V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Tĩnh lặng

- Thích Tánh Tuệ



Lặng yên giây phút này
Ngồi xuống cùng cỏ cây
Nhìn nắng reo trên lá
Ngủ trên đầu ngón tay

Lặng yên từng phút giây
Nghe tim mình gõ nhịp
Ba vạn sáu ngàn ngày
Có khi nào mỏi mệt

Lặng yên và nhận biết
Hoa kia cũng là người
Chẳng vì ai tươi nở
Mà hoa cứ mỉm cười

Lặng yên nghe mưa nhỏ
Tí tách ngoài mái hiên
Mưa nghìn năm vẫn thế
Vui, buồn … cảm nhận riêng

Lặng yên nghe gió thoảng
Mang theo hương trần gian
Đến, đi không hò hẹn
Cánh gió đời thênh thang

Lặng yên và thư thái
Nhìn mây bay cuối trời
Buông cái tôi nằng nặng
Thấy mình là ... muôn nơi

Bài học từ Se Sẻ

- Từ Ngọc (Giác Ngộ)


Trời ở đây đã bắt đầu vào thu. Mỗi sớm mai khi mở cửa tôi vẫn được nhìn thấy mặt trời dần lên sau những cụm mây hồng. Hoa nguyệt quế ngoài sân nhẹ nhàng đưa hương theo làn gió. Bầu trời rất đỗi trong xanh. Tôi tận hưởng niềm hạnh phúc giản dị của một ngày mới lại đến. Bởi có ai biết được rằng sáng mai đây tôi có còn được thức dậy nữa hay không. Trong không gian yên tĩnh ấy, dường như tôi thấy mình như nghe được cả tiếng của những giọt sương đang lặng lẽ tan đi trong nắng. Mùi nắng thu dịu dàng. Trên những cánh đồng, từng đôi se sẻ tíu tít chào nhau.

● ● ● Hãy thôi thổn thức

Thảng hoặc khi tôi cứ mải cúi đầu vào bàn viết, lại có chú se sẻ nào đấy bay đến đậu trên song cửa, nhìn về phía tôi và hót réo rắt không thôi. Dường như chú muốn bảo với tôi rằng “Này cô gái, thôi đừng mải miết nữa, mà hãy ngước lên và ngắm nhìn, mặt hồ đã lại sáng lên.” Tôi bật cười với chính mình, đúng thế, mình thật ngớ ngẩn làm sao. Mình đang làm gì thế nhỉ ? Thế gian chẳng phải đã có quá nhiều ngôn từ rồi ấy sao, và cũng bởi phút giây này không phải lúc nào cũng như đang hiện hữu. Khi tôi ngước lên và mỉm cười, chú sẻ thôi gọi, tung tăng quanh vài ba ô cửa rồi vỗ cánh bay đi.

● ● ● Mặt hồ vẫn lao xao

Nhưng cuộc đời cũng còn có những ngày lao xao, như mặt hồ ngoài kia còn sóng sánh chút sương già. Se sẻ vẫn đuổi nhau tíu tít trên những ngọn cây, gọi nhau bằng những thanh âm trong trẻo nhất. Bỗng dưng tôi chợt nghĩ lại mình, liệu chúng ta có bao giờ gọi nhau bằng những thanh âm thực sự trong trẻo như vậy chưa nhỉ ? Thứ thanh âm mà chúng ta vẫn thường dùng để liên hệ với nhau mỗi ngày ấy. Thứ ngôn ngữ và cử chỉ hành động chúng ta vẫn thường nhân danh con người để dành cho nhau mỗi ngày ấy, có bao giờ được trong trẻo như loài se sẻ vẫn dành cho nhau không ? Chắc có ai đó sẽ cười tôi so sánh con người với loài se sẻ. Thế thì bữa nay tôi xin kể một câu chuyện thế này.

Có người bạn hỏi tôi, tại sao lại có những người cứ phải ăn chay, phải tự “gượng ép” mình theo một lối sống không phù hợp với quy luật chung của xã hội. Tôi hỏi, quy luật gì. Bạn bảo rằng, đã là động vật thì phải ăn thịt lẫn nhau để mà sống. Như con hổ, con cọp phải ăn thịt hươu nai để mà tồn tại, thì chúng ta cũng chẳng việc gì phải tự ép mình vào một khuôn khổ hà khắc trái với “quy luật tự nhiên” ấy, bởi cây cỏ cũng có đời sống của nó, bạn ăn rau củ cũng là giết chết đi một sinh vật đấy thôi.

Tôi cười với bạn, người ăn chay chúng tôi chỉ không ăn những sản phẩm từ động vật, bởi chúng có cảm xúc, biết đau đớn khi bị giết chết, biết nhỏ nước mắt, biết khóc lóc van xin dưới lưỡi dao.Thân thể chúng cũng có máu thịt xương da như chúng ta, cũng cha mẹ sinh ra, và cùng hít thở với chúng ta bầu không khí. Những động vật bậc thấp (so với con người), chúng không có đủ trí tuệ để phân biệt và lựa chọn nguồn thực phẩm để chúng tồn tại, mà chúng chỉ biết nhai nuốt những thứ có trước mặt để mà sống. Còn bạn, còn chúng ta, chúng ta nhân danh hơn hẳn động vật về trí tuệ, về biết bao lý luận và định luật mà chúng ta cho rằng siêu phàm hơn, chúng ta có khả năng được tự lựa chọn cho mình những thực phẩm để tồn tại, thì tại sao phải chọn thịt và máu ?

Chúng ta tự hào vì bắt thiên nhiên phục vụ cho mình, làm chủ được thiên nhiên nhưng chỉ một việc nhỏ là làm chủ nguồn thực phẩm đưa vào người thì chúng ta lại dùng biết bao lý lẽ để ngụy biện. Phải, đó chỉ là ngụy biện cho những xúc động của vị giác, sự thèm thuồng hương vị và chất bổ, mà không biết rằng mẹ thiên nhiên vĩ đại vốn đã ban cho chúng ta sẵn đầy đủ những dưỡng chất để chúng ta tồn tại được mà không cần phải giết ai để ăn thịt cả.

● ● ● Bài học từ Se Sẻ

Quay lại với câu chuyện những chú se sẻ. Tôi tự hỏi, chúng ta cũng lại nhân danh con người để cư xử với nhau, để lấy đó làm sức mạnh mà “uy hiếp” những loài vật khác, nhưng những điều tốt đẹp trong trẻo mà một động vật bé nhỏ như loài se sẻ đã dành cho nhau, thì chúng ta có bao giờ học được ? Chúng ta (tự cho rằng) có thừa trí tuệ hơn chúng nhưng trí tuệ đó để làm gì nếu không được dùng với mục đích trải rộng tình thương của mình đến muôn loài không phân biệt, hay chỉ để thỏa mãn lòng tham vô độ của chính bản thân mình ?

Đôi khi

- Hàn Long Ẩn



Đôi khi đời đau khổ
Tập thở nhẹ và cười
Nếu không làm như thế
Chỉ thiệt mình mình thôi

Đôi khi người gian dối
Hãy buông xả bao dung
Làm sao ta biết được
Mình sẽ không sai lầm

Đôi khi lòng trống trải
Vì chẳng hiểu lý do
Ta lên chùa lễ Phật
Biết buồn là hư vô

Đôi khi mình ta khóc
Bởi những điều gian truân
Cúi thấp mình nhìn xuống
Bao nghịch cảnh hồng trần

Đời sẽ không bít lối
Cho người và cho ta
Như dây cung níu lại
Mũi tên càng bay xa

Danh ngôn (10)

- Ngô Hoài Dã



Không hứa bậy nên mình không phụ ai
Không tin bừa nên không ai phụ mình

Ga xe lửa và những chuyến tàu

- 『 Huyền Không, Hải Vân - Lăng Cô - 1977 』


Hôm kia, có một vài nơi mời đi giảng pháp, Nhà Sư ôm bát cùng với Liễu Minh lên đường. Trời nắng như đổ lửa, sân ga đầy người. Nhìn cảnh chen chúc hỗn loạn, Liễu Minh buột miệng than:

- Ôi ! Thiệt là cái địa ngục trần gian.

Nhà Sư và Liễu Minh đứng tần ngần trước một đám đông đang cãi vã, chửi mắng, xô đẩy nhau, chưa biết phải bước đi lối nào thì từ phía sau lưng, một biển người ập đến. Tiếng khóc, tiếng la vang lên. Cái tay, cái chân, thúng mủng, bao bì, tóc tai, nón xách, guốc dép, nồi niêu, soong chảo, quang gánh ... cùng với bao nhiêu thứ khác bị lùa đi, bị đẩy đi, chất chồng, hỗn loạn. Biển âm thanh tạp náo. Rừng ảnh tượng quay cuồng. Từng con người gầy khô, xanh xao, hớt hãi. Từng gương mặt lo âu, mất sắc, nhễ nhại mồ hôi ...

Khi thoát ra khỏi đám đông, Nhà Sư mới biết rằng mình đã vào được sân ga. Liễu Minh từ đằng xa chạy tới:

- Con thấy Thầy bị người ta đẩy xô, nghiêng bên ngày, ngả bên kia ... mà con không thể giúp Thầy được.

Nhà Sư trở lại ngay với “Pháp ngữ” để giáo huấn đồ đệ:

- Trong cuộc sinh tử lênh đênh vô định, trong dòng trôi lăn của nghiệp báo, con ạ - không ai có thể giúp ai. Mỗi người hãy tự cứu mình.

Lẳng lặng nhìn Nhà Sư, giọng Liễu Minh đầy xúc động:

- Trán Thầy rướm máu, y Thầy cũng rách nữa.

- Phải, chúng sanh ai rồi cũng phải bị rách da, rướm máu, bị chặt đầu, bị treo cổ, bị móc ruột, bị phanh thây, xác trôi trên dòng, xương phơi giữa nghĩa địa, giữa sa trường ... Trong cõi tử biệt, sinh ly, chiến tranh, máu lửa, nước mắt, thống khổ, hoạn nạn ... là nơi chốn mà chúng sanh chen chúc, xô đẩy nhau để đi vào. Con ạ, “tam giới bất an do như hỏa trạch”, ba cõi không an, như ở trong nhà lửa. Do vậy, nơi ba cõi sáu đường, vào ra lên xuống đó, ai là người thật sự có được sự an bình ? Ai là người chẳng đổ mồ hôi khi nghiệp lực lôi đi không cưỡng được ? Chúng sanh vẫn bị cuốn trôi, bị hút đi hoài hoài, triền miên như vậy đó con à !

Đợi cho mọi người lên hết, Nhà Sư với Liễu Minh mới kiếm được một chỗ đứng gần cửa lớn trong lúc sóng người và hàng hóa vẫn còn đang di chuyển, tấp lên, đẩy lên. Người ta chất lên vai, quẳng lên lưng, thảy lên đầu ...

Liễu Minh hét lên:

- Mấy người chi lạ rứa ? Phải để cho Thầy tôi thở với chứ !

Nhà Sư nghiêng người ra khỏi kiện hàng to tướng, khẽ mỉm cười cho Liễu Minh an tâm:

- Thầy còn có chỗ thở, không sao đâu, con hãy bình tĩnh lại ! Con ạ, dù bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải giữ trầm tĩnh, biết nhẫn nại và biết cảm thông.

Vẫn muốn cho Nhà Sư có một chỗ đứng thẳng lưng, Liễu Minh phải giằng co, lôi kéo với mấy người chở hàng. Nhà Sư nép mình vào một góc, nắm tay Liễu Minh và nói rằng:

- Con đừng tạo thêm cảnh hỗn loạn nữa, phải giữ tâm bình lặng và bất tranh với cuộc đời. Con hãy suy nghĩ sâu xa từ bài học này là: nếu trên thế gian, ai cũng đòi một chỗ đứng tiện nghi, an toàn, bảo đảm ... thì biết bao nhiêu thảm cảnh sẽ xảy ra, con có thể tưởng tượng được rồi chứ ?

Liễu Minh lặng người đi:

- Dạ, là sẽ sinh ra cảnh chém giết, giật giành, hận thù, mưu sâu, kế hiểm ... Bạch Thầy con đã hiểu vậy, nhưng sao tâm con vẫn bất an ? Con thương Thầy, mà cũng yêu thương mọi người. Ôi, ai gây ra chi cảnh !

- Đừng yếu đuối, đừng nản lòng, hỡi con ! Người tu sĩ lập hạnh thì ma chướng chừng nào, chí nguyện của ta càng bất khuất, kiên cường chừng đó. Con hãy tâm niệm như vậy.

- Con hiểu. Nhưng những thực trạng này, những đói rét, thống khổ, ở đợ, ăn xin, tật nguyền, trộm cắp, chửi rủa bát nháo như thế này, ai là người chịu trách nhiệm ?

- Là trách nhiệm của Thầy và con đấy !

- Chúng ta ? Sao lại ?

- Phải ! Một tiếng cá quẫy đuôi ngoài Đông Hải ảnh hưởng đến cơn gió băng qua lục địa, một nạn lụt cuốn trôi mùa màng bên Ấn Độ, … có thể cũng do từ một đám người đốt rẫy trên núi kia. Ảnh hưởng tinh thần mà vật chất không tìm ra kẽ hở. Vạn vật vốn nương nhau mà tồn tại, nương nhau mà hủy diệt. Cái này sinh thì cái kia sinh trong một mắc xích liên đới trùng trùng. Do vậy, cái ăn, cái mặc, củ khoai, củ sắn, đôi dép, sợi chỉ, cây kim ... vốn được làm từ đám chúng sanh hỗn loạn kia, chúng ta sử dụng những thứ ấy, thì chắc chắn chúng ta phải có dự phần trong trách nhiệm liên đới chung. Sống trên cõi đời này là chúng ta đã mắc nợ ân chúng sanh, ân xã hội.

Liễu Minh thở ra:

- Con hiểu. Nhưng ý con muốn hỏi, những cảnh hỗn loạn này, nguyên nhân chính do đâu mà có ?

Nhà Sư ôn tồn giải thích:

- Không phải do hoàn cảnh chiến tranh và xã hội, không phải do ngẫu nhiên, do tất định, do bất định, do tự nhiên, do thiên nhiên, do các năng lực siêu nhiên mù quáng, do Thượng Đế, do kinh tế hoặc một vài nguyên nhân khách quan ở bên ngoài. Cái hỗn loạn giật giành, trộm cắp, chửi rủa, chen lấn, xô đẩy ... vốn có sẵn bên trong tâm địa của con người, gặp duyên thuận lợi nó sẽ hiện hành, hiển lộ ra bên ngoài. Do vậy, dứt cái bên trong, đừng để cho tham sân ở bên trong chi phối, thì cái cảnh hỗn loạn kia sẽ chấm dứt, tự nó sẽ chấm dứt mà không cần bất cứ một biện pháp kỷ luật, giáo dục, kinh tế hay một biện pháp xã hội, chính trị nào.

- Con đã hiểu.

Đến ga, một số hành khách xuống, một số khách lên, hàng hóa xuống, hàng hóa lên. Nhà Sư và Liễu Minh đã có được một khoảng khí trời để thở. Gạo, bắp, sắn, khoai, rau, gồng, gánh ... bây giờ đã ở yên vị trí của nó. Liễu Minh nói:

- Ôi ! Sân ga và chuyến tàu. Cuộc đời và con người. Bạch Thầy, con nghe như có một cái gì liên hệ thật khắng khít.

- Phải ! Cuộc đời muốn hết tao loạn, lầm than, yếu tố cần và đủ là con người phải biết thiết lập một nền văn hóa nội tâm, một nền hòa bình nội tâm. Các chuyến tàu muốn có trật tự thì sân ga phải biết thu xếp cho ổn định. Nếu con muốn có được những chuyến tàu ra đi đầy an vui, thoải mái, con phải biết lấy GIỚI để ổn định cái S N GA của con - cái sân ga đầy tội phạm, tà vạy, bất chánh, dối trá, tật nguyền, xấu xa, ích kỷ, kiêu căng và bản năng ... của mình. Con phải quét sạch cái S N GA của con bằng chổi Tuệ Minh Sát. Con phải rưới nước từ bi mát dịu lên những tâm niệm nóng nảy, bất bình. Con phải nhẫn nại, chăm chuyên, tinh tấn từng ngày, từng giờ, từng giây, từng khắc để làm vắng lặng cái S N GA của con bằng giáo pháp tối thượng, thì chắc chắn những chuyến tàu ra đi sẽ từ an lạc mà đến nơi an lạc. Nền tảng của Ngũ Giới là điều kiện cần và đủ cho an lạc nhân sinh, ấm no và hạnh phúc của con người.

Liễu Minh như uống cạn những lời giáo giới của Nhà Sư. Chú nói:

- Vì thiếu GIỚI nên những chuyến tàu mang sự hỗn loạn ra đi. Phương trời nào sẽ đón đợi những chuyến tàu tốc hành thiên lý ấy ? Con đã biết. Con đã thấy. Những khổ cảnh địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, atula ... sẽ chờ đón chúng mà thôi.

Nhìn đệ tử bằng tất cả sự quan tâm, Nhà Sư nói:

- Con ạ, “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn”, thân người khó được, Phật pháp khó nghe, khó vì đi ngược dòng đời. Chúng ta duyên may có được thân người, trọn vẹn thân thể, tứ chi, trí óc, tâm hồn và ngũ quan, lại nghe được pháp Phật, thì chúng ta hãy cố gắng tu trì. Một bước lầm lạc sa chân thì muôn đời rơi vào vực thẳm, chìm vào bóng tối khổ đau khó có cơ hội để thoát ra. Vậy con hãy khắc ghi trong tâm khảm những điều thầy đã giáo giới.

- Dạ, bạch Thầy. Như là lời thề chém đá, con đã cương quyết ra đi, ít nhất là không bao giờ còn rơi vào bốn ác đạo.

- Lành thay ! Thầy tin tưởng con sẽ làm được điều đó.

Sau những thời thuyết pháp đó đây, Nhà Sư nói với Liễu Minh, đại ý rằng, thế gian có tai mà khó có người nghe, thế gian có trí nhưng trí ấy kiêu căng, đặc đầy chữ nghĩa, sở tri, một chiều, chỉ mong nhồi nhét cho đầy dục vọng kiến thức, còn trí để thấy được giáo pháp như thực, cụ thể, thiết thực hiện tại, vượt thời gian ... thì như bãi cát tìm kim, mò châu đáy biển. Thảng hoặc, không thế, thì họ cầu lộc, cầu tài, cầu phước, cầu vinh thân phì gia, cầu triệu phú, cầu hoàng đế … Không như thế thì họ lại hẹn, lại chờ, mong một tương lai khác, một thế giới khác, một chỗ mà hạnh phúc hữu vi được khuếch đại đến tột cùng ... Ôi, khó thay. Đạo ta không nói được nữa rồi !

- Thôi, về con !

Thế là hai thầy trò lại lầm lũi cô đơn trên lối về. Đường xa vất vả, cảnh cũ lại tái diễn, nhưng trông Liễu Minh đã có vẻ chững chạc hơn, vắng lặng hơn, mát mẻ hơn. Nhà Sư mừng mà nói rằng:

- Con đã học được nhiều hơn là Thầy tưởng, thầy vui lòng lắm, con có biết không ?

Liễu Minh cúi đầu nhũn nhặn:

- Bạch Thầy, con vẫn chưa xứng đáng.

Bước vào cổng chùa, cây xanh mát mẻ, gió thổi rì rào, hoa nở đó đây, Liễu Minh rưng rưng nước mắt:

- Thật vắng lặng bình yên. Bạch Thầy, đây đúng là quê hương, chưa dám nói là cảnh Phật, nhưng đâu có khác nước Nhược, non Bồng. Khắp nơi trên trái đất này, có đâu một nơi chốn không hận thù, tranh chấp, không đố kỵ tỵ hiềm, không giật giành, hỗn loạn, không dối trá, keo bẩn, không thủ đoạn, lọc lừa ? Phải chăng chỉ dưới bóng mát của Đức Phật trí tuệ và từ bi mới có được cảnh giới hòa bình chân thật và hạnh phúc chân thật như thế này ?

Nghĩ ngợi một lúc, Liễu Minh tự kết luận:

- Bạch Thầy, cho đến bây giờ, sau một chuyến đi, con mới hiểu thấm thía một đoạn Kinh mà Đức Đạo Sư đã thuyết: “Chúng sanh vì vô minh, vì ái dục, vì tà kiến nên rối loạn như mớ bòng bong, như ổ kén, như vùng cỏ gai, như đám cỏ lác,... chen lấn, xô đẩy nhau nhảy vào giữa dòng tử sinh triền miên thống khổ ...”

Lời Kinh hát trên sông

- Thích Tánh Tuệ



Kiếp này xin ước nguyện
Được làm ông lái đò
Trên dòng sông sinh tử
Lời Kinh làm câu hò

Áo nâu vờn sóng bạc
Khua mái chèo sông sâu
Chờ nhân gian rũ mộng
Cùng qua bến giang đầu

Khách đi rồi khách đến
Dòng sông lờ lững trôi
Chở bao người qua bến
Thù lao ... Một nụ cười

Kiếp này chỉ mong được
Làm ông lái đò thôi
Chở những lời Kinh ngọc
Vào sâu thẳm lòng người

Lời Kinh đưa khách tục
Như mây qua dòng sông
Chập chờn bờ lau sậy
Nghìn thu soi tấm lòng ...

Mộng là gì ?

- Minh Đức


Chúng ta ai cũng biết Mộng là cái có như huyễn. Đã là Mộng thì là có chứ chẳng phải không. Nhưng mà có như huyễn thuật. Giống như ảo thuật gia làm tất cả trò huyễn thuật, thấy là có nhưng mà không phải như vậy. Cái gì rồi cũng thay đổi, cái gì rồi cũng qua đi, nên giống như giấc mộng, giống như vô thường.
Cái gì đang là thì cũng đã là và sẽ là. Nhưng không phải vì như vậy mà gọi là “Mộng”. Không phải vì nay còn mai mất mà gọi là “Mộng”. Mộng là cái ngay tại đây và ngay bây giờ. Nó gọi được là “Mộng” là vì “có” chứ không phải “không có”.

Một người nằm ngủ mà có chiêm bao. Cái chiêm bao đó là “có chiêm bao”, gọi là có “Mộng”. Dù là hồ đồ, siêu hình viễn vông. Dù nó là cái vô sắc, vô hình và biến hóa hư ảo, nhưng nó là “có” chứ không phải “không”. Đau khổ và hạnh phúc của giấc mộng là có thật với người trong mộng. Thành ra không thể nào nói “không” với người đang nằm mộng, cũng như không thể nào nói là "mộng" với người đang thức không ngủ. Nhưng tất cả cái “có” của Mộng và Thực chỉ là cái có của người đang thức và đang ngủ với cái thân ngũ uẩn mà thôi. Mà cái ngũ uẩn này lại chính là “Mộng”. Không phải vì nay còn mai mất, ẩn rồi hiện và không nắm bắt được mà gọi là ảo mộng. Nhưng chính sự sống không tĩnh thức là mộng. Tất cả vọng tưởng đều là mộng. Bởi vì cái vọng tưởng nào khởi lên cũng đều không có gốc rễ để bám trụ. Chính vọng tưởng là mộng. Ai ai cũng có vọng tưởng nên đều có mộng. Đã là Mộng thì đừng có nói là không có gì. Một người đang nằm chiêm bao thì tất cả cái xảy ra đều là có thật. Cũng giống như người đang thức mà nói người ta đang nằm mộng thì không ai chấp nhận được. Thành thật mà nói thì chỉ có người tĩnh thức tự biết mình. Bởi cái gì dù là Mộng hay Thực thì chỉ có cho người trong mộng và người đang sống tự biết mà thôi. Tất cả dù Mộng hay Thực thì cũng chỉ là ngũ uẩn.

Một người chiêm bao thì cái chiêm bao viển vông hồ đồ đó cũng có nhân quả của nó, chứ không phải vô duyên mà có chiêm bao. Ví dụ như có người bị đau mắt, nhìn thấy trong hư không có hoa đốm. Với người không đau mắt thì không có cái hoa đốm này. Nhưng người đau mắt là có thật. Nếu hỏi rằng hoa đốm chừng nào nở thành hoa thiệt thì đó là mê mờ. Nếu nói rằng không có hoa đốm như người không đau mắt, thì không đúng với người đang đau mắt. Người đang nằm ngủ trong mộng, dù biết rằng mình đang nằm mộng thì cũng không thể tỉnh dậy khi đang còn trong mộng. Khi tỉnh dậy rồi thì giấc mộng vẫn lưu lại cái gì đó chứ không phải hoàn toàn hết mê say. Còn như người đang không buồn ngủ thì không thể gọi là đang mộng, nhưng thật ra cũng đang mộng, bởi vì tuy đang không ngủ cũng không thể nắm bắt được cái vọng tưởng của người đang sống, giống như người ngủ mê. Nếu không có chánh niệm khi đang tỉnh táo chưa ngủ, thì dù là đang thức cũng đang mộng. Có những cái đang có trước mặt mình mà mình cũng không có chánh niệm về cái đang hiện có trước mắt mình, mà mình chỉ nghĩ đến những cái không đang có trước mắt thì đó cũng là một hình thái giống như mộng của người đang ngủ vậy thôi. Cái gì đang có cũng sẽ qua đi. Rồi tất cả sẽ qua đi, nhưng cái gì qua đi thì cái đó là mộng. Mộng đẹp, mộng xấu, mộng lành, mộng dữ đều qua đi, những cái không qua đi là cái thực sự là sự sống. Vậy thì cái gì không qua đi ?

Nếu cái không qua đi là có thật thì cái đó mới là sự thật. Nếu có sự thật thì không có mộng. Vì vậy người có chánh niệm là người đang tĩnh thức. Đánh mất chánh niệm là đang nằm trong vọng tưởng. Sống với vọng tưởng là sống với mộng. Vì vậy tĩnh thức chính là chánh niệm. Vì vậy người đạo sĩ thì lấy chánh niệm làm sự tĩnh thức, lìa chánh niệm thì rơi vào mộng. Ai ai đang có cái thân ngũ uẩn này thì đều có mộng. Có cái thân ngũ uẩn thì có tám cái khổ, tám cái khổ là một sự thật. Nếu không thấy tám cái khổ thì đang nằm chiêm bao với vọng tưởng của một sinh thể hữu tình. Trước phải thấy khổ của cái thân thì mới tỉnh mộng. Vì vậy khi đức Phật chuyển pháp luân lần đầu cho tăng thân của anh em các Ngài Kiều Trần Như, thì Pháp Luân chỉ có một sự thật, nhưng phải chẻ ra làm bốn để cho dễ hiểu. Sự thật có tám cái khổ là cơn bệnh của sinh thể. Mười hai nhân duyên là nguyên nhân của Khổ. Tám con đường chơn chánh đem lại sự sống tĩnh thức chánh giác là phương thuốc trị lành bệnh. Bệnh lành thì có Niết Bàn. Do có bệnh khổ mộng mị mà có Niết Bàn. Nếu không nhận ra Niết Bàn từ nơi bệnh khổ của sanh tử mà sinh thể đang Mộng, thì sinh thể vẫn cứ mãi sống trong Mộng sanh tử. Vì vậy có chánh niệm thì có tĩnh thức. Một sinh thể tĩnh thức thì có tất cả sự thật trong chánh niệm. Không ai cho mình cái chánh niệm của mình được. Vì vậy nhân quả của Nghiệp thức là do chính chánh niệm nhìn thấy. Mình phải thấy cho mình chứ không ai thay thế cho mình được. Chư Phật ba đời và mười phương khi ra đời giáo hóa chúng sinh thì cũng không thể sống thế cho chúng sanh được. Mọi chúng sanh đều có sự sống, nhưng do vọng tưởng mộng mị mà không tĩnh thức nhận ra sự sống của mình. Sự sống đó có khắp mười phương chứ không riêng một cái thân ngũ uẩn của một sinh thể. Vì vậy không ai vượt qua sự thật. Một sinh thể thì không thể tránh được già, không thể tránh được bệnh, không thể tránh được chết. Vì đó là quy luật huyễn hóa của giấc mộng sanh tử. Sanh trụ dị diệt, thành trụ hoại không, sanh lão bệnh tử. Đó là trò huyễn hóa của vô thường. Cái vô thường đó là mộng. Cái chơn thường là sự tĩnh thức. Nếu mình không biết mình đang sống thì mình không phải là một sinh thể hữu tình. Sự hiện diện của sỏi đá vô tình cũng góp phần cho sự sống của thế giới. Một sinh thể hữu tình lại thua cả sỏi đá hay sao ?

Tất cả hạnh phúc và khổ đau đều sẽ qua đi như giấc mộng không thể kéo dài. Nhưng sự sống thường trụ của chúng sanh không phải chỉ hạn cuộc trong một cái thân ngũ uẩn này. Ngũ uẩn có mặt khắp vũ trụ. Sự sống cũng có mặt khắp mười phương. Do nghiệp thức mà ứng thân sanh tử tương tục. Không sinh thể nào tránh được già, bệnh và chết, nhưng nghiệp thức là cái “có” thì không thể trở thành “không”. Cái thân này nằm xuống với thế giới mà nó nương gá thì thân khác lại sanh ra theo nghiệp mà hóa thân. Giấc mộng dù hãi hùng hay thơ mộng thì cũng qua đi. Nhưng một chấm, một nét của Nghiệp báo cũng không qua đi. Chúng ta bỏ thân này như cởi chiếc áo mùa hè rồi lại đắp cái áo mùa đông. Hãy nhìn xem chiếc lá mùa thu bé nhỏ, nó bay theo chiều gió rồi rơi vào lòng đất bình yên. Lá không biến mất như từ “có” trở thành “không” mà nó đi vào lòng đất rồi hóa thân trở lại. Chẳng có cái gì từ có mà trở thành không. Mà cũng chẳng có gì từ không mà trở thành có. Nghiệp cũng vậy. Người có năng lực thực tập lời Phật dạy thì tùy nguyện mà sanh thân. Người buông lung theo nghiệp cảm thì cũng theo nghiệp cảm mà tái sanh. Một nét của nhân quả đều có báo ứng. Vì vậy, làm lành lánh dữ và giữ tâm ý trong sạch chính là tạo nghiệp hạnh phúc cho mình ngay trong hiện tại và đi về tương lai. Mộng nào cũng qua đi, nhưng cái thực của Nghiệp thì không qua đi.
Do vậy, người con Phật thì lấy trí tuệ làm sự nghiệp để xây dựng hiện tại và tương lai của mình.

Đường luân hồi sáu nẻo của chúng sanh đều là thực mà cũng đều là mộng. Tại sao vậy ? Bởi vì đau khổ và hạnh phúc đều qua đi một cách mầu nhiệm, nó như những cái bong bóng nước không thể nắm bắt được nhưng nó đều là sự thật có nhân quả rất thật. Ngay như một người nằm ngủ có nhiều chiêm bao, thì cái chiêm bao nào cũng có nguyên nhân từ sinh lý và tâm lý của sinh thể. Đôi khi chiêm bao lại là một linh ảnh báo trước cho một chuyện sẽ xảy ra rất đúng với thực tế. Vì vậy, chiêm bao dù cho hồ đồ hay đúng sai gì cũng có nhân quả của nó. Nhưng cái Nghiệp của sinh thể thì phải do sinh thể quyết định. Sáu nẻo luân hồi sẽ qua đi như giấc mộng, nhưng nó chỉ qua đi cho một đời người. Không ai biết được ra sao ngày sau khi mình chết. Nhưng cái tình người không qua đi vì cái nguyện lực và nghiệp lực vẫn còn đó.

Chúng ta đọc kinh Lăng Nghiêm thì thấy nghiệp của chúng sanh giống như giấc mộng huyễn hóa. Có những vị thực tập theo lời Phật dạy thật giỏi. Nhưng đến khi phá được một vài ấm ma của mình thì lại rơi vào chấp ngã. Lầm tưởng mình đã thực chứng thánh quả. Như vậy cái thực và cái mộng đều nguy hiểm nếu mình lầm đường lạc lối, được một ít cho là đã đủ, đã thấy thực tướng của thế gian rồi. Sáu nẻo luân hồi rốt ráo đều là mộng. Nhưng đừng tưởng rằng mộng là chẳng có gì. Thân ngũ uẩn tuy là thân của cõi mộng, nhưng chính là cội gốc của hạnh phúc và khổ đau của vô lượng kiếp.

Xin tạm nói một chữ Mộng như vậy thôi. Bởi vì Mộng sẽ qua đi, nhưng sự sống của tâm linh thì không qua đi bao giờ.

Nam mô A-Di-Đà Phật

“Hoa đốm” nào thấy ai

- Thích Tánh Tuệ



Nếu khổ kia là thật
Thì không dứt được đâu
“Khổ” sẽ theo ta mãi
Muôn đời ... sống chung sầu

Nếu vui kia là thật
Thì vui mãi không buồn
Sáng qua cười hỉ hả
Chiều ni, lạ … sầu tuôn

Nếu buồn kia có thật
Sau ... chia ly lại cười
Giọt lệ nào nhỏ xuống
Cho cây đời nụ tươi

Nếu mây kia là thật
Làm sao hóa thành mưa
Còn mưa kia nếu thật
Màu nắng ... là trong mơ

Em xưa là Bạch Tuyết
Cuộc đời nhìn ngẩn ngơ
Tóc chiều nay lau trắng
Chừ biết tìm ... em mô

Nếu bịnh, già có thật
Làm sao thoát được đây
Có người ngàn xưa đó
Đã bước qua lối này

Tất cả là mộng mị
Ai nắm được làn hương
Vạn sự tuồng ảo hóa
Chấp đắm làm đau thương

Nỗi khổ kia nào có
Một khi tỉnh mộng dài
“Cái ta” tìm đâu đó
“Hoa đốm”, nào thấy ai

Trên đỉnh cô phong

- Vĩnh Hảo



Từ vị trí đỉnh đồi chạm chân mây, không ít người phấn khích, một mình cất lên tiếng hú sảng khoái để âm hưởng của mình từ trên cao dội xuống thung lũng, từ vách đá này vang sang vách đá kia, và có thể làm lạnh cả vòm trời xanh lơ trên đầu.

“Hữu thời trực thướng cô phong đảnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”
( Thiền sư Không Lộ )

Có khi lên tận đầu non quạnh
Cười tràn một chuỗi lạnh hư không

Trên đồi cao, nhìn mây trắng bay. Mây dầy đặc nhưng không che hết bầu trời xanh ngát. Mây chẳng qua chỉ che được trời khi nhìn lên từ nơi cạn thấp. Một tâm thức tự do, từ đỉnh cao chót vót, thì không gì có thể ngăn trở, vướng bận. Tâm thức ấy, được khởi đầu bằng thái độ của con người trước niềm tin và tri kiến. Vượt qua niềm tin, vượt qua tất cả những tri kiến, mới có thể chạm đến chỗ vô cùng. Nhưng con người thường khi bị dẫn dắt bởi những kẻ quyền uy, hoặc muốn được dẫn dắt bởi kẻ khác, không muốn tự mình tìm ra và chứng nghiệm sự thực.

Những kẻ ù lỳ, lười biếng không bao giờ muốn trèo lên đỉnh núi cao. Những tâm thức cạn cợt và luôn tùng phục thì không bao giờ có tư tưởng độc lập, sáng tạo. Họ sẽ tiếp tục dẫm trên những lối đi đã mòn nhẵn dấu chân người đi trước. Nhưng cái vô tận thì không có con đường, không có vết tích. Chỉ có Người, độc nhất Người, phủ nhận tất cả uy quyền, thẩm quyền của vương quốc thổ ngơi và ngay cả vương quốc tâm linh, khích lệ những kẻ sùng bái tôn thờ mình hãy vượt qua vầng hào quang chói sáng của chính bậc đạo sư, vượt qua tất cả những vướng mắc của đức tin và kiến giải, để từ đó tri nghiệm và chứng thực chân lý: “Đừng tin vì nghe truyền khẩu; đừng tin vì đó là truyền thống; đừng tin vì nghe đồn đãi; đừng tin vì điều đó được ghi trong kinh điển; đừng tin vì lý luận, suy diễn; đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ; đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc; đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền; đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.” (Kinh Kalama – Tăng Chi III. 65)

Không có nghĩa là “không tin gì cả,” mà là đừng vội tin, đừng vội kết luận, xác quyết bất cứ điều gì trước khi tự thân chứng nghiệm sự thực. Có nghĩa là phải vượt khỏi những đấng uy quyền, vượt khỏi những bậc thầy, không dính mắc, nô lệ vào bất cứ thần tượng, biểu tượng, ngẫu tượng, đối tượng … nào, dù là nô lệ thân xác hay nô lệ tín lý, nô lệ tri thức. Đoạn kinh dẫn trên trở thành chìa khóa của tư tưởng tự do, là bước đầu cho tiến trình hướng về giải thoát, niết-bàn. Không có tư tưởng tự do (và tự do tư tưởng), sẽ không bao giờ có giải thoát, niết-bàn. Lý này thật căn bản, ít ra là trên trình tự của nhân quả, nhân tự do mới có thể dẫn đến quả giải thoát.

Thiền phái Lâm Tế đã dùng cách nói quyết liệt và ấn tượng hơn: “Phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ,” nghĩa là hãy vượt qua Phật, vượt qua Tổ. Nói thế nào thì cũng không ngoài tư tưởng tự do, vượt thoát. Tất cả những giáo lý siêu đẳng thượng thừa nào khác từ sau thời kỳ của Phật, cũng đều suy diễn từ đoạn kinh quan trọng trên. Thật hạnh phúc có được một bậc thầy như Người - Đức Phật. Người đã đến thế giới này để mở lối đi cho tất cả. Lối đi ấy ai cũng có thể cất bước, chung bước, nhưng khi chạm đến ngút ngàn đỉnh cao thì không còn con đường, và tất cả mọi thứ đều trở nên tịch mịch, cô liêu, sâu lắng. Những kẻ đồng hành, đồng nguyện, đều tan biến. Không còn ai. Không còn Đức Phật, không còn đạo sư, không còn thần tượng. Kẻ lên đường chỉ một mình trên đỉnh cô phong hiu hắt. Nghĩ gì, nói gì, đều trở thành vô nghĩa.

Có một nguồn hứng cảm vô tận cho những kẻ lữ hành đi qua cuộc đời bằng tâm thức tự do. Nhờ đó, từ đỉnh cao hay vực sâu, từ biển lửa hay ngục tù, từ nơi thôn dã hay chỗ phồn hoa, đều có thể cất lên được tiếng hét, hay chỉ một nụ cười, hay chỉ là sự im lặng, làm rung chuyển cả ba ngàn thế giới.

Giấc thu

- Thích Tánh Tuệ



Mùa thu rong bước trên ngàn
Đừng theo chân nhé, trần gian muộn phiền
Võng đong đưa một giấc thiền
Xua mây xuống đậu ngoài hiên ta bà
Bóng tùng thấp thoáng xa xa
Nghe trong thinh lặng ngân nga chuông chùa

Vàng thu chiếc lá sang mùa
Theo sầu vạn cổ cũng vừa rụng rơi
Nghiêng nghiêng nắng lụa trên đồi
Chiều qua chầm chậm bóng thời gian phai
À ơi, cát bụi miệt mài
Ngủ đi, tâm niệm trần ai phiêu bồng

Như ngày thơ dại giấc nồng
Bên đời có ngọn từ phong vỗ về
Nhân gian nay khép hẹn thề
Sớm mai thức giấc Bồ Đề nở hoa
Trần tâm sương khói nhạt nhòa
Vén màn sinh tử, bước qua ngậm ngùi

Mùa thu dỗ giấc trên đồi
Lay ta tỉnh mộng, một lời Tâm kinh
Thiên thu trôi xuống phận mình
Ơ hay ... muôn kiếp gập ghềnh, là mơ
Trái si mê rụng ơ hờ
Nụ cười lan tận bến bờ ... hạo nhiên

Dùng thiền tâm thay thế phiền tâm

『 Tác giả: Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm 』


Trích từ lời giới thiệu sách:

“... Mặc dù công việc thiên biến vạn hóa, thay đổi nhanh chóng như thế nào, khi có thiền pháp làm phương pháp an định nhân tâm thì dù gặp kẻ có lòng tham, kẻ hay nghi hoặc, ta đều có thể giữ được tâm thiền, trong lòng luôn cảm thấy thanh tịnh, công việc không còn bó hẹp … mà ta sẽ mở ra chân trời mới. Hãy để chúng ta đi bằng thiền tâm, để tinh thần càng sảng khoái hơn. Hy vọng rằng sau khi tất cả các vấn đề được hóa giải bằng thiền tâm thì mọi phiền não trong công việc đều trở thành một phần kiến thức của cuộc sống …”



Danh ngôn (9)

- Tư Mã Ôn Công



Tích lũy vàng để lại cho con cháu, con cháu chưa chắc đã giữ được.
Tích chứa sách vở để lại cho con cháu, con cháu chưa chắc đã học được.
Kế lâu dài cho con cháu không gì bằng tích chứa âm đức ở trong chốn vô hình.



Như nhiên

- Thích Tánh Tuệ



Chiều hôm núi hỏi dòng sông
Sao trôi đi mãi mà không thấy về
Sông bèn róc rách, tỉ tê
Nghìn thu nước đã nguyện thề cùng mây

Rồi mai, mưa xuống đất này
Ấy thì ta lại sum vầy, thế thôi !
Chớ buồn cho cuộc chia phôi
Ngày sau trùng ngộ môi cười đẹp hơn

Vô Thường ấp ủ Chân Thường
Cõi uyên thuở nọ chưa từng vắng nhau
Núi ơi ! Nắng đã phai màu
Dòng thời gian chảy qua cầu vạn niên

Trùng trùng trong cõi nhân duyên
Hẹn nhau dưới cội Chân Nguyên một ngày
Ơ kìa, nước đã thành mây
Mưa rơi trên lá ... chiều nay núi cười

Đến, đi, sinh, diệt … trò chơi
“Bừng con mắt mộng” thảnh thơi sống nhàn