V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Có những khoảng trống không phải để lấp đầy

- Phạm Lữ Ân

“Cô độc là sống một mình
Cô đơn ở giữa muôn nghìn ... cô đơn !”


Dường như chưa có ai đi qua thời niên thiếu mà không từng trải cảm giác đó.

Cô đơn. Đó là những lúc bạn cảm thấy tâm hồn cô quạnh ngay giữa chốn đông người, đang quây quần bên người thân mà vẫn thấy riêng mình xa cách, đang cùng bạn bè vui đùa mà vẫn thầm tự nhủ: “Nào có ai hiểu lòng ta.”

Cô đơn. Đó là khi tâm sự ngổn ngang trong lòng mà không biết tỏ cùng ai, kể cả cha mẹ hay người bạn thân thiết nhất. Là khi ta thấy mình như bị bỏ lại đằng sau trong một thế giới đang rộng ra mãi. Là khi ta thấy tràn ngập trong tâm hồn mình một nỗi buồn dai dẳng không tên. Và rất nhiều khi chỉ là nỗi buồn vô cớ.

Cô độc là một tâm trạng đáng sợ. Có người trốn chạy sự cô độc bằng cách … ngủ vùi. Có người cố lấp đầy nó bằng niềm vui ồn ào ở vũ trường hay trong những trò games, cũng có người gặm nhấm nó bằng nước mắt. Có người thăng hoa vào nghệ thuật, nhưng cũng có người bị nó bủa vây không lối thoát, để rồi tìm đến cái chết chỉ vì cảm thấy quá cô đơn. Ít hay nhiều, khi rơi vào sự cô đơn, chúng ta đều cảm thấy tâm hồn mình là một khoảng không đáng sợ, và ta tự hỏi: “Phải làm sao để lấp đầy khoảng trống này đây ?”

Nhưng, bạn biết không, khoảng trống đó không phải để lấp đầy ...

Bản chất của con người vốn là cô đơn. Đó là sự thật. Tất cả mọi người đều có lúc cảm thấy cô độc, cả những người cởi mở, vui tính nhất, hay những người đang chìm đắm trong hạnh phúc vô biên, vẫn luôn có những khoảnh khắc không thể chia sẻ cùng ai. Những khoảng trống mà ở đó chỉ mình ta đối diện với chính ta. Không phải vì chia tay một người bạn, hay mất đi một người thân, hay khi một mối tình tan vỡ thì nó mới xuất hiện. Khoảng trống đã có sẵn ở đó rồi. Luôn luôn ở đó, trong mọi con người. Tôi sẽ đọc cho bạn nghe bài thơ Haiku này:

“Những lỗ trống trong củ sen
Khi ta ăn. Ăn luôn cả nó”


Bạn thấy chăng ? Những lỗ trống là một phần của củ sen, cũng như sự cô độc là một phần của đời sống. Vì vậy, hãy nhìn thẳng vào nó, đối diện với nó. Đừng ngại nói: “Tôi đang buồn. Tôi cảm thấy cô đơn ...” nếu bạn muốn được chia sẻ . Nhưng cũng đừng ngại nói: “Hãy để tôi một mình lúc này !” nếu bạn thực sự muốn như vậy. Đừng ngại, vì đó là điều bình thường.Tất cả mọi người trên thế gian này đều thế. Chỉ khác nhau ở một điều: cách chúng ta đối xử với nó. Nỗi cô đơn tạo thành những khoảng trống. Bạn càng muốn trốn chạy thì nó càng bám đuổi. Bạn càng muốn vùi lấp thì nó càng dễ quay lại vùi lấp chính bạn. Điều chúng ta nên làm là đừng nên tìm cách lấp đầy khoảng trống ấy, nhưng cũng đừng để nó lấp đầy chúng ta. Chúng ta chỉ đơn giản nhận ra sự hiện hữu của nó, và bình tĩnh đối diện với nó.

Người ta gọi tuổi mới lớn là “tuổi biết buồn”, “biết buồn” tức là đã chạm ngõ cuộc đời rồi đó. Biết buồn tức là bắt đầu nhận ra sự hiện hữu của khoảng trống tâm hồn. Biết buồn là khi nhận ra rằng, có những lúc mình cảm thấy cô độc. Khi đó, hãy dành cho sự cô độc một khoảng riêng, hãy đóng khung sự cô đơn trong giới hạn của nó, như một căn phòng trống trong ngôi nhà tâm hồn. Mỗi lần vào căn phòng đó, dù tự nguyện hay bị xô đẩy, thì bạn vẫn có thể điềm tĩnh, tranh thủ khoảnh khắc đó để khám phá bản thân trong sự tĩnh lặng. Để rồi sau đó, bạn bình thản bước ra, khép cánh cửa lại và trở về với cuộc sống thường ngày vốn lắm nỗi buồn nhưng cũng không bao giờ thiếu niềm vui.

Và, bạn hãy cùng tôi thử tập sống đời phụng sự tha nhân trong từng hành động nhỏ nhặt, khi ta làm việc lợi ích cộng đồng, cái cảm giác cô độc sẽ biến mất một cái tự nhiên như giọt nước được hòa vào trong đại dương bao la ...

C h ư a . . .

- Thích Tánh Tuệ

Chưa đi thì chẳng có về
Chưa đến thì cũng chẳng hề ở đây
Chưa vui vì cuộc sum vầy
Thì đâu buồn ... sẽ một ngày chia xa

Chưa lại, thì đâu có qua
Chưa bình minh ... chẳng bóng tà huy phai
Chưa thức, đâu biết đêm dài
Chưa chờ, đâu thấy tháng ngày lê thê

Chưa yêu, ai biết não nề
Lạy dài “ba chữ” ê chề nhân sinh
Chưa cô độc, kiếp một mình
Thì đâu thương những tâm tình tái tê

Chưa lạnh lẽo lúc đông về
Nào thương ... cơ nhỡ bên hè phố đêm
Chưa một lần biết lặng im
Sao ta nghe được nhịp tim mọi người

Chưa hề khóc, chẳng biết cười
Chưa cho ... sao tận lòng ngời nỗi vui
Chưa nhìn xuống ... để ngậm ngùi
Thì chưa biết “tạ ơn đời” một phen

Chưa tha thứ được nhỏ nhen
Răng mà xóa sạch thói quen giận hờn
Chưa hay kiếp sống chập chờn
Nhọc nhằn thương, ghét, thua, hơn ... còn dài

Chưa lần đến trước Phật đài
Rầu rầu sáu nẻo gọi hoài … chạy quanh
Chưa lặng thầm ngắm mộ xanh
Bôn ba, tất bật … để thành hư vô

Và chưa biết tiếng “Nam Mô …”
Tình trần chưa cạn, chưa khô nặng nề
Chưa đi thì chẳng có Về
Chưa sinh thì tử chẳng hề gọi tên

Sau mưa, trời vẫn nắng lên
Cửa vô sinh vẫn rộng thênh đợi người
Thiên thu có dáng Phật cười
Còn ta, thấp thoáng bên đời này thôi !!!

Tiếng vỗ một bàn tay

- Trần Đình Hoành dịch và bình

Tiếng vỗ của một bàn tay Mokurai, Tiếng sấm tĩnh lặng, là thiền sư trụ trì chùa Kennin. Sư có một đệ tử nhỏ tên Toyo mới 12 tuổi. Toyo thấy các đệ tử đàn anh vào phòng thầy mỗi sáng và tối để nhận giáo huấn trong lớp riêng một thầy một trò và được hướng dẫn cá nhân về cách dùng công án để chận tâm trí không đi lang thang. Toyo cũng muốn được vào lớp riêng. Mokurai nói, “Đợi một thời gian đã. Con còn nhỏ” Nhưng Toyo nằng nặc xin, vì vậy cuối cùng thầy cũng đồng ý.

Chiều tối, cậu bé Toyo đến đúng giờ, trước cửa phòng thầy Mokurai dùng làm lớp riêng.Cậu đánh một tiếng cồng báo hiệu đã có mặt, gập mình chào lễ phép ba lần ngoài cửa, và bước vào ngồi yên lặng một cách lễ độ trước mặt thầy.

“Con có thể nghe âm thanh của hai bàn tay khi hai tay vỗ vào nhau,” Mokurai nói, bây giờ chỉ cho thầy tiếng vỗ của một bàn tay.

Toyo cúi chào và về phòng để suy nghĩ vể câu hỏi. Từ cửa sổ cậu có thể nghe nhạc của các cô geishas. “A, tôi có rồi !” cậu bé tuyên bố. Sáng hôm sau, khi thầy hỏi cậu trình bày tiếng vỗ của một bàn tay, Toyo làm tiếng nhạc của geishas.

“Không, không ...” Modurai nói. “Không bao giờ được. Đó không phải là tiếng vỗ của một bàn tay. Con chẳng hiểu gì cả.”

Nghĩ là nhạc của geishas cắt đứt dòng suy tưởng, Toyo chuyển chỗ ở đến một nơi yên lặng hơn. Cậu bé thiền định. “Tiếng vỗ của một bàn tay là gì ?” Cậu bé nghe tiếng nước nhỏ giọt. “Tôi có rồi !” Toyo nghĩ. Khi Toyo đến gặp thầy sau đó, cậu bé bắt chước tiếng nước nhỏ giọt.

“Cái gì vậy ?” Mokurai hỏi. “Đó là tiếng nước nhỏ giọt, nhưng không phải là tiếng vỗ của một bàn tay. Cố thêm đi.”

Hoài công Toyo thiền định để nghe tiếng vỗ của một bàn tay. Cậu nghe tiếng thở dài của gió. Nhưng tiếng đó cũng bị thầy gạt bỏ. Tiếng vỗ của một bàn tay cũng không phải là tiếng ve kêu. Hơn mười lần Toyo vào thăm Mokurai với những loại tiếng khác nhau. Tất cả đều trật. Cả một năm, cậu bé suy nghĩ tiếng gì có thể là tiếng vỗ của một bàn tay. Cuối cùng Toyo vào được thiền định thật sự và vượt lên trên tất cả mọi âm thanh.

“Tôi chẳng còn tìm được tiếng nào nữa,” sau này cậu bé giải thích, “vì vậy tôi đạt được âm thanh im lặng.” Toyo đã đạt được tiếng vỗ của một bàn tay.

Lời bình:

• Takeda Mokurai (1854-1930) (“Silent Thunder” – Tiếng sấm tĩnh lặng) đi tu lúc còn nhỏ và được huấn luyện bởi các thiền sư hàng đầu thời đó. Mokurai trở thành sư trụ trì chùa Kennin, một trong những ngôi chùa cổ nhất và quan trọng nhất ở Kyoto - Nhật, vào năm 1892 khi Mokurai chỉ 38 tuổi. Mokujrai còn là một họa sĩ nổi tiếng với tên Sayu Núi Đông. Sayu vì một trong những bút danh của Mokurai là Sayutei, và Núi Đông là chỉ chùa Kennin.

• Bài này nói đến thủ tục lễ nghĩa khi đến gặp thầy để có lớp riêng với thầy (sanzen) rất rõ.

• “Dùng công án để chận tâm trí không đi lang thang.” Đây chính là yếu tính của công án. Đa số công án không phải là một câu hỏi cho một câu trả lời bằng chữ nghĩa hay lý luận, như câu hỏi “tiếng vỗ của một bàn tay” ở đây. Người học trò, trong tiến trình tìm câu trả lời, sẽ tự nhiên tìm mọi cách để tập trung tư tưởng, không cho tư tưởng đi lang thang. Tâm sẽ lặng từ từ, như nghe tiếng nhạc, đến tiếng nước nhỏ giọt, tiếng thở dài của gió …

• Đến một lúc nào đó, tâm hoàn toàn tĩnh lặng đến nỗi không còn âm thanh nào có thể làm cho ta bị phân tâm. Tai nghe thì vẫn nghe, nhưng tâm hoàn toàn không xao động. Đó là “vượt lên trên” mọi âm thanh.

• Nhưng tại sao lại là tìm được “âm thanh tĩnh lặng” (soundless sound) ? m thanh tĩnh lặng (soundless sound) cũng là âm thanh của tĩnh lặng (sound of silence) như tên một bản nhạc của Simon and Garfunkel hay “tiếng thầm trong ngọc nói lời hay” của thiền sư Kiều Trí Huyền. Tức là, trong tĩnh lặng ta “nghe”, “thấy”, “hiểu” hay “ngộ” được nhiều điều mà khi tâm ta bị phân tâm vì các “tiếng động” ta không nghe, không thấy, không hiểu. Điều này thì chúng ta ai cũng đã có kinh nghiệm loáng thoáng phần nào. Đôi khi ta tĩnh lặng, chẳng làm gì cả, chẳng suy nghĩ gì cả, tự nhiên bao nhiêu ý tưởng sáng tạo lại ùa đến. Tĩnh lặng làm con người thông thái ra, bao nhiêu vị thầy đã nói như thế.

• Tại sao vị học trò trong truyện này chỉ mới 12 tuổi ? Thưa, vì: (1) 12 tuổi thì ít có tiếng động trong đầu từ những lo lắng, con cái, công việc, chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện tiền bạc, chuyện nợ nần… và (2) 12 tuổi thí ít có kiến thức lý luận để mà có thành kiến “Làm sao một tay mà phát ra tiếng vỗ được ? Vô lý !” Tức là nếu cái tâm ta càng nhẹ nhàng, giản dị, và không cố chấp, như trẻ thơ, thì ra sẽ thiền dễ hơn và đạt giác ngộ dễ hơn. Muốn vào được thiên đàng thì hãy như trẻ thơ.

Rót cho nhau

- Thích Tánh Tuệ


Rót tặng đêm dài một ánh trăng
Cho người lạc lối hết băn khoăn
Tay sen xin chắp dâng lời nguyện
Hạnh phúc, an bình cho thế nhân

Rót xuống bờ môi những nụ cười
Cho hồn sa mạc chợt xanh tươi
Em cười, thế giới cười trao lại
Nhưng khóc, riêng mình em khóc thôi !

Xin rót cho Lời tiếng dễ thương
Vỗ về, xoa dịu những đau buồn
Một câu, xa lạ thành tri kỷ
Một lời, vực thẳm cách hai phương

Rót tặng trong chiều những tiếng Kinh
Để dừng chân bước giữa phiêu linh
Để bừng mắt thấy trần gian mộng
Mà khổ vì đâu, mấy chữ tình …

Xin thắp vào tim một ngọn đèn
Xua lòng u tối đã nhiều phen
Xua tan tâm niệm hoài nghi kỵ
Thói cũ đi, về ... trong nhỏ nhen

Xin rót vào tai những tiếng chuông
Vườn tâm hoa nở Hiểu và Thương
Nghe chuông ... thông thấu nguồn chân thật
Thôi kiếp đi hoang, kiếp đoạn trường

Tà dương, lại nối tà dương mộng
Về vén sương mù, tỉnh giấc say
Rót tách trà sen mời bạn lữ
Ngồi trong thực tại ngắm mây bay

Nhật Nguyệt

- Thiếu Lan

Em là hoa ngủ bên rừng
Mộng về tím ngát ngàn trùng tịch không
Ta từ cỏ nội hoa đồng
Lên non ngẫu hứng đôi dòng kinh thư
Kết mây làm áo thiền sư
Tâm không thảo nét đại từ đại bi
Em về thanh thoát mũ ni
Oai nghi năm vóc hoàng y hoa rừng
Em là trăng cõi viên dung
Trái tim Bồ-tát ngát trùng dương xanh
Ta từ đại nguyện viên thành
Về treo mặt nhật trên cành tuệ không

Bùi Giáng và những chuyện chưa kể

- Chơn Nguyên


Một cặp kính trắng với sợi dây vòng ra sau cổ, năm ba con khỉ nhảy tung tăng trên vai, trên đầu, tóc tai rối rắm, áo quần cái dài, cái ngắn, kiểu đàn ông, đàn bà, đầy màu sắc sặc sỡ … đây là dáng người anh Bùi Giáng chúng ta thường gặp trên những nẻo đường Sài Gòn năm 1975 … Sau năm 1975, anh Bùi Giáng về ở chung với chúng tôi trong nội xá viện Đại học Vạn Hạnh cũ (222 Trương Minh Giảng, nay là Lê Văn Sĩ). Vào thời điểm này, Đại học Vạn Hạnh không còn hoạt động, nên nội xá chỉ còn một số ít người ở lại với Hòa thượng Viện trưởng Thích Minh Châu. Chúng tôi quản lý chung, chú Chơn Thuần đi chợ và thị giả cho Hòa thượng Viện trưởng, anh Trần Châu phụ trách an ninh, anh Bùi Giáng thì nhận nhiệm vụ đi mua lương thực. Vào thời đó, mỗi hộ đều có một cuốn sổ lương thực. Anh Giáng giữ sổ cẩn thận và đảm trách công việc đi mua lương thực rất chu đáo. Trong khoảng thời gian ở chung anh chưa một lần bỏ công việc. Chỉ khi nào hợp tác xã bán khoai sắn hay những loại lương thực giá rẻ, anh mới mua rồi đem phân phát cho những người nghèo. Nhiều khi thấy anh vác bao những gạo 10kg hay 20kg lên cầu thang, chúng tôi ái ngại, xuống vác dùm nhưng anh không chịu. Sau mỗi lần buông gạo trên vai xuống, dường như anh vui hơn, khỏe hơn và tỉnh táo vô cùng, lạ thật !

Anh Giáng rất thương người. Nhiều lần anh xin chúng tôi tiền, đi rảo quanh chợ, cho những người nghèo khó mà anh đã theo dõi và biết rõ về hoàn cảnh khó khăn của họ. Có lần anh muốn giúp người nào đó quá khó khăn, túng thiếu với số tiền nhiều nhưng không dám xin tiền chúng tôi nên anh vào phòng gom quần áo, sách vở của chúng tôi đi bán ở đâu không biết. Hai ba ngày sau mới về, như một người biết lỗi, anh len lén vào phòng, ngồi im trong một góc giường. Thấy bộ dạng của anh, chúng tôi không còn giận nữa, nhưng vẫn làm nghiêm hỏi:

- Anh lấy quần áo, sách vở của tôi phải không ?

- Phải

- Để làm gì ?

- Giúp người

- Tại sao anh lấy đồ vật của người ta mà còn kỳ thị địa phương ?

Anh ngạc nhiên hỏi lại:

- Cái gì ?

- Áo quần, sách vở của chúng tôi để chung với anh Châu. Anh Châu đồng hương Quảng Nam với anh, nên anh chỉ lấy áo quần sách vở của tôi, còn của anh Châu thì không lấy thứ gì cả, kỳ thị địa phương chứ gì nữa ?

Anh phì cười:

- Không phải đồng hương, đồng khói gì cả, chỉ vì thằng Châu sinh viên nghèo, lấy của nó tội.

Rồi sau đó, Viện Đại học Vạn Hạnh được sử dụng làm Trường Đại học Sư phạm, chúng tôi dời về 716 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận. Khi về nơi đây, anh Giáng không về theo. Anh đi đâu không rõ. Hơn nửa năm sau, anh mới trở lại. Anh lặng lẽ đi vào phòng chúng tôi, đặt lên bàn một nải chuối chín vàng rất đẹp và một lá thư rồi lặng lẽ đi như đã đến. Chúng tôi xúc động vì lâu ngày mới gặp lại anh, và ngạc nhiên vì cử chỉ khác thường của anh. Chúng tôi trân trọng đặt nải chuối lên cúng Phật và cầm lá thư đọc:

“Ngã hữu thốn tâm vô dự ngữ
Hồng sơn, sơn hạ Quế giang thăm”


Không biết hai câu thơ này anh làm hay anh trích dẫn của ai, nhưng đọc xong chúng tôi lặng cả người vì tình cảm nồng hậu của anh.

“Ta có tấc lòng chưa ngõ được
Dưới chân núi Hồng, sông Quế mãi sâu”


Sau đó, anh thường xuyên lui tới với chúng tôi, nhiều khi ở hai ba tháng liên tục, rồi đi đâu đó nửa tháng mới trở lại. Một lần, anh trở về với tiếng chó sủa, tiếng kêu inh ỏi của bầy chó, anh kêu chúng tôi ra ngồi dưới gốc cây hoa hậu để nói chuyện. Anh cho biết, anh mới từ Long An về sáng nay, ghé chợ nhỏ Phú Nhuận, nhâm nhi cốc nhỏ cho ấm bụng. Nhưng nghe tiếng kêu của bầy chó và bộ dạng quen thuộc của anh, lũ nhỏ bán bánh kẹo quanh chợ liền tụ tập quanh anh khá đông. Anh đọc thơ, nói đủ thứ chuyện cho bọn trẻ nghe. Chúng mải mê theo anh nên quên cả bán buôn. Thấy trưa rồi, anh mới nói:

- Trong tụi bây, đứa nào làm được hai câu thơ thật hay, tau sẽ mua toàn bộ bánh kẹo, nếu không được tất cả phải đi bán nghe chưa.

Sau một đỗi, có đứa nhảy ra trước mặt anh và nói:

- Thật không bác ?

Rồi chẳng cần anh trả lời, nó ứng khẩu đọc liền:

“Sáng nay bán ế quá chừng
Vì nghe bác Giáng nói khùng quên đi”


Thế là bao nhiêu tiền trong túi, anh đem cho hết bọn trẻ.

Mỗi lần hết tiền, anh thường tìm đến chúng tôi; và lần này … kể xong chuyện, anh tặng chúng tôi hai câu thơ:

“Đến thăm sư phụ Chơn Nguyên
Trầm tư vô tận ưu phiền tái lai”


Sau khi đưa tiền cho anh trả tiền rượu và tiền xích lô, chúng tôi gởi tặng lại anh hai câu thơ:

“Nghe tin sư phụ thở dài
Đến đây Bùi Giáng đòi hoài tiền xe”


Anh nhận tiền và khoái chí cười to. Anh Bùi Giáng gọi chúng tôi với đủ loại danh xưng, như trong tờ giấy chép thơ tặng chúng tôi, anh ghi:

“Kính gửi sư phụ, Đồng chí, Đại ca Thích Chơn Nguyên:
Anh vẫn tưởng đầu đường thương xó chợ, có ai ngờ xó chợ cũng thương nhau”


Một hôm có người rủ anh về lục tỉnh chơi, anh mãi vui dưới đó hơn ba tháng mới trở lại, chắc là nhớ thiền viện Vạn Hạnh lắm, nên mới sáng tinh mơ, anh đã đến viện để đưa tờ giấy:

“Kính gửi:
Thầy Minh Châu
Thầy Chơn Thiện
Thầy Chơn Nguyên
Kính dâng Vạn Hạnh một tờ
Kể từ vô tận bất ngờ tái lai”


Chuyến đi anh quá phung phí sức, nên đến viện vài hôm, anh ngả bệnh. Chúng tôi săn sóc và tẩm bổ anh cả tháng mới hồi phục, vừa khỏe xong là anh lại đi. Trước khi đi anh để lại bài thơ:

“Thầy vui như thể thiên thần
Con buồn như thể tuyệt trần bấy nay
Thầy vui Vạn Hạnh bấy chầy
Con buồn chết đứng giữa ngày phù du”


Sau đó, vắng anh thời gian khá lâu, mới biết được anh về ở với người cháu sau lưng chùa Liên Ứng. Chúng tôi đến thăm anh vào một đêm rằm, trăng đổ đầy khu vườn anh ở, mới gặp nhau chưa kịp mừng, anh hỏi như kẻ lạ:

- Đi đâu đó ?

- Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa

Câu trả lời làm anh vui, phấn khởi như ngày tháng quen cũ. Anh đọc đủ loại thơ, với nhiều giọng, kể cả giọng Quảng “Nôm” của anh. Trước khi ra về, anh đưa cho chúng tôi một bài thơ của Lý Bạch, anh nói bài thơ này có tư tưởng gần với giáo lý nhà Phật, về dịch xong đưa lại cho anh xem. Nghe anh nói, tôi ngại, đâu dám múa may trước một người cao vời vợi về thơ ca cũng như chữ nghĩa, hơn nữa chúng tôi chưa từng làm việc này một cách nghiêm túc. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng có dịch thơ Đường, nhưng bài nào thích thì dịch, rồi đọc bạn bè nghe cho vui mà thôi. Hôm nay, anh lại nhờ, nhờ một cách quá trân trọng, vì thế chúng tôi không thể từ chối. Bài thơ của Lý Bạch như sau:

NGHI CỔ

Sanh giả vi quá khách
Tử giả vi quy nhân
Thiên địa nhất nghịch lữ
Đồng bi vạn cỗ trần
Nguyệt thổ không đảo dược
Phù tang dĩ thành tân
Bạch cốt tịch vô ngôn
Thanh tùng khởi tri xuân
Tiền hậu cánh thán tức
Phù vinh hà túc trân

Đọc xong nguyên tác, chúng tôi ngại việc dịch không chuyên chở hết ý của bài thơ, nhưng nặng tình với anh, chúng tôi đem về dịch:

THEO DẤU CHÂN XƯA

Sống là như khách qua đường
Chết là trở lại quê hương của mình
Đất trời quán trọ mông mênh
Nghìn năm cát bụi tâm tình đớn đau
Thời gian có đợi ai đâu
Đâu xanh hôm trước nay màu củi khô
Ngổn ngang xương trắng ngẩn ngơ
Hàng tùng xanh thẳm đâu ngờ xuân sang
Trước sau là tiếng thở than
Cuộc đời hư huyễn giàu sang làm gì ?

Gửi anh bài thơ dịch. Chưa gặp lại anh, để nghe ý kiến, thế mà anh không còn nữa ! Nhưng biết đâu, việc dang dở này là cái cớ để anh thêm lần nữa: “Ngã hữu thốn tâm vô dự ngữ !”

Phải không anh Bùi Giáng ?!

Lời Phật dạy

66 câu thiền ngữ chấn động thế giới

- Thích Nhật Từ biên tập



(Ghi chú): Nguyên tác Hoa ngữ của “66 câu thiền ngữ” này là “Lục thập lục điều kinh điển thiền ngữ” (六十六條經典禪語), có nghĩa là “66 câu thiền ngữ trong Kinh điển [Phật giáo]”, được phổ biến trên internet vào khoảng năm 2004. Bản dịch tiếng Việt được phổ biến năm 2010, có tựa đề là “66 câu làm chấn động thiền ngữ thế giới” hoặc “66 câu Phật học làm chấn động thiền ngữ” đều không chuẩn với nguyên tác Hoa ngữ, đồng thời, đã thêm cụm từ “chấn động thế giới” và tỉnh lược từ “kinh điển”.

Không rõ người biên tập bản Hoa ngữ là ai. Cũng không rõ ai là dịch giả bản tiếng Việt. Sau khi đối chiếu bản Hoa ngữ, tôi đã hiệu đính một vài từ cho chuẩn xác và trau chuốt lời văn cho thuần Việt hơn. Phần hiệu đính và biên tập được tô màu xanh dương đậm để nhận dạng. Các đại từ nhân xưng “anh” trong bản dịch, tôi đều đổi thành “bạn” cho gần gũi với người đọc.

Từ “Kinh điển thiền ngữ” ở đây nên hiểu là “lời minh triết trong Kinh Phật”. Khó tìm được xuất xứ của 66 thiền ngữ này trong Kinh Phật, mặc dù về mặt tư tưởng, chúng diễn ta triết lý Phật giáo ứng dụng, dưới hình thức danh ngôn. Câu 43 diễn đạt sai tư tưởng Phật học, vì Phật giáo không chấp nhận “ngẫu nhiên”, trong khi câu 50 được người biên tập Hoa ngữ đánh tráo tư tưởng Nhất thần giáo vào thiền ngữ Phật giáo, với mục đích lạc dẫn người đọc tin vào quyền uy toàn năng của Thượng đế, vốn không có thật và không được đạo Phật chấp nhận. Không phải tất cả 66 câu “thiền ngữ” này đều mô tả sâu sắc tư tưởng Phật giáo. Đây là điều các Phật tử cần lưu tâm, khi sử dụng tài liệu trên internet vốn khó kiểm chứng tính nguyên thủy về văn bản học Phật giáo, để khỏi hiểu sai tư tưởng Phật giáo nguyên chất.

Để minh họa cho các bài giảng, tôi tạm phân 66 câu thiền ngữ thành 6 phần, mỗi phần 11 câu và đặt tựa đề cho từng phần, nhằm giúp người đọc dễ nhớ các ý tưởng chính trong từng phần. Sau đây là bản dịch Việt có hiệu đính và nguyên tác Hoa ngữ để đối chiếu.


I. CHẤP DÍNH LÀ GỐC KHỔ ĐAU

1. Sở dĩ người ta đau khổ là do đeo đuổi những thứ sai lầm.

2. Nếu bạn không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không cách nào gây phiền não cho bạn. Tất cả do nội tâm bạn. Chỉ do bạn không chịu buông xuống.

3. Bạn hãy luôn cảm ơn những ai tạo ra nghịch cảnh cho bạn.

4. Bạn phải luôn mở lòng khoan dung, lượng thứ cho người khác, cho dù họ xấu bao nhiêu, thậm chí họ đã làm tổn thương bạn. Bạn phải buông bỏ để có được niềm vui đích thực.

5. Khi đang vui, bạn nên nghĩ rằng niềm vui này không vĩnh hằng. Khi đau khổ, bạn hãy nghĩ rằng nỗi đau này cũng không trường tồn.

6. Sự chấp trước của ngày hôm nay sẽ là niềm hối hận cho ngày mai.

7. Bạn có thể có tình yêu nhưng đừng nên dính mắc, vì chia ly là lẽ tất nhiên.

8. Đừng lãng phí mạng sống mình tại những nơi mà nhất định bạn sẽ ân hận.

9. Khi nào bạn thật sự buông xuống thì lúc ấy bạn sẽ hết phiền não.

10. Mỗi một vết thương đều là một sự trưởng thành.

11. Người cuồng vọng còn cứu được, người tự ti thì vô phương. Chỉ khi nhận thức được mình, hàng phục chính mình, sửa đổi mình, bạn mới có thể thay đổi người khác.

II. THAY VÌ HẬN NGƯỜI, HÃY TỰ CỨU MÌNH

12. Đừng nên có thái độ bất mãn người khác hoài. Bạn hãy quay về kiểm điểm chính mình mới đúng. Bất mãn người khác là chuốc khổ cho chính mình.

13. Người nào nếu tự đáy lòng không thể tha thứ cho kẻ khác, thì tâm người đó sẽ không thể được thanh thản.

14. Người nào trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác.

15. Hủy diệt người chỉ cần một câu, xây dựng người lại mất ngàn lời, xin bạn “đa khẩu hạ lưu tình”.

16. Thật sự không cần quay đầu lại xem người nguyền rủa bạn là ai ? Chẳng lẽ khi bị chó điên cắn một phát, bạn phải chạy đến cắn con chó đó một phát ?

17. Đừng bao giờ lãng phí một giây phút nào để nghĩ nhớ đến người bạn không hề yêu thích.

18. Khi bạn biết đem lòng từ bi và thái độ ôn hòa để bày tỏ những nỗi oan ức và bất mãn của mình, người khác sẽ dễ hiểu ra vấn đề.

19. Cùng là một chiếc bình giống nhau, sao bạn lại chứa độc dược ? Cùng một mảnh tâm, sao bạn phải chứa đầy những não phiền làm chi ?

20. Những thứ không đạt được, chúng ta sẽ luôn cho rằng nó đẹp đẽ, chính vì bạn hiểu nó quá ít, bạn không có thời gian ở chung với nó. Nhưng rồi một ngày nào đó khi bạn hiểu sâu sắc, bạn sẽ phát hiện nó vốn không đẹp như trong trí tưởng tượng của mình.

21. Sống một ngày là có diễm phúc của một ngày, nên phải trân quý. Khi tôi khóc vì không có dép để mang thì tôi lại phát hiện có người không có chân.

22. Hao tổn tâm lực để chú ý người khác sao bằng dành chút tâm lực phản tỉnh bản thân ?

III. BUÔNG CHẤP NGÃ LÀ HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC

23. Hận thù người khác là mất mát lớn nhất đối với bản thân.

24. Dù ai cũng có mạng sống, nhưng không phải ai cũng hiểu được và biết trân quý mạng sống của mình. Người không hiểu được mạng sống thì mạng sống đối với y chỉ là sự trừng phạt.

25. Tình chấp là nguyên nhân của khổ đau. Buông bỏ tình chấp, bạn mới được tự tại.

26. Muốn không hối hận về sau thì đừng khư khư về cách nghĩ của mình.

27. Khi sống thành thật với chính mình, không ai trên đời sẽ lừa dối bạn được.

28. Người che đậy khuyết điểm của mình bằng thủ đoạn tổn thương người khác là kẻ đê tiện.

29. Người âm thầm quan tâm, chúc phúc người khác là đang trao tặng vô hình.

30. Đừng gắng sức suy đoán cách nghĩ của người khác, nếu bạn không phán đoán chính xác bằng trí huệ và kinh nghiệm thì bạn sẽ mắc phải nhầm lẫn như sự đương nhiên.

31. Muốn hiểu một người có thật lòng không, chỉ cần xem điểm xuất phát và mục đích của họ có giống nhau không.

32. Chân lý của nhân sinh được giấu trong cái bình thường.

33. Người không tắm rửa thì càng xức nước hoa càng thấy thối. Danh tiếng và sự tôn quý đến từ chân tài thực học. Có đức tự nhiên thơm.

IV. HÃY ĐỂ THỜI GIAN CUỐN TRÔI KHỔ ĐAU ĐI

34. Thời gian sẽ trôi qua. Hãy để dòng thời gian cuốn trôi phiền não của bạn đi.

35. Ai nghiêm trọng hóa những chuyện đơn thuần sẽ sống trong đau khổ.

36. Người luôn e dè với thiện ý của người khác thì hết thuốc cứu chữa.

37. Buông một lời dối gian thì phải bịa thêm mười câu hư vọng nữa để biện hộ. Cần gì khổ như vậy ?

38. Ai sống một ngày vô tích sự thì chẳng khác gì kẻ phạm tội ăn trộm.

39. Người gieo duyên rộng mở sẽ không làm tổn thương người khác.

40. Im lặng là một câu trả lời hay nhất của sự phỉ báng.

41. Kính trọng người khác là tự trang nghiêm.

42. Ai có tình thương vô tư thì sẽ có tất cả.

43. Đến là ngẫu nhiên [nhân duyên], đi là tất nhiên [nhân duyên]. Do vậy, bạn cần phải “tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên”.

44. Từ bi là vũ khí tốt nhất của mỗi người.

V. BIẾT THƯƠNG CHÍNH MÌNH

45. Chỉ cần đối diện với hiện thực, bạn mới vượt qua hiện thực.

46. Lương tâm là thẩm phán công bằng nhất của mỗi người. Bạn lừa dối người khác được nhưng không thể qua mặt lương tâm mình.

47. Người không biết thương bản thân thì không thể thương người khác.

48. Thi thoảng, ta nên tự thầm hỏi: “Ta đang đeo đuổi cái gì ? Ta sống vì cái gì ?”

49. Đừng vì một chút tranh chấp mà đánh mất tình bạn chí thân. Đừng vì một chút oán giận mà quên đi thâm ân của người khác.

50. Cảm ơn đời [1] về những gì tôi đã có. Cảm ơn đời vì những gì tôi không có.

51. Biết đứng ở góc độ của người khác để nghĩ cho họ thì đó là từ bi.

52. Nói năng nên tránh tánh châm chọc, đừng gây thương tổn, đừng khoe tài cán, đừng vạch lỗi người, nhờ đó, biến thù thành bạn.

53. Thành thật đối diện với mâu thuẫn và khuyết điểm trong tâm, đừng lừa dối chính mình.

54. Nhân quả chưa từng nợ chúng ta thứ gì, nên xin đừng oán trách nhân quả.

55. Đa số người đời làm được ba việc: dối mình, dối người và bị người dối.

VI. LÀM CHỦ T M, LÀM CHỦ HẠNH PHÚC

56. Tâm là tên lừa đảo lớn nhất. Người khác có thể dối bạn nhất thời, tâm dối gạt bạn suốt đời.

57. Chỉ cần tự giác tâm an, thì đông tây nam bắc đều tốt. Nếu còn một người chưa độ thì đừng nên thoát một mình.

58. Khi tay bạn nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì bạn chỉ có mỗi thứ này. Nếu chịu buông xuống, bạn có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Người chấp khư khư quan niệm của mình, không chịu buông thì trí huệ chỉ đạt được ở một mức độ nhất định.

59. Nếu bạn có thể sống qua những ngày bình an, thì đó chính là phúc đức của bạn. Hôm nay, biết bao nhiêu người hôm nay đã không thấy được vầng thái dương ngày mai, biết bao nhiêu người đã trở thành phế nhân, biết bao người đã đánh mất tự do, và biết bao nhiêu người phải nước mất nhà tan.

60. Bạn có nhân sinh quan của bạn, tôi có nhân sinh quan của tôi. Tôi không dính dáng gì tới bạn. Chỉ cần tôi có thể, tôi sẽ cảm hóa được bạn. Nếu không thể thì tôi đành cam chịu.

61. Nếu muốn nắm được tương lai thì bạn phải làm chủ hiện tại.

62. Đừng thốt ra từ miệng những lời ác độc, cho dù người ta có xấu ác với mình bao nhiêu. Càng nguyền rủa người khác, tâm bạn càng bị nhiễm ô. Hãy nghĩ mọi người là thiện tri thức của mình.

63. Người khác có thể làm trái nhân quả, tổn hại chúng ta, đánh chúng ta, hủy báng chúng ta. Chúng ta đừng vì thế mà oán hận họ. Vì chúng ta cần giữ tâm thanh tịnh và bản tánh hoàn chỉnh.

64. Người chưa từng cảm nhận sự đau khổ hoặc khó khăn thì khó cảm thông người khác. Muốn học tinh thần cứu khổ, cứu nạn thì trước hết phải chịu đựng được khổ nạn.

65. Thế giới vốn không thuộc về bạn, vì thế bạn không cần vứt bỏ. Cái cần vứt bỏ chính là tánh cố chấp. Vạn vật đều hữu dụng, nhưng không thuộc về ta.

66. Khi không thể thay đổi được thế giới xung quanh, ta nên sửa đổi chính mình. Giáp mặt tất cả bằng tâm từ bi và trí huệ.

Mộng


Quang sắc trả về không
Chừng như nhẹ cõi lòng
Lối mòn trăng nửa chiếc
Nhịp bước về thong dong

Mang sắc trả về không
Chừng như cõi bụi hồng
Hạt sương khuya vẫn sáng
Giữa đại ngàn mênh mông

- Trích “Mộng” . . .


Vô Ưu


Vô Ưu, một cánh hoa cài
Gắn trên tuyệt đỉnh phương đài Diệu Liên
Vô Ưu, một cánh hoa thiền
Hằng hà sa số trược phiền tiêu tan

- Trích “Vô Ưu kết nụ Liên đài”, thơ Mặc Giang.