V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Vấn đề khổ, vui

- Thích nữ Trí Hải
- Trích “Bóng Nguyệt Lòng Sông”



Có những tôn giáo ca tụng khổ đau như phương tiện duy nhất để đạt đến giải thoát, do đó mà có những trường phái khổ hạnh ép xác, nằm gai nếm mật ... trong nhiều tôn giáo khác nhau. Bởi vì họ cho chính thân xác này là nguồn gốc của tội lỗi, nên muốn chuộc tội thì phải hành phạt nó cho xứng đáng. Và tội lỗi đây là tội đối với thần linh, đối với những nhân vật vô hình mà họ nghĩ có rất nhiều quyền uy, và cũng như con người, có thương có ghét, đầy đủ thất tình lục dục, hăng say thưởng thiện phạt ác.

Khuynh hướng tôn thờ đau khổ còn được tìm thấy trong một số triết gia, thi sĩ, văn sĩ lãng mạn ở mọi thời, mọi xứ. Những người này cho đau khổ như nguồn thi hứng bất tận giúp họ sáng tác, do đó họ đi tìm đau khổ, đào bới cho ra khổ đau, để tìm trong đó một độ sống nồng nàn giữa cuộc đời nhạt phèo vô vị. Cái khuynh hướng tầm cầu khổ đau ấy đã đẻ ra những văn nghệ sĩ than mây khóc gió, “không ốm mà rên”.

Khuynh hướng ấy theo phân tâm học ngày nay là một thứ tâm bệnh, bệnh “tự hành khổ” (masochism). Như S. Freud mô tả, hạng này luôn luôn cho mình thấp kém, tội lỗi, xấu xa, gán hết tất cả những gì tốt đẹp, thánh thiện, thanh cao cho một đấng tối cao, rồi quỳ lạy trước đấng ấy để van xin lại một chút ân sủng, một chút ánh sáng (mà họ đã gán cho vị ấy). Freud đi đến kết luận rằng, tôn giáo thần quyền là một hình thức tâm bệnh tập thể.

Đức Phật không chủ trương rằng đau khổ đem lại giải thoát. Nếu khổ đưa đến giải thoát thì chúng sinh ở địa ngục ngạ quỷ đáng lẽ được thành Phật trước hơn ai cả, và trâu-bò-lừa-ngựa sẽ giải thoát trước cả chúng ta, bởi vì chúng kéo cày chở nặng suốt đời. Ngài cũng không tuyên bố rằng chỉ có vui mới đem lại giải thoát. Nếu vui có thể đem lại giải thoát, thì chúng ta nên bỏ hết thời giờ để theo đuổi các thú vui cho thỏa thích.

Trái lại, Phật phân tích hai loại khổ, hai loại vui. Có cái khổ hiện tại đưa đến tương lai cũng khổ, cái khổ ấy ta nên tránh. Đó là những khổ hạnh theo tà kiến, như cẩu hạnh, ngưu hạnh (làm như trâu, làm như chó với hy vọng như thế sẽ được sanh lên trời). Đó là những nghiệp bất thiện của thân, miệng, ý hiện tại bị người có trí quở trách, tương lai bị sinh vào địa ngục. Nhưng có loại khổ hiện tại mà đưa đến vui tương lai, cái khổ ấy ta không nên tránh mà hãy vượt qua. Đó là nỗi khổ của người bình sinh có nhiều tham, sân, si, khi biết đạo, bắt đầu tu tập, phải cố gắng nhiếp phục chúng. Nỗ lực nhiếp phục những tánh xấu nơi mình cố nhiên là một nỗi khổ, nhưng cái khổ ấy ta cần phải vượt qua. không thể vì khổ mà ta không cố gắng, để cho các thói xấu tiếp tục làm chủ mình.

Vui cũng vậy, có hai loại vui. Có cái vui hiện tại đưa đến khổ tương lai, vui ấy ta nên tránh. Như cái vui của sự phóng túng không theo giới luật, cái vui của kẻ làm ác mà vênh vang tự đắc (gọi là tà mạn hãnh diện về việc ác). Đó là những cái vui của vô minh, sẽ đưa đến tương lai khổ, khi hành vi tội ác bắt đầu kết quả. Nhưng ngược lại, có cái vui của hiện tại đưa đến tương lai cũng vui, cái vui ấy ta nên thực hiện, và thực hiện nhiều lần. Đó là niềm vui do các việc lành đem lại, do bố thí, trì giới, nhẫn nhục, do không tham, không sân ... đó là cái vui không còn bóng dáng đau khổ, gọi là “hỷ lạc do ly dục sanh” ở cảnh giới sơ thiền sau khi gột sạch năm triền cái, phát sanh năm thiền chi (tầm, tứ, hỉ, lạc, nhất tâm) cái vui ở cảnh giới nhị thiền (hỷ lạc do định sanh), tam thiền (xả niệm lạc trú) và tứ thiền (xả niệm thanh tịnh). Đó đều là những niềm vui của tịch diệt.

Nói tóm lại, Đức Phật không chủ trương nên vui hay nên khổ trên phương diện cảm thọ, nghĩa là vui khổ trong vòng sống chết. Đúng hơn, Ngài khuyên chúng ta hãy tránh những khổ vui nào đưa chúng ta càng ngày càng xa sự giải thoát, và đừng tránh những khổ vui nào đưa ta tới gần giải thoát, niết bàn, là cái vui tối thượng một cảm thọ siêu thoát ngoài khổ vui thế gian.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét