- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương XCI, Thích Nhất Hạnh
- Sư huynh đã đi vào thành phố Kusinara và báo cho những người hữu trách biết đức đạo sư của chúng ta đã diệt độ, để họ làm những việc họ thấy cần làm.
Đại đức Ananda vâng lời. Thầy khoác áo đi vào thành phố. Những vị chức sắc của bộ tộc Malla đang họp bàn công việc tại trụ sở thị xã. Được đại đức cho biết Bụt đã nhập diệt, tất cả đều lộ vẻ sầu khổ và luyến tiếc. Họ lập tức bỏ chương trình nghị sự đang bàn và đề cập ngay tới công việc cần làm.
Khi mặt trời lên tới ngọn cây thì tất cả dân chúng trong thành phố đều biết tin Bụt đã nhập diệt tại rừng sala. Nhiều người đấm ngực than khóc, tiếc rằng đã không được nhìn mặt Bụt và làm lễ Người trước khi Người nhập diệt.
Dân chúng kéo nhau ra rừng, người thì đem theo hoa, người thì đem theo hương, người thì đem theo nhạc khí, người thì đem theo vải vóc. Ra tới rừng sala, họ quỳ lạy và rải hương hoa lên thi thể Bụt để cúng dường.
Để cúng dường, họ cũng tổ chức trình diễn vũ và nhạc, vây quanh chỗ nằm của Bụt. Vải lều ngũ sắc được căng lên khắp rừng. Dân chúng đã đem theo thức ăn ra cúng dường cho năm trăm vị khất sĩ. Rừng sala trở nên nhộn nhịp như một ngày hội. Thỉnh thoảng đại đức Anurudda lại thỉnh một tiếng cồng ra lệnh cho mọi người im lặng và đại đức hướng dẫn mọi người đọc những đoạn trong kinh Pháp Cú.
Trong suốt sáu ngày sáu đêm, dân chúng trong hai thị trấn Kusinara và Pava liên tục cúng dường Bụt bằng hoa, hương, vũ và nhạc. Hoa Mandarava và các thứ hoa khác đã phủ lấp giữa hai cây sala. Đến ngày thứ bảy, tám vị tộc trưởng của bộ tộc Malla tắm gội bằng nước ngũ vị hương, mặc lễ phục và bắt đầu rước thi hài của Bụt vào thành phố. Tất cả các vị khất sĩ rồi đến dân chúng đều đi theo đám rước, đưa thi hài Bụt đến cửa Bắc mà vào thành. Đám rước đi vào trung tâm thành phố, rồi lại đi ra khỏi thành bằng cửa Đông và dừng lại trước sân đền Makuta-bandhana, ngôi đền chính của bộ tộc Malla. Thi hài Bụt được an trú ngay trước đền.
Các vị chức sắc thành phố ra lệnh làm lễ hỏa táng Bụt theo nghi thức hỏa táng của một vị Chuyển Luân Thánh Vương. Thi hài Bụt được vấn bằng vải mới, rồi đến bông gòn, rồi đến vải mới, cứ như thế cho đến nhiều lớp vải và bông. Sau cùng thi hài được đặt trong một áo quan bằng sắt, và áo quan này lại được đặt trong một áo quan bằng sắt lớn hơn nữa. Kim quan được đưa lên một hỏa đàn vĩ đại chất toàn bằng các loại gỗ thơm.
Giờ châm lửa hỏa đàn đã đến. Bốn vị tộc trưởng bộ tộc Malla tiến tới, họ vừa định làm lễ châm lửa hỏa đàn thì bỗng có một vị sứ giả đi tới bằng ngựa. Vị sứ giả này cho biết đại đức Mahakassapa đang lãnh đạo năm trăm vị khất sĩ tiến về Kusinara. Đại đức và các vị khất sĩ đang ở giữa chặng đường Pava và Kusinara. Nghe nói thế, đại đức Anuruddha liền đề nghị hoãn lại giờ hành lễ để chờ đại đức Mahakassapa và đoàn khất sĩ.
Đại đức Mahakassapa đã khởi hành từ Campa để đi hành hóa miền Bắc. Tới Vesali, đại đức được tin Bụt tuyên bố sẽ nhập Niết Bàn trong ba tháng và hiện Người đang đi về hướng Bắc. Đại đức liền lên đường đi tìm Bụt, tới đâu cũng có các vị khất sĩ xin đi theo. Khi đại đức tới Bhandagama, số các vị khất sĩ đi theo đã lên tới năm trăm vị.
Rời Pava, đại đức gặp một khách bộ hành đi ngược chiều, túi áo có cài hoa sala. Người này cho đại đức biết Bụt đã nhập diệt tại rừng sala ở Kusinara từ bảy hôm trước. Đóa hoa trên áo đã được nhặt lên từ trong rừng nơi chỗ Bụt nhập diệt. Nghe tin, đại đức Mahakassapa không còn chần chừ nữa, liền tiếp tục hướng dẫn đoàn khất sĩ đi về Kusinara. Nhân gặp một người đi ngựa cùng hướng, đại đức nhờ người này phi nhanh tới trước và nhắn tin cho đại đức Ananda biết là đại đức và năm trăm vị khất sĩ khác đang trên con đường tới dự lễ trà tỳ của Bụt.
Mặt trời vừa đứng bóng thì đại đức Mahakassapa và đoàn khất sĩ tới được đền Makuta-bandhara, nơi dựng hỏa đàn của lễ trà tỳ. Tới nơi, đại đức trật áo tăng già lê bên vai bên phải, chắp tay, cung kính và im lặng và nhiễu quanh hỏa đàn ba lần. Rồi đại đức dừng lại, chắp tay hướng về nhục thân Bụt để lạy xuống. Năm trăm vị khất sĩ đi theo cũng đồng thời lạy xuống. Đại đức vừa lạy xong ba lạy và đứng lên thì hỏa đàn tự nhiên bốc lửa. Tất cả các vị khất sĩ đều quỳ xuống chắp tay hướng về hỏa đàn. Hàng ngàn người có mặt cũng đều làm như thế. Đại đức Anuruddha lại thỉnh chuông và hướng dẫn mọi người đọc những đoạn kinh về vô thường, vô ngã, xả ly và giải thoát. Giọng đọc kinh trầm hùng vang dội.
Sau khi lửa đã cháy tàn, nước thơm được tưới lên giàn hỏa. Kim quan được thỉnh xuống, mở ra và xá lợi của Bụt được các vị tộc trưởng thâu lượm và an trí trong một chậu vàng đặt trên bàn thờ trung ương trong đền. Các vị khất sĩ lớn được thay phiên canh giữ và bảo vệ xá lợi.
Tin Bụt diệt độ ở Kusinara đã được báo tiệp về các thủ đô từ nhiều hôm trước. Sứ đoàn các nước đã được cử đến chiêm bái và thỉnh một phần xá lợi về dựng tháp. Đại diện Magadha, Vesali, Sakya, Koliya, Bulaya, Pava và Vetha đều có mặt. Họ đồng ý chia xá lợi Bụt ra làm tám phần để an trú trong tám chiếc bảo tháp mà họ sẽ xây dựng tại địa phương họ: người Magadha sẽ xây tháp ở Rajagaha, dân Licchavi sẽ xây tháp ở Vesali, dân Sakya sẽ xây tháp ở Kapilavatthu, dân Buli sẽ xây tháp ở Allakappa, dân Koliya sẽ xây tháp ở Ramagama, dân Vetha sẽ xây tháp ở Vethadipa, dân Malla sẽ xây tháp một tháp ở Kusinara và một tháp khác ở Pava.
Các sứ đoàn đã ra về, một ngàn vị khất sĩ cũng tuần tự giải tán và trở về trú sớ của mình để hành đạo. Các đại đức Mahakassapa, Anuruddha và Ananda cũng rước bình bát của Bụt về tu viện Trúc Lâm. Chưa đầy một tháng sau, đại đức Mahakassapa quyết định triệu tập một đại hội các vị khất sĩ về thủ đô Rajagaha để ôn tụng và kết tập tất cả những kinh và luật mà Bụt đã dạy. Đại hội gồm năm trăm vị khất sĩ có thật tu và thật học được chọn lựa trong giáo đoàn khất sĩ. Đại hội sẽ khai mạc vào đầu mùa an cư tới và sẽ kéo dài trong sáu tháng.
Đại đức Mahakassapa thường được các vị khất sĩ trong giáo đoàn tôn trọng như vị đại đệ tử thứ tư của Bụt, sau các vị Kondanna, Sariputta, và Moggallana. Đại đức nổi tiếng là người ưa sống đơn giản và đạm bạc. Đại đức đã được Bụt tin tưởng và thương mến không khác gì các đại đức Moggallana và Sariputta.
Hơn hai mươi năm trước, áo cà sa sanghati của đại đức là một chiếc áo bách nạp kết lại bằng hàng ngàn mảnh vải vụn. Có lần đại đức đã xếp tư chiếc áo ấy và trải ra trong rừng mời Bụt ngồi, Bụt khen chiếc áo của đại đức ngồi rất êm. Đại đức liền ngỏ ý cúng dường Bụt chiếc áo bách nạp ấy. Bụt mỉm cười nhận lời và tặng lại đại đức chiếc áo sanghati của chính Người. Trong đại chúng, ai cũng biết chuyện này. Đại đức là người đã mỉm cười khi Bụt đưa cành sen lên mà không nói gì ở giảng đường Cấp Cô Độc, là người đã tiếp nhận được “kho tàng của con mắt chánh pháp” do Bụt trao truyền.
Vua Ajatasattu đứng ra bảo trợ đại hội kết tập kinh luật này. Trong đại hội, đại đức Upali vốn nổi tiếng về luật học đã được mời lên ôn tụng giới luật. Nhờ những câu hỏi của đại đức Mahakassapa mà đại đức Upali nhắc lại được hết những nhân duyên, do đó các giới luật được thiết lập. Đại đức Ananda được đại hội thỉnh lên trùng tuyên tất cả những bài pháp thoại của Bụt nói, gọi là kinh. Nhờ những câu hỏi của đại đức Mahakassapa và của đại chúng mà đại đức Ananda có dịp nói ra hết những chi tiết về thời gian, nơi chốn và cơ duyên đã đưa tới mỗi bài pháp thoại của Bụt. Cố nhiên là các đại đức Upali và Ananda không thể nhớ hết được tất cả mọi chi tiết, vì vậy sự có mặt của năm trăm vị khất sĩ có thật học và thật chứng trong đại hội đã bổ túc cho hai đại đức rất nhiều.
Tất cả những tài liệu về giới và luật sau khi kết tập được gom lại thành một kho tàng luật học được gọi là Luật tạng – Vinaya pitaka.
Tất cả những tài liệu về giáo lý được gom thành một kho tàng kinh giáo gọi là Kinh tạng – Sutta pitaka.
Các kinh Bụt nói được phân làm bốn bộ, căn cứ trên sự dài ngắn của kinh và cũng được xếp đặt theo đề tài và pháp số.
Về luật, đại đức Ananda có báo cáo với đại hội là Bụt đã từng dặn rằng sau khi người diệt độ, những giới điều nhỏ nhặt có thể được bỏ bớt. Đại hội hỏi đại đức Ananda xem Bụt có nói rõ là những giới điều nhỏ nhặt ấy là những giới điều nào không, đại đức trả lời là vì đại đức không hỏi nên Bụt đã không nói. Đại hội thảo luận rất lâu về vấn đề này và cuối cùng quyết định giữ lại tất cả mọi giới điều, trong giới bản khất sĩ cũng như trong giới bản nữ khất sĩ.
Nhớ lời Bụt, đại hội không chấp nhận việc dịch các kinh văn ra cổ ngữ của truyền thống Vệ Đà. Ngôn ngữ Ardhamagadhi được xem như là sinh ngữ chính của tạng kinh và tạng luật. Đại hội khuyến khích việc phiên dịch kinh văn ra các sinh ngữ địa phương để dân chúng các nước có thể học hỏi và hành trì giáo lý bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Đại hội cũng khuyến khích việc tăng cường số lượng các vị bhanaka, có nhiệm vụ tụng đọc thường xuyên các kinh văn để phổ biến và truyền tụng trong hiện tại và trong vị lai. Đại hội hoàn mãn, mọi người lại trở về trú sở để tu học và hành hóa.
Trên bờ sông Neranjara, đại đức Svastika đứng nhìn dòng nước chảy. Mấy em bé chăn trâu bên bờ bên kia đang lùa bầy trâu xuống sông để lội qua bên này. Mỗi em bé đều có mang theo liềm và giỏ. Bên này sông, cỏ kusa đã lên xanh mướt. Các bé đang làm y hệt như đại đức Svastika trước đây bốn mươi lăm năm, chúng để trâu ăn cỏ trong khi chúng dùng liềm cắt cỏ kusa nhận đầy những chiếc giỏ đem theo.
Dòng sông này là dòng sông ngày xưa Bụt thường xuống tắm. Cây Bồ Đề vẫn xanh tốt như bao giờ. Đại đức đã tới đây từ chiều hôm qua và đã ngủ đêm dưới cội cây thân yêu đó. Rừng không còn hoang vu như xưa, bởi vì cây bồ đề đã trở nên nổi tiếng quá. Cây Bồ Đề đã trở nên một nơi để thiên hạ đến chiêm bái, vì vậy khu đồi đã được dọn dẹp sạch sẽ, không còn rậm rạp và nhiều gai góc như ngày xưa.
Đại đức Svastika may mắn có mặt trong đại hội kết tập và đã có cơ duyên nghe lại hết kinh luật. Đại đức năm nay đã năm mươi sáu tuổi. Người bạn tu thân nhất của đại đức là đại đức Rahula đã viên tịch cách đây năm năm. Rahula đã được các đại đức lớn công nhận là một vị khất sĩ có chí nguyện và hành động lớn. Tuy là con nhà vương giả, đại đức Rahula đã học được nếp sống đơn giản và bình dị. Công đức hóa độ của Rahula rất lớn nhưng ít ai biết đến, vì đại đức Rahula không hề có tính khoe khoang; trái lại đại đức rất kín đáo và khiêm nhượng.
Lớn hơn đại đức Rahula, nhưng đại đức Svastika đã học được rất nhiều từ người bạn của mình. Đại đức Svastika cũng đã được theo Bụt trong chuyến đi chót của người từ Rajagaha đến Kusinara và đã được chứng kiến những ngày giờ cuối cùng của Bụt. Đại đức còn nhớ trên đường từ Pava đến Kusinara, đại đức đã nghe đại đức Ananda hỏi Bụt định đi tới đâu, Bụt trả lời đi về phương Bắc. Lúc ấy, đại đức Svastika có cảm tưởng là mình hiểu được Bụt. Suốt đời, Bụt đã đi, nhưng Người chỉ đi mà không cần tới. Vì vậy cho nên Người đi thong thả, cho nên mỗi bước của Người đưa Người tới giờ phút hiện tại. Sự sống chỉ có mặt trong giờ phút hiện tại, ngay ở chỗ mình đứng.
Đại đức Svastika thấy Bụt hướng về miền Bắc mà đi, cũng như một con tượng chúa hướng về quê hương của nó mà đi, khi nó biết giờ đã tới để nó trở về. Bụt đâu có cần phải về tới Kapilavatthu hoặc vườn Lumbini mới có thể nhập Niết Bàn. Đi về miền Bắc là đủ. Kusinara cũng chính là vườn Lumbini vậy.
Cũng chính vì nghĩ như thế mà đại đức đã về đây. Bờ sông Neranjara này là quê hương của đại đức. Đại đức thấy mình vẫn còn là em bé chăn trâu mười một tuổi, một mình phải đi chăn trâu cho người khác để nuôi ba đứa em thơ. Thôn Uruvela vẫn còn đó với những cây đu đủ sai trái ở vườn trước mọi nhà. Những cánh đồng lúa vẫn còn, con sông hiền lành vẫn chảy. Lũ trâu hiền từ và các em bé chăn trâu vẫn còn giữ trâu, tắm trâu và cắt cỏ như những ngày nào. Tuy chị Sujata không còn đây, tuy ba đứa em đã có chồng có vợ đi làm ăn tứ tán, thôn Uruvela và bờ sông Neranjara vẫn là quê hương của đại đức.
Đại đức nhớ lại thuở còn là em bé chăn trâu mười một tuổi, nhớ lại lần đầu gặp vị sa môn trẻ Siddhatta đi thiền hành trong rừng, nhớ lại những bữa cơm trưa được ăn chung với vị sa môn và với các em bé khác trong làng dưới gốc cây pipala râm mát. Tất cả những hình ảnh đó tuy đã qua đi nhưng vẫn còn hiện thực. Đại đức biết rằng nếu muốn, đại đức có thể làm cho những hình ảnh đó trở thành hiện tại. Một lát nữa đây, khi bọn trẻ đưa trâu sang tới bờ bên này, đại đức sẽ đến làm quen với chúng. Đứa nào cũng đang là Svastika. Đại đức cũng còn là Svastika. Nếu một ngày năm xưa Bụt đã đưa đại đức vào con đường an lạc giải thoát thì hôm nay đại đức cũng sẽ đưa được các em bé này vào con đường an lạc giải thoát.
Đại đức Svastika mỉm cười. Tháng trước tại Kusinara, thầy có nghe đại đức Mahakassapa kể chuyện vị khất sĩ Subhada. Vị khất sĩ này cùng đi với đại đức từ trên đường từ Pava tới Kusinara. Khi nghe tin Bụt nhập diệt, vị này đã tỏ ý mừng rỡ, ông ta nói: “ông già đã tịch rồi, không còn ai kiểm soát và rầy la mình nữa, sướng quá”. Nghe nói như thế đại đức Mahakassapa đã ngạc nhiên mở tròn hai mắt nhìn vị đại đức trẻ tuổi Subhada này. Sao mà trong giáo đoàn của Bụt lại có người dại dột đến thế, đại đức nghĩ, nhưng cuối cùng, đại đức đã không rầy la vị khất sĩ Subhada kia một lời nào.
Đại đức Mahakassapa không rầy la thầy Subhada, nhưng đại đức nghe nói rằng đại đức Mahakassapa đã rầy la đại đức Ananda, dù đại đức Ananda là một vị đại đức lớn, trên đầu đã có hai thứ tóc. Ai cũng biết rằng trong đại hội kết tập kinh luật, sự có mặt của đại đức Ananda là rất cần yếu, vậy mà chỉ ba hôm trước ngày khai mạc đại hội, đại đức Ananda đã bị sư huynh Mahakassapa khiển trách và dự tính sẽ không chấp nhận cho đại đức Ananda vào trong số năm trăm vị khất sĩ thành viên của đại hội. Lý do đưa ra là đại đức Ananda tuy kiến thức về đạo lý uyên bác, nhưng sự chứng đắc chưa được vững vàng. Ai cũng e ngại đại đức sẽ phật ý bỏ đi. Ai ngờ đại đức Ananda đã đóng cửa tĩnh tu trong luôn ba ngày đêm. Ngay trong đêm cuối cùng trước ngày khai mạc đại hội, đại đức đã hoát nhiên đại ngộ. Theo các bạn tu kể lại, việc này xảy ra lúc giữa giờ Sửu. Thiền tọa đến gần sáng, đại đức mới chịu ngả lưng xuống để nghỉ ngơi, chính vào lúc mà đại đức ngả lưng xuống thì đại đức đạt tới giác ngộ. Sáng hôm đó khi gặp đại đức Ananda, nhìn vào mặt đại đức, đại đức Mahakassapa biết ngay việc gì đã xảy ra. Đại đức mời ngay đại đức Ananda vào tham dự đại hội mà không cần nói thêm một lời hỏi han nào khác.
Nắng lên cao, những đám mây trắng nhỏ vẫn còn lơ lửng trên nền trời xanh biếc. Bờ sông bên kia vẫn xanh mướt cỏ non. Con đường bờ sông này ngày xưa Bụt đã qua lại nhiều lần. Con đường bờ sông này có thể dẫn về Banarasi, có thể dẫn về thủ đô Savatthi, có thể dẫn về thủ đô Rajagaha, mà cũng có thể dẫn đi khắp chốn. Bụt đã ghi dấu chân trên mọi nẻo đường hành hóa. Đi đâu đại đức cũng sẽ giẫm lên dấu chân của Người.
Đường xưa còn đó, những đám mây trắng vẫn còn, nếu mình bước một bước trên con đường này, bước với tâm trạng an hòa và tỉnh thức, thì con đường xưa và những đám mây trắng cũ sẽ mầu nhiệm biến thành con đường hôm nay và những đám mây trắng trong hiện tại. Những đám mây trắng ngày xưa còn đó và con đường ngày xưa hiện thực nằm dưới chân ta.
Bụt đã nhập diệt, nhưng nhìn vào đâu đại đức cũng thấy sự có mặt của Bụt. Hạt giống Bồ Đề đã gieo rắc khắp nơi trong lưu vực sông Ganga, những hạt giống ấy đã nứt mầm và mọc lên tươi tốt. Bốn mươi mấy năm về trước đã có ai nghe nói tới Bụt đâu, đã có ai nghe nói đến đạo lý tỉnh thức đâu, vậy mà bây giờ đây, không nơi nào mà không có bóng dáng những người khất sĩ áo vàng, không nơi nào mà không có những trung tâm tu học. Các bậc vua chúa cũng đã quy y. Các giới trí thức và quyền quý cũng đã quy y, các giới nghèo khổ bị xã hội khinh miệt nhất cũng đã quy y và đã tìm thấy trong đạo tỉnh thức con đường giải phóng cho thân phận và cho tâm linh mình.
Bốn mươi năm về trước, Svastika chỉ là một chú bé chăn trâu nghèo khổ thuộc giới ngoại cấp. Bây giờ Svastika đã trở nên một vị khất sĩ vượt thoát xích xiềng của giai cấp, của mặc cảm, đứng lên trên mọi sự kỳ thị và bất công. Svastika đã từng được các quốc vương thỉnh mời và chào hỏi với tất cả niềm cung kính của họ.
“Bụt là ai mà công năng giải phóng lớn lao như vậy ?” - đại đức Svastika vừa nhìn các em bé chăn trâu đang cắt cỏ bên bờ sông vừa đặt câu hỏi ấy. Tuy một số các đại đệ tử của Bụt đã nối tiếp nhau viên tịch, giáo đoàn khất sĩ vẫn còn đầy dẫy những vị đại đức xuất sắc, trong đó có rất nhiều giới trẻ, Bụt như hạt giống của một cây Bồ Đề vĩ đại, hạt giống đã nứt ra, và một cây bồ đề đã mọc lên hùng mạnh, tươi tốt. Nhìn vào người ta có thể không thấy hạt giống ấy nhưng người ta thấy được cây Bồ Đề.
Hạt giống không mất, hạt giống chỉ trở nên cây Bồ Đề. Bụt đã từng dạy không có gì từ có mà trở nên không. Bụt chỉ hóa thân mà chẳng hề biến diệt. Người có pháp nhãn nhìn vào giáo đoàn là trông thấy Bụt. Người có pháp nhãn nhìn vào các vị khất sĩ trẻ có đạo phong, có đức độ và có tuệ giác thì trông thấy Bụt. Đại đức Svastika thấy mình có bổn phận phải chăm lo vun tưới cho pháp thân Bụt. Pháp thân đó là giáo pháp và giáo đoàn. Chừng nào giáo pháp và giáo đoàn còn hưng thịnh thì chừng đó Bụt còn hiển hiện giữa muôn loài.
Nhìn các em bé đã qua tới bên này sông, đại đức lại mỉm cười, “nếu ta không tiếp tục sự nghiệp của Bụt để đem lại bình đẳng, an lạc và giải phóng cho các em bé này, thì ai sẽ làm ?” Bụt chỉ mới bắt đầu công cuộc chuyển đổi, môn đệ của Người sẽ phải gánh trách nhiệm kế tiếp sự nghiệp của Người. Những hạt giống Bồ Đề mà Bụt đã gieo rắc sẽ còn tiếp tục nứt mầm và bén rễ trong cuộc sống. Đại đức Svastika nhận thấy tâm mình là ruộng đất trên đó Bụt đã gieo muôn vạn hạt giống nhiệm mầu. Đại đức thấy mình phải cẩn trọng gìn giữ và tưới tẩm tâm điền để những hạt giống ấy được mọc lên thành những cây Bồ Đề tươi tốt.
Người ta nói Bụt đã nhập diệt nhưng thầy Svastika lại thấy Bụt hiện thực hơn bao giờ hết. Chính thân tâm của thầy cũng mang theo sự có mặt của Bụt. Nhìn cây Bồ Đề, nhìn dòng sông Neranjara, nhìn bờ cỏ mướt, nhìn đám mây trắng, nhìn chiếc lá trên cây, đại đức thấy ở đâu cũng có Bụt. Những em bé chăn trâu đang bắt đầu cắt cỏ bên bờ sông kia cũng là Bụt. Đại đức nhận thức được sự liên hệ giữa mình và các em bé ấy, và biết là mình sẽ phải nói gì và sẽ phải làm gì để các em bé ấy trở thành sự tiếp nối của Bụt.
Đại đức Svastika thấy rõ rằng phương cách tiếp nối sự nghiệp của Bụt là nhìn mọi vật một cách tỉnh thức như Bụt đã nhìn, bước những bước chân thanh thản như Bụt đã bước, và mỉm cười nụ cười từ bi như Bụt đã cười.
Bụt là suối nguồn. Thầy Svastika và các em bé chăn trâu bên bờ sông là dòng sông liên tục chảy từ suối nguồn đó. Dòng sông đi tới đâu là Bụt đi tới đó.