V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Đời người ngắn lắm

(Sưu tầm)



Một hôm thấy Mullah Nasruddin khóc không dứt, hàng xóm và bạn bè tụ tập quanh và hỏi tại sao. Nasruddin trả lời: “Chú tôi vừa qua đời”.

Một người bạn hỏi: “thế Chú ấy có thân thiết với anh không ?”. Nasruddin đáp: “không thân lắm, tôi chỉ gặp Chú hồi nhỏ, nhưng Chú để lại cho tôi một trăm ngàn rupi”.

Mấy người bạn đều ngạc nhiên: “thế tại sao anh lại khóc về một người Chú xa lạ như thế, lại khóc nhiều khi Chú đã để lại cho anh một đống tiền như vậy ?”.

Nasruddin trả lời: “tôi không khóc cho Chú ấy, một người Chú khác của tôi mất hôm qua”.

Một người hàng xóm an ủi: “ồ, chắc hẳn Chú ấy phải thân thiết với anh lắm, đừng buồn, rồi ai cũng phải chết mà …”. Nasruddin ngắt lời: “tôi không khóc cho người Chú đó, Chú ấy cũng để lại cho tôi một trăm ngàn rupi”.

Những người bạn ngạc nhiên: “thế thì cái gì khiến anh khóc ?”. Nasruddin nói: “một người Chú khác của tôi chết ngày hôm kia, Chú ấy cũng để lại cho tôi một trăm ngàn rupi”.

Những người bạn đồng thanh quở trách Nasruddin: “hôm nay anh đã giàu hơn vì có thêm ba trăm ngàn rupi từ ba người Chú họ xa, thay vì ngồi khóc, anh phải vui lên”. Nasruddin đáp: “làm sao tôi có thể vui vẻ được, tôi khóc vì tôi không còn người Chú nào khác chết đi và cho tôi thêm một trăm ngàn rupi nữa”.

Giống như anh chàng Nasruddin, chúng ta thường khiến mình bất hạnh về những gì chúng ta không có hoặc không thể đạt được, thay vì hạnh phúc về những gì chúng ta đang có. Chúng ta có cuộc sống đáng quý, những mối quan hệ tốt đẹp, không khí, nước, hoa, cỏ xanh, và bầu trời xanh … Tất cả thiên nhiên đều bận rộn mang đến cho chúng ta niềm vui, nhưng chúng ta không có thời gian chấp nhận những niềm vui này. Thay vì đó, chúng ta lại bận rộn đếm những gì chúng ta không có: một căn nhà lớn hơn, quyền lực, chức vụ … chúng ta quên rằng trong tương lai không xa, ta phải bỏ lại mọi thứ để sang thế giới bên kia.

Cuộc đời quá ngắn ngủi nếu ta chỉ nhăm nhăm theo đuổi những tài sản phù du.

Nếu không tu tâm

(Sưu tầm)



Bạn hỏi Phật ngày nào tốt, Phật sẽ hỏi xem ngày nào tâm bạn có bình yên. Nếu không tu tâm mình thì không thể sống những ngày tháng bình thản.

Cuộc đời giống như một cái cặp da, khi cần dùng thì mới lấy, khi không dùng thì bỏ nó ra, lúc cần bỏ xuống thì lại không bỏ, giống như mang theo hành lý nặng trĩu, không thể tự tại. Những năm tháng của cuộc đời có hạn, vậy nên nhận sai, tôn trọng, bao dung thì mới có thể bình thản, buông bỏ mới có thể tự tại.

- Nổi cáu là tối kỵ của tu hành, là đốt cháy rừng công đức của mình, nếu không sửa đổi tính xấu này, thì vô luận là một ngày có niệm bao nhiêu bộ Kinh, có thuyết bao nhiêu lần Pháp, thì bạn cũng không thể ra khỏi tam giới. Phát cáu là biểu hiện của vô minh, chính là không minh bạch.

- Bất thiện, ác ý với người khác chính là chà đạp chính mình.

Nếu ác ý với người người khác, thì người bị hại chỉ chịu 3/10, mà chính chúng ta mới phải gánh chịu phần nhiều 7/10, đó chính là chà đạp chính mình mà không tự biết. Một câu nói ra khỏi miệng, gây sự tổn thương, thì chính mình là người gánh chịu phần lớn sự tổn thương đó. Bạn muốn mình khỏe mạnh, trường thọ và tràn đầy trí huệ, thì bạn phải dùng tấm lòng yêu mến để đối đãi với tất cả mọi người. Biết cho đi, bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn thế.

Lời nói làm tổn thương người khác, còn nghiêm trọng hơn cả giết người, đây là sự thật mà rất ít người biết. Khẩu tạo nghiệp là dễ xảy ra nhất, mà cũng là tạo thành nhiều nhất, quả báo kiếp sau sẽ vô cùng thảm thiết. Nhẫn thì sẽ có thể xử lý và hóa giải, có thể biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có chuyện gì. Có thể nhẫn, thì có thể phân biệt được tốt xấu, thiện ác, thị phi của thế gian.

Vào buổi tối mỗi ngày trước khi đi ngủ, hãy tự hỏi chính mình: “hôm nay mình có tức giận không ?”, cảm xúc ảnh hưởng đến tâm trạng của cả ngày, vì thế mỗi bình minh bạn hãy tự mỉm cười với mình và dàn trải nụ cười của bạn trọn ngày hôm đó.

Tu từ trong ruột tu ra
Chớ tu vì ... mắt người ta ngó mình
Mong manh cái kiếp hữu tình
Vướng chi mấy chuyện linh tinh ... hết giờ
Mấy dòng thô thiển, đơn sơ
Tu là trở lại bến bờ tự tâm
Ngày đêm quán niệm âm thầm
Mây tan ló diện trăng rằm Tuệ quang ...
Thích Tánh Tuệ

Đúng không ai nhớ, sai chẳng ai quên

(Sưu tầm)



Vị Sư già viết lên giấy bốn phép tính:
2+2=4;4+4=8;8+8=16;9+9=19

Ngay lập tức, các đệ tử nhao nhao lên: “Thầy ơi, thầy tính sai một phép tính rồi !”

Vị Sư già ngẩng đầu lên, chậm rãi nói: “đúng thế, mọi người đều nhìn thấy rất rõ, phép tính này ta đã tính sai rồi, nhưng ba phép tính trước tính đúng, tại sao không có một ai khen ta mà chỉ nhìn thấy và lập tức chỉ ra phép tính sai của ta ?”

Đạo lý 100 – 1 = 0

Làm người cũng vậy, khi bạn đối xử tử tế với người khác mười lần, họ có thể cũng chẳng nhớ, nhưng chỉ một lần bạn làm họ phật ý, họ sẽ nhớ rất lâu và có thể phủ nhận hoàn toàn những điều tốt đẹp mà bạn dành cho họ. Đó chính là đạo lý 100 – 1 = 0.

Người xưa có câu: cho một bát gạo thành ân nhân, cho một bao gạo thành kẻ thù, có những người đã quen với việc được cho mà dễ dàng quên ơn huệ. Không phải ai ai cũng hiểu được hai chữ “độ lượng”, cho dù bạn sở hữu cả chục cái tốt cái hay nhưng chỉ cần có một cái không tốt, nó sẽ là cái cớ để xóa sạch sẽ mọi cố gắng nỗ lực của bạn. Cho dù bạn dốc hết tâm huyết ra vì người khác, nhưng chỉ một việc không đúng, bạn sẽ trở thành tội đồ trong mắt họ.

Trong cuộc sống này có một số người, bạn giúp họ cả trăm lần họ không có được một lời cảm ơn, nhưng chỉ một lần không giúp, họ quay ra hận bạn. Bao nhiêu cố gắng nỗ lực bỏ ra vì người khác, thứ bạn nhận lại được không phải là sự chân thành mà chỉ là nỗi cay đắng. Nhưng thôi, thói đời là thế, những ai chấp nhận được thói đời, người đó sẽ giàu có thêm lòng độ lượng và thanh thản. Chê bai, oán trách đời thì mọi thứ vẫn không khác đi mà không gian tâm thức mình ngày càng thu hẹp lại.

Nửa đời người khi tỏ ngộ
Phân trần sai, đúng mà chi
Thế gian mọi điều tương đối
Tình ta độ lượng nhu mì ...
(Thích Tánh Tuệ)

Thật tu chính là tu trong cuộc sống hằng ngày

(Sưu tầm)



Người thật tâm tu Đạo thì không nên sợ gặp khốn cảnh, vì nó có thể rèn luyện tâm tính của bạn, nâng cao tâm thức của bạn, tăng trưởng trí tuệ của bạn. Chân chính tu hành, chính là tu ngay trong cuộc sống hàng ngày. Nếu như bạn dùng tấm lòng rộng lượng dung nạp hết thảy, bao dung hết thảy, bạn sẽ không có việc gì là nghĩ không thông, xem hết thảy mọi người đều là người tốt, xem hết thảy sự tình, hoàn cảnh gặp phải đều là chuyện tốt. Điều này không phải là mớ lý thuyết suông mà là sự áp dụng thực tế.

Đạo lý xử thế của người tu

Nhớ kỹ một câu: “nghiêm khắc đối với bản thân, rộng rãi đối với người khác”, đối với chính mình yêu cầu nghiêm khắc, đối với lỗi sai của người khác khi trách cứ cũng không cần phải nghiêm khắc như là đối với bản thân mình. Xử thế cũng như vậy, đối với lãnh đạo cũng tốt, đối với đồng sự cũng tốt, đối với cấp dưới cũng tốt, hiềm hận giữa bạn và người tự nhiên theo tâm lượng của bạn mà ít đi.

Năng lượng của tĩnh tại

Chúng ta thường nói, quy luật của vũ trụ là bất biến, con người trong cuộc sống thường quên đi sự tĩnh tại, trái lại còn cố hết sức đi làm tiêu hao chính mình, mà không suy nghĩ xem nguồn gốc con người từ đâu mà đến. Chính là từ trạng thái tĩnh mà sinh ra, từ không không mà đến. Vì sao mà con người ta bận rộn cả ngày đến đêm lại thấy buồn ngủ ? Chính bởi vì con người cần trạng thái tĩnh, đầu óc không nghỉ ngơi là không được.

Có đôi khi phải xử lý một chuyện phức tạp, khó khăn, không làm sao giải quyết được, vậy thì trước tiên phải buông tâm xuống, tĩnh tại lại, không suy nghĩ gì hết. Bỗng nhiên từ trong tư tưởng lại xuất ra một phương pháp có thể giải quyết vấn đề, đây chính là tác dụng của tĩnh. Nếu như bạn càng suy nghĩ thì càng làm cho đầu óc bị bức bách, các dây thần kinh đều căng lên, cuối cùng không chết cũng bị bệnh.

Thật hiếm khi tìm gặp
Bình an ở bên ngoài
An bình chỉ có thể
Gặp trong lòng ta thôi
Thích Tánh Tuệ

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|61|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường


Tháng Năm, núi đã mưa đều, trời mát dịu trở lại, ngoài sông nước đầy thêm, lũ rong rêu phát triển mạnh, đan kín lòng sông bằng từng mảng xanh to, trở thành nguồn thức ăn dồi dào cho cá tôm, và trở thành nơi ẩn nấp lý tưởng cho lũ tôm tép vừa lột xác.

Tháng Năm, ngoài sông, lũ cá vào mùa sinh sản, lũ tôm tép vào mùa lột xác, bỏ chiếc vỏ cũ, nhỏ, để lớn thêm. Xé thân ra để tách mình khỏi lớp vỏ cũ, có lẽ đau lắm, nhưng đó là cách duy nhất để chúng có thể lớn thêm lên.

Sau khi lột bỏ chiếc vỏ cũ, thân lũ tôm tép trắng, mềm nhũn, gần như bất động, nằm yên, không có khả năng tự vệ, chúng dễ trở thành miếng mồi ngon cho lũ cá to.

Để lớn thêm lên ấy mà, nhất định phải chịu đau đớn và đối mặt với nhiều bất trắc.


Tháng Năm, mưa đã về đều, xem như núi đã tạm biệt một mùa trăng. Núi mây nhiều, mưa nhiều, để những đêm trăng từ tháng Năm không còn sáng nữa. Trăng vẫn còn đó, vẫn tròn rồi khuyết, vẫn mọc rồi lặn, đều đặn, chưa từng sai hẹn ngày nào, nhưng chẳng mấy khi thấy nữa.

Trong cuộc sống, có những thứ, có những người, vẫn còn đó nhưng như đã mất đi.


Tháng Năm, có những ngày mưa về mờ núi. Ai đến núi tháng Năm cũng nói “buồn”. Núi những ngày mưa lạnh, gió nhiều. Thân lạnh, để tâm cũng phải lạnh theo. Nhìn dãy núi nghìn năm, to lớn, vững chãi, mờ dần trong mưa, lòng lại buồn những chuyện mơ hồ, cô độc.

Nên đôi khi, bình yên chỉ là những chiều mưa lạnh, một mình, nhưng vẫn thấy lòng mình thật ấm, thật an.


Tháng Năm, cỏ non xanh phủ kín núi, đây là thời điểm núi nhiều sâu bọ nhất. Núi tháng Năm sâu nhiều lắm, đủ hình dạng, màu sắc, kích cỡ. Sâu là ấu trùng của bướm. Những bé sâu càng sặc sỡ, càng đáng sợ, khi thành bướm càng rực rỡ, càng đáng yêu.

Ai cũng thích những cánh bướm, nhưng hình như không ai thích sâu; đâu hay, chỉ trong thân loài sâu mới có được những thứ cần thiết để phát triển thành cánh bướm sau này.

Ai cũng thích bình yên, sợ nỗi buồn; đâu biết, ngay trong nỗi buồn, luôn có những thứ cần thiết để lòng mạnh mẽ hơn, rồi mới có thể bình yên được.

Người an.



Điều ta không đạt được đôi khi lại là may mắn tuyệt vời

(Sưu tầm)

Nhiều khi chính thái độ ngưng đối kháng và bình thản chờ đợi ấy lại là nhân duyên quan trọng để kết nối với những nhân duyên tốt đẹp khác.

Ta đừng quên khi một việc được thành tựu thì phải hội tụ hàng triệu nhân duyên, nếu chỉ thiếu một duyên thì nó cũng có thể không tựu thành. Nếu ta có hiểu biết sâu sắc hay từng trải nghiệm thì trong vài trường hợp ta có thể đoán biết được mình nên làm gì và không nên làm gì để cho nhân duyên tốt hội tụ đầy đủ trở lại và nhân duyên xấu sớm tan biến đi. Ta thường gọi nhân duyên tốt là thuận duyên, và nhân duyên xấu là nghịch duyên, tức là những điều kiện có lợi và bất lợi cho ta. Có những duyên thuận với ta, nhưng nghịch với kẻ khác và ngược lại. Đó chỉ là nói trong phạm vi con người, trong khi nhân duyên luôn xảy ra với vạn vật trong khắp vũ trụ.

Bản chất của nhân duyên thì không có thuận nghịch, tốt xấu. Nó chỉ hội tụ hay tan rã theo sự thích ứng giữa các tần số năng lượng phát ra từ mọi cá thể mà thôi. Ấy vậy mà thói quen của hầu hết chúng ta khi đón nhận thuận duyên thì luôn cảm thấy sung sướng và rất muốn duy trì mãi nhân duyên ấy, còn khi gặp phải nghịch duyên thì luôn cảm thấy khó chịu và tìm cách tránh né hay loại trừ.

Nhưng chưa hẳn thuận duyên sẽ đem lại giá trị hạnh phúc hay nghịch duyên sẽ mang tới khổ đau, bởi có khi nghịch duyên đưa tới sự trưởng thành, còn thuận duyên sẽ khiến ta yếu đuối. Và nhiều khi thuận duyên ban đầu nhưng lại biến thành nghịch duyên sau này, có khi nghịch duyên bây giờ nhưng lại biến thành thuận duyên trong tương lai. Tất cả đều tùy thuộc vào bản lĩnh và thái độ sống của ta.

Do đó, ta không cần phải khẩn trương thay đổi những nhân duyên mà mình không hài lòng, hay cố gắng tìm kiếm những nhân duyên mà mình mong đợi. Khi tâm ta đã vững chãi đủ để tạo ra những nhân duyên an lành thì những nhân duyên tương ứng sẽ tự động kết nối. Mà sự thật khi tìm được sức sống từ nơi chính mình rồi thì ta sẽ không còn coi là quan trọng những giá trị bên ngoài nữa. Nhân duyên nào cũng được cả, thong dong tự tại.

Mọi sự vật trên thế gian và cả vũ trụ này đều được tạo thành bởi rất nhiều điều kiện. Ngay cả hạt điện tử là đơn vị cực nhỏ cũng không phải là một thực thể riêng biệt, chúng luôn ở vào tình trạng liên kết. Chính vì mọi cá thể đều phải nhờ vào vô số điều kiện mới có thể biểu hiện và tồn tại, nên ta gọi đó là duyên sinh. Nhìn một cơn mưa, ta biết cánh đồng lúa vừa tiếp nhận thêm duyên là nước và trên bầu trời cũng bớt đi duyên là mây.

Tiến trình đến đi của duyên sinh vô cùng kỳ bí. Chúng không hề có tướng trạng cố định, hoặc khi chúng ở dạng không hình tướng. Vì vậy, ta không thể dùng con mắt bình thường hay kỹ thuật của khoa học mà có thể thấy rõ sự vận hành của chúng. Trừ phi, ta có thể vượt thoát được ý niệm sai lầm về cái tôi riêng biệt và phá vỡ được ranh giới hạn hẹp ấy, tầm nhìn của ta có thể vượt qua phạm vi thời gian và không gian có thể tính được, thì ta mới thấy rõ tiến trình hoạt động của mọi duyên từ nơi chính mình và vạn vật xung quanh. Tuy nhiên, mọi duyên đều tuân theo nguyên tắc nhân quả, nên còn gọi là nhân duyên. Nhân là cái đã xảy ra trước đó. Nghĩa là không bao giờ có cái duyên hoàn toàn mới lạ, mà luôn có một số duyên nhỏ trong đó đã từng gặp gỡ và liên kết với nhau rồi. Vì thế, duyên hôm nay cũng chính là nhân của tương lai.

Người xưa hay nói muốn làm nên việc gì cũng phải hội đủ ba yếu tố quan trọng: thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Thiên thời là điều kiện thích hợp từ vũ trụ đưa tới. Địa lợi là hoàn cảnh xã hội phù hợp với việc ta làm. Nhân hòa là sự yểm trợ nhiệt tình của mọi người xung quanh. Nhưng người xưa còn cho rằng thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi lại không bằng nhân hòa. Có nhân hòa thì sẽ dễ dàng có được hai yếu tố còn lại, vì yếu tố nhân hòa nằm ngay trong chính ta, ta có thể chủ động để tạo ra nó. Chỉ cần ta buông bỏ bớt tâm cao ngạo và đố kỵ, hết lòng kính trọng và nâng đỡ mọi người xung quanh – tức là sống có phước có đức – thì tự nhiên ta sẽ kết nối được với hai yếu tố kia. Dù ta có tài năng và bản lĩnh đến đâu mà thiếu một trong ba yếu tố này, đặc biệt là không thu phục được lòng người, thì ta không thể nào thành công được. Nếu có thì cũng mau chóng sụp đổ.

Nên nhớ duyên có hợp có tan, có đến có đi. Ta đừng tin chắc rằng những gì mình có được hôm này sẽ tồn tại mãi mãi. Tuy ta không thể hoàn toàn chủ động tạo ra hết mọi nhân duyên cho mình, nhưng ta có thể tạo ra sự liên kết để nhân duyên duy trì hay tan rã.

Đức Đạt Lai Lạt Ma có dạy: “hãy nhớ rằng khi không đạt được những gì bạn muốn, đôi lúc, lại là sự may mắn tuyệt vời !”.

Tìm ...

- Vu Pham

TÌM hoài, chân lý … mù khơi
GÌ đâu trôi nổi, phận đời trắng - đen
GIỮA đời cuộc sống đua chen
CHỐN nào ẩn dật, một phen an nhàn
TRẦN ai đói khổ, cơ hàn
GIAN nan, như lửa thử vàng mà thôi

DẠ ai xa xót bùi ngùi
THƯA rằng cũng chỉ sự đời thế gian
TÌM nhau, cách trở quan san
CHÚT tình đọng lại nhẹ nhàng năm nao
BÌNH thường êm ái, ngọt ngào
AN nhiên tự tại, ra vào vô tư
ĐỦ chưa một kiếp phù du ?
RỒI thì tất cả cũng đều tro than

“TÌM GÌ GIỮA CHỐN TRẦN GIAN
DẠ THƯA: TÌM CHÚT BÌNH AN ĐỦ RỒI …”



Điều ý nghĩa

(Đạt Lai lạt Ma)

Các bạn cũ ra đi, các bạn mới xuất hiện. Cũng giống như ngày tháng. Khi ngày cũ trôi qua, ngày mới lại đến. Điều quan trọng là hãy làm cho mọi thứ có ý nghĩa: một người bạn có ý nghĩa, hoặc một ngày có ý nghĩa.



D.P.A (72)

- Kinh Hạnh Phúc

Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động không sầu
Tự tại và vô nhiễm
Là phúc lành cao thượng



Mọi sự sống đều có Thượng Đế ở trong

- Dalai Lama



Sự khác biệt giữa con người là do mức tiến hóa khác nhau qua các kiếp sống. Có khi nào ta thù ghét một kẻ kém ta ? Nhận thức rằng “vạn vật đồng nhất ”, ta sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác, vì họ không hiểu biết, không ý thức hành động của mình, vả lại họ và ta nào có khác nhau đâu. Khi ta hiểu rằng vạn vật như chính mình, từ loài người qua loài thú, thảo mộc, kim thạch, và ý thức rằng mọi vật đều có sự sống, đều có Thượng Đế ngự ở trong, ta sẽ cởi bỏ thành kiến, mở rộng lòng thương đến muôn loài.

Sống với đạo Phật:

- Nếu không nói được những gì Phật nói, hãy im lặng như chánh Pháp, đừng nói những lời ác, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, làm tổn hại kẻ khác.

- Nếu không làm được những gì Phật làm, hãy im lặng và lắng nghe, quán sát, học hỏi những thiện tri thức, đừng vọng động làm những điều thương tổn đến tha nhân.

- Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu. Ta càng nguyền rủa họ, tâm ta càng bị nhiễm ô. Hãy nghĩ, họ chính là thiện tri thức của ta.

Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác. Ví như trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ ấy, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Vì thế, nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí tuệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi.

Hạnh phúc không phải là thứ có sẵn, nó đến từ chính hành động của bạn. Tín ngưỡng của tôi rất đơn giản, không cần có các chùa chiền, không cần các triết lý cao siêu, tim và óc của tôi là các chùa chiền, triết lý của tôi là lòng tốt.

Hương từ bi

(Sưu tầm)

Lên chùa thấy Phật muốn tu
Về nhà thấy Mẹ công phu chưa đền


Xem ra, bước vào cửa thiền là bước vào cửa hiếu, cửa hiếu cũng là cửa tỉnh thức, cửa chơn không diệu hữu, nơi đó mỗi người luôn cất lên tiếng nói yêu thương và hiểu biết. Thế nên, đã là người đệ tử Phật thì suy cho cùng, bạn phải phát tâm thực thi sống theo hạnh của Phật. Mà hạnh Phật được thiết lập khởi đầu bằng tâm hiếu hạnh như Đức Phật từng dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.

Huống chi, trong kinh Tương Ưng, Phật còn bảo:“vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sinh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, là bà con quyến thuộc trong các nẻo đường sinh tử”. Chính từ Phật ngôn này mà con người hướng tâm đến giải thoát khổ đau cho nhau. Bởi vì trên cõi đời ai cũng được sinh ra và lớn lên, trưởng thành cho đến việc xuất gia, tu hành thành đạo đều bắt đầu từ tâm hiếu hạnh. Và như vậy, từ cõi đời trần tục, mọi người có thể chuyển hóa thực thi tâm hiếu hạnh để chuyển hóa thành cõi thiền thanh tịnh.

Lễ hội Vu Lan - Rằm tháng Bảy hàng năm là dịp con người có cơ hội và điều kiện làm hóa hiện tâm hiếu hạnh. Bất kể là ai, dù ở vị trí nào, sinh sống ở đâu cũng có thể làm cho dòng suối yêu thương được tuôn chảy trong dòng sống vốn luôn nhiệm mầu. Nó có thể kết nối yêu thương từ trong quá khứ, tiếp diễn trong hiện tại và định hướng cho tương lai để thiết lập một đời sống an lạc, hạnh phúc, mang tính vững bền cho tất cả ai hiện hữu trên cõi đời này.

Chính lẽ đó mà Đức Phật đã xuất gia, tu hành, tự thân chứng ngộ, thuyết pháp độ sinh không chỉ để báo hiếu cho cha mẹ của Ngài mà còn muốn khuyến cáo mọi người hãy vì ân sinh thành của cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp mà chuyển hóa thân tâm, tu hành là báo hiếu một cách trọn vẹn, ý nghĩa cao quý nhất. Nếu không làm như thế thì mỗi cá nhân hiện hữu ở cõi đời không bao giờ báo hiếu được cha mẹ.

Ta chẳng ngạc nhiên gì, Bản kinh Tăng Nhất A Hàm ghi lại lời dạy của Phật về công ơn sâu dày của cha mẹ thật cao hơn trời, sâu hơn biển cả, đồng thời khuyên con người phải biết tri ân và báo ân với cha mẹ:

“Này các thầy Tỳ kheo, nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa nghìn dặm, cung phụng đầy đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn đệm và thuốc thang, thậm chí cho cha mẹ có tiểu tiện trên vai mình đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu. Các thầy phải hiểu rằng ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế mà biết ân khó trả. Này các thầy Tỳ kheo, có hai việc làm cho phàm phu được công đức lớn, được quả báo lớn, đó là phụng sự cha và phụng sự mẹ”.

Trong cõi đời đầy biến động vô thường, khi mà con người còn phải đối diện biết bao nhiêu vấn đề từ cơm áo gạo tiền cho đến các vấn đề phức tạp khác, vấn đề phụng sự mẹ cha lại càng được quan tâm hơn bao giờ hết. Thực tế minh chứng như thế, con người mỗi khi giáp mặt khổ đau thì mới có cơ hội biết kết nối yêu thương để mong cầu sống trong sự bình an nội tại. Vì suy cho cùng, báo hiếu cho cha mẹ chính là báo hiếu cho mọi người, cho quốc gia, cho đồng bào, cho quê hương xứ sở. Lý Duyên Khởi xưa kia Phật chứng ngộ đã minh thuyết cho sự thật này như là một chân lý, bởi vì không ai có thể sống một mình mà tồn tại và phát triển, con người cần nương tựa vào nhau, trong ý niệm ai cũng từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị trong dòng sống tương tục.

Cho nên, bạn đừng bao giờ có ý nghĩ chỉ khi mình trở thành người giàu có mới có điều kiện phụng sự cha mẹ của mình. Cửa Thiền là cửa Không, ngay cả khi bạn không có gì vẫn có thể báo đáp ân đức cha mẹ, vấn đề là bạn có chuyển hóa tâm thức hay không trong giai trình đi về miền đất an lạc. Xưa kia, Phật từng lễ lạy đống xương khô bên đường mà cũng chuyển hóa đại bi tâm biết bao nhiêu con người trở về suối nguồn thực thi hiếu hạnh. Các vị thiền sư, sống một đời sống không gia đình, không tài sản, thế mà các Ngài vẫn báo hiếu cho cha mẹ một cách thiết thực và hữu hiệu mang các giá trị rất nhân văn, nhưng trên hết là đem lại giá trị giải thoát tự thân cho cha mẹ của các Ngài.

Chắc bạn còn nhớ câu chuyên ngài Lục Tổ Huệ Năng (638 - 713) trong kinh Pháp Bảo Đàn ghi nhận. Ngài vốn xuất thân là một người nghèo khổ, khi còn ấu thơ đã sớm mồ côi cha, lớn lên chỉ còn mẹ già. Do đó, hàng ngày, Tổ phải lên núi đốn củi rồi gánh ra chợ bán, đổi lấy gạo đem về nuôi mẹ. Một hôm, nghe người ta tụng kinh Kim Cương, đến câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” mà Tổ bừng tỉnh. Vì vậy, Tổ nghĩ rằng, chỉ về xin phép mẹ xuất gia tại núi Hoàng Mai, thọ giáo với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn mới may ra có cơ duyên báo hiếu cho mẹ cha rốt ráo được. Nhưng Tổ chợt nghĩ, mình còn mẹ già thì ai phụng dưỡng đây, nên lòng còn chần chừ, chưa nỡ xuất gia hành đạo. Bỗng dưng, có người hiểu được tâm nguyện của Tổ, liền trợ giúp mười lượng bạc và hứa thay mặt Tổ trông nom phụng dưỡng mẹ già cho đến mãn phần. Nhờ thế, Tổ an tâm tu học, về sau chứng đạo trở thành bậc Long tượng của rừng Thiền, không chỉ độ cho mẹ cha của mình mà còn chuyển hóa tâm thức biết bao nhiêu người khác trong cuộc đời sinh tử trầm luân này.

Từ câu chuyện này, có thể hiểu rằng, khi bạn khởi tâm hiếu hạnh đến với mẹ cha thì bạn sẽ thọ nhận sự an lành đến với chính mình, có khi nó còn quyết định được một đời sống tốt đẹp hơn cho cả người thân của bạn sau này. Chỉ cần một nén hương lòng với tâm thành kính hướng nghĩ về mẹ cha là bạn cũng có khả năng thực thi được một công đức lớn, một lợi ích lớn trong cõi đời này.

Đó là công đức hiếu hạnh mà Tổ sư Thiền Trung Hoa thành tựu. Còn ở Việt Nam, xưa kia cũng có ngài Liễu Quán nhờ công hạnh báo hiếu mà chứng đạt sở nguyện của mình. Ngài Liễu Quán mồ côi mẹ lúc còn 6 tuổi, thân phụ liền gởi Ngài vào chùa Hội Tôn, cho thọ giáo với hòa thượng Tế Viên. Sau bảy năm sống tu hành ở cửa Thiền thì hòa thượng bổn sư viên tịch. Sư đành lòng khăn gói, băng rừng lội suối ra Thuận Hóa (Huế) để thọ học với Ngài Giác Phong thiền sư chùa Báo Quốc. Năm sau, nghe tin cha già lâm bệnh, không có người săn sóc, sư liền trở về nhà, hàng ngày lên rừng đốn củi, dành dụm tiền nong để đổi gạo nuôi cha già, nguyện cầu cho cha yên lành, thể hiện chí nguyện hiếu tâm là hiếu Phật.

Rõ ràng, phụng dưỡng mẹ cha hiện tiền chính là phụng thờ Phật sống ở đời. Cho nên, sư quyết tâm hầu hạ thân phụ cho đến khi qua đời mới trở về sơn lâm. Chính nhân duyên này, đã trợ duyên cho thành tựu công đức hiếu hạnh, tức là thành tựu hạnh nguyện tu tập giải thoát. Về sau, sư Liễu Quán trở thành Tổ sư của một dòng Thiền, có ảnh hưởng rất lớn trong giới Thiền và cả trong giới hoàng tộc trong việc phò vua giúp nước, và phát triển đạo Thiền.

Ngoài ra, còn nhiều gương hiếu hạnh nữa trong cửa Thiền ở nước ta. Thiền sư Huyền Quang đời Trần là một minh chứng cụ thể. Khi chưa xuất gia, sư là một vị trạng nguyên xuất chúng, làm quan, nhưng lại chán ngấy chốn quan trường đầy nhiễu nhương, phức tạp của bụi trần. Lòng sư luôn tự hỏi, cuộc đời sao mà lắm sự chua cay nghiệt ngã, sao có người xem phú quý vinh hoa như mục đích tối thượng mà tranh chấp, không hướng nghĩ đến tình thân cha mẹ, anh em, bà con ruột thịt, dẫn đến khổ đau hệ lụy mãi hoài … Một hôm, sư Huyền Quang theo vua đến chùa Vĩnh Nghiêm tham dự pháp hội, thấy Quốc sư Pháp Loa đang diễn thuyết hoằng hóa độ sinh mà nhớ lại chuyện xưa, bèn than rằng: “làm quan lên bồng đảo, đắc đạo đến Phổ Đà, trên cõi nhân gian là Tiên, cảnh giới Tây phương là Phật, phú quý vinh hoa nào khác chi lá vàng mùa thu, mây trắng mùa hạ, đâu nên lưu luyến mãi hoài”. Thế rồi, sư dâng biểu xin vua từ quan, xuất gia hành đạo.

Cho đến khi, bỗng nghe tiếng chim khách kêu vang trên cành ở trước sân, sư chạnh lòng nhớ nghĩ đến cha mẹ hiện đang già yếu, nhất là công ơn sinh thành cao như núi, sâu như biển khơi, liền sửa soạn hành trang về cố hương hầu thăm cha mẹ. Đến nơi, sư nhìn thấy cha mẹ còn khỏe mạnh và biết thêm cha mẹ của mình rất tín tâm với Tam Bảo nên lòng rất hoan hỷ. Nhân đó, ngôi chùa có tên là Đại Bi được hình thành từ nơi mảnh đất gần nhà của song thân, trong ý nghĩa tiếng kinh cầu vang lên “Đại từ Đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát cứu độ cha mẹ hướng về Phật đạo”. Từ đó, không chỉ có cha mẹ của sư được diễm phúc hàng ngày được tụng kinh, niệm Phật, làm các việc công đức cho bá tánh mà dân làng còn được nghe thuyết giảng của các sư, thực hành Chánh pháp, sống có ích cho đời, làm hưng thịnh Phật pháp.

Rõ ràng, nơi nào có tâm hiếu được hóa hiện, nơi đó được đâm chồi kết trái của tình người tình đạo trong cuộc hành trình hướng về miền giải thoát khổ đau. Nơi đó chính là mảnh đất để cho giới đức, tâm đức, trí đức hóa hiện, mục đích là nhằm kết nối giai điệu yêu thương giữa người còn kẻ mất. Nó cũng góp phần bảo lưu mọi giá trị cao quý nhất trong dòng chảy văn hóa tình người được xuất phát từ trong văn hóa ứng xử giữa con người với con người; giữa con người với cộng đồng xã hội; giữa con người với thiên nhiên môi trường sống. Thế nên, bổn phận của mỗi cá nhân phải thực thi hiếu hạnh với mẹ cha, với mọi người như là một đạo lý sống giữa đời mà kinh Thi Ca La Việt ghi, bao gồm năm điều:

⒈ Cung kính và vâng lời cha mẹ.

⒉ Phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu.

⒊ Giữ gìn thanh danh và truyền thống gia đình.

⒋ Bảo quản tài sản do cha mẹ để lại.

⒌ Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời. Ngoài ra, Đức Phật còn đề cập bốn trách nhiệm để hướng dẫn cha mẹ sống đúng theo Chánh pháp:

⒈ Nếu cha mẹ không có niềm tin, khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam bảo.

⒉ Nếu cha mẹ xan tham, khuyên cha mẹ phát tâm bố thí.

⒊ Nếu cha mẹ làm ác thì khuyên cha mẹ hướng tâm làm việc thiện.

⒋ Nếu cha mẹ theo tà kiến thì khuyên cha mẹ theo chánh kiến.

Và như thế, bạn đang hướng vọng về ngày hội Vu Lan, ngày hội của văn hóa hiếu hạnh, chứa chan tình, đầy hương vị của giải thoát. Nếu xưa kia Mục Kiền Liên từng vì cha mẹ đọa lạc tam đồ, rồi cất lên tiếng kinh cầu nhờ oai lực của chư Tăng chú nguyện để giải thoát cho mẹ cha, thì ngay từ bây giờ cõi Thiền lại mời gọi mọi người hãy khởi tâm thực thi hiếu hạnh tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của mình mà báo hiếu cho hai đấng sinh thành dưỡng dục.

Có một điều đơn giản hết sức, nhưng giá trị yêu thương thì vô cùng tận, bạn cũng như tôi hãy để thì giờ ngắm kỹ dung nhan của mẹ cha thật lâu, rồi cất lên tiếng nói con yêu cha mẹ thật nhiều, nhất là nhiệt tâm tinh cần làm các thiện lành. Tại đây, mẹ cha hạnh phúc biết chừng nào. Còn như nếu ai mất mẹ hoặc cha thì xin hãy thắp nén hương lòng tưởng niệm về họ mà nguyện cầu Phật từ bi tiếp độ về miền đất an lành. Làm được như thế, Vu Lan trở thành ngày đánh dấu sự trở về cội nguồn sống đúng Chính Pháp mà Đức Phật từng chỉ dạy cho mỗi người chúng ta hiện hữu ở cõi đời này. Cõi hiếu hóa thành cõi Phật ở đời.

Tâm - tên lừa đảo lớn nhất

(Thiền Ngữ)

“Tâm là tên lừa đảo lớn nhất, người khác có thể dối bạn nhất thời, nhưng nó lại gạt bạn suốt đời” - (Thiền ngữ)

Tâm được xem là một trong những phạm trù khó khảo sát nhất của con người. Nó vừa cụ thể lại vừa trừu tượng, vừa rất rộng lớn nhưng cũng rất nhỏ hẹp. Ví dụ như, khi một người nào đó nói rằng họ thương chúng ta thật nhiều nhưng thật sự là không có thương, chúng ta bị lừa nhưng trải qua thời gian nhất định chúng ta vẫn nhìn ra. Nhưng một khi tâm đã dối gạt thì rất khó khăn để chúng ta biết được. Tâm sẽ nói với chúng ta “mình yếu đuối lắm, mình không thể vượt qua được khó khăn này, số phận mình là như vậy rồi” và có khi suốt cuộc đời này ta tin như vậy. Nhưng thực tế thì không phải vậy, chúng ta mạnh hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Nếu chúng ta có niềm tin thì nhất định chúng ta đều vượt qua được những khó khăn. Vì thế chúng ta cần cảnh giác cao độ với tâm của mình, cần tiếp cho nó sức mạnh của từ bi, yêu thương, trí tuệ và những điều tích cực nhất.



Tâm hương mùa Phật Đản

(Thích Tánh Tuệ)



Người đã đến, vầng hồng dương rạng rỡ
Bước nhiệm huyền bừng nở những đài sen
Ưu Đàm hoa còn lưu hương muôn thuở
Cõi trầm luân còn nhắc nhớ bao phen

Người đã đến xua tan màn u tối
Vòng tay dang rộng mở lối yêu thương
Mưa pháp vũ cho muôn loài tắm gội
Trí và Bi từ đó được khơi nguồn

Ngày Phật Đản lòng hân hoan, mở hội
Cỏ cây cười, thế giới lặng niềm đau
Đà bao kiếp đời vướng sâu lầm lỗi
Nhờ chuông vang, hồn tỉnh thức, quay đầu

Người đã đến cho con niềm chân phúc
Biết quay về và gạn đục khơi trong
Thắp Chánh Niệm giữa đời từng giây phút
Sống an bình, tri túc chẳng chờ mong

Người đã đến rồi lên ngôi bất diệt
Giữa tim con và giữa biết bao người
Nguồn Chân Lý sáng soi cùng nhật nguyệt
Suốt ba thời ... siêu việt chẳng phai phôi

Xin đốt nén tâm hương mùa Phật Đản
Hướng về Người dâng hết vạn niềm tin
Giới, Định, Tuệ nguyện đời đời kết bạn
Pháp thực hành là tối thượng tôn vinh

Ngày Phật Đản mắt vui mà ngấn lệ
Hạnh phúc làm con Phật, biết là bao
Cảnh, Tâm đó dù nghìn năm dâu bể
Còn Như Lai, còn bóng mát ngọt ngào

- - - - - -

Nghe bài hát: NGÀY RẰM THÁNG TƯ
https://youtu.be/kq-XwE9HO4s

Việc nhỏ

- Trích “Phép Tắc Người Con”,Bài 4
- Theo Zhengjian,Kiến Thiện biên dịch



Việc tuy nhỏ, chớ tự làm
Nếu tự làm, thiếu đạo con
Vật tuy nhỏ, chớ cất riêng
Nấu cất riêng, Cha Mẹ buồn

Diễn giải

Sự việc tuy nhỏ mọn cũng không thể chưa bẩm báo rõ với Cha Mẹ mà đã tự tiện quyết định làm. Nếu cứ làm tùy theo ý mình là thiếu bổn phận của người làm con. Đồ vật tuy bé nhỏ cũng không được cất giữ riêng. Nếu chiếm làm của riêng sẽ khiến Cha Mẹ cảm thấy tủi hổ, đau lòng.

Câu chuyện tham khảo: MẸ ĐÀO KHẢN TRẢ VẠI CÁ TRÁCH MẮNG CON

Đào Khản là danh tướng của Đông Tấn, cha mất sớm, thuở nhỏ gia cảnh nghèo khó. Mẹ Đào Khản là Trạm Thị, dệt vải để cho con ăn học, bà rất coi trọng việc tu dưỡng phẩm đức của Đào Khản. Khi còn trẻ, Đào Khản làm huyện lại huyện Tầm Dương tỉnh Giang Tây, giám sát quản lý việc đánh bắt cá. Ông sai người tặng Mẹ một vại cá khô muối, Mẹ ông để nguyên vại cá trả lại, đồng thời viết thư trách mắng ông: “con làm quan lại huyện phủ, lấy của công để tặng Mẹ, cho rằng Mẹ sẽ vui mừng sao, như thế là làm tăng thêm nỗi lo lắng của Mẹ đó”. Từ đó, những nơi mà Đào Khản đến, ông đều được người dân ca ngợi bởi sự liêm khiết, trong sạch và tận tâm làm hết trách nhiệm. Sau này, ông làm Chinh Tây đại tướng quân, được phong làm Quận công Trường Sa.

PHỤ CHÚ

Nguyên tác

事 雖 小 勿 擅 為
苟 擅 為 子 道 虧
物 雖 小 勿 私 藏
苟 私 藏 親 心 傷

Âm Hán Việt

Sự tuy tiểu, vật thiện vi
Cẩu thiện vi, tử đạo khuy
Vật tuy tiểu, vật tư tàng
Cẩu tư tàng, thân tâm thương

Chú thích:

- Thiện: tự ý chủ trương, làm tùy tiện theo ý mình

- Cẩu: nếu, nếu như

- Tử đạo: đạo làm con. Đạo ở đây nghĩa là đạo lý, phép tắc

- Khuy: tổn hao, thiếu, khiếm khuyết

- Tư tàng: cất giữ riêng, chiếm làm của riêng

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|60|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Kẻ nông nổi theo đuổi những thứ phù hoa cũng giống như loài bướm đêm bị cuốn hút bởi ánh sáng rực rỡ ngọn đèn dầu, lao vào đó, không chút e ngại, đâu biết đang lao mình vào lửa, đâu biết phía sau những rực rỡ đó, cuối cùng, chẳng có gì vui”.

Có những lời nói đẹp như hoa, chỉ một ngày mưa đã rụng hết.

Có những hạnh phúc rất rực rỡ, chỉ một ngày nắng đã phai màu.

Có những điều đẹp như sương, không mang qua nổi một ngày nhiều gió.

Khi đã quên hết những vực sâu đã sảy chân rơi vào từ tiền kiếp, khi đã quên hết những vui buồn từ tiền thân, thì trong kiếp sống hiện tại, ai cũng như lần đầu tiên đi qua nơi đó, như đang dò dẫm bàn chân bước qua dòng nước lạ. Một kẻ trở lại nơi đã không còn nhớ gì nữa, và một người đứng trước nơi xa lạ, cũng như nhau thôi.

Không ai dò độ nông sâu của dòng nước lạ bằng cả hai chân. Nhưng có kẻ vẫn luôn dò cuộc đời nông sâu bằng cả hai chân của mình, và dò lòng người nông sâu bằng cả trái tim. Rồi ngã nghiêng, điêu đứng, như người mất trắng.

Nếu sớm biết phía sau những rực rỡ kia là lửa, lũ bướm đêm đã không háo hức lao vào.

Nếu sớm biết phía sau phù hoa không rực rỡ như điều họ vẫn thấy, người đời đã không phải buồn nhiều đến vậy.

Tôi luôn thích nhìn những người từ thế giới phù hoa quay về ngồi dưới hiên chùa, nghe một thời kinh, khi đã trở về từ nơi đó, nơi ấy sẽ không còn cơ hội xô ngã họ thêm một lần nào nữa. Tôi thích nhìn những vết thương đã lành trong mắt của họ, xanh và bình thản như ngọn núi ngàn năm.

Có người lại vừa gom hết dũng khí của mình, để đôi chân ngược dòng phù hoa quay trở về …



Câu chuyện đời người

(Tuệ Tâm)

Ngày xưa Thượng Đế sáng tạo ra Trời Đất, sau đó mới tạo ra sinh vật và con người. Đầu tiên, Ngài tạo ra con Bò và bảo với nó: “ta sẽ cho ngươi sống thọ 60 năm, nhưng trong 60 năm này ngươi phải vì con người mà làm việc chăm chỉ, không được phép lười biếng”.

Bò từ chối thọ mệnh 60 năm, chỉ muốn được sống 30 năm. Con Bò trả lời rằng: “cuộc sống khổ cực như thế mà Ngài lại bắt tôi sống những 60 năm ư, tôi chỉ xin được sống 30 năm, còn 30 năm xin trả lại Ngài”. Thượng Đế đã đồng ý.

Ngày hôm sau, Thượng đế tạo ra một con Khỉ và bảo với nó: “ngươi hãy mua vui cho con người, tạo ra những nụ cười, ta sẽ cho ngươi sống thọ 30 năm”.

Con Khỉ bảo rằng: “30 năm làm trò cười cho thiên hạ ư, vậy tôi chỉ xin được sống 15 năm thôi, còn lại xin trả cho Ngài”. Thượng Đế cũng đành đồng ý.

Ngày tiếp theo, Thượng Đế tạo ra con Chó và bảo rằng: “ngươi hãy canh trước cửa nhà và sủa lên khi có người vào hoặc đi qua, ta sẽ cho ngươi sống thọ 30 năm”.

Con Chó trả lời: “30 năm cho việc canh nhà thật quá dài, tôi chỉ xin được sống 15 năm thôi, 15 năm còn lại xin gửi lại”. Thượng Đế thở dài đồng ý.

Lần này, Thượng Đế tạo ra con người và bảo rằng: “công việc của ngươi chính là hưởng thụ cuộc sống, ta sẽ ban cho ngươi 25 năm thọ mệnh”.

Con người nghe thấy vậy vội cầu xin: “Thượng Đế ! Xin Ngài hãy ban cho tôi 30 năm tuổi thọ của Bò, 15 năm tuổi thọ của Khỉ, và 15 năm tuổi thọ của Chó. Chúng không cần, vậy hãy ban hết cho tôi”.

Thượng Đế đã đồng ý …

Và thế là, tuổi thọ của con người đã được tăng lên đáng kể: 25 + 30 + 15 + 15 = 85 tuổi. Nhưng vận mệnh của con người qua từng giai đoạn lại có những thăng trầm:

. 25 năm đầu là sống bằng thọ mệnh của chính mình, cho nên con người vô ưu vô lo, thập phần vui sướng.

. 25~55 tuổi là sống bằng thọ mệnh của Bò, con người chỉ biết cặm cụi làm việc, gặp biết bao trắc trở, vì nuôi sống gia đình mà phải chịu khổ chịu thiệt.

. 56~70 tuổi là sống bằng thọ mệnh của Khỉ, con người làm những trò của khỉ để dỗ dành con cháu, cố làm cho chúng được vui.

. 71~85 tuổi là sống bằng thọ mệnh của Chó, lúc này con người đi lại khó khăn, chỉ có thể ngồi ở trong nhà, tựa như số mệnh của loài chó, chỉ ngồi một chỗ để canh cửa.

Đời người thật quá ngắn ngủi. Chúng ta đến thế gian trong tiếng cười vui chào đón, rồi ra đi trong tiếng khóc lóc tiếc thương. Đây chính là hiện thực của cuộc sống. Câu chuyện xưa tuy rất ngắn, nhưng lại bao quát hết một kiếp nhân sinh. Được làm người chính là một điều may mắn, vậy nên hãy trân quý từng phút giây, đừng để lúc cuối đời nhìn lại mới cảm thấy tiếc nuối vì đã bỏ lỡ một kiếp người.

Câu chuyện xưa rất ngắn nhưng lại giúp nhìn thấu một đời người … Cuộc sống rất ngắn ngủi, thoáng chốc sẽ trôi qua, đừng đợi đến lúc già đi hay sắp rời khỏi thế gian mới hiểu ra chân lý đời người.

Mộng ... vô thường

(Tổng hợp)



Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng
Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

Đời người cũng vậy, và tất cả muôn loài vật cũng lại như thế. Vô thường là một lẽ thật chung cho tất cả thế gian, không phải của riêng ai, mọi người đều có quyền thấy biết, nhìn nhận như vậy, không phải của người này, mà cũng không phải của người kia. Bởi vô thường nên mọi sự vật có thể đổi thay, vì đổi thay nên ta mới khổ.

D.P.A (71)

- Thiền sư Huệ Hải

Vọng niệm chẳng sanh là THIỀN
Ngồi thấy bổn tánh là ĐỊNH



Y vân

(Thích Tánh Tuệ)

Ta về trên đỉnh non cao
Xé mây làm áo tăng bào ngao du
Ngoảnh trông nơi cõi bụi mù
Mà thương đời kiến ngục tù quẩn quanh

Chắp đôi tay, kết niệm lành
Gửi bên quán trọ một cành hoa sen
Trên hoa thắp một ngọn đèn
Cho nhân gian rạng một niềm Chân Như

Kiến ơi, thế mộng phù hư
Quay đầu nhìn lại thấy Như Lai cười
Xuôi dòng ... thì chạy mù khơi
Dẫu thương, ta cũng ngậm ngùi, biết sao



Mother

(Happy Mother's Day)

MOTHER ... hold their children's hands for a short while, but their heart forever.

╰▶ Mẹ ... nắm tay con cái của họ chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng trái tim thì mãi mãi.



Sống phải biết: nhắm một mắt và mở một mắt

(Sưu tầm)

Một ngày, người cha gọi ba cậu con trai đến và nói:

- Giờ Cha đã già yếu rồi, mà cơ nghiệp tổ tông cần có người tiếp quản. Các con đều thông minh tài giỏi, quả thật Cha không biết lựa chọn ai để giao phó trọng trách này. Bây giờ, mỗi người các con hãy đi lấy giấy và viết ra những ưu điểm của bản thân và khuyết điểm của hai người còn lại, rồi đưa Cha. Cha sẽ xem trong các anh em con ai là người thấu hiểu và có cái nhìn sáng suốt nhất thì sẽ giao lại cơ nghiệp cho người ấy.

Chẳng bao lâu sau, người anh Cả và anh Hai cùng quay trở lại và đưa cho Cha những tờ giấy kín đặc chữ. Chỉ có cậu em Út là mãi vẫn không có hồi đáp. Buổi tối hôm ấy, người em Út ngập ngừng đến bên Cha, trong tay cậu là tờ giấy trắng tinh không một dòng chữ. Cậu nói:

- Thưa cha, con bất tài không thể tìm ra ưu điểm của bản thân và cũng không tìm được khuyết điểm nào của hai anh cả. Vậy, con mong cha hãy giao cơ nghiệp cho hai anh con cai quản.

Người Cha nghe thấy vậy, khuôn mặt rạng rỡ nở nụ cười. Đây chính là người kế thừa có đủ mọi phẩm chất mà ông vẫn luôn mong đợi để giao phó trách nhiệm gánh vác cơ nghiệp của tiên tổ.

Chỉ những ai thật sự khiêm tốn, những ai trong tâm không chất chứa những khuyết thiếu của người khác, mới có thể chí công vô tư mà đối đãi với mọi sự việc trong đời. Ngược lại, nếu chỉ nhìn vào khuyết điểm của người khác, chúng ta sẽ không thể biết rằng họ cũng còn rất nhiều ưu điểm đáng được khích lệ và ngợi khen.

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, cha mẹ và con cái đến với nhau là vì chữ “duyên”, vợ chồng gắn bó với nhau lại là vì chữ “nợ”, mà bạn bè, đồng nghiệp, hay các mối quan hệ gặp gỡ nhau hết thảy cũng vì duyên vì nợ mà thành …

Trong cuộc đời, hãy cứ “nhắm một mắt, mở một mắt” để quên đi khuyết điểm mà nhìn vào ưu điểm của đối phương; và hãy cứ giả khờ để bao dung hết thảy mọi lỗi lầm. Mỗi kiếp người chỉ có trăm năm để yêu để quý, vậy nên đừng chỉ nhìn vào một vài khuyết điểm nhỏ nhặt của đối phương. Nếu như có thể chuyển khuyết thành ưu, biến chán ghét thành tán thưởng, thiết nghĩ chúng ta sẽ vui vẻ hơn biết bao nhiêu …

Sẽ sai sót nếu nghĩ mình luôn đúng
Và mọi người ai nấy cũng đều sai
Người biết sống, sống giữa nghìn khác biệt
Vẫn nhìn nhau, thông cảm, biết quan hoài
(Thích Tánh Tuệ)


Mục đích tu hành

- H.T Thích Thanh Từ

Chúng ta cứ đúng theo đạo lý Phật dạy mà tu. Tu lâu ngày mọi thứ khổ đau mê lầm sẽ giảm. Khi nào hết mê lầm tức là chúng ta giác ngộ viên mãn. Như vậy mới xứng đáng là Phật tử, tức con của Phật. Tu là để giải thoát sanh tử, chứ không phải cứ đi mãi trong mê lầm. Vì vậy, Phật tử gặp Phật pháp, được quý thầy nhắc nhở tu hành là có phước lớn, chứ không phải thường, nếu không sẽ chìm mãi trong biển khổ sanh tử, đeo đuổi theo những thứ tạm bợ của thế gian, chịu nhiều đau khổ không biết đến bao giờ mới hết. Mong tất cả hiểu được mục đích tu hành của mình để đạt được kết quả như sở nguyện.

Phật dạy: thay đổi vận mệnh từ khổ sang sướng

- Sưu tầm



Vận mệnh con người vốn dĩ được định sẵn từ khi sinh ra, nhưng nếu quyết tâm, người ta vẫn có thể thay đổi được vận mệnh của mình. Một con người biết thay đổi vận mệnh là biết ngay lập tức ra sức thay đổi quan niệm, thói quen, suy nghĩ, chí thành làm thiện, nhất tâm niệm Phật là trợ duyên lớn bổ sung cho việc làm này, cuối cùng có thể phá được trói buộc nghiệp cảm của kiếp trước và mở đầu một cuộc sống mới nhất cho tương lai, thành một người xây dựng vận mệnh đúng đắn nhất. Khiến cho vận mệnh vốn có được thay đổi, dần dần phước đức trí huệ tăng trưởng và đạt đến quả vị thánh hiền, cảnh giới hoàn hảo, đạo đức chí thiện.

Người xưa nói rằng: “con người không phải thánh hiền làm sao không lỗi, biết lỗi mà sửa là điều thiện lớn nhất”. Đó là khích lệ những người có ý chí sửa lỗi hướng thiện và thay đổi vận mệnh, đối với những sai lầm đã qua không nên nản lòng lùi bước.

Tất cả những quả báo gặp phải trong cuộc sống chúng ta dựa theo lý nhân quả của Phật pháp mà nhìn, tất cả quả báo là do “nghiệp nhân quá khứ” cộng thêm “nghiệp duyên hiện tại” sẽ thành “quả báo hiện tại”. Thông thường mà nói, nhân vốn có ở quá khứ (đã tạo thành sự thật rồi) thì khó mà thay đổi, nhưng quả báo của vị lai chúng ta có thể như lý như pháp mà cải đổi, mấu chốt của chuyển biến này là chuyển biến “duyên hiện tại”, mà chuyển biến duyên hiện tại tức là thay đổi hai duyên nội ngoại, cái gọi là hai duyên nội ngoại tức “nội Ý nghiệp”, ”ngoại Thân Khẩu nghiệp”, nếu ba nghiệp nội ngoại thân-khẩu-ý đã được thay đổi thì quả báo hiện tại sẽ dần dần được thay đổi. Chúng ta đã hiểu rõ lý này, nếu có thể như lý như pháp mà thực hành thì tất cả quả báo vận mệnh nằm ở trong tay ta. Tiến bộ của người học Phật là xem xét phiền não, tập khí của mình có giảm bớt hay không, trí huệ có tăng trưởng hay không ...

Tu nhân tích đức để cải vận cho mình và gia đình​

Xử lý sự việc có đúng đắn hay không ? Có cái nhìn xa trông rộng cho tương lai hay không ? Đó tức là trí huệ và cũng là chỗ quay về, y theo đó tu hành sửa đổi cho chính mình về sau. Dưới đây là năm bước Phật chỉ để thay đổi vận mệnh từ khổ sang sướng, mỗi người cần nhớ.

➊ Hãy sám hối những tội lỗi đã gây tạo trong đời này và những đời trước, đồng thời ngăn bản thân tuyệt đối không được nghĩ, nói, hoặc làm việc ác. Nếu không thì nghiệp cũ thì chưa trả hết, nghiệp mới thì đã tạo thêm, sẽ không có ngày thoát khổ.

➋ Hãy biết hoan hỷ chấp nhận những quả báo khổ đau đang nhận lấy và cố gắng vượt qua bằng những hành động tích cực, thực tế.

➌ Hãy từng bước tu dưỡng tâm tánh theo lời bằng cách nghe lắng nghe các lời hay nhiều hơn và thực hành những lời dạy đó để tạo dựng an lạc thân tâm cho bản thân và mọi người xung quanh, cùng hướng tới bến bờ giác ngộ, an vui, giải thoát thật sự. Nếu bạn xa lìa ác tâm, nuôi dưỡng thiện tâm, tu dưỡng tâm tánh ... thì chư long thiên, hộ pháp, chắc chắn sẽ tùy duyên âm thầm gia hộ, dẫn dắt cho bạn trên từng bước đường đời, đạo.

➍ Hãy thành tâm làm những việc thiện lành trong đời sống và để tích lũy phước và công đức, làm nguồn cội cho tròn vẹn hạnh phúc thế gian và xuất thế gian của ngày nay và mai sau.

➎ Hãy lưu giữ “khẩu đức” cho mình.

- Biết rõ về một người, không cần phải tận nói, hãy lưu lại cho người ta ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu lại chút “khẩu đức” cho mình.

- Trách một người không cần phải tận trách, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút độ lượng cho mình.

- Có công không cần đòi hỏi tận cùng, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút khiêm nhường cho mình.

- Đúng lý cũng không cần đoạt tận, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút khoan dung cho mình.

- Tài năng đừng quá ngạo mạn, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu chút nội hàm cho mình.

Có nhiều điều trong cuộc sống
Không ai giúp được cho mình
Người biết tự mình đứng dậy
Bước về nẻo sáng quang minh
(Thích Tánh Tuệ)

Đông ấm - Hạ mát

- Trích “Phép Tắc Người Con”,Bài 3
- Theo Zhengjian,Kiến Thiện biên dịch



Đông phải ấm. Hạ phải mát
Sáng phải thăm, tối phải viếng
Đi phải thưa, về phải trình
Sống quy củ, không thay đổi

Diễn giải

Mùa đông cần ủ ấm chăn chiếu cho Cha Mẹ, mùa hè cần quạt mát giường chiếu cho Cha Mẹ. Buổi sáng dậy phải hỏi thăm, vấn an Cha Mẹ, buổi tối phải sửa soạn chăn màn giường chiếu cho Cha Mẹ. Đi ra ngoài cần bẩm báo với Cha Mẹ, về nhà phải trình báo với Cha Mẹ. Sinh hoạt ăn-ở-ngủ-nghỉ phải có quy luật, trật tự thường nhật không được tùy ý sửa đổi.

Câu chuyện tham khảo: HIẾU HẠNH VỚI CHA MẸ ĐƯỢC BIỂU DƯƠNG LÊN HOÀNG ĐẾ

Hoàng Hương là người Giang Hạ thời Đông Hán. Khi Hoàng Hương 9 tuổi thì mẹ cậu qua đời, cậu vô cùng nhớ thương mẹ, người làng đều nói cậu là một người con hiếu thảo. Hoàng Hương làm việc rất chăm chỉ, cần cù chịu khó, không sợ khổ, một lòng một dạ hiếu kính với cha, nghĩ mọi cách để cha được nghỉ ngơi, được thoải mái dễ chịu. Mùa hè nóng nực, muỗi nhiều, Hoàng Hương biết cha sợ nóng, thường không ngủ được, lại bị muỗi đốt. Do đó, mỗi buổi tối trước khi cha đi ngủ, Hoàng Hương đều dùng quạt quạt mát giường chiếu, xua đuổi muỗi đi rồi mới mời cha đi ngủ. Đến mùa đông, trời lạnh giá, Hoàng Hương sợ cha bị giá rét nên đã nằm vào giường trước ủ ấm chăn chiếu, sau đó mới mời cha lên giường đi nghỉ. Sau đó, hiếu hạnh của Hoàng Hương truyền khắp kinh thành, không ai là không biết. Thái thú Giang Hạ nghe được chuyện này, cảm thấy thật là hiếm có, ông bèn dâng biểu lên Hoàng Đế biểu dương nết hiếu hạnh của Hoàng Hương.

Hoàng Hương còn nhỏ tuổi đã đọc thuộc các kinh điển, học rộng văn hay, văn chương của cậu nổi tiếng cả kinh thành, mọi người đều khen ngợi là: “cậu bé Hoàng Hương, thiên hạ vô song”.

(Nguồn: “Nhị thập tứ hiếu”)

PHỤ CHÚ

Nguyên tác

冬 則 溫 夏 則 凊
  晨 則 省 昏 則 定
出 必 告 反 必 面
居 有 常 業 無 變

Âm Hán Việt

Đông tắc ôn, hạ tắc sảnh
Thần tắc tỉnh, hôn tắc định
Xuất tất cáo, phản tất diện
Cư hữu thường, nghiệp vô biến

Chú thích:

- Sảnh: mát.

- Tỉnh: thăm viếng, hỏi thăm.

- Hôn: hoàng hôn, tối.

- Định: an định, ở đây nghĩa là sắp xếp chuẩn bị giường chiếu.

- Tất: nhất định, phải.

- Phản: quay lại, trở về.

- Diện: gặp mặt, gặp, diện kiến.

- Cư: cư trú, chỉ lễ tiết sinh hoạt thường nhật.

- Thường: cố định không thay đổi.

- Nghiệp: thứ tự, trình tự.

- Vô: chớ, không được.

D.P.A (70)

- Kinh Pháp Cú

Không liên hệ cả hai
Xuất gia và thế tục
Sống độc thân, ít dục
Ta gọi Bà-la-môn



Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|59|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Gặp được Người Sâu Sắc, được đi chung với họ một đoạn, luôn là điều rất quý. Thấy lòng can đảm hơn khi đi ngang qua sự bình thản của họ. Nghe tâm bớt động khi tránh xa được những điều thường thấy ở những kẻ nông nổi bình thường”.

Ai cũng có những con đường, bỗng một ngày, thấy ngại đi ngang qua đó, sợ tâm mình lại động; và có con đường, đi đâu về, phải ngang qua đó mới chịu, để nghe lòng bình yên.

Đi qua cuộc đời này không phải chỉ là việc của đôi chân, vì nếu chỉ là việc của đôi chân, thì con đường nào cũng như nhau, đi cạnh ai cũng giống nhau.

Có những bão giông va vào nhau rồi lớn.

Có những bình yên nương vào nhau để tồn tại.

Ai cũng chất chứa trong lòng thật nhiều hạt giống bình yên và bão giông, chờ ngoại cảnh gọi đúng tên mà đứng dậy, như những hạt cỏ dại chờ mưa về nảy mầm.

Ai cũng phải đi qua rất nhiều người, có thể họ sẽ quên mình, và mình cũng sẽ quên họ, nhưng không sao, ta chỉ đừng quên mất mình là ai.

Người chiều an.



Vấn đề của tâm

- Thiền Sư Ajahn Chah
- Lục trần “Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp”



“Sự tu hành của chúng ta chỉ là để nhìn thấy cái Tâm Nguyên Thủy” !

Vấn đề của tâm là - thật sự không có gì trục trặc với nó cả, bản chất của nó là vậy, nó thuần khiết, tự nó sẵn đã bình an.

Nếu có những lúc tâm không an, đó là bởi vì nó chạy theo cảm xúc. Tâm bẩm sinh không có gì cả. Nó trở nên bình an hay kích động chỉ vì nó bị cảm xúc lừa gạt.

Tâm chưa được huấn luyện rất khờ dại. Lục trần cho nó những ảo giác về hạnh phúc và đau khổ, nhưng bản chất của tâm không có những thứ này. Hạnh phúc hay đau khổ không phải là tâm, mà chỉ là một cảm xúc đang lừa gạt chúng ta. Tâm chưa được huấn luyện dễ bị đánh lạc hướng và chạy theo những thứ này. Nó quên chính nó. Rồi chúng nghĩ rằng đó là chúng ta đang vui sướng hay gì đó.

Nhưng thật sự thì tâm của chúng ta đã sẵn tĩnh lặng và bình an - thật sự bình an ! Giống như chiếc lá vẫn đứng im chừng nào nó chưa bị gió thổi. Nếu gió đến, chiếc lá đong đưa. Sự đong đưa là gió - sự đong đưa của tâm là do lục trần, tâm chạy theo chúng.

Sự tu hành của chúng ta chỉ là để nhìn thấy cái “Tâm Nguyên Thủy”, chúng ta phải huấn luyện tâm để nhận biết lục trần và không bị chúng đánh lạc hướng, để tâm được bình an. Đây chính là mục đích của tất cả những sự tu hành cam khổ mà chúng ta phải vượt qua.

Chơn Chánh

(Sưu tầm)



Chánh kiến sống lành.

Chánh ngữ lời nói lành.

Chánh tư duy, tư duy hạnh lành.

Chánh nghiệp, nghề nghiệp lành.

Chánh mạng nuôi sống bằng lành như đi khất thực.

Chánh tinh tấn thường cố gắng làm việc lành.

Chánh niệm.

Chánh định.

Nói tóm lại lành là Chánh, đây mới thật sự Bát Chánh Đạo Chơn Chánh.

Remind yourself

- Gossip Girl

Sometimes you need to step outside, get some air, and remind yourself of who you are and where you want to be.

╰▶ Đôi khi bạn cần bước ra ngoài, hít thở không khí và nhắc nhở bản thân bạn là ai và bạn muốn ở đâu.

Mười lo

(Thích Tánh Tuệ)

Một lo tổng lớn hơn làng
Hai lo chợ nhóm, bạn hàng lăng xăng
Ba lo già phải rụng răng
Bốn lo xe ngựa chẳng bằng xe hơi
Năm lo đất thấp hơn trời
Sáu lo đám chết chẳng mời vũ công
Bảy lo giá trắng tuyết trong
Tám lo ăn cướp chẳng lòng từ bi
Chín lo cúng sãi trụ trì
Mười lo ông Dượng bà Dì cặp kê

Còn lo còn lắm nhiêu khê
Nằm trong hòm gỗ ... lo về dương gian
Chuyện đáng lo chẳng ngó ngàng
Chuyện ruồi bu cứ sẵn sàng mà lo

Buông lo nằm ngáy pho pho
Dẫu nghìn thu cũng mai mồ cỏ xanh
Nói nghe, đời rất mong manh
Cười như Di Lặc, lo quanh làm gì !

Răn nhắc bản thân

(Thiện Tri Thức)



- Hạnh phúc là để cảm nhận, không phải để ba hoa.

- Công danh là để cống hiến, không phải để kiêu mạn.

- Vật chất là để sử dụng, không phải để khoe khoang.

- Tiền bạc là để chi tiêu, không phải để so lường.

- Cuộc sống là để trải nghiệm, không phải để toan tính.

- Tình cảm là để chia sẻ, không phải để lợi dụng.

- Giả dối là để phá hoại, không phải để bảo hộ.

- Cha Mẹ là để hiếu thuận, không phải để đòi hỏi.

- Bạn bè là để sớt chia, không phải để lấn lướt.

- Niềm tin là để chắc chắn, không phải để lường gạt.

- Người thân là để chăm sóc, không phải để tổn thương.