V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Vạn sự do tâm

- Randy



Đừng buồn lòng tôi ơi
ra đời là bể khổ
cổ kim thời đâu khác
thuở nào chẳng chông gai

Đời nặng trĩu quanh co
ta đi tìm lối mộng
có hương đời thơm ngát
giận gì những chua cay

Giọt đắng cùng chia nhau
trời lạnh chung sưởi ấm
tình nồng xin giữ mãi
lá vàng tình vẫn xanh

Đường trần chẳng như mơ
lẽ thường lòng tan vỡ
biết thương và tha thứ
đừng lừa dối nhau chi

Vạn sự bởi do tâm
tâm lành đời bớt khổ
biết quay đầu nhớ bến
ngừng lừa dối nhau thôi

Chân tình đã cho đi, chẳng nên yêu cầu người phải đáp lại

- Chay Mộc



❝ ...

- Con à !

- Dạ !

Người đến, cứ chân tình mà đón tiếp, đó là việc của ta. Còn hành xử sao là việc của người, chẳng nên đòi hỏi. Thứ vốn không thuộc về mình, có được cũng chẳng tròn vẹn.

Có những người đã muốn đi, nên buông tay.

Có những người còn phân vân, nên dành thời gian cho họ lựa chọn.

Có những người không thực lòng thực dạ, hãy để họ thoải mái lựa chọn đường lui.

Người với người, quan trọng nhất chẳng phải chân tình dành cho nhau, mà chân tình dành cho mình. Có yêu thương được mình, biết lo lắng tự chăm sóc cho mình, mới có thể lo chu toàn cho kẻ khác. Bằng không là ta chỉ đang cố gắng tốt với người mà hại mình, đó là giả tạo. Ta nghĩ ta hi sinh cho mọi người, ta thật thánh thiện, còn kẻ khác thật là vô lương tâm và xấu xa. Đến một ngày quá mỏi mệt và tàn tạ, lúc đấy ta chẳng thể hi sinh cho họ nữa, ta sẽ đổ lên đầu họ những đau thương uất ức mà ta cố gắng đè nén. Đó là việc không thể khác.

Vậy nên tốt với người, đừng mang hi vọng rằng họ phải tốt với mình. Lựa chọn tin một người, đừng bắt họ phải sống theo cách mình tin họ là thế. Cuộc sống vận động không ngừng, chính mình còn thay đổi, đừng oán trách người khác đổi thay. Việc oán trách chỉ mang lại phiền muộn và đau thương cho chính mình mà thôi. Sống tử tế hay không là lựa chọn của mình. Còn việc họ có tử tế với mình hay không là việc của họ. Con có thể không tin con người, nhưng hãy tin vào luật nhân quả. Đó là quy luật vận hành của vụ trụ. Giống như khi con gieo một cây táo, dù muốn hay không nó cũng sẽ mọc lên một cây táo mà thôi. Hãy cứ sống thiện lành theo cách của con, sớm hay muộn, thiện lành cũng về với con, đó là việc không thể khác …

Yêu và thương con nhiều, nghe con !

( Chay Mộc )


...❞

Danh ngôn (115)

- Cảnh Hành Lục



Tích lũy tài sản cho nhiều không bằng dạy dỗ con cái. Tránh né tai họa giỏi không bằng tự xét điều sai quấy của mình.

Trần gian in bóng Phật ngồi

- Thích Tánh Tuệ

Phật ngồi bóng đổ nghìn năm
Ta “vui cái khổ” luân trầm vạn niên
Phật ngồi siêu thoát, trạm nhiên
Ta đi … du lịch sáu miền khổ đau

Phật ngồi in bóng thiên thâu
Ta ngồi mắc kẹt trên cầu tử sinh
Phật ngồi không nói lặng thinh
Ta mê sảng thuyết … mà tim mịt mùng

Phật ngồi dáng đẹp lạ lùng
Uy hùng ... mà lại vô cùng đơn sơ
Ta ngồi bộ dạng bơ phờ
Vì chưng sóng cuốn đôi bờ ... tả tơi

Thôi, nay bắt chước Phật ngồi
Vỡ Tam Giới mộng cho đời tự do
Vô Sinh nở đóa thơm tho
Ý a ... cõi Phật nơi mô cũng là



Những chân lý nhỏ nhoi, thời gian trôi qua ta mới hiểu được

( Tuệ Tâm biên dịch )



Rằng … có đôi khi người ta nghĩ mọi thứ quá phức tạp mà quên hết những chân lý đơn giản mà hữu ích. Có những lúc người ta cho rằng mình biết hết tất cả mọi thứ, nhưng kỳ thực còn quá nhiều điều nhỏ nhặt đã vô tình bị đưa vào quên lãng …

Cuộc sống giống như một ly trà, bất luận đầy hay vơi, nóng hay lạnh, nồng hay nhạt, cũng đều có dư vị riêng của nó. Con người cũng vậy, chẳng ai giống ai, mỗi người có một lý tưởng, một cách sống riêng, có người ôm giấc mộng giàu sang, có người mong được sống an nhàn, có người lại chỉ cần một tâm hồn thư thái … Nhưng dù là ai, đứng trước ngưỡng của tuổi già, đều sẽ có những chiêm nghiệm về cuộc đời. Trải qua những năm tháng bon chen, nhìn lại, mới thấy rằng có những chân lý rất đơn giản nhưng chúng ta lại không hiểu được. Cuộc sống có một điều kỳ diệu chính là thời gian. Thời gian sẽ mang đến cho chúng ta sự trưởng thành, có khả năng xóa đi những vết thương lòng khó phai nhất, cũng giúp cho mỗi chúng ta tĩnh lại để nhìn nhận về cuộc đời.

Khi thời gian trôi qua bạn sẽ hiểu được:

- Quá quan tâm đến người khác lại vô tình làm tổn thương chính mình. Dù bạn có quan tâm đến tự trọng của mình, nhưng trong mắt người khác nó căn bản không là gì cả.

- Người đối xử tốt với mình sẽ càng ngày càng ít. Tính cách của con người có thể khác nhau một trời một vực.

- Mỗi người cần đối tốt với chính mình, bởi người thực sự quan tâm tới bạn thực sự không có mấy người, khi gặp chuyện không nhất định sẽ có ai ở bên cạnh bạn. Cho nên cần tự mình chiếu cố mình.

- Thành tâm đối tốt với một người không nhất định sẽ nhận lại được hồi báo, mà người bạn xem thường nhất lại có thể là người coi trọng bạn nhất.

- Rất nhiều thứ chỉ có thể gặp chứ không thể cầu, rất nhiều thứ chỉ có thể gặp được một lần.

- Tình yêu không nhất định là sẽ thật lòng, bởi nó có thể liên quan đến lợi ích, có thể là tâm lý so sánh ganh đua.

- Không nên cùng người khác tranh luận, bởi vì nó không đạt được điều gì, bất kể là ai đúng ai sai.

- Khi bản thân gặp phải sự tình không vui, nhất định đừng mong chờ người khác đồng cảm, bởi có thể đại đa số người sẽ phản ứng rất lạnh lùng. Như vậy cũng khiến cho người khác xem thường bạn.

- Có rất nhiều thứ không thuộc về bạn, nếu bạn gắng sức cưỡng cầu, ắt sẽ bị ông trời khiển trách.

- Không nhất thiết phải làm tất cả mọi thứ trở nên có ý nghĩa, chỉ cần mỗi việc làm được lưu giữ trong hồi ức. Rất nhiều người đã thay đổi mà bạn không nhận ra, nhưng xin bạn hãy lưu giữ những hồi ức đó.

- Từ nay trở đi, hãy giữ chặt người bạn nên giữ, buông tay những người bạn nên buông, đừng vì nắm giữ một người không xứng đáng mà đánh mất đi một nhóm người.

- Chớ vì tâm tình bản thân không tốt mà nổi giận với người xung quanh, cũng đừng cầu mong họ cảm thông với bạn. Người khác không phải là cha mẹ của bạn, lúc này bạn sẽ hiểu rằng cha mẹ đối với mình quan trọng đến nhường nào.

- Cuộc sống sẽ phải gặp rất nhiều người hoặc việc mà bản thân không thích, nhưng thực ra nó không có quan hệ gì đến bạn. Người khác thích gì là chuyện của họ, đừng để tâm vào chỗ không đáng.

- Hiện thực vốn dĩ đều là bất đắc dĩ. Hai người ở cùng nhau mỗi ngày không nhất thiết phải là bạn bè, có khả năng chẳng là gì cả.


Cứ theo chánh pháp mà hành trì

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương XLVII, Thích Nhất Hạnh



Dưới cây sala, Người cảm thấy có nhiều an lạc và thoải mái. Đây là một khu rừng xanh tốt, có đồi, có suối, lại có hồ. Sống một mình, Bụt thấy dễ chịu hơn khi có đông đảo đệ tử. Ở Kosambi, hiện giờ nhiều vị khất sĩ đang sống trong phiền não, và phiền não lan tới cả giới đệ tử tại gia. Người cảm thấy buồn vì chính đệ tử của Người cũng không chịu nghe lời Người khuyên bảo, Người biết đó là sự buồn giận đang che mất tâm trí họ.

Trong rừng Rakkhita, Bụt gặp rất nhiều loài thú vật. Có cả một đàn voi nữa. Con voi mẹ vốn là một con voi chúa thường hay đem những con voi khác và đàn voi con xuống tắm dưới hồ. Nó dạy cho những con voi con uống nước, ăn cỏ và ăn những cây bông súng. Bụt nhìn con voi mẹ dạy đàn voi con ăn những cây bông súng, nó lấy vòi nhổ một đám bông súng, khỏa những cây bông súng để rửa ở mặt nước cho bùn đất trôi đi rồi mới đưa vào miệng. Các con voi con tập một hồi rồi cũng làm được như con voi mẹ.

Mấy con voi con này rất có cảm tình với Bụt. Voi và Bụt rất thân cận và yêu mến nhau. Có khi voi mẹ hái cả trái cây để cúng dường Bụt. Bụt ưa vuốt đầu những con voi con và đưa chúng xuống bờ hồ. Con voi chúa thường dùng tiếng rống để triệu tập đàn voi và những con voi con. Tiếng rú của con voi chúa rất là oai vệ. Bụt đã học và bắt chước được tiếng rú này. Có một lần sau khi con voi chúa rú lên tiếng rú oai vệ của nó, Bụt cũng bắt chước rú lên, con voi chúa nghe tiếng rú lập tức nhìn về phía Bụt, và nó tới trước Bụt rồi quỳ hai chân trước xuống, Bụt vuốt ve và đỡ nó dậy.

Bụt ở lại an cư tại đây. Đây là mùa an cư thứ mười của Bụt sau ngày thành đạo. Đây là lần thứ hai người an cư một mình. Suốt này người ở trong rừng. Chỉ buổi sáng vào giờ khất thực Người mới rời khỏi khu rừng xanh tốt của Người để đi vào tụ lạc mà thôi. Sau mùa an cư, Bụt từ giã đàn voi và khu rừng xinh đẹp. Người đi về hướng Đông Bắc. Nửa tháng sau người về tới tu viện Cấp Cô Độc ở Savatthi. Đại đức Sariputta thấy Bụt về mừng lắm. Rahula cũng có mặt tại đó. Nhiều vị đại đệ tử cũng có mặt tại đó, các đại đức Mahamoggallana, Mahkassapa, Mahakunda, Upali, Mahakotthiya, Mahakappina, Mahakunda, Revata, và Devadatta … Các đại đức Anuruddha, Kimbila, Nandiya từ công viên Rừng Trúc ở Karagama cũng đã về tới. Ni sư Gotami cũng có mặt tại Savatthi. Thấy Bụt ai nấy đều mừng rỡ.

Bước vào tịnh xá, Bụt gặp thầy Ananda đang sắp đặt và quét dọn lại tịnh xá. Một năm và bốn tháng trời, Bụt đã vắng mặt tại đây. Thấy Bụt, đại đức Ananda mừng quá, thầy buông chổi vái chào Bụt, Bụt hỏi thăm thầy về tình trạng ở Kosambi. Thầy nói:

– Sau khi Bụt bỏ đi, một số huynh đệ đến tìm con và nói: “Này sư huynh, Thế Tôn đã bỏ đi rồi, người đi một mình, tại sao sư huynh không tìm theo Bụt để làm thị giả cho Người, nếu sư huynh không đi thì chúng tôi đi vậy”. Con trả lời: “Nếu Bụt đi mà không cho ai biết mà cũng không từ giã huynh đệ chúng ta, đó là vì Người muốn đi một mình, chúng ta không nên làm phiền Người”. Sau đó khoảng sáu tháng, một số huynh đệ lại tới nói với con: “Này sư huynh, lâu nay chúng mình không được nghe Thế Tôn dạy bảo, không được nghe giáo pháp trực tiếp từ miệng của bậc thầy nói ra. Chúng ta nên đi tìm Người”. Chúng con đã lên đường tìm Bụt nhưng không được gặp. Không ai biết Bụt ở đâu. Cuối cùng chúng con tìm về Savatthi. Về tới đây chúng con cũng không thấy Bụt. Chúng con tự bảo nên kiên nhẫn chờ Bụt tại đây. Thế nào Người cũng về. Thế nào Người cũng không bỏ các đệ tử xứng đáng của Người.

– Khi thầy rời Kosambi, tình trạng như thế nào ? Các vị khất sĩ còn cãi cọ nhau nhiều không ?

– Thế Tôn, hồi ấy tình trạng còn căng thẳng lắm. Căng thẳng hơn ngày Thế Tôn ra đi nhiều, không bên nào chịu thua bên nào. Không khí thật là khó thở. Mỗi lần đi vào thành phố khất thực là chúng con lại bị giới cư sĩ hỏi nhau về vụ tranh chấp. Chúng con nói: “Có nhiều vị khất sĩ đứng ngoài vụ tranh chấp, xin quý vị biết cho điều đó”, và đó là điều duy nhất mà chúng con có thể làm. Dần dần giới cư sĩ bắt đầu phản ứng. Họ tìm tới tu viện và nói với các vị khất sĩ trong vụ tranh chấp: “Quý thầy đã không nghe lời Bụt để cho Bụt phải buồn lòng mà bỏ đi. Quý thầy có trách nhiệm rất lớn. Giới tại gia của chúng tôi đã mất rất nhiều niềm tin. Xin quý thầy xét lại”.

Thưa Thế Tôn, ban đầu thì các thầy không chú ý tới lời cảnh cáo của giới tại gia, nhưng sau đó, giới tại gia cương quyết bảo nhau không cúng dường cho các vị có mặt trong cuộc tranh chấp. Hỏi tại sao không cúng dường tăng bảo, họ trả lời: “Quý vị không xứng đáng với Bụt, bởi vì quý vị không có sự hòa hợp. Nếu quý vị nghe lời Bụt mà hòa giải được với nhau, rồi sau đó đi tìm Bụt để sám hối, thì chúng tôi sẽ khôi phục được niềm tin. Lúc đó chúng tôi mới hành trì lại phép cúng dường với tất cả tâm thành của chúng tôi được”. Thưa Thế Tôn, giới tại gia ở Kosambi cương quyết lắm. Họ nói thì họ làm. Ngày rời Kosambi, con nghe nói là hai bên định ngày tập hợp để đi tới sự hòa giải. Con nghĩ là họ sẽ hòa giải được và sớm muộn gì họ cũng tìm về tới đây để xin sám hối với Bụt.

Bụt nói:

– Ananda, đưa chổi đây để tôi dọn dẹp tiếp cho. Thầy hãy đi kiếm đại đức Sariputta về để tôi nói chuyện.

Ananda đi rồi, Bụt lấy chổi quét tịnh xá. Người làm công việc này một cách thong thả và thoải mái. Rồi người bắc một chiếc ghế ra ngoài sân ngồi. Tu viện Cấp Cô Độc quả là một nơi đẹp đẽ. Cây cối xanh tươi và chim chóc ca hát vang lừng cả bốn mặt. Người ngồi chơi một lát thì đại đức Sariputta tới. Hai thầy trò ngồi bên nhau im lặng một hồi lâu. Rồi Bụt nói cho đại đức nghe điều người đang quan tâm. Bụt bảo: “phải làm mọi cách để những cuộc cãi cọ vô nghĩa lý đừng xảy ra ở trung tâm tu học xinh đẹp này”. Hai người bàn bạc với nhau khá lâu.

Một buổi chiều nọ, đại đức Sariputta được báo tin là các thầy ở Kosambi đang lục tục kéo về. Họ đông tới cả mấy trăm người. Họ còn ở dưới phố, chưa lên tới tu viện. Thầy đi tìm Bụt và hỏi Người:

– Thế Tôn, con nghe là các huynh đệ tử Kosambi đã về đến và sắp tới nơi rồi. Chúng con phải tiếp xử với họ như thế nào ?

– Thì cứ tiếp xử đúng chánh pháp.

– Lạy Bụt, đúng chính pháp nghĩa là sao, xin Người dạy cho.

– Thầy mà cũng còn hỏi một câu như thế sao ?

Đại đức Sariputta im lặng. Vào lúc đó, các thầy Moggallana, Kassapa, Kaccana, Kotthiya, Kappina và Anuruddha tìm tới tịnh thất của Bụt. Các thầy hỏi:

– Lạy Bụt, các huynh đệ sắp về tới, chúng con phải tiếp xử với họ như thế nào ?

– Thì các vị cứ tiếp xử đúng như chính pháp.

Các thầy đưa mắt nhìn đại đức Sariputta. Đại đức chỉ mỉm cười, Bụt nhìn những vị đệ tử lớn của Người, rồi người nói chậm rãi:

– Phải lắng tai nghe cả hai bên, phải đừng có thành kiến với bên nào hết. Những điều giới mình nghe từ một phía, mình phải trầm tĩnh xét đoán, xem cái gì đúng với chánh pháp và cái gì không đúng với chánh pháp. Chánh pháp là những gì tôi đã trình bày như là con đường đưa đến an lạc và giải thoát, những điều mà chính tôi, tôi đang làm theo. Không phải chánh pháp là những gì tôi đã khuyên răn không nên làm và chính tôi, tôi không bao giờ làm. Khi quý vị biết được cái gì là chánh và cái gì là không chánh ở mỗi bên thì quý vị có thể giúp đỡ họ trong công việc hòa giải.

Vừa lúc ấy các vị thí chủ lớn của tu viện do cư sĩ Anathapindika lãnh đạo cũng tìm tới tịnh thất. Họ hỏi:

– Thế Tôn, những vị khất sĩ ở Kosambi sắp tới, chúng con phải đối xử như thế nào ? Chúng con nên cúng dường hay không nên cúng dường ? Nếu cúng dường thì Bụt dạy nên cúng dường phía bên nào ?

Bụt mỉm cười:

– Nên cúng dường cả hai bên, và nên tỏ lòng yểm trợ và tán thành mỗi khi có người nói lên những điều đúng với chánh pháp.

Lúc đó, thầy Ananda xuất hiện. Thầy báo tin cho đại đức Sariputta biết là hiện các thầy Kosambi đã về tới cổng tu viện đầy đủ. Tất cả đang đứng chờ bên ngoài tu viện vì chưa dám đi vào. Đại đức Sariputta hướng về phía Bụt:

– Lạy Bụt, các anh em của con từ Kosambi đã tới. Con có nên mở cửa cho họ vào không ?

Bụt nói:

– Nên mở cửa cho họ vào.

Sariputta bạch tiếp:

– Rồi con sẽ giải quyết thế nào về sự cư trú của họ ?

– Cho hai phe ở riêng ra hai bên.

– Lạy Bụt, có thể là không đủ chỗ cư trú riêng cho tất cả mọi người.

– Nếu vậy thì chịu khó ở chật hơn một chút. Tuy nhiên, đừng nên để ai phải ngủ ở ngoài trời, nhất là các thầy lớn.

– Còn về thực phẩm và thuốc men ?

– Thực phẩm và thuốc men thì cũng được phân phát cúng dường đồng đều như nhau.

Theo lệnh của đại đức Sariputta, các thầy tri khách mở cửa đón tiếp các vị khất sĩ từ Kosambi tới. Các vị được chia chỗ ở và những những tiện nghi cư trú theo đúng như lời Bụt dạy. Tất cả mọi việc đều được diễn tiến trong im lặng. Sáng ngày hôm sau, tất cả các vị mới đến đều được lệnh cho đi khất thực, nhưng trước khi họ đi, thầy Sariputta đã chia họ thành từng toán và chỉ định đi từng địa phương khác nhau theo tinh thần lời Bụt dặn. Buổi chiều, các thầy ngỏ ý muốn đại đức Sariputta dàn xếp cho họ được làm lễ sám hối Bụt. Đại đức nói:

– Theo sự hiểu biết của tôi thì việc sám hối với Bụt không phải là việc căn bản. Việc căn bản là các thầy đạt được sự hòa giải. Với sự hòa giải đó như một thành quả, lễ sám hối mới có ý nghĩa và mới có bản chất chân thực.

Tối hôm ấy, vị kinh sư chủ chốt của sự bất phục tùng tìm tới vị luật sư thù nghịch. Thầy chắp tay lại và làm lễ vị này. Thầy quỳ xuống và tác bạch:

– Bạch đại đức, tôi xin công nhận là tôi đã phạm giới, và sự kết tội của đại đức vào mùa hè năm ngoái là đúng luật. Tôi sẵn sàng sám hối trước đại chúng, để được trở lại tình trạng giới thể thanh tịnh.

Vị kinh sư làm được như vậy vì thầy không thấy có một nẻo thoát nào khác cho giáo đoàn khất sĩ. Ông sẵn sàng hy sinh tự ái để đem lại hòa khí cho giáo đoàn. Biết thế, vị luật sư liền phản ứng một cách mau lẹ. Ông cũng quỳ xuống trước vị kinh sư. Ông nói:

– Tôi cũng xin sám hối với đại đức là tôi đã thiếu khiêm nhượng và thiếu khéo léo trong vụ này. Xin đại đức từ bi chứng minh cho tấm lòng thành khẩn của tôi.

Ngay buổi tối hôm đó, lễ phát độ của vị kinh sư được tổ chức, và vị kinh sư khôi phục được giới thể thanh tịnh. Ai nấy đều thở phào, nhất là các vị khất sĩ từ Kosambi đến, trong số đó có nhiều thầy chưa bao giờ có dính líu đến cuộc tranh chấp. Bụt được báo tin này vào lúc nửa đêm. Chính đại đức Sariputta đem tin này tới cho Người. Người chỉ gật đầu không nói năng gì. Cuộc tranh chấp đã chấm dứt, nhưng vết thương vẫn còn. Phải một thời gian nữa thì vết thương mới có thể lành hẳn.

Pháp ngữ (20)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Nếu tám thứ gió: khen ngợi, chê bai, đắng cay, ngọt ngào, lợi, suy, hủy nhục, vinh dự, ... làm bạn động tâm thì nền móng tu hành của bạn chưa vững chắc.

Đừng đợi, liệu ngày mai có còn không mà đợi

- Sưu tầm



- Đừng đợi phải nhìn thấy một nụ cười rồi mới mỉm cười lại.

- Đừng đợi đến khi được yêu thương rồi mới yêu thương lại.

- Đừng đợi đến khi cô đơn rồi mới thấy giá trị của tình thân ái.

- Đừng đợi một công việc thật vừa ý rồi mới bắt đầu làm việc.

- Đừng đợi đến khi có thật nhiều rồi mới chia sẻ đôi chút.

- Đừng đợi đến khi vấp ngã rồi mới nhớ lại những lời khuyên.

- Đừng đợi đến khi có nhiều thời gian rồi mới sắp xếp công việc.

- Đừng đợi đến khi người khác buồn lòng rồi mới nói lời xin lỗi.

Đừng đợi, vì bạn không biết …
… mình đợi đến bao giờ.


Đóa tâm khai

- Thích Tánh Tuệ



Người ơi, mở cánh cửa lòng
Để cho trời đất mênh mông hiện vào
Mỗi bình minh đến ngọt ngào
An lành trên mỗi tế bào thân, tâm

Ai ơi, tỉnh thức lặng thầm
Phút giây, hơn cả nghìn năm mê mờ
Nhìn đời ánh mắt trẻ thơ
Lòng không biên giới ... chạm bờ yêu thương

Hay chăng, đời đó hạt sương
Được - Thua chi cũng ... vô thường cuốn trôi
Buông đi, một lúc riêng ngồi
Ngắm vầng hồng rạng bên trời hạo nhiên
Trăm năm rộn rã ưu phiền
Biết chân hạnh phúc, bình yên tại lòng

Ai về gạn đục khơi trong
Sẽ nghe từ ái bên lòng nở hoa
Sẽ thương yêu cõi ta bà
Vòng tay ôm trọn hằng sa hữu tình
Vì rằng muôn vạn hàm linh
Chung cùng bản thể, giống mình khác chi
Khi hồn mê muội vỡ đi
Nghìn năm giọt nước trở về đại dương

Ai hay giữa chốn vô thường
Một cành sen nở miên trường thảnh thơi
Dừng chân xuôi ngược giữa đời
Lặng nghe ... tâm lượng, đất trời chẳng hai
Khi đời một đóa tâm khai
Càn khôn là giấc mộng dài chẳng qua
Ân cần chắp lại tay hoa
Ca cùng sinh tử bài ca Chân Thường

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|1|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường



“Cơn gió ngang qua, khi chạm vào vách núi, còn quay trở lại. Năm tháng ngang qua đời người, không bao giờ trở lại, sao còn cố chấp vào những chuyện đã qua mà làm khổ ngày mai của mình ?”

Có thể, hôm nay đang rất buồn. Có thể, ngày mai sẽ còn đó những âu lo. Có thể, hôm qua đã rất vui, … nhưng không ai có thể quay trở về hôm qua để trốn tránh nỗi buồn hôm nay, để né tránh âu lo ngày mai.

Để những phiền muộn lại, đặt những âu lo xuống, để đi tiếp, không phải là chuyện dễ. Quên đi những bình yên đã mất, quên đi những niềm vui đã qua, để đi tiếp, lại là chuyện khó hơn.

“Tiến nhất bộ, xả nhất bộ” - muốn bước được về phía trước một bước, nhất định, phải bỏ một bước lại phía sau. Không còn cách nào khác. Nghĩ mãi về những chuyện đã làm, nói mãi về những điều đã qua, dù tốt hay xấu, cũng là đang để chuyện đã qua nhốt lấy mình, cũng là đang không bỏ nổi một bước chân, rồi phải mất phía trước một bước chân.

Ai cũng phải bước đi, dù bước ngắn hay dài. Luôn rất khó khi quyết định từ bỏ một điều gì đó, nhưng đôi khi, đó lại là việc làm tốt nhất mà chúng ta có thể làm được cho mình.

Khi đau khổ, hãy quay về nương tựa Phật

- Nguồn: Giacngo.vn

Chúng ta thường nương tựa vào gia đình, người yêu thương, bạn bè, thân hữu, ... trong cuộc sống thế gian. Cũng không ít khi, cuộc sống buộc ta phải đi một mình, phải tự mình vượt qua qua sóng gió, chông gai và khốn khó của riêng mình. Không có sẵn nơi, không có bên mình người để nương tựa, chắc chắn con người sẽ cảm thấy cô đơn hay thậm chí là cô độc lắm. Có một con đường, giúp ta đối diện và vượt thoát sự cô đơn nhỏ bé và những đau khổ khác của mình. Đó là lựa chọn cho mình nơi để quay về, để nương vào Đức Phật, Pháp của Phật và chư Tăng - những người truyền nối và đang đi con đường của Đức Phật đã từng đi.

Nhờ ân đức của Phật, con người có thể tự bảo hộ mình trong ngũ giới, để tránh dữ làm lành, để có sự an trú ngay trong hiện tại, cả khi hiện tại nhiều đau khổ - bằng sức mạnh của chánh niệm, của sự thấu hiểu và chấp nhận các sự thật của cuộc đời mà Đức Phật đã chỉ rõ. Nếu bạn đã từng đau khổ, bạn thử hành theo lời Đức Phật, bằng sự cảm nghiệm của chính mình, bạn sẽ thấy đó là chân lý thoát khổ, có giá trị vĩnh hằng. Như Phật đã từng dạy, đừng tin Ngài mà không tự thân mình trải nghiệm để cảm nhận và xác chứng.

Có khi chúng ta đau khổ, chúng ta đến chùa để cầu nguyện, cầu xin. Lời cầu nguyện, cầu xin là biểu đạt cho sự phó thác của niềm tin tín ngưỡng cho một tôn giáo thuần túy. Đến và trao gửi những sợ hãi, bất an, đau khổ để được vui vẻ, hạnh phúc và sự an tâm. Hay có khi trao gửi cả niềm khát khao ngoài tầm với … Và vô tình, ta biến mình thành kẻ ăn mày cửa Phật. Phật không phải là người ban phước hay giáng họa cho bất kỳ ai. Chúng ta phải chấp nhận bản thân mình và những gì liên quan đến mình. Tất cả đều là sự thừa tự, là điều xảy ra vì phải xảy ra, đều bắt nguồn từ ta và giềng mối là ta. Ta tạo tác và ta gặt kết quả của sự tạo tác ấy.

Phật đã chỉ ra con đường. Nếu dũng mãnh và tinh cần đi trên con đường đó, con người sẽ được tự do, giải thoát và cải sửa chính mình để được tốt đẹp và cao quý, hướng thượng hơn. Đó là sự tự do và giải thoát đúng nghĩa khỏi những trói buộc, khổ đau khởi sinh từ tập khí tham-sân-si và từ sự trổ quả của nghiệp duyên của chính mỗi người. Bước vào mỗi ngôi chùa, tịnh xá hay tự viện, thường chúng ta sẽ nhìn thấy đảnh hương hay cái lư hương ngay trước khi vào chùa hay vào chánh điện. Và cái lư nhang này luôn có ba chân, để có thể đứng vững vàng, kiên cố. Ba đó là: giới - định - tuệ, là con đường để đi đến sự giải thoát khổ đau, đoạn tận khổ đau và để giúp mình tăng trưởng mà Đức Phật đã chỉ cho chúng ta. Ba yếu tố này có quan hệ tương sinh, hỗ tương nhau, vững vàng và kiên định, không suy suyển như sự vững chãi của chiếc kiềng ba chân.

Để đi trên con đường ấy, chúng ta phải rèn luyện và tu dưỡng bằng nỗ lực của tự thân. Và rõ ràng, đến chùa là để ta thực hành theo con đường của Đức Phật, chùa là nơi giúp cho sự thực hành của chúng ta được tăng trưởng, nhờ ân đức của Đức Phật, của Pháp bảo, của chư vị thầy tổ phạm hạnh, của những người bạn đồng tu đi trên con đường giống với ta. Cảm niệm và nương nhờ ân đức của chư Phật mười phương, của sức mạnh cao quý của những lời Phật tuyên dạy, của những vị sa-môn phạm hạnh mong cho tất cả chúng sanh đều được an lành, hạnh phúc, đều được ở trong sự bảo hộ của ý niệm lành, không có ác ý, không có ác cảm và lan tỏa yêu thương cao quý, yêu thương thuần khiết đến với mọi người, mọi loài, không phân biệt, không ngằn mé ...

Không dừng lại và cũng không vội vã

- Nguyễn Duy Nhiên



Thường thì những gì hay đẹp chúng ta lại muốn được gìn giữ mãi. Tôi nghĩ đến những bức tranh của các danh họa trong các viện bảo tàng, những tác phẩm nghệ thuật, người ta tìm mọi cách để giữ cho nó được tồn tại mãi như lúc ban đầu, không bị biến đổi theo thời gian. Mây vẫn bay, dòng sông im trôi, núi chuyển di, bốn mùa bình thản tiếp theo nhau … có một hiện tượng nào trong cuộc sống này có thể dừng lại được chăng bạn hả ? Thật ra thì áng mây kia, dòng sông kia, bình minh, hoàng hôn … chúng không dừng lại, và cũng không thể đến đi chậm hơn, hoặc trôi qua nhanh hơn là chúng đang hiện hữu. Trong thiền tập cũng vậy, chúng ta cũng chỉ có thể có mặt với những gì đang xảy ra, với một tâm rộng mở. Nếu như ta thiếu ý thức thì cuộc sống này sẽ cuốn trôi ta đi, và nếu như ta cố gắng nỗ lực để có mặt, thì ta sẽ bị chìm đắm. Thế thì chúng ta cần phải làm gì đây bạn hả ?

Thật ra, tôi nghĩ không phải ta cần làm những gì, nhưng là với một thái độ nào mà thôi. Đứng trước một sự kiện đang xảy ra, như ý hoặc bất như ý, nếu như ta có thể tiếp xúc nó với một thái độ rộng mở, thì mây bay hãy cứ bay, mưa đang rơi thì cứ rơi, bất an thì cứ là sự bất an ... tất cả chỉ là những sự vận hành theo luật tự nhiên. Và thái độ ấy sẽ giúp cho ta thấy rằng, bên sau những biến chuyển ấy, bầu trời bao la kia vẫn luôn là trong sáng.

KINH NGHIỆM THIỀN TẬP

Ông Kevin Griffin, một tác giả của các sách về thiền tập, có những chia sẻ tương tự về kinh nghiệm thiền tập của ông như sau:

❝Có nhiều lúc tôi cảm thấy mình là một thiền sinh rất tệ. Có những ngày tôi thiền tập nhưng chẳng có chút gì là chánh niệm hết. Tôi tự hỏi, không biết mình có cố gắng đủ chưa ? Tôi có lười biếng quá không ? May mắn thay, vì được dạy rằng ta cần phải biết rộng lượng và tha thứ cho những yếu kém của mình trên con đường tu học, nên tôi cũng không cảm thấy buồn nản cho lắm. Nhưng cũng có thể vì vậy mà tôi thiếu đi một sự nỗ lực chăng ? Sự thật là nhiều năm trước đây, tôi nhận thấy thật ra mình cũng không thể nào kiểm soát được những gì xảy ra trong lúc ngồi thiền - tôi chỉ có thể có mặt nơi tọa cụ của mình mà thôi. Trong thời gian đầu, tôi vất vả cố gắng để thực hành theo lời hướng dẫn - theo dõi hơi thở, khi nào tâm lo ra, buông bỏ tư tưởng ấy và trở lại với hơi thở của mình - nhưng chẳng có gì là đặc biệt xảy ra hết. Thật ra, tôi cảm thấy rất bất an trong những lúc ngồi thiền. Sau đó, tuy tôi có cảm thấy khá hơn đôi chút, nhưng nói chung thì kinh nghiệm ấy vẫn là sự khó chịu. Nhưng cuối cùng rồi thì tôi cũng vượt qua, và bắt đầu cảm nhận được một sự tĩnh lặng và sáng tỏ. Và trong suốt nhiều năm, tôi cố gắng giữ một sự quân bình trong sự thực tập của mình, “dụng công nhưng không dụng lực”. Khi nào tôi thực hiện được điều này thì mọi việc dường như đều rất trôi chảy, tôi cảm thấy mình có một sự tỉnh thức tự nhiên và buông bỏ nhẹ nhàng. Và ngược lại, những khi thất bại, tôi cảm thấy mình lạc lõng, bối rối và bị tràn ngập bởi những tư tưởng và cảm giác rằng mình hoàn toàn mất sự tự chủ. Và rồi tôi lại tự hỏi không biết phương cách thực tập này của tôi có đúng không.

VƯỢT QUA DÒNG THÁC LŨ

Gần đây, tôi có đọc được bài kinh mở đầu trong Tương Ưng Bộ (Samyutta-Nikáya). Trong bài kinh ấy có người hỏi đức Phật bằng cách nào để Ngài vượt qua được dòng nước lũ, ý nói về sự giác ngộ của Ngài. Câu trả lời của Phật thật vô cùng đơn giản:

- Này hiền giả, không đứng lại, không vội vã bước tới, ta vượt khỏi dòng nước lũ.

- Thưa Ngài, làm sao không đứng lại, không vội vã bước tới, Ngài vượt khỏi dòng nước lũ ? - Người ấy hỏi.

- Này hiền giả, khi ta đứng lại, thời ta bị chìm xuống. Khi ta vội vã, thời ta bị cuốn trôi. Do vậy, này hiền giả, không đứng lại, không vội vã bước tới, ta vượt khỏi dòng nước lũ.

Tôi nghĩ câu trả lời của đức Phật diễn tả được điều mà tôi đang cố gắng để đạt đến trong sự thực tập của chính mình. Tôi cứ tiếp tục có mặt trong sự thực tập của mình, cho dù chuyện gì xảy ra, nhưng không hề nỗ lực quá. Trong các chương trình trị liệu, tôi thấy họ có một câu châm ngôn là “chỉ từng ngày một”, tôi nghĩ câu ấy có nghĩa là, ta đừng cố gắng phải giải quyết hết mọi vấn đề trong cùng một lúc - hay là đạt giác ngộ - ta chỉ cần chăm sóc cho những gì cần thiết trong ngày hôm nay thôi. Hôm nay ta chỉ cần thiền tập theo thời gian của mình. Đừng tự trách móc hay phê phán về nó là thành công hay thất bại. Đó không phải là chuyện của mình. Chuyện của mình là có mặt và thực tập. Nếu như bạn bỏ sự thực tập vì nó không đạt đúng với “tiêu chuẩn” như ý của mình, như đức Phật dạy, bạn sẽ bị chìm xuống. Đức Dalai Lama cũng khuyên chúng ta không nên lúc nào cũng cứ xem xét và phê phán sự thực tập của mình. Ngài dạy, chúng ta chỉ nên nhìn lại sau một thời gian dài, như là năm hay mười năm, chừng ấy ta mới thật sự thấy được sự tiến triển của mình. Tôi nghĩ có lẽ ý Ngài cũng chỉ khuyên chúng ta đừng bao giờ dừng lại.

KHÔNG VỘI VÃ TIẾN TỚI

Nhưng dù vậy, trên con đường thực tập, có những lúc tôi nhìn chung quanh và cảm thấy trống vắng, không có gì thay đổi hay khác biệt. Tôi có tự dối gạt mình hay không ? Tôi có thật sự nỗ lực đủ chưa ? Có thời gian, tôi thực tập với một vị thầy dạy cho tôi những phương pháp thực hành rất nghiêm khắc, nhưng rồi tôi vẫn trở về với đường lối nhu hoà của mình. Đó có phải là phản ảnh của một tính khí yếu đuối chăng ? Có lẽ tôi cần phải nên cố gắng nhiều hơn để tăng trưởng định lực và chánh niệm của mình. Vấn đề là mỗi khi tôi cố gắng gò bó mình, cuối cùng tôi lại cảm thấy còn tệ hại hơn trước. Chắc có lẽ vì tôi chỉ có thể là vậy thôi.

Tôi cũng thường đi hướng dẫn các khóa tu, vì vậy cho nên tôi thuộc vào hạng “Bác sĩ, hãy lo chữa bệnh cho mình trước đi”. Thật ra thì tôi cũng hiểu về những ý nghĩ ngờ vực này của tôi lắm chứ. Nhưng vấn đề tôi muốn nêu ra là thế nào là một sự cố gắng, nỗ lực đúng mức ? Thật ra đó không phải là một vấn đề của riêng tôi. Trong những khóa tu, tôi thường khuyên người khác nên từ tốn với chính mình, có niềm tin vào sự thực tập, nhìn mọi việc xảy ra trong một không gian rộng lớn, và nhớ rằng cái gì cũng rồi sẽ qua. Hãy có niềm tin vào pháp, cho dù là ta không có niềm tin nơi mình. Và đó là lời khuyên mà tôi có thể sử dụng được.

CHỈ LÀ TRẢI NGHIỆM TỰ NHIÊN

Là một giáo thọ, tôi không tránh khỏi ghi nhận những hình ảnh của các vị giáo thọ khác, và thấy rằng gương mặt họ lúc nào cũng tươi sáng và nở nụ cười. Hình như họ có một thông điệp là “nếu bạn thiền tập như tôi, bạn sẽ có hạnh phúc”. Và những lời hướng dẫn thiền tập cũng vậy, có vẻ như rất hoàn hảo, không có chút gì là bất toàn hết. Nhưng sự thật có là như thế không ? Đôi khi tôi tự hỏi, ta có cần nên ghi thêm những câu này vào trong các khoá tu: “Những trải nghiệm của bạn trong khóa tu này sẽ tùy thuộc vào những nghiệp quả trước đó, karma, của bạn. Vì vậy chúng tôi không thể bảo đảm về sự giác ngộ hay hạnh phúc nào bạn sẽ có.”

Cuộc đời của tôi có biết bao những thăng trầm - buồn vui, căng thẳng, hân hoan, mệt mỏi. Và tất cả những trạng thái ấy đều biểu hiện ra trong buổi ngồi thiền hằng ngày của tôi. Đôi khi, tôi muốn mỗi khi ngồi xuống là tôi sẽ được hoàn toàn cách biệt hẳn với chúng, như là một trạng thái kỳ diệu nào đó mà tôi bước vào là có thể lánh xa được hết tất cả. Nhưng thật ra thiền tập không phải là một sự trốn tránh thực tại, mà ngược lại, nó là một nhận thức về thực tại sâu sắc hơn. Và nếu ta nhìn chúng với một cái thấy rộng mở và tự nhiên, ta sẽ ý thức rằng bên dưới những bất an ấy là một thực tại tĩnh lặng, tuệ giác và hạnh phúc. Đó mới chính là chân thực tại.

Và nếu như tôi không dừng lại và cũng không vội vã, sự tĩnh lặng và tuệ giác này sẽ tự nhiên hiển lộ - theo thời điểm của nó, chứ không phải của tôi.❞

Phải làm cho bằng được

- H.T Tịnh Không



Nhớ nhiều, hiểu nhiều, chẳng hữu dụng gì hết, phải làm cho bằng được. Có thể làm được một phần thì sẽ được một phần lợi ích, làm được hai phần thì được hai phần lợi ích. Nếu chẳng hết lòng nỗ lực mà làm thì lợi ích chân thật này chẳng thể nào đạt được.

Danh ngôn (114)

- Lão Tử



Nhón chân thì không đứng vững được, chạng chân thì không đi được. Kẻ tự biểu lộ mình thì không sáng suốt, kẻ tự cho mình là đúng thì không chói lọi, kẻ tự khoe công thì không có công, kẻ tự mãn thì không lâu dài được.

Without rain, nothing grows

- A wordless man





If it never rains, then we’ll never grow. Without rain, nothing grows. Learn to embrace the storms of your life. When you come out of the storm, you won’t be the same person who walked in. That’s what this storm’s all about.

╰▶ Nếu không bao giờ có mưa, chúng ta sẽ không bao giờ lớn. Không có mưa, vạn vật không thể phát triển. Hãy học cách “ôm ấp”, chấp nhận những cơn bão trong cuộc đời mình. Khi một người từ trong giông bão bước ra, sẽ không còn nữa một người giống như khi bước vào. Đó là tất cả ý nghĩa của việc mưa bão.

Nắm lá Simapa

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương XLVI, Thích Nhất Hạnh



Tu viện Trúc Lâm (Venuvana) ở Rajagaha, tu viện Trùng Các (Kutagarasala) ở Vesali và tu viện Kỳ Đà Cấp Cô Độc (Jetavana) ở Savathi đã trở nên ba trung tâm hành đạo và hoằng pháp lớn. Các vị khất sĩ đã tạo lập những trung tâm tu học khác rải rác trong các vương quốc Magadha, Kosala và những vương quốc nhỏ kế cận. Hình bóng những vị khất sĩ áo vàng khoan thai và tĩnh lặng xuất hiện khắp nơi.

Đạo lý tỉnh thức đã được truyền bá đi mọi nơi chỉ sau sáu năm hành hóa của Bụt. Mùa an cư thứ sáu, Bụt cư trú trên núi Makula. Mùa an cư thứ bảy người ẩn cư một mình trên núi ở Samkasya, mãi trên vùng thượng lưu sông Ganga. Mùa an cư thứ tám người cư trú tại Sumsumaragira ở xứ Bhagga và vào mùa an cư thứ chín người về cư trú tại Kosambi. Kosambi là một thị trấn thuộc vương quốc Vamsa nằm trên tả ngạn sông Jamuna, nơi đây đã có một trung tâm tu học quan trọng. Tu viện nằm trong một khu vườn ở Rừng Lớn gọi là Ghosira. Vào mùa an cư thứ chín, các thầy lớn như Mahakassapa, Mahamoggallana, Sariputta và Mahakaccana không có mặt bên Bụt ở tu viện Ghosira tại Kosambi, nhưng thầy Ananda vẫn được kề cận Bụt. Chú Rahula cũng không có mặt, vì chú phải theo học với thầy Sariputta. Các khu rừng quanh tu viện đầy những cây simsapa, và Bụt ưa vào tĩnh tọa trong rừng vào những buổi trưa khi trời nắng gắt. Một buổi chiều từ rừng về, Bụt cầm trong tay một nắm lá simsapa. Người đưa nắm lá lên và hỏi các vị khất sĩ có mặt:

- Các vị khất sĩ ! Lá trong tay tôi nhiều hay lá trong rừng nhiều ?

Các vị khất sĩ đáp:

- Lá trong tay Bụt thì ít mà lá trong rừng thì nhiều.

Bụt nói:

- Cũng như thế đó, các vị khất sĩ ! Những điều tôi biết do sự thực chứng thì nhiều, nhưng những điều tôi đem ra dạy quý vị thì ít. Tại sao thế ? Tôi chỉ muốn trình bày cho quý vị những gì thực sự có ích lợi cho công trình tu tập của quý vị mà thôi ...

Bụt nói như thế, vì độ ấy trong giới các vị khất sĩ có nhiều người có khuynh hướng muốn đi vào những vấn đề siêu hình không thiết thực mấy đối với sự tu học. Mấy tháng trước ở Savathi, Bụt đã khuyên thầy Malunkyaputta về việc không nên để tâm trí vướng bận vào những vấn đề không thiết yếu cho sự tu học. Thầy Malunkyaputta lúc đó thường hay hỏi Bụt những câu hỏi thuộc phạm vi siêu hình, nhưng Bụt từ chối không trả lời. Ví dụ thầy hỏi vũ trụ này là hữu biên hay vô biên, hữu hạn hay vô hạn. Một hôm thầy không chịu đựng sự im lặng của Bụt được nữa, thầy quyết định đi gặp Bụt để ép Bụt phải trả lời những câu hỏi của thầy. Thầy tự bảo là lần này nếu Bụt từ chối thì thầy sẽ xin xả giới không tu theo người nữa. Thầy đi gặp Bụt và nói: “nếu Thế Tôn chịu trả lời những câu hỏi của con thì con sẽ nguyện tiếp tục theo học với Người, nếu không, con sẽ xin từ bỏ giáo đoàn khất sĩ, nếu quả thật Người biết vũ trụ là hữu biên hay vô biên, thì xin Người cứ nói ra, còn nếu Người không biết thì người cứ nói thẳng là Người không biết”.

Bụt nhìn thầy Malunkyaputta:

- Hồi thầy xin đi xuất gia, tôi có hứa với thầy là sẽ giảng giải cho thầy về những câu hỏi như thế không ? Tôi có nói: “này Malunkyaputta, anh cứ xuất gia đi, rồi tôi sẽ dạy cho anh về những vấn đề siêu hình” không ?

- Bạch Thế Tôn, không.

- Vậy sao bây giờ thầy lại đặt điều kiện với tôi ? Alunkyaputta ! Ví như có một người nọ bị trúng một mũi tên có tẩm thuốc độc, bà con mời ông thầy thuốc tới để nhổ mũi tên ra, bôi thuốc vào và cho uống thuốc trừ độc, nhưng người bị trúng tên không cho ông thầy thuốc đụng vào vết thương mình, người ấy nói: “khoan đã, trước khi chữa trị tôi muốn biết ai là kẻ đã bắn mũi tên này, tên họ người đó là gì, mấy tuổi, ở đâu, làm nghề nghiệp gì, thuộc giai cấp nào, vì cớ sao mà bắn tôi … tôi cũng muốn biết loại cung bắn này là loại cung nào và chất độc nó dùng là thứ chất độc lấy từ đâu”. Malunkyaputta, người bị thương sẽ chết trước khi anh ta tìm hiểu được hết những điều đó. Người đi xuất gia cũng vậy, những điều mà người xuất gia phải biết và phải hành là những điều căn bản mà tôi đã và đang dạy các thầy, còn những điều khác vì không có ích lợi thực tế cho sự tu học và hành trì để đi đến giải thoát cho nên tôi không nói tới. Này Malunkyaputta, thầy phải biết điều này, dù vũ trụ là hữu biên hay vô biên, hữu hạn hay vô hạn thì thầy cũng phải công nhận điều này, có những đau khổ trong cuộc đời, những đau khổ đó có nguyên do và ta có thể quán chiếu các nguyên do ấy mà tìm cách làm cho cuộc đời bớt khổ. Những điều tôi dạy quý thầy có thể giúp quý thầy đạt tới sự buông bỏ, vô dục, thanh tịnh và giải thoát, còn những điều không thiết thực cho việc tu học thì tôi từ chối không nói tới.

Đại đức Malunkyaputta nghe Bụt nói rất lấy làm hối hận. Thầy đã xin sám hối Bụt về tội đã dám ra điều kiện cho người. Bụt thường khuyến khích các vị khất sĩ gia công tu học và tránh những cuộc luận đàm có tính cách lý thuyết suông. Người gọi những lý thuyết suông không ích lợi gì cho sự tu học ấy là hý luận. Trong số các thầy ở Kosambi, có những thầy rất ưa hý luận và cũng vì lẽ ấy Bụt đã đem tặng cho họ một nắm lá simsapa. Tại Kosambi, có một thí chủ lớn tên là Ghostra, vị thí chủ này đã cúng dường rừng cây của mình để làm tu viện cho tăng đoàn, gọi là tu viện Ghostra. Ngoài ra ông còn bảo trợ thành lập thêm hai trung tâm tu học cho các vị khất sĩ nữa, đó là tu viện Kukuta và tu viện Pavarikambavana. Tu viện thứ tư trong vùng là tu viện Badarika.

Quốc vương Udayana không có cảm tình nhiều với Bụt, nhưng thái tử Bodhi trị vì xứ Bhanga lại là một người sùng kính Bụt đúng mức. Tại xứ Bhanga, Bụt và giáo đoàn đã từng được thái tử Bhodi đón tiếp rất nồng hậu. Tại Kosambi, cũng như tại các trung tâm tu học khác, có một số các vị kinh sư, nghĩa là những thầy chuyên về sự giảng dạy và ôn tụng các lời Bụt dạy. Những lời Bụt dạy trong gần mười năm qua được kết tập và ôn tụng dưới những đề mục gọi là sutra. Sutra là kinh. Ví dụ kinh Chuyển Pháp Luân là bài giải đầu tiên mà Bụt nói tại vườn Nai phía Bắc thành phố Baranasi cho năm vị khất sĩ đầu. Các kinh như kinh Vô Ngã Tướng, kinh Nhân Duyên, kinh Bát Chánh Đạo đều được học thuộc lòng và được ôn tụng mỗi nửa tháng. Ngoài các vị kinh sư còn có các vị luật sư, chuyên lo trì tụng về giới luật. Người tập sự xuất gia thì có giới luật của người xuất gia. Những những chưa đến tuổi hai mươi như chú Rahula thì chưa được thọ giới khất sĩ, mà chỉ được thọ giới sa di.

Năm ấy ở Kosambi đã xảy ra một vụ tranh chấp giữa một vị kinh sư và một vị luật sư tại tu viện Ghostra. Nguyên do vụ tranh chấp thật là bé nhỏ nhưng vì lòng tự ái của một số các thầy khất sĩ mà vụ tranh chấp đã gây nên chia rẽ trầm trọng trong đại chúng. Vị kinh sư này vì vô ý đã không đổ nước trong chậu sau khi sử dụng. Vị luật sư cho đó là phạm luật. Vị kinh sư nghĩ là vì không cố tình cho nên mình không có lỗi. Nguyên do vụ tranh chấp chỉ có thế, nhưng đệ tử của hai vị ai cũng bênh vực thầy mình và nói bên đối phương và sai lầm. Cuộc tranh chấp vì thế mà leo thang. Bên này bắt đầu nói bên kia là vu khống. Bên kia bắt đầu nói bên này là vọng ngữ. Cuối cùng vị luật sư tuyên bố giữa đại chúng là vị kinh sư phạm giới, và nếu không sám hối thì vị này sẽ không được phép tham dự các buổi bố tát tụng giới hàng nửa tháng.

Tình trạng trở nên căng thẳng. Hai bên nói qua nói lại. Những lời qua lại này cũng tai hại như những mũi tên độc. Các vị khất sĩ chia thành hai phe. Cũng may là có một số các vị khất sĩ không chịu theo phe nào. Họ than thở với nhau: “chết mất, chết mất, thế nào cũng có chia rẽ trầm trọng trong giáo đoàn”. Trong khi đó, Bụt vẫn chưa hay biết gì, tuy người đang an cư ở một tịnh xá sát bên tu viện. Một số các vị khất sĩ đi tìm Bụt và trình lên người hiện tình của đại chúng, và cầu Bụt can thiệp. Bụt liền đi tìm vị luật sư. Người nói:

- Chúng ta không nên quá tin ở quan điểm riêng của chúng ta. Chúng ta phải lắng nghe và tìm hiểu quan điểm của người bên kia. Chúng ta phải làm mọi cách để tránh sự chia rẽ trong đại chúng.

Rồi Bụt đi tìm vị kinh sư. Người cũng nói với vị kinh sư những lời mà người đã nói vị luật sư, hy vọng hai người sẽ đi tới hòa giải. Sau đó Người trở về tịnh xá. Nhưng cuộc can thiệp của Bụt không có hiệu quả. Cả hai bên vì lời qua lẽ lại đều đã bị thưong tích trầm trọng. Các vị khất sĩ đứng ở giữa không đủ sức để dàn xếp một cuộc hòa giải. Nội vụ được chuyền tới tai giới đệ tử tại gia và chẳng bao lâu các giáo phái bên ngoài đều biết tới. Uy tín của đoàn thể khất sĩ bị thương tổn nặng. Đại đức Nagita thị giả của Bụt thấy thế, không chịu nổi nữa, thầy lại đem nội vụ trình lên Bụt và cầu cứu Bụt tới can thiệp một lần nữa. Bụt khoác áo và tới thẳng thính đường của tu viện. Người bảo đại đức Nagita thỉnh chuông triệu tập đại chúng. Khi mọi người đã tụ họp đầy đủ, Bụt nói:

- Xin các thầy hãy chấm dứt việc tranh chấp và cãi cọ. Xin quý thầy hãy chấm dứt tình trạng chia rẽ trong nội bộ giáo đoàn. Xin trở về với sự tu học. Nếu chúng ta tu học thật sự thì chúng ta không còn là nạn nhân của tự ái, giận hờn và chia rẻ nữa.

Một vị khất sĩ đứng lên, bạch:

- Thế Tôn, xin Thế Tôn đứng ra ngoài vụ tranh chấp này. Xin Người cứ an trú trong niềm vui tịnh lạc của thiền định. Đây không phải là việc của Người. Chúng tôi đã lớn, chúng tôi có thể tự mình giải quyết vụ này được, không cần đến Thế Tôn.

Vị khất sĩ nói xong, mọi người đều im lặng. Bụt cũng im lặng. Một lát sau, Người đứng dậy, rời bỏ thính đường. Người trở về tịnh xá lấy bình bát và áo, rồi Người một mình đi vào Kosambi để khất thực. Khất thực xong, Người vào rừng một mình để thọ trai. Thọ trai xong Người đứng dậy, ôm y bát từ bỏ thành phố Kosambi, hướng về phía bờ sông mà đi. Không ai được phép đi theo Người, kể cả thầy thị giả, kể cả đại đức Ananda.

Bụt đi lần hồi tới thị trấn Balakalonakaragama. Tại đây người gặp một vị đệ tử là đại đức Bhagu. Thấy Bụt, đại đức rất vui mừng, đại đức rước Bụt vào một cụm rừng, mời Bụt ngồi rồi đi tìm nước và khăn cho Bụt rửa mặt và tay chân. Bụt hỏi thăm về sự tu học của thầy Bhagu. Thầy nói thầy rất an lạc ở đây, dù thầy ở có một mình. Bụt nói:

- Ở một mình đôi khi mà khỏe hơn là ở với nhiều người.

Sau khi giảng dạy thêm giáo lý và khích lệ đại đức Bhagu về sự tu học, Bụt từ giã thầy để đi về phía công viên Đông Trúc cách đó không xa. Bước vào công viên, Bụt bị người cai vườn ngăn lại, ông ta nói:

- Sa-môn, ông đừng đi vào trong công viên, sợ làm rộn các vị đang tu hành trong ấy.

Bụt chưa biết nói sao thì từ trong công viên đại đức Anuruddha đi ra. Thầy vái chào Bụt và nói người cai vườn:

- Đó là thầy của chúng tôi đấy, xin ông cứ để cho người vào.

Rồi đại đức đưa Bụt vào phía trong công viên. Ở đây, Bụt gặp thêm hai vị khất sĩ khác, đại đức Nandiya và đại đức Kimbila. Hai người được gặp Bụt rất mừng. Thầy Nandiya nâng bát cho Bụt, còn thầy Kimbila thì nâng áo sanghati của Người. Họ sắp chỗ ngồi cho Bụt bên một bụi tre vàng. Họ đem nước và khăn tới cho Bụt rửa mặt và rửa chân. Rồi cả ba thầy chắp tay làm lễ Bụt. Bụt bảo ba thầy ngồi xuống bên cạnh, Người hỏi:

- Các thầy ở đây có được an tịnh không ? Sự tu học có thuận lợi không ? Việc khất thực hành hóa có dễ dàng không ?

Thầy Anuruddha đáp:

- Bạch thầy, chúng con ở đây rất an ổn. Ở đây khung cảnh rất an tịnh. Việc khất thực và hành hóa cũng dễ dàng. Chúng con đã đạt được nhiều tiến bộ trong sự tu học.

Bụt hỏi:

- Các thầy có thương mến nhau và hòa hợp với nhau không ?

- Thưa Thế Tôn, chúng con rất thương mến nhau. Chúng con hòa hợp với nhau một cách dễ dàng như nước với sữa. Riêng con, được sống với hai huynh Kimbila, và Nandiya là một điều may mắn lớn cho đời con. Con trân quý tình bằng hữu này lắm. Mỗi khi con nói hay con làm một điều gì, dù là khi hai huynh không có mặt, con cũng nghĩ đến hai huynh. Con tự hỏi con, nói như thế và làm như thế thì hai huynh có vừa ý không ? Nếu con có một chút nghi ngờ rằng lời nói và việc làm ấy có thể làm cho hai vị phật ý là con nhất định không nói và không làm. Thưa Thế Tôn, chúng con tuy là ba người mà cũng như là một.

Bụt gật đầu ưng ý. Người nhìn hai thầy kia. Thầy Kimbila nói với Bụt:

- Điều sư huynh Anuruddha nói đó là sự thật. Chúng con rất hòa hợp với nhau và rất thương mến nhau.

Thầy Nandiya nói:

- Chúng con biết chia sẻ cho nhau đồng đều mọi thứ. Từ chỗ ăn ngủ cho đến kiến thức và kinh nghiệm, chúng con đều sẵn lòng chia sẻ cho nhau.

Bụt khen:

- Tốt lắm. Tôi rất hài lòng khi thấy các thầy ăn ở với nhau như vậy. Có sự hòa hợp đó, một đoàn thể tu học mới thật sự là một đoàn thể tu học. Các thầy đã thật sự tỉnh thức cho nên quý thầy mới thực hiện được sư hòa hợp đó.

Bụt ở lại với ba thầy một tháng. Người nhận xét như sau:

Buổi sáng sau giờ thiền tọa, ba thầy cùng đi khất thực một lần. Khất thực xong, vị nào về trước thì đi sắp đặt chỗ ngồi, đi lấy nước uống, nước rửa và một cái chậu sạch để sẵn tại đó. Xong rồi vị ấy mới đi rửa mặt, rửa chân, và ngồi xuống để quán niệm và thọ trai. Trước khi thọ trai, vị ấy san bớt thức ăn trong bát vào chiếc chậu sạch. Thức ăn này là để dành cho vị khất sĩ nào không xin được đủ một phần ăn. Khi các vị kia về, thì nước rửa và nước uống đã có sẵn. Họ không phải đi xách nước. Họ chỉ cần ngồi xuống rửa tay, rửa mặt và rửa chân trước khi ngồi xuống thọ trai. Sau khi thọ trai và uống nước, cả ba người cùng đi dọn dẹp. Nếu thức ăn trong chậu còn dư, họ đem đổ ở một khoảng đất không có cây cỏ, hoặc đổ xuống nước nơi không có loài vật nào đang sống. Họ cùng rửa và cùng úp các chậu lại. Ai thấy bình nước uống hết nước thì đi lấy thêm. Ai thấy vại nước rửa lưng đi thì đi xách nước thêm. Ai thấy cầu tiêu không được sạch thì đi chùi rửa. Việc gì cần hai hoặc ba người mới làm nổi thì họ đâu vai chung sức lại. Họ không cần bàn cãi gì hết về công việc hàng ngày. Cứ mỗi năm ngày họ ngồi lại một lần để cùng học hỏi giáo lý và trao đổi kinh nghiệm tu tập.

Trước khi từ giã ba thầy, Bụt nói:

- Các thầy, bản chất của một tăng đoàn (sangha) là sự hòa hợp. Theo tôi, ta có thể minh định sự hòa hợp như sau:

+ Thứ nhất là thân hòa đồng trú, nghĩa là cùng chia sẻ với nhau một trung tâm tu học, một khu rừng hay một mái nhà.

+ Thứ hai là lợi hòa đồng quân, nghĩa là cùng chia sẻ với nhau đồng đều những tiện nghi của cuộc sống.

+ Thứ ba là giới hòa đồng tu, nghĩa là cùng hành trì với nhau những giới và những luật đã được truyền thọ và ban hành.

+ Thứ tư là khẩu hòa vô tránh, nghĩa là chỉ sử dụng thứ ngôn ngữ hòa hợp, tránh tất cả những lời nói có thể gây ra sự xích mích và tranh cãi.

+ Thứ năm là kiến hòa đồng giải, nghĩa là trao đổi và chia sẻ những hiểu biết và những kiến thức với nhau, không giấu diếm cái hiểu biết cho riêng mình, để cho mọi người cùng được học hiểu.

+ Thứ sáu là ý hòa đồng duyệt, nghĩa là các ý kiến khác nhau phải được tổng hợp lại, và không ai có thể bắt buộc mọi người khác phải làm theo ý kiến riêng của mình như thế để tạo nên sự vui vẻ hòa hợp trong đoàn thể.


Các vị khất sĩ ! Từ nay về sau, chúng ta phải lấy sáu nguyên tắc hòa hợp này mà sống với nhau. Ba vị đại đức hoan hỷ tiếp nhận lời nhận của Bụt.

Từ giã ba thầy, Bụt lên đường. Bảy ngày sau, người tới Parileyyaka, Bụt đi vào rừng Rakkhita, và tìm thấy một cây sala cành lá xum xuê, Người đặt y bát xuống và ngồi nghỉ dưới gốc cây đẹp đẽ này. Bụt có ý định muốn ở lại một mình tại đây trong mùa an cư sắp tới.

Khép trần duyên

- Thích Tánh Tuệ



Nhắm mắt thôi theo mây trời phiêu lãng
Nghe nhịp tim thanh thản đập yên bình
Cho ưu phiền, khổ lụy kiếp nhân sinh
Dần tan biến, vọng tình ngưng khuấy động

Nhắm mắt lại để thấy: Tâm là Vọng
Rồi không còn mơ mộng sống lênh đênh
Cuộc đời kia làn mây nổi bồng bềnh
Danh - Sắc đó loài yêu tinh giả mỵ

Nhắm mắt lại để thấy mình thật kỹ
Ta là ai ? Ngày khép lại, về đâu ?
Hãy trầm tư và quán chiếu thật sâu
Trong vạn pháp có đạo mầu thâm viễn

Nhắm mắt lại nhìn cái tâm bám luyến
Biết sự đời hư huyễn vẫn lòng đau
Vì Hành - Tri còn cách một nhịp cầu
Biết và Ngộ vẫn hai đầu cách biệt

Ôm Phật ngủ mà khổ hoài da diết
Phải chăng vì chưa thiết nẻo hồi hương
Ta vẫn hay đời sinh diệt, vô thường
Song yếu đuối vấn vương từng giọt mật

Nhắm mắt lại để thôi làm hành khất
Đi van xin hạnh phúc giữa màn đêm
Khoảng trống trong hồn cố lấp vẫn rộng tênh
Vì hy vọng đã ước thề tuyệt vọng

Nhắm mắt lại biết tâm nào thực, mộng
Tĩnh tại nhìn hoa, rác nổi đầy sông
Và nhận ra Sinh Tử gốc tại lòng
Kể từ đó bụi hồng thôi vướng nhiễm

Nhắm mắt lại Xả Buông và Chánh Niệm
Mở mắt nhìn tâm rỗng sáng thường minh
Thì nơi này đích thực ngộ vô sinh
Thấy Cực Lạc vốn không lìa tự tánh

Dù sống giữa trần duyên và ngoại cảnh
Vẫn quay về, mở mắt sáng Tâm Linh

Tâm trí chỉ là một phần rất nhỏ

- Chay Mộc



❝ ...

- Con à !

- Dạ !

Con đừng nghe những gì tâm trí nói. Tâm trí con biết nhiều, nhưng nó chỉ là một phần rất rất nhỏ của sự thực chân lý vĩ đại. Con đừng chạy theo những tìm cầu của nó. Đừng nghe những logic xoay vòng trong tầm hiểu biết hạn hẹp của tâm trí để đánh giá, để nhận định đó là cuộc sống, là thật, là ta, thế giới này chỉ có vậy, … Con người có biết bao câu chuyện ngụ ngôn, nhưng người ta dường như chỉ dùng logic suy nghĩ của chính mình mà diễn giải câu chuyện theo ý mình. Như con ếch quen thuộc thủa nào ngồi dưới đáy giếng sâu mà nghĩ bầu trời hóa ra chỉ to bằng cái miệng giếng. Con ếch không sai, rõ ràng nó nhìn thấy bằng đôi mắt nó rằng bầu trời chỉ tròn tròn bé bé đúng bằng cái miệng giếng. Chỉ là nó chưa mở lòng để lắng nghe câu chuyện về bầu trời rộng lớn hơn. Nó cho câu chuyện về bầu trời rộng lớn hơn là hoang đường, là không đáng tin. Chỉ cần nó thử suy nghĩ một lần, rồi tìm cách lên miệng giếng tròn vào ngày mưa dầm rả rích. Nó sẽ nhìn ra được bầu trời hằng ngày nó nhìn thấy lớn cỡ nào, đẹp cỡ nào, bao la cỡ nào.

Cũng như vậy con ạ. Chỉ cần con dừng lại một chút. Để nhận ra con đang ở đâu. Ở trong những tưởng thức về ngày hôm qua, ở trong những suy nghĩ lo lắng cho ngày mai, hay ở trong những giấc mộng xa xăm không có thực … Con có nhận ra con, giữa hàng trăm ngàn suy nghĩ mỗi ngày. Con có nhận ra con, giữa những đợt cảm xúc lên rồi lại xuống. Vui mừng rồi lại buồn bã. Tiếc nuối rồi đau đớn. Hối hả rồi lo lắng. Con ạ, con không phải là tất cả những thứ đó. Con hãy ngồi thật lặng yên. Đừng có gắng suy nghĩ, đừng đưa cái tôi hiểu biết để phân tích. Khi sự yên lặng đủ đầy, con sẽ nghe được tiếng nói của chân lý, của sự thật, của sự thường hằng bất biến. Tiếng nói của sự thật luôn hiển hiện. Chỉ là những lăng xăng kia đã ngăn cản con có thể tiếp cận với nó mà thôi.

Hãy lấp mình bằng thương yêu mỗi ngày, bằng những chân thành nhất trong những cử chỉ hàng ngày, rồi con sẽ nhận ra dấu vết của chân lý, ở ngay trong con, bình lặng và sáng rực rỡ như ánh dương.

Yêu và thương con rất nhiều !

( Chay Mộc )


...❞

Nếu một ngày, những khó khăn dồn dập đi về ...

(Suối Thông lược dịch)



Nếu một ngày, những khó khăn dồn dập đi về ...

Đừng tìm cách chống trả, cũng đừng tìm cách trốn chạy. Một việc làm đơn giản hơn nhiều, đó là dũng cảm đối diện. Dùng chân thành và yêu thương mà nhận quả mà mình đã tạo ra, rồi mình sẽ nhận ra thực ra mọi việc không khủng khiếp như mình nghĩ. Mọi việc không tuyệt vọng và tàn khốc như mình nghĩ.

Đi qua bão giông thì đến mưa lớn. Nhưng mưa rồi cũng phải tạnh. Ta, lại tiếp tục cuộc sống thường ngày. Nếu ta cứ tư duy, cứ quanh co trong những vòng xoáy “làm sao để được, làm sao lợi mình …” thì chỉ tạo thêm những đau thương và làm sự việc rối lên mà thôi. Khó khăn nào rồi cũng đi qua, đau thương nào rồi cũng sẽ hết, quan trọng là bạn đi được bao xa, chứ đừng ngã lòng khi giông bão vừa lên. Bạn sẽ không biết được rằng sau giông bão, bầu trời sẽ trong lành và quang đãng đến như thế nào.

Một chút âm thầm ...

- Đời người trôi qua rất nhanh, nếu biết cách bước qua những lợi danh hư ảo mới có thể chạm đến những điều chân thật.

- Cuộc sống, gặp chuyện phức tạp nên giải quyết nhẹ nhàng, và bỏ đi những vướng víu không cần thiết.

- Để lòng thanh thản mới có thể tiến nhanh về phía trước. Nhường đường cho người thì tránh được những bon chen vụn vặt. Phóng tầm nhìn ra xa sẽ thấy được cầu vồng sau cơn mưa. Sắp xếp hành lý gọn nhẹ mới thong thả trên đường xa vạn dặm.

Thật ra quang cảnh tươi đẹp không do mắt nhìn thấy mà từ tâm cảm nhận. Tình cảm sâu sắc không cần thốt ra vẫn có thể nhận biết qua hành động. Mỗi khi không vừa ý hãy nhớ đến hạnh của nước: luôn mềm mỏng nhẹ nhàng, âm thầm dung nạp rồi chuyển hóa vạn vật mà không cần tranh chấp phân bua. Nếu mỗi người đều có thể tu dưỡng đến cảnh giới đó thì lo gì thiên hạ không thái bình, lòng người không yên an.

Người đi qua trần gian

- Nhạc: Hàn Châu|Lời: Vịnh Đại Sơn



Người đi qua trần gian sống trăm năm trong cõi mơ màng
Người đi qua trần gian đâu biết mình là kiếp đi hoang
Người vui trong giàu sang. Người buồn trong cơ hàn
Rồi người tay trắng sống gian nan trong lầm than

Người đi qua trần gian đã trót mang một kiếp khổ sầu
Ngủ dài trong đêm thâu đâu biết đời mình sẽ ra sao
Xưa ta đến từ đâu. Kiếp này ta gặp nhau
Để rồi xa cách khóc cho duyên ban đầu

Ai nào có biết, kiếp xưa ta mang tội gì
Để rồi kiếp này, giờ ta mang nỗi sầu bi
Người hỡi người trăm năm có ai không về bến hẹn
Mà sao người nỡ dối gian nhau làm gì

Quán trọ cõi trần ai có ai biết mình đến bao lần
Đời như khói phù vân, men rượu nồng soi bóng giai nhân
Người già theo thời gian. Ngày qua tóc trắng dần
Về làm thân bụi cát, tốt cây xanh nơi dương trần

Danh ngôn (113)

- Tô Đông Pha



Giàu không thân, nghèo không xa, như vậy đúng là đại trượng phu trong cõi người. Giàu thì tiến lại, nghèo thì lui ra, như vậy đúng là nhỏ mọn trong cõi người.

Đừng bắt chước, hãy nương tựa vào mình

- Tác giả: Thiền sư Ajahn Chah
- Dịch giả: Khánh Hỷ



Người ta thường có khuynh hướng bắt chước theo thầy của mình. Họ trở thành bản sao, hình chụp hay rập khuôn theo thầy. Chẳng khác nào chuyện người huấn luyện ngựa cho nhà vua sau đây.

Người huấn luyện ngựa cho nhà vua chết, nhà vua thuê một người huấn luyện mới. Bất hạnh thay người mới này bị kiễng chân. Những con ngựa mới và chọn lọc kỹ càng được mang đến cho y, và y đã huấn luyện chúng thuần thục: chạy, phi nước kiệu, kéo xe, .v.v.v… nhưng tất cả những con ngựa nhỏ đều có bước đi khập khiễng. Thấy lạ, nhà vua cho gọi người huấn luyện đến hỏi. Khi thấy y khập khiễng bước vào chầu, nhà vua hiểu ra mọi lẽ và tức khắc mướn một người huấn luyện ngựa khác.

Là những vị thầy, quí sư phải ý thức đến sức mạnh của những cử chỉ và lối sống, lối tu hành của mình. Và quan trọng hơn, là học trò, các bạn không nên bắt chước theo hình ảnh, tư thái bên ngoài của thầy mình. Vị thầy chỉ muốn bạn kiện toàn phần nội tâm của bạn. Hãy lấy trí tuệ nội tại của bạn làm mô mẫu, đừng bắt chước dáng đi khập khiễng của thầy.

Hãy nương tựa vào mình

Đức Phật dạy người nào muốn hiểu biết thì phải tự mình thấy rõ chân lý. Thế nên không có chút khác biệt nào giữa những lời tán dương và câu chỉ trích. Dầu người ta nói thế nào cũng không quấy rầy được bạn. Một người không tự tin sẽ cảm thấy mình xấu khi bị kẻ khác chê xấu. Hãy tự xét. Nếu họ nói sai, hãy quên đi. Nếu họ nói đúng, hãy học theo họ. Bất kỳ trường hợp nào xảy ra cũng chẳng có gì. Tại sao phải giận dữ ? Nếu bạn có thể nhìn sự vật như vậy, bạn sẽ thật sự bình an. Chẳng có cái gì là sai cả, tất cả đều là Pháp. Nếu bạn thật sự sử dụng khí cụ mà Đức Phật đã ban cho bạn, bạn sẽ không cần phải ganh tị với người khác nữa. Trong khi những kẻ lười biếng chỉ muốn nghe và tin, bạn có tự tín và có thể kiếm sống bằng sự nỗ lực của chính mình.

Tuy thế, nếu khi thực hành bạn chỉ sử dụng những gì bạn có thì cũng phiền toái bởi vì chúng là của bạn. Ban đầu, có lúc bạn nghĩ việc hành thiền thật khó khăn và bạn đã khư khư nắm giữ những cái tốt của kẻ khác. Thế rồi, Đức Phật dạy bạn phải làm với những gì bạn có và bạn nghĩ rằng mọi chuyện đều êm xuôi tốt đẹp. Nhưng rồi bạn lại thấy khó khăn nữa, Đức Phật lại dạy thêm, nếu bạn dính mắc và nắm giữ điều gì, dầu của chính bạn hay của ai đi nữa, bạn cũng gặp phiền toái, nếu bạn chạy vào bếp nhà hàng xóm nắm một cục lửa, bạn sẽ bị phỏng tay, nếu bạn nắm cục lửa nhà bạn, bạn cũng bị phỏng tay như thường, vậy thì đừng nắm giữ gì cả. Đó là lối thực tập áp dụng ở đây - phương pháp trực tiếp. Tôi không bằng lòng với ai, nếu bạn đem kinh điển hay tâm lý học tranh cãi với tôi, tôi sẽ không tranh cãi, tôi chỉ trình bày cho thấy nhân và quả, để bạn hiểu chân lý của pháp hành. Chúng ta tất cả đều phải nương tựa nơi chính mình.

Biết mình, biết người

Hãy tìm hiểu chính thân tâm của bạn, bạn sẽ hiểu người khác. Gương mặt, cử chỉ, hành động của một người phát xuất từ trạng thái tâm của người ấy. Đức Phật có thể đọc được chúng bởi vì Ngài có kinh nghiệm và nhìn thấy với trí tuệ trạng thái tâm làm căn bản cho những biểu lộ ấy. Cũng như một người già lão luyện đã trải qua thời thơ ấu hiểu rõ tâm lý trẻ con.

Sự “tự tri” này khác với trí nhớ. Người già có thể bên trong rất sáng, nhưng bên ngoài có vẻ lờ đờ. Đọc sách để học hỏi đối với họ rất khó khăn vì họ quên tên, quên mặt, .v.v.v... có thể họ biết rõ ràng họ cần một cái thau, nhưng vì trí nhớ kém, họ nói lấy cho họ một cái ly. Nếu bạn thấy tình trạng sinh diệt trong tâm và không dính mắc vào tiến trình để trôi qua cả hạnh phúc lẫn đau khổ thì sự tái sinh của tâm sẽ ngắn dần, ngắn dần. Để cho chúng trôi qua, dù bạn có rơi vào địa ngục đi nữa cũng đừng lo lắng thái quá, bởi vì bạn biết rằng địa ngục cũng vô thường.

Hành thiền đúng đắn thì bạn sẽ thản nhiên nhìn nghiệp cũ diễn ra và tiêu dần. Hiểu biết cách sinh diệt của sự vật, bạn chỉ cần tỉnh thức, chánh niệm, rồi để chúng tự nhiên trôi chảy theo dòng của chúng. Cũng như trường hợp có hai cội cây, nếu bạn vun phân tưới nước cho một cây và bỏ mặc cây kia thì chẳng cần thắc mắc tại sao một cây lên tốt, còn một cây thì èo uột.

Trung thu

- Sưu tầm

Ðêm thu một nửa long lanh
Lưng trời treo ánh trăng xanh sáng ngời
Lầu Nam yến tiệc chơi vơi
Ðàn lên, sáo trỗi, hoà đôi nhẹ nhàng



Tâm thanh tịnh

- Vu Pham

Trong cuộc sống có lắm điều trăn trở
Trong cuộc vui, luôn ẩn chứa nỗi buồn
Như trên phố bao đèn hoa rực rỡ
Bến sông dài lặng lẽ chiếc xuồng buông

Có những chuyện tưởng chừng như đơn giản
Biết bao điều ẩn chứa ở bên trong
Tâm thanh thản sẽ là điều tốt đẹp
Cứ suy tư … rối rắm mãi trong lòng

Trong cuộc sống nay còn, mai mất
Chấp nhặt chi chuyện nhỏ tầm thường
Tâm thanh tịnh nâng hồn cao muôn trượng
Tiếng trong lành … thánh thót tựa hồi chuông



D.P.A (24)

- Ca dao Phật giáo

Đến đâu thăm cảnh viếng Thầy
Không say mùi đạo cũng khuâng mùi trầm



Determination

- Richard DeVos

If I had to select one quality, one personal characteristic that I regard as being most highly correlated with success, whatever the field, I would pick the trait of persistence. Determination. The will to endure to the end, to get knocked down seventy times and get up off the floor, saying: “Here comes number seventy-one !”

╰▶ Nếu tôi phải chọn một chất lượng, một đặc điểm cá nhân mà tôi nhận thấy sẽ có liên quan mật thiết nhất với thành công, cho dù đó là lĩnh vực nào, tôi sẽ chọn kiên trì, bền bỉ, sự quyết tâm, ý chí để chịu đựng cho đến cùng, để được hạ gục bảy mươi lần và đứng dậy khỏi sàn nhà và nói: “Đây là con số thứ bảy mươi mốt !”