V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Cái T Ô I, luôn thay mặt đổi tên

- Thông Hội



Những ngày nóng bức cuối cùng cũng đi qua. Những ngọn gió đầu thu dễ chịu vô cùng. Ngoại cảnh đang từng bước chuyển mình để thích ứng với mùa thu tới. Con người cũng phải từng bước chuyển mình để thích ứng cuộc sống mới. Sự phát triển và hoại diệt của muôn loài, sự đổi thay của ngoại cảnh. Ngay cả dòng tâm thức của con người cũng từng sát na sinh diệt. Đó không phải cuộc sống luôn đổi mới, dòng đời luôn luân lưu, trôi chảy để lúc nào cũng mới mẻ, tươi mát sao ?

Nhận rõ và thấu suốt sự vận hành này, dòng chảy này để biết mình là ai và cuối cùng mình đi về đâu, không phải là Thiền sao ? Đây cũng chính là tinh thần giác ngộ mà Đức Thế Tôn dạy. Nếu bên trong không thấu sự vận hành của nội tâm, ngoài không rõ được tiến trình sinh diệt của ngoại cảnh, đây là con mắt tâm chưa mở. Ta vẫn còn nhắm mắt mà đi, nhắm mắt mà sống.Trong đời thường, ta chỉ biết vay mượn mọi thứ, càng nhiều càng tốt, để tô bồi cái ta khôn ngoan, cái ta thông thái, cái ta giỏi giang của mình. Có câu chuyện Thiền rất thú vị:

Sau giờ tọa thiền, trời tối, một anh thiền sinh mù, mượn cây đèn lồng của vị thầy để đi đường. Đang đi, chợt anh đụng vào một người đi ngược chiều với anh. Giận quá, anh quát:

- Bộ không thấy cây đèn người ta đang cầm sao ?

Người kia đáp:

- Đèn của anh tắt từ lúc nào rồi anh ơi !

Từ lúc nào, tuệ giác ta đã vắng mặt, sự nội quán không có nên thường không biết rõ về mình, về sự vận hành của tâm thức, về con người mình. Ta chỉ vay mượn những kiến thức, những kinh nghiệm bên ngoài để trang bị, khoe khoang và bảo vệ mình. Bình thường, ta thao thao không ngừng về cái thấy xa, hiểu rộng, cái vốn hiểu biết và kinh nghiệm cạn cợt của mình, nhưng khi va chạm sự thật, ta ú ớ, ta … “mất thần thông” chỉ còn biết để phiền khổ khống chế và trách móc người, nếu khá hơn, ta chỉ chịu đựng hay tìm cách xoa dịu, khuất lấp cho yên.

Con mắt tâm không mở, tuệ giác không có, hay dùng ngôn ngữ phổ thông hơn là không tỉnh thức nên không có khả năng biết được cơn giận hay buồn phiền từ đâu có. Anh chàng thiền sinh mù trong chuyện này, anh quá tin vào cây đèn anh đang cầm mà quên rằng có lúc nó cũng tắt, anh quên một sự thật là anh mù và đang đi ngoài trời tối, còn một sự thật rõ ràng nữa là, mình mù nên mình đụng người mà tưởng là người đụng mình …

Đức Phật dạy, mỗi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Ngọn đuốc này không có ai thắp sáng thay ta được, Phật - Bồ Tát - Chư Tổ hay các bậc Thầy chỉ cho ta biết, ta có nhiên liệu và có khả năng thắp lên ngọn đuốc tâm ấy, đuốc do ta thắp nên nếu lỡ tắt, ta biết thắp lại, dần dần ngọn đuốc cháy lâu hơn đến lúc sáng mãi. Thắp lên được ngọn đuốc tuệ giác, nhờ đó những máy động của thân, những vận hành của tâm thức lộ rõ. Tuệ giác càng sáng, ta thấy càng rõ và sâu sắc hơn, đằng sau những vận hành ấy là ai và cuối cùng thấu suốt nguồn gốc và thực chất khổ đau.

Ngày xưa, buổi sơ khai, Thế Tôn chỉ dạy Kinh Tứ Diệu Đế và Thiền Tứ Niệm Xứ, đây là thiền kinh căn bản, là đầu mối khám phá nội tâm giúp người tu từng bước trên con đường nội quán để thành tựu sự giải thoát. Từ căn bản, nếu ta không hay biết hơi thở vào ra thế nào trong thân, cảm giác đau nhức, ngứa ngấy nơi thân, thì làm sao ta để ý và rõ được những tâm hành sâu sắc khác như buồn, phiền, giận, hờn … vận hành ra sao, cũng như nguyên nhân và thực chất của những tâm hành và đối tượng của những tâm hành này, để cuối cùng dứt khổ, giải thoát.

Các vị Thiền sư đã từng nói, chỉ cần dứt tình phàm, đâu cần cầu thánh giải. Phàm tình này, đâu không phải là những tình chấp, những ma tánh xuất hiện hàng ngày trong ta hay sao ? Trong kinh, Phật vẫn gọi là ma phiền não, những ma tánh này thường có mặt những khi đối duyên xúc cảnh, trong cuộc sống đời thường. Nếu ma tánh vẫn còn sâu dày và khống chế ta, làm sao Phật tánh hiển lộ ? Có phải, hàng ngày ta sống bằng ma tánh của ta hay không ? Từ sáng đến chiều, cái gì thường vận hành trong ta ? Ai suy nghĩ ? Ai nói năng ? Ai cho mình giỏi, mình đúng ? Ai cho mình là thế này, thế kia ? Ai vui buồn khi cảnh thuận hay nghịch với những gì ta đặt để, cho là ... ?

Có vị Tăng hỏi Thiền sư Duy Khoan:

- Đạo ở đâu ?

Sư đáp:

- Ở trước mắt.

Ông Tăng hỏi thêm:

- Sao con không thấy ?

Sư bảo:

- Vì ông còn có ngã (cái tôi).

Ông Tăng hỏi tiếp:

- Con còn có cái tôi nên không thấy, vậy Hòa Thượng thấy không ?

Sư đáp:

- Có ông, có ta rồi cũng không thấy.

Ông Tăng lại hỏi thêm câu nữa:

- Không con, không Hòa Thượng lại thấy chăng ?

Sư đáp:

- Không ông, không ta, còn ai cầu thấy ?

Những đám mây đen còn che kín, tuy mặt trời có đó nhưng làm sao hiển lộ ? Những ngày mây đen che kín, mưa gió và sấm chớp ầm ì, nếu có dịp đi phi cơ, ta thử để ý, khi phi cơ lên cao, vượt khỏi những lớp mây, bên trên là mặt trời sáng chói? Nhưng, mặt trời không thể chiếu xuyên qua những lớp mây dày để mặt đất sáng sủa được. Nếu mây tan, dưới đất sẽ không còn mưa bão sấm chớp. Chỉ cần những đám mây thành kiến, định kiến, những khái niệm hay giỏi, đúng, sai .v.v.v. mà ta vay mượn để hình thành cái tôi của mình, những thứ này phải được tuệ giác thường xuyên soi chiếu, thì mới có ngày mây tan trăng hiện. Đây không phải “tình phàm hết, thể hiện bày” sao ?

Xin tiếp một ví dụ này để vấn đề sáng tỏ hơn. Có một người nghèo khổ, chỗ ở của anh là căn lều mục nát, anh sống lây lất qua ngày bằng cách xin ăn. Một hôm, có người tốt bụng nói với anh rằng:

- Ngay trong căn lều anh ở, dưới chỗ anh thường nằm ngủ có mỏ vàng. Ban đầu, anh không tin, nhưng đến mùa mưa dầm, anh không thể nào sống trong mái lều ấy, cũng như không đi xin ăn được. Một hôm, nhớ lời người tốt bụng, anh tìm mượn được cây cuốc, âm thầm đào đất dưới chỗ anh nằm, quả nhiên có vàng, nhưng không thể sử dụng được vì còn lẫn lộn với quặng. Anh lại kiên trì học cách lọc quặng, đãi vàng. Quặng lọc tới đâu, vàng nguyên chất hiển lộ tới đó. Dần dần, anh bán vàng, xây dựng nhà cửa, cơ sở, giúp đỡ những người nghèo khó trong làng có công ăn chuyện làm, đồng thời, anh tiếp tục lọc quặng. Cuối cùng, anh trở thành người giàu có nhất làng vì anh có những khối vàng, thuần vàng.

Trong thiền Đông Độ, có giải ngộ và chân ngộ. Khi giải ngộ, hành giả chỉ hiểu và nhận ra mình có cái chân thật (Phật tánh) nhờ nghe giảng hay nghiên cứu kinh, luận và thiền sử, trường hợp này, hoàn toàn là kiến giải, tức khái niệm về Phật tánh. Còn chân ngộ, hành giả cũng nghiên cứu kinh, luận và thiền sử, nhưng nhờ sự trăn trở, thao thức dứt khổ là động cơ đẩy mạnh công phu nội quán, bền bỉ và sâu sắc, đến lúc chín muồi, nhờ duyên ngoài tác động, như cơn gió thổi qua làm rụng trái chín. Trong giây phút chớp lòe ấy, Phật tánh hiển lộ, hành giả hỷ lạc vô cùng, những chấp thô rơi rụng nhưng những chấp trước vi tế (nhỏ nhiệm, sâu, khó thấy) vẫn còn, ngay lúc này, cái chấp ngã ôm lại trạng thái ngộ và ý thức liền hình thành khái niệm kiến tánh, ngộ đạo. Từ đó cái tôi kiến tánh, cái tôi ngộ đạo có mặt.

Ta khó nhận ra chỗ này, vì ta đang là một với cái thấy biết mới, cao hơn, nếu duyên may gặp người chỉ điểm, giúp ta vượt qua. Bằng không, ta dễ ỷ lại chỗ ngộ và nghĩ mình đã xong việc. Nếu lòng tha thiết muốn thoát ly sinh tử, đạt đến giải thoát hoàn toàn, hành giả sẽ dễ nhận ra chỗ này và tiếp tục rõ mình, rõ người trong những lúc đối duyên xúc cảnh, để thấu suốt những bóng mây còn ẩn kín, nhờ vậy cái tôi và những thay mặt đổi tên của cái tôi (phóng hiện của bản ngã) không còn lừa dối được ta. Đây là đoạn 153-154 trong kinh Pháp Cú:

- Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Đau khổ thay kiếp sống cứ tái diễn mãi. Hỡi kẻ làm nhà ! Nay ta gặp được ngươi rồi. Ngươi không thể làm nhà nữa. Cột và đòn tay của ngươi đều gãy cả, nóc và xà nhà của ngươi đã tan vụn rồi. Ta đã chứng đắc Niết bàn, bao nhiêu dục ái đều dứt sạch.

Gom những cột, kèo và đòn tay, người thợ đã xây dựng thành nóc nhà, xà nhà rồi thành căn nhà. Cũng như suốt đời ta vay mượn nhiều thứ bên ngoài để hình thành ngôi nhà ngã chấp. Người làm nhà đâu không phải chính cái tôi của mình hay sao ? Đức Thế Tôn đã từng căn dặn: “Vô ngã thị Niết Bàn”, khi nào rõ ràng, thấu suốt được cái tôi, khi ấy mới thực chứng Niết Bàn. Chính ngài, ngài đã phát hiện, đã chạm mặt người thợ làm nhà nên cái tôi tạo tác căn nhà sinh tử không còn tiếp tục nữa, và ngôi nhà ấy cũng sụp đổ hoàn toàn. Ngài dứt khổ, giải thoát và thực chứng cái vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn.

Ngay những câu đầu của đoạn kinh: “Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Đau khổ thay kiếp sống cứ tái diễn mãi !” - Lời than thật thiết tha, thật đau xót cho chính ta. Ta lang thang, trôi nổi, lặn ngụp trong khổ đau biết bao nhiêu đời kiếp rồi, nếu ta chưa gặp và chạm mặt người thợ làm nhà, thử hỏi ta còn quanh quẩn, đắm chìm trong khổ đau luân hồi bao nhiêu đời kiếp nữa ?

Ta đã từng đóng biết bao vai, tùy theo trình độ thăng tiến của ta, ta vẽ và xây biết bao nhiêu căn nhà, để rồi ta khư khư bảo vệ nó, tô bồi nó, và khổ đau vì nó. Ta không biết, ngày nào chưa tìm ra người thợ làm nhà là ngày đó ta còn xây nhà, còn ôm chặt những gì ta sở hữu, khi ai đụng đến những chấp cứng này, ta phiền não và sẵn sàng nhào ra chống trái, bảo vệ, gây tạo vô số tội, để cả cuộc đời không sao có ngày vui. Nếu cứ tiếp tục như vậy, cuối cùng ta được gì và đi về đâu ?

Nhận rõ sự vận hành của nội tâm để bắt gặp người thợ làm nhà, là ta đặt chân đến đầu nguồn của dòng sinh tử, làm chủ và đổi mới tâm thức mình để luôn hòa nhịp cùng sự mới lạ, tươi mát, trôi chảy của dòng đời và cảnh vật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét