V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|102|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Loài bướm đêm khi thấy ngọn lửa, háo hức lao vào, đâu biết nơi đó sẽ thiêu cháy chúng. Con người cũng vậy, thường háo hức lao vào những nơi, đâu biết nơi đó sẽ thiêu cháy cuộc đời họ”.

Thế gian lạnh, lòng người cũng lạnh, nên ai cũng đi tìm chút hơi ấm cho mình. Có kẻ đi về biển lửa quyền lực để tìm cho mình chút hơi ấm, có người lại đi tìm hơi ấm trong những điều phù hoa khói lửa chốn nhân gian, có kẻ đi tìm hơi ấm trong đôi mắt - trong đôi tay của người khác, có người lại quay về nhen nhóm từ bi trong tâm mình cho nhiều thêm lên và tìm hơi ấm ở đó.

Ai trong chúng ta cũng đang dốc lòng theo đuổi một ngọn lửa, và ngày mai, nó có thể sưởi ấm hoặc thiêu cháy chúng ta.

Danh vọng quyền lực cũng mang đến cho người đời hơi ấm, mang đến cho người đời hạnh phúc, hạnh phúc chốn nhân gian chứa trong đó đầy hệ lụy, biết bao nhiêu người chỉ vì chút hơi ấm mà đi vào biển lửa.

Có kẻ, bỏ cả nửa đời người để theo đuổi những điều phù phiếm, rồi một ngày tự hỏi mình đang đứng đây với những thứ ấy để làm gì ?

Muốn vui trong một chốc, thì đuổi theo những điều phù hoa khói lửa. Muốn vui trong một đời thì đuổi theo tâm từ bi của mình. Từ bi cũng là ngọn lửa, nhưng là ngọn lửa duy nhất trên thế gian mà con người có thể cầm trên tay mà không bao giờ bị bỏng.

Người an.



Đời người chỉ sống có một lần, đau đớn cứ từ bỏ, mệt mỏi hãy nghỉ ngơi

(Sưu tầm)



Trong cuộc sống này, ai cũng mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mình. Khi gặp phải những khó khăn, bất hạnh, mấy ai có thể mỉm cười mà chấp nhận, mấy ai có thể bản lĩnh vượt qua. Nhưng suy cho cùng thì đời người vẫn phải tự dựa vào chính mình, lúc cô đơn không có người ở bên thì ta vẫn phải cố gắng mà vượt qua. Lúc bất lực ta cũng phải kiên cường. Đâu phải ai cũng đủ rảnh rỗi để đến bên ta, quan tâm ta từng li từng chút một. Đã trưởng thành thì phải tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình. Phải tự đưa ra được những quyết định đến vận mệnh của chính mình.

Hãy cứ dùng nụ cười tỏa sáng để tự thuyết phục rằng mọi thứ vẫn đang rất ổn. Con đường nhân sinh này, dù khó khăn, gập ghềnh đến mấy thì cũng phải cố gắng vượt qua mà thôi. Dù hôm nay trời có âm u, đen tối, thì rồi ngày mai cũng sẽ nắng trong veo mà thôi. Chỉ có bạn mới nắm được số phận của mình, phương hướng cuộc đời là do chính bạn nắm giữ, nếu như mệt mỏi quá, muốn nghỉ ngơi thì hãy cứ nghỉ ngơi, đừng cố làm gì để bản thân mệt mỏi.

Làm người ai mà chẳng có lúc mệt, có lúc chán nản và oán trách số phận. Nhưng hãy cứ tin rằng rồi mọi thứ sẽ lại tốt đẹp mà thôi. Đừng ép buộc bản thân, đừng quá khắc chế chính mình, đôi khi cứ phải phóng túng khóc một trận thật to, rồi tự lau khô nước mắt và đối mặt với tất cả.

Nhân sinh đơn giản chính là như vậy, khi mệt mỏi thì học cách nghỉ ngơi, đau đớn thì học cách buông bỏ, khổ não thì học được cách thương lấy chính mình. Có những thứ mất đi đừng vội tiếc, đừng vội hận, bởi vì sớm muộn gì cũng sẽ ly khai. Có được đấy, thì nhất định phải trân quý, biết yêu thương, cả đời không rời xa hay buông bỏ. Cuộc sống này vốn ngắn ngủi nhưng khổ đau quá nhiều, còn sống là còn hạnh phúc, dù như thế nào đi chăng nữa cùng đừng làm những chuyện có lỗi với bản thân mình.

Không khí giá bao nhiêu ?

(Thích Tánh Tuệ)



Sau khi trở nên khá hơn trong bệnh viện, cụ ông 83 tuổi ở Italy được thông báo phải trả tiền cho máy thở trong một ngày, và ông già đã khóc. Bác sĩ khuyên ông đừng khóc vì hóa đơn, nhưng rồi bác sĩ phải khóc khi nghe ông trả lời. Ông nói:

- Tôi không khóc vì số tiền tôi phải trả. Tôi có thể trả tất cả số tiền này. Tôi khóc vì tôi đã hít thở không khí của Đất Trời trong 83 năm mà chưa bao giờ trả tiền cho nó. Giờ tôi mới biết phải mất 5000Eu để sử dụng máy thở trong bệnh viện trong một ngày. Bạn có biết tôi nợ Trời Đất bao nhiêu không ? Tôi đã không cảm ơn thiên nhiên vì điều đó trước đây.

Sự thật của tin tức không thể được xác minh, nhưng những lời của ông đáng để chúng ta suy ngẫm. Khi chúng ta hít thở không khí một cách tự do mà không bị đau đớn hay bệnh tật, không ai coi trọng không khí. Chỉ khi chúng ta vào bệnh viện, chúng ta mới có thể biết rằng ngay cả việc thở oxy bằng máy thở cũng phải trả tiền.

Hãy trân trọng thời gian chúng ta còn có thể thở tự do.

“… Em đừng mãi đi xa tìm hạnh phúc
Hãy yên ngồi nhận diện ở chung quanh
Hạnh phúc đến từ những điều bình dị
Mỗi bình minh ... hít thở ... sống yên lành”

Từ đó có bình an

(Thích Tánh Tuệ)



• Vì biết trong ta có cả Bùn lẫn Sen, có cả Ác Quỷ lẫn Thiên Thần, không quá thích sen mà chối bỏ bùn, không vì yêu mến thiên thần mà hận thù ác quỷ, từ đó có Bình An.

• Vì biết trong ta có cả đen lẫn trắng, không khước từ đen để hãnh diện vì mình trắng, không quá vui khi mình trắng mà cay đắng lúc mình đen, từ đó có Bình An.

• Vì biết nhìn người và vật không thể nhìn bề ngoài. Cái vỏ ngoài chỉ là giả tướng, từ đó có Bình An.

• Vì biết cảm hóa người khác là chuyện không dễ dàng, không quá mong mỏi người khác thay đổi theo ý mình, từ đó có Bình An.

• Vì biết không thể nói về biển với con ếch đáy giếng, không thể bàn về băng tuyết với côn trùng mùa hè, từ đó có Bình An.

• Vì biết nhìn vào trạng thái tâm trước khi nói, từ đó có Bình An.

• Vì biết sống trên cái lưỡi khen chê của thiên hạ là luôn nô lệ giá trị bên ngoài và bị tha hóa, nghe gì cũng “thôi kệ”, từ đó có Bình An.

• Vì biết đánh giá tình cảm của con người không chỉ nhìn qua hành động tạm thời trước mắt, mà qua hoạn nạn mới rạng chân tình, từ đó có Bình An.

• Vì biết nhìn người ta mà sống là nô lệ, và sống cho người ta nhìn là sống ảo, từ đó có Bình An.

• Vì biết chắc chắn ta sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết, trừ bậc Thánh, chẳng một ai thoát ra ngoài cái quy luật muôn đời ấy, từ đấy có Bình An.

• Vì biết chịu trách nhiệm những hành động thiện ác lớn bé trong tam nghiệp của mình, từ đó có Bình An.

• Vì biết Khổ Đau đi theo sau Hạnh Phúc như bóng dõi theo hình, không nhọc nhằn đeo đuổi hạnh phúc nữa, từ đó có Bình An.

• Vì biết bất cứ điều gì hễ có khi bắt đầu sẽ có lúc kết thúc, từ đó có Bình An.

• Vì biết cái Ác chỉ có thể thắng cái Thiện nhất thời rồi nhanh chóng nhường lại chỗ ngồi cho Chân Lý, từ đó có Bình An.

• Vì biết cái có thể mang theo được ở cuối con đường sinh mệnh đó là Tình Thương, Trí Tuệ và Nụ Cười, mỗi ngày sống với ba điều đó, từ đó có Bình An.

❤️🙏

Chưa thật chớ nói

- Trích “Phép Tắc Người Con”,Bài 19
- Theo Zhengjian,Kiến Thiện biên dịch



Thấy chưa thật, chớ nói bừa
Biết chưa đúng, chớ tuyên truyền
Việc không tốt, chớ nhận lời
Nếu nhận lời, tiến lui sai
Phàm nói chuyện, nói từ tốn
Chớ nói nhanh, chớ mơ hồ
Kia nói phải, đây nói quấy
Không liên quan, chớ quản chuyện

Diễn giải

Trước khi thấy rõ chân tướng sự việc thì không được tùy ý nói bừa. Trước khi hiểu rõ sự việc thì không được tùy tiện truyền bá.

Việc không nên làm thì không được tùy tiện nhận lời, nếu tùy tiện nhận lời thì làm hay không làm cũng đều là sai.

Khi nói chuyện cần phải thận trọng suy xét, thái độ thong dong. Nói chuyện không được quá gấp, quá nhanh, cũng không được nói mơ hồ không rõ ràng rành mạch.

Nghe thấy người khác đàm luận chuyện phải trái tốt xấu, không liên quan đến mình thì không được quản chuyện.

Câu chuyện tham khảo: LỜI ÁC ĐỘC TỔN THƯƠNG NGƯỜI, 500 ĐỜI LÀM CHÓ

Thời Phật Ca Diếp (Kashyapa, là vị Phật nguyên thủy, đến thế gian truyền Pháp độ nhân trước Phật Thích Ca) trụ thế, có một tỳ kheo (hòa thượng) trẻ, có giọng nói trong trẻo thanh nhã, có sở trường tụng kinh kệ, mọi người đều rất thích nghe tỳ kheo trẻ tụng kinh. Trong khi đó, một tỳ kheo già có giọng tụng khàn đặc. Tỳ kheo trẻ chê bai giọng tụng của tỳ kheo già như chó kêu mà không hay biết rằng tỳ kheo già đã là bậc thánh giả chứng ngộ quả vị La Hán rồi.

Tỳ kheo già hỏi tỳ kheo trẻ: “cậu có biết tôi không ?”

Tỳ kheo trẻ trả lời: “tôi biết ông từ lâu rồi, ông là tỳ kheo có giọng tụng khàn đặc”.

Tỳ kheo già nói: “hiện nay tôi đã chứng được quả La Hán rồi, đã giải thoát khỏi hết thảy khổ não thế gian rồi”.

Tỳ kheo trẻ nghe vậy cảm thấy kinh sợ và tự trách mình. Bởi vì cậu nói lời ác độc nên bị sinh làm kiếp chó trong 500 đời. Mãi cho đến khi gặp tôn giả Xá Lợi Phất thì mới được giải thoát.

Khi đó, có một nhóm thương gia đi đến nước khác buôn bán, họ có nuôi một con chó. Khi nghỉ ngơi dọc đường, con chó ăn trộm miếng thịt mà người chủ đem theo. Các thương gia phát hiện ra thì bực tức tranh nhau đánh con chó này. Chó bị đánh gãy chân rồi vất ra cánh đồng hoang. Tôn giả Xá Lợi Phất dùng thiên mục trông thấy con chó này đang đói khát sắp chết bèn đến bên, cho nó ăn uống, đồng thời thuyết giải Phật Pháp vi diệu cho nó. Sau khi con chó chết, nó đầu thai sinh vào gia đình Bà-la-môn (quý tộc Ấn Độ xưa) ở nước Xá Vệ. Một hôm, tôn giả Xá Lợi Phất cầm bình bát đi khất thực một mình, người Bà-la-môn nhìn thấy thì hỏi Ngài rằng: “tôn giả đi một mình, không có sa di (tức chú tiểu, người xuất gia thụ mười giới, vẫn chưa thụ giới tỳ kheo) đi theo à ?”

Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “tôi không có sa di, nghe nói ông có đứa con trai, có thể xuất gia làm sa di không ?”

Người Bà-la-môn nói: “tôi có một đứa con trai tên là Quân Đề, tuổi vẫn còn quá nhỏ, khó mà dùng để sai khiến được. Để nó lớn chút nữa tôi đưa đến chỗ Ngài làm sa di”.

Khi đứa trẻ được 7 tuổi, tôn giả Xá Lợi Phất lại đến thỉnh cầu. Người Bà-la-môn liền đem con trai giao cho tôn giả, để nó xuất gia. Tôn giả Xá Lợi Phất giảng giải cho nó rất nhiều diệu Pháp, cậu bé rất nhanh chóng đã khai ngộ, chứng đắc quả La Hán.

Sa di Quân Đề sau khi chứng ngộ nhìn thấy nhân duyên ác khẩu trong đời quá khứ của mình, lại thấy đời trước mình là một con chó được ân sư là tôn giả Xá Lợi Phất cứu, đời này ân sư lại dạy mình chứng ngộ quả vị, thoát ly bể khổ. Sa di Quân Đề quyết định làm sa di hầu tôn giả Xá Lợi Phất cả đời để báo đáp sư ân.

(Nguồn tư liệu: “Hiền Ngu Kinh”)

Phụ chú

Nguyên văn Đệ Tử Quy

見 未 真 勿 輕 言
知 未 的 勿 輕 傳
事 非 宜 勿 輕 諾
苟 輕 諾 進 退 錯
凡 道 字 重 且 舒
勿 急 遽 勿 模 糊
彼 說 長 此 說 短
不 關 己 莫 閒 管

Âm Hán Việt

Kiến vị chân, vật khinh ngôn
Tri vị đích, vật khinh truyền
Sự phi nghi, vật khinh nặc
Cẩu khinh nặc, tiến thoái thác
Phàm đạo tự, trọng thả thư
Vật cấp cự, vật mô hồ
Bỉ thuyết trường, thử thuyết đoản
Bất quan kỷ, mạc nhàn quản

Chú thích

- Vị: chưa.

- Khinh: khinh suất, tùy tiện.

- Đích: đích xác, chân thực.

- Phi nghi: không thích đáng. Phi nghĩa là không. Nghi nghĩa là thích nghi.

- Nặc: đáp ứng, nhận lời.

- Cẩu: nếu, nếu như.

- Phàm: hễ, hết thảy, tất cả.

- Đạo tự: nói chuyện. Đạo nghĩa là nói.

- Trọng: thận trọng, chắc chắn.

- Thư: chậm rãi, thong dong.

- Cấp cự: nhanh. Cự: nghĩa là gấp, vội.

- Mô hồ: không rõ ràng, mơ hồ.

- Bỉ thuyết trường, thử thuyết đoản: ý nói chuyện thị phi của người khác. Bỉ: nghĩa là kia, người kia. Thử nghĩa là này, người này. Trường nghĩa là sở trường, ưu điểm. Đoản: nghĩa là sở đoản, khuyết điểm.

- Mạc: không được, chớ.

- Nhàn quản: quản chuyện (ý nói chuyện không đáng, không liên quan, vô bổ).

Thông điệp sâu sắc của Bill Gates về virus Corona

|Sơn Đặng lược dịch|

Xin lưu ý: bài viết này được cho là của Bill Gates, ý hay, nên Sơn Đặng dịch nhanh cho cộng đồng đọc và ngẫm nhé.)

Tôi là một người tin tưởng mạnh mẽ rằng, luôn có một mục đích tâm linh đằng sau mọi thứ xảy ra, cho dù đó là những gì chúng ta cho là tốt hay xấu. Khi tôi suy ngẫm về điều này, tôi muốn chia sẻ với bạn những điều mà tôi thấy là Virus Covid-19 đã mang đến cho loài người.

⒈ Nó nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng với nhau, bất kể văn hóa, tôn giáo, nghề nghiệp, tình hình tài chính hay mức độ nổi tiếng. Bệnh này đối xử với tất cả chúng ta như nhau, có lẽ đó là điều chúng ta nên làm theo. Nếu bạn không tin tôi, hãy hỏi Tom Hanks.

⒉ Nó nhắc nhở rằng tất cả chúng ta đều kết nối với nhau và một điều gì đó ảnh hưởng đến một người có thể ảnh hưởng đến người khác. Nó nhắc nhở rằng các đường biên giới giả lập mà chúng ta đã tạo ra có rất ít giá trị, vì virus này không cần hộ chiếu. Nó đang nhắc nhở chúng ta, bằng cách áp bức chúng ta trong một thời gian ngắn, về thân phận của những con người bị áp bức suốt đời.

⒊ Nó nhắc nhở rằng sức khỏe của chúng ta quý giá như thế nào và chúng ta xem thường điều đó bằng cách tiêu thụ thực phẩm nghèo dinh dưỡng và nước uống đầy hóa chất. Nếu chúng ta không chăm sóc sức khỏe, tất nhiên chúng ta sẽ bị bệnh.

⒋ Nó nhắc nhở về sự ngắn ngủi của cuộc sống và điều quan trọng nhất mà chúng ta nên làm, đó là giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt cần giúp những người già hoặc bệnh tật. Mục đích của chúng ta không phải là lo đi vét giấy vệ sinh.

⒌ Nó nhắc nhở rằng xã hội của chúng ta đã trở nên vật chất hoá như thế nào và trong những thời khắc khó khăn, chúng ta sực nhớ rằng chúng ta chỉ cần rất ít những thứ thiết yếu để tồn tại (thực phẩm, nước, thuốc), chứ không phải là những thứ xa xỉ vô bổ.

⒍ Nó nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của gia đình lẫn đời sống điền viên, và chúng ta đã bỏ bê điều này đến mức nào. Nó buộc chúng ta ở trong nhà để chúng ta có thể gầy dựng lại tổ ấm.

⒎ Nó nhắc nhở chúng ta rằng công việc thực sự của chúng ta khác với nghề nghiệp, đó là những gì chúng ta làm, không phải những gì chúng ta được tạo ra để làm. Công việc thực sự của chúng ta là chăm sóc lẫn nhau, bảo vệ lẫn nhau và mang lại lợi ích cho nhau.

⒏ Nó nhắc nhở chúng ta nên biết tự vấn về bản ngã của mình. Cho dù chúng ta nghĩ chúng ta vĩ đại đến mức nào hay người khác nghĩ chúng ta tuyệt vời đến thế nào, một loại virus có thể khiến thế giới của chúng ta đứng yên.

⒐ Nó nhắc nhở rằng chúng ta có thể kiểm soát sức mạnh của ý chí. Chúng ta có thể chọn hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ, cho đi, hoặc chúng ta có thể chọn ích kỷ, tích trữ, chỉ chăm sóc bộ lông. Thật vậy, lửa thử vàng.

⒑ Nó nhắc nhở rằng chúng ta có thể bình tĩnh, hoặc chúng ta có thể hoảng loạn. Chúng ta nên hiểu rằng những tình huống như này đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử và rồi cũng qua, hoặc chúng ta có thể hoảng loạn và xem nó là sự kết thúc của thế giới và, do đó, gây hại cho bản thân.

⒒ Nó nhắc nhở rằng đây có thể là một kết thúc hoặc một khởi đầu mới. Đây có thể là thời gian suy ngẫm và hiểu biết, nơi chúng ta học hỏi từ những sai lầm của mình, hoặc nó có thể là khởi đầu của một chu kỳ sẽ mãi tiếp tục cho đến khi chúng ta cũng học được bài học nhất định.

⒓ Nó nhắc nhở rằng trái đất này đang bị bệnh. Nó nhắc nhở rằng chúng ta cần xem xét mức độ phá rừng cũng đã khẩn cấp như tốc độ biến mất khỏi kệ của các cuộn giấy vệ sinh. Chúng ta mắc dịch vì ngôi nhà lớn của chúng ta đã đổ bệnh.

⒔ Nó nhắc nhở rằng sau mỗi khó khăn, sự dễ thở sẽ trở lại. Cuộc sống lặp đi lặp lại theo chu kỳ, và đây chỉ là một giai đoạn trong chu kỳ tuyệt vời này. Chúng ta không cần phải hoảng sợ, điều này cũng sẽ qua.

⒕ Trong khi nhiều người coi Virus Covid-19 là một thảm họa lớn, tôi thích xem nó như là một *sự sửa chữa tuyệt vời - great corrector*.

Nó được gửi đến để nhắc nhở về những bài học mà chúng ta dường như đã quên, và điều quan trọng là liệu chúng ta có thực sự muốn học được gì từ chúng hay không.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|101|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Không phải nơi sinh ra làm một người trở thành kém hèn, và cũng không phải nơi sinh ra giúp một người trở nên tôn quý. Do chính thái độ và việc làm mới biến một kẻ trở thành kém hèn, và cũng do chính thái độ và việc làm mới biến một kẻ trở thành tôn quý”.

“Dạo này sao rồi ? Có gì mới không ?”, “Không, vẫn vậy, như cũ, không có gì mới” … Người luôn nói mình vẫn vậy, như cũ, không có gì mới, nhưng khi gặp lại đã khác xưa rất nhiều. Biết bao nhiêu người, đã khác xưa rất nhiều, đã đi rất xa mà chẳng biết.

Mỗi suy nghĩ là một bước chân, mỗi lời nói là một bước chân, mỗi việc làm là một bước chân, con người đi xa hơn nơi họ đã bước vào cuộc sống, bằng những bước chân như vậy. Có kẻ bước những bước chân tha thứ và từ bi, rồi trở thành người hạnh phúc. Có kẻ bước những bước chân cố chấp và oán thù rồi trở thành người bất an.

Nên cuộc hành trình lớn nhất của con người chính là cuộc hành trình đi qua hết những bất an trong lòng mình, dùng dằng, bước đi rồi quay lại, đặt xuống rồi cầm lên, nên có khi, đi mãi cả đời mà chẳng đến đâu, vẫn nghe trong lòng rất nặng, vẫn thấy cuộc sống ngoài kia đầy bão giông.

Ai cũng đang bước đi, đi tìm bình yên cho mình, chỉ là có người ngay từ đầu đã chọn nhầm những bước chân sai, nên càng đi càng xa; nếu chọn đúng, chúng ta đã không cần phải quá nhọc nhằn mới có được bình yên.

Mỗi bước chân sai phải đổi một bước chân để quay về …

Người an.



Đạo-Đời song song

|Thích Tánh Tuệ|

Khẩu trang khan hiếm, những xấp vải chư Phật tử dâng Y Kathina cho các Sư, các Sư đã khéo léo chế tác như này, rồi chia nhau đi phát muôn nơi. Cảm động và cảm niệm tấm lòng chư Sư nhiều lắm. Xưa chừ, Đạo vẫn song song với cuộc đời trong những lúc nguy nan.(Namo Buddhaya)

Ai bảo nhà Sư không biết ... may
Đường kim mối chỉ, ý thương đầy
Trong niềm thinh lặng, Sư thầm nguyện
Dịch sớm tiêu trừ, qua đắng cay

Cảm niệm những hiến dâng thầm lặng

(Như Nhiên)

Hơn cả tháng nay, vị bác sĩ này ở New York chỉ gặp con mình mỗi ngày qua tấm kiếng, ông ta còn nhắn gửi với hiền thê của ông cứ thanh thản bước lên một chuyến “xe bông” nữa, nếu ông chẳng may có mệnh hệ gì ... Đọc đoạn tin này mà nghe tim buốt quá. Đời sống, sao có lúc ngậm ngùi đến thế. Thấy nhau trong gang tấc mà vẫn như cách một trùng dương.

Tôi biết rằng vị bác sĩ này là một trong rất nhiều những bác sĩ trong thời buổi khốn đốn hiện nay, đã tận tâm với nghề mình như thế. Họ là những “Anh Hùng Bác Sĩ” mang trái tim hiến dâng thầm lặng và sống chết cho lí tưởng cứu người. Thật đúng, trong gian nguy mới hiểu được Tình Người và Tâm Lượng.

Có thể vị bác sĩ này chưa từng có khái niệm như “Lục Độ Ba La Mật”, “Thí Vô Úy”, “Vô Ngã Vị Tha” ... như những am hiểu phổ cập của người tu Phật, nhưng cách sống của họ chính là một bài Pháp hùng hồn cho những khái niệm đạo lí mà chúng ta từng học. Thực tế cho thấy, có những người chỉ Nói mà không Sống, và có những người thực sự Sống mà không phô diễn bản thân dù chỉ một ngôn từ.

Ai cũng có cái Tôi và “cái của Tôi”. Khi vô thường đến, cái Tôi của chúng ta run rẩy, lo sợ, bất an ... cũng chẳng qua là sợ mất, sợ vô thường tước đoạt đi những sở hữu dấu yêu, đó là tâm lý thông thường của đa số. Vì thế, những người đã đặt xuống sự mất còn của bản thân, chỉ có nghĩ đến sự bình an và tính mạng của tha nhân, bỗng nhiên họ trở nên thiêng liêng và thần thánh.

Cố tổng thống Kennedy có câu nói huyền thoại: “đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho mình, mà hãy tự hỏi mình có thể làm gì cho tổ quốc”(ask not what your country can do for you, ask what you can do for your country).

LÀM GÌ QUẢ THẬT ĐÁNG NÓI HƠN LÀ ... LÀ GÌ.