V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Đường về nguồn hạnh phúc

- Thông Hội


I. Tìm hạnh phúc bằng thỏa mãn tham vọng

Trong đời thường, bất cứ là ai, từ trẻ đến già, nam hay nữ, luôn khát khao kiếm tìm hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc đôi khi rất xa mà có lúc lại rất gần. Có những lần ta ngỡ nắm được nó trong tay nhưng rồi hạnh phúc chợt tan biến như một bào ảnh. Thế là ta khổ đau, rồi lại hì hục lao đi tiếp tục kiếm tìm. Ta tin rằng nếu những đòi hỏi, những ước vọng của mình được thỏa mãn là ta có hạnh phúc. Khi được vừa ý, xứng lòng là ta có hạnh phúc. Có thật như vậy không ? Đây vẫn là câu hỏi chứa nhiều ẩn số …

Đây là một đoạn trong lời tâm sự của T. bác sĩ triệu phú, anh ra đi chỉ vài ngày sau khi chia sẻ những lời này vì chứng cancer phổi.

“Tôi đã có được mọi thứ trong cuộc sống, đến tột đỉnh của sự nghiệp. Tôi có tất cả. Đó là tôi của một năm trước đây. Tôi nghĩ tôi đã chế ngự được mọi chuyện và đạt đến đỉnh vinh quang. Nhưng tôi lầm …”

Từ lúc nhỏ, anh đã được gia đình và xã hội gieo vào trong anh khái niệm “Nếu thành công sẽ có tất cả, kể cả hạnh phúc !” Thành công là có tiền, nhiều tiền. Anh đã nỗ lực ganh đua và thành công mọi lãnh vực từ lúc nhỏ. Theo đà ganh đua và thành công đó, anh lớn dần và khái niệm đó trong anh cũng được tô bồi, nuôi dưỡng thành sự ham muốn không dừng nghỉ. Anh như con thiêu thân lao vào ánh đèn, cứ lao tới, ganh đua đạt thành quả. Anh ra trường với cấp bằng bác sĩ ưu tú về mắt nhưng thấy trị bệnh tiền không nhiều, anh xoay qua mở phòng mạch giải phẩu thẩm mỹ, dễ có tiền hơn, thế là anh miệt mài làm việc, say mê kiếm tiền, quên thời gian, quên nghỉ ngơi và chỉ ít lâu sau, anh thành triệu phú. Những gì anh mơ ước, mong muốn, anh đã có. Từ nhà cửa, xe và những phương tiện khác anh dùng, toàn là cao cấp, ít ai sắm nổi. Nhưng, tiền tài, danh vọng, địa vị, phương tiện sống, tất cả đã vuột khỏi anh, kể cả sự sống. Anh đã ra đi khi vừa bốn mươi tuổi.

Trong kinh Tứ Thập Nhị chương, phẩm Tham đắm các dục, Phật dạy:

Người thuận theo lòng dục
Để mong được danh tiếng
Khi danh tiếng vừa nổi
Thì thân này mất rồi
Giống như người đốt hương
Khi người nghe mùi hương
Thì cây hương tàn rồi

Khi mọi người ngửi được mùi hương thì cây hương bắt đầu tàn, hưởng trọn mùi hương thì cây hương cũng hết. Anh cũng vậy, lúc bắt đầu có những gì anh muốn là sự sống của anh cũng bắt đầu giảm, đến khi anh có tất cả, sự sống của anh cũng chẳng còn, như cây hương tàn. Cái gì đã hủy hoại anh ? Suốt đời anh sống có hạnh phúc không ? Người đuổi theo thành đạt hàng ngày sống bằng tâm trạng nào ? Hình ảnh máng cỏ tươi treo trước mặt con lừa và con lừa cứ lao tới, lao tới, nó nghĩ khi được máng cỏ tươi nó sẽ vui, sẽ hạnh phúc biết bao …

Như vậy, khi được thỏa mãn những đòi hỏi, những ước muốn, ta vui. Niềm vui này là thứ hạnh phúc nhất thời vì ngay lúc vui, bóng dáng của lo âu, sợ hãi đã ập tới, ta sợ mất hay ta nhàm chán những gì đang có và tính toán để có hơn nữa. Hạnh phúc nhất thời và khổ đau là hai mặt của cuộc sống, mặt này xuất hiện là mặt kia chờ sẵn. Chỉ có niềm vui khi quay về hiểu rõ chính mình và tháo gỡ những lầm chấp ở nội tâm … hạnh phúc ấy mới vững bền, là hạnh phúc chân thật. Vậy, hạnh phúc không đến từ bên ngoài, và cũng không xa, chỉ khi nào bóng tối lầm chấp khổ đau trong ta không còn thì bình minh hạnh phúc có mặt.

Bóng hạnh phúc không còn xa xôi nữa
Nếu lòng ta thật sự hiểu chính mình
Đêm mù tan, ta lại đón bình minh
Và sức sống chan hòa trên mọi nẻo …

II. Tìm hạnh phúc bằng thắp sáng Tuệ Giác

1. Từ Kinh Tứ Diệu Đế

Thắp sáng trí tuệ là điều quan trọng và cần thiết mà Thế Tôn muốn trao truyền. Ngày xưa Đức Phật thành tựu đạo quả cũng nhờ con đường nội quán này. Bao đời chư Tổ Ấn độ, Trung Hoa, Việt Nam cũng truyền nhau, trí tuệ nội quán này. Các ngài luôn nhắc nhở ta, hãy quay lại khám phá sự vận hành của nội tâm, nhờ đó ta nhận ra nhiều lớp sự thật về mình. Các kinh điển từ nguyên thủy đến đại thừa đều hiển bày tinh thần này …

Tứ Diệu Đế, bài kinh căn bản của đạo Phật, giúp mọi người dứt khổ, sống vui nhờ nhận ra bốn sự thật nơi chính mình. Tinh thần của Tứ Diệu Đế giúp ta hiểu rõ về mình, về những sự thật nơi mình, nhờ hiểu rõ những sự thật về mình nên giải thoát. Nên người giải thoát phải là người hiểu rõ nội tâm mình. Chưa biết buồn, vui, giận hờn, sợ hãi luôn xảy ra nơi thân tâm là khổ, và vì sao những phiền khổ đó có mặt thì cái ngã và ngã chấp vận hành hàng ngày làm sao nhận ra ? Không thấy sự vận hành của ngã và ngã chấp ở nơi ta hàng ngày như thế nào, làm sao biết thực chất của nó là gì ? Đâu thể nào Phật nói không thật, kinh nói hư giả, rồi mình cứ lầm bầm nói cái tôi không thật, cảnh như huyễn được. Nếu cái tôi không thật, cảnh huyễn hóa, vậy sao khi va chạm, khi đụng chuyện ta bị nó khống chế ? Nếu tất cả do duyên hợp, tại sao ta phiền giận không hay biết và trách móc người ? Cho nên ta không thể nói suông, nói suông vô ích, chỉ đếm tiền dùm người khác thôi, còn mình vẫn trắng tay.

Có vị tăng đến nói với một vị Thiền Sư:

- Trong pháp của tôi, một mảy bụi cũng chẳng lập, mười hạnh lành sẽ dùng vào đâu ?

Thiền Sư bảo:

- Năm uẩn lăng xăng, bốn đại đầy dẫy, sao bảo là không mảy bụi ?

Vị tăng nói:

- Nhưng bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải có.

Thiền Sư liền tát cho ông một tát bảo:

- Kẻ học nói như mè, như thóc, chưa đúng, hãy nói lại !

Ông tăng lộ vẻ bực tức, đứng dậy. Thiền Sư cười bảo:

- Bụi bặm phủ đầy mặt rồi, sao ông chẳng phủi đi ?

Ta nên đi thẳng vào nội tâm mình để nhận ra nhiều lớp sự thật và thấu suốt nhiều lớp sự thật này để sự thật tối thượng hiển lộ. Như nhiều lớp mây tan và mặt trời chiếu sáng. Đến chỗ này, cội gốc Tứ Diệu Đế, Tứ Niệm Xứ đã xum xuê cành lá sẵn sàng trổ hoa trái Bát Nhã. Cũng như hàng Thanh Văn phát tâm dấn thân trên con đường Bồ Tát để thành tựu Vô thượng Bồ đề …

2. Đến Kinh Bát Nhã

Đại diện hệ phái kinh đại thừa là kinh Bát nhã. Đức Phật đã hiển bày trí tuệ cứu cánh Bát Nhã bằng bài kinh thật ngắn gọn, nhưng là cốt tủy của đạo Phật – Tâm kinh – hay Kinh trí tuệ cứu cánh rộng lớn. Mở đầu bài kinh, Bồ tát Quán Tự Tại khi quay lại nhìn sâu vào nội tâm, liên tục, ngài thấy rõ năm uẩn không thật có, ngài liền dứt khổ. Năm uẩn là năm thứ chứa nhóm, hợp lại để hình thành một con người.

- SẮC, thân thể

- THỌ, những cảm thọ (vui buồn giận hờn thương ghét ...)

- TƯỞNG, những nhớ tưởng, nghĩ tưởng về chuyện này chuyện nọ, những hình ảnh đã qua hay chưa tới .v.v.v.

- HÀNH, những ý nghĩ nối tiếp nhau sinh diệt không dừng

- THỨC, cái phân biệt sạch dơ, đúng sai, tốt xấu, thương ghét .v.v.v.

Ngài đi vào mỗi uẩn và thấy rõ nhân duyên hình thành từng uẩn để thực chứng tướng không thật của mỗi uẩn. Năm uẩn đã không thật thì bản ngã làm sao có ? Cái tôi không thật thì ai khổ ? Chứng ngã không nhưng phải chứng luôn pháp không, từ Mười Hai Nhân Duyên đến Tứ Diệu Đế và Niết Bàn, tất cả đều không thật có. Ngay cả Vô Thượng Niết Bàn cũng là như chiêm bao, như bọt nước. Từ tinh thần vô sở đắc này, Bồ Tát tự tại đi vào các cõi hóa độ chúng sanh không chướng ngại. Đến đây thì mây tan mặt trời trí tuệ thường sáng. Bồ Tát chứng thật tướng Bát Nhã, tiếp tục lợi sanh để thành tựu quả Phật.

Cho nên tinh thần Bát Nhã là tuệ giác đi vào nội tâm để thấy chớ không phải để nghĩ tưởng, nói suông, và để giúp ta phá lầm mê chứ không phải để chấp cứng hay chỉ hiểu rồi buông tất cả. Trước tiên, văn tự Bát Nhã giúp ta hiểu Thế Tôn muốn truyền đạt ta điều gì. Rõ ràng, ngài muốn ta phải quay về tìm hiểu về mình, về trọn vẹn con người mình cùng những chấp thật của mình về các pháp thế gian và các pháp xuất thế gian, cuối cùng vào chỗ cứu cánh là trí tuệ Bát Nhã, giải thoát. Phần này thuộc về phạm trù tư tưởng.

Quán chiếu Bát Nhã là áp dụng chỗ hiểu này đi vào từng uẩn để nhận ra mỗi uẩn có mặt là do duyên hợp. Năm uẩn đều do duyên hợp nên không thật. Bản ngã cũng vậy. Giống như ta vào trong nhà cầm từng món đồ xem xét kỹ để biết những thứ ấy làm bằng gì. Các pháp bên ngoài, từ pháp thế gian đến pháp xuất thế gian, quán sát kỹ để nhận ra các pháp cũng do duyên hợp nên không thật. Trong, ngoài, lúc nào cũng rõ ràng, thấu suốt thực chất tâm, thân cảnh giới, thường như vậy mới gọi “trong ngoài rõ ràng thường biết”. Nhưng dù ngồi được thuyền Bát Nhã, ngay cả chèo giỏi nhưng vẫn chưa tự tại hoàn toàn, vì còn vướng con thuyền, còn quán chiếu. Đến khi thật sự vứt bỏ thuyền mới thể nhập thật tướng Bát Nhã. Được tự do tự tại, đầy đủ diệu dụng. Như người lên bờ thì đâu cần thuyền nữa, muốn đi đâu thì đi, tự do.

Thiền sư Duy Khoan nói: Sãi tôi, 30 năm trước thấy núi là núi, thấy nước là nước. Đến khi gặp thiện tri thức chỉ cho chỗ vào, thấy núi chẳng phải núi, thấy nước chẳng phải nước. Đến khi nhập vào chốn tịch tĩnh y nhiên thấy núi là núi, thấy nước là nước. Lần thấy của 30 năm trước là cái thấy chấp thật của người thế gian, vì chấp thật nên sống mờ mịt trong khổ đau phiền muộn. Lặn ngụp, nổi trôi trong biển khổ. Đến khi gặp thiện tri thức chỉ cho chỗ vào, là được người giới thiệu con thuyền Bát Nhã, mỗi người có khả năng có thuyền Bát Nhã, được chỉ cách ngồi thuyền và cách chèo thuyền Bát Nhã vượt qua biển sóng gió (nghe giảng Bát Nhã, hiểu lý Bát Nhã, áp dụng quán chiếu Bát Nhã vào nội tâm mình). Đến khi thể nhập chốn tịch tĩnh, ngã và pháp không còn, chứng Thật tướng Bát Nhã, trong ngoài một thể nhất như, không còn quán chiếu, không cần thuyền Bát Nhã nữa. Hoàn toàn giải thoát, tự do tự tại, hạnh phúc vô biên.

3. Như vậy khám phá nội tâm hay con đường nội quán bắt đầu từ đâu ? Làm sao để thấy được sự vận hành của nội tâm ?

Tinh thần Tứ Diệu Đế là tuệ giác nội quán và tinh thần Bát Nhã cũng là tuệ giác nội quán. Bước đầu và cũng là phần căn bản trên con đường giải thoát là quay về phát hiện những cảm giác phiền khổ đang xảy ra nơi mình và nhận ra những phiền khổ ấy là do mình vướng vào những gì mình tin chắc chứ không phải do bên ngoài. Suy tư và chiêm nghiệm xem những gì mình tin chắc có phải là những bản vẽ của mình hay không ? Có phải vì mình chấp thật những bản vẽ này mà mình khổ và mình lao đao, lận đận suốt đời cũng vì đem tâm huyết cả đời để thực hiện bản vẽ ? Nhận ra chính mình làm mình khổ chứ không do hoàn cảnh hay ai khác. Cũng như anh bác sĩ trong câu chuyện trên, từ nhỏ đến lớn anh đã tận lực thực hiện bản vẽ của mình (có tiền là có tất cả, có luôn hạnh phúc) và anh say mê, miệt mài thực hiện, khi đến tột đỉnh của thành công, anh cũng vừa ra đi.

Bồ tát Quán Tự Tại dùng tuệ giác chiếu thẳng vào nội tâm, đây là giai đoạn hành trì, mà hành sâu sắc chứ không còn nằm ở phạm trù học hiểu, học hiểu thuộc văn tự Bát Nhã. Nghĩa là, thực hành chứ không phải hiểu suông, nói suông hay chỉ dựa trên hiểu biết rồi buông thả mọi thứ cho đó là hành Bát Nhã, tai hại hơn nữa là hiểu sai lầm rồi chấp cứng chỗ lầm lẫn ấy…

Trong câu chuyện thiền trên đây, vị thiền khách chấp vào “không”, vì chấp không nên ông cho là bốn đại, năm uẩn đều chẳng có, ngay cả mười pháp lành cũng không và ông tin là mình đúng do đó tâm nhân ngã sanh. Ông đến gặp vị thiền sư để khoe chỗ “tu sâu sắc” của mình và đến để tranh biện hơn thua. Khi vị thiền sư dùng thủ thuật kỳ diệu của thiền môn điểm hóa, cái phiền giận sôi bừng lên mặt, đang hủy hoại thân tâm mà ông chẳng nhận ra, thì làm sao ông biết được ông giận là do ông chấp cứng vào cái “không” và chỗ tin mình đúng ? Đây là khổ và nguyên nhân của khổ. Ông mờ mịt như thế làm sao ông thấy được niệm gì dẫn ông tới đối thoại với vị thiền sư và cái tôi gì đang tạo tác ? Những gì đang xảy ra trong nội tâm của vị thiền khách không phải vận hành của nội tâm sao ? Nếu không quay về để ý mình làm sao phát hiện ?

Trong đời, ta cũng vậy, khi cho là mình đúng, mình hay, giỏi ... ta liền chấp thật và tin vào những khái niệm này, thế là ta suy nghĩ, nói năng, hành xử theo những gì ta tin chắc, đến khi gặp những hoàn cảnh hay người khác nói hay làm ngược lại, ta phiền giận trách móc vì ta luôn nghĩ là hoàn cảnh hay đối phương làm mình khổ (chứ không phải do mê lầm, chấp thật nên mình khổ). Vì vậy, ta thường làm mình khổ và người khổ mà không hay biết.

III. Phần kết

Suốt đời, ta đi tìm hạnh phúc nhưng ta lại đi ngược về hướng khổ đau. Nên ta chỉ nhận toàn là niềm đau nỗi khổ, hạnh phúc như máng cỏ tươi treo trước mặt con lừa để nó cắm đầu đuổi theo mãi, hay có chăng là thứ hạnh phúc pha lẫn đắng cay nhưng ta cứ mãi thèm thuồng.

Trong kinh, Đức Phật dẫn một ví dụ: Có một số người bị bệnh phong cùi, họ tách rời xóm làng, sống quấn quýt bên nhau ven một cánh rừng, chung quanh một hố lửa hừng hực cháy. Mỗi lần bệnh phong lên cơn nhức nhối, họ nghiêng người hơ những mụt ghẻ trên hố lửa nóng mà gãi, càng gãi, họ càng thấy “đã” vô cùng. Họ quen tìm vui lúc bệnh phong cùi lên cơn, lúc những mụt ghẻ hành hạ. Một hôm, có người thầy thuốc giỏi, tìm vào chỗ những người cùi này. Ông hỏi:

- Các anh có muốn trị bệnh phong cùi để thân thể an lành, không còn bị hành hạ đau nhức và được tự do sống vui vẻ khắp mọi nơi không ?

Họ hỏi:

- Khi đó có giống như khi bọn tôi hơ và gãi ghẻ trên lửa cho “đã” không ?

Vị thầy thuốc đáp:

- Khi đó những mụt ghẻ không còn, thân thể các anh sẽ lành lặn. an bình.

Những người cùi đều nói:

- Nếu vậy, ông chỉ cần trị cho chúng tôi hết đau nhức, còn những bệnh phong cùi xin giữ lại, để chúng tôi còn được hưởng cảm giác “đã” rất là hạnh phúc đó khi hơ ghẻ trên lửa và gãi …

Mê lầm từ thuở ban đầu nên ta chấp thật vào những thấy nghe, hiểu biết, cho là …, giống như người bị bệnh phong cùi. Những người này lại chấp cứng vào cảm giác “đã” mỗi lần hơ và gãi ghẻ trên lửa, dần dần quên mất mình đã từng đau khổ vì bệnh phong cùi và không còn muốn trị bệnh nữa. Cũng vậy, trong lò lửa nung nấu, bức bách của thế gian, ta tìm vui qua thỏa mãn những gì ta mong muốn, ta đòi hỏi mà quên đi mình đang sống trong lầm mê. Ngày nào còn bệnh cùi là còn đau nhức, rồi hơ lửa gãi cho “đã”, lấy đó làm vui. Không biết niềm vui ấy là mặt khác của lầm mê đau khổ.

Ta có muốn tỉnh ra những mê lầm (cũng như biết mình đang bị bệnh phong cùi, cần phải trị dứt) để hưởng được nguồn hạnh phúc vĩnh hằng trong ta hay không ?…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét