V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Lành và Dữ

(Sưu tầm)



Hỏi:

- Bạch Thầy, Thầy nhận xét rằng lành và dữ đúng theo giáo lý của Đức Phật khác hơn lề lối thông thường của người đời. Xin sư vui lòng giảng giải thêm cho dễ phân biệt.

Đáp:

❝Nhiều người nghĩ thiện ác theo lẽ đạo cũng giống như ngoài đời, nhưng sự thật thì có khác nhau.

Người đời hiểu “Lành” theo sự việc thọ hưởng và thỏa mãn lòng ham muốn của họ. Chẳng hạn như được yêu thương, quí mến, gặp được gì mà họ hằng mơ ước, họ cho rằng đó là lành hay gọi là phước. Nếu có ai bảo rằng: những sự việc mà mình được hưởng trong đời này không chắc toàn lành thì không bao giờ họ tin. Muốn biết sự thật thử hỏi mấy ông thích uống rượu và hút thuốc phiện coi có phải các ông ấy nói đó là thú vui không ? Nhưng trái lại các bậc trí thức không nhận là lành. Như vậy ta thấy người đời hiểu hai tiếng lành dữ khác nhau hơn lời Phật dạy.

Theo lời Phật dạy, muốn biết lành dữ thì nên tìm hiểu nguyên nhân và hậu quả của sự việc. Nếu việc làm nào do thân, khẩu, ý không trong sạch, tâm sân hận, tác ý ác, hành động như vậy sẽ làm cho con người khổ, đó là điều ác. Trái lại việc làm nào tác ý mát mẻ không lẫn phiền não là tham lam, sân hận và si mê, những sự việc ấy sẽ làm cho lòng mình mát mẻ vui vẻ, mà người khác cũng được vui và lợi ích, điều ấy gọi là lành.❞

MƯỜI ĐIỀU THIỆN LÀNH:

Để gặt Quả an vui, sức khỏe, trí tuệ, tài sản … bạn cần gieo Nhân là làm mười điều sau, thay cho việc cầu xin, khấn vái:

⒈ Bố thí

⒉ Cung kính

⒊ Phục vụ

⒋ Giữ giới (đạo đức)

⒌ Hồi hướng

⒍ Tùy hỷ

⒎ Hành Thiền Định, Thiền Tuệ

⒏ Nghe Pháp

⒐ Nói Pháp

⒑ Đổi hiểu biết sai lầm thành hiểu biết đúng

Một chút trong đời

(Nghệ thuật sống)

- Một chút những viên đá nhỏ có thể tạo thành một ngọn núi lớn.

- Một chút những bước chân có thể đạt đến ngàn dặm.

- Một chút hành động của tình yêu thương và lòng khoan dung cho thế giới những nụ cười tươi tắn nhất.

- Một chút lời an ủi có thể làm dịu bớt những đau đớn to tát.

- Một chút ôm siết ân cần có thể làm khô đi những giọt nước mắt.

- Một chút ánh sáng từ những ngọn nến có thể làm cho đêm không còn tối nữa.

- Một chút ký ức, kỷ niệm, có thể hữu ích cho nhiều nǎm sau.

- Một chút những giấc mơ có thể dẫn đường cho những công việc vĩ đại.

- Một chút khát vọng chiến thắng có thể mang đến thành công.

Đó là những cái “một chút” nhỏ bé có thể mang đến niềm vui hạnh phúc lớn nhất cho cuộc sống của chúng ta. Và bây giờ chúng mình sẽ cùng gặp những ai đã trao tặng cho chúng mình những cái một chút trong cuộc đời để nói với họ rằng:

“Cảm ơn bạn vì tất cả những một chút mà bạn đã giúp đỡ cho tôi !”



Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|41|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Người nhổ cỏ may, nếu cầm không chặt, tuột, lá cỏ sẽ cắt đứt tay. Chỉ những người cầm thật chặt và dứt khoát nhổ thật mạnh một lần, mới nhổ bật được gốc mà tay không bị đứt”.

Cuộc đời như cơn mưa, ai đi ngang qua đó, dù lương thiện hay không, cũng sẽ bị ướt, có kẻ chỉ mới vài giọt mưa ướt vai đã vội tìm một nơi trú ẩn, có kẻ dầm mưa đến lạnh tái tê mới chịu rời đi tìm một nơi trú ẩn cho mình. Mưa thì lạnh, có những đôi chân lại chưa vội đi. Lá cỏ may luôn sắc bén còn tay người thì mỏng, nhưng chỉ những ai chần chừ không dứt khoát mới bị đứt tay.

Cuộc đời nhiều gai góc còn lòng người thì mềm, có những đôi chân lại chẳng muốn đi nhanh.

Người ngủ an.



Ăn tỏi lúc bụng đói

(Theo Khỏe và Đẹp)

Từ lâu tỏi đã nổi tiếng vì những lợi ích sức khỏe của nó. Đó là lí do chính tại sao người ta gọi nó là “thực phẩm chữa bệnh” nhiều thế kỷ qua. Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ ăn tỏi lúc bụng đói là có lợi cho sức khỏe, thậm chí có người còn cho rằng điều này rất có hại cho dạ dày. Có thể bạn từng nghe người ta nói rằng chỉ có những người già mới nghĩ phương pháp dân gian này thực sự công hiệu. Nhưng hóa ra, phương pháp này cực kỳ hiệu nghiệm trong việc phòng ngừa và điều trị nhiều bệnh.

Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều nghiên cứu và kết quả cho thấy nếu ăn tỏi trước khi ăn hoặc uống bất cứ gì, điều này sẽ làm tăng sức mạnh của tỏi, biến nó thành một chất kháng sinh tự nhiên cực mạnh.

ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI ĂN TỎI LÚC BỤNG ĐÓI ?

Tại sao việc ăn tỏi trước khi ăn sáng lại hiệu quả hơn bình thường ? Nếu bạn gặp vấn đề dạ dày, đây là một cách chữa trị cực kỳ hiệu quả. Vì khi đó dạ dày bạn trống rỗng, vi khuẩn không thể ẩn nấp và chúng không thể kháng cự trước sức mạnh của tỏi. Chúng sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Bên cạnh đó, nó còn kích thích tiêu hóa và sự thèm ăn. Tỏi cũng sẽ giúp bạn kiểm soát stress, do đó khiến cơ thể ngừng sản xuất axit dạ dày - điều xảy ra khi bạn bị căng thẳng.

Nhiều người phát hiện tỏi thực sự có thể giúp giảm các triệu chứng cao huyết áp. Nó không chỉ điều hòa tuần hoàn máu mà còn ngăn ngừa nhiều vấn đề tim mạch và kích thích hoạt động của gan và bàng quang. Một số người còn tuyên bố tỏi là phương thuốc cực tốt để chữa các vấn đề thần kinh, nhưng chỉ hiệu quả khi ăn lúc đói bụng.

Tỏi cũng được xem là một trong những thực phẩm hiệu quả nhất khi nói đến việc thải độc. Nhiều thầy thuốc cho biết tỏi mạnh đến nỗi có thể giúp cơ thể tống giun sán ra ngoài, ngừa nhiều bệnh như tiểu đường, suy nhược, sốt phát ban, thậm chí một số loại ung thư.

Với những lợi ích sức khỏe này, đừng ngại ăn tỏi lúc bụng đói dù mùi vị của nó có thể gây khó chịu. Tuy nhiên, nếu bạn không thể ăn tỏi sống, hãy uống viên tỏi thay thế. Bạn vẫn có thể nhận được những lợi ích của nó.

Tỏi là một loại thuốc chữa nhiều bệnh. Ăn tỏi khi đói phát huy tối đa thuộc tính kháng sinh tự nhiên. Theo một số nhà nghiên cứu, allicin trong tỏi có tác dụng kháng khuẩn mạnh giúp trị nhiễm trùng nhanh khỏi hơn. Tỏi chống lại nhiễm trùng nấm và còn đem lại nhiều công dụng khác.

Loại bỏ vi khuẩn và độc tố trong dạ dày - ăn tỏi trước khi ăn sáng giúp loại bỏ vi khuẩn và độc tố trong dạ dày. Nó là một kháng sinh và chất chống oxy hóa mạnh, một bộ “lọc” tự nhiên và tốt cho dạ dày.

Giảm nồng độ cholesterol - nước ép tỏi đã được chứng minh là hiệu quả trong việc giảm nồng độ cholesterol trong máu. Tỏi có hiệu quả rõ rệt sau thời gian ngắn so với thuốc hạ lipid đóng gói.

Tăng cường sức khỏe tim mạch - tỏi làm giảm các triệu chứng của cao huyết áp vì nó tăng cường lưu thông máu, phòng ngừa bệnh tim và ngăn chặn sự tích tụ của các mảng bám gây xơ vữa động mạch.

Chữa các vấn đề về dạ dày - tỏi hiệu quả trong việc điều trị các vấn đề về dạ dày, kích thích tiêu hóa và giúp ăn ngon miệng hơn. Trị tiêu chảy và làm giảm việc sản xuất axit dạ dày do căng thẳng.

Một số lợi ích khác - ăn tỏi khi đói bụng rất tốt cho chữa các vấn đề về thần kinh và điều trị bệnh lao hiệu quả. Ngoài ra, nó còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng khả năng phòng vệ của cơ thể trước sự ảnh hưởng của môi trường, tăng cường chức năng gan và bàng quang nhờ việc giảm triglycerides của gan giúp ngăn ngừa sự phát triển của xơ vữa động mạch.

Tỏi hạ huyết áp và kháng viêm - trong y học cổ truyền, tỏi là một trong số những thực phẩm giải độc phổ biến và hiệu quả.

* Lưu ý: mặc dù tỏi rất có lợi, nhưng có một số trường hợp bạn nên ngừng ăn tỏi, nếu dị ứng tỏi, hãy cân nhắc hai điều quan trọng sau: đừng bao giờ ăn sống, và nếu bạn bị nổi mề đay, sốt cao, hay đau đầu … hãy tránh “thần dược” này. Một số nghiên cứu cũng phát hiện việc ăn tỏi đôi khi có thể gây tác dụng phụ ở những bệnh nhân đang uống thuốc trị HIV-AIDS.

D.P.A (57)

• • •

Phật dạy có hai hạng người mạnh nhất:
- một là không tạo tội
- hai là biết ăn năn



Ngày hội hoa Hướng Dương

••• vì bệnh nhi ung thư



Vì cuộc sống vốn ngắn và ai cũng phải đến đích, quan trọng quãng đường chúng ta đi như thế nào. Hãy luôn nhìn vào những điểm tích cực của cuộc sống giống như hoa Hướng Dương luôn hướng về phía mặt trời.

Lạc quan. Yêu đời. Vui sống ... và hi vọng ! 🌻🌻🌻

#ngayhoihoahuongduong2018
#uocnguyenhong2018

Những giọt nước mắt sung sướng của Sudatta

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương LXXV, Thích Nhất Hạnh

Mười hôm sau, Bụt khoác y, ôm bát và rời thành Vương Xá. Người đi lên miền Bắc, vượt sông Hằng, tới thăm viếng chúng khất sĩ ở tu viện Trùng Các, rồi Người lại lên đường, hướng về thủ đô Savatthi. Mùa mưa sắp tới, và Người cần về tu viện Cấp Cô Độc để kịp thời chuẩn bị cho khóa an cư. Theo Người, có đại đức Ananda, các đại đức Sariputta, Moggallana và khoảng ba trăm vị khất sĩ khác.

Tới Savatthi, Bụt về thẳng tu viện Jetavana. Các thầy chờ Bụt ở đây rất đông. Năm nay các vị khất sĩ và nữ khất sĩ về an cư rất đông. Tin tức về những cuộc biến động ở kinh đô Magadha ai cũng đã được nghe. Thấy Bụt về nguyên vẹn và khỏe mạnh, mọi người đều tỏ vẻ mừng vui. Ni sư Khema lãnh đạo một đoàn nữ khất sĩ đến thăm viếng Bụt. Năm nay bà được đưa lên làm vị lãnh đạo tối cao bên ni giới. Ni sư Pajapati đã viên tịch mười năm về trước.

Quốc vương Pesanadi nghe Bụt về cũng lập tức đến tu viện thăm Người. Vua hỏi thăm Bụt về tình hình ở Rajagaha. Bụt thuật cho vua nghe nhiều chuyện, trong đó có buổi gặp gỡ giữa Người và thái hậu Videhi - em ruột của vua. Bụt cho vua biết là thái hậu vẫn được bình yên nhưng chắc là trong lòng còn nhiều sầu khổ, vua cho Bụt biết là vua đã gửi một sứ đoàn qua Rajagaha cách đây hơn một tháng, và yêu cầu Ajatasattu giải thích tại sao có chuyện giam giữ quốc vương Bimbisara và hai vị đại thần. Quốc vương Ajatasattu là cháu của vua. Vua bảo nếu cần thì Ajatasattu phải về Savatthi để trình bày mọi sự. Hiện vẫn chưa thấy sứ đoàn trở về. Vua cũng cho biết là để tỏ ý phản kháng hành động của quốc vương xứ Magadha, vua đã lấy lại thục ấp mà thượng hoàng đã tặng nước Magadha hơn sáu mươi mấy năm về trước, khi em gái vua về làm chánh hậu của vua Bimbisara. Thục ấp này thuộc địa phận Baranasi xứ Kasi.

Ngày an cư mùa mưa đã đến. Các trung tâm tu học ở vùng thủ đô và các vùng lân cận đều có đầy các vị khất sĩ và nữ khất sĩ cư trú. Cứ mười lăm hôm Bụt lại nói pháp thoại một lần tại Jetavana, và các giới khất sĩ cũng như nữ khất sĩ từ các trung tâm khác đều được tới tham dự. Pháp thoại của Bụt thường được nói vào buổi chiều, ngay sau giờ thọ thực, vì vậy các vị khất sĩ từ những trung tâm xa, đến ngày có pháp thoại, phải nghỉ khất thực để có thì giờ đi thẳng về tu viện. Các vị đại thích ở thủ đô cố gắng sắp đặt để cúng dường thực phẩm cho các vị ngay khi các vị tới tu viện, để các vị có đủ thời gian thọ thực và nghe pháp.

Pháp thoại đầu mà Bụt nói trong mùa an cư năm nay có đề tài là hạnh phúc. Bụt dạy hạnh phúc là có thật và ta có thể thực hiện được hạnh phúc ngay trong đời sống này nếu ta biết hành theo chánh pháp. Trước hết Bụt cho biết hạnh phúc không phải là sự đam mê vào dục lạc. Dục lạc có thể cho con người một ảo tưởng về hạnh phúc, nhưng thật sự chỉ là khổ đau. Người lấy ví dụ của một người bị bệnh hủi, bị bắt buộc vào sống biệt lập ở trong rừng. Người này luôn luôn cảm thấy ngứa ngáy xốn xang rất khó chịu. Ông ta đào một cái hố, chất cành khô và những gốc cây mục xuống hố và đốt cháy cho đến khi hố đầy than hồng, rồi ông ta đứng bên cạnh hố, đưa mình mẩy tay chân lên trên hố than để hứng lấy cái nóng của than lửa đang cháy. Trong khi làm như thế ông ta thấy rất đã ngứa và cảm thấy bớt khổ. Ngày nào không được hơ mình trên hố than rừng này, ông ta rất lấy làm đau khổ. May mắn cho ông ta, mấy năm sau bệnh hủi của ông được chữa lành. Ông trở về sống đời sống bình thường trong thôn xóm. Một hôm ông ta vào rừng thấy mấy người có bệnh hủi đang đưa mình mẩy của họ hơ trên hố than rừng của họ. Ông thấy thương xót họ vô cùng. Hố than rừng nóng quá, tới gần ông chịu không nổi. Nếu có ai tới trì kéo ông, bắt ông tới gần hố than để đưa mình mẩy hơ lên trên than lửa, ông ta sẽ la tru tréo lên và phản đối kịch liệt. Cái mà ngày xưa ông cho là làm cho ông sung sướng, bây giờ đã trở thành một mối khổ đau của ông. Bụt nói: “dục lạc cũng chỉ là một hố than hồng, chỉ có người bệnh mới thấy dục lạc là vui, những người lành mạnh đều phải xa lánh hố than của dục lạc”.

Nếu đam mê dục lạc không phải là hạnh phúc thì cái gì là hạnh phúc ? Bụt dạy: “sống thư thái, tự do, tiếp xúc được với những mầu nhiệm của cuộc sống tức là có hạnh phúc, ý thức được những gì xảy ra trong giờ phút hiện tại, không tham đắm vào bất cứ pháp nào mà cũng không ghét bỏ bất cứ một pháp nào”.

Người có hạnh phúc biết quý những gì mầu nhiệm đang xảy ra trong hiện tại, một làn gió mát, một buổi sáng đẹp trời, một bông hoa vàng, một cây trúc tím, một nụ cười của trẻ thơ, một bữa cơm ngon. Người có hạnh phúc biết thưởng thức những thứ ấy nhưng không bị ràng buộc vào những thứ ấy. Thấy được vạn pháp là vô thường và vô ngã. Người ấy không nhận thức các pháp như những gì có thường và có ngã, do đó người ấy không bị ràng buộc bởi các pháp kia, không bị tham đắm vào các pháp kia. Không bị ràng buộc, không tham đắm, người ấy sống thảnh thơi, không lo âu, không sợ hãi. Biết rằng một bông hoa có thể sớm nở tối tàn, người ấy thấy được tự tính sinh diệt vô thường của các pháp cho nên không vì sự sinh diệt của vạn pháp mà sầu khổ và lo âu. Cũng vì thế nên hạnh phúc của người ấy là hạnh phúc chân thật. Người ấy không lo âu và sợ hãi ngay cả về sự sinh diệt của chính mình. Có người cho rằng muốn có hạnh phúc trong tương lai thì phải chịu khổ trong hiện tại, vì vậy họ hy sinh hiện tại bằng cách chịu khổ chịu cực, về tâm não cũng như về thể xác, để mua lấy hạnh phúc trong tương lai.

Bụt dạy rằng sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại, hy sinh hiện tại là phế bỏ sự sống. Có người nghĩ muốn có an lạc và giải thoát trong tương lai thì phải hành hạ xác thân trong hiện tại. Nghĩ như thế, họ áp dụng những phép tu khổ hạnh, chịu đói khát và đau đớn trong thân xác và trong tâm tư, dùng khổ đau trong hiện tại, để mua hạnh phúc trong tương lai. Bụt dạy lối tu hành đó không những làm cho người tu chịu đau khổ trong hiện tại mà còn gây đau khổ trong tương lai nữa.

Có người cho rằng đời sống quá ngắn ngủi, không nên nghĩ tới tương lai, phải tận lực hưởng thụ những thú vui dục lạc ngay trong giờ phút hiện tại, Bụt dạy rằng tham đắm vào dục lạc như thế cũng giống như nướng mình trên hố than rừng, hành động này đem lại khổ đau ngay trong hiện tại và cho cả tương lai.

Phương pháp tu học của Bụt vượt ra ngoài hai cách sống vừa kể. Bụt dạy rằng phép sống khôn ngoan nhất là phép sống đem lại hạnh phúc trong hiện tại mà cũng sẽ đem lại hạnh phúc trong tương lai. Tu tập theo đạo giải thoát không phải là ép xác khổ hạnh để cầu mong một hạnh phúc tương lai. Khi vị khất sĩ ăn ngày một bữa, thực tập thiền tọa, thực tập thiền hành, thực tập Tứ Niệm Xứ, thực tập Tứ Vô Lượng Tâm, thực tập phép Quán Niệm Hơi Thở, vị khất sĩ ấy tạo hạnh phúc cho chính mình và cho những người xung quanh ngay trong giờ phút hiện tại.

Ăn mỗi ngày một bữa có thể giúp cho cơ thể nhẹ nhàng, có thể cho ta nhiều thì giờ hơn để tu tập, để sống thoải mái và tự do, và để giúp ích cho người khác. Không lập gia đình, không có vợ con không phải là một sự ép xác khổ hạnh mà là để có thể sống tự do và thoải mái để có thời gian tu tập và giúp ích cho kẻ khác.

Sống đời sống phạm hạnh, người khất sĩ phải thấy được niềm vui và hạnh phúc trong mỗi giây phút của cuộc sống hàng ngày. Nếu sống đời sống phạm hạnh mà thấy khổ đau, ép buộc, thiếu tự do, đó là đã sống không đúng theo tinh thần chánh pháp. Nhìn vào một vị khất sĩ sống đời sống phạm hạnh, người ta phải thấy sự có mặt của sự thoải mái, sự thong dong và niềm an lạc. Nếp sống này đem lại hạnh phúc trong hiện tại mà chắc chắn cũng đem lại hạnh phúc trong tương lai.

Sau buổi pháp thoại, nữ cư sĩ Punnalakkhana xin đến viếng Bụt. Bà là nội trợ của cư sĩ Sudatta Anathapindika, người đã xây dựng tu viện Jetavana để cúng dường giáo đoàn khất sĩ. Nữ cư sĩ báo tin cho Bụt biết là cư sĩ Sudatta bị ốm đã hơn mười hôm nay, và rất khổ đau vì không đến dự được buổi pháp thoại này. Bệnh của cư sĩ càng ngày càng tăng chứ không thấy giảm. Cư sĩ rất sợ sẽ không được nhìn thấy mặt Bụt trước khi qua đời.

Ngày hôm sau, Bụt đi thăm cư sĩ Sudatta, cùng đi với Người có hai đại đức Sariputta và Ananda. Được thấy Bụt và hai đại đức, cư sĩ mừng rỡ. Ông ngồi trên một chiếc ghế dựa, nét mặt xanh xao. Bụt bảo:

- Sudatta, suốt đời ông đã sống một cuộc sống có ý nghĩa và có hạnh phúc. Ông đã làm vơi nỗi khổ của biết bao nhiêu người. Danh từ Anathapindika mà thiên hạ tặng cho ông là một trong những bằng chứng lớn của sự thành công của ông. Tu viện Jetavana là một bằng chứng lớn khác. Ông đã đóng góp thật nhiều để pháp âm của đạo giác ngộ được truyền đi khắp chốn. Ông đã sống theo chánh pháp, đã tạo được hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và cho rất nhiều người trong xã hội. Bây giờ ông nên tĩnh dưỡng, tôi sẽ nhờ đại đức Sariputta thỉnh thoảng tới thăm ông và hướng dẫn sự tu học cho ông. Ông không nên cố gắng để tìm lên tu viện, bởi vì di chuyển như thế sẽ làm cho ông mất sức nhiều quá.

Cư sĩ Sudatta chắp tay tạ ơn Bụt. Mười lăm hôm sau, vào giờ pháp thoại, Bụt nói về đời sống người tại gia, về hạnh phúc chân thực mà người cư sĩ có thể thực hiện ngay trong đời sống hiện tại. Bụt ôn lại những nguyên tắc sống “hạnh phúc trong hiện tại, hạnh phúc trong tương lai” mà Người đã diễn bày trong kỳ pháp thoại trước, rồi Người nói:

- Vị khất sĩ sống đời sống phạm hạnh là để có an lạc hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại, và nếp sống phạm hạnh ấy chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc trong tương lai, nhưng không phải chỉ người xuất gia mới sống được theo nguyên tắc ấy. Những người cư sĩ sống ở thành thị và trong xóm làng cũng có thể theo nguyên tắc ấy của chánh pháp mà làm cho đời sống càng ngày càng có thêm hạnh phúc. Trước hết là đừng vì ước muốn làm giàu mà chúi đầu vào công việc, bỏ mất cơ hội tạo hạnh phúc cho mình và cho gia đình mình trong giờ phút hiện tại. Hạnh phúc trước hết là sự tỉnh thức. Một cái nhìn đầy hiểu biết, một nụ cười bao dung, một câu chuyện nói thương yêu, một bữa cơm quây quầy trong đầm ấm và tỉnh thức … đó là hạnh phúc trong hiện tại. Nuôi dưỡng sự tỉnh thức trong hiện tại, ta sẽ tránh không gây khổ đau cho ta và cho những người sống chung quanh ta và bên cạnh ta. Bằng cái nhìn, bằng lời nói, bằng nụ cười, bằng những cử chỉ săn sóc nhỏ, ta tạo ra hạnh phúc cho ta và cho mọi người ngay trong giây phút hiện tại. Hạnh phúc này không cần đến giàu sang và danh vọng.

Bụt kể cho đại chúng nghe câu chuyện của Sigala, một người gia chủ trẻ tuổi mà Bụt gặp ở thành phố Rajagaha nhiều năm về trước.

Buổi sáng nọ, khoác y, mang bát và rời tu viện Trúc Lâm lúc trời mới rạng sáng, Người gặp một chàng trai tên Sigala, con của một thương gia sống ở ngoại ô thành phố. Sigala đang đứng ở ngoài trời và đang cúi lạy sáu phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Thượng và Hạ một cách cung kính. Bụt tới gần và hỏi chàng lạy như thế để làm gì, Sigala thưa là từ hồi còn bé, chàng đã được thân phụ dạy mỗi buổi sáng phải ra lạy sáu phương. Chàng chỉ biết vâng lời cha, sáng nào cũng ra lạy như thế, nhưng không biết để làm gì. Bụt nói: “lạy như thế là thực tập một lối sống có thể đưa tới hạnh phúc trong hiện tại và trong tương lai”. Người dạy rằng lạy phương Đông là để quán chiếu cách đối xử với ơn cha mẹ, lạy phương Nam là để quán chiếu cách đối xử với ơn sư trưởng, lạy phương Tây là để quán chiếu cách đối xử với tình vợ con, lạy phương Bắc là để quán chiếu cách đối xử với tình bè bạn, lạy phương Hạ là để quán chiếu cách đối xử với người cộng sự, lạy phương Thượng là để quán chiếu cách đối xử với những bậc hiền nhân.

Bụt lại dạy Sigala về phép thọ trì năm giới, phép quán chiếu để đừng vội vã hành động khi trong tâm có tham dục, giận hờn, si mê và sợ hãi. Bụt dạy Sigala tránh xa sáu loại hành động có thể đưa đến sự tán gia bại sản: không say sưa, không đi lang thang trong thành phố vào giờ khuya khoắt, không lui tới những chốn cờ bạc, không lui tới những nơi ăn chơi trác táng, không la cà với những bạn xấu, và không lười biếng ỷ lại. Bụt lại dạy cho Sigala biết phân biệt thế nào là một người bạn tốt, Người nói:

- Một người bạn tốt là một người đối xử với mình một cách chung thủy, khi mình giàu sang hoặc sa sút, hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại, đắc thế hoặc thất thế thì người bạn ấy vẫn không hề thay đổi. Người bạn ấy biết lắng nghe và chia sẻ những buồn đau của mình, nói cho mình nghe những lo lắng và buồn vui của người ấy. Một người bạn tốt là một người bạn biết vui cái vui của mình và buồn cái buồn của mình.

Kể xong chuyện Sigala, Bụt nói:

- Hạnh phúc chân thật là một điều có thể thực hiện ngay trong đời này nếu ta quy tụ được càng nhiều càng tốt những điều kiện sau đây:

➊ Được thân cận với những người hiền đức, có khả năng xa lánh được những kẻ đang đi trên con đường sa đọa.

➋ Được sống trong một môi trường thuận tiện cho sự tu học và sự tạo tác những nhân lành.

➌ Được có cơ hội học hỏi thêm về giáo pháp, về giới luật, về công nghệ và về ngôn ngữ văn chương.

➍ Được phụng dưỡng mẹ cha và có thời giờ để ý săn sóc vợ chồng con cái của mình.

➎ Được chia sẻ thì giờ, tài vật và hạnh phúc với kẻ khác.

➏ Được có cơ hội vun trồng đạo đức, xa lánh hẳn rượu chè cờ bạc.

➐ Được thực tập un đúc các đức khiêm nhượng, biết ơn và tri túc của đạo giác ngộ.

➑ Được thân cận với các vị khất sĩ mà học hỏi đạo lý.

➒ Được sống một cuộc sống trong sạch theo nguyên tắc Bốn Sự Thật.

➓ Được học cách thiền quán để tháo bỏ những phiền não và ưu sầu trong cuộc sống.

Tới đây, Bụt mở lời khen những cư sĩ đã và đang sống theo chánh pháp trong cuộc sống hàng ngày, trong gia đình và xã hội, Bụt đặc biệt nhắc tới cư sĩ Sudatta Anathapindika. Bụt nói Sudatta là người đã quy tụ được nhiều điều kiện để làm cho đời sống có ý nghĩa, có hạnh phúc và có lợi ích cho nhiều người. Đạo tâm của Sudatta rất lớn và cuộc đời của Sudatta đã được hướng dẫn bởi những nguyên tắc của chánh pháp, Bụt nhấn mạnh rằng có những người giàu có hơn Sudatta nhiều gấp bội, nhưng đứng về phương diện hạnh phúc thì không thể nào so sánh được với Sudatta.

Hôm ấy nội trợ của cư sĩ Sudatta là Punnalakkhana cũng có mặt trong buổi pháp thoại. Nghe Bụt nói, bà cảm động đến rơi nước mắt, bà đứng dậy và tắc bạch:

- Thế Tôn, cuộc sống của người cư sĩ có nhiều khi thật bận rộn, nhất là khi mình được thừa hưởng một gia sản lớn. Con thấy khi mình có một cơ nghiệp bình thường, sự tu đạo sẽ dễ dàng hơn. Nhiều khi nhìn những vị khất sĩ không nhà, không cửa, không vợ, không con, cầm một chiếc bình bát, đi thong dong trên nẻo đường khất thực, chúng con thấy thèm muốn sự thảnh thơi ấy một cách lạ kỳ. Chúng con ước muốn được sống như thế, nhưng mà chúng con có nhiều sợi dây ràng buộc quá, biết làm sao ?

Bụt dạy:

- Nữ cư sĩ Punnalakkhana ! Vị khất sĩ cũng có nhiều trách nhiệm chứ không phải không. Nếp sống phạm hạnh là nếp sống buộc vị khất sĩ phải an trú ngày đêm trong chánh niệm, trong giới luật. Người khất sĩ lại còn phải nghĩ đến trách nhiệm độ sinh.

Các vị cư sĩ ! Như Lai đã tìm ra một phương cách để quý vị có thể lâu lâu, hoặc nửa tháng một lần, được sống giống như các vị khất sĩ. Phương cách đó là Bát Quan Trai giới. Các vị có thể đến chùa thọ tám giới, sống trong thời gian trọn vẹn một ngày một đêm, ngày ăn một bữa, thực tập thiền tọa, thiền hành, sống trong phạm hạnh, tỉnh thức, tinh cần, thong dong và an lạc, giống hệt như các vị khất sĩ. Sau thời gian một ngày, một đêm sống như thế, các vị lại xả giới và trở về đời sống thế gian, chỉ giữ lại năm giới và ba sự quay về nương tựa.

Các vị khất sĩ ! Như Lai sẽ báo tin để tất cả các vị khất sĩ biết về pháp chế Bát Quan Trai này. Quý vị có thể tổ chức tu tập Bát Quan Trai tại chùa hay ngay trong nhà quý vị, và các vị khất sĩ có thể được mời để tuyên giới, hướng dẫn và dạy dỗ trong các ngày tu Bát Quan Trai.

Punnalakkhana sung sướng hỏi Bụt:

- Bạch Thế Tôn, tám giới của pháp chế Bát Quan Trai là tám giới nào, tại sao gọi là quan, tại sao gọi là trai, xin Thế Tôn khai thị cho chúng đệ tử biết.

- Tám giới là: không sát hại sinh mạng, không trộm cướp, không dâm dục, không vọng ngữ, không uống rượu, không trang sức, không nằm và ngồi trên giường chiếu sang trọng, và không sử dụng tiền bạc. Tám giới ấy là để phòng ngừa sự phát sinh của vọng niệm và tạp niệm trong thời gian tu tập nên gọi là quan. Quan có nghĩa là phòng ngừa, còn trai có nghĩa là chỉ ăn một bữa trước giờ Ngọ, để có thì giờ tu tập.

Được biết thiết chế phép Bát Quan Trai, giới cư sĩ hôm ấy rất lấy làm sung sướng. Mười hôm sau, người nhà của cư sĩ Sudatta tới tìm đại đức Sariputta, báo tin là bệnh tình của cư sĩ trở nặng. Đại đức rủ đại đức Ananda cùng đi. Cư sĩ Sudatta nằm trên giường bệnh để tiếp hai vị đại đức. Người nhà nhấc ghế để hai đại đức ngồi gần bên giường.

Biết cư sĩ không sống được bao nhiêu ngày nữa, đại đức Sariputta khai thị:

- Cư sĩ Sudatta, ông nên quán tưởng như sau: mắt không phải là tôi, tai không phải là tôi, mũi, lưỡi, thân cũng không phải là tôi.

Đợi cư sĩ quán tưởng xong, đại đức nói:

- Cư sĩ tiếp tục quán tưởng: những gì tôi thấy không phải là tôi, những gì tôi nghe không phải là tôi, những gì tôi ngửi, nếm, xúc chạm cũng không phải là tôi.

Rồi đại đức dạy cho cư sĩ quán chiếu vô ngã trong sáu thức: cái thấy không phải là tôi, cái nghe không phải là tôi, tri giác, vị giác, xúc giác và ý thức cũng không phải là tôi. Đại đức nói:

- Sáu căn, sáu trần và sáu thức không phải là tôi. Sáu đại là đất, nước, lửa, gió, không gian và tâm thức cũng không phải là tôi. Tôi không bị ràng buộc và hạn cuộc trong những yếu tố ấy. Tôi không bị sinh tử ràng buộc và hạn chế. Sinh tử không chạm được tới tôi. Tôi mỉm cười, bởi vì tôi không sinh cũng không diệt. Sinh không làm cho tôi có, tử không làm cho tôi không.

Thực tập tới đó, cư sĩ Sudatta khóc. Nước mắt chảy ràn rụa trên hai má ông. Đại đức Ananda hỏi:

- Sao, cư sĩ có tiếc nuối không, cư sĩ quán chiếu không thành công hả ?

- Thưa đại đức Ananda, con không tiếc nuối, con quán chiếu rất thành công. Con khóc vì con cảm động quá. Con được phụng sự Bụt và gần gũi các vị khất sĩ đã hơn ba mươi năm nay, vậy mà chưa bao giờ con được nếm giáo lý thậm thâm vi diệu như hôm nay.

- Cư sĩ Sudatta, giáo lý này các vị khất sĩ và nữ khất sĩ được nghe đức Thế Tôn giảng dạy luôn.

- Thưa đại đức Ananda, đệ tử cư sĩ chúng con có người cũng có thể nghe, hiểu và hành được giáo lý thậm thâm này. Xin đại đức Ananda bạch với Bụt để Người cho phép giới cư sĩ chúng con được nghe, hiểu và thực hành giáo lý thậm thâm đó.

Cư sĩ Sudatta từ trần ngay buổi chiều hôm ấy. Các đại đức Sariputta và Ananda đã ở lại hộ niệm rất lâu cho cư sĩ.

Gia đình của cư sĩ Anathapindika là một gia đình cư sĩ kiểu mẫu. Tất cả mọi người trong gia đình từ cha mẹ đến con cái, người nào cũng có đức tin vững chãi nơi Bụt, người nào cũng siêng năng học hỏi giáo lý và đem áp dụng vào cuộc đời. Trước đây mấy hôm, cư sĩ được biết tin rằng con gái út của mình là Sumagadha, lấy chồng ở xứ Anga, đã hóa độ được rất nhiều dân chúng trong vùng theo Bụt. Chồng của cô trước đó là một vị quan tổng trấn ở xứ Anga, tín đồ của phái du sĩ lõa hình. Lần đầu được chồng ép đi thăm các vị du sĩ này, cô đã khéo léo từ chối. Với sự hiểu biết vững vàng về đạo Bụt, cô đã từ từ cảm hóa được quan tổng trấn và mang được giáo lý Bụt vào đời sống của dân chúng trong vùng.

Giữa những vội vã

- Nguyễn Duy Nhiên

Vào một buổi sáng trời lạnh mùa đông, tại một ga metro ở Washington DC, một thanh niên với chiếc đàn vĩ cầm, đứng chơi những bài nhạc nổi tiếng của Bach, Schubert, Massenet … trong vòng 45 phút.

Trong khoảng thời gian ấy có chừng hai ngàn người đã đi ngang qua, đa số đang trên đường đến sở làm của họ. Và dường như không một ai chú ý đến sự có mặt của anh ta đứng ở đó.

Sau khoảng ba phút, một người đàn ông đứng tuổi đi qua và nhận thấy có một nhạc sĩ đang đứng đó chơi vĩ cầm. Ông đi chầm chậm, dừng lại chừng vài giây, và rồi lại vội vã đi tiếp cho kịp giờ của mình.

Bốn phút sau ...

Người nhạc sĩ vĩ cầm ấy nhận được đồng đô la đầu tiên: một người đàn bà ném tiền vào thùng đàn của anh, bà cũng không hề dừng lại, tiếp tục rảo bước.

Sáu phút …

Một người thanh niên trẻ đứng dựa vào tường lắng nghe anh, anh ta nhìn đồng hồ đeo tay của mình và rồi lại đi tiếp.

Mười phút …

Một đứa bé dừng lại nghe, nhưng mẹ của em vội vàng lôi em đi tiếp. Đứa bé tiếp tục dừng lại nhìn anh nhạc sĩ vĩ cầm, nhưng mẹ của em đẩy mạnh, và em lại phải tiếp tục bước đi, nhưng em vẫn cứ ngoái đầu quay nhìn lại. Và điều này cũng đã xảy ra với nhiều đứa bé khác. Và tất cả cha mẹ đều lôi kéo các em, bắt các em phải đi nhanh lên.

Bốn mươi lăm phút …

Người nhạc sĩ vĩ cầm ấy vẫn tiếp tục chơi nhạc không ngừng. Chỉ có sáu người dừng lại và lắng nghe trong vài ba phút rồi bỏ đi. Khoảng chừng hai mươi người cho anh tiền, trong khi vẫn tiếp tục bước đi bình thường, và không hề dừng lại. Chàng nhạc sĩ ấy nhận được tổng cộng là 32 đô la.

Một giờ sau …

Anh ta ngừng chơi, không gian trở lại im lặng. Không ai chú ý đến anh. Không một tiếng vỗ tay, và cũng không một lời tán thưởng. Không ai biết người ấy chính là Joshua Bell, một trong những nhạc sĩ vĩ cầm nổi danh nhất trên thế giới.

Trong hơn 45 phút qua anh đã chơi những bài phức tạp nhất trong các bài nhạc trình tấu, và cây đàn vĩ cầm mà anh chơi trị giá khoảng 3.5 triệu đô la. Hai ngày trước đó, Joshua Bell đã trình diễn tại một nhà hát ở thành phố Boston, vé bán hết không còn một chỗ ngồi, giá của mỗi vé là 100 đô la. Và ban tổ chức sẵn sàng trả 1000 đô la mỗi phút cho tài năng của anh.

Đây là kết quả của một cuộc thử nghiệm do báo The Washington Post tổ chức. Trong cuộc thử nghiệm này, Joshua Bell phải ăn mặc thật bình thường, quần jean, áo thun, mũ kết, và chơi đàn trong giờ cao điểm, 7:45 sáng. Họ chọn nơi biểu diễn là trạm ga L’Enfant Plaza, vì nơi đây những người khách metro đi ngang qua đa số là thuộc tầng lớp trung lưu, chuyên nghiệp, trí thức, phần lớn làm việc với chính phủ liên bang.

Trước khi tổ chức, các nhà thử nghiệm nghĩ rằng tại Washington DC, một trong những đô thị phát triển nhất nước Mỹ về nhạc giao hưởng, classical music, Joshua Bell có thể sẽ thu hút một số lượng lớn khán thính giả dừng lại nghe, và họ chuẩn bị sẽ phải nhờ cảnh sát đến để giữ trật tự. Nhưng chỉ có một người duy nhất nhận ra Joshua Bell, vì trước đó ba tuần cô ta có đi xem anh trình diễn ở Library of Congress, nên nhận ra anh ngay. Cô ta đã bỏ vào hộp đàn của Joshua Bell 20 đô la và tự giới thiệu mình khi anh ngưng chơi đàn.

Tờ Washington Post viết, mục đích của cuộc thử nghiệm này để xem rằng: chúng ta có thể nhận diện, ý thức được những gì hay và đẹp đang có mặt giữa cuộc sống bận rộn của mình, trong những hoàn cảnh bình thường hằng ngày không ? Và nếu như trong cuộc sống chúng ta không thể dừng lại trong giây lát để lắng nghe một nhạc sĩ lừng danh nhất trên thế giới, chơi những giai điệu hay nhất từng được sáng tác, với một nhạc cụ hoàn hảo nhất, và nếu như cuộc sống quá bận rộn đến nỗi chúng ta không còn có thời gian để dừng lại, khiến ta trở nên làm ngơ trước những điều hay đẹp, thì trên con đường ta đi, mình còn vô tình bỏ qua và đánh mất bao nhiêu những điều đáng quý nào khác nữa chăng ?

Trong thời đại ngày nay, dường như đa số chúng ta có khá đầy đủ, nhưng duy có một điều mà chắc chắn trong chúng ta ai cũng đều rất thiếu thốn, là thời giờ của mình, phải thế không bạn ?

Vài năm sau cuộc thử nghiệm ấy, tờ báo The Washington Post đã mời anh Joshua Bell trở lại và trình diễn tại trạm ga Union Station ở Washington D.C. Và lần này ban tổ chức có thông báo trước nên số người đến nghe anh lên đến cả ngàn. Tôi nghĩ, trong chúng ta đều có sẵn sự trong sáng và hay đẹp, vì vậy chúng ta lúc nào cũng muốn được tiếp xúc với những chân, thiện và mỹ chung quanh mình.

Trên con đường chúng ta đi, có lẽ ta cũng đã từng có dịp nghe được tiếng đàn vĩ cầm của Joshua Bell, và bao nhiêu những điều hay đẹp khác chung quanh ta, nâng cao tâm hồn mình, giữa những bận rộn và ngay trong hoàn cảnh bình thường nhất, nếu như chúng ta biết bước chậm lại một chút để có thêm nhiều thì giờ hơn ...

Dù sao vẫn cảm ơn đời

- Phạm Cao Hoàng



Dù sao vẫn cảm ơn đời
Cỏ cây và gió, mặt trời và hoa
Cảm ơn những đám mây xa
Đang bay về phía quê nhà chiều nay
Cảm ơn những sớm heo may
Lạnh se sắt lạnh bên này đại dương
Cảm ơn giọt nắng vô thường
Lung linh ở cuối con đường khổ đau …

Phước và Giá trị con người

- Phật Quang Tu



Người phước nhiều được nhiều người kính trọng. Người phước ít, ít được kính trọng. Người thiếu phước bị người ta khinh bỉ. Giá trị con người nằm ở chỗ có phước hay không có phước. Đó là quy luật.

Đừng nghĩ tại sao tôi cũng là người mà tôi không được kính trọng. Vì anh ít phước, vì anh thiếu phước, anh nặng nghiệp nên anh bị người khác xem thường. Đó là chúng ta nói theo Nhân Quả, không phải kỳ thị giàu nghèo, giai cấp, dòng dõi xuất thân. Dù anh thuộc giai cấp nào, dòng dõi nào, giàu hay nghèo nhưng nếu anh thiếu phước sẽ bị người khác xem thường. Nếu anh là người biết làm phước, làm cho phước mình tăng từng ngày, từng ngày thì trước mắt mọi người, anh là người đáng kính trọng. Luật Nhân Quả là vậy, chúng ta đừng đòi hỏi người khác phải kính trọng mình mà hãy tự đòi hỏi mình là người có đức, phải biết làm phước trước. Một người khi đã đủ phước đức, không cần mong đợi hay kêu gọi, người khác vẫn tự nhiên kính trọng mình.

Những người uống rượu say, sử dụng ma túy .v.v.v. để hưởng thụ khoái cảm là những người đốt phước của mình rất nhanh chóng và khiến mình không được người khác kính trọng. Có ba nguyên nhân để được người khác kính trọng mình. Một là biết kính trọng những người đáng kính, đó là những bậc Thánh, những người tốt trên đời này. Hai là thường giúp đỡ người khác: rộng lòng bố thí, giúp đỡ người nghèo. Ba là biết tu sửa nội tâm mình cho thuần thiện: lúc nào cũng có lòng thương yêu con người, trừ diệt cái xấu, bồi dưỡng cái Đức của nội tâm.

Dù có thể chưa giúp được nhiều người nhưng nếu lúc nào ta cũng cố gắng thương yêu con người, biết quan sát, trừ diệt từng lỗi dù nhỏ nhặt … tức là biết tồn dưỡng cái Đức của nội tâm, chắc chắn ta sẽ thành tựu được cái phước khả kính. Ngược lại, cũng có những nguyên nhân làm ta mất phước để rồi phải thọ lãnh sự khinh bỉ.

- Thứ nhất là chê bai, khinh thường bậc đáng kính, đặc biệt là bậc Thánh.

- Thứ hai là hưởng thụ, lấy niềm vui của kẻ khác làm niềm vui của mình mặc cho họ đớn đau khổ sở. Nặng nề nhất là trường hợp của những người sử dụng ma túy.

- Thứ ba là không tu sửa nội tâm. Người có một nhân cách tầm thường, nói năng vụt chạc, suy nghĩ những điều thấp hèn và làm việc gì cũng sơ suất, qua loa, thì chắc chắn không bao giờ được ai kính nể.

Vì thế, trong cuộc sống có những người rất được kính trọng mà cũng có người bị xem thường do phước có hay không. Có những người càng già càng được kính trọng vì họ đã tích được nhiều phước. Nhưng cũng có người càng già họ càng bị xem thường vì họ không làm phước mà chỉ hưởng thụ suốt một đời đến khi tuổi già, thậm chí đến đứa con nít cũng không kính trọng. Ngược lại, có những người khi còn trẻ vẫn được người ta kính trọng vì có phước từ đời trước.

Phước tạo nên giá trị con người. Để làm được một con người đầy đủ ý nghĩa, đầy đủ giá trị, chúng ta hãy nhớ thường xuyên làm phước. Phước đó làm nên phẩm giá, giá trị của mỗi người chúng ta, đồng thời cũng là vốn để dành đi về kiếp sau và cũng là sức mạnh để chúng ta đi vào thiền định, giải thoát. Do đó, phước như chiếc chìa khóa mở ra nhiều cánh cửa để ta ung dung sống trong luân hồi sinh tử cũng như ung dung đi tìm con đường giải thoát giác ngộ.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|40|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

Dù chẳng làm tổn thương ai, nhưng mỗi chúng ta, có lẽ ai cũng từng bị thời gian làm tổn thương mình.

Một chiếc lá rụng. Một vầng trăng khuyết. Một con sóng vỡ. Một khóm mây tan. Một tường rêu phủ. Một cánh bèo trôi. Nhìn khoảnh khắc vô thường đó, ai chẳng nặng lòng bởi những tàn phai ?!

Có người, đem những khoảnh khắc vô thường làm thành nỗi buồn, cất vào lòng, đường càng xa, lòng càng nặng.

Có người, đem từng khoảnh khắc vô thường làm thành nét vẽ, ghép lại thành bức tranh, bức tranh cuộc sống, đẹp giữa vô thường, đẹp giữa khắc nghiệt.

Vô thường là khổ.

Tàn phai là đau.

Nhưng khi chấp nhận được cuộc sống là một chuỗi những đổi thay vô thường, cuộc đời lại trở nên rất hiền hậu. Rồi đến một ngày, ai cũng sẽ nhận ra, đổi thay lớn nhất trong cuộc đời này là sự đổi thay từ chính bản thân mình.

Giữa những ngổn ngang đổi thay vô thường ngày trước, với ánh mắt mới, sẽ luôn thấy có một bình yên chờ mình ở đây.



Don't expect, don't wait

• • •

HOPE - but never expect
LOOK FORWARD - but never wait

╰▶


HI VỌNG - nhưng không bao giờ mong đợi
MONG MUỐN - nhưng không bao giờ chờ đợi





Hoa và Rác

(Viên Ngộ)

Để thấy rác chính là hoa - hoa và rác vốn không hai, cũng như khổ đau làm nên hạnh phúc - phiền não chính là Bồ Đề, bạn cần phải trở về với chính mình để chăm sóc cho đóa hoa tâm hồn được nở rộ và thêm phần hương sắc.

Nghĩa là, khi tâm ý của bạn đang rong ruổi, phiêu lưu ở một phương trời nào đó, hãy trở về với tự thân và có mặt trọn vẹn với những gì đang biểu hiện trong đương tại.

Hoa là biểu tượng cho sự đẹp đẽ, thơm tho và tươi mát, nên tất cả mọi người đều mong muốn ngắm nhìn, yêu thích và trân quý. Còn rác là thứ dơ bẩn, hôi hám nên ít ai quan tâm để ý tới và chỉ muốn dẹp bỏ hoặc loại trừ càng xa, càng tốt. Tuy rác bị đối xử thiệt thòi như thế, nhưng nó vẫn âm thầm nhận chịu để đóng góp cho đời những gì tốt đẹp nhất. Công việc của rác là làm phân, giúp người làm vườn vun bón những luống hoa, vườn rau, giàn bầu và nhiều loại cây ăn trái khác được xanh tươi, đơm hoa và kết trái. Mặt khác, nhờ người nông dân biết sử dụng các loại phân hữu cơ và hạn chế dùng phân hóa học để chăm bón, trồng trọt, nên rau quả được tăng thêm phần bổ dưỡng và đảm bảo sức khỏe tốt cho con người. Do vậy, rác không hẳn là thứ nhơ nhớp, xấu xa cần phải loại bỏ, mà rác có khả năng âm thầm đóng góp tích cực cho đời sống con người.

Trong tâm thức của chúng ta cũng có hai đặc tính căn bản của hoa và rác. Ta có những đức tính tốt như thiện lành, siêng năng, hiền hòa, dễ thương, tha thứ, biết cảm thông và giúp đỡ cho những ai gặp phải hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Điểm tích cực ấy tượng trưng cho bông hoa tươi mát, đẹp đẽ vốn có ở nơi mỗi con người. Và khi tâm ta được nhẹ nhàng, an ổn và hạnh phúc thực sự, đó chính là đóa hoa tâm hồn trong ta nở rộ và thơm ngát.

Còn ngược lại, khi tâm ý tham lam, buồn giận, sợ hãi, ghen tị, trách móc, ích kỷ thì mảnh vườn tâm kia đang sinh trưởng nhiều loại cỏ dại và rác rến. Vì thế, người tu phải biết cách chăm sóc vườn tâm của mình để mỗi ngày những hoa trái thương yêu, hiểu biết, giúp đời … được xum xuê, nở rộ và tỏa ngát hương.

Chúng ta thừa biết rằng, một bông hoa có mặt phải nhờ vào nhiều yếu tố khác kết hợp lại mới hình thành như đất, nước, phân xanh, không khí, ánh sáng mặt trời, người chăm sóc, .v.v.v… Bông hoa không thể hiện hữu đơn độc lẻ loi mà nó cần phải nương tựa vào nhau để sinh khởi và tồn tại. Nếu một ai đó chỉ thích ngắm nhìn phía trên của bông hoa, nhưng lại cắt bỏ bộ phận gốc rễ nhơ nhớp ở phía dưới thì đóa hoa tươi thắm đó chỉ được tồn tại vài ngày rồi sẽ nhanh chóng khô héo và úa tàn. Do vậy, phân rác rất cần thiết và quan trọng không thể thiếu đối với hoa, và đời sống con người.

Trong tâm thức của chúng ta cũng tương tự như thế, có khá nhiều rác rưởi phiền não như tham lam, giận hờn, trách móc, lo sợ, đố kị, phân biệt, buồn chán, .v.v.v… Những hạt giống tiêu cực này ẩn tàng trong chiều sâu tâm thức của ta, khi đủ điều kiện thì chúng sẽ hiện hành và chi phối lên đời sống con người, tạo ra nhiều thống khổ, bất an.

Tuy nhiên, nếu ta biết cách tu tập và chuyển hóa thì rác phiền não kia cũng sẽ trở thành bông hoa thanh khiết, thơm tho và lan tỏa hương thơm để hiến tặng cho cuộc đời. Ngược lại, nếu ta không biết vun bón, tưới tẩm cho hoa mỗi ngày thì nó rất mau chóng héo hon và tàn lụi. Đối với con người cũng vậy, có nhiều khi ta đang hạnh phúc bên cạnh người thân yêu của mình và được người thương nuông chìu, quý trọng, nhưng nếu ta vẫn cứ mãi hờ hững và không biết quan tâm chăm sóc, trân quý với những gì mình đang có thì một ngày nào đó hạnh phúc tự động cất cánh bay xa để lại sự trống vắng, lẻ loi và buồn tủi. Sự thật này đã và đang xảy ra, nếu không nhanh chóng tỉnh thức để chuyển hóa thì khó tránh khỏi bất an, đổ vỡ.

Thực ra, phiền não khổ đau chỉ biểu hiện khi tâm ta bị màn vô minh che lấp, bị chi phối bởi sự điều động của bản ngã tham sân si. Khi đối duyên xúc cảnh xảy ra thì bản ngã lập tức phản kháng và loại trừ đối tượng (giận), hoặc muốn chiếm hữu những gì mà nó ưa thích (tham). Lối mòn phản ứng này bóp méo hiện thực theo nhận thức chủ quan, nên cái nhìn trung thực không thể hiển bày. Từ đó, ta không thấy rác là điều kiện tất yếu để làm nên hoa, cũng như đối diện với khổ đau sẽ giúp con người thấu hiểu được bản chất đích thực của cuộc sống.

Vì không nhận ra được bài học quý giá và thiết thực từ khổ đau, nên ta thiếu khả năng chuyển hóa đau khổ của tự thân cũng như thông cảm và chia sẻ tình thương yêu đến cho những ai gặp phải hoàn cảnh éo le, trắc trở. Ví như trong một cái thùng chứa đựng rác dơ bẩn, trong đó có những hạt ngọc vô cùng quý giá, nếu ta cho rằng, thùng rác quá bẩn mà không chịu đưa tay vào để lấy ngọc ra thì thật dại khờ và uổng phí biết bao. Có thể nói rằng, thói quen loại trừ và phản kháng lại hiện thực là một trong những nguyên nhân căn bản tạo ra đau khổ.

Sống trên cuộc đời này, không có người nào mong muốn khó khăn xảy đến với mình cả, nhưng khổ nỗi nó không ngoại lệ cho bất cứ một ai. Từ người giàu sang quyền quý cho đến kẻ bần cùng thiếu thốn, đều có những nỗi khổ niềm đau dù ít hay nhiều, đó là sự thật. Tuy nhiên, nếu bạn biết nuôi dưỡng và giữ gìn tâm luôn định tĩnh và trong sáng thì chẳng bị vướng kẹt vào bất cứ điều kiện gì xảy ra đối với bạn.

Khi cái thấy thanh tịnh phát hiện ra các tri giác sai lầm, tính toán của bản ngã tham sân si, lúc bấy giờ bạn tự do ngắm nhìn vẻ đẹp của dòng sông, đồi núi, cỏ cây và hoa lá, mà không còn bị lệ thuộc vào các ý niệm tham đắm, chiếm hữu hoặc ghét bỏ. Tất cả các hiện tượng, sự vật trong vũ trụ này luôn luôn thay đổi và mới mẻ. Bạn không thể nắm bắt hoặc ước hẹn bất cứ cái gì cho tự thân cả. Công việc của bạn là tiếp xúc với cái thực tại bây giờ và ở đây. Không lấy những quan niệm, định kiến trong quá khứ để áp đặt lên hiện thực. Sự việc đang diễn biến ra như thế nào thì tùy vào đó để hành xử cho phù hợp, không cần phải rập khuôn theo những đường lối, tư duy của người khác.

Nếu bạn sống trọn vẹn với nội dung này, bạn sẽ có mối quan hệ tốt đẹp với mọi người chung quanh mà không gây tổn thương cho bất cứ một ai, dù nó bé nhỏ như con sâu hay con kiến. Khi tâm tư bạn thông suốt và trải lòng ra như thế, bạn sẽ có cái nhìn mới mẻ và trung thực ở bất cứ mọi lĩnh vực nào của đời sống.

Để thấy rác chính là hoa - hoa và rác vốn không hai, cũng như khổ đau làm nên hạnh phúc - phiền não chính là Bồ Đề, bạn cần phải trở về với chính mình để chăm sóc cho đóa hoa tâm hồn được nở rộ và thêm phần hương sắc. Nghĩa là, khi tâm ý của bạn đang rong ruổi, phiêu lưu ở một phương trời nào đó, hãy trở về với tự thân và có mặt trọn vẹn với những gì đang biểu hiện trong đương tại.

Mỗi khi thân tâm và hoàn cảnh hiện tại được thắp sáng, bạn sẽ thấy rõ mối tương giao tất yếu giữa bản thân mình đối với đời sống, giữa rác và hoa. Từ đó, bạn không còn ghét bỏ, tránh né hoặc loại trừ bất cứ điều gì cả, vì bạn đã biết cách chuyển hóa rác trở thành hoa - biến khổ đau và những gì không vừa ý trở nên an vui và hạnh phúc.

Hoa và Rác

(Diệu Linh)

Ta thấy hoa có rác
Ta thấy rác là hoa
Ta thấy người và ta
Vòng nhân duyên bất tận
Ta thấy đời lẩn quẩn
Ra vào cửa tử sanh
Ngày trôi qua mong manh
Hoa tàn lại thành rác
Ta rời xa bến Giác
Ta ngụp lặn biển mê
Câu kinh dài lê thê
Ta niệm hoài không thuộc
Ta đi không thắp đuốc
Mò tìm vết Chân Như
Chỉ thấy bóng phù hư
Từ tâm ta, vọng khởi

...

Ngày mai còn vời vợi
Ngày hôm qua, xa rồi
Hiện tại - tỉnh thức thôi
Ta quay về chánh niệm
Bây giờ không tìm kiếm
Không có người, có ta
Không thấy rác, thấy hoa
Rác, Hoa, Người là một



Mây nước lòng thiền

(Tâm Minh)

Có một bản nhạc rất đặc biệt, nghe biết bao nhiêu lần vẫn thấy vẹn nguyên như thuở ban đầu. Bản nhạc ấy, nếu chỉ nghe tiếng đàn sẽ thấy mềm mại như nước chảy, lãng đãng như mây trôi, khiến ta bất giác thả lòng theo mây nước, tâm không nhuốm bụi trần, tự tại mà phiêu diêu. Còn nếu chỉ đọc ca từ, lại thấy vấn vương một mối tình sâu kín, chỉ có thể giãi bày cùng gió trăng.

Bản nhạc ấy có một cái tên mà mới chỉ nghe qua đã thấy cảm giác rất thanh tịnh: “Vân Thủy thiền Tâm”, mây nước lòng thiền. Một điều gì đó rất trang nhã, rất tinh khiết, rất thuần tịnh. Có nét tự tại của nước, lại có nét phiêu du của mây, hướng lòng ta vào thiên nhiên, thân và tâm hòa quyện, cảm giác thật tĩnh tại an nhiên.

Ấy là thiền.

Vậy mà, trên nền nhạc thiền lại là khúc tình ca, và trong tình ca ta lại thấy một tấm lòng trinh nguyên, thanh bạch.

Tôi tự hỏi: vì sao hai thứ cảm xúc rất khác biệt ấy lại có thể hòa hợp trong cùng một bản đàn ?

Một bên nhẹ như mây trên trời, một bên nặng như nước dưới khe. Một bên phiêu du ngày tháng, một bên lại sâu nghĩa nặng tình. Một bên là cảnh giới siêu phàm thoát tục, siêu xuất chín tầng không, một bên là cảnh giới của kẻ phàm nhân, vương vấn nơi hồng trần cuồn cuộn. Một bên là thiền, rất tịnh, rất thanh, một bên là tình, nồng nàn, thắm đượm. Cứ ngỡ tình yêu nam nữ chỉ là thứ trần tục, nhưng xem ra trong bản nhạc này, cái tình ấy đã thăng hoa lên một cảnh giới khác, tạm gọi là “cái tình thuần khiết”.

Chuyện kể rằng, vào thời Bắc Tống, ở nơi miền sơn cước xa xôi có một thiếu nữ rất xinh đẹp và tài hoa. Một ngày kia, có vị đạo sĩ phương xa vân du qua đó, chàng ghé chân vào ngôi nhà nhỏ của người thiếu nữ xin được tá túc vài ngày. Vị đạo sĩ và người thiếu nữ dường như có tâm linh giao cảm, nên vừa gặp đã thấy thân quen. Ngày ngày họ trau dồi cầm nghệ, từ tri âm mà trở thành tri kỷ. Lâu dần, trong vùng có tiếng xầm xì to nhỏ, lời lời dèm pha, người người đàm tiếu, khiến chàng không còn cách nào khác đành phải từ biệt để tiếp tục lên đường vân du. Nàng đưa tiễn hơn mười dặm dương liễu, còn chàng thì gảy một khúc nhạc cáo từ. Khúc nhạc ấy chính là “Vân Thủy thiền Tâm”.

Tiếng đàn vang lên, khi thì mênh mang như nước chảy, lúc lại phiêu đãng như mây trôi, thay người ra đi bày tỏ tấm lòng sáng trong vời vợi. Trên nền nhạc du dương thánh thót, người đạo sĩ cất lên tiếng hát:

“Núi vắng chim véo von kìa, người và mây trắng đều đi ngủ hết
Suối trong róc rách tẩy sạch tâm ta, bầy cá nô đùa dưới đầm sâu
Gió thổi núi rừng kìa, trăng chiếu bóng hoa lay
Hồng trần như mộng hợp lại tan, đa tình lắm đau thương
Ngắm bầu không u minh kìa, ta và trăng nuối tiếc nhau
Gảy một khúc đàn tặng trăng, khó tỏ hết nỗi lòng nhung nhớ
Lòng ta như mây khói, múa xiêm y giữa trời
Người xa ngàn dặm, hồn vấn vương, trong cõi mộng
Tự hứa với hồng nhan
Giấc mộng Nam Kha khó tỉnh, núi trống rừng già
Nghe tiếng suối trong réo rắt như vô tình
Soi tỏ mình ta tịch mịch giữa đêm thâu”


Một bản tình ca trên nền nhạc thiền, mới nghe nói đến liền cảm thấy thật mâu thuẫn, nhưng kỳ thực lại ẩn chứa đạo lý bên trong.

Bản nhạc ấy có hai cảnh giới: bản nhạc không lời là cảnh giới của Đạo (thiền tâm), còn ca khúc lại thuộc về cảnh giới của Trần (cái tình nơi nhân thế).

Trước hết hãy nói về bản nhạc không lời. Nếu chỉ lắng nghe tiếng đàn, sẽ thấy thân tâm đều hòa tan vào một thứ, gọi là “vân thủy thiền tâm”.

Thủy là gì ? Chính là nước, được Lão Tử ví với Đạo: “Đại Đạo tự thủy”. Trong thiên hạ không có gì mềm mại như nước, nước yếu mềm, không mạnh mẽ, nhưng lại có thể làm đá phải mòn. Nước biết hạ mình ở chỗ thấp, vì không tranh không giành nên cũng không thất bại. Giống như biển, vì chịu ở nơi thấp nên mới có thể làm vua trăm sông. “Thượng thiện nhược thủy”, bởi vì nước vô tư, hiền hòa, làm lợi cho vạn vật, nên Lão Tử cho rằng nước rất gần với Đạo.

Vân là gì ? Vân là mây, nhưng chẳng phải mây cũng chính là nước đó sao ? Nhưng lại là nước sau khi đã thăng hoa. Thấp nhất là nước, nhưng cao nhất lại là mây. Nếu như khi ở nơi thấp nước biết thuận theo Đất, thì khi ở trên cao kia mây lại thuận theo Trời. Mây dung ung nhàn tản, vô tư quên ngày tháng, cứ thế an nhàn phiêu đãng, quả là một cảnh giới siêu phàm thoát tục.

Mây và Nước cũng giống như cách hành xử của một bậc chân nhân đắc Đạo: ở nơi thấp thì đại thiện đại nhẫn, bao dung vạn vật, ở trên cao thì thanh tĩnh vô vi, tiêu dao tự tại.

Ấy là Đạo.

Còn nói về lời ca tiếng hát, ta lại thấy man mác một chữ “tình”.

Vị đạo sĩ là người tu luyện, mà tu luyện thì cần phải dứt khỏi thất tình lục dục, buông bỏ mọi cái tình của thế gian, cuối cùng đạt đến sự thanh tịnh vô vi, cũng chính là cảnh giới của bậc chân nhân đắc Đạo. Nhưng đạo sĩ vì chưa thể buông bỏ cái tình với người thiếu nữ mà chàng coi là tri kỷ tri âm, nên mới dệt nên câu chuyện thơ mộng giữa núi rừng. Có điều, cái tình của chàng rất khác với ái tình nơi trần thế. Ái tình nơi trần thế chỉ là thứ tình cảm kèm theo sắc và dục, yêu và hận, nghĩa là không thể tách khỏi sắc tình lục dục ở trong đó. Còn cái tình của người đạo sĩ lại là sự giao cảm tâm linh, tâm hồn hòa hợp, là một trạng thái của tinh thần.

Thử hỏi, trong biết bao chuyện tình nơi nhân thế, có bao nhiêu mối tình vẫn gìn giữ được sự sáng trong, thuần khiết, vẹn nguyên cho đến tận giây phút cuối cùng ? Mối tình ấy, vì quá trong trắng và thuần khiết, nên mới có thể siêu xuất khỏi cảnh giới của người thường. Cho nên, dẫu vẫn là tình, nhưng lại có thể hòa hợp với Thiền và tiến gần hơn tới Đạo.

Cuối cùng tôi cũng hiểu, vì sao khúc tình ca ấy lại có thể được viết trên nền nhạc của “Vân Thủy thiền Tâm”. Đó là bởi, chỉ cái tình thuần khiết mới có thể tiến gần hơn tới Thiền và Đạo. Cũng giống như những người tu luyện giữa đời thường, vẫn phải thành gia lập thất, lăn lội giữa dòng đời trong đục, đối mặt với đủ mọi cám dỗ của tình sắc chốn thế gian, mà vẫn giữ được tâm mình trọn vẹn trong Đạo.

Cuối cùng, mời bạn và tôi, chúng ta hãy cùng để tâm mình lắng lại qua nhạc khúc “Vân Thủy thiền Tâm”.

HÃY CỨ YÊU BẰNG TRÁI TIM THUẦN KHIẾT, GỬI TÌNH VÀO MÂY NƯỚC LÒNG THIỀN.

Hết lòng là thành

(Thích Thái Hòa|Thư viện cổ pháp)



Bạn làm gì mà hết lòng là thành. Sự thành tựu phước đức ngay ở nơi sự hết lòng của bạn, khi bạn nói hay bạn làm bất cứ một công việc gì.

Cũng vậy, sự thất bại của bạn trên đường đời, không phải chúng xảy ra cho bạn nơi kết quả mà chính ngay nơi nguyên nhân. Nguyên nhân của sự thành công là tấm lòng thành nơi bạn đối với công việc hay đối với cuộc đời. Và sự thất bại nơi công việc hay nơi cuộc đời xảy ra cho bạn là ngay nơi tấm lòng không thành khẩn hay thiếu thành khẩn của bạn.

Vậy, khi nói với ai, bạn hãy nói hết lòng, còn nghe hay không nghe là quyền của người nghe mà không phải là quyền của bạn. Khi làm công việc gì bạn hãy làm hết lòng, thành hay không thành còn tùy thuộc vào nhân duyên của công việc, chứ không phải chỉ có tùy thuộc vào bạn. Và dù công việc có thành trong hiện tại mà thất bại trong tương lai, hay thất bại trong hiện tại mà thành tựu trong tương lai, thì bạn cũng đã thành tựu rồi đấy. Bạn thành tựu ngay nơi tấm lòng của bạn đối với công việc hay đối với cuộc đời, chứ không phải là nơi công việc hay thời gian đâu nhé.

Bạn biết không, công việc thì tùy thuộc vào nhiều yếu tố mới thành, còn thời gian thì biến diệt, vô thường trong từng khoảnh khắc. Vậy, trong cái tùy thuộc và biến diệt vô thường ấy, bạn thành công với cái gì nơi ấy ?

Vậy, bạn hãy đem hết lòng thành để sống với cuộc đời, còn cuộc đời như thế nào, đó là chuyện của cuộc đời mà không phải là chuyện của bạn, bạn có biết không !

Cảm ơn

(Vô Thường)



Cảm ơn tia nắng sớm
Cho ta một hừng đông
Cảm ơn em mắt biếc
Cho ta lời thơ trong
Cảm ơn đời cay đắng
Cho ta hiểu ngọt bùi
Cảm ơn bùn thầm lặng
Cho sen hồng tinh khôi
Cảm ơn nhau khác biệt
Cho cuộc sống muôn màu

Chỉ cần có tấm lòng
Ta - sợ gì nữa đâu !

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|39|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Như kẻ nông phu cất giữ cẩn thận từng hạt giống. Như khách qua sông tìm cách bảo vệ con thuyền. Như kẻ lữ hành chăm lo cho chú ngựa. Như người bệnh trân trọng từng cây cỏ thuốc. Như kẻ đứng giữa mùa đông gìn giữ ngọn lửa ấm cho mình”.

… kẻ trí gìn giữ tâm từ của mình cũng như vậy.

Với người nông phu, trong hạt giống có vạt mạ non thơm thơm rất hiền, có cánh đồng trĩu hạt, có mùa gặt tất bật tiếng cười, có bữa cơm lúa mới đầu mùa quây quần đầm ấm. Hạt giống mang đến những ngày mai no đủ.

Với người trí, trong tâm từ có những buổi sớm mai bình yên, có nụ cười rất ấm nhìn cuộc đời gió bụi, có đôi chân đủ bình thản đi mãi về phía cuộc đời, có vết thương lành lại, có nỗi buồn phai đi. Tâm từ mang đến những ngày mai bình yên.

Với người khách qua sông, chiếc thuyền là mạng sống, đưa họ vượt qua dòng nước sâu.

Với người trí, tâm từ giúp họ bình yên đi qua hết những nông sâu trong nhân gian, có sóng, có gió, có những bất trắc ẩn sau ánh mắt, lời nói, tiếng cười nơi đường trần gió bụi, nhưng khi còn giữ được tâm từ, kẻ đó vẫn sẽ luôn bình yên.

Với những lữ khách, chú ngựa là người bạn đồng hành tốt, giúp họ không lạc đường. Với kẻ trí, tâm từ là tri kỷ, cho họ một nơi để tựa vào đi tiếp sau mỗi vết thương chí mạng từ cuộc sống. Chỉ khi nào có tâm từ làm bạn đồng hành, mới có thể đi qua hết những ngày buồn. Chỉ khi nào có tâm từ làm bạn đồng hành, mới có thể bình yên.

Ai cũng từng ngã bệnh bởi gió mưa ngoài kia, bởi giá lạnh của lòng người, và bởi chính sân si hẹp hòi trong lòng mình. Có bao giờ người nghĩ tâm từ là một thuốc hay ? Rồi sẽ có ngày, một người dù hôm qua từng động niệm sân si đến đâu, cũng sẽ tự biết cách gìn giữ tâm từ trong lòng mình, như cách một người đứng giữa mùa đông gìn giữ cẩn thận ngọn lửa ấm.

Người có bao giờ thấy lòng mình lạnh, thấy cuộc đời ngoài kia cũng lạnh, như đang đứng giữa một ngày lạnh nhất của mùa đông ?

Tâm từ luôn ấm như ngọn lửa.

Người ngày mới an.



Tiếng rú của con voi chúa

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương LXXIV, Thích Nhất Hạnh



Các đại đức Sariputta và Moggallana đã trở về Trúc Lâm sau hơn một tháng cư trú tại Gayasisa với đại đức Devadatta và giáo đoàn mới. Tất cả các vị khất sĩ khác trong tu viện đều mừng rỡ khi thấy hai vị trở về. Họ hỏi thăm hai vị rối rít về tình hình ở Gayasisa. Hai vị chỉ mỉm cười mà không trả lời.

Mấy hôm sau, các vị khất sĩ trong giáo đoàn của đại đức Devadatta theo gót hai đại đức Sariputta và Moggallana trở về Trúc Lâm rất đông. Đã có tới trên ba trăm vị bỏ trung tâm Gayasisa để trở về với Bụt. Các vị khất sĩ thường trú tại tu viện vui mừng khôn xiết. Họ tổ chức đón tiếp các vị từ Gayasisa về một cách nồng hậu.

Bốn hôm sau, đại đức Sariputta kiểm điểm lại số lượng các vị khất sĩ đã từ Gayasisa trở về với Bụt. Đại đức đếm được ba trăm tám mươi lăm người. Cùng với Moggallana, đại đức Sariputta hướng dẫn ngót bốn trăm vị khất sĩ này lên núi Linh Thứu.

Đứng trên sân tịnh xá, Bụt đã trông thấy đoàn khất sĩ do hai vị đệ tử lớn của Bụt hướng dẫn đang leo dần các bậc đá để lên núi. Khi đoàn này leo tới nơi, đại chúng thường trú trên núi Linh Thứu vui mừng khôn xiết. Họ xúm lại để hỏi thăm. Trong khi đó hai đại đức Sariputta tiến về phía tịnh thất của Bụt. Hai vị đảnh lễ Bụt và được Bụt mời ngồi. Đại đức Sariputta mỉm cười:

- Lạy Bụt, chúng con đã đem về được cho giáo đoàn gần bốn trăm vị khất sĩ đi lạc.

Bụt hỏi:

- Các thầy giỏi lắm. Các thầy đã làm thế nào để mở mắt cho họ ?

Đại đức Moggallana nói:

❝Bạch Thế Tôn, khi chúng con đến thì sư huynh Devadatta đã thọ trai xong và đang sửa soạn thuyết pháp. Devadatta bắt chước làm hệt như Thế Tôn. Thấy chúng con đến, Devadatta tỏ ý mừng rỡ. Devadatta gọi sư huynh con tới và mời sư huynh con ngồi chung trên pháp tọa. Sư huynh con từ chối, và chỉ ngồi xuống một bên, con ngồi phía bên kia. Devadatta nói với các vị khất sĩ:

“Hôm nay, có các đại đức Sariputta và Moggallana đến với chúng ta. Đây là một tin vui rất lớn. Đại đức Sariputta đã từng là một người bạn rất thân của ta. Nhân có mặt đại đức ở đây, xin mời đại đức phụ trách nói buổi pháp thoại hôm nay”.

Nói xong, Devadatta hướng về phía sư huynh con và chắp tay mời. Sư huynh con nhận lời, và bắt đầu thuyết pháp. Sư huynh nói về bốn sự thật mầu nhiệm. Sư huynh thuyết pháp thật hay, khiến mọi người đều nghe một cách chăm chú. Con để ý thì thấy Devadatta lim dim ngủ, có lẽ vì lo nhiều việc cho nên Devadatta mỏi mệt. Nửa phần sau của pháp thoại, anh ta ngủ khì.

Chúng con ở lại Gayasisa hơn một tháng và tham dự vào tất cả những hoạt động của giáo đoàn bên đó. Cứ ba hôm một lần sư huynh con lại thuyết pháp và giảng dạy cho các vị khất sĩ. Sư huynh con dạy dỗ họ một cách tận tình. Có lần con thấy Kokalika, người phụ tá số một của Devadatta, thì thào to nhỏ với Devadatta, dường như có ý khuyên Devadatta đừng tin ở chúng con, nhưng hình như Devadatta không đồng ý. Devadatta rất thích khi thấy có người phụ trách dạy dỗ các vị khất sĩ thay cho mình, nhất là khi người ấy là một người xuất sắc như sư huynh con.

Một hôm, sau buổi thuyết pháp về Tứ Niệm Xứ, sư huynh con nói với đại chúng như sau:

“Các huynh đệ, chiều hôm nay tôi và sư đệ tôi sẽ từ giã các huynh đệ. Chúng tôi sẽ về với Bụt và với giáo đoàn khất sĩ do đức Thế Tôn lãnh đạo. Thưa các huynh đệ, chúng ta chỉ có một bậc chánh biến tri giác trên đời mà thôi, người ấy là sa môn Gotama, Bụt là người sáng lập ra giáo đoàn khất sĩ, là nguồn gốc của tất cả chúng ta. Tôi tin rằng nếu các huynh đệ trở về, các huynh đệ sẽ được đức Thế Tôn mở rộng tầm tay mà đón vào lòng Người như cũ. Thưa các huynh đệ, không có điều gì làm đau nhức bằng việc giáo đoàn bị chia rẽ. Một đời tôi, tôi chỉ thấy Bụt là bậc đạo sư chính đáng cho tất cả chúng ta. Hai anh em tôi xin chào các huynh đệ. Nếu các huynh đệ muốn trở về với Bụt, thì các huynh đệ tìm về tu viện Trúc Lâm. Chúng tôi sẽ chờ quý vị ở đấy, và sẽ đưa quý vị lên núi Linh Thứu để gặp Bụt”.

Thế Tôn, hôm ấy Devadatta có công việc phải về kinh đô. Kokalika đứng dậy phản đối, nhưng chúng con làm lơ đi như không nghe gì. Chúng con im lặng ôm y bát rời núi Tượng Đầu và đi về tu viện Trúc Lâm. Chúng con ở đó được năm hôm thì có tất cả ba trăm tám mươi lăm vị từ Gayasisa tìm về.❞


Đại đức Sariputta bạch:

- Thế Tôn, ba trăm tám mươi lăm vị này có cần phải làm lễ xuất gia thọ đại giới lại hay không ? Nếu cần, con sẽ làm lễ cho họ trước khi đưa họ lên làm lễ Thế Tôn.

Bụt nói:

- Thôi, Sariputta, đừng bắt họ làm lễ xuất gia và thọ đại giới trở lại. Cho họ làm lễ phát lộ sám hối trước đại chúng là đủ.

Hai đại đức cúi đầu làm lễ Bụt rồi rút lui. Trong những ngày kế tiếp, có thêm ba mươi lăm vị khất sĩ nữa từ Gayasisa trở về với Bụt. Đại đức Sariputta cũng cho họ làm lễ phát lộ sám hối rồi cho họ lên trình diện Bụt. Số các vị khất sĩ trở về với giáo đoàn đã lên tới bốn trăm mười vị. Đại đức Ananda có đến nói chuyện với ba mươi lăm vị khất sĩ vừa mới từ Gayasisa trở về. Đại đức hỏi về tình hình bên đó. Các thầy cho biết là khi từ Rajagaha trở về, thấy gần bốn trăm đồ chúng đã bỏ đi về với Bụt, đại đức Devadatta giận tím mặt. Đại đức không nói gì hết trong nhiều ngày liên tiếp. Ananda hỏi:

- Các sư huynh Sariputta và Moggallana đã nói gì với các huynh đệ mà các huynh đệ bỏ Devadatta về với Bụt đông như thế ?

Một thầy đáp:

- Các sư huynh có nói gì đâu. Các sư huynh không hề động tới đại đức Devadatta, không hề thốt ra một lời nào để nói xấu giáo đoàn bên ấy. Các sư huynh chỉ thuyết pháp và dạy dỗ anh em chúng tôi hết lòng mà thôi. Phần lớn anh em chỉ mới có hai, ba hoặc năm tuổi tu là cùng, thành ra anh em còn non yếu lắm. Nghe sư huynh Sariputta thuyết pháp, được sư huynh Moggallana dạy dỗ, anh em mới thấy rằng giáo pháp của Bụt cao siêu mầu nhiệm vô cùng. Đệ tử của Bụt như hai sư huynh mà đạo đức còn cao viễn và học thức còn thâm uyên như thế, huống gì là Bụt. Đại đức Devadatta nói thì hay lắm nhưng làm thì không được bằng hai sư huynh đâu. Vì vậy khi hai sư huynh đi rồi, anh em bàn luận với nhau và quyết định trở về với Bụt.

- Thế còn đại đức Kokalika ?

- Đại đức Kokalika thấy anh em bỏ đi lấy làm tức giận lắm. Đại đức lên tiếng nguyền rủa hai sư huynh thậm tệ. Nhưng điều này chỉ làm cho anh em chán đại đức thêm và ý định quay về với Bụt lại mạnh mẽ hơn lên.

Một buổi chiều trong khi Bụt đang đứng trên sườn núi ngắm cảnh trời chiều, thì bỗng có tiếng một vị khất sĩ la hoảng lên:

- Thế Tôn, coi chừng ! Có đá lăn xuống phía sau lưng !

Bụt ngoảnh lui nhìn. Một tảng đá lớn bằng một chiếc xe bò đang từ trên đỉnh núi lăn xuống hướng về phía Người. Tảng đá lăn xuống với một tốc độ kinh khiếp. Bụt bước mấy bước tránh sang phía bên. Chỗ Người đứng toàn là những mô đá nên sự di chuyển rất khó khăn, nếu không có đủ thì giờ. May quá, tảng đá lăn xuống gần tới chỗ Bụt đứng thì bị hai tảng đá nhỏ chụm nhau chận lại, nhưng sự va chạm giữa ba tấm đá làm văng ra một mảnh đá nhọn. Mảnh đá nhọn bay trúng vào chân trái của Bụt và làm Bụt bị thương nơi ngón chân. Máu chảy thấm ướt chéo áo cà sa của Người. Nhìn lên, Bụt thấy bóng một người đang tìm cách chạy trốn.

Vết thương nơi bắp chân làm Bụt đau lắm, người lấy áo sanghati xếp lại làm tư, trải xuống đất, nằm nghiêng về bên mặt theo tư thế sư tử tọa, chân bị thương đặt lên chân không bị thương, và theo dõi hơi thở để làm dịu xuống sự đau đớn. Nhiều vị khất sĩ chạy đến bên Bụt, một người nói:

- Đây chắc là Devadatta chớ không còn ai khác nữa !

Một người khác:

- Các huynh đệ phải chia nhau ra giữ bốn phía núi để bảo vệ cho Thế Tôn, mau đi.

- Các thầy đừng la ó, đừng làm ồn ào. Không việc gì phải la ó, và làm ồn ào. Như Lai không cần người canh giữ, Như Lai không cần người bảo vệ. Tất cả các vị hãy trở về liêu xá của mình đi. Ananda, thầy hãy nhờ chú sa di Cunda đi mời y sĩ Jivaka.

Mọi người làm theo lời Bụt dạy. Chỉ trong vài hôm, tin Bụt bị mưu sát hai lần được truyền đi khắp thủ đô. Quần chúng ngẩn ngơ và kinh hoàng. Quần chúng đang xôn xao thì đùng một cái có tin thượng hoàng Bimbisara băng hà. Không biết vì kẽ hở nào mà dân chúng khắp nơi biết được rằng thượng hoàng đã băng trong ngục thất. Một niềm xót thương dâng lên trong lòng người. Ai nấy đều nhìn về núi Linh Thứu như là biểu tượng của một sự đối kháng đạo đức. Càng thương xót thượng hoàng bao nhiêu thì thiên hạ càng mến phục Bụt bấy nhiêu. Bụt tuy không nói gì, nhưng Người đã nói thay được tiếng nói của lòng người.

Thượng hoàng Bimbisara thọ sáu mươi bảy tuổi, thượng hoàng nhỏ hơn Bụt năm tuổi. Năm quy y làm đệ tử Bụt, thượng hoàng mới có ba mươi mốt. Lên ngôi từ năm mười lăm tuổi, thượng hoàng đã trị vì trong năm mươi hai năm. Chính thượng hoàng đã xây dựng lại kinh đô Vương Xá mới, sau khi kinh đô cũ bị hỏa hoạn tàn phá. Trong năm mươi hai năm, đất nước Magadha luôn luôn được hòa bình, chỉ trừ có một lần lâm chiến với vương quốc Anga. Trong cuộc chiến tranh đó quốc vương Brahmadatta của xứ Anga đã thua trận, và xứ Anga đã trở nên nội thuộc vương quốc Magadha. Khi quốc vương Taxila Pukkusati lên cầm quyền ở Anga, quốc vương Bimbisara đã thiết lập liên lạc thân hữu với vua này và đã đưa vua này đến với đạo Bụt.

Để có hòa bình lâu dài với các nước, quốc vương Bimbisara đã thiết lập liên hệ thân tộc với các hoàng gia. Vua cưới công chúa Kosaladevi em ruột của quốc vương Pasenadi và lập làm chánh hậu, hiệu Videhi. Vua cũng có thứ hậu từ các hoàng tộc Madra và Licchavi. Chị ruột của vua cũng đã được gả cho quốc vương Kosala làm thứ hậu.

Vua Bimbisara từng tỏ lòng thương kính Bụt bằng cách xây một chiếc tháp đựng tóc và móng tay của Người ngay trong vườn Ngự Uyển. Vua thường nhắc các cung nhân đốt hương trầm và thắp đèn nến quanh tháp để cúng dường và để tỏ lòng biết ơn giáo hóa của Bụt. Vua lại giao cho cung nhân Srimatri trách vụ chăm sóc, quét dọn tháp và vun bón hoa cỏ quanh tháp.

Một hôm nọ, trong khi Bụt và một số các thầy đi khất thực trên con đường quen thuộc dẫn về thủ đô, đại đức Ananda nhác thấy bóng một con voi lớn từ chuồng voi hoàng gia xổng ra và đang chạy về phía mình. Đại đức hoảng kinh. Con voi này ai cũng đã nghe tiếng. Đó là con voi dữ nhất trong vương quốc. Nó tên là Nalagira. Tại sao người ta lại để cho Nalagira xổng chuồng ra như thế ? Vừa lúc đó những người đi đường cũng đã nhận ra sự nguy hiểm. Họ hô hoán lên và cùng nhau chạy núp ở hai bên vệ đường. Dân chúng hai bên đường phố đều đã trông thấy con voi Nalagira. Con voi đưa vòi lên cao, đuôi và hai tai thẳng đứng dậy, nó nhắm phía Bụt và các vị khất sĩ mà chạy tới.

Thấy tình trạng nguy hiểm quá, Ananda vội nắm tay Bụt và đẩy Người về phía vệ đường, nhưng Bụt không theo Ananda, Người đứng yên tại chỗ, một số các vị khất sĩ núp sau lưng Bụt, một số khác chạy tứ tán tìm chỗ núp hai bên vệ đường. Dân chúng hai bên đường phố la hoảng lên. Mọi người nín thở, Ananda vừa bước lên định đứng chận trước mặt Bụt thì bỗng nghe Bụt hú lên một tiếng lớn và dài. Tiếng rú vọng lên, nghiêm trang và oai vệ. Đây là tiếng hú của con voi chúa trong rừng Rakkhita ở Parileyyaka. Bụt đã an cư một mình trong rừng này, và trong thời gian ấy Người đã học được tiếng hú của con voi chúa thường đem bầy voi con tới uống nước bên bờ suối.

Voi Nalagiri đã xông tới chỉ còn cách Bụt chừng mươi bước. Nghe tiếng hú vang dội, nó tự nhiên khựng lại. Lập tức nó khuỵu hai chân trước xuống, rồi khuỵu luôn hai chân sau, vòi nó hạ thấp xuống sát đất. Hai tai nó cụp xuống, đuôi nó cũng vậy. Bụt tiến tới, Người đưa tay phải sờ lên đầu voi với tất cả thương mến. Người ra hiệu cho voi đứng dậy, rồi Người nắm lấy vòi của voi, dẫn nó đi trở về nơi xuất phát của nó. Con voi ngoan ngoãn đi theo Người.

Tiếng hoan hô của dân chúng hai bên đường nổi lên vang dậy. Thầy Ananda mỉm cười. Thầy nhớ lại Bụt hồi còn trẻ tuổi, không một môn thể thao nào mà Siddhatta không giỏi, từ bắn cung, cử tạ, đánh kiếm cho đến đua ngựa, cưỡi voi. Bụt đã đối xử với voi Nalagira như đối xử với một con người hay một con vật đã từng quen thuộc lắm với Người. Đoàn khất sĩ và hàng trăm dân chúng đi theo Bụt và con voi. Khi vào tới chuồng voi, Người nhìn vị quản voi với đôi mắt nghiêm nghị, rồi với giọng từ bi, Người bảo:

- Ai ra lệnh thả voi này ra, Như Lai không cần biết, nhưng quý vị nên biết rằng thả voi Nalagira ra giữa đường phố là một điều hết sức nguy hiểm. Voi này một khi được thả ra có thể làm cho hàng chục hay hàng trăm người mất mạng. Từ nay về sau quý vị không được làm như vậy nữa.

Vị quản tượng và viên giám đốc chuồng voi lạy xuống để chịu tội. Bụt đỡ họ lên, và cùng các vị khất sĩ rời khỏi chuồng voi. Người tiếp tục cuộc khất thực đang bị bỏ dở nửa chừng.

Đã đến ngày làm lễ trà tỳ thượng hoàng, Bụt tự thân hành tới dự lễ, và bảo tất cả các vị khất sĩ trong giáo đoàn cùng đi. Lễ trà tỳ được tổ chức rất long trọng. Quần chúng tiếc thương vị vua đạo đức của họ đã đến tham dự rất đông đảo, vòng trong vòng ngoài chật ních. Riêng các vị khất sĩ trong xứ có mặt hôm đó cũng đã trên bốn ngàn người.

Trên đường dự lễ về, Bụt ghé lại vườn xoài của y sĩ Jivaka nghỉ một đêm trước khi lên núi. Y sĩ cho Bụt biết là cả tháng nay thái hậu Videhi bị cấm không được vào thăm thượng hoàng. Thượng hoàng đã lìa đời trong nhà giam, bên cạnh không có một người thân thích. Người đã xoay đầu về núi Linh Thứu để thở hơi thở cuối cùng.

Một hôm y sĩ Jivaka lên núi Thứu và tiến dẫn lên Bụt một người của hoàng gia muốn được đi xuất gia. Đó là hoàng đệ Abhayarajakumara, con của vua Bimbisara và của thứ hậu Padumavati, thái tử Abhayaraja bạch với Bụt là sau cái chết của thượng hoàng Bimbisara, thái tử không còn tha thiết gì nữa đến nếp sống phù hoa danh lợi. Đã từng được nghe Bụt thuyết pháp nhiều lần, thái tử rất hâm mộ đạo lý giải thoát và ước mong được sống nếp sống thảnh thơi và vô ưu của người khất sĩ. Bụt chấp nhận lời thỉnh cầu của Abbhayaraja và cho thái tử được xuất gia.

Pháp ngữ (46)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Chúng sinh nghĩa là do chúng duyên hòa hợp mà sinh ra. Chúng sinh không phải chỉ có loài người mà còn bao gồm tất cả loài có sinh mệnh.

By the chapter you walk in

• • •

Do not judge my story by the chapter you walked in on.

╰▶ Đừng đánh giá câu chuyện của tôi theo chương bạn đã đi vào.



Thường nhắc bên lòng

(Từ Tuệ)



• Đôi khi hôm nay là việc lớn, ngày mai nhìn lại chẳng có gì đáng kể. Năm nay quan trọng, sang năm sẽ trở thành thứ yếu. Chuyện vĩ đại đời này, đời sau người ta gọi là truyền thuyết.

• Trên đời, có một số việc không phải không để tâm, mà để tâm cũng không làm được gì hơn.

• Đừng mong cầu mọi người đối xử với mình đặc biệt, cũng chẳng nên hy vọng họ sẽ bớt đi những toan tính.

• Giữa người với người, có thể gần, cũng có thể xa. Giữa việc với việc, có thể phức tạp, cũng có thể giản đơn. Giữa tình cảm với nhau, có thể sâu, cũng có thể cạn.

• Cuộc sống có người nói ít làm nhiều, cũng sẽ có kẻ chỉ biết hoa chân múa tay. Bạn không nên quá bận lòng, chỉ cần quản tốt việc của bản thân, còn lại mọi việc hãy thuận theo nhân duyên.

• Có một số việc, vừa phân trần trắng đen đã trở thành quá khứ. Có một số người, giận hờn vài ngày đã trở thành dĩ vãng. Có những nỗi đau, vừa cười lên đã tan thành bọt nước. Có những hoàn cảnh, nhờ chịu chút thương đau mà trở nên kiên cường.

• Đức Phật từng nói: với người không có duyên, dù bạn nói bao nhiêu lời cũng là thừa, còn như đã hữu duyên thì chỉ cần xuất hiện, bạn cũng có thể đánh thức mọi giác quan của họ.

• Cuộc sống không có “nếu như” hay “giá như”, chỉ có “hậu quả” và “kết quả”.

• Đón nhận đời mình như thế nào là do bản thân lựa chọn, người khác không thể quyết định thay.

• Chúng ta, nhiều nhất cũng chỉ là câu chuyện của một người. Vì thế trong cuộc sống hay công việc, nếu gặp chuyện không vừa ý, hãy nói với bản thân: “hôm nay sẽ qua đi, ngày mai rồi cũng đến, hãy buông bỏ tất cả để bắt đầu ngày mới !”. Trưởng thành rồi, bạn sẽ biết cách lấy nụ cười đối diện với tất cả.

TÂM NIỆM: chỉ cần luôn làm tốt những việc của bản thân:

- Làm những việc cần làm

- Nuôi dưỡng lòng chân thành

- Khoan dung với mọi người

- Nghiêm khắc với bản thân

- Giữ gìn sự lương thiện

- Đi con đường chánh hạnh

- Từng ngày Sống trong tâm niệm Biết Ơn

Mọi việc còn lại, thuận theo “nhân duyên” vận hành.

Hai viên sỏi

(Sưu tầm)



Ngày xưa, có một nông dân nghèo nợ lão phú hộ một số tiền rất lớn. Lão ta hứa tha nợ nếu người nông dân gả con gái cho lão.

Lão phú hộ đưa điều kiện, yêu cầu cô gái bốc một trong hai viên sỏi trong túi kín. Nếu viên sỏi trắng thì bình an, nếu viên sỏi đen sẽ phải làm vợ lão …

Cô gái nhận lời. Lão phú hộ lượm hai viên sỏi bỏ vào túi. Khi lão lượm hai viên sỏi, cô gái quan sát rất kỹ. Cô nhận ra lão phú hộ quỷ quyệt đã bỏ vào hai viên sỏi đen. Nhưng cô im lặng không nói gì cả. Khi lão đề nghị cô bốc một trong hai viên sỏi, cô nhìn dưới đất thấy có vô số viên sỏi cũng cỡ với hai viên trong túi.

Cưới lão hay để cha đi tù, cô đều không muốn. Lật tẩy âm mưu có nguy cơ lão trả thù cách khác. Cô chậm rãi thọc tay vào túi, chọn một viên sỏi rồi giả vờ làm rơi xuống vệ đường, lẫn lộn với vô số viên sỏi dưới đất. Cô la lên:

- Trời, tôi vụng về quá, viên sỏi của tôi bị rơi rồi. Nhưng không sao, tôi sẽ bốc viên còn lại trong túi, ta sẽ biết ngay viên đã bị rơi màu gì.

Dĩ nhiên, chắc chắn rồi, viên trong bao là màu đen. Mọi người công nhận viên trước cô đã bốc là màu trắng. Còn lão phú hộ, làm sao dám khẳng định cả hai viên là đen. Cô gái thông minh biến đổi tình thế xem ra không còn lối thoát. Nợ của cha được tha. Còn cô không bị thiệt hại gì. Lão phú hộ có tức đến mấy cũng ngấm ngầm khâm phục cô gái …

Sống - Chết

(Thích nữ Trí Hải)

Sống trong hơi thở vào
Chết cùng với hơi ra
Ngày đêm liên tục chuyển
Kiếp số như hằng sa

Hít vào, ta còn đó
Thở ra, đã hết ta
Ta hòa cùng với gió
Thành vũ trụ bao la

Ta như làn sóng nhỏ
Giữa đại dương cuộc đời
Sóng có khi còn mất
Biển cả không đầy với