V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Duyên hợp

- Trích: “Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất” - Bạch Lạc Mai
- Chương I - Chỉ vừa gặp gỡ đã quen nhau



Có người nói, phong cảnh trên thế gian này phải đích thân trải nghiệm mới tìm được cảm xúc sâu sắc nhất. Còn tôi lại cho rằng, nơi đến trong mơ, cũng vẫn có thể chân thực tới khắc cốt ghi tâm.

Đời người như nước trôi, chớp mắt đã qua đi, mỗi ngày chúng ta đều bận rộn như con sâu cái kiến, dưới áp lực cuộc sống, đã chẳng có bao nhiêu thời gian hỏi han triết lý nhân sinh. Đợi đến khi bụi trần lắng đọng, lại phát giác tuổi xuân đã lặng lẽ rời xa chúng ta, cảm giác gặp nhau xiêu lòng trước kia đã không còn nữa. Chẳng ai sinh ra đã bằng lòng làm một kẻ cướp đoạt, lẽ nào không biết những nhân vật hô mưa gọi gió, thường vào lúc hoàng hôn trăng treo ngọn liễu, tự mình chặm máu trị thương ?

Tôi vốn là một người không có chí lớn, chỉ muốn sống cuộc đời thanh nhàn, vui chút thú nhàn tản, viết vài quyển sách phiếm. Cho dù như thế, trong lòng vẫn sẽ hoang vu, khi không có gì cả, đành nhờ vào phong cảnh bốn mùa, ngày hè hái sen hóng mát, cuối đông hong sách sưởi ấm. Vốn cho rằng đời này gần gũi một rẻo non nước Giang Nam, xây gian nhà nhỏ có hàng rào, trồng ít hoa cỏ, khung cửa sổ đơn sơ, phơi mấy chiếc áo hoa, thì sẽ cảm kích rơi lệ vì cuộc sống yên ổn êm đềm này. Nhưng lại không biết rằng, trong lòng mình cũng có khát vọng khó kìm chế. Lúc nhàn tịnh, sẽ bị một khúc nhạc cổ khuấy động tâm tình, sẽ vì một tấm ảnh cũ hồn bay phách lạc, sẽ bị một bài thơ tình sâu sắc dẫn dắt đến chân trời.

Biết bao duyên trước đã thành quá khứ, thật ra thứ không nắm bắt được là thời gian róc rách chảy xuôi. Trăm ngàn năm nay, đời người lần lữa, thời gian lưu chuyển, điều khiến ta ghi nhớ thật sự không nhiều. Bất kể lòng dạ con người rộng rãi đến đâu, có thể thu giữ bao nhiêu câu chuyện, đến cuối cùng đều phải trả lại cho năm tháng. Có người nói, phong cảnh trên thế gian này phải đích thân trải nghiệm mới tìm được cảm xúc sâu sắc nhất. Còn tôi lại cho rằng, nơi đến trong mơ, cũng vẫn có thể chân thực tới khắc cốt ghi tâm.

Đối với Tây Tạng, tôi cũng đầy hiếu kỳ và khát vọng. Chỉ biết rằng, tất cả phong cảnh của mảnh đất này như một cuốn Kinh, khó mà lĩnh ngộ. Kinh văn, thánh Kinh lại có ý vị sâu xa, nội dung tinh thâm, chứa đựng ý thiền không nói bằng lời. Tôi thường đi lễ chùa, cầm về mấy quyển sách Kinh, không đọc, chỉ đặt yên ở một góc, cùng chia sẻ một quãng thời gian cõi Phật với tôi. Tôi biết, sách Kinh là cảm ngộ nơi sâu linh hồn của nhiều bậc cao tăng đắc đạo, là hồn của vạn vật tự nhiên, là tâm của biển biếc nương dâu. Mỗi người trong lòng đều có một quyển sách Kinh, chỉ là trải nghiệm đời người khác nhau, sẽ có sự đọc hiểu khác nhau.

Nhớ đến bài văn: “Ngồi tàu lửa đi Lhasa”, một cô gái không ngăn được Kinh phướn phấp phới vẫy gọi, đặt chân lên con đường hướng về Tây Tạng. Lhasa là một thành phố đầy thần kỳ và biến số, chẳng bao lâu, thành phố lạnh lẽo hoang vắng ấy đã trở thành nơi người đời hồn mơ lòng nhớ. Thành phố này mang vẻ linh hoạt huyền ảo và tưởng tượng vô tận, những dòng thơ sao mà nhiều cám dỗ, khiến chúng ta chìm đắm.

Có thangka(1), có màn thêu
Có sư tri sự đang khêu bấc đèn
Lạt Ma lật giở sách Kinh
Tín đồ trước Phật rạp mình thành tâm

Còn tôi, cũng bị bức bách làm tín đồ của nó, phủ phục trên con đường thiên lộ thần kỳ, viết nên bài thơ khiến người sóng lòng dâng trào. Đó chính là “Sắc lam Thanh Tạng”, một màu xanh lam thuần khiết, xanh lam cao quý, xanh lam ưu sầu, xanh lam xa xưa. Tôi sợ mình vô ý xông vào, sẽ quấy nhiễu giấc mộng sau rèm vắng nơi đất thánh, lại không biết rằng, trên mảnh đất thần thánh này, bảng lảng khói lửa chất phác nhất của nhân gian. Người Tạng ở đây, sinh ra vì số mệnh, họ tin tưởng nhân quả luân hồi. Do đó trong mắt họ, mỗi một ngọn cỏ gốc cây, một hòn đá, thậm chí một hạt bụi hồng, đều có gửi gắm sâu sắc. Vì thế, bạn có thể tìm kiếm được những truyền thuyết cảm động ở mọi nơi trên chốn này.

Miền đất nơi bò cừu sinh trưởng, nơi tuyết đọng ngàn năm, nơi Kinh phướn cắm đầy này cũng là nơi vun trồng tình cảm. Khi lần đầu tiên đọc được câu thơ: “Thế gian nào có đôi đường vẹn - Chẳng phụ Như Lai, chẳng phụ nàng”, tôi liền quyết định viết một bài cảm tưởng về vị tình tăng tên là Tsangyang Gyatso ấy. Nào ngờ người chung tình với câu thơ đó quá nhiều, tôi chỉ là một hạt bụi cát dưới sóng cả, lời chúc phúc dâng lên Ngài thật sự quá nhỏ nhoi không đáng kể. Nếu sau khi con người chết đi đúng là có linh hồn, nhiều năm đã trôi qua, phải chăng Tsangyang Gyatso vẫn còn đang phiêu diêu trên mảnh đất này ?

Tsangyang Gyatso, tên của Ngài ở Tây Tạng nhiều đứa trẻ lên ba đều biết, Ngài từng là Phật sống, được muôn người triều bái dưới trời xanh. Nhưng người ta lại mong đợi Ngài hơn với tư cách là vị tình tăng, ở nơi giáp ranh của Phật và tình, viết những câu thơ cảm động trời đất. Thơ tình của Ngài lưu lại trên thế gian, tựa như ma thuật, đã mê hoặc muôn ngàn người đời. Chỉ cần nhắm mắt, liền có thể nhìn thấy một thiếu niên tuấn tú, khoác áo sư màu đỏ, nhìn chúng sinh với ánh mắt buồn rầu thương xót. Ngài là linh đồng chuyển thế, đến thế gian là để giúp người, tình yêu cá nhân định sẵn chỉ là khói mây, dù Ngài nặng tình đến đâu, đời người cũng chỉ có thể là một giấc mộng.

Mọi việc trên đời đều có nhân trước quả sau, hoa hồng đến nhân gian vì lá xanh, mùa xuân lộng lẫy vì tuyết trắng, biển biếc dời đổi vì nương dâu. Còn cung Potala sừng sững trên Hồng Sơn(2) ở Tây Bắc Lhasa, được khánh thành để nghênh đón công chúa Đại Đường. Tương truyền 1300 năm trước, vào đầu thế kỷ VII sau Công Nguyên, sau khi vua Tây Tạng Songtsan Gampo(3) dời đô đến Lhasa, vì cưới công chúa Văn Thành của nhà Đường, đặc biệt xây dựng trên Hồng Sơn ba ngôi nhà lầu chín tầng có tổng cộng một ngàn gian phòng, đặt tên là cung Potala. Một tòa cung điện to lớn đẹp đẽ, hùng vĩ mà hoa lệ, tinh xảo mà trang nhã. Để an ủi lòng nhớ quê của công chúa Văn Thành, Songtsan Gampo cho xây ao hồ, đình đài trong cung điện, trồng nhiều cây hoa tươi đẹp, mô phỏng kết cấu của hoàng cung ngự uyển Đại Đường, gieo hạt giống văn minh cho tòa thành cổ hoang vắng này.

Lịch sử sẽ không lưu lại tên nàng, mà trên mảnh đất ấy của cao nguyên Thanh Tạng cũng chẳng có miếu của công chúa Văn Thành.

Cung Potala, sau khi được xây dựng lại vào thế kỷ XVII đã trở thành nơi ở mùa đông của Đạt Lai Lạt Ma các đời, cũng là trung tâm thống trị của chính trị tôn giáo hợp nhất ở Tây Tạng. Cả tòa cung điện hội tụ phong cách Tạng, xây tựa vào núi, khí thế hùng vĩ chấn động tâm linh. Cung Potala dưới trời chiều mang vẻ lãnh đạm và nghiêm nghị không tranh với đời, có lẽ rời xa nhiễu loạn quá lâu, nó giờ đây rất mực yên tịnh, rất mực ung dung, lại rất mực vô tội. Đây là một tòa cung điện được trao cho truyền kỳ và linh tính, trong đó giữ kín quá nhiều vong linh tịch mịch. Nơi này có tẩm cung của Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 - Điện Đức Đan Cát, nếu linh hồn Ngài không chết, phải chăng có thể lưu lại vết tích mờ nhạt cho những người vì tìm kiếm Ngài mà đến đây ?

Đằng kia những trác mã(4) già nua, tay cầm Chuyển Kinh luân(5), tụng niệm những câu Kinh mà chúng ta nghe không hiểu, nhưng chúng ta biết rõ, họ thành kính như vậy là để cầu phúc, tích công đức, thoát ly nỗi khổ luân hồi. Gió cát trên mảnh đất này đã điêu khắc nét tang thương của riêng người Tạng trên khuôn mặt họ, là sự ban ơn của năm tháng, cũng là dấu ấn của tuổi tác. Tôi biết, Giang Nam cầu nhỏ nước chảy thật sự đã đi xa, còn tôi và sa mạc hoang nguyên này, đã gần đến nỗi đụng chạm da thịt, gần đến nỗi có thể nghe được hơi thở của nhau.

---

(1) Thangka (còn được viết là Tangka hay Thanka): là loại tranh vẽ hoặc thêu, treo ở các tự viện và nơi thờ Phật tại gia đình, có thể cuộn lại được, hầu hết có dạng hình chữ nhật. Tranh thể hiện cuộc đời của Đức Phật, các vị Lạt Ma danh tiếng, chư Bồ Tát, thánh thần, Pháp Luân, Mạn Đà La …

(2) Hồng Sơn (Marpori): được xem là núi thiêng của Bồ Tát Quán Thế m.

(3) Songtsan Gampo (Tùng Tán Cán Bố, ?-649), vị tán phổ (vua) thứ 33 của Thổ Phồn, người sáng lập đế quốc Tây Tạng, cũng là người chấn hưng Phật giáo Mật Tông tại Tây Tạng.

(4) Trác mã: xưng hô của người Tạng đối với nữ giới.

(5) Chuyển Kinh luân (Mani luân): một loại pháp khí của Phật giáo Tây Tạng, hình ống, có thể xoay được. Trên mặt khắc sáu chữ châm ngôn: “Om Mani Padme Hum”, bên trong đặt Kinh Phật. Xoay Kinh luân một vòng (thông thường phải xoay theo chiều kim đồng hồ) tương đương niệm Kinh văn chứa bên trong một lần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét