V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Ngón Út

(Thích Tánh Tuệ)

Những ngón tay lao xao
Tranh giành từng cấp bậc
Ngón tay Giữa cao đầu
Bảo rằng tôi lớn nhất

Thôi đi, anh trật lất
Ngón tay Trỏ cất lời
Tôi mới là quan trọng
Sai xử mọi việc đời

Chẳng phải đâu Ông ơi
Tôi mới là chủ yếu
Ngón tay nhẫn đời người
Thiếu tôi ai lo liệu

Ngón tay Cái không chịu
Tất cả nói sai rồi
Tôi mới là số một
Sức mạnh về tôi thôi

Từng ngón tay cứ thế
Chẳng ai chịu nhường ai
Chỉ ngón Út lặng lẽ
Nhìn các anh thở dài

Khi bàn tay chắp lại
Trang nghiêm trước Phật Đài
Ngón Út đứng trước cả
Đối diện cùng Như Lai



Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|48|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Rồi ai cũng có những ngày, chỉ còn muốn nói những lời chân thật, những lời nói ấm như bàn tay, không còn muốn nói những lời làm đau ai nữa, không còn muốn xô đẩy ai nữa. Trái tim trong khoảnh khắc đấy tinh khiết như giọt nước đầu nguồn”.

Trong trái tim người đời, phần để chứa yêu thương hẹp lắm, chỉ đủ chỗ cho một vài người thương thật thương, phần chân thành cũng ít lắm, chỉ đem ra khỏa lấp được vài lầm lỗi của người là cạn.

Rồi bất an theo những điều chưa bao dung, nặng nề theo những thứ chưa đủ mạnh mẽ để buông xả và lênh đênh theo những thị phi của người đời.

Nhờ sợi neo dài buông thả đến tận đáy sông hồ mà chiếc thuyền nhỏ không còn lênh đênh.

Nhờ từ tâm đủ lớn để xuyên qua hết những lỗi lầm và chạm vào được lòng người, tâm mới bình thản.

Một nụ cười trong veo giữa cuộc đời khói bụi này nhất định không phải là ngây thơ mà là can đảm.



Khuyên người không nên đánh rắn

(Trích: “Khuyên người bỏ sự giết hại”|An Sĩ Toàn Thư)



Người đời đều cho rằng rắn là loài hại người, chỉ sợ không giết được hết, thậm chí còn cho rằng đánh rắn không chết sẽ để lại tai họa về sau. Thế nhưng lại không xét kỹ rằng, nếu đánh không chết sợ rắn báo oán, vậy đánh chết đi chẳng phải thù oán càng sâu nặng hơn sao ? Chẳng qua là chỗ thấy biết của người đời hết sức nhỏ nhoi cạn cợt, chỉ biết chuyện đời nay, không biết chuyện đời sau, nên mới nảy sinh quan niệm đoạn diệt, cho rằng mọi việc chỉ xảy ra trong một đời này rồi chấm dứt.

Huống chi, nếu rắn làm hại ta, ắt phải có nguyên nhân từ đời trước. Nếu không có nhân đời trước, chắc chắn rắn sẽ không hại ta, cần gì phải lo liệu trước việc rắn gây hại cho ta mà giết nó ? Ví như rắn có muốn hại ta, cũng không nên giết nó. Vì sao vậy ? Rắn ấy hẳn là do nhân đời trước bị ta làm hại nên đời này mới đến báo oán, nếu ta giết nó thì oán thù đời trước xem như chưa trả được, lại kết thêm oán thù đời này, chẳng phải là tạo nhân để phải chịu tai họa trong hai đời nữa sao ? Vì sao người đời không chịu suy xét kỹ ?

ĐỐT HANG RẮN CHỊU QUẢ BÁO DIỆT TỘC

Phương Hiếu Nho là người đời Minh. Cha ông khi chuẩn bị chỗ đất để cải táng phần mộ tổ tiên thì nằm mộng thấy một cụ già mặc áo đỏ đến chắp tay vái lạy và nói: “chỗ huyệt táng mà ông đã chọn đó chính là nơi ở của chúng tôi, mong ông hoãn lại cho ba ngày, đợi con cháu tôi kịp dời hết đi nơi khác rồi hãy làm, sau này tôi xin hết lòng báo đáp”. Nói xong lại dập đầu lạy ông ba lạy.

Người cha của Phương Hiếu Nho thức dậy không tin, cho đó chỉ là mộng mị, liền tiếp tục cho người đào huyệt. Khi đào đất lên có đến hàng trăm con rắn đỏ, liền thiêu chết hết. Đêm ấy lại mộng thấy cụ già hiện đến, vừa khóc vừa nói: “tôi đã chí thành cầu khẩn ông, sao ông lại khiến cho con cháu tôi 800 đứa đều phải chết trong lửa dữ, ông đã diệt hết dòng họ tôi, tôi cũng sẽ diệt hết dòng họ của ông”.

Sau ông sinh ra Phương Hiếu Nho, nhìn đầu lưỡi có hình dạng uyển chuyển như con rắn. Hiếu Nho làm quan đến chức Hàn Lâm học sĩ, xúc phạm đến Minh Thành Tổ, vua hạ lệnh tru di mười họ. Tính hết những người bị giết vừa bằng với số rắn đã chết trước đây.

Lời bàn

Đức Phật có dạy rằng: “đứa con sinh ra có ba nhân duyên, một là cha mẹ đời trước đã từng thiếu nợ đứa con, hai là đứa con đời trước từng thiếu nợ cha mẹ, ba là do có oán thù đời trước nên sinh làm con”. Người đời chỉ biết những đứa con bê tha cờ bạc rượu chè là oan gia, không biết rằng có những đứa con thành đạt uy quyền, lớn rồi gây họa lây đến cả tộc họ, đó cũng là oan gia. Người đời chỉ biết những đứa con làm cho cha mẹ mất thể diện, gia đình nhục nhã là oan gia, nhưng không biết rằng có những đứa con làm vinh dự tổ tiên, rạng rỡ dòng tộc, được thọ hưởng sự cúng tế ngàn đời, đó cũng là oan gia. Người đời tranh giành cướp đoạt tài sản, ai ai cũng vì tính toán cho con cháu sau này. Nhưng nếu nghĩ cho thật thấu đáo đến những kết cục trong tương lai, thì dù hiện nay con đàn cháu đống liệu có ích lợi gì ? Cả một đời vất vả, khổ nhọc tích cóp, chỉ uổng tự làm khổ thân mình. Mưu đoạt tài sản của người này, người khác, để rồi đời sau cũng chính những người ấy lại sinh vào làm con mình, khiến cho mình hao tài phá sản. Người đời ngày nào còn thấy biết một cách điên đảo, ngày ấy vẫn còn bị trói buộc ràng rịt tiếp nối. Xưa nay chìm đắm mãi trong mê lầm mà không chịu tỉnh ngộ, thật đáng sợ biết bao.

RẮN CHẾT ĐƯỢC CỨU ĐỘ

Ông Tào Lỗ Xuyên ở Tô Châu có đứa con gái gả về nhà họ Văn. Một hôm, có con rắn rượt đuổi theo con chim câu, gia nhân trông thấy liền đánh chết. Qua mấy hôm sau, rắn nhập hồn vào cô con gái của Tào Lỗ Xuyên, mượn xác nói rằng: “ta vốn là Thái thú Kinh Châu, gặp lúc Hầu Cảnh làm loạn, đuổi ta đến chỗ bờ sông, ta bị té xuống sông mà chết, không biết cha mẹ, vợ con ta lúc này có được bình an hay không ?”.

Tào Lỗ Xuyên nghe vậy kinh hãi, nói: “Hầu Cảnh là người của thời Lục triều, nay là đời Minh, đã trải qua các đời Trần, Tùy, Đường, Tống, Nguyên”. Khi ấy, hồn ma mới biết mình chết đã quá lâu, liền nói: “tôi đã phải sinh làm thân rắn, nay chết cũng không oán hận gì, chỉ mong các người vì tôi thiết lễ sám hối, tụng cho một bộ Lương Hoàng Bảo Sám, tôi sẽ rời đi”.

Tào Lỗ Xuyên cho thiết lễ sám hối xong, hồn ma lại xin được cúng chay, Lỗ Xuyên liền lập đàn thí thực theo pháp Du-già diệm khẩu. Hôm sau, cô con gái liền được bình thường như trước.

Lời bàn

Cuộc đời con người sống chết luân chuyển như hơi thở vào ra, thoắt chốc đã nhập bào thai, thoắt chốc ra khỏi bào thai, cho đến thoắt chốc đã trải qua vô số lần xuất nhập như thế. Sinh ra chẳng biết từ đâu đến, chết đi chẳng biết về đâu, mờ mờ mịt mịt qua ngàn đời vạn kiếp mà vẫn không biết được. Thoắt chốc sinh lên cõi trời, thoắt chốc sa vào địa ngục, thoắt chốc trở thành quỷ đói, súc sinh, cho đến làm người, làm chư thiên ... vượt lên rồi chìm xuống, chìm xuống lại vượt lên, qua ngàn đời vạn kiếp vẫn không biết được.

Xưa, ông Tu-đạt có lần đang ở trong tịnh thất cùng Đức Phật, Phật chỉ một con kiến bò trên mặt đất mà nói với ông: “con kiến này từ thời đức Phật Tỳ-bà-thi ra đời cho đến nay, trải qua bảy đức Phật ra đời mà vẫn còn đọa làm thân kiến”.

Thông thường, mỗi một vị Phật ra đời trải qua thời gian rất lâu xa, huống chi đến bảy vị Phật ? Sau khi Đức Phật Thích Ca ra đời, phải trải qua hơn 1.725.000 năm thì đức Bồ Tát Di Lặc mới từ cung trời Đâu-suất đản sinh. Chẳng biết đến lúc ấy liệu con kiến kia đã thoát được thân kiến hay chưa ?

Theo đó mà xét thì con rắn trong chuyện này trải qua từ thời Lục triều đến nay đã được thoát thân rắn, kể cũng không phải chậm. Than ôi, luân hồi đáng sợ như thế mà không chịu phát tâm cầu sinh tịnh độ để vĩnh viễn thoát ly, thì có khác gì những loài vật si mê trôi dạt trong biển lớn sinh tử ?

Táo Quân

(Sưu tầm)



Cuối năm trình tấu Ngọc Hoàng
Ông Công, Ông Táo phải mang phận mình
Việc trần ghi chép nghiêm minh
Không thêm hay bớt, nghe nhìn bút ngay
Đủ chuyện vui sướng, bi hài
Sống đời làm - nói, cong - ngay … bởi người
Thế nhưng nào có thôi ngơi
Danh vọng, tiền của không mời cũng vô
Có khi biết đến nấm mồ
Thỏa mãn trước đã, Nam Mô là cùng
Hình như quên mất cái chung
Sống riêng trong phận trung dung vừa lòng
Cuộc đời chỉ biết cầu mong
Ít ai hiểu thấu nối lòng vững tâm
Thử thách người cũng trong tầm
Chỉ khi va chạm biết lâm dữ - hiền
Khó giữ trạng thái bình yên
Để mà phán đoán quyết liền đúng - hay
Có chuyện không kịp trở tay
Gây ra khốn khó hoặc vài tai ương
Công, Táo trình tấu tỏ tường
Ngọc Hoàng suy xét tâm thương người hiền

Nửa đời về sau

(Sưu tầm)

Đến một độ tuổi nào đó, chúng ta cần phải nghĩ thoáng một chút, biết yêu bản thân mình nhiều hơn một chút, và quan trọng là hãy chăm sóc, nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp, một trái tim trầm tĩnh, rộng lượng. Đây sẽ là cách sống tốt nhất cho nửa quãng đường còn lại của cuộc đời.

Nửa đời về sau, hãy học được cách trầm tĩnh

Có đôi khi bị người khác hiểu lầm, đừng tranh luận, hãy lựa chọn giữ im lặng. Trong cuộc sống, có rất nhiều chuyện đúng sai khó có thể nói rõ ràng, thậm chí căn bản là không có hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai. Cho nên, nếu không muốn nói, thì đừng nói. Khi mà có nói nhiều cũng vô ích, có lẽ im lặng là lời giải thích tốt nhất.

Nửa đời về sau, hãy trở nên bình thản

Con người đến độ tuổi nào đó, tự nhiên không còn thích những gì ồn ào náo nhiệt, tâm thái bình thản giúp cho cơ thể khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ. Mặc kệ là đời sống vật chất dư dả hay bần cùng, chỉ cần nội tâm bình thản, chính là sống một cuộc đời hạnh phúc.

Nửa đời về sau, hãy học cách cúi mình

Bạn bất đồng ý kiến với với con cái, nói chuyện mâu thuẫn với bạn bè, những điều này cũng không sao cả. Nghĩ thoáng một chút, chấp nhận buông bỏ, cho dù là cúi người xuống nói lời xin lỗi thì có sao ? Lúc này bạn cũng có thể về lau nhà, lấy ra một đống giẻ lau, cúi người lau sạch sàn nhà trước mặt mình. Trong lúc lao động, bạn sẽ nhận ra tâm trạng và suy nghĩ của mình dần lắng xuống.

Nửa đời về sau, hãy đừng cảm thấy hối hận

Cuộc đời là một con đường dài với vô số ngã rẽ, và ta luôn phải lựa chọn không ngừng. Nhưng cuộc đời không có cơ hội nào lặp lại, lựa chọn rồi thì đừng hối hận, cũng đừng nói câu muốn làm lại từ đầu … Mỗi lựa chọn đưa ra không có thực sự tốt hay thực sự tồi, chỉ cần biết cuộc sống là tác phẩm độc nhất vô nhị của chúng ta, thì sẽ không phải hối tiếc nếu ngày đó mình không làm như vậy.

Nửa đời về sau, hãy tiếp tục học tập

Đọc sách xem báo, thư pháp hội họa, ca hát khiêu vũ, … đều là một trong những thứ chúng ta nên tiếp tục học. Mang theo bên mình một chiếc máy nghe nhạc, dù là buổi sáng ở nhà hay ra ngoài tập thể dục, luyện khí công vừa nghe nhạc vừa làm việc khác. Như vậy có thể đem đến cho cuộc sống rất nhiều niềm vui, khiến cho tâm tình khoan khoái dễ chịu.

Nửa đời về sau, hãy giữ gìn sự đơn thuần

Suy nghĩ quá nhiều, ngược lại càng làm cuộc sống thêm phức tạp, “đơn thuần” thật ra chính là một ân huệ mà trời cao ban cho chúng ta. Sống đơn thuần ở hiện tại, đơn thuần cảm nhận mùi thơm của đồ ăn, đơn thuần nhận ra niềm vui của vận động, đơn thuần cùng bạn bè nói chuyện trên trời dưới đất. Đừng suy nghĩ quá nhiều, cuộc sống thật ra luôn cần những niềm vui đơn giản.

Nửa đời về sau, hãy thỉnh thoảng buông thả bản thân

Mỗi ngày ăn trái cây rau quả, thực phẩm lành mạnh, có phải là có lúc cũng thèm thịt cá? Vậy thì cứ ăn đi. Thực phẩm lành mạnh có lợi cho cơ thể, nhưng thỉnh thoảng cũng nên buông thả bản thân một chút. Cuộc đời không nên gò ép bản thân mình quá, ngẫu nhiên phóng túng thì càng bình dị, gần gũi.

Nửa đời về sau, hãy luôn ăn mặc đẹp

Yêu cái đẹp nên là điều mà chúng ta theo đuổi cả đời, tuyệt đối đừng vì suy nghĩ mình lớn tuổi mà không muốn trưng diện nữa. Hãy nhân lúc lưng còn thẳng, chân còn khỏe, hãy mặc thật nhiều bộ đồ xinh đẹp, đến những nơi đẹp đẽ nhất, chụp những tấm hình rực rỡ nhất.

Nửa đời về sau, đôi lúc hãy ngờ nghệch một chút

Có những chuyện, cần hờ hững thì hờ hững, điều gì không làm rõ được thì không cần làm rõ, người nào cần lướt qua thì cứ lướt qua. Nếu như chỉ biết nhớ không biết quên, chỉ biết tính toán mà không biết cho qua, chỉ biết khôn khéo mà lại không biết vụng về … sẽ chỉ làm cuộc sống của chúng ta luôn nặng nề, phiền não.

Nửa đời về sau, hãy thường xuyên chúc phúc cho người khác

Chúng ta đối đãi với người khác thế nào, họ cũng sẽ đối đãi với ta như vậy. Cho nên, hãy thường xuyên khen ngợi bạn bè, con cháu của mình, thậm chí cả người xa lạ cũng đừng tiếc một lời chúc phúc. Thời điểm bạn làm cho người khác vui vẻ, bạn sẽ nhận ra rằng mình còn được nhân đôi niềm vui.

Sống ở hiện tại, tận hưởng cuộc sống ở hiện tại, đó chính là phương thức sống tốt đẹp nhất !

Hai ngàn chiếc áo vàng trên núi Thứu

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương LXXVIII, Thích Nhất Hạnh



Một buổi chiều nọ, khi Bụt đang đi thiền hành trên triền núi, có hai người võng đại đức Devadatta lên. Đại đức Devadatta ốm nặng đã mấy năm nay. Đại đức muốn thấy mặt Bụt trước khi qua đời. Hai người đang khiêng đại đức là hai người trong số sáu người đệ tử còn sót lại.

Trong thời gian ngọa bệnh trên núi Gayasisa, không mấy ai đến thăm đại đức, kể cả những người đã ủng hộ đại đức tích cực nhất ngày xưa. Suốt thời gian ấy, đại đức đã có nhiều cơ hội nghĩ lại về những đắc thất và về giá trị của hành động mình.

Được báo là có đại đức Devadatta lên và xin được gặp, Bụt liền trở về tịnh thất. Đại đức yếu lắm, không ngồi dậy được. Đại đức cũng không nói được nhiều, đại đức chỉ nhìn Bụt, cố gắng chắp tay lại: “con về nương tựa Bụt”, đại đức cố gắng lắm mới nói được những tiếng đó. Bụt để tay lên trán Devadatta và an ủi đại đức.

Chiều hôm ấy đại đức qua đời.

Bây giờ là mùa nắng, trời trong xanh, Bụt đang sắp sửa đi du hành thì có sứ giả của vua Ajatasattu tới. Sứ giả là quan đại thần Vassakara, một người thuộc giai cấp Bà-la-môn. Ông được lệnh vua tới đảnh lễ Bụt và cho Bụt biết chủ định của vua và triều thần muốn cử binh đi đánh nước Vajji ở phía Bắc sông Hằng. Vua muốn được nghe phản ứng của Bụt và đã dặn vị đại thần ghi nhớ tất cả những gì Bụt sẽ phát biểu về vấn đề này.

Trong khi Bụt tiếp quan đại thần Vassakara, đại đức Ananda đứng sau lưng Bụt và quạt cho người. Bụt xoay lại hỏi thầy:

- Này đại đức Ananda, thầy có nghe dân chúng Vajji thường hay hội họp đông đảo để bàn bạc chính sự không ?

Đại đức Ananda đáp:

- Thế Tôn, con nghe nói dân Vajji rất chuyên cần hội họp và hội họp rất đông đảo để đàm luận về chính sự.

- Vậy thì nước Vajji vẫn còn cường thịnh. Ananda, thầy có biết khi họ hội họp với nhau, họ có bày tỏ sự hòa hợp đoàn kết và có một lòng một dạ với nhau không ?

- Bạch Thế Tôn, con nghe họ rất hòa hợp và đoàn kết với nhau.

- Vậy thì chắc chắn nước Vajji vẫn còn rất cường thịnh. Ananda, dân Vajji có tôn trọng và có sống đúng theo những pháp chế đã được ban hành không ?

- Bạch Thế Tôn, con nghe họ rất tôn trọng những pháp chế đã được ban hành.

- Vậy thì chắc chắn nước Vajji vẫn còn cường thịnh. Ananda, dân Vajji có còn biết tôn trọng và nghe lời những bậc tôn trưởng của họ không ?

- Thế Tôn, con nghe họ rất biết tôn trọng và nghe lời những bậc tôn trưởng của họ.

- Vậy thì nước họ vẫn còn cường thịnh. Đại đức Ananda, thầy có nghe trong xứ của họ có những vụ bạo động và hãm hiếp không ?

- Bạch Thế Tôn, những vụ bạo động và hãm hiếp ít bao giờ xảy ra ở xứ họ.

- Vậy thì nước Vajji vẫn còn cường thịnh. Ananda, thầy có nghe dân Vajji còn biết bảo vệ tông miếu của tổ tiên họ không ?

- Bạch Thế Tôn, con nghe họ vẫn còn biết bảo vệ tông miếu của tổ tiên họ.

- Vậy thì Ananda, nước Vajji vẫn còn cường thịnh. Thầy có nghe là dân Vajji biết tôn kính, cúng dường và chịu học hỏi theo các hàng tu sĩ đạt đạo không ?

- Bạch Thế Tôn, cho đến ngày nay họ vẫn rất tôn kính, cúng dường, và học hỏi với các vị tu sĩ đạt đạo.

- Ananda, vậy thì chắc chắn nước Vajji vẫn còn cường thịnh, chưa bị suy đồi. Ananda, ngày xưa Như Lai đã từng có dịp chỉ dạy cho giới lãnh đạo ở Vajji về bảy yếu tố giữ gìn cho quốc gia không suy thoái, gọi là thất bất thoái pháp. Đó là chuyên cần hội họp, hòa hợp và đoàn kết, tôn trọng pháp chế đã ban hành, tôn trọng và nghe lời các bậc tôn trưởng, không bạo động và hiếp đáp, biết bảo vệ tông miếu tổ tiên và tôn kính các bậc đạo hạnh. Ananda, thì ra họ vẫn còn thi hành bảy phép bất thoái ấy, Như Lai tin rằng quốc gia Vajji vẫn còn cường thịnh, chưa bị suy nhược, và do đó Như Lai nghĩ rằng nước Magadha không thể đánh chiếm được nước họ.

Đại thần Vassakara bạch:

- Thế Tôn, dân Vajji chỉ cần thực hành một trong bảy phép đó thì cũng đủ làm cho nước họ cường thịnh rồi, huống hồ là họ thực hành cả bảy phép. Thế Tôn, con nghĩ vua Ajatasattu không thể thắng được dân Vajji bằng sức mạnh vũ khí đâu. Vua chỉ có thể thắng họ nếu vua gieo được sự chia rẽ trong giới lãnh đạo của họ. Thế Tôn, con xin cảm tạ Người, con phải về lo công việc.

Sau khi đại thần Vassakara từ giã, Bụt than thở với Ananda:

- Vị đại thần này có nhiều mưu chước lắm. Như Lai ngại là trong tương lai, vua Ajatasattu sẽ cử binh đánh chiếm nước Vajji.

Chiều hôm ấy, Bụt nhờ đại đức Ananda đi triệu tập tất cả các vị khất sĩ có mặt ở thủ đô Rajagaha và trong các vùng phụ cận về núi Thứu. Chỉ trong vòng bảy hôm các vị khất sĩ và nữ khất sĩ trong vùng đã quy tụ về đầy đủ. Gần hai ngàn vị đã về tới, màu áo cà sa làm vàng rực cả năm ngọn đồi của Linh Thứu sơn. Đến giờ đại hội, tất cả đều quy tụ về sân trước của giảng đường.

Đại chúng được triệu tập đông đủ, Bụt từ tịnh thất thong thả đi xuống. Người bước lên pháp tọa cao. Đưa mắt nhìn đại chúng, Bụt mỉm cười và nói:

- Các vị khất sĩ ! Như Lai sẽ chỉ dạy cho các vị bảy phương pháp để giữ gìn cho chánh pháp và giáo đoàn không bị suy thoái. Các vị hãy lắng nghe.

❝Thứ nhất là các vị nên thường xuyên gặp mặt nhau trong những buổi hội họp đông đủ để học hỏi và luận bàn về chánh pháp.

Thứ hai là các vị tới với nhau trong tinh thần hòa hợp và đoàn kết, và chia tay nhau trong tinh thần hòa hợp và đoàn kết.

Thứ ba là cùng tôn trọng và sống theo giới luật và pháp chế một khi những giới luật và pháp chế ấy đã được ban hành.

Thứ tư là biết tôn trọng và vâng lời các bậc trưởng lão có đạo đức và kinh nghiệm trong giáo đoàn.

Thứ năm là sống một nếp sống thanh đạm và giản dị, đừng để bị lôi cuốn vào tham dục.

Thứ sáu là biết quý đời sống tĩnh mặc.

Thứ bảy là biết an trú trong chánh niệm để thực hiện an lạc và giải thoát, làm chỗ nương tựa cho các bạn đồng tu.❞


Này các vị khất sĩ ! Chừng nào mà các vị còn thực hành được bảy điều ấy, gọi là bảy phép bất thối, thì đạo pháp còn hưng thịnh và giáo đoàn không bị suy thoái. Không một yếu tố nào bên ngoài có thể phá hoại được giáo đoàn. Chỉ có những phần tử bên trong giáo đoàn mới có thể làm cho giáo đoàn tan rã mà thôi.

Các vị khất sĩ ! Khi con sư tử chúa của mọi loài ở chốn sơn lâm ngã quỵ, không có một loài nào dám đến ăn thịt nó. Chỉ có những con trùng phát sinh từ bên trong thân thể của sư tử mới ăn thịt được sư tử mà thôi. Các vị hãy bảo vệ chánh pháp bằng cách sống theo bảy phép bất thối, đừng bao giờ tự biến mình thành những con trùng trong thân thể của con sư tử.

Sau khi đã chỉ dạy những vị khất sĩ về bảy phép bất thối, Bụt dặn các vị khất sĩ đừng nên phí bỏ thì giờ quý báu của mình để la cà nói chuyện phiếm, để ngủ vùi, đừng đánh mất mình trong danh lợi và tham dục, đừng thân cận với những người xấu ác và biếng lười, đừng tự mãn với những kiến thức và những trình độ chứng đắc thấp thỏi.

Bụt nhắc lại giáo lý bảy yếu tố giác ngộ như con đường mà mỗi vị khất sĩ phải đi: yếu tố chánh niệm, yếu tố quán chiếu vạn pháp, yếu tố tinh tiến, yếu tố hỷ lạc, yếu tố nhẹ nhõm, yếu tố định và yếu tố hành xả. Bụt lại chỉ dạy về các phép quán vô thường, vô ngã, bất tịnh, buông bỏ, xa lìa tham dục và giải thoát.

Hai ngàn vị khất sĩ được sống với Bụt trên núi Linh Thứu được mười hôm. Họ cư trú khắp nơi trên năm ngọn đồi, nơi cội cây, hang đá, am thất, khe suối … Mỗi ngày các vị tụ tập một lần tại sân giảng đường để nghe Bụt giảng dạy. Thính chúng ngồi thành nhiều bậc bởi vì sân không đủ rộng để chứa đủ số người. Qua ngày thứ mười, Bụt từ giã các vị khất sĩ và khuyên họ xuống núi và trở về trú sở để hành đạo. Chỉ có các vị thường trú ở Linh Thứu là còn ở lại mà thôi.

Các vị khất sĩ xuống núi rồi, Bụt từ giã thủ đô Rajagaha, Người hướng về Ambalatthika. Ambalatthika là khu lâm viên nghỉ mát của vua Bimbisara, nơi Bụt và các vị khất sĩ thường ghé trên đường đi Nalanda. Hai thầy trò Sariputta và Rahula ngày xưa đã từng cư trú tại đây. Tại Ambalatthika, Bụt thăm viếng và ủy lạo các vị khất sĩ, Bụt dạy cho họ thêm về giới, định và tuệ.

Rời Ambalatthika, Bụt đi Nalanda. Đoàn khất sĩ đi theo Bụt có chừng một trăm vị. Các đại đức Ananda, Sariputta và Anurudha đi sát bên Người. Tới Nalanda, Bụt nghỉ ở vườn xoài Pavarika. Sáng ngày hôm sau, đại đức Sariputta tới ngồi bên Bụt một hồi lâu, không nói gì. Sau đó, tự nhiên đại đức mở lời:

- Bạch Thế Tôn, con thiết nghĩ trong quá khứ, trong hiện tại, và trong cả tương lai, không có một vị đạo sư hay Bà-la-môn nào mà trí tuệ và sự chứng đắc siêu việt hơn Thế Tôn.

Bụt nói:

- Sariputta, lời nói đó của đại đức quả thật là mạnh bạo, quả thật là một tiếng gầm sư tử. Thầy đã gặp và đã biết tất cả các bậc giác ngộ trong quá khứ, hiện tại, và tương lai chưa mà dám nói như thế ?

- Bạch Thế Tôn, làm gì mà con đã gặp được tất cả các bậc giác ngộ trong ba thời, nhưng có một điều con biết chắc. Con sống thân cận với Thế Tôn đã trên bốn mươi năm. Không những con được nghe Thế Tôn dạy dỗ mà con còn được thấy Thế Tôn sống. Nhìn vào Thế Tôn, con biết là Thế Tôn sống thường trực trong tỉnh thức và chánh niệm. Sáu căn được Thế Tôn hộ trì một cách tuyệt hảo. Không bao giờ có vết nhỏ của năm sự ngăn che là tham dục, oán giận, hôn trầm, trạo cử và hoài nghi được nhận thấy trong sinh hoạt hàng ngày của Thế Tôn. Con nghĩ các bậc giác ngộ trong quá khứ, hiện tại và tương lai, khi đạt tới chánh trí thì trí tuệ và sự chứng đắc cũng chỉ bằng Thế Tôn thôi chứ làm sao cao hơn được.

Tại Nalanda, Bụt giảng dạy thêm cho đại chúng ở đây về giới, định, tuệ. Rời Nalanda, Bụt đi về Pataligama. Tới Pataligama, Bụt và các vị khất sĩ được rất nhiều giới cư sĩ ra đón tiếp và đưa về trú sở của họ. Tại đây, họ cúng dường cơm nước lên Bụt và các vị khất sĩ. Thọ trai xong, Bụt thuyết pháp.

Sáng hôm sau, trước khi Bụt lên đường, đại đức Sariputta đến từ giã Người. Đại đức được tin bà mẹ của đại đức đang bị ốm nặng, và đại đức muốn về thăm mẹ. Mẹ của đại đức năm nay đã trên một trăm tuổi, Bụt và các vị khất sĩ ra tiễn đại đức Sariputta về quê. Đại đức lạy Bụt ba lần và cùng với chú sa di Cunda đi ngược về miền Nam, hướng về Nala. Lúc Bụt và đoàn khất sĩ ra tới cửa thành thì có hai vị đại thần xứ Magadha là Sunidha và Vassakara tới trình diện. Họ là những người được vua Ajatasattu phái tới nghiên cứu xây dựng đô thị Pataligama thành một đô thị lớn. Các vị đại thần bạch:

- Cổng thành mà Thế Tôn và các vị khất sĩ sắp đi qua để rời khỏi thành phố, chúng con sẽ đặt tên là cổng Gotama. Chúng con cũng sẽ đi theo để tiễn đưa Bụt. Bến đò mà Người và chư vị khất sĩ tới để vượt qua sông Hằng, chúng con cũng sẽ đặt tên là bến đò Gotama.

Sông Hằng nước đầy cho đến nỗi một con quạ đứng trên bờ sông có thể chúi mỏ xuống sông để uống nước được. Năm chiếc đò ngang chở Bụt và các thầy sang sông một lượt. Ra đến giữa dòng, đại đức Ananda tìm lối bước tới gần Bụt và rón rén ngồi xuống bên Người, Bụt đang nhìn xuống nước. Đại đức Ananda đưa mắt nhìn dòng sông mênh mang rồi chuyển cái nhìn về bên kia bờ. Đại đức nhớ năm xưa, cách đây đã trên hai mươi lăm năm, có lần dân chúng Vesali đã kéo nhau ra tận bờ sông để đón Bụt, đông có đến mấy vạn người. Năm ấy tại Vesali, có dịch hạch lan tràn, người lớn và trẻ em chết như rạ. Những ông thầy thuốc giỏi nhất trong xứ đã chịu bó tay. Lễ đàn được thiết lập liên tiếp để cúng tế và cầu nguyện, nhưng cũng không đem lại hiệu quả nào. Cuối cùng dân chúng trong thành nghĩ đến việc đi cầu cứu với Bụt. Quan tổng trấn Tomara được chỉ định đích thân qua tận Rajagaha để thỉnh Bụt về Vesali, ước mong đạo đức của Người có thể chuyển đổi được tình trạng. Bụt đã nhận lời thỉnh cầu. Vua Bimbisara, hoàng hậu, các vị đại thần, và dân chúng đi tiễn Bụt tới tận bờ sông Hằng.

Bên kia sông, dân chúng Vesali đã tụ tập đông nghịt. Họ thiết lập nghênh môn, lễ đài, treo cờ và kết hoa đầy cả bờ sông. Khi thuyền của Bụt qua tới, dân chúng reo hò vang dậy, nhã nhạc nổi lên vang lừng. Hôm đó đi phụ tá cho Bụt ngoài các vị đại đệ tử lớn còn có y sĩ Jivaka. Dân chúng đón tiếp Bụt như đón tiếp một vị cứu tinh của họ, Bụt vừa đặt chân lên đất liền thì sấm chớp bỗng nổi dậy và trời mưa xuống một trận mưa rất lớn. Đây là trận mưa đầu tiên sau nhiều tháng ngày nắng cháy và hạn hán. Dân chúng mừng rỡ, nhảy múa, reo mừng, và ca hát ngay dưới cơn mưa. Cơn mưa đem lại sự mát mẻ và hy vọng cho cả xứ. Bụt và các vị khất sĩ đã được dân chúng rước về trung tâm thành phố. Tại công viên, Bụt đã nói về Tam Bảo như ba viên ngọc quý, nơi nương tựa vững chãi của mỗi người. Sau đó Bụt và các đại đức được rước về tu viện Trùng Các ở Mahavana. Kỳ đó, nhờ đức độ của Bụt và tài chữa trị của y sĩ Jivaka, dịch hạch đã từ từ được đẩy lui và cuối cùng mất dấu. Năm ấy Bụt đã lưu lại Vesali gần sáu tháng trước khi lên đường về Savatthi.

Qua bên kia sông, Bụt đi về Kotigama, các vị khất sĩ tại Kotigama đi đón Bụt rất đông. Tại đây, Bụt giảng dạy về tứ diệu đế và về tam học giới, định, và tuệ. Sau khi cư trú một thời gian tại Kotigama với các vị khất sĩ, Bụt lại ra đi, hướng về Nadika, Bụt và các vị khất sĩ nghỉ tại một ngôi nhà xây bằng gạch gọi là Ginjakavasatha. Tại Nadika, Bụt nhắc nhở đến những vị đệ tử của Người đã mệnh chung tại vùng này, trong đó có nữ khất sĩ Sundari Nanda, em gái của Người, các vị khất sĩ Salha và Nadika, nữ cư sĩ Sujata ngày xưa đã dâng sữa và thức ăn cho người trước khi người thành đạo, và các cư sĩ Kakudha, Bhada, Subhadda … Bụt nói các vị khất sĩ này cùng khoảng năm mươi vị khác đã từng sinh sống tại đây đều đã chứng được những quả vị Nhập Lưu, Nhất Hoàn và Bất Hoàn. Nữ khất sĩ Nanda đã chứng quả Nhất Hoàn, hai vị khất sĩ đã đạt được quả vị La Hán.

Bụt dạy: “người tu hành nào vững tin nơi Bụt, Pháp và Tăng, nhìn vào tâm ý mình có thể biết được mình đã tham dự vào dòng giải thoát chưa, không cần hỏi đến một người khác”. Một hôm khác, Bụt lại dạy thêm cho các vị khất sĩ về giới, định, và tuệ. Thăm viếng và sách tấn đại chúng xong, Bụt cùng các vị khất sĩ lên đường đi Vesali. Tới Vesali, Bụt và đại chúng nghỉ tại vườn xoài của Ambapali. Ngày hôm sau, Bụt giảng cho đại chúng về phép quán niệm về bốn lãnh vực thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng tâm ý.

Nghe nói Bụt đã về vườn xoài của mình, bà Ambapali rất sung sướng, liền vội tới thăm Người. Bà thỉnh Bụt và chư vị khất sĩ tới thọ trai ngày hôm sau. Ngày mai lại, sau khi Bụt và các vị khất sĩ đã thọ trai xong, bà làm lễ dâng khu vườn cho giáo đoàn khất sĩ. Bà cũng xin được xuất gia. Mấy hôm sau, Bụt lại giảng cho đại chúng nghe thêm về phép hành trì giới, định và tuệ.

Sau khi đã thăm viếng Vesali, Bụt đi tới làng Beluvagamaka ở vùng ngoại ô thành phố. Mùa mưa đã đến, Bụt dự định an cư năm nay tại làng Beluva này. Đây là mùa an cư thứ bốn mươi lăm sau ngày Bụt thành đạo. Bụt nhắn với các vị khất sĩ trong vùng hãy tới an cư ở ven đô thành phố Vesali, tại những trung tâm có bạn bè, thân quyến đàn việt ủng hộ.

Giữa mùa an cư, Bụt bị ốm nặng, thân thể Người đau đớn vô cùng. Người nằm yên, không hề rên siết, giữ vững chánh niệm và hơi thở. Mọi người nghĩ rằng Bụt sẽ không qua khỏi cơn đau, nhưng không ngờ sau đó Bụt vượt thắng được, sức khỏe dần dần trở lại với Người. Mười hôm sau, Bụt dậy được và ra khỏi phòng, ngồi xuống trên một chiếc ghế kê sát vào tường.

Trước khi

(Thích Tánh Tuệ)

Trước khi định nói điều gì
Ta nên học hạnh nhu mì lắng nghe
Trước khi chỉ trích, cười chê
Ta nên nhìn lại tự phê phán mình

Trước khi nổi giận, bất bình
Ngồi nghe hơi thở lặng nhìn tự tâm
Trước khi cầu nguyện ... m thầm
Nhủ lòng dung thứ lỗi lầm tha nhân

Trước khi giọt nước mắt lăn
Biết dừng chân, kẻo ăn năn muộn màng
Trước khi tính chuyện đá vàng
Thử mua dây ... tự buộc ràng xem sao

Trước khi nói chuyện trời cao
Xem đi dưới đất bước nào chông chênh
Trước khi ước vọng nhìn lên
Môt lần ngó xuống có thêm thương đời

Trước khi mua sắm, vẽ vời
Phải chăng ... cám dỗ gọi mời rủ rê ?
Trước khi hẹn ước, nguyện thề
Vấn lòng xem có vẹn bề trước, sau

Trước khi muốn bỏ cuộc mau
Nhớ tâm nhiệt huyết buổi đầu dấn thân
Trước khi từ biệt dương trần
Sống cho đi, thể tri ân cuộc đời

Trước khi muốn thấy ai cười
Đầu tiên hàm tiếu trên môi nở chào
Trước khi muốn nếm ngọt ngào
Tình thương dâng hiến, gửi trao thật thà

Trước khi muốn thoát Ta Bà
Nhớ chân thành niệm Di Đà nhất tâm

Trư hòa thượng

(Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải)



Ngày xưa, ở một ngôi chùa nọ, vị thiền sư trụ trì nuôi một con heo lâu năm. Tuổi heo xấp xỉ tuổi đạo của nhà sư, và cả đại chúng kể từ vị tri sự tăng trở xuống đều phải nhường heo về khía cạnh thâm niên nọ. Do đó vị trụ trì đặt cho heo một biệt danh là Trư hòa thượng.

Trư hòa thượng chỉ có việc ăn, nằm và bài tiết (để lấy phân bón cho vườn chùa) nên rất mập mạp đến không ngồi dậy nổi. Tuy nhiên mỗi khi tiếng hồng chung chùa vang lên vào chiều tối hoặc canh khuya, Trư hòa thượng đều cố ngóc đầu dậy một cách mệt mỏi. Nhân đấy mà thiền sư rất yêu mến Trư hòa thượng, thường chỉ cho chúng xem, bảo:

- Các con thấy đó, loài súc sinh cũng có Phật tánh, chớ khinh thường.

Một hôm thiền sư có việc phải đi xa vài hôm. Ngài cho họp chúng dặn:

- Trong khi tôi đi vắng, lỡ Trư hòa thượng có viên tịch, thì các ông hãy cắt thịt, chia cho láng giềng mỗi nhà một miếng. Hãy nhớ làm theo lời dặn của tôi.

Ðại chúng lấy làm quái dị về lời dặn của vị thầy, nhưng không dám hỏi, cứ vâng dạ lịnh tôn ý. Có lẽ họ nghĩ rằng thầy quá lo xa, Trư hòa thượng không bệnh hoạn gì, chưa chắc đến nỗi chết. Nhưng ngờ đâu thầy vừa đi vắng một hôm thì Trư hòa thượng ngã lăn ra chết. Ðại chúng bây giờ thật khó xử, nếu làm theo lời thầy dặn thì sợ đời dị nghị, nhất là trong khi vắng thầy. Lỡ người ta nghi chúng tăng nhân thầy không có nhà đã làm thịt con heo, rồi vì ăn không hết mà đem biếu thì sao ? Thầy tri sự sau khi hội ý toàn thể đại chúng, quyết định đem mai táng Trư hòa thượng sau vườn chùa, rồi thầy về sẽ sám hối sau.

Khi thiền sư trở về, hỏi ra mới biết chúng không làm theo lời dặn. Ngài dạy:

- Thế là các ông làm lỡ việc của ta rồi.

Khi đại chúng thưa hỏi, Ngài kể:

- Trư hòa thượng chỉ còn một kiếp cuối cùng là giải thoát. Trong kiếp cuối ấy, Trư hòa thượng phải chết vì nạn “loạn đao phân thây”. Nhờ có túc duyên mà Trư hòa thượng được thoát nghiệp ấy trong lúc sống. Nhưng định nghiệp không thể không trả. Do đó mà ta muốn giúp Trư hòa thượng trả xong định nghiệp bằng cách phân thây ông ta sau khi chết. Ðược vậy khỏi thọ sanh kiếp khác. Nhưng bây giờ vì các ông không làm theo lời ta, Trư hòa thượng sẽ phải luân hồi trở lại để trả cho xong định nghiệp.

Ðại chúng nghe lời thầy dạy đều lấy làm hối hận. Ðại sư an ủi:

- Không hề gì, rồi đây các ông lại còn duyên gặp lại Trư hòa thượng.

Thời gian trôi qua nhanh chóng. Thấm thoát đã hơn 20 năm kể từ ngày Trư hòa thượng viên tịch. Một hôm, vị trụ trì mới, đệ tử trưởng kế vị thiền sư sau khi Ngài viên tịch, tiếp đón vị quan huyện trẻ vừa tới nhậm chức tại địa phận chùa nhà. Quan đi quanh chùa thăm viếng tỏ ý lưu luyến như một cố nhân. Quan có cảm tình đặc biệt với tất cả đại chúng, và từ đấy mỗi lúc rảnh rỗi việc quan, ông lại tới chùa đàm đạo với chư tăng. Mối đạo tình đằm thắm ấy kéo dài một thời gian cho tới một ngày quan huyện bị triệu về kinh đô …

Tin đồn quan huyện bị triệu về kinh đô vì một vụ án phản nghịch, và ngay sau đó bị đem ra chợ phân thây, được loan đi rất nhanh đến chùa. Chư tăng bàng hoàng sửng sốt, thương cho số phận quan huyện nhân từ, người bạn chí thiết của cả đại chúng. Tại sao một con người tốt như quan huyện lại phải chịu một cái chết thê thảm như vậy ? Chư tăng ngậm ngùi tự hỏi. Nhất là vị trụ trì - người kỳ cựu nhất ở chùa - người ngày xưa đã từng săn sóc Trư hòa thượng từ lúc tập sự xuất gia đến khi Trư chết, và bây giờ là người bạn thân của quan huyện, vị trụ trì buồn bã mất mấy ngày.

Vào một thời tọa thiền, Ngài bỗng thấy bóng quan huyện mỉm cười hòa nhã, và một âm thanh nhẹ như hơi gió thoảng bên tai Ngài:

- Tôi là Trư hòa thượng ngày xưa, xin đến vĩnh biệt thầy và tạ ơn tri ngộ.

Vị trụ trì bàng hoàng dụi mắt, nhớ lại tất cả chuyện xưa nay.

Những câu nói vừa thâm vừa thấm

(Sưu tầm)



Trong cuộc sống này có rất nhiều câu châm ngôn hay, những câu châm ngôn ấy chúng ta có thể lấy làm phương châm sống của mình, hay ít ra cũng cho bạn hiểu hơn về cuộc đời.

➊ Chơi với người tốt như vào hàng hoa, khi đi ra hương thơm còn vương vấn. Chơi với người xấu như vào hàng cá, quen tanh rồi, chẳng biết mình tanh.

➋ “Người ta nói, con ong, độc nhất ở cái đuôi, còn đàn bà độc nhất là ở tấm lòng. Không sai đâu, hãy nghĩ kĩ đi, nếu bạn không chọc phá con ong, nó sẽ chẳng chích, cũng như đàn bà, nếu không đẩy họ vào đường cùng, họ sẽ không bao giờ thâm độc”.

➌ Lớn rồi ! Nhìn một phải thấu mười, bởi vì bên trong một con người, không thân thiện như cái miệng của họ thể hiện. Nhớ nhé, không phải cái gì lóng lánh cũng là vàng, không phải ai nhìn đàng hoàng cũng là người tử tế.


Chuyện của người khác, hãy nói cẩn thận.
Chuyện của người lớn, ít nói.
Chuyện của trẻ con, hãy nhẹ nhàng khuyên bảo giảng giải.
Chuyện nhỏ, nói một cách hài hước.
Chuyện làm không được, đừng nói.
Chuyện buồn, chỉ tìm bạn tri kỉ nói.
Chuyện của bản thân, nên nghe người khác nói thế nào trước.
Chuyện vợ chồng, cùng nhau thương lượng.
Chuyện gấp, từ từ nói.
Chuyện chưa chắc có thể sẽ xảy ra, đừng nên nói bậy.
Chuyện tổn thương người khác, tuyệt đối không nói.

➎ Ở đời có ba chữ ĐỪNG
- Đừng hiền quá để người ta bắt nạt.
- Đừng ngốc quá để người ta đùa giỡn.
- Đừng tin tưởng quá để khi bị lừa dối cũng không đến nỗi bi thương.

➏ Đừng bao giờ níu kéo một ai cả, đơn giản vì khi người ta muốn ở lại thì có đuổi thế nào cũng không đi, nếu người ta muốn đi, có giữ thế nào người ta cũng không ở lại.

➐ “Mười năm trước, những người quanh bạn sẽ dựa vào thu nhập của bố mẹ bạn để đối đãi với bạn, mười năm sau, những người xung quanh bạn sẽ dựa vào thu nhập của bạn để đối đãi với bố mẹ bạn !”

➑ Khi bạn đã cố gắng hết sức mà họ vẫn không cảm nhận được. Vậy thì hãy dừng lại … Hãy sống vì những gì xứng đáng hơn. Là phụ nữ đừng ỷ vào nhan sắc, vì nó sẽ tàn phai theo thời gian. Người phụ nữ có tâm đẹp mới là người phụ nữ đẹp nhất.

Pháp ngữ (52)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Chí công vô tư thì mới là chánh pháp, có lòng ích kỷ, tự lợi thì là tà pháp.

Không tha thứ là một loại ngục tù

(Thích Tánh Tuệ)



“Không tha thứ là một loại ngục tù !”

Khi không thể tha thứ cho ai đó, chúng ta tống anh ta vào tù. Nói ví dụ như một người nào đó phạm tội, chúng ta bắt giữ anh ta và giam vào trong tù. Tâm chúng ta cũng như vậy, chúng ta giam giữ rất nhiều người trong nhà tù của mình. Chúng ta khóa chặt họ trong đó. Vì vậy, không tha thứ là một nhà tù – bạn nhốt người khác vào trong tù nhưng chính trong quá trình ấy, bạn cũng tự nhốt chính mình vào tù luôn, bởi vì bạn là người giữ chìa khóa và canh cửa. Tôi sẽ không cho anh ra ngoài, tôi có thể thả anh nhưng tôi không thả. Trong lúc ấy thì chính chúng ta cũng đang ngồi tù.

“YOU ARE A PRISONER OF YOUR OWN MIND”

Người ta thích làm tù nhân quá khứ
Rồi ưng làm đạo diễn ở tương lai
Giữa huyên náo có ai ngồi tĩnh tại
Sống bây chừ - trọn vẹn với hôm nay …

Trong yên lặng tĩnh tại, ta tìm thấy rất nhiều điều đáng giá

( Chay Mộc )

❝ ...

- Con à !

- Dạ !

Con người, thường rất sợ cô đơn. Rất sợ một mình. Cũng rất sợ sự yên lặng tuyệt đối. Vậy nên hầu hết chạy lăng xăng, tìm đủ mọi trò vui, làm đủ mọi điều để có được những thứ vui vẻ xung quanh. Dù biết rằng những thứ đó không thường hằng, dù biết đó là những niềm vui nhất thời đầy giả tạo. Ta vui được chốc lát, mà khổ ải đến muôn đời.

Ta phải dành tâm huyết cả một kiếp người để vun trồng bao nhiêu. Ước vọng bao nhiêu. Sắm sửa bao nhiêu. Tìm kiếm bao nhiêu … những thứ hoa mỹ đẹp đẽ tráng lệ, từ con người cho đến vật chất. Ta dành cả đời nâng niu cưng dưỡng. Làm hết những gì có thể để có cái này, cái kia. Để sống …

Nhưng rồi, hết kiếp tận số, thở ra một cái. Ta chẳng còn gì, ngay đến cái thân ta trân quý nhất rồi cũng hòa vào lòng đất, biến mất chẳng để lại chút gì. Chúng ta đã quá sợ hãi vì sự sống. Lo nay mất mai còn, lo Đông lo Tây, lo ngược lo xuôi. Cuối cùng chỉ vì một chữ sống. Vậy mà nhiều khi lạc đường, còn đi hủy diệt cái thân vì những điều không vừa ý trái lòng. Ta cứ loay hoay là khổ mình khổ người, cả đến trăm ngàn kiếp, không tài nào thoát ra được.

Trước những trầm luân của cuộc đời. Có bao giờ ta thử dừng lại, dừng lại hết mọi lăng xăng lo lắng, dừng lại hết những tính toán được mất hơn thua, dừng lại tất cả những tham luyến trên đời … Chỉ sống một mình. Chỉ yên lặng tĩnh tại một mình.

Trong cái yên lặng hùng tráng. Khi mà mọi thứ bên ngoài không còn làm tâm ta vướng bận. Ta có thể đi thật sâu, thật sâu vào bên trong mình. Lắng nghe từng lo lắng. Lắng nghe từng sợ hãi. Lắng nghe từng tham ái. Lắng nghe mọi thiện ác trong mình sinh diệt. Trong cái tĩnh lặng diệu kỳ, mọi thứ hiện lên rất rõ ràng, rất đầy đủ.

Kẻ trí biết vậy mà gạn đục khơi trong. Kẻ còn mù mờ thì tìm mọi cách chạy ra bên ngoài để trốn tránh chính mình. Thật ra cũng chẳng có gì đúng sai. Đi qua trăm ngàn kiếp luân hồi, nếm đủ đầy vị cay đắng ngọt bùi, đến lúc, ai cũng sẽ quay đầu lại, bởi chân lý vốn chỉ có một, đi một vòng ta cũng sẽ nhận ra đâu là con đường thênh thang rộng lớn ta cần đi mà thôi.

Một mình, vốn chẳng đáng sợ. Đáng thương, vốn là những người chẳng thể ở một mình … Trong yên lặng tĩnh tại, ta tìm thấy rất nhiều điều đáng giá.

Yêu và thương con nhiều, nghe con !

( Chay Mộc )


...❞




Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|47|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Khi tâm không nương tựa vào bất kỳ một điều gì, thì không có bất kỳ một điều gì có thể làm tâm phải động”.

“Không nương tựa vào bất kỳ một điều gì” không có nghĩa là bất cần mọi thứ, ghét bỏ tất cả, không thương tiếc gì nữa, mà chỉ đơn giản là quay về nương tựa vào chính mình, không còn tìm kiếm từ bên ngoài một chỗ để treo bình yên cả đời mình lên đó, không còn muốn để chiếc chìa khóa hạnh phúc của mình trong túi người khác, muốn tự tay giữ lấy trái tim của mình mà đi qua thế gian.

Như nói “không tựa vào đâu” nhưng thật ra người ta vẫn đang đứng trên đôi chân của chính mình. Lũ chim không bao giờ sợ cành cây dưới chân mình bị gãy, vì chúng có đôi cánh, chúng tin vào đôi cánh của mình, cành có gãy cũng chẳng sao. Điểm tựa thật sự của chúng là đôi cánh, không phải cành cây.

Tin người là tốt, nhưng tin vào bản thân mình bao giờ cũng sẽ tốt hơn. Người đời thường vội vã tìm kiếm bên ngoài một chỗ để làm điểm tựa cho đời mình, có người tìm điểm tựa cho mình trong quyền lực, có người tìm điểm tựa cho mình trong vật chất, trong nhan sắc, có người lại tìm điểm tựa cho mình ở một người nào đó. Rồi bị chính những thứ đó làm khổ.

Khi không còn đuổi theo những điều bên ngoài, bình yên sẽ có cơ hội bắt kịp chúng ta.



D.P.A (60)

(Thư Đạo Việt)

Đôi vai Mẹ mỏi mòn thân cát bụi
Gánh tình thương rong ruổi giữa chợ đời
Giọt mồ hôi đọng trên lưng áo Mẹ
Con níu giọt mồ hôi đứng dậy thành người

Bắt đầu một ngày mới bằng một tâm thiện

(TS. U Jotika)



Khi bạn vừa mở mắt thức dậy và có chánh niệm, hãy thực hành niệm hơi thở (anapana) ngay lập tức. Bạn hít thở thật sâu để cơ thể nhận được nhiều ôxy hơn. Não của chúng ta cần rất nhiều ôxy, vì vậy khi bạn vừa tỉnh giấc, còn cảm thấy mơ màng buồn ngủ, hãy hít thở vài hơi thật sâu, nó sẽ làm cho não bạn trở nên tươi mới và sáng suốt. Hơn nữa, việc bạn chú tâm vào hơi thở sẽ kéo chánh niệm quay lại và nó sẽ làm tâm bạn thêm tỉnh thức. Làm như vậy, bạn thu được cả hai lợi ích cùng một lúc.

Hành thiền một chút trong tư thế nằm rồi ngồi dậy và tiếp tục ngồi thiền ngay tại chỗ, ở trên giường. Bạn có thể vệ sinh thân thể sau. Ngay khi vừa tỉnh dậy là ngay khi đó bạn hãy chánh niệm, ghi nhận, tự biết mình. Khi đã duy trì được đà chánh niệm liên tục và thành công trong một thời gian nào đó, thì một nội tâm trong sáng, thuần tịnh, an lạc và tĩnh lặng sẽ bắt đầu đến với bạn.

Bắt đầu một ngày mới bằng một tâm thiện, một tâm thiền, đó quả là một điều phúc lạc thực sự, quả là chân hạnh phúc cho đời. Bạn chưa rửa mặt ư, cũng chẳng sao cả, cái tâm còn quan trọng hơn việc ấy nhiều.

Tháp cổ trăng ngà

(Thích Tánh Tuệ)



Trăng lên bên Tháp Cổ
Huyền hoặc ánh trăng ngà
Loài chim đêm cánh vỗ
Về phương trời xa xa

Cội Bồ Đề lặng lẽ
Dưới nắng khuya âm thầm
Mùi trầm hương nhè nhẹ
Tiếng côn trùng vọng âm ...

Đêm sâu về quá khứ
Dáng một người ngồi đây
Sương khuya mềm vai phủ
Vầng Giác Ngộ hiển bày

Một mình trong cuộc mộng
Tỉnh thức giữa đời say
Rồi tay Người mở rộng
Ôm trần gian vơi đầy

Trăng nay là nhân chứng
Soi bóng Người nghìn xưa
Cội Bồ Đề vẫn đứng
Lá rơi vàng lưa thưa ...

Trăng về thăm Tháp Cổ
Đến, đi chẳng ngại ngần
Người xa xăm từ độ
Con tìm Người trong tâm

Đừng bao giờ đánh đổi sự trung thực

( Chay Mộc )



❝ ...

- Con à !

- Dạ !

Người ta bảo nhau, phải sống cho hơn được “những kẻ bình thường ngoài kia”, rồi ra sức sống cho “hơn người”. Có những thứ “hơn người” để cho một người dưng chẳng liên quan gì tới mình cũng cảm thấy khó chịu. Có thứ “hơn người” để một kẻ từng là đối thủ cũng phải phục. Cuộc sống chỉ xoay vần quanh những chọn lựa, chọn lựa cho mình một cuộc đời không nát với cỏ cây.

Hơn người, kém người để làm cái gì ? Ta càng tranh đua, càng thấy cô đơn và lạc lõng, ta chỉ chăm chăm đi về phía người, mà ganh tị, mà hơn thua, mà cay nghiệt, mà giằng xé … cuối cùng, có được gì đâu, ngoài những đau khổ, những mất mát và cảm giác không thể tin tưởng được chính mình, bởi “ngoài trời còn có trời, trên người còn có người”, đời có bao giờ hết tuấn kiệt đâu.

Sống trung thực, đa số mọi người đều thấy mất mấy đồng bạc lẻ trước mắt. Như đi chợ mua thiệt bó rau, bán kém người ta mấy nghìn bạc … Hay bán cái nhà rẻ hơn mấy chục triệu đồng. Đời thấy vậy nên cứ lừa lọc nhau mãi, dối gian nhau mãi để thành biển đời lắt léo lắm chua cay.

Chỉ có những kẻ trí mới nhận ra sự trung thực mang lại những lợi ích lớn nhường nào. Trung thực có trong ta, ta sẽ dễ dàng nhận ra đâu là thành thật, đâu là dối gian, mà chẳng cần bài binh bố trận nhiều. Trung thực có trong ta, ta cũng chẳng phải theo đuổi những cái phù phiếm xa hoa, những cái không có giá trị thật trong cuộc sống (mà những cái này mới mắc tiền này). Và trung thực có trong ta, sẽ giúp ta nhìn mọi thứ đơn giản hơn. Từ đó, sẽ giúp ta giải quyết những khó khăn, những khúc mắc một cách đơn giản mà hiệu quả đến không ngờ. Còn chưa kể, trung thực đem lại “thương hiệu”, mà giá trị của “thương hiệu” này không thể đo đếm bằng tiền bạc. Vậy đấy, vậy mà thế gian vẫn sẵn sàng bán rẻ sự trung thực của mình, để đôi khi chỉ lấy một nghìn đồng.

Có thể sau này con rất giàu, nhưng chắc chắn sẽ có người giàu hơn con. Có thể sau này con rất tài giỏi, nhưng chắc chắn sẽ có người tài giỏi hơn con. Bất cứ điều gì con có, một ai đó sẽ vượt qua, nhưng nếu con trung thực, chẳng bao giờ có ai trung thực hơn, bởi vì bản chất sự trung thực là một sự trung thực vẹn toàn.

Đừng bao giờ đánh đổi sự trung thực chỉ vì mấy đồng bạc lẻ trước mắt mà đánh mất cả mỏ kim cương đằng sau nó.

Yêu và thương con nhiều, nghe con !

( Chay Mộc )


...❞

L.I.F.E

(Mother Teresa)

Life is an opportunity, benefit from it.
Life is beauty, admire it.
Life is a dream, realize it.
Life is a challenge, meet it.
Life is a duty, complete it.
Life is a game, play it.
Life is a promise, fulfill it.
Life is sorrow, overcome it.
Life is a song, sing it.
Life is a struggle, accept it.
Life is a tragedy, confront it.
Life is an adventure, dare it.
Life is luck, make it.
Life is too precious, do not destroy it.
Life is life, fight for it.
- Mother Teresa

 Cuộc sống là một cơ hội, được hưởng lợi từ nó.
 Cuộc sông thật đẹp, ngưỡng mộ nó.
 Cuộc sống là một giấc mơ, nhận ra nó.
 Cuộc sống là một thách thức, hãy đương đầu với nó.
 Cuộc sống là một nhiệm vụ, hoàn thành nó.
 Cuộc sống là một trò chơi, hãy chơi.
 Cuộc sống là một lời hứa, thực hiện nó.
 Cuộc sống là đau khổ, vượt qua nó.
 Cuộc sống là một bài hát, hát nó.
 Cuộc sống là một sự thử thách, chấp nhận nó đi.
 Cuộc sống là một bi kịch, đối đầu với nó.
 Cuộc sống là một cuộc phiêu lưu, hãy dám cùng.
 Cuộc sống là may mắn, hãy tận dụng nó.
 Cuộc sống là quý giá, đừng phá hủy nó.
 Cuộc sống là cuộc sống, chiến đấu cho nó.



D.P.A (59)

(Ca dao Phật giáo)

Song thân đâu phải một đời
Vậy nên thương cả muôn loài mới hay



Con chó đến quan tòa tố cáo

(HT. Thích Tinh Vân)

Có một con chó đến toà án bấm chuông tố cáo, quan toà cảm thấy rất là ngạc nhiên, mới hỏi con chó:

- Con người không tránh khỏi sự oan ức bất bình mới đến tố cáo, anh là một con chó, cuộc sống rất giản dị, đến đây tố cáo làm gì chứ ?

Con chó ấm ức mà nói:

- Một ngày nọ bụng tôi rất đói, tôi bèn đến nhà ông Lý tìm cơm ăn. Tôi cũng y cứ quy củ của một con chó để xin cơm, ông ta không cho tôi cơm ăn thì cũng không sao, nhưng ông ấy lại ngang nhiên dùng gậy đánh tôi một trận. Ông ấy đã xâm phạm quyền làm chó của tôi, tôi muốn quan toà hãy phán tội của ông ta.

Quan toà sau khi nghe xong không thể không cười, liền nói:

- Các anh xin loài người cơm ăn mà còn nói đến quy củ nữa à !

Con chó liền trả lời:

- Chúng tôi đến trước nhà người ta xin cơm ăn, chỉ có hai chân trước là bước vào bên trong cửa, còn hai chân sau nhất định là đứng ngoài cửa, tôi không có làm sai quy định. Ông ta sao lại có thể đánh tôi ? Bất luận là thế nào đi nữa tôi cũng phải bắt ông ta đền tội.

Quan toà cảm thấy lời trình bày của con chó cũng có lý, liền nói:

- Ông Lý đánh anh quả thật là không đúng, nhưng đây là lần đầu tiên mà tôi phán xét sự việc chó thưa kiện con người, vậy tôi phải xử phạt ông Lý như thế nào ? Tôi muốn nghe thử ý kiến của anh.

Con chó nghe nói, nhảy lên mừng vui mà nói:

- Xin phạt ông ta đời sau làm một người giàu có.

Quan toà rất ngạc nhiên mà nói:

- Anh đã không xử phạt ông ta, mà còn quá nhẹ tay đối với ông ta.

Quan toà ngồi đó lắng tai nghe con chó giải thích, trong lòng rất cảm thương, con chó nói:

- Quan toà đại nhân ạ ! Ông có thể không biết, đời trước tôi là một người gia đình rất giàu có, nhưng tôi lại không có lòng nhân từ, không bao giờ bố thí giúp đỡ người khác, giống như làm nô lệ cho của báu. Đời này tôi mới bị đọa làm súc sanh, sanh trong loài chó, mỗi ngày ăn thức ăn thừa của người ta, vậy mà còn bị người ta ăn hiếp. Cho nên, xin quan toà hãy xử ông Lý đời sau làm người giàu có, để cho ông ta bị tiền tài che lấp trí tuệ, và cuối cùng để cho ông ấy thưởng thức cuộc sống của loài chó.

LỜI BÀN:

Tuy nhiên, đây chỉ là một ví dụ, nhưng cũng siêu vượt giá trị cuộc sống của con người, không phải chỉ làm giàu cho riêng ta, sống cuộc sống ích kỷ tự lợi, được làm thân người cần phải có một sứ mệnh, vui vẻ giúp người, hỷ xả kết thiện duyên.

Sống trên cuộc đời này, không nên nghĩ rằng có tiền là có thể làm công đức, mà có tiền cũng có thể tạo tội lỗi. Không nên nghĩ rằng có tiền là có thể làm việc tốt, mà có tiền cũng có thể làm việc xấu. Cho nên, người có tiền cần phải yêu thương đất nước, yêu thương xã hội, yêu thương con người, nên làm việc lợi ích cho nhiều người. Không nên làm một người giàu có mà không làm thiện tích đức, để đời sau phải bất hạnh đọa vào loài súc sanh, như vậy thì thật là đáng thương thay.


Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|46|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Mỗi việc thiện lành chúng ta làm như một nhịp cầu, nối nhau thành chiếc cầu dài, bắt qua nhân gian như miền nước lũ, và chỉ những người giữ được tâm từ bi, không làm tổn thương cuộc sống, mới có thể đi qua chiếc cầu đó”.

Ánh mắt từ bi là một nhịp cầu, bắt qua những cảnh tượng đổ vỡ, nhạt phai, tang thương trong chốn nhân gian.

Lời nói từ bi là một nhịp cầu, bắt qua những ồn ào, thị phi, ác khẩu từ cuộc sống.

Suy nghĩ từ bi là một nhịp cầu, bắt qua những nông sâu của lòng người.

… để bình thản đi qua, đi qua.

Phía sau sự bình thản khoả lấp nhiều tang thương, đớn đau, sợ hãi, nước mắt, nó che khuất đi phía sau nó rất nhiều xót xa, nhưng từ phía sau nó lại nổi bật lên một thứ: tâm từ bi. Khi không từ bi, không thiện lành, không thể bình thản được.

Hôm nay, có kẻ lại đang phá hủy những nhịp cầu của chính mình, để ngày mai phải bế tắc, không vượt qua được những nông sâu từ cuộc sống.



Pháp ngữ (51)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Tôi muốn xin bạn một cái duyên lớn, hãy bố thí cho tôi lòng nóng giận, cũng như lòng vô minh mê muội, phiền não, bực dọc của các bạn.

T h i ề n

- Thiền sư U. Jotika

Mỗi khi tâm bạn bất an, hành thiền là điều quan trọng hơn cả. Khi bạn cho rằng mình không thể thiền được bởi vì tâm mình đang rối tung, mờ mịt – đối với bạn đó là lúc quan trọng nhất để hành thiền.



Vì sao tâm thái có thể thay đổi vận mệnh con người ?

(Sưu tầm)

Phật gia giảng: “tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”, người có trái tim rộng lớn bao dung, sẽ không cảm thấy khó nạn là bất công đối với mình, không than thân trách phận, không oán trời hận người, mà giữ tâm thái bình thản nỗ lực học tập, lao động, cải biến hoàn cảnh.

Một người có thể lựa chọn phương thức sống cho mình, lựa chọn sự nghiệp mình thích, lựa chọn nơi mình sống. Nhưng có một điều mà chúng ta không thể lựa chọn được, đó là xuất thân. Có người xuất thân gia đình phú quý, có người là xuất thân gia đình nghèo khó. Có người xuất thân ở quốc gia văn minh giàu có, nhiều người lại xuất thân ở các quốc gia còn chiến tranh, hỗn loạn. Tuy vậy, tình trạng sinh sống của một người đều có thể thay đổi. Người không có chí tiến thủ sẽ từ giàu có mà sa sút thành nghèo nàn. Người xuất thân nghèo khó nhờ nỗ lực khắc phục gian khổ, cũng sẽ thoát khỏi nghèo đói mà đi đến phú quý, chỉ cần chúng ta có tâm thái tích cực, nỗ lực vươn lên.

Tuổi thơ nghèo khổ thất học của cựu phó tổng thống Mỹ

“Tôi xuất thân từ gia đình nghèo khó” – Thomas Woodrow Wilson, cựu phó tổng thống Hoa Kỳ thường nói – “Khi tôi vẫn còn là đưa bé oa oa trong nôi, nghèo khó đã giương cặp mắt hung dữ nhìn tôi. Tôi biết, khi tôi đòi mẹ một lát bánh mỳ trong khi bà không có thì cảm giác như thế nào. Tôi biết gia đình tôi vô cùng nghèo khổ, nhưng tôi không cam chịu. Tôi bảo với mẹ, đợi con lớn, con nhất định sẽ thay đổi tình trạng này bằng nỗ lực của bản thân”.

Mẹ Wilson không đủ khả năng đưa con đến trường học. Khi cậu bé 10 tuổi, cậu rời nhà đi làm người học việc. Wilson mới tí tuổi đầu nhưng rất sẵn lòng làm người học việc, vì nhà máy đó có quy định, làm người học việc thì mỗi năm được hưởng chế độ giáo dục trong trường học một tháng. Cậu làm người học việc mười một năm, không chỉ tận dụng cơ hội mỗi năm được học tri thức văn hóa một tháng, mà còn nhận được thù lao là một con trâu và sáu con cừu.

Nhẫn nại chịu khổ cực, rèn luyện tâm thái và ý chí

Tháng thứ nhất sau sinh nhật lần thứ 21, Wilson lúc đó đã trưởng thành thành một thanh niên, dẫn theo một nhóm người tiến vào rừng sâu rất ít dấu vết con người, để đốn những cây gỗ lớn. “Mình đã trở thành một trang nam nhi đầu đội trời chân đạp đất, mình phải thay đổi hoàn cảnh sống của mình dựa vào trí tuệ và sự gian khổ của mình” – Wilson tự nói với bản thân mình.

Ngày nào, anh cũng là người đầu tiên thức dậy khi tia sáng đầu tiên xuất hiện. Sau đó anh làm việc liên tục cho đến ánh sao đầu tiên chiếu xuống. Mỗi ngày khi trở về nhà, lê bước chân mệt mỏi trên con đường núi ngoằn ngoèo trải dài như vô tận. Rất nhiều lần, vì bản thân không thể chịu đựng nổi, anh đã bảo các bạn về trước. Nhưng, lần nào, anh cũng ngoan cường bước tiếp về đến nhà. Anh nói: “cảm giác thống khổ và sợ hãi đó, thật khó mà miêu tả được, nhưng khi tôi nghĩ đó là để thay đổi tình trạng nghèo khổ của mình, thì đột nhiên lại có thêm sức mạnh, bình thản bước tiếp”.

Khi kết thúc tháng thứ nhất, anh được tiền công là 6 đô la. Anh vui như phát cuồng chạy về nhà báo cho mẹ. Thời đó, 6 đô la đối với gia đình như nhà Wilson mà nói, quả là con số khổng lồ. Mỗi đô la trong mắt Wilson đều lấp lánh ánh bạc như ánh trăng sáng trắng trên bầu trời đêm.

Thành công nhờ sử dụng mấy đô la vào đọc sách

Được mẹ đồng ý, Wilson giữ lại mấy đô la, anh đi hiệu sách mua những quyển sách mà mình thích. Sau đó, anh lại đến thư viện làm thẻ mượn đọc. Anh dùng tất cả thời gian rảnh rỗi ngoài công việc để đọc sách, cứ như người đói khát lao vào biển tri thức mênh mông. Mùa đông đến, tuyết phủ trắng núi rừng, công việc chặt cây phải dừng lại. Anh đi bộ đến Nedick cách nhà 100km để học nghề thợ da. Đồng thời ngoài giờ học, anh còn tham gia câu lạc bộ hùng biện địa phương, tận dụng tri thức mà anh học được, phát huy quan điểm cá nhân đối với chính trị, kinh tế. Sau một năm, Wilson trẻ tuổi đã nổi danh ở câu lạc bộ hùng biện địa phương, trở thành người xuất sắc vượt trội. Sau này, mọi người tiến cử anh phát biểu bài diễn thuyết nổi tiếng chống chế độ nô lệ trước nghị viện của bang. Danh tiếng anh nổi như cồn, trở thành nhà dân chủ nổi tiếng.

Mười hai năm sau, Wilson vừa mới qua sinh nhật lần thứ 33, anh cùng với nhà hoạt động xã hội nổi tiếng Charles, cùng vào Quốc Hội. Ở Quốc Hội, anh vẫn sắc sảo mạnh mẽ không gì ngăn cản nổi, trở thành nghị viên nổi tiếng của Hoa Kỳ. Sau này, Wilson tranh cử phó tổng thống thành công, trở thành phó tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Cảnh tùy tâm chuyển

Wilson xuất thân gia đình bần cùng, ông sinh ra đã là người nghèo khổ, nhưng ông có một con tim không cam chịu nghèo khó, không chịu khuất phục. Được trái tim này soi sáng, ông từng bước thoát khỏi bần cùng, bước lên đỉnh cao của thành công.

Phật gia giảng: “tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”. Một người thất bại, không phải họ không có khả năng hay không có cơ hội, mà bởi tự tâm họ đã nghĩ rằng họ không thể làm được. Hoặc đứng trước khó nạn, cái tâm sợ khó sợ khổ, khiến họ cam chịu khuất phục trước nghịch cảnh. Người có trái tim rộng lớn bao dung, sẽ không cảm thấy khó nạn là bất công đối với mình, không than thân trách phận, không oán trời hận người, mà giữ tâm thái bình thản nỗ lực học tập, lao động, cải biến hoàn cảnh.

Nhà sáng chế vĩ đại nhất mọi thời đại - Thomas Edison - đã đúc kết từ chính kinh nghiệm cuộc đời ông rằng: “thiên tài 1% là tài năng bẩm sinh, 99% là mồ hôi và nước mắt”. Trước khó khăn, khổ nạn, có người sẽ chùn bước, có người sẽ gục ngã, nhưng cũng có người can đảm, dũng cảm bước đi. Như thế, mỗi khổ nạn, mỗi trở ngại trên con đường đời của họ, trái lại, lại có thể rèn luyện cho họ có ý chí kiên cường, có nội tâm bình thản, để chuẩn bị thành tựu lớn hơn trong tương lai.

- - -

Đường đời cũng như đường Đạo, cả hai đều giống nhau ở một điểm then chốt, đó là sự kiên trì nhẫn nại và nỗ lực không ngừng. Nếu một người tu hành với một tâm thái cầu nhàn, buông lung dễ duôi, không tinh tấn tu học và vượt qua những nghiệp bất thiện của chính mình, thì cũng chỉ là chuyện nấu cát mà chờ đợi thành cơm vậy …

“Nhất thiết duy tâm tạo”. Mỗi năm trôi qua, đừng trách cuộc đời mình sao cứ hoài dẫm chân tại chỗ, hãy nhìn vào tâm thái mình đã chuyển biến được là bao.

“... Niềm an vui vốn dĩ
Từ nội tâm yên bình
Khi lòng đầy hoan hỉ
Thế giới này đẹp xinh …”
(Thơ Thích Tánh Tuệ)


An lạc

(Ngạo Thiên)

Yêu thương giúp đỡ mọi người
Lương tâm thánh thiện, miệng cười dễ thương
Hoạn tai, hoạn kiếp tránh đường
Tự thân an lạc, tai ương xa rời
Sinh thời làm thiện hết đời
Tạo nhiều công đức, Phật trời thương cho
Mai này thân xác thành tro
Hồn về cực lạc, chẳng lo muộn phiền
Thả hồn dạo bước cõi tiên
Đâu còn chi nữa, ưu phiền thế gian



Duyên - Nghiệp

(Sưu tầm)



Duyên Nghiệp - “đường chạy vòng quanh, một vòng tiều tụy” !

Tình cảm gia đình cũng như tình cảm đôi lứa nam nữ, là một loại tình cảm liên quan đến Nghiệp. Khi giữa bạn và một người có Nhân Duyên thì mới gặp nhau, nhưng ở lại bên nhau lâu hay mau còn tùy thuộc vào Nghiệp. Bao gồm trong chữ Nghiệp, Ân cũng có, mà Oán cũng có. Ân thì gọi là ân tình, là Thiện Duyên. Oán thì gọi là Nghiệt Duyên vậy.

Nếu người đối xử tốt, lo lắng và yêu thương bạn nhiều, chứng tỏ họ đã nợ bạn ân tình trong kiếp nào đó. Nhưng nếu bạn yêu họ nhiều và luôn quan tâm họ nhưng họ vẫn làm khổ bạn hết lần này đến lần khác thì đó là vì kiếp xưa bạn đã vay ân tình của họ nên kiếp này khi đủ Duyên, bạn phải trả lại nợ xưa. Tất cả những khổ đau đều có nguyên nhân sâu xa của nó chứ không có điều gì là ngẫu nhiên cả.

Trong Nghiệp Duyên hay hàm chứa OÁN nhiều hơn là ÂN, gặp nhau là để trả Nghiệp cho nhau. Khi Nghiệp Lực chiêu cảm, bạn thấy người bạn yêu như là cả thế giới của bạn, thậm chí họ quan trọng còn hơn cả cuộc đời của bạn, (bởi vậy mới có rất nhiều người sẵn sàng chết vì người mình yêu). Dù họ đối xử với bạn ra sao bạn cũng chấp nhận, dù họ xấu đẹp gì thì trong mắt bạn họ vẫn là người đẹp nhất, không ai thay thế được. Dù họ có làm khổ bạn bao nhiêu bạn cũng không thể rời xa họ, chính bạn cũng không hiểu tại sao và không thể nào thoát ra được cho đến khi bạn trả xong Nghiệp thì cảm thấy lòng mình nguội lạnh với đối tượng kia một cách không ngờ.

Khi Nghiệp đã dứt, nhìn lại quãng đường đã qua, bạn sẽ không hiểu tại sao lúc đó bạn lại khờ dại như vậy, tại sao bạn không sớm chia tay người từng làm khổ bạn, tại sao lúc đó bạn lại yêu họ tới mức quên mất phải yêu bản thân mình, để rồi bây giờ gặp lại bạn chẳng còn chút cảm xúc nào dành cho họ.

Khi đang bị Nghiệp chi phối, dù bạn có vùng vẫy muốn thoát ra nỗi khổ đó cũng khó mà thoát được. Chỉ trừ khi bạn biết tu tập, thấu đạt lý NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO, tự mình quán chiếu rồi công phu tu niệm và sám hối thường xuyên thì mới mong xoay chuyển được Nghiệp Quả.

Duyên Nghiệp thật là luẩn quẩn và đáng sợ như vậy đó, nên khi hiểu rồi ta hãy cố gắng làm sao đừng gieo ân oán với ai trong kiếp hiện tại nữa, để sau này hoặc vị lai ta khỏi phải luân hồi gặp lại trả nợ cho ai …

“... Từng đối mặt ngàn ngày sao chẳng nhớ
Chỉ một lần gặp gỡ khó mà quên
Tình cảm con người chính là một chữ Duyên
Biển đời rộng, riêng một người ta thấy …”
(Thơ Thích Tánh Tuệ)

Tùy duyên tự tại

(Sưu tầm)

Có duyên thì đến, không duyên thì đi
Có duyên không từ, không duyên chẳng cầu
Đến thì hoan nghinh, đi thì chúc phúc
Tất cả tùy duyên, thuận theo tự nhiên
Buông được nên buông, vấn vương chi khổ
Đại bi không khóc, đại ngộ không lời
Duyên đến nên quý, duyên hết nên buông
Tuy vuông mà tròn, thử hỏi chỗ nào không tự tại …

Có câu chuyện kể rằng:

❝Ngày tam phục, mùa mà cái nóng oi bức nhất trong năm, cả vườn cỏ của thiền viện đã trở thành một thảm cỏ cháy khô vàng. Chú tiểu nói: “phát dọn cho sạch sẽ đám cỏ này đi, thế này thì thật là khó coi quá !”. Sư phụ vẫy vẫy tay: “đợi trời mát đã”, “TÙY THỜI”.

Trung thu, sư phụ lại mua về một bao hạt cỏ giống, gọi chú tiểu đem bao hạt giống này đi gieo. Gió mùa thu trỗi lên và cuốn đi những hạt giống vừa gieo. Chú tiểu kêu la: “không xong rồi, các hạt giống bị gió thổi bay đi cả rồi !” Sư phụ nói: “thôi đi con, không sao đâu, hạt giống vẫn còn rất nhiều, gió cuốn đi cũng mọc được nơi khác”, “TÙY TÍNH”.

Sau khi cơn gió đã lấy đi những hạt giống, tiếp theo lại có mấy chú chim đáp xuống mổ ăn. Chú tiểu vừa nhảy vừa la: “chết rồi, hạt cỏ giống lại bị chim ăn hết rồi !”. Sư phụ nói: “không sao, hạt giống còn nhiều, ăn không hết đâu !”, “TÙY NGỘ”.

Nửa đêm lại bị một trận mưa dữ dội. Vừa mờ sáng chú tiểu vội vã chạy vào phòng thầy: “sư phụ, lần này thì xong thật rồi, những hạt giống bị mưa cuốn trôi hết rồi”. Sư phụ nói: “trôi đến đâu, thì nó sẽ mọc ở đó”, “TÙY DUYÊN”.

Hơn nửa tháng sau, một vùng đất trơ trụi lúc trước giờ lại mọc lên những mầm cỏ non xanh biêng biếc, có một số ngóc ngách không hề gieo trồng nhưng vẫn mọc lên xanh rờn. Chú tiểu vỗ tay và vô cùng vui sướng. Sư phụ gật gật đầu: “TÙY HỶ”.

. . .❞


Tùy ngộ, tùy duyên, tùy an, tùy hỷ là bốn trạng thái tiêu biểu cho cuộc sống con người. “Tùy ngộ mà an”, nhiều khi chính thái độ bình thản chờ đợi ấy lại là nhân duyên quan trọng để kết nối với những nhân duyên tốt đẹp khác. Tất cả đều tùy thuộc vào bản lĩnh và thái độ sống của ta. Tùy duyên không có nghĩa là phó mặc, bởi cuộc sống luôn có những mối quan hệ tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau.

Vậy, trước khi tin vào tùy duyên không có nghĩa là bạn ngừng cố gắng, bởi làm vậy có nghĩa là bạn đã lựa chọn từ bỏ cơ hội của mình. Khi bạn đã chấp nhận “tùy duyên” thì việc duyên đến, duyên đi thế nào cũng là kết quả tất yếu cho những gì bạn đã lựa chọn. Tùy duyên là cách sống chứ không phải chỉ là lý thuyết suông. Tùy duyên trong cuộc sống là sống mà không câu nệ và chấp trước bất cứ một sự việc nào dù đó là thuận hay nghịch trong cuộc sống. Những việc đã và đang diễn ra trong cuộc sống chúng ta đều là những bài học làm tăng thêm vốn kinh nghiệm cho bản thân dù đó là những việc tốt hay xấu, đem đến thành công hay thất bại.

Bởi vậy, thay vì thay đổi nhân duyên mà mình không hài lòng, bạn hãy cố gắng tìm kiếm những nhân duyên mà mình mong đợi. Khi tìm được sức sống từ nơi chính mình rồi thì bạn sẽ không còn coi trọng những giá trị bên ngoài. Nhân duyên nào cũng được cả, bởi biết đâu được, những thất bại của bạn lại là sự may mắn tuyệt vời. “Chúng ta chỉ có thể kiểm soát được hành động nhưng không thể kiểm soát được kết quả” (trích Kinh Thánh). Con người luôn nghĩ rằng kết quả là do hành động sinh ra, nhưng kết quả như thế nào thì không có nghĩa là theo ý muốn của ta được. Bởi kết quả không chỉ do năng lực, khả năng ta thực hiện, mà còn do những yếu tố phụ bên ngoài mà ta không thể biết trước được. Đừng để ý đến kết quả chỉ nên quan tâm đên hành động.

Khi ta để ý đến kết quả, mong đợi nhiều ở kết quả thì trong quá trình ta làm việc gì đó, hành động ta có thể chịu nhiều áp lực hơn, lo sợ kết quả không được như ý muốn và khi đó với tâm trạng như vậy chất lượng của kết quả có thể sẽ giảm đi hoặc gặp thất bại. Đừng đặt kỳ vọng nhiều quá vào kết quả mà chỉ nên chú tâm vào hành động, hoàn toàn chú tâm vào hành động của mình mà không có bất kỳ một mong đợi nào, một lo lắng nào. Kết quả ra sao thì ít nên hạn chế quan tâm, ta nên làm, chỉ làm với tinh thần nhiệt huyết của ta.

Cũng có câu là “hãy sống tùy duyên”, câu này cũng tương tự như câu trên. Nghĩa là chúng ta chỉ nên tạo ra nhân duyên tốt đẹp (hành động) nhưng thái độ của ta là tùy duyên, “cái gì đến sẽ đến, đi sẽ đi” đừng bám chấp, đừng có níu giữ, hãy thanh thản trong cuộc sống cho dù gặp bất kỳ sóng gió gì. Đây không phải là một thái độ bị động mà là một thái độ chủ động và tích cực. “Mọi duyên đều tuân theo nguyên tắc nhân - quả, nên còn gọi là nhân duyên”, chúng ta chịu trách nhiệm cho tư tưởng (suy nghĩ), lời nói ,hành động, cảm xúc, lý trí, ý chí.

Vì những quá trình này thuộc về ta, do ta làm chủ. Còn những gì không thuộc về ta là thuộc về yếu tố hoàn cảnh bên ngoài (tác động lên ta) cho nên mọi thứ xảy ra là do đã hội tụ đủ nhân duyên: hành động do ta tạo tác, yếu tố môi trường bên ngoài, nghiệp nhân từ quá khứ. Nếu ta hành động - gieo nhân lành thì ta sẽ gặt được quả tốt, nhưng quả này có thể chưa xảy ra liền mà phải hội tụ đủ nhân duyên. Còn nếu như ta “vô duyên” thì nghĩa là cưỡng cầu, tranh đoạt cố chấp, bám chấp, sống không bao giờ biết bình thản, nuối tiếc Quá Khứ, lo sợ Tương Lai.

Nói tóm lại ... không phải là Tùy Duyên thì là “vô duyên”, tùy duyên là hoan hỷ chấp nhận những gì xảy ra trong hiện tại, tạm ngưng tranh đấu và bình thản chờ đợi nhân duyên thích hợp hội tụ. Nhiều khi chính thái độ ngưng tranh đấu và bình thản chờ đợi ấy lại là nhân duyên quan trọng để kết nối với những nhân duyên tốt đẹp khác. Ta đừng quên khi một việc được tựu thành thì phải hội tụ hàng triệu nhân duyên, nên chỉ cần thiếu một duyên thì nó cũng có thể chưa thành (cũng giống như từ nhân đến quả phải có duyên phụ trợ, ví dụ như một hạt giống muốn nảy mầm thì cần đến duyên, duyên đó là: đất, nước, không khí, ánh nắng ... khi hội đủ các nhân duyên ấy thì tự nhiên hạt giống đó sẽ nảy mầm thành cái cây).

Nếu ta có hiểu biết sâu sắc hay từng trải nghiệm thì trong vài trường hợp ta có thể đoán biết được mình nên làm gì và không nên làm gì để cho nhân duyên tốt hội tụ đầy đủ trở lại và nhân duyên xấu sớm tan biến đi. Ta thường gọi nhân duyên tốt là thuận duyên, và nhân duyên xấu là nghịch duyên, tức là những điều kiện có lợi cho ta gọi là thuận duyên và những điều kiện bất lợi cho ta gọi là nghịch duyên.

Có những duyên thuận với ta, nhưng nghịch với kẻ khác và ngược lại. Đó chỉ là nói trong phạm vi con người, trong khi nhân duyên luôn xảy ra với tất cả vạn vật trong khắp vũ trụ này. Cho nên bản chất của nhân duyên thì không có thuận nghịch, tốt xấu. Nó chỉ hội tụ hay tan rã theo sự thích ứng giữa các tần số năng lượng phát ra từ mọi cá thể mà thôi. Ấy vậy mà thói quen của hầu hết chúng ta khi đón nhận thuận duyên thì luôn cảm thấy sung sướng và rất muốn duy trì mãi nhân duyên ấy, còn khi gặp phải nghịch duyên thì luôn cảm thấy khó chịu và tìm cách tránh né hay loại trừ nó.

Nhưng chưa hẳn thuận duyên sẽ đem lại giá trị hạnh phúc hay nghịch duyên sẽ mang tới khổ đau, bởi có khi nghịch duyên lại đưa tới cho bạn các kinh nghiệm sống, các bài học, sự khôn lớn, trưởng thành ... và đôi khi là cả giác ngộ nữa, còn thuận duyên thì dễ khiến ta yếu đuối. Và nhiều khi thuận duyên ban đầu nhưng lại biến thành nghịch duyên sau này, có khi nghịch duyên bây giờ nhưng lại biến thành thuận duyên trong tương lai.

Tất cả đều tùy thuộc vào bản lĩnh và thái độ sống của ta để chuyển đổi các nhân duyên này. Do đó, ta không cần phải khẩn trương thay đổi những nhân duyên mà mình không hài lòng, hay cố gắng tìm kiếm những nhân duyên mà mình mong đợi. Khi tâm ta đã vững chãi đủ để tạo ra những nhân duyên an lành (duyên tốt) thì những nhân duyên tương ứng sẽ tự động đó mà kết nối theo. Mà sự thật khi tìm được sức sống từ nơi chính tâm mình rồi thì ta sẽ không còn coi là quan trọng những giá trị bên ngoài nữa. Nhân duyên nào cũng được cả, cứ thong dong tự tại.

“Hãy sống tùy duyên” cũng còn hợp với bốn nguyên tắc tâm linh của người Ấn Độ:

Quy tắc đầu tiên: “bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp !”

Điều này có nghĩa rằng không ai xuất hiện trong cuộc đời chúng ta một cách tình cờ. Mỗi người xung quanh chúng ta, bất cứ ai chúng ta giao lưu, gặp gỡ đều đại diện cho một điều gì đó, có thể là để dạy chúng ta điều gì đó hoặc giúp chúng ta cải thiện tình hình hiện tại. Vì vậy, hãy tôn trọng và coi trọng những người mà chúng ta gặp gỡ.

Quy tắc thứ hai: “bất cứ điều gì xảy thì đó chính là điều nên xảy ra !”

Không có điều gì tuyệt đối, không có điều gì chúng ta trải nghiệm lại nên khác đi cả. Thậm chí cả với những điều nhỏ nhặt ít quan trọng nhất. Không có: “nếu như tôi đã làm điều đó khác đi thì nó hẳn đã khác đi. Những gì đã xảy ra chính là những gì nên xảy ra theo quy luật tự nhiên (NHÂN - DUYÊN - QUẢ) và phải xảy ra, giúp chúng ta có thêm bài học mới để tiến hóa về phía trước. Bất kỳ tình huống nào trong cuộc đời mà chúng ta đối mặt đều tuyệt đối hoàn hảo, thậm chí cả khi nó thách thức sự hiểu biết và bản ngã của chúng ta.

Quy tắc thứ ba: “trong mỗi khoảnh khắc, mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm !”

Mọi thứ bắt đầu vào đúng thời điểm, không sớm hơn hay muộn hơn. Khi chúng ta sẵn sàng cho nó, cho điều gì đó mới mẻ trong cuộc đời mình, thì nó sẽ có đó, sẵn sàng để bắt đầu.

Quy tắc thứ tư: “những gì đã qua, thì cho qua !”

Quy tắc này rất đơn giản. Khi điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta kết thúc, thì có nghĩa là nó đã giúp ích xong cho sự tiến hoá của chúng ta. Đó là lý do tại sao, để làm phong phú thêm trải nghiệm của mình, tốt hơn hết là chúng ta hãy buông bỏ và tiếp tục cuộc hành trình.

- - - - - -

Tôi nghĩ bạn đọc được bài viết này đây chính là nhân duyên của bạn chứ không phải là tình cờ mà bạn đang đọc hết những dòng này, còn ngộ được đến đâu thì lại tùy duyên của bạn lớn hay nhỏ. Nếu bài viết này đánh động được tâm hồn của bạn, đó là bởi vì bạn đáp ứng được những yêu cầu để hạt giống này gieo vào tâm hồn để chuẩn bị nảy nở bạn và hiểu rằng không hạt giống nào lại tình cờ rơi xuống sai chỗ cả. Hãy đối xử tốt với chính bản thân bạn. Hãy yêu thương tất cả bằng tâm từ của bạn. Và hãy luôn hạnh phúc nhé. “Bất biến tùy duyên, tùy duyên mà bất biến trong dòng đời vạn biến”. Tùy duyên là người khác muốn làm thế nào đó, ta không có muốn. Ta không muốn thì ta tự tại, ta liền an vui. Ta muốn thế nào, thế nào đó, muốn người khác tùy thuận ta, vậy thì khổ liền đến, chướng ngại liền đến, bạn liền lại mê hoặc, lại thoái chuyển. Ta có thể tùy thuận người khác, tùy duyên bất biến. Bất biến là gì ? Quyết định không khởi tham-sân-si-mạn, quyết định không khởi phân biệt, chấp trước, đó là bất biến.