V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Bình thản trước những lời sỉ nhục

- Tác giả: Quán Minh
- Dịch giả: Sơn Hà



Mỗi người có một trình độ đức hạnh riêng của họ. Trong đời sống thật sự, vì duyên tiền định qua nhiều kiếp đầu thai, người ta khó lòng tránh khỏi bị làm nhục một cách ác độc, bị đe dọa, phỉ báng, chỉ trích hay bị người ta ganh tỵ. Mỗi người đối xử với sự nhục mạ tùy theo trình độ đức hạnh của họ.

Theo ghi chép của lịch sử, Phu Bi - là một vị quan nổi tiếng trong triều đại nhà Tống, đã có một mức nhẫn hết sức cao ngay cả khi ông ấy còn trẻ. Khi người ta mắng nhiếc ông, ông coi như mình không nghe thấy và dành hết sự chú ý vào công việc của mình. Hình như ông không nghe gì cả. Có lần một người ác tâm nguyền rủa ông, dù rằng ông không đáng bị như vậy. Người bên cạnh ông nói với ông: “Ông ta đang nguyền rủa ông kìa !”, Phu Bi cười với họ và nói: “Tôi sợ là ông ta đang nguyền rủa một người khác”, người bên cạnh nói lại với ông: “Ông ấy đang gọi tên ông !”, Phu Bi nói: “Có nhiều người cùng tên trong thế giới này. Nó không chắc phải là tôi”, khi người đó nghe câu trả lời, họ cảm thấy thẹn và không nguyền rủa nữa.

Nếu Phu Bi phản ứng với sự nguyền rủa và trả đũa với người ta từng câu, thì tình thế sẽ trở thành trầm trọng và ngay cả sẽ đi đến sự đánh nhau. Với tinh thần bình tĩnh, ông đã làm sự giận dữ của người đó tiêu tan và giải quyết sự tình với lòng từ bi. Những ai có thể nhẫn nhục và khoan dung với người khác phải có một khả năng đạo đức cao. Nếu một người không thể nhịn nhục người khác, người đó thiếu lòng kiên nhẫn. Điều khó nhất trong thế giới nhân loại này là chịu nhục mà không cần phải thanh minh.

Có một câu truyện về Đức Thích Ca Mâu Ni. Ngài đã chạm trán với sự đố kỵ và nguyền rủa của một người nào đó trong thời gian lâu. Nhưng Đức Thích Ca Mâu Ni đã rất là điềm tĩnh và im lặng và dành hết thời gian của mình để cứu chúng sinh. Khi cuối cùng người đó nguyền rủa xong, Thích Ca Mâu Ni cười và hỏi ông: “Ông bạn, khi một người cho cái gì cho người khác và nếu người ta không nhận nó, vậy thì ai sẽ là chủ nó ?”, người đó trả lời lập tức: “Dĩ nhiên nó là của người cho”, Đức Thích Ca Mâu Ni nói: “Đúng vậy. Ông đã nguyền rủa tôi đến bây giờ. Nếu tôi không chấp nhận lời nguyền rủa của ông, vậy ai sẽ nhận những lời nguyền rủa đó ?”, khi nghe những câu hỏi khôn ngoan và từ bi của Đức Thích Ca Mâu Ni, người đó lặng thinh và không còn dám nguyền rủa Thích Ca Mâu Ni nữa.

Khi phải đối xử với sự sỉ nhục của chính mình, ít người có thể đối xử với nó với một tâm không xáo trộn như Phu Bi và Đức Thích Ca Mâu Ni. Nếu chúng ta bình tĩnh cân nhắc về điều này, chúng ta sẽ nhận thức rằng nó là điều không khôn ngoan khi đối xử với nó bằng quan điểm “ăn miếng trả miếng” và nguyền rủa lại. Nếu một người đối mặt với sự sỉ nhục với một nụ cười duyên dáng và trả lời chúng với một lời nói êm đềm, họ sẽ là người khôn ngoan.

Lời dạy của Khổng Tử

。。。




Hình hài của mẹ cha cho
Trí khôn đời dạy, đói no tự mình
Sang hèn trong kiếp nhân sinh
Buồn vui sướng khổ thường tình thế thôi
Không hơn hãy cố bằng người
Cho thiên hạ khỏi ai cười ai khinh

Có chí thì ham học
Bất chí thì ham chơi
Trí khôn tạo nên người
Đức nhân tìm ra bạn
Thành đạt nhờ đức dày
Làm nên nhờ có thầy
Đủ đầy nhờ có bạn
Hoạn nạn có anh em
Gái ngoan nhờ đức hạnh
Trai mạnh nhờ lực cường
Tươi đẹp lắm người thương
Lực cường nhiều kẻ mạnh

Dễ thích nghi thì sống
Biết năng động thì lên
Đủ tài trí làm nên
Đủ sức bền thì thắng
Biết mình khi hoạn nạn
Hiểu bạn lúc nguy nan
Nghèo hèn bởi tự ti
Ngu si vì tự phụ
Tài đức cao hơn phú
Hạnh phúc đủ hơn giàu
Sống trung tín bền lâu
Tình nghĩa sâu hạnh phúc
Đủ tài thì đỡ cực
Đủ sức thì đỡ nghèo
Dốt nát hay làm theo
Hiểu biết nhiều thì lợi
Hỏng việc vì hấp tấp
Va vấp bởi vội vàng
Cảnh giác với lời khen
Bình tâm nghe lời trách

Quá nghiêm thì ít bạn
Dễ dãi bạn khinh nhờn
Không hứa hão là khôn
Không tin xằng ít vạ
Làm ơn đừng mong trả
Được ơn nhớ đừng quên
Nhu nhược bị ép chèn
Quá cường thì bị gãy
Cái quý thì khó thấy
Dễ lấy thường của tồi
Của rẻ là của ôi
Dùng người tồi sinh vạ
Đẹp lòng hơn tốt mã
Nền nã hơn kiêu kì
Thận trọng từng bước đi
Xét suy khi hành động

Hiểu biết nhiều dễ sống
Luôn chủ động dễ thành
Thận trọng trước lợi danh
Giữ mình đừng buông thả
Tránh xa phường trí trá
Tai vạ bởi nể nang
Tài giỏi chớ khoe khoang
Giàu sang đừng kênh kiệu
Học bao nhiêu vẫn thiếu
Hiểu bao nhiêu chẳng thừa
Nhân đức chớ bán mua
Được thua không nản trí
Đủ đức tài không lụy
Đủ dũng khí chẳng hàng
Có vợ đảm thì sang
Có bạn vàng thì quý

Đói nghèo vì bệnh sĩ
Quẫn trí dễ làm liều
Tỉnh táo với tình yêu
Biết điều khi yếu thế
Lo việc nhà chớ kể
n nghĩa chớ đếm đong
Giữ trọn chữ hiếu trung
Với tổ tiên gia tộc
Cây tốt tươi nhờ gốc
Người phúc lộc nhờ nguồn
Sống bất nghĩa tai ương
Sống bất lương tù ngục
Phải cầu xin là nhục
Phải khuất phục là hèn
Hay đố kỵ nhỏ nhen
Hay ép chèn độc ác
Lắm người tài bàn bạc
Lắm gian truân biết nhiều
Với mình phải nghiêm minh
Với chúng sinh nhân ái
Đang thắng phòng khi bại
Gặt hái phòng mất mùa
Thói quen thường khó chừa
Say sưa thường khó tỉnh

Sống ỷ lại ăn sẵn
Dễ bạc phận bán mình
Sống dựa dẫm ngu đần
Sống bất cần phá sản
Hay đua đòi hoạn nạn
Quá nể bạn tai ương
Gia đình trọng yêu thương
Sống nhịn nhường hỷ hả
Thiếu tình thương man trá
Gần vàng đá cũng tan
Biết dạy dỗ con ngoan
Chịu bảo ban con giỏi
Tinh khôn nhờ học hỏi
Cứng cỏi nhờ luyện rèn
Sống vì nhau dễ bền
Sống vì tiền đổ vỡ

Rèn con từ mới nở
Khuyên vợ lúc mới về
Muốn hiểu cần lắng nghe
Thích khoe thì trí cạn
Kẻ tồi chơi xấu bạn
Khốn nạn quên mẹ cha
Tốt đẹp hãy bày ra
Xấu xa nên đậy lại
Có ích thì tồn tại
Có hại thì diệt vong
Nhiều tham vọng long đong
Lắm ước mong lận đận
Hay vội vàng hối hận
Quá cẩn thận lỗi thời

Hiểu được người là sáng
Hiểu được bạn là khôn
Khiêm tốn là tự tôn
Kiêu căng là tự sát
Hứa trước thì khó đạt
Hèn nhát thì khó thành
Thù hận bởi lợi danh
Tranh giành vì chức vị
Giàu sang hay đố kỵ
Tài trí sinh ghét ghen
Tham giàu thì cuồng điên
Tham quyền thì độc ác
Vì tiền thì dễ bạc
Vì tình nghĩa bền lâu
Người hiểu nói trọn câu
Người dốt lâu phách lối
Có quyền thì hám lợi
Có tội thường xum xoe
Khờ dại hay bị lừa
Nói bừa hay vạ miệng
Đa ngôn thì tai tiếng
Ngậm miệng dễ được tin
Hám lợi hay cầu xin
Hám quyền hay xu nịnh
Tham quan thường bất chính
Xu nịnh thường gian tà
Lười biếng hay kêu ca
Thật thà hay oan trái
Thẳng thắn hay bị hại
Thông thái hay bị ngờ

Chìu con quá con hư
Tiền của dư con hỏng
Giàu mạnh thường thao túng
Nghèo vụng dễ theo đuôi
Người tài giỏi khó chơi
Kẻ trây lười khó bảo
Thành tâm thì đắc đạo
Mạnh bạo việc dễ thành
Quân tử thì trọng danh
Tiểu nhân thường trọng lợi
Bất tài hay đua đòi
Lọc lõi khó khiêm nhường
Tình nghĩa thường khó quên
Nợ nhân duyên khó trả

Khó thuần phục kẻ sĩ
Khó phòng bị tướng tài
Biết chấp nhận thảnh thơi
Hay hận đời đau khổ

Của quý thì khó giữ
Con cầu tự khó nuôi
Nhà dư của hiếm hoi
Nhà lắm người bạc cạn

Khó gần người quá sạch
Vắng khách tại quá nghèo
Dễ nổi danh kỵ hiền
Dễ kiếm tiền khó giữ

Kiếp người là duyên nợ
Lành vỡ lẽ thường tình
Bại thành từ lực trí
Thời gian đừng uổng phí
Biết suy nghĩ sâu xa
Vững vàng khi thành bại
Cần học hành mãi mãi
Sẽ gặt hái thành công
Nếu biết mình sai lầm
Dừng lại và sửa chữa
Cây nếu biết vun trồng
Thì sẽ cho quả ngọt
Gian lao và khó nhọc
Sẽ có ngày thảnh thơi

Buồn vui kiếp làm người
Nhân duyên nhờ thiên định
Đức năng thì thắng số
Khốn khó sẽ vượt qua
Lấy chữ Tâm làm móng
Lấy chữ Nhẫn làm nhà
Chữ Đức làm kèo gióng
Chữ Hiếu làm mái che
Chữ Lộc lợp bên hè
Chữ Phúc làm buồng kín
Chữ Tài ra đóng ngõ
Chữ Thọ đóng cổng vào

Phải biết nhẫn nại

- HT. Tịnh Không



“Nhẫn nhục” tức là nhẫn nại. Phải biết nhẫn nại trong công việc, đặc biệt là những sự việc liên quan đến người khác. Chúng sanh có phiền não, ân oán, bất bình … tích lũy từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta bất kỳ lúc nào cũng có thể gặp được, nên phải nhẫn nhịn. Đối với hoàn cảnh tự nhiên cũng phải biết nhẫn nhịn.

Con đường từ trái tim

- Lam Khê

Sư sẽ đi à ? Mà sao lại phải đi ? Có phải vì con ở đây làm phiền đến sự thanh tịnh của sư không ?

Vị sư ngồi xuống lấy bình bát từ trong giỏ ra và bắt đầu xớt cơm sang một cái thố. Tân vẫn làu bàu:

- Sư dùng cơm một mình đi. Hôm nay … con ... không ăn đâu.

Tân nói với giọng hơi gắt gỏng buồn buồn. Nhưng vị sư vẫn điềm nhiên bảo:

- Bữa nay cậu không được khỏe hay sao ? Ăn tí cơm đi nào.

- Chắc sư phiền lòng mới đi nơi khác chứ gì ? Sư cứ ở lại. Con sẽ đi chứ đâu thể ở đây mãi được ...

- Cậu chớ áy náy quá như vậy. Chúng ta sống ở đời cũng phải có sự giúp đỡ qua lại. Sư cũng nhờ cơm tín thí để duy trì sắc thân này. Còn cậu ... vì cảnh sa cơ nên mới vào tá túc nơi thảo am này. Cửa từ bi luôn rộng mở thì hề chi có thêm một người. Nay mai sư có việc phải đi hóa duyên xa vài tuần, rồi sẽ trở về. Cậu có thể ở lại đến chừng nào tùy thích. Nếu còn duyên khi sư trở lại sẽ gặp.

- Sư lại nói đến nhân duyên là cái gì thế ? Mà thật là sư không phiền chứ ?

- Hôm nay cậu có vẻ nói nhiều đấy. Ăn cơm đi rồi sư sẽ nói chuyện này. Nếu cậu biết suy nghĩ và nói được như vậy thì từ nay hãy cố gắng sống cho tốt. Sống thật có ích cho mình và cho gia đình. Dòng đời hay cửa đạo luôn có lối mở cho những ai biết quay về ...

Vị sư đưa thố cơm về phía Tân. Quả thật bữa nay lòng dạ chẳng muốn ăn, nên hắn cứ ngồi thừ nhìn sư. Cũng với cung cách chậm rãi từ tốn như mọi ngày, mà sao hôm nay sư có vẻ nghiêm trang khác lạ. Sư sắp nói với hắn điều gì đây. Có lẽ nào ? Tân uể oải bưng bát cơm lên, đầu óc bấn loạn với bao ý nghĩ. Trong một lần tình cờ Tân lạc bước rồi lưu lại đây, thắm thoát cũng hơn ba tháng rồi. Nhà sư mặc nhiên tiếp nhận Tân mà không hỏi han gì. Một tuần vài ngày, Tân thấy sư vào trong xóm hóa duyên khất thực. Đến trưa mang về một bình bát lớn đầy gạo dưa bánh trái. Sư thổi cơm, bới một phần ra bình bát, một phần cơm ra thố cho Tân có cả thức ăn và bánh trái. Tân cũng ý thức được là mình không thể ở không ăn mãi. Mỗi sáng khi vị sư đi khất thực hay giảng đạo cho những nhà phật tử trên phố, thì hắn cũng dậy lo quét tước bàn Phật và hậu liêu của sư. Có khi Tân cũng ra dẫy cỏ, phụ với Sư trồng rau cải, nhặt nhạnh củi khô trong vườn để dành đun và sưởi ấm vào những đêm mưa giá lạnh.

Không ít lần Tân cảm thấy buồn khi nhìn cảnh chiều tàn hay thẩn thờ vì không gian quá đỗi đìu hiu tẻ nhạt. Hắn cứ tự hỏi vì sao những nhà sư, những người tu sĩ, lại có thể chấp nhận cuộc sống xả ly, buông bỏ hết mọi ham muốn đời người chỉ để cầu giải thoát ở cõi hư vô hư thật nào đó. Chẳng biết có ai đạt đến cảnh giới an lạc ấy chưa, chứ đời sống nơi chốn thâm u lặng lẽ thật khó kham nổi. Hắn nhớ nhà, nhớ gia đình và nhớ … Thoáng chút giật mình … Tân thấy mình chẳng khác nào con chim bị tên nên sợ cả cành cây cong. Một tâm trạng lo sợ của kẻ trót gây ra nghiệp tội, giờ có muốn trở về cũng không xong, ở lại cũng chẳng được. Vị sư có thể chưa biết gì về thân phận của Tân. Nhưng một vài lần sư như gián tiếp nói lên điều gì đó:

- Con người ở đời thường hay sợ quả, mà ít khi chịu suy xét để ngăn ngừa những nhân đã tạo. Họ đâu biết nhân quả như bóng theo hình. Nhân đã tạo thì quả khó mà tránh được. Con người ta nếu không làm điều gì sai phạm thì trong lòng lúc nào cũng cảm thấy yên vui vắng lặng như mặt nước hồ thu không gợn sóng. Một đời người biết sống thiện lương chơn chất thì lúc nào cũng an hưởng sự yên vui thanh thản. Cuộc sống trong gia đình hay ngoài xã hội cũng vậy. Ai cũng phải có trách nhiệm chu toàn lấy bổn phận của mình.

Mang nỗi lo lắng ám ảnh nên nhiều đêm Tân cứ chập chờn trong giấc ngủ. Có đêm hắn thét to rồi choàng tỉnh dậy, mồ hôi ướt lã, tim đập loạn xạ. Nhìn sang, Tân thấy vị sư vẫn ngồi tĩnh tọa trong thiền thất. Sư đã ngồi như thế từ đầu hôm. Và hầu như suốt đêm người chỉ nằm xuống nghỉ lưng rất ít. Có lẽ sư đang ở trong trạng thái thiền duyệt thực mà có lần hắn nghe người giải thích. Bước vào giai đoạn thiền định này, hành giả không còn nghĩ đến việc ăn ngủ. Và cũng không nghe cả mọi âm thanh chấn động bên ngoài, cho dù trời đang sấm sét mưa dông. Sư vẫn tịch nhiên, không hề nghe đến những tiếng la hét của Tân trong đêm. Nhưng sáng hôm sau sư lại hỏi:

- Con hay gặp ác mộng nên khó ngủ phải không ? Đó là do di chứng những việc làm không đúng trước kia. Nó nằm yên trong tiềm thức chờ có dịp thì khuấy động lên. Muốn tiêu trừ nghiệp chướng, thì ban ngày con lên bàn Phật lễ lạy cầu nguyện để tỏ lòng ăn năn hối cải. Ban đêm nếu không ngủ được, thì ngồi dậy niệm hoặc tập ngồi thiền cho lòng nhẹ bớt ưu tư phiền muộn. Tâm an tịnh thì giấc ngủ sẽ nhẹ nhàng đến.

Thế rồi, hằng ngày nghe lời sư và cũng vì muốn trút bớt những lo lắng bất an, Tân đến quỳ trước điện phật lạy sám cầu nguyện. Có khi rảnh rỗi hắn cũng tập ngồi thiền. Nhưng vốn là kẻ ưa sự dao động, tâm ý xưa nay chứa đầy vọng tưởng xấu xa, làm sao hắn có thể chịu ngồi yên một chỗ. Tập ngồi chừng dăm phút thì tay chân Tân bắt đầu cọ quậy, tư tưởng lại khơi mào những việc làm trước kia. Hắn nhớ lúc mình bỏ học lêu lõng với bạn xấu. Bao lần đánh đấm với các tay anh chị, ăn cắp tiền nhà đi chơi bời làm cho mẹ phải buồn rầu khổ sở. Những hồi ức về cuộc đời hắn cứ y như thước phim quay chậm lại một cách rõ ràng chính xác …

Vị sư nhận ra ra điều đó nên ôn tồn nói với hắn:

- Ngồi thiền, với người mới học đạo thì không cần phải vận dụng phương pháp cao siêu gì lắm đâu. Con chỉ cần giữ tâm thanh thản lắng động theo dõi từng nhịp thở của mình là được. Nghĩa là khi hít vào thở ra đều giữ trạng thái nhẹ nhàng chậm rãi. Tốt nhất là nên tập đếm hơi thở từ một tới mười rồi đếm ngược lại. Đếm hơi thở cũng là cách để giữ tâm không nghĩ ngợi lung tung, nhận biết là mình đang hiện hữu trong từng hơi thở đó. Thực hành như vậy lâu ngày sẽ định tâm. Một khi tâm định tĩnh thì mọi ý tưởng chơn thiện mỹ sẽ phát sanh. Tâm an lạc thì thân tự chủ hết mọi hành động của mình ngay hiện tại và cả về sau.

Sư giảng dạy thì nghe dễ vậy nhưng thật hành quả không đơn giản, nhất là với kẻ đầy tội chướng như Tân. Nhưng rồi … như mưa dầm thấm lâu, ngày qua ngày hắn tập ngồi im lặng và cố gắng giữ tâm yên tịnh dù chỉ được vài mươi phút. Vậy mà bây giờ sư lại bảo sẽ đi xa. Tân chẳng biết mình phải làm gì đây. Nói gì đây. Đã bao lần hắn định thú nhận với sư. Nhưng ngập ngừng mãi rồi lại thôi.

- Ngày mai con xuống phố, trở về thăm gia đình đi. Mọi người đang chờ con đó.

Tân nhìn sư, lòng hoang mang bấn loạn. Hắn hiểu điều gì đang đợi mình ở cái ngày mai đó. Tân biết có ngày mình phải đối mặt với sự thật. Một sự thật mà hắn cất giữ trong lòng lâu nay. Như vậy là sư đã biết rõ thân phận của Tân. Vậy mà lâu nay người vẫn đối xử tử tế, chẳng tỏ chút băn khoăn ngờ vực về lai lịch của kẻ đến trú ngụ. Hắn nhớ có một lần vờ hỏi sư:

- Nếu có ai đó mà nhân thân không mấy tốt đẹp vì đã làm những điều bất tiếu vô hạnh, bị gia đình xã hội ruồng bỏ. Người ấy nếu lỡ bước đến đây xin tá túc … thì sư nghĩ thế nào ...?

- À, cửa từ bi luôn mở rộng ... Người đến chùa với tâm đạo chí thành là đã tạo sẵn nhân lành từ nhiều đời nhiều kiếp. Và cũng có người đến với nhiều tâm ý khác hẳn. Với ai sư cũng tùy duyên tiếp độ. Trong giáo lý nhà Phật có bốn pháp tu vô lượng đại tâm. Sư gọi là bốn con đường phát xuất từ trái tim mà người tu đạo phải hành trì. Đó là tâm đại từ - đại bi - đại hỷ - đại xả. Thể hiện tâm từ bi hỷ xả có nghĩa là ban vui cứu khổ đến người và hoan hỷ xả bỏ những lỗi lầm họ đã tạo. Giúp cho người có được niềm tin và cơ hội để làm lại cuộc đời.

Hôm sau theo lời dạy của sư, Tân đi về thị trấn. Hắn đi qua nhiều đoạn đường, nhiều góc phố quen thuộc, rồi đứng lại trước một gian hàng, tần ngần nhìn vào. Có hai người phụ nữ và một đứa bé đang ngồi trong nhà. Đó là mẹ, vợ và con của Tân. Một cảnh gia đình ấm êm hòa lạc. Nhưng Tân đâu xứng đáng để dự phần vào đó. Khi còn nhỏ sống trong cảnh một mẹ một con, Tân đã bao lần làm mẹ hắn phải buồn khổ vì sự ăn chơi lêu lỏng đến tánh ngang tàng bất trị của mình. Học hành dang dở, học nghề cũng chẳng thành nghề. Rồi hắn lấy vợ và có con. Vài năm đầu Tân cũng có thay đổi, cố gắng sống đúng trách nhiệm của người đàn ông trụ cột trong gia đình. Hắn phụ với mẹ và vợ trông coi cửa hàng. Hạnh phúc tưởng chừng như mãi trọn vẹn. Nhưng mấy lần đi lấy hàng, cầm trong tay số tiền lớn, gặp bạn cũ rủ rê, Tân lại sa vào con đường ăn chơi bài bạc. Mẹ hắn lại khóc lóc than trời than đất. Nước mắt đầm đìa của vợ cũng chẳng làm lòng hắn lung lay. Tiền bạc trong nhà cứ mặc sức ra đi không thu hồi lại. Rồi những gì tới cũng phải tới. Một lần cay cú vì bị gạt gẫm thua bạc, hắn đã đâm trọng thương người bạn chơi. Tân bị tù. Một năm trong lao ngục, Tân có dịp suy gẫm lại mình, thấm thía nỗi đau mà hắn đã gây ra cho bao người thân. Một năm mẹ và vợ con hắn gần như đoạn giao hẳn, chỉ thỉnh thoảng gởi vào ít đồ, tuyệt không một lần đến thăm. Tân hiểu. Gia đình đã phải chạy vạy đến khánh kiệt. Và giờ chẳng ai còn trông đợi gì đến hắn nữa. Ra tù, Tân không về nhà. Hắn đi lang thang thất thểu như kẻ đứng ngoài lề cuộc sống. Một buổi sáng ...Tân đã dừng chân lại bên am thất của nhà sư.

- Sư có đến nhà gặp mẹ cùng vợ con của cậu, đã nói chuyện nhiều với họ và cũng kể lại việc cậu ở chùa lâu nay với nhiều nỗi ăn năn hối cải thật lòng. Cả nhà ai cũng mong cậu trở về. Gia đình bao giờ cũng là nền tảng căn bản. Là người đàn ông trụ cột, là đứa con duy nhất của người mẹ một đời đau khổ, là một người chồng và một người cha, chỉ chừng ấy thôi đủ cho cậu suy ngẫm và nhận thức rõ trọng trách của mình. Trước hết vì tương lai cuộc sống của con cái sau này. Làm lại cuộc đời bây giờ cũng chưa quá muộn. Lâu nay cậu có duyên về ở với sư, trong cảnh thanh đạm này đã nhen nhúm lên một tâm hồn thiện lương. Ngày mai, cậu hẳn biết mình phải làm gì rồi. Sư rất mong chờ điều đó sớm được hiện thực.

... Khi Tân về lại thảo am thì vị sư đã đi rồi. Không gặp sư nhưng Tân nghĩ mình sẽ trở lại. Con đường ngày mai luôn rộng mở cho những ai biết quay về nẻo chánh. Con đường thấm nhuần ánh đạo từ bi mà Phật soi sáng cả ngàn năm qua. Con đường mà chư Bồ Tát đã bắt nguồn từ lòng bi mẫn, từ ý niệm sẻ chia ban vui cùng cứu khổ muôn loài. Tân nhận chân ra điều đó khi được trở về nương tựa bên sư.

Tạ ơn

( happy thanksgiving )

Tạ ơn Mẹ đã cho con hơi thở
Và trái tim nhân ái để làm người
Tạ ơn Cha đã cho con nhìn thấy
Núi rất cao và biển rất tuyệt vời



Cát bụi đường bay(19 - 27)

- Thơ Hàn Long Ẩn
- Đoản khúc 19 - 27



19.
Em so dây dạo cung ngà
Điệu buồn ru khúc ta bà về say
Tình chung cát bụi đường bay
Tình chung hoa nắng vàng lay giấc hồ

20.
Đất trời chung nỗi bơ vơ
Thì xin làm nhánh lan mơ giữa rừng
Ru ta từng tiếng thơ rung
Gửi thiên thu nỗi âm thầm tịch liêu

21.
Áo em phủ cả ráng chiều
Tóc em rũ bóng tơ huyền phù vân
Mắt em suối lệ âm thầm
Tình em gối mộng hư không bốn bề

22.
Cánh diều trắng rợp đồng quê
Cỏ lau luân vũ mây về hát ca
Bao năm dệt giấc giang hà
Chân Như chợt hiện chung trà trên tay

23.
Cõng trăng lên núi hỏi mây
Gió đi thấm thoát bao ngày về chưa
Nước xa non đã bao mùa
Khép đôi mi lại cho vừa chiêm bao

24.
Xuân nay ướp nhụy hoa đào
Ra giêng nở một lời chào tặng nhau
Lá xưa dù có thay màu
Trăm năm bóng nguyệt bên cầu soi gương

25.
Tơ bay phai dấu bụi đường
Vết chân phiêu bạt tóc sương điểm buồn
Mây chiều khuất bóng hoàng hôn
Phất phơ áo lụa ru hồn lãng du

26.
Vườn xưa khép lối sa mù
Cành khô gửi chiếc lá thu về ngàn
Đường xa thương chú bướm vàng
Dặm về ngõ trúc dặm sang xứ người

27.
Lạc nguyên khuất nẻo mù khơi
Mình ta ngồi đếm bóng thời gian qua
Đêm thâu rụng tiếng chuông chùa
Nằm đây nghe tiếng gió lùa sang canh

Danh ngôn (58)

- Tính Lý



Điều cốt yếu trong cách đối nhân xử thế là cái gì mình không muốn thì chớ làm cho người khác. Thực hiện điều gì mà không được, thì quay lại tìm nguyên nhân nơi mình.

Bí quyết cải tạo tướng mệnh

- Biên dịch: Bình Minh, STV online



Khuôn mặt xinh đẹp cũng là một loại phúc báo. Dù là phúc báo gì đều có căn nguyên của nó, giống như tài phú đến từ bố thí, tôn quý đến từ khiêm cung, khuôn mặt xinh đẹp đến từ dịu dàng lương thiện. Đến trung niên, tướng mạo đã đi vào ổn định, cũng là thể hiện của tính cách một người.

Nhiều người khoan hậu có khuôn mặt có phúc, người dịu dàng lương thiện có khuôn mặt xinh đẹp, người thô bạo, vẻ mặt hung dữ, rất nhiều phụ nữ trung niên lão niên có phẩm tính không tốt, vẻ mặt thường cay nghiệt, cũng gọi là tướng bạc mệnh, khắc chồng. Thật ra, tướng mạo không phải sinh ra là cố định, mà nó là phản chiếu của quá trình tu tâm và hành động lâu dài. Cũng vì vậy, tướng mạo sẽ biểu lộ ra vận mệnh tương lai của một người. Xem tướng là một loại tích lũy kinh nghiệm, tướng tùy tâm sinh, từ mặt biết tâm, từ tâm biết mệnh.

Vậy nguồn gốc khuôn mặt tuổi thiếu niên, thanh niên ở đâu ? Đặc thù của tướng mạo có quan hệ với sự di truyền của bố mẹ, như màu da màu tóc, nhưng khuôn mặt dáng người cùng tiên thiên có quan hệ, mức độ xinh đẹp là dựa theo những đời trước mà bố trí. Nửa đời trước của một người là ảnh hưởng từ kiếp trước, nửa đời sau chính là tự mình. Vậy mới nói, sau khi đến trung niên, cần phải chịu trách nhiệm với hành vi của chính mình.

Lòng từ bi cũng là một yếu tố quan trọng. Người có thiện tâm, thường từ trong ra ngoài tản mát ra một loại hào quang, càng khiến người thuận mắt, càng ngày càng thích tiếp xúc. Mà người ích kỷ, giảo hoạt, so đo, tất khó nhìn, thậm chí xấu xí, cho dù may mắn có khuôn mặt đẹp đẽ, thì trên mặt cũng sẽ dần hiện ra một vài chỗ khiến người không thích, người ta thường nói khuôn mặt không có duyên, chỉ lần đầu gặp hơi thuận mặt, tiếp xúc nhiều liền không còn thuận nữa.

Xin hãy tin rằng, tướng mạo là có thể từng bước thay đổi đấy. Nhất là một khuôn mặt xinh đẹp sẽ từ trong ra ngoài tản mát ra một lực hấp dẫn, khiến người gặp bất tri bất giác sinh lòng mến mộ. Nhiều khi, xinh đẹp hay không, chính là từ tâm mà nhìn, “tình nhân nhãn lý xuất Tây Thi” chính là đạo lý này, tức là nhìn người mình yêu càng nhìn càng thấy đẹp.

Vì vậy, muốn có dung mạo đẹp, trước cần nội tâm đẹp.

1: Người cam tâm tình nguyện chịu thiệt, lại nhận được càng nhiều. Người có thể chịu thiệt, nhân duyên nhất định sẽ tốt, nhân duyên tốt, cơ hội tự nhiên sẽ nhiều. Mỗi người khi còn sống, có thể nắm bắt một hai lần cơ hội là đủ.

2: Người thích chiếm phần hơn, cuối cùng chẳng chiếm được bao nhiêu, nhặt được một ngọn cỏ, mất đi một rừng cây. Người mà vừa đến lúc tính tiền liền kiếm cớ đi việc khác hoặc móc hoài không ra tiền, cơ bản đều là những người không có thành tựu gì.

3: Người có ánh mắt tiểu nhân, tâm địa nhỏ hẹp, lúc bạn bè hội tụ, nói ra ba câu, đều không thoát khỏi chuyện cá nhân, người này chính là ốc sên chuyển thế, nội tâm hư không, ích kỷ. Trong nội tâm chỉ có chuyện nhà mình, những chuyện khác liền không liên quan đến anh ta.

4: Chỉ có tiếc duyên mới có thể tục duyên, tức là vun bồi duyên phận. Trên đường đời, nhiều người chúng ta gặp, thật ra đều có duyên mới gặp được nhau, hơn một nửa người thân chính là bạn tốt trong đời trước, còn bạn tốt thì hơn một nửa là người thân trong đời trước, mang đến phiền muộn cho bạn vì hơn một nửa là người mà bạn đã từng gây tổn thương. Vì vậy cần nhớ, đối xử tử tế với người thân, quan tâm người bên cạnh, khoan dung những người làm bạn tổn thương, vì đây đều là nhân quả.

5: Nội tâm vô khuyết gọi là phú, có thể bao dung người khác gọi là quý. Luôn vui vẻ không phải là một loại tính cách, mà là một loại năng lực.

6: Biện pháp giải quyết phiền muộn tốt nhất, chính là quên nó đi.

7: Tiếu khán phong vân đạm, toại đối vân khởi thì (cười nhìn gió mây nhạt, ngồi trông áng mây trôi). Không giành là từ bi, không biện là trí tuệ, không nghe là thanh tịnh, không nhìn là tự tại, tha thứ là giải thoát, biết đủ chính là buông.

8: Nội tâm không loạn, không khổ vì tình, không sợ tương lai, không giữ quá khứ.

9: Kiếp này, bất kể thứ gì cũng sẽ không mang đi được, vậy nên hãy sống với hiện tại, cười với hiện tại, và hãy ngộ ngay bây giờ.

Xoay quả địa cầu

- Mặc Giang



Xoay quả điạ cầu
Nhìn thấy mọi quốc gia trên trái đất
Có những nơi văn minh
Có những nơi nghèo nhất
Dù có thương mà không đọng nhiều ray rứt

Nhưng khi nhìn hình chữ S
Tâm hồn tôi bỗng chùn lại, xuyến xao
Mảnh đất cong cong, có gì đó vậy nào
Mà trong tôi, nghe bồn chồn chi lạ

Những buồn vui lẫn lộn không thể tả
Những nỗi niềm đan kín thấm lòng đau
Mở mắt nhìn những tưởng như chiêm bao
Mấy mươi năm, một khung trời thăm thẳm

Tôi trầm ngâm vắng lặng
Mảnh hình cong đất nước của tôi ơi
Từ thị thành cho đến những vùng hẻo lánh xa xôi
Tôi luôn để ý những gì xảy ra, từ Nam tới Bắc

Có những điều, tôi nghe sao quá quắt
Có những điều, tôi cảm thấy thương thương
Vì dù sao, cũng là của quê hương
Của mọi nỗi niềm, lâng lâng từng cảm xúc

Sông ơi, sông mấy khúc
Nước ơi, nước mấy bờ
Ước ơi, ước có mơ
Trông ơi, trông có đợi

Những mến thương, rung rung từng khắc khoải
Những dấu yêu, khơi động đắp vơi đầy
Bao nhiêu năm, không một lúc nào khuây
Bởi quê hương của tôi là tất cả

Học cách quên

- Tác giả: Giang Nhất Yến
- Dịch giả: ĐKN



Một buổi tối, tôi đi thăm một người bạn từng bị vu cáo hãm hại. Lúc ăn cơm, anh nhận được một cuộc điện thoại, người trong điện thoại muốn nói cho anh biết ai đã hãm hại anh. Nhưng anh bạn tôi đã từ chối nghe. Nhìn thấy vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, anh nói: “Biết rồi thì sao chứ ? Cuộc sống có những chuyện không cần biết và có những thứ cần phải quên đi !”

Sự rộng lượng của anh khiến tôi rất cảm kích. Đời người không phải lúc nào cũng được như ý, muốn bản thân vui vẻ, đôi khi việc giảm áp lực cho chính mình là điều cần thiết, và cách để giảm áp lực tốt nhất chính là học cách quên, bởi trong cuộc sống này có những thứ cần nhặt lên và bỏ xuống đúng lúc. Trong kinh Phật có một câu chuyện kể rằng:

Tiểu hòa thượng và lão hòa thượng cùng đi hóa duyên, tiểu hòa thượng lễ độ cung kính, việc gì cũng đều nhìn theo sư phụ. Khi tới bờ sông, một cô gái muốn qua sông, lão hòa thượng đã cõng cô gái qua sông, cô gái cảm ơn rồi bước đi, tiểu hòa thượng trong lòng cứ thắc mắc: “Sư phụ sao có thể cõng một cô gái qua sông như thế ?”, nhưng cậu ta không dám hỏi, cứ thế đi mãi được 20 dặm, cậu ta thực sự không kìm được đành hỏi sư phụ:

- Chúng ta là người xuất gia, sao thầy có thể cõng một cô gái qua sông ?

Sư phụ điềm đạm nói:

- Ta cõng cô gái đó qua sông xong thì bỏ cô ấy xuống, còn ngươi thì đã cõng cô gái ấy 20 dặm rồi vẫn chưa bỏ xuống.

Lời nói của lão hòa thượng đầy thiền ý, hàm chứa trong nó chính là nghệ thuật nhân sinh.

Cuộc đời con người giống như một cuộc hành trình dài, không ngừng bước đi, ven đường nhìn thấy vô vàn phong cảnh, trải qua biết bao những gập ghềnh, nếu như đem tất cả những nơi đã đi qua đã nhìn thấy ghi nhớ hết trong lòng thì sẽ khiến cho bản thân mình chất chứa thêm rất nhiều gánh nặng không cần thiết. Sự từng trải càng phong phú, áp lực càng lớn, chẳng bằng đi một chặng đường quên một chặng đường, mãi mãi mang một hành trang gọn nhẹ trên đường. Quá khứ đã qua, thời gian cũng không thể quay ngược trở lại, ngoài việc ghi nhớ lấy những bài học kinh nghiệm, còn lại không cần thiết để cho lòng phải vướng bận thêm. Sẵn sàng quên đi là một cách cân bằng tâm lý, cần phải chân thành và thản nhiên đối mặt với cuộc sống. Có một câu nói rất hay rằng tức giận là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình, cứ mãi nhớ và không quên khuyết điểm của người khác thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bản thân mình, bởi lẽ đó - để có được niềm vui và cuộc sống thanh thản, ta không nên truy cứu lỗi lầm cũ của người khác.

Rất nhiều người thích câu thơ:

“Xuân có hoa bách hợp. Thu có trăng
Hạ có gió mát. Đông có tuyết”

Trong lòng không có việc phải phiền lo mới chính là mùa đẹp của nhân gian. Nhớ những cái cần nhớ, quên những cái nên quên, sống cuộc sống cởi mở, trong lòng không vướng mắc thì cuộc sống này sẽ thật tươi đẹp.

20 - 11

- Trích bài thơ: “NHỚ ƠN THẦY CÔ”, tác giả Văn Thông



Chèo lái đưa đò cập bến sông
Thầy-Cô mang nặng trái tim nồng
Trồng người, dạy chữ niềm say đắm
Mỗi chuyến đò qua thỏa nỗi lòng

Có gì vui bằng

- Thích Nhật Từ



Đi trong nắng như đi trong bóng mát
Ở cõi đời nhưng tâm hướng đạo an vui
Trong bùn lầy nhưng sen vẫn nở xinh tươi
Tâm chuyển hóa làm cõi đời thanh thoát

Có gì đẹp bằng làm cho người hạnh phúc
Chịu thiệt thòi, lòng không chút than van
Có gì vui bằng tâm không còn được mất
Gió thoảng mây bay, chim mất dấu không gian

Duyên đến duyên đi đều là phúc

- Tiểu Thiện, dịch từ book.idv.tw



Thiên nhiên có thể bao chứa và nuôi dưỡng con người, bởi lòng người bao la có thể dung chứa vạn vật. Một trái tim thiện lương sẽ chứa đựng được hết thảy huyền diệu của thế gian, từ đó mà vun trồng thế giới tốt tươi. Duyên đến duyên đi đều là phúc, dùng tâm cảm nhận sẽ có thể hiểu ra được …

Chùa Thiện Quốc ở Long Sơn có hai vị hòa thượng - Ngộ Không và Ngộ Liễu. Ngày trước, hai người họ mỗi ngày đều ra ngoài hóa duyên, về sau chỉ có Ngộ Không thường xuyên đi mà thôi. Thì ra, Ngộ Liễu phát hiện duyên dưới núi rất dễ hóa, cứ xuống dưới núi đi đi lại lại vài vòng, liền có thể hóa được rất nhiều duyên. Ngộ Liễu đem số tiền có được đi mua gạo, mì, và những thứ cần thiết trong cuộc sống và tích trữ lại, thời gian rảnh rỗi thì ngủ nướng trong chùa. Ngộ Không liền khuyên Ngộ Liễu:

- Đệ chớ nên lãng phí thời gian, nên đi ra ngoài hóa duyên.

Ngộ Liễu nghe xong không khỏi buồn bực, nói:

- Người xuất gia mà có thể tham lam đến vậy ư ? Có ăn thì được rồi. Huynh xem đệ có nhiều lương thực như vậy, vốn đã đủ cho đệ ăn trên nửa tháng rồi, hà tất còn phải ra ngoài bôn ba vất vả.

Ngộ Không niệm một câu A-di-đà Phật, nói:

- Sư đệ, đệ đã hóa duyên nhiều năm như vậy rồi, lẽ nào vẫn còn chưa tham ngộ được chỗ tuyệt diệu và ý nghĩa thật sự của hóa duyên chăng ?

Ngộ Liễu nghe xong, liền châm biếm Ngộ Không, nói:

- Sư huynh, huynh cứ trời vừa hừng sáng đã ra ngoài, đến khi tối mịt mới trở về, nhưng đệ thấy huynh đi tay không, mà về cũng tay không, xin hỏi duyên huynh hóa được ở đâu vậy ?

Ngộ Không nói:

- Duyên mà huynh xin được ở trong tâm. Duyên từ tâm đến, và duyên cũng sẽ từ tâm mà đi.

Ngộ Liễu nghe xong không hiểu gì cả, nói:

- Đệ không hiểu, không hiểu.

Về sau, tài vật mà Ngộ Liễu xin được mỗi lúc một ít dần. Điều này khiến cho Ngộ Liễu rất khổ tâm. Trước đây, hóa một lần duyên thì có thể ăn được trên cả nửa tháng, còn bây giờ chỉ có thể ăn được mấy ngày thôi. Trong khi đó, Ngộ Không vẫn ngày ngày sáng đi, tối về, cũng không có gì mang về cả, nhưng vẻ mặt Ngộ Không luôn mỉm cười. Ngộ Liễu muốn châm biếm sư huynh, nói:

- Sư huynh hôm nay thu hoạch được gì nào ?

Ngộ Không:

- Thu hoạch được rất nhiều.

Ngộ Liễu:

- Ở đâu ạ ?

Ngộ Không nói:

- Ở trong nhân gian, ở trong lòng người.

Ngộ Liễu cảm thấy bản thân nhất thời khó mà tham ngộ được những lời của sư huynh, quyết định ngày mai đi hóa duyên cùng Ngộ Không. Ngộ Liễu nói:

- Sư huynh, ngộ tính của đệ quá kém, đệ muốn ngày mai cùng huynh đi hóa duyên một lần xem sao.

Ngộ Không gật đầu đồng ý. Ngày hôm sau, Ngộ Liễu cùng Ngộ Không đi hóa duyên, Ngộ Liễu lại lấy ra cái túi vải mà anh luôn dùng mỗi khi đi hóa duyên. Ngộ Không ngăn lại:

- Sư đệ, hãy cất cái túi đó đi.

Ngộ Liễu hỏi:

- Tại sao ?

Ngộ Không:

- Trong cái túi này của đệ chứa đầy tư dục và tham lam, đem ra ngoài thì hóa không được duyên tốt nhất đâu.

Ngộ Liễu nói:

- Thế thì chúng ta sẽ đựng những thứ hóa được ở đâu đây ?

Ngộ Không nói:

- Trong lòng người. Lòng người có thể bao dung tất cả.

Cứ như vậy, Ngộ Không và Ngộ Liễu cùng nhau lên đường. Ngộ Liễu mỗi khi đến một nơi cùng Ngộ Không, liền sẽ có rất nhiều người nhận ra Ngộ Không. Ngộ Không còn chưa kịp nói chuyện, họ liền chủ động đem tài vật bố thí cho Ngộ Không. Có người còn nói, may nhờ có bố thí lần trước của Ngộ Không đại sư, mới giúp tôi vượt qua cửa ải khó khăn này. Đại ân đại đức của ngài, chúng tôi suốt một đời sẽ không quên. Ngộ Liễu nghĩ trong lòng:

- Không cho ta mang theo cái túi, xem huynh một lát để các thứ ở nơi nào.

Họ tiếp tục đi về phía trước, duyên mà họ hóa được mỗi lúc một nhiều. Ngộ Liễu nhìn thấy hôm nay thu hoạch không ít, trong lòng dào dạt niềm vui. Vừa đúng lúc này, có một ông nông phu từ xa đi đến, trong lòng ôm một đứa bé, vừa đi vừa khóc. Thì ra đứa con của nông phu bị bệnh nặng, ông không kiếm đâu ra tiền để khám bệnh cho con. Ngộ Không đi ngang qua liền đem toàn bộ tài vật xin được cho hết cả người nông phu. Họ tiếp tục đi về phía trước, ngoài được no ấm ra, họ trên đường xin được gì liền xả thí, xả thí rồi lại xin. Ngộ Không hỏi Ngộ Liễu:

- Sư đệ, đệ theo ta ra ngoài xin được gì nào ?

Ngộ Liễu cười ngượng nghịu.

Ngộ Không nói:

- Sư đệ chỉ biết được cái phúc khi duyên đến, mà không biết được cái phúc khi duyên đi. Nhìn giữa trời đất này, vạn vật của tự nhiên vì sao lại đẹp như vậy, vạn vật trong trời đất đều đang tuần hoàn. Những người chỉ biết cái phúc khi đến, đó chỉ là niềm vui hời hợt nhất thời, thời gian lâu rồi, thì chẳng khác gì một hồ nước chết. Sự khác biệt giữa hai ta chính là đệ đem những thứ xin được bỏ vào trong cái túi chứa đầy dục vọng và tham lam, còn huynh thì đem những gì xin được bỏ vào trong lòng người, để thiện lương, từ bi cứ tuần hoàn ở trong nhân gian và trong lòng mọi người.

Ngộ Liễu nghe đến đây, cúi gầm mặt xuống. Ngộ Không khẽ niệm một tiếng:

- A-di-đà Phật ...

Chiều bên ngôi Tam Bảo

- Chế Thanh



Chiều nay, cô đơn bên đồi vắng, lắng nghe tiếng chuông chùa
Hồi chuông thanh tịnh, vơi bao điều ước, đang trĩu nặng đôi vai
Đến ngôi Tam Bảo, chắp tay đảnh lễ, bên Đức Phật từ bi
Thành tâm khấn nguyện, mười phương Chư Phật, gia hộ độ trì

Con trông cõi ta bà lầm mê, bao nhiêu người khổ thân, lòng tham si sân hận
Mệt nhoài, cơm áo đua tranh, đêm ngày vì lợi danh, không màng tử sanh
Nay con, quyết theo Phật từ bi, bên Phật một lối đi, vui pháp thân an vị
Cuộc đời cư sĩ đơn sơ, kinh kệ ngàn lời thơ, luôn mỉm cười trong mơ

Chiều nay, bao tâm tư sầu lắng, trót mang đã tỏ bày
Cầu xin Chư Phật, soi thông đường bát chánh, cứu độ đời chúng sanh
Đạo vàng soi sáng, bên bờ lai láng, trong ánh Phật Từ quang

ĐẠO TÂM MUÔN THUỞ
ĐỜI AI DANG DỞ
PHẬT MÔN MÃI CHỜ


Danh ngôn (57)

- Thái Công



Nên ham làm điều thiện. Chớ thích làm điều ác.
Thấy điều thiện thì như người khát mà thấy nước.
Nghe điều ác thì như người điếc chẳng nghe được gì.
Làm điều thiện thì rất vui mừng, đạo lý này lớn lắm thay.

Cánh hoa tâm

- Sưu tầm



Cuộc đời có khổ, cũng có vui
Có thương có ghét, có ngậm ngùi
Dòng sông có đục, lại có trong
Phải chăng tất cả … vẫn xuôi dòng

Cuộc đời có hèn, cũng có sang
Có sinh có tử, có ngỡ ngàng
Tùy duyên tùy nghiệp, tùy ứng biến
Đừng ngồi sầu khổ … trước trái ngang

Con người khi tỉnh, lại khi mê
Khi yêu, khi hận, khi ê chề
Cuộc sống chạy theo, tâm ham muốn
Mong nhiều chẳng được … khổ lê thê

Con người ta sống, được nhiêu năm
Đừng nên suy tính, mộng trăng rằm
Cơm no áo mặc, thân vừa đủ
Cuộc đời an lạc … tại nơi tâm

Hoa gì không sắc, lại có hương
Hoa tâm đua nở, giữa vô thường
Hoa ấy ngàn đời, vẫn thơm ngát
Gieo cấy trong tâm … nẩy mầm ươm

Hoa gì không hình, lại có hương
Hoa tâm miên tỏa, ngát tình thương
Tự thân chăm bón, hoa mãi đẹp
Hoa không tàn úa … bởi vô thường

Giải thưởng voi trắng

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương VII, Thích Nhất Hạnh

Năm Siddhatta lên mười bốn thì hoàng hậu Gotami sinh em Nanda. Cả hoàng cung mở hội để ăn mừng. Siddhatta rất hãnh diện khi có một đứa em. Mỗi ngày sau buổi học, Siddhatta thường chạy về thăm em, Siddhatta đã lớn rồi nên được phép thỉnh thoảng ẵm em đi chơi. Devadatta cũng hay đến chơi. Siddhatta cũng có những người em họ khác: Mahanama, Baddhiya và Kimbila. Mỗi khi các em tới, Siddhatta thường rủ họ ra chơi ở vườn hoa phía sau cung điện.

Bà Gotami cũng hay theo bọn trẻ ra vườn hoa. Bà ưa ngồi may áo cho Nanda trên một chiếc ghế gỗ đặt bên cạnh hồ sen và nhìn bọn trẻ nô đùa. Bên bà luôn luôn có một người thị nữ túc trực. Bà chỉ hay sai phái người thị nữ này khi cần đi lấy nước nôi và bánh trái cho bọn trẻ. Càng lớn lên, Siddhatta càng học giỏi. Devadatta đã nhiều lần tỏ vẻ ganh tỵ với Siddhatta. Môn học nào Siddhatta cũng xuất sắc, kể cả võ nghệ. Devadatta khỏe hơn Siddhatta, nhưng về phương diện lanh lẹ thì lại không bằng Siddhatta. Về toán học, cả lớp đều nhường Siddhatta. Giáo sư dạy toán là Arjuna có khi phải mất thật nhiều thì giờ với những câu hỏi của Siddhatta. Về âm nhạc, Siddhatta rất ưa thổi sáo. Siddhatta có một ống sáo thật quý do chính giáo sư âm nhạc của mình tặng cho. Có những buổi chiều hè, Siddhatta ra ngoài công viên một mình để thổi sáo. Tiếng sáo của Siddhatta có khi dìu dặt, có khi cao vút khiến người nghe có cảm tưởng như đã thoát lên được trên mấy từng mây. Nhiều hôm trong bóng đêm đang xuống, bà Gotami cũng ra ngoài vườn ngự ngồi nghe tiếng sáo của con. Bà cảm thấy khỏe khoắn khi ngồi thả lòng bay theo tiếng sáo của Siddhatta.

Cùng với tuổi, Siddhatta càng ngày càng lưu tâm đến đạo và triết học, Siddhatta được học các kinh Vệ Đà và được nghiền ngẫm về những đạo lý hàm chứa nơi các bài tụng trong các kinh ấy. Hai kinh Rigveda và Atharvaveda là hai kinh được học hỏi nhiều nhất. Từ thuở ấu thơ, Siddhatta đã được thấy các thầy Bà-la-môn hành lễ và đọc kinh. Bây giờ Siddhatta đích thực đi vào trong nội dung của các kinh. Địa vị của lời nói trong đạo Bà-la-môn rất quan trọng. Lời kinh đi theo với nghi lễ là một sức mạnh lớn có thể ảnh hưởng tới và làm thay đổi được tình trạng của thế giới và của con người. Vị trí của tính tượng và sự vận chuyển của bốn mùa có liên hệ mật thiết tới sự cúng tế và tới lời kinh cầu đảo. Các thầy Bà-la-môn là những người duy nhất có thể hiểu thấu được những lẽ huyền bí trong Phạm Thư và trong trời đất, và có thể dùng lời kinh và nghi lễ để chỉnh lý lại được trật tự trong tự nhiên giới và nhân sự giới. Siddhatta được học rằng vũ trụ là một cái ta lớn gọi là Purusa, có khi gọi là Phạm Thiên, và các giai cấp của con người trong xã hội đều được phát xuất từ những phần khác nhau của thân thể vũ trụ ấy. Mỗi con người đều mang theo một cái ta cùng phát xuất từ cái ta siêu việt ấy và cùng một tính chất với cái ta siêu việt ấy. Cái ta này là bản chất thường tại trong mỗi con người. Siddhatta lại còn được học thật kỹ về các Phạm Thư Brahmana và các Áo Nghĩa Thư. Các giáo sư bao giờ cũng muốn giảng giải các thánh thư theo truyền thống, nhưng Siddhatta và các bạn luôn luôn muốn đặt những câu hỏi buộc họ phải nhắc tới những tư tưởng đương thời được xem như không trung thành mấy với truyền thống.

Trong những ngày nghỉ học, Siddhatta thường rủ các bạn đi thăm các vị sa-môn và các vị Bà-la-môn nổi danh ở kinh đô để học hỏi. Nhờ xúc tiếp nhiều như thế nên Siddhatta sớm tin ra rằng hiện đang có những cuộc vận động tư tưởng chống lại uy quyền thống trị của truyền thống Bà-la-môn. Cuộc vận động này không những có mặt trong giai cấp Sát-đế-lợi đang muốn vươn lên để nắm được cả quyền uy tinh thần lâu nay đang nằm trong tay của giai cấp Bà-la-môn, mà cũng có mặt ngay trong giới những người Bà-la-môn nữa. Ngày xưa, từ khi được ăn cơm trên cỏ lần đầu với bọn trẻ dân dã, Siddhatta thường xin phép được đi chơi, và nhân dịp đi thăm các thôn xóm ngoài thành. Trong những chuyến đi như thế, Siddhatta thường có ý ăn mặc giản dị. Tiếp xúc với dân dã, Siddhatta học được rất nhiều cái mà trong trường không bao giờ Siddhatta được học. Đã đành dân chúng thờ phụng ba vị Thần của đạo Bà-la-môn là Brahma, Visnu, và Siva, nhưng dân chúng cũng bị các thầy Bà-la-môn lợi dụng và bóc lột quá mức. Trong tất cả các dịp quan, hôn, tang, tế, người dân đều phải chu cấp thực phẩm tiền bạc và sức lao động của mình cho ông thầy cúng, dù nghèo khó đến mấy cũng thế.

Một hôm, đi ngang qua một túp lều, Siddhatta nghe tiếng khóc kể thảm thiết. Chàng rủ Devadatta ghé vào thăm, và được biết rằng người chủ gia đình vừa mới qua đời. Đây là một gia đình nghèo khổ. Mấy mẹ con trông thật lam lũ, áo quần tả tơi. Nhà cửa xiêu vẹo, đổ nát. Hỏi ra thì người chủ gia đình chỉ vì muốn mời ông thầy Bà-la-môn trong làng tới cúng đất đai để có thể xây lại nhà bếp mà đã phải ở lại mấy ngày làm lao động tại nhà cho ông thầy. Ông bị bắt làm việc rất nặng nhọc, nào khuân đá, nào bửa củi, trong khi cơ thể ông đã suy nhuợc vì cảm cúm. Sau mấy ngày lao động, ông thầy Bà-la-môn bảo ông đi về trước và hẹn vài hôm sau sẽ đến cúng. Về tới nửa đường, người chủ gia đình nghèo khó đã bị trúng gió và chết bên lề đường. Người trong xóm phát giác ra và về báo cho mấy mẹ con hay.

Từ khi biết suy đoán, Siddhatta đã có khuynh hướng âm thầm không chấp nhận ba giáo điều căn bản của đạo Bà-la-môn: Kinh Vệ Đà là thiên khải cho riêng người Bà-la-môn, Phạm Thiên là đấng tối cao ngự trị, và tế lễ có công hiệu vạn năng. Siddhatta thấy có cảm tình với những vị sa-môn và Bà-la-môn nào có tư tưởng cấp tiến dám thẳng thắn phủ nhận giá trị của ba thứ quyền ấy. Tuy vậy, Siddhatta không bao giờ bỏ một buổi học hỏi và thảo luận nào về kinh Vệ Đà. Các môn học khác mà Siddhatta vẫn theo học là tự vựng học (Nighandu), ngữ nguyên học (Sokharappabhedana), sử truyện (Itihasa) và văn pháp học (Veyyakarana). Siddhatta rất ưa tiếp xúc với các vị đạo sư và sa-môn. Biết rằng phụ vương không ưa việc này, Siddhatta phải kiếm cớ đi du ngoạn để có dịp tìm gặp các nhà tu ấy. Họ là những người không thiết tha đến quyền lợi vật chất và địa vị trong xã hội như các ông thầy Bà-la-môn chuyên lo tế tự và gần gũi giới có quyền thế. Trái lại, họ muốn từ bỏ tất cả để đi tìm cầu sự giải thoát, cắt đứt những sợi dây ràng buộc họ vào nếp sống đầy não phiền của cuộc đời. Họ là những người đã từng học hỏi và thông hiểu qua Vệ Đà và Áo Nghĩa Thư. Siddhatta biết rằng tại nước láng giềng Kosala về phía Tây và nước láng giềng Maghada về phía Nam có rất nhiều những vị sa-môn như thế, và Siddhatta ao ước một ngày kia có thể đi đến những miền ấy để tìm thầy học đạo.

Vua Suddhodana không phải là hoàn toàn không hay biết gì về tâm tư của Siddhatta. Vua rất lo lắng về việc Siddhatta có thể đi tu theo kiểu các vị sa-môn. Có lần nói chuyện riêng với người em ruột là Dronodanaraja, cha của Devadatta và Aranda, vua than thở:

- Vương quốc Kosala hay dòm ngó lãnh thổ nước ta. Nếu sau này chúng ta không có người trẻ tài giỏi như Siddhatta và Devadatta thì lấy ai mà nắm lấy vận mệnh của nước ? Ta rất sợ Siddhatta sau này sẽ đi tu, theo như lời tiên đoán của sa-môn Asita Kaladevala. Devadatta lại hay đi theo với Siddhatta. Chú có biết là hai anh em chúng nó ưa đi gặp các thầy sa-môn khổ hạnh hay không ?

Hoàng thúc Dronodanaraja rất lấy làm ngạc nhiên khi nghe vua nói. Ngẫm nghĩ một hồi, ông ta thầm thì bên tai vua:

- Theo tôi, huynh vương nên lo cưới vợ cho Siddhatta. Có vợ con rồi thì tư tưởng đi tu sẽ không còn.

Vua Suddhodana im lặng gật đầu. Tối hôm ấy vua tâm sự với bà Gotami. Hoàng hậu hiểu ý vua, hứa sẽ lưu tâm tìm cách sắp đặt để Siddhatta chóng lập gia đình. Những buổi hòa nhạc, những hội thể thao và những cuộc du ngoạn từ đó được tổ chức thường xuyên cho các giới trẻ được gặp nhau. Siddhatta tham dự hết lòng vào những cuộc vui này, trong đó chàng gặp gỡ được nhiều bạn mới, nam cũng như nữ. Năm sau, hoàng hậu Gotami sinh cho Siddhatta một cô em gái. Công chúa được đặt tên là Sundari Nanda.

Vua Suddhodana có một người em gái tên là Pamita. Chồng của bà là Thiện giác vương Dandapani, thuộc bộ tộc Koliya. Họ có nhà cửa bên thủ phủ Ramagama của vương quốc Koliya nhưng họ cũng có trú sở ở Kapilavatthu. Sakya và Koliya là hai vương quốc nhỏ nằm sát bên nhau, ngăn cách bởi con sông Rohini. Hai bên bộ tộc Sakya và Koliya đã nhiều đời giao hảo với nhau rất thân mật. Kapilavatthu chỉ cách Ramagama có một ngày đường, Hai vợ chồng được bà Gotami ủy thác tổ chức một đại hội thể thao trên một bãi cỏ rộng mênh mông cạnh bờ hồ Kunau. Vua Suddhodana đích thân chủ tọa đại hội này, bởi vì vua rất muốn khuyến khích những người trai trẻ ở vương quốc Sakya bồi đắp sức khỏe và trau dồi võ nghệ. Tất cả những người trẻ trong kinh đô đều được mời tham dự, nam cũng như nữ. Các thiếu nữ tuy không tham dự vào các cuộc tỷ thí nhưng được khuyến khích có mặt để tán thưởng và cổ võ các chàng trai. Yasodhara, con gái của Dandapani và của vương phi Pamitta, đứng ra điều khiển việc tiếp tân, Yasodhara là một cô gái nhan sắc diễm lệ. Nàng tự nhiên và tươi mát như một đóa sen mùa hạ.

Siddhatta được làm quen với Yasodhara trong đại hội thể thao này. Chàng đã chiếm giải nhất trong các môn thi bắn cung, đánh kiếm, cưỡi ngựa và cử tạ. Yasodhara được cử đem giải thưởng đến cho Siddhatta. Giải thưởng là một con voi trắng. Người giật giải quán quân cuộc thi sẽ cưỡi voi đi một vòng trong thành Kapilavatthu trước sự hoan hô của mọi người. Yasodhara đem voi tới cho Siddhatta. Nàng đi chầm chậm bên voi. Voi đi từng bước có lễ nghi dưới sự điều khiển của một quản tượng. Tới trước Siddhatta, Yasodhara chắp tay cúi đầu chào thái tử và nói những lời khen ngợi:

- Xin điện hạ nhận thớt voi này, phần thưởng dành cho người chiếm giải quán quân của đại hội thể thao. Em xin thành tâm khen ngợi và chúc mừng điện hạ.

Giọng nàng thanh tao, dáng điệu nàng thật tự nhiên. Cách phục sức của nàng thật trang nhã. Nụ cười của nàng chúm chím tươi như một bông sen hàm tiếu. Siddhatta nghiêng mình đáp lễ. Chàng nhìn Yasodhara, đáp:

- Xin cám ơn công nương.

Lúc ấy Devadatta đang đứng ngay sau lưng Siddhatta. Devadatta không được vui, vì chàng chỉ được đứng hàng nhì trong cuộc thi tài. Thấy Yasodhara không nhìn tới mình, Devadatta bực tức. Chàng bước tới mấy bước nắm lấy vòi con bạch tượng, dùng tất cả sức mình, chàng đấm con bạch tượng một đấm như trời giáng vào chỗ yếu. Con bạch tượng đau quá, ngã quỵ xuống. Siddhatta quay lại nhìn Devadatta:

- Em làm như thế không tốt.

Nói xong, chàng đưa tay sờ voi xoa bóp chỗ đau và an ủi nó. Con voi từ từ đứng dậy được và nghiêng đầu tôn kính chàng. Quần chúng vỗ tay và hoan hô vang dậy. Siddhatta leo lên mình voi và đám rước bắt đầu diễn hành.

Chuyện của hoa cúc vàng

- Quà tặng cuộc sống



Hoa Cúc vàng tự hào mình là loài hoa đẹp nhất trong khu vườn. Cho nên nó luôn kiêu ngạo và xem mình là mạnh nhất. Hoa Cúc vàng theo chị Gió đến sa mạc để gặp loài Xương Rồng để xem ai khỏe hơn. Chị Gió hết lời khuyên hoa Cúc vàng vì sa mạc là nơi khô cằn, không thể sống được. Hoa Cúc vàng bỏ ngoài tai, cho rằng mình mạnh nhất nên vẫn quyết đi. Đến nơi, hoa Cúc vàng vẫn kiêu ngạo không muốn Xương Rồng che chở. Đến khi chết dần vì nắng gió sa mạc nó mới hiểu ra thì đã muộn.

Thơ thẩn gì mà còn mơ với mộng

- Mặc Giang



Có người nói, sao không làm gì hết
Nhân tai - Thiên tai, xáo trộn đẫn đờ
Vật đổi sao dời, hoang dại xác xơ
Thơ thẩn gì, mà còn mơ với mộng

Người phải tốn thời gian, đi chưa hết trời cao đất rộng
Tôi phóng một cái nhìn, vần vũ cả trăng sao
Người phải tốn gian nan, đi chưa tới đâu nào
Tôi vạch một lằn chữ, không đâu còn ngằn mé

Từ đêm dài quạnh quẽ
Tôi thấu tận canh thâu
Từ bãi biển nương dâu
Tôi lột trần tang hải

Vút một cái, đã đến đầu quan ải
Búng cái vèo, về tới tận thành đô
Mảnh nát tan, còn đan kín, điểm tô
Đời vụn vỡ, còn leo đồi hy vọng

Từ xà bần chất đống
Biết cái gì phải làm
Từ gỗ đá nạm, chàm
Mới thành tranh bất tuyệt

Tôi đã thấy trăng tròn ngay lúc khuyết
Tôi đã nhìn sông nước tự mạch nguồn
Tôi rong thuyền, và nhẹ lái, tay buông
Khắp bốn biển, sông hồ, luôn có mặt

Cuộc đời trong khoảnh khắc
Gói trọn một câu thơ
Trần thế vốn như mơ
Hỏi ai không sống mộng

Một vầng thơ bay bổng
Xin đánh thức mọi người
Tử sinh còn đó nụ cười
Hoa khô còn đó, đẹp tươi treo cành
Thong dong mây trắng trời xanh

Luân hồi

- Trích: “Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất” - Bạch Lạc Mai
- Chương I - Chỉ vừa gặp gỡ đã quen nhau



Dù là như vậy, chúng ta vẫn sẽ bỏ lỡ quá nhiều cơ duyên, bỏ lỡ quá trình một đóa hoa hé nở, bỏ lỡ một hạt cát chảy trôi, bỏ lỡ khoảnh khắc tái ngộ một người.

Người chết rồi thật sự có chuyển thế luân hồi được hay không ? Tôi từng không chỉ một lần hỏi bản thân như vậy, chẳng ai có thể cho tôi đáp án chuẩn xác. Nếu có, phải chăng nuối tiếc kiếp này, có thể lưu lại đến kiếp sau bù đắp ? Sự tốt đẹp kiếp này, có thể tiếp diễn đến kiếp sau ? Nhưng đó chung quy vẫn chỉ là nếu như, dù chúng ta tin tưởng nhân quả luân hồi, kiếp này vẫn sẽ phạm phải lỗi lầm không thể tha thứ. Mỗi người cả đời đều phải trải qua nhiều kiếp số, dù có thể lật giở quá khứ, biết trước tương lai, vẫn không tránh khỏi thịnh suy đã định sẵn như nhau. Con người bắt đầu từ khi sinh ra, đã diễn từng màn kịch hoặc bi hoặc hài, mãi đến khi chết mới có thể chấm dứt tất cả vướng bận.

Nếu như có thể chuyển thế, kiếp này đã phải gánh vác trách nhiệm vì kiếp trước, lại phải tích thiện vì kiếp sau, cứ tuần hoàn như vậy, làm sao có một kết thúc ? Vì chúng ta bình thường, do đó có thể sống qua loa, không nhất thiết gánh vác quá nhiều nghiệp chướng và nợ nần, cũng không phải tính toán tiền nhân quả báo. Còn về kiếp trước là gì, kiếp sau lại sẽ chuyển thế làm gì, đều không quan trọng, thứ chúng ta có cũng chỉ là kiếp này ngắn ngủi. Nhưng ở Tây Tạng, những vị Đạt Lai Lạt Ma viên tịch các đời đều có thể tìm được linh đồng chuyển thế của mình. Vì họ là Phật sống, cho nên có quá trình chuyển thế không tầm thường, chỉ có chuyển thế mới có thể tiếp tục sứ mệnh Đức Phật gửi gắm trên người họ.

Về việc làm sao tìm kiếm linh đồng chuyển thế của Đạt Lai Lạt Ma, cũng giống như một bí mật xa xưa, khiến người đời tràn đầy ảo tưởng, truy tìm lời giải đáp hoàn mỹ nhất. Nhiều vị Phật sống trước khi viên tịch sẽ để lại di chúc, nói cho đệ tử của mình biết, Ngài sẽ chuyển thế đầu thai ở một địa phương nào đó. Có một dạng khác là thần dụ, thần linh nhập vào cơ thể con người, truyền đạt ý chỉ của mình. Thần có thể chỉ ra phương hướng ra đời của linh đồng, thậm chí cho biết tên cha mẹ linh đồng. Cũng có thể thông qua cao tăng đắc đạo xem bói, biết được phương vị của linh đồng. Còn có hồ thánh, đợi sau khi các định được phương vị tổng quát, cùng một phương vị có thể sẽ xuất hiện nhiều linh đồng cùng một thuộc tính, lúc ấy cần quan sát hồ thánh. Thành kính cầu khẩn, trong hồ sẽ hiển hiện một số cảnh tượng kỳ diệu, cảnh tượng có thể truyền đạt địa phương cụ thể mà linh đồng sinh ra.

Vì linh đồng chuyển thế đều sẽ có đặc trưng phi phàm, lời nói cử chỉ của họ, thậm chí điềm báo trước lúc ra đời đều có khác biệt rất lớn với người thường. Họ tiếp nối linh hồn của Phật sống, cũng tiếp nối linh tính của Phật sống, do đó sau khi sinh ra còn có thể nhớ lại nhiều đoạn đời của kiếp trước, có thể phân biệt ra đồ vật kiếp trước đã dùng, nói những lời kiếp trước từng nói, thậm chí nhận ra người quen kiếp trước. Dù chúng ta tin hay không, tất cả nhân quả này đều được bảo tồn, hết đời này đến đời khác linh đồng chuyển thế của Phật sống đều dùng những phương thức này tìm kiếm. Bởi vì chân thực, khiến chúng ta càng thêm tin tưởng tồn tại của Thần Phật, tin tưởng thế gian này thật sự có linh hồn bất tử, thật sự có luân hồi sinh sôi bất diệt.

Dù là như vậy, chúng ta vẫn sẽ bỏ lỡ quá nhiều cơ duyên, bỏ lỡ quá trình một đóa hoa hé nở, bỏ lỡ một hạt cát chảy trôi, bỏ lỡ khoảnh khắc tái ngộ một người. Người kết duyên với Phật, trên mình nhất định có khí chất không tầm thường, họ đầy lòng thương xót, hiểu sự cảm ơn, sống tỉnh táo mà lại trầm tĩnh. Dẫu Đạt Lai Lạt Ma có ý chỉ của Đức Phật, tạo ra đạo tràng bồ đề chốn nhân gian, độ hóa muôn ngàn người đời, họ có linh hồn bất tử, thể xác họ lại không khác biệt với người thường, phải trải qua sinh lão bệnh tử như nhau, có buồn vui ly hợp như nhau. Người và người trên thế gian này vốn dĩ giống nhau, mỗi người đều đi trên cùng một con đường, cuối cùng đến được chốn về bình yên. Bất kể bạn do dự không quyết, hay vì nghĩa không chùn, thời gian tựa thanh kiếm sắc, lạnh lùng vô tình như nhau.

Ở sườn nam của núi Himalaya(1) có một địa phương gọi là Monyu, dân tộc Monpa(2) đời đời cư trú tại đây. Dân tộc cổ xưa này tình quê chất phác, phong tục cởi mở, cách xa huyên náo, không tranh với đời. Nhà ở của người dân Monpa đều lấy vật liệu tại chỗ, dùng gỗ - tre - đá - cỏ tranh … để xây, khi ngủ trải da thú hoặc thảm len, mặc nguyên y phục mà nằm. Cuộc sống tản mạn khiến họ không câu nệ tiểu tiết, uống rượu mạnh, hát tình ca, tổ tiên đời đời sinh sống hạnh phúc, tự do yêu đương trên mảnh đất yên tịnh này.

Người dân Monpa có tín ngưỡng của mình, họ đời đời tin thờ phái Nyingma (Hồng Giáo), tôn trọng vạn vật tự nhiên, tin tưởng nhân quả luân hồi. Ở nơi này, tôn giáo và tình yêu không hề mâu thuẫn, tôn giáo chỉ là tín ngưỡng trong lòng, còn tình yêu lại là thần thoại đẹp đẽ nhất thế gian. Trên mảnh đất thần thánh cổ xưa này, mỗi một ngọn cỏ gốc cây đều có linh tính, mỗi một hòn đá đều biết nói chuyện, mỗi một con bò con cừu đều có tình cảm. Ngàn năm rồi lại ngàn năm, mặc cho thế gian gió mây biến ảo, nơi này vẫn chất phác như thuở ban đầu.

Đạt Lai thứ 6 - Tsangyang Gyatso - sinh ra trong một nhà nông bình thường ở làng nhỏ trên mảnh đất tươi đẹp yên bình này. Năm ấy, là năm 1683 sau Công Nguyên, năm Khang Hy thứ 22. Ngày Ngài chào đời, có cảnh tượng kỳ lạ bảy mặt trời cùng mọc, cột vàng chiếu rọi, là chuyển thế của Liên Hoa Sinh(3), bí điển “Thần quỷ di giáo” thế kỷ XII có tiên đoán. Nguyên quốc tịch Bhutan, dân tộc Monpa, sau khi ra đời một năm mới có người biết, là con cả trong nhà, cha mẹ tin thờ Hồng Giáo, tức là phái Nyingma do đại sư Liên Hoa Sinh sáng lập.

Ở ngôi làng cổ xưa này, trời xanh nước biếc, cỏ non cừu béo. Hàng trăm năm nay, người dân Monpa an cư lạc nghiệp ở đây, hưởng thụ thời gian yên bình mà tự nhiên ban cho. Trước giờ không biết, một làng quê mộc mạc như vậy cũng sẽ có sinh mệnh không tầm thường giáng lâm. Cha mẹ của Tsangyang Gyatso là nông dân lương thiện, cần cù, cũng là giáo đồ Hồng Giáo thành kính. Do đó cảnh tượng kỳ lạ xuất hiện trên bầu trời khi Tsangyang Gyatso sinh ra khiến họ cho rằng đứa con này là Phật tổ ban ơn, là ông trời khen thưởng nết chăm chỉ, phúc hậu nhiều đời của người dân Monpa.

Người cha người mẹ hiền lành không biết rằng đứa con này là linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5, cũng không biết con mình sau này sẽ vào ở trong cung Potala, được muôn dân lễ bái. Càng không thể biết, cuộc đời vốn phải huy hoàng của con, lại tô đầy sắc thái bi kịch. Chàng trai anh tuấn xuất thân từ quê hương của những bản tình ca này đã trở thành nhà thơ lãng mạn nổi tiếng trong lịch sử Tây Tạng. Nếu không có vướng bận của kiếp trước, Tsangyang Gyatso sẽ giống như tất cả những người dân Monpa, trên mảnh đất đầm ấm này, cùng một cô gái cô gái xinh đẹp tự do yêu đương, kết hôn sinh con.

Sự việc trên đời, xưa nay đều là có được có mất, bạn cho rằng đã sở hữu mặt trời duy nhất của nhân gian, lại không biết sớm đã đánh mất mặt trăng trong sáng nhất. Bạn cho rằng mình là bá chủ làm mưa làm gió có thể nắm giữ thiên hạ, lại không biết đồng thời cũng mất đi hạnh phúc giản đơn nhất của đời người. Nhiều lúc, không phải bạn không đi truy tìm nên thần vận mệnh không đáp xuống người bạn. Ba trăm năm trước, Tsangyang Gyatso chỉ muốn cùng cô gái mình yêu yên ổn trông nom một vùng đồng cỏ, dăm ba con bò con cừu, bình dị qua ngày, lại bị kéo lên ngai Phật của cung Potala, làm Đạt Lai Lạt Ma mà chúng sinh kính ngưỡng. Thế nhưng, Ngài lại trở thành vật hy sinh của chính trị Tây Tạng, trở thành con rối mà Sangye Gyatso tìm ra để ứng phó với Khang Hy.

Đều nói người tin số mệnh là người tiêu cực bi quan. Nhưng tôi lại cho rằng, con người bởi vì tin tưởng vào số mệnh, mà càng tỏ ra ôn hòa điềm đạm. Đã có số mệnh, chúng ta sẽ không cố chấp sửa đổi những chương tiết đã biên soạn sẵn của đời người, sẽ không cắt bỏ những đoạn tình sâu sắc hay nông cạn ấy. Tôi thường hay nói, bất kể bạn và tôi sống theo phương thức nào, hoặc vì bản thân, hoặc vì người khác, đều làm con cờ bị năm tháng sắp đặt, không có cả quyền lợi chọn lựa trắng đen. Nói như vậy, không có nghĩa cuộc sống của chúng ta sẽ có nhiều bi ai đến thế, chỉ là đời người sóng cả trùng điệp, ai cũng phải học cách bảo vệ bản thân. Con người chỉ có khi không bị thương, mới không làm tổn thương người khác, chỉ có khi tỉnh táo, mới có thể điểm hóa người khác, chỉ có khi yêu quý bản thân, mới yêu thương bảo vệ người khác.

Tsangyang Gyatso mà chúng ta mong đợi, đức vua lớn nhất của cung Potala, người tình đẹp nhất của đường phố Lhasa, đã đến nhân gian như thế. Ba trăm năm trước, tại một ngôi làng nhỏ xa xôi của Tây Tạng. Vị Đạt Lai Lạt Ma này định sẵn sẽ khiến vô số người say mê, không phải vì Ngài có tâm nguyện to lớn dường nào, có hoài bão sâu xa dường nào,cũng không phải vì Ngài tay cầm quyền trượng thần thánh, được tôn vinh cao nhất. Thứ chúng ta si luyến là thơ tình của Ngài, là chặng đường sinh mệnh mê ly mà đẹp đẽ như mơ của Ngài. Ngài dùng cuộc đời truyền kỳ mà bi kịch, đổi lấy hoài niệm và cảm động vĩnh viễn của người đời. Chẳng biết, đây có xem là nét đẹp vô tư hay không ? Lại có xem là tròn vẹn tàn khuyết hay không ?

---

(1) Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn): một dãy núi ở Châu Á, phân chia tiểu lục địa Ấn Độ khỏi cao nguyên Tây Tạng. Mở rộng ra, đó cũng là tên của một hệ thống núi hùng vĩ bao gồm cả Himalaya, Karakoram, Hindu Kush và các dãy núi nhỏ khác trải dài từ Pamir Knot. Himalaya theo tiếng Phạn nghĩa là “nơi ở của tuyết”. Đây là dãy núi cao nhất hành tinh, có mười bốn đỉnh núi cao nhất thế giới với độ cao trên 8000m, cao nhất là đỉnh Everest. Dãy Himalaya trải khắp bảy quốc gia: Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Myanmar và Afghanistan. Nó cũng là nơi khởi nguồn của ba hệ thống sông lớn trên thế giới: sông Ấn, sông Hằng-Brahmaputra và Trường Giang.

(2) Monpa (Môn Ba): một dân tộc sinh sống chủ yếu tại bang Arunachal Pradesh đông bắc Ấn Độ, khu tự trị Tây Tạng Trung Quốc, và Bhutan.

(3) Liên Hoa Sinh (Padmasambhava): Đại sư Ấn Độ đã truyền Phật giáo sang Tây Tạng và sáng lập phái Nyingma vào thế kỷ thứ VIII. Tương truyền Ngài sinh ra trong một hoa sen nên có tên này.


Gọi một tiếng âm vọng vào đá núi

- Vườn hoa Phật giáo



Gọi một tiếng âm vọng vào đá núi
Ta một lần nghe lại cõi cô liêu
Cuộc trăm năm dồn lại một bên chiều
Cô quạnh lắm, nẻo về hun hút quá

Đò đã vắng mà dòng sông chưa mỏi
Chảy về đâu, tình dâu bể mênh mang
Lại một lần tiếng gọi vọng trùng quan
Mây núi lạnh mỉm cười thân lữ khách

Bóng tà huy tơ vương hồn lay lách
Nỗi lạc loài thấm đẫm giấc liêu trai
Đường dẫu xa chưa mòn gót vân hài
Dường quê cũ hiện dần trong tiềm thức

Chiều cô tịch âm vọng từ hư thực
Cuộc trăm năm dồn lại một bên chiều

Tướng mạo phản ánh nhân tâm

- Theo Vision Times
- Thu Hiền biên dịch

Cụm từ “tướng tùy tâm sinh” có nghĩa là vẻ bề ngoài của bạn chính là sự phản ánh những cảm xúc của bạn, và cả những suy nghĩ, hành động cũng được thể hiện ra ngoài nét mặt của bạn.

“Nói một cách khác, tướng mạo của bạn sẽ cho biết trong tâm bạn có gì” - nếu bạn vui vẻ, bạn sẽ có một diện mạo dễ chịu, ôn hòa, thoải mái, khiến người khác cảm thấy rằng cử chỉ và tướng mạo của bạn thật đẹp đẽ, dễ chịu, ngay cả khi nhìn chúng có vẻ giản dị mộc mạc hơn so với tiêu chuẩn về cái đẹp được đa số chấp nhận ngày nay.

Theo truyền thuyết, xưa có một thợ thủ công rất đẹp trai đến từ tỉnh Sơn Đông. Mặc dù anh rất duyên dáng, hấp dẫn nhưng anh lại thích tạc những hình tượng ma quỷ. Những tác phẩm điêu khắc của anh vô cùng sống động, và theo thời gian, việc buôn bán của anh càng ngày càng phát đạt. Một ngày, anh nhìn vào gương và vô cùng kinh ngạc khi thấy rằng diện mạo của mình đã trở nên hung tợn và xấu xí. Anh đã đến gặp rất nhiều danh y nổi tiếng, nhưng không ai có thể giúp được anh.

Chàng trai dừng lại ở một ngôi đền và kể sự tình với một người lớn tuổi. Ông lão trả lời:

- Tôi có thể giúp điều ước của anh trở thành sự thật, với điều kiện là anh hãy tạc cho tôi một số bức tượng Quán Thế Âm với các dáng điệu khác nhau.

Người nghệ nhân đã đồng ý ngay lập tức và bắt đầu nghiên cứu tư tưởng và diện mạo của Quán Thế Âm Bồ Tát. Anh cũng cố gắng hết sức để thực hành theo đạo đức của Ngài như thể chính mình là đức Quán Thế Âm vậy.

Sau sáu tháng nghiên cứu và làm việc chăm chỉ, anh đã khắc được một số bức tượng sinh động của Phật Bà Quan Âm, thể hiện lòng tốt, từ bi, khoan dung và thần thánh của Ngài. Mọi người rất ngạc nhiên trước những bức tượng sinh động giống như thật. Người nghệ nhân cũng rất ngạc nhiên khi thấy rằng tướng mạo của mình đã hoàn toàn thay đổi, giờ đây nhìn anh thật hùng dũng và oai nghiêm.

Khi bạn phân tích triết lý này từ quan điểm của y học cổ đại, sinh lý học và tâm lý học hiện đại, bạn có thể thấy rằng cụm từ “tướng tùy tâm sinh” này rất có lý. Mỗi hành động và suy nghĩ mà bạn có trong cuộc đời sẽ được phản ánh thông qua diện mạo của bạn. Bất cứ điều gì bạn suy nghĩ và cảm nhận ở trong nội tâm thì chúng cũng sẽ biểu hiện ra ở ngoại hình và tính cách của bạn.

Như một kết quả tất yếu, nếu nội tâm của bạn yên bình và tĩnh lặng, bạn rất lạc quan, từ bi và ngay chính, cơ thể của bạn sẽ hoạt động một cách trơn tru, bạn sẽ có được một sức khỏe và tinh thần tốt. Điều này tự nhiên sẽ thu hút những người khác đến bên bạn. Vì tâm tính của bạn sẽ phản ánh trên nét mặt của bạn, nên tâm tính tốt chắc chắn sẽ cải thiện ngoại hình của bạn.

Danh ngôn (56)

- Syrus



Nhiều người nhận được lời khuyên, song chỉ có những người khôn ngoan mới sử dụng được lời khuyên đó.

Nơi nào có mặt trời

- Chân Pháp Khả



Nơi nào có mặt trời
Là khởi đầu ánh sáng
Đẹp mãi những bình minh
Thênh thang hoài năm tháng

Nơi nào ta thấy ta
Mới thấu lòng huynh đệ
Khi hai bên cùng thở
Cửa màn đêm mở dần

Nơi nào là đất Bụt
Nơi đó có vườn hoa
Gió đưa từng đóa cúc
Gửi hương thầm, kiêu sa

Nơi nào hai tay chắp
Nơi đó lòng thật thà
Trong đóa sen vừa nở
Cả vũ trụ hoan ca

Nơi nào ta có mặt
Là thiên thâu nhiệm mầu
Hiểu thương người lầm lỗi
Bỗng thấy lòng thanh cao

Nơi nào ta đi vắng
Nơi đó mây chẳng về
Ngày cứ dài lê thê
Đêm cũng buồn vô tận

Nơi nào có tiếng hát
Nơi đó lòng thăng hoa
Tiếng Ca Lăng Tần Già
Nguôi đau thương thế giới

Nơi này từ đâu đến
Nơi đó có bao giờ
Ta hỏi mãi bằng thơ
Chưa một lần hiểu nổi

Nhưng thôi đâu cần vội
Ta cứ nhặt mây hiền
Đón nụ cười vô biên
Xuân kia không đến muộn

Đừng bao giờ tự cho mình là quá quan trọng

- Theo NTD TV
- Mai Trà biên dịch



Ngàn vạn lần đừng cho mình là “quá quan trọng” bởi vì trên thế giới này, ai cũng đều rất quan trọng. Nhưng mà, bất luận là thiếu đi một ai thì trái đất này cũng vẫn cứ chuyển động.

Một người có thể có tự tin, nhưng đừng tự cao tự đại. Một người có thể phóng đãng một chút nhưng đừng kiêu căng, ngạo mạn. Một người có thể sống rất thọ nhưng cũng không thể trường sinh bất tử. Đừng cho mình là “quá quan trọng”, kỳ thực cũng là một loại tu dưỡng, một cảnh giới của cao thượng, một thái độ lạc quan và là một loại trưởng thành của tâm tính, hay còn là một loại tâm không màng danh lợi.


● Lạc Đà và con Ruồi

Có một con lạc đà phải trải qua trăm nghìn cay đắng khổ cực mới vượt qua được sa mạc cát rộng lớn. Một con ruồi đậu trên lưng con lạc đà và cũng tới nơi mà không mất một chút sức lực nào. Con ruồi hân hoan, vui vẻ cười nói: “Lạc Đà ! Cảm ơn ngươi đã phải vất vả cõng ta tới đây, hy vọng sau này sẽ gặp lại !”

Nhưng mà con lạc đà lại lạnh lùng liếc nhìn con ruồi rồi nói: “Lúc ngươi ở trên lưng ta, ta vốn dĩ cũng không biết, cho nên khi ngươi đi cũng không cần phải chào hỏi. Bởi vì căn bản ngươi cũng đâu có trọng lượng gì, đừng tự đề cao mình quá, ngươi tưởng ngươi là ai ?”

● Đừng bao giờ cho mình là quá quan trọng

Có một cậu thanh niên sống trong gia đình đông người, mỗi lần ăn cơm, đều là hơn mười người ngồi ăn xung quanh một chiếc bàn lớn. Một lần nọ, cậu ta đột nhiên có suy nghĩ muốn đùa mọi người một chút. Trước khi ăn cơm, cậu ta chui vào trong một cái tủ và trốn ở đó để cho mọi người phải đi khắp nơi tìm kiếm mình. Nhưng thật không ngờ là không có một ai đi tìm cậu ta cả, thậm chí họ còn không để ý tới sự vắng mặt của cậu trong bàn ăn. Sau khi mọi người đã ăn no và rời khỏi bàn, cậu ta mới chui từ trong tủ ra và một mình ăn những thức ăn thừa còn lại. Từ lần đó trở đi, cậu ta tự nhủ với lòng mình: “Sẽ không bao giờ cho mình là người quá quan trọng nữa, bởi vì như thế có thể sẽ phải nhận lấy sự thất vọng.”

● Lúc nên cúi đầu thì cúi đầu

Benjamin Franklin được xưng là “cha đẻ của nước Mỹ”. Có một lần, ông từng đến thăm một vị lão tiền bối “đức cao vọng trọng”. Lúc ấy ông tuổi trẻ lại khí thế mạnh mẽ nên đã ngẩng cao đầu mà sải bước đi rất nhanh. Không ngờ vừa bước đến cửa thì đầu của ông bị đập mạnh vào cái khung bên trên. Đau điếng cả người, ông không ngừng dùng tay mà xoa xoa bóp bóp, lại vừa nhìn cái khung cửa thấp hơn thân thể mình. Vị tiền bối ra chào đón Franklin chứng kiến cảnh này liền nói: “Rất đau phải không ? Nhưng mà đây có lẽ là thu hoạch lớn nhất của chuyến thăm ta ngày hôm nay của cậu đấy. Một người muốn sống bình an vô sự trên đời thì lúc nào cũng phải ghi nhớ rằng: “Lúc nên cúi đầu thì phải cúi đầu !” - đây cũng là một chuyện mà ta muốn dạy cậu.”

Cát bụi đường bay(10 - 18)

- Thơ Hàn Long Ẩn
- Đoản khúc 10 - 18



10.
Mùa đông cúc ẩm sương trong
Mùa xuân nở một nụ hồng đón ai
Thiền sư quẩy một gót hài
Chân Như chợt hiện giữa đài sen tơ

11.
Đêm nằm đếm mộng tìm mơ
Soi gương tóc trắng ơ hờ mây bay
Trăng đi đi đã bao ngày
Để sông nước ngủ trời tây một mình

12.
Em xinh tóc liễu buông mành
Dáng pha tuyết phủ bên ghềnh thác xưa
Bởi câu bạc mệnh sầu đưa
Thấm trang lệ úa bao mùa gọi nhau

13.
Qua sông thương mấy nhịp cầu
Thương con đò cũ trăng thâu đợi chờ
Tiếng chuông khuya, tiếng ai hò
Tao nhân lỡ bước thẫn thờ nhạn sa

14.
Chắp tay niệm Phật Di Đà
Trang kinh nở một đóa hoa nghê thường
Mai về bên ấy Tây Phương
Còn vương suối tóc bụi đường tơ bay

15.
Lạc loài vết nhạn trời mây
Rã đôi cánh mỏng thêm dài thu phong
Tưởng đâu con nước xuôi dòng
Ngờ đâu nước cũng lên ghềnh xuống ao

16.
Thương em nhạt phấn hoa đào
Đèn khuya hắt bóng xanh xao mộng đời
Lệ sầu đẫm ướt vành môi
Nghiệp duyên là lẽ mây trời nước sông

17.
Ừ thì em cũng thu đông
Ừ thì em phải rượu hồng gấm hoa
Mai sau cạn chén sơn hà
Tìm nhau hát bản tình ca muộn màng

18.
Có con kiến nhỏ bò ngang
Đi tìm tiên động tơ vàng mong manh
Đường xa lê bước bộ hành
Phù hư gửi gió cho ngàn thu qua

Mỗi ngày nói một lời tứ ái

- Trích: Liên Hoa hóa sanh
- Pháp sư Đạo Chứng
- Dịch giả: Trần Tuấn Mẫn



Có những sự việc mà hai mươi năm trước tôi hoàn toàn không phát hiện ra mình đã có lỗi lầm gì. Hai mươi năm sau, càng suy nghĩ tôi lại càng hổ thẹn, càng sám hối. Một hôm cha tôi rất cực nhọc vì phải khám bệnh nhiều bệnh nhân, bỗng nhiên ông rất bực bội nói với chúng tôi: “Tại sao ngày nào cũng không có ai nói với tôi một câu vui vẻ ?”

Bấy giờ tôi tưởng rằng trong lòng cha tôi không vui nên có phần nóng giận, do đó, tôi chỉ biết im lặng không dám nói gì. Cha tôi thấy chúng tôi không phản ứng gì nên ông tự lắng dịu lại. Sau này chính tôi làm bác sĩ mới hiểu được cái mùi vị của sự việc ngày đêm cứ phải nghe người ta kêu oán khổ. Quả thực, có thể nói trên đời không có ai vui vẻ khỏe mạnh lại đi tới bác sĩ để nói với ông một lời hoan hỉ. Cha tôi đã trãi qua mấy mươi năm tâm khổ để nói ra tiếng lòng mình, nhưng khi tôi hiểu được ông thì đã quá muộn.

Hồi tôi còn học tiểu học, nghe thầy giảng nhị thập tứ hiếu, có ông Lão Lai tuy đã già rồi mà mỗi ngày vẫn làm trò cười cho cha mẹ vui. Tuy tôi đã nghe được câu chuyện đời xưa và ý nghĩa ấy, tôi vẫn không chịu thực hành. Hèn chi cha tôi bảo tôi là chẳng ra gì. Tự tôi, tôi không quan sát, không hiểu được sự sinh hoạt hàng ngày của cha tôi, cũng không tự mình chủ động phát tâm khiến cho ông vui vẻ. Đó là sự bất hiếu tầng thứ nhất của tôi. Khi cha tôi đã nói ra tiếng lòng của ông, tôi nghe xong chỉ nghĩ là ông đang nóng giận chứ chưa từng cố ý để tìm hiểu sự buồn khổ khiến ông kích động, cũng chưa từng biểu lộ những gì để an ủi ông. Đây là sự bất hiếu tầng thứ hai, càng nghiêm trọng hơn. Sau đó rất lâu rồi cũng chưa từng phát hiện mình có sai quấy gì không, hay biết rằng cần phải sám hối cãi lỗi. Thật là quá ngu si !

Nên biết rằng người ta khi lòng không vui thì không chịu phát tâm làm cho người khác vui, đó là không từ bi. Trong lúc người khác đang đau khổ không biết làm sao để giúp đỡ họ, thậm chí một câu nói thông cảm cũng không biết nói, đó là không trí tuệ. Học Phật mà không có từ bi lại không có trí tuệ, quả thực là không biết học cái gì, một chút công năng cũng chẳng có. Phật là đấng vạn đức, vạn năng, tôi học mà vô năng, vô đức, thậm chí một câu nói thân thiết thích đáng để cúng dường cha tôi mà cũng không nói được thì tôi quả là một đứa chẳng ra gì trong đạo hiếu. Trước kia tôi nghĩ rằng đối với người nhà, người quen, có lẽ không cần phải nói lời thân thiết quan hoài, vui vẻ khen ngợi, kì thực đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm.

Giới Bồ Tát có qui định rằng, mỗi ngày ít nhất cũng nên dùng một lời kệ để tán thán công đức Tam Bảo, nếu có hôm nào không tán thán tức là phạm giới. Đây không phải là Tam Bảo rất muốn được khen thưởng mà chính là chúng ta học tập đạo Bồ Tát thì phải luôn đề tỉnh, luôn luyện tập để khéo làm cho thân khẩu ý của chúng ta ứng hợp với Phật tính. Đi giúp đỡ chúng sinh tu công đức thì đương nhiên phải luyện tập ngôn ngữ mà làm công đức, nếu không thì té ra miệng của chúng ta chỉ biết có ăn cơm và nói những lời vô bổ sao ? Có người đang cần lời an ủi, chúng ta lại nói tôi không biết, tôi không có “công năng ấy” sao ? Thực ra không biết thì phải luyện tập cho biết chứ. Nếu không thì cũng như câu nói của cha tôi: “Ngay cả một chút công năng bố thí hoan hỉ mà con cũng không có thì làm sao mà tu hành đạo Bồ Tát được ?”. Sự bất hiếu trong quá khứ đã không có cách gì bù đắp được, chỉ có cách là hiện tại mong sám hối cải tiến thật lòng mà thực hành.

Lấy đời luyện đạo

- Thích Nhật Từ



Cuộc gian khó như luyện vàng-ý-chí
Trở ngại duyên nung nấu sắc son
Trong bão tố ráng ngoi tìm chân lý
Tỏ vô sanh ngay giữa cõi vô thường

Từ đau khổ sáng soi niềm an lạc
Từ não phiền để vươn tới an vui
Không tăng giảm nên chẳng từng được mất
Như sóng nhấp nhô trên mặt biển muôn đời