V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Bên cội mai già

- Lam Khê

Tôi giật mình thức giấc khi nghe tiếng chim hót líu lo líu rít bên ngoài: “Ôi ! Tiếng chim hót ở đâu, sao giống miền quê mình đến thế ...”, vươn vai đứng dậy, tôi nói trong tiếng ngáp dài rồi chợt im bặt lại khi kịp nhớ ra ... đây chẳng phải là những nơi mà mình từng đến từng đi trong suốt mấy chục năm qua.

Phải rồi. Tôi đang trở lại với ngôi chùa của mình. Ngôi chùa của ngày xưa. Trở lại khi tất cả cảnh vật và thời gian đã quá nhiều thay đổi. Ngôi chùa sau mấy lần tu sửa, bây giờ là một ngôi bảo điện với những nét hoa văn kiến trúc thời hiện đại. Tuy vị Sư huynh đáng kính cố gắng bảo tồn vài di tích cũ mà cũng không thể làm gì hơn được. Người nói với vẻ nuối tiếc trong ngày đầu tiên tôi trở về:

- Sư huynh muốn giữ lại mấy cây cột kèo nơi chánh điện, nhưng mối mọt đã đục khoét gần hết. Mấy cây cột Thầy và mấy huynh đệ đã vào rừng đốn về. Kỷ niệm của một thời. Cũng là tâm huyết của Thầy mình ngày ấy ...

- Thôi Sư huynh ạ ! - Tôi buột miệng ngắt lời - Những cột gỗ non đó làm sao có thể chống chọi mãi với thời gian. Con người còn không thể giữ được nữa là ...

Sân chùa còn lại cội mai già được vun đắp thêm bởi lớp đất đen xốp và bao bọc bằng những viên gạch thẻ để giữ gốc. Cây mai này Sư phụ mang về trồng từ hồi con đường đến chùa còn là lối mòn quanh co đi qua các xóm nhà lá thưa thớt. Trải bao phong sương tuế nguyệt, gốc mai như được tiếp sức thêm từ hơi ấm và khí lạnh của lòng đất nên càng to gốc lớn cành. Đây là di vật của Thầy mà Sư huynh còn giữ. Sư huynh đã giữ được nhiều thứ. Bởi chỉ có người là còn ở lại nơi này, là chứng nhân duy nhất cho bao lớp người đi qua và một thế hệ người đang còn hiện hữu.

Đi bách bộ ra sân, hít thở không khí trong lành buổi sáng, tôi cảm nhận rõ sự sảng khoái sau một đêm dài ngon giấc. Sân trước vang lên tiếng chổi quét cùng tiếng cười nói của mấy chủ Tiểu ở chùa. Đâu đó còn đọng lại chút hình ảnh thân quen ngày nào. Cảnh vật và con người mặc nhiên tươi tắn như nắng sớm buổi ban mai còn ướt đẫm sương trời. Rồi mai này nắng sẽ lên cao, cỏ cây rồi sẽ lớn. Mưa nguồn và cát gió sẽ vun mầm cho những thân cây non vươn lên hấp thụ tinh khí mặt trời mà xanh mầm trổ quả. Nhưng đã có lúc, gió bão nơi vùng quê hương đã đẩy mỗi người con Phật đi về một phương trời. Nơi bến bờ xa thẳm, lòng người ra đi vẫn còn lưu giữ chút hồn quê đọng lại bên mái hiên chùa.

Một cảnh chùa nghèo yên tĩnh nơi vùng đất còn hoang hóa. Ngày ngày mấy thầy trò vào rừng chặt tre nứa cắt cỏ tranh. Sau đó lại ì ạch đèo về bằng xe thồ để làm cột chùa cất mái lá. Chùa mới thành lập mà chúng điệu cũng ngót nghét gần hai chục. Mấy Sư huynh lớn có thể phụ giúp Sư phụ làm vườn trồng lúa trồng khoai, lo tất mọi việc trùng tu xây dựng. Tôi và cả chục chú đồng trang lứa, tuổi đời mới lên tám lên mười, ăn chưa no lo chưa tới, thì được Thầy cho đi học văn hóa trường làng. Trường ở ngoài xóm chợ, hằng ngày phải lội bộ gần nửa giờ mới tới. Có hôm trời mưa lớn, đường đi ngập lụt. Sư phụ bảo Sư huynh chở đến lớp. Chiếc xe đạp sườn ngang, gắn yên xe thồ phía sau để tiện việc chuyên chở bắp đậu ra chợ đổi gạo. Sư huynh đặt tôi ngồi ở sườn trước, phía sau đèo thêm hai chú nhỏ nữa. Xe chạy phăng phăng qua mấy vũng nước lầy lõm. Sình đất văng đầy, hai chú ngồi sau lãnh đủ. Gặp mấy đoạn cua gấp, hay phải tránh các chướng ngại vật, Sư huynh bèn đưa thẳng chân phải lên ngay bánh trước để thắng lại. Loại xe này thường không gắn thắng và cũng chẳng có chắn bùn. Thế là kẻ ngồi trước mặc sức hứng lấy những tia nước đục ngầu bắn lên tung tóe. Phải như ngày ấy người ta tổ chức giải đua xe đạp đường lầy, chắc thế nào Sư huynh tôi cũng giật được thứ hạng cao nhất. Chỉ tội cho chúng nhỏ đi học mà mặt mày lúc nào cũng lem luốc, áo quần thì bê bết lấm bùn, nom chẳng ra dáng một học sinh tí nào.

- Ngày ấy chúng mình hành điệu thật kham khổ vất vả, nhưng cũng có nhiều kỷ niệm vui, Sư huynh hỉ ?

- Ừ ! Thiếu thốn mọi thứ. Ăn thì chỉ nước tương với rau hái ngoài vườn, mà cơm chẳng no lòng, nói chi đến quà vặt trái cây. Mặc thì chỉ được vài bộ vải thô sơ, lại chẳng mấy lúc được lành lặn sạch sẽ. Vậy mà cảnh thiền môn vẫn tràn đầy tiếng cười nói ý vị. Mọi người vẫn hồn nhiên vui, hồn nhiên sống một đời an bần lạc đạo. Nếp sống thanh bạch chẳng khác gì cây cỏ giữa rừng xanh, chỉ nhờ hấp thụ tinh khí của đất trời mà sanh sôi nảy nở.

- Sư huynh nói chuyện văn vẻ và có ý vị ghê. Ngày xưa Thầy nhìn người quả không lầm mà. Biết ngày sau huynh sẽ kế thừa tông phong, làm rạng danh Đạo pháp nơi quê nhà.

Sư huynh cười sau cái lắc đầu nhẹ nhàng tế nhị. Vẫn nụ cười hiền khô như ngày nào. Nụ cười hàm chứa bao vẻ thân tình dễ dãi. Người huynh trưởng luôn là niềm kỳ vọng tin tưởng của Sư phụ, lại luôn sống cần kiệm hài hòa và hết lòng thương yêu huynh đệ. Mà những sư đệ của người thì phần nhiều tâm hồn còn trẻ con nên ưa thích chuyện vui đùa nghịch ngợm, do đó mà không ít lần gây phiền lụy đến người anh cả. Những “sự cố” về thời hành điệu thì nhiều vô kể, nhưng tôi vẫn nhớ sự kiện trốn Thầy đi xem hát vào một đêm trăng Rằm. Hôm ấy có gánh cải lương về đình. Chúng tôi thích đi xem, nhưng sợ Sư phụ nghiêm khắc không dám xin. Đến tối sau giờ tụng kinh, Sư huynh bảo: “Mấy chú cứ giăng mùng, bỏ đồ đạc tập vở vào đó rồi đắp chăn lên, giả như đang nằm ngủ. Huynh sẽ mở cửa cho đi và canh chờ lúc mấy chú về”. Quả là cao kiến. Hôm ấy đèn nhà Tổ vẫn để sáng. Như thường lệ, Sư phụ đinh ninh Sư huynh ngồi học bài với huynh đệ nên không xuống tuần tra. Mọi việc diễn ra thuận lợi. Nào ngờ sáng hôm sau, Thầy gọi tất cả lên tra hỏi ai bày ra cớ sự trốn đi xem hát hồi đêm. Sư huynh đứng ra chịu hết trách nhiệm và xin Thầy tha cho mấy sư đệ ... Lại có lần tôi và điệu Tri chơi giỡn làm bể chậu hoa sứ. Chúng tôi sợ hãi chưa biết làm thế nào, thì thấy Sư huynh đã mặc áo tràng bước vào hậu liêu xin nhận tội với Sư phụ do mình tưới cây sơ ý làm rớt chậu hoa mà người rất yêu quý ...

Đệ nhớ nhiều chuyện thật. Huynh thì chỉ nghĩ làm sao huynh đệ mình có được một ngày hội tụ. Mọi người có những giây phút tâm tình cùng ôn cố tri tân. Nhắc lại chuyện xưa để nhớ tưởng bao ân đức các bậc Tôn sư khai sáng và cũng là nhắc nhở sách tấn cho đàn hậu học … Mấy ngày trở về, huynh đệ cứ luôn miệng nói đến cây mai già - kỷ vật của Sư phụ và cũng vì mùa xuân sắp về rồi. Cây mai có tuổi thọ đã hơn ba mươi năm rồi chứ ít gì. Mỗi năm gốc càng to thì nhánh tán càng vươn rộng, hoa nở càng nhiều. Tôi chưa từng thấy và cũng không ngờ chùa quê mình còn có cây mai đẹp như vậy. Hồi đó, cứ mỗi lần lặt lá mai tôi lại hỏi Thầy: “Sao mùa đông mà cây mai không tự rụng lá như mấy cây khác để mình phải mất công lặt, mất công chờ đúng ngày nó mới chịu ra hoa”, Sư phụ cười rồi phân tích theo lập luận của mình:

- Đó là đặc tính của giống mai đấy. Vì nó là cây sống nơi vùng nhiệt đới, không từng nếm trải cái rét buốt của mùa đông, nên quanh năm lá cứ xanh, bất chấp thời tiết nắng mưa thay đổi. Hoa chỉ nở trong mấy ngày xuân, khi lá đã được lặt sạch chỉ đủ cho con người thưởng thức trong lúc nhàn hạ vui xuân này. Sau đó những mầm lá non nhú lên, thân mai lại có một cuộc sống mới. Mỗi năm người ta có thể chiết cành lá đem đi khắp nơi. Nhưng cội mai già vẫn sống, vẫn vươn cành trổ nhánh, chờ đợi một lần trổ hoa khác, một mùa xuân khác trở về.

Khi xa hẳn mái chùa tôi mới có dịp nghiền ngẫm lại những lời Thầy dạy về sự sống của cây mai. Ôi ! Lòng Thầy và mảnh đất một thời sỏi đá đã dưỡng nuôi biết bao mầm xanh thơ dại. Thời gian dài giúp cho cội rễ càng đâm sâu vào lòng đất, thì nhành lá cũng mặc sức vươn cao. Khi chu kỳ đến ... cây mai lại lan tỏa chút hồn khí trinh nguyên để cho trời đất kịp bước sang mùa đơm hoa thay lá.

- Huynh đệ mình ngồi đây thưởng thức chén trà sớm đi.

Chú tiểu bưng ra bộ tách trà và bình nước nóng đặt trên chiếc bàn đá, bên gốc mai già. Tôi ngồi xuống đối diện, lặng lẽ nhìn Sư huynh châm trà ra tách. Từng cụm khói bay lên, lan nhẹ vào không gian chút xuân tình ý vị … Hằng năm Tết đến, Sư huynh có thể cắt và tỉa ra mấy chục nhánh mai. Đem cắm trên chùa, nhà Tổ, phòng khách và cho khắp cả xóm. Cành lá cứ vẫn xum xuê như vậy đấy. Hồi mới làm chùa lại thì gốc mai chưa lớn lắm mà đã có người tới hỏi mua. Nhưng huynh nhất định không bán. Dưới cội mai này, để huynh đệ về thăm có chỗ ngồi lại uống trà đàm đạo. Nhành lá có thể cho, còn gốc thì không thể bứng. Đó là lời Sư phụ từng dạy. Gốc rễ còn thì còn tất cả. Người tu sĩ mình đi hành hóa muôn phương, nhưng không thể quên nguồn cội tâm linh ... với nơi mình đã từng gieo lên những hạt mầm niềm tin và trí huệ ban đầu.

Một cuộc hành trình mới đi hết hơn nửa đoạn đường, một chén trà sớm còn chưa vơi cạn đáy, rồi đây cũng sẽ vụt qua nhanh như mọi vết mờ quá khứ. Những gì còn đọng lại không gì hơn là tình sư môn nghĩa đạo mầu ... trải qua năm tháng vẫn ấm áp như ánh xuân hồng bên cội mai vàng tươi sắc thắm.

Nét xuân khai

- Thích Tánh Tuệ



Thầm lặng xuân về lúc nửa đêm
Lay giọt sương khuya đọng trước thềm
Đánh thức cội Mai già hé nụ
Khẽ khàng xuân bước nhẹ êm êm

Lành lạnh xuân về giữa kiếp mơ
Hồn ai mây nước lặng như tờ
Cũng nghe gờn gợn niềm rung cảm
Có phải xuân lòng nở đóa thơ

Nhè nhẹ xuân về theo gió Đông
Về trong ánh mắt Mẹ mênh mông
Đốt làn hương nguyện cùng sông núi
Xuân đến bình an khắp đại đồng

Dìu dịu xuân về trong nắng mai
Qua rồi tăm tối những bi ai
Xuân sang tô thắm màu hoa cũ
Rạng nét môi cười giữa đổi thay

Trầm lặng xuân về theo tiếng chuông
Hòa theo tiếng mõ quyện làn hương
Có người tỉnh giấc xuân trần mộng
Rũ áo phong sương ... dưới Cội Nguồn

Cửa thiền chúc xuân

- Thích Tánh Tuệ



Ngày xuân gặp bạn lên chùa
Chúc nhau gì nhỉ, cho vừa lòng nhau
Tay sen kết nụ xuân đầu
Dâng hương trước Phật, nguyện cầu muôn sinh

Chúc cho em vững niềm tin
Để xua thất vọng khi ... nhìn xung quanh
Chúc cho anh đủ nhiệt thành
Tàn đông, Mai đã đầy cành xuân sang
Chúc cho trăm họ bình an
“Đá mềm chân cứng” lúc gian nan đời
Chúc cho chị đẹp nụ cười
Dù người thi thoảng nói lời buồn tênh
Chúc cho nhau biết bỏ, quên
Tính toan, hiềm, hận ... lòng bền với nhau
Chúc mình biết “sống trước, sau”
Nhẹ nhàng vật chất, vẹn câu nghĩa tình
Chúc ta biết đến hy sinh
Cái tôi biến - hiện qua hình trái tim
Chúc cho nhau ít muộn phiền
Hiểu và trân quí, bình yên mới là
Chúc cho đời, đạo thăng hoa
Giữa vô thường vẫn hoan ca ngọt ngào
Chúc người trong cõi chiêm bao
Lắng nhìn tỉnh thức nhiệm mầu đơm hoa


Xuân này hơn hẳn xuân qua
Mấy lời tâm chúc ... thay quà tân niên
Hoa Yêu Thương nở trước thềm
Mơ xuân Hạnh Phúc khắp miền nhân gian

Chú Tiểu cầu Phật đầu xuân

- Sưu tầm



Chú Tiểu:

- Con cầu Phật phù hộ những người thân cùng bạn hữu của con mãi mãi được khỏe mạnh và hạnh phúc.

Phật nói: “Chỉ cho 4 ngày thôi !”

Chú Tiểu:

- Thế thì xin Phật cho họ được khỏe mạnh và hạnh phúc trong những ngày mùa xuân, những ngày mùa hè, những ngày mùa thu và những ngày mùa đông.

Phật nói: “Chỉ cho 3 ngày thôi !”

Chú Tiểu:

- Nếu chỉ được ba ngày thì con xin họ được khỏe mạnh và hạnh phúc trong ngày hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai.

Phật nói: “Chỉ cho 2 ngày thôi !”

Chú Tiểu:

- Như vậy con xin cho họ được khỏe mạnh và hạnh phúc trọn ngày hôm nay và ngày mai.

Phật nói: “Chỉ cho 1 ngày thôi !”

Chú Tiểu:

- Vâng, cũng được.

Phật thắc mắc hỏi: “Như vậy là ngày nào ?”

Chú Tiểu đáp:

- Con xin cho họ được mạnh khỏe và hạnh phúc từng ngày.

Phật mỉm cười.

Trà đạo cuối năm

- Tuệ thiền Lê Bá Đôn



Không thể níu những lợi danh trần thế
Thì nhâm nhi hương vị của phù vân
Thân chớm mỏi … không dung cơn túy lúy
Nhấp chum trà lãng đãng chút tình xuân

Trà cuối năm không ai người đối ẩm
Ta nỗi-niềm-bạn-lữ với mười phương
Chút yêu mến cũng ấm lòng tri túc
Giữa phù vân thấp thoáng những thân thương

Ta dốt đặc cái lễ nghi trà đạo
Nên nhâm nhi rất dân dã, rất thiền
Như cái thuở chưa phân chia trời đất
Gã tục phàm thi phú với thần tiên

Chum trà đạo cho lòng trần bớt tục
Để sáng mai, năm mới trọn tâm hồn
Tận nhân lực và biết tri thiên mệnh (*)
Trân trọng mình – cảm tạ cả càn khôn

————

(*) Thiên mệnh: đại luật vận hành của vũ trụ

Ông Đồ

- Vũ Đình Liên



Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy Ông Đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu ?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu

Ông Đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy Ông Đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?

Ngồi lại với mùa xuân

- Thích Tánh Tuệ



… Có khi mùa xuân cũng giống như tình yêu và hôn nhân của kiếp người vậy, khi chưa cưới thì đối tượng đẹp một cách lạ lùng và con người ta trông chờ đến ngày cưới với hy vọng sau đó cuộc đời càng thêm hạnh phúc, thế nhưng phần nhiều sau ngày cưới thì ... mọi người biết hết cả rồi !

Theo Thầy, thời điểm này cho tới đêm 30 mới thực sự gọi là Tết. Sự chuẩn bị, cái trông chờ Tết nó thi vị hơn Tết nhiều, sau buổi chiều mùng 1 thì Tết đã dần phai, nhưng thế nhân không muốn đối diện điều đó, người ta muốn Tết kéo dài nên có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, để cảm giác rằng mùa xuân còn tươi mãi.

Ở đây là xứ Cà Ri, “nếu Mai không nở thì ... Sư đâu biết xuân về hay chưa”, có lẽ mùa xuân thực sự của Thầy nơi đây là ngồi lại lắng nghe nhịp đập của tim mình, lòng không mơ mộng về một ngày mai xa xôi, không hoài niệm và vướng bận về dĩ vãng ... để chỉ nghe lượng đất trời đang hé mở, chan hòa, và tuệ tri một điều rằng, không phải Tết về thì mình mới thực sự có mùa xuân. “Xuân trong ta” là mùa xuân bất diệt, một mùa xuân đích thực mà bất cứ ai cũng không phải nhọc công tìm.

“Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai” (Mãn Giác Thiền Sư)

Những điều bạn nhất-thiết-không-được-làm vào ngày đầu năm mới

- Tổng hợp



Tết đến, có hàng trăm phong tục cổ truyền đẹp đẽ được lưu giữ từ ngàn xưa. Bên cạnh đó, cũng có những điều kiêng kỵ mà tuyệt đối bạn không được làm trong những ngày đầu năm.

1. KIÊNG QUÉT NHÀ

Dân gian cho rằng, nếu quét nhà trong ba ngày đầu năm thì cả năm gia đình sẽ nghèo túng, khánh kiệt, thần tài đi mất, tiền bạc không đến được với gia đình và hiển nhiên nó mang lại điềm xấu, không may mắn.

Có điều kiêng kỵ trên là do theo một điển tích xưa, có người lái buôn tên là Âu Minh. Khi ông đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần thương ban cho một người hầu tên là Như Nguyệt. Từ ngày thương gia này đem Như Nguyệt về nuôi, trong nhà làm ăn phát đạt, chỉ vài năm là giàu to. Một hôm Như Nguyệt phạm lỗi, Âu Minh không kiềm được cơn giận đã ra tay đánh cậu bé. Như Nguyệt hoảng sợ chui vào đống rác và biến mất, từ đó nhà Âu Minh làm ăn sa sút, buôn bán không được nên nghèo kiết xác. Dân làng cho đó là một vị thần mang lại sự giàu có mà nhà Âu không biết quý trọng. Kể từ đó mọi người kiêng không dám quét nhà đổ rác trong mấy ngày Tết.

2. KIÊNG MẶC QUẦN ÁO MÀU TRẮNG, ĐEN

Theo quan niệm của người xưa, mùa xuân phải rực rỡ sắc màu thể hiện sức sống vạn vật và con đàn cháu đống, nên đầu năm thì phải mặc trang phục màu sắc sặc sỡ (hồng, đỏ, vàng, xanh ...), tạo nên sự hứng khởi tươi vui. Chính vì vậy các màu tẻ nhạt u trầm thường không nên mặc, đặc biệt hai màu trắng và đen là màu của tang lễ, chết chóc, bị kiêng triệt để.

3. KIÊNG KHÓC LÓC, BUỒN TỦI, BỰC TỨC

Điều này thật dễ hiểu, vì đây là những hành động không hay mà bất cứ ai cũng không muốn làm vào dịp Tết. Nhưng nếu bất đắc dĩ phải rơi vào hoàn cảnh không vui, chúng ta nên cố gắng kìm chế để hưởng thụ một năm mới trọn vẹn niềm vui bên người thân, bạn bè, gia đình. Và đặc biệt trong ngày Tết nếu ai khóc, buồn bã và bực tức thì cả năm sẽ phải khóc, có nhiều chuyện buồn, lo lắng, suy nghĩ. Vì thế người ta kiêng kỵ điều này để tránh gặp phải xui xẻo cả năm.

4. KIÊNG ĐÁNH THỨC NGƯỜI KHÁC TRONG NGÀY MÙNG MỘT TẾT

Gặp trường hợp đi chúc Tết nhà người ta, muốn dành lời chúc cho người đang ngủ nhưng không thể đợi lâu, tốt nhất là vị khách nên chờ dịp khác chứ không được đánh thức anh ta dậy. Không chỉ khách, ngay cả người nhà cũng không nên đánh thức ai trong ngày này, mà phải để người ta tự dậy. Nếu không, người nằm ngủ đó sẽ phải chịu sự thúc giục của người khác trong công việc quanh năm.

5. KIÊNG VỀ NHÀ NGOẠI VÀO NGÀY MÙNG 1, 4, 5 TẾT

Theo tục lệ xưa, con gái và con rể chỉ được về nhà ngoại chúc Tết vào mùng 2 hoặc mùng 3, kiêng các ngày mùng 1, mùng 4 và mùng 5. Nguyên nhân là ngày mùng 1 họ có nghĩa vụ phải tỏ lòng hiếu thảo với bố mẹ, tổ tiên họ nội. Ngoài ra còn có quan niệm rằng phải về nhà vợ vào những ngày kể trên thì mới đem lại vận may cho gia đình bên ngoại.

6. KIÊNG GIẶT QUẦN ÁO NGÀY MÙNG 1, MÙNG 2

Theo tín ngưỡng dân gian, hai ngày đầu năm là ngày sinh của thủy thần nên cần kiêng giặt quần áo để không mạo phạm đến thần, dẫn đến gặp xui xẻo.

7. KỴ VAY MƯỢN, TRẢ NỢ NGÀY ĐẦU NĂM

Chỉ trong hoàn cảnh túng thiếu hoặc cấp bách, người ta mới nghĩ đến chuyện vay mượn tiền bạc hoặc đồ dùng của người khác. Và đây là vấn đề khá tế nhị mà người Việt luôn quan tâm, chú ý để tránh mất lòng nhau. Người xưa dạy, không nên vay hoặc cho tiền bạc, đồ đạc vào những ngày đầu năm mới vì sẽ khiến gia đình rơi vào cảnh túng thiếu cả năm. Điều kiêng kỵ này xuất phát từ quan niệm ngày đầu xuân con người mở cửa để đón lộc vào nhà, còn nếu cho mượn hoặc trả giống như “dâng” tài lộc vào tay khác.

8. KIÊNG CHO NƯỚC, LỬA

Thật không may cho nhà ai mùng 1 Tết có người đến nhà xin lửa, xin nước. Vì mùng 1 Tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình. Bởi theo quan niệm xưa, lửa có màu đỏ, màu mang lại may mắn đầu năm mới. Cho lửa là cho đi cái đỏ, cái may mắn trong năm mới sẽ khiến gia đình không giữ được tiền bạc, trong nhà sẽ gặp nhiều điều xui rủi, ra đường hay gặp tai vạ. Ngoài ra, cũng kiêng cho nước đầu năm vì nước vốn được ví như nguồn tài lộc trong câu chúc: “tiền vào như nước”. Thường thì trước khi bước sang năm mới, ở nông thôn nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại. Từ trong tâm thức người ta tin rằng, năm mới đến sẽ đem theo của cải nhiều như nước.

9. KIÊNG LÀM VỠ CÁC ĐỒ VẬT

Ông bà ta quan niệm, từ vỡ/bể là những từ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa từ những vật dụng trong nhà cho đến các mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Đó thật sự là những điều không tốt và không ai mong muốn xảy ra trong đầu năm mới. Do đó, người già thường khuyên con cháu trong những ngày này phải cẩn thận, không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén … sẽ khiến gia đình chia rẽ, bất hòa.

10. KIÊNG ĂN ĐỒ ĂN “XUI”

Ngày đầu năm, người Việt không ăn những món như thịt vịt, cá mè, thịt chó vì theo quan niệm đó là những món ăn không tốt cho năm mới. Ngoài ra, một số vùng không ăn tôm vì sợ ... đi giật lùi như tôm. Nếu ăn trong ngày Tết, công việc sang năm sẽ lùi chứ không thể tiến tới. Ở miền Bắc có một số nơi cầu may năm mới bằng việc ăn cá chép – loài cá vượt vũ môn hóa rồng. Nếu ăn cá chép trong ba ngày đầu năm mới thì trong năm đó sẽ được hanh thông trong chuyện học hành, thăng tiến. Tuy nhiên, nhằm tăng sự may mắn, người ta tránh ăn phần đuôi, để luôn có dư thừa, tích lũy của cải trong năm mới, chứ không chỉ đủ ăn đủ mặc.

11. KIÊNG NÓI NHỮNG ĐIỀU “XUI”

Những phát ngôn đầu năm sẽ có ảnh hưởng đến những chuyện sẽ xảy ra trong năm. Vì vậy, không nên nói những từ xui xẻo như “chết mất”, hay “tiêu rồi”, “hỏng rồi” … Đó là những từ không may mắn, thay vào đó bạn nên nói chuyện với mọi người bằng những từ ngữ dễ chịu, vui vẻ, và những câu mang lại may mắn không chỉ cho bản thân mà cho cả người xung quanh mình.

12. TRÁNH CÃI VÃ NGÀY ĐẦU NĂM

Đầu năm dù là những người đã có cãi vã, xích mích từ trước thì cũng tránh va chạm gây bất hòa. Trong gia đình mọi người cũng vui vẻ, giữ hòa khí để cả năm vui vẻ, đoàn kết. Những ngày này dù trẻ nhỏ có nghịch ngợm, phạm lỗi thì người lớn cũng chỉ cười xòa bỏ qua, chứ không mắng mỏ, lớn tiếng.

Xuân trên xứ Phật

- Thích Tánh Tuệ



Xuân trên xứ Phật không Mai nở
Đâu biết mùa xuân nữa lại về
Sáng nay ... ngồi đếm từng hơi thở
Nghe lòng gờn gợn ... chút xuân quê

Thoáng đã mười năm trên đất Phật
Nào thấy Mai, Đào khoe sắc xuân
Mùa đông buốt lạnh còn say giấc
Nên ngỡ ngày xuân vẫn mịt mùng

Khuya ba mươi Tết không nghe pháo
Nửa đêm đồng vọng tiếng chuông chùa
Ngoài kia làng mạc mờ hư ảo
Ôi đời ... chìm đắm mãi trong mơ

Thuở còn thơ dại chờ xuân đến
Bấm đốt bàn tay tính mỗi ngày
Nay quá nửa đời, thôi ngóng đợi
Mà từng xuân đến vội, không hay

Dòng đời vẫn miệt mài trôi mãi
Xua buổi xuân thì đi rất xa
Đưa tay níu áo thời gian lại
Quay mặt, người ơi … một tuổi già

Xuân về, xuân cứ khoe hoa thắm
Cửa thiền yên lặng ngắm xuân sang
Hương xuân nhân loại hồn say đắm
Nên nẻo hoàn nguyên bước lỡ làng

Đầu năm, pha một chum trà nhạt
Đốt nén trầm hương cúng Phật Đà
Dâng chút “lòng thành” tuy “lễ bạc”
Cùng Người, con tiễn một năm qua

Dẫu biết xuân về trong cõi mộng
Vẫn nguyện đời an lạc, thái bình
Vén rèm xuân thấy đời hư vọng
Quay về Tỉnh Thức, dứt phiêu linh

Các ông tam đa “Phúc-Lộc-Thọ” là ai và có ý nghĩa gì ?

- Theo Trí Thức trẻ

Tam Đa là biểu tượng tốt đẹp mà con người luôn muốn có với hy vọng mang lại may mắn, sức khỏe và tài lộc. Nhưng câu chuyện và ý nghĩa về Tam Đa thì ít người biết đến.

I. Sự tích Tam Đa (có tới hai sự tích về Tam Đa)

1. Vua Nghiêu và ba lời chúc

Câu chuyện về vị vua yêu dân như con, nhân dịp tiết xuân đã đi thưởng ngoạn nhằm hiểu thêm về nhân tình thế thái. Đi đến đâu, Hoàng Đế cũng nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dân. Nhân dân đã chúc tụng nhà vua ba điều:

Một là, kính chúc nhà vua trường thọ, vua Nghiêu không nhận. Nhân dân lại nói điều hai, xin cầu chúc nhà vua thật phú quý, nhiều lộc, nhà vua cũng từ chối và nói tránh đi. Nhân dân lại chúc tiếp điều thứ ba, chúc nhà vua sinh nhiều con trai, tỏa phúc ấm cho cả hoàng tộc. Vua Nghiêu vẫn không chấp nhận mà thay mặt triều đình ban những lời chúc tụng đó thành ba điều chúc: “đa phúc, đa lộc, đa thọ”, gọi là “TAM ĐA” cho cả trăm họ.

Vị vua anh minh và thương dân đã không dám nhận những điều tốt đẹp cho riêng mình mà biến nó thành lời chúc danh cho trăm họ. Từ đó, Tam Đa trở thành lời chúc nhau trong những ngày tết đến, xuân sang. Từ đó có tượng ba ông “Tam Đa”.

2. Tam Đa xuất phát từ ba nhân vật có thật. Hình tượng Phúc-Lộc-Thọ xuất phát từ ba con người có thật ở ba triều đại phong kiến Trung Quốc:

● ÔNG PHÚC

Ông Phúc tên thật là Quách Tử Nghi. Thừa tướng đời nhà Đường. Ông xuất thân vốn là quý tộc, sở hữu hàng trăm mẫu ruộng lớn, nhưng suốt cuộc đời ông lại tham gia triều chính. Ông sống rất liêm khiết, thẳng ngay, không vì vinh hoa phú quý mà làm mất nhân cách con người. Ông là một vị quan thanh liêm nên cũng nghèo. Đổi lại nhà ông ngũ đại đồng đường, con cháu đề huề. Lúc ông mất, con cháu năm đời đều có đủ. Năm 83 tuổi, ông và vợ cũng “ra đi” cùng lúc, rồi được con cháu hợp táng.

● ÔNG LỘC

Ông tên thật là Đậu Tử Quân, làm quan đến chức Thừa tướng nhà Tấn. Nhưng ông Đậu Tử Quân là một quan tham. Ông hưởng không biết bao nhiêu vàng bạc, châu báu, của đút lót của những kẻ nịnh thần, mua quan, bán tước, chạy tội cho chính mình, cho con, cho cháu, cho thân tộc. Trong nhà ông, của cải chất cao như núi. Nhưng điều ông thiếu lại là cháu đích tôn. Do vậy ông lo nghĩ buồn rầu sinh bệnh mà chết. Trước khi chết, ông cũng không nhắm được mắt. Ông than rằng: “Lộc ta để cho ai đây ? Ai giữ ấm chân nhang cho tổ tiên, cho bản thân ta ?”

● ÔNG THỌ

Ông Thọ tên là Đông Phương Sóc, làm Thừa Tướng đời Hán. Triết lý làm quan của ông Đông Phương Sóc là quan thì phải lấy lộc. Không lấy lộc thì làm quan để làm gì. Ông coi “buôn chính trị” là buôn khó nhất, lãi to nhất. Nhưng ông Đông Phương Sóc vẫn là quan liêm. Bởi ông nhất định không nhận đút lót, ông chỉ thích lộc của vua ban thưởng. Ông thọ đến 125 tuổi. Nên người đời mới gọi ông là ông Thọ. Khi chết thì chỉ có đứa chút bốn đời lo tang ma, còn cháu chắt chết hết cả.

II. Ý nghĩa của Tam Đa

Sau câu chuyện, chúng ta thấy rằng con người thường khó được viên mãn. Được cái này lại mất cái kia, ba ông Tam Đa cũng chính là ba điều ước mong lớn nhất mà mỗi người đều khao khát, nhưng dù vậy mỗi ông cũng chỉ có một điều viên mãn.

Lưu ý rằng câu chuyện Tam Đa không có ý nói chúng ta học những tính xấu như ăn hối lộ, sống buông thả, hám sắc ... mà rút ra bài học cho riêng mình để lựa chọn cách sống phù hợp. Làm quan mà chỉ lo vơ vét cho giàu có, để rồi chết cô đơn như Đậu Tử Quân, hay xu nịnh, hám sắc như Đông Phương Sóc thì lộc để làm chi, thọ để làm gì ? Tiền của lắm, thọ lâu dài trong sự khinh bỉ của người đời thì liệu bạn có muốn chăng ? Hay cứ tranh đua lợi lộc mà gây phương hại cho những người xung quanh thì liệu lộc của bạn có lâu bền ? Chi bằng cứ sống cho tốt, cho đúng đạo làm người thì lộc tự dưng sẽ đến.

Quan niệm về thọ ngày nay không chỉ là sống lâu, mà còn phải sống vui vẻ, lành mạnh, sống có ích, chứ lấy âm dưỡng dương như Đông Phương Sóc thì không an toàn cho sức khỏe của bản thân và gia đình. Hạnh phúc là do mình tạo ra, hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng. Tam Đa được gắn liền không tách rời chính là biểu tượng bù trừ, cộng hưởng cho nhau. Chính là điều mà mỗi người đều khát khao đạt được.

Nụ cười “kiêng” tất niên

- Thơ vui ngày Tết



I.
Tết đến nhà kia đủ thứ kiêng
Sắm chi cũng sợ gánh ưu phiền
Mua CHUỐI, sợ làm ăn khó “ngóc”
Mua LÊ, sợ mách lẻo xóm giềng
Mua BOM, sợ suốt năm toàn “nổ”
Mua XOÀI, sợ thiếu thốn triền miên
Mua CAM, sợ âm thầm chịu đựng
Mua TÁO, sợ rồi … bón cả niên
Ô hô ! Đã vậy đừng sắm sửa
Trụi lủi trụi lơ, khỏi tốn tiền

II.
Năm nay bàn cúng Tết trống không
Chỉ cần ... dĩa MỨT với bình BÔNG
DƯA thì em sợ ... dây dưa mãi
Bánh TÉT, ôi chà ... rách cả năm
Xin XĂM chắc phải nên kiêng cữ
Vì ngại năm mới bị ... xâm xoàng
SẦU RIÊNG lại càng không dám rớ
MĂNG CỤT kẹt lối chẳng hanh thông
Cũng cần kiêng cữ trái THANH LONG
Bởi lo vận số sẽ long ... đong
Trái TẮC lại càng nên kiêng đấy
Bế tắc mọi điều xui cả năm
Bánh ÍT không được ăn ngày Tết
Tiền chẳng vào lưng lấy một đồng

Xuân đến Xuân đi, ba ngày Tết
Đỡ lo bánh trái, mừng ra phết
Thôi thì em chưng HOA với QUẢ
CẦU, DỪA, ĐỦ, XOÀI ... hỏi được không ?

Pháp ngữ (2)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Nếu bạn cứ nhìn thấy lỗi lầm của kẻ khác hoài thì bạn vẫn còn khổ. Nếu bạn đã hết khổ thì bạn nhìn ai cũng thấy họ là Phật.

Muôn vật từ duyên sinh lại từ duyên mà diệt

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương XXVIV, Thích Nhất Hạnh

Trong thời gian ấy, nhiều người có đạo tâm tìm đến với Bụt để xin xuất gia. Đa số là những thanh niên tuấn tú. Những vị khất sĩ giỏi làm phụ tá cho Bụt đã có nhiều, nên việc tiếp nhận và giảng dạy các vị khất sĩ mới đều được họ phụ trách. Con trai và con gái các nhà lành tìm đến Rừng Kè để xin quay về và nương tựa nơi tam bảo cũng rất đông. Có một hôm, sau lễ quy y của gần ba trăm người trẻ tuổi, đại đức Kondanna giảng cho người này về ba viên ngọc quý. Ba viên ngọc quý này là Bụt, Pháp và Tăng. Khất sĩ Kondanna là vị đệ tử đầu tiên đã thực chứng đạo Tỉnh Thức. Đại đức dạy:

- Bụt (Buddha) là người tỉnh thức, và là người tỉnh thức cao độ. Người tỉnh thức biết được và thấy được chân tướng vũ trụ và cuộc đời. Vì vậy người tỉnh thức không còn bị ràng buộc vào ảo vọng, sợ hãi, giận hờn và tham đắm. Người tỉnh thức là người tự do, có đầy đủ an lạc, có đầy đủ tình thương và sự hiểu biết. Bậc đại sa môn Gotama, thầy của chúng ta, là một bậc tỉnh thức hoàn toàn. Người là kẻ chỉ đường cho tất cả chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi thế giới ảo vọng để trở nên những người tỉnh thức. Mỗi người trong chúng ta đều có tính Bụt (Buddhata) trong lòng, và vì vậy ai cũng có thể trở thành người tỉnh thức như Bụt. Tính Bụt này là khả năng tỉnh thức, khả năng vượt thoát ảo vọng. Nếu chúng ta tu tập theo đạo lý tỉnh thức thì chúng ta làm cho tính Bụt trong ta mỗi ngày mỗi sáng và một ngày kia chúng ta sẽ cũng sẽ đạt được tự do và an lạc hoàn toàn như Bụt. Bụt ở ngay trong tâm của mỗi chúng ta. Chúng ta phải trở về tìm Bụt ngay trong tâm ta. Bụt là viên ngọc quý thứ nhất.

- Pháp (Dharma) là con đường đưa tới sự tỉnh thức. Con đường này đã được Bụt tìm ra và đã và đang chỉ dạy cho chúng ta. Con đường này đưa ta thoát khỏi ngục tù ảo vọng, giận hờn, sợ hãi và tham đắm, và dẫn ta tới chân trời tự do an lạc, vô úy, làm cho sự hiểu biết và tình thương phát hiện nơi ta. Hiểu và thương là những hoa trái đẹp đẽ nhất của đạo lý tỉnh thức. Pháp là viên ngọc quý thứ hai của chúng ta.

- Tăng (Sangha) là đoàn thể những người đang cùng nhau thực tập đạo tỉnh thức và cùng đi trên con đường giác ngộ. Muốn tu tập đạo giải thoát ta phải nương tựa vào đoàn thể này. Một mình đơn độc, ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong sự tìm học và thực hành đạo lý tỉnh thức. Vì vậy chúng ta phải nương vào tăng đoàn. Người xuất gia cũng như người tại gia phải biết trở về nương tựa nơi Tăng để có thể đi xa trên con đường tu tập. Tăng là viên ngọc quý thứ ba của chúng ta.


Này các thiện nam tử và thịện nữ nhân ! Tất cả chúng ta phải trở về nương tựa nơi ba viên ngọc quý của trần gian là Buddha, Dharma và Sangha. Có nương tựa rồi chúng ta sẽ hết bơ vơ và chúng ta sẽ vững tiến trên con đường giác ngộ và trong cuộc đời. Đã từ hai năm nay, tôi đã trở về nương tựa nơi ba viên ngọc quý. Hôm nay quý vị cũng phát nguyện đi cùng một con đường. Chúng ta nên vui mừng và sung sướng khi đưa ba viên ngọc quý vào lòng. Thật ra, ba viên ngọc quý ấy đã có sẵn trong tự tâm của chúng ta từ vô thỉ. Ta tu tập đạo giải thoát là để làm cho ba viên ngọc ấy chiếu sáng trong ta.

Các thanh niên rất sung sướng được nghe thầy Kondanna giảng. Họ cảm thấy một nguồn sinh lực mới trào dâng trong họ. Từ hôm ấy, những người con trai và con gái các nhà lành có đạo tâm và ý chí tu học bắt đầu được các thầy khất sĩ gọi là thiện nam tử và thiện nữ nhân. Trong thời gian này, Bụt đã thâu nhận vào tăng đoàn hai vị đệ tử thật xuất sắc, đó là Sariputta và Moggallana. Hai người đã từng tu học với đạo sĩ Sanjaya, một vị du sĩ nổi tiếng ở thủ đô Rajagaha. Bụt cũng đã từng nghe nói tới vị du sĩ này. Giáo đoàn của đạo sĩ Sanjaya là giáo đoàn của những vị du sĩ, gọi là Parivrajaka. Sariputta và Moggalana là hai người bạn thân, cả hai đều thông minh và cởi mở. Họ đã từng hẹn với nhau là ai chứng đạt được đạo lớn thì phải thông báo và chỉ bảo ngay cho người kia biết.

Một hôm Sariputta trông thấy vị khất sĩ Assaji cầm bát đi khất thực trong thành phố Rajagaha. Assaji là một trong năm vị đệ tử xuất gia đầu của Bụt và đã được Bụt khai ngộ cho ở vườn Nai gần Banarasi. Thấy phong độ ung dung và giải thoát của Assaji, Sariputta rất lấy làm cảm phục. Phong độ này tạo ngay được niềm tin trong lòng vị du sĩ. Sariputta tự bảo:

- Đây chắc chắn là một vị đạo sĩ đã đạt đạo. Thật đúng như mình đã nghĩ, thế nào trên thế gian này cũng có người đạt đến quả vị giải thoát. Ta phải tới hỏi xem vị ấy tu học với ai, ai là thầy của vị ấy, và người ấy đã tu học theo giáo pháp nào.

Vừa nghĩ như thế, Sariputta vừa bước theo sau vị khất sĩ Assaji, nhưng ông lại tiếp:

- Vị đạo sĩ này đang đi khất thực từ nhà này sang nhà khác một cách lặng lẽ và nghiêm trang. Ta không nên quấy rầy thầy ấy. Ta nên đợi cho đến khi nào ông ta khất thực xong xuôi rồi hãy tới hỏi chuyện cũng không muộn.

Và Sariputta kiên nhẫn đi theo Assaji. Cho đến khi Assaji khất thực xong và đi ra khỏi vòng đai thành phố, Sariputta mới rảo bước đi nhanh, vượt qua ông ta, rồi quay trở lại để chào. Assaji dừng lại. Sariputta cung kính hỏi:

- Thưa đạo sĩ, phong thái của Ngài rất ung dung, đạo đức của Ngài biểu hiện ra từ dáng đi, từ cử chỉ cho đến nét mặt. Tôi xin mạn phép hỏi Ngài, Ngài đã xuất gia tu học với ai ? Ai là thầy của Ngài ? Và vị đạo sư ấy dạy giáo pháp gì ?

Khất sĩ Assaji nhìn Sariputta một lát, rồi mỉm cười rất thân thiện. Ông trả lời:

- Tôi tu học dưới sự chỉ dẫn của vị đại sa-môn Gotama. Thầy của tôi xuất thân từ dòng họ Sakya. Chúng tôi gọi người là Bụt. Người hiện đang ở nơi đền Suppatthita trong Rừng Kè.

Nghe đến danh từ Bụt, mắt Sariputta sáng lên:

- Thầy của Ngài dạy giáo pháp gì, xin Ngài vui lòng cho tôi được biết sơ qua một chút.

- Tôi chỉ mới theo học với thầy tôi gần đây thôi, giáo pháp của thầy tôi vi diệu lắm tôi chưa đủ sức tuyên giải đâu. Ngài nên tìm đến thầy tôi, thầy tôi sẽ chỉ dạy cho Ngài.

Sariputta nài nỉ:

- Xin Ngài cho tôi vắn tắt một vài câu cũng đã quý lắm rồi. Tôi sẽ đến cầu xin lệnh sư sau.

Assaji mỉm cười rồi đọc cho Sariputta nghe một bài kệ:

Muôn vật từ duyên sinh
Lại từ duyên mà diệt
Bậc giác ngộ tuyệt vời
Đã từng như vậy thuyết

Nghe xong bài kệ, Sariputta bỗng thấy tâm tư bừng sáng. Cái thấy không tì vết về chánh pháp được phát sinh ngay trong lòng. Mừng quá, ông cúi đầu chào Assaji và lập tức chạy về tìm bạn. Thấy Sariputta trở về mặt tươi như một đóa hoa, Moggalana hỏi:

- Sao mặt sư huynh hôm nay tươi như thế ? Hay là sư huynh đã tìm được đạo lớn rồi ? Nói đi, sư huynh !

Sariputta kể lại cho bạn nghe về cuộc gặp gỡ với vị khất sĩ Assaji. Rồi ông đọc cho Moggallana nghe bài kệ:

Muôn vật từ duyên sinh
Lại từ duyên mà diệt
Bậc giác ngộ tuyệt vời
Đã từng như vậy thuyết

Nghe bài kệ, Moggallana lập tức thấy tâm trí bừng sáng. Cái thấy về chánh pháp đến mau như một làn chớp giật. Vũ trụ hiện ra như một màn lưới nhân duyên chằng chịt, cái này có vì cái kia có, cái này sinh vì cái cái kia sinh, cái này không vì cái kia không, cái này diệt vì cái kia diệt. Ý niệm về một thần linh như nguyên nhân đầu tiên tạo ra vạn vật đột nhiên tan biến. Cái vòng lẩn quẩn dường như có thể chặt đứt được. Cánh cửa giải thoát thấp thoáng ở đâu đây. Moggallana giục bạn:

- Sư huynh, chúng ta nên lập tức đi tìm Bụt. Bụt chính là thầy của chúng ta. Ta phải tới xin tu học với người.

Sariputta do dự:

- Nhưng mà hai trăm năm mươi vị du sĩ trong giáo đoàn đang trông cậy nơi chúng ta như những người anh cả. Chúng ta không thể bỏ họ một sáng một chiều như thế được. Chúng ta phải đến cho họ biết trước.

Hai người bạn tu liền trở về trụ xứ tu học của giáo đoàn tu sĩ. Họ kể cho các bạn nghe về những gì vừa xảy ra cho họ. Cuối cùng, họ nói:

- Các huynh đệ, chúng tôi đã quyết định đi tìm Bụt và xin tu học dưới sự hướng dẫn của người. Chúng tôi xin có lời từ giã các bạn.

Nghe Sariputta và Moggallana sắp bỏ giáo đoàn du sĩ để theo Bụt, hai trăm năm mươi vị du sĩ đều tự nhiên cảm thấy bơ vơ. Lâu nay họ đã tin cậy vào hai vị sư huynh này. Bây giờ hai vị bỏ đi, họ không cảm thấy bơ vơ sao được. Cuối cùng tất cả ngỏ ý xin đi theo hai vị. Sariputta và Moggallana đi tìm đạo sĩ Santaya, vị lãnh tụ giáo đoàn du sĩ và báo cho ông biết về quyết định của mình. Đạo sĩ Sanjaya buồn lắm, ông nói:

- Hai vị ở lại đây đi. Ta sẽ giao quyền lãnh đạo giáo đoàn du sĩ cho hai vị.

Ông năn nỉ tới ba lần như vậy, nhưng hai người vẫn không chịu ở lại. Họ nói:

- Thưa Ngài, chúng tôi đi tu là cốt tìm con đường giải thoát chứ không phải là cốt trở thành những người lãnh dạo. Con đường không có thì chúng ta lãnh đạo người ta đi đâu ? Chúng tôi phải tìm tới với sa-môn Gotama, bởi vì sa-môn Gotama đã tìm thấy con đường mà chúng tôi thường mong ước.

Nói xong, Sariputta và Moggallana cúi xuống lạy đạo và từ biệt. Hai trăm năm mươi vị du sĩ cũng làm như thế. Tất cả đều đi theo hai người.

Sariputta và Moggallana đưa hai trăm năm mươi vị du sĩ tới Rừng Kè. Mọi người sụp lạy trước Bụt và cầu xin được xuất gia. Bụt hỏi thăm và an ủi các vị du sĩ. Người dạy đạo lý bốn sự thật cho họ và chấp nhận cho họ xuất gia tu học trong giáo đoàn khất sĩ. Sau lễ xuất gia, số lượng các vị khất sĩ trong giáo đoàn lên tới con số một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Gratitude unlocks the fullness of life

- Melody Beattie



Gratitude unlocks the fullness of life. It turns what we have into enough, and more.

╰▶▶▶ Lòng biết ơn mở khóa sự toàn vẹn của cuộc đời. Nó biến những điều chúng ta có thành đủ, và hơn thế.

Cuốn sách và Giỏ đựng than

- Sưu tầm



… một bản ghi chép rất cũ về một câu chuyện đã làm lay chuyển tâm hồn, thái độ và cách sống, từ ù lì tiêu cực sang một chiều hướng hoàn toàn ngược lại – năng động, tự tin, tích cực và ham học hỏi hơn mỗi ngày. Tuy chúng ta có thể không hiểu nhưng sách sẽ thay đổi chúng ta từ bên trong tâm hồn, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy.

Tại một trang trại nhỏ xa xôi thuộc miền Đông bang Kentucky, có hai ông cháu nọ sống cùng với nhau. Mỗi buổi sáng, người ông thường thức dậy rất sớm để đọc sách. Đây là thói quen từ lâu của ông và chưa buổi sáng nào ông quên thực hiện nó. Có những cuốn sách ông đọc rất nhiều lần, nhiều đến mức gáy sách đã trở nên sờn cũ, thế nhưng lâu lâu, ông lại lấy ra xem lại. Cậu cháu trai cũng bắt trước ông, cũng cố gắng đọc sách đều đặn mỗi ngày. Rồi một ngày, cậu hỏi ông:

- Ông ơi, cháu cũng thử đọc sách như ông, nhưng cháu không hiểu gì cả. Hoặc là có những đoạn cháu hiểu, nhưng khi gấp sách lại là cháu quên ngay. Thế thì đọc sách có gì tốt đâu mà ông đọc thường xuyên thế ạ ?

Ông cụ lúc đó đang đổ than vào lò, quay lại nhìn cháu và khẽ nói:

- Chãu hãy đem cái giỏ đựng than này ra sông và mang về cho ông một giỏ nước nhé !

Cậu bé liền làm theo lời ông. Nhưng tất nhiên toàn bộ nước đã chảy ra khỏi giỏ trước khi cậu bé quay về đến nhà. Nhìn cái giỏ, ông cụ cười vang và nói:

- Nước chảy hết mất rồi ! Có lẽ lần sau cháu sẽ phải đi nhanh hơn nữa.

Rồi ông bảo cậu bé quay lại sông để lấy một giỏ nước khác. Lần này cậu bé cố chạy nhanh hơn, nhưng lại một lần nữa, khi cậu về đến nhà thì cái giỏ đã trống rỗng. Thở không ra hơi, cậu nói với ông:

- Đựng nước vào cái giỏ là điều không thể.

Nói rồi cậu đi lấy một xô nước. Nhưng ông cụ ngăn lại:

- Ông không muốn lấy một xô nước. Ông muốn lấy một giỏ nước cơ mà. Cháu có thể làm được đấy, chỉ có điều cháu chưa cố hết sức mà thôi.

Rồi ông lại bảo cháu mình ra sông lấy nước một lần nữa. Vào lúc này, cậu bé đã biết rằng không thể đựng nước vào giỏ được nhưng cậu không muốn cãi lời ông, đồng thời cho ông thấy rằng dù cậu có chạy nhanh đến đâu, nước cũng sẽ chảy hết ra khỏi giỏ trước khi cậu về đến nhà. Thế là cậu bé lại lấy nước, lại chạy nhanh hết sức, và khi về đến chỗ ông, cái giỏ lại trống rỗng.

- Ông xem này (cậu bé thở hồn hển nói), thật là vô ích !

- Cháu lại nghĩ nó là vô ích ư ? Ông cụ mỉm cười hiền từ, cháu thử nhìn cái giỏ xem.

Cậu bé nhìn vào cái giỏ, và lần đầu tiên cậu nhận ra rằng cái giỏ trông khác hẳn ban đầu. Nó không còn là cài giỏ than đen bẩn nữa, mà đã được nước rửa sạch sẽ.

- Cháu của ông, đó là những gì diễn ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ mọi thứ, nhưng khi cháu đọc, sách sẽ thay đổi cháu từ bên trong tâm hồn, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy.

Nhìn lại một năm qua

- Thích Tánh Tuệ



Một năm qua, tựa ngày hôm qua vậy
Vẫn loay hoay giữa thương - ghét - giận - hờn
Ngày luôn mới sao hồn mình vẫn cũ
Khi tóc chiều đã nhuộm ánh tà dương

Một năm qua vẫn đến chùa lễ Phật
Vẫn trông đời bằng nét mặt kiêu sa
Biết đạo lý Phật Đà là lẽ thật
Bước chân còn chưa hướng đến vị tha

Một năm qua vẫn thường hằng tắm gội
Nước trôi ngoài chưa xóa bụi trần tâm
Dù vẫn biết ... cuộc đời như gió vội
Hồn băn khoăn ... chưa chọn lối trăng rằm

Một năm qua, đếm bao ngày Tỉnh Thức
Với bao lần sống thực Hiểu và Thương
Ngồi lặng lẽ mà nghe nơi lồng ngực
Sống hay đang tồn tại ... sống qua đường

Một năm qua ta vẫn hoài quét dọn
Sao vườn tâm cỏ dệt lối hoang vu
Mười hơi thở, mấy hơi cùng Chánh Niệm
Thắp đèn lên soi sáng cõi sương mù

Tàn Đông giá, Xuân về trong ấm áp
Xin mở lòng cho nắng rọi vào tim
Từng giọt nắng thanh lương là giọt Pháp
Xuân mới về, mong đổi mới, quang minh

Tỉnh ngộ|P.5

- Những câu nói giúp bạn tỉnh ngộ



Thế giới này vốn dĩ chứa đựng rất nhiều nỗi khổ, mỗi người đều phải đối mặt và đi qua nó, không có ai là ngoại lệ.

Danh ngôn (97)

- Thái Anh



Trời mưa - nắng - lạnh - nực … mặc kệ, đừng khi nào bạn để lòng mình bận vì cảnh thiên nhiên. Có ai bẻ nạng chống trời thì bạn cũng nên điềm đạm với mọi cảnh vật là hay hơn cả.

Thành bại một đời người chủ yếu là do tĩnh khí quyết định

- Minh Vũ biên tập



Nếu như bạn đúng, bạn không cần thiết phải tức giận với họ, còn nếu như bạn sai, vậy lại càng không có tư cách để nổi giận. Đây chính là trí huệ, nhưng tiếc thay rất ít người nhìn được thông suốt vấn đề này.

Bạch Long vương, nhân vật truyền kỳ của Thái Lan từng nói: “Người có tĩnh khí tốt, phàm làm việc gì cũng tốt. Người thì cần học làm người, học làm người, đó là việc cả đời không hết, không có cách nào tốt nghiệp được”. Làm người thì bất kể là sỹ, nông, công, thương, các thứ hạng người khác nhau, chỉ cần học tập thì đều tiến bộ.

HỌC CÁCH NHẬN SAI - Con người thường không mấy khi tự nhận mình sai, phàm việc gì cũng đều cho rằng người khác không đúng, cho rằng bản thân là đúng. Kỳ thực, không nhận sai cũng chính là cái sai. Có thể nhận sai với bố mẹ, anh em, bạn bè, mọi người trong xã hội, thậm chí là với con cái hoặc với chính những người đối xử không tốt bản thân mình, nhận sai về mình sẽ chẳng mất đi hay thua thiệt điều gì, mà ngược lại, còn thể hiện sự độ lượng của bản thân. Học tập nhận sai, đó cũng là một đức tính đẹp, là một đại tu hành.

HỌC TẬP NHU HÒA - Răng thì cứng, lưỡi thì mềm, đời người khi già, răng sẽ rụng, nhưng lưỡi thì còn, cho nên, con người thì cần học cách nhu hòa, đời người mới được dài lâu, cứng rắn quá đôi khi phải chịu thiệt. Tâm địa mềm mỏng, đó là đại tiến bộ.

HỌC TẬP NHẪN NẠI - “Nhẫn một lúc sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”, nhẫn sẽ giải quyết được mọi việc, dùng trí huệ, năng lực mà nhượng bộ, việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không. Khi nhẫn được, có thể nhận biết được thế sự đúng sai, tốt xấu, thị phi, thậm chí có thể tiếp nhận được nó.

HỌC CÁCH THẤU HIỂU - Con người mà không có sự thấu hiểu và đồng cảm lẫn nhau thì sẽ sản sinh ra vấn đề thị phi, tranh chấp đúng sai và cả hiểu nhầm.

HỌC CÁCH BUÔNG BỎ - Đời người cũng như một sợi dây thun, khi cần dùng thì căng ra, khi không dùng thì cần chùng xuống. Nếu khi cần buông xuống không buông, thì nó cũng như ta kéo vật nặng sau lưng, chẳng thể nào tự tại được. Đời người năm tháng có hạn, biết nhận sai, tôn trọng, bao dung người khác, như thế mới có thể dung hòa, mới có thể tự tại.

HỌC … CẢM ĐỘNG - Nhìn thấy người khác được hưởng sự tốt đẹp, phải mừng vui như chính bản thân mình được hưởng, cần biết cảm động mỗi khi chúng ta nhìn thấy được việc tốt, người tốt. Trong mấy chục năm cuộc đời, chúng ta sẽ gặp rất nhiều điều, sự việc hay lời nói khiến chúng ta cảm động, cho nên, chúng ta cũng cần nỗ lực làm những việc có thể khiến người khác cảm động.

HỌC TỒN TẠI - Vì để sinh tồn, chúng ta cần duy trì một thân thể khỏe mạnh, thân thể khỏe mạnh, không những có lợi cho bản thân mà còn giúp ích cho người khác, giúp cho cho gia đình, bạn bè, người thân được an tâm, đây cũng là một hành vi hiếu thảo.

Mỗi tối trước khi đi ngủ, chúng ta cần nhìn nhận lại chính bản thân mình rằng ngày hôm nay mình có tức giận hay không, và đúng như vậy, “TĨNH” cũng là một trí huệ. Đời người dài hay ngắn, thì thành bại cả một đời chủ yếu là do tĩnh khí quyết định.

D.P.A (11)

- Thiền sư Vạn Hạnh



Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

╰▶ Dịch nghĩa:

Người đời như bóng chớp, có rồi lại không
Như cây cối, mùa xuân tốt tươi, mùa thu khô héo
Mặc cho vận đời dù thịnh hay suy, đừng sợ hãi
Vì sự thịnh suy [cũng mong manh] như giọt sương đầu ngọn cỏ

Ask what make you come alive, go do it !

- Howard Thurman



Don’t ask what the world needs. Ask what makes you come alive, and go do it. Because what the world needs is people who have come alive.

╰▶▶▶ Đừng hỏi những gì thế giới cần. Hãy hỏi những gì làm cho bạn trở nên có sức sống, và hãy làm điều đó. Bởi vì những gì thế giới cần là những người đã trở nên có sức sống.

Tự lực

- Thích Tánh Tuệ



Đôi khi đường đời chắn lối
Tự mình phải biết vượt qua
Đời chụp vào ta bóng tối
Hãy tự thắp đèn bước ra

Lắm lúc hồn ta nhỏ lệ
Trời còn sớm nắng chiều mưa
Hãy tự lau khô phiền muộn
Tàn Đông, Xuân sẽ sang mùa

Có những ngày vui đã mất
Luyến lưu tìm được chăng là
Hãy tự đối đầu hiện thực
Dù hiện thực đầy xót xa

Thất bại chưa làm ta khổ
Khổ vì đuổi bóng thành công
Mất mát chưa làm xiêu đổ
Đổ vì tư tưởng chưa thông

Thành công ấy là phương tiện
Mở ra hạnh phúc cho đời
Hạnh phúc chính là chìa khóa
Sống giữa thăng trầm vẫn vui

Có những nụ cười đã tắt
Tự mình thắp lại bình minh
Thế gian nghĩa tình lạnh ngắt
Tự lòng độ lượng nhân sinh

Có nhiều điều trong cuộc sống
Không ai giúp được cho mình
Người biết tự mình đứng dậy
Bước về nẻo sáng quang minh

Rừng Kè

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương XXVIII, Thích Nhất Hạnh



Một buổi sáng nọ, Bụt từ giã Gayasisa để về Rajagaha. Khất sĩ Uruvela Kassapa đề nghị xin Bụt cho cả giáo đoàn đi theo. Bụt ngần ngại, nhưng Kassapa trình bày với Bụt là sẽ không có trở ngại gì cho việc chín trăm khất sĩ về tới kinh đô nước Magadha. Ông nói gần thủ đô Rajagaha có nhiều khu rừng trong đó các vị khất sĩ có thể cư trú, họ sẽ đi khất thực ở những miền ngoại ô thành phố và ngay cả trong thủ đô nữa để có dịp giáo hóa dân chúng miền này. Kassapa cũng thưa với Bụt là số lượng chín trăm vị khất sĩ là quá lớn đối với dân chúng miền Gaya. Về thủ đô, việc khất thực và giáo hóa sẽ dễ dàng hơn. Khất sĩ Uruvela Kassapa có kiến thức khá tường tận về tình hình xã hội trong nước Magadha. Sau khi nghe vị khất sĩ này trình bày, Bụt bằng lòng cho chín trăm vị khất sĩ đi theo người về thành Vương Xá.

Ba anh em khất sĩ Kassapa đã tổ chức tăng đoàn rất nghiêm minh. Đại chúng của tăng đoàn được phân làm thành các chúng, mỗi chúng hai mươi lăm vị, mỗi chúng có một vị trưởng chúng trưởng lãnh đạo. Vị chúng trưởng này có trách nhiệm về sự tu học và sự sinh hoạt của hai mươi bốn người trong chúng. Đạo phong của các vị khất sĩ vì vậy càng ngày càng sáng rỡ và uy nghi.

Từ Gaya, tăng đoàn phải đi tới mười hôm mới về tới thủ đô Rajagaha. Mỗi buổi sáng, các vị khất sĩ đều phải ghé vào các tụ lạc để khất thực. Khất thực xong, họ quy tụ trong một khu rừng hoặc một bãi cỏ để thọ trai trong im lặng. Thọ trai xong, họ lại lên đường. Họ đi thành từng chúng, và có cả thảy ba mươi sáu chúng như vậy. Hình dáng của các vị khất sĩ khoác áo ca-sa đi trầm lặng trên đường đã gây một ấn tượng rất sâu đậm và đẹp đẽ trong lòng dân chúng. Tới Rajagaha, khất sĩ Uruvela Kassapa hướng dẫn Bụt và tăng đoàn về tạm cư ở Rừng Kè mới trồng, trong đó có đền Supatthita cách thủ đô hai dặm về phía Nam. Sáng ngày hôm sau, giáo đoàn được phép ôm bát đi vào thành khất thực. Các vị khất sĩ đi thành từng chúng hai mươi lăm người. Họ đi thành hàng, bước từng bước khoan thai và có ý thức, tay ôm bát, mắt nhìn thẳng về phía trước, dáng điệu uy nghi và lặng lẽ.

Theo lời Bụt dạy, họ dừng lại trước mỗi căn nhà, không phân biệt giàu nghèo. Khoảng năm phút sau, nếu không được cúng dường, họ tiến tới trước cổng nhà bên cạnh. Trong khi đứng im lặng chờ đợi được cúng dường, họ theo dõi hơi thở và thực tập phép quán niệm mà Bụt đã dạy. Khi được cúng dường, họ chỉ lặng lẽ nghiêng mình cảm ơn mà không nói lời khen chê nào về thực phẩm được cúng dường. Nguời cúng dường sau khi sớt thức ăn vào bát vị khất sĩ, có thể đặt một vài câu hỏi. Các vị khất sĩ đã được lệnh ân cần trả lời về những câu hỏi đó. Đại ý, các vị cho biết là mình tu học trong giáo đoàn Tỉnh Thức, dưới sự hướng dẫn của một vị sa-môn tên là Gotama Sakya, thường được gọi là Bụt, và họ giảng cho vị thí chủ nghe về bốn sự thật, về năm giới hoặc về con đường tám nhánh. Tất cả các vị khất sĩ đều đã được lệnh trở về trú sở trước giờ ngọ để ăn trưa và nghe pháp thoại.

Buổi chiều và buổi tối chỉ là để học hỏi và thiền tập. Vì vậy từ giữa trưa cho đến rạng sáng ngày hôm sau, không ai còn thấy bóng dáng một vị khất sĩ áo vàng nào nữa trong thành phố. Chỉ trong vòng nửa tháng, phần lớn dân chúng thủ đô đã biết tới sự có mặt của giáo đoàn khất sĩ do Bụt lãnh đạo. Vào những buổi chiều khi trời đã mát, có nhiều vị thí chủ tìm tới Rừng Kè để được gặp Bụt và tăng đoàn để học hỏi về đạo lý tỉnh thức. Bụt chưa kịp đi thăm người bạn năm trước là vua Seniya Bimbisara thì vua đã được nghe báo cáo về Bụt và về giáo đoàn khất sĩ đông đảo của người. Vua được biết người lãnh đạo giáo đoàn này là vị sa-môn trẻ mà mình đã gặp trước đây trên một ngọn đồi gần kinh đô.

Một buổi chiều, vua cùng với hoàng hậu và thái tử Ajatasattu ngồi xe tứ mã tìm về Rừng Kè để thăm Bụt. Đi theo xe giá của vua có nhiều chiếc xe khác. Vua đã mời đi theo mình một trăm hai mươi vị nhân sĩ trí thức và lãnh đạo cao cấp trong giới Bà-la-môn. Đến cửa rừng, vua xuống xe đi bộ vào, hoàng hậu cầm tay thái tử Ajatasattu theo sau. Một trăm hai mươi vị tân khách Bà-la-môn cũng làm như thế.

Nghe tin vua đến, Bụt cùng Uruvela Kassapa đi ra đón tiếp và đưa tất cả mọi người vào. Tất cả chín trăm vị khất sĩ đều có mặt, ngồi vây thành những vòng tròn lớn, Bụt mời vua, hoàng hậu, thái tử và các vị tân khách an tọa. Vua Bimbisara bắt đầu giới thiệu các vị nhân sĩ Bà-la-môn với Bụt. Vua không nhớ hết danh tánh từng người; vì vậy mỗi khi quên vua lại yêu cầu người bị quên tên tự giới thiệu mình. Trong số những vị tân khách này có nhiều người lào thông kinh điển và giáo lý Vệ Đà. Họ thuộc về đủ khuynh hướng đạo học và tôn giáo. Phần lớn các vị nhân sĩ này đã từng nghe danh đạo sĩ Uruvela Kassapa, và một số đã được gặp ông, nhưng ngoài quốc vương Bimbisara chưa ai được gặp Bụt lần nào. Thấy thái độ cung kính của Kassapa đối với Bụt nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên. So với Uruvela Kassapa, sa-môn Gotama Sakya nhỏ tuổi hơn nhiều. Họ thầm thì với nhau, không biết sa-môn Gotama là đệ tử của Kassapa hay Kassapa là đệ tử của sa-môn Gotama. Biết được tâm ý họ, khất sĩ Uruvela Kassapa rời chỗ ngồi, đứng dậy đi tới trước mặt Bụt. Ông chắp tay lại thành hình sen búp, chậm rãi và rõ ràng, ông nói:

- Sa-môn Gotama, bậc giác ngộ, bậc tôn quý nhất trên đời, con là Uruvela Kassapa, đệ tử của thầy, xin cung kính làm lễ thầy.

Nói xong, ông sụp xuống lạy Bụt ba lạy, rất kính cẩn. Bụt nâng Kassapa dậy và bảo ông ngồi xuống bên tay trái của người. Bây giờ đây một trăm hai mươi vị tân khách Bà-la- môn mới hoàn toàn giữ im lặng. Sự im lặng còn lớn lao hơn khi nhìn thấy chín trăm vị khất sĩ áo vàng đang lặng lẽ ngồi vây quanh, trong dáng điệu trang nghiêm và hùng vĩ. Bụt lên tiếng giảng cho mọi người nghe về đạo Tỉnh Thức. Người nói về tự tính vô thường duyên sinh của mạng sống và của vạn vật. Người chỉ dạy con đường diệt trừ lầm lạc và khổ đau, con đường của sự sống tỉnh thức, con đường của sự thực hành giới luật, định tâm và quán chiếu. Giọng Bụt vọng lớn như tiếng chuông đồng, ấm như nắng mùa xuân và trầm hùng như tiếng hải triều. Tiếng nói của Bụt như mưa xuân thấm nhuần trên cây cỏ. Hơn một ngàn người lắng tai nghe Bụt, và không ai dám thở mạnh, sợ âm thanh của hơi thở xen vào làm vẩn đục pháp âm của người.

Hai mắt vua Bimbisara càng ngày càng sáng. Càng nghe, vua càng thấy tâm tư mình mở rộng. Bao nhiêu nghi vấn lâu nay trong lòng vua dần dần được cởi mở. Cuối cùng vua nở một nụ cười sung sướng và rạng rỡ. Bụt chấm dứt pháp thoại. Vua Bimbisara đứng dậy hai tay cung kính chắp trước ngực, vua nói:

- Thưa Thế Tôn, hồi còn nhỏ, trẫm có năm điều ước nguyện, giờ đây tất cả năm điều ước nguyện ấy đã được thành tựu. Ước nguyện thứ nhất là được làm lễ quán đảnh và lên ngôi vua. Ước nguyện ấy đã thành. Ước nguyện thứ hai là làm thế nào trong đời được gặp một bậc đạo sư giác ngộ. Ước nguyện ấy cũng đã thành. Ước nguyện thứ ba là có duyên kính ngưỡng bậc giác ngộ ấy. Ước nguyện ấy cũng đã được thành. Ước nguyện thứ tư là được bậc giác ngộ ấy dạy cho con đường chánh pháp. Ước nguyện ấy cũng đã thành. Ước nguyện thứ năm là có thể hiểu được giáo pháp của bậc giác ngộ ấy. Thưa Thế Tôn, ước nguyện này vừa được thành tựu. Trẫm đã bắt đầu hiểu được giáo lý mầu nhiệm của Ngài. Thế Tôn, Ngài đã làm sáng tỏ giáo lý ấy bằng nhiều cách giảng dạy khác nhau. Thế Tôn, hôm nay xin Ngài nhận cho trẫm làm đệ tử tại gia của Ngài.

Bụt mỉm cười im lặng chấp thuận. Vua lại tỏ ý thỉnh cầu Bụt và tất cả chín trăm vị khất sĩ ngày trăng tròn sắp tới đến thọ trai ở cung điện. Bụt cũng hoan hỷ nhận lời. Một trăm hai mươi vị nhân sĩ tân khách cũng đều đứng dậy cám ơn Bụt. Có khoảng một phần mười trong số những tân khách này tỏ ý muốn được trở thành đệ tử của Bụt.

Cùng với Uruvela Kassapa, Bụt đưa vua, hoàng hậu, thái tử Ajatasattu và các vị tân khách ra đến cửa rừng, Bụt biết rằng chỉ còn chưa đầy một tháng nữa thì mùa mưa sẽ tới, và người không thể trở về quê hương kịp trước mùa mưa. Người quyết định cùng chín trăm vị khất sĩ an cư ba tháng tại Rừng Kè. Người biết rằng sau ba tháng an cư tu học, tăng đoàn sẽ khá vững vàng để có thể tự trị và người sẽ thong thả ra đi vào đầu mùa nắng khi bầu trời đã trong xanh và cây cối đã xanh tươi.

Vua Seniya Bimbisara có chủ ý tổ chức một cuộc đón rước Bụt và tăng đoàn thật long trọng. Vua dự tính làm lễ trai tăng cúng dường ngay trước sân điện chầu, một cái sân gạch rộng có thể có chỗ ngồi cho một vạn người. Vua cho thông báo với thần dân biết ngày thỉnh Bụt và khuyên dân chúng treo đèn kết hoa trên những con đường mà Bụt và tăng đoàn sẽ đi ngang qua để tới vương cung. Vua cho mời rất nhiều nhân sĩ đến nghe Bụt thuyết pháp. Tất cả các quan chức trong triều cũng đều được mời đến dự. Vua cũng cho mời cả những em trai vào trạc tuổi của hoàng thái tử Ajatasattu. Thái tử năm nay lên mười hai tuổi. Biết Bụt và tăng đoàn không chấp nhận việc sát sinh để cúng dường, vua ra lệnh chuẩn bị những thức ăn thuần túy chay tịnh và rất ngon lành. Những người thân tín của vua có tới mười ngày để chuẩn bị cho cuộc tiếp đón.

Tỉnh ngộ|P.4

- Những câu nói giúp bạn tỉnh ngộ



Bạn phải dùng tâm thái bình thản mà đối đãi với cuộc đời, đừng đi cưỡng cầu cái gì, bởi vì nếu đã không phải là của bạn thì cho dù cưỡng cầu cũng không đạt được. Phải biết đủ mới thấy vui vẻ, hạnh phúc.

Đừng để cuộc sống như dòng sông mê man trôi đi

- Theo secretchina
- My My biên dịch



Ai đó đã nói rằng cuộc đời giống như một cuộc hành trình. Điều quan trọng là bạn học được những gì trên đường đi chứ không phải là đích đến của cuộc hành trình đó …

Những trải nghiệm đều là những niềm vui, những khoảnh khắc đều là điều mà mỗi người đều trân quý. Đây thật sự là cách nhìn, một quan niệm sống, nhân sinh quan lành mạnh.

Không phải nhận được một phần nhân duyên trọn vẹn mà là biết đón nhận, học được làm thế nào mới có thể tiến gần tới hạnh phúc. Không có gì hoàn hảo, truy cầu theo đuổi vẫn là chỉ là đuổi hình bắt bóng, hạnh phúc vẫn cứ mãi lùi xa.

Không phải đạt được, thỏa mãn được bằng sự chiến thắng mà là học cách để biết chấp nhận thất bại, biết chấp nhận mới có thể dẫn đến thành công. Mà thành công không phải ở cuối con đường, mà chính là ở nội tâm đạt được giao hòa.

Không phải là bạn sẽ nhận được kết quả cuối cùng mà mình muốn, mà là học được … có những việc ở đời không phải lúc nào cũng như ý mình, thuận theo lẽ tự nhiên, hòa theo dòng chảy bỏ đi được những định nghĩa, kết quả, chính là sự thăng tiến về tâm hồn.

Cuộc sống của con người cũng giống như một chuyến đi, không cần phải quan tâm đến điểm đến. Điều chúng ta cần quan tâm đó là phong cảnh dọc đường đi và tâm trạng khi ngắm cảnh. Mọi người đều vội vã hết ngày này đến ngày khác, mỗi một người lại như một kẻ lữ hành, lang thang chờ đợi, quên đi cái ý nghĩa thực sự của cuộc đời.

Sống ở thế gian, mỗi một vật mỗi một người đều có trạng thái sinh tồn riêng, đều có ý nghĩa của riêng mình. Mỗi người cũng đều có con đường đi riêng, có cảm thụ thế giới quan của mình, đều có các giá trị riêng của mình để nhận định, trong sự vận động tưởng như hỗn độn, nhưng lại có quy luật ở đó, vậy nên, những điều này đều không thể cưỡng cầu.

Trong thế giới con người với những tư tưởng tham vọng vật chất như hiện nay, nếu như mỗi một người đều chú ý tự điều chỉnh bản thân, giảm bớt theo đuổi ham muốn vật chất, thay vào đó chúng ta theo đuổi giá trị về tinh thần nhiều hơn, bớt đi những tranh giành mệt mỏi của cõi hồng trần, buông bỏ đi những cái khổ, bi ai của kiếp phù du, tự mình hòa vào tự nhiên, phiêu diêu tự tại. Như vậy bạn đã có thể tĩnh tâm thưởng thức phong cảnh dọc đường đi.

Hãy trân quý những gì ở hiện tại ngay trước mắt. Vui vẻ, lạc quan, vui sống cho từng giây phút mỗi ngày, khiến cho bản thân mình được hạnh phúc hơn, cảm nhận những nốt nhạc trong bản nhạc cuộc đời, không uổng phí đến thế gian du lịch một chuyến. Đúng vậy, cuộc sống giống như một cuộc hành trình, điểm mấu chốt đó là chúng ta có thể biết trân quý những giá trị thời gian hiện tại, mỗi khoảnh khắc trôi qua đều là một niềm hạnh phúc.

Trong Phật giáo có nói, sống chính là khổ, vì vậy đây là một dòng sông của những khổ nạn, mà bơi mãi trên dòng sông không đến bờ. Trong Nho giáo nói, con người cả cuộc đời sống chỉ để duy trì kiến lập công đức và lập nghiệp, như vậy sẽ đem vinh diệu quang vinh cho tổ tông. Trong Đạo giáo có nói, cuộc sống như một giấc mộng, không có nhưng không phải là không có, không biết nhưng không phải là không biết, vì vậy nó chính là một dòng sông mê chảy mãi trong vô minh của cuộc sống.

Con người cũng như vậy, cứ muốn bơi mãi trong dòng sông vô minh đó. Khi mong muốn theo đuổi mà không đạt được, sẽ cảm thấy đau đớn khôn nguôi. Ngược lại, khi mong muốn được đáp ứng, sẽ cảm thấy nhàm chán, không biết trân quý những gì mình đang có, và những thứ chưa đạt được thì lại theo đuổi một cách vô vọng. Chính là trong cuộc sống nhân sinh này được lặp đi lặp lại như vậy, vậy thì chúng ta chấp trước vào điều gì, để dòng sông mê man trôi đi, rồi ngước mắt cười lại ngắm hoa nở rụng. Nhưng khi nhìn vào gương mới phát hiện những năm tháng tuổi đời đã nhanh chóng qua đi, điều còn lại chỉ là những vết nhăn của u sầu …

Đừng (16)

- Marc(Thủy Nguyệt dịch)



Đừng nghĩ ngợi quá nhiều, bởi có thể bạn sẽ tạo ra một rắc rối không đáng có. Hãy đánh giá tình hình và đưa ra hành động dứt khoát. Bạn không thể thay đổi điều mà mình không muốn đối mặt. Tiến bộ bao hàm rủi ro. Bạn không thể đứng một chỗ mà hy vọng mình sẽ tới được đích. ╰▶ ĐỪNG LƯỜI NHÁC

Trò đời

- Cao Nhật Minh



Người này vui vẻ cười đùa
Kẻ kia đau khổ bốn mùa mưa ngâu
Trò đời có gì lạ đâu
Người cười kẻ khóc đau sầu khổ thân
Con tạo thì cứ xoay vần
Dòng đời vẫn chạy chẳng cần ai quay
Con người sống giữa đời này
Biết bao gian khổ đắng cay chất chồng
Ta bà là chốn hư không
Lọc lừa dối trá chơi ngông đủ trò

Vì tiền chuyện nhỏ thành to
Bất chấp luân lý chỉ lo kiếm tiền
Ai ơi xóa bỏ ưu phiền
Tìm về tĩnh lặng là niềm tu tâm
Tự ta buông xả âm thầm
Tham sân si hận sai lầm trần ai
Kiếp người chẳng quản gái trai
Sống cho đẹp đạo, ánh mai rạng ngời
Nợ duyên số kiếp do trời
Tu tâm dưỡng tánh theo lời Phật răn