V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Danh ngôn (42)

- Picasso



Bạn chỉ nên trì hoãn những công việc cho ngày hôm sau nếu bạn thấy nếu chết rồi mà chưa làm được công việc đó cũng không sao.

Thoáng trầm tư

- Thích Tánh Tuệ



Ngồi ngắm trần gian thấy cũng vui
Một chân bước tới ... một chân lui
Lắm khi hạnh phúc mà rơi lệ
Giữa tiếng cười in bóng ngậm ngùi

Nhiều lúc cõi ni thấy cũng buồn
Mà sao không muốn bỏ đi luôn
Mải mê ... đời kiến bò quanh quẩn
Để nắng mưa phong kín cội nguồn

Có dạo nằm nghiêng ... ngỡ chết rồi
Ai dè chưa dứt nợ lôi thôi
Đường trần lại cuốn theo dòng chảy
Cơm áo, vui đùa ... nhưng lẻ loi

Vài kiếp sau còn trở lại đây
Rong rêu đời sống ... có chi hay
Khóc, cười, được, mất … vờn như mộng
Trả tiếp niềm vui giá đọa đày

Ngồi đếm trăm năm thấy cũng dài
Thế rồi ... không quá một tầm tay
Nghìn thu gói trọn trong vài phút
Thoảng đến rồi đi như gió bay

Cát bụi vô thường

- Quý Luân



Cuộc sống phù du sướng vui hay buồn
Mai ta về đâu, cát bụi vô thường
Khi bần hàn không ai xót
Xin lễ nghi khi sang giàu
Ôi ! Cuộc đời bao đắng cay

Vòng xoáy thời gian cuốn ta không ngừng
An vui giờ đây chỉ còn muộn phiền
Đêm về nhìn mưa hiu hắt
Ta kẻ tha phương nơi này
Xin đời đừng mãi thương đau

Tìm về chốn, từng là ta
Để được thấy lòng bình yên
Vui từng tiếng kinh cầu
Tâm hồn như đóa hoa sen
Lặng nhìn xuống dòng thời gian
Chợt bừng sáng ngọn đèn tâm
Không gì mãi bên đời
Ai rồi cũng sẽ quay về

Nhìn thấy đời kia ngỡ như còn thuyền
Lênh đênh dòng trôi sóng vỗ chập chùng
Danh lợi rồi như mây khói
Năm tháng phiêu du bên đời
Chỉ còn một chữ TÂM thôi !

Nhân quả báo ứng

( Sưu tầm )



『 Trong cuộc sống luôn tồn tại luật Nhân Quả. Những gì chúng ta làm hôm nay là căn nguyên cho những sự việc sẽ đến với chúng ta trong tương lai. Bởi vậy, hãy luôn sống tốt và không bao giờ phải hổ thẹn với lương tâm của mình, bạn nhé ! 』

Có một người phụ nữ, khi nướng bánh mì cho gia đình mình luôn làm dư ra một cái để cho người nghèo đói. Bà để ổ bánh mì dư trên thành cửa sổ bên ngoài cho người nghèo nào đó đi qua dễ lấy. Và một người gù lưng đều đặn đến để lấy ổ bánh mì đó.

Thay vì nói lời cám ơn, ông ta vừa đi vừa lẩm bẩm những lời như niệm chú:

- “Việc xấu người làm thì ở lại với người, việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người !”

Điều này cứ diễn ra, ngày này qua ngày khác. Mỗi ngày, người gù lưng đến lấy bánh và lại lẩm bẩm câu:

- “Việc xấu người làm thì ở lại với người, việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người !”

Người đàn bà rất bực bội. Bà thầm nghĩ: “Không một lời cám ơn, ngày nào người gù này cũng đến lấy bánh ta làm rồi lải nhải giai điệu khó chịu ấy ! Hắn ta muốn ám chỉ điều gì ?”

Một ngày kia, không chịu được nữa, bà quyết định cho người gù đi khuất mắt. Bà tự nhủ: “Ta sẽ làm cho hắn mất dạng”, và bà đã làm gì, bà cho thuốc độc vào ổ bánh mì dư bà thường làm. Khi bà sắp sửa bỏ ổ bánh có thuốc độc lên thành cửa sổ, đôi tay bà bỗng run lên. Bà hốt hoảng: “Ta làm gì thế này ?”. Ngay lập tức, bà ném ổ bánh có thuốc độc vào lửa và vội làm một cái bánh mì ngon lành khác rồi đem để lên thành cửa sổ.

Như mọi khi, người gù lưng đến, ông ta lấy bánh và lại lẩm bẩm:

- “Việc xấu người làm thì ở lại với người, việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người !”

Ông ta cầm ổ bánh đi cách vui vẻ mà không biết rằng trong lòng người đàn bà đang có một trận chiến giận dữ.

。。。

Có một điều mà không ai biết đó là mỗi khi đặt ổ bánh mì cho người nghèo lên thành cửa sổ, bà lại cầu nguyện cho đứa con trai đi xa tìm việc làm, đã nhiều tháng không nhận được tin tức. Bà nguyện cho con trở về nhà bình an, mạnh giỏi.

Buổi chiều hôm đó, có tiếng gõ cửa. Khi mở cửa ra, bà ngạc nhiên thấy con trai mình đứng trước cửa … Anh ta gầy xọp đi. Quần áo anh rách rưới đến thảm hại. Anh ta đói lả và mệt. Khi trông thấy mẹ, anh ta nói:

– Mẹ ơi, con về được đến nhà quả là một phép lạ. Khi con còn cách nhà mình cả dặm đường, con đã ngã gục vì đói, không đi nổi nữa và tưởng mình sẽ chết dọc đường. Nhưng bỗng có một người gù lưng đi ngang, con xin ông ta cho con một chút gì để ăn, và ông ta đã quá tử tế cho con nguyên một ổ bánh mì ngon. Khi đưa bánh cho con, ông ta nói: “Đây là cái mà tôi có mỗi ngày, nhưng hôm nay tôi cho anh vì anh cần nó hơn tôi !”

Khi người mẹ nghe những lời đó, mặt bà biến sắc. Bà phải dựa vào thành cửa để khỏi ngã. Bà nhớ lại ổ bánh mì có thuốc độc mà bà đã làm sáng hôm nay. Nếu bà không ném nó vào lửa thì con trai yêu quý của bà đã ăn phải và đã chết. Ngay lập tức bà nhớ lại câu nói có ý nghĩa đặc biệt của người gù lưng:

- “Việc xấu người làm thì ở lại với người, việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người !”

Luật nhân quả

` Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP.1, TG. 2013, tr. 316-319
` Nguồn: Đường về xứ Phật - Tập 1



Hỏi:
Luật nhân quả rất công bằng, ai làm thì người đó chịu. Vậy sao trên đời này chẳng thấy có cái gì là công bằng cả. Ví dụ như người siêng năng học tập không chơi bời mà kết quả thi thì cứ thấp hơn những người chơi nhiều học ít. Tại sao vậy ?

Ðáp:
Luật Nhân Quả rất công bằng, ai làm thì người đó chịu, nhưng chúng ta phải có đủ trí tuệ quán xét, chứ không nhìn một cách thông thường mà thấy được sự công bằng ấy. Ví dụ như người siêng năng học tập không chơi bời mà khi kết quả thi thì cứ thấp hơn những người chơi nhiều học ít, nếu nhìn thông thường thì chúng ta thấy luật nhân quả không công bằng, còn chúng ta nhìn suốt lý nhân quả thì mới thấy luật nhân quả không bỏ sót một hành động thiện ác nào mà ta đã tạo nhân trong hiện tại cũng như trong quá khứ.

Cho nên, luật nhân quả gồm có bốn góc độ nhìn:

- Thứ nhất: NHÂN HIỆN TẠI - QUẢ HIỆN TẠI
- Thứ hai: NHÂN QUÁ KHỨ - QUẢ HIỆN TẠI
- Thứ ba: NHÂN HIỆN TẠI - QUẢ TƯƠNG LAI
- Thứ tư: NHÂN NGƯỜI NÀY - QUẢ NGƯỜI KHÁC CHỊU, do chùm nhân quả

Ví dụ trên về người sinh viên thì phải nhìn nhân quá khứ - quả hiện tại, thì mới thấy luật nhân quả công bằng, còn nhìn nhân hiện tại, quả hiện tại thì luật nhân quả không công bằng, đó là nhìn sai. Thường mọi người chỉ nhìn thấy nhân hiện tại, quả hiện tại, chứ không chịu thấy những nhân quả ở các góc độ khác nhau, vì vậy đôi khi thấy nhân quả không công bằng. Ví dụ như một người ăn cắp mà không bị bắt quả tang tại trận, không bị đánh đập, không bị tù tội thì cho đó là nhân quả không công bằng. Như vậy là cái nhìn nhân quả không đúng, chứ không phải nhân quả không công bằng. Luật nhân quả có sự chuyển biến thay đổi theo từng sát na, từng giây, từng phút không để một kẽ nhỏ của thời gian thiếu công bằng. Nếu một hành động thiện vừa làm là có sự thay đổi nghiệp quả ngay liền chuyển biến sự đau khổ của người làm thiện. Thiện ở đây có ba nơi xuất phát:

1. Thân hành thiện
2. Khẩu hành thiện
3. Ý hành thiện

Chỉ một ý hành thiện vừa khởi là chúng ta cũng cảm thấy quả khổ tiêu tan ngay liền.

Ví dụ 1:

Một người đang tức giận bị người khác mắng chửi, họ chỉ cần khởi niệm: “Ðời trước ta đã gieo nhân này nên ngày nay ta phải trả” hoặc “Người này là người đáng thương họ đang tạo nhân quả ác”. Khi nghĩ như vậy là ngay liền họ hết khổ. Phải biết, đang tức giận là đang trả quả ác (khổ), đang chửi mắng là đang tạo nhân ác.

Ví dụ 2:

Khi ta vừa khởi niệm người ấy xấu ác là nhân thì ngay đó liền có quả ta phiền não và đau khổ. Cho nên, phải quán xét nhân quả trong nhiều góc độ khác nhau thì ta mới thấy luật nhân quả công bằng, và công bằng tuyệt đối. Do công bằng tuyệt đối nên không sai một hào li, vì không sai một hào li nên người nào không đủ trí tuệ quán xét tế nhị thì không thấu rõ, vì vậy cho rằng luật nhân quả không công bằng.

Ví dụ như người siêng năng học tập không chơi bời mà khi kết quả thi thì cứ thấp hơn những người chơi nhiều học ít, là vì người học sinh ấy học hành không có phương pháp nên học nhiều mà không nhớ (nhân hiện tại), do đó kết quả thi thì cứ điểm thấp (quả hiện tại). Còn người học ít nhưng lại học có phương pháp nên nhớ không quên (nhân hiện tại), do đó kết quả thi thì điểm cao (quả hiện tại). Vì công bằng cho nên luật nhân quả không phải chỉ có ở góc độ nhân quả hiện tại mà còn ở nhiều góc độ khác nữa, khi nào các con học đạo đức nhân bản – nhân quả thì các con sẽ hiểu rõ hơn nhiều về sự công bằng của luật nhân quả. Các con cứ thử nghĩ xem, luật nhân quả chi phối điều hành khắp vũ trụ này, nếu chỉ một sát na không công bằng thì vũ trụ này sẽ đổ nhào và không còn trật tự, tất cả vạn vật đều bị rối lọan và bị tiêu diệt.

Với đôi mắt và trí óc phàm phu không thể nào nhìn thấu suốt quy luật hoạt động của nhân quả, người này thấy góc độ này, người kia thấy góc độ khác, chứ chẳng thấy bao giờ thấy toàn diện.

Nhân quả là gì ?

` Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP.6, TG.2013, tr.65-74
` Nguồn: Sách: Đường Về Xứ Phật - Tập 6



● CON NGƯỜI TỪ ĐÂU SANH RA ?

Con người từ nhân quả sanh ra, sống trong nhân quả, chết đi về nhân quả.

Các tôn giáo khác, thường có câu hỏi: “Con người từ đâu sanh ra, sau khi chết con người đi về đâu ?”. Có tôn giáo cho con người sanh từ đấng Tạo Hóa, có tôn giáo cho con người sanh ra từ khí Âm và khí Dương, có tôn giáo cho con người sanh ra từ Ðại Ngã, có tôn giáo cho con người từ Bản Thể Vạn Hữu sanh ra, có tôn giáo cho con người sanh ra từ miệng Phạm Thiên, có tôn giáo cho con người do đức Chúa Trời sinh ra, v.v.v.

Tất cả những giả thuyết trên đúng hay sai chúng ta không có ý kiến, nhưng trong tôn giáo Phật giáo, đức Phật đã xác định: “Con người từ nhân quả sanh ra, sống trong nhân quả, và chết trở về nhân quả”. Ðó là lời xác quyết rất hùng hồn, chỉ vì Ngài đứng trên lập trường “duyên hợp” của các pháp. Trong thế gian này không có một vật thể nào độc lập riêng lẽ tự nó, tất cả vạn vật sanh ra đều do các duyên hợp mà thành.

Các pháp sanh ra đều phải do có hành động, có hành động mới sanh ra được, nói một cách khác, các duyên hợp lại phải trực tiếp qua các hành động. Hành động không có sự hiểu biết, mà sự hiểu biết có được là nhờ vào tri thức, nhưng tri thức hiểu biết chỉ biết trong giới hạn “hữu hạn” của không gian và thời gian, ngoài giới hạn đó thì tri thức không hiểu rõ, vì thế sự hiểu biết của tri thức còn trong vô minh. Hành động thiện hay ác,tri thức đều không biết, cho nên tri thức tạo tác những hành động thân, miệng, ý khiến cho mình khổ và người khác khổ. Mà hễ có hành động làm nhân tức là có quả.

Phật dạy: “Vô minh sanh hành, hành sanh thức”, vì vậy con người từ hành động vô minh sanh ra, nói cách khác, trả lời cho đúng câu hỏi trên: “Con người từ nhân quả sanh ra !”

● NHÂN QUẢ LÀ GÌ ?

Nhân quả là chữ Hán, nhân có nghĩa là hạt - quả:có nghĩa là trái, gồm chung hai chữ nhân quả lại, theo nghĩa đen của nó là hạt và trái. Hạt giống nào sẽ cho trái nấy, không thể cho trái khác được. Ví dụ hạt cam khi gieo lên thành cây sẽ cho trái cam, hạt chanh sẽ cho trái chanh, không thể nào hạt cam mà cho trái chanh được, cũng như hạt chanh không thể nào cho trái cam được, v.v.v... Còn nghĩa bóng là hành động thiện hay ác, nếu hành động thiện thì được phước báo an vui, còn hành động ác thì phải thọ lấy sự đau khổ, tức là hành động nào sẽ gặt lấy hậu quả của hành động nấy. Ví dụ như hành động trộm cắp thì phải gặt lấy hậu quả của hành động trộm cắp là bị bắt ở tù, hoặc bị người mất của bắt được đánh đập, có khi họ giết chết. Hậu quả của sự tham lam trộm cắp, không những ở trong kiếp hiện tại nghèo nàn, đói khổ mà còn kéo dài trong các kiếp vị lai nữa. Cho nên, nhân quả tham lam đem lại sự nghèo đói bất hạnh. Là con người, chúng ta phải tránh gieo nhân quả trộm cắp, cướp giựt của người khác. Do trong đời nay không tham lam trộm cướp của người khác thì đời sống nó sẽ được no cơm ấm áo, nếu càng gieo nhiều nhân quả tham lam trộm cắp thì đời sống của nó sẽ đói khổ vô cùng và sẽ đói khổ trong nhiều kiếp.

Kẻ làm ác giết hại chúng sanh, ăn thịt chúng sanh thì hậu quả sẽ bị tai ương, bệnh tật, khổ đau, hoạn nạn hoặc bị sự giết hại của kẻ khác, bằng cách này hoặc bằng cách khác, v.v.v… Hành động thiện thì hưởng được phước báo như cơm ăn áo mặc đầy đủ, cuộc sống gặp nhiều may mắn, trong nhà hòa thuận vui tươi, con cái hiếu hạnh, biết vâng lời dạy bảo của cha mẹ. Còn hành động ác thì thọ khổ như bệnh tật, tai nạn, trong nhà thường rầy rà, bất hòa chẳng an, con cái cãi lời cha mẹ, đi chơi bỏ học hành, trộm cắp tiền của cha mẹ, thường làm gia đình khổ, người khác khổ.

Luật nhân quả rất công bằng và công lý không ai có thể lo lót, hối lộ tiền bạc mà hết khổ được, dù có quyền thế tiền bạc đến đâu, luật nhân quả vẫn công bằng, không tư vị. Vì thế, người gieo nhân ác không thể cầu khẩn chư Phật, chư Bồ Tát hay Ngọc Hoàng Thượng Ðế, cũng như các bậc Thánh Vạn Năng cứu giúp cho mình được. Nên vấn đề cầu an, cầu siêu, cầu xin ban phước lành, … chẳng bao giờ có được, chỉ là một trò lừa bịp lường gạt người khác, chẳng có ích lợi gì mà còn hao tài tốn của vô lối chẳng ích lợi gì cho ai cả.

● NHÂN QUẢ DO ĐÂU MÀ CÓ ?

Nhân quả xuất phát do ba chỗ trong bản thân của mỗi con người, đó là do ba nơi thân, miệng, ý. Ba nơi này là ba nơi nhân quả thường hoạt động khiến cho con người chịu khổ đau cũng như hưởng hạnh phúc, an vui. Hành động thân, hành động miệng và hành động ý đều xuất phát nhân quả thiện hay ác. Nếu xuất phát nhân quả thiện thì người ấy được an vui, thanh thản và hạnh phúc, cuộc sống cơm ăn áo mặc, tiền của dư giả không thiếu hụt, ít tai nạn, ít bệnh tật, thường được mọi người yêu mến và kính trọng, cuộc sống đầy dẫy hạnh phúc an vui, dù bất kỳ ở nơi đâu cũng vậy. Ngược lại, ba nơi ấy xuất phát nhân quả ác, thì người ấy phải chịu nhiều tai ương hoạn nạn, bệnh tật khổ đau kéo đến bủa vây, trong nhà thường xảy rầy rà bất hòa, lúc nào cũng cơm chẳng lành canh chẳng ngon, khiến cho tâm hồn người ấy đau khổ, bất an, v.v.v... Thân, miệng, ý là ba nơi hoạt động của nhân quả. Tạo ác làm mình khổ, người khác khổ và tất cả chúng sanh, tạo thiện giúp mình hết khổ, người khác hết khổ và tất cả chúng sanh hết khổ.

Vậy ai là người chủ động hoạt động tại nơi ba chỗ này ? Ba chỗ này không có người chủ động hoạt động, chỉ có “Vô minh và Minh” chủ động hoạt động mà thôi. Nếu vô minh hoạt động nơi ba chỗ này tạo nhân quả ác, chuyển thành nghiệp lực ác thì con người phải chịu khổ đau tận cùng và tiếp tục tái sanh luân hồi mãi mãi trong vòng nghiệp lực ấy. Nghiệp lực do từ hành động Minh hay Vô minh của thân, miệng, ý đã tạo ra nhân quả hạnh phúc hay khổ đau cho chính mình.

Thấu hiểu được lý duyên hợp của các pháp do vô minh mà định luật nhân quả luân hồi sâu sắc này mới có, nên đức Phật đã dạy chúng ta thấu suốt “Mười hai nhân duyên” do “Vô minh” hợp lại thành một thế giới khổ đau mà con người và chúng sanh phải chịu lấy cái đau khổ này mãi mãi từ đời này sang đời khác vô cùng, vô tận. Muốn thoát khổ của kiếp làm người và thân chúng sanh, Đức Phật đã dạy cho chúng ta “Minh” để thấu suốt lý nhân quả và đập tan “Mười hai nhân duyên”, phá sạch thế giới đau khổ, giải phóng con người thoát khổ, chấm dứt luân hồi, làm chủ sanh tử.

Vì thế, người học Phật mà không có trí tuệ “Minh”, không phá vỡ “Mười hai nhân duyên” thì chỉ là một học giả nghiên cứu giáo pháp của Phật để nói láo ăn tiền. Muốn phá vỡ “Mười hai nhân duyên” người tu sĩ đạo Phật phải rèn luyện cái thấy của mình đối với các pháp bằng “đôi mắt nhân quả” và sống đúng đời sống “phạm hạnh” như Phật, thì mười hai nhân duyên sẽ tan rã, thế giới khổ không còn, người tu sĩ giải thoát hoàn toàn.

● CON NGƯỜI SANH RA DO TỪ BA HÀNH ĐỘNG CỦA THÂN - MIỆNG - Ý

Con người sanh ra do ba hành động thân, miệng, ý của nó trong đời sống trước. Nếu trong ba hành động thân, miệng, ý này do “Vô minh” điều khiển tác động thì thế giới đau khổ của một con người sẽ bắt đầu mở ra. Nếu ba hành động thân, miệng, ý này do “Minh” điều khiển thì thế giới khổ đau của một con người sẽ bắt đầu chấm dứt. Ba nơi này thường tạo ra nghiệp lực của con người theo hành động nhân quả. Như Đức Phật đã dạy cho chúng ta biết, khi con người chết, hoàn toàn không còn một vật gì thường hằng bất di, bất dịch, chỉ còn nghiệp lực thiện hay ác tiếp tục tái sanh mà thôi. Ba nơi thân, miệng, ý này sanh ra nghiệp lực, nghiệp lực này mãi mãi tiếp tục sanh tử luân hồi, cho nên nói do ba hành động này con người từ đó sanh ra là vậy.

Phật ở trong tâm

- Mai Quốc Huy



Tâm Phật là ở trong ta
Tìm đâu ngày tháng xa hoa vô thường
Yêu đương, nhân thế mê lầm
Lòng ta giải thoát chữ Tâm là Phật
Phật là Phật ở trong Tâm
Tu tâm tu tánh, Phật là Phật tâm

Một nén nhang mang chút lòng thành
Lạy Phật cung kính, cho con vẹn toàn
Một nỗi đau ngang trái cuộc đời
Một lòng thương xót mới là Phật tâm

Chư Phật mãi ở trong ta
Tu đâu cũng phải tu tâm cho mình
Nam mô A-di-đà Phật
Cầu cho nhân thế thân tâm an lành
Người người cuộc sống an vui
Tu tâm dưỡng tánh, Phật là Phật tâm

Bất lực

- Trích: “Nếu em an lành, đó là ngày nắng” | Bạch Lạc Mai |



“Bươm bướm không bay qua được biển xanh, nhưng không ai nhẫn tâm trách nó …” - Câu nói này dường như xuất phát từ ca từ, cho dù là ai viết, rất nhiều người đã yêu nó như vậy. Đó là vì cuộc đời tràn ngập quá nhiều điều bất lực, chúng ta đều hiểu rằng trên biển cả mênh mông vô bờ bến, bạn hay tôi chính là chú bươm bướm nhỏ bé yếu ớt đó, mặc dầu có một đôi cánh, nhưng rốt cùng cũng không bay qua nổi hải vực bao la, không bay qua nổi vạn dặm non bồng. Nắm một cây sào dài, một mình trên chiếc thuyền lan, có bao nhiêu người hiểu được triết lý gặp đâu vui đó, biết được điểm dừng ?

Nhiều khi chúng ta luôn ngưỡng mộ những đôi tình nhân nắm tay dạo bước trong mưa bụi đó, ngưỡng mộ những người tình ngồi dựa vào nhau đầy tình cảm trên ghế sofa đó, ngưỡng mộ những cặp vợ chồng bình thường xách làn mua rau cùng nhau đi về đó. Trên con đường hồng trần có biết bao mưa gió, khách đến khách đi, duyên định tam kiếp có thể có được mấy người ? Trăng tròn trăng khuyết, chỉ là luôn đưa tiễn sự ly biệt sinh tử của con người, mà vầng trăng sáng thuần khiết ấy, chả lẽ chưa từng biến đổi sao ? Nhân thế mênh mang, nghìn năm trôi qua trong phút chốc, nhân loại kỳ thực luôn lặp lại những câu chuyện giống nhau, những ấm lạnh yêu hận giống nhau. Mùa xuân làm lễ tế Chưng, mùa thu làm lễ tế Thường, ngày tháng giống như chất nên từ từng viên gạch từng phiến ngói, đến cuối cùng, không ai có thể tìm được bức tường thành nào thuộc về riêng mình.

Đạo và Đời

` Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP.1, TG. 2013, tr. 310-312
` Nguồn: Sách: Đường Về Xứ Phật - Tập 1


Hỏi:

Kính thưa Thầy ! Có phải đường đời và đường đạo là hai ngả cách ngăn không sao dung hòa được phải không thưa Thầy ? Con thường nghe người ta nói, khi một người thành công trên đường đời thì không thành công trên đường đạo. Có phải vậy không ?

Ðáp:

Lời nói này không đúng con ạ ! Người ta đứng trên góc độ những tôn giáo mê tín mà nói thì đời và đạo là hai ngả, còn đứng trên góc độ những tôn giáo đạo đức, không mê tín thì đời và đạo là một ngả.

Tại sao vậy ? Bởi tôn giáo mê tín là tôn giáo lừa đảo mọi người nên đời đạo cách xa như hai ngả đường, còn tôn giáo không mê tín là tôn giáo đạo đức, tôn giáo đạo đức là đời sống của con người, nên đời và đạo không hai. Nếu đời sống con người không đạo đức là đời sống của loài thú vật, đời sống đau khổ, đời sống u tối như bóng đêm. Còn đời sống có đạo đức là đời sống tôn giáo như đạo Phật Nguyên Thủy, đạo Ông Bà, đạo Nho Giáo. Cho nên, tôn giáo nào không chứng minh được rõ ràng mục đích, thường không cụ thể, không thực tế, mơ hồ, ảo tưởng ... là tôn giáo mê tín, còn tôn giáo nào chứng minh được rõ ràng mục đích cụ thể, không mơ hồ, ảo tưởng thì tôn giáo đó là tôn giáo đạo đức của con người. Vì thế, đạo đức của con người thì làm sao gọi là đời và đạo hai ngả ? Nếu đời sống không có đạo đức là đời sống của loài thú vật. Có đúng như vậy không các con ? Còn đời sống có đạo đức là đời sống có tôn giáo, chứ không phải theo tôn giáo mới gọi là có tôn giáo. Các con có hiểu ý này không ?

- Thành công trên đường đời mà không thành công trên đường đạo là thành công trên đường ác.

- Thành công trên đường đời mà thành công trên đường đạo là thành công trên đường thiện.

Cho nên đời có đạo là đời thêm tươi, thêm hạnh phúc cho mình và cho muôn người, muôn vật, còn đạo không đời là không phải đạo ... Ví dụ một người giàu có mà không đạo đức là người bóc lột mồ hôi công sức của những người khác. Ðây là thành công trên đường đời mà không thành công trên đường đạo. Cho nên, đời thì phải có đạo mà đạo thì phải có đời, đời mà không có đạo là đời sống của loài thú vật như trên đã nói, còn đạo mà không có đời thì làm đạo cho ai. Ðến đây các con đã hiểu đời như thế nào là đời đúng, hiểu đời như thế nào là đời sai, và đạo như thế nào là đạo đúng, đạo như thế nào là đạo sai … ?

Danh ngôn (41)

- Thân Hàm Quang



Người quân tử thì ta nên thân nhưng không nên quá phục mà phụ họa.
Kẻ tiểu nhân thì ta nên tránh, nhưng không nên ruồng rẫy như kẻ thù.

Đoan Ngọ

- Thơ Nguyễn Xuân Huy
- Nguồn: VanDanViet.Net



“Cả đời đục cả, một mình ta trong
Mọi người say cả, một mình ta tỉnh …”


Khuất Nguyên u sầu than vấn
Rồi trầm mình cùng phiến đá xuống dòng Mịch La
Đã mấy ngàn năm sự tích
Phú Hoài Sa
Khoảng trời xa ...
Có đi vào quên lãng ?
Không !
Tinh thần ấy còn đây tập tục
Tắm tiên - nước nguồn đã gạn đục khơi trong
Gầu nước mát khỏa tâm hồn sáng láng
Cho con người tỉnh táo
Tan chảy những làn say

Và đây
Bao loài sâu bọ
Cũng gục bầy
Khi thấm vị thuốc thang
Chát - Chua mong diệt lũ tham tàn
Vọng hồn trong sắc mây lan
Mùa về Đoan Ngọ ngập tràn tâm tư
Ước đời vui mái an cư
ĐỤC - TRONG - SAY - TỈNH ... ngẫm từ cõi xưa

Khuất Nguyên và Sự tích Tết Đoan Ngọ

- Thái Doãn Hiểu


Khuất Nguyên (340-278 trCN) là nhân vật lỗi lạc thời cổ đại Trung Hoa cả về cuộc đời, nhân cách và nghệ thuật thơ ca. Ông là danh nhân văn hóa thế giới (1953).

Tên thật là Bình. Ông là quan đại phu của nước Sở (tỉnh Hồ Nam). Xuất thân từ dòng dõi vương tộc nhưng đã sa sút từ đời cha, gần hàng thứ dân. Sử gia Tư Mã Thiên nhận xét “Khuất Nguyên học rộng nhớ nhiều, sáng suốt về chính trị, thông thạo về hiến lệnh”. Ông sớm được vua Sở trọng dụng, cân nhắc lên hàng lương đống của triều đình (chức Tả tư đồ, dưới Lệnh doãn – Tể tướng). Đối nội, Khuất Nguyên chủ trương cải cách xã hội bằng những biện pháp nhằm hạn chế đặc quyền của bọn đại quý tộc, chủ trương “cân nhắc người hiền, trao quyền cho người có tài năng”. Đối ngoại, chủ trương liên Tề chống Tần, Khuất Nguyên bị đả kích kịch liệt vì điều đó mâu thuẫn với đường lối quyền lợi của bọn đại thần.

Thuở đó - thời Chiến quốc, tình trạng xâu xé nhau giữa sáu nướcTần, Sở, Tề, Ngụy, Hàn, Yên đã đi đến chỗ quyết định. Sở từ chỗ cường thịnh đi đến chỗ bại vong, nguy cơ bị Tần thôn tính. Dao động, bất lực và ngu muội, nghe theo lời xúc xiểm của bọn nịnh thần gian tham Tử Lan, Ngận Thượng và sủng cơ Trịnh Tụ bị quân thù mua chuộc mà phản bội, lại mắc mưu ly gián của bọn gián điệp Trương Nghi, Sở Hoài vương dần dần bỏ rơi Khuất Nguyên, cách chức Tả tư đồ, thậm chí còn đày ông đi Hán Bắc (298 trCN). Sau đó, được gọi về. Nước Sở một phen nguy ngập. Khuất Nguyên chỉ rõ địch-ta, thù-bạn, hiền tài - gian đảng cùng phương cách cứu nước, do đó nước Sở tai qua nạn khỏi. Sau khi Sở Hoài vương bỏ mạng ở đất Tần bởi tình nguyện làm con tin, Khoảnh Tương vương lên nối ngôi. Tình hình chính trị Sở càng thối nát, suy yếu. Nghe lời xúi giục của Lệnh doãn Tử Lan, Ngận Thượng, Tương vương đày ông về Giang Nam. Ông qua hồ Động Đình, vượt vùng sông Nguyên, sông Tương, đến mãi tận sông Mịch La. Khi nước Sở bị Tần diệt đúng như lời tiên tri của ông, tướng Tần là Bạch Khởi công phá kinh thành Sính của Sở. Đau xót quá, Khuất Nguyên uất ức buộc đá vào cổ dìm mình xuống sông Mịch La, mong lấy cái chết thức tỉnh triều đình và dân chúng. Đó là trưa (ngọ) ngày 5-5 âl năm 278 trCN.

Về sau, để tưởng nhớ một vị đại thần và nhà thơ yêu nước trung trinh, hàng năm cứ vào ngày 5-5 âl, toàn dân Trung Quốc tổ chức ăn tết, đặt tên là Tết Đoan Ngọ để tưởng niệm Khuyất Nguyên. Ở tỉnh Hồ Nam trở thành một ngày hội thật sự, trống dong cờ mở đua thuyền vang rộn cả một quãng sông Mịch La nơi trước đây Khuất Nguyên trầm mình. Ở Việt Nam ngày đó ta cũng thờ cúng dưới cái tên Tết Đoan Ngọ, có nơi như miền Trung biến tướng thành Tết Giết Sâu Bọ.

● Tết Đoan Ngọ trên sông Mịch La

Về thơ ca, Khuất Nguyên có Ly Tao (1) (Nỗi buồn biệt ly) một trường ca gồm 372 câu. “Cửu chương” gồm 9 bài thơ ngắn. “Cửu ca” gồm 11 bài thơ ngắn trong tập Sở từ (Tiếng hát nước Sở), Thiên vấn (Hỏi trời). Với Ly Tao,Thiên vấn, Sở từ … bằng thơ ca của mình “chí ông sạch nên ông hay nói đến hoa thơm cỏ lạ, tính ông liêm nên dù chết ông cũng không chịu buông lỏng. Bị ngập trong bùn lầy, ông thoát ra khỏi chỗ nhơ đục, băng mình ra ngoài đám bụi trần, không để cho nó dây bẩn …” (Tư Mã Thiên - Sử ký). Tác phẩm thơ ca của người đã đưa Khuất Nguyên lên hàng đầu những nhà thơ Trung Quốc. Thành tựu huy hoàng đó là cuộc cách tân mạnh mẽ, xác lập một cách vững vàng nghệ thuật thơ ca trác việt thời cổ đại, làm khuôn mẫu cho người đời sau.

Khuất Nguyên để lại cho đời một giai thoại thú vị về SAY - ĐỤC - TỈNH - TRONG. Chuyện kể rằng, nghe lời dèm pha của Cận Thượng cùng lũ gian thần, Sở vương nổi giận đuổi Khuất Nguyên ra khỏi vương triều. Khuất Nguyên, quần áo xốc xếch thất thểu đi bên bờ sông, thân thể khô đét, mặt mày phờ phạc. Ông vừa đi vừa hát, than khóc cho số phận bất hạnh của nước Sở nay mai. Những lời cay đắng khóc thương này đã nảy sinh ra tập thơ Ly Tao bất hủ.

Chợt một ông lão đánh cá trông thấy, kêu lên: “Có phải Tam lư Đại phu đó không ? Trời ơi ! Làm sao ra nông nỗi này ?”

Khuất Nguyên bi phẫn: “Đời đục cả, riêng một mình ta trong. Mọi người say cả, chỉ mình ta tỉnh. Ta bị đuổi chỉ vì có thể.”

Lão ngư phủ bàn góp: “Thánh nhân xưa nay xử sự uyển chuyển không câu nệ, biết việc tùy thời. Có phải đời đục cả, sao ông không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục ngầu một thể, loài người say cả, sao ông không ăn cả men, húp cả bã cho say nốt ? Việc gì phải lo xa, nghĩ sâu để đến nỗi bị xua đuổi, thân tàn ma dại ?”

Bị xúc phạm, Khuất Nguyên cãi: “Tôi nghe mới gội đầu, tất phải chải mũ, mới tắm tất phải thay quần áo, có đâu lại chịu đem cái thân trong sạch để cho vật dơ bẩn dính vào mình, chẳng thà nhảy xuống sông Tương vùi xác trong bụng cá, cớ chi đang trắng lôm lốp để vấy phải bùn nhơ ?”

Ông lão đánh cá nghe xong tủm tỉm cười, quay thuyền chèo đi, hát bâng quơ:

“Sông Tuơng nước chảy trong veo
Thì ta đem giặt sạch cái lèo mũ ta
Sông Tương nước đục phù sa
Thời ta lội xuống để mà rửa chân …”


Hát xong, chèo đò đi thẳng, không ngoái cổ lại. Khuất nguyên lòng đầy cay đắng đứng sững nhìn theo.

Sau cái chết bi tráng của Khuất Nguyên, Tống Ngọc - nhà thơ đương thời làm bài phú nổi tiếng “Chiêu hồn” gọi hồn thầy mình hãy về dương gian đừng bơ vơ lạc lõng nơi đầu sông ngọn sóng. Về sau, trên 2.000 năm khi đi sứ qua Mịch La, sứ thần nhà thơ Nguyễn Du đã viết bài “Phản chiêu hồn” (Chống lại bài chiêu hồn) của Tống Ngọc. Tống Ngọc chiêu hồn Khuất Nguyên về, Nguyễn Du khuyến đừng về. Vì sao ? Bởi người đời sau ai ai cũng đều là Thượng Quan Ngận Thương, mặt đất đâu đâu cũng đều là sông Mịch La đầy cá rồng, thú dữ. Bọn gian thần đứng ngồi như các bậc hiền giả, lên xe xuống ngựa, nói năng toàn là giọng đạo đức ông Cao ông Quỳ, che giấu vuốt nanh cùng nọc độc, nhưng nhai xé thịt người ngọt xớt như đường. Hồn mà về chẳng có gì tốt đẹp nơi đây cả, cá sấu thuồng luồng không xơi thì lũ người thú kia cũng xâu xé … Nguyễn Du đã nhìn thấu cõi đời nhơ bẩn xấu xa, thối nát đâu đâu thời nào cũng đầy rẫy bọn tham quan ô lại độc ác, phản nước hại dân. Bài thơ là một kiệt tác giàu chất hiện thực phê phán và đầy tính nhân văn.

Nguyên tác và bản dịch bài thơ của nhà thơ Nguyễn Du:

PHẢN CHIÊU HỒN

Hồn hề ! Hồn hề ! Hồn bất quy ?
Đông tây nam bắc vô sở y
Thướng thiên há địa giai bất khả
Yên, Dĩnh thành trung lai hà vi ?
Thành quách do thị, nhân dân phi
Trần ai cổn cổn ô nhân y
Xuất giả khu xa, nhập cứ tọa
Tọa đàm lập nghị giai Cao, Quỳ
Bất lộ trảo nha dữ giác độc
Giảo tước nhân nhục cam như di
Quân bất kiến Hồ Nam sổ bách châu
Chỉ hữu sấu tích, vô sung phì
Hồn hề ! Hồn hề ! Suất thử đạo
Tam Hoàng chi hậu phi kỳ thì
Tảo liễm tinh thần phản thái cực
Thận vật tái phản linh nhân xi
Hậu thế nhân gian giai Thượng Quan
Đại địa xứ xứ giai Mịch La
Ngư long bất thực, sài hổ thực
Hồn hề ! Hồn hề ! Nại hồn hà ?

Dịch:

Hồn ơi ! Sao chẳng trở về ?
Ðông tây nam bắc chở che chốn nào ?
Dù đất thấp trời cao chẳng ổn
Yên, Dĩnh đành lạc lõng như nhau
Thành đây, dân cũ còn đâu
Bụi đời mù mịt dơ màu áo xưa
Ra xe đưa, vào ngồi chễm chệ
Bàn bạc xem ra vẻ hiền thần
Vuốt nanh, nọc độc chứa ngầm
Thịt người cắn xé như đường nuốt ngon
Hồ Nam kia thấy không trăm xóm
Toàn những người gầy ốm xanh xao
Hồn ơi ! Lối ấy theo nhau
Ðời Tam Hoàng trước lấy đâu hợp thời
Thu tinh thần về nơi Thái cực
Chớ về đây người chực mỉa mai
Thượng quan thời buổi ai ai
Khắp trên đất rộng sông dài: Mịch La !
Cá rồng nuốt, sói hùm tha
Hồn ơi ! Hồn hỡi ! Hồn mà làm sao ?

Thời gian như nước, ngày tháng như sen

● Trích: “Năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình yên” | Bạch Lạc Mai |



Thời gian như nước, phẳng lặng là tươi đẹp
Ngày tháng như sen, bình dị là tao nhã

Ba câu hỏi

` Trích từ “Phép lạ của sự tỉnh thức” - Thích Nhất Hạnh
` Theo Bwportal

Có một vị vua, một hôm chợt nghĩ rằng, giá mà trả lời được ba câu hỏi thì vua sẽ không bao giờ bị thất bại trong bất cứ công việc nào. Ba câu hỏi ấy là …

1. Làm sao để biết được thời gian nào là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi công việc ?

2. Làm sao để biết được nhân vật nào là nhân vật quan trọng nhất mà ta phải chú trọng ?

3. Làm sao để biết được công việc nào là công việc cần thiết nhất mà ta phải thực hiện ?



Nghĩ thế, vua liền ban chiếu ra khắp trong bàn dân thiên hạ, hứa rằng sẽ ban thưởng trọng hậu cho kẻ nào trả lời được ba câu hỏi đó. Rất nhiều bậc hiền thần tìm đến thử sức nhưng không câu trả lời nào làm vua thoả mãn.

Vua quyết tâm đi tìm hỏi một vị đạo sĩ tu trên núi. Nhà vua cải trang làm thường dân, khi đi đến chân núi vua dặn vệ sĩ đứng chờ ở dưới và một mình trèo lên am của ông Đạo. Nhà vua gặp ông Đạo đang cuốc đất trước am. Ông Đạo đã già, tỏ ra mỏi mệt. Nhà vua tới gần ông Đạo và nói: “Tôi tới đây để xin ông Đạo trả lời giúp ba câu hỏi, làm thế nào để biết đúng thì giờ hành động, đừng để cơ hội qua rồi sau phải hối tiếc ? Ai là những người quan trọng nhất mà ta phải chú ý tới nhiều hơn cả ? Và công việc nào quan trọng nhất cần thực hiện trước ?”

Ông Đạo lắng nghe nhưng không trả lời, tiếp tục cuốc đất. Nhà vua nói: “Ông Đạo mệt lắm rồi, thôi để tôi cuốc một lát !”, cuốc xong hai vòng đất, vua ngừng tay và lặp lại câu hỏi. Ông Đạo vẫn không trả lời. Ông Đạo vẫn không trả lời và đòi cuốc đất nhưng nhà vua thay vì trao cuốc lại tiếp tục cúi xuống cuốc đất. Mặt trời bắt đầu khuất sau đỉnh núi. Nhà vua ngừng tay, buông cuốc và nói với ông Đạo: “Tôi tới để xin ông Đạo trả lời cho mấy câu hỏi, nếu ông Đạo không trả lời cho tôi câu nào hết thì xin cho tôi biết để tôi còn về nhà.”

Chợt lúc đó, ông Đạo nghe tiếng chân người chạy đâu đây bèn nói với nhà vua: “Bác thử xem có ai chạy lên kìa !”, đó là một người đàn ông đang bị thương nặng ở bụng, ông ta cố chạy tới chỗ nhà vua và ngất xỉu giữa đất, nằm im bất dộng, miệng rên rỉ. Vua và ông Đạo cởi áo người đó ra thì thấy có một vết đâm sâu nơi bụng. Vua rửa chỗ bị thương thật sạch và xé áo của mình ra băng bó vết thương. Nhưng máu thấm ướt cả áo. Vua giặt áo và đem băng lại vết thương. Cứ như thế cho đến khi máu ngưng chảy.

Lúc bấy giờ người bị thương mới tỉnh dậy và đòi uống nước. Vua chạy đi múc nước suối cho ông ta uống. Khi đó mặt trời đã khuất núi và bắt đầu lạnh. Nhờ sự hỗ trợ của ông Đạo, nhà vua khiêng người bị nạn vào trong am và đặt nằm trên giường của ông Đạo. Ông ta nhắm mắt nằm im. Nhà vua cũng mệt quá vì leo núi và cuốc đất cho nên ngồi dựa vào cánh cửa mà ngủ thiếp đi. Vua ngủ ngon cho đến nỗi khi nhà vua thức dậy thì trời đã sáng và phải một lúc lâu sau vua mới nhớ được là mình đang ở đâu và đang làm gì.

Vua nhìn về phía giường thì thấy người bị thương cũng đang nhìn mình chòng chọc, hai mắt sáng trưng. Người đó thấy vua tỉnh giấc thì cất giọng rất yếu:

- Xin bệ hạ tha tội cho thần !

Vua đáp:

- Ông có làm gì nên tội đâu mà phải tha ?

- Bệ hạ không biết hạ thần nhưng hạ thần biết bệ hạ. Hạ thần đã thù bệ hạ từ lâu. Hôm nay quyết lên đây để giết bệ hạ, rình dưới núi mãi không thấy bệ hạ xuống, định mò lên núi tìm giết bệ hạ thì bị các vệ sĩ đâm trọng thương. Nếu không có bệ hạ thì chắc hạ thần đã chết. Hạ thần hối hận quá. Giờ đây nếu hạ thần còn sống được thì hạ thần nguyện làm tôi mọi cho Bệ hạ suốt đời.

Thấy mình hòa giải được với kẻ thù một cách dễ dàng, nhà vua rất vui mừng. Vua không những hứa tha tội cho người kia mà còn hứa sẽ trả lại gia sản cho ông ta và gửi ngay thầy thuốc cùng quân hầu tới săn sóc cho ông ta lành bệnh. Sau khi cho vệ sĩ khiêng người bị thương về, nhà vua trở lên tìm ông Đạo để chào.

Trước khi ra về vua còn lặp lại lần cuối ba câu hỏi của vua. Ông Đạo đang quỳ gối xuống đất mà gieo những hạt đậu trên những luống đất đã cuốc sẵn hôm qua. Vị đạo sĩ đứng dậy nhìn vua đáp:

- Nhưng ba câu hỏi của vua đã được trả lời rồi mà. Hôm qua nếu vua không thương hại bần đạo già mà ra tay cuốc dùm mấy luống đất này thì khi ra về vua đã bị kẻ kia mai phục hành thích mất rồi. Vì vậy thời gian quan trọng nhất là thời gian vua đang cuốc đất, nhân vật quan trọng nhất là bần đạo đây và công việc quan trọng nhất la công việc giúp bần đạo. Rồi sau đó khi người bị thương nọ chạy lên, thời gian quan trọng nhất là thời gian vua chăm sóc cho ông ta, bởi vì nếu vua không băng vết thương cho ông ta thì ông ta sẽ chết và vua không có dịp hoà giải với ông ấy, cũng vì thế mà ông ta là nhân vật quan trọng nhất và công việc vua làm để băng bó vết thương là quan trọng nhất. Xin vua hãy nhớ kỹ điều này …

Chỉ có một thời gian quan trọng mà thôi, đó là thời gian hiện tại, là giờ phút hiện tại, giờ phút hiện tại quan trọng bởi vì đó là thời gian duy nhất trong đó ta có thể làm chủ được ta. Và nhân vật quan trọng nhất là kẻ đang cụ thể sống với ta, đang đứng trước mặt ta, bởi vì ai biết được mình sẽ đương đầu làm việc với những kẻ nào trong tương lai. Công việc quan trọng nhất là công việc làm cho người đang cụ thể sống bên ta, đang đứng trước mặt ta được hạnh phúc. Bởi vì đó là ý nghĩa chính của đời sống.



Thôi kiếp đi hoang

- Thích Tánh Tuệ



Một mảnh hồn nho nhỏ
Như mây hoài lang thang
Chẳng khi nao dừng lại
Sống lạc loài, hoang mang

Hồn âu lo, thấp thỏm
Trên vạn nẻo đường đời
Niềm vui nằm phía trước
Cỏ xanh bên kia đồi

Hoa từng ngày tươi nở
Nhưng đời không nụ cười
Mỗi ngày hoài trăn trở
Hạnh phúc nào xa xôi

Một hôm hồn an tịnh
Quay trở về với thân
Thở vào, ra, dừng, lặng
Nghe đời vui ... trong ngần

Thì ra chân hạnh phúc
Nằm ngay trong cõi lòng
Bình yên và sâu lắng
Chan hòa cùng mênh mông

Một mảnh hồn du thủ
Vừa tìm thấy quê nhà
Tại nơi này đã đủ
Dứt thăng trầm, xót xa

Trái tim kiên định

- Mai Mai, dịch từ NTDTV



“Dù rằng nhiều lần trắc trở, nhiều lần thất bại, nhưng điều then chốt nhất là phải có được một trái tim kiên định !” - Dưới đây là tám câu chuyện nhỏ chứa đựng bài học lớn.

● Câu chuyện thứ nhất

Ngày xưa, một cặp vợ chồng nọ đã phải đi gặp Thần Chết. Vị Thần Chết nói: “Hai người các ngươi chỉ có thể sống một người, các người hãy oẳn tù tì, người thua thì phải chết”.

Hai lần oẳn tù tì trước đó cả hai vợ chồng đều ra giống nhau, đến lần thứ ba, người chồng lại thua …Thần Chết thở dài nói: “Vốn dĩ chiếu theo lệ của ta, nếu như các ngươi ba lượt đều ra giống nhau, ta sẽ thả các ngươi ra, không muốn phải dùng đến lần thứ tư để phân thắng bại”. Nghe xong, người vợ ôm chằm lấy người chồng tấm tức mà rằng: “Đã nói là ba lần đều cùng nhau ra búa, tại sao lần thứ ba tôi ra cái kéo thì anh lại ra bao ?”

Thực tế, đây chính là nhân tâm, là sự ích kỷ và ngốc ngếch của bộ phận một nhóm người, tính toán với người khác cuối cùng thành ra tính toán với chính mình. Khi người ngu ngốc muốn thua, kỳ thực anh ta đã thắng rồi. Cho nên, nếu lúc nào cũng lương thiện … thì bạn đã là người thắng cuộc ! Làm người hãy luôn giữ trong tâm sự phúc hậu, lương thiện vậy.

● Câu chuyện thứ hai

Một người lính bị quân địch tập kích, phải chạy trốn vào hang núi. Khi quân địch đuổi theo sát sau lưng, anh ta đành trốn trong hang, thầm cầu nguyện kẻ địch không thể phát hiện ra mình. Đột nhiên, cánh tay anh ta cảm thấy nhồn nhột ớn lạnh, quay lại nhìn thì phát hiện ra một con nhện, anh ta định bóp chết nó nhưng đột nhiên sinh lòng thương cảm nên thả nó ra.

Không ngờ, nhện bò đến cửa hang dệt một mạng lưới mới. Quân địch đuổi tới hang núi thì thấy một mạng nhện còn nguyên lành, đoán rằng không có ai trong hang nên kéo nhau bỏ đi.

Thế nên, nhiều khi, đối xử tử tế người khác đồng thời cũng là đang giúp chính mình.

● Câu chuyện thứ ba

Một hành giả hỏi lão Hòa Thượng: “Trước khi đắc Đạo, ngài làm gì ?”

Lão Hòa Thượng: “Đốn củi, gánh nước, nấu cơm.”

Hành giả hỏi: “Vậy đắc Đạo rồi thì sao ?”

Lão Hòa Thượng: “Đốn củi, gánh nước, nấu cơm.”

Hành giả lại hỏi: “Vậy thế thì có gì khác với lúc chưa đắc Đạo ?”

Lão Hòa Thượng: “Trước khi đắc Đạo, khi đốn củi thì lo lắng đến gánh nước, lúc gánh nước lại nghĩ chuyện nấu cơm. Đắc Đạo rồi, đốn củi thì cứ đốn củi, gánh nước thì là gánh nước, nấu cơm thì cứ nấu cơm.”

Đại Đạo chí giản chí dị, tâm giản dị chính là Đạo.

● Câu chuyện thứ tư

Một người đàn ông ôm chính đứa con khoảng 10kg của chính mình thì sẽ không thấy mệt, vì đó là điều anh ta ưa thích, nhưng cũng người đàn ông này mà bảo anh ta ôm một hòn đá nặng 10kg, anh ta chắc chắn sẽ kiên trì không được bao lâu.

Phàm một người không thích làm việc nào đó, thì dù anh ta có tài hoa hơn người, cũng không cách nào phát huy. Còn một người một khi thích làm việc gì đó, thì anh ta sẽ phát huy hết năng lực của mình, làm cho cả anh cũng phải chấn động. Vì thế, một người không có thành tích gì, không nhất định là anh ta không có năng lực, rất có thể là vì không ưa thích mà thôi.

● Câu chuyện thứ năm

Trong Thế Chiến II, một gia đình Do Thái bị bức hại, người con trai cả và trai út chia nhau ra đi tìm người giúp đỡ. Người con trai cả đi tìm người từng giúp đỡ mình, người con trai út cậy đến những người bản thân từng được anh ta giúp đỡ. Kết quả là người con trai cả được cứu, người con trai út thì bị bán đứng.

Người yêu thương bạn sẽ một mực nguyện vì bạn mà phó xuất rất nhiều. Người bạn yêu thương không nhất định sẽ nguyện ý vì bạn mà phó xuất. Trong cuộc sống này, những ai thật sự trung thành đối với bạn đều là những người yêu thương bạn, từng ban cho bạn ân huệ.

● Câu chuyện thứ sáu

Quạ đen bay đến hướng đông, gặp được Bồ Câu. Cả hai đều đứng trên một gốc cây nghỉ ngơi, Bồ Câu thấy quạ đen bay rất vất vả, mới quan tâm hỏi han: “Anh muốn đi đâu vậy ?”, Quạ đen căm giận đáp: “Kỳ thực ta không muốn rời đi, nhưng người dân nơi này đều ghét bỏ tiếng kêu không hay của ta !”. Bồ Câu mới tốt bụng nói: “Đừng phí sức, nếu như anh không thay đổi được tiếng kêu của mình, thì dù bay đến đâu, anh cũng đều sẽ không được hoan nghênh đâu !”

Làm việc cũng thế, thay đổi mục tiêu không bằng thay đổi phương thức, thay đổi hoàn cảnh không bằng thay đổi chính mình.

● Câu chuyện thứ bảy

Một con lừa vô ý rơi vào giếng cạn, mọi người nghĩ cách cứu nó nhưng không ai thành công, họ liền quyết định chôn luôn con lừa. Con lừa đau xót kêu to, nhưng khi bùn đất rơi xuống, nó lại bình tĩnh một cách bất ngờ. Nó cố gắng đứng trên bùn đất đang rớt xuống ầm ầm và giẫm nát bùn đất dưới chân, cố gắng đứng cao hơn một chút. Cứ như vậy, nó theo bùn đất rớt xuống mà không ngừng lên cao. Cuối cùng, trong sự kinh ngạc của mọi người, con lừa bước ra khỏi giếng cạn.

Thời khắc mấu chốt có thể cứu bạn, thì chỉ có chính bạn thôi.

● Câu chuyện thứ tám

Một người trẻ tuổi chán nản đi tìm kiếm sự thành công. Một triết gia bèn cho anh ta quả lạc và nói: “Hãy dùng sức nắn nó !”

Người trẻ tuổi dùng sức nắn nó, quả lạc bị vê nát, chỉ còn lại hạt bên trong. Triết gia lại bảo anh ta chà xát nó, kết quả chà xát ra được phần vỏ ngoài màu đỏ, chỉ còn lại phần hạt trắng trắng. Triết gia lại bảo anh ta tiếp tục chà xát nó, nhưng bất luận dùng sức thế nào, anh ta không thể vê nát được phần hạt trắng này. Triết gia bèn nói: “Dù rằng nhiều lần trắc trở, nhiều lần thất bại, nhưng điều then chốt nhất là phải có được một trái tim kiên định !”

Chú tiểu ngây thơ

- Thích Minh Đạo



Tôi yêu chú tiểu ngây thơ
Biết vì sao chú lại ở chùa
Lâu lâu chú tiểu ngây ngô
Cầm chổi chà quét quét lá đa

Tôi yêu chú đã xa cha
Xa mẹ hiền ngày đêm thương nhớ
Đôi khi thấy tiểu đăm chiêu
Mắt lệ nhòa vì không thuộc bài

Đêm đêm chú tiểu ngân vang
Với lời kinh trầm bổng du dương
Chú mang hết cả tâm tư
Trái tâm từ, cầu an cho đời

Ai xui chú tiểu ngây thơ
Biết tu hành giữa chốn thông môn
Câu kinh tiếng mõ thâu đêm
Nghiêng nghiêng đầu êm bên mái chùa

Đời còn có biết bao sắc màu lam ấy
Người người vui bên mái ấm gia đình
Còn chú tiểu, đâu là chiếc lá vô sanh
Mà vượt qua gian khổ kiếp tu hành

Tôi yêu dáng tiểu ngây thơ
Áo màu lam chú mặc ở chùa
Chén cơm dưa muối tương rau
Nhưng tấm lòng các chú thanh cao

Mong sao chú tiểu an vui
Bên mái chùa ngày đêm tinh tấn
Để đem tiếng mõ câu kinh
Trái tâm từ, cầu an cho đời

Tuy gần mà xa

- Thích Tánh Tuệ



Có khi người ta xa nhau
Đâu vì không gian cách trở
Vẫn sống gần trong hơi thở
Mỗi người, một cõi đời riêng

Có khi vì một chữ duyên
Khiến con người quây quần lại
Những tưởng duyên kia còn mãi
Lạnh lùng ... sỏi đá kề nhau

Một ngày đời đổi thay mau
Lời thương chưa lần đã nói
Chia xa chợt lòng đau nhói
Đành ôm hối tiếc muộn màng

Khi còn cách trở quan san
Ta mơ giấc mơ đoàn tụ
Mà sao lắm lần cô phụ
Tình nhau lúc cận kề bên nhau

Hỏi xa nhau bởi vì đâu …

Nhất thiết không được để mất lương tâm

(Sưu tầm)



Một tài xế lái xe chở hàng hóa, một hôm xe đang bon bon chạy trên đường bỗng nhiên “khực” một cái rồi dừng lại. Hỏng rồi ! Anh xuống xe đến bên vệ đường vác hai hòn đá to chặn bánh sau lại rồi chui vào gầm sửa xe. Khoảng hơn hai tiếng đồng hồ thì xong. Anh lên xe nổ máy chuẩn bị đi tiếp.

Đúng lúc đó, một ông lão chăn bò bên cạnh đường chạy đến, đập đập tay vào cửa xe, nói rất to: “Này anh lái xe, anh đánh rơi đồ kìa !”. Ông lão vừa nói vừa chỉ chỉ về phía sau xe. Anh đoán ông lão nhắc đến hai hòn đá chặn bánh sau xe mà mình vác ra lúc nãy. Anh toét miệng cười, nói do vội đi nên quên mất. Nói vậy, song anh ta vẫn cố ý nhấn ga cho xe chạy. Ông lão vừa đuổi theo vừa quát to: “Anh làm người như thế à ? Làm người phải có lương tâm chứ ? Anh bỏ hai hòn đá to ở trên đường để cho người ta …”

Những lời trách cứ của ông lão chăn bò bị bỏ lại cùng đám bụi phía sau xe. Anh cười thầm trong bụng: “Lương tâm giá bao nhiêu tiền một cân ?” Chạy hơn trăm cây số vào thành phố, đến trạm kiểm tra của cảnh sát, anh hết sờ túi này lại nắn túi nọ, tìm mãi không thấy giấy phép lái xe đâu. Anh thừ người ra: “Giấy phép lái xe rõ ràng là để trong chiếc ví da lúc nào cũng mang trong người, vậy sao lại tìm không thấy ?”. Cẩn thận nhớ lại, anh mới chắc là chiếc ví da đã bị rơi khi mình chui vào gầm xe sửa chữa. Đành phải để xe lại trạm cảnh sát, anh vội vã vẫy taxi quay lại chỗ sửa xe.

Khi quay lại chỗ sửa xe ban sáng, anh tìm khắp nơi không thấy cái ví cũng không thấy ông lão chăn bò đâu. Hai hòn đá chặn bánh xe đã được ai đó khuân vào để bên vệ đường. Trên hòn đá thấy dán mảnh giấy có mấy chữ xiêu xiêu vẹo vẹo: “Muốn lấy lại giấy tờ thì phải vác hòn đá này lên trên đồi !”

Ôi mẹ ơi ! Hòn đá vừa to vừa nặng, ngọn đồi trước mặt lại vừa cao vừa dốc, vác hòn đá này liệu có bò lên được trên đó không ? Anh kêu to lên: “Đừng bắt ép người ta như thế ! Cần bao nhiêu tiền cứ ra giá đi !”

Khi anh vác hòn đá đến chân đồi thì thấy một cái mũ lá có kẹp một tờ giấy viết mấy chữ: “Đừng nói đến tiền, xin mời lên đồi !”. Anh tiếp tục đi, được một đoạn lại thấy cái mũ lá cũng có tờ giấy yêu cầu anh cứ vác đá lên đồi, các chuyện khác miễn bàn. Không còn cách nào khác, anh đành phải bê hòn đá vất vả từng bước bò lên.

Lên được đỉnh đồi thật không dễ gì. Vậy mà trên đó không thấy có người cũng không thấy giấy tờ lái xe, chỉ thấy có tờ giấy dán trên một thân cây yêu cầu anh vác hòn đá theo hướng chỉ dẫn đi xuống phía dưới. Xuống được dưới chân đồi vẫn không thấy giấy tờ, ngoài một tờ giấy yêu cầu anh vác hòn đá đi ngược trở lên. Cứ như thế theo hướng chỉ dẫn trên các tờ giấy, anh vác hòn đá đi qua mấy quả đồi nhỏ, mệt tưởng chết, cuối cùng mới thấy cái ví da của mình đặt trên một nấm mồ đất trơ trọi. Giấy tờ đủ cả, tiền bạc không thiếu một xu.

Dưới cái ví tiền còn có một tờ giấy viết: “Cái ví này là do tôi nhặt được, bây giờ nó đã trở về với chủ của nó. Anh có biết vì sao tôi lại bắt anh vác hòn đá đi một quãng đường xa đến trước nấm mồ này không ? Đây là mộ của con trai tôi. Cách đây hai năm, một đêm nó đi xe máy về nhà, vấp phải hòn đá của một kẻ nào đó không có lương tâm bỏ ở trên đường, bị ngã mà chết. Tôi đưa anh đến tận mồ của con trai tôi là mong anh hiểu rõ một đạo lý - LƯƠNG TÂM LÀ VÔ GIÁ - làm người có thể để mất bất cứ cái gì nhưng nhất thiết không được để mất lương tâm !”

Danh ngôn (40)

- Khúc Lễ



Tính kiêu ngạo không nên để cho lớn lên
Lòng ham muốn không nên dung túng
Chí không nên tự mãn
Vui vẻ không nên quá độ

Trăng đời - Trăng đạo

- Quang Minh



Trăng mơ mộng, trăng mơ say ... huyền ảo
Trăng yêu đời, trăng điên đảo ... mộng gió lay
Trăng lên cao, trăng vượt cả tháng - năm - ngày
Trăng sáng tỏ, phá dài đêm tăm tối

Trăng về khuya, mây che nào thấy lối
Trăng mơ huyền, gió thổi chẳng hề chi
Trăng sáng soi bóng tối dẹp mê si
Trăng soi tỏ lối đi ngàn thuở trước

Trăng ngủ say trong cõi đời đầy ô trược
Trăng suy tư chỉ được mất hay còn
Trăng bồi hồi trằn trọc khó ngủ ngon
Trăng vượt thoát không còn lo toan tính

Trăng trong sáng không còn mờ bụi dính
Trăng về nguồn an định chẳng còn say
Trăng không gian tràn ngập chẳng lạc loài
Trăng “Viên Giác” sáng ngời sao bắt được

Trăng vẫn sáng không còn ngăn chấp trước
Trăng như như mất được chẳng lo chi
Trăng ĐẠO - ĐỜI tuy hai rẽ lối đi
Trăng cứu cánh bặt nghĩ suy ... vầng trăng sáng

Chuyện trâu đen cứu chủ trả nợ tiền kiếp

- Tiểu Thiện, dịch từ Epoch Times



“Nợ thì phải hoàn trả” - ấy là quy luật của vũ trụ, thế nên con người cũng chớ vì các món nợ khó đòi mà phải lao tâm khổ tứ, bởi dẫu trước hay sau gì thì món nợ ấy cũng phải được hoàn trả, vì vũ trụ là công bình.

Vào những năm cuối triều đại nhà Thanh, vùng đông bắc Trung Quốc có một thôn xóm, trong thôn có một người họ Vương, bởi mỗi ngày ông đều gánh dầu ăn ra chợ bán, nên mọi người đều gọi ông là Vương bán dầu.

Đầu mùa xuân năm ấy, vợ ông mắc phải bệnh nặng. Nửa năm nay, vì để chữa bệnh cho vợ, tất cả số tiền dành dụm được đều đã dùng hết. Để duy trì cuộc sống, ông đành phải tìm đến ông chủ xưởng ép dầu ở làng kế bên, vừa giải thích vừa phát thệ rằng:

- Gần nửa năm nay, vợ tôi lâm trọng bệnh, kinh tế trong nhà thật sự rất khó khăn. Trước hết xin ông hãy cho tôi ứng tạm một ít dầu bán lấy tiền trang trải cuộc sống hiện tại, tôi vẫn sẽ tiếp tục bán dầu thuê cho ông, đợi khi kinh tế khá hơn rồi, nhất định sẽ trả hết nợ nần. Nếu như trả không hết, kiếp sau dù có làm trâu làm ngựa đi nữa, tôi cũng nhất định trả cho ông.

Vương bán dầu đã bán dầu cho chưởng quầy (chủ xưởng) nhiều năm, vậy nên chưởng quầy biết rõ ông là người thật thà trung hậu, liền vui vẻ đồng ý. Từ đó, Vương bán dầu mỗi ngày đều tạm ứng dầu của chủ quầy, rồi gánh ra chợ bán, số tiền kiếm được đều dùng để chữa bệnh cho vợ. Nửa năm sau đó, vợ ông vẫn qua đời.

Họa vô đơn chí, sau khi vợ mất chẳng được bao lâu, ông cũng mắc phải bệnh nặng, hơn nữa bệnh tình mỗi ngày một trầm trọng hơn. Vương bán dầu vốn là người coi trọng lời hứa, một hôm ông mang theo tấm thân tàn tạ bệnh tật, đến gặp ông chưởng quầy, rồi vừa giải thích vừa thề rằng:

- Nửa năm nay, tôi vẫn luôn ứng dầu của ông, tổng cộng đã nợ ông hai mươi lượng bạc. Vợ tôi mất rồi, thân tôi bây giờ cũng mang trọng bệnh. Đợi tôi kinh tế khá hơn, nhất định sẽ trả cho ông. Nếu như trả không hết, kiếp sau thân tôi dù có làm trâu làm ngựa, tôi cũng sẽ hoàn trả cho ông.

Không lâu sau, Vương bán dầu qua đời.

Thiếu nợ thì phải trả, phát thệ cần phải hoàn thành, đây là nguyên tắc của vũ trụ. Đúng vào ngày Vương bán dầu mất, trâu mẹ nhà chưởng quầy cũng đẻ được một trâu con màu đen. Vương bán dầu biết rất rõ rằng bản thân ông đã chuyển sinh thành trâu con mới đẻ của nhà chưởng quầy.

Chưởng quầy từ trong tiềm thức cũng biết rằng con trâu đen này là Vương bán dầu chuyển sinh, nhìn thấy bộ lông óng mượt của nó, ông có cảm giác vô cùng thân thiết. Khi con trâu đen được ba tuổi, đã có thể tự mình cáng đáng công việc của cả hai con ngựa cộng lại. Cối xay dầu cần đến hai con ngựa kéo, nhưng nó một mình có thể làm được.

Một ngày mùa thu năm ấy, khi trâu đen được năm tuổi, thôn làng của ông chưởng quầy xảy ra trận lũ lớn, mọi người trong thôn đều bỏ chạy đến một vùng đất cao ngoài làng, chưởng quầy cũng vội vàng cưỡi lên lưng trâu, dẫn cả nhà chạy ra khỏi làng.

Ngoài thôn làng có một con sông, ngày thường người ta rất dễ băng qua, bờ sông bên kia là một nơi cao, người sống ở đó có thể bình an. Tuy nhiên, con sông trước mắt bây giờ, dòng nước vừa sâu vừa chảy xiết, có người trông thấy chẳng dám qua, còn những ai dám qua thì khi đến giữa dòng, cả người lẫn ngựa xe đều bị nước lũ nhấn chìm. Con trâu đen kéo cả nhà chưởng quầy đến bên bờ sông, chẳng cần quan sát, nó liều cả mạng sống, thả mình xuống sông, trâu đen vểnh cái đuôi lên, cứ mãi bơi về phía trước. Trâu đen bốn chân vươn ra như bốn cột nước, tất cả người ngồi trên xe kéo đều cảm thấy cứ như ngồi trên chiếc thuyền nhỏ. “Chiếc thuyền nhỏ” phá tan tầng tầng lớp lớp sóng dữ, chẳng mấy chốc đã đến bờ bên kia. Tiếp đó, trâu đen lại dốc hết toàn bộ sức lực kéo cả nhà ông chủ lên đồi cao, đến nơi mới chịu dừng lại.

Ông chưởng quầy bước xuống xe, nhìn về phía xóm thì chẳng thấy làng quê đâu nữa, tất cả đều bị nhấn chìm trong biển nước, những người liều mình qua sông cũng đều bị nước lũ cuốn trôi, không rõ tung tích. Chính nhờ con trâu đen này mà cả nhà ông may mắn sống sót. Chưởng quầy đến bên con trâu, dùng tay vuốt nhẹ lên bộ lông đen óng trên mình nó, một hồi lâu ông mới thốt nên lời:

- Trâu ơi, thật vất vả cho ngươi quá, may nhờ có ngươi mà cả nhà ta được cứu sống, đừng nói ngươi nợ ta hai mươi lượng bạc, cho dù cả trăm lượng, nghìn lượng đi nữa, vậy cũng đủ rồi.

Không biết con trâu đen kia có nghe được những lời cảm kích của ông chủ dành cho nó hay không, chỉ biết lời ông chủ vừa dứt, nó liền ngã nhào xuống mặt đất và chết vì kiệt sức. Nó đã hoàn thành lời thệ ước của chính mình.

Tâm thiên nhiên

- Thích Tánh Tuệ



Tâm như sông và sông như tâm
Lúc sóng xôn xao, lúc lặng thầm
Vui, buồn, sướng, khổ ... rồi xuôi chảy
Một người nhìn sông trôi quanh năm

Mây như tâm và tâm như mây
Chợt đến, chợt đi giữa tháng ngày
Loài mây du thủ hay thường tại
Xanh ngắt trời xanh không đổi thay

Hoa như tâm và tâm như hoa
Hương sắc bao phen để nhạt nhòa
Một đóa sen lòng tươi thắm mãi
Ướm hỏi nhân hoàn ai biết qua

Tâm như gió và gió như tâm
Trầm bổng, vi vu khúc nguyệt cầm
Nỗi niềm thả gió ngàn phiêu bạt
U uẩn vì ... tâm bao thế âm

Mưa như tâm và tâm như mưa
Rơi trên trần mộng đã bao mùa
Mưa chẳng ươm sầu, sao mắt lệ
Đâu lá sen còn giọt nước xưa

Tâm như đất và đất như tâm
Gửi rác, tung hoa vẫn lặng câm
Nằm nghe đất thở từng tâm niệm
Nghịch, thuận hề … “vô quái ngại tâm”

Thiên nhiên tâm, này tâm thiên nhiên
Lẽ đạo hàm dung khắp mọi miền
Chiều lên núi thả thơ theo gió
Trải chút tâm tình với vạn niên

Đôi mắt biết tu

- Như Hùng



Đôi mắt - hai cánh cửa đó ở đó và trong đó, mở ra để đón gió trời lồng lộng hay đóng kín mít che mờ phủ đầy bụi bặm rong rêu.

Người ta thường nói đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, nên những khi mơ màng lơ đãng, lúc thả hồn đi hoang, khi u buồn khắc khoải, lúc mộng mơ vượt rào, khi hạnh phúc dâng tràn, lúc bồn chồn lo lắng, sẽ khiến cho người đối diện dễ dàng phát hiện ra những thầm kín chôn giấu đó đây. Đôi mắt người thương kẻ nhớ, đôi mắt lo sợ bất an, đôi mắt chứa đầy buồn vui, đôi mắt nhìn đời với toàn màu hồng choáng ngợp hạnh phúc, hay đong đầy hệ lụy khổ đau, đều tùy thuộc vào tầm nhìn sự xúc cảm những bất an biến động nổi dậy, hay sự bình yên lan tỏa trong tâm thức mỗi chúng ta.

Vì là cửa sổ nên khi mắt mở ra ta trông thấy được thế giới bên ngoài, thì lẽ đương nhiên đối tượng cũng có thể thấy được phần nào bên trong của ta, nếu ta không biết che đậy không khéo léo ngụy trang. Đôi mắt biết nói biết cười, biết buồn biết vui, biết nhớ nhung. Khi có tin vui rộn ràng sẽ lóe lên niềm hy vọng. Khi mộng mơ, lúc nhớ thương đến độ dư thừa, mắt sẽ nhỏ lệ đau khổ, đôi mắt long lanh huyền mơ ướt át xa xăm nhìn về chốn cũ, đôi mắt buồn không cất nên lời khi buồn hay vui cũng đều ướt sũng. Khi ta nổi giận mắt sẽ đổi màu, giận tím gan tức tối lộn ruột, mắt sẽ chuyển sang màu đỏ như muốn ăn tươi nuốt sống người đối diện. Nếu ta cứ để cho bản tính và những xúc cảm không kiềm chế của mình thường xuyên nổi lên, thì sẽ làm đau mắt khổ tâm. Khi tâm hồn thanh thản chứa đầy hỷ lạc, mắt sẽ trở nên hiền hòa dễ thương, tạo sự an lòng cảm thông mang năng lực bình yên đến cho người đối diện. Nói chung sự biến đổi nơi tâm hồn của mình đều có thể thông qua mắt, bộc lộ ra hết hiển bày ra trước, khó lòng giấu được. Từ bên ngoài đưa đến ở bên trong lộ ra, do cảnh do người đều khiến cho mắt thêm sắc màu cảm xúc, mắt thấy tâm khởi, tâm thức của ta theo đó mà tác động dong ruỗi. Đôi mắt không chỉ dùng để phân biệt nhận diện, nó còn là dòng sông cho thuyền anh ghé lại, còn là bến chờ bến đợi người thương kẻ nhớ, còn là giếng ngọc bến tiên, bến đỗ cho anh tha hồ rong chơi bơi lội.

Ở một khoảnh khắc lặng yên đâu đó còn sót lại, nó còn là nơi chôn giấu cảnh và người, thâu gom lại vùng trời kỷ niệm, cuộc bể dâu, những dấu ấn khó phai, tháng ngày trao ra và nhận lại, dõi mắt ngóng về tương lai, tất cả như in dấu hằn trong ấy đọng lại, lọt thỏm nằm trọn trong đó. Ở khía cạnh khác đôi khi còn có ăn bằng mắt uống bằng mắt, thưởng thức bằng mắt, rửa mắt, nhìn thấu tâm can của kẻ khác, nhìn cháy da bỏng thịt, liếc ngang nhìn dọc nhìn không vừa mắt. Con mắt này vì ta mà mòn mõi ngóng trông, vì ta mà nhận lấy hậu quả, vì ta mà đổ bệnh nhỏ lệ, thương cho đôi mắt này, thật đáng thương cho đôi mắt này.

Đôi mắt - hai cánh cửa đó ở đó và trong đó, mở ra để đón gió trời lồng lộng hay đóng kín mít che mờ phủ đầy bụi bặm rong rêu. Mở ra hưởng trọn sắc màu tươi đẹp hay khép lại ẩn chứa những nỗi niềm nghiệt ngã, tạo thêm ô nhiễm nhọc nhằn cho mắt, tổn hại cho tâm. Cánh cửa tâm hồn đó, tâm thức đó, con người đó, có còn vướng bận lo toan ngược xuôi đong đếm hay rộng mở thênh thang tầm nhìn vươn cao không gì ngăn ngại.

Ta có thật sự thương yêu và quí trọng đôi mắt này, tìm cách để nó ngơi nghỉ, hãy nhắm mắt ngồi im lắng đọng, để thấy từng nhịp thở an lành luân chuyển. Không thúc ép, không dối gạt, không để cho nó nhìn thấy những điều những việc mà nó chẳng hề muốn thấy, không lạm dụng khiến nó nhỏ lệ khổ đau, chẳng khiến nó dửng dưng thờ ơ khô khan. Nhìn khổ đau ngang trái để phát khởi lòng từ bi, thấy luân hồi sanh tử để một lòng cầu giải thoát, nhận biết cuộc đời vô thường, thân phận mong manh sớm nở tối tàn. Thấy những điều đó, ý thức trọn vẹn việc đó, để làm hành trang chất liệu thăng hoa, cuộc sống vươn lên tìm một sinh lộ, một sự đổi thay đúng nghĩa. Thực tập và hoàn thiện cách sống lối sống của ta cho thật mỹ mãn cho thật tươm tất vẹn toàn, tẩy sạch não phiền gội rửa thân tâm luôn được tươi sáng. Được như vậy, đôi mắt đó cái nhìn đó con người đó mới trở nên có giá trị, mang lại ánh sánh tuệ giác cho chính mình và tha nhân.

Chúng ta còn nhớ câu chuyện Thiền Sư và cô lái đò:

『 Cô lái đò đưa khách qua sông. Đò cập bến cô lái thu tiền từng người. Sau hết đến nhà Sư, cô lái đò đòi tiền gấp đôi. Nhà Sư ngạc nhiên hỏi vì sao, cô lái mỉm cười:

– Vì Thầy nhìn em …

Nhà Sư nín lặng, trả tiền và bước lên bờ. Một hôm nhà Sư lại qua sông. Lần này cô lái đòi tiền gấp ba. Nhà Sư hỏi vì sao, cô lái cười bảo:

– Lần này Thầy nhìn em dưới nước.

Nhà Sư nín lặng, trả tiền và bước lên bờ. Lần khác nhà Sư lại qua sông. Vừa bước lên đò, nhà Sư nhắm nghiền mắt lại đi vào thiền định. Đò cập bến cô lái đò thu tiền gấp năm lần. Nhà Sư hỏi vì sao, cô lái đáp:

– Thầy không nhìn nhưng còn nghĩ đến em.

Nhà Sư trả tiền và lên bờ. Một hôm nhà Sư lại qua sông. Lần này nhà Sư nhìn thẳng vào cô lái đò … Đò cập bến, nhà Sư cười hỏi lần này phải trả bao nhiêu, cô lái đáp:

– Em xin đưa Thầy qua sông, không thu tiền.

Thiền sư hỏi:

– Vì sao vậy ?

Cô lái cười đáp:

– Thầy nhìn mà không còn nghĩ tới em nữa … Do vậy em xin đưa Thầy qua sông mà thôi !』


Mắt nhìn rồi mắt thấy, mắt thấy tâm liền sanh, do tâm ta khởi vọng, tâm phân biệt tính toán so đo, tâm tích chứa, tâm ô nhiễm, vậy tại tâm ta hay tại mắt ? Và nếu, mắt chỉ làm mỗi một việc duy nhất, trông thấy, chụp lại cái khoảnh khắc đó giây phút hiện hữu đó, thấy đường thấy lối thấy cảnh thấy người, vậy mắt có còn là mắt ? Nhìn và thấy là chức năng thông thường của mắt, nhưng nhìn như thế nào, thấy ra làm sao lại là vấn đề của tâm thức ta. Nhìn một chiều thấy một bên, cái nhìn méo mó cái nhìn tỷ giảo, nhìn ra bên ngoài hay nhìn vào bên trong, có thấy rõ bên ngoài lẫn bên trong. Thấy ngoại cảnh mà không thấy nội tâm, thường xuyên thấy lỗi của kẻ khác, không thấy được chỗ sai của mình, vô minh còn phong tỏa nội tâm ngày đêm tất bật. Đôi mắt sáng suốt cái tâm tinh tường, là phải nhìn thấy thật rõ ràng mọi chuyển động mọi ngăn cách tác hại, dù ở bên ngoài hay ở bên trong đều phải tỏ rõ, thấy một cách trọn vẹn sự biến đổi của các pháp, sự trôi nổi đi lại của tâm thức, thấy và sống trọn vẹn trong niềm hỷ lạc tự tại trên từng đến đi.

Trong thiền có con mắt huệ, con mắt thấu rõ thông suốt vượt ra ngoài chấp trước, không hề vương vấn không hề lưu lại, không chìm nơi cảnh chẳng đọng nơi tâm, phủ sạch mê mờ. Nhìn mà không đắm thấy mà không vương, không khởi, thấy đơn thuần chỉ là thấy, thấy như là không thấy, thấy một cách rõ ràng chân thật, thấy trọn vẹn tận cùng thể tánh các pháp, cái thấy đó mới là đích thực. Đôi mắt với cái nhìn như thật mộc mạc chân tình, cái nhìn tuyệt đẹp vượt thời gian cái nhìn toàn diện, cái nhìn nhân ái thoát khỏi nhân ngã bỉ thử, cái nhìn tự tại vượt ra ngoài mọi ngăn cách phạm trù nhị nguyên kiến giải của tri thức. Cái nhìn rỗng suốt thanh thản ở bên trong hé lộ ra bên ngoài làm ấm lòng kẻ khác, cái nhìn không còn sanh diệt, không bị gò bó thúc ép, tánh thấy hiển lộ tròn đầy, cái nhìn như thị của chánh kiến, nhìn được như thế thấy được như vậy, thì đâu còn lo sợ bất an.

Chúng ta sống trong môi trường hiện đại, với vô số phương tiện nên cũng có quá nhiều cám dỗ thường xuyên rình rập, chỉ trong tíc tắc thả hồn lạc bước để mắt rời tâm, là dẫn ta đến với những huyền mơ hưng phấn thật ảo khó phân, ta bị lường gạt bị đầu độc làm hư mắt nhiễm tâm. Internet, mạng lưới thông tin nối kết toàn cầu đem con người lại gần với nhau thật là tiện lợi, nhưng bên cạnh đó cũng đầy cạm bẫy bất trắc rủi ro. Cái thế giới ta thường cho là ảo nhưng lại có sức cám dỗ sức quyến rũ mê hồn, muôn ngàn sắc màu lấp lánh, có lắm chiêu thức rủ rê thường xuyên lôi kéo tác động. Nó khiến cho ta mất phương hướng, chạy theo, đắm chìm, cắm đầu chúi mũi mờ mắt mỏi tay, tốn hao tâm sức thời gian, liên tục nhảy vào đó dấn thân vào đó, sống trong điều ảo đó.

Ta cho đó là ảo vì không thấy mặt mũi nó, nhưng khi sử dụng nó lù lù xuất hiện. Thật ra ảo cũng có thể là thật, dù ta có gọi là gì đi nữa thì ta cũng phải công nhận một điều, không ít thì nhiều nó có dự phần vào cuộc sống của ta. Mỗi khi ta đụng tới sử dụng đến, nó lập tức gắn liền với suy nghĩ và hành động của ta, tức là ta có tác nghiệp tạo nên nghiệp quả. Trừ khi ta không ngó ngàng đến không sử dụng tới thì sẽ không tạo ra nghiệp. Ở cái thế giới ảo đó ta dễ ngụy trang giấu mặt đổi tên, ném đá giấu tay, tha hồ phát ngôn tha hồ lên án tha hồ kết tội, đâm vào mắt vào tim kẻ khác, nhưng ta lại dửng dưng không cần phải chịu trách nhiệm. Ta phải biết rõ ràng ai làm nấy chịu ai tạo nấy mang, làm bao nhiêu thì chịu bấy nhiêu, không làm thì sẽ không chịu, luật nhân quả sẽ theo ta như bóng với hình, không chừa một ai.

Ta tìm chút vui quên đi nỗi buồn, giết thời gian, quên đi tháng ngày mưa nắng, không khéo ta lại dính vào vướng mãi, bỏ không được buông cũng chẳng xong. Chuyện của người chuyện của ta, tâm sự của mình nỗi lòng của kẻ khác, thi nhau nở hoa thi nhau lạc bước vào hồn, quyện chặt vào tâm, nhắm mắt hay mở mắt lúc nào cũng vương vấn. Tại người hay tại ta, lỗi mình hay lỗi bạn, cứ mỗi lần cầm phone, mỗi dịp nhắn tin, khi mấy ngón tay gõ xuống phím, khi lướt sóng là không biết bao nhiêu chuyện bao nhiêu việc cứ thế đổ về ngập đầu tràn óc. Việc người chuyện ta, phiền não của mình đến kẻ khác luôn chiếm sân trú ngụ, phủ mốc đầy rêu, nhiều khi không phải chuyện của mình việc của mình, chuyện bao đồng nhưng sao cứ ấm ức nhập nhằng lẫn lộn, thị phi não phiền được mất hơn thua, gỡ rối tơ lòng trút bầu tâm sự, cảm thông chia sẻ, cứ vậy đêm ngày réo gọi. Chuyện ngoài ngõ trong nhà, chuyện đầu thôn cuối xóm, chuyện xưa việc nay, thi nhau vương vấn đọng lại, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng như sắp nổ tung, ta làm chuyên gia giải quyết, cố vấn lập kế bày mưu, hỷ hả tung hê.

Cuối cùng, nhọc đầu mệt óc, bơ phờ rời rạc chẳng đâu là đâu, trông lúc nào cũng vướng cũng bận, cứ thế ngày lại ngày qua, đêm lại đêm đến, ta mãi ôm não phiền vào lòng chôn giấu trong tim, phủ kín trong từng hơi thở khó lòng thoát ra được. Loanh quanh lẩn quẩn riết rồi ta sống trong đó, cứ thế mà trôi nổi, trở thành tập quán lẽ sống của ta từ lúc nào chẳng hay. Có phải, do vì ta không làm chủ được chính mình, không nhận ra bản chất đích thực của từng vấn đề, lạm dụng quá mức rơi vào mê cảnh, khiến cho thân tâm mệt mõi chán chường, phiền não chướng duyên nhảy vào gây rối ?

Thật ra internet chỉ là phương tiện, nên khi sử xụng luôn có mặt tốt và xấu, lợi và hại, quan trọng là người sử dụng cái phương tiện đó biết khôn khéo, có trách nhiệm chọn lựa kỹ càng, không ức hiếp, biết dừng lại đúng lúc, thì sẽ không làm cho mắt cho tâm mệt mỏi, tiêu hao năng lực, mang thêm hệ lụy tạo thêm nhiều nghiệp quả. Nếu ta sử dụng một cách chân chính, phù hợp với chánh pháp, đúng với mục đích nâng cao sự hiểu biết giúp ích cho sự tu học, giải trí trong sự chừng mực, thì mới mang lại giá trị thiết thực. Và quan trọng hơn hết ta phải thường xuyên kiểm soát tỉnh thức trong mọi tình huống, nhận ra nguồn cội của từng vấn đề, đừng để cho nó lôi ta đi hoài đi mãi không thấy được đâu là bến bờ.

Những điều ta cho là thật biết đâu lại không thật, những điều hư ảo ta lại nhầm tưởng là thật, có những điều ta cho là hợp lý biết đâu lại là phi lý. Ranh giới giữa có lý và phi lý, tốt và xấu, thật và ảo ... cũng rất mong manh. Tất cả đều do ta có cái nhìn đúng với như pháp, có trí tuệ hay không, nếu ta không biết quán chiếu tinh tường thì khó nhận chân ra được. Nó có mặt ở khắp chốn mọi nơi, người ảo tâm ảo cảnh ảo, khiến ta khó lòng nhận biết, nên cứ mải miết bám theo, nhọc mình lao tới. Trong khi, cái thật điều thật lại xa xăm vời vợi ở tận đâu đâu, có khi thật gần mà lại thật xa, khiến ta hụt hơi đuổi bắt. Thật ra, nếu ta nỗ lực tìm cầu, ngồi im lắng đọng nhìn xa trông rộng, nhận ra được điều ảo là ảo, thật là thật, cái gì là ảo cái gì là thật, trong ảo có thật trong thật có ảo, đó cũng là bước nhảy tâm linh khá cao, ít ra ta phát hiện được cái nghiệp do mình tác tạo dẫn dắt ta tới đâu.

Trong sách Khóa Hư Lục, phần Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi do vua Trần Thái Tông (1218 - 1277) biên soạn, dùng để tu tập sáu căn, vua có liệt kê về những tội do mắt gây ra:

“Tội mắt gồm có, các điều như sau:

Nhân ác xem kỷ, nghiệp thiện coi khinh
Lầm nhận hoa giả, quên ngắm trăng thật
Yêu ghét nổi dậy, đẹp xấu tranh giành
Chợt mắt dối sanh, mờ đường chánh kiến
Trắng qua xanh lại, tía phải vàng sai
Nhìn lệch các thứ, nào khác kẻ mù
Gặp người sắc đẹp, liếc trộm nhìn ngang
Lòa mắt chưa sanh, bản lai diện mục
Thấy ai giàu có, giương mắt mãi nhìn
Gặp kẻ bần cùng, lờ đi chẳng đoái
Người dưng chết chóc, nước mắt ráo khô
Thân quyến qua đời, đầm đìa lệ máu
Hoặc đến Tam Bảo, hoặc vào chùa chiền
Gần tượng thấy kinh, mắt không thèm ngó
Phòng Tăng điện Phật, gặp gỡ gái trai
Mắt liếc mày đưa, đam mê sắc dục
Không ngại Hộ Pháp, chẳng sợ Long Thần
Trố mắt ham vui, đầu chưa từng cúi
Những tội như thế, vô lượng vô biên
Đều từ mắt sanh, phải sa địa ngục
Trải hằng sa kiếp, mới được làm người
Dù được làm người, lại bị mù chột
Nếu không sám hối, khó được tiêu trừ
Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối …”


Con mắt ở vào thời điểm cách đây gần một ngàn năm và con mắt của bây giờ nó cũng khác nhau rất xa, con mắt bây giờ ranh mãnh nhờ vào sự hiện đại, cảnh duyên có muôn ngàn hồng tía, dễ khiến cho ta mờ mắt, ô tâm nhiễm tánh. Trong sáu căn gồm có: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, ngoài ý ra - ta thường xuyên sử dụng đến mắt nhiều nhất, vì vậy những tội do mắt gây ra cũng nhiều vô số. Chức năng chính của mắt là nhìn ngắm và quan sát, nhưng khi khởi lên sự so sánh phân biệt thì lại là ý, tên tội phạm gây nguy hại nhất, từ mắt dẫn đến thân tâm, khởi lên muôn ngàn sai biệt, nói như vậy không có nghĩa là mắt không tạo nên tội lỗi. Các căn, đều liên quan mật thiết với nhau, mắt thấy, tai nghe, miệng phát ra lời đúng sai, thân hành động, lưỡi liền phân biệt, mũi ngửi điều bất tịnh, ý cuồn cuộn nổi lên lăng xăng chạy nhảy. Căn và trần đụng nhau sẽ sinh ra thức, khi một căn thông tuệ tường tận nguồn cơn, thì những căn khác cũng sẽ trở nên rõ ràng.

Thông thường, điều ác cái ác việc ác ta lại xem thật kỹ, điều thiện việc thiện ta lại xem thường không biết nặng nhẹ, đắm nhiễm sắc đẹp tạo nên vô số tội và quan trọng hơn nữa, vì bị vô minh che mờ không thấy được mặt mũi thật của mình (bản lai diện mục) nên mãi chìm, mãi lênh đênh trong ba cõi sáu đường. Bên cạnh đó, có sự nâng cấp tưởng tượng dồi dào đôi khi thay thế vị trí của một vài căn, chẳng hạn khi diễn tả sự thèm thuồng, thay vì phải dùng đến miệng lưỡi, thì là ăn bằng mắt, uống bằng mắt, thưởng thức sắc đẹp bằng mắt, cái nhìn như đọng lại ẩn chứa trong đó, tôn sùng trong đó, mập mờ trong đó.

Tu tập về mắt, là một sự tu tập thật cần thiết, nhìn nhưng không khởi lên phân biệt, không chạy theo huyễn cảnh, khiến ta mờ mắt, hao tâm, mệt trí. Thay vì đắm nhiễm lôi kéo lệ thuộc bởi cái nhìn ở bên ngoài, ta xoay chiều nhìn thẳng vào nội tâm quán chiếu tận cùng lòng mình, tâm mình, thấy mọi hưng khởi, tác động, đi lại ở trong tâm, được trong sáng rõ ràng, rốt ráo, để cho tự tánh giác ngộ trong ta bừng dậy. Ta nỗ lực dồn tâm ý vào một điểm của thực tại, phải sáng suốt và thường xuyên tỉnh thức, vận dụng đến trí tuệ trong mọi suy tư hành hoạt. Trí tuệ phát sinh là do ta ra công gắng sức tu tập, đoạn trừ phiền não gạn lọc vô minh, một khi ta thấy rõ được bản chất như thật của các pháp cũng là lúc ta phục hồi lại giá trị thật hữu của nó, lúc đó không còn gì chẳng có gì có thể trói buộc níu kéo được ta.

Nhìn cho đẹp, sửa cho sang, làm vừa lòng cái đẹp, nâng cấp cái đẹp, chạy theo cái đẹp, để cho mình và kẻ khác ngắm khen, khiến ta đau đớn thân tâm. Mắt từ bi tâm nghĩ thiện, làm điều lành lợi mình và lợi người, đẹp từ trong tâm cái đẹp được tôn vinh, vượt thời gian cái đẹp toàn hảo bất biến, cái đẹp của chánh pháp.

Biết lỗi mình

- Thích Tánh Tuệ



Quay về, tôi kiếm lỗi tôi
Quán sâu mới thấy ... lôi thôi đủ điều
Tham lam, sân hận, mạn kiêu
Chê bai, xét nét ... nói nhiều hơn tu

Bấy lâu nay bị cầm tù
Trong bao cám dỗ, mịt mù lợi danh
Một lời nói cũng hơn tranh
Tham ái, chấp ngã … quẩn quanh giữa đời

Loay hoay tóc đã bạc rồi
Sống trong phiền lụy một đời đa mang
Chiều nay thắp một nén nhang
Chí thành trước Phật, ăn năn tội tình

… Con vì bóng tối vô minh
Trần duyên phủ áng Tâm kinh bụi mờ
Việc tu lần lựa, chần chờ
Việc đời tham vọng chưa giờ lãng xao

Phước duyên tỉnh thức, hồi đầu
Nguyện theo chân Phật qua cầu tử sanh
Từ nay xin trọn ý lành
“Phản quan tự kỷ” tịnh thanh nghiệp trần

Ngày đêm tu tập tinh cần
Bước qua thất niệm để gần Đạo Tâm
Nguyện không gây tạo lỗi lầm
Nguyện nhìn nhân thế với tầm mắt thương

Từ bi, khiêm hạ, nhịn nhường
Cõi lòng an tịnh giữa buồn, lúc vui
Con xin dưới bóng Phật ngồi
Đường tu vững tiến không lùi từ đây

Hương hoa chẳng ngược gió bay
Hương người đức hạnh … biết “quay trở về”

Một việc khó nhứt

(Trích Tạp chí Ánh Đạo số 9, tháng 4-5-6 năm 1968)



Một trí giả thích ngụy biện đến gặp một bậc Hiền của xứ cổ Hy Lạp – Ông Socrate – và đặt nhiều câu hỏi khó khăn với mục đích làm cho Ngài bối rối. Nhưng nhà hiền triết xứ Milet có thừa khả năng để trả lời.

Sau đây là các câu hỏi:

1. Trong các vật hiện hữu, cái gì xưa nhứt ?
Thượng Đế, vì ở thời đại nào, Ngài cũng hiện hữu.

2. Trong các vật, vật nào đẹp nhứt ?
Vũ trụ, vì vũ trụ là công trình của Thượng Đế.

3. Trong các vật, vật nào lớn nhứt ?
Không gian, vì nó chứa tất cả những gì sáng tạo.

4. Trong các vật, vật gì vững bền nhứt ?
Hy vọng, vì khi con người mất hết, nó vẫn còn.

5. Trong các vật, vật nào tốt nhứt ?
Đức hạnh, vì thiếu nó không có một việc gì tốt đẹp.

6. Trong các vật, vật chi di chuyển mau nhứt ?
Tư tưởng, vì trong một giây nó có thể đến tận bên kia vũ trụ.

7. Trong các vật, vật chi mạnh nhứt ?
Nhu cầu, vì nó giúp ta san bằng các khó khăn to lớn nhứt.

8. Trong các vật, vật chi dễ làm nhứt ?
Khuyên bảo.

Nhưng đến câu hỏi thứ chín, vị Hiền triết có một câu trả lời lạ tai mà người đối thoại của ông, vì chỉ biết việc trần nên chẳng hiểu tí gì. Phần đông người đời nếu hiểu thì cũng hiểu một cách cạn hẹp. Câu hỏi như sau:

- Trong các việc, việc nào khó nhứt ?
Và nhà Hiền triết thành Milet trả lời: TỰ BIẾT MÌNH !

Đó là thông điệp mà các vị Hiền thời xưa chuyển đến cho nhân loại vô minh, và nay chúng ta phải cố gắng trong công việc tìm hiểu này.

Buông

- Quang Minh



Còn có đến có đi nào niệm Phật
Sen vẫn hồng và đã nở khắp hè qua
Áo nâu lam trong ánh nắng chan hòa
Đất có chủ không hoang miền thôn dã

Mời khách uống chung trà thay nước lã
Đến rồi đi vất vả chỉ thêm đau
Sóng biển đời bọt nước nổi lao xao
Thôi ! Buông gánh dạo chơi mùa Xuân ấm

Nắng lên đẹp, ngàn hoa cười tươi thắm
Mây dần trôi, gió thổi dưới chân đồi
Ngát hương lòng không thẹn kẻ nổi trôi
Về quê cũ trăng soi ngàn thuở trước

Dẹp chướng ngại hành trình luôn cất bước
Trải rộng lòng muôn chốn khắp nhân gian
Nụ cười tươi trong ánh mắt chứa chan
Nguồn thơ đó thênh thang ngàn sao sáng