V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Hope

- Anonymous



Never let go of hope. One day you’ll see that it all has finally come together. What you have always wished for has finally come to be. You’ll look back and laugh at what has passed, and you’ll ask yourself …

“HOW DID I GET THROUGH ALL OF THAT ?”

Không có tình huống nào vô vọng

- Nguồn: Steve Goodier
- Thục Hân dịch

Có một “truyền thuyết hiện đại” rất tuyệt vời không biết xuất phát từ đâu, nhưng rất nhiều người đã nhận được. Đó là câu chuyện kể về một anh chàng cố gắng để giành được công việc là trợ giảng cho giáo sư trong một trường Đại Học. Thật không may, hồ sơ của anh ta bị từ chối. Thế là anh ta viết hồi âm như sau:

Gửi: Giáo sư Herbert A. Millington
Giám đốc - Ủy ban Nghiên cứu ĐH Whitson
College Hill, MA 34109

Giáo sư Millington kính mến,

Cảm ơn ông vì bức thư ông đã gửi cho tôi ngày 16/3. Sau khi cân nhắc cẩn thận, tôi lấy làm tiếc phải thông báo với ông rằng tôi không thể chấp nhận việc ông từ chối giao cho tôi vị trí trợ giảng trong khoa của ông. Năm nay tôi đã đặc biệt may mắn trong việc nhận được một số lớn – lớn một cách bất thường – những lá thư từ chối. Với rất nhiều “ứng cử viên từ chối” đa dạng và đầy hứa hẹn như vậy, tôi thật không thể chấp nhận tất cả mọi lời từ chối đó được. Tôi biết trường Whitson nổi tiếng về những tiêu chuẩn khắt khe và đầy kinh nghiệm trong việc từ chối các ứng viên, tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng lời từ chối của ông không phù hợp với nhu cầu của tôi vào thời điểm này. Do đó, tôi sẽ nhận vị trí trợ giảng trong khoa của ông, bắt đầu từ Tháng 8 tới. Tôi rất nóng lòng được gặp ông vào lúc đó. Chúc ông may mắn hơn khi từ chối những ứng viên trong tương lai.







Kính thư,

Chris L. Jensen


Có câu nói rằng, hãy nhìn xem phải cần những gì mới khiến một người nản chí, thì anh sẽ biết người đó lớn lao đến mức nào. Nếu câu đó là đúng, thì anh chàng trong câu chuyện nói trên hẳn là khổng lồ. Tôi cũng có thể nói điều tương tự về một cậu bé, mà thực ra, không to lớn lắm. Nhưng rất khó để khiến cậu ấy nản chí, cho nên cậu ấy đã chứng minh rằng cậu ấy có một người khổng lồ ở bên trong.

Khoảng 40 năm trước, khi mới 11 tuổi, Morgan Rowe đã mất cánh tay trái và hầu hết chức năng của cánh tay phải. Bi kịch này xảy ra khi cậu bị ngã khỏi một chiếc máy kéo tại công ty của bố mình ở Valdosta (bang Georgia) và bị chiếc máy khổng lồ kéo lê đi. Cánh tay trái của Morgan bị nghiền nát còn cánh tay phải cũng bị thương nặng. Cậu bé Morgan được cho ra viện sau ba tháng rưỡi điều trị. Việc đầu tiên mà cậu bé đặt mục tiêu để làm là giúp bố mẹ trả các hóa đơn viện phí, tổng cộng lên tới 30.000 đôla. Hồi đó thì khoản tiền này có giá trị lớn hơn bây giờ nhiều. Đối với một cậu bé 11 tuổi, để hoàn thành một nhiệm vụ như vậy, thì tình huống này có vẻ như vô vọng.

Trong suốt 5 năm liền, Morgan hì hụi đi dọc các con phố khắp nơi để nhặt chai, hộp, lon rỗng. Cậu nhặt được hàng ngàn chiếc lon, ngoài ra cậu còn đi giao báo. Cậu không bao giờ từ bỏ hy vọng. Ban đầu, cậu trả xong được hóa đơn tiền xe cấp cứu là 455 đôla. Sau đó cậu đưa thêm được cho bố mẹ 2.500 đôla để trả một phần viện phí. Vẫn còn cả một chặng đường dài cho Morgan, mặc dù bố mẹ cậu đã gom góp được thêm 9.000 đôla để trả nợ. Nhiều người bắt đầu nghe nói đến cậu bé đầy nghị lực này, và cuối cùng, có thêm khoảng 2.000 khoản quyên góp nữa được gửi đến cho cậu, tổng cộng là 25.000 đôla. Tiền viện phí được trả đầy đủ. Morgan để riêng phần tiền thừa để sau này đóng tiền học.

Rồi sao nữa ? Mặc dù mọi khoản nợ đã được trả, nhưng Morgan vẫn tiếp tục dự án của mình, cậu tiếp tục để dành tiền để có thể giúp đỡ người khác. Người ta đã quên nói cho cậu bé này rằng cậu bị thương quá nặng, không thể làm nổi những công việc như thế đâu. Người ta cũng đã quên nói với cậu rằng hoàn cảnh của cậu là vô vọng rồi. Vì người ta đã quên nói, nên cậu bé Morgan đã không nhận ra rằng một cậu bé 11 tuổi với đôi tay thương tật sẽ không bao giờ có thể trả được khoản tiền viện phí lớn đến thế.

Nhà cải cách Martin Luther từng nói: “Tất cả mọi điều được làm trên thế giới này, đều được làm bởi những người có hy vọng”. Còn nghệ sĩ Dinah Shore thì nói: “Không có tình huống vô vọng – chỉ có những con người vô vọng về các tình huống mà thôi”. Có lẽ Morgan Rowe đã biết điều đó.

Không ai trẻ và khỏe mãi được. Hoàn cảnh sống của mỗi người cũng có thể thay đổi chỉ trong một khoảnh khắc. Sức khỏe có thể rời bỏ chúng ta và chúng ta cũng có thể mất đi những người rất quan trọng trong đời mình. Nhưng không có tình huống nào vô vọng. Nên, bạn đừng dễ dàng từ bỏ hy vọng của mình, ngay cả khi mọi thứ dường như đều u ám. Không có hy vọng, thì bạn chắc chắn thua cuộc. Nhưng với hy vọng, thì hẳn rằng bất kỳ tình huống nào cũng có thể có giải pháp, theo cách này hay cách khác.

Sống nhẹ nhàng

- Thích Tánh Tuệ



Sống giản đơn bình dị
Cho cuộc đời thảnh thơi
Sống vô cầu, an vui
Để tâm hồn nhẹ nhõm

Sống lo âu thấp thỏm
Tóc bạc trước khi già
Sống nhẹ nhàng, cho qua
Biết buông là hạnh phúc

Sống biết điều đôi chút
Đi khuất, người nhớ tên
Sống lẽ đẹp nhìn lên
Để biết cần phấn đấu

Sống “yêu” mà không “dấu”
Lồng ngực tròn trái tim
Sống đôi lúc lặng im
Trọn ngắm nhìn sự thật

Sống không cần tất bật
Vì đất gọi, về không
Chỉ vun xới, ươm trồng
Một loài hoa Bi Trí

Sống nụ cười hoan hỉ
Trân quý còn có nhau
Sống như thuở ban đầu
Mãi về sau hạnh phúc

Sống giữa nghìn trong đục
Tinh khiết đời đóa sen
Mở lòng đến vô biên
Là sống thiền, giải thoát

Đạo tràng đầu tiên

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương XIII, Thích Nhất Hạnh



Hai thầy trò đi như thế cho đến khi trời rạng sáng thì vượt khỏi biên giới vương quốc Sakya. Trước mặt họ là con sông Anoma. Hai thầy trò cho ngựa đi dọc theo bờ sông kiếm chỗ nước cạn để vượt qua bên kia sông. Qua bên kia sông, họ đi thêm một chặng đường nữa thì ngừng lại.

Trước mặt dàn trải một khu rừng. Thấp thoáng trong rừng có bóng một con nai đi qua. Chim chóc bay quanh không hề biết sợ hãi. Siddhatta nhảy xuống ngựa. Chàng mỉm cười đưa tay vuốt bờm con Kanthaka:

- Kanthaka, con giỏi lắm. Con đã giúp ta tới được nơi đây, ta cảm ơn con.

Con ngựa quý nghểnh cổ nhìn chàng. Siddhatta rút thanh kiếm đeo bên yên ngựa. Với tay trái, chàng nắm mớ tóc mây, và với tay mặt đang cầm kiếm chàng cắt ngang mái tóc. Channa đã xuống ngựa. Chàng đưa mớ tóc và thanh kiếm cho Channa. Rồi chàng cởi tràng ngọc đang đeo trên cổ ra:

- Channa ơi, anh hãy đem chuỗi ngọc, thanh kiếm và mớ tóc này về cho phụ vương ta. Anh thưa với Ngài là Ngài hãy có đức tin nơi ta. Ta bỏ nhà ra đi như thế này không phải vì ta ích kỷ, vì ta trốn tránh bổn phận. Ta đi vì mọi người và mọi loài. Anh hãy an ủi phụ vương dùm ta. Anh hãy an ủi hoàng hậu. Anh hãy an ủi Yasodhara. Ta nhờ anh ...

Channa tiếp lấy chuỗi ngọc, hai dòng nước mắt chảy ròng ròng:

- Điện hạ ơi, mọi người chắc là sẽ khổ lắm. Con chẳng biết sẽ ăn nói ra sao với hoàng đế, với hoàng hậu và với lệnh bà Yasodhara. Điện hạ ơi, làm sao mà điện hạ có thể sống được trong rừng và ngủ dưới gốc cây như những ông thầy tu khổ hạnh ? Điện hạ từ xưa tới nay chỉ quen với nệm ấm chăn êm trong cung vàng điện ngọc.

Siddhatta mỉm cười:

- Anh đừng lo. Người khác sống như thế nào thì ta cũng sẽ sống được theo như thế ấy. Channa ơi ! Thôi anh về đi, về để kịp báo tin cho những người thân, kẻo họ sốt ruột. Hãy để ta ở lại đây một mình.

Channa đưa tay chùi nước mắt:

- Xin điện hạ cho con ở lại đây để hôm sớm hầu hạ Ngài. Xin điện hạ ra ơn làm phúc, xin đừng bắt con trở về mang cái tin dữ này về cho những người mà con kính yêu.

Siddhatta vỗ vai người hầu cận, giọng chàng nghiêm nghị:

- Này Channa ! Anh biết là ta cần anh trở về báo tin cho những người thân thuộc. Nếu anh thực sự thương ta thì anh nghe lời ta. Ta không cần anh ở đây. Người xuất gia tu hành đâu có cần tới kẻ hầu cận. Ta cần anh về với những người thân thuộc. Thôi anh về đi !

Channa miễn cưỡng vâng lời. Chàng trân trọng cất mớ tóc và chuỗi ngọc trong áo, và treo thanh gương vào trên yên con Kanthaka, rồi chàng đưa cả hai tay nắm lấy cánh tay Siddhatta:

- Con xin nghe lời điện hạ, nhưng xin điện hạ thưong con, thương mọi người, xin điện hạ đừng quên trở về ngay sau khi tìm ra được đạo.

Siddhatta gật đầu. Chàng mỉm cười nhìn Channa với một cái nhìn khuyến khích. Chàng vỗ đầu Kanthaka:

- Kanthaka, con về nhé.

Channa cầm lấy dây cương của con Kanthaka và leo lên lưng ngựa của mình. Con Kanthaka nghểnh cổ nhìn Siddhatta một lần chót trước khi quay gót. Hai mắt nó cũng ướt như hai mắt của người dắt nó.

Đợi cho Channa và hai con ngựa đi khuất rồi Siddhatta mới ngoảnh mặt về phía rừng. Chàng đã đi vào cuộc sống lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu. Khu rừng này sẽ là nhà của Siddhatta hôm nay. Một cảm giác thoải mái và tự tại phát sinh trong chàng. Vừa lúc ấy có một người từ trong rừng đi ra. Thoạt nhìn, Siddhatta tưởng rằng đó là một vị sa-môn, bởi vì người này khoác một cái áo màu chàm, thường là màu áo của người ẩn tu, nhưng nhìn kỹ Siddhatta thấy tay người ấy cầm cung và lưng người ấy đeo một bó tên.

- Anh là thợ săn phải không ? - Siddhatta hỏi.

- Vâng, người ấy trả lời.

- Anh là thợ săn, vậy tại sao anh mặc áo sa-môn ?

Người thợ săn mỉm cười:

- Tôi có khoác áo này thì bọn thú rừng mới không sợ. Nhờ đó tôi mới dễ dàng bắt chúng.

Siddhatta lắc đầu:

- Như vậy là anh lợi dụng lòng thương của người tu hành rồi. Anh có muốn tôi đổi cái áo này của tôi cho anh không ?

Người thợ săn nhìn Siddhatta. Chiếc áo mà người đối diện mình đang mặc là một chiếc áo trị giá ngàn vàng.

- Ông muốn đổi thật không - người thợ săn hỏi lại.

- Thật chứ sao không, Siddhatta mỉm cười. Có cái áo này, anh có thể đem bán làm vốn để tìm một nghề khác làm ăn mà khỏi phải đi săn, còn tôi, tôi muốn làm sa-môn cho nên tôi cần cái áo của anh.

Người thợ săn mừng rỡ. Hai người đứng ở cửa rừng cởi áo và đổi áo cho nhau. Người thợ săn được áo, hấp tấp đi ngay. Siddhatta trong chiếc áo mới đã có dáng dấp một vị sa-môn. Chàng bước vào rừng. Tìm một gốc cây, chàng ngồi xuống tĩnh tọa lần đầu trong cuộc sống không nhà không cửa.

Sau một ngày dài ở trong cung và một đêm thâu trên lưng ngựa, giờ đây Siddhatta cảm thấy thoải mái lạ thường trong tư thế thiền tọa. Chàng ngồi như để nghỉ ngơi và nuôi dưỡng cảm giác thảnh thơi mà chàng đã nếm được khi mới bước vào rừng. Nắng đã lên cao, một tia nắng xuyên qua được rừng cây và đến đậu trên mí mắt Siddhatta. Chàng mở mắt. Trước mặt Siddhatta hình như có người. Chàng ngửng lên và thấy một vị sa-môn đang đứng ngắm chàng. Vị sa-môn này khuôn mặt khắc khổ, thân hình gầy ốm, Siddhatta đứng dậy chắp tay chào hỏi. Chàng cho vị sa-môn biết là chàng vừa mới bỏ nhà đi làm sa-môn, nhưng chưa có dịp được một vị đạo sư nào thu nhận cả. Chàng nói chàng có ý định về miền Nam để tìm tới đạo tràng của đạo sư Alara Kalama để thụ giáo. Vị sa-môn cho Siddhatta biết là ông đã từng tu học dưới sự chỉ dẫn của đạo sĩ Alara Kalama. Ông cho biết hiện thời đạo sĩ đang mở đạo tràng ở phía Bắc thành phố Vesali, và dạy trên bốn trăm vị đệ tử. Ông biết đường đi về đạo tràng này và sẵn sàng đưa Siddhatta tới đó.

Chàng theo vị sa-môn vượt khu rừng già rồi theo một con đường mòn lên một ngọn đồi để đi tới một khu rừng già khác. Đi như vậy tới trưa. Vị sa môn bảo Siddhatta ngừng lại. Rồi ông ta rủ Siddhatta cùng đi tìm hái những trái rừng và những đọt lá rừng để hai người ăn cho đỡ đói. Siddhatta hỏi để biết tên của những trái cây rừng và những đọt lá rừng này. Vị sa-môn cho biết nhiều khi phải đi đào những rễ cây để ăn nếu không hái được trái và lá. Biết rằng mình phải sống lâu ngày trong rừng núi, Siddhatta ghi nhớ kỹ lưỡng những lời chỉ dẫn của vị sa-môn.

Siddhatta được biết rằng vị sa-môn này tu theo lối khổ hạnh, chỉ sống bằng trái rừng, đọt cây và rễ cây. Ông tên là Bhargava. Vị này cho biết rằng các vị sa-môn tu theo đạo sĩ Alara Kalama không theo lối khổ hạnh bởi vì họ cũng đi khất thực hoặc nhận thực phẩm của dân cư các vùng lân cận đem đến cúng dường.

Chín hôm sau, hai người tới Anupiya rồi đi dần về phía đạo tràng của đạo sĩ Alara Kalama. Đạo tràng này được thiết lập trong một khu rừng. Họ đến vừa lúc đạo sĩ Alara đang giảng đạo cho các đệ tử. Hơn bốn trăm người đang vây quanh. Đạo sĩ Alara tuổi chừng bảy mươi. Người ông gầy yếu nhưng mắt ông còn sáng và giọng ông ngân vang như tiếng chuông đồng. Siddhatta và người bạn đồng hành đứng chờ bên ngoài vòng và lắng nghe hết những lời giảng dạy. Buổi giảng dạy chấm dứt, mọi người đi tứ tán trong rừng để thực tập. Siddhatta tiến tới làm lễ đạo sĩ Alara, tự giới thiệu mình, rồi cung kính nói:

- Bạch thầy, xin thầy cho phép con được gia nhập vào đoàn thể các vị sa-môn ở đây và tu học dưới sự hướng dẫn của thầy.

Đạo sĩ chăm chú ngồi nghe Siddhatta, ngắm nhìn chàng hồi lâu và tỏ vẻ hài lòng:

- Siddhatta, thầy rất vui mà chấp nhận con. Con cứ ở lại đây. Nếu con hành được theo pháp và luật của thầy thì chỉ trong một thời gian thôi là con đắc đạo.

Siddhatta vui mừng lạy tạ. Đạo sĩ Alara ở trong một túp lều do các vị đệ tử dựng lên. Trong rừng rải rác cũng có những chòi lá khác của các sa-môn đệ tử. Tối hôm đó, Siddhatta tìm một nơi bằng phẳng để ngủ. Chàng gối đầu lên trên một cái rễ cây. Vì mệt quá nên Siddhatta ngủ say cho đến sáng ngày mai. Khi thức dậy, nắng đã lên, và chim chóc đã ca hát vang rừng. Siddhatta chỗi dậy. Các bạn đồng tu đã dậy từ lâu và đã hoàn tất buổi ngồi thiền đầu tiên trong ngày. Họ đang chuẩn bị để đi vào thôn làng khất thực. Siddhatta được trao cho một chiếc bát và dạy cho phương pháp đi vào thôn làng xin ăn.

Theo các vị sa-môn, Siddhatta ôm bát đi vào thành phố Vesali. Lần đầu tiên ôm bát đi khất thực, Siddhatta cảm thấy cuộc đời của người đi tu có dính líu rất nhiều với xã hội con người. Chàng học cách ôm bát, học cách đi, cách đứng, cách nhận thức cúng dường và cách chú nguyện để cảm tạ người thí chủ. Hôm ấy, Siddhatta đã được cúng dường một ít cơm nóng và nước cà-ri chan lên trên.

Khi Siddhatta theo các đồng tu về tới rừng thì mọi người đã bắt đầu ngồi thọ thực. Sau buổi ăn, chàng đi tìm đạo sư Alara để được chỉ giáo về phương pháp tu. Lúc chàng tới thì Alara đang ngồi nhập định. Để chờ đợi, Siddhatta cũng ngồi nhiếp tâm trước mặt thầy. Lâu lắm, đạo sĩ Alara mới mở mắt. Siddhatta cúi lạy, xin thầy chỉ giáo cho mình. Đạo sĩ Alara gọi Siddhatta là sa-môn, bởi vì Siddhatta đã chính thức là một vị sa-môn khi được chấp nhận vào giáo đoàn. Ngài dạy cho vị sa-môn về lòng tin, về sự tinh cần, về cách thở và về sự tập trung tâm ý. Ông bảo:

- Giáo lý của ta không phải chỉ là lý thuyết. Giáo lý của ta là sự hành trì. Cái biết của ta là cái biết của sự tự tri, tự chứng, tự đạt mà không phải là cái biết của lý luận. Con phải thực hiện cho được những trạng thái thiền định, mà muốn thực hiện cho được những trạng thái thiền định thì phải bỏ hết những vọng tưởng về quá khứ, về tương lai và chỉ nhắm về hướng giải thoát mà thôi.

Sa-môn Siddhatta hỏi thêm về cách điều phục thân thể và cảm giác rồi bái tạ vị đạo sư đi tìm một góc rừng để hành trì. Ông đi bẻ cây bẻ lá che một mái lều dưới một gốc cây để làm nơi nương náu mà thực tập thiền định. Siddhatta thực tập rất chuyên cần. Cứ năm bảy hôm, ông lại trở về với Alara Kalam để thỉnh giáo về những chỗ còn kẹt. Tu như vậy trong ít lâu, ông đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Ngồi lại trong tư thế thiền định ông buông bỏ hết mọi suy tư và mọi ám ảnh về quá khứ cũng như về tương lai và thực hiện được sự thanh tịnh an lạc. Tuy nhiên trong niềm an lạc này, ông vẫn thấy có bóng dáng và mầm mống của những suy tư. Mấy tuần sau, trong một trạng thái thiền định cao hơn, Siddhatta loại trừ được các mầm mống của suy tư, rồi ông đi vào được một trạng thái trung tâm ý trong đó ý niệm về an lạc và không an lạc cũng không còn. Trong trạng thái tập trung ý đó, hình như năm cánh cửa cảm giác đã hoàn toàn đóng lại. Tâm ông tĩnh lặng như một mặt hồ khi không có gió.

Khi đem trình bày kết quả sự thực tập của mình cho đạo sĩ Alara Kalama, sa-môn Siddhatta được đạo sĩ hết lời ca ngợi. Đạo sĩ bảo rằng ông đã bước những bước tiến bộ rất lớn trong một khoảng thời gian rất ngắn. Đạo sĩ bắt đầu dạy ông về phương pháp thực hiện một trạng thái thiền định gọi là không vô biên xứ, trong đó tâm của hành giả được đồng nhất với không gian vô biên. Trong không gian vô biên ấy mọi hiện tượng vật chất và mọi hình sắc đều tan biến, và không gian trở nên nền tảng của vũ trụ vạn hữu. Sa-môn Siddhatta vâng lời thầy về cố công thực tập. Trong vòng chưa đầy ba hôm, vị sa môn trẻ đạt tới sự thành công, nhưng Siddhatta có cảm tưởng định không vô biên xứ không giúp cho ông giải tỏa được những tâm tư sâu kín nhất của mình. An trú trong định đó, ông vẫn còn thấy bế tắc. Ông trở lại với Alara và trình bày tri kiến mình.

- Con phải bước lên thêm một nấc nữa, đạo sĩ nói. Cái hư không vô biên mà con đạt tới đó, nó cũng cùng một chất liệu với tâm thức con. Nó không phải là đối tượng của tâm thức con mà nó chính là tâm thức con. Vậy con hãy nỗ lực mà đạt cho được trạng thái thiền định kế tiếp là thức vô biên xứ.

Siddhatta trở về góc rừng của mình. Chỉ trong vòng hai hôm, ông thực hiện được thiền thức vô biên xứ. Ông thấy được tâm thức mình trong một hiện tượng vũ trụ. Song le, ông vẫn không giải tỏa được những sầu đau và thao thức của mình. Siddhatta trở về với vị đạo sĩ và trình bày chỗ kẹt của mình. Alara nhìn ông bằng một con mắt kính phục. Vị đạo sĩ nói:

- Con đã đi gần tới đích. Hãy trở về quán chiếu về tính cách hư giả của vạn pháp. Mọi hiện tượng trong vũ trụ đều do tâm thức ta tạo nên. Tâm thức là khuôn đúc của tất cả mọi hiện tượng. Hình sắc, âm thanh, hương, vị, và những xúc chạm, nóng lạnh, cứng mềm đều là những sáng tạo của tâm thức. Chúng nó không có như ta thường tưởng. Tri giác của chúng ta là vị họa sư, nó vẽ ra hết mọi hình tượng. Phải đạt cho được cảnh giới vô sở hữu xứ thì con sẽ thành công. Vô sở hữu xứ là cảnh giới trong đó ta thấy được rằng không có một hiện tượng nào thật sự hiện hữu như tri giác của ta tưởng tượng.

Vị sa-môn trẻ tuổi này chắp tay lĩnh giáo. Ông lại trở về góc rừng của ông. Trong thời gian tu học với đạo sĩ Alara, Siddhatta đã làm quen với nhiều vị sa-môn đồng đạo. Tánh tình ông hòa nhã nên ai cũng mến yêu. Có ngày Siddhatta không cần đi kiếm thực phẩm mà vẫn có thức ăn lót dạ vào buổi trưa. Có khi xuất thiền, ông thấy thức ăn đã để sẵn một bên, hoặc là một vài trái chuối, hoặc là một mâm cơm tín thí cúng dường mà một vị sa-môn bạn đã kín đáo chia sẻ lại. Đạo sĩ Alara đã có lần hỏi về gốc tích của ông, và sau đó có người cũng đã biết được tung tích ông. Siddhatta chỉ mỉm cười mỗi khi có một bạn đồng tu hỏi ông về cái gốc tích vương giả ấy. Ông khiêm nhượng nói:

- Cái đó không quan trọng gì. Có lẽ chúng ta chỉ nên chia sẻ với nhau về kinh nghiệm hành đạo mà thôi.

Rất nhiều vị sa môn đồng tu ưa được làm bạn với Siddhatta để được học hỏi với ông. Họ đã được nghe lời ca tụng Siddhatta, trực tiếp từ vị đạo sư của họ. Trong khoảng thời gian chưa đầy một tháng, Siddhatta thực hiện được định vô sở hữu xứ. Ông rất vui mừng thấy mình đạt tới cái thấy này. Trong nhiều tuần lễ kế tiếp, Siddhatta ngồi khai thác cái thấy ấy để giải quyết những bế tắc lâu ngày của tâm ý, nhưng định vô sở hữu xứ, dù là một trạng thái thiền định khá sâu sắc vẫn không giúp ông được. Cuối cùng Siddhatta phải trở về thỉnh ý đạo sư Alara. Đạo sư Alara ngồi nghe Siddhatta một cách chăm chú. Mặt ông sáng rỡ lên. Đổi cách xưng hô, ông nói:

- Sa-môn Siddhatta, Ngài là một vị tài ba lỗi lạc. Ngài đã đạt tới chỗ cao nhất mà tôi đã đạt. Cái gì mà tôi đạt tới, Ngài cũng đã đạt tới. Sa-môn Siddhatta, xin Ngài ở lại đây. Hai chúng ta sẽ cùng nhau dìu dắt giáo đoàn tu sĩ này.

Siddhatta im lặng. Ông suy nghĩ. Định vô sở hữu xứ tuy là một hoa trái quý giá của sự tu học nhưng không giải quyết được vấn đề sinh tử, không giải phóng được cho ta khỏi những sầu đau và thao thức căn bản, không đưa ta đến chỗ giác ngộ hoàn toàn. Mục đích của ta không phải là làm giáo chủ một giáo đoàn. Mục đích của ta là tìm con đường giải thoát đích thực. Nghĩ như thế, Siddhatta chắp tay lại trình đạo sĩ:

- Thưa thầy, định vô sở hữu xứ không phải là mục đích tìm cầu của con. Con muốn tìm con đường đích thực để giải thoát sanh tử. Con xin cảm ơn thầy đã có lòng chiếu cố và yêu mến con. Xin thầy cho phép con được đi du phương tìm đạo. Thầy đã dạy dỗ con hết lòng trong những tháng vừa qua. Con xin ghi nhớ ơn thầy đời đời.

Đạo sĩ Alara Kalama tỏ ý buồn bã và tiếc nuối, nhưng ý của Siddhatta đã quyết. Ngày hôm sau, ông lại lên đường.

Danh ngôn (69)

- C. Moocli



Chỉ có một cách trở thành người chuyện trò dễ ưa nhất là biết lắng nghe.

Một câu hỏi và một câu trả lời khiến tất cả lặng người

- Lặng nhìn cuộc sống



Một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng đáp án của nó có khi bạn phải tìm kiếm cả đời mà chưa chắc đã có câu trả lời.

Chuyện xảy ra tại một trường đại học của Mỹ. Sắp hết giờ giảng, giáo sư bỗng đề nghị với các sinh viên:

- Tôi cùng mọi người thử một trắc nghiệm nhỏ, ai muốn cùng tôi thử nào ?

Một nam sinh bước lên. Giáo sư nói:

- Em hãy viết lên bảng, tên của 20 người mà em khó có thể rời bỏ.

Chàng trai làm theo. Trong số tên đó có tên của hàng xóm, bạn bè, và người thân. Giáo sư nói:

- Em hãy xoá tên của một người mà em cho rằng không quan trọng nhất trong danh sách này.

Chàng trai liền xoá tên của người hàng xóm. Giáo sư lại nói:

- Em hãy xoá thêm một người nữa.

Chàng trai xoá tiếp tên của một đồng nghiệp. Giáo sư nói tiếp:

- Em xoá thêm tên một người nữa đi.

Chàng trai lại xoá tiếp. Cuối cùng, trên bảng chỉ còn lại ba cái tên: bố mẹ, vợ, và con. Cả giảng đường im phăng phắc, mọi người lặng lẽ nhìn vị giáo sư, cảm giác dường như đây không còn đơn thuần là một trò chơi nữa rồi. Giáo sư bình tĩnh nói tiếp:

- Em hãy xóa thêm một tên nữa.

Chàng trai chần chừ, rất khó khăn mới đưa ra được sự lựa chọn. Anh đưa viên phấn lên và gạch đi tên của bố mẹ.

- Hãy gạch một cái tên nữa đi - tiếng của vị giáo sư lại vang lên bên tai.

Chàng trai sững lại, rồi như một cái máy, từ từ và kiên quyết gạch bỏ tên của đứa con trai. Và anh bật khóc thành tiếng, dáng điệu vô cùng đau khổ. Vị giáo sư chờ cho anh bình tĩnh lại hồi lâu và hỏi:

- Lẽ ra người thân thiết nhất với em, phải là cha mẹ và đứa con, bởi cha mẹ là người sinh thành và dạy dỗ em nên người, đứa con là do em dứt ruột sinh ra, còn người vợ thì có thể tìm người khác thay thế được, vậy tại sao, với em người vợ lại là người mà em khó rời xa nhất ?

Cả giảng đường im lặng, chờ nghe câu trả lời. Chàng trai bình tĩnh và từ tốn nói:

- Theo thời gian, cha mẹ sẽ rời bỏ tôi mà đi, con cái khi trưởng thành, cũng chắc chắn sẽ rời xa tôi, người luôn ở bên, làm bạn với tôi suốt đời, thực sự chỉ có vợ tôi. Vậy nên cô ấy là người quan trọng nhất.

● ● ●

Câu trả lời của chàng trai có lẽ không chỉ làm những người cùng có mặt trong giảng đường kia bất ngờ mà ngay cả chúng ta, những người đang đọc đến câu chữ này nữa, chàng trai đó đúng hay sai với lựa chọn ấy ? Có người nói anh thật ích kỷ, coi mình là trung tâm và ngay cả sự lựa chọn này anh ta cũng vì bản thân mình nhất. Bố mẹ mang nặng đẻ đau còn con cái là dứt ruột sinh ra, vậy mà anh không chọn họ vì nghĩ rằng họ không phải là những người cùng đồng hành suốt cuộc đời.

Ngược lại, có người nói sự lựa chọn của anh là sáng suốt và khiến họ phải nghĩ lại cách đối xử của mình với vợ. Không sai, vợ còn là bạn đời, là người đồng cam cộng khổ cùng mình suốt cả cuộc đời. Bố mẹ mình, tới thời điểm dựng vợ gả chồng cho con mới được coi là hoàn thành nghĩa vụ, an tâm mà tận hưởng tuổi già chẳng phải vì họ an tâm khi con có người đồng hành cả đời hay sao ? Rời bỏ vợ mình chẳng khác nào phụ lòng chính bố mẹ mình. Còn con cái mình dứt ruột sinh ra thật đấy nhưng không thể níu kéo chúng quanh quẩn bên mình, chúng có cuộc sống riêng, có gia đình riêng.

Không thể đặt lên bàn cân xem ai là người quan trọng nhất, vậy bạn có câu trả lời cho câu hỏi khó khăn nhất trong cuộc đời này không ?


Chí tại thánh hiền

- HT. Tịnh Không



Phật dạy chúng ta làm Phật. Cổ nhân chúng ta dạy học, vào thời xưa người đi học không phải cầu công danh phú quý, mục đích đi học của người xưa là chí tại thánh hiền, công phải chí tại công danh phú quý. Chí tại thánh hiền tức là chí ở làm người hiểu biết, không muốn làm người hồ đồ, người hồ đồ là phàm phu, người hiểu biết là thánh hiền. Mục tiêu của giáo dục trước đây không giống như chúng ta hiện nay.

Hỏi Phật

- Trích: “Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất” - Bạch Lạc Mai
- Chương II - Hoa rơi còn đa tình hơn nàng

Lời thề trong dĩ vãng đều đã thành mây khói. Câu chuyện của hôm qua cũng đã kết thúc. Tsangyang Gyatso nên hiểu rõ, tươi héo vô ích, hợp tan tùy duyên. Chỉ là khi Ngài đứng trên bờ sông thời gian, ngắm bóng hình của kiếp phù du, vẫn cảm khái muôn vàn.

Trên đời này quả thật có quá nhiều chuyện sơ suất ngẫu nhiên, rất nhiều bỏ lỡ, rất nhiều lướt vai, khiến người dở khóc dở cười. Rất nhiều người thích sắp xếp sẵn hành trình cho mình, ghi chép hết những việc muốn làm vào trang sách của đời người. Nhưng sự đời muôn ngàn biến hóa, quá trình có lẽ còn có thể đoán trước, kết cuộc lại luôn nằm ngoài dự liệu. Thế là chúng ta không ngừng thêm bớt sửa đổi tình tiết, không ngừng nhân nhượng cầu toàn, đến cuối cùng, giữa tưởng tượng và thực tế lại khác biệt một trời một vực.

Cung Potala, một tòa cung điện đẹp đẽ trên cao nguyên Tây Tạng, một sân khấu tô vẽ đậm mực của nhân gian. Biết bao linh đồng chuyển thế xóa đi quá khứ, thay đổi tâm tình ở đó. Thế nhưng không phải bạn nghe theo ai, người đó sẽ cho bạn mãn nguyện. Tsangyang Gyatso dùng thời gian ba năm, muốn đổi lấy quyền trượng cho rằng theo lý đương nhiên thuộc về Ngài, cuối cùng cũng chỉ như bọt nước, chớp mắt đã tan.
Ví như chúng ta nghĩ đủ mọi cách muốn uống một tách trà, nhưng vì thời gian chờ đợi quá dài, cầm trong tay đã nguội lạnh, uống vào đã không phải là mùi vị ấy nữa. Nhưng như vậy, ít nhất chúng ta vẫn ngửi được mùi thơm của trà, còn Tsangyang Gyatso, ngồi trong cung điện sâu thẳm trống trải, chỉ cảm nhận được nỗi quạnh quẽ và bất lực vô biên.

Có người nói, Tsangyang Gyatso may mắn. Giờ đây nghĩ lại, Ngài quả thật may mắn hơn Đạt Lai Lạt Ma mấy đời trước đó. Những linh đồng chuyển thế ấy từ nhỏ đã phải tiếp nhận học tập Phật giáo chính quy, họ nào có tuổi thơ vô tư, thời gian lãng mạn. Còn Tsangyang Gyatso, mười lăm năm nay không hề biết về thân phận của mình, Ngài trải qua những ngày tháng đơn thuần đẹp đẽ nhất của đời người mà không có bất cứ áp lực và gánh nặng nào. Mười lăm năm dài, dùng vui vẻ của mười lăm năm, đổi lấy năm tháng sau này thân bất do kỷ, cũng là xứng đáng.

Thế nhưng không ai quy định rằng, Tsangyang Gyatso phải hài lòng, phải trả giá vì quá khứ hạnh phúc của mình. Dù Ngài ở cung Potala, khổ tu ba năm, cũng không thể bù đắp cơ duyên đã từng lỡ mất. Bắt đầu từ khi Đệ Ba Sangye Gyatso dự tính giấu không phát tang đối với cái chết của Đạt Lai thứ 5, Tsangyang Gyatso đã mất đi thời cơ tốt nhất để trở thành Đạt Lai thứ 6. Tsangyang Gyatso làm sao nỡ dễ dàng nhường lại chính quyền nắm giữ mấy mươi năm cho một đứa trẻ đã buông thả chốn dân gian mười lăm năm, y thật sự yên tâm sao ? Dù hiện tại Tsangyang Gyatso đã có thành quả tu luyện ba năm, đối với Sangye Gyatso, còn xa mới đủ tiêu chuẩn trong lòng y. Tài thao lược kiệt xuất của Đạt Lai thứ 5 Lobsang Gyatso đã bén rễ sâu vững trong lòng y, những thành tựu phi phàm ấy, Tsangyang Gyatso há có thể thay thế ?

Do đó, dù Tsangyang Gyatso mỏi mắt trông chờ, Sangye Gyatso cũng trước sau không giao cây quyền trượng đại diện cho vương giả ấy vào tay Ngài. Tsangyang Gyatso lại chật vật sống qua hai năm trong chờ đợi và ẩn nhẫn. Hai năm này, Ngài hết sức khiến mình bình tĩnh, hòa nhã đối đãi mỗi một việc, mỗi một người. Hai năm này, Ngài khiến mình triệt để chìm đắm trong Phật pháp mênh mông, dường như muốn quên hết mọi thứ của thời niên thiếu. Không phải là quên, đúng ra là gói ghém lại quá khứ một cách hoàn hảo, cất kín ở một góc không thể dễ dàng chạm đến của nội tâm. Dù vất vả, nhưng Ngài đã làm được, kinh Phật khiến lòng Ngài dần dần bình tĩnh. Ngài tự nhủ rằng, lúc không sức đánh trả, điều duy nhất có thể làm, chính là nhịn.

Việc đời quả thật tối sáng khó đoán, buồn vui thất thường, Tsangyang Gyatso hết sức khiến mình bình tĩnh trong chờ đợi, lại vẫn bị một tin tức bất ngờ làm tổn thương cùng cực. Mẹ và hàng xóm từ Monyu xa xôi đến thăm Ngài, mang đến cho Tsangyang Gyatso nỗi kinh ngạc vui mừng như đã cách xa một đời, đồng thời cũng mang đến một tin tức khiến Ngài đau buồn mãi mãi không thôi. Tin tức này đã đập tan hoàn toàn niềm tin Ngài kiên định không dời mấy năm nay. Từ khi rời khỏi Monyu, Tsangyang Gyatso bị nhốt trong cung Potala, một chiếc lồng mỹ miều, chỉ dựa vào hồi ức tốt đẹp ngày trước để sống qua ngày. Trong vô số giấc mơ lúc nửa đêm, Ngài đều ảo tưởng mình và ý trung nhân hò hẹn trên bãi cỏ dưới ánh trăng, nói những lời nói dịu dàng, trong mơ Ngài ngửi mùi hương của nàng, ngắm nụ cười ngọt ngào của nàng.

Lời thề non hẹn biển
Nàng từng trao cho ta
Lại giống như nút thắt
Chưa đụng đã bung ra

Đò ngang dẫu vô tâm
Đầu ngựa luôn ngoảnh lại(1)
Người yêu không tình nghĩa
Quay lưng chẳng đoái hoài

Nàng chẳng phải mẹ sinh
Lớn trên cây đào ấy ?
Sao tình yêu của nàng
Tàn nhanh hơn hoa vậy ?

Giấc mơ đó đã bị đánh thức một cách tàn nhẫn, thậm chí còn không cho Ngài bất cứ cơ hội nào để nghỉ lấy hơi. Cô gái Monpa cùng Ngài thề non hẹn biển đã khoác áo cưới làm cô dâu của người khác. Lòng Tsangyang Gyatso triệt để tan nát bởi tin tức này, tình cảm vui vẻ ngày xưa hiện rõ mồn một trước mắt, lời thề đã trao vẫn còn quanh quẩn bên tai, vì sao chớp mắt tất cả đã ngấm ngầm thay đổi ? Chẳng lẽ lời thề thật sự nhẹ như giấy mỏng ? Chẳng lẽ lòng người thật sự dễ dàng thay đổi như thế ? Tình yêu Ngài khổ sở si mê gìn giữ, ở nơi nàng, thật sự nhỏ bé không đáng kể như thế hay sao ?

Người yêu ta tha thiết
Bị kẻ khác cưới rồi
Ta tương tư khổ sở
Còn da bọc xương thôi

Có thể dùng thòng lọng
Để bắt được ngựa hoang
Người thay lòng đổi dạ
Sức thần khó giữ nàng

Có lẽ chúng ta nên trách, thế là không công bằng cho cô gái người Monpa kia, Tsangyang Gyatso năm xưa vội vã rời đi, thậm chí không kịp nói cả một lời từ biệt. Sau khi nàng biết tin Ngài là linh đồng chuyển thế, biết họ kiếp này không còn hy vọng gặp nhau, ắt hẳn nàng đã khóc đến đứt từng khúc ruột. Mấy năm nay, họ hoàn toàn không có tin tức của nhau, chỉ có thể giữ thước phim ấm áp của quá khứ để chữa lành vết thương. Biết rõ là một sự chờ đợi không có kết cục, nhưng nàng vẫn si dại chờ ở ngã đường lúc ly biệt, lừa dối bản thân có lẽ sẽ có kỳ tích xảy ra. Nhưng nỗi si tình của nàng chỉ đổi lại ánh mắt khác thường của mọi người, và những lời nhiếc móc tàn nhẫn của người nhà. Khi nhiều cô gái cùng trang lứa với nàng lần lượt xuất giá, lý do mà nàng đưa ra thật là bạc nhược, yếu ớt.

Tsangyang Gyatso thật sự đã trách lầm nàng, nàng kiên trì đến cuối cùng bằng sự quyết liệt của mình. Dù người dân Monpa thuần phác đôn hậu, nhưng họ cũng không cho phép một cô gái trẻ tuổi si dại chờ đợi vì một ước hẹn không kỳ hạn. Bất kể nàng có bao nhiêu tuổi xuân có thể lãng phí, cũng không thể sánh với thời gian bất tận. Nếu Tsangyang Gyatso đặt mình vào hoàn cảnh của nàng mà nghĩ cho nàng, nhất định sẽ hối hận khi bản thân viết ra câu thơ tàn nhẫn như vậy. Nếu nói phụ bạc, là Ngài rời khỏi trước, tuy có nỗi khổ, rốt cuộc vẫn là Ngài phụ nàng. Từ lúc Ngài vào ở trong cung Potala, có nghĩa tất cả lời thề đều sẽ hóa thành tro bụi, Ngài chẳng có tư cách sở hữu tình yêu, càng chẳng có tư cách oán trách cô gái vô tội ấy thay lòng gả làm vợ người khác.

Chỉ cần Tsangyang Gyatso nhắm mắt suy nghĩ, thì có thể nhìn thấy tình cảnh thê lương của ý trung nhân, nàng chờ đợi trong tuyệt vọng, cuối cùng không chịu đựng nổi lời chỉ trích của mọi người, rưng rưng nước mắt khoác áo cưới, làm cô dâu của người khác. Suốt đời này, nàng làm sao còn có thể có được hạnh phúc chân chính ? Mối tình đầu chôn trong đáy lòng, mỗi năm, nỗi nhớ đều sẽ theo cỏ xuân lan tràn, linh hồn nàng định sẵn không yên ổn vì Ngài. Nếu nàng đọc được bài thơ của Tsangyang Gyatso, lại sẽ thổn thức rơi lệ ra sao ? Có lẽ chúng ta không nên oán trách ai, duyên phận bạc bẽo ấy đã khiến họ đau lòng cùng cực, làm sao nỡ chỉ trích làm thương tâm thêm.

Đây phải là lúc Tsangyang Gyatso sa sút nhất, đau khổ nhất. Kiếp sống con rối năm năm, khiến lý tưởng tự mình chấp chính của Ngài tan vỡ, giờ đây lại nếm trọn nỗi đau thất tình xé lòng, khiến Ngài nguội lòng nản chí. Vị Phật sống đau khổ tuyệt vọng không thể tịnh tâm để suy xét mọi việc. Ngài không biết, cục diện chính trị của Tây Tạng lúc đó vẫn đang lung lay trong gió, dã tâm của Lha-bzang Khan(2) khiến Đệ Ba Sangye Gyatso không dám có mảy may sơ suất. Dù không bị dục vọng quyền lực thúc đẩy, Sangye Gyatso cũng không dám tùy tiện giao chính quyền cho một đứa trẻ tiếp xúc sự đời chưa nhiều, chưa từng tham gia chính sự. Tsangyang Gyatso làm sao hiểu rõ, đấu tranh chính trị khốc liệt vượt xa đấu tranh tình cảm, một trận giết chóc sẽ đem đến tổn thương thê thảm nhất trần gian, sẽ khiến người dân khốn khổ. Tổn thương tình cảm tuy là địa ngục nhân gian, nhưng cá nhân so với chúng sinh, sẽ tỏ ra quá đỗi nhỏ bé.

Nhà Phật tin vào nhân quả, lẽ nào tất cả cảnh ngộ hôm nay của Tsangyang Gyatso là nhân Ngài đã từng gieo, phải gặt lấy quả ? Mấy năm nay, cuộc đời Ngài có biến hóa biển biếc nương dâu, đây lẽ nào chính là đau khổ mà Phật sống phải gánh chịu, cái giá phải trả ra ? Nếu phải, Ngài chẳng có lời nào để nói, cứ xem là phúc báo của đời này vậy. Hy vọng trải qua kiếp nạn này, ngày tháng về sau, có thể trời cao biển rộng. Nhưng Ngài vẫn cảm thấy một nỗi tuyệt vọng trước giờ chưa từng có, vì Ngài uổng là Phật sống, đừng nói cứu giúp người đời, ngay cả bản thân mình cũng không giải thoát được.

Lời thề trong dĩ vãng đều đã thành mây khói. Câu chuyện của hôm qua cũng đã kết thúc. Tsangyang Gyatso nên hiểu rõ, tươi héo vô ích, hợp tan tùy duyên. Chỉ là khi Ngài đứng trên bờ sông thời gian, ngắm bóng hình của kiếp phù du, vẫn cảm khái muôn vàn. Đời người, thật ra chính là một cuốn sách kinh không chữ, Tsangyang Gyatso đã tu luyện nhiều năm cũng đọc không hiểu, tham không thấu. Trong lúc bất lực, Ngài đành hướng về Đức Phật, đưa ra câu hỏi hoang mang mà tình sâu.

- - -

(1) Ở Tây Tạng, đò ngang đều khắc ngựa gỗ, đầu ngựa ngoảnh nhìn lại phía sau.

(2) Lha-bzang Khan (La Tạng Hãn): cháu của Gushi Khan (Cố Thủy Hãn), thủ lĩnh của bộ lạc Khoshut (Hòa Thạc Đặc).


Đơn giản hóa cuộc sống

- Thiền sư Gunaratana



Hãy nhớ rằng, chỉ có chính bạn là người có thể thay đổi cuộc đời mình theo chiều hướng tốt đẹp hơn, và thiền đã chứng tỏ sự hiệu nghiệm của nó đối với không biết bao nhiêu người. Sau đó hãy tập tự kiềm chế một ít, nhất là lúc ban đầu, để duy trì kỷ luật của việc mỗi ngày thường xuyên hành thiền.

Buông xả

- Sưu tầm



Trời có lạnh nhưng lòng không lạnh
Không vô tình, không tránh những buồn vui
Sống trên đời ai ôm nỗi ngậm ngùi
Hãy buông nhé, an nhiên mà vui sống

Đừng vội đóng mình trong đông giá
Mà bi sầu rồi xa lánh trần gian
Cuộc đời ai cũng có lúc cơ hàn
Bởi lẽ sống gian nan là thử sức

Sống trên đời ai cũng cần gắng sức
Sống vươn lên như nắng sớm rực hồng
Không bi quan, không yếm thế lụy lòng
Mà buông xả tùy duyên trong đời sống

Quả báo không cố định

- Sưu tầm



Trong Tương Ưng Bộ Kinh chép, một hôm có vị Bà La Môn đến hỏi Phật:

- Thưa Cù Đàm, có phải người tạo nhân thế nào phải cảm thọ quả báo thế ấy chăng ?

Phật nói:

- Không hẳn như thế. Tại sao ? Vì khi tạo nhân và cảm thọ quả báo “dị thục” có sai khác. Ví như có người làm ác nhỏ mà thân phải bị đọa địa ngục chịu nhiều điều thống khổ. Cũng có người làm ác như vậy, nhưng họ không đọa địa ngục mà chỉ cảm thọ quả báo khổ chút ít, hoặc thấy hoặc không thấy, tại sao ? Vì người ấy biết tu thân, tu giới, tu tâm, tu huệ, tâm niệm rộng lớn nên quả báo có sai khác.

Ví như có người dùng một nắm muối bỏ vào tô nước thì tô nước sẽ mặn không uống được. Trái lại đem nắm muối ấy bỏ vào sông Hằng thì nước đâu có mặn. Lại có người thiếu nợ 100 tiền, chủ nợ đến đòi người ấy, người ấy nghèo không thể trả nên ở tù. Trái lại cũng món nợ ấy, nếu là một phú gia thì đâu có ở tù. Lại có người ăn trộm dê, bị chủ dê bắt giết chết, vì người ấy nghèo. Trái lại một vị quan hoặc vua đến bắt dê thì đâu có bị bắt giết chết. Thế nên, ta nói tạo nhân và cảm thọ, quả dị thục cũng như thế.


Lời bình:

Qua những điều dẫn dụ trên, chúng ta thấy lý nhân quả của Phật dạy không cố định một chiều mà chuyển biến linh động. Như trái xoài, khi mới sinh trái nhỏ màu xanh vị chua, lớn lên màu vàng vị ngọt (nếu chín). Sự biến đổi của nó từng tíc tắc, trong Duy Thức học gọi là “Dị Thục Quả” (kết quả thuần thục sẽ đổi khác). Đây là luật biến hóa chung của vũ trụ và con người. Nhờ có sự chuyển biến, sự vật mới trở thành thế này hay thế khác. Một thửa ruộng hoang, nếu nhà nông phu biết gieo trồng, nó sẽ biến thành một khu đất hoa màu sung túc. Một cậu bé khi còn nhỏ ngu si dốt nát, nếu cha mẹ khéo dạy bảo, cho học hành, cậu bé sẽ trở thành khôn ngoan biết chữ. Một người tánh tình gian xảo trộm cắp, nếu gia đình biết giáo dục theo con đường lành, người ấy lần lần sẽ bỏ tánh trộm cắp mà trở thành người lương thiện .v.v.v...

Từ nhân đến quả có chuyển biến nhiệm mầu như thế, nên nó mới làm cho con người và sự vật tiến bộ hoặc thoái hóa. Một con người khi mới sinh ra dù là kẻ mang nhiều nghiệp dữ, tạo các điều bất thiện, nhưng nếu họ biết hướng thiện trở về con đường lành, biết tu thiện, tu giới, tu tâm, tu huệ thì tâm niệm độc ác trước kia sẽ lần lần dứt sạch, tâm niệm rộng lớn phát sanh. Trái lại người có nhiều tâm lành nhưng không khéo tạo điều kiện cho nó tăng trưởng thì vẫn bị lui sụt sa đọa.

Do lẽ đó, người muốn an lạc hiện tại và về sau tức phải cố gắng nuôi dưỡng và bồi bổ nhân tốt, gần bạn lành tu tập hạnh tốt, cải thiện đời sống ngày càng tiến lên theo chiều thiện, chuyển lần từ tâm niệm phàm phu ngu mê đen tối, trở thành bậc giác ngộ thanh tịnh. Thế nên nếu bảo làm nhân gì phải thọ quả ấy tức nhân quả trở thành cố định và thế gian không ai tu được. Ác cố định là ác, thiện cố định là thiện thì còn tu nỗi gì ? Nó đã như thế dù có tu hay không tu cũng chẳng thêm bớt được, vô tình đưa người ta vào con đường đen tối hết hy vọng cải thiện. Do vậy, người Phật tử chúng ta phải nhận định cho thật kỹ lý nhân quả, không thì dễ lầm lẫn mà khó bề tu tiến.

Về trong tỉnh thức

- Thích Tánh Tuệ



Em đừng mãi loay hoay tìm chỗ đứng
Cần hỏi mình rằng: “Phải sống làm sao ?”
Vẫn có đấy, những người trong thầm lặng
Cúi xuống tận cùng mà hồn lại thanh cao

Đời lắm lúc, vui cũng làm ta khóc
Mà buồn tênh ... vẫn khiến rộ môi cười
Hạnh phúc đến từ những điều bình dị
Trong chập chùng mưa nắng, giữa buồn vui

Đời đau khổ vì biến thành nô lệ
Cho “hồn ma bóng quế” những phù hư
Người nghèo khó dẫu tiền rừng bạc bể
Còn ta giàu dù ... túi chẳng một xu

Em đừng mãi đi xa tìm hạnh phúc
Hãy yên ngồi nhận diện ở chung quanh
Có đôi lúc thiên đường và địa ngục
Chỉ cách nhau bằng một sợi tơ mành

Đời bể khổ, ta có quyền không khổ
Thân buộc ràng, ai nhốt được hồn mây
Lòng thanh thản niềm vui tìm bến đỗ
Khổ vì ưa ước hẹn kiếp lưu đày

Thôi đừng mãi băn khoăn tìm lẽ sống
Lý tưởng thường ... tưởng có lý thôi em
Sống tỉnh thức giữa chập chùng ảo mộng
Hạnh phúc theo hơi thở đến bên thềm

Hai cực đoan

- Sưu tầm



Trong Tăng Chi Bộ Kinh tập 3A, một hôm Phật nói cho các vị Tỳ Kheo nghe một bài kệ:

Ai biết hai cực đoan
Giữa bậc trí vô nhiễm
Ta gọi bậc đại nhơn
Đây, vượt người dệt vải

Sau khi nghe kệ xong các vị Tỳ Kheo bàn luận với nhau, nhưng không vỡ lẽ. Sau cùng Đức Phật mới giải thích: “Hai cực đoan” là xúc và xúc tập khởi. “Giữa” là xúc diệt tức thọ diệt. “Người dệt vải” là ái.

Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần do sự tập khởi này mà có xúc. Nếu ngay đó không ưa thích, không ghét bỏ, tức trụ tâm nơi xả, thì thọ diệt. Thọ diệt rồi thì đâu còn ái nhiễm mà kết nghiệp tức được giải thoát. Đây Phật gọi là bậc đại nhân vượt qua được sự đan dệt của “ái” mà được Niết Bàn (vì Niết Bàn nghĩa là vô sanh mà cũng có nghĩa là không đan dệt).

Lời bình:

Thường chúng ta quen quan niệm “ái” là đầu mối của luân hồi sanh tử nên diệt ái tức nhổ gốc luân hồi. Nhưng trong bài kinh này Đức Phật lại nói, ngay xúc mà không cảm thọ, tức “xúc diệt” mà cũng là “thọ diệt” thì sẽ không có sự ái nhiễm, liền đó được giải thoát. Những niệm yêu ghét của chúng ta giống như những canh chỉ tiếp nối nhau dệt thành tấm vải, luân hồi miên viễn. Nếu không có chỉ (thọ) thì ông thợ dệt (ái) lấy gì mà dệt ?

Dĩ nhiên trong cuộc sống chúng ta không tránh khỏi xúc được, nào là mắt phải thấy sắc, tai phải nghe tiếng, lưỡi phải nếm vị .v.v.v. nhưng chủ yếu ở chỗ chúng ta có cảm thọ hay không cảm thọ. Nếu cảm thọ thì sinh yêu ghét và bị ràng buộc. Nếu không cảm thọ thì không sanh yêu ghét và được tự tại giải thoát.

Giống như khi người cho ta một vật quý mà ta không nhận. Vì không nhận của quý ấy nên tâm ta không dính mắc. Nếu chúng ta nhận tức chấp đó là của ta liền sanh ái nhiễm thì khi ấy muốn bỏ cũng không phải dễ. Và muốn được cái “thọ diệt” này chúng ta phải hằng “tỉnh giác” dùng trí tuệ quán chiếu tất cả pháp đều không thật có, chỉ do nhân duyên hòa hợp mà tạm thành, không thật có “cái Ta” và “cái của Ta” thì mới có thể không ưa thích, không ghét bỏ, trụ tâm nơi xả mà được Niết Bàn.


Mẹ hiền Quán Âm

- Sư cô Tuệ Mỹ



Lạy Mẹ Quán Thế Âm
Bể khổ trầm luân sóng ngàn chập chùng
Thuyền từ lênh đênh bạt ngàn sông mê
Lạy Mẹ Quán Thế Âm
Giọt nước cành dương xóa tan mê lầm
Mẹ hiền Quán Thế Âm

Mẹ thì hiền, chốn ta bà
Nơi khổ đau âm u ngục tối
Chốn núi cao, nơi rừng sâu, nơi ngoài đảo xa
Tâm từ bi hướng núi đau sụp xuống
Hướng nước lửa tự khô tắt
Hướng địa ngục tự trống không
Hướng Tu La ác tâm liền trừ diệt
Hướng Ngạ Quỷ, Ngạ Quỷ tự no lòng

Lạy Mẹ Quán Thế Âm
Ba cõi chúng sanh trong một trái tim
Khắp cả năm châu trong vòng tay mẹ
Tay mẹ yêu thương

Lạy Mẹ Quán Thế Âm ...
Lạy Mẹ Quán Thế Âm ...

Danh ngôn (68)

- Emerson



Muốn được một người bạn, chỉ có một phương pháp là chính mình phải trở thành một người bạn.

Tập thơ: CÁT BỤI ĐƯỜNG BAY

- Hàn Long Ẩn

“Em về nắng quáng bên sông
Mộng hồn xưa đã bềnh bồng trôi xuôi
Anh đi từ độ luân hồi
Dừng chân quán gió bên đồi ngủ say …”

Châm một bình trà khuya, trong không gian tĩnh lặng, tự thưởng mình bằng những vần lục bát của một thi nhân áo nâu chưa bao giờ gặp mặt. Đọc một hơi 79 đoản khúc, mỗi đoản khúc bốn câu, tưởng chừng mình như hạt bụi bay theo gió cuốn.

Nói cách khác, thi phẩm là cuộc hành trình của một hạt bụi, đi qua chiều dài gập ghềnh của tâm cảnh và thời gian, đi qua cái mênh mông bát ngát của cõi thiền. Hạt bụi, có khi hóa thân thành cánh chim, cánh nhạn, chiếc lá, hay khói sương, đã lịch nghiệm những cảnh giới ấy theo đường bay của gió. Gió xuân, gió hạ, gió thu, gió đông. Gió được, gió mất, gió vinh, gió nhục, gió khen, gió chê, gió vui, gió buồn … Nhưng đậm nét nhất, có thể nói là gió tình và gió thiền.
Nếu được-mất, vinh-nhục, khen-chê, vui-buồn là những cặp vừa tương khắc vừa tương sinh, thì tình và thiền ở đây cũng là một cặp song hành. Nói thế không có nghĩa trong tình tất có thiền, hay trong thiền tất có tình. Chỉ là nói theo thể cách thiền-tình đề huề của Hàn Long Ẩn qua thi phẩm này. Tình yêu thi hóa tâm thiền. Tâm thiền tịnh hóa tình yêu. Hai ngọn gió này, lúc quyện lấy và nâng đỡ nhau, lúc lại lấn lướt loại trừ nhau, trên cuộc đăng trình về chốn miên viễn.

Mượn ý giai thoại phướn và gió của Lục Tổ Huệ Năng, ở đây có thể nói theo ngôn ngữ nhà thiền rằng, trong cơn gió bụi ấy, chẳng phải gió hay bụi chuyển động, mà chính là tâm động. Tâm ấy động chuyển từ một khoảnh khắc của tình, và hành giả đang trong nỗ lực chuyển hóa tình yêu nhỏ bé thành năng lượng vô hạn của từ bi tâm. Cuộc chuyển hóa này được vẽ lại bằng những câu lục bát óng ánh sắc màu và âm thanh diễm lệ, trữ tình … Giọng thơ của Hàn Long Ẩn đã mấp mé chạm tới đỉnh cao của thể lục bát với lối ngắt câu, phân chữ thật điêu luyện, tài tình. Thả hồn vào tâm điểm của thi phẩm ta mới cảm nhận được sự mạnh mẽ thu hút người đọc “cuốn theo chiều gió”.

Người đi, kẻ ở với nỗi biệt ly đoạn trường của thế gian, đôi lúc cũng không miễn trừ những tâm hồn chân chất đơn sơ trong cửa thiền. Một lần say đắm xa xưa trong cõi bụi hồng, hay chỉ một thoáng bâng khuâng hiện tại nơi chốn tịch liêu, cũng đủ xô lệch thảo tòa của thiền sư chân thành tìm cầu giải thoát giác ngộ. Trong tình huống ấy, không có sức gì ngăn được sự tràn vỡ của những thổn thức từ sâu thẳm con tim, hoặc những gặm nhấm trường kỳ rỉ rả … ngoại trừ sự quán tưởng và cảm nhận thâm sâu về tính cách vô thường huyễn mộng của vạn hữu, của bóng sắc và âm thanh, của tình yêu và những giấc mộng bình thường.

Thú thật, nhập vai làm hạt bụi bay theo cõi thơ Hàn Long Ẩn, lòng tôi cũng mệt lắm. Mệt mà lại vừa lo lắng hồi hộp cho mình (hay cho nhà sư), không biết “phiến tình sầu” này có làm cho mình khổ lụy không. Cả một đoạn đường dài cố quên rồi lại nhớ, đã nhạt rồi lại đậm, đã chết rồi lại sống, khiến lòng chẳng an. Cõi tình e đã lấn cõi thiền chăng ? Bởi vì “cửa tùng đôi cánh gài” chưa hẳn là giải pháp hữu hiệu để ngăn chận một tâm hồn lãng mạn đa cảm. Có khi tình đã nguội nhưng lòng trắc ẩn không dễ vượt qua. Nếu đã vượt qua rồi thì ngại chi bóng nguyệt che mờ buổi bình minh.

Mãi đến hai phần ba đoạn đường, tâm kia mới sáng dần lên và sự quyết liệt, dũng mãnh để giữ mình mới lộ hẳn. Tự chiếu soi rồi vượt qua phương tiện nội quán, vượt qua cả chính mình. Vẻ an nhàn tự tại bắt đầu hiển lộ. Từ đây, dù vẫn nhắc về một bóng sắc giai nhân, vẫn còn những môi mọng tóc huyền, nhưng cảm quan đã vượt khỏi cái lụy của tình trường. Cái nhìn của nhà đạo đã khác. Tình yêu và giai nhân, trở thành đề mục quán tưởng thường trực để chứng nghiệm lẽ vô thường, huyễn mộng của trần gian. Như kẻ chăn trâu ở giai đoạn thứ sáu, cưỡi trâu về nhà (kỵ ngưu qui gia), thi nhân ở đây không còn là một lãng tử sầu tình, mà là một hành giả đã khéo điều phục tâm (tình) mình, đã an tâm, không còn sợ hãi lo âu, không sợ mất trâu, cũng không bị phiền lụy bởi trâu. Có thể để trâu bên cạnh hay cho nó đi lang thang vẫn không hề chi. Một chút nắng hồng trên vai, cũng chẳng nặng nề chi. Nắng hồng ấy, có thể là tình, có thể là huyễn sắc, đã được gió mang đến, phả nhẹ trên vai, sẽ tan biến bất cứ lúc nào, dù có gió hay không có gió. Bởi vì, tâm đã an.


CÁT BỤI ĐƯỜNG BAY
- Hàn Long Ẩn











































1.
Tàn thu buốt lạnh gió lay
Lên non còn nhớ mộng ngày ta xưa
Cánh chim phiêu bạt bao mùa
Chợt nghe vọng tiếng gió lùa sang sông

2.
Ai kia khoác áo nâu sòng
Bờ kinh còn dấu nụ hồng áo hoa
Trăng kia xuống cõi Ta Bà
Dạo chơi quên cả đêm qua ngày về

3.
Xưa em cột mái tóc thề
Sương khuya đọng ướt đề huề gió đưa
Sáng nay quét lá sân chùa
Chuyện ngày xưa đã theo mùa thu đi

4.
Mây che suối tóc thầm thì
Đá vàng khe dựng Dã Quì trổ bông
Bàn tay chắp đóa Sen hồng
Tặng người gieo hạt từ tâm vào đời

5.
Nước ra biển cả mù khơi
Hỏi thăm gió bấc bên trời buồn chăng
Đố ai thấu hiểu nỗi lòng
Đố ai đếm được mấy dòng lệ sa

6.
Ngày em khoác áo thêu hoa
Câu thơ rớt giữa hằng sa giọt buồn
Đêm về nghe vẳng tiếng chuông
Thềm khuya bóng nguyệt gió luồn khóm tre

7.
Rủ nhau nhặt lá Bồ Đề
Bỏ quên tiền kiếp lời thề non xanh
Tha hương khuất bóng thị thành
Đa mang cũng bởi mấy nhành tơ vương

8.
Vó câu giẫm nát tà dương
Cũng không dứt nỗi đoạn trường yến oanh
Thì thôi xin một chữ tình
Trăm năm vẹn giữ bên ghềnh nước xuôi

9.
Nhớ ai vàng phố mây trời
Chiều cầm sáo trúc ra đồi ngân nga
Bên trời cánh nhạn về qua
Ngoảnh đôi mắt ngó buồn ta tần ngần

10.
Mùa đông Cúc ẩm sương trong
Mùa xuân nở một nụ Hồng đón ai
Thiền sư quẩy một gót hài
Chân Như chợt hiện giữa đài Sen tơ

11.
Đêm nằm đếm mộng tìm mơ
Soi gương tóc trắng ơ hờ mây bay
Trăng đi đi đã bao ngày
Để sông nước ngủ trời tây một mình

12.
Em xinh tóc liễu buông mành
Dáng pha tuyết phủ bên ghềnh thác xưa
Bởi câu bạc mệnh sầu đưa
Thấm trang lệ úa bao mùa gọi nhau

13.
Qua sông thương mấy nhịp cầu
Thương con đò cũ trăng thâu đợi chờ
Tiếng chuông khuya, tiếng ai hò
Tao nhân lỡ bước thẩn thờ nhạn sa

14.
Chắp tay niệm Phật Di Đà
Trang kinh nở một đóa hoa nghê thường
Mai về bên ấy Tây phương
Còn vương suối tóc bụi đường tơ bay

15.
Lạc loài vết nhạn trời mây
Rã đôi cánh mỏng thêm dài thu phong
Tưởng đâu con nước xuôi dòng
Ngờ đâu nước cũng lên ghềnh xuống ao

16.
Thương em nhạt phấn hoa Đào
Đèn khuya hắt bóng xanh xao mộng đời
Lệ sầu đẫm ướt vành môi
Nghiệp duyên là lẽ mây trời nước sông

17.
Ừ thì em cũng thu đông
Ừ thì em phải rượu hồng gấm hoa
Mai sau cạn chén sơn hà
Tìm nhau hát bản tình ca muộn màng

18.
Có con kiến nhỏ bò ngang
Đi tìm tiên động tơ vàng mong manh
Đường xa lê bước bộ hành
Phù hư gửi gió cho ngàn thu qua

19.
Em so dây dạo cung ngà
Điệu buồn ru khúc Ta Bà về say
Tình chung cát bụi đường bay
Tình chung hoa nắng vàng lay giấc hồ

20.
Đất trời chung nỗi bơ vơ
Thì xin làm nhánh lan mơ giữa rừng
Ru ta từng tiếng thơ rung
Gửi thiên thu nỗi âm thầm tịch liêu

21.
Áo em phủ cả ráng chiều
Tóc em rũ bóng tơ huyền phù vân
Mắt em suối lệ âm thầm
Tình em gối mộng hư không bốn bề

22.
Cánh diều trắng rợp đồng quê
Cỏ lau luân vũ mây về hát ca
Bao năm dệt giấc giang hà
Chân Như chợt hiện chun trà trên tay

23.
Cõng trăng lên núi hỏi mây
Gió đi thấm thoát bao ngày về chưa
Nước xa non đã bao mùa
Khép đôi mi lại cho vừa chiêm bao

24.
Xuân nay ướp nhụy hoa Đào
Ra Giêng nở một lời chào tặng nhau
Lá xưa dù có thay màu
Trăm năm bóng nguyệt bên cầu soi gương

25.
Tơ bay phai dấu bụi đường
Vết chân phiêu bạt tóc sương điểm buồn
Mây chiều khuất bóng hoàng hôn
Phất phơ áo lụa ru hồn lãng du

26.
Vườn xưa khép lối sa mù
Cành khô gửi chiếc lá thu về ngàn
Đường xa thương chú bướm vàng
Dặm về ngõ trúc dặm sang xứ người

27.
Lạc nguyên khuất nẻo mù khơi
Mình ta ngồi đếm bóng thời gian qua
Đêm thâu rụng tiếng chuông chùa
Nằm đây nghe tiếng gió lùa sang canh

28.
Gầy khô khóe mắt chung tình
Bếp tàn lửa tắt trang kinh ngập ngừng
Đành thôi xếp lá hoa rừng
Ngủ bên triền dốc lưng chừng khói mây

29.
Thiên thu gối mộng nằm say
Gác chân lên ngọn cỏ may phiêu bồng
Nắng mai nhuộm suối mây hồng
Hoa xuân hé nụ bướm ong tìm về

30.
Em đi trẩy hội đồng quê
Gót son vẽ một đường mê luân hồi
Nghìn thu cuộc mộng trang đời
Kiếp nhân sinh ấy là lời chung riêng

31.
Thiền sư khép cửa am thiền
Vẫn nghe đầu gió một miền u linh
Hàn Long ẩn bóng thu mình
Nguyệt kia chẳng chịu để bình minh lên

32.
Cỏ khuya ngậm hạt sương đêm
Soi trong bóng nước nhớ tiền kiếp xưa
Những khi lá đổ chiều buông
Là khi em hiện miên trường xa xăm

33.
Vô Ưu cá lội dưới dòng
Chuồn Chuồn đậu nhánh hoa Hồng ngủ quên
Tạ từ suối mộng trăng lên
Sao khuya vút một đường tên cuối trời

34.
Đã đành ảo mộng thì thôi
Mà sao ta vẫn nhớ người rưng rưng
Hong tay trên bếp lửa hồng
Trầm tư bạc tóc lừng khừng cuộc đi

35.
Vẳng nghe tiếng vọng cố tri
Loang trong sương khói thầm thì cỏ hoa
Gió về mây hỏi đường qua
Mưa lên cung gấm giang hà mê man

36.
Bàn tay lướt phím tơ đàn
Rừng khuya hợp tấu mây ngàn về nghe
Suối sông gõ nhịp đê mê
Ngàn con sóng nhỏ hòa về hát ca

37.
Chân Như thực tại đang là
Vô tâm hớp ngụm chun trà hạo nhiên
Như Lai chím nụ cười hiền
Nhành hoa Sen nở trên miền tuyết băng

38.
Về thôi cát bụi đá vàng
Về thôi cuộc mộng non ngàn phù vân
Đêm nay buốt giá phiêu bồng
Lặng nghe chiếc lá bạt dòng sương bay

39.
Vườn đông khép lá ngủ say
Kìa trong đôi mắt hao gầy trúc tơ
Trầm tư ta thảo nét mơ
Họa người ta vút đường mờ như sương

40.
Bao giờ phai dấu bụi đường
Gót chân thôi hết dặm trường phiêu du
Vốc trăng hứng giọt sa mù
Đề thơ trên lá gửi phù hư chơi

41.
Đọc kinh bỏ ý quên lời
Bản lai diện mục nụ cười vô ngôn
Tế Điên túy lúy càn khôn
Hành trang là mảnh trăng đơn cuối ngàn

42.
Tình chung ta viết đôi hàng
Gửi người đan áo cho vàng Cúc hoa
Trời Tây đổ bóng chiều qua
Lật trang thư cũ bút nhòa nét nghiêng

43.
Thiền sư xuống núi tọa thiền
Bỏ quên tràng hạt trên miền tuyết băng
Đầu ngọn cỏ giọt sương trong
Tháng năm lặng rớt một dòng phân vân

44.
Phố khuya ai bước bâng khuâng
Thoảng trong hiu hắt lưng chừng bến mê
Trăng xưa lạc gió mây về
Nghe trong dư ảnh lời thề hanh hao

45.
Ai còn ngủ thức chiêm bao
Thì ta xin gửi lời chào đầu xuân
Tồn sinh hóa hiện bao lần
Từ vô thỉ kiếp trăng ngần dáng xưa

46.
Tâm kinh kết nụ bao mùa
Sáng nay bừng nở bên bờ sao sương
Mảnh gương đầu gió rung chuông
Cành khô tiếng động chú chuồn chuồn bay

47.
Nhớ ai giấu lệ lên mây
Đợi ngày Đông Chí mưa gầy ngõ hoa
Bụi đường ví mảnh hồn ta
Tơ bay ngọn cỏ la đà mặt sông

48.
Cuộc chơi nào chẳng phiêu bồng
Cuộc đi nào chẳng âm thầm tiêu tương
Đầm đìa sương khói tà dương
Thả buồn lên suối du phương mịt mờ

49.
Em về chưa kịp giấc mơ
Bàn tay sấp ngửa đã mờ nét phai
Tóc mây kết nụ hoa lài
Kìa trong đôi mắt dấu hài còn in

50.
Thuyền soi bóng nước im lìm
Giữa thinh không một dấu chim hao gầy
Ngày tàn bóng đổ về Tây
Áo trăng phơ phất bên này lạch sông

51.
Thôi em hãy cứ phiêu bồng
Để ta kiết giới tu đông một mình
Soi gương đối diện bóng hình
Đập gương chợt thấy mông mênh đất trời

52.
Nằm đây ta ngắm mây trôi
Gửi thiên thu cả nụ cười hư vô
Môi em chín mọng bao giờ
Sáng nay rụng giữa hai bờ Chân Như

53.
Khi trời phủ bóng sương mờ
Chuyện ngày xưa cũ lời thơ về tràn
Quê hương bến nước đò ngang
Dòng sông hát khúc tơ vàng đón em

54.
Dế buồn cất tiếng kêu đêm
Trúc lay gió động bên rèm sao xanh
Về đi cát bụi chung tình
Về đi Hoàng Hạc nghiêng mình sông ca

55.
Tử Kỳ khóc nhớ Bá Nha
Thiên thu bằng hữu cầm ca một vài
Trăng soi bóng nước trâm cài
Bờ kia sao cứ mãi hoài cách ngăn

56.
Tóc xanh em thuở nguyệt rằm
Xuân nay ngó lại nụ hồng phai phôi
Nẻo về gót ngọc chia đôi
Ai ngồi nhặt hạt thu rơi cuối mùa

57.
Đành thôi dệt mộng hương xưa
Dư âm ngày cũ đã vừa xanh xao
Mở mắt thì giấc chiêm bao
Nhắm đôi mắt lại lạc vào cung mơ

58.
Sầu em hãy cứ lập lờ
Để ta còn mãi bài thơ nửa chừng
Sương rơi ướp nụ hoa rừng
Bình minh rải hạt vô thường sớm mai

59.
Từ trong hạt bụi bay bay
Có Tam Thiên Giới bờ này bến kia
Đâu là ngộ ? Đâu là mê ?
Mưa lên trăm hướng cũng về biển xa

60.
Nắng vàng nhuộm mảnh Cà Sa
Thiền môn rớt tiếng chim ca đầu mùa
Em mang phẩm vật lên chùa
Ra về chợt nhớ cái vừa đã quên

61.
Ngón tay điểm bóng trăng huyền
Qua bờ hư ảo thả thuyền sông trôi
Ngàn năm mây nước bên trời
Thiên thu tự tánh vỡ lời hư không

62.
Lang thang từ cõi phiêu bồng
Sương đầu ngọn cỏ nắng hồng song thưa
Buồn em khóc gió thu mưa
Buồn ta gửi lại cho vừa hồng hoang

63.
Về xa mỏi cánh chim bằng
Tà dương bạc tóc Hương giang gợn buồn
Điệu sầu ví khúc tơ vương
Thuyền ai chở mảnh trăng đơn lạc dòng

64.
Phận em kiếp đóa phù dung
Sầu lên khóe mắt muôn trùng sơn khê
Cánh chim vỗ núi non về
Trao nhau vội vã lời thề phù vân

65.
Tơ bay phố núi lưng chừng
Áo em lụa mỏng vạt gần vạt xa
Bước chân về giữa ngàn hoa
Thì đôi môi ấy còn là cảo thơm

66.
Vỗ trăng khuya nước thì thầm
Buông chèo vẩy sóng theo trùng dương đi
Trúc tơ lá động rầm rì
Bên đồi quán gió mây về ngủ say

67.
Tính hôm nay nữa bao ngày
Mà hôm qua đã phủ đầy phong rêu
Vàng phai phố thị trời chiều
Gót chân du thủ đã nhiều niềm riêng

68.
Lặng thầm một cõi đời nghiêng
Xô theo suối tóc tơ huyền lênh đênh
Lên non mình đối diện mình
Xuống sông soi bóng cũng tình ảo mơ

69.
Đường xa xe ngựa mịt mờ
Khói sương nhân ảnh lại chờ áo phai
Mưa giăng phong kín đêm dài
Từ trong hoang lạnh bóng ai gọi hồn

70.
Còn đây hư ảo nụ hôn
Còn đây mộng mị từ muôn kiếp nào
Con chim đậu nhánh Mai, Đào
Tiếng kêu rớt cõi chiêm bao lạnh lùng

71.
Thiền sư bỏ núi hoa rừng
Ngày về cánh khép cửa tùng lặng im
Quê hương khuất bóng đường chim
Hoàng hôn còn một nét chìm xa xăm

72.
Em ra sông buổi trăng rằm
Ngây thơ gót ngọc soi dòng suối mơ
Ta làm chiếc lá tình cờ
Rơi không định hướng lên bờ mắt nhau

73.
Gửi hương cho gió pha màu
Vẽ dương gian đẫm nét đau nhạt nhòa
Nghiêng tay họa rác thành hoa
Nhớ người ta thảo bút qua ngõ hồn

74.
Đường đông phố ngựa xe dồn
Tơ bay bụi cuốn chập chờn nắng rơi
Có ta mây biếc về chơi
Không ta mây cũng bên trời bay bay

75.
Trăng lên đầu ngọn cỏ may
Vô thường giấu nụ hoa gầy trước sân
Em chừ bỏ Bắc về Đông
Đêm đêm đắp mảnh chăn hồng nằm mơ

76.
Triều dâng con nước vỗ bờ
Thuyền không neo bến nên giờ về xa
Ngẫm câu cát bụi đời ta
Thì thôi nhân thế cũng là bóng câu

77.
Ta về thắp nến nguyện cầu
Búp tay Sen nở nhiệm mầu tặng em
Quan Âm hiện bóng mẹ hiền
Cam Lồ giọt nước an nhiên nụ cười

78.
Từ nay ta ở bên người
Khép dư hương cũ mộng đời ngủ yên
Gối kinh đệm cỏ ngồi thiền
Đầu sương ẩn hiện một miền Lạc Bang

79.
Lời kinh hiện bóng trăng ngàn
Vườn tâm hé nụ đá vàng trổ bông
Người đi trong cõi sắc không
Hành trang chỉ chút nắng hồng trên vai

Vườn chùa

- Trần Hồng Giang



Bồ Đề lặng yên ngâm ngợi
Vườn chùa tư lự chênh chao
Lấp loáng nắng chiều loang vỡ
Ni cô nhặt lá bên rào

Kinh cầu vọng miền tâm thức
Xóa nhòa hai phía thực hư
Nhân gian lánh mình thua được
Vườn chùa rạng rỡ Chân Như

Chiều rơi vườn chùa thanh lặng
Tĩnh tâm cơ sự vuông tròn
Niết Bàn phải đâu xa lắm
Chắp tay minh tuệ ngợp hồn

Cao nhân chân chính

- Sưu tầm

Cao nhân chân chính, chính là có thể thắng nhưng không nhất định phải thắng, có thể đánh bại kẻ khác nhưng không nhất định phải đánh bại.

Thế nào gọi là cao nhân ? Tương truyền, Tả Tông Đường rất thích chơi cờ vây, hơn nữa còn là một cao thủ, gần như không có ai là đối thủ của ông. Có một lần, Tả Tông Đường cải trang trước khi xuất chinh đánh trận,
trên đường bỗng nhìn thấy một ngôi nhà tranh, trên xà nhà có treo tấm biển “Thiên hạ đệ nhất kỳ thủ”, Tả Tông Đường thấy thế thì trong lòng không phục, liền đi vào trong để cùng chủ nhân ngôi nhà đánh ba ván cờ. Vị chủ nhà đánh ba ván đều thua, Tả Tông Đường cười nói: “Ông nên tháo tấm biển kia xuống đi !”, nói xong, Tả Tông Đường tràn đầy tự tin, cao hứng bừng bừng mà rời đi.

Không lâu sau, Tả Tông Đường thắng trận trở về, lại đi ngang qua ngôi nhà ấy, thấy tấm biển “Thiên hạ đệ nhất kỳ thủ” vẫn chưa được gỡ xuống, Tả Tông Đường tức giận đi vào trong nhà để cùng vị chủ nhân tỷ thí ba ván cờ nữa. Lần này, Tả Tông Đường thua cả ba ván. Tả Tông Đường vô cùng kinh ngạc, liền hỏi vị chủ nhân tại sao lại như vậy. Vị chủ nhân đáp: “Lần trước, Ngài tuy mặc thường phục nhưng ta đã sớm biết ngài là Tả Công, ngài mang trên mình nhiệm vụ đánh giặc, ta không thể dập tắt nhuệ khí chiến đấu của ngài. Lần này, ngài đã chiến thắng trở về, ta đương nhiên toàn lực ứng phó, việc đáng làm thì ắt phải làm, không thể nhượng bộ !”

Cao thủ chân chính trên thế gian, chính là có thể thắng nhưng không nhất định phải thắng, có thể đánh bại kẻ khác nhưng không nhất định phải đánh bại, ấy là vì có tấm lòng khiêm nhượng, thiện tâm với người. Cuộc sống chẳng phải là như vậy sao ?

Thông minh không nhất định là có trí tuệ, thế nhưng trí tuệ thì nhất định bao quát thông minh. Người thông minh tâm nặng chuyện được mất, người trí tuệ có thể dũng cảm xả bỏ. Tai thính thật sự thì có thể nghe được tiếng lòng, mắt sáng thật sự thì có thể nhìn thấu tâm linh.

- Chứng kiến, không có nghĩa là nhìn thấy.

- Nhìn thấy, không có nghĩa là nhìn rõ.

- Nhìn rõ, không có nghĩa là hiểu được.

- Hiểu được, không có nghĩa là hiểu rõ.

- Hiểu rõ, không có nghĩa là đã thông suốt.

Chúng ta vẫn thường nghe nói: “Không có văn hóa thì thật đáng sợ”, thế nhưng “văn hóa” ấy rốt cuộc là cái gì vậy ? Là bằng cấp ? Là kinh nghiệm ? Hay là sự từng trải ? Đáp án: Tất cả đều không phải !

Ngày hôm nay, coi như chúng ta đã được thấy một lời giải thích thuyết phục, “văn hóa” ấy chính là biểu đạt bởi bốn điều sau đây:

1. Đào sâu vào tu dưỡng nội tâm.

2. Tự giác không cần nhắc nhở.

3. Lấy ước thúc làm tiền đề cho tự do.

4. Suy nghĩ lương thiện vì người khác.

Mọi thứ chúng ta nghe chỉ là ý niệm, chưa phải là thực tại. Mọi thứ chúng ta thấy là một quan điểm, chưa chắc là sự thật. Người biết nghi ngờ chính cái thấy, cái nghe của mình đó là người thận trọng trong mọi hành xử giữa cuộc đời. Thế gian này: “thấy vậy mà không phải vậy” nhiều lắm lắm, không vội vàng kết luận, khen, chê, bình phẩm tốt, xấu bất kỳ ai ... thì chắc chắn người đó sẽ không bị … “hố” !

Con ngựa Kanthaka

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương XII, Thích Nhất Hạnh

Sức khỏe của Yasodhara trở lại bình thường, và nàng đã có thể bắt đầu lại công việc, tuy rằng nàng để khá nhiều thì giờ lo cho bé Rahula. Một sáng mùa xuân nọ, Channa đánh xe song mã đưa Siddhatta và Yasodhara đi ra ngoài thành du ngoạn, theo lời khuyên nhủ của bà Gotami. Rahula cũng được ẵm theo và một cô thị nữ tên Ratna cũng được đi theo để săn sóc bé.

Nắng ấm đã lên. Lá cây xanh mơn mởn. Hoa nở khắp nơi, những cây Vô Ưu và những cây hồng táo nở hoa đầy mình. Chim chóc ca hát bốn phía. Channa cho xe đi chậm. Có những người dân quê nhận ra được Siddhatta và Yasodhara. Họ đứng dậy đưa cả hai tay lên vẫy. Xe đã ra tới bờ sông Banganga. Bỗng nhiên, Channa ghim cương ngựa lại. Mọi người nhìn về phía trước mặt. Một người đang nằm chặn giữa đường, tay chân người đó co quắp lại. Toàn thân người đó run rẩy. Miệng người đó không ngớt kêu rên. Siddhatta nhảy xuống, lại gần. Channa cũng buộc cương ngựa vào thành xe, nhảy xuống. Người nằm bên đường là một người đàn ông, tuổi chưa tới ba mươi. Siddhatta cầm lấy tay người ấy và ngước mắt hỏi Channa:

- Người nầy trúng gió phải không, Channa ? Anh hãy giúp ta xoa bóp và đánh gió cho ông ta.

Channa lắc đầu:

- Thưa điện hạ, đây không phải là triệu chứng của người trúng gió. Người này mắc phải chứng dịch hạch. Chứng này hiện chưa có thầy thuốc nào biết cách chữa.

- Khổ chưa, thái tử Siddhatta nhìn kỹ lại người bệnh. Ta có nên chở ông ta về cho ngự y xem xét không ?

- Thưa điện hạ, bệnh này ngự y cũng không trị nổi, mà bệnh này lại hay lây. Nếu ta chở người này lên xe thì bệnh có thể lây tới lệnh bà, tới cậu Rahula, và tới cả điện hạ nữa. Xin điện hạ buông tay người ấy ra đi, kẻo nguy hiểm lắm.

Siddhatta vẫn không buông tay người bệnh. Chàng nhìn tay người bệnh rồi nhìn lại tay chàng. Chàng biết chàng là một người mạnh khỏe, nhưng nhìn thấy người bệnh trạc tuổi mình đang nằm trước ngưỡng cửa của cái chết, bao nhiêu sự tự hào về sức khỏe và sự may mắn của riêng mình đột nhiên tan biến hết nơi chàng. Từ bờ sông, bỗng có tiếng khóc than vọng lại. Chàng đưa mắt nhìn lên. Lại một đám ma. Lại một giàn hỏa. Tiếng đọc kinh đã vọng lên chen lẫn với tiếng khóc than và tiếp đến là tiếng phần phật của giàn lửa bốc cháy. Siddhatta nhìn xuống thì người bệnh dưới chân mình đã tắt thở. Hai con mắt ông ta còn trợn trừng. Chàng đặt bàn tay người ấy xuống, đưa tay vuốt mắt người chết. Khi đứng dậy thì chàng thấy Yasodhara đã đứng sau lưng chàng không biết từ lúc nào. Nàng nói giọng nhỏ nhẹ:

- Xin điện hạ xuống rửa tay dưới bến sông. Channa, anh cũng nên xuống sông rửa tay đi. Rồi chúng ta đánh xe vào xóm báo cho nhà chức trách địa phương biết để họ lo liệu.

Cuộc du hành mùa Xuân tới dây là chấm dứt. Siddhatta báo Channa đánh xe trở về cung điện. Trên đường về không ai nói với ai một lời nào. Tối hôm ấy, Yasodhara nằm mơ thấy toàn là những ác mộng. Trong giấc mơ đầu, nàng thấy một con bò mộng trắng, trên đầu có gắn một viên ngọc lớn lấp lánh như sao bắc đẩu. Con bò đi từng bước thong thả qua đường phố thành Kapilavatthu và hướng về cổng thành. Từ đền thờ Indra, có tiếng thiên thần la lớn: “Nếu không giữ được con bò này lại thì kinh đô này còn đâu là ánh sáng”, mọi người trong thành đều chạy đến cố sức giữ bò lại, nhưng rốt cuộc, không ai giữ được nó. Con bò thoát ra khỏi thành và đi mất.

Trong giấc mộng thứ hai, nàng thấy bốn vị vua trời từ trên đỉnh núi Tu Di phóng hào quang ngay thành Kapilavatthu. Ngọn cờ đang bay phấp phới trên đền thờ Indra bỗng dưng đập mạnh và rơi xuống đất. Hoa ở trên trời rơi xuống như mưa, hoa đủ năm màu, chói lọi. Khắp nơi như mở đại hội, và tiếng nhạc từ trên không vang dội khắp kinh kỳ.

Trong giấc mộng thứ ba, nàng nghe tiếng hô to trong không gian: “Giờ đã đến ! Giờ đã đến !”, nàng hoảng hốt nhìn sang chỗ Siddhatta ngồi thì không còn thấy Siddhatta ở đấy. Những chiếc hoa lài cài trên tóc nàng bỗng rơi xuống sàn nhà và biến thành tro bụi. Tất cả những áo mão và đồ trang sức mà Siddhatta để lại trên ghế chàng bây giờ bỗng biến thành một con rắn đang trườn ra phía cửa. Trong hoảng hốt, nàng nghe tiếng rống của con bò trắng từ phía ngoài thành. Nàng nghe tiếng phần phật của ngọn cờ trên đền thờ Indra, và nàng nghe tiếng hô lớn trong không gian: “Giờ đã đến ! Giờ đã đến !”.

Yasodhara thức giấc. Trán nàng toát mồ hôi. Quay sang phía Siddhatta, nàng lay chàng dậy:

- Anh, anh ơi, anh thức dậy đi anh.

Siddhatta vẫn còn thức. Chàng đưa tay vỗ về Yasodhara. Chàng nói:

- Em vừa mới mơ thấy gì đó ? Hãy kể cho anh nghe đi.

Yasodhara kể lại những giấc mộng của nàng, và nàng hỏi chàng:

- Có phải những giấc mộng ấy báo trước rằng anh sẽ ra đi tìm đạo và bỏ em ở nhà một mình phải không anh ?

Siddhatta im lặng nghe. Chàng an ủi nàng:

- Này Gopa, em đừng buồn. Anh biết em là một người có chí khí. Anh biết em là người cộng sự của anh, và em có thể giúp anh hoàn thành được chí nguyện. Em hiểu anh hơn ai hết trong những người thân thuộc của chúng ta. Vậy nếu mai này mà anh phải đi và phải xa em, xa em trong một thời gian, anh mong rằng em sẽ có đủ can đảm để tiếp tục công việc của em. Em sẽ chăm sóc con và nuôi con lớn lên, dù anh có đi, dù anh có ở xa em thì tình thương của anh đối với em bao giờ cũng thế. Anh sẽ chẳng bao giờ không yêu em. Nếu em biết như thế thì em có thể chịu đựng được sự xa cách. Khi anh tìm được đạo, anh sẽ trở về với em, với con. Thôi em ngủ lại đi.

Tiếng Siddhatta ôn tồn, ngọt ngào và vỗ về đi thẳng vào lòng Yasodhara. Nàng có đủ đức tin nơi chàng. Nàng ngoan ngoãn nhắm mắt lại. Sáng hôm sau, Siddhatta vào gặp vua cha. Chàng tâu:

- Thưa phụ vương, con xin phép phụ vương xuất gia để tìm đạo.

Vua Suddhodana giật mình, tuy đã từng nghĩ đến biến cố có thể xảy ra này, nhưng vua chưa bao giờ nghĩ nó xảy ra một cách đột ngột như vậy. Trầm ngâm hồi lâu, Ngài nhìn con rồi nói:

- Ngày xưa trong dòng họ ta thỉnh thoảng cũng có người đi xuất gia làm sa môn, nhưng không ai bỏ nhà ra đi vào tuổi của con cả. Ai cũng đợi đến sau tuổi năm mươi. Sao con không làm như thế ? Con của con còn nhỏ, và nước nhà đang trông cậy vào con ...

- Thưa phụ vương, một ngày con ngồi trong cung cũng như một ngày con ngồi trên đống lửa. Tâm con không an thì làm sao con có thể đáp lại sự trông cậy của phụ vương, của nước nhà, cũng như của bất cứ ai ? Con thấy ngày tháng qua rất mau, tuổi trẻ của con cũng vậy. Xin phụ vương cho phép con ...

Vua ôn tồn:

- Con nên nghĩ đến sơn hà, xã tắc, đến ta, đến Yasodhara và đến đứa con còn trứng nước của con.

- Thưa phụ vương, chính vì con nghĩ đến cho nên con mới xin phép phụ vương cho con ra đi. Con đi đây không phải là để cho một mình con. Con không ích kỷ đi trốn tránh nhiệm vụ của con. Chính phụ vương cũng biết rằng phụ vương không giúp được cho con giải tỏa những khổ đau dằn vặt trong con. Ngay cả những khổ đau dằn vặt trong lòng phụ vương, phụ vương cũng chưa giải tỏa được.

Vua đứng dậy nắm lấy tay chàng:

- Con biết rằng ra rất cần con. Con là người mà ta đặt hết kỳ vọng của ta. Con đừng bỏ ta.

- Con không bao giờ bỏ phụ vương. Con chỉ xin phụ vương đi xa. Chừng nào đạt đạo con sẽ trở về.

Nét mặt Suddhodana dàu dàu. Ngài không nói gì nữa. Ngài bỏ vào biệt điện. Chiều hôm đó, hoàng hậu Gotami qua ở lại suốt buổi với Yasodhara. Cũng chiều hôm đó, Udayin bạn của Siddhatta đến chơi. Chàng rủ theo Devadatta, Ananda, Anuruddha, Kimbila và Bhadrika, những người trai trẻ đòi tổ chức cuộc vui. Udayin đã mời được đoàn vũ công tài ba nhất trong kinh thành đến. Đèn đuốc thắp lên sáng rực cả cung điện. Bà Gotami cho Yasodhara biết là Udayin đã được vua cho triệu tới và giao trách nhiệm làm đủ mọi cách để ngăn Siddhatta bỏ nhà ra đi. Cuộc vui tối nay nằm trong chương trình hành động của chàng.

Yasodhara ra lệnh cho các thị nữ đi lo thức ăn và thức uống cùng các nhu cầu khác cho cuộc vui và nàng ở lại bên trong đàm đạo với phu nhân Gotami trong khi bên ngoài công viên Siddhatta tiếp đãi các bè bạn. Hôm đó là ngày trăng tròn tháng Uttarasalha. Khi tiếng nhạc của cuộc vui bắt đầu trỗi dậy thì trăng cũng bắt đầu nhô lên trên rặng cây phía trời Đông Nam. Bà Gotami tâm sự với Yasodhara cho tới khuya mới về cung an nghỉ. Khi đưa bà ra sân, Yasodhara thấy trăng đã lên tới đỉnh đầu. Cuộc vui còn tiếp diễn với tiếng trống tiếng nhạc và tiếng nói cười. Đưa hoàng hậu Gotami khỏi ngõ, nàng trở vào đi tìm Channa. Người hầu cận này đang ngủ. Nàng đánh thức Channa dậy, thầm thì:

- Có thể đêm nay thái tử cần đến ngươi. Hãy chuẩn bị cho con Kanthaka, yên cương đầy đủ, và cũng nên chuẩn bị một con ngựa khác cho chính ngươi.

- Thưa lệnh bà, thái tử đi đâu vào giờ này ?

- Ngươi đừng hỏi, cứ việc chuẩn bị như lời ta dặn vì thái tử có thể cần đến ngươi trong đêm nay.

Channa vâng dạ đi vào tàu ngựa. Yasodhara đi trở vào trong cung. Nàng sắp đặt sẵn giày nón và áo dạ hành cho thái tử. Nàng lại đi lấy thêm một chiếc chăn mỏng để đắp thêm cho Rahula, rồi nàng thay áo và lên giường. Nằm trên giường, nằng lắng nghe tiếng nhạc, tiếng ca, tiếng nói và tiếng cười. Cuối cùng, cuộc vui tan. Có lẽ mọi người đều đã tìm nơi an nghỉ. Yasodhara nằm yên lắng nghe sự im lặng trở về trong cung cấm. Nằm nằm yên chờ đợi, nhưng lâu lắm nàng vẫn không thấy Siddhatta đi vào.

Trong khi đó, Siddhatta ngồi một mình thật lâu ngoài vườn ngự. Chàng nhìn lên trời. Trăng sáng vằng vặc, ngàn sao nhấp nháy. Chàng quyết định đêm nay phải rời bỏ hoàng cung. Chàng đi vào, mang giày và mặc áo. Chàng vén rèm nhìn vào phòng ngủ, Rahula nằm ngay bên cạnh. Chàng muốn vào nói lời từ biệt nàng, nhưng chàng lưỡng lự, những lời dặn dò cần thiết nhất, chàng đã nói với nàng rồi. Thức nàng dậy chàng biết chàng sẽ làm cho phút biệt ly khó khăn hơn, và não lòng hơn, chàng buông rèm xuống, định bước chân ra, nhưng chàng đứng lại vén rèm lần nữa, để nhìn hai mẹ con một lần cuối. Chàng nhìn thật kỹ như để thu lấy thêm một lần nữa cái hình ảnh quen thuộc và thân yêu ấy. Cuối cùng chàng buông rèm, bước ra. Khi đi ngang qua phòng khánh tiết, Siddhatta thấy bọn vũ nữ nằm ngủ la liệt và ngã nghiêng trên nệm thảm. Đầu tóc họ xổ tung, có người mở rộng miệng ra như những con cá chết, những cánh tay mềm mại của họ bây giờ cứng đơ như những thanh củi, và chân họ gác ngang gác ngửa như trên một bãi chiến trường. Họ trông giống như những cái xác chết không hồn. Siddhatta có cảm tưởng mình đang bước ngang qua một cái nghĩa địa. Chàng mở cửa ra đi ra phía chuồng ngựa. Channa đang thức. Chàng bảo:

- Channa, đem con Kanthaka ra đây.

Channa vâng dạ. Channa đã chuẩn bị mọi sự chu đáo rồi. Con Kanthaka đã có đủ yên cương. Channa thưa lại:

- Con có đi với điện hạ không ?

Siddhatta gật đầu. Channa đi vào tàu, dắt ra một con ngựa khác. Con ngựa này cũng đã có đủ yên cương. Hai thầy trò dắt ngựa ra khỏi cung. Siddhatta dừng lại, vuốt ve con Kanthaka. Chàng nói với ngựa:

- Này Kanthaka, chuyến đi này là một chuyến đi quan trọng. Con hãy hết lòng đưa ta đi.

Chàng nhảy lên mình ngựa. Channa cũng nhảy lên ngựa của mình. Hai thầy trò cho ngựa đi thong thả để đừng gây nên nhiều tiếng động. Những người lính gác cửa thành đang ngủ say. Hai thầy trò vượt qua cổng thành một cách dễ dàng. Ra khỏi cổng thành, được chừng một dặm, Siddhatta dừng ngựa. Chàng quay nhìn lại kinh đô đang nằm im lìm dưới ánh trăng. Chính nơi kinh đô này mà Siddhatta đã sinh ra và lớn lên. Chính nơi kinh đô này mà chàng đã trải qua bao nhiêu buồn vui và thao thức. Chính trong kinh đô ấy, phụ hoàng, bà Gotami, Yasodhara, Rahula và tất cả những người thân yêu khác hiện đang ngủ say. Chàng thầm bảo:

- Nếu không tìm ra được con đường, ta sẽ không trở về Kapilavatthu nữa.

Chàng quay ngựa về phương Nam. Con Kanthaka bắt đầu phi nước đại.