V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Đừng hiểu lầm câu: PHẬT TẠI TÂM

(Namo Buddhaya)



Đừng hiểu lầm câu: PHẬT TẠI TÂM

Nhiều người lấy cái lí “Phật tại Tâm” nên không bao giờ đi chùa, lễ Phật, tụng kinh hay tìm hiểu giáo lý. Thật sự thì đây chỉ là lí do cho sự lười tu chứ chả phải Phật tại tâm nào ở đây cả !

Câu “Phật tại Tâm” không sai, bản thân câu này đã nói lên toàn bộ giáo lý kinh điển của nhà Phật. Tâm chúng ta vốn dĩ đã có Phật rồi hay còn gọi là Phật tánh. Đức Bổn Sư Thích Ca từng nói “ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành” để chỉ cho việc mỗi người trong chúng ta đã là một vị Phật, chỉ cần tinh tấn tu hành rồi sẽ có ngày đạt được Phật quả. Chính vì vậy nên thay vì đi tìm cầu một ông Phật bên ngoài thì hãy quay trở lại cái tâm của mình.

Về mặt ý nghĩa thì là như vậy, tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ rằng, tâm chúng ta cũng là một cái túi rác khổng lồ huân tập bao nghiệp xấu ác tham, sân, si từ vô lượng kiếp. Rác nhiều đến mức che lấp luôn ông Phật trong tâm, ví như viên kim cương rơi xuống hầm phân thì dù kim cương có sáng đến đâu cũng bị phân che lấp. Việc đi chùa, lễ bái, tụng kinh, tìm hiểu giáo pháp chính là để “dẹp rác, hốt phân”. Chỉ có sự tu tập mới tạo ra đủ sức mạnh giúp chúng ta tìm lại được ông Phật trong tâm, còn bằng không thì câu nói “Phật tại Tâm” cũng chỉ là lời ngụy biện cho những người lười tu nhưng tưởng mình là Phật mà thôi.

Danh ngôn (134)

- Trang Tử



Người xử tốt với ta thì ta cũng đối tốt lại. Người xử ác với ta thì ta cũng cứ đối tốt lại. Ta đã không xử ác với người, người lại có thể đối xử ác với ta sao.

Tôi thấy Phật

- Thơ: Thích Tánh Tuệ
- Nhạc: Tôn Thất Minh

Tôi thấy Phật ngự trong từng tia nắng
Khi vườn tâm yên lắng những lo buồn
Ai có biết Phật chưa từng đi vắng
Vì u mê đường đến Phật quanh co

Tôi thấy Phật trong tôi từng hơi thở
Khi hồn tâm mở lối yêu thương vào
Dừng lặng nhé bình yên không xao động
Cọng cỏ khô cũng thấy đẹp như thường

Tiếng của Phật như ngàn lần chim hót
Giọt yêu thương bao la thành đại dương
Đừng kiếm tìm chín tầng mây cao vót
Bước chân ta tỉnh thức hiện liên đài

Tôi thấy Phật ngự trong làn gió mát
Mắt cười xanh tỏa sáng cõi dương trần
Không oán trách, không ưu phiền giận hờn
Tôi gặp Người nơi lẽ sống tùy duyên

Tôi thấy Phật qua nụ cười em bé
Nơi bàn tay, trong đôi mắt mẹ già
Tôi biết Người ngự trong lòng nhân thế
Lúc tim mình độ lượng sống chan hòa





PHÚC từ lòng rộng lượng - AN từ sự tĩnh tâm

(Thiện Tri Thức)



Người trưởng thành không phải ở chỗ tuổi tác bao lớn, mà là ở tâm tính. Tâm trưởng thành không phải gánh vác được nhiều chuyện, mà là thái độ đối đãi với sự việc. Con người sống trong xã hội, có thể thấy được cái sai của người khác, liền nghĩ đến lỗi của chính mình, thấy chỗ không phải của người khác, lại có thể bao dung cái không hay của họ, như thế tâm mới được an yên, nhẹ nhõm.

Tâm càng xem nhẹ, tổn thương càng ít. Tâm rộng bao nhiêu, hạnh phúc có được bấy nhiêu … Nhân sinh, không thể lúc nào cũng hài lòng, khắp nơi đều hoàn mỹ tốt đẹp.. Có khi bị hiểu lầm, càng giải thích càng phí công. Chi bằng mỉm cười bỏ qua, để cho thời gian trả lời. Gặp người không hài lòng, nhiều lời thành thừa thãi, bỏ qua mới là một loại trí tuệ.

Người muốn lòng yên tĩnh, nói nhiều tất nói hớ, lảm nhảm chi bằng tự xét lại tâm, oán trách người khác chi bằng nghe đó rồi quên. Cảm thấy phiền vì người khác, thường là do mình quá để ý, cảm thấy bị người khác tổn thương, thường là do mình quá quan trọng “cái Ta”. Người mà ôn hòa, họ không hận ai cả, người mà rộng lượng, không ai có thể làm cho họ thấy phiền.

Không làm được mặt trời, vậy làm ngôi sao sáng nhất.

Không làm được đại lộ, vậy làm con đường mòn đẹp nhất.

Không làm được minh tinh, vậy làm con đom đóm, cũng vui.

Cuộc đời, hết thảy đều là thoáng qua, hạnh phúc mới là đích đến của kiếp người. Tâm an thì đâu cũng an, nơi đâu cũng tự tại. Tâm rộng thì trời đất cũng rộng, cảnh giới không có ai đối địch, tỵ hiềm, đó chính là chân hạnh phúc.

Con người đi một vòng rồi tất cả đều trở về con số ban đầu

(Thiện Tri Thức)

- Khi không vui, hãy nghĩ xem mình còn lại bao nhiêu ngày để dằn vặt, còn bao nhiêu thời gian để phung phí ? Bạn vui, một ngày cũng qua đi, bạn buồn, một ngày cũng kết thúc. Nếu nhận ra điều này hẳn sẽ không dễ dãi để cuộc sống mình âm u nữa.

- Khi phiền muộn, hãy nghĩ xem thật ra cuộc sống là những phép trừ, gặp nhau một lần là ít đi một lần, sống hết một ngày là giảm đi một ngày, có gì đáng để phí hoài ? Không quên tình nghĩa, không nhớ lỗi người, không nghĩ thị phi, không chấp oan trái, không nợ nần ai, không thẹn với lương tâm, là được.

- Khi thấy bi thương, hãy xem cuộc sống là một hành trình, chúng ta đến đây hai tay trắng thì rời đi cũng sẽ như vậy, không thể mang theo dù chỉ là hạt bụi hay một áng mây bay. Những công danh lợi lộc, những thế thái nhân tình, đều phải để lại. Hiểu rõ điều này rồi thì có gì phải bận tâm mà phiền lòng ?

- Khi nổi giận, hãy nghĩ xem có nên vì những kẻ không đáng mà ấm ức ? Có cần vì những việc không quan trọng mà bực mình ? Ăn uống đúng cách, làm việc điều độ, vận động vừa đủ, nghỉ ngơi hợp lý, khoản nào tiết kiệm thì tiết kiệm, phần nào nên tiêu thì chi ra. Bạn tốt thì gia đình và người thân mới tốt, mọi người đều sẽ tốt.

- Khi không được như ý, hãy so sánh với sự bận rộn của những người giàu có, chúng ta sống biết đủ chính là niềm hạnh phúc. Rồi nhìn qua những người đang đau khổ trong bệnh viện, chúng ta vẫn mạnh khỏe chính là niềm hạnh phúc. Và hãy xem trên thế giới một giây có bao nhiêu người phải rời đi, chúng ta vẫn còn sống chính là niềm hạnh phúc ... Con người muốn có một đời sống khỏe thì tâm phải đơn giản, thân phải nhẹ nhàng.

- Khi tính toán, hãy nghĩ xem con người đi một vòng trong thế gian đều trở về điểm 0, sao phải chi li so bì, không biết nhường nhịn ? Nói nhiều thì tổn thương người, tính nhiều thì tổn thần khí, chi bằng đừng so đo nữa, làm một người vui vẻ dễ chịu, không thẹn với lòng.

Vài dấu hiệu chứng tỏ bạn đã trưởng thành

(Thiện Tri Thức)

BÌNH TĨNH và KIÊN CƯỜNG - có những người khi đối diện với bất kể chuyện gì đều trầm lặng không nói, cũng lại có những người khi bị người khác hiểu lầm thì không đi giải thích, khi bị người khác bình luận cũng không tranh cãi, khi bị người khác đặt điều thị phi thì im lặng. Họ im lặng không phải vì sợ, cũng không phải vì nhu nhược hèn yếu, mà muốn để thời gian chứng minh tất cả. Đôi khi, im lặng giúp tâm thái người ta thoải mái hơn là thổ lộ dốc bầu tâm sự, im lặng cũng là biểu hiện sự từng trải giúp người ta trưởng thành. Đau rồi hãy cố gắng nhẫn chịu một chút, mệt mỏi rồi nên im lặng, nghỉ ngơi.

BIẾT KHOAN DUNG và HIỂU NGƯỜI KHÁC - biển có thể thu nạp trăm nghìn sông nên mới trở nên rộng lớn, khoan dung với lỗi lầm của người khác thực ra cũng là tha thứ cho chính mình.

BIẾT BUÔNG BỎ và BIẾT QUÝ TRỌNG - người trưởng thành cần phải “tự loại bỏ” một số loại “đồ vật” trên hành trang của mình, ví như những người bạn “hư tình giả ý”, những “thú vui” rượu chè vô nghĩa, những câu chuyện phiếm vô dụng … thay vào đó họ biết nắm giữ và trân quý sự tự tin, tấm lòng lương thiện, khiêm tốn và giản dị.

SỐNG LÍ TRÍ và NHIỆT TÌNH - con người ta trưởng thành qua thời gian, cho dù nhìn rõ hiện thực phũ phàng của thế giới, của xã hội, nhưng vẫn nhiệt tình kiên cường trân trọng từng phút giây của cuộc sống, đó là bởi họ biết trân quý giá trị của sinh mệnh, biết rằng được sinh ra trên cõi đời này là điều đáng trân quý biết nhường nào.

Trang kinh vừa khai mở
Tuệ giác thắp lên rồi
Trái tim bừng hé cửa
Thấu hiểu về muôn nơi ...

Lắng tâm nhìn lại

(Thích Tánh Tuệ)



Tôi chỉ là một nhà sư
Tâm hồn, thể xác cũng như mọi người
Lặng thầm tôi sống giữa đời
Chẳng hề ôm mộng thành người hữu danh
Chỉ mong nhìn lại chính mình
Soi lòng trên mỗi tâm tình diễn ra
Cuộc đời quá đỗi bao la
Điều tôi muốn hiểu chính là ... tự tâm

Khi đi, lúc đứng, ngồi, nằm
Ra vào tiếp xúc âm thầm liễu tri
Nói nhiều, ngẫm có ích chi
“Đa ngôn, đa quá” thị phi càng nhiều
Tháng ngày còn lại bao nhiêu
Quay về suy gẫm những điều Phật răn
Lòng này có Phật, Pháp, Tăng
Thì xin nguyện dứt ngã nhân, muộn phiền
Một giờ an trú tâm thiền
Hơn nghìn năm sống đảo điên mê mờ

Xưa kia hướng ngoại hằng giờ
“Trong nhà có báu” lại thờ ơ quên
Nên đời tôi mãi chông chênh
Nên sầu với khổ không tên buộc mình
Hiểu người, ấy gọi thông minh
Hiểu mình, ấy biết tự mình vượt qua
Vui đời ẩn dấu phong ba
Bình yên nội tại mới là phúc chân
Nhân gian vui, khổ xoay vần
Bôn ba chi cũng ... phù vân cuối trời

Bây chừ gác lại chuyện đời
Chắp tay sen với một lời “Tạ ơn”
Tạ từ, đốt nén trầm hương
Tôi về, xin gửi tình thương khắp cùng ...

Cái tôi hư huyễn

(Sưu tầm)



Có người tu lâu năm, đạt được thần thông, bèn lên thiên đường gõ cửa Thượng Đế.

- Thượng đế hỏi: “Ai đó ?”

- Người kia đáp: “Tôi đây !”

- Thượng Đế hỏi: “Tôi là ai ?”

- Người kia đáp: “Tôi là tôi !”

- Thượng đế bảo: “nếu tôi là tôi và ông là ông thì ở đây không có chỗ cho hai người cùng ở, hãy về đi”.

Người kia trở về tu nữa. Lần sau, khi gõ cửa thiên đường và Thượng Đế hỏi: “Ai đó ?” “Tôi !”, “Tôi là ai ?” ... thì người kia đáp: “Tôi là Ngài !”. Thượng đế mới bảo: “hãy vào !”

Cho nên khi chúng ta không phân biệt tôi, anh, khi chúng ta không chấp cái “ta” thì bao nhiêu người cũng như một, đều sống chung với nhau, hòa thuận vui vẻ. Đứa bé mới ra đời chưa biết gì, đến một tuổi cha mẹ mới đặt cho một cái tên, có khi một cái tên rất xấu xa, và dần dần nó chấp chặt cái tên đó là mình, một khi có ai gọi cái tên ấy mà tán thán, khen ngợi thì nó lại thấy sung sướng, phấn khởi. Sau này khi lớn lên, khi nghe người khác xưng hô với mình thiếu lịch sự thì lại phiền muộn. Vì một cái tên bông lông, không đâu mà mình cứ đau khổ, sống chết luân hồi triền miên với nó ?

Nếu tin hiểu được lời Phật dạy: “vạn pháp đều như hóa như huyễn” thì ta không bao giờ đau khổ nữa, không phiền muộn nữa. Cái danh xưng là giả tạm, (danh xưng như huyễn vô ngã), cái thân là giả hợp, nếu chúng ta hiểu được như vậy, tất chúng ta an lạc, giải thoát.

Chúng ta lễ Phật là để cảm ân Đức Phật đã giáo hóa chúng ta, đã bày chế ra bao nhiêu pháp môn phương tiện hầu dẫn dắt chúng ta đến Niết Bàn, đến giải thoát. Phá trừ ngã chấp là giáo lý cao quý nhất mà Đức Phật dạy cho chúng ta.

Thời gian không bao giờ quay trở lại

(Sưu tầm)



Ngày kia, một thầy giáo và học viên của mình cùng ngồi dưới tán cây lớn, gần đó là trảng cỏ rộng. Chợt người học viên hỏi thầy:

- Thầy ạ, em cảm thấy rối trí trong việc làm sao tìm được người bạn đời như ý muốn. Thầy có thể giúp em chăng ?

Thầy sau một lúc im lặng, nói:

- Ừm … câu hỏi khá khó nhưng cũng đơn giản.

Học viên ngạc nhiên:

- Vậy là sao hả thầy ?

Thầy bèn nói:

- Hãy nhìn kìa, trảng cỏ rộng lớn ấy. Bây giờ em ra đó, băng qua nó nhưng nhớ là không được quay đầu lại, chỉ tiến thẳng tới trước thôi. Trên đường đi em cố tìm xem có cây cỏ nào xinh đẹp, thì nhổ lên và đem về cho thầy. Chỉ một cây cỏ thôi, không phải một nắm nhé. Giờ thì đi đi …

- Dạ được … Thầy đợi chút nhé.

...... Ít phút sau ......

Học viên nói:

- Em đã về.

Thầy hỏi:

- Ừ …. mà này, thầy không hề thấy cây cỏ xinh đẹp nào như đã dặn trên tay em cả ?

Người học viên nói:

- Trên đường đi em thấy ít cây cỏ cũng gọi là xinh đẹp, nhưng em nghĩ rằng mình có thể tìm được cây đẹp hơn, vì vậy em không chọn. Cứ thế, và em đi đến cuối trảng cỏ mà chưa chọn được cây nào cả. Và vì thầy dặn không được đi ngược lại, nên em đành về tay không.

- Đó là những gì xảy đến trong cuộc sống của chúng ta. Khi tìm kiếm một người để chung sống cùng nhau suốt đời, đừng nên so sánh với những người khác và hy vọng mình sẽ tìm kiếm được người tốt nhất. Vì như thế em sẽ đánh mất thời gian quý báu trong đời, và hãy nhớ rằng: “thời gian sẽ không bao giờ quay trở lại”.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|23|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường



“Những câu Kinh được chép vào khắp nơi trong cuộc sống, nhưng chỉ những người đủ duyên, đủ tĩnh lặng, mới có thể đọc được”.

Câu kinh “vô thường” được chép vào những giọt sương mai đầu cành, chép vào tia chớp thoáng qua ngang trời ngày giông gió. Chép vào cánh hoa rơi. Chép vào dòng nước chảy. Chép vào đám mây chiều tan hợp cuối trời. Chỉ một sát-na, còn đó mất đó. Mong manh, ngắn ngủi. Vô thường.

Câu kinh “vô ngã” được chép vào những con sóng bạc đầu đuổi nhau trên mặt biển. Sóng là nước trong ngày bình yên, nước là sóng trong ngày bất an. Chỉ do lòng nổi gió mà thành khác nhau, nước lao xao thành sóng rồi vỡ tan. Vô ngã.

Câu kinh “vô nhiễm” được chép vào những cơn gió đi khắp thế gian. Ai nhuộm màu được cơn gió ? Ai làm bẩn được cơn gió ? Chép vào đóa sen trắng tinh khôi ngoài hiên. Vô nhiễm.

Câu kinh “vô trước” (không vướng bận) được chép vào lòng hư không. Nhỏ như hạt bụi chiếc lá cánh chim, to lớn như mặt trăng mặt trời, đi ngang qua lòng hư không cũng không để lại một dấu vết gì. Vô trước, không vướng mắc, những bước chân qua.

Và câu kinh “sắc không” chép vào vệt nắng ngoài hiên, vệt nắng có hình dạng, có thể hong khô được đôi tay, có thể nuôi lớn một ngọn cỏ dại, nhưng không ai có thể cầm giữ được. Có hay không ? Có như không.

Rồi ai cũng sẽ có một ngày, đủ tĩnh lặng để đọc được những “câu kinh vô tự” như vậy, từ hôm ấy, cuộc sống bắt đầu đổi thay mãi.

Đường về biển cả

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương LXIII, Thích Nhất Hạnh



Trên đường đi, Bụt ghé vào thị trấn Alavi. Tại đây người được dân chúng đón tiếp và cúng dường trai phạn tại một trú sở công cộng. Đi theo Bụt có tám vị khất sĩ, trong đó có thị giả của người là Ananda.

Sau khi Bụt và các vị khất sĩ đã thọ trai, mọi người đều ngồi lại ăn uống. Hôm ấy đến dự có khoảng ba trăm người. Cơm nước đã xong, đại đức Ananda thỉnh Bụt nói pháp cho quần chúng. Mọi người đã ngồi yên sẵn sàng nghe Bụt nói, thì một bác nông dân đẩy cửa bước vào. Bác đã đến trễ, vì sáng hôm nay bác phải đi tìm một con trâu lạc. Tìm được trâu rồi, bác đóng cửa chuồng trâu và vội vã tìm tới trụ sở buổi họp, chưa kịp bỏ một hạt cơm nào vào bụng.

Biết bác nông dân đang đói, Bụt không thuyết pháp vội. Người bảo đem cơm và cà ri ra để bác nông dân ăn trước. Có người sốt ruột, bảo rằng ba trăm người mà phải chờ một người thì quá đáng, nhưng Bụt nhất định chờ. Người chờ cho bác nông dân ăn cơm và uống nước xong mới bắt đầu thuyết pháp. Người nói:

- Thưa quý vị, nếu tôi thuyết pháp trong khi bác nông dân này đang đói bụng, thì bác sẽ không theo dõi được bài giảng và như thế là sẽ thiệt hại cho bác. Đại chúng nên biết không có gì khổ bằng đói. Cái đói nó hành hạ ta và làm cho ta mất hết thanh tịnh và an lạc. Chúng ta phải nghĩ tới những kẻ bị đói, người lớn cũng như trẻ em. Đói vì ăn cơm trễ đã là khổ rồi, huống hồ không ăn trong nhiều ngày nhiều tháng. Ta phải làm sao để đừng có ai bị đói trên cuộc đời này mới được.

Ngược dòng sông Hằng, Bụt hướng về Kosambi phía Tây Bắc. Đứng bên dòng sông, Bụt nhìn thấy một khúc gỗ lớn đang theo dòng chảy về phương Đông. Người gọi các vị khất sĩ cùng đi, chỉ cho họ thấy khúc gỗ đang trôi và nói:

- Các vị khất sĩ ! Khúc gỗ kia nếu không bị vướng mắc vào hai bờ, nếu không chìm đắm nửa chừng, nếu không vướng một doi cát, nếu không bị người ta vớt lên, nếu không bị cuốn theo dòng nước xoáy và nếu không bị mục nát từ bên trong mục nát ra, thì sẽ cứ trôi như thế cho đến ngày ra được biển cả. Các vị cũng thế, trên con đường tu đạo, nếu quý vị không bị vướng mắc vào hai bờ, nếu quý vị không bị chìm đắm nửa chừng, nếu không vướng vào một doi cát, nếu không bị người ta vớt lên, nếu không bị cuốn theo dòng nước xoáy và nếu không bị mục nát từ bên trong mục nát ra, thì chắc chắn các vị cũng sẽ đi về tới đại dương của sự giải thoát và giác ngộ hoàn toàn.

Các vị khất sĩ hỏi Bụt:

- Xin Thế Tôn nói rõ cho chúng con hiểu, thế nào là vướng mắc vào hai bờ ? Thế nào là không bị chìm đắm nửa chừng ? Thế nào là không bị cuốn trôi theo dòng nước xoáy ?

❝Bị vướng mắc vào hai bờ tức là bị vướng mắc vào sáu giác quan và sáu loại đối tượng. Sống tinh cần và tỉnh thức thì các vị sẽ không đánh mất chánh niệm và sẽ không bị kẹt vào những cảm thọ do sự xúc tiếp giữa sáu giác quan và sáu loại đối tượng của chúng gây ra.

Chìm đắm nửa chừng tức là bị những sợi dây tham dục và mê đắm buộc lại và không còn đủ sức để đi tới, và rốt cuộc phải nửa chừng bỏ lỡ sự nghiệp tu học của mình.

Vướng vào một doi cát tức là vướng vào sự phục vụ cái ngã của mình, suốt đời chỉ nhắm tới chuyện quyền lợi và hư danh mà quên đi mục đích tối hậu là giải thoát.

Bị người ta vớt lên nghĩa là mải mê cái vui phàm tục, chỉ ưa la cà suốt ngày suốt buổi rong chơi với bạn xấu mà xao lãng công việc tu hành.

Cuốn theo dòng nước xoáy có nghĩa là chìm đắm trong vũng tù của năm thứ dục lạc: ăn ngon, mặc đẹp, sang giàu, dâm dục, hư danh, và lười biếng mê ngủ.

Mục nát từ bên trong mục nát ra là sống đời sống đạo đức giả dối, lường gạt quần chúng, lợi dụng đạo pháp để thỏa mãn cá nhân.

Các vị khất sĩ ! Các vị nên tinh tiến tu học, giữ gìn để đừng vướng mắc vào một trong sáu trở ngại đó. Như thế các vị chắc chắn sẽ đi về quả giác ngộ, như khúc gỗ kia nếu không bị vướng mắc vào bất cứ trở ngại gì trên sông thì chắc chắn sẽ về được tới biển cả.❞


Trong lúc Bụt giảng dạy cho các vị khất sĩ thì có một thiếu niên chăn trâu khoảng mười sáu tuổi đứng gần đó. Thiếu niên này tên là Nanda, trùng với tên vị khất sĩ Nanda, em cùng cha khác mẹ với Bụt. Nanda nghe Bụt giảng, thích lắm, em đến gần Bụt xin Bụt cho em đi theo làm học trò người. Em nói:

- Sa môn, con cũng muốn được như các vị khất sĩ có dung mạo trang nghiêm kia. Con cũng muốn tu học như các vị. Con hứa sẽ đem hết sức mình để tu học, để đừng bị vướng vào hai bờ, để đừng bị chìm đắm, để đừng bị vướng vào một doi cát, để đừng bị người ta vớt lên, để đừng bị cuốn theo dòng nước xoáy và để đừng bị mục nát từ trong mục nát ra. Xin sa môn nhận con làm học trò của Người …

Thấy thiếu niên tuy ít học mà có vẻ thông minh, Bụt gật đầu. Người hỏi:

- Con bao nhiêu tuổi ?

- Bạch sa môn, con mười sáu.

- Con có cha mẹ ở nhà không ?

- Ba Mẹ con đều đã mất. Con không có anh em và bà con nào hết. Con chỉ ở giữ trâu cho một người giàu có trong làng mà thôi.

Bụt hỏi tiếp:

- Con có thể ăn một ngày một bữa không ?

- Con đã quen ăn như thế từ lâu.

Bụt nói:

- Đáng ra, con phải có đủ hai mươi tuổi mới được chấp nhận vào giáo đoàn. Tuổi chưa hai mươi thì chưa đủ chịu đựng được nếp sống không nhà không cửa, nhưng con là một thiếu niên đặc biệt, ta sẽ xin giáo đoàn cho con được miễn điều kiện tuổi tác. Con sẽ tập sự bốn năm với tư cách một vị sa di trước khi thọ giới khất sĩ. Bây giờ con đi lùa trâu về trả cho chủ con đi, và con xin phép chủ con cho nghỉ việc. Xong xuôi, con sẽ đến tìm ta.

Thiếu niên thưa:

- Bạch sa môn, con không cần làm như thế, những con trâu này khôn lắm, chúng có thể đi về chuồng một mình mà không cần con lùa.

- Nhưng con phải lùa chúng về, giao lại cho chủ đàng hoàng và xin phép chủ nghỉ việc thì con mới được chấp nhận theo ta.

- Nếu lỡ con lùa trâu về giao cho chủ và xin phép chủ được rồi, nhưng khi trở lại Bụt và các thầy đã đi hết rồi thì sao ?

Bụt cười:

- Con đừng lo, ta đã hứa thì chúng ta sẽ đứng đây chờ con.

Nanda sung sướng đi lùa trâu về chuồng. Bụt gọi khất sĩ Svastika, Người nói:

- Svastika, thầy giao cho con hướng dẫn em thiếu niên chăn trâu này. Thầy tin rằng con biết cách giúp nó.

Svastika chắp tay phụng mệnh. Thầy Svastika năm nay đã ba mươi chín tuổi. Thầy biết tại sao Bụt giao trách nhiệm hướng dẫn em thiếu niên chăn trâu này. Svastika được gặp Bụt hồi mới mười một tuổi và đã được Bụt cho xuất gia năm thầy lên hai mươi mốt. Chính vì Svastika mà Bụt đã nói kinh Phong Ngưu. Kinh này thầy Svastika vẫn thuộc lòng. Thầy đã trùng tuyên kinh này rất nhiều lần cho các bạn đồng tu. Cậu bé Nanda này sẽ được tập sự xuất gia, và bốn năm sau sẽ được thọ giới khất sĩ. Thầy Svastika tin tưởng là mình đủ sức để hướng dẫn chú bé này. Đã đến lúc Bụt giao cho thầy trách vụ tiếp độ những người trẻ tuổi. Bạn thân nhất của thầy là đại đức Rahula năm nay cũng đã ba mươi sáu.

Tất cả mấy đứa em của thầy Svastika đến nay đã có vợ và có chồng. Ai cũng có gia đình và nhà cửa riêng. Ngôi nhà ngày xưa của gia đình Svastika bây giờ đã xiêu vẹo và đổ nát. Trong một chuyến du hành ngang qua thôn Uruvela, Svastika đã ghé thăm lại chốn cũ năm xưa, khi thầy còn là cậu bé mười một tuổi, một mình phải đi chăn trâu nuôi bốn đứa em. Năm ấy Rupak mới bảy tuổi, Bala mới năm tuổi, Bhima mới hai tuổi. Năm nay Bhima đã ba mươi tuổi rồi. Cũng như chị nó là Bala, Bhima đã có chồng có con, em trai của Svastika sau khi cưới vợ đã đi lập nghiệp ở một nơi khác. Svastika đã có gần hai mươi đứa cháu, và trong số đó cũng có những đứa đang đi chăn trâu cho người khác như Svastika và Rupak ngày xưa. Svastika nhớ có lần thầy đã mời thầy Rahula ghé lại quê nhà. Lúc đó Rupak đã cưới vợ và đi sinh sống nơi khác. Hai đứa em gái còn ở với nhau, sống vào nghề làm bánh. Svastika đã cùng đi với Rahula ra bờ sông. Nhớ lời hứa với bạn, Svastika đã đi tìm bọn chăn trâu đang thả trâu cho ăn bên bờ cỏ cạnh dòng sông Ni Liên Thuyền và bảo chúng để cho Rahula thử cưỡi lên mình trâu. Lúc đó Rahula đã thọ giới khất sĩ, nên hơi ngần ngại, nhưng cuối cùng, Rahula đã cởi áo sanghati cho Svastika cầm. Một em bé mục đồng chỉ cho Rahula cách leo và ngồi trên mình trâu. Thấy con trâu to lớn nhưng quá hiền lành, Rahula làm đúng theo lời em bé. Ngồi trên mình trâu, để trâu thong thả bước đi, Rahula cho Svastika biết cái cảm giác là lạ của thầy. Rahula ý thức về cảm giác ấy, rồi Rahula nói không biết nếu thấy cảnh này Bụt sẽ nghĩ gì. Svastika biết nếu không đi tu, thì ở lại hoàng cung để sau này làm vua, chắc hẳn Rahula sẽ không bao giờ có dịp cưỡi lên mình trâu mà đi như hôm nay.

Chú bé Nanda đã trở lại, đại đức Svastika trở về giờ phút hiện tại. Thầy bảo Nanda tới gần thầy, và cho chú biết thầy sẽ là thầy nương tựa của chú. Ngay tối hôm ấy Nanda được xuống tóc làm một vị sa di. Chú tiểu mới này được dạy cách mặc áo, mang bát và những cách đi, đứng, nằm, ngồi theo chánh pháp.

Nanda đã mười sáu tuổi và có vẻ chín chắn, thầy Svastika nghĩ rằng hướng dẫn chú sa di này không phải là việc khó. Thầy nhớ năm xưa ở tu viện Trúc Lâm, có một nhóm mười bảy em bé được các thầy trong tu viện chấp nhận vào giáo đoàn để tu học, em lớn nhất mười bảy tuổi và em bé nhất chỉ mới có mười hai. Tất cả đều là con nhà khá giả, đứa lớn nhất tên là Upali. Mười sáu em kia đều là bạn chơi thân của Upali. Khi Upali xin đi xuất gia, cả bọn mười sáu đứa kia đều đòi cha mẹ cho đi tu theo. Sau khi được chấp nhận, bọn trẻ được khép vào kỷ luật của tu viện. Luật của tăng đoàn là không thể ăn quá Ngọ. Đêm đầu, mấy em nhỏ đói quá nên khóc. Các thầy bảo phải đợi tới ngày mai mới được ăn cơm. Buổi sáng, Bụt hỏi các thầy tại sao ban đêm lại có tiếng trẻ em khóc. Các thầy trình bày lại tự sự. Bụt bảo:

- Từ nay về sau, các thầy không nên nhận vào giáo đoàn những người dưới hai mươi tuổi. Các em chưa đủ sức để chịu đựng nếp sống của người khất sĩ.

Tuy nhiên, vì các em đã được chấp nhận lỡ rồi nên vẫn được giữ lại. Bụt dạy các thầy nên cho phép các em từ mười lăm trở xuống được ăn thức ăn nhẹ vào buổi chiều, cũng như Rahula hồi tám tuổi. Em bé nhỏ nhất năm ấy, năm nay cũng đã được thọ giới khất sĩ rồi vì đã đến tuổi hai mươi.

Dù chỉ một lần

- Thích Tánh Tuệ

Xin một lần lặng nghe tiếng thời gian
Rơi tí tách như ngoài hiên mưa nhỏ
Trong lắng sâu ánh sao đêm mờ tỏ
Đời mênh mông ... về lại với riêng mình

Xin một lần thức dậy với bình minh
Nghe gió hát lời Tâm kinh huyền diệu
Chợt nhận ra đời ta chưa từng thiếu
Ngoảnh nghìn xưa ... mòn mỏi bước chân tìm

Xin một lần trò chuyện với con tim
Nghe lồng ngực niệm ân tình sự sống
Bởi trí óc chưa từng nguôi dục vọng
Đày con tim mấy độ sắp toi đời

Xin một lần ra biển lúc chiều rơi
Uống nước biển để ... tâm tình thôi khát
Hạnh phúc truy cầu nắm tay cùng ảo giác
Loài người say hoài, đâu phải rượu trần gian

Thử một ngày dừng lại bước gian nan
Nhìn đức Phật mắt Ngài ngân ngấn lệ
“Sao con lấy khổ làm vui mãi thế ?”
Con Phú hào cam phận kiếp hèn nô ?

Trăm năm rồi ... lá rụng xuống hư vô
Lao lung kiếp dã tràng chi thêm nữa
Ai tỉnh thức nhìn hoa Chân Lý nở
Dù chỉ một lần, khoảnh khắc hóa thiên thu



Happy father’s day

. . .



F - forever with his family

A - always there for you no matter what

T - the only one who’s there

H - he’s my hero till the end

E - encouraging in everything I do

R - really the only one, no one can beat him, he’s the best

HAPPY FATHER’S DAY ~

Năm điều cần buông bỏ để sống không mệt mỏi

(Sưu tầm)



Rất nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta lại bị ràng buộc vào một số thứ khiến bản thân biến thành người khác và sống một cách mệt mỏi vô cùng. Để sống tự do tự tại, không mệt mỏi, mỗi người đều nên học cách buông bỏ. Có thể “buông bỏ” mới có thể “đắc được”.

Vậy để sống không mệt mỏi, thong dong tự tại, cần buông bỏ những gì ? Dưới đây là năm yếu tố mà mọi người thường mắc phải.

1. QUÁ ĐỂ TÂM XEM NGƯỜI KHÁC CÓ THÍCH MÌNH HAY KHÔNG

Sống trên đời, vô luận là chúng ta lựa chọn làm hay không làm một việc gì đó thì đều sẽ có người yêu thích và người không yêu thích chúng ta. Bởi vậy, không cần mất quá nhiều thời gian vào việc lấy lòng người khác mà chỉ để tâm làm cho thật tốt, sống cho thật tốt thì tự nhiên bản thân chúng ta sẽ có lực hấp dẫn, thu hút sự yêu mến của người khác. “Muốn vừa lòng người khác” là một sai lầm mà rất nhiều người phạm phải. Họ lo lắng người khác không yêu thích mình mà quên mất rằng, mỗi người đều là riêng biệt, người ta chỉ thực sự bị hấp dẫn, thu hút bởi sự tỏa sáng từ nội tâm của một người chứ không phải những biểu hiện của bề ngoài. Một người chỉ cần chú trọng tu dưỡng tâm tính trở thành một người thực sự tốt thì tự nhiên sẽ có hình tượng tốt đẹp trong mắt mọi người, mọi người đều muốn kết giao, giống như lời của cổ nhân “hữu đức tự nhiên hương”.

2. QUÁ ĐỂ TÂM ĐẾN HÌNH TƯỢNG MÌNH TRONG MẮT NGƯỜI KHÁC

Một người quá để ý đến một điều gì đó thì sống sẽ rất mệt mỏi. Khi chúng ta quá để ý đến hình tượng của mình trong cảm nhận của người khác, quá lo lắng rằng hình tượng của mình trong mắt người khác là tốt hay không tốt thì thường thường sẽ ngụy trang bản thân mình, cố gắng biểu hiện ra những gì là tốt nhất của bản thân mà không phải là bản thân mình thực sự nữa.

3. LO SỢ KHÔNG GIỐNG NHƯ NGƯỜI KHÁC

Mỗi người đều thường có khuynh hướng sợ sệt khi bản thân mình khác với những người khác. Những suy nghĩ sợ sệt đó khiến chúng ta gặp rất nhiều trở ngại khi làm điều mà mình mơ ước, tâm huyết. Mỗi người đều là một cá nhân đặc biệt, đều có ưu điểm riêng mà chỉ bản thân mình mới biết, cho nên phải buông bỏ được cái tâm này thì chúng ta mới thực sự là chính bản thân mình. Bởi vì khi chúng ta sợ mình không giống với những người khác, sẽ khiến bản thân phủ nhận giá trị của riêng mình. Chính điều này sẽ khiến bạn mất đi ý nghĩa thực sự của đời mình.

4. QUÁ ĐỂ Ý ĐẾN ÁNH MẮT CỦA NGƯỜI KHÁC

Mỗi khi quyết định hay làm một việc gì đó, chúng ta thường sợ sệt người khác nghĩ gì về mình. Khi ước mơ của chúng ta không giống với của người khác, chúng ta lại sợ sệt không dám chia sẻ với họ về ước mơ của mình. Khi cách nghĩ của chúng ta khác họ, chúng ta lại sợ nói ra sẽ bị người khác nhận xét không hay … Như thế đều là mệt mỏi. Sự việc này xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống xung quanh mỗi người. Kỳ thực, cùng là một sự việc, đối với người này có thể không có ý nghĩa, không có gì quan trọng, nhưng đối với người khác lại có thể quyết định cả cuộc đời họ. Cho nên, khi đã thấy một việc là đúng đắn, phù hợp với ước mơ nguyện vọng của mình, đừng quá để ý đến ánh mắt của người khác, hãy dũng cảm thực hiện mới mong đạt được thành công và sống cuộc sống của chính mình.

5. QUÁ ĐỂ TÂM ĐẾN KỲ VỌNG CỦA NGƯỜI KHÁC

Một nhà văn nổi tiếng từng viết rằng, trên thế giới này có rất nhiều loại kỳ vọng giống như gông xiềng trói buộc chúng ta lại. Kỳ vọng mong chờ của cha mẹ, kỳ vọng của thầy cô giáo, kỳ vọng của bạn bè, người thân … Rất nhiều người vì để thỏa mãn kỳ vọng của người khác mà đưa ra những quyết định không hợp với lòng mình, miễn cưỡng bức ép mình, khiến bản thân sống rất mệt mỏi, thậm chí nảy sinh ý nghĩ tiêu cực. Thử hỏi điều đó có đáng không ? Mỗi người là một sinh mệnh, có ước mơ, có hoài bão và năng lực riêng. Đừng sống quá phụ thuộc vào sự kỳ vọng của người khác. Có những người có năng khiếu âm nhạc nhưng cha mẹ họ kỳ vọng họ làm bác sỹ, muốn cha mẹ vui họ cô gắng trở thành bác sỹ nhưng nội tâm họ không có niềm vui khi sống với một nghề nghiệp trái với thiên hướng và sở thích của mình.

Nếu sự tình không như mong muốn, hãy tin ông trời có an bài khác cho bạn

(Thiện Sinh)



Cuộc đời vốn rất công bằng. Đừng bao giờ nghĩ bạn bất hạnh. Bởi vì phía trước lúc nào cũng sẽ có con đường và ngày mai mặt trời vẫn luôn luôn toả sáng.

- Ai ai rồi cũng phải tự mình vượt qua một khoảng thời gian không có ai giúp đỡ, không người ủng hộ hay ân cần hỏi han. Nhưng chỉ có như vậy người ta mới có thể kiên cường vượt qua giông tố. Cây Tùng, cây Bách chốn thâm u nào cần người thăm hỏi mà quanh năm vẫn tươi xanh màu lá ? Cây Mai giữa sương tuyết, gió rét không cần bè bạn vẫn đơm hoa đúng dịp Xuân.

- Khi có thể vượt qua giông bão, đó chính là “lễ trưởng thành” của bạn. Ngược lại, nếu không qua được, phải giữa chừng bỏ dở thì hãy tin rằng vẫn còn một cơ hội thứ hai. Thất bại không phải là sự kết thúc. Sự kết thúc thực sự chính là chấp nhận thất bại.

- Chớ nên tranh luận với kẻ ngốc, nếu không sẽ không thể biết rõ ai là kẻ ngốc. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là bản lĩnh.

- Không ai có thể giúp bạn trở nên hoàn thiện hơn. Thời gian cũng không khiến bạn có thể trưởng thành. Tất cả là ở bản thân mình, là phúc hay hoạ, là vui hay buồn, là mạnh mẽ hay yếu ớt. Chỉ có không ngừng tiến bước, tu dưỡng phẩm hạnh, rèn giũa tài hoa, bạn mới tìm được hạnh phúc chân chính của riêng mình.

- Hãy đọc một cuốn sách hay, hãy bước chân ra ngoài phố, cảm nhận nhiều hơn, nhìn ngắm nhiều hơn. Nếu có thể hãy đến một vùng đất khác, đến một khung trời khác xem ngắm. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, khi tầm mắt rộng mở bạn sẽ thấy những quan niệm trước đây của mình thực chỉ là “ếch ngồi đáy giếng” mà thôi.

- Không chìm đắm trong quá khứ, không cuồng nhiệt ngóng đợi tương lai. Hãy tận hưởng từng giây phút hiện tại và làm tốt những việc cần làm. Và bạn sẽ thấy rằng sinh mệnh của mình tồn tại không vô nghĩa.

- Nếu như mọi sự tình không được như mong muốn, bạn hãy tin tưởng rằng ông trời nhất định còn có an bài khác. Cuộc đời cũng sẽ mở cho bạn một lối đi khác. Thuyền đến đầu cầu ắt sẽ thẳng, xe đến chân núi ắt có đường. Chỉ cần có lòng tin, bạn sẽ còn tất cả.

- Không kể bạn đã gặp phải ai, người đó đều sẽ phải xuất hiện trong cuộc đời của bạn. Mọi chuyện tuyệt đối không hề ngẫu nhiên. Người đó đến và sẽ mang cho bạn một bài học, một cảm nhận, một dấu ấn. Cũng như vậy, bất kể phải đi đến đâu thì đó cũng chính là nơi ta cần phải tới. Hãy trải nghiệm những gì cần phải trải nghiệm, gặp người nên gặp.

- Duyên phận là một cuốn sách, nếu lật giở mà không để tâm sẽ bị lướt qua, đọc quá chăm chú sẽ khiến người ta rơi nước mắt.

- Ngày hôm qua chỉ là một bóng ảnh, sau một thời gian cũng sẽ dần mờ nhạt. Thời gian lại giống như một người khách qua đường, ghi nhớ rồi lãng quên. Cuộc sống cũng giống như một cái phễu, có được rồi lại mất. Trên đời vốn không có chuyện bất bình, mà chỉ có cái tâm bất bình. Không trách móc, oán hận, hãy thản nhiên với hết thảy và xem mọi chuyện như khói mây. Rồi bạn sẽ nhận ra, đời người rốt cuộc rồi cũng như một cơn gió thoảng, khởi lên rồi tan biến, đến rồi đi, từ cát bụi sinh ra rồi lại hoà mình vào cát bụi.

- Lý tưởng chính như một ngọn đèn, thắp lên rồi vụt tắt. Tình cảm giống như một cơn mưa, mưa xuống rồi cũng khô đi. Bạn bè chính như một tầng mây, tụ hội rồi lại tan đi mất. Buồn khổ chính là một vò rượu, uống say rồi cũng tỉnh. Cô đơn chính là một vì sao, sau khi lấp lánh rồi cũng vụt tắt. Lẻ loi tựa như một vầng trăng, mọc lên rồi lại lặn. Cái tuổi trăm năm cũng như giấc mộng, mệt mỏi vất vả trăm năm rồi cũng đến lúc phải ngủ quên thôi …

Beautiful destinations

。。。

Difficult roads often lead to beautiful destinations.

╰▶ Những con đường khó đi thường dẫn đến các điểm đến đẹp.



Danh ngôn (133)

- Tính Lý



Dạy người nuôi dưỡng lòng thiện thì điều ác tự nhiên mất đi. Trị dân bằng đạo kính trên nhường dưới thì tranh giành tự nhiên hết.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|22|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường



“Dù giữa phố thị xôn xao hay giữa núi rừng tĩnh lặng, giữa cao nguyên bạt ngàn hay nơi hải đảo xa xôi, bất kỳ nơi nào có kẻ Mang Trong Mình Trái Tim Tinh Khiết Như Giọt Nước Đầu Nguồn sinh sống, ở đó luôn đầy những cảnh tượng bình yên”.

Rồi ai cũng có đôi lần, thực lòng, chỉ còn muốn những buổi sớm mai bình yên như cỏ dại, không muốn làm tổn thương đến người nào nữa.

Bước chân nhẹ.

Bàn tay ấm.

Ánh mắt hiền.

Trái tim bình yên.

Nhưng ai cũng có những ngày phải gói ghém ước mơ bình yên đó lại, cất thật sâu vào trong lòng, để đi qua phố chợ xôn xao, như lũ cỏ dại cuối mùa vùi những hạt giống vào đất chờ mưa.

Có người đánh rơi mất ước mơ trong trẻo ngày xưa của mình, thành người phố chợ đua tranh. Như người đi trong sương, nghe vai lạnh, giật mình, ướt áo. Áo ướt lúc nào không hay, thành người đua tranh lúc nào chẳng biết.

Nên đôi khi, người chúng ta nhớ nhất lại là chính mình trong trẻo của ngày xưa, ngày còn chưa đi qua phố chợ. Nhưng, luôn có người đi qua cuộc sống như cơn mưa, đủ sức thuyết phục được những hạt giống đã khô vùi sâu trong mớ ngổn ngang đua tranh thức dậy nảy mầm.

Có người đủ sức thuyết phục được người khác tin rằng, dù tâm hồn rách nát thế nào, họ vẫn có thể làm một người tử tế, dù có quay cuồng trong bao nhiêu giông gió, một ngày lòng họ cũng có thể bình yên.

Có người mà ánh mắt, nụ cười của họ đủ sức thuyết phục chúng ta bỏ qua những đua tranh để lại hiền như giọt nước nơi đầu nguồn.

Có bình yên đủ vững chãi để cho những bình yên khác tựa vào lớn lên…

Tưởng như Huế trong lòng

(Thích Tánh Tuệ)



Lâu lắm rồi không trở về thăm Huế
Cố Đô xưa trầm mặc những Hoàng thành
Mấy thu qua sống xa rời quê Mẹ
Hương Giang ơi, còn chảy một dòng xanh

Ta hoài nhớ chuỗi ngày còn thơ ấu
Mẹ ru ta bằng điệu hát, câu hò
Huế tặng ta với muôn ngàn yêu dấu
Đẹp như là những chiếc nón bài thơ ...

Hôm nay sống giữa trời Tây xa lắc
Chợt nghe thèm ngọn gió mát sông Hương
Nhớ trưa nao nước xuôi dòng trong vắt
Dáng thư sinh in bóng độ tan trường

Răng nhớ lạ những ngày Đông xứ Huế
Tách trà thơm nghi ngút khói hôm nào
Ngày Đông lạnh, cơn mưa sao dài thế
Mưa ngút ngàn, ôi ... mưa đổ trên cao

... Nghe văng vẳng tiếng chuông chùa Thiên Mụ
Hoài ngân nga trong những sớm yên lành
Và lặng lẽ cô lái đò bến Ngự
Trong chiều vàng ngồi gảy khúc đàn tranh

Ta ao ước một lần về thăm Huế
Thăm quê xưa, nhà cũ, với con đò
Thăm vầng trăng đêm nào nghiêng nghiêng xế
Nhịp chèo buông động vỡ ánh trăng thơ

Lâu lắm rồi không trở về thăm Huế
Chiều tha hương hồn tím thẫm mây trời
Có ai về nhắn hộ niềm mong nhớ
Huế ơi còn ... như thuở đó xa xôi ...

Muốn có vận mệnh tốt, phải thay đổi mười điều này từ trong tâm

(Theo Gia đình Online)



Mọi đau khổ hay sung sướng của con người suy cho cùng đều tại tâm. Bởi vậy, thay đổi bản thân chính là cách tốt nhất để cải biến vận mệnh của mình.

1. Dục vọng không cần quá cao

Dục vọng không nên quá cao, bởi một khi nó không được sự thỏa mãn thì sẽ gây ra những bức bối, tâm thái sẽ mất đi sự cân bằng.

2. Suy tính ganh đua không thể quá nặng

Nếu một người cứ mải mê suy tính ganh đua với người này người kia thì sẽ “triệt tiêu” sự khoái hoạt của cuộc đời. Ganh đua không chỉ đánh mất đi sự vui vẻ mà còn làm mất đi vận may của một đời người.

3. Phải học được cách quên

Đừng canh cánh trong lòng những chuyện quá khứ không đáng nhớ. Những chuyện quá khứ là những chuyện đã xảy ra, không thể thay đổi được, hãy để nó qua đi, như vậy mới có thể giảm thiểu được rất nhiều sự phiền não, trong lòng mới có thể nhẹ nhàng, thoải mái.

4. Tha thứ để hạnh phúc đến gần ta hơn

Con người từ khi sinh ra đến khi về già và ngay cả là lúc cận kề sinh tử, chúng ta phải đối diện biết bao nhiêu là thị phi, oan ức, những khúc mắc giữa các mối quan hệ vợ chồng, con cái, bạn bè, người thân và cả những người xa lạ. Có nhiều người vì hận người chồng mình vì ông ta lỡ sai lầm một lần mà ôm hận cả đời đến lúc nhắm mắt xuôi tay, có người vì bị người khác dèm pha, nói xấu hay tranh quyền đoạt lợi mà nỗi oán ghét kẻ đó cứ chất chứa trong lòng. Tất nhiên, trong nhiều trường hợp vì kẻ khác có lỗi với ta nên ta mới sanh tâm phiền trách nhưng nếu có thể, chúng ta hãy tập tha thứ.

5. Hạnh phúc không có nghĩa là giẫm đạp lên người khác

Hạnh phúc không phải là vơ vào cho mình thật nhiều mà ngược lại, bạn nên ban tặng, san sẻ những gì mình có cho người khác. Đó mới là hạnh phúc. Bản thân hạnh phúc tất vận mệnh sẽ tươi đẹp.

6. Đừng so sánh bản thân với người khác

Trong cuộc sống, đừng so sánh bản thân với người khác, cũng đừng có ước ao được như họ. Ai cũng có ưu điểm riêng của bản thân mình, ai cũng có nỗi khổ riêng mà người khác không biết. Một khi so sánh, người ta thường hay lấy điểm yếu của bản thân để so sánh với điểm mạnh của đối phương, từ đó sinh ra chán ghét, điều đó chỉ làm tổn hại chính tâm thái của bản thân mình mà thôi.

7. Yêu thương, trân quý bản thân nhiều hơn

Chỉ có yêu thương, trân quý bản thân mình mới có năng lượng để yêu thương trân quý người khác. Nếu có đủ năng lực, hãy thường xuyên giúp đỡ người khác, như vậy bạn sẽ nhận được niềm vui, có nhiều niềm vui là cách giảm sức ép của cuộc sống.

8. Biết thế nào là đủ

Chúng ta hay cho rằng mình khổ đau và kém may mắn vì chúng ta luôn tham lam và không biết thế nào là đủ cả. Người có lòng tham cầu càng nhiều thì nỗi khổ càng lớn. Con người cứ nhìn cuộc sống này bằng ánh mắt bi quan, tiêu cực mà không nhìn lại những gì mà chúng ta đang có. Việc ham mê và cầu toàn quá chỉ khiến bản thân thêm bất hạnh mà thôi.

9. Đừng nói lời tổn thương người khác

Đừng tạo khẩu nghiệp, nói những lời tổn thương người khác ắt có ngày nhận quả bảo cho mình.

10. Dụng tâm đối mặt

Chỉ có dùng thật tâm, dùng tình yêu thương, dùng nhân cách để đối mặt với cuộc sống thì cuộc sống của bạn mới trở nên đặc sắc hơn.

Mỗi ngày cần bảo trì một tâm thái vui vẻ, lạc quan. Nếu như gặp những sự tình phiền lòng, hãy học cách vỗ về chính mình, tấm lòng rộng mở sẽ khiến bạn mạnh mẽ tự tin hơn để vượt qua. Muốn có một tâm thái tốt, hãy dùng “lòng biết ơn” để nhìn thế giới, dùng “trái tim” để nhìn thế giới, không tính toán được mất, cảm động trước hết thảy việc làm của người khác. Khi ấy vận mệnh của bạn nhất định cũng trở nên tốt hơn.

Pháp ngữ (37)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Chuyện gì trên đời cũng có quan hệ liên đới. Giống như ba tôn giáo: Phật, Lão, Nho thì quan hệ mật thiết với nhau.

Nho giáo ví như bậc tiểu học.

Đạo giáo ví như bậc trung học.

Phật giáo ví như bậc đại học.

Đừng tin, cũng đừng vội bài bác

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương LXII, Thích Nhất Hạnh

Mùa an cư hoàn mãn, đại đức Sariputta đến từ biệt Bụt để lên đường hành hóa, Bụt chúc đại đức lên đường bình yên, thân thể và tâm trí nhẹ nhàng, không gặp quá nhiều khó khăn trên đường giáo hóa. Đại đức Sariputta cảm tạ và lên đường ngay sau đó.

Trưa hôm ấy có một vị khất sĩ lên tìm Bụt và phàn nàn với người là thầy đã bị đại đức Sariputta hất hủi. Bụt hỏi hất hủi như thế nào. Vị khất sĩ ấy đáp:

- Con hỏi thầy ấy đi đâu, thầy ấy đã không thèm trả lời mà lại còn xô con ngã rồi bỏ đi không thèm xin lỗi.

Bụt bảo Ananda:

- Chắc Sariputta chưa đi xa đâu. Ananda, hãy nhờ một vị sa di đi tìm đại đức Sariputta về. Tối hôm nay chúng ta sẽ tập họp đại chúng ở giảng đường Jeta.

Đại đức Ananda vâng mệnh. Chiều hôm ấy đại đức Sariputta trở về tu viện với vị sa di. Thầy lên trình diện Bụt. Bụt bảo:

- Sariputta, tối hôm nay chúng ta sẽ họp tại giảng đường, có vị khất sĩ buộc tội thầy đã xô ngã thầy ấy và bỏ đi không thèm xin lỗi.

Các đại đức Moggallana và Ananda chiều hôm đó tay cầm xâu chìa khóa đi vào khắp các tăng xá của tu viện. Tới đâu họ cũng thông báo về cuộc họp tối nay. Họ nói:

- Mời chư huynh đệ tối nay tới họp mặt đông đảo tại giảng đường. Tối nay sư huynh Sariputta thế nào cũng gầm lên tiếng gầm sư tử của sư huynh trước mặt Thế Tôn và đại chúng, sẽ hào hứng lắm.

Tối hôm ấy giảng đường không thiếu mặt ai. Ai cũng muốn biết đại đức Sariputta phản ứng thế nào trước những người lâu nay đã có thái độ ganh ghét và hờn giận mình. Ai cũng biết rằng đại đức là một người đệ tử lớn của Bụt và được Bụt tin yêu, và vì vậy ông đã là mục tiêu của rất nhiều sự hiểu lầm và ganh ghét.

Trong giới môn đệ Bụt, có người nghĩ rằng Bụt đã tin cậy Sariputta một cách quá đáng, rằng người đã quá nghe lời Sariputta, hoặc đã đi tới những quyết định dưới ảnh hưởng nặng nề của vị đại đức này. Có người lại nghĩ rằng nếu họ bị Bụt quở trách và giáo giới đó là cũng vì Bụt đã nghe những lời nói ra, nói vào của đại đức Sariputta. Và họ đem lòng hận thù đại đức. Họ nhắc mãi tới việc năm xưa có lần Bụt đã mời Sariputta ngồi chung một ghế. Có một thầy tên là Kokalika, trước đây cũng từng cư trú tại tu viện Jetavana, và đã từng thù ghét các sư huynh Sariputta và Moggallana đến nước không ai có thể can ngăn được. Chuyện đã xảy ra cách trên tám năm, nhưng vẫn còn đậm nét trong lòng thầy Ananda.

Theo thầy Kokalika thì cả hai vị đại đệ tử Bụt là Sariputta và Moggallana đều là những người tu hành giả dối, đều là người hành động theo ái dục. Niềm ganh tỵ và hận thù của thầy Kokalika quá lớn khiến không ai có thể hòa giải được. Chính Bụt đã có lần gọi thầy tới và bảo: “Này khất sĩ Kokalika, đừng có nói rằng Sariputta và Moggallana là những người bị ái dục chi phối, họ là những người có đạo đức chân thật và tính tình rất hòa ái”. Tuy nhiên, vì tâm thầy Kokalika đã bị hận thù che lấp nên thầy không tiếp nhận được lời của Bụt. Cuối cùng thầy bỏ tu viện ra đi. Sau đó thầy mắc một chứng bịnh rất lạ kỳ. Da thầy trở nên sần sùi, rồi tự nhiên đầy mình mọc ra hàng vạn cái mụt nhỏ lớn bằng hạt cải, những cái mụt này lớn lên bằng những hạt đậu. Rồi những chiếc mụt ấy vỡ ra, chảy đầy máu và mủ. Thuốc men nào cũng không chữa được, Bụt nhận thầy về tu viện, nhưng thầy không về. Sau đó thầy mạng chung. Bụt rất xót thương, Người bảo: “hận thù và ganh ghét là những chất độc làm ung thối tâm hồn, sau khi làm ung thối tâm hồn, những chất độc ấy còn phá hoại thân thể và gây thành những chứng bệnh rất kỳ lạ, này các vị khất sĩ, các vị đừng để cho những chất độc ấy thấm vào thân tâm”.

Đại đức Ananda biết hết những tình tiết đó cho nên đã ngần ngại rất nhiều trước khi nhận trách nhiệm làm thị giả cho Bụt. Trong những điều kiện thầy đưa ra có điều kiện là nếu làm thị giả cho Bụt, thầy xin Bụt đừng bao giờ cho thầy áo, đừng cho thầy ngủ chung một phòng và đừng bao giờ chia cho thầy những thức ăn mà người ta cúng dường riêng cho Bụt. Thầy biết rất rõ là trong số những người đến với Bụt có nhiều người muốn được Bụt tiếp xử bằng một thái độ đặc biệt, và nếu không được tiếp xử như thế họ cảm thấy buồn tủi và từ sự buồn tủi đó họ có thể sinh ra hờn oán và ghét bỏ luôn cả Bụt.

Đại đức Ananda nhớ rằng hồi Bụt an cư tại làng Kaimasadamya ở Kosambi, có một người đàn bà tên là Magandika đã vì không được Bụt đối xử một cách đặc biệt mà sinh lòng thù hận Bụt. Magandika là một phụ nữ xinh đẹp, con gái của một gia đình Bà-la-môn. Lần đầu thấy Bụt – hồi đó Bụt mới có bốn mươi bốn tuổi – cô đem lòng yêu mến Người, rồi khi tình cảm đó lớn mạnh, cô đòi hỏi Bụt có một biệt nhãn đối với cô. Cô đã làm mọi cách để Bụt đối xử với cô như một người đặc biệt, nhưng cô không thành công. Rốt cuộc, tình cảm biến thành thù hận. Sau này trở nên thứ hậu của vua Udayana xứ Vamsa, cô đã dùng quyền thế và phương tiện của cô để cho người đi nói xấu và nhục mạ Bụt, làm áp lực cho những chính quyền quận và ấp đừng cho Bụt và giáo đoàn tới thuyết pháp. Cô lại tìm cách trả thù và hành hạ vương phi Samavati, một người rất được vua Udayana ân sủng, chỉ vì người này là đệ tử rất thuần kính của Bụt. Thấy Bụt bị nhục mạ và làm khó dễ quá, đại đức Ananda đề nghị người nên đi hành đạo tại một xứ khác. Bụt hỏi:

- Nếu tới xứ khác mà cũng bị nhục mạ và làm khó dễ nữa, thì ta sẽ đi đâu ?

Ananda nói:

- Thì ta nên tới một xứ khác nữa.

Bụt bảo:

- Nói như thế không được. Ananda ơi, gặp khó khăn, ta không nên nản lòng. Phải từ trong môi trường khó khăn ấy mà tìm ra giải pháp ổn thỏa. Ananda, nếu ta thực tập phép hành xả, ta sẽ không thấy khó chịu khi bị nhục mạ, và những lời nhục mạ ấy không động được đến ta. Những người chửi rủa ta sẽ không làm tổn thương được ta và chí hướng ta nếu ta thực tập được phép xả, còn họ, họ sẽ phải chịu đựng những kết quả của sự chửi rủa của họ. Khi một người nhổ nước bọt lên Trời với ý định làm bẩn Người, Trời đã không bị bẩn mà nước bọt sẽ rơi xuống mặt người nhổ nước bọt.

Bụt đã thành công năm xưa ấy, Ananda thấy lòng bình thản và không lo ngại gì cho đại đức Sariputta tối nay. Đạo hạnh của Sariputta đã được số đông các huynh đệ công nhận. Nếu đứng vào địa vị của Bụt, chắc Ananda cũng phải làm như Bụt và cũng phải trọng dụng đại đức Sariputta.

Sư huynh Sariputta thật xứng đáng ở địa vị một huynh trưởng. Thông minh xuất chúng, kiến giải và đạo hạnh cao siêu, sư huynh đã từng thay thế Bụt nhiều lần trong việc lãnh đạo giáo đoàn. Sư huynh đã thuyết pháp nhiều lần và nhiều bài pháp thoại của sư huynh đã được Bụt khen ngợi và cũng đã được trùng tuyên thành kinh điển. Chính kinh Dấu Chân Voi – Hatthipadopanna sutta – là do sư huynh nói. Trong kinh này sư huynh đã dạy về tứ diệu đế. Sư huynh không lặp lại những lời của Bụt, mà đã diễn giải tứ diệu đế một cách rất kỳ thú căn cứ vào sự tu chứng của bản thân sư huynh. Những lời sư huynh nói về bốn yếu tố đất, nước, lửa và không khí liên hệ tới năm uẩn thật là những giáo lý kỳ đặc và mới mẻ.

Khi Bụt bước vào giảng đường, tất cả các vị khất sĩ đều đứng dậy. Người đưa tay mời mọi người an tọa. Người cũng ngồi xuống pháp tọa dành cho Người và ra hiệu cho đại đức Sariputta tới ngồi trên một chiếc ghế thấp bên tay phải của Người. Đợi cho mọi người an tọa hết, Bụt mới xoay lại nói với đại đức Sariputta:

- Sariputta, có vị khất sĩ buộc tội thầy xô vị ấy ngã và bỏ đi mà không xin lỗi. Thầy có điều gì nói về việc này không ?

Đại đức Sariputta đứng dậy chắp tay xá Bụt rồi chắp tay xá đại chúng. Thầy lên tiếng:

❝Thế Tôn, một ông thầy tu không tu, không quán niệm thân thể nơi thân thể, không có ý thức về những động tác của thân thể, một ông thầy tu như thế có thể xô ngã một người bạn tu của mình và bỏ đi mà không thèm xin lỗi.

Thế Tôn, con nhớ bài học mà ngày xưa Thế Tôn đã dạy cho khất sĩ Rahula, hồi ấy mới mười tám tuổi, cách đây đã trên mười bốn năm. Thế Tôn dạy Rahula học theo hạnh của đất, của nước, của lửa và của không khí, để nuôi dưỡng và phát triển bốn đức Từ, Bi, Hỷ và Xả. Hôm ấy con cũng có mặt. Thế Tôn dạy Rahula, nhưng con đã có duyên học và thực tập bài học ấy trong suốt mười bốn năm qua và con đã nhiều lần thầm biết ơn Thế Tôn về bài học ấy.

Thế Tôn, con đã tập hành sự như đất, và con đã thành công. Đất bao giờ cũng đầy đặn, rộng lớn, bao la, có khả năng thu nhận và chuyển hóa. Dù người ta đổ và rải lên những thứ tinh sạch như hoa, nước thơm, sữa thơm hoặc đổ và rải xuống đất những thứ dơ bẩn và hôi hám như phân, nước tiểu, máu, mủ, đàm, nhớt … thì đất cũng tiếp nhận những thứ đó một cách thản nhiên, không tham đắm, không giận hờn, cũng không ghê tởm… Lạy Bụt, con đã quán niệm để thân và tâm con được như đất. Một ông thầy tu không quán niệm thân thể nơi thân thể, không có ý thức về những động tác của thân thể, một ông thầy tu như thế có thể xô ngã một người bạn tu và bỏ đi mà không thèm xin lỗi. Con không đến nỗi như vậy.

Thế Tôn, con đã tập hành sự như nước. Khi người ta giặt những thứ thơm tho hoặc dơ bẩn trong nước, nước cũng không vì thế mà cảm thấy tham đắm hoặc tủi nhục, buồn khổ và chán chường. Nước bao la, lưu chuyển, có năng lực hóa giải và gạn lọc. Lạy Bụt, con đã quán niệm để thân và tâm con được như nước. Một ông thầy tu không quán niệm thân thể nơi thân thể, không có ý thức về những động tác của thân thể, một ông thầy tu như thế có thể xô ngã một người bạn tu và bỏ đi mà không thèm xin lỗi. Con không đến nỗi như thế.

Thế Tôn, con đã tập hành sự như lửa. Lửa đốt cháy mọi thứ kể cả những cái đẹp đẽ hoặc hôi hám và dơ bẩn, nhưng lửa không vì vậy mà cảm thấy hoặc tham đắm hoặc tủi nhục, buồn giận và chán chường. Lửa có năng lực thiêu đốt, gạn lọc và hóa giải. Lạy Bụt, con đã quán niệm để thân và tâm con được như lửa. Một ông thầy tu không quán niệm thân thể nơi thân thể, không có ý thức về những động tác của thân thể, một ông thầy tu như thế có thể xô ngã một người bạn tu và bỏ đi mà không thèm xin lỗi. Con không đến nỗi như thế.

Thế Tôn, con đã tập hành sự như không khí. Không khí thổi đi những thứ mùi hoặc thơm hoặc thối, dù mùi đó là mùi máu mủ, phân và nước tiểu, mà không cảm thấy tham đắm hoặc tủi nhục, buồn giận hay chán chường. Không khí có khả năng giải tỏa, gạn lọc và hóa giải. Lạy Bụt, con đã quán niệm để thân và tâm con được như không khí. Một ông thầy tu không quán niệm thân thể nơi thân thể, không có ý thức về những động tác của thân thể, một ông thầy tu như thế có thể xô ngã một người bạn tu và bỏ đi mà không thèm xin lỗi. Con không đến nỗi như thế.

Thế Tôn, như một em bé dòng dõi hạ tiện, áo quần rách rưới ôm bát vào làng xóm mà xin ăn, trong lòng không có một hào ly nào tự phụ, con cũng thế, trái tim con cũng như trái tim của một em bé dòng dõi hạ tiện, luôn luôn tràn đầy khiêm cung, đâu có dám lên mặt với ai. Lạy Bụt, một ông thầy tu không quán niệm thân thể nơi thân thể, không có ý thức về những động tác của tâm ý, một ông thầy tu như thế có thể xô ngã một người bạn tu và bỏ đi mà không thèm xin lỗi. Con không đến nỗi như thế.❞


Đại đức Sariputta còn muốn nói nữa, nhưng vị khất sĩ buộc tội đại đức đã đứng dậy. Vị này vắt chéo áo sanghati lên vai, và lạy xuống trước Bụt, rồi quỳ xuống với hai bàn tay chắp lại, vị ấy nói:

- Bạch Thế Tôn, con đã phạm giới, con đã buộc tội sư huynh Sariputta một cách oan uổng, con xin sám hối trước Bụt và đại chúng để được thanh tịnh, và tự nguyện từ nay về sau sẽ không tái phạm.

Bụt nói:

- Thầy đã nhận là mình có tội trước đại chúng và sám hối. Điều này rất tốt, đại chúng đã chấp nhận sự sám hối của thầy.

Quay lại đại đức Sariputta, Bụt nói:

- Mong đại đức bỏ qua lỗi lầm của vị khất sĩ này.

- Con xin sẵn lòng bỏ qua nếu thầy ấy hối cải, và con cũng xin thầy ấy bỏ qua và tha thứ những lỗi lầm có thể có của con.

Vị khất sĩ đến trước Sariputta chắp tay lại làm lễ. Đại đức Sariputta đứng dậy đáp lễ. Hai vị cung kính lạy nhau. Đại chúng rất hoan hỷ. Không khí rất cởi mở và hòa dịu. Đại đức Ananda đứng dậy nói:

- Sư huynh Sariputta, mời sư huynh ở lại chơi với các huynh đệ dăm ba hôm rồi sau đó hãy lên đường đi hành hóa. Anh em rất nhiều người muốn được gặp gỡ thân mật với sư huynh.

Đại đức Sariputta mỉm cười, im lặng chấp thuận.

Sau mùa an cư, Bụt đi du hành ở nhiều thị trấn trong xứ. Một hôm Người đến Kesaputta, thị trấn của bộ tộc Kalama. Giới trẻ tìm gặp người rất đông, họ đã từng nghe tiếng sa-môn Gotama nhưng chưa lần nào được gặp. Một thanh niên chắp tay hỏi Bụt:

- Sa-môn Gotama, lâu nay có rất nhiều vị đạo sĩ Bà-la-môn đến viếng xứ Kesaputta này, để giảng dạy đạo lý. Vị nào cũng nói chỉ có đạo lý của mình là hay và thường hay chê bai những đạo lý khác. Chúng con thật là bối rối, không biết đường nào mà đi, và rốt cuộc chúng con sinh ra nghi ngờ tất cả. Sa-môn, chúng con nghe nói Người là bậc giác ngộ liêm trực, xin Người cho chúng con biết là nên tin theo ai và không nên tin theo ai ? Ai là nói đúng và ai là người đang truyền bá tà thuyết ?

Bụt nói:

- Trong trường hợp này, nếu các bạn có sinh tâm nghi ngờ, đó cũng là việc tự nhiên, dễ hiểu. Này các bạn, các bạn đừng vội tin vào một điều gì dù điều đó là điều mà người ta thường nói đến luôn, dù điều đó có trong kinh điển, dù điều đó là do một bậc thầy mà thiên hạ tôn sùng nói ra. Các bạn chỉ nên chấp nhận và tin vào những điều mà các bạn thấy hợp với lý trí của các bạn, những điều được các hiền nhân đồng ý, những điều mà nếu đem ra thực hành thì đưa tới những kết quả tốt đẹp cho đời sống, còn những điều không hợp với lý trí, những điều bị các hiền nhân chê trách, những điều mà nếu đem ra thực hành thì đưa tới khổ đau và đổ vỡ, những điều đó các bạn nên bác bỏ, đừng chấp nhận nữa.

Người thanh niên Kalama nói:

- Xin sa môn Gotama chỉ bày thêm cho chúng con.

Bụt hỏi:

- Này các bạn, ví dụ có một người để tham vọng, giận hờn và si mê chế ngự tâm mình, thì những tham dục giận hờn và si mê ấy sẽ làm cho người kia vui hay là khổ ?

- Thưa sa môn, những tham vọng, giận hờn và si mê ấy sẽ làm cho người kia phạm vào tội ác và sẽ đem lại khổ đau lâu dài cho người ấy.

- Vậy thì sống theo tham vọng, giận hờn và si mê có phải là lối sống mà các bậc hiền nhân chấp nhận và khuyến khích không ?

- Thưa không.

- Giả dụ có một người kia sống theo hạnh Từ, Bi, Hỷ, và Xả, biết đem lại hạnh phúc cho kẻ khác, biết làm giảm bớt nỗi khổ của người đời, biết vui theo niềm vui của kẻ khác, biết đối xử với kẻ khác một cách không kỳ thị, không oán trách, thì những hạnh Từ, Bi, Hỷ, Xả ấy sẽ làm cho người ấy vui hay là khổ ?

- Những hạnh ấy không những sẽ làm cho người ấy có hạnh phúc mà còn làm cho mọi người sống chung quanh có hạnh phúc nữa.

- Vậy thì sống theo Từ, Bi, Hỷ và Xả có phải là lối sống mà các bậc hiền nhân chấp nhận và khuyến khích không ?

- Thưa sa môn, có.

- Hay lắm, các bạn. Các bạn hiện có đầy đủ tư cách để phán xét những gì nên tin và nên chấp nhận, và những gì không nên tin và không nên chấp nhận. Tôi xin nhắc lại: chỉ nên tin và chấp nhận những gì hợp với trí xét đoán của mình, những gì được các bậc hiền nhân chấp nhận và khuyến khích, những gì mà nếu đem ra thực hành sẽ đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mình và cho kẻ khác. Những gì sai trái, chống lại niềm vui và hạnh phúc, thì nên từ chối, đừng chấp nhận.

Những người trẻ trong bộ tộc Kalama rất lấy làm hoan hỷ sau khi nghe Bụt nói. Họ nhận thấy giáo lý của Bụt rất phù hợp với lý trí họ, không đòi hỏi một đức tin không điều kiện. Họ thấy nơi giáo lý ấy một niềm tôn trọng tự do tư tưởng rất lớn. Nhiều người xin được quy y làm học trò của Bụt.

Danh ngôn (132)

- Nhan Hồi



Chim cùng đường thì mổ, thú cùng đường thì vồ, người cùng đường thì đối trá, ngựa cùng đường thì đá ... Từ xưa đến nay, chưa có ai làm cùng đường người khác mà có thể không gặp nguy vậy.

Giải thoát

• • •



… dù làm bao nhiêu việc ích lợi cho người khác, cũng đừng quên giải thoát là mục đích cuối cùng.

Sayonara

(Thích Tánh Tuệ)



Người đời “xoay ra na vô”
Tiền bạc. Cửa nhà. Ô tô
Bốn mùa Thu - Đông - Xuân - Hạ
Ai sai mà chạy có cờ …

Ngày ngày “xoay ra na vô”
Giàu đấy, nhưng lòng cạn khô
Lặng theo thạch sùng bén gót
Ôm Lợi - Tình - Danh xuống mồ

Tu là “xoay vô na ra”
Thấy rõ “tam độc” trầm kha
Biết đủ, tâm tư thường lạc
Đời ... chẳng chi là “của ta”

Từng ngày “xoay vô na ra”
Thân trong trần - Tâm xuất gia
Khi hay đời là phương tiện
Sang sông nhẹ bước khỏi phà

Nếu còn “xoay ra na vô”
Nhớ mang vô tiếng Nam Mô
Dăm phút quay về Tĩnh Lặng
Để biết là đâu bến bờ

Hành pháp “xoay vô na ra”
Tỉnh thức trong từng sát na
Mở mắt to rời ảo mộng
Khoáng đạt, sống cùng bao la

Cuộc sống có hai thứ quan trọng

(Thông điệp cuộc sống)



CUỘC SỐNG CÓ HAI THỨ QUAN TRỌNG

• Có hai thứ bạn phải giữ gìn, đó là NIỀM TIN và NHÂN CÁCH

• Có hai thứ bạn phải trân trọng, đó là GIA ĐÌNH và HIỆN TẠI

• Có hai thứ bạn phải khắc ghi, là CÔNG ƠN cha mẹ và sự GIÚP ĐỠ của người khác

• Có hai thứ bạn phải chịu trách nhiệm, đó là việc MÌNH LÀM và CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG của mình

• Có hai thứ bạn phải lãng quên, đó là ĐAU THƯƠNG và THÙ HẬN

• Có hai thứ bạn buộc phải có để thành công, đó là sự KHÁT KHAO và LÒNG KIÊN TRÌ

• Có hai thứ bạn không được làm, đó là HÃM HẠI và PHẢN BỘI lòng tin của người khác

• Có hai thứ bạn phải kiểm soát, đó là BẢN NĂNG và CẢM XÚC

• Có hai thứ bạn phải tránh xa, đó là CÁM DỖ và ÍCH KỶ

• Có hai thứ bạn nên tiết kiệm, đó là SỨC KHỎE và LỜI HỨA

• Có hai thứ bạn phải sẵn sàng đón nhận, đó là HÔM NAY và NGÀY MAI

Sống

。。。

Sống là để chia sẻ niềm đau
Sống là để trao nhau nụ cười
Sống sao không thẹn với đời
Sống cho trọn vẹn tình người mến thương



Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|21|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường



Tháng Năm …

Nơi đây, mùa nắng chưa qua hết, mùa mưa cũng chỉ mới bước một chân về. Để tháng Năm dùng dằng, mơ hồ, dở dang, như một điều chưa thể gọi tên.

Ngày xưa …

Người mang tuổi Hai Mươi của mình, xuôi dòng, về nơi phố thị, ta mang Hai Mươi của mình, ngược dòng, về khép cửa, chép những câu Kinh xưa. Tháng Năm khép cửa từ dạo đó. Mỗi người về gom hết những tháng năm tuổi trẻ của mình để vẽ ra cho mình một cuộc hành trình đi qua cuộc đời này. Kẻ ngược dòng, người xuôi dòng. Ngược dòng hay xuôi dòng cũng đều có khó khăn của nó. Cuộc hành trình duy nhất người ta không thể nhìn thấy kết thúc chính là cuộc sống. Kẻ ngược. Người xuôi.

Lâu lâu, ta lại ghé về phố thị, tháng Năm, có hương Ngọc Lan thơm nhè nhẹ, nhìn dòng người ngược xuôi một lát, rồi về. Lâu lâu, người lại đến ngồi dưới hiên chùa, lắng lòng, nghe một thời kinh, rồi đi. Người về ngồi trước Phật, chẳng cầu xin gì, chỉ để tâm tĩnh lặng như mặt hồ sớm mai, để soi mặt mình trong đó, xem có khác xưa nhiều không. Để biết mình phải buông bỏ điều gì, giữ lại điều gì.

Những chiều mưa, đường trần, ai ướt áo. Nơi đây mưa thoang thoảng hương trầm ấm từng lời kinh. Nơi kia mưa về ướt lòng phố lạnh. Nơi đây, ngọn núi ngàn năm vẫn nguyên vẹn và bình thản qua bao mùa gió mưa. Ta cũng đã về đây rồi, làm bạn với đỉnh núi ngàn năm.

Trong cuộc sống, có những thứ khi cố ôm hết vào lòng để chỉ giữ riêng cho mình, nó chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng nó lại trở thành vô giá khi một lần dốc hết lòng mình cho đi. Người hiểu ta muốn nói gì phải không ? Cuộc sống ấy mà, tháng Năm ngày xưa ấy mà …