V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|85|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Khi gieo hạt mầm niềm vui mới, là đang xoá đi nỗi buồn ngày cũ. Khi gieo hạt mầm đau khổ mới, là đang xoá đi niềm vui đang có”.

Có thể nhắm mắt khi không muốn thấy một thứ gì đó, có thể quay lưng khi muốn từ bỏ một nơi nào đó, nhưng không ai có thể nhắm mắt quay lưng để không còn nhìn thấy hay từ bỏ được nỗi buồn đang hiện hữu trong lòng, cách để kết thúc được nỗi buồn là gieo vào đấy một hạt mầm niềm vui, rồi nuôi hạt mầm ấy lớn lên, lớn lên mãi, thành niềm vui lấp đầy lòng mình, thay thế cho nỗi buồn đang hiện hữu. Như cách người ta mồi lửa, nhóm bếp, cẩn thận giữ cho đốm lửa nhỏ lớn lên thành bếp lửa to, để ánh sáng thay thế cho bóng tối, để hơi ấm thay thế cho lạnh lẽo âm u trong ngôi nhà của mình.

Niềm vui hôm nay, nỗi buồn hôm nay, ngày mai còn lại hay không là do hôm nay chúng ta chọn thứ gì để nối vào đó. Cuộc sống luôn là một sự lựa chọn, hoặc lựa chọn một hạt mầm niềm vui gieo vào nỗi buồn đang hiện hữu, hoặc chúng ta phải đi mãi trong nỗi buồn dài dằng dặc của mình.

Tôi muốn nói về hạt mầm niềm vui, chẳng phải tìm ở đâu xa, nó hiện hữu ở ngay trong chính nỗi buồn, khi cuộc sống mang đến một nỗi đau, nó luôn kèm theo trong đó một hạt mầm bình yên để con người chữa lành nỗi đau đó, nhưng chúng ta thường luôn nhìn mãi vào nỗi đau rồi không nhận ra.

Như khi chứng kiến một người thân mất đi, kèm theo nỗi đau chia li sinh tử là lời nhắc: cuộc sống là vô thường, tấm thân tứ đại là vô ngã, và cuộc đời chỉ là những câu chuyện duyên sinh. Những lời nhắc đó là chiếc mầm bình yên, nếu nuôi được những chiếc mầm đó lớn, chúng sẽ trở thành điểm tựa vững chắc, để chúng ta không còn bị chao đảo khi phải chứng kiến những cuộc chia li sinh tử ngày mai.

Hôm nay, người có muốn dốc lòng làm một việc gì để ngày mai của mình sẽ phải cảm ơn chính mình ngày xưa không ?

Người an.

Núi chiều nay nhiều gió.



Đừng sợ “thay áo” !

- Sưu tầm



Tâm lý chung của con người khi nói tới cái chết thì hầu hết ai ai cũng rất sợ, chỉ vì họ luôn nghĩ rằng, chết là hết. Thế nhưng, có nhiều người lại không hiểu hai điều này:

⒈ Chết là hết cái gì ?

⒉ Sống là còn cái gì ?

Nếu bạn đang sống một cuộc sống như cái máy, chỉ là sự hiện hữu trống rỗng vô nghĩa, vậy thì bạn có gì đâu mà phải sợ chết là sẽ hết ? Vì nếu cho rằng chết là sự trống không, thì sống trống rỗng đâu có gì khác biệt ?

Còn nếu bạn đang sống một cuộc sống trọn vẹn, thì khi về già, bạn cũng sẽ phải chết thôi, nhưng bạn sẽ mãn nguyện hơn những người khác, vì bạn đã từng được sống thật đầy. Vậy thì có gì mà bạn phải sợ ?

Khi ta mới sinh ra, tức là sự sống đã được bắt đầu. Vì vậy, sống chỉ tồn tại hay là sống cho có ý nghĩa là hoàn toàn do nơi bạn. Một vài ý niệm sau được phần đông mọi người cho rằng đây là ý nghĩa của đời sống:

- Sống biết cho đi

- Sống biết ơn và biết đủ

- Sống có đời sống tâm linh

- Sống không làm điều ác, biết ghê sợ tội lỗi

- Sống cho những người mình yêu thương

- Sống với một cái tâm tốt

- Sống vị tha, hy sinh không điều kiện

- Sống thuần hóa tâm hồn, hướng về Chân Thiện Mỹ

Chỉ cần tám điều trên thôi, nếu bạn luôn áp dụng để sống từng ngày, thì cho dù bạn có phải ra đi bất chợt, bạn cũng sẽ mỉm cười, vì bạn thực sự đã sống.

Thực ra, cuộc sống thánh nhân cũng không ngoài những điều trên đây bạn ạ. Đừng sợ chết là hết, trong khi bạn vẫn còn đang sống. Con người ai cũng thích mặc áo đẹp mà lại sợ cởi áo ra để thay đổi, đó là điều mâu thuẫn … Theo quan điểm nhà Phật, sống như những điều trên đây, bạn chắc chắn sẽ mặc những chiếc áo đẹp trong những kiếp sau, thế thì việc gì mà sợ chết.

Không phụ thuộc vào năm tháng
Mà đo Sống ít hay nhiều
Chính là cách mình đã Sống
Mỗi ngày Tỉnh Thức bao nhiêu …
(Thơ Thích Tánh Tuệ)

Nghĩ về ngày lễ Tạ Ơn

- Thơ Mặc Phương Tử
- South Dakota, Thanksgiving Day - 2017

Hằng năm vào tiết mùa đông
Tục rằng phải nhớ ơn công đất trời
Ai hay cái lạnh nghiệt đời
Thuở ngày xưa ấy, bao người ấm no ?!

Ơn lành, biết mấy trời cho
Biết gieo - trồng - tỉa, biết lo cấy - cày
Biết làm ra lửa từ đây
Biết muôn việc … đến hôm nay được nhờ

Ơn trời, ơn đất, bao giờ
Đem cho muôn loại đến bờ bình an
Bí, ngô, lúa, đậu ... đầy tràn
Kho trời thuở ấy muôn vàn niềm vui

Tạ ơn, là để sống đời
Có Nhân, có Nghĩa, có lời Đạo Tâm
Biết rằng trong cuộc trăm năm
Khổ-Vui thoáng đã ... lên mầm tử sinh

Tạ ơn, là để tự mình
Sống đời hạnh phúc, ươm tình bao la
Dù cho người vật quanh ta
Biết yêu thương, để nở hoa dâng đời

Vậy, lễ Tạ Ơn đất trời
Là thêm nghĩa sống muôn nơi thái hoà
Tự mình gần, thấy mình xa
Cho đời thêm khúc tình ca thanh bình



Nhận ra những điều quý giá mà tuổi trẻ thường đánh mất

- Sưu tầm

Người ta đôi khi cứ sống vội, cứ tranh giành để thỏa mãn nhu cầu trước mắt của mình mà không biết, có những điều còn quý giá hơn …

Người trẻ thường sống vội, chạy theo những thứ hào nhoáng, không thực tế. Họ vội vàng quyết định vì sợ mất đi cơ hội tốt, họ đánh liều để rồi nhận về nhiều quả đắng về sau.

Người lớn tuổi thì khác, họ đã trải qua nhiều giông bão của cuộc đời nên khi đối mặt với bất kì điều gì, họ đều cẩn trọng. Đối với những khó khăn sóng gió, họ sẵn sàng đối mặt và điềm tĩnh giải quyết. Cũng ở độ tuổi đó, họ mới nhận ra những điều quý giá mà tuổi trẻ mình đã đánh mất.

Thời gian một đi không trở lại, sinh mệnh con người thì quá ngắn ngủi

Khi về già, ta nhận ra sự thật rõ ràng rằng một ngày trôi qua sẽ mãi mãi không quay trở lại, vì vậy ngay từ bây giờ, hãy sống vui vẻ mỗi ngày, để mỗi ngày trở nên ý nghĩa hơn.

Thời gian và trải nghiệm sẽ làm lành những nỗi đau

Bạn cần hiểu rằng một chuyện buồn trong cuộc sống dù có đau đớn đến mức nào, rồi đến một ngày nó sẽ chỉ là một phần rất nhỏ bé so với cả quá khứ của bạn, và nó cũng không nghiêm trọng đến mức như bạn nghĩ bây giờ.

Phía sau một cuộc đời tươi đẹp là không ít những đau khổ

Bạn là con người nên không thể hoàn hảo. Dù bị tổn thương nhưng bạn vẫn sống sót. Hãy nghĩ về một đặc ân quý giá là bạn vẫn được sống, được thở, được suy nghĩ, được tận hưởng và được theo đuổi những gì bạn yêu thích. Đôi khi có những nỗi buồn trên đường đời nhưng vẫn còn rất nhiều niềm vui. Chúng ta vẫn phải tiếp tục tiến về phía trước ngay cả khi chúng ta đang tổn thương, vì chúng ta không bao giờ biết điều gì đang đợi chờ mình.

Bạn là người quan trọng nhất với chính mình

Hạnh phúc là khi bạn cảm thấy hài lòng với bản thân mà không cần sự đồng tình từ ai đó. Bạn phải đối xử tốt với chính bản thân mình trước khi muốn có mối quan hệ tốt với những người khác. Bạn phải tự thấy bản thân mình có giá trị thì mới có thể tự tin trong mắt người khác.

Hành động của một người nói lên sự thật

Trong cuộc đời mình, bạn sẽ gặp nhiều người, họ có thể nói những lời tốt đẹp, nhưng cuối cùng chỉ có hành động của họ mới nói lên họ là ai. Vì thế hãy chú ý tới những gì mà người ta làm. Hành động của họ sẽ nói với bạn mọi thứ bạn cần biết.

Hạnh phúc hay niềm vui không tự nhiên mà có

Không có gì nằm gọn trong lòng bàn tay. Hạnh phúc sẽ không đến gõ cửa tìm bạn, niềm vui cũng không tự nhiên mà có. Hạnh phúc phải nỗ lực mới có thể đạt được, niềm vui luôn phải tìm kiếm không ngừng. Hạnh phúc và niềm vui phải dùng trái tim để cảm nhận, có cảm nhận được hay không còn phụ thuộc vào chính bản thân bạn.

Tiền bạc nhiều đến đâu thì chết cũng coi như hết

Đừng quá coi trọng tiền bạc, càng không nên quá chi li tính toán, tiền chỉ như vật ngoài thân, sống có giàu sang phú quý đến đâu thì chết cũng không mang theo được. Nếu có ai đó cần sự giúp đỡ của bạn, hết lòng giúp đỡ họ cũng chính là một niềm vui, nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui, tại sao lại không làm chứ ? Tiêu tiền giúp bạn hiểu được tiền có thể kiếm được thì cũng có thể tiêu đi, hãy dùng nó để giúp đỡ bản thân và người khác.

Sức khỏe mãi mãi là của bạn

Tiền bạc, con cái, quyền lực ... chỉ là nhất thời, vinh quang là của quá khứ, còn sức khỏe sẽ mãi là của bạn.

Cha Mẹ và con cái hoàn toàn không giống nhau

Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là vô hạn, còn tình yêu của con cái dành cho bố mẹ chỉ là cái gì đó hữu hạn mà thôi.

- Con cái bị bệnh cha mẹ hết mình chăm sóc, cha mẹ bệnh, con cái hỏi thăm qua loa và coi thế là đã đủ.

- Con cái tiêu tiền của cha mẹ đó là lẽ đương nhiên, cha mẹ tiêu tiền của con cái không dễ dàng như vậy.

- Nhà của cha mẹ là nhà của con cái, còn nhà của con cái thì không còn là nhà của cha mẹ nữa.

Không giống nhau chính là như vậy, hiểu rằng vì con cái làm tất cả đó không chỉ là nghĩa vụ mà đó còn là niềm vui, không cầu báo đáp, nếu mong muốn sự báo đáp của con cái thì chỉ chuốc lấy muộn phiền.

Những hi sinh của ngày hôm nay sẽ được đền đáp vào ngày mai

Khi nói đến chuyện làm việc chăm chỉ để đạt được một ước muốn nào đó như: tốt nghiệp đại học, gây dựng sự nghiệp hay đạt được một thành tựu nào, đó đòi hỏi thời gian và sự quyết tâm, tôi muốn hỏi bạn một điều: “bạn có sẵn sàng sống một cuộc đời khác với mọi người hay không ?”.

Cuộc sống của bạn không phải từ lúc bạn sinh ra cho tới khi bạn qua đời

Cuộc sống của bạn chính là ngay lúc bạn đang thở cho tới hơi thở tiếp theo. Hiện tại – ngay ở đây và ngay lúc này – chính là cuộc sống của bạn. Vì thế, hãy tận hưởng từng khoảnh khắc bằng sự tử tế và bình an, đừng sợ hãi hay hối tiếc.

Luôn có một tâm thái vui vẻ

Cuộc sống luôn công bằng, biết đủ thì luôn hạnh phúc, làm việc tốt, lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui, bồi dưỡng các sở thích của bản thân, bạn sẽ có một cuộc sống nhiều màu sắc hơn. Dùng tâm thái bình tĩnh đối mặt với mọi điều, chỉ như vậy bạn mới luôn vui vẻ, khỏe mạnh.

Đơn giản, bình thường mới là thật

Quyền cao chức trọng thì được hưởng lộc, nhưng thường dân lại chiếm số đông hơn. Số ít chưa chắc đã hạnh phúc, “số đông” vì thế không cần phải tự ti. Con người vốn không phân cao thấp sang hèn, chỉ cần phấn đấu hết mình vì sự nghiệp cũng coi như là đã có cống hiến. Hơn nữa, bước qua tuổi trung niên chẳng phải cũng gần về với thiên nhiên rồi sao ? Ai cũng giống nhau cả. “Thực ra làm quan cao không bằng nhiều tiền, nhiều tiền không bằng sống lâu, sống lâu không bằng vui vẻ, vui vẻ không bằng hạnh phúc ...”

Tìm niềm vui ở đâu ?

- Học tập: đọc sách, đọc báo, dùng máy tính, đánh đàn, đánh cờ, vẽ tranh … học cái gì tùy bạn lựa chọn, học vừa có thể thêm kiến thức, vừa có thể rèn luyện trí não.

- Vận động: chơi thể thao, tập thể dục, tùy theo sở thích, tăng cường sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần.

- Giải trí: hát hò … chỉ cần bản thân thích đều có thể chơi, kết giao thêm bạn bè.

- Kết bạn: cuộc sống về già nên phong phú hơn, chỉ có vài người bạn thì không đủ, cần có một nhóm bạn già. Bạn bè sẽ giúp cuộc sống của chúng ta thêm màu sắc, bớt cô đơn.

QUAN TRỌNG LÀ CHÚNG TA PHẢI BIẾT TÌM NIỀM VUI NGAY TẠI BẢN THÂN - NIỀM VUI TÂM LINH

Công thức để có một gia đình hạnh phúc

“Yêu thương, tôn trọng nhau, biết cách quan tâm và chia sẻ, thấu hiểu và bao dung”.

Bình tĩnh, chờ đợi, kiên nhẫn

(Thiền sư Sayadaw U Jotika)

Hãy giữ bình tĩnh, chờ đợi và kiên nhẫn. Làm bất cứ điều gì có thể làm được trong thời điểm hiện tại. Chẳng có cái gì ở lại mãi cả. Mọi thứ sẽ thay đổi, có thể theo chiều hướng tốt hơn nếu bạn sáng suốt và bình tĩnh, nhưng nếu bạn xáo động, bất an, và chạy lăng xăng như hóa dại, bạn sẽ chỉ càng làm cho mọi việc thêm rối mà thôi.



Trường ca vô thường

- Huế 1998
- Trí Năng,Trần Lý Khánh



1•
Bao năm ôm một nỗi buồn
Bao năm ngồi ngắm mưa nguồn thiên di
Người ơi nói nữa làm chi
Bao năm này cuộc đến đi đã thường
Gặp nhau giữa chốn vô thường
Xa nhau thêm chút vấn vương bụi hồng

2•
Thà về úp mặt chờ mong
Còn hơn huyên náo mà lòng ngẩn ngơ
Dẫu chân em có dại khờ
Cũng in thành những vần thơ tôi rồi

3•
Vô thường em. Vô thường tôi
Vô thường đến cả núi đồi cỏ cây
Vô thường như những vầng mây
Hợp là hợp để đợi ngày ly tan

4•
Ta về ngâm khúc muộn màng
Dang tay nhặt chiếc lá vàng hỏi thu
Ai đem quán trọ giăng sầu
Ta đem thả xuống chân cầu trôi xuôi
Một lần này nữa là thôi
Đoá Phù Dung nở lòng nguôi ngoai lòng

5•
Lệ người đã chảy thành dòng
Đêm qua một đoá hoa hồng quyên sinh
Ta về đốt nến niệm Kinh
Mõ vàng gõ nhịp giật mình… hỡi ơi
Buớc chân ai vọng bên đời
Trang Kinh ướt đẫm lệ rơi vô thường

6•
Chừ ta như kẻ lạc đường
Mười phương góp lại một phương là nhà
Ôi hoang ca. Hề hoang ca
Bước chân dẫm nát sơn hà phiêu du
Người về ẩn hiện sương mù
Đôi con chim nhạn giữa mù sa bay

7•
Vô thường trên những bàn tay
Đêm về sấp ngửa mặt mày rêu phong
Tiếng chim đang hót trong lòng
Chừng như có tiếng bên sông vọng về
Ta còn một chút đam mê
Nên chưa giữ được lời thề thủy chung
Người ơi nhắn gửi tôi dùm
Gót hồng chớ để lạnh lùng gió sương

8•
Mai đi về giữa phố phường
Nhớ người em gái mà tương tư lòng
Dòng sông đã chảy mấy vòng
Ta còn đứng lại mà trông chờ gì
Ôi thiên di. Hỡi thiên di
Người đem em gái ta đi đâu rồi
Mưa rơi bên mái hiên đời
Người còn giữ được nụ cười xuân xưa

9•
Ôm tình đi dưới cơn mưa
Ta rao bán mãi mà chưa buồn về
Ngược dòng về với sơn khê
Vẫn chưa tránh khỏi đam mê vô thường

10•
Đêm qua ngủ giữa gió sương
Nhìn dòng sông nhớ phố phường buồn tênh
Hoa nào nở giữa kinh thành
Hương nào thơm ngát ngày anh lên đường

11•
Thôi thì em hãy như hương
Thoảng qua rồi cũng vô thường gió bay
Rượu nồng ta đã quá say
Men người ta đã thấy cay cay lòng

12•
Ừ thì em cứ sang sông
Mùa thu vẫn có mây hồng đấy thôi
Nỗi buồn khẽ động vai tôi
Thì thôi sông ấy vừa trôi chuyến đò

13•
Sang sông chạnh nhớ câu hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa
Em chừ bỏ bến sông xưa
Ta chừ ngồi ngắm cơn mưa đầu dòng
Đêm nghe dế gáy ngoài đồng
Nhớ người em gái giữa dòng xót xa

14•
Vô thường ngâm khúc trường ca
Hứng sương chế rượu trăng tà tà say
Nhớ từ thủa ấy bàn tay
Còn nguyên những nét mặt mày hoang sơ

15•
Bước chân rất đỗi ơ thờ
Vô tình buông giữa đôi bờ sắc không
Chừ thôi con nước xuôi dòng
Chừ thôi một đoá Sen hồng tuyết băng

16•
Mùa thu lên núi ngắm trăng
Trăng tàn nguyệt tận sương giăng trắng lòng
Đành về rũ áo mùa đông
Nhìn con bướm trắng sang sông chợt buồn
Mưa xuân nghiêng cánh chuồn chuồn
Em mang áo mỏng bên đường thướt tha
Ve sầu mỏi nghiệp cầm ca
Đã phơi xác lá hè qua nắng vàng

17•
Hoàng hôn rụng chiếc lá vàng
Nhặt lên run rẩy hai hàng lệ sương
Em đi tóc nhuốm bụi đường
Sấm Kinh thủa ấy vô thường vọng âm
Lên non nghe tiếng dương cầm
Chim ca rộn núi hợp âm tuyệt vời
Đá buồn trỗi khúc không lời
Mà sao nghe cả đất trời vọng vang

18•
Phù Dung sớm nở chiều tàn
Bức tranh vân cẩu vôi vàng hoá duyên
Từ em xoã tóc u huyền
Ta như trẻ lạc vào miền tuyết hoa

19•
Đêm về trời đổ mù sa
Bóng trăng chếnh choáng ta ngà ngà say
Đoá hồng từ độ trao tay
Là như có chút tàn phai đấy rồi ...

20•
Trời xanh gờn gợn mây trôi
Cơn mưa bất chợt bên đồi đìu hiu
Bước chân về giữa phố chiều
Cô đơn rất mực lòng hiu hiu buồn

21•
Dẫu đò có chạy xuôi nguồn
Cũng đừng vớt nhặt nỗi buồn tôi lên
Xin người ngoảnh mặt làm quên
Xem như tôi đã lênh đênh lâu rồi

22•
Đêm đêm ngồi đếm sao trời
Chừng như có vì sao rơi xuống trần
Ta còn một chút phân vân
Nên chưa đếm được mấy lần tử sinh
Phong trần ngồi lại một mình
Một mình mình uống, một mình mình say
Nhìn trời nhìn đất ô hay
Ta còn giữ được mặt mày này ư

23•
Đêm về tĩnh toạ ưu tư
Nhớ người rồi lại tương tư dáng người
Áo người trắng xoá tơ trời
Gió bay tha thướt giữa đời vấn vương
Đêm qua ngủ giấc miên trường
Chiêm bao là mộng, vô thường là em
Giật mình mở cửa ra xem
Thì ra một đoá hoa Sen vừa tàn

24•
Sương khuya lấp lánh trăng vàng
Sông khuya vắng chuyến đò sang mượt mà
Ta về trụ giữa ta bà
Cười vang cổ độ giang hà vỡ tung
Quê hương xa tít nghìn trùng
Về đây tụ hội một vùng khói sương
Tóc người từ độ thơm hương
Đã vương những sợi vô thường qua vai

25•
Con chim nhỏ bị lưu đày
Tiếng kêu ai oán đợi ngày hư vô
Người từ bỏ thủa ngây ngô
Về phơi áo lụa bên hồ nước xanh

26•
Bông hoa trắng nở trên cành
Cũng rơi rớt hạt mầm xanh luân hồi
Tiếc gì xanh lá bạc vôi
Đêm về chải tóc lại ngồi tương tư

27•
Tâm khai một đoá đại từ
Đêm qua hiển hiện Chân Như nụ cười
Đưa tay ngắt nụ hoa trời
Đập ra lại thấy một đời phù vân

28•
Nhớ xưa ta trót nợ nần
Đa mang một kiếp phong trần trả vay
Nợ người nặng trĩu hai tay
Trả người bằng những tháng ngày say sưa

29•
Mắt người quen ngắm vườn xưa
Hoa vàng thủa nọ lại vừa ra đi
Giật mình nuối tiếc xuân thì
Vành khuyên thôi hót bay đi chưa về
Nửa đời cầm lại cơn mê
Thì vui cho đến ngày về mới thôi
Mơ chi cá nước chim trời
Mai sau ngồi lại thấy đời hoang vu

30•
Đêm thu trời đổ sương mù
Nhà ai vẳng tiếng hò ru dịu mềm
Theo sương trăng xuống bên thềm
Để quên giấc ngủ êm đềm trong nôi
Nụ hồng đỏ thắm trên môi
Nở ra thì cũng thế thôi vô thường
Lời ru mát ngọt như sương
Đưa hồn ta đến thiên đường dạo chơi

31•
Bức tranh vân cẩu trên trời
Đã di thì hụt đã dời thì hao
Lòng buồn dạ cứ nao nao
Em còn khép kín vườn đào nữa không
Bốn mùa xuân-hạ-thu-đông
Chọn đi em kẻo đào hồng thì rơi
Xuân-Thu có lắm tơ trời
Hạ-Đông thì có lắm lời nắng mưa
Đam mê biết mấy cho vừa
Bước chân lên chuyến đò trưa chạnh lòng

32•
Ý thơ chết đuối giữa dòng
Em như tiên nữ khơi dòng suối nghiêng
Cảm ơn tiên nữ dịu hiền
Đã đưa tôi nhập vào miền tuyết băng
Vô thường em cũng như trăng
Thoáng qua như gió, vĩnh hằng như mây
Nỗi buồn tuột khỏi tầm tay
Em đi để lại dấu hài hoang sơ

33•
Vành môi khép lại hững hờ
Một dòng sông cạn đôi bờ sắc không
Mắt người thăm thẳm chờ mong
Đã vơi từng giọt lệ hồng nhớ nhung
Người đi xa mãi nghìn trùng
Thiền môn ta khép cánh Tùng hắt hiu
Bài thơ giờ đã xanh rêu
Tặng người để nhớ những chiều tàn thu
Trăng vàng lấp lánh xa mù
Đã say nghiêng ngửa cũng ru nhau cười
Cõi chơi còn lại mấy người
Thì xin đừng để nụ cười đẫm sương

34•
Ru em ngủ giấc miên trường
Tình tang ta hát vô thường
Ta đau
Ngủ đi
Em ngủ cho sâu
Thương em ta hát vài cân ân tình
Mai sau còn lại một mình
Ta ru ta một chút tình nhớ quên

35•
Nỗi buồn thủa ấy không tên
Cũng đau đáu gọi chẳng lên lời nào
Ta từ cuộc mộng xôn xao
Về qua sông rộng vẫy chào thiên thanh
Mai đi về giữa kinh thành
Bỏ quên tiếng suối bên ghềnh thác xưa
Phố phường lụt lội cơn mưa
Cũng đưa nhau đến cho vừa lòng ai

36•
Mai cầm nỗi nhớ trên tay
Ta soi sáng những mặt mày nhau xưa
Từ trong xa vắng mút mùa
Chừng như có kẻ vừa thua cuộc tình
Vớt dùm ta chút yên bình
Thả vào hư ảo một mình ta say
Đã bao tháng, đã bao ngày
Đợi em như đợi chim bay giữa trời

37•
Buông tay về giữa cuộc đời
Nhìn xem vật đổi sao dời nhớ thương
Người cố quận, kẻ tha hương
Chút tình lãng đãng vô thường rêu xanh
Chừ thôi như kẻ lữ hành
Thương chi phố, nhớ chi thành quách xưa
Ngại chi sớm nắng chiều mưa
Cuộc tình thôi để người đưa nhau về

38•
Đêm qua giấc ngủ còn mê
Mộng thường hồ điệp bay về xôn xao
Người đi khuất ở phương nào
Ta về lỡ nhịp cầu ao tần ngần
Người còn nguyên vẹn bàn chân
Cứ đi cho đến bến trần gian xa
Nhìn xem trong cõi yên hà
Phù du sinh diệt trôi qua mấy lần

39•
Môi người nở đoá phù vân
Mắt người lệ ứa mấy lần tơ vương
Áo người đã úa bụi đường
Tóc người buông giữa vô thường gió bay
Xin người một chút men say
Để đi qua những tháng ngày thu-đông
Tóc người xanh thẳm một dòng
Tôi ơi xanh nhé cõi lòng đa mang

40•
Gió ru mây vượt lên ngàn
Ta ru em giấc mộng vàng miên man
Vô thường khúc hát tình tang
Ta ru ta để đưa tang cuộc tình
Mai sau đời có yên bình
Cũng xin cứ để một mình ta say
Người còn trinh bạch bàn tay
Vướng vào chi để đoạ đày lòng đau

41•
Hẹn hò chi những ngày sau
Hai mươi năm ấy mấy màu rêu xanh
Vô thường giấc mộng không thành
Người về biệt dấu gã hành khất xưa
Ta đi tìm lại cơn mưa
Tưới vào ký ức để đưa mộng về
Bâng khuâng nhớ một câu thề
Bâng khuâng nhớ một đường về xa xưa

42•
Thuyền về cập bến mù sa
Em mang áo mỏng đôi tà xanh xao
Mắt người lấp lánh vì sao
Có nghe sương sớm nhuốm màu tà huy
Xuân xưa em hát lời gì
Nghe trong cây cỏ đến thì nở hoa
Ta về thống ẩm cuồng ca
Ngất ngây cùng bóng trăng tà tiêu dao

43•
Nhớ người trắng giấc chiêm bao
Chập chờn mộng, chập chờn vào giấc say
Chập chờn khờ khạo bàn tay
Chập chờn nhắm, chập chờn cay đôi dòng
Tạ từ sắc, tạ từ không
Ta về ôm một cõi lòng riêng ta
Em mang áo trắng lụa là
Bước đi về giữa giang hà xôn xao

44•
Ta chừ ngước mắt lên cao
Trong thăm thẳm ấy lòng nao nao buồn
Nước từ độ ấy xuôi nguồn
Em từ độ ấy rủ buồn qua vai
Người chừ trơ lại hình hài
Hồn trinh bạch đã bay dài qua sông
Vô thường nát cuộc tang bồng
Thì thôi cứ mặc cho dòng thời gian

45•
Gọi người tìm chút dư vang
Chút hương xưa đã theo làn gió bay
Người cầm nỗi nhớ trên tay
Vùi chôn cùng với những ngày tháng xưa
Đưa tay xua những hạt mưa
Dẫu rơi rất nhẹ cũng vừa ướt mi
Thời gian xoá vết chim di
Miên tình thôi để những khi mơ màng

46•
Giật mình nhớ chiếc áo vàng
Để vương mấy giọt lệ nàng ngấn sương
Chừ thôi mặc cuộc vô thường
Chừ thôi nặng một đoạn trường ái ân
Bông hồng đỏ thắm trước sân
Đã rơi rớt rụng mấy tầng đớn đau
Áo em trắng xoá một màu
Áo ta diêm dúa nát nhàu hư không

47•
Mai về nhóm bếp lửa hồng
Mùa đông lạnh lẽo đem hong tim buồn
Bể dâu rồi lại điên cuồng
Đổ nghìn cuộc mộng xuống nguồn nước trôi
Đêm mơ thấy ánh mặt trời
Tỉnh ra lại thấy một đời quạnh hiu
Đường về lau cỏ hắt hiu
Cũng đành thôi để dắt dìu nhau qua

48•
Người về thay chiếc áo hoa
Dáng người ẩn hiện đôi toà Như Lai
Mắt người sáng tợ sao mai
Bàn chân người dẫm lên hài nguyệt hoa
Ta chừ ngâm khúc trường ca
Ngất ngây về đến quê nhà chợt quên
Nhớ từ thủa chẳng tuổi tên
Ai đem nghiệp chướng trồng lên một người

49•
Vô thường rụng cánh hoa tươi
Nhặt lên run rẩy lòng người ưu tư
Người là hoa của Chơn Như
Nở ra bao gã thiền sư thất tình
Ta về tụng biến Chơn Kinh
Đêm mơ lại thấy một mình tỉnh say
Người đi xa đã bao ngày
Vẫn còn lưu lại dấu giày trong thơ

50•
Dòng sông thăm thẳm đôi bờ
Chiếc thuyền độc mộc giữa mờ mịt mây
Đam mê nghiêng ngửa cơn say
Mai về xoè ngón đếm tay nhớ người
Nhớ niêm-hoa, khẽ mỉm cười
Dùng tay áo lụa độ người sang sông
Bến tây có đám may hồng
Em sang bên ấy đơm bông gót hài

51•
Gió ru lau lách hao gầy
Bên đường em xoã tóc dài thênh thang
Dẫu ru em rất muộn màng
Cũng xin tụng một vài hàng ma-ha
Người cầm nỗi nhớ đi xa
Gieo vào ký ức nở ra đoá Quỳnh
Đêm thanh hoa hiện dáng hình
Vui cùng nhau một chút tình xa xưa

52•
Mốt mai còn ít duyên thừa
Xin người cứ đến như vừa mới đi
Như khi người đến kinh kỳ
Đã đem về chút xuân thì cho ta
Em như hoa giữa ta bà
Nở ra thơm ngát bao tà áo xuân
Đời vui em lại tần ngần
Đêm đêm run sợ phong trần pha sương

53•
Đuôi gà bỏ tóc viễn phương
Em đi ra giữa phố phường ngẩn ngơ
Biết đâu có kẻ làm thơ
Trang thơ lục bát hững hờ khói sương
Đêm về soi cốc u hương
Thoáng bóng em giấc miên trường tỉnh say
Vô thường úp mặt sao bay
Trong mơ lại thấy bàn tay trắng ngần

54•
Mai về tìm lá trơ gân
Hỏi ra mấy độ thu phân bồi hồi
Thu xưa người đã đi rồi
Lại về xoã tóc mây trôi qua cầu
Từ trong thăm thẳm nhiệm mầu
Tóc người là một cõi sầu riêng ai
Ta chừ gầy guộc đôi vai
Cũng đi qua những đêm dài chiêm bao

55•
Xuân về rộ đoá vàng Mai
Hương thơm tinh khiết bay dài thiên thanh
Hạ về đỏ thắm trên cành
Ve buồn lại hát bài ca rầu rầu
Thu về trời đổ mưa ngâu
Ngưu Lang Chức Nữ lên cầu rưng rưng
Đông về lá đổ khắp rừng
Đợi ngày xuân đến tưng bừng nở hoa

56•
Mây về che khuất trăng sao
Em về rẽ gót bước vào vườn hoa
Bạn về gục giữa giang hà
Ta về khoác áo cà sa độ người
Hoa đêm về nhớ mặt trời
Ta đêm về nhớ dáng người thiết tha
Áo xưa xếp lại đôi tà
Chôn vào ký ức nở ra Liên đài

Lời khen - chê

(Sưu tầm)



Có một chú tiểu rất thông minh đến gặp một vị Lạt Ma và nói rằng:

- Trời ơi, Ngài nổi tiếng lắm, đi đâu con cũng nghe danh Ngài.

Được khen, vị Lạt Ma liền hướng vô bên trong và kêu:

- Này thị giả, hãy mang kẹo ra cho chú tiểu.

Chú tiểu nói tiếp:

- Ngài làm như vậy, sao mà giống như Phật dạy quá.

Vị Lạt Ma lại gọi:

- Thị giả, mang thức ăn ngon ra cho chú tiểu.

Chú tiểu khôn ngoan đó lại nói tiếp:

- Chính Ngài là Đức Phật tại thế.

Vị Lạt Ma lại gọi vào trong:

- Hãy mang thêm ba đồng tiền vàng cho chú.

Chú tiểu nghĩ rằng như vậy là đủ rồi, và đứng chờ nhận quà. Chờ mãi mà không thấy ai ra, chú hỏi vị Lạt Ma sao thị giả của Ngài chưa đem kẹo, thức ăn và vàng ra. Vị Lạt Ma nói:

- Tại sao ta phải cho con kẹo, thức ăn, vàng thật chớ ? Con chỉ cho ta những lời nói trống rỗng. Ta cũng cho lại con những lời nói trống rỗng.

- - -

Nếu có ai khen lập tức quý vị cảm thấy vui sướng. quý vị hay thường bị gạt gẫm bởi những lời nói vô nghĩa. Những lời nói đó đôi khi lừa gạt quý vị.

Khi tôi sắp rời thành phố này, có một Phật tử đã làm thơ tặng tôi. Trong bài thơ đó cô ta nói: “nụ cười của Ngài làm tan hết phiền não của con”. Tôi thấy thật buồn cười cho chính bản thân. Chính tôi tu hành mười mấy năm mà chưa tan hết phiền não của mình, thì làm sao nụ cười của tôi có thể làm tan đi phiền não của người khác. Cho nên người tu khi được người khen cũng không lấy đó làm vui, và khi bị người chê cũng không lấy đó làm buồn.


Today I choose life

(Kevyn Aucoin)

Today I choose life. Every morning when I wake up I can choose joy, happiness, negativity, pain ... To feel the freedom that comes from being able to continue to make mistakes and choices - today I choose to feel life, not to deny my humanity but embrace it.

╰▶ Hôm nay tôi chọn cuộc sống. Mỗi sáng khi thức dậy tôi có thể chọn niềm vui, hạnh phúc, tiêu cực, đau đớn ... Để cảm nhận sự tự do đến từ việc có thể tiếp tục phạm sai lầm và lựa chọn - hôm nay tôi chọn cảm nhận cuộc sống, không từ chối con người của mình mà ôm lấy nó.



D.P.A (93)

(Kinh Pháp Cú)

Tự thắng tốt đẹp hơn
Hơn chiến thắng người khác
Người khéo điều phục mình
Thường sống tự chế ngự

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|84|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

Đôi khi điều chúng ta cần thiết để giải quyết một bế tắc là không làm gì cả, không cố san bằng mọi thứ, không cố hơn thua, không cố đạp đổ đập phá, mà chỉ đơn giản là dừng lại, lắng nghe từng suy nghĩ của mình, buông bỏ, lòng thanh tịnh, rồi thấy vấn đề đã được giải quyết xong.

Vì sự bế tắc đó, thực sự, đến từ trong suy nghĩ của mình. Người ta không thể bình yên khi trong lòng vẫn còn nuôi dưỡng những suy nghĩ không lành.

Dòng sông không thể trong được khi nơi đầu nguồn còn vẩn đục. Người ta chưa thể thương được bản thân khi vẫn còn để những suy nghĩ không lành làm tổn thương đến mình của ngày mai. Khi chưa thực sự thương được bản thân, thì cũng chưa thực sự thương được người.

Ai cũng phải cần rất nhiều can đảm để lương thiện, cần rất nhiều can đảm để có thể thương người, cần rất nhiều can đảm để bình yên. Khi những suy nghĩ không lành chưa được chuyển hóa, chúng sẽ còn ở lại, và khuấy động cuộc đời chúng ta mãi.

Người nhớ bắt đầu ngày mới bằng một nụ cười, để những bất an hôm qua không tràn sang hôm nay.

Người ngày mới an.



Cảm niệm tình Thầy

(Thích Tánh Tuệ)



Xin một lần chắp tay thầm cảm niệm
Trước ân tình như núi biển mênh mông
Lòng Thầy Cô như lượng của dòng sông
Đã xây đắp, vun trồng bao thế hệ

Thâm ân ấy bút mực nào tính kể
Bao hi sinh không thể nói cho cùng
Trái tim hiền Thầy ôm trọn bao dung
Cả kiếp sống cũng khó mong đền đáp

Con vẫn nhớ giọng Thầy Cô ấm áp
Dầu những khi con vấp váp, lỗi lầm
“Sống trong đời, con hãy nhớ chữ Tâm
Để sống đẹp, trăm năm không hổ thẹn …”

Xin quỳ xuống với tâm tình trọn vẹn
Tạ Thầy Cô đã thắp sáng đời con
Thời gian trôi vạn sự sẽ hao mòn
Ân nghĩa của Thầy Cô còn nhớ mãi

Xin mời bạn hôm nay ngồi nhớ lại
“Người đưa đò” thuở đó ... ở nơi nao

Người giành phần khôn là kẻ dại(2)

- Giảng tại Thiền tự Hương Hải, Canada, 2002
- HT. Thiền Sư Thích Thanh Từ



Đến điểm thứ hai, trên đời này có ai là người toàn vẹn hết không ?

Có chăng, mười phần tốt được năm sáu, còn ba bốn phần chưa được tốt. Vậy mà ai nói mình xấu liền không chịu. Chúng ta chưa toàn vẹn, mà ai nói xấu cự liền. Muốn tốt mà cự với người ta thành ra xấu mất rồi.

Như vậy chúng ta phải làm sao ? Khi nghe nói xấu, ta nên trả lời: phải, trăm điều tốt tôi làm chưa tới năm sáu chục điều nên xấu là hợp lý thôi. Nếu ta nói như vậy, người kia cũng thấy họ chưa làm được điều tốt gì, họ nhận ra mình cũng nói bậy. Đừng thèm cãi cự khi nghe ai nói xấu mình, vì ta đâu có toàn vẹn mà cãi. Giả sử toàn vẹn thì càng không nên cãi, vì còn cãi là còn chưa toàn vẹn. Đó là một điều cần yếu chúng ta phải nhớ để tu trong lòng xã hội này.

Phật tử biết tu đối với tốt xấu không giành, đối với nghèo giàu cũng không giành. Ai cũng muốn mình giàu sang, khi nghe chê nghèo là không chịu, mà quên xét lại xem mình giàu chưa ? Ta chưa thật giàu mà ai chê nghèo lại không muốn, như vậy có mâu thuẫn không ? Nhiều người vì muốn được người ta nể nang mình giàu sang nên trau chuốt bề ngoài, ở nhà thiếu thốn đủ thứ, nhưng ra đường ăn mặc cho sang. Để làm gì ? Để đánh lừa thiên hạ, tôi không phải nghèo. Chẳng lẽ nghèo là cái xấu sao ? Nghèo mà đủ ăn, đủ mặc, đủ sống là tốt rồi, đừng làm điều hư, điều xấu, thương tổn đến xã hội, thì đâu phải là người xấu. Còn người ăn mặc sang, nhìn thấy như giàu mà làm thương tổn cho gia đình xã hội, như vậy có tốt chưa, có thật giàu chưa ?

Có một điều tôi xin lưu ý tất cả quý Phật tử, có người nghèo xơ xác mà lại giàu, có kẻ giàu kếch xù mà lại nghèo. Đó là ai ?

Dù người nghèo xơ xác nhưng gặp ai khổ, có cơm họ chia cơm, có áo chia áo, đó là nghèo mà giàu. Còn những người giàu sang cả, đi xe hơi lộng lẫy mà ai khổ, ai đói, họ không cần ngó tới, đó là giàu mà nghèo. Tóm lại, người biết sử dụng đồng tiền, sử dụng của cải, biết chia sớt cho kẻ nghèo, người đó có tâm rộng lớn nên tuy thiếu mà mình cảm thấy họ vẫn dư. Còn những người nhiều tiền nhiều của mà không biết chia sớt với ai, luôn luôn muốn bòn mót thêm thì tâm nghèo, vì chưa bao giờ họ thấy dư. Hiểu thế chúng ta mới thấy ý nghĩa trong cuộc sống.

Người tuy nghèo mà tình thương tràn đầy lai láng, họ giúp kẻ này người kia, do tâm rộng lớn nên tuy giúp một ít, mà giá trị đáng ngàn vàng. Còn những người giàu sang nhưng keo kiệt thì cũng chỉ là tôi tớ của tiền của mà thôi. Cho nên trong đạo Phật quý trọng những người có ít tiền của mà dám làm những điều tốt, hơn là kẻ có nhiều tiền của mà không có lòng tốt.

Có câu chuyện một cô gái nghèo thế này. Hồi xưa, cô sanh ra cha mẹ mất sớm, cô phải đi ăn mày. Cô lội khắp đầu đường xó chợ để kiếm cơm, tối trải chiếu nằm ngủ ở góc phố, đời cô rất bi đát. Một hôm nghe nói người biết cúng chùa với tâm rộng rãi, cúng cái gì chúng Tăng trong chùa đều hưởng được hết thì phước rất lớn. Cô kiểm lại thấy hôm nay mình đi xin được hai đồng xu, bây giờ làm sao cúng được hết chư Tăng. Cuối cùng cô nghĩ ra được một cách là mua hai xu muối. Bấy giờ hòa thượng trụ trì báo với đại chúng trong chùa hãy đánh chuông trống rước vị đại thí chủ đến cúng dường. Chư tăng trong chùa nổi chuông trống theo lời dạy của hòa thượng, nhưng không thấy vị đại thí chủ nào ngoài cô gái ăn mày đem cúng hai xu muối. Cô vô chùa, xuống nhà bếp nói với quý vị nấu bếp: “cháu nghèo lắm, xin được có hai xu, cháu nhịn ăn bữa nay để mua hai xu muối, nhờ quý bà nêm nồi canh cho chư Tăng ăn, cháu có phước”. Nghe thế, mấy bà nhà bếp thương, vui vẻ làm dùm cô. Sau khi chư Tăng ăn xong nồi canh rồi, cô cũng đi ăn mày như mọi hôm.

Qua một thời gian cô lớn lên, được mười sáu tuổi. Bấy giờ trong triều có thái tử mười tám hay mười chín tuổi gì đó, nhà vua đang tìm người con gái xinh đẹp đoan trang để cưới cho thái tử. Vua ra lệnh cho các quan trong triều có con gái đem đến để thái tử chọn vợ. Thế là các tiểu thư con quan nô nức sửa sang để được thái tử chiếu cố. Nhìn tất cả các cô, Thái tử không vừa lòng ai hết. Cuối cùng nhà vua sai bá quan đi khắp thành thị cho tới thôn quê, tìm người vừa ý với thái tử. Nếu ai tìm được người vừa ý thái tử sẽ được ban thưởng.

Trong số các quan đi tìm kiếm, có một vị đi tới khu vực cô gái ăn mày, ông nhìn lên thấy có vầng mây đỏ quầng chỗ đó. Ông nghĩ đây chắc là người đại phước nên mây đỏ xoay vầng trên đỉnh đầu. Tới nơi thấy đứa bé trùm chiếu ngủ, ông giở chiếu ra, cô bé giật mình thức dậy. Ông hỏi cháu làm gì ở đây, nó thú thật vừa đi ăn mày về, mệt quá nằm đại ngoài vỉa hè ngủ. Ông nhìn thấy nó cũng dễ thương nên nói: “bây giờ cháu nghe lời ông, theo ông về triều làm con nuôi của ông, chịu không ?”. Cô bé mừng quá theo ông ngay. Sau một thời gian nuôi nấng đàng hoàng, ông dẫn đến trình với nhà vua. Vua kêu thái tử ra, vừa nhìn thấy cô bé thái tử đồng ý liền.

Chúng ta thấy từ một cô gái ăn mày trở thành vợ của thái tử. Sau này vua cha chết, thái tử lên ngôi, cô trở thành hoàng hậu. Khi làm hoàng hậu cô tự xét, mình có phước đức gì mà trở thành hoàng hậu ? Bấy giờ cô nhớ lại có lần cúng chùa hai xu muối, có lẽ nhờ thế mà được ngôi vị hôm nay. Để đền ơn Tam Bảo, cô cho xe chở lụa là tới chùa cúng nữa. Nhưng sao hôm nay cô không nghe tiếng chuông trống như ngày xưa, dù phẩm vật bây giờ đầy ắp những thứ trân quý. Sau khi lễ Phật rồi, hoàng hậu trách hòa thượng trụ trì:

- Trước kia tôi là kẻ ăn mày chỉ cúng có hai xu muối mà nghe trong chùa đánh chuông đánh trống long trọng. Ngày nay tôi đã là hoàng hậu đem cả xe đồ đạc tới cúng, sao trong chùa lạnh ngắt thế này ?

Hòa thượng nói:

- Ngày xưa khi hoàng hậu còn là kẻ ăn mày, nhịn ăn để mua muối cúng dường chư Tăng, lòng tốt lúc ấy rất rộng lớn. Hoàng hậu đã quên mình, chỉ nhớ đến chư Tăng nên tôi cho đánh chuông trống đón. Còn ngày nay hoàng hậu chở cả xe lụa là tới cúng dường, nhưng của này là của dân, không phải của hoàng hậu. Lấy của dân cúng dường thì có gì để đánh chuông đánh trống ?

Nghe vậy, hoàng hậu thức tỉnh, mới biết phước của mình ngày xưa dù chỉ hai xu muối mà to lớn vì nhịn đói mà cúng, của ít lòng nhiều. Còn ngày nay mình đem cả xe đến cúng, của nhiều mà lòng ít vì đâu nhịn đói như ngày xưa. Hiểu thế rồi, hoàng hậu rất hối hận.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy có ai không làm phước được đâu. Ăn mày còn làm được. Phật tử đừng nói khi nào tôi giàu mới cúng chùa, như vậy là hứa suông, không phải lòng tốt. Lòng tốt là nghèo khó mà biết làm chuyện phước đức, do tâm rộng lớn mới được như thế. Như vậy không phải người giàu dễ làm phước, người nghèo khó làm phước. Nghèo tới độ không có tiền mua hai xu muối sao ?

Ai có tâm rộng lớn đều có thể làm phước được, còn tâm hẹp hòi dù có của nhiều mấy cũng không làm phước được. Quý ở lòng mình, chớ không phải ở tài sản bên ngoài. Nhưng bây giờ Phật tử có bệnh đi chùa năm bảy chị em, trong đó một hai người giàu họ cúng nhiều, năm ba người nghèo cúng ít. Thế là người nghèo buồn, có khi còn đố kỵ nữa. Họ nghĩ mấy người giàu phách, cúng nhiều cho thầy khen. Đó là những ý nghĩ sai lầm, bỏ đi, đừng nuôi dưỡng trong tâm, không tốt.

Nhà Phật dạy chúng ta tu, làm việc đạo phải hiểu rõ, không phải của nhiều hay của ít mới được phước nhiều hay phước ít. Có khi chúng ta không có xu nào, nhưng thấy người khác cúng dường, mình vui vẻ tán thán, phước cũng nhiều bằng người cúng dường kia. Phước ở đâu lại ? Từ tâm tùy hỉ lại. Nhà Phật nói công đức tùy hỷ rất lớn. Chúng ta không có tiền của, thấy ai làm được việc phước mình vui vẻ, tán thán, khích lệ, gọi là tùy hỉ.

Tại sao công đức tùy hỷ lớn? Vì thế gian luôn luôn có tâm ganh tị, không muốn ai hơn mình. Thấy ai hơn mình thì ghét, đó là tâm ganh tị. Người có của, có tâm rộng rãi, giúp chùa lo cho đạo, mình phát tâm tùy hỉ tán thán, khen ngợi. Làm được việc đó là mình phá tan tâm ganh tị. Bên cúng dường bố thí dẹp lòng tham, bên tùy hỉ dứt tâm ganh tị, cho nên phước hai bên đều như nhau.

Chúng ta thấy tán thán người làm việc phước có tốn hao gì đâu, mà nhiều vị không chịu, phải hơn người ta mới chịu. Mình ít hơn, thấy khó chịu nên cũng đua nhau giành phần hơn. Nhưng người nghèo làm sao giành hơn được, do đó phải học tâm tùy hỉ. Vì vậy người Phật tử chân chánh không sợ mình nghèo làm việc phước đức không được. Ở đây có người nào không thể làm phước đức không ? Nghèo giàu gì cũng làm được hết. Chị khá thì chị đi chùa, cúng dường chùa. Tôi nghèo quá không có tiền cúng chùa thì tôi tùy hỉ với chị. Khéo tu, biết tu, thì trường hợp nào chúng ta cũng có công đức, phước đức hết. Người tùy hỉ, người bố thí đều được phước như nhau, còn người thấy bạn cúng nhiều sanh tâm ganh tị được phước hay được tội ? Càng ganh tị càng thêm tội. Mình không làm, người ta làm mà còn đố kỵ thì xấu quá. Chính tâm xấu ấy làm tăng tội.

Như vậy trên đường tu, có mấy điều Phật tử phải nhớ, phải hành: điều thứ nhất đừng giành khôn, điều thứ hai đừng giành hơn, thứ ba đừng sợ nghèo không làm việc phước được, chỉ sợ tâm xấu, đố kỵ, keo kiệt thôi. Nên nhớ trong đạo Phật không có ai không tu được, chỉ sợ không muốn tu thôi. Muốn tu, biết tu rồi, hoàn cảnh nào tu cũng được hết. Phật tử nghe quí thầy dạy bao nhiêu đó, cố gắng thực hành để trở thành người Phật tử chân chánh. Mong tất cả quý Phật tử có mặt hôm nay đều hoan hỷ tập những hạnh lành như chúng tôi đã nói, để được lợi ích cho mình và mọi người chung quanh. Làm sao mỗi ngày quý vị càng trở thành một Phật tử chân chánh, thuần thành, không bị ai phê phán là Phật tử mà còn dữ quá. Được vậy là đem tiếng tốt cho đạo, cũng đem tiếng tốt lại cho mình và mọi người.

Giảng tại Thiền tự Hương Hải, Canada, 2002
HT. Thiền Sư Thích Thanh Từ


Người giành phần khôn là kẻ dại(1)

- Giảng tại Thiền tự Hương Hải, Canada, 2002
- HT. Thiền Sư Thích Thanh Từ



Trên đường tu, có mấy điều Phật tử phải nhớ, phải hành: điều thứ nhất đừng giành khôn, điều thứ hai đừng giành hơn, thứ ba đừng sợ nghèo không làm việc phước được, chỉ sợ tâm xấu, đố kỵ, keo kiệt thôi.

Hôm nay mới đến tuy còn nhọc, nhưng nghĩ tình Phật tử từ ở Ottawa lên đây chờ đợi nên tôi nói một đề tài nhỏ cho quý vị nghe hiểu, ứng dụng sống đúng với đạo lý. Đề tài tôi nói là “người giành khôn” là kẻ dại, người chịu dại tức là khôn.

Ở đời ai cũng nghĩ mình khôn, nên nghe chê dại nổi tức liền. Trong xã hội này mọi người đua nhau giành khôn, đã giành thì có tranh, có chống chọi nhau. Có tranh, có chống chọi nhau thì thật khôn không ? - Không. Như có người nói anh hay chị ngu quá, người nghe nổi tức lên, tức thì chửi lộn nhau, rốt cuộc hai người ngu hết. Bây giờ người ta nói mình ngu, quý vị nên trả lời thế nào ? Nói: phải, tôi là người ngu. Người xưa bảo càng học càng thấy dốt, không ngu sao được ?

Trên thế gian này muôn ức việc phải biết, mà chúng ta chỉ biết một ngành nghề chuyên môn thôi, có khi ngay ngành chuyên môn còn biết chưa hết nữa, bao nhiêu việc khác ta đâu có biết. Như người chuyên ngành may mặc chỉ giỏi may mặc, còn bên văn phòng kế toán không biết. Người giỏi văn phòng kế toán không biết ngành khoa học. Người ở ngành khoa học không biết ngành xây dựng. Muôn ngàn việc ở thế gian, chúng ta chỉ biết nhỏ xíu thôi. Như vậy có phải ngu không ? Tại sao nói ngu mình không chịu. Mình biết một ít trong phạm vi giới hạn mà giành khôn với người ta thì có phải là kẻ ngu chưa ? Thế nên tôi nói người giành khôn trở lại thành ngu.

Nếu biết tu, chúng ta nên hiểu trên cõi đời này, ai cũng có hiểu biết theo khả năng, trình độ, kiến thức mà mình huân tập, ngoài phạm vi ấy ra mình chưa biết hết các lĩnh vực khác. Như vậy ai có nói ngu, ta nên chấp nhận. Người giành khôn thật ra chỉ là tưởng tượng thôi, không có chân lý, không có lẽ thật. Chân lý lẽ thật là tất cả chúng ta còn đang ngu. Mai mốt ai nói ngu mình không tức giận nữa, đó là mình vượt khá hơn phàm tình rồi.

Chúng ta muốn làm người tỉnh táo sáng suốt thì ai làm gì nói gì, mình phải tỉnh táo trả lời. Như nghe người ta nói nặng mình là con bò, khi chưa hiểu đạo, Phật tử giận đỏ mặt, bây giờ hiểu đạo rồi, ta nói thế này: “phải, vì tôi có uống sữa bò nên có tế bào bò trong người tôi” Nói thế có sanh chuyện cãi vã không ? Ngược lại, chúng ta không chịu ngu, lớn tiếng cãi lại với người kia, một lát thành điên hết cả đám.

Người tu là người tỉnh sáng, không phải ngu tối. Biết lẽ thật để mình không chống chọi một cách vô lý, sanh thù oán nhau, đó là tu. Giả sử có người thấy Phật tử làm gì trái ý họ, họ liền chửi “cha mày”, lúc đó quý vị nổi nóng liền, nói sao chửi cha tôi. Nổi nóng có lợi gì, chỉ cần đáp lại: “cám ơn anh, anh nhắc tới Ba tôi.” Cha mày tức là Ba mình, họ nhắc tới cha mình có tội lỗi gì đâu nên ta cám ơn họ.

Người khôn ngoan không phải nghe một câu trái tai liền phản ứng nóng giận, như vậy chỉ càng trở thành khờ dại. Người ta hiểu lầm nói bậy, mình phải sáng suốt nhắc họ. Một người sáng ở cạnh một người tối thì phải bình tĩnh để giúp người tối sửa sai, như vậy mới gọi là người sáng. Đằng này người ta nói bậy, mình cũng nói bậy theo, một hồi nổi nóng có thể đánh đập nhau nữa, hóa ra cả hai đều tối hết. Đó là những điều vô lý do mê lầm, cố chấp mà ra.

Đối với người mắng chửi mình thậm tệ, lúc đó ta nên nhịn hay nên chống cự lại ?

Lý lẽ thì nói nhịn nhưng thực tế khó nhịn được. Một ít người cho rằng người ta mắng chửi mà nhịn, đó là mình ngu. Nghĩ vậy nên họ không nhịn mà chửi lại cho hơn, người kia chửi nặng chừng nửa ký, mình đáp lại một ký. Như vậy mới vừa, chớ đáp lại nhẹ sợ thua người ta, sợ thiên hạ chê mình ngu. Vì thế người đời cứ đua nhau giành khôn, ai cũng muốn nói cho hơn, chửi cho nặng, để mình được khôn.

Đức Phật thấy chúng sanh mê lầm tới như vậy thì thương xót không biết nói sao vừa. Người thế gian càng chửi, càng mắng, càng đánh nhau, thì càng điên đảo, càng đau khổ thù hận, không có ngày cùng. Vậy mà họ đâu có biết, đâu chịu tỉnh. Như chúng ta vào bệnh viện tâm thần, thấy bệnh nhân đang chơi trước sân, mình đi ngang họ kêu chửi, lúc đó quý vị xử trí thế nào ? Mình không chọc ghẹo mà họ chửi, có nên nổi tức không ? - Dạ không. Sao vậy ? - Vì biết họ là kẻ bệnh. Ta là người tỉnh, nếu cự lộn với kẻ bệnh thì người ta sẽ nói mình thế nào ? Chắc cũng muốn vô ở trong đó rồi. Bị người điên chửi, chúng ta nhớ mình không phải người bệnh, nên nghe chửi ta càng thương, càng tội nghiệp họ bệnh hoạn, mới nói bậy, làm bậy. Đó là những người đáng thương. Cũng vậy, nếu Phật tử biết tu thì phải tỉnh táo.

Người không biết tu họ giành khôn, giành dại, nói bậy bạ, Phật tử nên thương hay nên giận ? Thương nhẹ nhẹ chớ chưa thương mạnh phải không ?

Người không biết đạo là mê, người biết đạo là tỉnh, một người mê và một người tỉnh chửi lộn với nhau thì khách bàng quan sẽ nói sao ? Họ chửi mà mình vẫn thản nhiên không giận, mới là người biết đạo lý, là người tỉnh. Còn chửi lại người ta hóa ra mình cũng mê, làm sao nói tỉnh được.

Hồi xưa Đức Phật đi giáo hóa, hôm nọ tới một khu vực đạo Bà-la-môn, Đức Phật khất thực xong, Ngài đến ngồi dưới gốc cây thọ trai. Thọ trai xong, những người trong xóm đến ngồi xung quanh nghe Đức Phật thuyết pháp. Sau khi nghe pháp xong họ phát nguyện quy y Tam Bảo. Từ đó họ trở thành đệ tử Phật, không theo đạo Bà-la-môn nữa.

Ông thầy Bà-la-môn ở địa phương đó tức quá, hôm sau Phật đi khất thực, vừa thấy Phật đi phía trước, ông theo sau kêu tên Phật chửi. Ông chửi từ đầu đường đến cuối đường, Phật vẫn ung dung tự tại đi không trả lời câu nào hết. Tới cuối đường, chịu hết nổi ông chận Phật lại hỏi: “Cồ-đàm, ông thua tôi chưa ?”. Phật liền nói bài kệ:

Người hơn thì thêm oán
Kẻ thua ngủ chẳng yên
Hơn, thua hai đều xả
Ấy được an ổn ngủ

Người hơn thì thêm oán, nếu mình thắng người ta thua, người ta sẽ oán hờn mình. Kẻ thua ngủ chẳng yên, mình nói không lại người ta thì thấy thua, về trằn trọc ngủ không được. Hơn, thua hai đều xả, ấy được an ổn ngủ, chỉ bỏ hết hai cái hơn thua thì được an ổn ngủ.

Phật bị người ta chửi Ngài có nhục không ?

Chúng ta bây giờ sợ bị chửi nhục, nên phải làm dữ với người chửi, làm dữ nên ai cũng là kẻ dữ hết. Bên người dữ phải có người hiền, mới thấy ai tốt ai xấu, chớ người ta dữ mình cũng dữ thì còn ai hơn ai. Người biết tu với người không biết tu đều ngang nhau thì giá trị sẽ thế nào ? Quý Phật tử nếu là người chân thật biết đạo thì phải nhường nhịn, bỏ qua những điều kẻ khác nói nặng, giành hơn, như vậy mới thật là biết đạo, biết tu hành.

Ta không giành hơn với ai hết mà có thua không ? Nếu ngày xưa Đức Phật bị người ta chửi, Ngài cũng nổi giận chửi lại thì bây giờ chúng ta có lạy Ngài không ? Nhường nhịn là nhục hay nhường nhịn là cao cả ? Quý vị đánh giá lại xem. Mai kia có ai nặng nhẹ mình, ta nhịn họ thì đừng nghĩ nhịn là nhục, mà nhịn là cao cả. Còn kẻ giành hơn nói lời nặng nhẹ người khác là kẻ thấp hèn. Chúng ta phải hiểu cho thật kỹ, mai kia mới có thể vươn lên được. Chúng ta tu là người tỉnh sáng, nhận chân được lẽ thật thì không bao giờ chống đối lại kẻ ngu khờ. Chống lại kẻ ngu khờ càng làm mất hết giá trị của mình. Nên nhớ càng giành khôn trở lại càng ngu, càng nhận ngu trái lại càng khôn. Phật tử nên hiểu thấu đáo ý nghĩa đó để tu, có thế chúng ta mới là người sáng suốt, người thức tỉnh. Ngược lại, nếu không tỉnh táo sáng suốt thì chúng ta cũng mê như ai. Thế mà ở trong chùa nhiều vị đi tu cũng còn cự cãi. Tôi không biết phải nói sao. Chúng ta tu rồi phải trên thuận dưới hòa, giữ không khí yên ổn để tu, cãi qua cãi lại làm gì. Phật không rước những người cãi lanh cãi giỏi đâu, Phật chỉ rước những người tu hành đàng hoàng chân chánh. Đó là điểm thứ nhất tôi muốn nói.

Triết lý Wabi Sabi

(Sưu tầm)

TRIẾT LÝ WABI SABI: cuộc đời không có gì hoàn hảo nên đừng cố tìm, hạnh phúc là khi con người chấp nhận sống với khiếm khuyết

“Wabi Sabi không ép mọi người phải chấp nhận hay sống chung với những khiếm khuyết, mà triết lý này nói về mọi thứ không hoàn thiện, chúng là sự thật và vẫn luôn ở đó. Việc bạn cần làm là hãy tập quen dần với chúng đi”.

Không phải khi không mà đất nước Nhật Bản luôn khiến bạn bè thế giới ngưỡng mộ. Ngoài kinh tế, trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến, văn hóa xứ sở mặt trời mọc cũng chứa đựng muôn vàn những điều hay ho, đáng học hỏi. Một trong số đó phải kể đến triết lý sống Wabi Sabi, chấp nhận trên đời này không có gì là hoàn hảo và nhìn thấy vẻ đẹp trong tất cả các khiếm khuyết.

Vào mùa thu ở Kyoto của nhiều thế kỷ trước, một nghệ nhân pha trà bảo học trò chuẩn bị một buổi trà đạo ngoài sân vườn. Người đệ tử nghe vậy liền nhanh chóng đi quét lá cây, nhặt bỏ những viên đá vương vãi khắp nơi, và cắt tỉa mọi thứ trông thật gọn gàng. Lúc này, người thầy của anh mới âm thầm đi kiểm tra. Ông tìm đến một cây lá phong xum xuê và ra sức lay nó để lá trên cây rơi xuống khắp nơi. Đây chính là khởi nguồn của triết lý sống Wabi Sabi, khi mà con người không thể thao túng được vẻ đẹp thiên nhiên cũng như những quy luật cuộc sống, mà việc họ có thể làm là chấp nhận và tìm thấy tinh hoa trong sự khiếm khuyết. Và người thầy trong câu chuyện không ai khác chính là Rikyu - cha đẻ của bộ môn trà đạo ở Nhật Bản.

Nói về Wabi Sabi, triết lý sống này bắt nguồn từ học thuyết Zen (Thiền) trong đạo Phật Nhật Bản. Học thuyết này quan niệm từ ngữ đôi khi lại ngăn cản sự giác ngộ của con người, nhưng có thể hiểu đơn giản rằng Wabi Sabi là tập trung tìm kiếm những điều không hoàn hảo, khiếm khuyết trong cuộc sống, để từ đó chấp nhận và có được cuộc đời an yên.

Theo giải thích của Richard Powell - tác giả cuốn “Wabi Sabi Simple” - Wabi Sabi là chấp nhận cuộc sống không hoàn thiện, không vĩnh viễn và không hoàn tất, để rồi đi sâu vào những điều chưa hoàn hảo của hiện thực và trân trọng chúng hơn. Wabi Sabi khó giải thích về mặt ngôn ngữ, nhưng nó lại len lỏi trong cuộc sống của người Nhật nói riêng và tất cả mọi người nói chung. Triết lý này thật ra vô cùng đơn giản và dễ hiểu nếu như chúng ta biết đơn giản hóa tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống.

● Wabi Sabi trong mối quan hệ xã hội

Mỗi Samurai khi bước vào phòng trà cũng đều tự giác cởi bỏ thanh kiếm, vũ khí - và cũng là niềm tự hào của họ - ở bên ngoài. Hành động này thể hiện rõ triết lý Wabi Sabi rằng chúng ta nên chấp nhận không ai là hoàn hảo và nên đối mặt với những khiếm khuyết của người đối diện, thay vì cứ đứng bên lề đời họ mà chỉ trích họ.

Cuộc đời không tránh khỏi tổn thương, vấp ngã và thất bại, nhưng nếu không có những “gia vị” độc đáo ấy thì con người có lẽ sẽ không khao khát được sống đến vậy, bởi khi đó cuộc đời họ sẽ chỉ là một đường thẳng nhàm chán, không rõ đang tận hưởng cuộc sống hay chỉ tồn tại như cái xác không hồn. Và cũng đừng xem thường sự không hoàn hảo bởi đằng sau nó luôn là những câu chuyện, kỷ niệm đẹp và đáng nhớ nhất đời người.

Đau khổ từ một cuộc tình tan vỡ chính là trao cho chúng ta cơ hội tìm được một nửa đích thực của đời mình. Thất bại hôm nay là thành công của ngày mai. Nếp nhăn hay dấu chân chim có thể không đẹp về mặt thẩm mỹ nhưng chúng nhắc nhở rằng chúng ta đã từng cười giòn giã thế nào, từng khóc cạn nước mắt ra sao … Tất cả những khiếm khuyết đều có nguyên nhân của nó và con người nếu không biết chấp nhận, sẽ mãi sống trong những ảo tưởng về một cuộc sống hoàn hảo chỉ có trong sách vở.

● Wabi Sabi trong nghệ thuật nấu ăn

Wabi Sabi quan niệm thức ăn của con người nên thiên về tự nhiên và không quá cầu kỳ. Nó được làm ra từ niềm vui và sự sáng tạo của con người, không phải là một bài thi cần phải hoàn thành. Khi nấu ăn, chúng ta không cần thiết phải tuân theo công thức nhất định mà có thể thay thế thành phần hay cách nêm nếm cho phù hợp với bản thân và gia đình. Đừng ăn chỉ để nếm mùi vị mà bỏ qua “âm thanh” của món ăn, mùi hương và cảm giác nó mang đến khi đi vào miệng của con người.

● Wabi sabi trong thiết kế nội thất

Một ngôi nhà đúng chuẩn phong cách Wabi Sabi không cần hoàn hảo không một vết xước. Chiếc tủ mà bạn yêu thích hoàn toàn có thể bị mất đi cái nắm cửa, điều này chứng tỏ chúng ta sử dụng nó rất nhiều lần, tận dụng hết giá trị của món đồ. Màu sắc chủ đạo trong thiết kế nội thất của Wabi Sabi là xanh lá, xám và tông màu đất, giúp mang đến cảm giác hài hòa, yên bình. Đồ vật trong nhà không cần quá đẹp nhưng phải thực sự hữu ích.

● Wabi Sabi trong vẻ đẹp con người

Chúng ta thường có xu hướng tôn sùng thời thanh xuân, nhưng thời gian trôi qua, ai cũng phải già đi. Trong triết lý Wabi Sabi, thứ kiên định nhất trên đời này chính là sự thay đổi, nó không vì bất cứ ai hay bất cứ điều gì mà dừng lại. Việc con người có thể làm được là trân trọng quá trình trưởng thành của bản thân từng ngày, đừng cố gắng chỉ để níu giữ tuổi trẻ và cho rằng nó là phần quan trọng nhất của cuộc sống.

Đối với các bậc thầy trà đạo của Nhật thì ấm trà và tách trà không khác gì châu báu, nhưng họ vẫn trân trọng mỗi khi chúng bị sứt mẻ, đến nỗi dùng vàng để hàn gắn chúng trong nghệ thuật Kintsugi. Từ đó, món đồ tưởng chừng như phải vứt đi giờ lại hồi sinh mạnh mẽ, hệt như loài Phượng Hoàng vực dậy từ đống tro tàn.

Tương tự như vậy, chúng ta lúc nào cũng phải yêu thương bản thân mình, nhưng không vì vậy mà chối bỏ khiếm khuyết, nhất thiết phải ép buộc bản thân luôn hoàn hảo mà đi ngược lại quy luật cuộc sống.

● Wabi Sabi trong tủ đồ

Đừng bao giờ đánh giá thấp một bộ quần áo cũ kỹ hay chiếc túi xách sờn rách bởi chúng chứa đựng rất nhiều kỷ niệm của con người. Còn nhớ cô gái ấy đã xách chiếc túi ấy đi trên đôi giày cao gót kiêu hãnh đến buổi hẹn hò đầu tiên với người đàn ông nay đã trở thành chồng mình, hay chiếc áo sơ mi sờn vai ấy đã giúp chàng trai “ghi điểm” với nhà tuyển dụng trước khi trở thành một nhân viên cốt cán của công ty như hiện tại.

Lấy một câu nói của tác giả cuốn Wabi Sabi, Leonard Koren nói về triết lý sống này để kết lại bài viết này:

- Hãy quên đi những thứ hoàn mỹ mà bạn thường mơ tưởng, một chiếc bình đẹp nhất cũng có vết nứt để ánh sáng có thể lọt vào. Wabi Sabi không ép mọi người phải chấp nhận hay sống chung với những khiếm khuyết, mà triết lý này nói về mọi thứ không hoàn thiện, chúng là sự thật và vẫn luôn ở đó, việc bạn cần làm là hãy tập quen dần với chúng đi.

Hãy để lại quá khứ sau lưng

(Sưu tầm)

Một số trong chúng ta thường sống trong ray rứt, khổ đau, vì những lỗi lầm, ám ảnh, tiếc thương của quá khứ. Đôi khi chuyện xảy ra chỉ một lần, nhưng ta đã để cho quá khứ làm hại ta không biết bao nhiêu lần. Quá khứ đã trở thành ngục tù giam hãm ta, khiến ta ăn không ngon, ngủ không yên, xúi ta nói và làm những điều mà ta không muốn nhưng ta không làm chủ được mình.

Trở về với hơi thở chánh niệm, ta lấy lại chủ quyền đích thực cho thân tâm ta và quyết tâm làm mới lại chính mình. Quá khứ đã qua rồi, quá khứ không phải là hiện tại, nhưng quá khứ có mặt nơi hiện tại và có thể được thay đổi bởi hiện tại. Giá trị của con người nằm ngay nơi phút giây hiện tại. Chỉ cần nhớ điều đó là ta đã thoát ra khỏi ngục tù của quá khứ và ta trở thành một người tự do.

Leave the past behind !



Khi nghĩ về cuộc đời

(Thiền sư U Jotika)

Khi nghĩ về cuộc đời, chúng ta nên nghĩ nhiều hơn đến phẩm chất của tâm.

Người này có thể là một tỷ phú, trong khi kẻ khác có thể nghèo rớt mồng tơi, nhưng kẻ nghèo đó vẫn có thể sống một cuộc đời rất mãn nguyện và hạnh phúc, trong khi con người giàu có kia có thể đang phải trải qua một cuộc sống đầy đau khổ.

Chúng ta không thể đánh giá, cân đo đong đếm cuộc đời một con người dựa trên tiền của hay địa vị, hay bất cứ cái gì mà người ấy đang sở hữu. Nếu tôi phải đánh giá cuộc đời của một người nào đó, tôi sẽ đánh giá họ bằng chính trạng thái tâm của họ. Nếu họ là những người từ ái, nhân hậu và biết đủ, và nếu tâm của họ an lạc và trong sáng, họ sẽ sống một cuộc đời tốt đẹp.

Vì vậy, cuộc sống là sự phản ánh các trạng thái tâm của bạn, cuộc đời bạn thành công hay thất bại là tùy thuộc vào trạng thái tâm của bạn, chứ không phải vào những gì bạn có.

Hãy cứ lạc quan, vui vẻ, khó khăn nào rồi cũng sẽ qua

(Sưu tầm)



Những khó khăn, áp lực trong cuộc sống đôi khi khiến chúng ta muốn buông xuôi tất cả. Tuy nhiên, khi mọi chuyện đều xảy ra không như ý muốn của bạn, hãy dùng thái độ lạc quan và tích cực nhất để đối mặt với chúng.

Bốn mùa luân chuyển, đời người cũng vì thế mà thay đổi. Hỉ nộ ái ố, có ai mà chưa từng nếm trải ? Song, hãy cứ tin rằng hết mùa đông lạnh giá là đến mùa xuân ấm áp, cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ và ngập tràn niềm vui. Đôi lúc, nó cũng khiến ta rất đau buồn, thất vọng. Có người sẽ vì những đắng cay ngang trái ở đời mà gục ngã, mất hết niềm tin sống lẫn nhuệ khí sinh tồn. Tuy nhiên, có những người càng bất hạnh, càng nghịch cảnh thì động lực vươn lên lại càng lớn. Họ dồn nén hết cay đắng xuống, tạo thành lực đẩy để bật ra khỏi vũng lầy dưới chân mình.

Cuộc đời con người, luôn có những điều tiếc nuối, không thể bù đắp được, luôn có những việc ngoài ý muốn, không thể làm khác được.

Cuộc sống có quá nhiều tình huống bất đắc dĩ, quá nhiều việc là lực bất tòng tâm.

Khi khó khăn, chúng ta nên học cách sống lạc quan, vui vẻ. Đừng để cho những việc vặt ảnh hưởng đến hạnh phúc của bạn, đừng để cho áp lực ảnh hưởng đến tâm tình, đừng để cho cảm xúc làm mất đi nụ cười trên môi.

Trời xanh luôn công bằng, vì bạn mà đóng cánh cửa này thì cũng sẽ mở cho bạn một cánh cửa khác. Nếu như ông trời nhất thời không để ý đến bạn, con đường phía trước trở nên bế tắc, vậy thì chúng ta hãy tự vẽ một cánh cửa cho riêng mình. Cuộc sống chỉ cần vẫn còn có thể thở, thì hy vọng vẫn còn ở phía trước. Mộng tưởng chưa thành cũng đừng vội khép cánh cửa tâm hồn. Trăm năm tuế nguyệt cũng không lâu dài như chúng ta tưởng tượng. Với mỗi lần tiếc nuối, thời gian lại ít đi rồi, cứ mỗi lần chần chừ, thời gian sẽ không còn nữa.

Kỳ thực, cuộc sống không có gì là tuyệt đối, không ai cả đời may mắn và chẳng phải lúc nào bạn cũng là người đau khổ. Vấn đề quan trọng là bạn phải tạo cho mình một nhân sinh quan tích cực để vượt qua sóng gió, biến nỗi buồn thành niềm vui, biến nguy thành an. Đó chính là sức mạnh của sự lạc quan. Chỉ cần bạn luôn có tinh thần nỗ lực, luôn nghĩ đến mặt tốt của mọi việc, tích cực trong mọi lối suy nghĩ … bạn đã có thể biến hóa cuộc sống theo ý mình.

Helen Keller đã nói: “hướng về ánh nắng, bạn sẽ không nhìn thấy bóng tối”, nhân sinh quan tích cực chính là ánh nắng ban mai soi rọi trong trong trái tim mỗi người. Vì vậy, biết cách lựa chọn, mới có thể hạnh phúc. Biết cách hào phóng, mới có thể vui vẻ. Biết cách chấp nhận áp lực, sinh mệnh mới có thể trở nên kiên cường.

Năm tháng trôi đi, đừng nóng vội để cho tâm hồn già cỗi, dù cho trời đất chuyển dời, vẫn luôn như ánh mặt trời, tâm hồn tươi trẻ, ung dung vượt qua mưa gió cuộc đời.

Chắp tay sen

(Thích Tánh Tuệ)



Chắp tay chưa hẳn nguyện cầu
Trọn lòng trước Phật ngỏ hầu biết ơn
Chắp tay không phải van lơn
Mà đưa tâm niệm chánh chơn trở về

Chắp tay không thiết hẹn thề
Mời tâm rong ruổi ... cận kề với thân
Chắp tay không để phân trần
Dứt lòng phân biệt, ngã nhân chẳng còn

Chắp tay không phải cầu toàn
Để yêu thương cõi nhân hoàn bấp bênh
Chắp tay nào phải cầu xin
Trong niềm cát bui … biết mình nhỏ nhoi
Chắp tay chẳng phải khấn trời
Âm thầm chúc phúc một lời cho nhau

Chắp tay không ước nhiệm mầu
Nhủ lòng bắc những nhịp cầu Hiểu Thương
Chắp tay thôi kết mộng trường
Thắp lên đèn Tuệ tìm đường bước ra

Chắp tay một đóa Liên hoa
Sống cùng vô ngã vị tha trọn đời
Chắp tay trên bến luân hồi
Quay về tỉnh thức đây rồi cố hương

Chắp tay, đừng nghĩ chuyện thường
Chỉ trong một niệm mười phương đại đồng
Chắp tay vẹn cả tấm lòng
Trần duyên dứt sạch, qua dòng tử sinh

Hoa và Hình hài

(Tục ngữ Trung Hoa)

Tất cả những bông hoa của ngày mai đều nằm trong hình hài của những hạt giống ngày hôm nay.


Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|83|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Hãy suy nghĩ về những mong manh trong cuộc đời, nghĩ về cái chết, như một kẻ tử tù chờ ngày thi hành án tử. Những suy nghĩ đó sẽ tiếp thêm sức mạnh để có đủ dũng khí bứt mình khỏi những phù phiếm trong cuộc đời”.

Nghe đâu mọi tên tử tù đều chỉ mong được sống một cuộc đời lương thiện bình thường bình thường, bất kể ngày xưa hắn đã từng tàn độc đến đâu, muốn một buổi sớm mai bình yên dưới hiên nhà, muốn ăn một bữa cơm giản dị với gia đình, muốn nói gì đó làm gì đó để người mình thương không phải buồn.

Khi đối diện với cái chết, dòng máu thật lạnh cũng phải ấm lại, trái tim cũng ấm lại.

Khi đối diện với cái chết, những được mất hơn thua, những danh vọng vật chất, những hận thù sâu đậm, những hư ảo trong chốn nhân gian không còn đáng kể nữa, mờ phai đi, nhẹ tênh.

Khi không còn thời gian để chọn lựa nhiều, người ta tự khắc biết chọn thứ đáng giá nhất cho mình.

Chọn chân thành để sống, chọn việc ý nghĩa để làm, chọn lời yêu thương để nói, chọn ánh mắt hiền để nhìn cuộc đời, chọn đôi tay ấm để cầm lấy tay người, chọn đôi chân thật nhẹ để không làm tổn thương những nơi mình đi qua.

Thường xuyên nghĩ đến những gì để yêu thương lớn hơn lỗi lầm, lớn hơn sợ hãi.

Người ngày mới an.



Con nhện trước miếu Quan Âm

(Truyện Phật giáo)



Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ. Trong hành trình nhân sinh dài đằng đẵng, ta sẽ gặp hàng nghìn hàng vạn loại người … để yêu một người thì không cần cố gắng, chỉ cần có “duyên” là đủ, nhưng để tiếp tục yêu một người thì phải nỗ lực rất nhiều. Mất đi một người không biết trân quý bạn, có gì phải buồn đau, bởi bạn còn cơ hội - một lần nữa - gặp được người biết rằng bạn quý giá.

D.P.A (92)

(Ca dao Phật giáo)

Đời xưa trả báo còn chầy
Đời nay trả báo một giây nhãn tiền

Nghiệp báo

(Hồ Minh Tài)



Trong đời ai không lầm lỗi, quay đầu giác ngộ qua bể khổ nhân gian, tham sân si rồi cũng mất, tìm về cửa Phật đón an nhiên …

 Trong đời ai mà chẳng một lần đi qua kiếp nạn
 vì nghiệp ta mang vẫn còn
 xưa tham lam hay gạt ngưòi lòng gian dối
 cho nên kiếp sau này mang nợ trần gian khổ lụy

 Quanh mình bao cạm bẫy
 lòng ngưòi thâm sâu khó lường
 vì tiền quay lưng trở mặt
 không tu tâm gây hận thù rồi ân oán
 mai sau chết đi rồi mang được gì về nơi hố sâu

 Thế gian sống trong bao lầm than
 ai không hờn ghen với tranh giành
 cớ sao không một lần ta niệm Phật lòng an nhiên
 để cho qua buồn đau với ưu phiền

 Ai mà không lầm lỗi
 tìm đường tu tâm trở về
 niệm cầu quy y cửa Phật
 không u mê gây hại ngưòi nghiệp đeo bám
 tu thân giúp cho đời mai gặp nạn Phật luôn chở che

Đức năng thắng số

(Sưu tầm)



Nhiều người thường cho rằng, ai ai khi sinh ra cũng có sẵn một vận mệnh, số phận đã an bài, dù con người có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể thay đổi được … Tuy nhiên, Nguyễn Du lại từng nói: “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, phải chăng, con người vẫn có thể cải biến số mệnh của mình ?

Vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 năm 1981, thời điểm đó thời tiết rất oi bức. Khi đưa mấy đứa nhỏ ra ngoài dạo chơi, tôi thuận đường đến hiệu sách tìm mua mấy cuốn hướng dẫn đan len mới xuất bản bằng tiếng Nhật. Khi đi ngang qua hành lang, vị thầy tướng số đã gọi lại và ngỏ ý muốn xem tướng cho tôi.

Thấy tôi lắc đầu xua tay từ chối, vị thầy tỏ vẻ rất buồn giống như có điều bí ẩn gì khó nói. Cô con gái lớn không đành lòng liền kéo tay tôi đến xem một chút và nói: “Mẹ cho ông này xem mệnh được không ạ ? Giúp ông có ít tiền để ăn cơm được không Mẹ ? Nhìn ông đáng thương quá Mẹ à !”

Tôi vốn là người không thích xem tướng số, cũng không có ấn tượng tốt về họ. Nhưng vì mấy đứa nhỏ quá lương thiện, tôi đã động lòng. Vậy là tôi đành để mấy đứa nhỏ kéo đến tiệm nhờ vị tiên sinh kia xem tướng cho. Sau khi nhìn hồi lâu, xem tay của tôi rồi lại xem tay của từng đứa nhỏ, vị tiên sinh nói: “không cần xem nữa, cũng không phải trả tiền, tất cả đều là số mệnh, con người không thể thay đổi dù chỉ một chút”. Thế nhưng bốn đứa nhỏ cứ nhất mực muốn tôi trả tiền cho thầy tướng số này.

Sau khi miễn cưỡng nhận tiền, hai mắt ông đỏ hoe xoa đầu mấy đứa nhỏ và nói lẩm bẩm: “ôi, ông Trời thật không có mắt, ông Trời thật không có mắt”. Mấy đứa nhỏ nói lời tạm biệt, ông đã xua tay ra hiệu đi đi mà không nói lời nào. Tinh thần của ông lộ ra trạng thái vô cùng đau khổ.

Sau đó, đi ngang qua công viên, chúng tôi thấy một đám đông người đang tụ tập. Mấy đứa nhỏ rất thích những gì náo nhiệt, chúng vừa nhìn thấy đã vội chạy tới. Chúng len qua đám đông để vào xem nguyên nhân của sự náo nhiệt. Một lúc sau, chúng chạy lại và kéo bằng được tôi tới xem. Thì ra, một bà mẹ đang quỳ trên mặt đất cầu xin mọi người giúp đỡ. Bà cần một khoản tiền lớn để điều trị cho con trai đang nằm tại bệnh viện.

“Bà ơi, bà không cần phải quỳ đâu, Mẹ của cháu đến đây rồi, Mẹ nhất định sẽ giúp bà lo việc này” - bốn đứa nhỏ nói với người đàn bà đang quỳ trên mặt đất. Sau đó, chúng hợp sức cùng nhau đỡ người đàn bà này đứng lên. Tôi không chỉ lấy hết tiền trong túi ra làm phúc mà còn hướng đến mọi người nói lời giúp đỡ bà mẹ đáng thương này. Tôi cùng bà đến bệnh viện để nộp tiền viện phí. Sau khi mọi việc được làm tốt đẹp, mấy đứa nhỏ mới chịu buông tha cho tôi và nói: “Mẹ à, cảm ơn Mẹ, chúng con sẽ không làm phiền Mẹ nữa, về nhà thôi Mẹ nhỉ !”

Một tháng sau, không rõ lý do gì mà đàn kiến lũ lượt kéo đến nhà tôi, chúng bâu kín tường. Vì không muốn làm tổn thương chúng, tôi đã mua hai mươi chiếc ghế đẩu để làm lối đi lại. Mấy đứa nhỏ nhìn thấy kiến kéo đến bâu khắp phòng đã vô cùng sợ hãi, tuy nhiên, chúng lại rất nghe lời tôi, không làm phiền cũng không làm hại những con kiến này. Chúng cũng hiểu, kiến đến nhà là khách, lại càng biết đạo đãi khách, nên đã cẩn thận để vào góc nhà một ít đường và nước, coi như là khao thưởng đàn kiến vì đã hành quân đến nhà tôi làm khách.

Thời điểm này là mùa hè, mấy đứa nhỏ không phải đến trường nên chúng ở trong nhà với người giúp việc. Công việc của tôi lại đang rất bận. Khi đang trong cuộc họp, tôi lờ mờ nghe được thông tin về một đám cháy lớn. Tôi định bụng sau khi họp xong sẽ đến hiện trường để xem tình hình. Thấy con đường quen thuộc quá, tôi nói với đồng nghiệp lái xe: “tôi chưa vội về nhà, tôi muốn đến hiện trường phát sinh hỏa hoạn, sao cậu cứ chạy về hướng nhà của tôi thế”. Đồng nghiệp trả lời rằng, chúng ta cách hiện trường đám cháy không xa, một lát nữa là đến thôi.

Do quá mệt nên tôi đã ngủ thiếp đi, khi nhìn thấy hiện trường tôi mới bừng tỉnh và thốt lên: “đây là nhà tôi”. Tôi không kìm được vội chạy tới tòa nhà, lao thẳng lên tầng ba tìm các con, miệng không ngớt nói: “con của tôi đâu rồi, con của tôi đâu rồi”. Lúc này đội chữa cháy mới tá hỏa đi tìm, còn tôi bị sốc quá mức mà ngất đi.

Cuối cùng cũng đã tìm thấy, mấy đứa nhỏ đang ở trong tình trạng sặc khói và nằm lịm trên mặt đất. Do chỉ bị sặc khói nên đến nửa đêm, mấy đứa nhỏ đã tỉnh lại. Điều mọi người kinh ngạc chính là căn phòng đầy sách nhưng một đám cháy lớn như thế lại không thiêu đốt nổi. Lúc này, lính cứu hộ ngỡ ngàng mà thốt lên: “cái nhà này hẳn phải rất có phúc”, đám cháy lớn đã thiêu rụi gần như tất cả tòa nhà cao tầng nhưng lại chừa lại căn phòng này. Nhân viên phòng cháy còn nói: “khi phun nước, tôi không nhìn thấy căn phòng này, dường như căn phòng bị biến mất, do đó ngọn lửa lớn tầng dưới không thể thiêu đốt tới căn phòng này được”. Tôi nghĩ trong phòng của tôi có hơn một ngàn cuốn sách quý.

Đến ngày khai giảng, tôi dẫn các con đi mua sách. Chúng tôi đi ngang qua quầy xem bói của vị tiên sinh kia. Lúc nhìn thấy mấy đứa trẻ, ông đã ôm chặt lấy chúng, vô cùng kích động nói: “sao các cháu vẫn còn sống, sao các cháu vẫn bình an vô sự”. Thì ra, vị thầy xem trong mệnh thấy rằng, mấy đứa nhỏ lương thiện này không thể sống qua mùa hè và chúng sẽ bị chết bởi hỏa hoạn. Do đó, lúc trước ông mới không ngớt lời nói rằng “ông Trời không có mắt” như thế. Lúc đó, ông đã khóc đến mức không muốn dọn quán nữa mà ra về. Dù biết sự việc sẽ xảy ra, nhưng ông không thể làm gì, giống như người bất lực. Nhưng có lẽ do bản tính lương thiện, mấy đứa nhỏ gặp đại nạn không chết.

Về nguồn gốc của số sách quý trong nhà, tôi đã mua chúng ở một tiệm sách cũ. Cũng vì muốn giúp đỡ ông lão bán sách, để ông bớt việc dọn sách ra dọn sách vào mà ảnh hưởng sức khỏe. Vậy là hàng ngày, tôi đều qua tiệm của ông mua sách. Thật không ngờ số sách này lại cứu cả nhà tôi.

Kỳ thực, con người khi còn sống, có một số sự tình ngoài ý muốn mà chúng ta không thể đoán trước được, cũng không giải thích nổi. Gặp đại nạn không chết, có lẽ vì chúng tôi đã sống theo lời Thần Phật dạy, sống thiện lương, giúp đỡ người khác và nghĩ cho người khác.

Con người luôn tính toán mọi sự nhưng lại thường tính không trúng. Bởi vì chúng ta không biết rằng ông Trời đã có sự sắp đặt của riêng mình. Trong suốt cuộc đời, tôi nhận thấy rằng con người thật sự quá nhỏ bé, không thể tự mãn mà coi mình hơn hết thảy, càng không nên quá tự tin, bởi vì con người nhìn không thấy Thần Phật nhưng các Ngài lại nhìn con người rõ như lòng bàn tay …


Luận về đạo đức

(Tri Tâm)

Nếu bạn đang theo một tôn giáo nào đó, thì bạn được xem là người có đạo. Nhưng đạo và đức là hai điều hoàn toàn khác nhau. Vì một người có đạo, thường xuyên đi nhà thờ, đi chùa, mà không thật tâm tu dưỡng thì chưa chắc rằng họ đã sống có đức.

Vì đức thường được xuất phát từ cái tâm và sự nhận thức của một người mà ra, nó không do bạn là người có đạo mà tự nhiên bạn sẽ sống có đức. Bởi vậy người đời luôn nói, tin vào đạo chứ không nên tuyệt đối tin người có đạo. Suy cho cùng, Đạo có mặt trước tiên là để giúp cho con người sống có Đức.

Khi một người sống có đức, họ sẽ luôn sống tốt suốt cuộc đời họ, chứ không phải chỉ một ngày hay một phút chốc. Quá tham lam, quá ích kỷ, thích vơ vét từng đồng, miệng mồm và hành vi độc ác … sau đó mang một ít vào nhà thờ, vào chùa, hay tổ chức đi làm từ thiện, rồi nghĩ như vậy là mình đang tạo đức là sai lầm. Lý do vì Thiên Chúa hay Đức Phật không bao giờ ăn hối lộ của ai. Nhìn sâu, đó chính là hình thức chuộc tội hay bôi xóa đi mặc cảm tội lỗi của những người đã gây tạo những điều bất thiện.

Thật ra, bạn có thể tạo ra rất nhiều công đức mà không phải cần tiền, nếu bạn là người nghèo. Công đức có thể được tạo ra bằng một lời nói để giúp ai đó đang sống trong tuyệt vọng, hoặc có thể là một hành động nhỏ nhoi giúp người lúc hoạn nạn. Phần còn lại là luôn sống bằng cái tâm tốt, không làm khổ mình, không làm khổ người là đủ rồi. Vì sau cùng, người được đất trời chứng giám cũng luôn là người có những cử chỉ cao đẹp nhất, chứ không phải là những người làm giàu bất chính rồi đi đến các nơi tôn giáo hối lộ thần thánh.

Nên nhớ rằng:

- Có đạo mà không tu dưỡng thì chưa chắc là người có đức, nhưng sống có đức, dẫu rằng người đó chưa có duyên biết đến đạo thì đạo cũng cách họ chẳng bào xa.


Những điều tâm niệm về cuộc sống

(Namo Buddhaya)

Những điều tâm niệm về cuộc sống:

⒈ Bạn có thể không ăn mặc đẹp, quần áo có thể rách rưới, không sao cả. Quan trọng là bạn đừng để cho chiếc áo đạo đức bị rách là bạn đã đẹp hơn nhiều kẻ khác rồi.

⒉ Không phải ai nói thương bạn thì sẽ là người thương của bạn. Người thương bạn sẽ không nói nhiều về điều đó, họ sẽ luôn đến bên bạn khi cả thế giới quay lưng với bạn. Đó gọi là người thương.

⒊ Nếu bạn muốn là người tài giỏi thì trước hết nên học cách khiêm tốn, bạn thấy cây lúa càng nặng hạt thì nó càng “cúi đầu” xuống vậy.

⒋ Đừng bao giờ lấy câu chuyện cá nhân người khác ra làm quà khi giao tiếp, bởi một ngày nào đó bạn sẽ bị chủ nhân của câu chuyện đó tìm gặp.

⒌ Thế gian này Phật dạy là Vô Thường, mọi chuyện gặp gỡ ở thế gian hay những vật dụng của thế gian cũng đều giả tạm, bởi nó không ở mãi bên bạn lâu dài. Vì thế bạn đừng quá đau khổ khi thứ gì mất đi.

⒍ Bạn có hai lần trong đời trắng tay, đó là khi bạn ra đời với hai bàn tay trắng, và lìa đời trắng đôi bàn tay.


Bạn ơi, buổi sáng mỉm cười
Trải lòng thương đến mọi người nhân gian
Nguyện cầu tất cả bình an
Tâm mình sẽ thấy nhẹ nhàng thảnh thơi
Lòng Từ buông rải muôn nơi
Nói năng khiêm tốn từng lời thốt ra
Yêu thương đối xử chan hòa
Đó đây hoan hỷ nhà nhà đều vui