V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Mộng là gì ?

- Minh Đức


Chúng ta ai cũng biết Mộng là cái có như huyễn. Đã là Mộng thì là có chứ chẳng phải không. Nhưng mà có như huyễn thuật. Giống như ảo thuật gia làm tất cả trò huyễn thuật, thấy là có nhưng mà không phải như vậy. Cái gì rồi cũng thay đổi, cái gì rồi cũng qua đi, nên giống như giấc mộng, giống như vô thường.
Cái gì đang là thì cũng đã là và sẽ là. Nhưng không phải vì như vậy mà gọi là “Mộng”. Không phải vì nay còn mai mất mà gọi là “Mộng”. Mộng là cái ngay tại đây và ngay bây giờ. Nó gọi được là “Mộng” là vì “có” chứ không phải “không có”.

Một người nằm ngủ mà có chiêm bao. Cái chiêm bao đó là “có chiêm bao”, gọi là có “Mộng”. Dù là hồ đồ, siêu hình viễn vông. Dù nó là cái vô sắc, vô hình và biến hóa hư ảo, nhưng nó là “có” chứ không phải “không”. Đau khổ và hạnh phúc của giấc mộng là có thật với người trong mộng. Thành ra không thể nào nói “không” với người đang nằm mộng, cũng như không thể nào nói là "mộng" với người đang thức không ngủ. Nhưng tất cả cái “có” của Mộng và Thực chỉ là cái có của người đang thức và đang ngủ với cái thân ngũ uẩn mà thôi. Mà cái ngũ uẩn này lại chính là “Mộng”. Không phải vì nay còn mai mất, ẩn rồi hiện và không nắm bắt được mà gọi là ảo mộng. Nhưng chính sự sống không tĩnh thức là mộng. Tất cả vọng tưởng đều là mộng. Bởi vì cái vọng tưởng nào khởi lên cũng đều không có gốc rễ để bám trụ. Chính vọng tưởng là mộng. Ai ai cũng có vọng tưởng nên đều có mộng. Đã là Mộng thì đừng có nói là không có gì. Một người đang nằm chiêm bao thì tất cả cái xảy ra đều là có thật. Cũng giống như người đang thức mà nói người ta đang nằm mộng thì không ai chấp nhận được. Thành thật mà nói thì chỉ có người tĩnh thức tự biết mình. Bởi cái gì dù là Mộng hay Thực thì chỉ có cho người trong mộng và người đang sống tự biết mà thôi. Tất cả dù Mộng hay Thực thì cũng chỉ là ngũ uẩn.

Một người chiêm bao thì cái chiêm bao viển vông hồ đồ đó cũng có nhân quả của nó, chứ không phải vô duyên mà có chiêm bao. Ví dụ như có người bị đau mắt, nhìn thấy trong hư không có hoa đốm. Với người không đau mắt thì không có cái hoa đốm này. Nhưng người đau mắt là có thật. Nếu hỏi rằng hoa đốm chừng nào nở thành hoa thiệt thì đó là mê mờ. Nếu nói rằng không có hoa đốm như người không đau mắt, thì không đúng với người đang đau mắt. Người đang nằm ngủ trong mộng, dù biết rằng mình đang nằm mộng thì cũng không thể tỉnh dậy khi đang còn trong mộng. Khi tỉnh dậy rồi thì giấc mộng vẫn lưu lại cái gì đó chứ không phải hoàn toàn hết mê say. Còn như người đang không buồn ngủ thì không thể gọi là đang mộng, nhưng thật ra cũng đang mộng, bởi vì tuy đang không ngủ cũng không thể nắm bắt được cái vọng tưởng của người đang sống, giống như người ngủ mê. Nếu không có chánh niệm khi đang tỉnh táo chưa ngủ, thì dù là đang thức cũng đang mộng. Có những cái đang có trước mặt mình mà mình cũng không có chánh niệm về cái đang hiện có trước mắt mình, mà mình chỉ nghĩ đến những cái không đang có trước mắt thì đó cũng là một hình thái giống như mộng của người đang ngủ vậy thôi. Cái gì đang có cũng sẽ qua đi. Rồi tất cả sẽ qua đi, nhưng cái gì qua đi thì cái đó là mộng. Mộng đẹp, mộng xấu, mộng lành, mộng dữ đều qua đi, những cái không qua đi là cái thực sự là sự sống. Vậy thì cái gì không qua đi ?

Nếu cái không qua đi là có thật thì cái đó mới là sự thật. Nếu có sự thật thì không có mộng. Vì vậy người có chánh niệm là người đang tĩnh thức. Đánh mất chánh niệm là đang nằm trong vọng tưởng. Sống với vọng tưởng là sống với mộng. Vì vậy tĩnh thức chính là chánh niệm. Vì vậy người đạo sĩ thì lấy chánh niệm làm sự tĩnh thức, lìa chánh niệm thì rơi vào mộng. Ai ai đang có cái thân ngũ uẩn này thì đều có mộng. Có cái thân ngũ uẩn thì có tám cái khổ, tám cái khổ là một sự thật. Nếu không thấy tám cái khổ thì đang nằm chiêm bao với vọng tưởng của một sinh thể hữu tình. Trước phải thấy khổ của cái thân thì mới tỉnh mộng. Vì vậy khi đức Phật chuyển pháp luân lần đầu cho tăng thân của anh em các Ngài Kiều Trần Như, thì Pháp Luân chỉ có một sự thật, nhưng phải chẻ ra làm bốn để cho dễ hiểu. Sự thật có tám cái khổ là cơn bệnh của sinh thể. Mười hai nhân duyên là nguyên nhân của Khổ. Tám con đường chơn chánh đem lại sự sống tĩnh thức chánh giác là phương thuốc trị lành bệnh. Bệnh lành thì có Niết Bàn. Do có bệnh khổ mộng mị mà có Niết Bàn. Nếu không nhận ra Niết Bàn từ nơi bệnh khổ của sanh tử mà sinh thể đang Mộng, thì sinh thể vẫn cứ mãi sống trong Mộng sanh tử. Vì vậy có chánh niệm thì có tĩnh thức. Một sinh thể tĩnh thức thì có tất cả sự thật trong chánh niệm. Không ai cho mình cái chánh niệm của mình được. Vì vậy nhân quả của Nghiệp thức là do chính chánh niệm nhìn thấy. Mình phải thấy cho mình chứ không ai thay thế cho mình được. Chư Phật ba đời và mười phương khi ra đời giáo hóa chúng sinh thì cũng không thể sống thế cho chúng sanh được. Mọi chúng sanh đều có sự sống, nhưng do vọng tưởng mộng mị mà không tĩnh thức nhận ra sự sống của mình. Sự sống đó có khắp mười phương chứ không riêng một cái thân ngũ uẩn của một sinh thể. Vì vậy không ai vượt qua sự thật. Một sinh thể thì không thể tránh được già, không thể tránh được bệnh, không thể tránh được chết. Vì đó là quy luật huyễn hóa của giấc mộng sanh tử. Sanh trụ dị diệt, thành trụ hoại không, sanh lão bệnh tử. Đó là trò huyễn hóa của vô thường. Cái vô thường đó là mộng. Cái chơn thường là sự tĩnh thức. Nếu mình không biết mình đang sống thì mình không phải là một sinh thể hữu tình. Sự hiện diện của sỏi đá vô tình cũng góp phần cho sự sống của thế giới. Một sinh thể hữu tình lại thua cả sỏi đá hay sao ?

Tất cả hạnh phúc và khổ đau đều sẽ qua đi như giấc mộng không thể kéo dài. Nhưng sự sống thường trụ của chúng sanh không phải chỉ hạn cuộc trong một cái thân ngũ uẩn này. Ngũ uẩn có mặt khắp vũ trụ. Sự sống cũng có mặt khắp mười phương. Do nghiệp thức mà ứng thân sanh tử tương tục. Không sinh thể nào tránh được già, bệnh và chết, nhưng nghiệp thức là cái “có” thì không thể trở thành “không”. Cái thân này nằm xuống với thế giới mà nó nương gá thì thân khác lại sanh ra theo nghiệp mà hóa thân. Giấc mộng dù hãi hùng hay thơ mộng thì cũng qua đi. Nhưng một chấm, một nét của Nghiệp báo cũng không qua đi. Chúng ta bỏ thân này như cởi chiếc áo mùa hè rồi lại đắp cái áo mùa đông. Hãy nhìn xem chiếc lá mùa thu bé nhỏ, nó bay theo chiều gió rồi rơi vào lòng đất bình yên. Lá không biến mất như từ “có” trở thành “không” mà nó đi vào lòng đất rồi hóa thân trở lại. Chẳng có cái gì từ có mà trở thành không. Mà cũng chẳng có gì từ không mà trở thành có. Nghiệp cũng vậy. Người có năng lực thực tập lời Phật dạy thì tùy nguyện mà sanh thân. Người buông lung theo nghiệp cảm thì cũng theo nghiệp cảm mà tái sanh. Một nét của nhân quả đều có báo ứng. Vì vậy, làm lành lánh dữ và giữ tâm ý trong sạch chính là tạo nghiệp hạnh phúc cho mình ngay trong hiện tại và đi về tương lai. Mộng nào cũng qua đi, nhưng cái thực của Nghiệp thì không qua đi.
Do vậy, người con Phật thì lấy trí tuệ làm sự nghiệp để xây dựng hiện tại và tương lai của mình.

Đường luân hồi sáu nẻo của chúng sanh đều là thực mà cũng đều là mộng. Tại sao vậy ? Bởi vì đau khổ và hạnh phúc đều qua đi một cách mầu nhiệm, nó như những cái bong bóng nước không thể nắm bắt được nhưng nó đều là sự thật có nhân quả rất thật. Ngay như một người nằm ngủ có nhiều chiêm bao, thì cái chiêm bao nào cũng có nguyên nhân từ sinh lý và tâm lý của sinh thể. Đôi khi chiêm bao lại là một linh ảnh báo trước cho một chuyện sẽ xảy ra rất đúng với thực tế. Vì vậy, chiêm bao dù cho hồ đồ hay đúng sai gì cũng có nhân quả của nó. Nhưng cái Nghiệp của sinh thể thì phải do sinh thể quyết định. Sáu nẻo luân hồi sẽ qua đi như giấc mộng, nhưng nó chỉ qua đi cho một đời người. Không ai biết được ra sao ngày sau khi mình chết. Nhưng cái tình người không qua đi vì cái nguyện lực và nghiệp lực vẫn còn đó.

Chúng ta đọc kinh Lăng Nghiêm thì thấy nghiệp của chúng sanh giống như giấc mộng huyễn hóa. Có những vị thực tập theo lời Phật dạy thật giỏi. Nhưng đến khi phá được một vài ấm ma của mình thì lại rơi vào chấp ngã. Lầm tưởng mình đã thực chứng thánh quả. Như vậy cái thực và cái mộng đều nguy hiểm nếu mình lầm đường lạc lối, được một ít cho là đã đủ, đã thấy thực tướng của thế gian rồi. Sáu nẻo luân hồi rốt ráo đều là mộng. Nhưng đừng tưởng rằng mộng là chẳng có gì. Thân ngũ uẩn tuy là thân của cõi mộng, nhưng chính là cội gốc của hạnh phúc và khổ đau của vô lượng kiếp.

Xin tạm nói một chữ Mộng như vậy thôi. Bởi vì Mộng sẽ qua đi, nhưng sự sống của tâm linh thì không qua đi bao giờ.

Nam mô A-Di-Đà Phật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét