V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Bài thơ quê hương, bài thơ ít được biết của Nguyễn Bính

- Hội nhà văn Hải Phòng|Nguyễn Đình Minh



“BÀI THƠ QUÊ HƯƠNG” của Nguyễn Bính là một bài thơ mà ít người biết đến, thậm chí ngay cả các nhà phê bình cũng ít khi nói về nó, mặc dù tên tuổi của Nguyễn Bính đã nổi danh thi đàn Việt đến tận hôm nay.

Nguyễn Bính viết “BÀI THƠ QUÊ HƯƠNG” vào tết Bính Ngọ (1966). Đọc nhiều bài thơ của ông, khá ngạc nhiên về sự dài hơi và phong cách kề cà diễn ra ở tác phẩm này. Phần lớn các thi phẩm của Nguyễn Bính đều rất ngắn gọn, đọc vào là bị hút hồn ngay. Bài thơ này rất dài, dàn trải, nhiều khổ vỏ ngôn ngữ không trùng, nhưng ý thơ lặp. Đọc nó, nhiều lúc cứ ngỡ không phải thơ ông. Có lẽ vì lý do đó mà không mấy ai biết thi sỹ Nguyễn Bính có bài thơ này giữa các bài thơ nổi tiếng cùng đề tài. Tuy vậy, ở thi phẩm lại có rất nhiều khổ thơ tuyệt vời đúng là Nguyễn Bính và chỉ Nguyễn Bính mà thôi.

Ấn tượng sâu đậm nhất là những dòng thơ mà Nguyễn Bính viết về mạch nguồn dân tộc, dường như ông gửi vào đó cả một vốn kiến thức dân gian và khát khao cái khí quyển dân gian nghìn đời ấy. Những khổ thơ này tràn ngập một thế giới cổ tích ca dao. Dường như trong mỗi câu thơ đều chất chứa một thứ “điển tích” nào đó. Vẫn là mạch dân gian chảy, ở đây là những áng ca dao đậm đà ý vị, là những câu tục ngữ sáng lên lý trí Việt, những bài đồng giao con trẻ đêm trăng. Thiên nhiên hòa quyện với cuộc sống con người. Và thiên nhiên như trang sách vĩnh cửu ghi lại trên mình, trong mình những câu chuyện nồng nàn tình yêu chung thủy. Không chỉ có mạch dân gian, hình ảnh dân tộc còn ngời sáng trong những áng văn thơ lấp lánh tình người trong đó.

Đọc bài thơ, so sánh với phong cách của Nguyễn Bính như nhận xét của Giáo sư Lê Đình Kỵ: “Nổi bật lên ở Nguyễn Bính là ca dao, ở cảm xúc lẫn tư duy, ở cả ý, tình, và điệu, …” thì có gì chưa ổn. Nguyễn Bính làm chủ bút báo Trăm Hoa, ông mất ngày 20 tháng 1 năm 1966 (chiều 30 Tết) tại Hà Nội. Nguyễn Bính có những sự thay đổi trong cách viết sau vụ Nhân văn giai phẩm và báo Trăm Hoa của ông bị giải tán. Ở thời kỳ này ông vẫn có nhiều bài thơ rất hay. Trường hợp những tác phẩm như: “Bài thơ quê hương” rất hiểm gặp ở Nguyễn Bính. Tuy nhiên, đọc lại chúng ta vẫn tìm thấy trong đó những mảnh hồn của ông sáng lên, lấp lánh một thứ hồn Việt đậm sắc màu đồng quê, xao xác một bầu trời chuyện cổ, rì rầm một dòng sông ca dao trong tâm thức.


- - -

BÀI THƠ QUÊ HƯƠNG
- Nguyễn Bính
- Nguồn: Báo Văn nghệ Nam Hà, tết Bính Ngọ (1966), trang 3

Trải nghìn dặm trời mây bạn tới
Thăm quê tôi, tôi rất đỗi vui mừng
Bạn nán lại cùng tôi thêm buổi nữa
Để tôi xin kể nốt chuyện quê hương

… Quê hương tôi có cây bầu cây nhị
Tiếng “đàn kêu tích tịch tình tang …”
Có cô Tấm náu mình trong quả thị
Có người em may túi đúng ba gang

Quê hương tôi có ca dao tục ngữ
Ông trăng tròn thường xuống mọi nhà chơi
Một đĩa muối cũng mặn tình chồng vợ
Một dây trầu cũng nhắc chuyện lứa đôi

Con chim nhỏ cũng đau hồn nước mất
“Cuốc cuốc” kêu rỏ máu những đêm vàng
Chân ngựa đá cũng dính bùn trận mạc
Theo người đi cứu nước chống xâm lăng

Quê hương tôi có bà Trưng, bà Triệu
Cưỡi đầu voi, dấy nghĩa, trả thù chung
Ông Lê Lợi đã trường kỳ kháng chiến
Hưng Đạo vương đã mở hội Diên Hồng

Quê hương tôi có múa xoè, hát đúm
Có hội xuân liên tiếp những đêm chèo
Có Nguyễn Trãi, có “Bình Ngô đại cáo”
Có Nguyễn Du và có một “Truyện Kiều”

Quê hương tôi có Trường Sơn một dải
Có Hồng Hà lại có Cửu Long Giang
Có Hà Nội có hồ Tây, hồ Kiếm
Chợ Đồng Xuân bày đủ mặt hàng

Quê hương tôi có sầu riêng, măng cụt
Lòng bưởi đào, lòng gấc đỏ như son
Có gạo tám xoan thổi nồi đồng điếu
Cam xã Đoài ai bóc cũng thơm ngon

Cánh đồng nào cũng chôn vàng giấu bạc
Bờ biển nào cũng chói ngọc ngời châu
Có thanh quế ngửi qua là khỏi bệnh
Có cây lim đóng cả một thân tàu

Quê hương tôi có những người con gái
“Một ngày hai bữa cơm đèn …”
Cách sông cái cũng bắc cầu dải yếm
Cho chàng sang đính ước chuyện nhân duyên

Trong bụng mẹ đã từng mê tiếng hát
Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ
Những trẻ nhỏ nằm nôi hay đặt võng
Sớm hay chiều, đều mượn cánh cò đưa

Khi có giặc những tre làng khắp nước
Đều xả thân làm ngọn mác, mũi chông
Những trai gái thôn Đông, xóm Bắc
Thoắt vươn vai thành những anh hùng

Quê tôi đó - bạn ơi - là thế đó
Mà nghìn năm rặt những tiếng kêu thương
Sung sướng làm sao, bỗng một ngày có Đảng
Có Bác Hồ, làm sống lại quê hương

Đánh Nhật, đuổi Tây cứu dân, dựng nước
Hai mươi năm kể biết mấy công trình
Và từ đây, núi sông và cuộc sống
Và quê hương mới thực sự của minh
Cuộc đời mới con người cũng mới
Khắp bốn phương lộng lẫy ánh sao cờ
“Đoàn quân Việt Nam đi ... chung lòng cứu quốc …”
Đầu ngẩng cao từ cách mạng mùa thu

Những xiềng xích nghìn năm đều bẻ gãy
Những bài ca điệu múa lại vui tươi
Những trận khóc đêm dài không có nữa
Thành thị nông thôn rộn rã tiếng cười

Trong lũy tre xanh vui mùa hợp tác
Mái ngói nhô lên như những nụ hoa hồng
Chung ruộng, chung trâu, chung lòng, chung sức
Chung con đường gặt lấy ấm no chung

Trong xưởng máy tưng bừng như đám hội
Những chủ nhân là chính những công nhân
Tiếng máy reo chen tiếng cười tiếng hát
Chẳng còn đâu tiếng chủ thét, cai gầm

Những nhà thơ được tự do ca ngợi
Quê hương - Tổ quốc - Con người
Và đời sống khỏi túng, nghèo, đói, khổ
Khỏi bị ai khinh rẻ, dập vùi

Đời trước thường mơ chuyện tiên, chuyện Phật
Truyện thiên đường trong những cõi hư vô ...
Đời nay dựng thiên đường trên mặt đất
Dựng mùa xuân trong tất cả bốn mùa

Khi con người được tự do giải phóng
Đất rộng hơn mà trời cũng xanh hơn
Quả trên cành cũng thêm ngon, thêm ngọt
Hoa trong vườn cũng thêm sắc, thêm hương

Và ý nghĩa những ca dao, tục ngữ
Ngày càng thêm thắm thiết, ngọt ngào
Và “Truyện Kiều” mới có chân giá trị
Và Nguyễn Du mới thành đại thi hào

Thửa ruộng cũ cấy thêm mùa lúa mới
Khung trời quê mọc những nóc lò cao
Dây “cao thế” đã chăng dài khắp nẻo
(Xóm làng tôi điện sẽ át trăng sao)

Những gỗ tốt đã dựng câu lạc bộ
Gạo tám xoan thơm bếp lửa nhân dân
Những cô Tấm tự tay xây hạnh phúc
Chẳng phải gian nan hoá kiếp mấy lần

Và lớp lớp những anh hùng xuất hiện
Sức thanh niên, sức Phù Đổng là đây
Đẩy biển lùi ra, ngăn sông đứng lại
Khẩu súng trường cũng hạ nổi máy bay

Hội Diên Hồng thôn xã nào cũng mở
Chuyện “kháng chiến trường kỳ” ai cũng nhớ nhập tâm
“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”
Câu ấy giờ đây đã đúng cả trăm phần

Đảng cùng dân đã viết thêm lịch sử
Lửa Điện Biên sáng dậy cả trăm năm
Lửa Ấp Bắc, Chu Lai cũng bừng rực rỡ
Lửa chiến công đang chói lọi miền Nam

Khi có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo
Có truyền thống cha ông để lại tự bao đời
Thì đánh Mỹ nhất định là phải thắng
Chuyện ấy, quê tôi, thành chuyện dĩ nhiên rồi

. . .

Câu chuyện quê tôi, sơ sài mấy nét
Bạn trở về xin kể mọi người hay
Riêng phần tôi có thơ này tặng bạn
Tặng quê mình, nhân dịp tết năm nay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét