ

- Quà tặng cuộc sống



Thật ra, trong cuộc sống này, khi việc xảy ra không theo ý muốn thì cũng đừng vội tuyệt vọng, biết đâu sự việc đang rẽ sang một hướng khác, có khi lại tốt đẹp hơn nhiều. Hãy hạnh phúc với những gì mình đang có.

Sống với nhau

- Thích Tánh Tuệ



Lần nọ một người hỏi đất
Đất sống với nhau thế nào ?
- Chúng tôi bao hàm, chấp nhận
Tô bồi, xây đắp cho nhau

Lần kia người hỏi rừng cây
Cây sống làm sao với bạn ?
- Chúng tôi vui mọc sum vầy
Chở che nhau, cùng hoạn nạn

Người hỏi mây trời phiêu lãng
Thế nào bay lượn cùng nhau ?
- Chúng tôi lòng không giới hạn
Tan vào nhau thuở ban đầu

Rồi người hỏi thầm lá cỏ
Chung sống bạn bè ra sao ?
- Mặt đất đan xen, nương tựa
Chia từng sương nắng ... gửi trao

Hỏi dòng sông xuôi năm tháng
Thế nào nước nhịp nhàng trôi ?
- Chúng tôi quyện hòa nhau chảy
Dù khi sóng dập gió dồi …

Rồi người gạn hỏi từng người
Với nhau, thế nào ta sống ?
Không ai một tiếng trả lời
Những pho tượng cười … di động

- - -

Đời còn dẫm nhau mà sống
Người còn nặng những niềm riêng
Vì ngỡ kiếp đời miên viễn
Tình Người, đạo đức xô nghiêng
Người về thương người nhỏ lệ
Cúi mình lạy khắp thiên nhiên …


D.P.A (5)

- Thích Nhật Từ


Học cho sự-lý thông đôi nẻo
Tu để giác-mê rõ một nguồn

Đời người, được mất đều bằng không

- Quỳnh Chi

Trong cuộc sống, mọi việc đều có cái được và cái mất. Tình yêu đem đến niềm vui nhưng cũng làm ta đau khổ. Tiền tài giúp ta hưởng thụ cuộc sống giàu sang nhưng cũng là nguyên nhân làm ta phiền não. Thành công giúp ta hạnh phúc nhưng nỗi đau của thất bại cũng thật khôn lường.

Đối với một điều đang mong đợi, nếu đạt được chắc chắn bạn sẽ thấy hạnh phúc, nhưng nếu thất bại hẳn là bạn sẽ thấy vô cùng đau khổ. Mức độ cảm nhận của niềm vui và thất bại luôn tương đương nhau.

Có người có tiền tài nhưng lại thiếu sức khỏe, gia đình hoặc tình yêu. Có người sự nghiệp, thành tích không quá cao nhưng chất lượng cuộc sống, sức khỏe lại vô cùng tốt.





Có những điều thoạt nghĩ ta sẽ thấy thiếu sự công bằng, nhưng thực tế nó lại rất công bằng với tất cả mọi người. Có người cho rằng người có tiền luôn rất hạnh phúc, nhưng thực tế đây là một quan niệm sai lầm. Một người nghèo sẽ tìm được niềm vui chỉ với vài trăm đồng, nhưng khi có nhiều tiền rồi, anh ta sẽ phải tiêu gấp hàng chục lần mới thấy được niềm vui. Khi sở thích của bạn thay đổi, cảm nhận của bạn với mọi vật cũng sẽ thay đổi theo. Khi bạn càng nhiều tiền, giá trị đồng tiền sẽ càng giảm. Khi bạn đang đói, một miếng ăn nhỏ đã làm bạn hài lòng, nhưng khi bạn no, bạn sẽ không còn thấy vị ngon của đồ ăn nữa.

Người nhiều tiền lo bị trộm, bị cướp. Nhà rộng lo quét dọn. Ăn nhiều sợ béo, ăn ngon quá lại sợ chết. Chúng ta có thể thấy, người có tiền bây giờ toàn ăn những đồ như rau xanh, hoa quả, hạt ngũ cốc, uống nước rau dại, nước tiểu mạch .v.v.v... đây đều là những đồ ăn xưa kia của người nghèo hoặc động vật.

Tôi bỗng nhớ câu chuyện. Có một con cáo, nó nhìn thấy trong vườn có một cây nho trĩu quả, nó thèm lắm nhưng tìm mãi không thấy đường vào, nó bỗng phát hiện ra một lỗ thủng ở hàng rào, nhưng lỗ thủng lại nhỏ quá, nó không thể chui vào trong được. Con cáo chờ ngoài hàng rào sáu ngày không ăn gì, sau đó nó đã gầy hẳn đi và dễ dàng chui được vào trong vườn và nó sung sướng thưởng thức những trái nho thơm chín mọng. Nhưng sau khi ăn rất no rồi, con cáo phát hiện ra với cái bụng to thế nó sẽ không thể theo đường cũ ra ngoài được, nó sẽ dễ dàng bị chủ vườn bắt, vì thế nó lại phải nhịn ăn sáu ngày, lại một lần nữa nó gầy đi và có thể chui ra được khỏi hàng rào. Vậy là, con cáo đã không gặt hái được gì sau những gì nó đã trải qua.

Thực ra, nếu chúng ta có cả thế giới này thì chúng ta cũng vẫn chỉ ăn ngày ba bữa, ngủ trên một chiếc giường mà thôi. Cho dù bạn có đến một trăm chiếc giường thì bạn cũng chỉ ngủ được trên một chiếc. Cho dù bạn có hàng nghìn đôi giày, bạn cũng chỉ đi được một đôi. Cho dù bạn có gọi hàng trăm món ăn thì cuối cùng bạn ăn được bao nhiêu ? Nhiều nhất cũng chỉ là đầy một cái dạ dày của mình mà thôi.

Sự có mặt của mỗi người trong cuộc đời này là để thử nghiệm cuộc sống, có thể họ sẽ khác nhau về tiền tài, địa vị nhưng trải nghiệm về hạnh phúc, niềm vui thì đều như nhau. Thế nhưng, niềm vui của người có tiền sẽ khá phức tạp, niềm vui của người nghèo đơn giản hơn rất nhiều. Đồng thời, người có đến mấy bạn trai bạn gái không chắc đã hạnh phúc bằng người chỉ chung thủy với một người mà thôi.

Khi bạn vui vẻ, nỗi buồn sẽ phải đứng sang bên mà ngắm nhìn. Nhưng khi bạn đau khổ, niềm vui sẽ đến thật bất ngờ. Đến một ngày, bạn sẽ nhận ra rằng, những giây phút vui, giây phút buồn sẽ luôn cân bằng nhau. Niềm vui và nỗi buồn có thể đến sớm với người này, đến muộn với người khác, có người mất nó trước, có người mất nó sau, nhưng tổng thể nó là một lượng không đổi. Bạn đã từng vui thế nào thì buồn bạn cũng sẽ nhận một lượng bằng như thế. Đến khi chết, mọi việc đều như nhau. Cái chết sẽ làm cân bằng cuộc sống. Khi chết, sẽ không còn phân biệt kẻ giàu người nghèo, không thể nói người giàu sẽ chết thoải mái hơn, còn người nghèo chết khổ hơn. Có người khi sống đạt được mười phần thì khi chết đi anh ta cũng sẽ mất đi mười phần, mười phần đó là phần đau khổ. Đây là điều công bằng tuyệt đối. Có người đạt được ba phần, có người đạt được bảy phần, có người có trước, người có sau, có người không có được gì.

Người có trước có khi bị mất đi trước, người có sau sẽ mất đi sau, người không có sẽ không bị mất, tổng số sẽ luôn không đổi. Vì thế, sống trên đời không nên tính toán quá, không cần phải cố ý bận tâm, hãy cứ vui cố gắng trải nghiệm hết cuộc đời này để không phải hối tiếc.

Mọi sự đến và đi đều là duyên phận, không cần phải cưỡng cầu

- Theo Secretchina
- Mai Trà biên dịch



Người xưa có câu: “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”, vì vậy, mọi sự đến và đi trong cuộc đời đều là duyên phận, không cần phải cưỡng cầu.

Người tin tưởng vào duyên phận, một khi duyên đến sẽ thản nhiên đón nhận, còn khi duyên đi cũng sẽ không cố gắng níu giữ. Từ trong cảnh giới “thuận theo tự nhiên”, họ tìm được sự điềm tĩnh và thản nhiên. Bởi vì họ hiểu rõ, mọi sự đều là tùy duyên mà đến, tùy duyên mà đi, cũng chính là điều mà người ta gọi là mọi sự tùy duyên.

Kỳ thực, trong cuộc đời mỗi người có rất nhiều điều là không thể lý giải. Chính bởi điều này, mà khiến cho con người ta lúc nào cũng tràn đầy suy tưởng. Con người sống trên thế gian dường như là theo sự an bài sẵn vậy. Một người, trong cuộc đời của mình, đến thời điểm nào sẽ gặp ai, sự tình gì đều là đã được định sẵn.

Cổ nhân có câu “mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lý vô thì mạc cưỡng cầu”, có ý rằng, khi điều gì đó đã được sắp đặt sẵn thì nó sẽ đến đúng thời điểm. Còn nếu điều gì không được sắp đặt trước rồi thì không ai có thể làm nó xảy ra, vậy cần gì phải cố sức để thay đổi nó. Làm người học được cách điềm nhiên đối đãi với hết thảy, dùng bình tĩnh để đối đãi với mọi sự công bằng và bất công bằng trong cuộc sống, thản nhiên tiếp nhận mọi sự an bài hợp ý và không hợp ý mình. Ấy mới là cách đối đãi của bậc trí huệ.

Duyên đến không cần phải vui mừng quá đỗi, duyên đi cũng không cần phải khóc lóc thảm thiết.

Không có tình yêu thì bên cạnh bạn vẫn có bạn bè.

Không có bạn bè tri kỷ thì bên cạnh bạn vẫn còn có gia đình.

Không có gia đình thì bạn vẫn còn sinh mệnh của chính mình.

Duyên hợp, duyên tan đều lưu lại một điều gì đó tốt đẹp và một chút tiếc nuối. Trong sinh mệnh mỗi người, điều gì là của bạn thì sẽ không mất, còn như điều gì không là của bạn thì cuối cùng cũng không thuộc về bạn. Mọi sự tùy duyên, điều gì qua đi thì hãy buông bỏ để nó qua đi, nên bình tĩnh đối diện, quý trọng hết thảy những gì đang có ở hiện tại, như vậy mới sống được tự nhiên, thản đãng. Còn nếu như cố gắng níu giữ thì chỉ khiến bạn sống triền miên trong vô vọng và tâm linh bị đè nặng mà thôi.

Con người thế gian, nếu như so đo, tính toán quá nhiều thì sẽ tạo thành một loại ràng buộc, bị mê lạc quá lâu thì sẽ tạo thành một loại gánh nặng. Vì vậy, không cần quá để ý, khi có được điều gì hãy thật lòng trân quý, khi mất đi điều gì cũng đừng đau khổ tiếc nuối. Để ý quá nhiều, quá sâu sẽ khiến bạn mất đi một nửa hạnh phúc, xem nhẹ hết thảy sẽ khiến cuộc sống thăng hoa hơn, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

“Có duyên mà không có phận, có phận mà không có duyên”, đều là một phần trong sinh mệnh, nó không nên trở thành bước đệm dẫn bạn đến bước đường cùng của cuộc đời. Đừng vì “duyên đi” mà sinh ra tâm oán thù, lòng oán hận. Sống trên đời, điều gì đến thì hãy quý trọng, điều gì phải đi thì nên buông tay, như thế mới sống được tự do tự tại thực sự. Sống thuận theo tự nhiên là một loại trí tuệ, cũng là một loại cảnh giới cao của người giác ngộ.

Duyên đến, duyên đi, duyên như nước chảy ...

Chí thành niệm Phật

- “Chí thành niệm Phật” - Ấn Quang Đại Sư



Người niệm Phật hãy nên cung kính, chí thành, từng câu từng chữ trong tâm niệm cho rõ ràng, rành mạch, miệng niệm cho rõ ràng, rành mạch.

Khi trời chớm thu

- Thích Tánh Tuệ



Dặn em thôi những vội vàng
Ngước nhìn mấy cụm mây ngàn phố thu
Bôn ba chi cõi sương mù
Trăm năm ngó lại cũng như ... khóc chào

Dặn em ngày tháng hư hao
Hãy thôi mở mắt chiêm bao, dật dờ
Dù đời đó một cơn mơ
Cũng xin dệt nốt bài thơ thiện lành

Dặn em học để mà hành
Phải đâu mỗi chút hơn tranh với người
Ai chen đua, ấy chuyện đời
Nguyện làm sen trắng bên trời tỏa hương

Dặn em sống Hiểu và Thương
Vì Tâm-Cảnh ấy vô thường cả hai
Nhân gian tô vẽ hình hài
Em ngồi soi lại một đài gương tâm

Dặn em quên những thăng trầm
Đừng ôm dĩ vãng, âm thầm viển mơ
Về đây thôi sống hững hờ
Xưa - Sau là mộng. Bây giờ trạm nhiên

Dặn em, lắng giọt ưu phiền
Nhìn thu trải nắng trên miền cỏ hoa
Chi rồi cũng sẽ phôi pha
Trăm năm đó, chẳng qua là một hơi

Dặn em quên lối ngược xuôi
Ngồi yên, thở nhẹ, biết trời chớm Thu


Danh ngôn (86)

- Người hiền xưa



Trong tiệc rượu mà không nói sai thì đúng là quân tử, trong vấn đề tiền bạc mà phân minh là đại trượng phu.

Xâu chuỗi Bồ-đề

- Vũ Ngọc Toản



Thanh cao ...
yêu sao xâu chuỗi Bồ-đề
cùng ta khuya sớm, sớm khuya có nhau đi về
Bồ-đề xâu chuỗi trên tay
xâu chuỗi lần tay
cùng nhau trì niệm
đua nhau tu hành
đua nhau tu hành

Thời gian thấm thoát qua nhanh
Đời ta như thể chỉ mành treo chuông
Sanh già bệnh chết đeo luôn
Làm cho tứ chúng điên cuồng khổ thân

Nhanh lên …
mau lên dứt hết dại khờ
tìm theo chân lý sáng soi nẻo tâm mê mờ
niệm Phật Di-đà chẳng quên
Di-đà ngày đêm
dẹp tan não phiền
thân tâm an lành
Tây phương đến gần

Đừng (8)

- Marc(Thủy Nguyệt dịch)



Đừng sống với niềm oán ghét trong tim. Bạn sẽ khiến mình đau khổ hơn so với những gì mà người mà bạn căm ghét có thể làm với bạn. Tha thứ không phải là nói: “những gì anh đã làm với tôi là chấp nhận được”, mà là: “tôi sẽ không để hạnh phúc của mình bị hủy hoại vĩnh viễn bởi những gì anh đã làm với tôi”. Tha thứ là câu trả lời … hãy buông ra đi, hãy tìm kiếm sự thanh thản trong tâm hồn, hãy giải phóng bản thân bạn. Và hãy nhớ, tha thứ không chỉ vì người khác, mà còn vì chính bạn nữa đấy. Hãy tha thứ cho bản thân mình, hãy tiếp tục cuộc sống, và cố gắng làm tốt hơn trong tương lai. ╰▶ ĐỪNG GIỮ MÃI NHỮNG HẰN HỌC

Làm người, giản đơn là khỏe

- Tâm Nguyễn



Cô đơn, là bởi không có ai ở trong tâm của bạn.

Trống vắng, là bởi trong tâm bạn có người nhưng người không ở cạnh bên.

Nếu là của bạn, sẽ là của bạn, càng muốn nắm giữ chụp bắt lấy nó, thói thường nó càng dễ dàng vuột mất đi.

Chỉ cần chúng ta đã trân trọng quý tiếc, đã cố gắng nỗ lực, đã thấy không phải hổ thẹn với lòng mình, còn những thứ khác tùy vào vận mệnh.

Đôi khi giả bộ tỏ ra kiên cường trong một thời gian dài, nội tâm cũng sẽ thực sự mạnh mẽ.

Hãy yêu thương trân quý những người đối tốt với bạn, quên đi những ai không biết trân trọng quý tiếc về bạn.

Có những khi quá mỏi mệt, không muốn nói chuyện cũng chẳng muốn hoạt động, không cả cần an ủi lẫn bầu bạn, chỉ muốn được ở một mình. Đáng nói lại là, từng ngày từng ngày trôi qua, gần như mọi thứ không thấy biến đổi gì, nhưng cách một đoạn thời gian bạn ngoái đầu nhìn lại, mỗi thứ đều đã đổi thay.

Có những sự tình biết rồi thì tốt, không cần nói thêm nhiều lời.

Có những người nhận ra rồi là được, không cần kết thâm giao.

Có đôi khi ta cũng thấy buồn chán, chỉ là niềm kiêu hãnh không cho ta lên tiếng.

Trên thế giới này kỳ thực có rất nhiều hạnh phúc giản đơn, còn chúng ta luôn vướng mắc vào những niềm vui phức tạp.

Việc bình phàm không cần phải cho thành quá phức tạp, tay nắm giữ quá chặt, mọi thứ sẽ vỡ hỏng, tay sẽ đau.

Trong cái xã hội huyên náo phức tạp này, thà rằng giả ngốc, cũng không cần tự cho rằng mình thông minh, còn kỳ vọng, còn trông mong là nắm giữ gốc rễ của đau khổ trong tâm, tâm không xáo trộn, không động, sẽ không đau.

Một người không hiểu được tán thưởng bản thân, có làm như thế nào cũng đều là đang làm khó chính mình. Hãy học làm quý nhân của chính mình.

Thời gian là một chuyến lữ hành đơn trình, chỉ có đi mà không có khứ hồi, đã qua đi rồi, sau đó không cách nào quay trở lại được thời gian.

Cảm tạ những người đã thấu hiểu ta, cảm tạ người cùng bên ta sánh bước.

Cảm nhận xúc động nhất chính là có người hiểu bạn mà không nói lên lời.

Có bao nhiêu người cứ hết lần này đến lần khác thay đổi chữ ký, kỳ thực chỉ là mong để có một cảm xúc cá nhân.

Để thời gian và tâm hồn đến nhìn nhận một người, chứ không phải nhìn nhận và đánh giá một người chỉ bằng qua cái nhìn của con mắt.

Có đôi khi điều khổ nhất đều không phải ở những thứ đã mất đi, mà thứ mất đi thực sự lại là bạn để cho mình sau đó buồn khổ không vui vẻ.

Người là phải mệt, bạn để cho hiện tại không mệt, sau này sẽ càng mệt hơn.

Cuộc đời này, để chúng ta cảm giác thấy hạnh phúc nhất chính là xem nỗi khổ của chính mình như là bằng hữu, và rồi từng cái từng cái một của hạnh phúc, tất cả mọi thứ rồi mới đều sẽ trỗi dậy, hồi sinh.

Khi tức giận thực sự, không phải là khóc, cũng không phải là làm ầm ĩ lên, mà là giận quá câm nín không thốt được thành lời.

Làm người, giản đơn là khỏe. Cuộc sống, thà tĩnh là hơn.