V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Cánh cửa phương tiện

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương XLV, Thích Nhất Hạnh



Một buổi sáng khi đi ra hồ lấy nước, đại đức Ananda gặp lệnh bà Gotami và khoảng năm mươi người phụ nữ đứng phía bên ngoài tịnh xá của Bụt, người nào cũng đã xuống tóc, người nào cũng khoác y vàng, và bàn chân người nào cũng sưng vù và chảy máu. Ban đầu, thầy tưởng đó là một nhóm khất sĩ, nhưng nhìn kỹ lại thầy mới biết là không phải. Ngạc nhiên đến cực độ, thầy tới hỏi bà Gotami:

- Trời ơi, lệnh bà đi đâu mà mới sáng tinh sương đã thấy đứng ở đây, chân cẳng tại sao sung trầy và chảy máu, và còn các công nương nữa ...

Bà Gotami nói:

- Đại đức Ananda, chúng tôi đã xuống tóc, đã bỏ hết đồ trang sức, đã từ bỏ hết mọi tiện nghi vật chất trong cuộc đời. Chúng tôi đã đi bộ từ Kapilavatthu tới đây, từ hơn mười lăm hôm nay và đã xin ăn dọc đường. Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng chúng tôi cũng có khả năng sống đời sống của người xuất gia được. Đại đức Ananda, xin đại đức bạch dùm với Bụt cách nào để chị em chúng tôi được chấp nhận vào giới xuất gia.

Ananda nói:

- Lệnh bà và các công nương hãy cứ đứng chờ đây. Tôi sẽ vào thưa ngay với Bụt. Tôi hứa sẽ làm hết sức của tôi.

Đại đức vào trong tịnh xá khi Bụt mới thay áo xong. Đại đức Nagita hiện là thị giả của người cũng có mặt trong tịnh thất. Thầy bạch với Bụt những điều mà thầy vừa trông thấy và nghe thấy. Bụt im lặng. Một hồi sau, thầy hỏi Bụt:

- Thế Tôn, người nữ xuất gia và tu hành theo chính pháp thì có thể chứng ngộ được những quả vị như Nhập Lưu, Nhất Hoàn, Bất Hoàn hay A La Hán không ?

Bụt nói:

- Được chứ.

- Vậy thì tại sao Bụt không cho người nữ xuất gia ? Thế Tôn, lệnh bà Gotami là người đã chăm sóc và nuôi nấng Bụt ngay từ khi Bụt mới sinh ra, và thương yêu Bụt không khác gì một người mẹ đẻ. Lệnh bà đã xuống tóc, đã cởi bỏ hết mọi trang sức, đã đi chân đất từ thành Kapilavatthu về tới đây. Lệnh bà muốn chứng tỏ rằng những gì đàn ông làm được thì người đàn bà cũng có thể làm được. Xin Bụt từ bi cho lệnh bà được xuất gia trong giáo pháp của người.

Bụt lặng thinh, một lát sau, người bảo thầy Nagita đi tìm các đại đức Sariputta, Moggallana, Anuruddha, Bhaddiya, Kimbala, và Mahakassapa, và mời họ đến cho người thỉnh ý. Bụt và các vị đệ tử phụ tá hội ý khá lâu. Bụt nói Bụt không kỳ thị người nữ, nhưng người chưa nghĩ ra được cách thức chấp nhận những nữ vào trong giáo đoàn mà không tạo ra những trở ngại trong nội bộ cũng như từ bên ngoài. Sau một hồi trao đổi ý kiến, đại đức Sariputta nói:

- Lệnh bà Gotami lâu nay là một người có quyền hành và ảnh hưởng rất lớn trong hoàng tộc cũng như ngoài xã hội, theo như lời đại đức Bhaddhiya đã nói, nếu ta không có một pháp chế quy định sự phân biệt nam nữ và quyền hạn cho rõ rệt thì sau này có thể có những rắc rối xảy ra. Ta cần có một pháp chế như thế. Pháp chế này đồng thời cũng là để giảm thiểu những phản ứng bên ngoài của một xã hội đã ngàn đời có tính cách trọng nam khinh nữ. Tôi đề nghị một pháp chế tám điểm như sau:

- Thứ nhất, một vị nữ khất sĩ -bhikkhuni- phải luôn luôn cung kính chào hỏi một vị nam khất sĩ -bhikkhu- dù vị nữ khất sĩ này tuổi đời lớn hơn và tuổi tu cũng lớn hơn vị nam khất sĩ.

- Thứ hai, các vị nữ khất sĩ phải tìm về an cư mỗi năm ở những trung tâm nào có đoàn thể nam khất sĩ để nương tựa và học hỏi.

- Thứ ba, cứ mỗi tháng hai kỳ, giới nữ khất sĩ phải cử người đi thỉnh chúng nam khất sĩ chỉ định ngày bố tát uposatha và cử người đến thăm viếng, giáo huấn và khích lệ việc tu học của nữ chúng.

- Thứ tư, vào ngày kết thúc mùa an cư, vị nữ khất sĩ phải dự lễ tự tứ và cầu chỉ giáo về sự tu học của mình, không những ở trung tâm nữ khất sĩ của mình mà còn ở trung tâm của vị nam khất sĩ nữa.

- Thứ năm, khi phạm giới, vị nữ khất sĩ phải sám hối trước cả hai chúng nam và nữ.

- Thứ sáu, những người nữ, sau thời gian tập sự xuất gia, phải cầu xuất gia thọ đại giới trước cả hai chúng nam và nữ.

- Thứ bảy, một vị nữ khất sĩ không được nói hành và chỉ trích một vị nam khất sĩ.

- Thứ tám, vị nữ khất sĩ không được phép giảng dạy cho đoàn thể các vị nam khất sĩ.

Đại đức Moggallana cười:

- Tám điều này rõ rệt là có kỳ thị người nữ rồi, sao lại nói là không kỳ thị ?

Đại đức Sariputta đáp:

- Tám điều này được đưa ra với mục đích chính là mở được cửa cho giới phụ nữ đi vào giáo đoàn. Mục đích của nó không phải là kỳ thị, mà là chấm dứt sự kỳ thị. Điều cốt yếu là người phụ nữ được xuất gia, sư huynh không thấy điều đó sao ?

Đại đức Moggallana mỉm cười gật đầu, tỏ vẻ thông cảm sâu xa với bạn. Đại đức Bhaddhiya góp ý:

- Tôi thấy pháp chế “Bát kính” rất cần thiết. Lệnh bà Gotami là một người có quyền hành lớn, lại là mẹ của đức Thế Tôn. Nếu không có pháp chế “Bát kính” thì bà sẽ không thấy được ranh giới quyền hạn của bà, và sẽ không có ai có khả năng điều chỉnh bà ngoài Bụt.

Bụt bảo Ananda:

- Ananda, thầy hãy ra bảo cho lệnh bà Mahapajapati biết tin này. Thầy nói rằng nếu lệnh bà chấp nhận tám điều gọi là “Bát Kính Pháp” vừa nói thì lệnh bà sẽ được phép xuất gia.

Lúc Ananda ra thì mặt trời đã lên tới đỉnh đầu, nhưng bà Goatmi và các vị công nương vẫn còn đứng chờ ngoài ngõ. Sau khi nghe nội dung “Bát Kính Pháp”, bà Gotami nói:

- Đại đức Ananda, xin đại đức bạch với đức Thế Tôn rằng, khi một cô gái xinh đẹp và trẻ trung mới tắm và gội đầu bằng nước thơm, mà sẵn có người ta đem tới cho vành hoa kết bằng hoa sen hoặc bằng hoa hồng thơm ngát, thì cô gái sẽ sung sướng đưa hai tay đón nhận và để trên đầu mình, cũng như thế, tôi rất sung sướng chấp nhận pháp chế “tám sự cung kính” và hành trì theo suốt đời, nêu tôi được phép xuất gia.

Đại đức Ananda hoan hỷ vào báo tin này với Bụt. Trong số các vị công nương đi theo, có người nhìn đức bà Gotami có ý như dò hỏi. Bà mỉm cười nói:

- Các em đừng e ngại, điều quan trọng nhất là chúng ta được xuất gia làm nữ khất sĩ. Những điều trong “Bát Kính Pháp” không phải là những trở ngại cho sự tu học của chúng ta, mà chính là cửa ngõ để chúng ta đi vào.

Năm mươi mốt người nữ được làm lễ xuất gia ngay trong ngày hôm đó. Đại đức Sariputta sắp đặt để các vị này có ngay một trung tâm tạm cư. Nữ cư sĩ Ambapali vui lòng để cho các vị nữ khất sĩ được sử dụng vườn Xoài của bà để làm chốn tu học. Đại đức Sariputta cũng được Bụt ủy thác việc dạy các vị nữ khất sĩ những phép tắc hành trì sơ đẳng của đời sống xuất gia. Sau đó tám hôm, nữ khất sĩ Mahapajapati tới xin tham vấn Bụt, bà thưa:

- Thế Tôn, xin người từ bi dạy cho tôi vắn tắt cách hành trì để tôi có thể tiến mau trên đường giải thoát.

Bụt nói:

- Nữ khất sĩ Mahapajapati ! Điều quan yếu nhất là phải nắm lấy tâm ý của mình. Phải học phương pháp theo dõi hơi thở và quán niệm về bốn lãnh vực thân thể, cảm thọ tâm ý và đối tượng tâm ý. Quán niệm như thế nào để càng ngày càng thấy phát triển nơi mình các đức khiêm nhường, thanh thản, buông bỏ, thanh bần và an lạc. Khi những phẩm chất ấy của tâm ý được phát triển, mình có thể an tâm là mình đang đi trên con đường chánh pháp, con đường tỉnh thức và giác ngộ.

Nữ khất sĩ Mahapajapati rất hoan hỷ, bà từ giã Bụt và trở về với các vị nữ khất sĩ đồng tu. Bà dự tính sẽ thiết lập một trung tâm tu học cho ni chúng ngay tại Vesali này để có thể được gần gũi và học hỏi với Bụt và với các vị đệ tử lớn của người, ít nhất là trong thời gian Bụt còn lưu trú tại đây. Bà lại có ý nguyện trở về Kapilavatthu để mở một trung tâm tu học cho ni chúng ngay tại quê hương mình. Ngay hôm đó, bà nhờ người về báo tin mừng cho công nương Yasodhara tại Kapilavatthu, bà biết rằng tin nữ giới được chấp thuận vào giáo đoàn khất sĩ sẽ nổ tung ra như một tiếng sét và sẽ có rất nhiều phản ứng trong xã hội. Người ta sẽ lên án và công kích Bụt cùng giáo đoàn. Bụt và giáo đoàn sẽ gặp những khó khăn không thể nào lường trước được. Nghĩ đến đó, bà thấy một niềm biết ơn tràn ngập tâm tưởng bà. Bà thấy rõ pháp chế “Bát Kính” không phải là những điều kỳ thị nữ giới mà lại là những phương tiện bảo vệ và che chở cho giáo đoàn trong đó có nữ giới. Bà tin rằng trong tương lai, khi sự kiện nữ giới được xuất gia đã trở nên một sự thực rồi thì pháp chế “Bát Kính” sẽ không còn cần thiết nữa.

Từ hôm có ni chúng, giáo đoàn của Bụt bắt đầu được gọi là một giáo đoàn bốn chúng: chúng nam khất sĩ, (bikkhu), chúng nữ khất sĩ (bikkhuni), giới nam cư sĩ (upasaka) và giới nữ cư sĩ (upasika). Ni trưởng Mahapajapati đã suy nghĩ kỹ về cách phục sức của giới nữ khất sĩ. Bà đã trình với Bụt ý kiến của mình và đã được Bụt chấp thuận. Các vị nam khất sĩ thường chỉ vận ba thứ: một tấm antaravasaka, gọi là an đà hội, là quần dưới, một tấm uttarasanga, gọi là uất đa la tăng, là áo mặc bên trên và một tấm sanghati, gọi là tăng già lê, là chiếc áo khoác bên ngoài. Các vị nữ khất sĩ, ngoài ba tấm ấy, còn được phép vận thêm hai tấm khác: một là samkaksika, dùng để thắt ngang hông và hai là kusulaka, dùng như một chiếc váy. Ngoài y và bát, các vị khất sĩ và nữ khất sĩ có quyền làm sở hữu chủ của một cái quạt để che đầu khi trời nắng, một chiếc lọc nước uống, một cây kim và một ít chỉ để khâu vá lại xiêm y, một cái tăm xỉa răng, và một chiếc dao cạo để cạo tóc và râu, mỗi tháng hai lần.

Thiền trà

- Thích Tánh Tuệ



Núi là núi. Sông là sông
Thiền là một tách trà nồng trên tay
Nước là nước. Mây là mây
Thiền là hiện hữu phút giây đang là
Tây phương vốn giữa ta bà
Cách nhau một niệm Phật, ma đổi dời
Đạo là đạo. Đời là đời
Nhịp nhàng song vận không rời khỏi nhau
Nơi hạnh phúc ẩn niềm đau
Bên dòng lệ khổ có câu kinh huyền
Động là động. Thiền là thiền
Cái nhìn Như Thị thôi phiền nắng, mưa ...

Thực tại trôi giữa đời mơ
Một dòng sương khói đôi bờ nhị nguyên
Trăng rơi xuống tách trà thiền
Ai cười vỡ mộng nơi miền tử, sinh ...

Muốn biết một người có vận mệnh tốt hay không

( Từ Tâm )

Phật dạy: “muốn biết một người có vận mệnh tốt hay không, chỉ cần xem cách họ nói chuyện là biết”. Lời nói chính là biểu hiện rõ rệt nhất của một người có đức hay không, lời nói cần giữ thủ đức, có như vậy mới giữ được phúc báo.

Mệnh của con người có tốt hay không có thể nhìn cách người đó nói chuyện là có thể nhận biết. Hàng ngày không nhất định đều phạm phải việc tổn đức, nhưng nói chuyện thốt ra những điều khó nghe, làm tổn thương người khác thì đương nhiên sẽ mất đi phúc báo. Người có vận mệnh tốt là người ăn nói có chừng mực, mỗi lời nói đều thể hiện là người có đạo đức, họ không dùng ngôn từ mạnh để phê phán, chê bai người khác, không dài dòng nói từ chuyện nọ sang chuyện kia, không kể công của bản thân mình sau khi đã giúp ai đó. Lời nói của họ luôn chân thành, với tâm ý động viên, khích lệ người khác.

- Biết rõ về một người, không cần nhất thiết phải tận nói, hãy lưu lại cho người ta ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu lại chút “khẩu đức” cho mình.

- Trách một người không cần phải tận trách, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút độ lượng cho mình.

- Có công không cần đòi hỏi tận cùng, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút khiêm nhượng cho mình.

- Đúng lý cũng không cần đoạt tận, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút khoan dung cho mình.

- Tài năng đừng quá ngạo mạn, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu chút đức khiêm hư cho mình.

Ngày tháng tích tụ, bao nhiêu phúc báo cũng từ cái miệng mà đi hết nếu cứ thường xuyên gây khẩu nghiệp. Lời nói không hay sẽ làm tan vỡ mọi mối quan hệ, dù trước đó phải khó khăn để xây đắp. Thực tế là không người chồng nào muốn về nhà nếu có một cô vợ thường xuyên chì chiết, trách móc, không có đứa con nào hạnh phúc nếu có cha mẹ không nói lời dịu dàng mà chỉ quát nạt, la mắng, không có người bạn nào hứng thú giao thiệp với người hay nói lời cay độc, bình phẩm ác ý …

Cổ nhân nói: “lời nói do tâm sinh”, một người có tâm tính như thế nào thì sẽ nói ra những lời như thế. Người có lòng bao dung lời nói ra sẽ nhẹ nhàng hòa ái, người trong tâm đầy oán hận, lời nói ra sẽ hung hăng, cay nghiệt. Người khiêm nhường lời nói ra sẽ chừng mực nhã nhặn. Người tự cao lời nói thường khoa trương phách lối. Theo kinh sách nhà Phật, con người ta có vận mệnh tốt và giàu có ở kiếp này là vì người đó đã tích được nhiều đức ở các kiếp sống trước. Tích đức thường được hiểu là cần phải làm được việc gì đó tốt, giúp đỡ được ai đó. Tuy nhiên, không hề đơn giản khi làm được việc gì đó tốt cho ai đó. Bạn có thể phải mất rất nhiều công sức, tiền của khi giúp ai đó, tuy nhiên cũng không hề chắc chắn rằng những nỗ lực mà bạn bỏ ra hoàn toàn đem lại kết quả tốt đẹp.

Trong cuộc đời của mỗi người, không phải ai cũng sẵn lòng làm việc gì tốt cho người khác nhưng họ lại rất dễ nói những lời khó nghe với những người xung quanh. Chính những lời nói khó nghe đó khiến cuộc sống của họ không hề bằng phẳng, mà trái lại, không biết chừng lại gập ghềnh chông gai.

Pháp ngữ (19)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Thế nào là đạo đức ?

- Tức là lấy sự lợi lạc của chúng sinh làm chủ, lấy sự không cản trở người khác làm tông chỉ. Đạo đức cũng có nghĩa là trong lòng mình tràn ngập lòng nhân từ, nghĩa khí, lễ độ, trí huệ và thành tín.

Nghĩ gì để được hạnh phúc

( Lời hay ý đẹp )



Trước khi bạn nghĩ về việc nói ra một lời không tử tế
- Hãy nghĩ về một ai đó không thể nói được.

Trước khi than phiền về hương vị của món bạn đang ăn
- Hãy nghĩ đến ai đó không có gì để ăn.

Hôm nay, trước khi bạn than van về cuộc sống
- Hãy nghĩ về ai đó đã lên thiên đàng quá sớm.

Trước khi bạn than phiền về trẻ con
- Hãy nghĩ về ai đó đang mong đợi những đứa con mà không thể có được.

Trước khi than phiền về nhà cửa bề bộn, không người quét dọn
- Hãy nghĩ đến những người đang sống ngoài hè phố.

Trước khi than phiền về dặm đường xa bạn phải lái xe qua
- Hãy nghĩ đến người đang đi bộ cũng chừng đó dặm đường.

Trước khi mệt mỏi và rên rỉ vì công việc
- Hãy nghĩ đến những người thất nghiệp, những người khuyết tật và những ai đó đang mơ ước một công việc.

Trước khi bạn nghĩ đến việc chỉ tay ra lệnh cho người khác
- Hãy nhớ rằng không ai trong chúng ta không phạm lỗi và tất cả chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm đối với chính bản thân mình.

Khi những suy nghĩ làm bạn phiền lòng hoặc chán nản
- Hãy nở một nụ cười trên môi và cảm ơn cuộc đời rằng bạn vẫn còn sống.

Cuộc sống là một món quà. Hãy sống một cuộc sống thật trọn vẹn, tận hưởng nó, tôn vinh nó, phát huy nó, … Và trên hết, hãy yêu lấy cuộc sống, bạn nhé !

Yêu thương chân thành là dành cho người cho đi yêu thương

- Chay Mộc



❝ ...

- Con à !

- Dạ !

Yêu thương chân thành là dành cho người cho, chứ không phải người nhận. Người ta cứ nghĩ yêu thương chân thành một ai đó, là thứ tình yêu một chiều, mình yêu thương người ta là mình cho chứ không phải mình nhận, rồi mình chờ người ta phải yêu thương lại mình theo cách mình muốn, người ta không làm giống như mình muốn thì mình đau khổ, mình tức giận, mình kêu mình cho vậy mà người ta không chịu cho lại mình … Nếu yêu thương chỉ là quan tâm chăm sóc người ta và mong cầu người ta làm cái gì đó cho mình, thì đó chẳng phải yêu thương chân thành, đó chỉ là đầu tư, là lợi dụng, … được bản ngã con khéo léo che đậy bằng tình yêu thương mà thôi.

Con hãy thử yêu thương chân thành mà xem, mình yêu người ta bằng cả trái tim mình, yêu thương nhưng không mù quáng, yêu thương nhưng không si mê. Yêu thương là nhìn thấy người ta cần thì mình giúp, là quan sát lắng nghe họ thật sâu, xem họ cần gì và mình có thể làm được gì. Mình không cần họ phải kêu mình mới giúp, mình cũng không phán xét hay đánh giá họ. Mình cứ giúp và yêu người mà không cần họ phải làm bất cứ cái gì cho mình hay cho người khác. Luyện tập làm được như vậy, rồi con sẽ nhận ra … khi yêu thương là cho mình chứ không phải cho người. Khi con yêu một ai đó vô điều kiện, tình yêu đó tràn ngập trong chính con rồi, chứ không phải chờ người ta làm bất cứ điều gì con mới cảm nhận thấy.

Rồi con sẽ thấy thì ra cái tình yêu này luôn có trong mình mà mình không biết. Mình cứ nghĩ mình phải được ai đó quan tâm chăm sóc mới có tình yêu trong mình, phải có ai cho mình mới có tình yêu. Đâu phải đâu, tình yêu luôn tràn ngập trong con, chỉ là những lo lắng, những giận dữ, những sợ hãi đã chiếm hết vị trí của nó nên nó không biểu hiện được. Bây giờ, chỉ cần con yêu thương người vô điều kiện, cho dù là bất cứ ai, bố mẹ, con cái, bạn bè, người xa lạ, kẻ thù, … con sẽ nhận ra thứ tình yêu thương thiêng liêng luôn hiện hữu trong mình.

Yêu và thương con nhiều, nghe con !

( Chay Mộc )


...❞

Hoa đăng ước nguyện

- Quà tặng cuộc sống

Mỗi chiếc đèn sẽ chở đi một lời nguyện ước, chúng ta có thể để dành cho những người mình yêu thương.





Danh ngôn (112)

- Khổng Tử



Người quân tử không thận trọng thì không có uy nghiêm, mà sự học cũng không vững vàng được, điều chính yếu là ngay thẳng và uy tín.

Cõi trăm năm

- Thích Tánh Tuệ



Cái cõi trăm năm thảy bước về
Triệu người chưa một lắc đầu chê
Sống say mù mịt đời cơm áo
Chết bỏ vợ con, bỏ bạn bè

Đã biết chốn ni là quán trọ
Hơn, thua, hờn oán ... để mà chi
Thử ra ngồi xuống bên phần mộ
Hỏi họ mang theo được những gì

Chốn ấy trăm năm chẳng ngóng chờ
Bất ngờ ập đến tựa cơn mơ
Sống Thương và Hiểu từng giây phút
Ngay chốn mong manh đã thấy bờ ...

Nhân sinh như mộng

- Cư sĩ Minh Mẫn



Con người được sống khỏe mạnh chính là hạnh phúc nhất rồi, những thứ khác đều là phù du cả. Đừng cho rằng bạn có tiền, nếu không có sức khỏe thì tiền nhiều cũng chẳng có chút gì đáng giá. Tuyệt đối đừng nói rằng bạn có tiền, đọc xong tám câu chân ngôn dưới đây, bạn sẽ hiểu rõ ràng tất cả.

1. Đừng có xem áp lực thành động lực, lao động quá sức, để rồi tổn hại bản thân.

2. Đừng quên sức khỏe mới là tiền vốn, không có sức khỏe thì không cách nào tận hưởng được hết niềm vui của đời người.

3. Đừng xem nặng danh lợi quá, sau khi hào nhoáng qua đi, mới nhận ra mọi thứ đều chỉ là mây khói thoáng qua.

4. Đừng có nghĩ rằng bác sĩ là người có thể cứu lấy mạng sống của bạn, thật ra không phải như vậy, chính bạn mới là người quyết định, dưỡng sinh quan trọng hơn cứu mạng.

5. Đừng mong nghĩ rằng cho đi sẽ được báo đáp lại, chỉ có không kể báo đáp, mới có thể thực hành được việc hành thiện, lấy đức báo oán.

6. Chớ nghĩ rằng làm quan thì “ngầu” hơn dân, một khi bị mất chức, cuối cùng vẫn chỉ là một thường dân thôi.

7. Đừng bỏ mặc những người có duyên với bạn, bởi vì sau khi vinh hoa qua đi, bạn mới hiểu được rằng rất nhiều người sẽ rời xa bạn, khi ấy bạn mới thấy tri kỷ thật khó tìm.

8. Đừng nghĩ rằng hỏi han là quấy rầy, những người thường gửi tin nhắn cho bạn nhất định là người ở trong tâm có hình bóng của bạn.

Một nhà doanh nghiệp rất nổi tiếng, cứ cách một đoạn thời gian, ông lại dẫn theo vợ con đến nơi hỏa táng để xem. Có người không hiểu, hỏi ông nguyên do. Ông nói rằng, chỉ cần đến nơi hỏa táng, cái tâm nóng nảy sẽ rất mau chóng an tĩnh lại, thấy danh lợi tiền tài thật nhẹ nhàng. Ở nơi hỏa táng này, không kể bạn là quan to quý tộc quyền cao chức trọng, uy danh hiển hách hay là một người dân bình thường, nghèo rớt mồng tơi không ai biết đến, cuối cùng đều sẽ phải đến đây, chung một tư thế, lặng yên nằm xuống, sau đó bị đưa vào bên trong lò hỏa táng đang bốc cháy ngùn ngụt, khi trở ra lần nữa, thì chỉ là một chiếc hộp vuông nho nhỏ được bọc trong tấm vải đỏ.

Khi đến chẳng mang theo thứ gì, khi đi chỉ như một làn khói. Đời người chính là đơn giản như vậy. Vinh hoa phú quý phút chốc thoáng qua, ân ái tình thù cũng chỉ như cát bụi. Hôm nay sống trong một thế giới vật chất dục vọng tràn lan, bên cạnh chúng ta là đầy những cám dỗ mê hoặc: quyền lực, địa vị, tiền bạc, mỹ sắc,… hễ không cẩn thận, thì trong tâm sẽ dậy sóng. Nội tâm chúng ta vốn dĩ trong sáng, thuần tịnh, bình lặng sẽ trở nên ngông cuồng, ngạo mạn và tư lợi.

- Khi bạn cảm thấy hiện thực và lý tưởng có sự chênh lệch.

- Khi bạn cảm thấy uất ức thương tâm, không có người hiểu bạn.

- Khi bạn vì ân oán tình thù mà canh cánh trong lòng.

- Khi bạn vì lợi ích được mất mà so đo tính toán.

- Khi bạn khom lưng chau mày đối với quyền thế.

- Khi bạn vì địa vị cao thấp mà mưu tính hại nhau.

… sao bạn không đi đến nơi hỏa táng xem thử, đối diện với một nắm tro bụi, bạn còn có gì không buông xuống được đây ? Đời người tựa như một giấc mộng, tuyệt đối đừng nói rằng bạn có tiền.

Đã biết chốn ni là quán trọ
Hơn, thua, hờn oán ... để mà chi
Thử ra ngồi xuống bên phần mộ
Hỏi họ mang theo được những gì

Chốn ấy trăm năm ngỡ tít mờ
Đâu ngờ ập đến tựa cơn mơ
Sống Thương và Hiểu từng giây phút
Ngay kiếp mong manh gặp bến bờ

Beginning from a single step

- Lao Tzu



Do the difficult things while they are easy, and do the great things while they are small. A journey of a thousand miles must begin with a single step.

╰▶ Hãy làm những điều khó khăn từ khi chúng dễ dàng, và hãy làm những điều lớn lao khi chúng đang còn nhỏ. Một cuộc hành trình ngàn dặm phải được bắt đầu từ những bước đơn giản nhất.

Tứ đại tan rã rồi tứ đại lại kết hợp

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương XLIV, Thích Nhất Hạnh



Một hôm Bụt được thầy Meghiya cho biết là đại đức Nanda, em cùng cha khác mẹ với Bụt, không cảm thấy thoải mái và hạnh phúc trong đời sống xuất gia. Thầy Nanda có tâm sự với thầy là thầy nhớ người yêu cũ ở thành Kapilavatthu quá.

“Sư huynh biết không, thầy Nanda nói, tôi còn nhớ hôm tôi cầm bình bát theo Bụt đi về tu viện Nigrodha, công nương Janapada Kalyani đã nhìn tôi và nói điện hạ đi mau mà về nhé, em chờ điện hạ. Tôi nhớ rất rõ mái tóc mượt như nhung được vắt một phần sau cái vai thon nhỏ của nàng. Hình ảnh này hay hiện về với tôi mỗi khi tôi ngồi thiền, mà mỗi khi hình ảnh đó hiện về là tôi cảm thấy xốn xang và thao thức, mỗi lúc như thế này tôi thấy tôi không có hạnh phúc khi sống đời sống xuất gia.”

Chiều ngày hôm sau, Bụt rủ Nanda đi thiền hành chung với người. Ra khỏi vườn Kỳ Đà, hai người đi về phía một thôn trang hẻo lánh, họ đi tới một cái hồ và cùng ngồi xuống trên một phiến đá bên hồ. Nước hồ trong vắt, một đàn vịt bơi lội thảnh thơi dưới hồ. Ở những lùm cây phía trên, chim chóc ca hát vang lừng, Bụt nói Nanda:

- Các thầy có nói là em không được hạnh phúc trong đời sống xuất gia, có phải vậy không ?

Thầy Nanda im lặng. Một lát sau, Bụt hỏi:

- Hay là em muốn trở về Kapilavatthu tập sự làm chính trị để sau này thay thế cho phụ vương ?

Nanda vội đáp:

- Không, em đã nói là em không thích làm chính trị. Em biết em không có khả năng làm chính trị, vì vậy em cũng đã nói là em không thích làm vua.

- Vậy tại sao em lại không có hạnh phúc khi sống đời sống xuất gia ?

Nanda lại giữ sự im lặng.

- Hay là em nhớ cô Kalyani ?

Thầy Nanda đỏ mặt, nhưng thầy vẫn không nói gì. Bụt bảo:

- Này Nanda, ở xứ Kosala này cũng có rất nhiều cô thiếu nữ mà nhan sắc còn mặn mà hơn cả cô Kalyani của em. Em còn nhớ hôm dự trai tăng ở trong cung vua Pasenadi không ? Theo em, các cô thiếu nữ tiếp tân hôm ấy có đẹp bằng Kalyani không ?

Nanda tỏ ý không bằng lòng:

- Có thể là trong số các cô ấy, có nhiều cô đẹp hơn Kalyani, nhưng mà em chỉ lưu luyến Kalyani mà thôi. Ở trên đời chỉ có một Kalyani thôi.

- Nanda, luyến ái là một trong những trở ngại lớn cho sự tu tập. Sắc đẹp của phụ nữ cũng chóng tàn như sắc đẹp của một bông hồng. Em đã biết trên lý thuyết rằng cuộc đời là vô thường. Em phải thật sự quán chiếu tự tánh vô thường của vạn vật. Này em nhìn xem.

Theo ngón tay Bụt, Nanda nhìn lên thì thấy một bà lão đang chống gậy đi qua ngõ trúc. Bà lão còn mạnh khỏe, nhưng da trên mặt bà đã nhăn nhúm lại.

- Bà già này hồi trẻ chắc chắn là người có nhan sắc. Nhan sắc Kalyani rồi cũng sẽ tàn tạ trong vòng vài mươi năm. Trong khi đó sự nghiệp giác ngộ của em có thể đem lại ánh sáng và an lạc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nanda, em hãy nhìn lên đôi khỉ đang đong đưa trên cành cây kia. Em hãy để ý tới con khỉ cái, em có thể nghĩ rằng với một cái miệng nhọn như thế và một cái đít đỏ như thế, con khỉ đó không đẹp đẽ gì, nhưng đối với con khỉ đực ngồi một bên thì đó là một con khỉ cái đẹp nhất trên đời. Đối với nó, con khỉ cái là độc nhất, và nó có thể sẵn sàng để chết vì con khỉ cái kia. Em có biết rằng ...

Nanda ngắt lời Bụt:

- Thôi xin Bụt đừng nói nữa. Em đã hiểu rồi, em hứa từ nay sẽ tinh tiến tu học.

- Vậy thì tốt lắm, em phải thực tập trở lại phép quán niệm hơi thở cho chuyên cần mỗi ngày, rồi em sẽ tập quán chiếu thân thể, quán chiếu cảm giác, quán chiếu tâm ý và cuối cùng quán chiếu các pháp. Các pháp chính là đối tượng của tâm ý. Phải quán chiếu để thấy cho được quá trình sinh khởi, tồn tại và hoại diệt của mọi hiện tượng, từ thân thể qua cảm giác đến tâm tư và các pháp. Có gì không hiểu em có thể đến hỏi lại ta, hoặc nếu ta không có đó thì em có thể hỏi thầy Sariputta. Nanda ! Nên nhớ rằng hạnh phúc của giải thoát mới là thứ hạnh phúc chân thật, không tùy thuộc vào điều kiện, không bao giờ bị tàn hoại. Em phải đạt cho được thứ hạnh phúc ấy.

Trời đã chiều, Bụt đứng dậy, và đưa thầy Nanda về tu viện. Tu viện Jetavana đã tạo được nền nếp tu học vững chãi. Số lượng các thầy khất sĩ ở lại tu học đã lên tới năm trăm vị. Mùa mưa năm sau, Bụt về an cư tại Vesali. Địa điểm an cư là Rừng Lớn, nơi ấy có một tòa giảng đường hai tầng có nóc nhọn gọi là giảng đường Kutagara và một số các tăng đường rải rác trong rừng. Tất cả những ngôi nhà này đều đã được các vương tử trong bộ tộc Licchavi vận động xây cất trong năm vừa qua để làm chỗ tu học cho Bụt và các vị khất sĩ. Hầu hết cây trong rừng đều là cây sala. Mùa an cư năm nay, các vương tử Licchavi là những người đứng ra bảo trợ. Ambapali đã rất sốt sắng đóng góp phần mình vào việc xây cất và bảo trợ khóa tu. Nhiều vị khất sĩ hành đạo rải rác trong vương quốc Magadha và cả ở vương quốc Sakya, nghe Bụt về an cư tại giảng đường Trùng Các cũng đã tìm về kịp thời để được cùng an cư với Bụt. Số lượng các vị khất sĩ an cư năm nay lên tới sáu trăm vị.

Từ vương quốc Magdha, nhiều vị nhân sĩ và cư sĩ nghe nói Bụt an cư tại đây cũng đã tìm tới để được thân cận và học hỏi trong ba tháng với Bụt. Họ tìm chỗ cư trú trong đô thị Vesali để thỉnh thoảng có thể vào tu viện Trùng Các để cúng dường và nghe pháp. Một buổi sáng đầu thu khi mùa an cư vừa chấm dứt, có tin từ Kapilavatthu báo về là quốc vương Suddhodana bệnh nặng. Ngài sắp từ trần. Chính vua đã cho người đi triệu Bụt về để được thấy Bụt lần chót. Sứ giả là hoàng thân Mahanama. Hoàng thân xin Bụt dùng phương tiện xe ngựa về tới quê hương cho kịp giờ trước giờ vua băng hà. Bụt nhận lời. Người bảo Anuruddha, Nanda, Ananda, và Rahula cùng lên xe với Người. Bụt khởi hành ngay buổi trưa hôm ấy. Các vương tử từ Licchavi và ca nương Ambapali cũng có cơ hội để tiễn đưa Người, nhưng hàng trăm vị khất sĩ đã ra tiễn ở cửa tu viện Trùng Các. Sau khi Bụt đi rồi, trên hai trăm vị khất sĩ cũng khởi hành đi về miền Bắc, nhắm hướng Kapilavatthu. Họ muốn có mặt bên Bụt trong lễ trà tỳ của quốc vương Suddhadana, phụ thân của người. Trong số các vị này có mặt tất cả các vương tử Sakya đã đi xuất gia theo Bụt.

Gia đình hoàng gia đón Bụt ngay ở cổng hoàng cung. Lệnh bà Mahapajapati đưa Bụt ngay vào tâm điện. Thấy Bụt, vua tươi tỉnh hẳn lên. Ngồi bên giường ngự, Bụt đưa hai tay ra nắm lấy bàn tay vua. Vua đã già yếu, năm nay Ngài đã tám mươi hai tuổi. Bụt nói:

- Phụ vương hãy thở thật nhẹ, thật dài và mỉm cười. Không có gì quan trọng cho bằng hơi thở của phụ vương lúc này. Nanda, Rahula, Anuruddha và con cũng thở theo phụ vương.

Vua nhìn Bụt, nhìn Nanda, nhìn Rahula, nhìn Ananda, nhìn hoàng hậu Gotami, nhìn công nương Yasodhara. Ngài mỉm cười, rồi Ngài thở theo lời Bụt dạy. Không ai dám khóc lóc trong lúc này. Ai cũng nghe lời Bụt, theo dõi hơi thở của mình. Một lát sau, vua nhìn Bụt nói:

- Bây giờ ta thấy được rõ ràng cuộc đời là vô thường, và con người muốn có hạnh phúc thì không nên tham đắm vào vòng ái dục. Hạnh phúc là một cuộc sống thanh thản, bình dị và có tự do.

Hoàng hậu Gotami nói với Bụt:

- Mấy tháng nay, hoàng thượng sống rất thanh thản. Ngài đã thật sự làm theo lời Bụt dạy. Thế Tôn ! Những lời Bụt dạy đã chuyển hóa được nếp sống của nhiều người ở đây. Hoàng thượng là một trong những người đã được thấm nhuần nhiều nhất lời giáo huấn của Bụt.

Vẫn cầm tay vua trong tay mình, Bụt khai thị:

- Phụ vương hãy nhìn con, nhìn Nanda, nhìn Rahula. Phụ vương hãy nhìn cây cối màu xanh qua các cửa sổ. Sự sống còn tiếp tục. Sự sống vẫn còn thì phụ vương vẫn còn. Phụ vương vẫn còn tiếp tục sống trong con, trong Nanda, trong Rahula, trong tất cả mọi loài. Sắc thân hiện thời là do tứ đại kết hợp. Tứ đại tan rã rồi kết hợp hoài hoài. Phụ vương đừng có vì sự tan rã của một thân tứ đại mà nghĩ rằng sự sống chết có thể ràng buộc được ta. Sắc thân của Rahula đây cũng là sắc thân của phụ vương vậy.

Bụt ra hiệu cho Rahula lại gần và bảo Rahula nắm lấy tay của ông nội trong hai tay mình. Một nụ cười rất tươi nở trên môi của vị quốc vương sắp băng hà. Vua đã hiểu được lời nói của Bụt. Vua có vẻ không còn sợ sự sống chết nữa. Bên giường ngự lúc đó, các vị cận thần cũng đều có mặt. Một lúc sau, vua ra hiệu cho các vị cận thần lại gần. Vua nói với họ:

- Các khanh, có thể là trong thời gian cùng làm việc nước, trẫm đã có làm những điều lầm lỗi khiến các khanh phiền lòng. Trước khi nhắm mắt, trẫm muốn các khanh tha thứ cho trẫm.

Giọng vua yếu ớt, các quan đều khóc. Hoàng thân Mahanama, quỳ xuống bên gối, tâu:

- Tâu bệ hạ, bệ hạ là một ông vua có đức khoan dung và công bình lớn nhất trên đời. Các quan trong triều không ai có lòng oán trách bệ hạ.

Vua nói:

- Nhân có đủ mọi người ở đây, xin Bụt và các quan sắp xếp việc cử người thay thế cho trẫm để trị nước. Trẫm tin nơi sự sáng suốt của Bụt và của mọi người.

Mahanama tâu:

- Thần xin đề nghị hoàng thái tử Nanda cởi bỏ áo tu, lên ngôi và chấp chính. Đó là giải pháp đẹp đẽ nhất theo thần. Trăm họ sẽ được an lòng khi chính thái tử đông cung đảm trách nhiệm này. Riêng thần, thần sẽ đem hết cuộc đời của thần để phụ tá hết lòng cho thái tử.

Đại đức Nanda nhìn về phía Bụt cầu cứu. Hoàng hậu Gotami cũng nhìn về phía Bụt. Bụt lặng lẽ nói:

- Nếu phụ vương, các quan và mọi người muốn tôi phát biểu ý kiến thì tôi xin nói thế này. Em Nanda không có khiếu về chính trị và không muốn làm chính trị. Em còn phải tu học nhiều thêm mới có đủ các đức kiên trì và dũng cảm. Rahula thì còn bé quá, năm nay cháu mới có mười lăm tuổi. Tôi thấy hoàng thân Mahanama hiện là người xứng đáng nhất để lên ngôi cửu ngũ. Ai cũng biết hoàng thân là một người có chí khí lớn. Hoàng thân lại là một người có lòng từ bi, có nhiều hiểu biết và có nhiều kinh nghiệm về chính sự. Hoàng thân đã làm phụ tá cho phụ vương trên sáu năm rồi. Tôi nghĩ là hoàng thân nên vì hoàng gia và vì dân tộc mà đứng ra lãnh trách nhiệm khó khăn và nặng nề này.

Mahanama chắp tay thoái thác:

- Con sợ tài đức kém cõi không cáng đáng nổi việc lớn. Xin hoàng thượng, xin Bụt và các vị cận thần xét lại mà cử người xứng đáng hơn.

Một vài vị đại thần đứng lên phát biểu ý kiến. Người nào cũng tán đồng đề nghị của Bụt, cho đó là một đề nghị thiết thực và thông minh. Cuối cùng tất cả các quan đều một lòng một dạ thỉnh cầu hoàng thân Mahanama đứng lên chấp chính. Vua gật đầu, Ngài gọi Mahanama tới bên giường ngự. Cầm tay Mahanama, vua nói:

- Các quan đã tín nhiệm khanh, Bụt cũng tín nhiệm khanh, khanh là con cháu của trẫm. Trẫm rất sung sướng được khanh chấp nhận trách vụ nối tiếp trẫm để mà an lòng trăm họ.

Mahanama phủ phục lạy xuống để vâng mệnh. Vua hoan hỷ nhìn mọi người:

- Trẫm rất an lòng mà nhắm mắt. Trẫm rất vui được gặp Bụt trước khi từ giã cõi đời. Lòng trẫm thanh thản lắm, trẫm không luyến tiếc gì, cũng không ân hận gì, trẫm mong Bụt để tâm nâng đỡ cho Mahanama và hướng dẫn cho Mahanama trong những bước đầu. Đạo đức của Bụt sẽ khiến cho đất nước và trăm họ an lành.

Giọng của vua càng lúc càng yếu. Bụt ngồi xuống gần bên giường ngự. Người cầm tay vua:

- Con xin hứa là sẽ nâng đỡ cho Mahanama. Xin phụ vương yên lòng. Con sẽ ở lại đây một thời gian, cho đến khi nào mọi việc được an bài và tình thế hoàn toàn ổn định.

Vua mỉm cười yếu ớt, nhưng vẻ mặt của Ngài an hòa và mãn nguyện. Rồi Ngài nhắm mắt qua đời. Hoàng hậu Gotami là công nương Yasodhara khóc lên thành tiếng. Các quan cũng khóc rống lên. Bụt vuốt mắt cho vua, đặt hai tay vua lại cho ngay ngắn và đứng dậy. Người ra hiệu cho mọi người nín khóc, và bảo mọi người theo dõi hơi thở để hộ niệm cho vua. Cuối cùng, người đề nghị mọi người ra hội ý với nhau ở phòng ngoài về việc tổ chức tang lễ.

Lễ trà tỳ của quốc vương Suddhodana được tổ chức bảy hôm sau đó. Các thầy Bà-la-môn ở thủ đô và từ các tỉnh về tham dự trên một ngàn vị. Đặc biệt trong lễ trà tỳ này là sự có mặt của gần năm trăm vị tu sĩ của một giáo đoàn mới, đó là giáo đoàn khất sĩ. Tất cả các vị khất sĩ đều khoác casa màu cam. Ngoài kinh lễ cổ truyền của đạo Bà-la-môn lại có kinh lễ của giáo đoàn mới. Các vị khất sĩ đã trì tụng Kinh Bốn Sự Thật, Kinh Lửa, Kinh Vô Thường, Kinh Nhân Duyên và sau hết là Ba Lời Quay Về Nương Tựa. Kinh Tụng toàn bằng tiếng Magadha, ngôn ngữ miền Đông lưu vực sông Ganga, nên tất cả quần chúng tham dự đều nghe và hiểu rõ.

Bụt đứng lên đi ba vòng quanh hỏa đàn rồi tự tay châm lửa cho hỏa đàn. Trước khi châm lửa, người nói:

- Sinh, già, bệnh và chết là những gì phải xảy đến cho tất cả mọi người. Chúng ta phải nghĩ đến sinh, già, bệnh và chết trong đời sống hàng ngày để đừng bị chìm đắm trong dục vọng, để sống an lạc, thảnh thơi và làm cho cuộc đời chung quanh bớt khổ. Sinh, già, bệnh và chết cũng là lý thường nhiên. Người đạt đạo có thể đạt tới trạng thái thản nhiên trước sinh, già, bệnh,và chết. Trong tự tính của vạn pháp, không có gì sinh, không có gì diệt, không có gì còn, không có gì mất, không có gì thêm, không có gì bớt.

Hỏa đàn bốc cháy phần phật. Có tiếng chiêng tiếng trống hòa lẫn với tiếng tụng kinh trầm bổng. Dân chúng Kapilavatthu tới lễ trà tỳ rất đông. Họ biết hôm nay chính Bụt sẽ châm lửa cho hỏa đàn.

Sau lễ đăng quang của Mahnama, Bụt còn ở lại giáo hóa một thời gian ba tháng tại Kapilavatthu. Một hôm, thái hậu Mahapajapati Gotami đến tu viện Nigrodha viếng Bụt để cúng dường mấy chiếc casa và cầu xin được xuất gia để làm một vị nữ khất sĩ. Bà nói:

- Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn cho phép phái nữ được đi xuất gia thì trong thiên hạ sẽ có những kẻ được thừa hưởng ân huệ từ bi của người lắm. Thế Tôn, trong hàng vương tử có nhiều vị đã đi xuất gia theo học với Bụt. Trong số đó, có vị đã từng có gia đình, phu nhân của các vị cũng rất ước ao được học theo giáo pháp của Bụt với tư cách của những người xuất gia. Tôi cũng muốn xin Thế Tôn cho tôi được xuất gia. Đó là niềm vui lớn nhất mà tôi mong mỏi, sau khi thượng hoàng đã từ bỏ cuộc đời.

Bụt lặng thinh, một lát sau, Người nói:

- Không được đâu, lệnh bà Gotami.

Bà Pajapati cầu khẩn:

- Tôi biết đây là một điều khó cho đức Thế Tôn, Thế Tôn chấp thuận cho người nữ xuất gia thì thế nào cũng có sự chống đối trong xã hội, nhưng tôi nghĩ là Bụt sẽ không e ngại gì sự chống đối đó.

Bụt lại lặng thinh, rồi người nói:

- Tại Rajagala cũng đã có những người phụ nữ muốn xin xuất gia, nhung con nói rằng chưa đến lúc. Con thấy hiện chưa có đủ điều kiện để nhận cho người nữ xuất gia.

Ba lần thỉnh cầu, ba lần Bụt không chấp thuận. Hoàng hậu Gotami buồn bã giã từ Bụt. Bà trở về cung và than thở với lệnh bà Yasodhara. Mấy hôm sau, Bụt lên đường trở về Vesali. Tới Vesali, người cư trú tại tu viện Trùng Các. Trong khi đó, bà Gotami đi tập hợp những người phụ nữ có ý chí xuất gia lại, trong đó có cả những thanh nữ muốn theo gương nam giới đi xuất gia. Những thiếu nữ này chưa từng lập gia đình. Hầu hết đều thuộc về bộ tộc Sakya. Bà Gotami nói với họ:

- Tôi biết chắc rằng trong tinh thần đạo pháp tỉnh thức, mọi người đều bình đẳng, bởi vì ai cũng có khả năng giác ngộ và giải thoát. Chính Bụt đã nói điều này. Người đã nhận vào giáo đoàn cao quý những người thuộc giai cấp hạ tiện, thì không có lý nào người lại kỳ thị phái nữ. Người nữ cũng là người, người nữ cũng có thể đạt tới giác ngộ và giải thoát. Vậy thì không có lý do gì mà chúng ta lại không được đối xử bình đẳng, tôi đề nghị là chúng ta nên tự ý xuống tóc, cởi bỏ mọi đồ trang sức và khoác y vàng lên người. Rồi chúng ta cũng bỏ hết guốc dép và đi bộ về thành Vesali để xin được xuất gia. Trước hết chúng ta phải chứng tỏ quyết tâm của chúng ta, và sau đó chúng ta phải chứng tỏ khả năng của chúng ta. Chúng ta phải chứng tỏ cho Bụt và mọi người thấy rằng chúng ta cũng có thể từ bỏ xa hoa, sống đời đơn giản của kẻ không nhà không cửa, có thể đi chân đất hàng trăm dặm và có thể đi xin ăn mà sống. Nếu không làm như vậy được thì không bao giờ chúng ta hy vọng có thể được chấp nhận vào giáo đoàn. Muốn được chấp nhận, chúng ta phải được công nhận trước đã.

Mọi người trong cuộc họp đều phấn khởi khi nghe bà Gotami nói. Họ thấy nơi bà một vị lãnh đạo thực sự của phái nữ. Yasodhara cũng có mặt trong buổi họp. Bà mỉm cười, đã từ lâu, bà biết tính khí của thái hậu Gotami. Thái hậu Gotami là người không thối tâm bất cứ trước một trở lực nào. Những năm cùng làm việc với bà để giúp cho kẻ nghèo đói, Yasodhara đã thấy rõ điều đó. Tất cả mọi người trong buổi họp đã quyết định làm theo đề nghị của lệnh bà Gotami. Họ hẹn ngày giờ hành động. Bà Gotami nói với Yasodhara:

- Gopa, con hãy thong thả, đừng đi theo ta trong chuyến này, không có con kỳ này, tình trạng có thể ít khó khăn hơn, chừng nào ta thành công con sẽ đi theo sau cũng không muộn.

Gopa hội ý, bà mỉm cười nhìn hoàng hậu.

Vạn sự tùy duyên

● ● ●



Cuộc đời là những lời chào gặp mặt và tạm biệt, cho đến khi chúng ta có duyên để gặp lại nhau lần nữa.

Pháp ngữ (18)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Khi gặp kẻ thị phi, chuyên môn đặt điều, bêu xấu về bạn, bất luận là oan uổng tới đâu, bạn vẫn phải nhẫn nhục. Đó đều là nợ từ kiếp trước, đời này tới đòi, do đó bạn không thể chống đối không trả. Nợ trả hết rồi thì trời xanh trong vắt, không còn phiền não, hết âu lo.

D.P.A (23)

- Thích Nhất Hạnh

Ý về muôn vạn nẻo
Thiền lộ tâm an nhiên
Từng bước gió mát dậy
Từng bước nở hoa sen



Danh ngôn (111)

- Lưu Hội



Nói không đúng lý lẽ chẳng bằng không nói. Một lời nói không đúng thì ngàn lời nói cũng không dùng được.

Học cách từ bỏ để an vui

- Sưu tầm



Trong cuộc sống, nếu ta cứ bám chặt vào một điều gì đó thì ta đánh mất đi nhiều cơ hội để có nhiều thứ khác, trái lại nếu ta biết “từ bỏ” thì sẽ được thêm nhiều thứ, đó là thêm sự nhẹ nhàng trong tâm hồn, thêm niềm vui và sự an lạc trong cuộc sống. Vậy tại sao bạn không thử học cách từ bỏ đi một số thứ để sống an vui nhỉ ?

Từ bỏ quá khứ

Chúng ta thường xem quá khứ là nơi trú ngụ an toàn của tâm hồn với những kỉ niệm đẹp, những thời gian vui vẻ. Nhưng không, quá khứ là cái đã qua không nên luôn giữ nó bên mình, cái cần là những cái đang ở hiện tại. Chúng ta nên sống cho hiện tại và tương lai để cuộc sống luôn tốt đẹp, quá khứ đã qua hãy để nó ngủ yên coi như là một giấc mộng để cuộc sống thanh thản hơn.

Từ bỏ tính hiếu thắng

Thắng – Thua chỉ là một khái niệm mang tính tương đối. Khi giữa ta và một người nào đó nảy sinh bất đồng, dù có thắng trong cuộc tranh cãi chăng nữa, thì về phương diện tình cảm … ta vẫn là người thất bại. Chắc chắn, sau những bất đồng đó, tình cảm sẽ ít nhiều bị sứt mẻ.

– Kẻ thù được sinh ra từ hiếu thắng.

– Bạn bè trở mặt vì hiếu thắng.

– Tình yêu mật ngọt trở thành vị đắng vì hiếu thắng.

– Đồng nghiệp chơi xỏ nhau cũng vì hiếu thắng.

Cách duy nhất khiến chúng ta gắn bó thân thiết và hòa nhã với nhau hơn … là nên từ bỏ tính hiếu thắng, biết mang lại cho người khác những điều mà chính ta cũng muốn được nhận về mình.

Từ bỏ suy nghĩ rằng bạn luôn đúng

Một số người trong chúng ta không thể chịu được việc là mình sai. Việc khăng khăng mình đúng, cố bảo vệ ý kiến của mình sẽ chỉ khiến chính bản thân bạn nhận nhiều phiền toái. Thật sự nó chẳng đáng như vậy. Đúng - Sai đôi khi nó chỉ khác nhau ở góc nhìn. Hãy vui vẻ chấp nhận sự thật rằng đôi khi bạn sai hoàn toàn và chẳng có gì là đúng. Như vậy, bạn mới có thể dễ dàng với bản thân mình và những người xung quanh.

Từ bỏ việc phàn nàn bản thân và người khác

Hãy từ bỏ việc phàn nàn về tất cả mọi thứ, tất cả mọi việc, tất cả mọi người xung quanh bạn và chính bản thân bạn. Vì cuộc sống giống như chiếc đồng hồ, từng phút từng giây trôi qua không đơn thuần là cuộc sống ta ngắn lại, mà còn để lại trong ta những trải nghiệm đầy thú vị. Chúng ta nên tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất vì khi mọi thứ đã qua sẽ không bao giờ lấy lại được, do đó chúng ta nên yêu bản thân mình và những người xung quanh, không nên tự giày vò và trách móc lẫn nhau. Chẳng ai có thể làm bạn buồn, làm bạn chán nản hay mệt mỏi nếu bạn không cho phép nó ảnh hưởng đến mình. Không phải là hoàn cảnh ảnh hưởng tới bạn mà chính là cách bạn nhìn nhận nó. Nếu bạn nhìn nhận mọi việc theo hướng cáu gắt, phàn nàn thì chắc chắn là không thể hạnh phúc được rồi.

Từ bỏ đổ lỗi cho người khác

Thói quen đổ lỗi thực chất là thói quen vô cùng xấu, sống mà chỉ biết đổ lỗi cho người khác thì suốt cuộc đời chúng ta cũng không bao giờ nhận ra được sai lầm của bản thân mình, biết lỗi sữa lỗi là tốt. Mỗi người chúng ta cần phải đối diện với sự thật, không nên vì trốn tránh trách nhiệm mà luôn đổ lỗi cho những người xung quanh. Ông bà ta thường nói “đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại”, hãy mạnh dạn nhận lỗi một khi sai lầm đó do mình gây ra.

Từ bỏ những ước muốn ngoài tầm tay

Điểm đáng quý nhất của con người là biết lượng sức mình, khó nhất là thật sự hiểu biết, chiến thắng và điều khiển bản thân mình. Tự cho là biết lượng sức mình khác với thật sự biết lượng sức mình. Người bình thường có nhiều người mắc bệnh tự cho là biết lượng sức mình, chỉ có rất ít người sáng suốt mới là những người thật sự hiểu biết bản thân. Cuộc đời như cái cân, đánh giá bản thân quá thấp thì dễ tự ti, đánh giá bản thân quá cao thì lại dễ kiêu ngạo, chỉ có đánh giá chính xác như cân, hiệu chuẩn cái cân thì mới có thể thực sự cầu thị, cảm nhận bản thân, thật sự hiểu biết bản thân một cách chính xác và hoàn thiện bản thân. Chỉ nên ước muốn trong giới hạn mình có thể thực hiện được, đừng nên quá hy vọng vào một điều viển vông xa tầm với, vì như vậy một khi không thực hiện được ước muốn chúng ta sẽ đánh mất những cơ hội tốt, cảm thấy hụt hẫng, xoay qua tự trách và tự hành hạ bản thân mình.

Điều chi xui khiến

- Thích Tánh Tuệ

Cho dù ghét đắng ghét cay
Vẫn xui khiến nọ ở ngay cạnh mình
Cho dù cách biệt dặm nghìn
Nửa vòng trái đất vẫn tìm được nhau
Để rồi hạnh phúc, khổ đau
Để rồi cười trước, khóc sau, … để rồi
Cho dù đánh đập tơi bời
Chưa thanh toán được khó rời, khó buông
Vương thì nặng, bỏ thì thương
Chân đi xa, dạ vẫn luôn cạnh người
Cho dù nọ chẳng tiếc lời
Đắng cay dành chịu chẳng dời bước đi
Cho dù bịnh hoạn lâm ly
Chưa trả hết sạch dễ gì thoát thân
Trong khi trả nợ hồng trần
U mê, lại kết nợ nần chồng thêm
Vòng vay trả rộng nhân lên
Cõi luân hồi lại xiết trên phận người

Bao giờ dứt nợ người ơi !
Bao giờ mới được thảnh thơi một ngày
Vui gì cái cuộc trả vay
Một vòng khép kín đọa đày nhân sinh
Đầu dây mối nhợ ... do mình
Ai người dứt nợ, ngắm nhìn bao la



Ba mươi điều không nên tiếp tục làm với bản thân

- Theo Tri Thức trẻ
- Marc ( Thủy Nguyệt dịch)



“Không ai có thể quay ngược lại thời gian để bắt đầu lại từ đầu, nhưng bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu từ ngày hôm nay và tạo ra một kết thúc mới.”

1. Đừng mất thời gian với những đối tượng sai lầm

Cuộc sống quá ngắn ngủi, bạn không nên dành thời gian với những người chỉ biết hút cạn nguồn hạnh phúc của mình. Nếu ai đó muốn bạn có mặt trong cuộc sống của họ, họ sẽ tự dành ra chỗ cho bạn. Bạn không phải đấu tranh để giành giật lấy một vị trí nào cả. Đừng bao giờ ép mình vào mối quan hệ với những người coi thường giá trị của bạn. Và hãy nhớ, những người bạn thật sự của bạn không phải là những người ở bên cạnh bạn khi bạn thành công, mà là những người ở bên cạnh bạn khi bạn gặp khó khăn.

2. Đừng chạy trốn các rắc rối của mình

Hãy đối diện với chúng. Đây không phải là việc dễ dàng. Không ai có khả năng xử lý hoàn hảo mọi vấn đề họ gặp phải. Chúng ta cũng không thể ngay lập tức mà giải quyết trọn vẹn một khó khăn. Chúng ta không sinh ra để làm như vậy. Trên thực tế, chúng ta sinh ra để thất vọng, buồn chán, đau khổ, và vấp ngã. Bởi vì đó là toàn bộ mục đích của cuộc sống – đối mặt với vấn đề, học hỏi, thích nghi, và xử lý chúng. Chính điều này đã rèn luyện chúng ta trở thành con người như chúng ta hiện nay.

3. Đừng nói dối bản thân mình

Bạn có thể nói dối người khác, nhưng bạn không thể nói dối chính bản thân mình. Cuộc sống của chúng ta chỉ tiến bộ khi chúng ta nắm bắt các cơ hội, và cơ hội đầu tiên và cũng là khó khăn nhất mà chúng ta có thể nắm bắt lấy là trung thực với chính mình.

4. Đừng gác lại các nhu cầu của bản thân

Điều đau đớn nhất là vì yêu người khác quá mà đánh mất bản thân mình, và quên mất rằng mình cũng là người đặc biệt. Vâng, hãy giúp đỡ người khác, nhưng bạn cũng phải giúp đỡ chính mình nữa chứ. Nếu có giây phút nào dành cho bạn để bạn theo đuổi đam mê và làm điều gì đó quan trọng với mình, thì giây phút đó chính là ngay lúc này đây.

5. Đừng cố gắng làm người khác

Một trong những thách thức lớn nhất trong cuộc sống là làm chính mình trong một thế giới cứ chực biến bạn thành người giống như mọi người khác. Lúc nào cũng sẽ có người xinh đẹp hơn bạn, thông minh hơn bạn, trẻ trung hơn bạn, nhưng họ sẽ không bao giờ là bạn cả. Đừng thay đổi để mong người khác thích mình. Hãy là chính mình, và sẽ có người yêu con người thật của bạn.

6. Đừng bận tâm với quá khứ

Bạn không thể bắt đầu một chương mới trong cuộc đời nếu cứ đọc đi đọc lại chương cũ.

7. Đừng sợ mắc sai lầm

Làm việc gì đó rồi mắc sai lầm còn hiệu quả gấp mười lần so với không làm gì cả. Mỗi thành công đều có một vệt dài những thất bại đằng sau nó, và mỗi thất bại đều dẫn đường tới thành công. Suy cho cùng, bạn sẽ hối hận về những điều mình không làm nhiều hơn là về những điều mình đã làm.

8. Đừng trách móc bản thân vì những sai lầm đã qua

Có thể chúng ta yêu nhầm người và đau khổ về những điều không xứng đáng, nhưng dù mọi việc có tồi tệ tới mức nào, thì cũng có một điều chắc chắn, sai lầm giúp chúng ta tìm được đúng người, đúng thứ phù hợp với chúng ta. Chúng ta ai cũng có lúc mắc sai lầm, ai cũng có khó khăn, và thậm chí tiếc nuối về những việc trong quá khứ. Nhưng bạn không phải là sai lầm của mình, bạn không phải là khó khăn của mình, và ngay lúc này đây, bạn có trong tay sức mạnh để xây dựng nên hiện tại và tương lai của chính mình. Mỗi một điều từng xảy ra trong cuộc sống của bạn đều góp phần chuẩn bị cho bạn đón nhận một khoảnh khắc mới chưa đến.

9. Đừng cố công mua hạnh phúc

Nhiều thứ chúng ta mong mỏi có được có giá đắt. Nhưng sự thật là, những gì thực sự khiến chúng ta hài lòng lại hoàn toàn miễn phí – đó là tình yêu, là tiếng cười, và là những giây phút miệt mài theo đuổi đam mê của mình.

10. Đừng tìm kiếm hạnh phúc ở người khác

Nếu bạn không cảm thấy hạnh phúc với chính con người bên trong của mình, thì bạn sẽ chẳng thể nào có được hạnh phúc lâu dài với bất kỳ người nào khác. Bạn phải tạo ra sự ổn định trong cuộc sống của mình trước rồi mới nghĩ tới chuyện chia sẻ cuộc sống đó với người khác được.

11. Đừng lười nhác

Đừng nghĩ ngợi quá nhiều, bởi có thể bạn sẽ tạo ra một rắc rối không đáng có. Hãy đánh giá tình hình và đưa ra hành động dứt khoát. Bạn không thể thay đổi điều mà mình không muốn đối mặt. Tiến bộ bao hàm rủi ro. Chấm hết. Bạn không thể đứng một chỗ mà hy vọng mình sẽ tới được đích.

12. Đừng nghĩ rằng mình chưa sẵn sàng

Khi một cơ hội xuất hiện, không có ai cảm thấy mình đã sẵn sàng 100% để đón nhận nó. Bởi vì phần lớn những cơ hội lớn lao trong cuộc đời đều đòi hỏi chúng ta phải phát triển vượt quá “vùng thoải mái” của mình – điều này có nghĩa là ban đầu, chúng ta sẽ không cảm thấy hoàn toàn thoải mái.

13. Đừng tham gia vào các mối quan hệ vì những lý do sai lầm

Cần phải lựa chọn các mối quan hệ một cách khôn ngoan. Ở một mình còn tốt hơn là giao tiếp với người xấu. Bạn không cần phải vội vàng. Điều gì phải đến, sẽ đến – và nó sẽ đến đúng lúc, với đúng người, và vì lý do tốt đẹp nhất. Hãy yêu khi bạn đã sẵn sàng, chứ đừng yêu khi bạn cảm thấy cô đơn.

14. Đừng từ chối những mối quan hệ mới chỉ bởi vì các mối quan hệ cũ không đem lại kết quả tốt đẹp

Trong cuộc sống, rồi bạn sẽ nhận ra rằng mỗi người bạn gặp đều có ý nghĩa riêng cho bản thân bạn. Một số người sẽ thử thách bạn, một số người sẽ lợi dụng bạn, và một số khác sẽ dạy dỗ bạn. Nhưng điều quan trọng nhất là, một số người sẽ giúp bạn thể hiện được khía cạnh tốt đẹp nhất của mình.

15. Đừng cố cạnh tranh với tất cả mọi người

Đừng lo lắng khi thấy người khác giỏi hơn mình. Hãy tập trung vào việc “phá kỷ lục” của chính mình mỗi ngày. Thành công chỉ là một cuộc chiến giữa BẠN và BẢN THÂN BẠN mà thôi.

16. Đừng ghen tị với người khác

Ghen tị là hành động đếm các “điểm cộng” của người khác thay vì đếm các “điểm cộng” của mình. Hãy tự hỏi bản thân mình câu này: “Mình có điểm gì mà ai cũng mong có ?”

17. Đừng than vãn và tự thương hại bản thân

Các khó khăn xuất hiện trong cuộc sống đều có lý do riêng của chúng – nhằm hướng bạn theo một cung đường phù hợp cho bạn. Có thể khi khó khăn xuất hiện, bạn sẽ không nhận thấy hay không hiểu được điều đó, và có thể đó là một trải nghiệm khó khăn. Nhưng bạn hãy thử nghĩ về những khó khăn mình đã trải qua trong quá khứ mà xem, bạn sẽ thấy rằng, cuối cùng, chúng đã hướng bạn tới một địa điểm tốt hơn, trở thành một con người tốt hơn, có tâm trạng hay hoàn cảnh tích cực hơn. Vì thế, hãy cười lên, hãy cho mọi người thấy rằng bạn của ngày hôm nay mạnh mẽ gấp nhiều lần so với bạn của ngày hôm qua – và bạn sẽ là như thế.

18. Đừng giữ mãi những hằn học

Đừng sống với niềm oán ghét trong tim. Bạn sẽ khiến mình đau khổ hơn so với những gì mà người mà bạn căm ghét có thể làm với bạn. Tha thứ không phải là nói: “những gì anh đã làm với tôi là chấp nhận được”, mà là: “tôi sẽ không để hạnh phúc của mình bị hủy hoại vĩnh viễn bởi những gì anh đã làm với tôi”. Tha thứ là câu trả lời … hãy buông ra đi, hãy tìm kiếm sự thanh thản trong tâm hồn, hãy giải phóng bản thân bạn. Và hãy nhớ, tha thứ không chỉ vì người khác, mà còn vì chính bạn nữa đấy. Hãy tha thứ cho bản thân mình, hãy tiếp tục cuộc sống, và cố gắng làm tốt hơn trong tương lai.

19. Đừng để người khác kéo bạn xuống vị trí ngang bằng với họ

Đừng hạ thấp các tiêu chuẩn của mình để thích nghi với những người không chịu nâng cao các tiêu chuẩn của họ.

20. Đừng lãng phí thời gian giải thích bản thân cho người khác

Bạn bè của bạn sẽ không cần bạn phải giải thích gì cả, còn với kẻ thù, thì dù bạn có giải thích bao nhiêu họ cũng chẳng tin đâu. Hãy cứ làm những gì mà thâm tâm bạn biết là đúng.

21. Đừng miệt mài làm đi làm lại một việc mà không có “khoảng ngừng”

Thời điểm phù hợp để bạn hít một hơi thật sâu là khi bạn không có thời gian cho việc đó. Nếu bạn tiếp tục làm những gì mình đang làm, thì bạn sẽ tiếp tục nhận được những gì mà bạn đang nhận được. Đôi khi bạn cần phải tạo ra cho mình một khoảng cách để có thể nhìn nhận sự việc một cách rõ ràng.

22. Đừng bỏ qua điều kỳ diệu của những khoảnh khắc nhỏ nhoi

Hãy tận hưởng những điều nhỏ nhặt, bởi vì biết đâu một ngày nào đó, bạn sẽ ngoảnh nhìn lại để rồi nhận ra rằng chúng là những điều lớn lao. Phần tốt đẹp nhất trong cuộc sống của bạn sẽ là những khoảnh khắc nhỏ bé không tên khi bạn dành thời gian mỉm cười với ai đó quan trọng đối với bạn.

23. Đừng cố làm mọi thứ trở nên hoàn hảo

Thế giới thực không vinh danh những người cầu toàn, nó sẽ trao phần thưởng cho những người hoàn thành công việc.

24. Đừng đi theo con đường ít bị cản trở nhất

Cuộc sống không dễ dàng, nhất là khi bạn lên kế hoạch đạt được điều gì đó có giá trị. Đừng chọn con đường đi dễ dàng. Hãy làm điều gì đó phi thường.

25. Đừng hành động như thể mọi việc đều tốt đẹp trong khi thực tế không phải như vậy

Suy sụp một lát cũng không sao. Bạn không nhất thiết lúc nào cũng phải tỏ ra mạnh mẽ, và cũng không cần phải liên tục chứng minh rằng mọi việc đều diễn ra tốt đẹp. Bạn cũng không nên lo lắng về chuyện người khác đang nghĩ gì – hãy khóc nếu bạn cần khóc – điều đó cũng tốt cho sức khỏe của bạn mà. Càng khóc sớm, bạn càng sớm có khả năng mỉm cười trở lại.

26. Đừng đổ lỗi cho người khác về các rắc rối của bạn

Khả năng thực hiện được ước mơ của bạn tỉ lệ thuận với khả năng bạn tự nhận trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Khi trách cứ người khác vì những gì bạn đang trải qua, nghĩa là bạn đang chối bỏ trách nhiệm – bạn đang trao cho người khác quyền kiểm soát phần cuộc sống đó của mình.

27. Đừng cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người

Đó là điều không thể xảy ra, và nếu bạn cứ cố công làm như vậy, bạn sẽ kiệt sức mất thôi. Nhưng làm cho một người mỉm cười cũng có thể thay đổi cả thế giới. Có thể không phải là toàn bộ thế giới, mà chỉ là thế giới của riêng người đó thôi. Vì thế, hãy thu hẹp sự tập trung của mình lại.

28. Đừng lo lắng quá nhiều

Lo lắng sẽ không giúp giải thoát các gánh nặng của ngày mai, nhưng nó sẽ tước bỏ đi niềm vui của ngày hôm nay. Một cách để bạn có thể kiểm tra xem có nên mất công suy nghĩ về điều gì đó hay không là tự đặt ra cho mình câu hỏi này: “Điều này có quan trọng gì nữa không trong một năm tiếp theo ? Ba năm tiếp theo ? Năm năm tiếp theo ?”. Nếu câu trả lời là không, thì nó không đáng để bạn bận tâm đâu.

29. Đừng tập trung vào những gì bạn không mong muốn xảy ra

Hãy tập trung vào những gì bạn thực sự muốn xảy ra. Suy nghĩ tích cực là “tiền đồn” cho mọi thành công vĩ đại. Nếu mỗi sáng bạn thức dậy với tâm niệm rằng ngày hôm nay sẽ có điều tuyệt vời xảy ra trong cuộc sống của mình, và bạn để tâm chú ý, thì rồi thường là bạn sẽ nhận thấy rằng niềm tin của mình là đúng.

30. Đừng là người vô ơn

Dù bạn đang ở hoàn cảnh tốt đẹp hay tồi tệ, hãy thức dậy mỗi ngày với niềm biết ơn cuộc sống của mình. Ở nơi nào đó, người khác đang đấu tranh trong tuyệt vọng để giành giật lấy cuộc sống của họ. Thay vì nghĩ về những gì bạn không có, hãy nghĩ về những gì bạn đang có mà người khác không có.

Khôn - Dại

- Sưu tầm



Ở đời có dại mới có khôn
Chớ dại ngu si, chớ quá khôn
Khôn được ích mình, đừng để dại
Dại thì giữ phận, chớ tranh khôn
Khôn mà hiểm độc là khôn dại
Dại ấy hiền lành, ấy dại khôn
Chớ cậy mình khôn cười kẻ dại
Gặp thời dại cũng hoá nên khôn …
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Tôi đã từng đọc đâu đó câu nói: “Cái khôn của con người không phải tính bằng việc hơn thua bao nhiêu tuổi mà nó nhìn xoáy vào chiều sâu cảm nhận của mỗi người, cách nhìn sự việc và xử sự nơi cuộc sống. Có những kẻ sống gần trăm năm mà tưởng chừng như đã chết từ thuở lọt lòng”. Tôi không nhớ chính xác câu châm ngôn này nhưng quả thật nó ám ảnh tôi rất nhiều. Vì tôi cho rằng bất cứ ai cũng không muốn mình trở thành người dại. Nhưng để biết thế nào là “khôn” thì chẳng dễ dàng gì. Và sự ám ảnh trên không phải vì muốn thể hiện mình … “khôn”, mà cốt chỉ cố tránh sao cho đừng có “dại”, nghĩa là lại lấp lửng ở cái khoản “dại và khôn”.

Nói về Khôn Dại, Trần Tế Xương cũng có bài thơ sau:

Thế sự đua nhau nói dại khôn
Biết ai là dại, biết ai khôn ?
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn
Này kẻ nên khôn đều có dại
Làm người có dại mới nên khôn
Cái khôn ai cũng khôn là thế
Mới biết trần gian kẻ dại khôn
(Trần Tế Xương)

Khôn dại – Dại khôn cứ hư hư thực thực chẳng biết đâu mà lần. Nếu chúng ta đã sinh là con người bình thường thì tất nhiên sẽ có lúc khôn lẫn dại. Chỉ mong sao mình biết khôn đúng nơi và dại đúng chỗ là được. “Khôn nghề cờ bạc là khôn dại – Dại chốn văn chương ấy dại khôn”, há đúng là bậc tiền bối dạy chí phải: “Mấy kẻ quá khôn thường giả dại|Mấy người còn dại cứ làm khôn”.

Sala, hoa thiêng trước cổng chùa (3)

- Chùa A Di Đà

Phân biệt Sala, Vô Ưu, và Ngọc Kỳ Lân

Cây Sala là loại cây nguyên sinh ở Ấn Độ, còn cây Đầu Lân hay Hàm Rồng là cây nguyên sinh ở Nam Mỹ và ngày nay cũng được đem trồng khắp nơi.

Truyền thuyết kể rằng Đức Phật được mẹ, hoàng hậu Maya, sinh ra dưới gốc cây Vô Ưu, khi bà đang lên cơn đau thì một cành cây chìa ra cho bà nắm lấy. Còn nơi Đức Phật nhập Niết Bàn là một rừng cây Sala. Tại Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam và một số quốc gia Phật giáo thì cây Sala thường bị nhầm với cây Đầu Lân, cây Vô Ưu. Do đó tại các chùa chiền cũng thường trồng cây Đầu Lân.

Sala ...
Vô Ưu ...
Ngọc Kỳ Lân ...
Trong kinh điển Phật giáo, có ba loài cây thiêng liên quan đến cuộc đời của đức Phật đó là cây Vô Ưu (Saraca indica) khi Đức Phật đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni, cây Bồ Đề (Ficus religiosa, Bodhi) khi Đức Phật thành đạo tại Bồ Đề Đạo Tràng, và cây Sala khi Đức Phật nhập Niết Bàn tại Câu Thi Na. Vì thế ngày nay, ngoài cây Bồ Đề, cây Sala cũng được trồng tại các khuôn viên của các chùa.

Sala (Ta-la) có nhiều tên gọi: Sa la, Sal, Shorea robusta, là một loại cây tìm thấy ở Ấn Độ, miền Nam dãy núi Hy Mã Lạp, và về sau được trồng nhiều nơi ở Nam Á và Đông Nam Á. Cây Sala là loại cây nguyên sinh ở Ấn Độ, còn cây Đầu Lân hay Hàm Rồng là cây nguyên sinh ở Nam Mỹ và ngày nay cũng được đem trồng khắp nơi. Sự nhầm lẫn lộn này bắt nguồn từ thế kỷ XVII khi người Bồ Đào Nha đem giống cây Hàm Rồng trồng tại nhiều nơi ở đảo Tích Lan (Sri Lanka). Từ đó, giống cây Hàm Rồng này được trồng tại nhiều chùa ở Tích Lan và các chùa trong vùng Đông Nam Á.

Nếu gặp một người u Mỹ rành về cây cối, khi nhìn hoa Đầu Lân, họ sẽ nói ngay đó là cây Canonball, nhất là những người sống ở Nam Mỹ, bởi cây Đầu Lân có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Và những người Ấn Độ đều biết rành cây Sala, họ gọi là “Sal tree”, vì loại cây đó được trồng thành rừng, có thân thẳng, thịt gỗ cứng, rất thích hợp cho việc xây dựng và đóng bàn ghế.

Cây Sala

Cây Sala có tên gọi khác là Tha-la. Tên khoa học là Shorea robusta. Tên thông dụng trong tiếng Anh là Shala hay Sal. Cây Sala có nguồn gốc từ vùng tiểu lục địa Ấn Độ, vùng phía nam dãy núi Himalaya từ Myanmar đến Nepal, Ấn Độ và Bangladesh. Có nhiều vùng rừng Sala rất lớn ở các khu vực này.

Sala là loài cây sinh trưởng trung bình cho đến chậm. Nó có thể đạt chiều cao 30-35m, đường kính thân cây lên đến 2.5m. Lá dài 10-25cm và rộng 5-15cm. Ở vùng ẩm ướt Sala xanh lá quanh năm, cây Sala phân bố ở vùng khô thì rụng lá vào thời gian khoảng từ tháng Hai đến tháng Tư và ra lá trở lại vào tháng Tư đến tháng Năm.

Nhiều người nhầm lẫn Sala và Vô Ưu với một loài cây khác là Ngọc Kỳ Lân. Ngoài nhầm lẫn về tên gọi người ta còn nhầm lẫn về truyền thuyết liên quan đến nó. Người ta cho rằng Sala, Vô Ưu và Ngọc Kỳ Lân cùng chỉ đến một loài cây và là cây được hoàng hậu Maya, mẹ của Đức Phật nắm lấy khi sinh Ngài, đồng thời cũng là loài cây bên Đức Phật lúc Ngài nhập Niết Bàn. Thực chất cây Ngọc Kỳ Lân là một cây hoàn toàn khác.

Cây Vô Ưu

- Tên gọi khác: Vàng anh lá bé
- Tên khoa học: Saraca Asoca (đồng nghĩa: Saraca indica)
- Tên tiếng Anh: Ashoka tree

Vô Ưu sống ở rừng mưa, có nguồn gốc từ trung tâm của cao nguyên Deccan và vùng ven biển Ấn Độ. Cây Vô Ưu được ưa chuộng vì tán lá đẹp, hoa đẹp mọc thành chùm và tỏa hương thơm. Cây Vô Ưu hoang dã dễ bị tổn thương nên càng trở nên hiếm hơn trong môi trường sống tự nhiên của nó.

Cây Ngọc Kỳ Lân

- Tên gọi khác: Hàm Rồng, Cây Đầu Lân
- Tên khoa học: Couroupita Guianensis
- Tên tiếng Anh: Cannonball tree

Cây Ngọc Kỳ Lân phổ biến trong khu rừng tân nhiệt đới, đặc biệt là ở lưu vực sông Amazon, nó có nguồn gốc ở Guyana (Nam Mỹ). Ngày nay cây này có thể tìm thấy ở Ấn Độ, miền Nam dãy núi Himalaya, và về sau được trồng nhiều nơi ở Nam Á và Đông Nam Á.

Cây Ngọc Kỳ Lân là một loại cây thân gỗ, cây có thể cao tới 30-35m. Hoa ra từ thân cây, suốt từ gốc lên, chùm hoa dài ra liên tục có thể tới 3m. Quả lớn tròn to, đường kính quả 15-24cm, kích cỡ như quả đạn đại bác thời xưa, do đó có tên gọi Cannon-ball. Nhân giống bằng cách gieo hạt. Từ khi gieo hạt, cây cần khoảng bốn năm để có thể ra hoa. Hoa có mùi thơm dễ chịu trong khi quả chín lại có mùi thối.

Sala, hoa thiêng trước cổng chùa (2)

- Sưu tầm

Trong kinh Phật, có hai loại cây được xem là linh thiêng và thường được nhắc đến nhiều là cây Bồ Đề và cây Sala. Dưới gốc cây Bồ Đề, thái tử Tất Đạt Đa giác ngộ thành Phật sau 49 ngày đêm thiền định. Dưới cây Sala ở vườn Lâm Tì Ni (Lumbini), Đức Phật đản sinh và Ngài cũng nhập diệt dưới cây Sala tại Câu Thi La (Kusinara).

Một ngày nào đó, bạn bớt chút thời gian thử tìm ngắm cây và hoa Sala. Nó đẹp lắm và người ta có thể suy ngẫm nhiều điều. Ở Việt Nam, đạo Phật đã thấm sâu vào cuộc sống. Dù nhiều người khai trong lý lịch là không tôn giáo nhưng vẫn tin và làm theo những triết lý và quy tắc Phật giáo. Ngày nay trong thế giới phẳng của toàn cầu hóa với những bầy thú điện tử, con người ta quay cuồng vì tiền bạc và địa vị. Nhưng người ta vẫn cần dành chút thời gian để quay về với cuộc sống hàng ngày, vẫn cần quan tâm đến những điều tưởng như nhỏ nhoi, vẫn cần lắm những đức tin về cuộc sống, cần phải đối xử công bằng với cỏ cây muông thú. Nhớ tới cây Sala nơi Phật sinh ra, cũng như là nhớ tới mảnh đất chôn rau cắt rốn. Nhớ tới cây Sala - nơi Phật mất đi, cũng là nhớ tới quy luật sinh tồn tái tạo. Nhớ để duy trì bản sắc dân tộc, tạo sự trường tồn của nền văn hóa Việt.

I. Giới thiệu

Sala tên khoa học là Couroupita guianensis Mart. ex Berg, họ Lộc vừng Lecythidaceae, bộ Sim Myrtales, trong tiếng Anh thường gọi là Cannonball Tree. Ở Việt Nam, cây Sala còn gọi là cây Đầu Lân, Hàm Rồng. Giới chơi cây cảnh gọi là Ngọc Kỳ Lân. Cây phổ biến trong khu rừng tân nhiệt đới, đặc biệt là ở lưu vực sông Amazon. Nó có nguồn gốc ở Guyana (Nam Mỹ). Ngày nay cây này có thể tìm thấy ở Ấn Độ, miền Nam dãy núi Hy Mã Lạp, và về sau được trồng nhiều nơi ở Nam Á và Đông Nam Á.

Ở miền Nam Việt nam, cây được trồng ở các chùa như Xá Lợi, Vĩnh Nghiêm, ở Vương quốc Cambodia, cây được trồng trong hoàng cung ... Có một cây Sala to ở khu du lịch Bình Quới - Thanh Đa, gốc to tới mấy người ôm. Hoa Sala thường được nhắc tới trong kinh Phật. Có tác giả nghiên cứu Phật giáo còn gọi Sala là hoa Vô Ưu. Tán cây Sala rậm rạp, hoa Sala rất đẹp, những cánh hoa rất dầy, hoa nhìn cứ là lạ như là hoa của loài cây thời khủng long còn sót lại. Khi kết trái, trái Sala chín rất hôi, và khi nó chín nẫu và nồng nặc thì lúc ấy hạt mới đủ già để mọc thành mầm cây mới. Đó cũng là qui luật sinh diệt mà nhà Phật dùng cây Sala để tượng trưng.

Sala là một loại cây thân gỗ, cây có thể cao tới 30-35m. Hoa Sala ra từ thân cây, suốt từ gốc lên, chùm hoa dài ra liên tục có thể tới 2-3m, quả lớn tròn to đường kính quả 15-24cm, có 200-300 hạt trong một quả. Quả cây Sala có tính kháng sinh, kháng nấm, sát khuẩn và có tác dụng giảm đau. Cây được sử dụng để chữa bệnh cảm lạnh và đau dạ dày. Nước uống làm từ các lá được sử dụng để chữa bệnh da. Bên trong quả có thể khử trùng vết thương và lá non chữa đau răng ...

II. Ý nghĩa

Cây Sala là nơi Đức Phật sinh ra. Theo tục lệ, khi chuẩn bị đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, Hoàng Hậu Maya cùng với đoàn tùy tùng về nhà cha mẹ để sinh. Dọc đường, bà dừng chân nghỉ dưới gốc một cây Sala ở khu rừng Lumbini, ngoại thành Kapilavatthu, thuộc nước Nepal ngày nay. Cơn đau sinh ập đến, bà tìm nơi bấu víu và cây liền nghiêng nhánh xuống cho bà vịn. Hoàng Hậu vừa vin cây thì cậu bé Siddharta ra đời và sau này tu luyện trở thành Đức Phật. Hình ảnh cây Sala vươn nhánh xuống cho hoàng hậu vịn trong lúc sinh hạ mang rất nhiều ý nghĩa.

Khi biết mình sắp viên tịch, Phật hành trình đến đền Càpàla, xứ Vesàli làm lễ, rồi di chuyển thêm một lộ trình khá dài đến tiếp Kusinàra. Mặc dù bị bệnh khá nặng nhưng Phật vẫn kiên quyết đi bộ, vượt sông đến rừng Sala, xứ Kusinàra. Đoạn đường này dù chỉ có chừng 9km nhưng Phật phải đi mất khoảng 3 tuần, dừng nghỉ đến 25 lần vì bệnh và mệt.

Kinh Đại Bát Niết Bàn (Trường Bộ I), Phật dạy: “Đây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết bàn, này Ananda, đó là Thánh tích, người thiện tín cần chiêm ngưỡng và tôn kính”. Như vậy, đến Kusinàra để nhập diệt là mục đích của Phật. Ngay cả Tôn giả Ananda cũng ngạc nhiên, thắc mắc về việc này: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn chớ có diệt độ tại đô thị nhỏ bé, hoang vu và phụ thuộc này. Bạch Thế Tôn, có những đô thị khác to lớn hơn như Campà (Chiêm Bà), Ràjagaha (Vương Xá), Sàvatthi (Xá Vệ) …, Thế Tôn hãy diệt độ tại những chỗ ấy”. Cũng nhờ sự thắc mắc này, Thế Tôn giải thích rằng, sở dĩ chọn Kusinàra để diệt độ vì đây là nơi Ngài đã xả bỏ thân mạng trong quá khứ. “Ta đã từng sáu lần làm Chuyển luân Thánh vương và bỏ xác tại đây, nay Ta thành Vô thượng Chánh giác lại cũng muốn bỏ xác tại đây” (Kinh Du Hành, Trường A Hàm I; Kinh Đại Thiện Kiến Vương, Trung A Hàm II). Theo Ngài Narada, “Đức Phật chọn Kusinàra để nhập diệt vì ba lý do. Lý do đầu tiên là để thuyết bài pháp Mahàsudasana Sutta nhằm khuyến khích đời sống đạo hạnh. Thứ nhì là để dẫn dắt Subhadda, người đệ tử cuối cùng của Ngài, vì ngoài Đức Phật ra không ai có thể cảm hóa vị này được. Thứ ba là để cho vị Bà-la-môn Dona có thể phân chia Xá lợi của Ngài một cách êm thắm giữa những người sùng mộ Ngài” (Đức Phật và Phật pháp, tr.225).

Kinh Đại Bát Niết Bàn ghi, khi đến Kusinàra, vào trong rừng Sala, Ngài nằm đầu hướng về phương Bắc, giữa hai cây Sala song thọ. Lúc bấy giờ, Sala song thọ nở hoa trái mùa, tràn đầy cành lá. Những đóa hoa này rơi xuống, tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài.

Theo kinh Đại Bổn Duyên, Trường A Hàm I, cội Sala là Đạo tràng chứng đắc Vô thượng giác của Đức Phật Tỳ Xá Bà. Kinh điển cũng ghi rằng, khu rừng Sala nơi Thế Tôn nhập diệt vì đau thương sầu thảm, khô héo và mang màu trắng như chim hạc, nên còn gọi là Hạc lâm. Đặc biệt là bốn cây Sala song thọ gần nơi sàng tọa của Phật nằm lúc nhập diệt, mỗi cây chỉ có một nhánh khô héo, chuyển sang màu trắng, cành lá hoa quả đều rơi rụng nhưng nhánh kia vẫn xanh tốt. Bốn cây này được gọi là tứ khô tứ vinh thọ (bốn cây, mỗi cây có một nhánh sống và một nhánh chết). Song thọ ở phương Đông tượng trưng cho Thường và Vô Thường; song thọ ở phương Tây tượng trưng cho Ngã và Vô Ngã; song thọ ở phương Nam tượng trưng cho Lạc và Bất Lạc; song thọ ở phương Bắc tượng trưng cho Tịnh và Bất Tịnh (Đại Niết Bàn kinh sớ, quyển 1). Chính hình ảnh của bốn cây Sa la “không phải sống mà cũng không phải chết” này đã nói lên sự thị hiện Niết bàn “sanh nhi bất sanh, diệt nhi bất diệt” của Thế Tôn. Niết bàn là vô sanh, bất diệt giữa muôn trùng sanh diệt. Bốn nhánh Sala còn xanh tốt trong màu trắng tang thương của Hạc lâm biểu trưng cho bốn đức Niết bàn. Chính giữa vô thường biến chuyển mới làm sáng tỏ cái chân thường, vạn pháp không đối lập mà dung nhiếp, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Vì vậy mà Thế Tôn đã chọn rừng Sala làm nơi nhập diệt.

Như vậy, Sala là cây thiêng (linh thọ) trong Phật giáo, giống như cây Bồ Đề. Lúc ngài Huyền Trang đến Kusinàra chiêm bái, rừng Sala chỉ còn bốn cây, hiện nay còn hai cây là những chứng tích thiêng liêng. Do đó, trồng cây Sala để ngưỡng vọng Thế Tôn, hướng về Thánh tích, thú hướng Niết bàn là chuyện nên làm. Quan niệm Sala là cây “diệt pháp” và không nên trồng là hoàn toàn thiển cận và sai lạc.

Sala, hoa thiêng trước cổng chùa (1)

- Sưu tầm

Đã nghe nhiều về hoa Sala (hoa Vô Ưu), nhưng khi tận mắt nhìn thấy, trong tâm bỗng khởi lên niềm hoan hỷ lạ kỳ ...

Cây Sala thường được dịch là cây Vô Ưu. Cây hoa này có khá nhiều tên gọi khác: Sal, Shorea Robusta, Tha La, hoa đầu Lân, cây Ngọc Kỳ Lân hay Hàm Rồng …

Nếu như trong Phật Giáo Đại Thừa, cây Bồ Đề giữ vị trí hết sức quan trọng, thì Sala mang ý nghĩa thiêng liêng đối với Phật giáo nguyên thủy (Nam tông), gắn liền với những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca.
Trước kia, Sala thường trồng trong các sân chùa Nam tông ở Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào và một số chùa Khmer Nam bộ của Việt Nam. Ngày nay, trong các ngôi chùa Mật tông cũng trồng loại cây này.

Sala là cây thân gỗ cứng, tên khoa học là Couropita Guianensis, thuộc họ dầu (Dipterocarpaceae). Sala có thể mọc cao lên đến 15m, hoa chỉ mọc từ thân chính, có màu cam lẫn đỏ thắm và hồng, và mọc thành chùm trên cọng dài có khi tới 3m. Sala trổ hoa quanh năm, nhưng trong các tháng 2 đến 5, hoa có màu sắc rực rỡ nhất. Hoa có mùi thơm dịu, nhưng vào thời khắc chiều tối, mùi thơm toả ra mạnh hơn rất nhiều. Khi hoa tàn, quả Sala sẽ lớn dần, to tròn, có màu xám, mùi hắc khó ngửi, bên trong chứa 4 đến 8 hạt, hình cầu. Khi lõi bên trong quả thối đi, người ta mới có thể bổ lấy hạt trồng thành cây. Quá trình này diễn ra đúng theo quan niệm phồn thực về sinh, diệt và tái tạo trong Ấn Độ giáo.

Chùm hoa nhìn giống với rắn thần (naga), mỗi bông là đầu và miệng phùng mang che phần nhụy chính giữa có hình một lingam của thần Shiva và nhiều shivalingam nhỏ bao quanh, nên được gọi là Nagalingam hay “hoa Shivalingam”. Cũng vì hình tượng này, mà nhìn chùm hoa, ta dễ liên tưởng đến con rắn hổ mang chín đầu, phùng mang để bảo vệ Đức Phật trong lúc ngài nhập định liên tục trong 49 ngày, dưới cội cây Bồ Đề. Hoa Sala có mùi rất thơm, hương tỏa xa thanh thoát, được xem là loài hoa Vô Ưu, Sala nở rộ tượng trưng cho Phật Pháp (Dharma), và Đức Phật cuối cùng đã chọn giữa bóng hai cây này (song thọ) để nằm nghỉ và đi vào Niết Bàn.

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn có kể rằng, trên đoạn đường cuối cùng trong chuyến vân du về Câu Thi Na (Kushinagara) cùng với A Nan Đa - vị thị giả của mình, Đức Phật bảo: “Này A Nan Đa, ta cảm thấy mệt mỏi quá và muốn nằm nghỉ, hãy trải tấm tọa cụ ra giữa hai cây Sala, đầu hướng về phương Bắc”. Khi Ngài vừa nằm xuống, bỗng hai cây sala nở hoa rực rỡ, thơm ngát, mặc dù lúc đó không phải là mùa ra hoa, như để tiễn đưa đấng Đạo Sư về cõi Niết Bàn, về với cảnh giới Chân Như muôn thuở …

Do hoa Sala thường được dịch là hoa Vô Ưu, nên thực tế có vẻ như có sự lẫn lộn với loài hoa Ưu Đàm - loài hoa vốn được coi là 3.000 năm mới nở một lần. Cho đến nay, các tư liệu về hoa Sala - hoa Sala ở Việt Nam thường được dịch là Ưu Đàm - Vô Ưu, xuất hiện khá nhiều. Thậm chí đã có những nghiên cứu cụ thể, rất kỹ lưỡng về loài hoa này, từ thân, lá, hoa, quả. Riêng về hoa Ưu Đàm, có rất ít các tư liệu, nhất là hình ảnh nói tới. Nhiều người cho rằng, bản thân các nhà khoa học trên thế giới không đủ khả năng khẳng định hoa Ưu Đàm là hoa gì, cân nặng bao nhiêu, kích cỡ thế nào. Bởi lẽ, Ưu Đàm thiên tạo, là hoa lạ lùng nhất, độc đáo nhất. Truyền thuyết, 3.000 năm hoa Ưu Đàm mới nở một lần, tương ứng với 3.000 năm có một vị Phật ra đời tại thế. Cũng vì chưa ai từng thấy, chưa ai dám khẳng định là loài hoa có thật, hay chỉ trong truyền thuyết ...