V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Sống đời ý nghĩa

- Thích Tánh Tuệ



Hãy giúp đỡ đi
nếu có thể
đừng nề hà
cân nhắc thiệt hơn
cũng đừng mong
ai đó trả ơn
đời ý nghĩa khi làm thiện nguyện

Hãy cứ cho đi
đừng tiếc rẻ
mai ta về
chẳng thể mang theo
thế gian biết bao kẻ khó nghèo ...
đời ý nghĩa là khi cống hiến

Hãy cứ thương đi
dù ai ghét
dù ai ganh
bôi bác thị phi
thói đời vẫn vậy
chấp mà chi
đời ý nghĩa là khi tha thứ

Hãy chia nhau những gì mình biết
Đừng khư khư ích kỷ giữ riêng
Mai chết đi sẽ bị thất truyền
Đời ý nghĩa là khi chia sẻ ...

Kẻ trộm xâu chuỗi của Phật tổ

- Nguồn: Đại Kỷ Nguyên VN
- Biên dịch: Lâm Minh Triết



Có một ngôi chùa, nhân vì thờ một sợi chuỗi Phật tổ từng đeo mà nổi tiếng. Nơi thờ phụng sợi chuỗi chỉ có thầy trụ trì và bảy đệ tử biết.

Bảy người đệ tử đều rất có ngộ tính, thầy trụ trì cảm thấy tương lai đem y bát truyền cho bất kỳ người nào trong bọn họ, đều có thể làm rạng rỡ Phật Pháp. Không ngờ, sợi chuỗi đột nhiên biến mất.

Thầy trụ trì bèn hỏi bảy đệ tử:

- Các ngươi ai đã lấy sợi chuỗi, chỉ cần trả về vị trí cũ, ta sẽ không truy cứu, Phật tổ cũng không trách tội.

Các đệ tử đều lắc đầu … Bảy ngày trôi qua, sợi chuỗi vẫn không được trả về. Thầy trụ trì lại nói:

- Chỉ cần ai đó thừa nhận, sợi chuỗi sẽ thuộc về người đó.

Lại trải qua bảy ngày, vẫn không ai thừa nhận. Thầy trụ trì rất thất vọng:

- Ngày mai các người hãy rời khỏi chùa xuống núi hết đi, riêng kẻ đã lấy sợi chuỗi ta cho phép ở lại đây.

Qua ngày hôm sau, sáu đệ tử thu dọn xong hành lý, thở nhẹ một hơi dài, nhẹ nhàng ra đi. Chỉ có một người ở lại. Thầy trụ trì hỏi đệ tử ở lại:

- Sợi chuỗi đâu ?

- Con không lấy.

- Vậy tại sao chịu mang lấy tiếng trộm cắp ?

- Mấy ngày nay các huynh đệ đều nghi ngờ lẫn nhau, nếu có người đứng ra, mới giải thoát cho chuyện này.

Lại nói:

- Sợi chuỗi tuy mất, Phật vẫn còn đây.

Thầy trụ trì cười, lấy sợi chuỗi từ tay áo mình ra, đeo vào tay người đệ tử.

Đây là câu chuyện làm tôi cảm ngộ rất lâu. Không phải mọi việc đều cần nói rõ ràng, cái quan trọng hơn nói rõ ràng đó là: có thể gánh vác, có thể hành động, có thể hóa giải, có thể sắp xếp, có thể thay đổi ... nghĩ về mình, càng phải nghĩ cho người khác, đây chính là Pháp.

Người hiểu bạn, không cần phải giải thích, người không hiểu bạn, giải thích cũng vô ích. Đây không chỉ là một loại cảnh giới mà hơn hết là một loại đại trí huệ.


○●○ Chú thích:

Đây chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn, về mặt lịch sử, chưa có sử liệu chứng minh Phật tổ Thích Ca Mâu Ni có đeo chuỗi và sợi chuỗi đó còn lưu lại đến bây giờ.

Ăn mày cửa Phật

(Quà tặng cuộc sống)



Trong cuộc sống, ai cũng mong mình sẽ được điều này, được điều khác. Người giàu thì mong sẽ giàu hơn, người nghèo thì mong mình được như người giàu … Để rồi họ tìm về chốn tâm linh để cầu xin. Sự cầu xin này cũng như là ăn mày với các đấng thần linh, mà họ không hiểu các đấng thần linh này có giúp cho họ được không.

Có một ông lão kéo một xe gạo nặng nề đang lê bước trên đường vừa đi vừa thở hổn hển, trông có vẻ rất mệt, bánh xe chao đảo va vào một cục đá bên đường làm cả xe gạo đổ nhào xuống hết. Ông lão cố hết sức nâng xe gạo lên nhưng trong tình thế bất lực và mệt mỏi, mồ hôi nhễ nhại, trời thì nắng chang chang. Thế là ông ngồi bệt xuống đất. Khi nhìn xung quanh, ông thấy một ngôi chùa, bên ngoài ngôi chùa là những chiếc xe ô tô đậu san sát nhau. Vẻ mặt đăm chiêu và phiền não, ông suy nghĩ và nói thầm:

- Người vừa sinh ra thì đã giàu, còn kẻ làm lụng vất vả cả đời lại chẳng có gì !

Một Phật tử nghe thấy và nói:

- Ông đã đến cửa Phật sao không vào thành tâm cầu nguyện, lại ngồi đây than thân trách phận ? Ông có thấy chùa Phúc Lai bên kia đường không ? Tôi nghe bảo chùa đó rất thiêng, chả thế mà khách thập phương cứ kéo đến ùn ùn.

Đứng từ xa nhìn ông có vẻ ngơ ngác, một vị Tăng bước tới và nói:

- Thí chủ lần đầu tiên đến đây phải không ?

Ông lão:

- Vâng ! Thưa thầy ... lần đầu con đến nơi cửa Phật nên chẳng biết cầu nguyện ra làm sao. Mong thầy chỉ dạy.

Vị tăng:

- Thí chủ thỉnh cầu điều gì ?

Ông lão quay nhìn những người kia và nói:

- Con cầu xin Đức Phật ban phát sự công bằng.

Vị tăng:

- Công bằng ư ?

Ông lão:

- Vâng ! Thưa thầy ... con sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, bần hàn không được học hành tử tế, từ bé đã phải tự mưu sinh. Lớn lên lấy một người vợ nghèo và nai lưng làm lụng như trâu bò, để nuôi bầy con nheo nhóc. Cuộc đời khốn khổ cơ hàn cứ thế bám theo con dai dẳng. Trong khi có biết bao nhiêu người khác sinh ra trong một gia đình giàu sang, chẳng cần cố gắng mà vẫn sống suốt đời trong nhung lụa. Như vậy không công bằng. Nếu Đức Phật linh thiêng xin Người hãy ban cho con một ít may mắn của những người kia.

Vị tăng:

- Như người kia ư ?

Ông lão:

- Chỉ cần nhìn họ là đủ biết họ giàu sang quý phái cỡ nào rồi. Nhưng người nghèo khổ như con không thể hiểu nổi họ làm gì mà giàu sang lắm vậy ?

Vị tăng:

- Cái đó ta không biết, nhưng khi tới đây họ cũng chỉ là ăn mày cả thôi !

Ông lão:

- Ăn mày ư, thưa thầy !

Vị tăng:

- Đúng. Ăn mày cửa Phật.

Ông lão:

- Nhưng nhìn họ giàu sang quý phái có thiếu gì mà phải đi ăn mày ?

Vị tăng:

- Sống trên cõi đời này mấy ai thỏa mãn với những gì mình đang có. Không tin thí chủ cứ lại gần họ xem.

Ông lão tò mò đi tới gần mọi người, ép sát và lắng tai nghe thử họ đang nói gì.

Một anh chàng thanh niên lớn tuổi mặc áo vest, thắt cà vạt trông rất chỉnh tề và lịch sự, nói: “... Cầu xin đức Phật cứu giúp công ty con khỏi bị phá sản, hàng trăm gia đình công nhân đang trong chờ vào công ty, đang trông chờ vào sự chèo lái của con. Mô Phật !”

Một người Phụ nữ bên cạnh lớn tuổi khóc thút thít và nói: “... Xin người rũ lòng từ bi cho con sức mạnh để chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác. Xin người đừng để con phải chịu những cơn đau hành hạ, dày vò !”

Một cô gái trẻ tuổi đứng gần đó, khuôn mặt có vẻ buồn rầu ủ rũ cũng nói: “... Năm nay con đã gần 30 tuổi mà vẫn chưa có người yêu thương. Con vô cùng buồn tủi, con chỉ xin Ngài linh thiêng cho con chút dung mạo để con tìm được một tấm chồng. Xin Người ban phước, mô Phật !”

Ông lão nghe những lời ấy mà lòng cảm động rơi nước mắt. Ông nói lên một tiếng: “Tội nghiệp quá !” và đứng dậy bỏ đi tới chỗ vị Tăng ngồi.

- Thưa Thầy ... họ cầu xin rất nhiều điều hóa ra họ toàn là ăn mày thật. Con cứ nghĩ trên đời này ai cũng hạnh phúc hơn con, chứ ai biết được họ cũng có nhiều nỗi khổ đến thế. Ngẫm ra con còn có nhiều điều hơn họ như sức khỏe, sự vô tư chẳng hạn ...”

Vị tăng:

- Đúng vậy. Cuộc đời công bằng với tất cả mọi người. An phận với thực tại và cố gắng hết sức mình để tự mình hóa giải những khó khăn trong cuộc sống. Đó mới chính là một cuộc đời hoàn mỹ.

Ông lão nghe xong tỉnh ngộ. Tiếng chuông vẫn vang trong không gian ngày một xa dần.

Thở và Cười

- Thích Tánh Tuệ



“Trăm năm trong cõi người ta”
Ai ai cũng phải thở ra, hít vào
Trăm năm trong kiếp người nào
Ai thì cũng phải hít vào, thở ra

Văn minh như U. S. A
Người ta cũng phải thở ra, hít vào
Lạc hậu như nước Miên, Lào
Ừ ... thì cũng phải hít vào ... thở ra

Nói chung trong cõi người ta
Ai ai cũng phải thở ra, hít vào
Vậy mà có biết (mình đang thở) đâu nào
Tới khi hơi cuối thở phào ... mới hay !

Có khi trút hơi thở rồi con người ta mới “NGỘ” ra mình đã từng sống, bạn có tin không ? Vì thế khi chúng ta thở từng hơi thở có ý thức là BIẾT rõ mình đang SỐNG, nếu không ý thức được mình trong từng nhịp thở, thì đó chỉ là sự tồn tại mà thôi !

Cách đơn giản để tạo ấn tượng tốt đẹp, hãy mỉm cười !

- “ĐẮC NHÂN TÂM” - Phần II - Chương V



Hành động có ảnh hưởng mạnh hơn lời nói. Khi chúng ta cười, nét mặt chúng ta tràn ngập niềm hân hoan và tình thân mến. Một nụ cười niềm nở tự đáy lòng có thể thay cho lời nói: “Tôi thật sự quý mến anh !”, hay là: “Tôi thật sự rất vui khi gặp bạn vì bạn làm cho tôi hạnh phúc !”

Charles Schwab chia sẻ với tôi rằng chính nụ cười của ông mới đáng giá hàng triệu đô-la và ông hoàn toàn chính xác. Chính tính cách của Charles, sự duyên dáng, lịch lãm, khả năng làm cho mọi người yêu mến mình, đã đem lại thành công vượt bậc cho ông, và nụ cười quyến rũ của ông là yếu tố quan trọng nhất. Có một câu danh ngôn dành cho những người đang yêu: “Hãy yêu người nào có thể làm bạn luôn mỉm cười vì chỉ có nụ cười mới có thể xua đi những góc khuất tăm tối trong tâm hồn !” Trong tình yêu, nụ cười có ý nghĩa lớn như thế. Đối với tất cả các mối quan hệ khác, nụ cười cũng đem lại những kết quả kỳ diệu như vậy.

Một hôm, tôi được giới thiệu với danh ca Maurice Chevalier. Thú thật là tôi rất thất vọng khi nhìn thấy ông trong bộ dạng ủ rũ lầm lì như một kẻ chết rồi. Bỗng nhiên, có ai đó nói gì làm cho ông mỉm cười. Toàn bộ gương mặt ông bừng sáng như có tia nắng mặt trời xuyên qua đám mây mù. Không có nụ cười đó, Maurice, có lẽ giờ đây, vẫn còn cặm cụi đóng bàn ghế ở một xưởng mộc nào đó ở Paris.

Nụ cười của một đứa bé cũng có tác dụng như vậy. Một ngày mùa xuân trong phòng đợi của bác sĩ thú ý Steven Ford ở Raintown - Missouri. Hôm đó, rất đông khách, đang nóng lòng chờ bác sĩ khám cho những con thú cưng của mình. Và một thiếu phụ bước vào với một đứa bé độ chín mười tháng tuổi trên tay và một chú mèo con. Cô ngồi cạnh một người đàn ông đang hết sức bực tức vì phải chờ đợi quá lâu. Cháu bé ngước mắt nhìn và đã tặng ông ấy một nụ cười ngây thơ rạng rỡ. Tất nhiên, người đàn ông cười lại với đứa bé và cuộc trò chuyện của ông với mẹ của cậu bắt đầu. Sau đó, mọi người trong phòng cũng tham gia vào câu chuyện của họ và không khí bực bội, căng thẳng, bỗng dưng tan biến. Phải chăng tôi đang nói đến nụ cười nham nhở, giả tạo à ? Không đâu ! Sự giả tạo không đánh lừa được ai cả.

Một nụ cười thật sự, một nụ cười làm ấm lòng người, phát xuất từ tận đáy lòng. Nó phải thể hiện được sự quan tâm, mong muốn tìm hiểu về người đối diện. Giáo sư tâm lý học James Max Foley của trường Đại Học Michigan đã từng nói: “Những ai biết mỉm cười đều có thiên hướng biết cách quản lý bán hàng hiệu quả, tạo được hạnh phúc và nuôi dạy con cái nên người.” Một nụ cười chuyển tải nhiều thông điệp hơn hẳn một cái cau mày. Chính vì vậy, khích lệ là cách hiệu quả hơn hẳn trừng phạt.

Giám đốc nhân sự của một cửa hàng bách hoá lớn ở New York khẳng định với tôi rằng bà sẵn sàng thuê một nhân viên bán hàng chưa học xong tiểu học nhưng có nụ cười tươi tắn hơn là một vị tiến sĩ tâm lý học có gương mặt ủ dột và cáu kỉnh. Nụ cười có sức tác động vô cùng mạnh mẽ ngay cả khi người ta không nhìn thấy nó. Các công ty điện thoại trên toàn nước Mỹ đều có chương trình huấn luyện mang tên “Sức mạnh của nụ cười”. Trong chương trình này, các điện thoại viên được yêu cầu phải luôn mỉm cười khi trả lời điện thoại vì người nghe có thể nghe được nụ cười của họ qua giọng nói. Bạn hãy thử nhấc máy lên gọi cho bạn bè hay người thân của mình. Lần đầu, bạn không mỉm cười khi nói. Lần thứ hai, bạn mỉm cười thật tươi. Bạn sẽ thấy điều kỳ diệu trong thái độ mà bạn sẽ đem đến cho người nhận cuộc gọi. Trong nhiều trường hợp, điều này còn quyết định hiệu quả của cả một ngày làm việc của họ và của chính chúng ta.

Robert Briand, giám đốc một công ty máy tính ở Cincinatti - Ohio, kể về sự thành công trong việc tuyển người:

... Tôi còn chưa tuyệt vọng trong việc cố gắng tuyển một tiến sĩ khoa học máy tính cho công ty. Cuối cùng, tôi tìm được một chàng trai với những phẩm chất lý tưởng vừa mới tốt nghiệp Đại Học Ohio. Sau cuộc trao đổi qua điện thoại, tôi biết rằng anh đã được nhiều công ty khác chào mời, trong đó có nhiều công ty uy tín và nổi tiếng hơn cả công ty của tôi, tôi rất hào hứng vì anh chấp nhận đề nghị.

Sau khi anh bắt đầu công việc, tôi hỏi tại sao lại chọn chúng tôi. Anh dừng lại một phút rồi nói: “Tôi cho rằng đó là vì các nhà quản lý trong các công ty khác nhấc điện thoại với giọng lạnh lùng chỉ thuần túy quan tâm đến công việc, làm tôi cảm thấy như là một chuyện giao dịch kinh doanh đơn thuần. Riêng giọng nói của ông, nghe như thể là ông rất vui vẻ, lắng nghe tôi như là ông thật sự rất muốn tôi tham gia vào tổ chức của ông và ông có thể yên trí rằng tôi vẫn đang trả lời điện thoại trong khi mỉm cười.”

Vị Chủ tịch Hội Đồng quản trị của một trong những công ty cao su lớn nhất nước Mỹ bảo tôi rằng, theo kinh nghiệm của ông, thì người ta ít khi thành công trong việc gì đó nếu như không có cảm hứng và niềm vui trong công việc. Nhà lãnh đạo này không tin vào câu: “Làm việc cật lực là chìa khoá tuyệt diệu để mở cánh cửa của thành công” - ông nói: “Tôi biết nhiều người thành công vì tìm thấy niềm vui trong kinh doanh rồi họ thay đổi vì niềm vui đó đã biến thành một công việc đơn điệu. Việc kinh doanh đi xuống và họ mất đi hứng thú để rồi cuối cùng thất bại. Bạn cần có thái độ vui vẻ khi tiếp xúc với mọi người nếu bạn muốn họ cũng có ý nghĩ tương tự.”

Tôi đã đề nghị hàng ngàn doanh nhân thử mỉm cười với mọi người mà họ gặp trong ngày và suốt bảy ngày trong tuần. Sau đó thì cho tôi biết kết quả. Ta hãy đọc bức thư của William Stainhat, một nhà môi giới chứng khoán ở thị trường chứng khoán New York. Trường hợp của ông không phải là đặc biệt mà là một điển hình của hàng ngàn trường hợp tương tự. Ông viết:

“... Tôi đã kết hôn trên 18 năm, và trong suốt ngần ấy năm, tôi ít khi mỉm cười với vợ tôi hay nói được 20 từ với cô ấy tính từ sáng sớm cho tới khi chúng tôi đi ngủ vào buổi tối. Tôi đúng là một trong những gã cáu kỉnh nhất từ xưa tới nay. Khi ông yêu cầu tôi phải kể về trải nghiệm của tôi khi mỉm cười với người khác, tôi nghĩ mình cần phải làm thử trước đã. Sáng hôm sau, khi chải tóc, tôi nhìn cái vẻ mặt rầu rỉ của mình trong gương và bảo: “Will này, hôm nay, cậu phải xoá cái vẻ cáu kỉnh trên bộ mặt u ám của cậu đi, cậu phải mỉm cười và bắt đầu ngay từ lúc này !” Khi ngồi ăn sáng, tôi mỉm cười và chào vợ: “Chào em yêu !”, vợ tôi sửng sốt đến bàng hoàng cả người. Tôi bảo cô ấy rằng: “Chưa hết đâu !”, việc này sẽ diễn ra thường xuyên, và tôi đã giữ được lời cam kết của mình.

Hai tháng nay, từ khi biết cười, tôi đã đem đến cho gia đình mình nhiều hạnh phúc hơn so với cả 18 năm chung sống bên nhau trước đó. Khi đến sở làm, tôi gặp người gác cổng và chào: “Anh có khoẻ không ?” kèm theo một nụ cười. Khi đi ăn trưa, tôi đã mỉm cười với người phuc vụ và không quên nói với họ một câu pha trò vui vẻ. Tôi thấy ngay rằng mọi người đều mỉm cười lại với tôi. Tôi đối xử với những khách hàng đến khiếu nại hay phàn nàn bằng thái độ niềm nở và nhận ra rằng mọi việc đều được giải quyết dễ dàng hơn. Tôi hiểu rằng những nụ cười hàng ngày đem đến cho tôi nhiều tiền, thật nhiều tiền và quan trọng hơn là chân giá trị của hạnh phúc. Tôi đang hợp tác kinh doanh với đối tác là một thanh niên dễ thương. Tôi đắc ý về những kết quả vừa đạt được đến đỗi tôi đã kể hết cho cậu ấy nghe về ý nghĩa triết học mình mới lãnh hội được trong quan hệ giữa người với người. Sau đó, cậu thú nhận rằng lần đầu tiếp xúc với tôi, cậu nghĩ tôi là một người gắt gỏng và khó tính, mãi đến gần đây, cậu mới thay đổi ý kiến. Cậu nói rằng tôi thật sự đáng mến và gần gũi khi mỉm cười. Tôi cũng đã bớt dần thói quen phê phán, chỉ trích. Bây giờ, tôi đã biết cảm kích và khen ngợi người khác. Tôi thôi nói về những gì tôi muốn và biết cách nhìn nhận vấn đề theo quan điểm của người khác. Và những việc này đã thật sự thay đổi cuộc đời tôi. Tôi đã là một con người khác hẳn, một người vui vẻ hơn, giàu có hơn và hạnh phúc hơn trong quan hệ bạn bè và trong hạnh phúc gia đình …”

Bạn sẽ bảo rằng: “Làm sao mà tôi có thể cười được khi trong lòng không vui ?”, tôi xin chia sẻ hai bước giúp bạn tự tạo niềm vui cho mình.

Trước hết, hãy bắt chính bạn mỉm cười. Nếu bạn ngồi một mình, bạn có thể huýt sáo hay hát khẽ một giai điệu nào đó, tự nhiên lúc đó nỗi buồn sẽ vơi đi và bạn bắt đầu cảm thấy nhẹ nhàng. Khoa học đã chứng minh rằng hành động và cảm xúc có sự tương tác lẫn nhau bằng cách bắt hành động phải chịu sự kiểm soát trực tiếp của ý chí. Chúng ta có thể gián tiếp điều chỉnh cảm xúc dù cho cảm xúc là một thứ, vốn nằm ngoài tầm kiểm soát của ý chí.

Vì vậy, để xua tan một nỗi buồn, cách tốt nhất là tự mỉm cười. Không phải của cải vật chất bạn đang sở hữu hay địa vị xã hội của bạn làm cho bạn hạnh phúc hay đau khổ. Hai người có thể có cùng một địa vị như nhau, cùng làm một công việc như nhau, cùng kiếm được tiền bạc và uy tín như nhau, nhưng một người có thể cảm thấy đau khổ, còn người kia thì cảm thấy hạnh phúc. Tại sao lại có điều kỳ lạ như vậy ? Đơn giản là do thái độ và tinh thần của hai con người đó, khác nhau. Tôi đã nhìn thấy nhiều gương mặt hạnh phúc nơi những người nông dân nghèo đang làm lụng vất vả với dụng cụ lao động thô sơ trong cái nắng oi bức của miền nhiệt đới. Và tôi cũng đã từng thấy những gương mặt thất vọng và khổ sở trong những văn phòng sang trọng, hiện đại bên trong những toà nhà chọc trời ở New York, Chicago hay là Los Angeles. Shakespeare có nói rằng: “Không có sự vật, hiện tượng hay hoàn cảnh tốt hay xấu mà chính cách nghĩ của con người khiến cho nó xấu hay tốt !”

Eplington có lần đã nói: “Hầu hết con người đều hạnh phúc nếu như họ có những suy nghĩ hạnh phúc !” … Một lần nọ, tôi đã bắt gặp một minh họa sinh động cho chân lý này. Khi bước lên cầu thang của nhà ga Long Island - New York, ngay trước mặt tôi là hơn ba mươi cậu bé khuyết tật với gậy và nạng, tập tễnh bước lên cầu thang. Có một cậu phải được hai người khiêng lên. Tôi sửng sốt thấy các em đang cười nói vui vẻ với nhau không hề để ý đến tình trạng khuyết tật của mình. Quá đỗi ngạc nhiên, tôi bèn hỏi chuyện một trong những người trông nom các em, ông ấy trả lời: “Khi một đứa trẻ hiểu rằng nó sẽ tàn tật suốt đời, lúc đầu nó hoảng hốt, đau khổ và thất vọng, nhưng rồi sau đó nó vượt qua tâm trạng đau khổ đó và chấp nhận số phận của mình để vui sống như những đứa trẻ bình thường khác !” Tôi thật lòng khâm phục những cậu bé đó. Các em đã dạy cho tôi một bài học mà tôi biết chắc mình sẽ không bao giờ quên được.

Khi làm việc một mình suốt ngày trong căn phòng đóng kín của công ty, ít có dịp giao lưu với các đồng nghiệp, người ta thường cảm thấy cô đơn rồi dần dần hình thành thói quen cô độc. Chị Maria Gonzalez ở Guadalajara - Mexico có một công việc như vậy. Mặc dù cũng muốn được thân thiện với các đồng nghiệp khác nhưng mỗi khi đi qua đại sảnh, nghe mọi người nói cười tíu tít, chị chỉ ngại ngùng nhìn về phía khác. Sau vài tuần cảm nhận được sự cô độc của mình, chị đã tự nhủ: “Này Maria, mày không thể hy vọng các đồng nghiệp đến với mày mà phải chủ động ra gặp họ chứ !”. Sau đó, khi bước đến góc dãy khác của công ty, chị mỉm cười thật tươi với những người chị gặp và hỏi: “Hôm nay, anh chị thế nào ?”, kết quả đến ngay lập tức. Những nụ cười và những lời chào đáp lại. Cả hành lang văn phòng dường như tươi vui hơn. Mối quan hệ đồng nghiệp được cải thiện, công việc bỗng trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hẳn lên và chị cảm thấy cuộc sống thật là thú vị.

Dưới đây là lời khuyên của triết gia Elbrus Harper:

“Mỗi khi bạn ra khỏi nhà, hãy ngẫng cao đầu lên, hít thở thật sâu. Hãy đón nhận ánh nắng mặt trời, chào đón bạn bè với một nụ cười và trao tâm hồn bạn cho những người khác trong cái bắt tay. Đừng sợ bị hiểu lầm và đừng lãng phí thời gian nghĩ đến kẻ thù. Hãy tập trung vào những điều bạn muốn làm, không chùn bước và bạn sẽ tiến thẳng đến đích. Hãy nghĩ đến những việc lớn lao và cao cả mà bạn muốn thực hiện trong đời. Rồi ngày tháng trôi qua, bạn sẽ thấy mình tự nhiên nắm được những cơ hội cần thiết để thực hiện mong muốn của mình. Hệt như con tằm, một khi đã nhả tơ thì sẽ miệt mài cho đến sợi tơ cuối cùng. Bạn hãy hình dung hình ảnh một nhân tài đầy nhiệt huyết có ích cho xã hội mà bạn khao khát trở thành. Hãy nuôi dưỡng hình ảnh này trong tâm trí rồi dần dần, bạn sẽ thấy mình đang trở thành con người đặc biệt đó.”

Suy nghĩ chính là điểm mấu chốt, đó chính là nguồn gốc của mọi sáng tạo. Hãy duy trì một thái độ đúng đắn, một tinh thần dũng cảm, chân thành và vui vẻ. Mọi cơ hội sẽ đến từ sự khát khao và mọi mong ước chân thành đều sẽ được đáp ứng. Hãy ngẫng đầu thật cao và hiên ngang bước tới. Tất cả chúng ta đều là những nhân tài tiềm ẩn trong tư chất của mình. Người Trung Hoa có câu châm ngôn nổi tiếng: “Nếu không có nụ cười tươi tắn thì đừng mở hiệu buôn !” - nụ cười là sứ giả thiện chí của bạn, truyền đi những thông điệp không lời hơn hẳn bất kỳ câu nói nào. Nụ cười làm bừng sáng cuộc đời của tất cả những ai nhìn thấy nó. Đối với những người luôn phải tiếp xúc với những bộ mặt cau có đôi khi giận dữ thì nụ cười của bạn như tia nắng mặt trời chiếu sáng lấp lánh xuyên qua đám mây mù tăm tối, và không phải ngẫu nhiên mà một nhà thơ đã từng viết: “Khi cười, gương mặt chúng ta nở hoa” !

Cách đây vài năm, một cửa hàng bách hoá ở New York nhận ra áp lực mà những nhân viên bán hàng phải chịu trong ngày lễ Giáng Sinh. Họ đã cho treo một tấm bảng sau đây trước cửa: “Giá trị của nụ cười trong ngày lễ Giáng Sinh”. Nụ cười không tốn kém mà đem lại rất nhiều thứ. Nụ cười không chỉ làm giàu cho người nhận mà cho cả người cho. Nụ cười xuất hiện trong nháy mắt nhưng có thể để lại dấu ấn suốt đời. Không ai giàu có mà thiếu nụ cười. Người nghèo khổ sẽ trở nên giàu có hơn nhờ nụ cười. Nụ cười đem lại hạnh phúc trong gia đình, mang lại cảm hứng, thiện chí trong công việc và làm ấm áp thêm tình bạn. Nụ cười là chốn nghỉ ngơi cho người mệt mỏi, là ánh sáng ban mai cho người nản chí, là tia nắng mặt trời cho người luôn buồn tủi và là thuốc giải độc tốt nhất cho những hoài nghi, lo lắng và sợ hãi. Nụ cười không thể mua, xin, vay mượn hay cướp đoạt bởi vì nó chỉ có giá trị khi con người chân thành trao tặng cho nhau. Và nếu như trong những phút mua sắm tất bật cuối cùng của bạn, nếu một vài nhân viên của chúng tôi quá mệt mỏi không nở nổi một nụ cười tặng bạn, bạn có thể rộng lượng gởi tặng cho họ một nụ cười của chính bạn hay không ? Vì không ai cần một nụ cười nhiều bằng người đã không còn một nụ cười nào nữa để cho đi.

Đừng quên mỉm cười trong cuộc sống. Nụ cười của bạn mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh, và do đó cũng mang lại hạnh phúc cho chính bản thân bạn. Hãy mỉm cười với nhau dù đó là người bạn chưa quen biết. Nụ cười ấy sẽ soi chiếu đến những góc khuất của tâm hồn và làm bừng sáng cả những nơi tăm tối nhất.

Danh ngôn (38)

- Trích: “ĐẮC NHÂN TÂM - Chương V”



Đừng quên mỉm cười trong cuộc sống. Nụ cười của bạn mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh, và do đó cũng mang lại hạnh phúc cho chính bản thân bạn. Hãy mỉm cười với nhau dù đó là người bạn chưa quen biết. Nụ cười ấy sẽ soi chiếu đến những góc khuất của tâm hồn và làm bừng sáng cả những nơi tăm tối nhất.

Nếu Phật có thật, chúng ta sẽ được gì và mất gì ?

- Theo NTDTV
- Biên dịch: Mai Trà
- Biên tập: Tuệ Minh



Nhiều năm trước, tại một hội trường lớn có một vị học giả nói với mọi người rằng Phật là tuyệt đối không tồn tại.

Lúc mọi người muốn ông ta chứng minh lời mình nói là đúng, ông ta liền cao giọng nói như thách thức Đức Phật: “Đức Phật quả thực người có linh, hãy xuống đây, trước mặt rất đông mọi người hãy giết chết ta đi, thì chúng tôi sẽ tin là người thực sự có tồn tại”, ông ta cố ý lặng yên chờ mấy phút nữa, đương nhiên là Đức Phật không xuống để giết chết ông ta. Ông ta liền nhìn mọi người xung quanh và nói: “mọi người thấy rồi đấy, Đức Phật vốn dĩ là không tồn tại”.

Bất ngờ có một người phụ nữ nông thôn, trên đầu quấn một chiếc khăn, nói với ông ta:

- Tiên sinh, lý luận của ông rất cao minh, ông là một học giả uyên bác. Tôi chỉ là một phụ nữ nông thôn, không thể phản bác lại ông, chỉ muốn hỏi ông một câu hỏi ở trong tâm trí của tôi: Từ trước đến nay đã nhiều năm rồi, tôi luôn tin vào Phật, tin vào những lời dạy bảo của Phật và cảm thấy vô cùng thoải mái. Bởi vì trong lòng luôn tràn ngập niềm tin vào Phật , điều đó đã đem lại cho tôi sự bình yên và hạnh phúc to lớn nhất. Tôi hỏi ông, nếu như khi tôi chết, phát hiện rằng những gì tôi tin vào Đức Phật hết thảy đều không tồn tại, nhưng cả đời này của tôi đã tin vào Phật, vậy tôi sẽ bị tổn thất cái gì ?

Vị học giả suy nghĩ một hồi lâu, cả hội trường yên lặng, người nghe cũng rất đồng ý với suy luận của người phụ nữ này, ngay cả vị học giả cũng thán phục suy nghĩ logic này. Ông thấp giọng trả lời: “Phu nhân, ta nghĩ bà không bị tổn thất cái gì cả !”

Người phụ nữ nông thôn lại nói với vị học giả:

- Cảm ơn câu trả lời tốt của ông, trong tâm tôi có một thắc mắc, nếu khi mà ông chết, ông thấy những gì Đức Phật răn dạy là đúng sự thật, lục đạo luân hồi là có tồn tại thật. Tôi muốn hỏi ông sẽ mất những gì ?

Vị học giả suy nghĩ một hồi lâu và không nói được lời nào.

Cùng suy ngẫm:

Nếu bạn tin Phật và Phật không tồn tại, bạn sẽ mất những gì ? Còn nếu như Phật có tồn tại thật, nhưng bạn lại phỉ báng Phật, bạn sẽ mất những gì ? Thật đáng phải suy nghĩ sâu xa !

Đối với mỗi người trong chúng ta, bất kể là có tin Phật hay không thì đều biết rằng Phật là lương thiện, là từ bi, và luôn bảo hộ chúng sinh. Ý chỉ của Phật là giáo huấn con người lương thiện, chân thành và khoan dung. Mọi người khi gặp nạn đều khẩn cầu Đức Phật phù hộ. Người có lòng tin vào Phật thường là người lương thiện, trong tâm họ luôn chứa đựng những lời dạy bảo và ý chỉ của Phật. Trong tâm họ luôn luôn vui vẻ và chứa đựng lòng biết ơn. Họ tin rằng thiện ác hữu báo nên họ không làm điều ác, tôn sùng lương thiện và hòa ái, chân thành, như thế không tốt sao ? Và bởi vì người ta không tin vào sự tồn tại của Đức Phật, không tin vào thiện ác hữu báo, nên họ dám làm bất kỳ điều gì để đạt được danh lợi cho mình, không có đạo đức ước thúc, không có quy phạm lương tâm.

Shakespeare đã từng nói rằng: “Đừng phỉ báng những điều bạn không biết sự thật, nếu không - tính mạng của bạn sẽ gặp trùng trùng điệp điệp những nguy hiểm !” Vâng, nếu khi bạn chết bạn thực sự thấy Đức Phật, Phật pháp đúng là có thật, cũng có luân hồi và có tồn tại địa ngục. Như vậy những người lương thiện thì thật đáng quý, còn bạn, bạn đã mất đi cái gì ?

Bản tính con người là thiện ác đồng thời tồn tại, những người tin vào Phật sẽ ước chế điều ác và hướng thiện, tâm trí của họ thực sự được vui sướng, ngược lại, những người không tin vào Phật thì cái thiện của họ cũng sẽ bị cái ác lấn át, họ sẽ làm bất kỳ điều gì họ muốn, không khác gì động vật. Hãy nhìn xung quanh chúng ta, một thế giới không có đức tin đúng đắn, người ta sẽ không phân biệt được điều gì là thực sự thiện và thực sự ác. Chân thành, lương thiện, nhẫn nhịn, những người chứa những đức tính này là những người tốt nhất. Những người bị tiền bạc thay thế thiện niệm (mọi người bái Phật vẫn vì danh lợi), những người này đã bị mất phương hướng, tìm không thấy được ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Hành xử lương thiện, không làm điều ác, hạt giống lương thiện ở trong tâm hồn mỗi chúng ta, nếu không ngừng tưới lên nó đức tin đúng đắn, tôi nghĩ rằng bạn sẽ tuyệt đối không mất gì mà còn có được một cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn.

Vô ngại

- Thích Tánh Tuệ



Chiều mây bay qua núi
Mỏi cánh ngà rụng rơi
Nước mây chưa từng hẹn
Ấy thế ... nhịp nhàng xuôi
Mặc tình trôi ...

Mặt trời vừa tự vẫn
Buông xuống dòng thác mơ
Này ai, ai có thấy
Vầng nhật trôi ... xa mờ
Không bến bờ ...

Hàng mù u bên suối
Lá còn chưa úa vàng
Gió vô thường quyến rũ
Cuốn theo dòng ... thời gian
Thôi cưu mang ...

Lũ chim chiều về tổ
Tiếng hót rơi xuống đời
Hòa âm cùng giọng suối
Rủ nhau tìm ra khơi
Đi rong chơi ...

Người ngồi nơi cõi thế
Đời cho giọt lệ buồn
Lệ ngược vào tâm khảm
Giam hãm ... hồn đau thương
Đành không buông …

Một người nghe tiếng chuông
Từ thiên thu vọng lại
Lặng im cùng đất trời
Hòa tan chung vạn loại
Lòng vô ngại …

Mặc thời gian khiêu vũ
Điệu vô thường vần xoay
Người qua năm ngọn núi
Thả tình ... cho mây bay
Qua cơn say ...

Bóng đêm là gì ?

- Nguồn: Đại Kỷ Nguyên



“Vạn vật trên thế gian này nhiều như số cát ở sông Hằng, cho dù chúng ta có nhìn thấy hay không, có thể cảm nhận hay không, thì chúng vẫn luôn tồn tại ở đó. Nếu cứ ngồi dưới đáy giếng mà nhìn lên bầu trời, thì sẽ rất khó để hiểu được vũ trụ vô tận này.”

Dưới đây là một đoạn đối thoại giữa một vị cao tăng đức độ trong một ngôi chùa Phật giáo cổ và một người theo thuyết vô thần.

Cao tăng:
- Xin thí chủ cho biết điều gì trên đời mà ngài không tin tưởng nhất ?

Người vô thần:
- Tôi thấy mới tin, không thấy thì không tin.

Cao tăng:
- Ồ, thí chủ thật thẳng thắn. Tuy nhiên, như ngài đang thấy, có một cung điện màu xanh dát vàng, to lớn, nguy nga, đang ở trước mặt ngài khoảng 100m. Khi màn đêm buông xuống và bóng tối bao phủ, liệu ngài có cho rằng cái cung điện to lớn ấy không hề tồn tại hay không ?

Người vô thần:
- Tất nhiên là nó vẫn tồn tại, nhưng bị bóng đêm bao phủ.

Cao tăng:
- Thế bóng đêm là gì ?

Người vô thần:
- Là …

Cao tăng:
- Trời tối thì ngài tin vào bóng đêm ? Trời sáng thì ngài tin vào ánh mặt trời ?

Người vô thần:
- À thì …

Cao tăng:
- Này thí chủ, thực ra ngài có thể nhìn thấy những thứ mà ngài không nhìn thấy ! Tòa cung điện nằm ở ngay kia và không bao giờ dịch chuyển, chỉ có tâm hồn và trí tuệ của ngài bị bóng đêm bao phủ mà thôi, do đó tòa cung điện đã biến mất khỏi tâm của ngài.

Người vô thần (chắp tay biểu lộ sự thành kính):
- Thưa thầy, xin hãy giảng giải thêm cho tôi hiểu.

Cao tăng:
- Tất cả những điều làm tâm của ngài lung lạc cũng giống như bóng đêm bất tận và vô minh này, chỉ có cách thể hiện là khác nhau thôi. Vạn vật trên thế gian này nhiều như số cát ở sông Hằng, cho dù ngài có nhìn thấy hay không, có thể cảm nhận hay không, thì chúng vẫn luôn tồn tại ở đó. Nếu ngài cứ ngồi dưới đáy giếng mà nhìn lên bầu trời, thì sẽ rất khó để hiểu được vũ trụ vô tận này. Nói cách khác, mọi thứ không thể tóm gọn trong việc nhìn thấy hay không nhìn thấy. 



Một kiếp người

- Thích Tánh Tuệ



Ta đã cưu mang một kiếp người
Một đời gom nhặt chẳng hề ngơi
Trót quên, chớp mắt trần gian mộng
Mà sống mê man cuộc khóc, cười ...

Con đường hoa đạo

- Truyện ngắn: Lam Khê



Một bóng người thoăn thoắt bước đi, thỉnh thoảng quay đầu nhìn ra hai bên đường đầy vẻ tư lự. Lúc này vầng trán thanh tú khẽ nhíu lại, trầm ngâm nghĩ ngợi. Thanh gươm đeo bên người lập loè sáng trong ánh nắng chiều đỏ quạch, càng mang dáng dấp của một chàng tráng sĩ thời thượng. Khi rẽ sang một con đường khác, tráng sĩ chợt dừng chân reo lên:

- Lạ thật, nơi heo hút này lại có con đường rộng thoáng băng xuyên cả qua ngọn núi. Con đường đầy hoa mà ai đã trồng lên dường như mang một ý nghĩa gì đó.

Trời tối từ lâu, nhưng Mạnh Trí - tên tráng sĩ - vẫn còn loanh quanh dưới chân núi. Cơn đói đã qua, nhưng sương đêm nơi núi rừng hiu quạnh vào những ngày tàn đông cũng làm cho lòng chàng bồn chồn buốt giá. Chàng đến gõ cửa một ngôi tịnh thất nhỏ nằm chơ vơ bên vách đá, vì nghe có tiếng chuông vọng ra từ bên trong. Vị sư mở cửa, thoáng nhìn qua chàng rồi nhỏ nhẹ nói:

- Tráng sĩ ắt hẳn muốn tá túc qua đêm nơi Bổn Tự ? Vậy xin mời vào bên trong cho ấm.

Chàng trai ngạc nhiên, song tự nghĩ: “Vị Sư chắc từng đón tiếp nhiều khách lỡ đường như ta, nên đã quen mà không hỏi han gì !”

Mạnh Trí thức giấc giữa đêm khuya khi vị sư trở dậy đi công phu. Chàng trằn trọc mãi không phải vì mệt mỏi sau nhiều ngày dong ruổi, mà bởi bao ý nghĩ chập chờn cứ như làn sóng nhấp nhô xuống lên không dứt. Vị sư vẫn còn trung niên. Ngôi tịnh thất này cũng chỉ được tạo dựng sau này, rõ ràng không thể làm chứng nhân cho mọi sự việc xảy ra trước kia. Chàng lẩm bẩm:

- Hừ … Ta đang muốn làm kẻ truy tìm lại một quá khứ tội ác đau thương. Thật chẳng dễ dàng gì, với chừng ấy thời gian trôi qua.

Vị sư châm trà mời chàng cùng đối ẩm, không gian toả rộng theo vị trà thơm thoang thoảng. Chủ khách cùng yên lặng thưởng thức. Ngoài sân trời đã sáng. Một ngày bắt đầu nơi núi rừng mới yên tịnh làm sao. Tiếng chim hót líu lo. Tiếng reo vi vu của suối ngàn thăm thẳm. Tiếng nẩy mầm tươi vui của bao chồi xanh khi đất trời đang chuyển mình để bước sang mùa xuân mới. Mùa xuân sắp về mà Mạnh Trí vẫn còn làm kẻ lang thang nơi này. Mục đích thì rõ ràng, mà đầu mối thì lại mịt mù rối rắm đâu đâu.

- Thí chủ … - vị Sư lên tiếng sau một hồi cả hai cùng mật niệm bên chén trà đạo - người đi đâu qua đây trong những ngày đông giá lạnh này ? Bần đạo xem qua thì ắt hẳn không phải là thương buôn.

- Vâng, bạch Thầy … Tôi đang đi tìm một người. Dạ ! Xin hỏi … Thầy mới đến đây ẩn tu, hay ở trước khi con đường được mở rộng dẫn xuyên qua núi ? Tôi có hỏi thăm dân chúng thì được biết con đường do một vị sư tự làm lấy trong nhiều năm … Người đó có phải là Thầy ?

- Câu chuyện về con đường … nói ra thì dài lắm. Thí chủ uống trà thư thả rồi bần đạo sẽ kể lại. Người khởi xướng và khổ công đục đá xuyên đường nhiều năm trời ròng rã chính là Sư Phụ của Bần Đạo. Người vừa tịch cách đây một năm. Khi Bần Đạo đến … thì con đường đã gần hoàn thành.

- Thầy vì lòng mến đạo tu hành mà đến đây ?

- Không ! Tôi tìm đến vì một nguyên do khác. Để rồi sau đó bằng lòng ở lại làm một ẩn sĩ tu hành, an bần lạc đạo. Câu chuyện bắt đầu từ bốn mươi năm về trước …

Ở nơi kinh thành xa xôi có một nhà võ sĩ tài danh lỗi lạc vang tiếng một thời. Trong nhà nuôi rất nhiều đệ tử và nô bộc. Ông có người thiếp trẻ, xinh đẹp nhưng tánh tình lẳng lơ quỷ quái. Cô ta ra sức quyến dụ một đồ đệ. Rồi một hôm, võ sĩ bắt gặp tại trận hai người cùng dan díu làm chuyện dâm loạn. Ông nổi giận, bắt người đệ tử ra giữa nhà, định chặt chân anh ta để trị tội. Nhưng khi thấy võ sĩ còn rất giận dữ và lơ là việc canh chừng, anh ta vụt đứng dậy, giựt lấy cây thương đâm chết thầy mình, rồi cùng với người thiếp bỏ trốn.

Hai kẻ gian phu dâm phụ ấy đã cao chạy xa bay tìm đến một ngọn núi để chung sống với nhau. Một thời gian vì … cô ả vốn quen sống trong nhung gấm bạc tiền, nên không thể chịu nổi cảnh túng thiếu nghèo khổ. Thế là cô ta bức bách anh chồng phải làm một kẻ cướp của giết người. Hồi đó nơi ấy có con đường mòn đi tắt qua biên giới. Khách buôn thường hay qua lại, để rồi không ít người trở thành nạn nhân cho sự cuồng sát của gã, và lòng tham không đáy của mụ đàn bà kia. Gần mười năm trời họ đã giết không biết bao người. Một hôm, có một cặp vợ chồng trẻ đi ngang qua núi. Trên mình người vợ đeo rất nhiều đồ trang sức quý giá. Người đàn bà lại bức ép anh chồng ra tay giết họ để cướp tài sản. Người đồ đệ trong lòng không nỡ nhưng cũng phải ra tay. Anh ta đuổi theo giết người vợ, còn người chồng thì chạy thoát được. Khi cầm trên tay những nữ trang của người phụ nữ vừa bị mình giết, trong lòng gã hối hận buồn thương vô hạn. Thế là anh ta quăng hết mọi thứ vào bụi cỏ. Chạy trốn cả người vợ ác quỷ.

Ông đến ngọn núi khác tu hành rồi trở thành Hòa Thượng. Hằng ngày, ông tinh tấn tụng Kinh niệm Phật và sám hối tội lỗi trước kia. Ngoài ra, ông còn vì dân chúng, sáng chiều cần cù đục đá làm đường thông qua núi. Như thế, trải qua hai mươi năm ròng, ông đã sáu mươi tuổi mà không lúc nào lơi lõng việc tụng kinh bái sám. Công trình đục đá làm đường cũng đi được chín phần mười. Quan địa phương và dân chúng quanh vùng rất cảm động về việc làm của Hòa Thượng, nên thường cho vài người đến phụ đục đá. Con đường ngày càng được khai thông rộng rãi, dân làng thuận tiện đi lại.

Lại nói về con của người võ sĩ trước kia. Lúc này đã khôn lớn và cũng trở thành một võ sĩ có tiếng. Anh bèn đi tìm kẻ giết cha mình để phục thù. Khi đó vị Tăng ra nhận tội, mong muốn được chết để sám tội nghiệp xưa. Nhưng dân làng một mực đứng ra bảo vệ ông. Hòa Thượng bèn xin với tráng sĩ, cho mình làm đường xong rồi hãy giết. Võ sĩ không thể đợi, nên chờ đêm xuống, muốn đến ám sát ông. Lúc anh ta tới nơi thì thấy ông cật lực làm việc thâu đêm không nghỉ, nên cảm động, bèn ở lại phụ vị Tăng đục đá đắp đường, lòng thầm nghĩ: “Thôi thì hãy đợi làm đường xong, ta báo thù cũng không muộn !”

Võ sĩ cùng với vị Tăng thường nỗ lực làm đường ngày đêm không nghỉ tay. Một năm trôi qua, chỉ còn hai người làm với nhau. Và rồi con đường cuối cùng cũng được thông suốt. Bấy giờ cả hai đều cảm thấy rất vui mừng an lạc. Sau đó vị Tăng tụng kinh hồi hướng cho gia chủ và những người mình đã giết trước kia. Xong rồi ông mới bảo võ sĩ ra tay giết mình. Một năm qua, võ sĩ đã thầm thọ sự cảm hóa bởi cung cách sống, tu niệm và việc làm của vị Sư, nên hầu như quên hết mối thâm thù xưa. Hơn nữa, cả hai người đang vui vì đã hoàn thành một công trình lợi ích nhân sinh. Dân làng lại rất tôn trọng cùng biết ơn vị Tăng.

Võ sĩ lúc này mới sực nhớ lại trọng trách của mình. Bất chợt chàng khẽ thở dài thầm nghĩ: “Một người mang đầy tội lỗi cực ác trước kia, đã biết quy tâm hướng thiện, làm bao điều lợi lạc cho chúng sanh, quên hết cả bản thân mình, ra sức tu niệm, mà lại có dũng khí cải hối nhận tội. Ta vì mối thâm thù đại hận, cũng chỉ muốn hành xử với kẻ tàn ác mà thôi. Nếu giết ông thì có khác gì xâm hại một bậc tu hành chơn chánh. Dân làng sẽ không tha thứ, mà lương tâm ta cũng không tha thứ cho mình.”

Thế là cả hai người cùng hòa giải. Họ ôm nhau vui mừng và cùng khóc. Sau đó chàng võ sĩ ấy đã ở lại xin xuất gia làm đệ tử của vị Tăng.

- Võ sĩ đó chính là Thầy đây sao ? - Mạnh Trí buột miệng kêu lên.

Vị Sư hơi ngước nhìn chàng dò hỏi, rồi gật đầu nhẹ:

- Phải ! Chính là tôi. Nhưng tráng sĩ chắc là có tâm sự gì. Trông người có vẻ khác thường khi nghe xong câu chuyện.

Chàng trai trẻ không trả lời, lặng lẽ đứng lên đi đến bên khung cửa sổ, nhìn chăm ra khu rừng thông phía ngoài. Những cây thông chịu đựng cả một mùa đông băng tuyết, nay đang nhú dần ra các chồi non mơn mởn. Mùa xuân đến rồi sao. Trời trong xanh và những tia nắng vàng ấm áp đang quét sạch hết màn sương đêm. Vị tu sĩ vẫn ngồi yên. Ông chờ đợi hay không muốn làm khuấy động phút giao lòng của vị khách lạ. Đôi mắt tráng sĩ gần như bất động khi nhìn sang ngôi tháp của vị Hòa Thượng vừa viên tịch mà sáng sớm nay chàng vừa ra đó nghiêng mình đảnh lễ.

- Hình như ngay từ đầu thầy đã nhận ra tôi ? - Tráng sĩ cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn.

Vị Sư vẫn ôn tồn nói:

- Chúng ta chưa từng biết nhau. Nhưng tôi vẫn đoán được mục đích của tráng sĩ khi đến đây. Trước lúc viên tịch Thầy tôi có căn dặn: “Rồi sẽ có con cháu của những người Thầy sát hại trước kia tìm đến để báo thù. Chỉ tiếc là ta không còn để trả nợ cho người. Con hãy nói với họ là ta xin tạ tội với tất cả. Đời đời sanh ra nguyện tu hành hồi hướng cho bao người nằm xuống dưới lưỡi đao của người, và dầu có chịu trăm ngàn lần đâm chém, Người cũng vui lòng …”

Mạnh Trí mím môi nói lớn:

- Hừ ... Chỉ nói mấy lời như vậy là có thể xoá hết tội ác và lòng thù hận của người ta sao. Mẹ tôi, chính là người phụ nữ cuối cùng làm ông ta chùng lòng. Vậy mà ông cũng ra tay giết hại, để mãi mãi tôi trở thành đứa trẻ mồ côi khi chưa tròn tuổi. Tôi lớn khôn nghe cha kể lại và quyết tâm đi tìm kẻ thù. Tôi đã bỏ bao công sức để luyện công học võ và tìm kiếm, nhưng khi đến nơi thì ông ta không còn.

- Thì ra cậu là con của người phụ nữ đeo đầy đồ trang sức ngày đó. Cái chết của mẹ cậu đã làm cho Thầy hối hận ray rứt vì tội ác của mình. Điều ấy đã khiiến cho Người hướng theo một con đường khác. Tôi cũng từng nằm trong hoàn cảnh đó, nên hiểu rõ lòng hận thù đau khổ của một đứa con trước một kẻ đã sát hại cha mẹ mình. Bây giờ người mất rồi. Tội ác đã tạo trước kia, dù tu hành tinh tấn và chứng ngộ, nhưng dư báo Người vẫn sẽ trả. Cậu có nhìn thấy tháp của Hòa thượng rồi chứ ? Chính dân làng đã xây lên để tưởng niệm ân đức của Người. Cậu có thể trút hết hận thù mình lên đó, chửi mắng hay đập phá gì cũng được …

- Thầy bảo tôi xúc phạm vào linh tháp của bậc tu hành để mắc tội đọa à !

- Cậu nghĩ được vậy là tốt. Đó cũng là ý tưởng của tôi khi đặt chân đến nơi này. Một người từng giết cha, và bây giờ là Thầy của mình. Tôi được cảm hoá bằng giá trị của một tâm hồn luôn biết sám hối hướng thiện, xả thân vì nhân thế … Khi đi trên con đường phía trước đó, tôi đã nghĩ như vậy. Hòa Thượng đã trồng hoa hai bên đường và gọi là con đường Hoa Đạo. Con đường không chỉ mang lại nhiều tiện ích cho nhân sinh, mà nó còn chứa đựng mọi giá trị tâm linh cao cả. Thầy cầu mong ai đi trên đó đều mang cảm giác an lành hạnh phúc.

○●○●○

Khi những nụ tầm xuân vừa chớm nở dọc theo hai bên đường Hoa Đạo, người ta thấy chàng tráng sĩ mang gươm ngày nào lần bước xuống núi. Lúc này hai tay chàng buông thõng, vẻ mặt sáng ngời tươi tắn, gần như xóa hết những vết nhăn ưu tư của lúc mới đến. Chàng đi trở lại con đường cũ, nơi đã đưa chàng tới bờ bình yên sau nhiều ngày tìm kiếm xuôi ngược. Lúc này lòng chàng thật thanh thản vì không còn mang nặng mối thù sâu. Thanh gươm tung hoành của đời tráng sĩ cũng đã gác lại … bên dưới chân ngọn tháp của vị Tăng vốn mang đầy ân oán với cuộc đời.

“Nước chảy - Hoa rơi”

- Trích: “Nếu em an lành, đó là ngày nắng” |Bạch Lạc Mai|



Trên thế gian này, không phải chỉ có rượu mạnh mới làm người ta say, không phải chỉ có tình yêu nồng cháy mới có thể khắc cốt ghi tâm. Có lúc, một chút thanh đạm, càng tỏa hương dài lâu, một thoáng vô tình, càng khiến người ta trong mơ còn nhớ, một đoạn ngắn ngủi, càng có thể vương vấn cả đời.

Đến nay, chúng ta đều không có cách nào thực sự phân biệt, hoa rơi và nước chảy, rốt cuộc là ai hữu tình ai vô ý. Có lẽ nếu như không có tình ý, chẳng qua là một cuộc gặp gỡ giữa hồng trần, một mai ly biệt, không ai đau đớn.

Về lại nguồn chân

- Thích Tánh Tuệ



Sẽ chẳng bao giờ nguôi khát khao
Nếu lòng ta mãi cứ lao xao
Đi tìm nước biển hòng vơi khát
Hạnh phúc đã ngầm ôm đớn đau

Sẽ chẳng khi nào thỏa ước mong
Bao người đã đến, trở về không
Hoa đời vui ngắm từ nguyên vẹn
Vội ngắt, làm tay nhỏ máu hồng

Ta mãi trông đồi kia cỏ xanh
Ngựa lòng chưa mỏi vó phi nhanh
Tà dương vội khuất trên đầu núi
Mộng ước đầy vơi cũng đoạn đành

Khi dừng chân lại, thôi tìm kiếm
Chợt thấy hoa cười trên lối đi
Khi nỗi khát khao ... vừa tắt lịm
Cõi lòng tươi nở đóa Lưu Ly

Sẽ thật bình yên khi nhận ra
Suối nguồn phúc lạc vốn trong ta
Những “viên ngọc nước” hoài tan vỡ
Hạnh phúc trần ... mang mang xót xa

Như người lưu lạc kiếp tha phương
Diễm phúc một ngày quy cố hương
Tử sinh trầm thống ... thôi hò hẹn
Đời vui bên khúc nhạc Chân Thường

Danh ngôn (37)

- THÍCH CA MÂU NI



Thân mật sanh trìu mến. Do trìu mến có ưu phiền. Hãy nhận chân niềm bất hạnh phát sanh do trìu mến, và như chúa sơn lâm - một mình - đơn độc vững bước.

Vô cảm

- Minh Niệm

Cuộc sống ngày càng nhiều biến động, đổi thay, đến nỗi có những điều rất bất thường nhưng người ta lại thấy nó bình thường, và có những điều hết sức bình thường mà người ta lại cho đó là bất thường. Chuẩn mực về đúng sai dường như đã không còn nằm trong “dinh lũy” của triết lý hay đạo đức nữa, nó thuộc về quyền lực của kinh tế.
Cái gì làm cho kinh tế phát triển là đúng, còn ngược lại là sai.

Khi đã thực sự dừng lại và nhìn sâu thì ai cũng sẽ biết chia sớt và nâng đỡ những mảnh đời khốn khổ, đáng thương xung quanh. Chỉ khi nào con người trở về bản chất biết quan tâm nhau và sống vì nhau thì ý niệm cao - thấp, sang - hèn, vinh - nhục … mới biến khỏi cuộc đời này.


● Trái tim khô

Cuộc sống ngày càng nhiều biến động, đổi thay, đến nỗi có những điều rất bất thường nhưng người ta lại thấy nó bình thường, và có những điều hết sức bình thường mà người ta lại cho đó là bất thường. Chuẩn mực về đúng sai dường như đã không còn nằm trong “dinh lũy” của triết lý hay đạo đức nữa, nó thuộc về quyền lực của kinh tế. Cái gì làm cho kinh tế phát triển là đúng, còn ngược lại là sai.

Tốt nghiệp ra trường đã lâu mà ta vẫn chưa kiếm được việc làm, cứ quanh quẩn trong gia đình thì lập tức bị xem là hành động bất thường. Dù rằng mỗi ngày ta cũng làm việc vất vả phụ giúp gia đình, nhưng thật khó thản nhiên khi “bị” hàng xóm, bạn bè, hay chính người thân trong gia đình hỏi thăm: “Sao vẫn chưa đi làm hả ?”, “Bộ tính sống kiểu này luôn sao ?” … Từ chối mức lương cao hay cơ hội thăng chức, để được sống thảnh thơi và chăm sóc gia đình nhiều hơn cũng có thể bị xem là “ấm đầu”, là có vấn đề. Thời buổi bây giờ ai cũng cong người lao tới phía trước mà ta lại cứ từ từ, an phận, tức là ta đã tự tách mình ra khỏi dòng chảy của xã hội văn minh này. Ta tụt hậu mất rồi.

Thành kẻ tụt hậu để mỗi sáng thức dậy có thể nghe tiếng chim hót bên sân vườn, nhìn thấy mặt trời vương trên những ngọn tre, ngắm thật lâu những người thân đi qua lại, ân cần hỏi thăm cô bác hàng xóm, có thời gian dừng lại nhặt nhánh gai bên đường hay giúp cụ già đẩy chiếc xe hàng rong lên con dốc, đủ thảnh thơi để lang thang trên con đường làng râm mát, buồn buồn ghé qua nhà bạn uống trà và tán dóc đủ thứ chuyện trên đời … Tụt hậu mà có thể sống, sống sâu sắc trong từng giây phút, sống trầm tĩnh và an nhiên, sống hài hòa và thân thiết với mọi người xung quanh, thì cũng đáng lắm chứ.

Còn tiến tới thì được gì, mất gì ? Người ta cứ đinh ninh rằng càng phát triển kinh tế, càng nắm bắt được nhiều thứ (từ vật chất đến quyền lực) thì sẽ càng hạnh phúc, nhưng họ lại để cho hư hao một thứ cực kỳ quan trọng, thứ duy nhất cảm nhận được hạnh phúc - đó là trái tim biết rung động. Một trái tim biết rung động trước những khó khăn hay nỗi khổ của kẻ khác là một trái tim chưa thương tật, một trái tim còn bình thường. Đó chính là trái tim hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc đích thực chỉ có mặt khi ta biết sẻ chia.

Khi ta mong muốn có thêm những điều kiện hưởng thụ và tìm mọi phương cách để đạt được, san bằng mọi trở ngại, bất chấp mọi thủ đoạn, không kể gì đến sự thiệt thòi hay tổn hại của kẻ khác, lạnh lùng và nghi ngờ mọi người xung quanh, đó chính là lúc trái tim ta rỉ máu và khô cạn. Làm kinh tế phải có trái tim lạnh, không biết rung cảm thì mới thành công. Nhưng thành công mà không có hạnh phúc thì thành công để làm gì ?

Giả dụ vì một cơn biến động nào đó mà những người thân yêu đều biến khỏi cuộc đời ta, và loài người cũng không còn có mặt trên hành tinh này nữa, chỉ còn một mình ta với sản nghiệp khổng lồ thì ta có thể sống và hạnh phúc không ? Vậy mà bây giờ ta sống như thể không hề dính dáng tới ai, không cần ai, không chịu ơn ai, không có trách nhiệm gì với ai, cố gắng tồn tại chứ không phải đang sống vì sự sống là phải có sự cảm nhận và rung động. Và chẳng biết tự bao giờ, trong đầu ta đã cài đặt sẵn mật lệnh “mặc kệ nó” để dửng dưng đi ngang qua cuộc đời này như một kẻ xa lạ đến từ hành tinh khác.

● “Mặc kệ nó !”

Đã lâu rồi, mỗi lần giở trang nhật báo ra, ta không còn cảm giác rợn người và thương tâm trước những vụ tai nạn giao thông thảm khốc nữa. Thay vào đó, ta lại thấy may mắn vì những người thân của ta không có trong danh sách thương vong. Rồi như không có gì xảy ra, ta thản nhiên lao vào dòng chảy giao thông như một cuộc chiến, tranh thủ vượt đèn đỏ, bất chấp lằn đường, giành giật nhau từng khoảng trống trên đường, ăn vạ hay hung hãn đánh nhau khi lỡ va chạm và hậu quả còn nghiêm trọng hơn cả tai nạn thật.

Ở Mỹ, nếu ta đến giúp người gặp nạn thì có thể bị nghi là thủ phạm và sẽ phải mất nhiều thời gian để chứng minh mình vô can trước cảnh sát hay tòa án. Thế nên, nhiều người đã phải học cách nhẫn tâm, nhắm mắt làm ngơ trước nạn nhân kêu cứu để khỏi gánh chịu phiền phức - “Chắc thế nào cũng có người gọi báo cảnh sát thôi !” ...

Ở một số nước, luật quy định gây tai nạn để lại thương tật tốn nhiều khoản bồi thường hơn gây tử vong. Điều này vô tình biến những kẻ ích kỷ và hèn nhát thành kẻ đánh mất lương tri, họ cố tình cán nạn nhân tới chết khi trót gây tai nạn, rồi lạnh lùng buông câu hỏi: “Tôi phải trả bao nhiêu tiền cho cái xác này ?” - đó là sự thật khó tin trong thời đại của chúng ta.

Ta cũng lánh xa dần thói quen “click” chuột vào mục “tấm lòng nhân ái” của những trang tin điện tử, vì sợ phải nhìn thấy những số phận éo le đến nghiệt ngã mà nao lòng: “Nhiều quá làm sao giúp cho hết !” , “Trách nhiệm này đâu phải của riêng ta !” … Ta tự nhủ thầm như thể có ai đang bắt bí sự thờ ơ vô tình của ta vậy, rồi thấp thỏm đi tìm cảm giác dễ chịu từ những mục văn nghệ giải trí, hay những thông tin bổ ích cho công ăn việc làm. Thỉnh thoảng gặp vài người quen nằng nặc xin tiền bảo trợ cho hội từ thiện nào đó, ta lại giương mắt nghi ngờ, vặn vẹo đủ điều, như thể không còn ai là người tốt thật trên đời.

Cái đáng lo sợ nhất cho giới trẻ bây giờ không phải là thiếu kiến thức, mà là thiếu niềm tin. Họ đã thôi bỡ ngỡ đến tỉnh rụi trước sự giả trá. Họ từng nghe có những em học sinh đu dây qua sông đi học, những đứa bé bị bóc lột lao động đến kiệt sức để kiếm tiền đóng học phí, nhưng không biết những người có trách nhiệm cao nhất ở đâu khi họ đã từng hăng hái ký vào Công Ước Quốc Tế về quyền bảo vệ trẻ em. Họ cũng từng biết có những cái chợ vô hình mà nơi đó người ta bán thần thánh, bán chức tước, bán trinh tiết và bán cả mạng người. Người lớn im lặng. Nhà chức trách làm ngơ. Thử hỏi người trẻ dựa vào đâu để tin có chánh nghĩa, có công lý ? Họ lấy gì để tiếp nối đây ? Đứt đoạn mất rồi !

Tất nhiên, không phải đến bây giờ người ta mới sống vô cảm, nhưng phải nhìn nhận rằng cuộc tổng tấn công toàn diện của kinh tế đã phá vỡ tan tành thành trì đạo đức, khiến biết bao kẻ cam tâm vứt bỏ bản chất thiên nhiên của con người để trở thành cỗ máy vô tri. Ta thích kiểu sống “độc lập” - không muốn đụng chạm tới ai và cũng không muốn ai phiền nhiễu tới mình. Ta luyện tập thuần thục thói quen “mặc kệ” mọi biến động xung quanh, dù với người thân, để thẳng tiến tới mục đích làm giàu hay thỏa mãn quyền lực. Như Đức Dalai Lama từng than: “Chúng ta đã lên tới mặt trăng và trở về, vậy mà quá khó để bước qua đường gặp người hàng xóm mới” (We’ve been all the way to the moon and back, but have trouble crossing the street to meet the new neighbor). Chừng nào ta vẫn còn tin thỏa mãn danh vọng là hạnh phúc lớn nhất của con người, vẫn bỏ cái chung vì cái riêng, thì ta sẽ mãi không thuộc về nơi này và sẽ mãi độc hành với trái tim khô.

● Đi lại từ đầu

Ai chưa từng sống qua miền thôn quê của nước Mỹ, nơi mà ngay cả giới truyền thông của Mỹ cũng chưa từng đặt chân tới, có thể sẽ nhận xét phiến diện về người Mỹ.

Không cần đứng bên lề đường và giơ ngón tay cái lên nhiều giờ, nhiều ngày, như ở đô thị để xin một cuốc đi xe nhờ, cứ thong thả bước đi thì tự khắc sẽ có người dừng xe lại hỏi thăm và đón ta. Không người này thì cũng có người khác. Bất cứ thứ thực phẩm gì có trên xe, họ đều đem ra mời như gặp lại người thân quen. Có khi họ mời ta về nhà nghỉ ngơi, hoặc sẵn lòng đưa ta thẳng tới nơi ta cần tới dù không cùng đường về nhà họ.

Ngay cả những khu đông người như thị trấn cũng không có tín hiệu đèn đỏ. Xe này nhường xe kia, người này nhường người nọ. Điều thú vị là những người lái xe rất hay vẫy tay chào nhau hoặc chào những người đi bộ bên đường, dù không quen biết nhau. Có lẽ vì họ không bận rộn và hối hả như những người sống ở đô thị, hoặc vì họ thấy đó là một niềm vui, là điều cần thiết. Một cái vẫy tay kèm theo nụ cười nhẹ nhàng khiến kẻ đón nhận cảm thấy sự có mặt của mình rõ ràng và giá trị hơn, không gian trở nên rộng lớn hơn, và đối với những người khách lạ thì cảm thấy được chào đón và yên lòng hơn.

Chỉ trừ những nơi nuôi gia súc bắt buộc phải làm hàng rào, còn hầu hết nhà cửa ở miền quê đều không bao giờ khóa, kể cả khi họ đi vắng. Ta có thể tự vào nhà lấy nước uống và đánh một giấc ở góc nào đó để chờ họ về mà không phải lo sợ họ nổi giận, rút súng ra dọa, hay báo cảnh sát như ở nhiều nơi giàu có trên đất nước Mỹ. Hàng xóm muốn qua mượn đồ, biếu chút quà, hay chỉ qua chơi thì cứ tự nhiên đẩy cửa vào nhà mà không cần phải lấy hẹn trước. Những công việc nặng nhọc như đào giếng, dựng nhà, thu hoạch cả cánh đồng nho … đều có những bàn tay hăng hái của xóm giềng phụ giúp. Mỗi cuối tuần, họ đem cả gia đình đến họp mặt tại ngôi nhà chung của làng để vui chơi, đàn ca và ăn uống. Có những buổi hàn huyên đến tận khuya, khi có trăng đưa lối về nhà.

Có những ngôi làng hẻo lánh chỉ có khoảng vài ba chục gia đình, nhưng nơi ấy chưa bao giờ im lìm đến ngạt thở như những khu biệt thự sang trọng trong thành phố lớn. Luôn luôn có những tiếng cười nói, gọi nhau ơi ới ngoài sân vườn hay trên cánh đồng. Trẻ con thường chỉ học ở nhà, tuy cũng theo chương trình của nhà trường nhưng do phụ huynh hướng dẫn. Có những đứa bé lớn lên chưa bao giờ đến trường, và nếu có thì cũng chỉ học hết tiểu học hoặc trung học. Không phải vì không có điều kiện đến trường, mà vì cha mẹ chúng thấy không cần thiết và không mấy tin tưởng vào hệ thống giáo dục có thể làm cho con họ tốt hơn, trái lại, sẽ làm hư hại tâm hồn nhiều hơn. Mà thật, quan niệm thất học là thứ tệ nạn không có chỗ đứng ở những nơi mà người ta sống và hành xử với nhau không phải bằng cái đầu khôn khéo và đầy ắp kiến thức, mà bằng trái tim chân thành.

Ở Alaska, nơi có khí hậu cực kỳ khắc nghiệt và kinh tế đứng gần hạng bét nước Mỹ, lại có nhiều cộng đồng rất vững mạnh. Họ sống trong rừng sâu hay thung lũng vắng, gần như biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Dù sống bằng nghề nông, nhưng phần lớn lại xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau và từng sống ở những đô thị lớn. Đặc biệt, không ai sở hữu tài sản riêng, mọi thứ đều chia sẻ đồng đều với nhau. Nơi đó, số lượng công việc được làm không quan trọng bằng chất lượng sống mỗi ngày, nên âm nhạc, yoga hay thiền định luôn là nguồn thức ăn tinh thần. Điều bất ngờ nhất là họ tránh xa ti-vi, và trẻ con không hề biết đến các trò chơi điện tử. Tuy nhiên, họ cũng không ngừng cải thiện lối sống bằng thói quen đọc sách. Sách đã đem họ tới gần với tinh hoa của thế giới.

Không phải bất kỳ miền quê nào của nước Mỹ cũng có khung cảnh sinh hoạt chan hòa và hạnh phúc như vậy. Nhưng nhìn chung, những nơi nào mà vật chất ít chiếm cứ thì nơi ấy con người được là chính mình hơn, làm chủ cuộc sống nhiều hơn. Con người ở khắp nơi trên thế giới, và ngay cả những xứ sở mệnh danh là siêu cường quốc, còn đang loay hoay tìm kiếm hạnh phúc bằng đủ mọi phương cách, nhưng họ vẫn chưa thấy rằng ham muốn vật chất là một trong những trở lực lớn nhất của hạnh phúc.

Thực ra, vật chất không phải là thứ nguy hiểm đáng sợ, nó cũng có vị trí nhất định trong đời sống con người. Nhưng khổ nỗi, hễ con người chạm tới nó là dễ dàng bị nó quật lại, điều khiển, và rút mòn sinh lực. Nó thường mạnh hơn nội lực con người, vì nó có thể đánh thức ma lực ham muốn. Mà, càng ham muốn thì càng phát triển bản ngã ích kỷ, nên không còn đủ thời gian và năng lực để quan tâm đến những người thân yêu, chứ nói gì đến xóm giềng hay toàn xã hội. Và, càng ham muốn thì tâm càng biến động, trong khi hạnh phúc chỉ đến từ sự bình yên - trạng thái chấp nhận hoàn toàn những gì đang có trong hiện tại, tức là không mong cầu hay chống cự điều gì nữa.

Có thể nói có hai cách để sống, một là sống ít ham muốn mà có nhiều hạnh phúc, hai là nhiều ham muốn mà ít hạnh phúc. Tuy nhiên, hầu như ai cũng muốn sống theo cách thứ ba - vừa ham muốn vừa hạnh phúc, nhưng cách này chưa bao giờ trở thành hiện thực cả. Trong thực tế, càng lên tới đỉnh cao danh vọng thì ta càng đánh mất cơ hội thưởng thức cuộc sống và khả năng yêu thương vốn rất bao la của mình. Sống mà không được yêu thương hay không thể trải lòng ra để yêu thương thì đâu thể nào có hạnh phúc. Có chăng, cũng chỉ là những cảm giác hấp dẫn và bay bổng nhất thời, đó không phải là nhu cầu lớn nhất của con người. Khi chưa tìm thấy được nhu cầu cao nhất của bản ngã thì ta sẽ mãi còn khắc khoải, chênh vênh, lạc lõng, và trôi lăn giữa cuộc đời này.

Ta cứ khăng khăng đòi phải phát triển, phải vươn lên, phải hiện đại hóa mọi thứ. Nhưng cũng chính ta lại bàng hoàng, phẫn nộ, kêu than tại sao con người ngày nay trở nên lạnh lùng, tàn nhẫn và hung ác đến thế. Tất cả những cuộc tương tàn đẫm máu giữa những kẻ xa lạ, đến những vụ thảm sát man rợ giữa những người thân trong gia đình mà ta thấy nhan nhản mỗi ngày trên mặt báo, nếu không phải do động cơ ham muốn và hơn thua nhau thì là cái gì ? Nói cách khác, thái độ sống ích kỷ, dửng dưng, vô cảm … là một trong những loại siêu vi khuẩn hàng đầu hủy diệt sự liên kết giữa các tế bào trong xã hội.

Do đó, con đường thoát cho nhân loại chắc chắn không thể nào là cứ cố gắng phát triển kinh tế hơn nữa. Đã đến lúc phải thẳng thắn thừa nhận mặt trái quá khủng khiếp của nó. Thay vào đó, hãy quay về nâng dậy những giá trị quý báu của tâm hồn. Khi đã thực sự dừng lại và nhìn sâu thì ai cũng sẽ biết chia sớt và nâng đỡ những mảnh đời khốn khổ, đáng thương xung quanh. Chỉ khi nào con người trở về bản chất biết quan tâm nhau và sống vì nhau thì ý niệm cao - thấp, sang - hèn, vinh - nhục … mới biến khỏi cuộc đời này.

Vẫn chưa quá muộn để ta cùng nhau đi lại từ đầu, vì nẻo ấy ta đã đi qua và tổ tiên ta cũng đã từng trải nghiệm thành công. Nhưng chuyến đi lại này ta quyết phải đi cho thật kỹ, thật hay. Đi lại từ đầu là thoát khỏi sự xiềng xích của vật chất để trả ta về lại với thiên nhiên, với tình người. Đi lại từ đầu là vui vẻ đi chung đường, đi bên nhau mà không lo ngại gì nhau, luôn sẵn lòng với nhau. Đi lại từ đầu là đi trong tỉnh thức, an nhiên.

Đi về đâu, hỡi em ...
Dửng dưng trên đường nhỏ
Dòng người đây thân quen
Vẫn bên em từ đó

Trăng vàng

- Quang Minh



Lên non hái ánh trăng vàng
Ngang qua đồi núi băng ngàn ngao du
Ai về nhắn gởi mùa thu
Lá sầu thôi hái mùa thu qua rồi

Người đi một cõi không nơi
Ngàn trang thôi vẽ mộng thời hết mơ
Đất trời rộng trải nên thơ
Thênh thang dạo khắp đợi chờ làm chi

Trang đời xin chớ khắc ghi
Mộng đời càng vẽ khổ thì chất thêm
Dòng sông nước chảy êm đềm
Ta về ta tắm bên thềm trăng soi

Bèo mây tan hợp nổi trôi
Trời xanh một lối lên đồi hái trăng

Không hiện hữu nhưng vẫn nhiệm mầu

- Nguyễn Duy Nhiên



Giáo lý của Đức Phật có trình bày về ba sự thật. Ba sự thật ấy còn được gọi là ba con dấu, trong kinh gọi là Tam Pháp ấn, the three dharma seals. Chúng là ba đặc tính có mặt trong mọi kinh nghiệm của cuộc sống: vô thường, khổ và vô ngã. Khi ta hiểu sâu sắc được ba sự thật ấy, chúng sẽ mang lại cho ta một sự tự tại và an lạc ngay trong cuộc sống này.

Thật ra thì ba sự thật ấy cũng rất là hiển nhiên. Có một vị giáo thọ Tây phương kể lại rằng mỗi khi bà mang ra dạy, các thiền sinh thường nói: “Chỉ có vậy thôi sao ? Ai mà lại không biết chuyện đó !” Thật ra đó là những sự thật rất bình thường và hiển nhiên, nhưng ta cần hiểu cho thật thẩm thấu, để những tuệ giác ấy có thể giúp ta bớt sợ hãi hơn và có tâm từ ái hơn trong cuộc sống này.

Điều dễ gây nên nhiều hiểu lầm, mà cũng có năng lượng mang lại sự giải thoát lớn cho chúng ta, là giáo lý về vô ngã, anatta. Thật ra đó cũng chỉ là một hình thái khác của luật vô thường mà thôi. Tôi nghĩ, vô thường là khi ta nói về khía cạnh thời gian, và vô ngã là khi ta nhìn về phương diện không gian, vật lý. Chúng chỉ có nghĩa là tất cả luôn biến đổi, không có gì là có một thực thể cá biệt và độc lập được hết.

Và vì mọi vật đều luôn luôn thay đổi, nên “Cái Tôi” là một động từ chứ không phải danh từ. Chúng là những kinh nghiệm biến đổi liên tục, là những sự việc đang xảy ra, mà chúng tự góp nhặt và kết nối nhau lại thành một câu truyện. Trong kinh, Đức Phật dùng chữ duyên khởi để diễn tả rằng mọi việc nhờ nương nhau mà có. Và vì tất cả mọi hiện tượng đều có liên quan mật thiết với nhau, nên không có một cái gì có thể đứng riêng rẽ, độc lập, một mình được hết.

Bà Sylvia Boorstein, một giáo thọ người Hoa Kỳ và cũng là một nhà Tâm lý học, Psychologist, có chia sẻ một bài viết về sự nghịch lý và tuệ giác của giáo lý vô ngã trong cuộc sống. Xin gửi đến các bạn.

● Cái bệnh này là của ai đây ?

“Nếu như không có một cái tôi, thì cái bệnh viêm khớp xương, arthritis, này là của ai đây ?” - Đó là một trong những câu hỏi mà tôi thường nghe những người mới bắt đầu học Phật hay truyền cho nhau, và tôi cũng thường nhận được qua email. Câu hỏi ấy hơi có ý châm biếm về lý vô ngã, anatta. Nhưng tôi nghĩ sự châm biếm ấy thật ra không phải nhắm vào giáo pháp của Phật, mà nó là một sự chế giễu về sự rối rắm trong ngôn ngữ của chúng ta. Mà vấn đề ngôn từ lẫn lộn ấy cũng là việc dễ hiểu thôi.

Cách đây hai mươi lăm năm, khi tôi bắt đầu thực tập thiền quán, tôi nhớ ngồi nghe vị thầy mình giảng về Tam Pháp ấn, the three characteristics of experience, vô thường, khổ và vô ngã, là những tuệ giác mà người tu học cần phải có, để chuyển hóa những tham, sân, si của mình.

Giáo lý về vô thường, anicca, thì có vẻ dễ hiểu đối với tôi. Tôi thấy rõ được rằng mọi việc luôn biến đổi, thời gian đang trôi qua, và một hạnh phúc hay nỗi đau nào rồi cũng đều sẽ phai nhạt theo thời gian. Khổ đau, dukkha, cũng hợp lý đối với tôi nữa. Tôi hiểu được, dầu chỉ bằng khái niệm, về nỗi khổ gây ra do sự dính mắc.

Nhưng tôi không hiểu được thế nào là vô ngã, thế nào là không có một cái tôi. “Như vậy thì ai ở trong này đây đang tiếp xúc với sự sống đang xảy ra chung quanh, nếu không phải là chính tôi ? Thân này là của tôi, tư tưởng này của tôi và chuyện đời này là của tôi !” Tôi còn nhớ là lúc ấy tôi tin chắc là mình đúng, vị thầy hoàn toàn sai, nhưng vì tôi rất thích giáo pháp của Đức Phật nên tạm gác thắc mắc ấy sang một bên.

Thêm vào với cái cảm nhận rằng: “Có một người nào đó bên trong đang làm chủ những việc xảy ra” thì tôi còn là một nhà tâm lý học, Pychologist. Tôi đã tin, và vẫn tin rằng cái cảm nhận về một cái tôi khác biệt với chung quanh – “Đây là tôi. Đây là những tài năng của tôi. Tôi sử dụng chúng khôn khéo trong một cuộc sống liên hệ với những người khác. Tôi có thể tự lo cho mình được” – là một phần rất quan trọng cho việc phát triển một xúc cảm tốt lành.

● Cái tôi của ngôn ngữ không phải là vấn đề

“Tôi là tôi, tôi khác với bạn”, thật ra cái biết đó cũng rất là chủ yếu trong sự hình thành một ý thức về đạo đức. Mỗi khi tụng giới, chúng ta đọc: “Ý thức được những khổ đau do sự giết hại gây ra, con xin nguyện thực tập bảo vệ sinh mạng của con người, của các loài động vật, thực vật và môi trường của sự sống” nó đòi hỏi chúng ta một sự hiểu biết về sự sống của những loài khác với ta, chúng cũng biết kinh nghiệm những khổ đau như chính ta vậy.

Khi ta có thể nói rằng: “Tôi là bạn của người ấy” hoặc là “Tôi sẽ đi làm ngày mai” hay “Tôi sống ở địa chỉ này” ... là một điều rất hữu ích và cần thiết trong cuộc sống. Và những “cái tôi” đó không phải là vấn đề. Chúng chỉ là một thứ dụng cụ, đồ trang bị, để giúp chúng ta quản lý cuộc sống mình. Chúng chỉ là một phương tiện ngôn ngữ dùng để diễn đạt tình trạng, hoàn cảnh, chứ đó không phải là một thực thể riêng biệt và bất biến nào hết.

● Ý niệm về một cái tôi độc lập mới là vấn đề

Còn “cái tôi” có vấn đề là một “cái tôi” hay kể lể những câu truyện, rồi tự cô lập và giam mình vào khổ đau.

Đây là một ví dụ. Trong thời gian hai vợ chồng tôi học thiền với một vị thầy. Có một người bạn làm tôi nổi giận, và tôi nói với chồng mình: “Em tức giận chị ấy vô cùng, không ngờ là chị ta đã nói như vậy về em.” Anh ta đáp: “Nhưng cái tôi đang giận đó nó đang ở đâu?” Câu trả lời của anh lại càng làm tôi tức giận thêm, tôi đáp: “Anh và tôi đều biết là không có một cái tôi nào hết. Nhưng cái giận có thật ! Khổ đau có thật !”

Giá như nếu lúc đó tôi bình tĩnh hơn một chút, tôi đã có thể nhận diện được một “cái tôi” đông cứng và biệt lập, mà tự chính mình đã dựng lên theo với câu truyện “không ngờ là chị ta đã nói như vậy về tôi”. Và chính một cái tôi kéo dài ra ấy mới là nguyên nhân của khổ đau. Nó dựng lên một “cái tôi” bị nói xấu và rồi “cái tôi” ấy bị khổ đau.

Bạn biết không, một “cái tôi” nào có sự mong cầu, bất cứ một loại mong cầu nào, là một “cái tôi” khổ đau. Khổ đau khởi lên theo với một sự bất an nào đó.

Nhưng đó cũng không phải là một điều gì sai trật hay trái luật tâm linh gì hết, chúng chỉ là những dấu hiệu báo cho ta biết rằng, có việc gì đó đang cần đến sự chú ý của mình. Và chúng sẽ biến mất đi khi tâm và thân ta được thoải mái, dễ chịu. Và cũng như mọi hiện tượng khác trong cuộc sống, chúng cũng vô thường và vô ngã, không có một “cái tôi” nào hết, chúng khởi lên và qua đi hoàn toàn tùy thuộc vào điều kiện.

● Vô ngã nhưng sự sống vẫn nhiệm mầu

Vài năm trước trong một buổi nói chuyện của Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma, có một anh thanh niên trẻ than với Ngài: “Con không thể nào tập thiền được. Lúc nào con cũng nghĩ rằng mình đã làm quá nhiều lỗi lầm, con không thể nào xứng đáng có được hạnh phúc.” Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma cúi xuống gần anh và nói với một giọng vừa sửa chữa lại vừa cứng rắn: “Anh lầm rồi !” - Ngài nói: “Mỗi chúng sinh đều là một biểu hiện kỳ diệu của thiên nhiên. Và có được thân người này lại còn càng là quý giá biết bao nhiêu, vì ta có thêm khả năng để phát triển tình thương và tuệ giác.”

Bạn thấy không, không có một cái tôi nào hết, vô ngã, nhưng sự sống này vẫn rất nhiệm mầu.

Nắng tình

- Quang Minh



Tình yêu sương khói giữa trời
Long lanh cát bụi gọi mời lầu mây
Thoáng qua hương thắm đông đầy
Sầu vương để lại một ngày nắng thơ

Vào đời cỏ dại đá trơ
Núi giăng phủ tuyết giấc mơ mộng vàng
Trời chiều mây trắng thênh thang
Khói lam mái lá bên đàng dừa xanh

Ngô đồng tiếng hót hoàng oanh
Lúa vàng đỏ chín ngập tràn ánh trăng
Trẻ thơ đùa giỡn tung tăng
Bướm hoa vườn thúy, Tuệ Đăng sáng ngời

Tại sao “oan ức mà không cần biện bạch” ?

- Nguồn: Giác Ngộ



Hỏi:

Tôi kính nghe: “Oan ức không cần biện bạch vì làm như vậy là hèn nhát mà trả thù thì oán đối kéo dài”. Tuy nhiên, trong cuộc sống thường nhật, tôi phải tiếp xúc với biết bao người, những người này đối xử tốt với tôi cũng nhiều và gây phiền toái cho tôi cũng không ít. Mặc dù tôi cố chiêm nghiệm lời dạy trên nhưng trong lòng vẫn cảm thấy bất an khôn tả. Vậy tôi có nên áp dụng theo lời dạy trên hay không và khi gặp những chuyện phiền não bức bách, tôi phải giải quyết như thế nào ?

Đáp:

“Oan ức không cần biện bạch vì làm như vậy là hèn nhát mà trả thù thì oán đối kéo dài” - là điều tâm niệm sau cùng của MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM trong LUẬN BẢO VƯƠNG TAM MUỘI. Người Phật tử phát Bồ-đề tâm, thực hành Bồ-tát đạo, dấn thân vào chướng nạn, đối diện với nghịch cảnh, phải thường xuyên nhớ nghĩ điều ấy trong lòng để soi sáng cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động ngỏ hầu viên thành bi nguyện độ sanh, vô ngã, vị tha nhằm thành tựu giác ngộ.

Đây là cốt tủy, tinh túy, là đỉnh cao của pháp hành trên lộ trình Bồ-tát đạo. Một người chưa phát Bồ-đề tâm, chưa đạt đến vô ngã, thiếu bi nguyện độ sanh thì khó làm được. Do đó, “dù cố gắng chiêm nghiệm lời dạy trên nhưng trong lòng vẫn cảm thấy bất an” là chuyện bình thường đối với chúng sanh. Nguyên nhân của sự bất an này không phải lời dạy trên không có tác dụng tích cực khi ứng dụng vào cuộc sống, mà chính ở chỗ tu tập và quán chiếu của tự thân chưa thấu đáo, chưa đạt được tuệ giác để vượt qua cái tôi của cá nhân.

Thói thường, khi cái tôi bị đe doạ, bị mất an ninh, lập tức tự ngã có một phản ứng để tự tồn. Sự tự vệ của cái tôi rất dữ dội, thậm chí rất ngoan cố bảo vệ cả những điều lầm lỗi. Vì vậy, “oan ức không cần biện bạch” là điều khó có thể chấp nhận. Do đó, chấp nhận sự sai lầm của bản thân là một nỗ lực mạnh mẽ, xứng đáng để nhân loại ca ngợi, khâm phục. Vượt lên một bước, chấp nhận cả điều oan ức là lối hành xử cao thượng, là lẽ sống của Bồ-tát. Và điều này, chỉ duy nhất những vị mang trong mình tâm niệm Bồ-tát mới làm được. Bồ-tát nương vào sự tu tập, quán chiếu ngũ uẩn giai không, phát triển tuệ quán và thành tựu tuệ giác vô ngã. Khi đạt đến một nhận thức về tính không của tự ngã thì lúc ấy những rác rưởi đeo bám trên tự ngã tức khắc rơi rụng. Nhờ vậy, dù không cần biện bạch khi gặp những điều oan ức nhưng tâm của Bồ-tát vẫn an nhiên.

Bạn đã từng chiêm nghiệm lời dạy trên mà vẫn bất an vì bạn chưa thực sự phát Bồ-đề tâm, chưa nỗ lực quán chiếu để nhận thức sâu sắc về tính không của tự ngã. Cái gọi là tự ngã, là tôi, thực chất chỉ là một tổ hợp bao gồm năm yếu tố:

- Thân thể (sắc)
- Cảm thọ (thọ)
- Tri giác (tưởng)
- Tư duy (hành)
- Nhận thức (thức)

Năm yếu tố này hòa quyện vào nhau để hình thành tự ngã. Đặc tính cơ bản của tự ngã là duyên sinh, đã duyên sinh thì cố nhiên không có tự tính, không thật thể và hoàn toàn vô ngã. Nỗ lực quán chiếu về vô ngã tính sẽ làm cho cái tôi cá nhân ngày càng thu hẹp lại cho đến triệt tiêu thì tự khắc tình yêu thương không phân biệt sẽ hiện ra. Chính tình yêu thương không phân biệt ấy mới đủ sức dung nhiếp, tha thứ và hoá giải tất cả mọi oan ức và thù hận.

Trong cuộc sống, nếu chưa đủ sức phát khởi Bồ-đề tâm, tu tập phát huy tuệ giác vô ngã thì bạn nên biện bạch. Vì biện bạch để làm sáng tỏ vấn đề, đem lại công bằng cho tự thân và mọi người là điều mà những người bình thường vẫn làm. Dù việc làm này không giải quyết triệt để vấn đề nhưng hơn hẳn sự chịu đựng trong bất an, đau khổ. Tuy nhiên, sự biện bạch để giải tỏa oan ức chỉ có tính chất tạm thời. Vì rằng, nếu còn bóng dáng tự ngã thì nổi oan này qua đi, nổi oan khác lại kéo đến và như thế cuộc đời là một chuổi biện bạch. Tự thân của sự biện minh là biểu hiện của tự ngã và đó là vòng luẩn quẩn của thân phận chúng sinh.

Mỗi khi gặp những chuyện phiền não bức bách, bạn nên bình tâm ngồi lại để chiêm nghiệm vấn đề. Hãy đối diện với chính mình, lắng nghe tiếng lòng tâm sự để thấy được căn nguyên của phiền não, bất an. Bạn sẽ thấy rằng phiền não chỉ là những đợt sóng lao xao nô đùa trên tự tâm bình lặng. Không cần xua đuổi hay hàng phục, chỉ quan sát chúng đến và đi một cách rõ ràng. Bạn sẽ mỉm cười khi phát hiện ra chúng tuy có đấy nhưng không thật. Không những phiền não mà ngay cả niềm vui, sự hạnh phúc, tất cả đều là hoa đốm trong hư không.

Đạo Phật là đạo của trí tuệ, đỉnh cao là tuệ giác vô ngã. Vượt qua những chướng ngại trong cuộc sống nhờ sự soi sáng của trí tuệ là chủ trương của Đạo Phật. Nếu chỉ dồn nén và chịu đựng những điều oan ức mà không hoá giải thì đó không phải là sự hành xử của người Phật tử tu học theo lời Phật dạy. Sức chịu đựng và dung chứa của tâm có giới hạn, khi vượt qua ngưỡng thì sẽ bùng vỡ và đem đến hậu quả khôn lường. Do đó, bạn phải tu tập và ứng dụng lời dạy trên trong cuộc sống bằng cách phát huy tuệ giác vô ngã. Sự tu tập để từng bước thành tựu trí tuệ vô ngã sẽ giúp bạn hoá giải, vượt qua tất cả mọi trở ngại, đồng thời đem lại cho bạn sự bình an, giải thoát.

Danh ngôn (36)

- Hasen



Học cách thích nghi với những thay đổi, kể cả những thay đổi bất lợi. Thích nghi không phải là cam chịu mà chính là để tiếp tục tìm cách giải quyết, thực hiện thành công từng bước những mục đích của mình.

Mơ hồ

- Trích: “Năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình an” | Bạch Lạc Mai |



Nếu như cuộc gặp gỡ rực rỡ, đã định trước chuyến ly tan quay người ra đi, bạn có hối hận vì đã từng có một lần như thế hay không ? Nếu như sự nở rộ của sinh mệnh, là để đổi lấy sự quạnh quẽ của linh hồn, bạn có thể bình tĩnh hưởng thụ nỗi lạnh lẽo này không ? Có lúc, giữa sai và đúng, thịnh và suy, là một giới hạn mơ hồ. Thiên hạ mênh mông giống như một cuộc cờ, hễ không cẩn thận là thua thảm hại. Có bao nhiêu tan vỡ trong toàn vẹn thì sẽ có bấy nhiêu mạnh mẽ trong yếu mềm.

Mẹ tôi

- Tâm Minh Ngô Tằng Giao chuyển ngữ



Con còn nhớ mãi nào quên
Trước kia Mẹ đã ở bên con hoài
Chăm nom, giúp đỡ, dưỡng nuôi
Cho con khôn lớn sống đời tự tin

Con còn nhớ mãi nào quên
Mẹ là hình ảnh Mẹ hiền nêu gương
Khi thì cứng rắn lạ thường
Khi thì nhạy cảm, đẹp dường như hoa

Hình ảnh Mẹ thật khó nhòa
Từ xưa cho tới nay là vậy thôi
Vai trò người Mẹ tuyệt vời
Mẹ hầu có đủ, ít người sánh ngang

Con còn nhớ thật rõ ràng
Gia đình mình được vững vàng bình yên
Nhờ tay Mẹ, khó thể quên
Khi thì rộn rã vang lên tiếng cười
Khi thì giọt lệ thầm rơi
Khi thì tràn ngập tình người yêu thương

Chính nhờ Mẹ đủ mọi đường
Mà đời con được noi gương tốt lành
Giờ đây con đã trưởng thành
Nên con muốn được thưa trình đôi câu
Rằng công ơn Mẹ từ lâu
Con xin cảm tạ trước sau ghi lòng
Rằng con yêu Mẹ vô cùng
Bao lời dù nói cũng không thấm gì

- Tâm Minh Ngô Tằng Giao chuyển ngữ, từ nguyên tác: “MY MOTHER” của tác giả Susan Polis Schutz -

MY MOTHER
(Susan Polis Schutz)

For as long as I can remember
you have been by my side
to give me support
to give me confidence
to give me help

For as long as I can remember
you have always been the person
I looked up to
so strong
so sensitive
so pretty

For as long as I can remember
and still today
you are everything a mother
should be

For as long as I can remember
you have always provided stability within our family
full of laughter
full of tears
full of love

So much of what I have become
is because of you
and I want you to know
that I appreciate you, thank you
and love you
more than words can express


Tịnh khẩu nghiệp

- Bodhgaya Monk



Trong chùa, có một anh câm. Không ai nhớ anh ta đến chùa từ bao giờ, vả lại cũng không mấy người để ý đến anh ta. Anh ta lo mấy sào vườn ở sau chùa, lúc thì trồng rau, lúc thì trồng đậu, làm việc rất là siêng năng. Lúc rảnh, anh ta vào bếp giã gạo và vào những ngày sóc vọng, chùa đông khách, anh ta giúp việc dưới bếp, và rửa bát ở bờ ao cạnh bếp.

Vì anh ta câm, nên chẳng ai nói với anh, và nếu có việc cần nói thì phải ra hiệu. Hết việc, tối nào anh cũng quanh quẩn ở trên chánh điện, quét dọn, lau chùi, và mỗi năm vào kỳ Kết Hạ, mỗi lúc có khóa giảng thì anh ta cầm chổi đứng gần cửa phòng hội, ra vẻ đang quét nhà, nhưng thật ra là nghe giảng kinh ...

Một ngày kia, không thấy anh, vị tri sự bước vào căn phòng nhỏ xíu của anh ở góc vườn, lúc đó mới biết rằng anh câm bị đau, sốt nặng không dậy được. Vị tri sự trình Tổ và mọi người thấy Tổ vào thăm anh câm. Ngài ngồi với anh rất lâu và khi Ngài trở về phòng, nét mặt trang nghiêm của Ngài thoáng vẻ hân hoan.

Từ hôm ấy, chú tiểu ngày hai ba lần mang cháo vào cho anh câm và Tổ mỗi khi xuống thăm thì ngồi cả giờ, mọi người cho rằng anh câm có phúc, được Tổ thương và nếu có mệnh hệ nào thì được Ngài độ cho.

Vào đúng giờ Ngọ hôm đó, người ta thấy Tổ chậm rãi bước ra khỏi phòng anh câm và khi Tổ nhận thấy mọi người chắp tay vây quanh thì Tổ nói rất ngắn: “Ngài đã viên tịch rồi”, ai ai cũng tỏ vẻ ngạc nhiên. Tổ gọi anh câm cuốc vườn là Ngài ! Tổ là một thiền sư đạo hạnh nổi tiếng không những trong vùng mà ngay cả ở chốn kinh kỳ xa xôi nữa. Nhưng không ai dám hỏi Tổ cả.

Cho đến khi làm lễ hỏa thiêu xong, bài vị của anh câm đã được đặt trên chùa, và khóa cầu siêu thường lệ chấm dứt, mọi người được nghe Tổ nói như sau:

“Thật ra, vị chấp tác làm vườn ở chùa ta là một vị tăng, không những là một vị tăng ở kiếp này, mà là từ kiếp trước. Kiếp trước, Ngài tu hành tinh tấn, nhưng Ngài vẫn tái sinh làm kiếp người, chưa lên được cõi trên vì nghiệp của Ngài còn nặng. Kiếp này, Ngài lại tu nữa, và do ta giúp đỡ, Ngài biết rằng Ngài chưa xóa được khẩu nghiệp. Vì thế Ngài phát nguyện tu tịnh khẩu nghiệp. Ngài tịnh khẩu, ai cũng tưởng là Ngài câm. Đến nay thân, khẩu, ý của Ngài đều đã thanh tịnh nên Ngài đã ngộ, vì thế ta mới nói rằng Ngài tịch diệt. Bàn thờ Ngài ở kia, có thể bỏ đi được, nhưng thôi hãy cứ để đấy, không phải là để cúng Ngài, mà chính là để nêu cái gương tu hành cho mọi người.”

Người nghe chuyện, ai ai cũng yên lặng cúi đầu, nghiền ngẫm về sự tu hành. Từ ngày đó, trong chùa, không ai bảo ai, người ta chỉ nói vừa đủ, những mong đến lúc nào đó tịnh được khẩu nghiệp, thoát khỏi sinh tử luân hồi như vị Bồ-tát đóng vai anh câm làm việc sau chùa.

Giữ được khẩu nghiệp, thành Phật một nửa

( Tịnh Nguyên tổng hợp )

“Giữ được khẩu nghiệp, thành Phật một nửa” - Đó là lời răn nhắc tu hành cho nữ chúng tại gia cũng như xuất gia của sư bà Chiếu Pháp ở Phật Hóa Thiền Tự.

Phật Hóa Thiền Tự là một trong năm ngôi chùa cổ lớn nhất tại núi Cửu Hoa, huyện Thanh Dương, tỉnh Anh Huy, Trung Quốc.

Sư bà Chiếu Pháp sinh vào ngày 12, tháng 3, năm Đồng Trị thứ 11 đời nhà Thanh (1866). Tháng 2, năm 1994, vì tuổi cao sinh bệnh, sư bà đến nương náu ở Phật Hóa Thiền Tự, lễ pháp sư Tịch Vân làm thầy.
Pháp sư Tịch Vân trị bệnh cho sư bà trong bốn tháng thì hoàn toàn bình phục. Từ khi xuất gia đến lúc viên tịch, sư bà chưa từng nói một lời thừa, miệng luôn niệm A Di Đà Phật, có người hỏi chuyện, nếu liên quan đến việc tu hành thì trực tiếp khai thị, chỉ dạy, nếu không liên quan đến việc tu hành thì im lặng không nói một câu. Sư bà sống vô cùng giản dị, tất cả mọi việc ăn, ở, đi lại đều tự mình lo liệu, chưa từng nhờ người khác giúp đỡ.

Tấm lòng của sư bà rất từ bi, thiện nam tín nữ nào đến thăm, sư bà đều vỗ lên đỉnh đầu gia trì cho họ, với những người bị bệnh khổ dày vò, sư bà thường xoa bóp, vỗ về giúp họ bớt đau nhức, sư bà luôn hành Bồ-tát đạo cứu thế gian đầy đau khổ. Ngày 20-11-2002, sư bà viên tịch, hưởng thọ 136 tuổi. Năm năm sau, ngày 08-12-2007, pháp sư Tịch Vân kiểm tra thấy nhục thân của sư bà vẫn không bị thối rữa, bèn lấy vàng dát lên, lập điện để thờ phụng.

Sư bà từng dạy rằng:

“Nữ chúng dù là tu hành tại gia hay xuất gia, nếu có thể giữ được khẩu nghiệp là đã thành Phật một nửa. Nên biết:

- Khẩu nghiệp là nghiệp lực khó chế phục nhất của nữ chúng.

- Khẩu nghiệp là trở lực lớn nhất ngăn cản nữ chúng chứng đạo.

- Khẩu nghiệp là đòn sát thương chí mạng nhất đối với công phu tu hành của nữ chúng.

- Khẩu nghiệp là nghiệp nhân chủ yếu khiến nữ chúng đọa vào các đường ác.

- Khẩu nghiệp là phản lực lớn nhất đối với việc vãng sanh Tây Phương của nữ chúng.

- Khẩu nghiệp làm cho đạo tràng không được thanh tịnh, thị phi liên miên.

- Khẩu nghiệp làm cho Tăng đoàn không được hòa hợp, đạo pháp suy vi.

- Khẩu nghiệp làm cho chúng sinh thối thất tâm đạo, chặt đứt căn lành của người khác.

Tội của khẩu nghiệp vô cùng nặng nề, nữ chúng tu hành nếu không dứt trừ bốn loại khẩu nghiệp: nói gian dối, nói lời ác, nói đôi chiều, nói thêu dệt, thì chịu vô lượng khổ nơi ba đường ác trong nhiều đời nhiều kiếp, không biết ngày nào được thoát ra. Vì vậy nữ chúng đồng tu khi đối nhân xử thế phải nên cẩn thận giữ gìn lời ăn tiếng nói của mình mới có thể không bị đọa lạc trong luân hồi, chịu khổ nơi đường ác.

Nam Mô A Di Đà Phật !”