V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Sóng và giọt lệ

(Thích Tánh Tuệ)



Một lần kia …

Giọt nước mắt hỏi thầm ngọn sóng
Bạn và tôi cùng vị mặn giống nhau
Bạn hạnh phúc vỗ về trên bãi cát
Kiếp đời tôi … nhỏ xuống ... cõi lòng đau

Vì là sóng, tôi xóa nhòa tất cả
Bao đau thương cùng trăn trở muộn phiền
Bạn rơi rớt bên ngoài, trong giữ lại
Nên xuân về hồn vẫn cứ đông miên

Tuy chúng ta có cùng nhau vị mặn
Song, cách mình đón nhận chuyện khác nhau
Đời bể khổ ta có quyền không khổ
Biết bỏ, buông, ... tôi vượt thoát u sầu

Vì hi vọng đã nhuốm màu tuyệt vọng
Vì sum vầy đã ẩn dấu chia xa
Vì thần tượng nên một ngày vỡ mộng
Vì mãi tìm nên hạnh phúc chẳng nhìn ra

Đời lắm lúc không như mình mong đợi
Ước mơ nhiều, hiện thực được bao nhiêu
Bạn cứ mãi xây lâu đài trên cát
Rồi rưng rưng những mất mát trong chiều

Giọt nước mắt thân hình tuy rất nhỏ
Nhưng nỗi niềm có thể ví trùng dương
Và đợt sóng, thân hình tuy vĩ đại
Mối đau đời nhỏ bé tợ như sương

5 cái “đừng” của cuộc đời

(Lê Hiếu dịch)



Con người muốn được sống hạnh phúc, thanh thản mà trong tâm lại vẫn cứ ôm giữ các loại tâm tranh đấu, oán hận, ... thì vĩnh viễn không thể nào đạt được. Hãy ghi nhớ năm thứ “đừng” sau đây để cuộc sống không phải vướng bận điều gì nữa.

● Cái đừng thứ nhất: CÓ TIỀN ĐỪNG KEO KIỆT

Tiền khi sinh chẳng mang theo đến, khi tử chẳng mang theo đi. Sức khỏe mới là thứ quan trọng hơn nhiều, có sức khỏe thì mới có tất cả. Trong dân gian có câu nói: “không sợ kiếm ít tiền, chỉ sợ chết sớm”. Có sức khỏe thì ngại gì không kiếm được tiền. Vì sức khỏe, khi nào cần chi tiêu thì hãy chi tiêu, có tiền đừng keo kiệt.

● Cái đừng thứ hai: CÓ PHÚC ĐỪNG CHỜ ĐỢI

Con cháu đều có phúc của con cháu, đừng quá vì con cháu mà biến mình thành thân trâu ngựa. Nên tranh thủ thời gian hưởng thụ cuộc sống, đừng vì con cháu mà làm việc quá sức, làm cố quá là sát thủ nguy hiểm nhất của sức khỏe.

● Cái đừng thứ ba: CÓ TÌNH YÊU ĐỪNG BUÔNG BỎ

Cuộc đời thật ngắn ngủi, tình yêu lại không dễ tìm kiếm, cho dù yêu hay được yêu đều là duyên phận, đều nên đón nhận, ngày hôm nay bạn buông bỏ, thì kiếp này nó sẽ không bao giờ đến với bạn nữa.

● Cái đừng thứ tư: TỨC GIẬN ĐỪNG ĐỂ TRONG LÒNG

Trong cuộc đời, ai cũng có thể phải gặp những chuyện khó khăn hay không vừa ý, đừng nên vì thế mà “nộ khí xung thiên”. Tức giận là tồn tại khách quan, không nên giữ ở trong lòng, nín thở thì khí sẽ ứ tắc, khí ứ tắc thì sẽ sinh bệnh. Gặp phải những sự việc khiến ta tức giận, hãy tìm người để khai thông nó, thổ lộ ra hết, như vậy sẽ gỡ bỏ nó nhanh hơn, nội tâm sẽ yên bình trở lại. Bạn bè chính là công cụ “thông tức khí” tốt nhất, cũng là nguồn động lực, khích lệ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh tốt nhất cho bạn.

● Cái đừng thứ năm: CÓ THÙ HẬN ĐỪNG GHI NHỚ

Lòng dạ khoáng đạt, dùng thiện lương nhân ái để đối đãi, không để ý những chuyện nhỏ, gạt bỏ ân oán, cũng không để thù hận trong lòng. Hãy làm cho mỗi ngày trong cuộc đời của bạn là một ngày vui sống. Người xưa sống được trường thọ vì họ có “tam bất thức”, chính là không cần biết ba điều: không quan tâm ân oán, không quan tâm tuổi tác, không quan tâm bệnh tật.

Hãy rèn luyện những điều này để sống thật vui vẻ nhé.

A meaningful life

- Unknown



A meaningful life is not being rich, being popular, being highly educated, or being perfect. It’s about being real, being humble, being able to share ourselves and touch the lives of others.

╰▶ Một cuộc sống có ý nghĩa không phải là giàu có, phổ biến, được giáo dục cao, hoặc là hoàn hảo. Đó là sự chân thật, khiêm tốn, có thể chia sẻ bản thân và chạm vào cuộc sống của người khác.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|6|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Hạnh phúc thật sự không thể sinh ra từ lòng tham. Hạnh phúc đó chỉ có thể bắt đầu từ một tâm thanh tịnh. Con đường dẫn đến hạnh phúc bền vững hẹp lắm, không ai mang theo được trong lòng ba suy nghĩ độc hại tham, sân, si.”

Thực ra, người đời cũng vì tìm cầu hạnh phúc cho mình mà tham sân si, và cũng vì bảo vệ hạnh phúc cho mình mà tham sân si. Tâm yêu thương thanh tịnh là hạt giống cho hạnh phúc thật sự tượng hình, nhất định là như vậy. Và tham sân si, người đời cũng xem đó là hạt giống hạnh phúc, nhưng thực ra hạt giống đó như đã bị luộc chín rồi, có cố gắng chăm lo thế nào cũng không còn nảy mầm được nữa.

Gieo vào cuộc đời đầy nắng mưa hạt giống, hạt giống bình thường sẽ nảy mầm, nhưng hạt giống đã bị luộc chín sẽ mục nát đi, không còn gì.

Chẳng phải do nắng mưa …

Cuộc sống là như nhau thôi, cũng hai mùa mưa nắng, cũng chuỗi ngày được mất, cũng hai bờ nhớ quên, chỉ là có người sống cho tình thương chung, có người lại sống cho những toan tính tham sân của mình. Rồi thành khác nhau. Thành bình yên. Thành bất an. Có kẻ ngày ngày mang những hạt giống đã luộc chín, gieo vào cuộc đời nắng mưa, chờ nảy mầm.



Pháp ngữ (24)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Mình biết một chút thì tu một chút, cứ tích tiểu thành đại, tụ cát thành tháp, khi công phu đủ thì sẽ thành tựu.

Câu chuyện đêm Giáng Sinh

(Sưu tầm)



Như thường lệ, mỗi mùa Giáng Sinh, tôi đều nhận được quà từ anh trai của tôi. Giáng Sinh năm ấy tôi cảm thấy vui nhất không phải chỉ vì món quà anh tôi tặng - một chiếc xe hơi, mà vì tôi đã học được một bài học rất thú vị vào cái đêm đông lạnh lẽo ấy ...

Đã 7 giờ tối, mọi người trong công ty đã ra về gần hết, tôi cũng đang đi đến gara để lấy xe và về nhà ăn Giáng Sinh. Có một cậu bé, ăn mặc rách rưới, trông như một đứa trẻ lang thang, đang đi vòng quanh chiếc xe tôi, vẻ mặt cậu như rất thích thú chiếc xe. Rồi cậu chợt cất tiếng khi thấy tôi đến gần: “đây là xe của cô ạ ?”, tôi khẽ gật đầu: “đó là quà Giáng Sinh anh cô tặng cho”. Cậu bé nhìn tôi tỏ vẻ sửng sốt khi tôi vừa dứt lời. “Ý cô là … anh trai cô tặng chiếc xe này mà cô không phải trả bất cứ cái gì ?”, “Ôi ! Cháu ước gì …” ... Cậu bé vẫn ngập ngừng.

Tất nhiên tôi biết cậu bé muốn nói điều gì tiếp theo. Cậu muốn có được một người anh như vậy. Tôi chăm chú nhìn cậu bé, tỏ vẻ sẵn sàng lắng nghe lời nói của cậu. Thế nhưng cậu vẫn cúi gầm mặt xuống đất, bàn chân di di trên mặt đất một cách vô thức. “Cháu ước …”, cậu bé tiếp tục “... cháu có thể trở thành một người anh trai giống như vậy”. Tôi nhìn cậu bé, ngạc nhiên với lời nói vừa rồi. Bỗng nhiên tôi đề nghị cậu bé: “cháu nghĩ sao nếu chúng ta đi một vòng quanh thành phố bằng chiếc xe này ?”. Như sợ tôi đổi ý, cậu bé nhanh nhẩu trả lời: “cháu thích lắm ạ !”.

Sau chuyến đi, cậu bé hỏi tôi với ánh mắt sáng ngời đầy hy vọng: “cô có thể lái xe đến trước nhà cháu không ?”. Tôi cười và gật đầu. Tôi nghĩ mình biết cậu bé muốn gì. Cậu muốn cho những người hàng xóm thấy cậu đã về nhà trên chiếc xe to như thế nào. Thế nhưng tôi đã lầm …”Cô chỉ cần dừng lại ở đây, và có phiền không nếu cháu xin cô đợi cháu một lát thôi ạ …”.

Nói rồi cậu bé chạy nhanh vào con hẻm sâu hun hút, tối om, tưởng chừng như chẳng có ai có thể sống trong ấy. Ít phút sau tôi nghe thấy cậu bé quay lại qua tiếng bước chân, nhưng hình như lần này cậu không chạy như lúc nãy mà đi rất chậm. Và đi theo cậu là một cô bé nhỏ nhắn, mà tôi nghĩ đó là em cậu, cô bé với đôi bàn chân bị tật. Cậu bé đẩy chiếc xe lăn em cậu đang ngồi, một chiếc xe cũ kĩ, xuống những bậc tam cấp một cách rất cẩn thận, và dừng lại cạnh chiếc xe của tôi.

“Cô ấy đây, người mà lúc nãy anh đã nói với em đấy. Anh trai cô ấy đã tặng một chiếc xe hơi cho cô nhân dịp Giáng Sinh mà cô chẳng phải tốn lấy một đồng. Và một ngày nào đấy anh cũng sẽ tặng em một món quà giống như vậy. Hãy nghĩ xem, em có thể tận mắt thấy những món quà, những cảnh vật ngoài đường phố trong đêm Giáng Sinh, và anh sẽ không phải cố gắng miêu tả nó cho em nghe nữa !”.

Tôi không thể cầm được nước mắt, và tôi đã bước ra khỏi xe, đặt cô bé đáng thương ấy lên xe. Ánh mắt cô bé nhìn tôi đầy vẻ cảm phục và thân thiện. Ba chúng tôi lại bắt đầu một chuyến đi vòng quanh thành phố, một chuyến đi thật ý nghĩa và tôi sẽ không bao giờ quên, khi những bông tuyết lạnh giá của đêm Giáng Sinh bắt đầu rơi.

Và cũng trong đêm Giáng Sinh ấy, tôi đã hiểu được sâu sắc ý nghĩa một câu nói của chúa Giê-su: “không gì tốt đẹp hơn việc làm cho người khác hạnh phúc”.

Danh ngôn (121)

- Khổng Tử



Trẻ mà không học thì già chẳng biết gì. Mùa xuân nếu không cày thì mùa thu chẳng có gì để trông mong. Giờ Dần nếu không thức dậy thì suốt ngày không làm được gì.

Cái đang là luôn hoàn hảo

(Sưu tầm)



Thực tại, cái đang là thì luôn hoàn hảo và không có một vấn đề gì. Mọi vấn đề chỉ nằm trong các xu hướng sai lầm của tâm trí.

Tâm trí có xu hướng đối tượng hóa và khái niệm về thực tại. Khi nắm bắt thực tại – cái đang xảy ra thành những khái niệm xong, do không hiểu những điều này chỉ là suy nghĩ, tâm trí gán lên thực tại một sự thật mà vốn không hề có. Đó gọi là vô minh, hay cái thấy bị che mờ. Vô minh khiến quá trình thích, ghét thực tại xảy ra, sau đó sự bám chấp và sân hận sẽ xảy ra, và đau khổ là kết quả không thể tránh khỏi của quá trình đó.

Để kết thúc đau khổ, người tu hành cần nhìn thấy sự thật, thoát khỏi ảnh hưởng của tâm trí. Tâm trí cần các đối tượng để suy nghĩ, không có đối tượng, tâm trí sẽ không thể vận hành. Ngược lại với vô minh, cái thấy bị che mờ, cái thấy trong suốt là gì ? Bằng học hỏi về kiến từ một người thầy và thực hành sống trọn vẹn trong hiện tại, hành giả trong suốt dần dần biết rõ và hoàn toàn thấu triệt rằng mọi sự vật hiện tượng, trong cả sinh tử và niết bàn, đều trống rỗng, không đối tượng, không có một cái tôi nào đứng phía sau. Đó còn gọi là trí tuệ thực chứng tính không đối tượng của những thứ vốn không có thật và trống rỗng. Bằng sự nhận ra rằng vốn không hề có một đối tượng nào, tâm trí mất chỗ dựa là các đối tượng. Mọi suy nghĩ đều được nhìn rõ là không có cơ sở, và tự mất khả năng đại diện cho thực tại. Suy nghĩ không còn xu hướng nắm bắt thực tại, không còn khả năng gây ra thích, ghét, bám chấp … nữa và trở về đúng với nó vốn là: suy nghĩ chỉ là suy nghĩ, một biểu hiện sống động trong thực tại đang là, không hơn, không kém.

Bởi phương pháp mạnh mẽ này, mọi sự vật hiện tượng xuất hiện và các trạng thái khác nhau của tâm trí sẽ dần dần bị tiêu tan vào trong bản tính tự nhiên – sự thật tuyệt đối, giống như một ngọn núi vĩ đại bằng đất bị tan dần xuống do hơi ẩm của đại dương bao quanh nó.

Sự thật đường tu vốn không dễ để chấp nhận

(Chân Như)



Ngày nay, có rất nhiều người tìm cầu sự thật, nhưng khi tìm thấy thì họ lại bỏ chạy, tại sao lại vậy … (?) Bởi sự thật nó rất trần trụi và cũng không dễ để chấp nhận. Bởi niềm tin về cái bóng của sự thật đã phản chiếu và ăn quá sâu trong niềm tin của mỗi người, họ nhìn mọi thứ theo dạng mảnh vỡ từ cái bóng mà thôi, họ không muốn nhìn thấy toàn cảnh, không muốn chấp nhận sự thật, không muốn chấp nhận quy luật vốn là bất biến, dù họ rất muốn tìm kiếm sự bất biến. Sự tìm kiếm đó đã trộn lẫn của cái Tôi cao thượng và cái Tôi ham muốn ở đó, nên cái tôi nó không chấp nhận, nó phản ứng, nó bỏ chạy …

Tu không chỉ là ăn chay và khoác lên cái áo, … ăn chay chỉ là một thứ rất bề nổi mà thôi, ăn chay là phù hợp với thể trạng của bản thể tâm linh, bởi bản thể vốn thanh tịnh nên ăn chay thực chất không phải vì yêu thương động vật như là những người bạn, mà trước hết là yêu thương và tôn trọng bản thể vốn thanh tịnh của chính mình trước đã, chỉ có như vậy mình mới trở về với sự thanh tịnh của bản thể, sau đó mình mới yêu thương và tôn trọng sự sống của muôn loài như là những người bạn được, ở đó không có khoảng cách, nó là sự giao cảm và hòa quyện lẫn nhau …

Tu là sửa đổi, là phải vượt qua những tàng thức rắn chắc sâu bên dưới mới là một người tu. Tu không phải là học cách để lẫn tránh và che đậy, không phải là sự trốn chạy và dùng một cái gì đó để khỏa lấp, kể cả học và hành thiền … nếu không hiểu cốt lõi bản chất.

Ví dụ, nỗi sợ hãi nó ở rất sâu … nếu các bạn sử dụng việc tu tập chỉ để lẫn tránh nỗi sợ hãi thì đừng tu mà hãy dừng lại, nhìn ra cốt lõi và vượt qua nó trước. Nếu bạn tu để che đậy nỗi sợ hãi thì việc học và tu đó cũng nên vứt hết đi. Nếu bạn tu mà làm cho cái Tôi sợ hãi to lên thì cũng nên vứt luôn … Nó là đồ giả các bạn.

Nếu bạn tu và thiền chỉ để đạt được sự bình an cho tâm trí thì cũng chỉ là sự khỏa lấp tạm thời, bởi vừa bước ra khỏi thiền là mọi thứ vẫn y chang vậy. Nếu bạn tu và muốn rời khỏi thực tại để chạy tới với Niết Bàn hay Cực Lạc thì cũng chỉ là ảo tưởng của tâm trí mà thôi … chỉ là sự bỏ chạy thực tại, bởi vì bạn không có đủ trí tuệ để chấp nhận và vượt qua nó ngay lúc này. Khi không nhìn ra cốt lõi, thì mọi thứ chỉ tô đắp và che đậy một cách khéo léo dưới danh nghĩa của chữ tu mà thôi, đó chỉ là chạy trốn.

Vào thời điểm này, mọi người đã trải nghiệm quá nhiều ký ức của khổ đau và mất mát, nên họ luôn luôn sợ, họ luôn nghi ngờ và có sự đề phòng, thế nên họ chỉ muốn tìm kiếm một sự an toàn vĩnh hằng vĩnh cửu mà thôi … Họ không chấp nhận sự sống vốn luôn luôn vận động không bao giờ ngừng nghỉ. Thế nên mới có chuyện … Mọi việc họ làm cũng vì nỗi sợ mà làm, hoặc không làm cái gì đó cũng vì nỗi sợ nên không làm … Họ sợ đủ mọi thứ, bởi lúc này, trên toàn thế giới, nơi nào cũng dao động và bất an …

Họ sợ đủ thứ … sợ chết … bởi không “thật biết” chết rồi mình về đâu. Mình có về được nơi đó hay không. Sợ bị người khác cười chê … nên phải cố gồng mình để thể hiện những điều tốt đẹp ra bên ngoài và đồng nhất mình với nó, rồi thì phải cố đè nén và che đậy những điểm yếu bên trong …

Sợ bị người khác xem thường … bởi họ không nhận ra tàng thức nguyên thủy của mình để tự mình sống với lòng tự trọng của chính mình.

Sợ mình không có giá trị … bởi họ đã đồng nhất giá trị của bản thể bên trong với những hành vi bên ngoài.

Sợ mình không được yêu thương và tôn trọng … bởi họ không yêu thương và tôn trọng bản thể của chính mình.

Sợ mình bị bở rơi … bởi họ không biết quay về và sống với bản thể, chính bản thể mới bị bỏ rơi.

Sợ mình thất bại, sợ mất mát, sợ khổ đau … bởi không nhận ra ích lợi và ý nghĩa cho sự thanh toán và trưởng thành trong những thất bại, mất mát và khổ đau.

Nỗi sợ ngày nay quá lớn … nên mọi người tìm kiếm những tấm áo lộng lẫy để trốn chạy khỏi nỗi sợ đang đuổi bắt họ, họ khoác lên những chiếc áo rất đẹp để che đậy, họ khoác lên giới luật để làm tấm bình phong với người khác … Họ muốn như vậy … Còn bạn …?

Bạn đã vượt qua nỗi sợ của chính mình chưa ? Bạn tu vì không còn con đường nào để đi hay sao ? Bạn tu để chạy trốn khổ đau bằng một ảo tưởng về hạnh phúc, thay vì chấp nhận sự thật và chuyển hóa khổ đau ? Mọi thứ chỉ là nỗi sợ mà thôi …

Nếu bạn vượt qua nỗi sợ của chính mình thì khi đó bạn mới có thể chấp nhận sự thật như nó vốn là vậy, và khi đó bạn sẽ không còn lạm dụng sự thật vào việc trốn tránh của chính mình … Vượt qua nỗi sợ bạn sẽ là yêu thương, bạn sẽ là tôn trọng, bạn sẽ không có sự phân biệt, bạn sẽ làm được điều mà mình thật sự mong muốn. Vượt qua nỗi sợ bạn mới có niềm hạnh phúc thật, niềm hạnh phúc đó lớn vô cùng. Nỗi sợ sẽ khiến bạn đóng mình lại, co lại, đậy lại, khép lại … và bạn chỉ yêu thương khi cái tôi nó thấy an toàn và phù hợp với nó mà thôi. Nỗi sợ nó khiến cho bạn phản ứng khi có cái gì đó khác với sự định dạng ban đầu mà cái tôi đã cố công tô vẻ và vun đắp. Nỗi sợ khiến bạn trở nên méo mó, méo mó từ trong nhận thức dẫn đến tư duy méo mó, rồi cách nhìn méo mó, nên lời nói và hành động sẽ méo mó … Vậy kết quả sẽ thế nào ?

Bạn sử dụng việc tu tập một cách rất mãnh liệt để đánh lừa tâm trí và phớt lờ mọi thứ đang hăm dọa và thách thức bạn ? Vậy thì, việc tu đó chỉ nhằm lừa dối tâm trí trong sự bình an tạm thời mà thôi, bởi gốc rễ nó vẫn còn nguyên ở đó, không ai chỉ cho bạn gốc rễ ở đâu và giải pháp như thế nào, bởi họ cũng không thấy bên trong họ thì làm sao họ có thể nhìn thấy được ở bên trong bạn. Mọi thứ chỉ là bề nổi, gặp cơn gió là lung lay … Khác với sự thật, sự thật vốn chuyển động trong những quy luật bất biến.

Ảo tưởng là muốn rời khỏi sự thật, không chấp nhận sự thật vốn sống và luôn vận động, nên họ trở nên dao động trong sự vận động đó, dù bên ngoài họ vẫn cố tỏ ra bình thường, nhưng những cơn bão sẽ tiếp tục đến, cho đến khi nào ảo tưởng được lôi đi hết mới thôi. Chúng ta hãy chấp nhận và tôn trọng một sự thật rằng, phần đông những người tìm kiếm sự thật, khi gặp sự thật là co giò bỏ chạy … chạy thật nhanh, chạy càng xa càng tốt, bởi họ đã quá quen với sự thật ở dạng tưởng tượng của tâm trí, thế nên, họ muốn đạt đến sự vĩnh hằng, và họ sẽ chọn hai nơi.

Một là Niết Bàn. Thì đúng, Niết Bàn mãi mãi là vĩnh hằng, bởi ở đó không có sự sinh diệt của vật chất lẫn tinh thần, bởi mọi thứ nơi đó tồn tại ở dạng gốc … linh hồn và vật chất đều ở dạng gốc, mọi thứ ở dạng gốc vốn vĩnh hằng. Và họ muốn sự vĩnh hằng đó, bởi họ quá chán ngán với sự thay đổi và dao động, họ sợ sự thay đổi, họ muốn trốn tránh sự thay đổi … bởi với họ sự thay đổi là khổ đau.

Nếu các bạn hỏi họ, bạn từ đâu đến thì họ không trả lời được … Thế nhưng, nếu bạn hỏi họ, Niết Bàn là gì, họ sẽ nói là ngôi nhà vĩnh cửu vĩnh hằng … và họ sẽ tiếp tục nói với bạn rằng, kiếp người rất quý báu, tu mau để “trở về Nhà” … (!). Nghĩa là, “Nhà hay Niết Bàn” chính là nơi họ đã ra đi, có vậy phải không ? Nếu không, sao họ lại nói “trở về nhà” (?). Thế có nghĩa là họ “tự phủ định và họ lại tự khẳng định” ngay trong sự hiểu biết của chính mình, bởi nếu nhà là chốn quay về, nghĩa là bạn đã từ đó và rời đi trước đây, để đến nơi này, đúng vậy không (?).

Thứ hai. Nếu Niết Bàn là vĩnh cửu không xuống thế giới hữu hình nữa, thì sao bạn không ở mãi mãi trên đó như bạn đã nói, mà bạn lại có mặt ở đây vào lúc này (?), bởi đó là nơi không đến không đi, vĩnh hằng vĩnh cửu mà … bạn đã nhìn thấy chiều sâu ở đây phải không ? Sự mâu thuẫn bởi họ không chấp nhận toàn vẹn của sự thật, khi họ nói về mặt này họ sẽ phủ định mặt kia, khi họ nói về mặt trái họ phủ định mặt phải. Họ không nhìn ra hai mặt, hai mặt ấy vốn không tách rời là: sự vĩnh cửu và sự vận động. Dù họ nói linh hồn là một thực thể sống, tạo hóa là một cơ thể sống. Đại cơ thể vốn nó là một thể thống nhất và luôn luôn sống, nó không có sự tách rời và nó luôn vận động cùng nhau trong một hệ thống quy luật bất biến, nên không thể có chuyện cái chân thì bước đi còn cái tay thì cứ nằm yên một chỗ … không có chuyện bạn cứ ở mãi trên ngôi nhà Niết Bàn khi sự vận động đã chạm đến bạn, và ngược lại, không có chuyện bạn có thể bỏ nửa chừng để đi về nhà khi mối liên hệ giữa bạn vẫn níu bạn đi trong một cơ thể lớn. Bạn chỉ là một tế bào trong đại cơ thể mà thôi, làm sao một tế bào có thể tự mình rời ra khỏi cơ thể một cách tự ý được chứ. Có phải vậy không ?

Hai là thiên đường hay cõi Tây Phương Cực Lạc, mọi người cứ muốn đi đến đó … Rất tốt, thế nhưng, khi bạn vào một công ty bạn phải đi qua vòng phỏng vấn của họ, và đáp ứng những tiêu chuẩn của công ty đó, phải vậy không ? Thiên đường có tiêu chuẩn của nó, không phải vậy sao ? Đâu phải cứ muốn là được, mọi thứ đều cần có sự thấu hiểu … Nếu bạn bỏ lỡ hiện tại và mong mình sẽ có một tương lai tốt đẹp thì chỉ là một giấc mơ, không có thật. Bạn không thể chạy trốn mọi trách nhiệm và mọi tài khoản nợ mà có thể đi đến chốn không vương sầu muộn ấy. Bạn không thể đến thế giới hạnh phúc miên viễn đó nếu ở đây bạn bất an và khổ đau, bởi bạn không loại bỏ đi những tàng thức rắn chắc đang trói buộc ở bên trong bạn thì làm sao bạn có thể đồng thanh tương ứng với nơi đó được ? Đại vũ trụ là sự sống, nó luôn luôn vận động, không có bất cứ thứ gì là đứng yên mãi mãi, nó chỉ đứng yên tạm thời khi dòng chảy chưa chạm đến nó mà thôi. Bạn sẽ ở Niết Bàn khi phần vai của bạn chưa chạm tới mà thôi, khi chạm tới thì bạn sẽ có mặt ở đây … bởi nếu không thì làm sao bạn lại có mặt ở đây, Niết Bàn là vĩnh cửu mà.

Nếu bạn nói rằng: thiên đường hay Cõi Tây Phương là ở trên trời, hay còn gọi là thế giới tinh thần của thể vía … vậy ở trong thể vía làm sao bạn có thể trải nghiệm mọi thứ, ví dụ, các con ma làm sao nó có cơ thể để trải nghiệm, nó chỉ cảm nhận thông qua cảm xúc của tâm trí mà thôi, làm sao thật được, bạn biết rằng không nên cúng cho ma, bởi ma có ăn được đâu mà cúng, chỉ có thế giới hữu hình mới mang lại trải nghiệm thật cho linh hồn mà thôi. Thiên đường ở các cõi trời chỉ là linh ảnh các bạn ạ, nó không phải là thiên đường thật đâu.

Tốt lắm. Với tôi, điều cần thì cứ nói, việc cần thì cứ làm, bởi tôi không muốn sau này, khi vỡ kịch đã hạ màn kết thúc thì mọi người choàng vào cho tôi một tràng hoa của sự khiếu nại … tôi không muốn vậy đâu, tôi cũng không bảo ai nên đi theo mình, bởi tôi đi theo sự thật, mà sự thật vốn không dễ dàng, vì cái tôi và niềm tin của bạn sẽ bị thách thức rất nhiều, nếu muốn đứng về phía sự thật thì bạn phải bỏ đi ảo tưởng, bạn phải loại bỏ những gì mâu thuẫn không thật mà bấy lâu nay bạn đã tô đắp. Tôi chỉ muốn tràng hoa của tình yêu thương không điều kiện, tràng hoa của niềm hạnh phúc không vướng bận, tràng hoa của sự tôn trọng và sẻ chia không mong cầu mà thôi … Quyết định là của mỗi người, và tôi luôn tôn trọng mọi quyết định, tôi luôn tôn trọng ở mọi nơi tôi đặt chân đến và họ cũng tôn trọng tôi, tôn trọng những việc tôi làm. Tôi chỉ muốn đeo vào tràng hoa của niềm hạnh phúc và mãn nguyện hài lòng.

D.P.A (31)

- Ca dao Phật Giáo

Ao nào chẳng có ánh trăng
Nhà nào chẳng có Quan Âm hiện hình



Phước điền y

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương LII, Thích Nhất Hạnh

Năm sau, Svastika được theo Bụt về an cư ở tu viện Nigrodha sát bên thành Kapilavatthu quê hương của Bụt. Bụt đã về quê trước mùa an cư bởi vì người nghe nói có sự xích mích và tranh chấp giữa hai nước Sakya và Koliya. Sakya là quê nội của Bụt và Koliya là quê ngoại của người. Hoàng hậu Mahamaya và công chúa Yasodhara đều có gốc gác từ Koliya. Hai nước đã chống nhau vì dòng sông Rohini.

Số là năm ấy trời không có mưa mà cả hai bên đều thiếu nước tưới ruộng. Mực nước sông Rohini cũng rất thấp. Nước không đủ cho cả hai bên dùng, mà bên nào cũng muốn đắp đập dẫn hết nước sông về phía mình. Ban đầu chỉ là lời qua tiếng lại giữa nông dân hai phía. Sau đó thì có xung đột và đấm đá, rồi dân vệ và cảnh sát hai bên nhập cuộc. Cuối cùng là binh đội hai nước dàn trận hai phía bờ sông. Tình thế trở nên gay cấn và nguy hiểm. Bụt muốn biết nguyên do của cuộc tranh chấp. Hỏi các vị tướng chỉ huy quân đội, Bụt được cho họ biết là vì phía bên kia khinh người, xâm phạm tài sản và tính mạng bên này. Hỏi các nhà chính trị, họ cũng trả lời tương tợ. Không ai nói cho Bụt nghe nguyên do thật sự của cuộc tranh chấp. Mãi đến khi Bụt nói chuyện với các nông dân nghèo, người mới biết nguyên do thật sự của cuộc tranh chấp là nước tưới.

Vốn có liên hệ thân tộc sâu xa với cả hai dòng họ Sakya và Koliya, Bụt sắp đặt được một cuộc gặp gỡ giữa các vị quốc vương, một bên là quốc vương Mahanama, một là quốc vương Suppabuddha. Người xin với hai vị quốc vương thảo luận để đi đến một cuộc hòa giải. Người nói rằng trong một cuộc chiến tranh, ai cũng là người thua cuộc, dù là thua nhiều hay thua ít. Bụt hỏi:

- Các vị đại vương, nước sông quý hơn hay mạng người quý hơn ?

Vua nào cũng trả lời là mạng người là quý hơn, mạng người là vô giá. Bụt nói:

- Các vị đại vương, nước tưới là đầu mối của cuộc tranh chấp giữa hai nước, nhưng nếu không có lòng tự ái và sự căm giận thì sự tranh chấp về nước tưới sẽ không đủ để đưa tới một cuộc chiến tranh. Các vị đại vương ! Chúng ta phải xét lại tâm ý chúng ta. Chúng ta đừng vì lòng tự ái và sự căm giận lẫn nhau mà làm tổn phí máu xương của dân chúng hai nước. Buông bỏ tự ái và giận hờn là chúng ta tháo gỡ được guồng máy chiến tranh. Giải quyết vấn đề tranh chấp về nước tưới không khó. Chúng ta chỉ cần ngồi lại thương thuyết với nhau. Có bao nhiêu nước trong dòng Rohini thì ta chia cho cả hai phía, dù nước không đủ cho cả hai bên. Chúng ta sẽ tìm ra giải pháp để bên nào cũng được thừa hưởng đồng đều số lượng nước tưới.

Nhờ sự can thiệp của Bụt mà hai bên đã đi tới một sự thỏa thuận về vấn đề nước tưới và thiết lập liên lạc ngoại giao thân tình như cũ. Quốc vương Mahanama khẩn khoản xin Bụt lưu lại trong một mùa an cư ở vương quốc Sakya. Bụt nhận lời. Đây là mùa an cư thứ mười lăm sau ngày thành đạo của Bụt. Sau mùa an cư ở Kapilavatthu, Bụt trở về miền Nam.

Mùa an cư thứ mười sáu, Người cư trú tại Alavi.

Mùa an cư thứ mười bảy, Người về tu viện Trúc Lâm.

Mùa an cư thứ mười tám, Người ở Koliya.

Mùa an cư thứ mười chín, Người lại trở về Rajagaha.

Tại Rajagaha, từ mấy năm nay, Bụt ưa cư trú trên núi Gijjhakuta, một ngọn núi đá có hình dáng chim thứu nên cũng được gọi là Thứu Sơn. Vua Bimbisara thường hay đến viếng Bụt và nghe pháp trên núi này. Vua đã cho xây bậc đá từ chân núi lên tới tịnh xá của Bụt. Mấy cái thung lũng nhỏ đã được vua cho san bằng. Vua lại cho bắc cầu qua mấy thác nước. Xa giá tới chân núi, vua đi bộ lên theo các bậc đá.

Gần tịnh xá có một tảng đá lớn bằng cả mấy tòa nhà. Tịnh thất của Bụt được xây bằng đá lấy ngay tại chỗ. Phía Đông Bắc tịnh xá, có một dòng suối chảy qua khe đá. Bụt thường giặt áo cà sa trên dòng suối này và phơi áo trên một phiến đá khá lớn bên suối. Ngồi trước tịnh xá, vào những ngày quang đãng, Bụt thấy được cả kinh đô Rajagaha, Bụt rất ưa ngồi ngắm mặt trời lặn từ điểm nhìn này. Cảnh tượng mặt trời lặn ở đây thật huy hoàng và diễm lệ. Các đại đức lớn như Sariputta, Uruvela Kassapa, Moggallana, Upali, Devadatta và Ananda đều có tịnh xá riêng trên núi Linh Thứu. Trong vùng lân cận thủ đô Rajagaha đã có tới mười tám cơ sở tu học quan trọng của tăng đoàn. Ngoài tu viện Trúc Lâm (Venuvana) và núi Linh Thứu (Gijjhakuta), còn có những trung tâm nổi tiếng khác, trong đó nổi bật nhất là Vaibharavana, Sarpasundikapragbhara, Saptaparnaguha và Indrasailaguha. Hai nơi sau là hai động đá lớn.

Gần núi Linh Thứu, có tịnh xá của một vị y sĩ trẻ nổi tiếng tên là Jivaka. Vị y sĩ này là một trong những đệ tử tại gia thân cận nhất của Bụt. Jivaka là con của vua Bimbisara và của bà mệnh phụ Ambapali. Chàng học thuốc từ năm mười bốn tuổi tại Taksassila. Năm mười lăm tuổi, chàng đã được mẹ tới đón, đưa về tu viện Trúc Lâm để viếng Bụt. Năm nay Jivaka đã hai mươi sáu tuổi. Tốt nghiệp ngành y từ năm hai mươi ba tuổi, Jivaka đã trở nên một lương y nổi tiếng sau khi chữa lành cho nhiều người đã từng mắc những chứng bệnh hiểm nghèo. Jivaka cũng đã từng chữa bệnh cho vua Bimbisara. Từ mấy năm nay, Jivaka thường lui tới tu viện Trúc Lâm và núi Linh Thứu để chăm sóc sức khỏe của Bụt và các vị khất sĩ. Vào đầu mùa lạnh, Jivaka cổ động các bạn cúng dường thêm y áo cho các vị khất sĩ để họ đắp mà ngủ ban đêm. Jivaka cũng đã cúng dường Bụt một bộ y. Vị lương y này không những lưu tâm đến việc trị bệnh mà còn lưu tâm đến việc ngừa bệnh nữa. Ông đề nghị với Bụt một số biện pháp vệ sinh cần được áp dụng cho các vị khất sĩ. Mỗi thầy nên có một dụng cụ lọc nước để uống, và nước lấy từ ao hồ thì nên được đun sôi. Y áo mỗi bảy ngày phải được giặt ít nhất một lần. Nhà tắm cần được dựng thêm trong tu viện. Thức ăn hôm nay không nên dành lại cho ngày hôm sau.

Tất cả những điều Jivaka đề nghị, Bụt đều chấp nhận. Cúng dường cà sa đã trở nên một hành động rất phổ thông trong dân chúng. Có một hôm Bụt thấy một vị khất sĩ trở về tu viện trên vai nặng trĩu cả y áo. Bụt hỏi:

- Thầy có bao nhiêu chiếc y tất cả ?

- Lạy Bụt, con được cúng dường tất cả tới tám chiếc y.

- Thầy cần dùng nhiều y đến thế sao ?

- Lạy Bụt, con không cần dùng nhiều y như thế, tại vì người ta cúng dường nên con phải nhận.

- Theo thầy thì mỗi vị khất sĩ cần có bao nhiêu chiếc y là đủ ?

- Lạy đức Thế Tôn, con nghĩ ba chiếc y là đủ cho mỗi người. Ngồi thiền trong rừng lạnh hoặc ngủ nghỉ ban đêm dưới gốc cây mà có được ba y thì đã là đủ ấm.

Bụt nói:

- Tôi cũng nghĩ như thầy vậy. Khi nào lạnh lắm tôi cũng chỉ cần tới chiếc y thứ ba. Từ rày về sau, mỗi vị khất sĩ chỉ có quyền có một cái bình bát và ba chiếc y cà sa mà thôi. Nếu được cúng dường thêm quý vị nên từ chối.

Vị khất sĩ bái tạ Bụt và đi về tăng xá của mình. Có một hôm khác đứng trên một ngọn đồi, Bụt chỉ những thửa ruộng nối nhau chạy dài đến chân trời và nói với đại đức Ananda:

- Ananda, thầy có thấy những thửa ruộng lúa chín vàng được chia thành từng ô chạy dài tới chân trời không ? Đẹp quá ! Tại sao ta không đề nghị may áo cà sa cho các vị khất sĩ theo kiểu mẫu này ?

Ananda bạch:

- Ý của Thế Tôn thật hay. Áo cà sa may theo hình dáng những thửa ruộng như thế này thì đẹp biết bao nhiêu. Con từng nghe Thế Tôn nói một vị khất sĩ tu học nghiêm chỉnh là một thứ đất ruộng rất tốt, trên đó ta có thể gieo những hạt giống phước đức cho hiện tại và tương lai. Cúng dường, học hỏi và tu tập theo vị khất sĩ ấy tức là gieo những hạt giống phước đức vậy. Nếu Thế Tôn cho phép, con sẽ bố cáo với đại chúng về cách thức may y trong tương lai và sẽ gọi kiểu y này là phước điền y.

Bụt mỉm cười. Người gật đầu ưng thuận. Mùa an cư năm sau, Bụt cư trú tại tu viện Jetavana ở thủ đô nước Kosala. Cư sĩ Suddata đã thân hành về Rajagaha thỉnh Người. Cư sĩ nhắc là đã từ lâu Bụt không an cư tại Jetavana. Đây là mùa an cư thứ hai mươi của Bụt sau ngày người thành đạo. Năm nay Bụt đã năm mươi lăm tuổi. Được tin Bụt về an cư tại Savatthi, quốc vương Pasenadi mừng rỡ. Vua đem cả gia đình hoàng gia tới viếng Bụt. Đi theo vua có thứ hậu Vrsabhasatriya và hai người con của thứ hậu là thái tử Vidudabha và công chúa Vajna. Thứ hậu là người dòng Sakya. Sau ngày được gặp Bụt và trở nên đệ tử của người, quốc vương Pasenadi đã gửi một phái đoàn qua vương quốc Sakya để xin cưới một người trong hoàng gia làm thứ hậu. Vương quốc đã tuyển chọn vị công nương xinh đẹp Vrsabhasatriya để gả cho vua. Công nương là con gái của hoàng thúc Mahanama.

Trong suốt mùa an cư, không có một pháp thoại nào của Bụt mà vua không đến nghe. Người đến nghe pháp càng ngày càng đông. Trong số những vị đệ tử mới có nữ cư sĩ Visakha, được xem như là nữ thí chủ lớn nhất của tu viện. Thấy các vị khất sĩ tại tu viện quá đông đảo, bà phát tâm đem khu vườn rộng rãi và xanh tốt của bà ở phía Đông thành phố Savatthi cúng dường cho Bụt và cho giáo đoàn. Khu đất này đẹp không thua gì vườn cây Jeta, nhưng diện tích thì hẹp hơn. Với sự hợp sức của các bạn, bà Visakha đã xây dựng được nhiều tăng xá và thiền đường trong khu đất. Khi tu viện mới được hoàn thành, đại đức Sariputta đề nghị đặt tên là tu viện Đông Viên (Purvarama). Giảng đường ở trung tâm tu viện được đặt tên là Lộc Mẫu Đường, Lộc Mẫu Đường là biệt hiệu của nữ cư sĩ Visakha, Lộc (Migarai) là tên con trai lớn của bà.

Nữ cư sĩ Visakha sinh trưởng ở Bhaddhya trong vương quốc Anga. Cô là con gái của nhà triệu phú Dhananjaya. Lớn lên cô lấy chồng ở Savatthi. Chồng cô cũng là một triệu phú. Hai cha con đều là đệ tử trong giáo phái Nigantha Nataputta, hai người vốn không có cảm tình với Bụt và giáo đoàn khất sĩ, nhưng nhờ đức hạnh và sự đằm thắm của Visakha mà hai người dần dần có cảm tình với Bụt và sau đó không lâu đều trở nên đệ tử của Bụt.

Bà Visakha thường hay đi chùa với một người bạn gái tên là Suppiya. Bà phát nguyện với Bụt là sẽ thường xuyên cúng dường thuốc men cho bất cứ vị khất sĩ và nữ khất sĩ nào đến Savatthi mà bị đau ốm, sẽ cúng dường áo cà sa và khăn tắm cho tất cả các vị khất sĩ và nữ khất sĩ nào đến an cư tại Savatthi. Bà cũng đã triệt để ủng hộ ni sư Mahapajapati trong việc thiết lập và trang bị một trung tâm tu học cho các vị nữ khất sĩ bên hữu ngạn sông Ganga gần sát thủ đô Savatthi. Bà là người hộ trì rất đắc lực cho các vị nữ khất sĩ, không những về phương diện vật chất mà còn trên phương diện tinh thần nữa. Bà đã từng can thiệp và hóa giải những vụ xích mích xảy ra giữa ni chúng trong nữ tu viện.

Trong một buổi pháp đàm tại giảng đường Lộc Mẫu, các vị cao đệ của Bụt đã đi tới hai quyết định quan trọng sau nhiều giờ đàm luận. Quyết nghị đầu là đề nghị thầy Ananda làm thị giả thường xuyên cho Bụt. Quyết định thứ hai là từ nay về sau, cứ tới mùa an cư thì thỉnh Bụt trở về Savatthi. Đề nghị đầu là do đại đức Sariputta đưa ra. Đại đức nói:

- Sư huynh Ananda là người có trí nhớ bền bỉ nhất trong chúng ta. Trí nhớ của sư huynh thật là lạ lùng, trên trần gian này không ai bì kịp. Mỗi khi Bụt dạy điều gì mà có mặt sư huynh Ananda thì những lời Bụt dạy không rơi rớt đi đâu cả. Khi trùng tuyên lại những điều Bụt dạy thì sư huynh Ananda trùng tuyên không sót một câu hoặc một tiếng, vì vậy, nếu được làm thị giả cho Bụt, sư huynh sẽ có dịp nghe hết những điều Bụt nói, dù là nói cho một đám đông hoặc là nói cho một người, và sư huynh sẽ ghi nhận được những điều đó. Lời dạy nào của Bụt cũng quý hóa không cùng, do đấy chúng ta phải làm đủ mọi cách để gặt hái và bảo trì tất cả những điều người giáo huấn. Trong hai mươi năm qua, chúng ta đã dại dột để rơi rớt và mất mát rất nhiều điều Bụt dạy. Vậy sư huynh Ananda nên vì chúng ta và vì các thế hệ tương lai mà nhận lấy trách nhiệm làm thị giả cho Bụt.

Các vị khất sĩ có mặt trong buổi họp đều tán đồng ý kiến của đại đức Sariputta. Đại đức Ananda có vẻ ngần ngại. Đại đức nói:

- Tôi thấy có nhiều điều bất tiện nếu các sư huynh cử tôi làm thị giả cho Bụt. Không chắc rằng Bụt đã bằng lòng cho tôi làm thị giả, nếu chịu khó nhận xét, chắc các sư huynh cũng đã thấy rằng Bụt đã rất cẩn thận để khỏi mang tiếng là có con mắt đặc biệt với những người trong thân tộc Sakya. Đối với nữ khất sĩ Mahapajapati, vốn là Dì mẫu của Người mà người cũng rất cứng rắn, còn Rahula thì từ ngày được làm sa-di, không bao giờ chú được ngủ trong tịnh xá của Bụt hay ngồi ăn cơm riêng với Bụt. Tôi cũng thế, tôi cũng không bao giờ được Bụt cho thân cận một cách quá đáng, với lại tôi cũng không dám thân cận với Bụt một cách quá đáng. Tôi cũng ngại các huynh đệ nói ra nói vào, cho là tôi thóc mách, và cho rằng vì tôi thóc mách cho nên Bụt mới thỉnh thoảng gọi các huynh đệ lên để mà răn dạy.

Nói tới đó, đại đức ngửng lên nhìn đại đức Sariputta:

- Đối với sư huynh Sariputta, Bụt có một cái nhìn đặc biệt, bởi vì sư huynh là người thông minh và tài giỏi vào bậc nhất trong số chúng ta. Sư huynh đã là một người phụ tá rất đắc lực cho Bụt trong việc dạy dỗ cũng như trong việc tổ chức, và cố nhiên là Bụt có đặt niềm tin lớn nơi sư huynh. Cũng vì vậy mà sư huynh đã bị nhiều huynh đệ ghen ghét. Tôi thấy khi có quyết định điều gì, Bụt thường hỏi ý kiến của nhiều người, chứ không phải là chỉ hỏi ý kiến một sư huynh Sariputta. Vậy mà có những huynh đệ dám nói là những quyết định ấy là những quyết định của Sariputta chứ không phải thật sự là những quyết định của Bụt. Làm như Bụt là người không có trí óc suy xét để đi tới được những quyết định quan trọng. Tôi thấy đó là một tội tăng thượng mạn rất lớn. Tôi ngần ngừ không muốn vâng lời các sư huynh là vì thế.

Đại đức Sariputta cười:

- Tôi thì tôi không ngại khi có huynh đệ nào hiểu lầm tôi mà tỏ vẻ ganh ghét. Tôi nghĩ là khi nhận thấy điều gì thật sự có lợi lạc, mình phải có can đảm làm theo, dù ai nói ngửa nói nghiêng mình cũng không nên vì vậy mà thối chí. Sư huynh Ananda ! Chúng tôi biết sư huynh là người có ý tứ lắm, nhưng chúng tôi nghĩ là nếu sư huynh không nhận lời yêu cầu của anh em thì đạo pháp sẽ rất bị thiệt thòi, cho thế hệ hiện tại và nhiều thế hệ về sau.

Đại đức Ananda im lặng hồi lâu không nói gì. Cuối cùng thầy lên tiếng:

- Tôi sẽ vâng lời các sư huynh để làm thị giả thường xuyên cho Bụt, nếu các sư huynh có thể bạch với Người chấp nhận những điều mà tôi yêu cầu sau đây. Thứ nhất là xin Bụt đừng cho tôi y áo mà người ta cúng dường Người. Thứ hai là xin Bụt đừng cho tôi những thức ăn mà người ta đem đến cúng dường Người. Thứ ba là xin Bụt đừng cho tôi ở cùng trong một tịnh thất với Người. Thứ tư là xin Bụt đừng cho tôi đi theo khi có một thí chủ thỉnh người thọ trai. Thứ năm là xin Bụt biết là Bụt có thể cùng đi với tôi khi tôi được một thí chủ thỉnh tới thọ trai. Thứ sáu là xin Bụt cho tôi có quyền tiến dẫn hoặc từ chối những người muốn được diện kiến với Người. Thứ bảy là xin Bụt cho tôi được hỏi lại Người mỗi khi có điều gì Người nói mà tôi chưa hiểu. Thứ tám là xin Bụt lặp lại cho tôi đại ý những bài pháp thoại mà vì bất đắc dĩ tôi không có mặt để nghe.

Đại đức Upali góp ý:

- Những điều sư huynh Ananda đưa ra đều là chính đáng, tôi chắc những điều ấy sẽ được Bụt chấp nhận. Duy có điều thứ tư tôi thấy chưa ổn, nếu sư huynh không đi theo Bụt khi có thí chủ thỉnh Bụt tới thọ trai thì làm sao sư huynh được nghe những lời Bụt dạy vị thí chủ ? Sư huynh không được nghe thì làm sao sư huynh có thể trùng tuyên lại những lời ấy cho chúng tôi nghe, trong trường hợp những lời ấy là những lời mới lạ rất quý báu. Tôi đề nghị như sau, mỗi khi Bụt được cung thỉnh, ngoài sư huynh ra, nên có một huynh đệ khác cùng đi, như vậy sư huynh tránh được miệng thế gian là nhờ nương vào Bụt mà sư huynh thường có thức ăn ngon.

Ananda cười:

- Điều sư huynh nói đó cũng chưa ổn. Trong trường hợp thí chủ chỉ đủ sức cúng dường cho hai người mà thôi, thì sao ?

- Thì hôm ấy Bụt và hai sư huynh ăn ít lại một chút chứ sao.

Các thầy cùng cười rộ lên một cách vui vẻ. Vấn đề thị giả giải quyết xong, các thầy bàn tới chuyện thỉnh Bụt an cư hàng năm tại Savatthi. Savatthi hiện có tới hai tu viện lớn cho nam giới, tu viện Kỳ Thọ Cấp Cô Độc và tu viện Lộc Mẫu. Ngoài ra còn có một tu viện cho ni giới. Vì vậy, nên lấy Savatthi làm căn cứ hành đạo.

Ở những vương quốc lân cận ai muốn gặp Bụt mà không biết Người ở đâu thì cứ về Savatthi trước mùa an cư là tự khắc được gặp. Đó là cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người. Các vị khất sĩ và nữ khất sĩ từ các quốc gia khác có thể tới Savatthi an cư mà không gặp trở ngại, vì các đại thí chủ lớn như Anathapindika và Visakha đã phát nguyện cung cấp thực phẩm, thuốc men, y áo và chỗ cư trú cho bất cứ vị khách tăng nào tới đây.

Sau khi kết thúc buổi pháp đàm, các thầy cũng đi đến tìm Bụt tại tịnh thất của Người để trình bày những ý kiến đã được tổng hợp lại. Bụt chấp nhận hai đề nghị của các vị cao đệ một cách hoan hỷ.

Kỳ lạ, hàng trăm bông hoa mọc trên lá sung ở chùa Vạn Linh

( Sưu tầm )



Thời gian vừa qua, tại chùa Vạn Linh (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) xuất hiện hàng nghìn bông hoa nở trên lá sung khiến nhiều Phật tử ngạc nhiên. Theo quan sát của chúng tôi, đây là loại hoa có sáu cánh, màu đỏ nho, khi bung nở chuyển sang vàng nhạt. Hoa bám chặt vào lá sung, có chiếc lá chứa đến một trăm bông hoa.

Hòa thượng Thích Hoằng Tri, Trụ trì Chùa Vạn Linh (An Giang) và Chùa Vạn Đức (Q. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, cây sung có hoa nở trên lá tại chùa Vạn Linh tồn tại trước khi xây dựng chùa.

Năm 1927, sư thầy Thích Thiện Quang đến mảnh đất này mộ đạo đã dựng một cái thất nhỏ bằng tranh tre ngay cạnh cây sung để tu hành. Trùng hợp là năm 2016, nhân ngày giỗ lần thứ 63 của hòa thượng khai sơn Thích Thiện Quang, mọi người phát hiện thấy nhiều lá sung trổ hoa rụng dưới gốc.

Một năm sau, vài cây sung nhỏ mọc trong hốc đá ở chùa cũng nở hoa đồng loạt trên lá. Nhiều người đồn rằng, đây là hoa ưu đàm 3.000 năm mới nở một lần, còn giới nghiên cứu khoa học nhận định có thể trong chiếc lá chứa một loại ký sinh phát triển và sinh trưởng, đến thời kỳ sẽ gây ra hiện tượng lạ này.

Hòa thượng Thích Hoằng Tri cho biết, hiện nay chưa có tên gọi cho loài hoa nở trên lá sung như vậy. Tuy nhiên, theo quan niệm dân gian, quả sung biểu tượng cho sự no đủ, tốt lành. Vì vậy, lá sung trổ hoa nơi thiền môn cũng là điều may mắn, tốt đẹp.

(Nguồn: http://cand.com.vn/Cuoc-song-muon-mau-goc/Ky-la-hang-tram-bong-hoa-moc-tren-la-sung-o-chua-Van-Linh-467959/)

Life is short

- Mark Twain



Life is short, break the rules, forgive quickly, kiss slowly, love truly, laugh uncontrollably, and never regret anything that made you smile. Twenty years from now, you will be more disappointed by the things you didn’t do than by the ones you did. So throw off the bowlines. Sail away from the safe harbor. Catch the trade winds in your sails. Explore. Dream. Discover.

╰▶ Cuộc đời ngắn ngủi, hãy phá vỡ những quy tắc, nhanh chóng tha thứ, hôn thật chậm, cười thật tươi không cần phải kiểm soát, và không bao giờ hối tiếc/hối hận bất cứ điều gì đã từng làm chúng ta mỉm cười. Hai mươi năm sau, chúng ta sẽ thất vọng hơn bởi những điều mình không làm hơn là những gì mình đã làm. Mở nút thắt dây thừng. Xuôi ra khỏi bến cảng an toàn. Căng buồm lên đón cơn gió.Thám hiểm. Mơ tưởng. Khám phá.

Pháp ngữ (23)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Thế nào là trí ? Là không ích kỷ.

Thế nào là vọng tưởng ? Đó chính là lòng ích kỷ. Hễ ích kỷ thì vọng tưởng sẽ dấy khởi.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|5|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Nếu chỉ làm việc không lành, kẻ đó đi qua nhân gian này nhưng chỉ chọn những chiếc mầm khổ đau về cất vào đời mình, để những ngày sẽ tới chỉ toàn khổ đau. Việc không lành là nguyên nhân để không thể bình yên, tìm kiếm cả đời trong đó một chút bình yên cũng chẳng có”.

Nhưng có kẻ vẫn tìm kiếm trong đó cả đời. Có kẻ vẫn gieo gió cả đời để tìm bình yên. Như lặn lội lên non cao để tìm trong gió vị mặn của biển khơi.

Có không ?

Được không ?

Một trong những bài học khó nhất là học cách để trở thành người bạn tốt cho chính mình, vì chúng ta thường dễ dàng trở thành kẻ thù cho chính bản thân mình hơn.

Phải giữ được từ tâm sau bao nhiêu tổn thương mới nhìn thấy đời hiền hậu, nhưng chỉ cần một ánh mắt vô cảm đã thấy đời hoang vu. Phải từ bi với tất cả mới thấy đời thật nhẹ, nhưng chỉ cần một lần hận thù đã thấy đời nặng trĩu … Từ một suy nghĩ mà lòng bình thản, suy nghĩ đó như người bạn thân. Cũng từ một suy nghĩ mà lòng bất an, suy nghĩ đó như kẻ thù. Bạn thân và kẻ thù, vẫn ở đó, ngay trong lòng mỗi người, nhưng chúng ta đang nuôi dưỡng điều gì ?

Chúng ta thường không biết những việc mình làm bao giờ sẽ có kết quả, như không biết bao nhiêu chân thành mới đủ để người đổi thay, không biết bao nhiêu yêu thương mới đủ để giữ người ở lại, không biết bao nhiêu niềm tin mới đủ để người đứng dậy, không biết bao lâu những cơn gió đã gieo sẽ trở về thành bão … Nhưng chúng ta biết chắc chắn, khi không làm sẽ không bao giờ có kết quả.



Danh ngôn (120)

- Cảnh Hành Lục



Đại trượng phu thấy lẽ phải rõ ràng, cho nên trọng danh tiết như Thái sơn, dụng tâm cứng rắn cho nên xem việc sống chết nhẹ như lông hồng.

Những qui luật tự nhiên trong cuộc sống

( Sưu tầm )



1. LUẬT CÂN BẰNG. Đây là quy luật quan trọng nhất, nó chi phối tất cả các quy luật khác của cuộc sống. Quy luật này được phát biểu như sau: “nếu coi hạnh phúc trong cuộc đời một con người là những số dương, nếu coi đau khổ là những số âm, thì tổng của tất cả hạnh phúc và đau khổ trong toàn bộ cuộc đời của một con người (của bất cứ ai) là bằng không”.

2. LUẬT TUẦN HOÀN. Diễn giải nôm na, luật tuần hoàn được phát biểu như sau: “cuộc đời của một con người là môt chuỗi tuần hoàn gồm những giai đoạn hạnh phúc và đau khổ kế tiếp nhau. Hết giai đoạn đau khổ thì đến giai đoạn hạnh phúc. Sau đó lại đến một giai đoạn đau khổ mới và một giai đoạn hanh phúc mới. Như vậy, theo quy luật này không ai là hạnh phúc mãi mà cũng không ai phải chịu đau khổ mãi.

3. NGUYÊN LÝ CHO và NHẬN. Những thứ ta nhận được từ cuộc đời tương ứng với những thứ ta cho đi trong cuộc đời. Ta càng cho cuộc đời nhiều bao nhiêu, ta càng nhận được từ cuộc đời nhiều bấy nhiêu.

4. LUẬT TRẢ GIÁ và ĐỀN ĐÁP. Dần dà trong cuộc đời, mỗi người sẽ phải trả giá một cách đầy đủ cho từng lỗi lầm và từng hành động sai trái của mình, và sẽ được đền đáp một cách xứng đáng cho mọi cố gắng và mọi việc làm tốt đẹp của mình.

5. LUẬT THỬ THÁCH. Những khó khăn, nghịch cảnh, những thất bại, đau buồn là những thử thách giúp những kẻ biết vượt qua trở nên mạnh hơn.

6. LUẬT BÙ TRỪ. Ở trên đời này, hễ được cái này thì sẽ mất một cái khác, và hễ mất một cái này sẽ được một cái khác. Mỗi cái lợi luôn đi kèm với một cái hại tương ứng và ngược lại mỗi cái hại luôn luôn đi kèm với một cái lợi tương ứng. Đó là luật bù trừ hay là luật đánh đổi.

7. LUẬT CỘNG SINH. Một mối quan hệ giữa hai cá thể (loài vật, cây, con người hay một tổ chức) chỉ tồn tại được lâu dài nếu cả hai đều sinh lợi (cộng sinh) cho nhau. Nếu một mối quan hệ chỉ có lợi cho một bên còn bên kia chỉ có hại thì mối quan hệ đó sẽ không tồn tại được lâu dài. Đó là luật cộng sinh.

8. LUẬT HẤP DẪN. Người xưa diễn giải luật này là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, hay “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, Những tính cách giống nhau sẽ thu hút và tìm đến với nhau. Một khía cạnh quan trọng khác của luật hấp dẫn là khi một ý nghĩ được nung nấu, nó sẽ có khả năng hấp dẫn các phương cách để biến ý nghĩ đó thành hiện thực.

9. LUẬT VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT. Luật vạn vật đồng nhất phát biểu như sau: “những quy luật nào đúng với trời đất, với vạn vật thì những quy luật đó cũng đúng với con người, với cuộc đời hay các mối quan hệ của con người”.

10. LUẬT CƯỜNG ĐỘ GIẢM DẦN THEO THỜI GIAN. Luật cường độ giảm dần theo thời gian phát biểu như sau: “một hạnh phúc cho dù lớn đến đâu thì ngày hôm sau cũng bớt cảm thấy hạnh phúc đi rồi, một đau khổ cho dù lớn đến mức nào thì ngày hôm sau đau khổ đó cũng được cảm thấy dịu bớt đi”.

11. LUẬT TỰ KỶ ÁM THỊ. Nếu một ý nghĩ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong một khoảng thời gian dài thì cho đến một lúc nào đó ta sẽ tin ý nghĩ đó là thật. Đây là công cụ mạnh của quảng cáo và ta cũng có thể tận dụng quy luật này để có được những suy nghĩ tích cực và để rèn cho mình những đức tính mà mình chưa có.

12. LUẬT VỀ SỨC MẠNH CỦA THÓI QUEN. Những suy nghĩ hay hành vi được lặp đi lặp lại lâu ngày sẽ trở thành thói quen và thói quen sẽ trở thành một phần trong tính cách. Đây là công cụ mạnh để rèn luyện những tính cách mình muốn có.

13. LUẬT THÍCH NGHI. Con người là động vật lạ lùng, sướng bao nhiêu đối với nó cũng là chưa đủ, nhưng khổ bao nhiêu nó cũng chịu được. Con người được ban cho khả năng thích nghi với nhiều điều kiện hoàn cảnh, và để tồn tại và phát triển, con người (hay bất cứ vật nào) cần phải biết thích nghi với điều kiện hoàn cảnh và môi trường xung quanh.

14. LUẬT VỀ SỰ TƯƠNG TÁC. Khi vật A tác động vào vật B một lực thì vật A sẽ nhận được một lực tác động ngược lại đúng bằng lực mà vật A đã tác động vào vật B. Trong quan hệ giữa con người với con người, khi ta làm cho ai đau đớn, ta sẽ nhận được sự đau đớn đúng bằng vậy. Và ngươc lại, khi ta làm cho ai hạnh phúc, chính bản thân ta sẽ nhận được một hạnh phúc đúng bằng hạnh phúc ta đã ban ra.

Mượn chỉ đưa diều lên khỏi gió

( Sưu tầm )



I. BAY

Gia đình Pilot đi du lịch trên một máy bay riêng. Trong lúc máy bay bay thì hai đứa con nhỏ cãi nhau: “gió thổi máy bay”, đứa em không chịu: “máy bay lướt gió”, người cha vừa lái máy bay vừa phải nghe hai đứa nhỏ cãi cọ mệt quá nên gặt số bay tự động (auto-pilot) trước khi đi restroom. Ông ta nói với hai con: “tự-động bay, tự-động bay” rồi nhắm mắt vờ ngủ. Người vợ (co-pilot) vừa mắt nhắm mắt mở, ngủ mơ màng, lo lắng hỏi: “ai bay, ai bay ?”, đứa con lớn chơi với cần lái trả lời: “máy bay, máy bay”, đứa nhỏ sợ hãi ú ớ la: “đừng bay, đừng bay” … ( Bài này đối với bài Phướng Rủ. Bay = Động )

II. DIỀU ĐỘNG

- Chú điệu này nói: gió thổi diều bay !

- Chú tiểu kia cãi: không phải thật như vậy, diều nương gió mà bay.

- Sư phụ nghe vậy nói: cả hai [đứa/thứ] ‘diều’ [dìu/dựa] nhau bay.
(Tương tự như bài Phướng Động nổi tiếng trong chuyện Lục Tổ nhưng được Việt hóa)

Lời bàn:

- Dùng phương tiện “động cơ bay” để:

Mượn chỉ đưa diều lên khỏi gió
Buông thuyền lúc khách đã sang sông

- Nếu không thì sẽ khó tự chủ để bị:

Gió thổi diều bay vút vút cao
Cánh chim chiều cũng dạt lao đao

- Rồi thì động lòng trần, lạc bước rong chơi:

Không gian gió thoảng đầy vườn vắng
Thoảng gót tiên nga nhẹ gót đào

III. TỰ BƠI, TỰ ĐỘ

Có một vị cư sĩ đang chờ đò sang sông, bờ bên kia, nhìn thấy một vị thiền sư đang chèo thuyền ngược dòng. Ngay khi ấy vị cư sĩ dùng thần công sư tử hống, gọi to rằng: “Thiền sư ! Độ khắp chúng sinh vô khổ ách. Con xin quá giang một quãng được không ?”

Thiền sư nói: “ta đang ngược dòng chèo khó khăn, không bờ bến để ghé, còn ông ở trên bờ bên ‘kia’ chờ qua bến bên ‘kia’, khác đường nhau vậy ông chẳng cần ta độ”.

Vị cư sĩ lập tức nhảy ùm xuống giữa dòng sông, nói rằng: “hiện tại con cũng ở trong dòng sông, con đáng được độ rồi nhé ?”

Thiền sư: “ta ở trong dòng sông, ông cũng ở trong cùng một dòng sông, ta chèo thuyền ngược dòng, còn ông đang lội thuận dòng, nhưng không có thuyền. Trong một khoảnh khắc thì không gian cách biệt – ta sẽ ở giang đầu, ông sẽ ở giang vỹ cùng bơi chèo trong cùng một dòng sông, nhưng cho dù có tương cố cũng bất tương kiến, cái tương đồng là ông cùng ta điều động (bơi/chèo) nhưng cái tương biệt là ông mệt ông có thể chìm còn ta mệt thì ta để cho thuyền trôi ‘ngược dòng’ (ngược lại với dòng mà thiền sư đang chèo, ngược dòng). Do đó, chẳng phải là ta có khả năng độ ai mà là do thuyền độ ta. Ông hãy tự độ, chẳng cần nhờ đến ta, hãy tự tin mau mau lội băng sông mà vượt qua bờ bên kia nhé”.

Lời bình:

Tu tại chùa là chèo ngược dòng, khó mà dễ. Ngược gió thì cuốn buồm hay thuận buồm xuôi gió.

Tu tại gia, tại chợ là bơi băng dòng, khó hơn.

Sống đời bình thường là lội thuận dòng, dễ mà khó bình thường.

D.P.A (30)

- - -

Mượn chỉ đưa diều lên khỏi gió
Buông thuyền lúc khách đã sang sông



Kho tàng của cái thấy

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương LI, Thích Nhất Hạnh

Mãn mùa an cư, Bụt lên đường, hướng về Savatthi. Svastika và Rahula được phép tùy tùng Người. Đây là lần đầu Svastika được đến tu viện Jetavana. Tu viện rất đẹp và đầy đủ mọi tiện nghi cho sự tu học. Khung cảnh đã tươi mát mà không khí lại đầm ấm. Thấy Svastika, thầy nào cũng mỉm cười. Ai cũng biết là do vị khất sĩ trẻ này mà Bụt đã nói kinh Chăn Trâu. Svastika nhận thấy rằng trong một hoàn cảnh thuận tiện cho sự tu học như thế này chắc chắn chú sẽ đạt được nhiều tiến bộ. Chú hiểu tại sao Tăng cũng quan trọng như Bụt và Pháp. Tăng là đoàn thể của những người cùng đi trên con đường tỉnh thức, và ta phải tìm về nương tựa Tăng để được nâng đỡ và hướng dẫn. Cũng như ta đã tìm về nương tựa Bụt và Pháp.

Năm nay, vị sa-di Rahula được hai mươi tuổi. Chú được đại đức Sariputta làm lễ trao giới khất sĩ. Cả tu viện đều vui mừng. Đại đức đã dạy chú thật chu đáo nhiều ngày trước ngày chú thọ giới. Chú Svastika cũng được hân hạnh dự nghe những lời giáo huấn này.

Sau khi Rahula được thọ giới khất sĩ, Bụt đã để thì giờ đặc biệt dạy cho chú về các công phu thiền quán, Svastika cũng được dự thính các buổi dạy. Bụt dạy Rahula quán chiếu về sáu giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, về sáu đối tượng của giác quan là hình sắc, âm thanh, mùi vị, xúc chạm và ý niệm, và về sáu thức là cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc chạm và ý thức. Người dạy Rahula quán chiếu về tự tính vô thường của mười tám hiện tượng đó mà người gọi là thập bát giới. Mười tám hiện tượng gồm có sáu căn, sáu trần và sáu thức. Căn tức là cơ quan cảm giác, Trần là đối tượng của các cơ quan đó, và Thức là những nhận thức phát sinh ra từ sự xúc chạm giữa căn và trần. Phép quán này gọi là giới phân biệt quán.

Bụt dạy quán chiếu căn, trần và thức để thấy tất cả các hiện tượng này đều nương vào nhau mà có mặt, để thấy được tự tính vô thường và duyên sinh của chúng. Một khi đã thấy như thế thì hành giả chứng đắc được tính cách vô ngã và thoát ly được sinh tử. Bụt dạy thầy khất sĩ trẻ Rahula thật kỹ lưỡng về đạo lý vô ngã. Bụt nói:

- Này Rahula, trong năm uẩn là thân thể, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức, không có gì bất biến để có thể gọi là ngã cả. Thân thể này không phải là ngã. Thân thể này cũng không phải là ngã sở, nghĩa là vật sở hữu của ngã. Ngã không nằm trong thân thể, thân thể cũng không nằm trong ngã. Có ba loại kiến chấp về ngã. Kiến chấp đầu là cho rằng thân thể này là ngã. Hoặc cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức này là ngã. Kiến chấp này gọi là ngã chấp. Khi nói tới thân thể này không phải là ngã, người ta có thể rơi vào kiến chấp thứ hai, cho rằng ngã là một cái gì riêng biệt với thân thể, và thân thể chỉ là một vật sở hữu của ngã. Kiến chấp thứ hai này gọi là dị ngã chấp. Kiến chấp thứ ba cho rằng trong thân thể có ngã và trong ngã có thân thể, hai không là hai mà cũng không là một, cái này nằm trong cái kia. Kiến chấp này gọi là tương tại chấp. Rahula, quán vô ngã là phải nhìn sâu vào lòng năm uẩn để thấy năm uẩn không phải là ngã, không phải là dị ngã, cũng không phải là tương tại. Vượt được ba kiến chấp này rồi mới thực sự chứng nghiệm được tự tính vô ngã của vạn pháp.

Tại tu viện Cấp Cô Độc này có một thầy tên là Thera. Svastika nhận xét rằng thầy này ít ưa nói chuyện với ai, và đi đâu cũng đi một mình, làm gì cũng làm một mình. Đại đức Thera không làm phật lòng ai, cũng không phạm vào giới điều nào, nhưng thầy sống có vẻ lẻ loi và không thật sự hòa hợp với đại chúng, Svastika đã có lần tới gần thầy để gợi chuyện nhưng thầy cũng tránh đi. Mọi người đặt tên cho thầy là “người ưa sống một mình”. Svastika biết rằng Bụt thường khuyến khích các thầy tránh tụ họp chuyện trò, tránh những buổi nhàn đàm vô ích để có thì giờ sống một mình mà thiền quán, nhưng chú cảm thấy cách sống của thầy Thera không thật sự là cách sống mà Bụt muốn. Một buổi chiều, nhân có cơ hội, Svastika đem chuyện này trình bày lên Bụt. Ngày mai lại, trong giờ pháp thoại, Bụt gọi đại đức Thera lên và hỏi:

- Thầy là người ưa sống một mình, làm cái gì cũng ưa làm một mình và tránh sự chung đụng với các thầy khác, có phải vậy không ?

Đại đức đáp:

- Bạch Thế Tôn, đúng như vậy. Thế Tôn thường dạy người khất sĩ nên biết độc cư, nghĩa là nên sống một mình.

Quay lại đại chúng, Bụt nói:

- Các vị khất sĩ, tôi muốn dạy cho các vị thế nào là thật sự biết sống một mình.

Người thật sự biết sống một mình là người biết an trú trong chánh niệm. Người ấy ý thức được những gì đang xảy ra trong thân thể, trong cảm giác, trong tâm ý và nơi những đối tượng của tâm ý. Người ấy biết quán chiếu sự sống trong giờ phút hiện tại, không tìm về quá khứ, không tưởng tới tương lai, vì quá khứ thì không còn mà tương lai thì chưa tới. Sự sống chỉ có mặt trong giờ phút hiện tại. Nếu ta bỏ giờ phút hiện tại, ta đánh mất sự sống.

Này các vị, thế nào là tìm về quá khứ ? Tìm về quá khứ ở đây có nghĩa là tự đánh mất mình trong quá khứ, trôi dạt trong quá khứ trên những đợt sóng tư duy, trong quá khứ hình thể ta từng như thế đó, cảm thọ ta từng như thế đó, địa vị ta từng như thế đó, hạnh phúc ta từng như thế đó … Phát khởi lên những tư duy như thế và bị ràng buộc bởi những gì thuộc về quá khứ, đó là tìm về quá khứ.

Này các vị, thế nào là tưởng tới tương lai ? Tưởng tới tương lai ở đây có nghĩa là tự đánh mất mình trong tương lai, trôi dạt trong tương lai, trên những đợt sóng tư duy, lo sợ hoặc mơ tưởng: trong tương lai, hình thể ta sẽ được hay sẽ bị như thế đó, cảm thọ ta sẽ được hay bị như thế đó, hạnh phúc ta sẽ được như thế đó, khổ đau ta sẽ bị như thế đó … Phát khởi lên những tư duy như thế và bị ràng buộc bởi những ước mơ hoặc lo sợ về tương lai … đó là tưởng tới tương lai.

Này các vị, trở về giây phút hiện tại là để tiếp xúc với sự sống và để quán chiếu sự sống. Nếu không tiếp xúc thì không thể quán chiếu. Chánh niệm giúp ta trở về hiện tại, tiếp xúc với hiện tại và quán chiếu sự sống trong hiện tại. Trở về hiện tại không có nghĩa là tự đánh mất mình trong những đam mê hoặc sầu khổ về hiện tại. Nếu bị ràng buộc bởi những đam mê và sầu khổ về những gì đang xảy ra trong hiện tại thì sự sống cũng không có mặt. Sự sống không có mặt vì chánh niệm không có mặt.

Này các vị khất sĩ, người biết sống một mình là người biết an trú trong hiện tại, dù người ấy đang ngồi giữa đám đông. Một người ngồi trong rừng sâu mà nếu không có chánh niệm, nếu bị những con ma quá khứ và tương lai lôi cuốn và ám ảnh thì người ấy vẫn không phải là người biết sống một mình.

Rồi Bụt đọc cho các thầy nghe một bài kệ:

“Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Kẻ thức giả an trú
Vững chãi và thảnh thơi
Phải tinh tiến hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp
Cái chết đến bất ngờ
Không thể nào mặc cả
Người nào biết an trú
Đêm ngày trong chánh niệm
Thì Mâu Ni gọi là
Người biết sống một mình”


Đọc xong bài kệ, Bụt cảm ơn đại đức Thera và bảo thầy đi xuống. Người không trực tiếp khen hay chê thầy. Nhưng chắc chắn là lần này đại đức thật sự hiểu được ý Bụt. Trong buổi pháp đàm hôm đó, Svastika nghe các thầy lớn nói rằng những lời dạy của Bụt hôm đó rất là quan trọng, mọi người cần phải ghi nhớ. Đại đức Ananda trùng tuyên một lần nữa những điều Bụt nói cho mọi người nghe. Thầy đọc lại bài kệ của Bụt một cách trôi chảy và thông suốt. Svastika lấy làm lạ. Hình như thầy Ananda nhớ hết những lời Bụt nói không sót một tiếng nào. Cách nói, lời nói, và cú pháp giống hệt như khi Bụt nói. Khi đại đức Ananda trùng tuyên xong lời Bụt, đại đức Mahakaccana đứng lên nói:

- Ta hãy nên lấy lời Bụt dạy hôm nay làm thành một kinh văn. Thưa các huynh đệ, tôi xin đề nghị gọi kinh này là kinh Bhaddekaratta, nghĩa là kinh Người Biết Sống Một Mình, và cũng xin đề nghị tất cả các huynh đệ học thuộc lòng để hành trì. Ít nhất mỗi người trong chúng ta đều phải học thuộc lòng bài kệ.

Đại đức Mahakassapa đứng dậy tán đồng ý kiến ấy. Sáng hôm sau, trong khi đi khất thực, Bụt gặp một đám trẻ con đang tụ họp với nhau chơi đùa. Các em bé này đang hành hạ những con cua nhỏ mà chúng bắt được dưới ruộng. Một đứa trong bọn chúng lấy ngón tay trỏ của bàn tay trái đè xuống lưng một con cua. Với tay phải, nó bẻ một càng của con cua. Bọn trẻ reo hò vang dậy. Đứa kia thích chí, bẻ gãy một cái càng cua khác. Bọn trẻ lại vỗ tay hò reo. Chúng chơi như vậy cho đến khi tất cả hai càng và tám chân của con cua đều bị bẻ gãy hết. Rốt cuộc chúng liệng con cua xuống ruộng và đi bắt một con khác để chơi. Thấy Bụt và các thầy tới, bọn chúng ngửng đầu lên rồi lại cúi xuống chơi trò hành hạ mấy con cua. Chúng tàn ác mà không biết là chúng tàn ác. Bụt bảo bọn trẻ ngừng tay. Người nói:

- Này các con, nếu các con bị trặc chân tay hay gãy tay thì các con có đau không ?

- Bạch thầy có - bọn trẻ trả lời.

- Con cua bị các con bẻ gãy càng và gãy chân cũng đau đớn như thế đó. Các con có biết không ?

Bọn trẻ nín bặt. Bụt nói tiếp:

- Con cua cũng biết ăn uống, con cua cũng có cha, mẹ, anh và chị của nó như là các con vậy. Các con làm khổ con cua như thế thì các con cũng làm khổ luôn cả cha mẹ và anh chị nó. Các con hãy suy nghĩ đi.

Bọn trẻ tỏ vẻ hối hận. Lúc bấy giờ thấy Bụt và các thầy xúm quanh một bọn trẻ, những người qua lại gần đấy cũng ghé lại xem. Nhân cơ hội này Bụt dạy cả trẻ em lẫn người lớn về lòng từ bi. Người nói:

- Chúng ta phải làm sao để cho tất cả mọi loài đều cảm thấy có an ổn và có niềm vui trong sự sống. Chúng ta phải bảo vệ sự sống cho nhau và đem niềm vui cho nhau. Tất cả mọi loài, dù lớn, dù nhỏ, dù đi bằng hai chân hay đi bằng bốn chân, dù bò trên mặt đất hay bay trên hư không hoặc bơi lội trong nước cũng đều có quyền sống. Chúng ta không nên đem tâm hận thù nhau, sát hại nhau. Chúng ta nên che chở cho nhau. Này các con, cũng như một bà mẹ đem thân mạng che chở cho đứa con thân yêu duy nhất của mình, mỗi người trong chúng ta phải mở lòng ra để đón nhận và che chở cho tất cả các loài có sinh mệnh. Lòng thương của chúng ta phải bao trùm tất cả mọi loài sinh vật đang có mặt trên, dưới, trong, ngoài và chung quanh ta. Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, trái tim ta phải mang theo tình thương đó, và ta hãy an trú đêm ngày trong tình thương đó.

Dạy xong, Bụt rủ bọn trẻ cùng đem thả những con cua còn lại xuống ruộng, rồi Người cùng các vị khất sĩ tiếp nối con đường đi khất thực. Svastika biết Bụt rất chú tâm đến việc hướng dẫn trẻ em nên chú bàn với chú Rahula tổ chức những buổi tập hợp thiếu nhi tại tu viện Jetavana để các em có dịp được học hỏi với Bụt. Với sự cộng tác của những người cư sĩ trẻ thường hay đến tu viện nghe Pháp, nhất là với bốn người con của cư sĩ Sudatta, Svastika và Rahula thường quy tụ các em thiếu nhi trong vùng về chùa mỗi tháng một lần.

Cư sĩ Sudatta có bốn người con: Subhada chị, Subhada em, Sumana và Kala. Kala là con trai duy nhất của cư sĩ. Ban đầu Kala không có vẻ hăng hái lắm, nhưng vì mến Svastika nên cậu từ từ dấn thân vào việc tu học. Công chúa Vajiri con quốc vương Pasenadi cũng yểm trợ đắc lực cho việc giáo dục thiếu nhi này. Một buổi chiều rằm, công chúa rủ bọn trẻ đem hoa lên tận tịnh xá dâng Bụt. Mỗi em cầm trong tay những cành hoa hái được trong vườn nhà của mình. Có em đã hái được cả những cành hoa dại trên đường đến tu viện. Công chúa Vajiri ôm theo một bó sen đã hái được ngay trong hồ sen vườn Thượng Uyển. Khi lên tới tịnh xá thì công chúa và bọn trẻ được biết Bụt đã ra giảng đường. Đã đến giờ Người nói pháp thoại. Pháp thoại hôm nay được nói chung cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Các em thiếu nhi rủ nhau cùng lên pháp đường.

Thấy thiếu nhi tới, các thầy và các vị cư sĩ đều nhường lối cho các em đi. Bụt đã ngồi trên pháp tòa. Tất cả các em thiếu nhi được công chúa Vajiri hướng dẫn đã lên dâng những bông hoa của mình hái được trên chiếc bàn nhỏ đặt trước mặt Bụt rồi cúi đầu xá Bụt. Bụt mỉm cười đáp lễ các em và bảo tất cả đi xuống tìm chỗ ngồi phía trước đại chúng. Buổi pháp thoại hôm đó thật là đặc biệt. Đợi các thiếu nhi ngồi xuống yên ổn, Bụt mới đứng dậy. Người cầm lấy một bông sen đưa lên trước mặt đại chúng, không nói năng gì. Tất cả đại chúng đều im phăng phắc. Không ai hiểu Bụt muốn nói gì bằng cử chỉ ấy. Một lát sau, Bụt đưa mắt quan sát đại chúng rồi mỉm cười. Người lên tiếng:

- Tôi có con mắt của chánh pháp, kho tàng của cái thấy mầu nhiệm và tôi đã trao lại cho Mahakassapa.

Mọi người đổ dồn hai mắt về đại đức Kassapa. Nụ cười chưa tắt trên môi đại đức. Mắt thầy vẫn nhìn lên Bụt. Mọi người lại nhìn lên Bụt. Bụt đang nhìn bông hoa và mỉm cười. Svastika không hiểu gì hết và nghĩ rằng có nhiều người cũng ngẩn ngơ như chú. Chú biết điều quan trọng nhất trong lúc này là giữ chánh niệm và chú bắt đầu theo dõi hơi thở theo phương pháp đã được học với Bụt. Chú thấy bông hoa Bụt cầm trên tay là một bông sen trắng đang vào lúc hé nở. Bàn tay Bụt cầm đóa sen trong một dáng điệu thanh tao và trang trọng, ngón tay cái và ngón tay trỏ kẹp cuống hoa vào giữa, và cuống hoa nằm xuôi ép theo lòng bàn tay. Chính bàn tay Bụt cũng xinh đẹp như một bông hoa, và đóa sen trắng phía trên, tinh khiết và mầu nhiệm, cũng có vẻ như là một bàn tay khác của Người. Svastika cảm nhận được cái đẹp tinh khiết và trang trọng mà không cần suy tư tìm hiểu. Bất giác chú cũng mỉm miệng cười. Bỗng Bụt cất tiếng nói. Tiếng của người trong, ấm và sang sảng:

- Đại chúng, bông hoa này là một thực tại mầu nhiệm. Khi tôi cầm nó đưa lên trước đại chúng, tất cả chúng ta đều có cơ hội tiếp xúc với bông hoa. Cơ hội ấy là một cơ hội đồng đều. Tiếp xúc được với bông hoa là tiếp xúc được với thực tại mầu nhiệm, tiếp xúc với sự sống.

Mahakassapa đã mỉm cười trước tiên vì Mahakassapa đã tiếp xúc được với bông hoa trước tiên. Trong đại chúng đây, có những vị không tiếp xúc được với bông hoa, đó là vì trong tâm của quý vị còn có những chướng ngại. Có những vị đang đặt câu hỏi: “vì cớ gì mà sa-môn Gotama hôm nay đưa cành hoa lên ?”, vì tâm các vị ấy đang bận rộn về những ý tưởng, cho nên các vị ấy không tiếp xúc được với bông hoa.

Đại chúng, đắm chìm trong suy tư là một trong những nguyên do khiến ta không tiếp xúc được với thực tại. Trong trường hợp đang bị lo lắng, phiền muộn, giận hờn hay ghen ghét chế ngự, ta cũng mất cơ hội tiếp xúc với thực tại mầu nhiệm. Đại chúng ! Bông hoa trong tay tôi có thể chỉ thật sự có mặt đối với những ai biết an trú trong chánh niệm nơi giờ phút hiện tại. Nếu quý vị không trở về an trú trong giờ phút hiện tại thì bông hoa có mặt cũng như không. Có những người đi ngang qua rừng cây trầm hương mà không thấy được một cây trầm hương. Có những người đi qua sự sống mà không tiếp xúc được với sự sống. Đại chúng ! Sự sống chứa chất khổ đau mà sự sống cũng đầy những mầu nhiệm. Quý vị phải tinh cần và tỉnh thức để tiếp xúc với những khổ đau và những mầu nhiệm ấy của sự sống. Nhưng tiếp xúc với khổ đau không có nghĩa là tự đánh mất mình trong khổ đau và tiếp xúc với mầu nhiệm không có nghĩa là tự đánh mất mình trong mầu nhiệm. Tiếp xúc là để thực sự chứng nghiệm sự sống và quán chiếu sự sống, ta sẽ thấy được tự tính duyên khởi và vô thường của sự sống, do đó ta sẽ không đánh mất ta trong tham đắm, trong giận hờn và trong mê muội. Ta sẽ thường xuyên an trú trong tự do và giải thoát.

Svastika rất sung sướng. Chú hiểu được lời Bụt dạy. Chú hài lòng lắm khi nhớ ra rằng chú đã mỉm cười khi tay Bụt còn cầm bông hoa đưa lên. Đại đức Mahakassapa mỉm cười trước vì đại đức là một đệ tử lớn của Bụt, đứng về hàng thầy của chú. Chú làm sao tự so sánh mình với đại đức, cũng như với các vị cao đệ khác của Bụt như các thầy Sariputta, Moggallana, Assaji .v.v.v… Năm nay chú chỉ mới hai mươi bốn tuổi.

Chẳng thể trốn chạy số phận

- Chay Mộc



❝ ...

- Con à !

- Dạ !

Chúng ta chẳng thể trốn chạy số phận, bởi đã gieo nhân từ bao đời tiền kiếp, đến ngày hái quả mới biết quả chua, muốn trốn cũng chẳng được nữa. Chúng ta có thể thử trốn chạy, kết quả chỉ là thảm khốc hơn mà thôi.

Con người thường lo rất xa, nên nhìn thấy quả xấu từ xa, hay gặp cảnh trái ý mình một tí, là giãy giụa, là oán thán không muốn nhận, rồi làm đủ thứ để trốn chạy, để đòi những thứ như ước vọng. Nhưng, có thực sự những thứ họ trốn chạy là xấu, còn những thứ họ khao khát có được là tốt đẹp. Với tâm trí hiểu biết hạn hẹp như của con người, làm sao biết trước được xấu đẹp ?

Chúng ta cho những thứ mình gặp là đau thương, chúng ta còn bận đổ lỗi và trách móc, mà không nhận ra được rằng đó là cơ hội để trải nghiệm, để trưởng thành. Đi qua những vấp ngã, chúng ta sẽ mạnh mẽ và tự lập lên bao nhiêu, chúng ta sẽ có những kinh nghiệm quý báu gì, đó là cả một kho tàng quý giá mà không ai cướp được của mình. Còn chúng ta cho những thứ là hạnh phúc và còn bận rộn hưởng thụ nó thì làm sao nhận ra bao hệ lụy từ nó. Ví như đường ngọt ngào, chúng ta sẽ thoải mái ăn thật nhiều, mà chẳng nhận ra những nguy cơ như béo phì, tiểu đường mà nó mang lại. Ngọt ngào khiến người ta chẳng kịp đề phòng. Chúng ta có thật nhiều tiền, chúng ta có thực sự hạnh phúc khi những kẻ tham lam gian xảo luôn nghĩ cách để lấy của mình ? Chúng ta có thực sự hạnh phúc khi mình xinh đẹp khi phải cố gắng làm mọi cách để níu giữ tuổi thanh xuân ? …

Câu chuyện bao đời vẫn vậy. Hết kiếp này đến kiếp khác, lớp người này đến lớp người khác. Số phận chỉ là sinh ra rồi chết đi, vậy mà thế hệ sau họ vẫn chẳng thế nhận ra. Bây giờ, ai cũng chỉ mong suôn sẻ, mong êm ái nhẹ nhàng, mong được hưởng thụ hết những tiện nghi vật chất, những tham ái dục lạc, mà chẳng nhận ra đau thương từ chúng. Vậy nên, mới có những kẻ đứng ngoài vòng xoáy, sống thanh thản, nhẹ nhàng, không phải bởi họ hết ý chí sống, đơn giản là họ muốn sống một cuộc đời trọn vẹn hơn mà thôi.

Yêu và thương con nhiều, nghe con !

( Chay Mộc )


...❞

Những gam màu sáng tối

Thơ Vu Pham



Cuộc đời là những gam màu
Có đen, có trắng, có vàng, có xanh
Có em cần phải có anh
Cùng nhau hòa hợp ... mới thành trần gian
Có sung sướng, có gian nan
Đem vào thử lửa biết vàng hay thau
Có vui rồi cũng có đau
Để biết cuộc sống thế nào mà thương

Ta đi mòn lẵng con đường
Đôi khi chưa biết lạch, mương cuối cùng


Danh ngôn (119)

- Gioogi



Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc.

An nhiên vượt qua buồn vui của cuộc đời

(Theo Trí Thức trẻ)

Trước những sóng gió, ta thường oán thán ông trời bất công. Nhưng nếu giác ngộ được bốn điều sau, bạn sẽ tìm thấy sự an nhiên mà đi qua hết những buồn vui của cuộc đời.

Hãy thử nhớ lại một trong muôn vàn ngày không vui bạn đã từng trải qua xem nào. Sáng mở mắt ra vội vàng chuẩn bị đưa con đến lớp mẫu giáo thì xe thủng lốp, phải dắt bộ cả quãng đường dài. Đưa con đến nơi thì cô giáo phàn nàn con chưa ngoan, ăn ngủ kém. Đã thế, đến công ty mở ba lô ra mới phát hiện chai nước cam sáng nay vội vàng bỏ vào để mang đi đã rỉ hết ra laptop. Đỉnh điểm của sự chán chường là vì một lỗi nhỏ mà cả đồng nghiệp và cấp trên cùng chỉ trích bạn thậm tệ. Khởi đầu một ngày mới vô cùng tồi tệ, đúng không ? Và suốt cả ngày hôm đó bạn sẽ bị cảm giác chán chường chi phối, chẳng làm được gì ra hồn ngoài việc oán trách số phận sao lại bất công với bạn đến thế và mãi không thể thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn đó.

Nhưng nếu suy nghĩ theo bốn quy tắc tâm linh sâu sắc được người Ấn Độ luôn xem như kim chỉ nam dưới đây, bạn sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn, an nhiên mà tận hưởng cả niềm vui và những nỗi buồn xảy ra trong cuộc đời mình đấy.


“Bất cứ người nào bạn gặp cũng ĐÚNG là người mà bạn cần gặp”

Điều này có nghĩa là không phải ngẫu nhiên mà một ai đó xuất hiện trong cuộc đời của bạn. Bất kỳ ai dù chỉ là người đi ngang qua chúng ta trên đường đời cũng đều mang một ý nghĩa nào đó. Họ đều là những người “thầy” dạy cho bạn những thứ không phải cứ bỏ tiền ra là học được. Tất cả mọi người xung quanh chúng ta, từ vợ chồng, con cái, bố mẹ, anh chị em, đồng nghiệp, bạn bè và cả kẻ thù, dù yêu thương, ghét bỏ, giúp đỡ hay đối đầu với bạn đều dạy cho bạn cách sống, cách yêu thương, bao dung và nhẫn nhịn.

Tại ĐÚNG một thời điểm nhất định của cuộc đời, ĐÚNG những con người đó sẽ xuất hiện để giúp bạn vượt qua khó khăn, tôi luyện ý chí, nhận ra giá trị của cuộc sống và chính bản thân mình. Nếu đồng nghiệp, lãnh đạo công ty không nghiêm khắc phê bình bạn vì lỗi lầm trong câu chuyện ban sáng thì biết đâu bạn đã không nhận ra, không rút kinh nghiệm để rồi lại phạm phải lỗi nghiêm trọng hơn lần sau thì sao ? Vậy nên, đừng chỉ biết oán trách, ghét bỏ những người khiến bạn cảm thấy buồn và tổn thương, bởi nếu không có họ, bạn sẽ chẳng bao giờ biết trân trọng, biết ơn những người luôn trao cho bạn cơ hội, tặng bạn những khoảnh khắc vui vẻ trong đời.

“Bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời bạn đều là những điều nên xảy ra”

Không có điều gì chúng ta từng trải qua trong cuộc đời mình là đáng ra KHÔNG NÊN xảy ra cả, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất. Trước mỗi một sai lầm hay vấp ngã, chúng ta đều than thở “giá như mình không làm thế thì mọi chuyện đã khác”.

Nhưng KHÔNG, chẳng có cái giá như nào hết bởi những gì nên xảy ra thì đều đã xảy ra. Qua đó, chúng ta rút ra được bài học để hoàn thiện, phát triển bản thân hơn. Mỗi khoảnh khắc, mỗi tình huống xảy ra trong cuộc đời đều được “lập trình” một cách HOÀN HẢO cho dù bạn có không muốn nó xảy ra thế nào chăng nữa. Vì vậy, đừng tốn thời gian để hối tiếc với những câu “giá như” về những chuyện đã qua nữa. Thay vì ngồi đó bực tức, bất lực, trách mình ẩu đoảng với chiếc laptop bị dính đầy nước cam ban sáng, bạn bình tĩnh chấp nhận, tìm cách lau chùi rồi đem chiếc máy tính đi xử lý rồi rút kinh nghiệm lần sau không bao giờ để nước vào ba lô đựng laptop nữa, có phải là nhẹ nhàng hơn không ?

Tương tự như vậy, khi bị kẹt cứng trên một tuyến đường đông đúc trong lúc đưa con đi học bạn cũng sẽ không ngờ rằng nếu đi nhanh hơn chút nữa thì một chiếc xe tải lao như bay trên đường có thể cướp đi sinh mạng của mình và con thì sao ? Bởi vậy mới nói, đừng ngồi mà ước “giá như” bởi chẳng có gì xảy ra trong cuộc đời là không có nguyên do của nó. Nhẹ nhàng chấp nhận mới có thể ung dung, tự tại.

“Chuyện gì đến, ắt sẽ đến”

Tất cả mọi chuyện trên đời đều bắt đầu vào đúng thời điểm nó cần đến, không sớm hơn, cũng chẳng muộn hơn. Chúng ta không thể đoán trước điều gì sắp xảy ra, cũng không thể ngăn chặn nó vì nó vẫn luôn ở đó và sẽ xảy ra vào một thời điểm chẳng ai ngờ tới. Thế nhưng, nếu chỉ ngồi một chỗ và lo sợ những chuyện tồi tệ sẽ xảy ra với mình, bạn sẽ chẳng có thời gian mà tận hưởng những khoảnh khắc đáng quý của hiện tại nữa. Bạn không thể kiểm soát hết những thứ xảy ra xung quanh nên hãy dũng cảm mà đón nhận, dù đó là niềm vui hay nỗi buồn. Mọi chuyện xảy ra trên đời không phải để đáp ứng những ý thích, ước muốn của bạn, mà để giúp bạn học cách bình thản đối diện với những chuyện bất ngờ xảy ra. Cuộc đời bạn không phải là một cuộc đua, ai rồi cũng sẽ đi đến đích, vậy sao chúng ta lại phải sống vội cơ chứ ?

“Chuyện gì đã qua, hãy để cho nó qua”

Quy tắc này rất đơn giản. Khi một điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta kết thúc, thì có nghĩa là nó đã làm hết bổn phận của mình trong việc giúp ta phát triển. Duyên phận của chúng ta với điều đó đã chấm dứt để nhường chỗ cho mối nhân duyên khác hội tụ. Đôi khi chia tay một người hay rời bỏ một công việc chưa chắc đã là điều không tốt bởi biết đâu đó lại là cơ hội để chúng ta đến với một nửa đích thực của đời mình và tìm được một cơ hội công việc với môi trường và mức lương tốt hơn. Đó là lý do tại sao Phật dạy chúng ta hãy biết buông bỏ, để lại sau lưng những muộn phiền và quá khứ, để dành sức tiếp tục cuộc hành trình của đời mình. Để có thể an nhiên, mỗi người nên biết tùy duyên và thuận theo tự nhiên mà sống.

Ghi nhớ đúng bốn câu “thần chú” này, bạn sẽ an nhiên vượt qua hết buồn vui của cuộc đời.