V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|27|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường



Nơi đây …

Tháng Bảy …

Mùa hoa dại đã về đến dưới hiên.

Mặc cho nắng tháng Tư.

Mặc cho mưa tháng Năm.

Mặc cho gió tháng Sáu.

Mặc cho lòng người lạnh nhạt hờ hững quanh năm.

Mùa hoa dại vẫn về đúng hẹn. Để tháng Bảy, mỗi sớm mai, mở cửa sổ, lại thấy dưới hiên những đóa hoa dại tím nhạt bình thản.

Dưới hiên nhà tháng Bảy, lũ cỏ dại về viết lên những câu kinh: “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh …”. Những câu kinh vô tự, những lời kinh vô ngôn, từ muôn đời nay vẫn mãi ở đó, chờ người hữu duyên.

Hoa của năm nay, hoa của những mùa cũ, hoa của những mùa sau này, chẳng phải một, nhưng cũng chẳng phải khác, có một điều bất biến giữa dòng sinh diệt, có một điều còn mãi từ những mùa hoa.

Tháng Bảy mưa ...

Tháng Bảy gió …

Dưới hiên nhà vẫn ấm những câu kinh.

Thanh xuân ấy để dành cho ai, cho người hay cho mình ?

( Chay Mộc )



❝ ...

- Con à !

- Dạ !

Đi qua những tháng năm thanh xuân, mà chỉ đuổi theo tình, tiền, danh, sắc … quả là rất phí cho một kiếp người. Rất ít người nhận ra được điều này. Có lẽ chỉ những con người đang nằm quằn quại trên giường bệnh chờ cái chết, cơ thế đau nhức, đến thở còn không thở được nữa. Có lẽ những con người đó mới thấu hiểu thế nào là sự quý giá của cuộc sống bình thường, khỏe mạnh. Những con người đã đi qua nhiều tháng năm thăng trầm, mới lĩnh hội được cái gì là điều quan trọng nhất, cái gì chỉ là phù phiếm xa hoa, chóng đến chóng đi.

Nói vậy mà cũng khó, nhận ra được đã khó, làm được còn khó hơn gấp bội. Đã nhận ra cái thân tàn này sẽ già, sẽ chết. Đã gặp bao tấm gương già đi từng ngày trước mặt, chết đi từng ngày. Nhưng người ta vẫn quên. Con người cứ tự hào là động vật bậc cao nhất, thông minh nhất. Vậy mà sự thật rành rành trước mắt vẫn cứ quên hoài. Vẫn vô minh mà hành động trong vô thức. Để nghiệp quả dẫn đi hoài. Đau thương chìm nổi một đời, lại ngồi than thở đổ tại trời, tại số phận. Quả là con người !

Quan trọng, có lẽ vẫn là mình đủ tỉnh thức đến đâu, đủ quyết tâm đến đâu, đủ trí tuệ đến đâu, để đi hết con đường mình đã chọn. Không bị những lưới giăng ngang mắc dọc trên đường cuốn mất, đi được đến cuối cùng là mình đã thắng. Dừng lại, dù ở đâu với lý do gì, cũng là mình đã lạc đường mất rồi. Đừng để ngày xanh trôi mãi, rồi đến cuối đời chợt nhận ra mình chỉ là con dã tràng ôm mộng lấp cát biển đông.

Yêu và thương con nhiều, nghe con !

( Chay Mộc )


...❞

Chuyển hóa sân hận

- Thích Nhật Từ



Khi bị cơn giận thiêu đốt, người ta có khuynh hướng trút sự nóng giận hay cơn thiêu đốt đó vào đối tượng khác, nhưng không ngờ sự trút đổ vô lối đó càng làm cơn giận gia tăng. Nhiều người sai lầm khi cho sự sân hận là động cơ của hành động. Từ quan niệm sai lầm này, có người muốn chứng tỏ ta đây có sức lực, trí khôn, là người thành công chứ không phải người ăn bám nên đã trút đổ vô tội vạ sự bất mãn và sân hận. Dĩ nhiên, có thể mang lại nỗi đau cho người khác. Sự thỏa mãn tự hào và ngạo nghễ trong thành công sẽ tạo thành nội kết lớn hơn, nguy hiểm hơn. Người bị ngạo nghễ thách đố nếu kháng cự thì nội kết giữa hai người sẽ bốc cháy và trở nên nguy hại.

Sống hộ con

- Quà tặng cuộc sống

Đừng sống hộ con cái, dù có muộn cũng hãy để tự chúng bước đi trên đôi chân của mình.





Giận

- Sưu tầm



Phải tập tánh không giận
Luôn bình thản nhẹ nhàng
Khen chê không vướng bận
Dù gặp điều trái ngang

Giận lên là rất mệt
Gương mặt lại hết xinh
Hiền từ đâu biến hết
Dễ làm mất cảm tình

Khi giận tâm không ổn
Ăn uống cũng không ngon
Lời nói không khiêm tốn
Tuổi thọ sớm hao mòn

Nếu giận nên im lặng
Nhìn vào nội tâm mình
Tự tìm trong sâu lắng
Khơi dậy sự tịnh minh

Biết đời là cõi tạm
Tất cả do duyên sinh
Mọi việc phải thông cảm
Đâu cần nổi bất bình

Giận hờn chi thêm khổ
Bỏ qua cho yên vui
Mỉm cười đừng gây gổ
Cơn giận sẽ tự lui

Hạnh phúc từ khi biết cách nhìn

- Sưu tầm



Thông thường tâm ta bị nặng xuống và khổ đau tìm tới với ta, vì ta thấy ai, ta cũng nghi ngờ, ta sống mất hết hy vọng, vì ta nhìn thấy ai cũng xấu cả. Nhưng, ta quên đi một điều hết sức quan trọng trong đời sống rằng: “ta nghĩ xấu cho ai là tâm ta xấu trước, ta nghĩ tốt cho ai là tâm ta tốt trước”. Ta chỉ có hạnh phúc và thoải mái, đầy nghị lực để sống, khi ta nghĩ được rằng: “mọi người chung quanh ta không có ai xấu cả, nếu có chăng, chỉ có cái tâm ta xấu, khi nó đang nghĩ xấu về một người khác”. Và ta biết rất rõ rằng: “người kia xấu vì họ chưa có đủ điều kiện để biểu hiện cái tốt của họ ra đó thôi”.

Ta hãy thực tập nhìn vào những cái tốt của người để tâm ta có nhiều cơ hội đi lên. Ta thử thực tập một ngày, một tháng hay một năm đừng thấy ai xấu cả, thử xem tâm ta có nhẹ nhõm và thanh thoát hay không. Ta hãy phát tâm làm một đốm lửa nhỏ giữa mùa đông, hay một giọt nước nhỏ giữa mùa hạ, để tâm ta có mặt trong tâm mọi người.

Xa hơn thế, nếu không nhìn được cái tốt của người khác thì ta nên tập nhìn mọi người với cái nhìn Như Thị (như thế), vì ánh nhìn càng đơn giản, tâm thái ta càng trở nên trong sáng, nhẹ nhàng. Điều này mới nghe qua thì đơn giản, nhưng để có cái nhìn như này lại không hề giản đơn …

“Em hãy nhìn như Phật
Nét bao dung, hiền hòa
Ánh nhìn Chân Thiện Mỹ
Làm đau thương xóa nhòa …”
Thích Tánh Tuệ


Phong thủy tốt nhất

- Sưu tầm



Một doanh nhân làm ăn kinh doanh rất phát đạt. Anh quyết định mua một mảnh đất rộng ở ngoại ô, xây một biệt thự ba tầng, bên trong có vườn hoa cây cảnh ao cá, kết hợp rất đẹp mắt. Đằng sau vườn còn có một cây vải cổ thụ trăm tuổi. Sở dĩ vì nhắm đến cây vải mà anh mới mua mảnh đất này, nguyên nhân là bởi vợ anh thích ăn vải.

Trong thời gian sửa sang nhà cửa, bạn bè khuyên anh tìm một thầy phong thủy về xem giúp để tránh phạm phải những điều kiêng kỵ. Anh đã mời một thầy phong thủy, người có hơn ba mươi năm kinh nghiệm và rất có tiếng trong giới.

Sau khi trình bày mọi chuyện, anh lái xe đưa thầy phong thủy về biệt thự nhà mình. Trên đường đi, gặp bất cứ xe nào muốn vượt, anh đều nhường. Thầy phong thủy cười nói: “anh lái xe thật chậm rãi”, anh cười lớn, đáp: “những người vượt phần lớn đều là đang có chuyện gấp, không nên cản trở, làm mất thời gian của họ”.

Xe về đến thị trấn, một đứa trẻ đang vừa cười vừa từ trong ngõ nhỏ chạy thẳng ra đường. Anh vội phanh xe tránh, đứa trẻ cười tít mắt chạy qua rồi, anh vẫn chưa nhấn ga đi tiếp mà ngó vào trong ngõ, dường như đang đợi điều gì. Một lát sau, lại có một đứa trẻ khác chạy ra, đuổi theo đứa trẻ lúc trước đã đi khá xa. Thầy phong thủy ngạc nhiên hỏi: “sao anh biết phía sau vẫn còn một đứa trẻ nữa ?”, anh nhún vai: “trẻ nhỏ đều thích chơi trò đuổi bắt, nếu chỉ chơi một mình, đứa trẻ chẳng thể cười vui như thế được”. Thầy phong thủy giơ ngón tay cái ra trước mặt khách hàng của mình, tỏ ý tán dương: “thật có tâm !”.

Đến biệt thự, vừa xuống xe, vài con chim bất giác bay từ sân sau ra phía trước. Nhìn thấy vậy, anh liền dừng xe trước cổng và nói với thầy phong thủy: “phiền Thầy đợi ở đây một lát”. “Có chuyện gì vậy ?” – thầy phong thủy lại một lần nữa ngạc nhiên. “Sau vườn chắc chắn là có trẻ con đang hái trộm vải, bây giờ mà chúng ta vào, chúng sẽ hoảng sợ, không may rơi từ trên cây xuống đất sẽ rất nguy hiểm” - anh cười đáp. Thầy phong thủy trầm ngâm trong giây lát và nói: “phong thủy nhà anh không cần phải xem nữa”.

Lần này, đến lượt anh doanh nhân ngạc nhiên: “thưa Thầy, sao Thầy lại nói như vậy ?”. “Những nơi có anh ở đều là những nơi có phong thủy tốt cả rồi” - thầy phong thủy đáp.

Nhân kiệt địa linh, phong thủy tốt nhất đời người chính là tâm của mỗi người.

Chữ Tâm

- Thích Tánh Tuệ



Từ Tâm, Phúc được vun bồi
Từ Tâm, Đức độ lần hồi tạo nên
Do Tâm, thiên hạ đảo điên
Bởi Tâm, gây họa ngửa nghiêng giữa đời

Từ Tâm, dung sắc tuyệt vời
Tại Tâm, người ngỡ như loài ... dạ xoa
Từ Tâm, Phật ngự Liên tòa
Nhờ Tâm, đức hạnh nở hoa Ưu Đàm

Từ Tâm, Tứ Thánh, Lục Phàm
Ngay Tâm, Địa ngục - Niết bàn mở khai
Từ Tâm, giải thoát hiện bày
Bởi Tâm, người tự se dây buộc mình

Từ Tâm, khoáng đạt cái nhìn
Do Tâm hạn lượng, tánh tình nhỏ nhen
Từ Tâm, trời đất rộng thênh
Bởi Tâm, ngõ hẹp bon chen kiếp, đời

Từ Tâm, môi nở nụ cười
Do Tâm, “chín bỏ làm mười” một khi
Từ Tâm, mắt tỏ đường đi
Thành Tâm - hi hiến quản chi nhọc nhằn

Từ Tâm, xa lạ hóa gần
Vì Tâm, đối diện muôn phần phân ly
Từ Tâm, “không hóa” thị phi
Nhờ Tâm, liễu đạo huyền vi một ngày

Từ Tâm, tác Tổ, nên Thầy
Nhờ Tâm, ân đức cao dày chẳng quên
Từ Tâm, chí nguyện vững bền
Do Tâm mà cận kề bên Phật Đà

Tâm là chủ của ngôi nhà
Thân là công cụ để mà khiến sai
Mấy dòng xin tỏ cùng ai
Ngẫm đời muôn sự không ngoài ... chữ Tâm !

D.P.A (46)

- Lời Phật dạy

Sống cuộc sống trí tuệ được gọi là sống tối thượng.



Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|26|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

Chỉ những lời nói chân thành mới chạm đến được lòng người và lấp đầy khoảng trống mênh mông hoang vắng ở đó.

Chỉ đôi mắt chân thành mới nhìn thấy được phía sau những ngổn ngang cuộc sống là cả tình người.

Chỉ đôi tai chân thành mới có thể lắng nghe được những lời người không nói.

Chỉ đôi tay chân thành mới đủ ấm áp để những rạn nứt lành lại sau một cái nắm tay.

Chỉ đôi chân chân thành mới có thể bình thản đi qua những toan tính oán hiềm của cuộc đời.

Và chỉ khi nào có một trái tim chân thành người ta mới có thể làm được những điều đó.



Pháp ngữ (38)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Trẻ thơ không phải sinh ra là hư xấu đâu, chỉ bởi vì chúng không được dạy dỗ mà ra. Vì thế, làm Cha Mẹ, phải coi việc giáo dục con cái là cấp thiết quan trọng nhất, cho dù kiếm thật nhiều tiền cũng không có giá trị bằng dạy con cho tốt.

Don't ...

。。。

Don’t talk, act.
Don’t say, show.
Don’t promise, prove.

╰▶ Đừng nói, hãy hành động.
  Đừng nói, hãy bày tỏ.
  Đừng hứa, hãy chứng minh.




Không “có” cũng không “không”

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương LXV, Thích Nhất Hạnh



Sau buổi pháp thoại này, đại đức Svastika thấy nhiều thầy có vẻ trầm ngâm, riêng đại đức thấy mình chưa nắm vững được những điều Bụt dạy. Đại đức tâm niệm sẽ cố gần gũi các vị đại đức lớn để học hỏi thêm, qua những lời luận đàm của họ.

Trong buổi pháp thoại kế tiếp, đại đức Ananda được phép đại diện các thầy đặt lên những câu hỏi để Bụt trả lời.

- Bạch Thế Tôn, thế nào là thế giới, thế nào là vạn hữu ?

- Ananda, thế giới (loka) là sự tập hợp của tất cả những gì có tính biến chuyển và tàn hoại (paloka). Vạn hữu tuy sum la nhưng tất cả đều bao hàm trong mười tám lãnh vực: đó là sáu căn, sáu trần, và sáu thức. Sáu căn, như các vị đã biết là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc và ý tưởng. Sáu thức là cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc chạm và cái ý. Ngoài mười tám lãnh vực đó mà ta gọi là thập bát giới, không còn có gì nữa. Tất cả mười tám cái ấy đều có tính sinh diệt và biến hoại, cho nên tôi đã định nghĩa thế giới là sự tập hợp của tất cả những gì có tính biến chuyển và tàn hoại.

Ananda lại hỏi:

- Thế Tôn đã từng nói vạn pháp là không. Như thế nào gọi là vạn pháp không ?

- Bởi vì vạn pháp không có tự thể riêng biệt cho nên gọi là vạn pháp không. Sáu căn, sáu trần cũng như sáu thức, không có pháp nào có tự thể riêng biệt.

- Thế Tôn, có lần con đã nghe Thế Tôn nói về ba cánh cửa giải thoát là Không, Vô tướng và Vô tác. Có lần con cũng đã nghe Thế Tôn nói vạn pháp là không, thế giới là không. Con chưa thật sự hiểu được thế nào là không. Có phải vì vạn pháp có tính biến chuyển và tàn hoại cho nên Bụt nói “vạn pháp là không” không ?

- Ananda, quả thật tôi đã từng nói về không, và phép quán về không. Phép quán chiếu về không là một phép quán chiếu mầu nhiệm, có thể giúp người hành đạo vượt ra khỏi khổ ưu và sinh tử. Hôm nay tôi sẽ vì đại chúng mà nói về không quán. Ananda, tất cả chúng ta đều đang ngồi trong giảng đường Lộc Mẫu. Chúng ta biết rằng trong giảng đường này không có chợ búa, trâu bò, làng xóm, mà chỉ có các vị khất sĩ đang ngồi nghe pháp mà thôi. Cái gì không thì ta nói là không, cái gì có thì ta phải nói là có. Trong trường của chúng ta đây, tức là trong trường hợp giảng đường Lộc Mẫu, chợ búa, làng xóm, trâu bò là không, nhưng các vị khất sĩ là có, có phải như thế không ?

- Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.

- Sau buổi giảng này, tất cả chúng ta đều sẽ đi ra khỏi giảng đường Lộc Mẫu, và trong giảng đường sẽ không có một vị khất sĩ nào. Lúc đó, giảng đường Lộc Mẫu không có chợ búa, không có làng xóm, không có trâu bò mà cũng không có các vị khất sĩ. Có phải thế không ?

- Bạch Thế Tôn, đúng như vậy. Lúc đó trong giảng đường Lộc Mẫu không có gì hết.

- Ananda, có luôn luôn nghĩa là có cái gì, không luôn luôn nghĩa là không cái gì. Tiếng “có” và tiếng “không” tự chúng không có nghĩa gì cả.

- Xin Thế Tôn giải rõ cho chúng con.

- Này nhé: “Không” bao giờ cũng là không một cái gì, ví dụ không chợ búa, không trâu bò, không làng xóm, không có các vị khất sĩ. Ta không thể nói không một cách suông cụt được. “Có” cũng thế, có bao giờ cũng là có một cái gì, như có chợ búa, có trâu bò, có làng xóm, có các vị khất sĩ. Ta không thể nói có một cách suông cụt được. Vào giờ phút hiện tại, các vị có thể nói là trong Lộc Mẫu Đường không chợ búa, không trâu bò, không xóm làng, nhưng có các vị khất sĩ. Đó là trường hợp Lộc Mẫu Đường, còn trong trường hợp vạn pháp thì sao ? Nếu ta nói vạn pháp có, thì vạn pháp có cái gì ? Nếu ta nói vạn pháp không thì vạn pháp không cái gì ?

Này các vị khất sĩ, cái mà tôi gọi là không trong vạn pháp đó là cái ngã, nghĩa là cái tính chất thường tại và bất biến. Vạn pháp không nghĩa là vạn pháp không có ngã, nghĩa là không có tính chất thường tại và bất biến. Nghĩa căn bản của không là như thế. Các vị đã chấp nhận và đã biết rằng vạn pháp đều có tính biến chuyển và hoại diệt. Chính vì vạn pháp có tính cách biến chuyển và hoại diệt cho nên vạn pháp không có ngã, không hàm chứa một cái ngã. Vì vô thường cho nên vạn pháp cũng là vô ngã. Tất cả các pháp đều không có ngã trong tự thân, cho nên vạn pháp được gọi là không … Này quý vị, không có nghĩa là không có tự ngã.

Này các vị khất sĩ ! Trong năm uẩn không có uẩn nào có tính cách thường tại bất biến cả. Cả năm yếu tố hình hài, cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức đều không có tự ngã, đều không có tính cách thường tại bất biến. Tính cách thường tại bất biến ấy thường được gọi là cái ta. Đã không có ta thì làm gì có cái của ta ? Đã không có ngã thì làm gì có ngã sở ? Quán chiếu để thấy được sự không có mặt của cái ta và cái của ta trong vạn pháp tức là quán chiếu về không vậy.

Ananda hỏi:

- Vạn pháp không có ngã, đó là điều mà chúng con đã hiểu và đã thấy, nhưng bạch Thế Tôn, có vạn pháp không ?

Bụt im lặng nhìn xuống phía trước mặt Người. Trước mặt Bụt có một chiếc bàn nhỏ, trên bàn có đặt một cái bát đầy nước trong để Bụt giải khát. Chỉ vào bát nước trên bàn, Bụt hỏi đại đức Ananda:

- Ananda, theo thầy thì cái bát này là bát không hay bát đầy ?

- Bạch Thế Tôn, cái bát này không phải là bát không, nó là một cái bát đựng đầy nước trong.

- Ananda, thầy hãy cầm cái bát nước đầy này lên và đem đổ hết nước trong bát ra phía ngoài Lộc Mẫu Đường.

Đại đức Ananda làm theo lời Bụt dạy. Khi trở vào đại đức đặt chiếc bát không lên bàn. Cầm chiếc bát lên và úp miệng về phía dưới, Bụt hỏi:

- Ananda, cái bát này bây giờ đây là bát không hay bát đầy ?

- Bạch Thế Tôn, cái bát này bây giờ đây không phải là cái bát đầy nước nữa, mà là một cái bát không.

- Ananda, thầy có chắc cái bát này là cái bát không không ?

- Bạch Thế Tôn, con chắc chắn cái bát này là cái bát không.

- Ananda, trong cái bát này không có nước nhưng lại có đầy không khí. Cái bát chỉ không có nước thôi, chứ cái bát đang có đầy không khí. Thầy đã quên rồi. Không luôn luôn nghĩa là không một cái gì, có luôn luôn nghĩa là có một cái gì. Trong trường hợp này, thầy phải nói: cái bát không có nước, nhưng có đầy không khí.

- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu.

- Vậy thì này Ananda, cái bát có thể là một cái bát không mà cũng có thể là một cái bát đầy. Cái không hay cái đầy ấy tùy thuộc vào sự có mặt của cái bát. Nếu không có cái bát thì làm gì có cái không hay cái đầy. Vậy nếu muốn không hay muốn đầy thì phải có cái bát đã. Như giảng đường Lộc Mẫu mà trong đó chúng ta đang ngồi đây. Giảng đường có thể không hay đầy, nhưng muốn không hay đầy thì phải có giảng đường trước đã.

Đại chúng “ồ” lên một tiếng. Đại đức Ananda chắp tay:

- Bạch Thế Tôn, như vậy là có vạn pháp, và vạn pháp có thật.

Bụt mỉm cười:

- Ananda ! Thầy đừng nên bị từ ngữ khống chế như thế. Nếu vạn pháp có mặt như những hiện tượng không có ngã thì cái có đó không phải là cái có của tri giác thông thường. Cái có ấy cùng với cái không kia là một.

Ananda lại chắp tay:

- Xin Bụt khai thị cho chúng con.

- Này Ananda, chúng ta vừa nói đến cái bát không và cái bát đầy. Chúng ta cũng vừa nói đến giảng đường không và giảng đường đầy. Tôi đã nói sơ lược về không, bây giờ tôi sẽ nói sơ lược về có. Cái bát trên bàn kia tuy là cái bát không còn nước, nhưng nếu đại chúng nhìn thật kỹ thì không phải như vậy.

Nâng cái bát lên, Bụt nhìn Ananda:

- Ananda, trong những yếu tố nhân duyên đã đưa tới sự có mặt của cái bát này, có yếu tố nước không ?

- Bạch Thế Tôn, có. Nếu không có nước trộn vào đất sét thì người thợ gốm không thể nào biến đất sét thành cái bát.

- Đúng rồi, Ananda ! Nhìn kỹ vào cái bát ta thấy có nước ở trong đó, dù trong giờ phút hiện tại, nó là một cái bát không có nước. Sự có mặt của cái bát chứng minh được sự có mặt của nước. Ananda ! Thầy có thấy yếu tố lửa trong cái bát này không ?

- Bạch Thế Tôn, con có thấy. Nếu không có lửa thì đất trộn với nước không thể nào đưa tới sự có mặt của cái bát. Nhìn sâu vào cái bát con thấy sự có mặt của hơi nóng của lửa.

- Nhìn sâu vào cái bát thầy thấy gì nữa ?

- Con thấy không khí. Nếu không có không khí thì lửa không cháy được và người thợ gốm cũng không sống được. Con thấy người thợ gốm. Con thấy bàn tay khéo léo của người thợ gốm. Con thấy lò gốm. Con thấy tâm thức của người thợ gốm. Con thấy lò gốm. Con thấy củi chất trong lò. Con thấy rừng cây đã làm ra củi. Con thấy mưa, nắng, đại địa đã làm cho rừng cây mọc lên tươi tốt … Bạch Thế Tôn, con thấy muôn ngàn yếu tố nhân duyên đã cùng nhau hợp lại để đưa tới sự có mặt của cái bát này.

- Hay lắm, Ananda ! Thầy đã thấy được sự có mặt của những yếu tố nhân duyên, đã đưa tới sự có mặt của cái bát khi quán sát về cái bát. Ananda ! Những yếu tố ấy cũng có mặt đồng thời với cái bát và trong cái bát. Trong những yếu tố ấy, có yếu tố tâm thức của thầy. Ananda ! Nếu từ trong cái bát này mà thầy lấy hơi nóng để trả về cho mặt trời, lấy đất sét trả về cho đại địa, lấy nước trả về cho dòng sông, lấy bàn tay người thợ gốm trả về cho cha mẹ người ấy, lấy than củi trả về cho rừng cây … thì cái bát sẽ còn có mặt không ? Cái bát sẽ đi về đâu ?

- Bạch Thế Tôn, cái bát sẽ không còn có mặt, bởi vì những nhân duyên tạo nên cái bát đã trở về với vị trí nguyên thủy của chúng. Cái bát sẽ trở về với những yếu tố nhân duyên ấy.

- Ananda ! Nếu thầy đã quán chiếu chín chắn về đạo lý nhân duyên, chắc chắn thầy đã thấy rằng cái bát không thể tự riêng mình mà có mặt được. Cái bát chỉ có thể có mặt trong liên hệ nhân duyên với tất cả các pháp. Các pháp nương nhau mà sinh khởi, có mặt và hoại diệt. Sự có mặt của một pháp kéo theo sự có mặt của tất cả các pháp. Sự có mặt của các pháp có thể được chứng minh nhờ sự có mặt của một pháp. Ananda, đó là nguyên lý tương nhập và tương tức.

Ananda ! Tương nhập nghĩa là trong cái này có cái kia và trong cái kia có cái này. Ví dụ nhìn vào cái bát ta có thể thấy người thợ gốm, nhìn người thợ gốm ta có thể thấy cái bát. Tương tức nghĩa là cái này là cái kia, cái kia là cái này. Ví dụ sóng là nước, nước là sóng. Ananda, hiện Lộc Mẫu Đường không có chợ búa, trâu bò, và làng xóm, nhưng kỳ thực nói rằng không có chợ búa, trâu bò và làng xóm, đó chỉ là một cách nói, một lối nhận thức. Sự thực thì nếu không có chợ búa, trâu bò và làng xóm thì chúng ta sẽ không bao giờ có Lộc Mẫu Đường. Nếu không có giáo đoàn của các vị khất sĩ thì cũng sẽ không có Lộc Mẫu Đường. Vì vậy cho nên, Ananda, khi nhìn giảng đường Lộc Mẫu vào lúc giảng đường trống vắng, ta cũng phải thấy có sự có mặt của chợ búa, trâu bò, xóm làng, và các vị khất sĩ trong đó. Không có cái này thì không có cái kia, và ý nghĩa căn bản của không (sunna) là: cái này có thì cái kia có.

Nói tới đây Bụt im lặng. Giảng đường Lộc Mẫu im phăng phắc. Những lời Bụt nói đã gây ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người nghe. Một lát sau, Bụt nâng cái bát không lên, nói với đại chúng:

- Các vị khất sĩ ! Cái bát này tự một mình nó không thể có mặt được. Nó chỉ có thể có mặt đồng thời với tất cả những cái khác mà ta không gọi là bát, như đất, nước, lửa, không khí, người thợ gốm … Tất cả các pháp trên thế gian, pháp nào cũng thế. Pháp nào cũng có mặt trên liên hệ nhân duyên trên nguyên tắc tương tức và tương nhập. Các vị khất sĩ ! Nhìn vào cái bát này ta thấy được tất cả vũ trụ vạn hữu. Vậy ta có thể nói cái bát này chứa đầy cả vũ trụ vạn hữu. Chỉ có một cái không có mặt trong cái bát này thôi. Đó là tự ngã riêng biệt của cái bát.

Tự ngã là gì ? Tự ngã là tự mình có mặt, không cần đến một yếu tố nào khác. Trên thế gian không có pháp nào có thể tự mình có mặt mà không cần đến bất cứ một yếu tố nào khác, vì vậy cho nên không có một pháp nào có tự ngã. Đó là ý nghĩa căn bản của không. Không nghĩa là không có tự ngã. Các vị khất sĩ ! Năm uẩn là năm yếu tố của sinh mạng. Hình sắc không có tự ngã, vì hình sắc không thể tự mình có mặt một cách riêng biệt. Trong hình sắc có cảm thọ, có tri giác, có tâm tư và có nhận thức. Cảm thọ cũng vậy. Cảm thọ cũng không có tự ngã, bởi vì cảm thọ không thể tự mình có mặt một cách riêng biệt. Trong cảm thọ có hình sắc, có tri giác, có tâm tư và có nhận thức. Điều này cũng được áp dụng cho các uẩn khác là tri giác, tâm tư và nhận thức. Trong năm uẩn, không có uẩn nào có tự tính riêng biệt. Năm uẩn nương vào nhau mà thành lập. Vì vậy năm uẩn là không.

Các vị khất sĩ ! Sáu căn, sáu trần và sáu thức là không. Mỗi nhân duyên phải nương vào các nhân duyên khác mà được thành lập, không nhân duyên nào có tự tính riêng biệt. Các vị khất sĩ ! Tôi muốn nhắc lại để quý vị cùng nhớ: cái này có cho nên cái kia có. Các pháp vì nương vào nhau mà có mặt cho nên các pháp được gọi là không. Không ở đây nghĩa là không có tự ngã, không có một sự hiện hữu riêng biệt và độc lập.

Đại đức Ananda bạch:

- Thế Tôn, có những nhà trí thức Bà-la-môn nói rằng: “Sa-môn Gotama chủ trương thuyết hư vô đoạn diệt. Sa-môn Gotama dẫn dắt người ta tới sự tiêu diệt mọi hình thức của sự sống”. Thế Tôn, có phải vì Thế Tôn nói vạn pháp không cho nên người hiểu lầm như thế hay chăng ?

Bụt nói:

- Ananda, những nhà trí thức Bà-la-môn kia, những vị lãnh đạo giáo phái kia không nói đúng sự thật. Tôi không bao giờ chủ trương thuyết hư vô, thuyết hoại diệt. Tôi không chủ trương dẫn dắt đến sự hoại diệt mọi hình thức của sự sống. Ananda ! Trong số các tà kiến có hai tà kiến mà nhiều người đã vướng phải: đó là chấp có và chấp không.

Chấp có là nhận thức vạn sự vạn vật như những gì thường tại và có tự thể riêng biệt. Chấp không là nhận thức vạn sự vạn vật như một màn ảo thuật của thần linh. Kẹt vào tà kiến nào trong hai tà kiến ấy cũng không có cơ hội thấy được sự thật. Ananda ! Có lần khất sĩ Kaccayana hỏi tôi: “Thế Tôn, thế nào là chánh kiến, thế nào là cái thấy chân thực ?”, tôi đã trả lời: “Kaccayana, chánh kiến là thứ nhận thức vượt thoát hai luận chấp có và không. Khi ta đã thấy được tự tính chân thực của thực tại rồi thì ta không còn bị ràng buộc bởi hai tà kiến ấy nữa. Người có chánh kiến thấy được quá trình phát sinh và hoại diệt của các pháp, và vì vậy không bị lay chuyển bởi các ý niệm có và không. Khi khổ đau phát sinh, người có chánh kiến biết là khổ đau đang phát sinh. Khi khổ đau tàn hoại, người có chánh kiến biết là khổ đau đang tàn hoại. Sự phát sinh và tàn hoại của vạn pháp không lay chuyển được người có chánh kiến. Chấp có là một thái cực, chấp không cũng là một thái cực khác. Nhận thức duyên sinh vượt ra ngoài hai thái cực đó và an trú ở trung đạo”.

Ananda ! Có và không thực ra chỉ là những ý niệm không phù hợp với thực tại. Thực tại vượt ra ngoài khuôn khổ của những ý niệm ấy. Kẻ giác ngộ là người đã vượt thoát ý niệm có và không. Ananda ! Không những có và không đều không, mà sinh và diệt cũng là không. Sinh và diệt cũng chỉ là những ý niệm. Sinh diệt cũng là không.

Đại đức Ananda hỏi:

- Bạch đức Thế Tôn, nếu sinh diệt là không thì tại sao Thế Tôn nói “vạn pháp vô thường, luôn luôn sinh diệt ?”

- Ananda ! Đứng về tục đế ta có thể nói vạn pháp có sinh và có diệt, nhưng đứng về đệ nhất nghĩa đế, ta cần thấy được tính cách bất sinh và bất diệt của vạn pháp.

- Xin Thế Tôn chỉ dạy thêm cho chúng con.

- Này Ananda ! Cây bồ đề mà thầy trồng ở trước Lộc Mẫu Đường, cây bồ đề ấy đã được sinh ra từ lúc nào ?

- Bạch đức Thế Tôn, cây bồ đề ấy sinh ra từ bốn năm nay, vào giờ phút mà hạt bồ đề bắt đầu nứt mầm trong đất.

- Ananda ! Vậy trước khi cây bồ đề ấy sinh ra, nó đã có chưa ?

- Thế Tôn, trước khi cây bồ đề sinh ra, nó chưa có.

- Vậy thì cây bồ đề có thể từ không mà trở thành có hay sao ? Thầy đã thấy một pháp nào từ không mà trở thành có hay chưa ?

Đại đức Ananda im lặng. Bụt nói:

- Ananda, trong vũ trụ không có một pháp nào đã từ không mà trở nên có. Nếu không có hạt giống bồ đề thì không thể có cây bồ đề. Cây bồ đề là từ hạt bồ đề mà có. Cây bồ đề chỉ là sự tiếp nối của hạt bồ đề. Trước khi hạt bồ đề nứt mầm, cây bồ đề đã có sẵn trong hạt bồ đề. Một pháp đã có sẵn thì cần gì sinh ra nữa ? Vì vậy cho nên cây bồ đề có tính cách bất sinh.

Bụt lại hỏi Ananda:

- Ananda, sau khi hạt bồ đề nẩy mầm thành cây bồ đề, hạt bồ đề có diệt không ?

- Bạch Thế Tôn, hạt bồ đề có diệt thì cây bồ đề mới sinh ra được.

- Ananda, hạt bồ đề không diệt. Diệt tức là từ có mà trở thành không. Thầy có thấy trong vũ trụ này có một pháp nào từ có mà trở thành không được không ? Một chiếc lá, một hạt bụi, một làn hương cũng không thể từ có mà trở thành không được. Các pháp ấy chỉ có thể biến chuyển để trở thành những pháp khác. Hạt bồ đề cũng thế, hạt bồ đề không diệt mà chỉ biến chuyển thành cây bồ đề. Hạt bồ đề cũng như cây bồ đề đều là những pháp bất sinh và bất diệt. Ananda ! Không những hạt bồ đề và cây bồ đề là những pháp bất sinh bất diệt mà tất cả các pháp trong đó có tôi, có thầy, có các vị khất sĩ, có Lộc Mẫu Đường, có chiếc lá, có hạt bụi, có làn hương, tất cả đều bất sinh diệt.

Ananda ! Tất cả các pháp đều bất sinh và bất diệt, sinh và diệt chỉ là những ý niệm của nhận thức mà thôi. Các pháp không có, không không, không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt, không tới, không đi, không một, không nhiều. Tất cả các ý niệm có không, sinh diệt, dơ sạch, thêm bớt, tới đi, một nhiều … đều là những ý niệm phân biệt. Nhờ quán chiếu về tự tính không của các pháp, các vị có thể vượt thoát những ý niệm phân biệt ấy để chứng nhập được thực tại của vạn hữu.

Ananda ! Thực tại của vạn hữu là không có cũng không không, không sinh cũng không diệt, không thành cũng không hoại. Nếu không có thực tại ấy làm cơ bản thì làm gì có cái thế giới có sinh có diệt, có có, có không, có thành có hoại của nhận thức phân biệt ? Nếu không có thực tại ấy thì làm gì có lối thoát cho thế giới sinh diệt, có không và thành hoại ?

Ananda ! Có khi nào đứng trên bờ biển thầy nhìn ngắm những đợt sóng nhấp nhô sinh diệt trên mặt đại dương không ? Thực tại bất sinh bất diệt có thể đem so sánh với nước trong đại dương, và thế giới sinh diệt có thể được đem so sánh với những đợt sóng lô nhô trên mặt biển. Ananda ! Sóng thì có cao có thấp, có lớn có bé, có sinh có diệt, nhưng nước trong đại dương thì không cao không thấp, không lớn không bé, không sinh không diệt. Nếu không có nước thì làm sao có sóng ? Và sóng đi về đâu nếu không là trở về với nước ? Ananda ! Sóng là nước, nước là sóng. Sóng tuy có sinh có diệt, nhưng một khi sóng nhận biết được rằng mình chính là nước thì tự khắc sóng vượt thoát được sinh diệt và không còn sợ hãi, âu lo và khổ đau vì sinh diệt.

Các vị khất sĩ ! Phép quán chiếu về tự tính không của vạn pháp là một phép quán chiếu mầu nhiệm có thể đưa các vị vượt thoát sợ hãi, vượt thoát lo lắng, vượt thoát khổ đau. Phép quán chiếu này có thể đưa quý vị vượt thoát thế giới của sinh tử. Các vị hãy nỗ lực mà thực tập phép quán chiếu này.

Nói tới đây Bụt lặng im. Người đã chấm dứt pháp thoại. Buổi pháp thoại hôm nay làm xôn xao cả đại chúng. Đại đức Svastika chưa bao giờ được nghe Bụt nói những điều sâu sắc và mầu nhiệm như hôm nay. Đại đức thấy các thầy lớn thầy nào nét mặt cũng rạng rỡ. Vẻ sung sướng hiện rõ trong cái nhìn và trong nụ cười của họ.

Svastika có cảm tưởng mình hiểu được những điều Bụt nói, nhưng thầy nghĩ có thể là mình chưa thấy hết được chiều sâu của buổi pháp thoại này. Thầy biết thế nào mai mốt đại đức Ananda cũng sẽ trùng tuyên lại bài thuyết pháp hôm nay và thầy sẽ có dịp học hỏi thêm qua những cuộc pháp đàm do các thầy lớn tổ chức.

Dại - Khôn

- Thích Tánh Tuệ



Thiên hạ đua nhau tính dại, khôn
Biết đâu là dại, biết đâu khôn ?
Khôn trong tham dục, khôn rồi dại
Dại chốn tu hành, dại hóa khôn

Đã biết có khôn là có dại
Thì thà đừng dại cũng đừng khôn
Mong sao giữ tánh không khôn dại
Để bước ra ngoài chốn dại khôn

Từ bi quán

- Thiền sư Nhất Hạnh

Từ là đem niềm vui đến cho người, Bi là lấy nỗi khổ của người ra. Chúng ta ai cũng có hạt giống từ bi, và nhờ thực tập quán chiếu “thương người như thể thương thân” ta triển khai những hạt giống này thành những nguồn năng lực dồi dào. Từ bi là tình thương đích thực không kỳ thị vướng mắc nên không gây khổ đau phiền não. Chất liệu của từ bi là sự hiểu biết, khả năng đi vào da thịt của người kia, làm một với họ, với mọi niềm đau nỗi khổ của họ. Bi có nghĩa là thông cảm với cái khổ của người và có năng lực chuyển hóa cái khổ đó.

Chúng ta có thể bắt đầu tập quán chiếu về những người đau khổ về thể chất, những người yếu đuối bịnh hoạn, những người cùng cực bơ vơ không có ai nương tựa. Những người này ở đâu cũng có, rất dễ thấy. Có những trường hợp vi tế hơn. Có những người có vẻ không có gì là đau khổ, họ rất kín đáo, nhưng nếu quan sát kỹ, ta cũng thấy được những dấu hiệu chứng tỏ họ cũng có những niềm đau. Cả những người sống trên nhung lụa cũng có những đau khổ của họ. Khi ta quán chiếu về những người này, lấy họ làm đối tượng cho sự thực tập để quán chiếu về từ bi, ta phải nhìn cho sâu và cho lâu vào nỗi đau của họ, dù khi đang ngồi thiền hay thực sự tiếp xúc với họ, ta phải nhìn cho kỹ để thấu triệt nỗi đau của họ đến khi ta cảm thấy niềm xót thương trào dâng trong lòng.

Nhờ quán chiếu sâu sắc như vậy mà xúc cảm của ta biến thành hành động. Ta thấy câu nói “tôi thương anh vô cùng” chưa đủ mà ta tìm mọi cách để làm vơi nỗi khổ của người kia. Từ bi có mặt khi ta thực sự làm người kia bớt khổ. Cho nên ta phải làm nảy nở và nuôi dưỡng lòng từ bi trong ta. Khi ta tiếp xúc với người kia, ý nghĩ, lời nói và hành động của ta phải thể hiện được lòng từ, dù thân khẩu của người kia chưa thanh tịnh cũng vậy. Ta phải thực tập như thế nào mà lòng từ bi của ta lúc nào cũng có mặt, chứ không phải chỉ có mặt khi người kia dễ thương. Tình thương của ta như vậy mới đích thực và vững chắc. Ta có nhiều an lạc hơn và người kia cũng được an lạc theo. Niềm đau của họ sẽ từ từ giảm thiểu và đời sống của họ dần dần sáng sủa và tươi mát hơn.

Ta cũng có thể quán chiếu về những người làm ta đau khổ vì chính họ cũng đang đau khổ. Đó là điều chắc chắn. Chỉ cần tập theo dõi hơi thở và quán chiếu là ta có thể thấy được niềm vui của họ. Một phần những nỗi đau khổ và khó khăn của họ là do cha mẹ họ trao truyền từ khi họ còn nhỏ. Mà cha mẹ họ cũng có thể là nạn nhân của ông bà tổ tiên họ. Những hạt giống xấu cứ như vậy được truyền trao đời này sang đời kia. Nếu thấy rõ điều đó, ta sẽ không còn trách cứ hay giận hờn họ nữa. Ta đã hiểu được lý do vì sao họ đối xử không đẹp với ta. Ta không giận mà trái lại ta cầu mong sao cho họ bớt khổ đau. Ta không cần phải tìm đến họ để hòa giải. Khi ta biết nhìn sâu, ta đã hòa giải với chính ta rồi. Mọi vấn đề đã được giải quyết. Lòng ta nhẹ nhàng và môi ta nở nụ cười tươi. Sớm muộn gì người kia cũng thấy được thái độ hòa ái của ta và cũng sẽ trở nên tươi mát như ta.

Cho nên có từ bi, ta có an lạc hạnh phúc mà người khác cũng có được an lạc hạnh phúc. Chánh niệm là chất liệu nuôi dưỡng cây hiểu biết để từ đó hoa từ bi nở ngát hương thơm. Từ bi không phải là một ý tưởng chỉ nằm trong đầu ta. Không phải chỉ cần ngồi yên một chỗ và quán tưởng về từ bi là ta có thể gieo rắc tình thương đến mọi nơi như gửi đi những luồng âm thanh hay ánh sáng. Từ bi phải được thể hiện cụ thể hơn qua cách ta ăn ở đối xử với mọi người chung quanh. Tình thương là một nguồn suối dạt dào nằm sâu trong lòng ta, chỉ cần ý thức được điều đó là ta đã có thể ban phát niềm vui đến cho bao người. Một câu nói hiểu biết dễ thương cũng đủ làm vơi bớt nỗi khổ, đánh tan mọi nghi kỵ hiểu lầm, đem lại tin yêu và tự do. Một hành động đúng lúc có thể cứu sống một mạng người, mà hành động và lời nói ta chân chánh là nhờ ý nghĩ ta chân chánh.

Khi có tình thương chân thật thì tất cả những gì ta nghĩ, nói và làm đều trở nên phép lạ và đem lại nhiều lợi lạc.

Ai cần phải thay đổi ?

- Thiện Tri Thức



Thời con người vẫn còn đi chân đất, có một vị vua đi vi hành đến một vùng đất xa xôi. Bởi vì đường gồ ghề và có nhiều mảnh đá nhỏ bị vỡ chọc vào chân hắn vừa đau vừa tê. Ngay sau khi về đến hoàng cung, hắn ra lệnh phủ da trâu lên tất cả con đường trong vương quốc. Hắn nghĩ hắn làm như vậy không chỉ vì bản thân mà còn vì tạo phúc cho bách tính để thần dân của họ đi đường không còn phải chịu nỗi đau bị đá đâm vào chân. Nhưng cho dù có giết hết các cả trâu trong vương quốc cũng không đủ da để phủ khắp tất cả các con đường, mà tiền bạc và sức lực đã bỏ ra nhiều đến mức đếm không xuể. Mặc dù việc này là không thể, thậm chí còn là ngu ngốc, nhưng lệnh của vua đã ban ra, họ chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Một người đầy tớ thông minh đã mạnh dạn đưa ra đề nghị với nhà vua, hắn nói: “Quốc Vương, tại sao Người lại điều động binh lực, hy sinh nhiều trâu bò và vàng bạc đến như vậy chứ ? Tại sao Ngài không dùng miếng da nhỏ bọc vào chân ngài chứ ?”. Quốc Vương nghe vậy rất ngạc nhiên nhưng cũng hiểu ra đôi điều và thu hồi mệnh lệnh, áp dụng ý kiến của người đầy tớ.

Suy gẫm:

Muốn thay đổi thế giới là không dễ, nhưng nếu muốn thay đổi bản thân thì lại không thành vấn đề. Thay vì ta cứ hao tâm tổn sức để đi thay đổi một điều không thể, chi bằng hãy thay đổi những điều có thể. Khi bạn chịu thay đổi mình thì thế giới cũng sẽ theo đó mà thay đổi. Nếu như bạn muốn nhìn thấy thế giới thay đổi thì việc đầu tiên bạn cần làm đó là thay đổi bản thân.

Những thứ đựng ở trong thùng

- Thiện Tri Thức



Một người thợ mộc chặt một thân cây, làm thành ba chiếc thùng.

- Một thùng đựng nước, gọi là thùng nước, mọi người đều dùng.

- Một thùng đựng rượu, gọi là thùng rượu, mọi người đều thưởng thức.

- Một thùng đựng phân, gọi là thùng phân, mọi người đều xa lánh.

Thùng là như nhau, bởi vì đựng đồ khác nhau mà vận mệnh khác nhau.

Suy gẫm:

Cuộc đời là những chiếc thùng, còn cách sống và quan niệm sống của bạn là những thứ được đựng vào trong thùng. Quan niệm sống thế nào sẽ có cuộc đời như thế, có suy nghĩ thế nào sẽ có cuộc sống như thế đó.

Niệm Phật và tu với con người

- Sưu tầm



Ngày xưa, có một đôi vợ chồng trẻ, người chồng hàng ngày đều chăm chú đọc sách, người vợ một lòng hướng Phật nên ngày ngày đều ngồi trong phòng tụng kinh niệm Phật rất lâu. Một hôm, người chồng để ý thấy người vợ ngồi trong Phật đường không ngừng niệm: “Nam mô a di đà Phật ! Nam mô a di đà Phật !”, người vợ cứ chăm chú niệm câu này mãi, niệm đi niệm lại trong một khoảng thời gian rất lâu. Người chồng thấy vậy liền nghĩ cách đùa người vợ một chút. Anh ta bèn đi vào phòng bên cạnh phòng mà người vợ đang niệm rồi bất ngờ gọi tên người vợ. Người vợ nghe thấy tiếng chồng gọi mình liền ngừng niệm và quay đầu sang phía người chồng hỏi: “có việc gì vậy ?”, người chồng cười cười rồi nói: “không có gì, không có gì !”. Người vợ lại tiếp tục quay lại vừa gõ mõ vừa niệm. Một lát sau, người chồng lại gọi tên người vợ. Người vợ lại nhịn không được liền quay đầu ra hỏi chồng: “rốt cuộc là anh có chuyện gì mà cứ gọi như vậy ?”. Người chồng lại cười cười rồi nói: “không có gì, không có gì cả”. Người vợ lại tiếp tục niệm Phật. Nhưng chẳng được bao lâu người chồng lại gọi tên người vợ. Người vợ lúc này có vẻ rất bực tức quay sang nói với người chồng: “anh rốt cuộc là có chuyện gì mà cứ gọi mãi như thế, anh cứ gọi như thế khiến em không thể tập trung tụng kinh niệm Phật được”. Người chồng lúc này mới đứng lên đi đến bên người vợ và nói: “vợ ơi, anh mới gọi tên em có ba lần mà em đã thấy mệt mỏi và bực tức rồi, thế mà, em ngày nào cũng niệm A-di-đà-Phật trong một thời gian lâu như vậy, không biết liệu Ngài có thấy phiền toái không ?”

Lời bình:

Thường thì chúng ta muốn thông qua hình thức tụng kinh niệm Phật để cho Đức Phật biết rõ lòng thành kính của chúng ta đối với Ngài. Nhưng mà chúng ta lại không chú ý tu luyện tâm tính của mình cho tốt mà chỉ chấp chặt nơi sự thể hiện hình thức bên ngoài. Như vậy, chúng ta chỉ mới tu có một nửa thôi. Tu với Đức Phật thì quá dễ, vì chúng ta phỉ báng, quấy nhiễu hay tán dương, ca ngợi Ngài thì Ngài cũng thản nhiên như thế. Tu với Phật ngồi trên tòa sen thì không chắc chúng ta thành Phật, nhưng với con người mà tu được, với những chướng duyên mà tu được thì chắc chắn Phật quả sẽ viên thành.

Vài dòng gửi bạn thân, sơ
Tu là trở lại bến bờ tự tâm
Ngày đêm quán niệm âm thầm
Mây tan ló diện trăng rằm Tuệ quang...
(Thơ Như Nhiên)


Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|25|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường



“Tha thứ là một sự lựa chọn.”

Lựa chọn giữa ngổn ngang tổn thương một mảnh hạnh phúc còn sót lại, rồi cẩn thận giữ lấy, có nhỏ bé bao nhiêu cũng là hạnh phúc.

Lựa chọn giữa đống đổ vỡ một mảnh bình yên, rồi gom góp từ tâm của mình để nuôi bình yên lớn. Có nhỏ bé thế nào cũng là bình yên.

Lựa chọn giữa những tiếng thở dài một nụ cười chưa trọn vẹn, dù chưa trọn vẹn cũng là nụ cười.

Chọn bình yên, chọn hạnh phúc, chọn một nụ cười, bé nhỏ thôi, nhưng cũng đã đủ để thanh thản giữa cuộc sống vô thường bề bộn như thế này. Đôi tay biết chọn hạnh phúc để giữ lại là đôi tay đã biết đặt xuống những nỗi đau. Trái tim biết chọn lấy tha thứ để giữ lại là trái tim đã biết cách xóa đi những sân si hận thù.

Khi đã biết cách đặt những nỗi đau xuống, khi đã biết cách xóa đi những sân si hận thù, thì cuộc sống này dù có thế nào, cũng không còn nặng nề đến mức đáng sợ nữa, người ta thấy mình đủ sức để bình thản.

Khi tha thứ được cho ngày hôm qua, ngày hôm qua sẽ tha thứ lại cho mình.

Nơi xó núi, sáng nay mưa sớm, mịt mù.

Nhà có phúc đức không, giàu hay nghèo, chỉ cần nhìn nơi này là biết

- Sưu tầm



Mọi người thường tập trung vào việc bố trí nhà cửa đúng phong thủy mà quên mất một điều rằng, nhà có phúc đức hay không, giàu hay nghèo, chỉ cần nhìn nơi này.

Đó là nơi nào mà lại kì diệu đến như vậy ? Mọi người hãy dành ra một phút để đọc bài này để có được cái nhìn thấu đáo, sáng suốt hơn trong đời sống mà đặc biệt là hôn nhân nhé.

 1. Người phụ nữ chính là phong thủy trong gia đình

Gia đình có thể hạnh phúc, bình an hay không, thế hệ sau có thể thành tài hay không, tất cả đều liên quan tới hành vi xử thế của nữ chủ nhân trong nhà, cũng có liên quan tới việc họ đối xử với chồng với con như thế nào.

Người phụ nữ được ví là phong thủy, là phúc khí quyết định sự thịnh suy của một gia đình. Mỗi người phụ nữ có một cá tính khác nhau, có người ôn nhu hiền hòa, có người lại mạnh mẽ hoạt bát. Nhưng cho dù là cá tính gì thì người phụ nữ cũng không thể thiếu khí chất. Phụ nữ một khi thiếu khí chất thì tựa như một bông hoa hữu sắc vô hương.

Bởi vậy, người xưa có câu “lấy được người phụ nữ tốt sẽ giàu có ba đời, lấy phải người phụ nữ xấu sẽ nghèo ba kiếp”. Người phụ nữ tốt bụng và tử tế mang lại hạnh phúc và may mắn cho gia đình. Sự đoan trang tề chỉnh, lễ nghi khuôn phép, và tấm lòng thiện lương của người phụ nữ sẽ là tấm gương cho con cháu sau này.

 2. Phụ nữ dịu dàng thì chồng không thể tức giận

Đối diện với những lúc người đàn ông giận dữ, người phụ nữ cần dịu dàng, biết đối nhân xử thế, có thể lấy nhu mà thắng cương. Bởi vì chỉ có dịu dàng mới có thể chống lại được sự mạnh bạo.

Cho nên, người phụ nữ hễ dịu dàng làm nũng thì người đàn ông sẽ không thể tức giận được. Người phụ nữ có cá tính mạnh thích đối đầu với đàn ông sẽ khiến gia đình luôn căng thẳng và bản thân họ sẽ luôn là người phải chịu tổn thương.

 3. Phụ nữ quyết định đến thành công của người chồng

Người phụ nữ dịu dàng như nước, người đàn ông sẽ gặp may mắn, gia đình tự nhiên thịnh vượng. Nếu người phụ nữ thường hay oán giận như thể đang tức giận, người đàn ông chắc chắn vận may sẽ xấu, gia đình tự nhiên sẽ suy giảm, trên thực tế, điều này rất dễ dàng nhận ra. Người phụ nữ tốt tính, nhưng còn xem người đàn ông yêu thương người phụ nữ của mình như thế nào.

Cái gọi là: đức hạnh. Nước có thể mang theo một chiếc thuyền, cũng có thể lật đổ nó. Vì vậy, một số người nói một gia đình hạnh phúc hay không, tám mươi phần trăm tùy thuộc vào nữ chủ nhân, xem diện mạo và tinh thần của nữ chủ nhân, bạn gần như có thể xác định tình trạng hoàn cảnh của gia đình.

 4. Người phụ nữ ăn mặc sạch sẽ, nhà cửa gọn gàng: phong thủy tự khắc tốt

Người phụ nữ ăn mặc tồi tàn, nhà cửa như một mớ hỗn độn. Người phụ nữ đàng hoàng, hợp lý, gia đình chắc chắn tiền tài hưng thịnh, trẻ con và người già có sức khỏe tốt. Chồng và con cái, một người cần vợ, một người cần mẹ. Người lớn tuổi ăn mặc gọn gàng, chồng ăn mặc đứng đắn, con cái ăn mặc gọn gàng, nguyên nhân là do gia đình có một người nữ chủ nhân biết chăm lo thu vén chu toàn.

 5. Người phụ nữ hay tính toán, ích kỷ nhỏ nhen, gia đình sẽ không hòa thuận, vắng vẻ

Người phụ nữ tốt, không phải nhan sắc đẹp, mà là có tấm lòng đẹp. Người vợ tốt, không phải tướng mạo, mà là tấm lòng.

Phụ nữ đức hạnh, càng lớn tuổi, càng có phúc tướng. Người phụ nữ không có đức hạnh, càng lớn tuổi, sẽ có tướng xấu. Một gia đình phải dựa vào người phụ nữ chăm sóc, việc kinh doanh mới ngày càng bùng nổ.

Nhà có người phụ nữ mới là một ngôi nhà đầy đủ. Có người phụ nữ, gia đình sẽ đầy tiếng cười, hạnh phúc lâu dài. Đàn ông là một trụ cột của ngôi nhà, là xương sống. Người phụ nữ là phong thủy của ngôi nhà, là số phận của gia đình này.

Vì thế, hãy chăm sóc tốt phong thủy cho ngôi nhà của bạn nhé.

Hương bình minh

- Thích Tánh Tuệ

Chào buổi sáng, mỉm môi cười thanh thản
Những ưu phiền … khuất dạng với đêm qua
Chào nắng sớm chiếu soi, hồn xán lạn
Kìa ... bình minh ưu ái lại trao quà

Chào lũ bướm múa theo lời chim hót
Khóm Tường Vi khoe lộc biếc hồi sinh
Vẳng trong gió tiếng chuông chùa thanh thoát
Gửi vào đời ấm áp một câu Kinh

Chào ngày mới, nguyện ngày hôm nay mới
Cõi lòng vui thế giới đẹp dường bao
Khi trí tuệ, tình thương … là lẽ sống
Từng phút giây hạnh phúc đến ngọt ngào



Hãy là người tốt và làm những điều tốt

- Sưu tầm



Thử nghĩ mà xem, Thượng Đế cấu tạo cơ thể con người một cách rất hợp lý, nhưng sao chúng ta lại không sử dụng nó theo đúng ý của Ngài:

1- Ngài đặt hai mắt chúng ta ở đằng trước, vì Ngài muốn chúng ta luôn hướng tới phía trước, chứ không phải để chúng ta cứ ngoái nhìn về những sự việc ở phía sau.

2- Ngài đặt hai tai chúng ta ở hai bên là để chúng ta nghe từ hai phía, cả lời khen lẫn tiếng chê, chứ không phải để chúng ta chỉ nghe từ một phía hoặc chỉ để nghe những lời tâng bốc êm tai.

3- Ngài tạo cho chúng ta chỉ một cái miệng và một cái lưỡi mềm mại, vì Ngài muốn chúng ta nói ít nghe nhiều và chỉ nói những lời khôn ngoan, chứ không phải để chúng ta nói nhiều hơn nghe và nói những lời sâu hiểm làm tổn thương người khác.

4- Ngài đặt bộ não chúng ta trong một hộp sọ vững chãi, vì Ngài muốn chúng ta nên tích lũy tri thức, những thứ chẳng ai có thể lấy đi, chứ không phải chỉ chăm lo tích lũy những của cải bên ngoài, những thứ dễ dàng bị mất mát.

5- Ngài đặt trái tim chúng ta nằm trong lồng ngực, vì Ngài muốn những tình cảm yêu thương giữa những con người phải được xuất phát và lưu giữ tận nơi sâu thẳm trong cõi lòng, chứ không phải ở một nơi hời hợt bên ngoài.

Hãy là người tốt và làm những điều tốt.

Thời gian và Quyền lực

- Sưu tầm



Khi con chim còn sống, nó ăn kiến. Khi chim chết, kiến ăn nó. Thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi bất cứ lúc nào, vì vậy, đừng nhục mạ, đừng làm khổ bất cứ ai trong đời sống này. Bạn có thể đầy quyền lực ngày hôm nay, nhưng đừng quên rằng, thời gian còn nhiều quyền lực hơn bạn. Một cây có thể làm được hàng triệu que diêm, nhưng một que diêm cũng có thể thiêu hủy được hàng triệu cây.

Mười thói quen gây tổn hại não bộ

- Sưu tầm



Theo tổ chức y tế thế giới, sau đây là những thói quen gây tổn hại đến bộ não của bạn nghiêm trọng:

1. KHÔNG ĐIỂM TÂM - Những người không ăn sáng sẽ có một mức độ đường trong máu thấp hơn. Điều này dẫn đến một nguồn cung cấp không đủ chất dinh dưỡng cho não bộ, gây thoái hóa não.

2. PHẢN ỨNG QUÁ ĐỘ - Gây ra xơ cứng động mạch não, dẫn đến giảm sức mạnh tinh thần.

3. HÚT THUỐC - Gây ra co rút não nhiều và có thể dẫn đến bệnh Alzheimer.

4. TIÊU THỤ NHIỀU ĐƯỜNG - Quá nhiều đường sẽ làm gián đoạn sự hấp thụ của protein và các chất dinh dưỡng gây ra suy dinh dưỡng và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ.

5. Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ - Bộ não là nơi tiêu thụ ôxy lớn nhất trong cơ thể của chúng ta. Hít phải không khí ô nhiễm làm giảm sự cung cấp ôxy cho não, mang lại giảm hiệu quả não.

6. THIẾU NGỦ - Ngủ cho phép não của chúng ta nghỉ ngơi. Thiếu ngủ dài hạn sẽ đẩy nhanh cái chết của tế bào não.

7. ĐẦU BAO PHỦ TRONG KHI NGỦ - Trùm đầu khi ngủ làm tăng nồng độ carbon dioxide và giảm nồng độ ôxy có thể dẫn đến hiệu ứng não gây tổn hại.

8. LÀM VIỆC TRÍ ÓC KHI ĐANG BỆNH - Làm việc chăm chỉ hoặc học tập khi đang chịu bệnh tật có thể dẫn đến giảm hiệu quả của bộ não.

9. THIẾU SUY NGHĨ KÍCH THÍCH - Tư duy là cách tốt nhất để đào tạo não của chúng ta, thiếu suy nghĩ kích thích não có thể gây ra co rút não.

10. ÍT NÓI - Những cuộc hội thoại trí tuệ sẽ thúc đẩy hiệu quả của bộ não.

Xin các bạn chú ý cẩn thận, tránh những thói quen tai hại trên để bảo vệ não bộ của chúng ta.

Tu là khéo biết những gì chưa tu

- Thích Tánh Tuệ



Chưa tu chấp trách lỗi người
Tu rồi, lỗi ấy không ngoài chính ta
Chưa tu, hở chút ba hoa
Tu rồi, nhìn lại, đấy là trẻ con

Chưa tu, thế sự chen bon
Tu rồi, chỉ cốt vẹn toàn nội tâm
Chưa tu, đụng đến nổi sân
Tu rồi, mặt đỏ ... lặng thầm soi gương

Chưa tu mười ghét, một thương
Tu rồi độ lượng trùng dương cõi lòng
Chưa tu, xuôi ngược đèo bòng
Tu rồi, vui bước ngược dòng thế nhân

Chưa tu Muốn bội hơn Cần
Tu rồi nguyện bỏ dần dần ... “cái thêm”
Chưa tu, nghịch cảnh là rên
Tu rồi, nhờ đó mà nên Đạo mầu

Chưa tu, van vái, khẩn cầu
Tu rồi, nhớ ... “Hạt Minh Châu” của mình
Chưa tu, năm dục kết tình
Tu rồi, thấy cảnh, quay gìn giữ tâm

Chưa tu, nói, thuyết cao thâm
Tu rồi, lặng lẽ ... âm thầm thực thi
Chưa tu, thích thú thị phi
Tu rồi, Như Thị, có chi để màng

Chưa tu, mộng tưởng Niết Bàn
Tu rồi, Phật giữa trần gian phút này
Chưa tu, thích được làm thầy
Tu rồi, chỉ muốn độ bầy vô minh

Chưa tu, rộn rã sắc thinh
Tu rồi vô sự, an bình quí hơn
Chưa tu, bỏ vọng tìm chơn
Tu rồi, lấy bỏ là nhơn luân hồi

Chưa tu, đời thấy đơn côi
Tu rồi, bạn hữu không ngoài giác tâm
Kiếp người hữu hạn trăm năm
Tu rồi, biết bỏ mê lầm - ấy tu …

D.P.A (45)

• • •

Phật dạy có hai hạng người mạnh nhất, một là không tạo tội, hai là biết ăn năn.



Vòng sinh tử không có bắt đầu

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương LXIV, Thích Nhất Hạnh



Một hôm đang ngồi ở vườn Bhesakala ở Sumsumaragira, Bụt bảo các vị khất sĩ:

- Này các vị, tôi muốn nói để các vị nghe về tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân. Tám điều này đã từng được đại đức Anurudha chiêm nghiệm và nói tới, hồi tôi gặp đại đức tại Vườn Tre xứ Ceti, nơi đại đức ẩn cư. Đây là tám điều mà những bậc giác ngộ có thể đem ra dạy dỗ và giáo hóa để đưa người từ cõi mê lầm đến bờ giải thoát.

● Điều thứ nhất là giác ngộ rằng vạn pháp là vô thường và vô ngã. Quán sát về tính vô thường và vô ngã của vạn pháp thì tránh được khổ đau và dần dần đạt tới giải thoát và an lạc.

● Điều thứ hai là giác ngộ rằng càng nhiều ham muốn thì càng nhiều khổ đau. Giảm bớt ham muốn tức là làm cho đời bớt khổ.

● Điều thứ ba là giác ngộ rằng tri túc đem tới an lạc. Biết sống đơn giản thì sẽ có thì giờ và tâm lực để tu đạo và để giúp đời.

● Điều thứ tư là giác ngộ rằng chỉ có sự tinh cần mới đưa ta đến quả vị giác ngộ. Lười biếng và hưởng thụ chỉ đưa đến sự đọa lạc vào thế giới của ma chướng và phiền não.

● Điều thứ năm là giác ngộ rằng sống trong quên lãng và vô minh thì sẽ bị giam hãm đời đời trong cõi sinh tử ràng buộc. Chỉ có đời sống chánh niệm và tỉnh thức mới đưa tới sự thành tựu giác ngộ và khả năng giáo hóa.

● Điều thứ sáu là giác ngộ rằng bố thí là một phương tiện quan trọng để độ người. Vì nghèo khổ mà phần đông bị giam hãm trong oán hận và căm thù, do đó mà cứ tạo thêm nghiệp xấu. Người hành đạo phải thực hiện phép bố thí, coi kẻ ghét người thương bằng nhau, bỏ qua những điều ác mà người ta đã làm đối với mình và không đem tâm ghét bỏ những ai đã vì nghèo khó mà lỡ phạm vào tội lỗi.

● Điều thứ bảy là giác ngộ rằng người hành đạo tuy đi vào đời để hóa độ mà không bị chìm đắm trong cuộc đời. Người xuất gia khi đi vào đời để cứu độ chỉ nên lấy y bát làm vật sở hữu duy nhất của mình, luôn luôn sống nếp sống thanh bạch mà hành đạo, giữ phạm hạnh cho thanh cao và đem lòng từ bi mà tiếp xử với tất cả mọi người và mọi loài.

● Điều giác ngộ thứ tám là không chỉ bo bo lo việc giải thoát cho riêng mình mà phải biết nỗ lực phục vụ cho kẻ khác để tất cả cùng hướng về nẻo giác ngộ.

Này các vị khất sĩ ! Trên đây là tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân. Tất cả các bậc đại nhân đã nhờ tu tập theo tám điều này mà được giác ngộ. Khi đi vào đời họ cũng đem tám điều này để khai mở và giáo hóa cho mọi người, để cho ai nấy đều biết được con đường đưa tới giác ngộ và giải thoát.

Về tới tu viện Trúc Lâm ở Rajagaha, Bụt được thông báo là vị khất sĩ Vakkali đang bị bệnh nặng và rất trông mong được thấy mặt Bụt trước khi qua đời. Nghe Bụt về tới Trúc Lâm, thầy đã gửi vị thị giả của thầy tới để vấn an Bụt. Vị thị giả này lạy xuống ba lạy rồi mới quỳ lên và bạch:

- Bạch Thế Tôn, thầy con hiện đang ốm nặng. Thầy con đang nằm trên giường bệnh, trong ngôi nhà của một người cư sĩ làm nghề đồ gốm. Thầy con dặn con tới thay thầy con để cung kính lạy xuống và kê đầu trên chân Thế Tôn, ba lần.

Bụt nói với thầy Ananda:

- Chúng ta hãy đi thăm đại đức Vakkali.

Biết Bụt đến, đại đức Vakkali gắng gượng ngồi lên, nhưng thầy không ngồi lên nổi, Bụt đỡ thầy nằm xuống trở lại và nói:

- Vakkali, đừng cố gắng ngồi lên. Cứ nằm xuống cho thoải mái. Có mấy cái ghế có sẵn đây, tôi và thầy Ananda ngồi xuống được rồi.

Bụt và thầy Ananda ngồi xuống. Người hỏi thăm:

- Thầy Vakkali, tôi mong rằng tình trạng sức khỏe của thầy không đến nỗi nào và những cơn đau trong thân thể của thầy có giảm bớt.

- Bạch Thế Tôn, tình trạng sức khỏe của con càng lúc càng tệ. Con khó chịu lắm, những cơn đau trong cơ thể đã không giảm bớt, trái lại còn cứ tăng dần.

- Tôi mong rằng trong tâm, thầy không lo lắng gì và không ân hận gì.

- Bạch Thế Tôn, có. Trong lòng con có lo lắng và có ân hận.

- Vậy tôi mong thầy không tự trách gì mình về nếp sống tu học phạm hạnh của thầy.

- Không, bạch Thế Tôn, con không có trách móc gì con và không có ân hận gì về đời sống phạm hạnh của con cả.

- Vậy thì thầy lo lắng và ân hận về cái gì ?

- Con chỉ lo lắng và ân hận là từ lâu nay con rất muốn đi thăm Bụt mà vì yếu quá con đã chẳng làm được việc ấy.

Bụt quở nhẹ nhàng:

- Thôi đi, Vakkali. Lo lắng ân hận gì về chuyện ấy. Thầy đã sống xứng đáng đời sống phạm hạnh như thế, thì thầy trò mình luôn luôn có mặt bên nhau rồi. Cứ gì phải thấy mặt tôi mới gọi là thấy Bụt ? Cái hình hài này đâu phải là quan trọng. Chính chánh pháp mới là thiết yếu. Ai thấy được chánh pháp tức là thấy Bụt. Thấy được hình hài này mà không thấy được chánh pháp tức cũng như không thấy được gì hết.

Im lặng một lát, Bụt hỏi:

- Vakkali, thầy có thấy sắc thân là vô thường không ? Sắc thân nơi thầy cũng thế, mà sắc thân nơi tôi cũng thế.

- Bạch Thế Tôn, con thấy rất rõ, con thấy sắc thân là vô thường, sinh diệt, và biến chuyển không ngừng. Con lại thấy cảm thọ cũng vô thường, những đau nhức cũng như những vui mừng của con cũng đang sinh diệt và biến chuyển không ngừng. Tri giác, tâm tư, và nhận thức nơi con cũng chịu luật sinh diệt vô thường ấy. Trước khi Thế Tôn đến thăm, con đã quán chiếu nhiều về tính vô thường của năm uẩn và con bắt đầu thấy rõ ràng trong năm dòng sinh diệt ấy không có gì có thể gọi là tự ngã.

- Hay lắm, Vakkali ! Tôi có đức tin nơi thầy. Trong năm uẩn, ta không thấy được một cái gì gọi là tự ngã. Tự ngã không phải là một cái gì được nhốt kín trong năm uẩn. Thầy mở mắt ra nhìn đi, đâu mà không phải là Vakkali, cái gì mà không phải là Vakkali ? Sự sống mầu nhiệm khắp nơi. Vakkali ! Sinh diệt không động được tới thầy đâu. Thầy mỉm cười đi, mỉm cười ngay với cái thân tứ đại của thầy. Mỉm cười ngay với những đau nhức đang sinh diệt trong cơ thể của thầy.

Hai mắt của đại đức Vakkali rươm rướm ướt. Trên môi thầy rõ rệt là có một nụ cười. Bụt đứng dậy cáo từ. Sau khi Bụt và Ananda đã đi khỏi, đại đức Vakkali bảo các bạn:

- Các bạn khiêng giùm tôi. Khiêng cả chiếc giường này. Xin khiêng tôi ra sườn núi Isigili. Một người như tôi mà nằm chết trong một căn phòng thì ngó sao được ? Tôi muốn chết trên sườn núi, giữa mây trời cao rộng.

Các bạn tu của thầy liền xúm lại khiêng thầy lên sườn núi Isigili. Đêm ấy Bụt ngồi thiền tọa cho đến khuya. Sáng sớm, người đi ra và bảo mấy vị khất sĩ cư trú gần Người:

- Các thầy hãy đi thăm thầy Vakkali đi, và nhắn rằng thầy ấy đừng nên e ngại sợ sệt. Cái chết của thầy sẽ bình an và vô tội, thầy cứ an tâm mà đi. Tôi có đức tin nơi thầy ấy.

Các vị khất sĩ tìm ra sườn núi và gặp đại đức Vakkali. Họ nói:

- Đức Thế Tôn có điều muốn nhắn với thầy.

Vakkali nói:

- Nhờ các bạn khiêng tôi xuống đất. Nằm trên giường cao mà nhận giáo chỉ của Bụt thì còn ra gì nữa ? Tôi là ai mà dám nằm trên giường cao để tiếp nhận lời giáo huấn của đức Thế Tôn ?

Người ta khiêng thầy xuống nằm trên một tảng đá. Rồi các vị khất sĩ lặp lại những lời của Bụt nhắn. Nghe xong, thầy Vakkali chắp tay lại, khẩn khoản:

- Xin các sư huynh về đảnh lễ Bụt giúp cho tôi ba lần, và xin các sư huynh bạch với Người như sau: Thế Tôn, khất sĩ Vakkali đau rất nặng, và nhức nhối vô cùng. Khất sĩ Vakkali xin dập đầu kính lạy Thế Tôn. Khất sĩ Vakkali thấy rất rõ năm uẩn là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã, và khất sĩ Vakkali không bị ràng buộc vào năm uẩn, cho đến giờ phút chót Vakkali cũng thấy rõ như vậy và không còn một chút nghi ngại nào.

Các vị khất sĩ nói:

- Huynh cứ an tâm, chúng tôi sẽ về lạy Bụt và trình lại Người những điều sư huynh vừa nói.

Các vị khất sĩ vừa đi khỏi thì vị khất sĩ Vakkali từ trần. Chiều hôm ấy Bụt lên núi Isigili với một số các vị khất sĩ. Bầu trời xanh trong, chỉ có một gợn khói bốc lên từ cuối chân trời, nhưng trong phút chốc gợn khói cũng tan loãng trong không gian và biến mất. Nhìn bầu trời bao la, Bụt nói với các vị khất sĩ:

- Vakkali đã giải thoát. Không một ma chướng nào, không một pháp hữu vi nào có thể kìm hãm và giam giữ được Vakkali.

Bụt lại lên đường đi Nalanda rồi Vesali. Tại tu viện Trùng Các trong rừng Mahavana, một hôm Bụt dạy các vị khất sĩ:

- Này các vị, sống ở trên đời ai mà không ít nhiều phải gánh chịu khổ đau. Tuy nhiên, những ai có tu, có học, có đạt được trí tuệ thì khổ đau rất ít so với khổ đau của người không tu, không học, không có trí tuệ.

Lúc ấy trời còn nắng lớn nhưng Bụt đang ngồi với các thầy trong bóng mát những cây sala. Bụt nhặt lên một hòn đất nhỏ, cầm nó giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ, đưa lên cao và hỏi:

- Này các vị khất sĩ, hòn đất trong tay tôi so với núi Tượng Đầu cái nào lớn hơn ?

- Bạch đức Thế Tôn, cố nhiên so với núi Tượng Đầu, hòn đất trong tay Thế Tôn không có nghĩa gì.

- Cũng như thế đó các vị, đối với người có tu, có học, có đạt đến trí tuệ thì tuy có đau khổ mà đau khổ ấy sánh với đau khổ của người không tu, không học, không có trí tuệ thì không có nghĩa gì. Si vọng làm cho đau khổ to lớn gấp bội.

Này các vị, ví dụ có người bị trúng một mũi tên, người ấy cảm thấy đau nhức, nhưng nếu một mũi tên thứ hai tới cắm đúng vào chỗ vết thương thì cái đau nhức ấy chắc chắn lớn hơn bội phần, và nếu một mũi tên thứ ba bay tới bắn trúng ngay vào cùng chỗ đó thì sự đau nhức lại còn lớn lao gấp trăm ngàn lần. Si vọng cũng như mũi tên thứ hai, mũi tên thứ ba và những mũi tên khác. Nó làm cho cái khổ tăng gia gấp bội.

Nhờ trí tuệ, nhờ hiểu biết, con người có học, có tu và có giác ngộ không làm cho cái khổ gia tăng nơi mình và nơi người khác. Khi có một khổ thọ, dù là khổ thọ về thân xác hay là khổ thọ về tâm ý, người có trí không sầu muộn, không than van khóc lóc, không đập ngực bứt tóc, không đày đọa thân thể và tâm hồn, không ngã lăn ra bất tỉnh. Người ấy bình tĩnh quán chiếu và biết khổ thọ chỉ là một cảm thọ, người ấy biết người ấy không phải là cảm thọ, không kẹt vào cảm thọ. Cảm thọ không còn trói buộc được người ấy. Khổ đau không trói buộc được người ấy. Khi có một khổ thọ về thân thể, người ấy biết có một khổ thọ về thân thể. Người ấy không hoảng hốt, không lo sợ, không trách cứ, không u sầu, vì vậy khổ thọ ấy vẫn chỉ là một khổ thọ về thân thể, mà không trở nên một khổ thọ lớn lao có thể làm chìm đắm tự thân.

Cũng vì thế, này quý vị khất sĩ, quý vị nên tu tập, nên quán chiếu để đạt tới trí tuệ và để không bị khổ đau ràng buộc. Sinh, lão, bệnh, tử sẽ không còn khống chế được quý vị. Này các vị khất sĩ, khi sắp mệnh chung, việc người khất sĩ nên làm là quán chiếu thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng tâm ý. Mỗi tư thế, mỗi động tác cần được đặt trong chánh niệm. Mỗi cảm thọ đều được soi sáng bởi chánh niệm. Người sắp mệnh chung quán chiếu tự tánh vô thường và duyên sinh của thân thể và của cảm thọ, để không còn bị vướng mắc vào thân thể và cảm thọ, dù là lạc thọ, khổ thọ, hay xả thọ. Nếu có cơn đau phải đem hết toàn thân ra chịu đựng, thì người ấy quán chiếu: đây là một cơn đau phải đem hết toàn thân ra chịu đựng. Cơn đau này không phải là ta, ta không phải là cơn đau này, ta không kẹt vào cơn đau này. Thân thể và cảm thọ như là một ngọn đèn đang cạn dầu và hết bấc. Ánh sáng do nhân duyên làm tỏ lộ mà cũng do nhân duyên làm tiềm phục. Ta không bị ràng buộc bởi nhân duyên, và như thế sẽ có lắng dịu, sẽ có giải thoát.

Khi những trận mưa đầu mùa đổ xuống làm dịu bớt cái nóng mùa Hạ, Người lên đường về tu viện Jetavana. Năm nay các thầy và các ni sư về an cư ở các trung tâm tu học tại Savatthi đông lắm. Tại giảng đường Lộc Mẫu, một hôm Bụt giảng dạy thêm về đạo lý duyên sinh. Một vị khất sĩ đứng lên bạch:

- Thế Tôn, người đã dạy thức là cơ sở của danh sắc, như vậy có nghĩa là vũ trụ vạn hữu trong thế giới đều phát sinh từ tâm thức, có phải thế không ?

Bụt nói:

- Đúng như vậy. Danh là tâm nhận thức. Sắc là đối tượng nhận thức. Chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức là hai mặt của cùng một thực tại. Không thể nào có nhận thức nếu không có đối tượng nhận thức, không thể nào có đối tượng nhận thức nếu không có nhận thức. Danh và Sắc không thể tồn tại riêng biệt. Vì chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức không thể rời nhau mà có mặt cho nên cả hai đều phát xuất từ cơ sở tâm thức. Chính vì vậy nên tôi đã nói rằng Thức là cơ sở của Danh Sắc.

- Bạch Thế Tôn, nếu Danh Sắc phát sinh từ Thức thì quả thật Thức là nguồn gốc của vũ trụ vạn hữu. Ta có thể tìm hiểu vì sao có tâm thức hay không ? Và tâm thức có từ lúc nào ? Có thể nói đến một sự bắt đầu của tâm thức hay không ?

- Này các vị khất sĩ ! Ý niệm về bắt đầu và ý niệm về chung cuộc cuối cùng là những ý niệm phát sinh từ tâm thức. Thật ra không có cái bắt đầu, mà cũng không có sự chung cuộc. Do vô minh cho nên ta mới có ý niệm về thỉ và chung. Do vô minh mà người ta mới đi vòng trong cõi luân hồi sinh tử. Cái vòng luân hồi sinh tử không có thỉ cũng không có chung.

- Nếu vòng luân hồi sinh tử không có thỉ mà cũng không có chung thì làm sao là chấm dứt được luân hồi sinh tử ?

- Sinh và tử cũng là những ý niệm phát sinh từ tâm thức vô minh.Thoát ra được những ý niệm về sinh tử và thỉ chung, đó là thoát ra khỏi luân hồi.

Các vị khất sĩ ! Hôm nay tôi chỉ nói chừng ấy. Quý vị hãy về thực tập quán chiếu. Hôm khác chúng ta sẽ trở lại vấn đề này.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|24|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường



“Những ai khi đi tìm hạnh phúc cho mình nếu cố giành giật hay làm tổn thương đến hạnh phúc của người khác thì không bao giờ tìm thấy được hạnh phúc thật sự. Nhất định.”

Vì hạnh phúc cho mình mà làm người tổn thương, người có bỏ qua, ta cũng phải luôn sống như người mắc nợ. Vì hạnh phúc cho mình mà ra sức giành giật của người, người càng tha thứ, ta càng trở thành kẻ rất đáng thương. Một người cả đời mắc nợ, một người cả đời trông rất đáng thương thì nhất định không phải là người hạnh phúc.

Hạnh phúc như gió, có thể đẩy người ta ngã, có thể xoay người ta nghiêng, nhưng không một ai có thể giăng lưới mà bắt được, không ai có thể vui được cả đời từ mảnh hạnh phúc giành giật được từ người.

Có những kiểu hạnh phúc, từng nghĩ là vui lắm, nhưng một ngày, khi trong tâm đã tĩnh lặng, khi trong lòng đã có tình người, nhìn lại thứ hạnh phúc đó, lại thấy nhói đau như một vết thương.

Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát

- Ấn Quang đại sư



Nếu bệnh khổ đến hồi kịch liệt chẳng chịu đựng nổi, thì ngoài việc sáng chiều niệm Phật, hãy chuyên tâm dốc chí niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân trong sát na, tầm thanh cứu khổ. Người gặp cơn nguy cấp nếu có thể trì tụng, lễ bái Ngài, thì không ai là chẳng được cảm ứng, rủ lòng từ gia hựu khiến thoát khổ não, hưởng yên vui vậy.

Biết ngày nao

- Thích Tánh Tuệ



Không ai biết được đường về
Nếu chưa từng nếm não nề khổ đau
Không ai thấy được đạo mầu
Nếu chưa trải nghiệm khổ sầu, đắng cay

Nào ai hiểu kiếp mộng say
Nếu chưa chạm trán một giây vô thường
Không ai biết giá mà lường
Phút kề sinh tử chiếc giường bao nhiêu

Mấy ai thấu rõ tình yêu
Giấu sau nồng ấm lắm điều khổ tâm
Tình, Tiền, Danh, Lợi ... nghìn năm
Kiến bò miệng chén, kiếp tằm trối trăn

Ai chưa xuyên suốt hồng trần
Thì thôi ... cứ tiếp đánh vần mộng mơ
Khi con sóng dập bơ phờ
“Hoát nhiên đại ngộ”, bên bờ khổ, vui

Đời là trường học người ơi
Phúc cho ai tỉnh mà bơi ngược dòng ...

New beginning

。。。

Every new beginning, comes frome some other beginning’s end.

╰▶ Mỗi một sự bắt đầu mới đều đến từ một vài sự bắt đầu khác đã kết thúc.