V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Có ba hạng người thờ Phật

(TT. Thích Nhật Từ)



Này các đệ tử, vẽ thờ Tam Bảo có ba hạng người: một là bọn ma tôn thờ Đức Phật, hai là người trời tôn thờ Đức Phật, ba là Phật tử tôn thờ Đức Phật.

➊ MA THỜ ĐỨC PHẬT

Ma thờ Đức Phật được trích trong đoạn kinh “Phân Biệt Nghiệp Báo” do TT. Thích Nhật Từ soạn dịch. Đây là bài kinh thiết thực dành cho người tại gia học và thực tập. Ma thờ Đức Phật được hiểu như sau: có người theo Phật, thậm chí đi tu, hoặc mượn danh nghĩa là người theo Phật, nhưng trong thâm tâm gieo nghiệp tà kiến, truyền bá mê tín, bói toán, xin xăm, cúng sao, phong thủy, đồng bóng mê hoặc, vận mạn tốt xấu, tin có ma quỷ phá hoại cửa nhà, tin vào số phận, hoặc tin ngẫu nhiên, không tin nhân quả, không tin tội phước, không có chánh kiến, siểm nịnh yêu quái ... vì nghiệp xấu này khó hưởng dư phước, tạm thời gặp Phật lại đi đường tà, có cũng như không, lẩn quẩn khổ đau, không ngày thoát ra.

➋ NGƯỜI TRỜI THỜ PHẬT

Này các đệ tử, thế nào gọi là người trời thờ Phật ? Có nhiều đệ tử sau ngày quy y, nương Phật, Pháp, Tăng, giữ năm đạo đức, làm mười điều thiện, lúc gặp khó khăn, những khi bệnh tật, ngay cả cám dỗ ... cũng không dám phạm, tin sâu tội phước, làm thiện gặp phúc, tạo ác gặp khổ, không phạm luật pháp, sống có tình người, sống gương cao thượng, hiện đời hạnh phúc, chết sanh cõi lành, làm người hoặc trời.

➌ PHẬT TỬ THỜ PHẬT

Này các đệ tử, thế nào gọi là Phật tử thờ Phật ? Không chỉ là người quy y Tam Bảo mà còn là người giữ gìn năm giới, sống rất đạo đức, học hiểu kinh luật, trau dồi trí tuệ, hiểu rõ ba cõi là nơi đau khổ, tâm cầu an lạc. Giải thoát hiện tiền, tâm không tham đắm, chấp dính điều gì, thương xót chúng sanh, cứu người giúp đời không tiếc thân mạng, có chí tiến thủ trong các việc phước, từ bỏ mê tín, không theo dị đoan, tu bốn nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự), sáu Ba-la-mật (bố thí, giữ giới, kham nhẫn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ), tin vào tái sanh, phát nguyện đời đời làm đệ tử Phật, sống trong an lạc, hạnh phúc hiện tiền.

Lời bình:

Trình độ nhận thức về Đức Phật như thế nào thì thờ Phật theo cách ấy, biết thờ Phật là tốt rồi, miễn là có trăng, trăng khuyết rồi có ngày trăng sẽ tròn ra vậy !

Miếng bánh mỳ cháy

(Thế giới trẻ)

Trong bữa ăn tối, người mẹ bày lên bàn những chiếc bánh mì cháy đen như than. Cậu con trai ngồi lặng im quan sát và ngỡ ngàng trước phản ứng của cha mình ...

Người vợ nướng bánh mì cháy và phản ứng của chồng

Con người hiếm có ai hoàn hảo, không phạm phải sai lầm nào, đôi khi chúng ta cần phải học cách tha thứ. Thông cảm cho lỗi lầm của người khác không chỉ là sự bao dung mà còn là thể hiện của tình yêu thương, đồng cảm. Trong nhiều hoàn cảnh, chúng ta không khỏi mắc những sai lầm, và lúc đó chúng ta cần những lời cảm thông hơn là chỉ chăm chú vào những lỗi lầm đó. Câu chuyện sau là một ví dụ.

❝Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng Mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, Mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không. Nhưng Cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm.

Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe Mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì. Và tôi không bao giờ quên được những gì Cha tôi nói với Mẹ tôi: “em à, anh thích bánh mì cháy mà”.

Đêm đó, tôi đến bên chúc Cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy, Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói: “Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và Mẹ rất mệt, một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không, những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy”.

Rồi ông nói tiếp:

- Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn, Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như Cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác. Điều mà Cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ. Cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.❞

Bài học về sự cảm thông, tha thứ

Chỉ bằng việc xử sự khi vợ nướng bánh mỳ bị cháy, người đàn ông đã dạy cho cậu con trai bài học sâu sắc, quý giá, tuy đơn giản nhưng quyết định đến hạnh phúc gia đình mỗi người, đó chính là sự cảm thông đối với những người thân yêu.

Trước khi đến với nhau, chúng ta hoàn toàn là những cá thể riêng biệt, khác nhau về mọi thứ, và chắc chắn không ai tự nhiên mà hợp nhau. Những con người gặp nhau, tính cách như hai viên đá khác biệt, có những viên cạnh nó vô cùng sắc nhọn có thể làm tổn thương bất kì ai, khi ở cạnh nhau, là quãng thời gian ta gọt giũa viên đá của mình để phù hợp với người ta yêu thương.

Tình yêu thương không chỉ đơn thuần là tìm một người để hiểu mình mà là tìm một người để ta có thể thông cảm và yêu thương nhau đến cuối cuộc đời. Nó không phải là thứ mà ta có thể có được trong ngày một ngày hai, mà là cả một quá trình tìm và hiểu nhau. Không chỉ trong tình yêu hay hôn nhân, hầu hết những mâu thuẫn, hiềm khích lâu ngày nảy sinh giữa các mối quan hệ tình cảm gia đình khác như cha con, mẹ con, anh chị em … đều xuất phát từ việc tình thương không được chăm sóc và nuôi dưỡng để ngày càng phát triển.

Chẳng hạn, như trong câu chuyện kể trên, sau một ngày làm việc vất vả, chắc chắn ai cũng mong muốn được ngồi trước mâm cơm thịnh soạn, thưởng thức những món ăn đẹp mắt, ngon lành, nhưng người mẹ trong câu chuyện lại nướng bánh mỳ cháy đen như than. Trong tình huống đó, sẽ có những ông chồng tỏ ra khó chịu, chê bai, quát tháo vợ mình. Nếu tức giận, bạn sẽ vô tình cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ cảm thông của tâm hồn giữa bạn và người thân. Bạn đã phê phán, nhận xét hoàn toàn dựa trên những sự kiện được nhìn thấy, vì thế, bạn không còn khả năng cảm nhận được sự buồn bã, thậm chí lo lắng, sợ sệt trong lòng vợ mình. Điều mà người mẹ, người vợ cần lúc ấy là một sự xoa dịu, động viên, thậm chí ủng hộ, bởi bà cũng đã làm việc vất vả sau một ngày dài, vừa lo công việc bên ngoài, vừa quán xuyến việc nhà.

Thật ra, giống như lời người Bố nói với cậu con trai - “một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai” - nhưng “những lời chê bai trách móc cay nghiệt” mới gây nên sự tổn thương. Bánh mỳ bị cháy không phải là điều quá nghiêm trọng, khi đó chỉ là việc ngoài ý muốn. Mọi việc rồi cũng qua đi. Chỉ có cách ứng xử sẽ để lại ấn tượng trong lòng mỗi người.

Sự thật là tất cả chúng ta đều không hoàn thiện. Thi sĩ người Anh Alexander Pope đã từng viết: “lầm lỗi là bản chất của con người, và biết tha thứ là thánh thiện”. Dù vậy, cảm thông và tha thứ không phải là điều mà chúng ta có thể cố gắng để thực hiện được. Như đã nói, đó là hệ quả tất yếu của lòng yêu thương. Vì thế, cho dù có bao nhiêu khác biệt đi chăng nữa thì điểm xuất phát của chúng ta cũng vẫn là lòng yêu thương chân thật.

D.P.A (91)

● ● ●

Đường tương lai còn nhiều gian khó, đừng nản lòng hãy gắng vượt qua, hãy luôn nhớ rằng, mỗi người bạn tốt đều đã từng là một người xa lạ.

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Thiện - Ác có báo

(Sưu tầm)



Hãy cùng lắng nghe câu chuyện có thực về luật nhân quả về tội đập miếu thờ ...

❝Đây là câu chuyện mà bản thân tôi đã tận mắt chứng kiến từ nhỏ. Nhà tôi ở một làng quê vùng núi hẻo lánh, chỉ có mấy chục hộ gia đình sinh sống. Năm 1949, trong làng bắt đầu thành lập lớp tiểu học, tổng cộng có hơn 20 học sinh, tôi là một trong số đó. Lớp học được dựng ở sân của nhà ở phía Đông làng. Ngôi nhà chính năm gian, gian phía Tây là nơi ở của ông Vương – bí thư chi bộ làng – người dân trong làng đều gọi ông ta là bí thư Vương.

Mùa đông đã đến, trong lớp học không có gì sưởi ấm, thế là bí thư Vương và viên chủ nhiệm họ Trâu sau khi tính toán, đã quyết định cử hai người dân trong làng xuống thung lũng có tên là Bảo Long Tường gỡ miếu lấy gạch xây bếp lò sưởi. Khi đó, người dân vẫn rất tín ngưỡng Thần Phật, hai người dân này đến miếu thắp ba nén nhang, sau đó dập đầu cầu khẩn rằng: “không phải chúng con có ý bất kính, đây đều là cấp trên sai làm, mong chư Thần chớ có trách tội”. Sau đó đã phá bỏ miếu, chuyển số gạch về xây bếp lò.

Qua mấy ngày, ông Trâu bắt đầu cảm thấy hai mắt đau nhức, đau đến cả đêm không thể nào ngủ được, liền tìm thầy bói trong làng đến xem thử, vị thầy này nói đây là nghiệp báo phá hủy chùa miếu tạo thành. Nhưng ông Trâu không dám hứa xây lại ngôi miếu, vậy nên mắt cứ đau mãi suốt mấy tháng liền, về sau lại bị thương ở chân và trở thành tàn phế, trong nhà ông ấy cũng mãi luôn không được yên bình. Quả thực hết cách đành phải lén lén đi xây một ngôi miếu nhỏ, từ đó trong nhà mới yên ổn hơn một chút, nhưng cả đời không thể có con. Bởi vậy người vợ thường mắng ông thất đức mới ra nông nỗi tuyệt tử tuyệt tôn như vậy.

Tình cảnh của bí thư Vương càng thê thảm hơn, bà vợ trở nên điên điên khùng khùng, suốt ngày cứ để con dao ngay trước giường, hễ động một tý là cầm dao gây chuyện một trận khắp nhà từ trong đến ngoài. Con trai út của bí thư Vương là bạn học cùng với tôi, một ngày vào tháng Chạp, không hiểu sao lại tự động cởi bỏ hết áo quần chạy đến nằm sấp trên lớp băng giữa dòng sông, mặc cho mọi người khuyên giải, lôi kéo thế nào cũng đều không chịu rời đi.

Bản thân ông Vương cũng thường hay xảy ra chuyện. Một lần sau cơm tối, có cuộc họp dân làng ở lớp học, người dân trong làng đều đến đủ cả rồi, chỉ riêng ông Vương không thấy đến. Có người đến phòng tìm, người nhà nói ông ấy đã đi từ sớm rồi, đoán đã xảy ra chuyện nên mọi người liền chia nhau đi tìm. Kết quả phát hiện bí thư Vương nằm trong chuồng bò ở phía Tây ngôi nhà, đầu gục vào trong đống phân bò, khiến cho khắp đầu khắp mặt đều là phân bò. Mọi người khiêng ông ấy về nhà tắm gội sạch sẽ, một lúc sau mới tỉnh táo trở lại. Hỏi ông đã xảy ra chuyện gì, ông nói: “tôi trước khi đi họp đã vào chuồng bò đi vệ sinh, sau đó không còn biết gì nữa cả”.

Có người tốt bụng khuyên ông tu sửa lại ngôi miếu, nhưng ông cảm thấy bản thân là bí thư chi bộ làng, là đại biểu của Đảng trong làng, nhất thời không thể rẽ ngoặt như vậy được, vậy nên ông ấy cứ bị hành hạ như vậy suốt mấy năm, trong nhà của họ thường hay xảy ra một số chuyện ly kỳ cổ quái. Về sau, nhà tôi đã chuyển đi, nghe người khác kể lại bí thư Vương chưa được 40 tuổi thì qua đời, để lại một người vợ điên khùng và ba trai một gái, gia cảnh vẫn mãi không khấm khá gì.❞


Người xưa có câu: “thà rằng khuấy động nghìn sông, còn hơn quấy nhiễu tâm người tu đạo”, luật nhân quả ở đời, làm thiện hưởng thiện, làm ác chịu ác.

Cổ nhân thường nói rằng mỗi người đều có “Quỷ Thần hai vai” để chứng giám, ghi vào sổ Thiện Ác mọi hành động tốt hoặc xấu mà người ta đã làm trong cuộc đời, để đến ngày người ấy chết thì sẽ bị Diêm Vương chiếu theo sổ Thiện Ác này mà xét xử, nếu khi sống họ làm nhiều việc tốt thì cho họ lên Thiên Đình hưởng phước báo, hoặc làm nhiều việc ác thì đày họ vào Địa Ngục để chịu tội báo.

Có rất nhiều người không tin vào nhân quả báo ứng – “thiện ác có báo” – thực tế đã có rất nhiều trường hợp làm việc ác mà bị quả báo ngay lập tức khiến nhiều người tỉnh ngộ.

Ta về

(Thích Tánh Tuệ)

Ta về bên đỉnh gió
Làm bạn với mây ngàn
Nghe đất trời mở ngõ
Hiện giữa lòng thênh thang

Với mây trời du thủ ...
Sau một ngày rong chơi
Kết mây làm gối ngủ
Buồn, Vui ... bỏ bên đời



Một ngày thở và cười

(Võ Tuấn|Báo Lao Động cuối tuần)



… Khoá tu với tên gọi: “thở và cười” do thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn. Một doanh nhân trong ban tổ chức khoá tu cho biết, khi đăng thông tin trên website thovacuoi.com, nhiều người gọi điện và ... phì cười khi đọc tựa đề của khoá tu. Họ thắc mắc, đây là những động tác hàng ngày của con người, cần gì phải học ?

Tôi nhớ, có lần đọc cuốn sách “An Lạc Từng Bước Chân” của thiền sư Nhất Hạnh, trong bài “Hiện tại - Giây phút nhiệm mầu” có đoạn viết: “sống giữa xã hội hối hả, bận rộn, lâu lâu chúng ta nên biết dừng lại để thở, chúng ta nên tập thở ngay trong khi đang làm việc, đang lái xe, ngồi trên xe buýt, thậm chí bất cứ nơi đâu, chúng ta cũng nên tập thở”.

Thầy Thích Pháp Khâm - giáo thọ làng Mai - cho biết:

“Không phải ai cũng luôn ‘thấy’ hơi thở của mình ra vào thanh bình từng phút giây trong hiện tại và không phải ai cũng biết cách ‘làm’ cho hơi thở ấy đem lại bình an và hạnh phúc cho mình, đời sống hiện nay bận rộn quá, nhiều người than không có thì giờ để thở, để sống.

Hơi thở là sự sống, có tác dụng nuôi dưỡng và điều trị thân tâm. Mỗi khi mệt mỏi, chỉ cần thở vài ba hơi nhẹ và sâu là đã thấy khỏe. Khi đang lo lắng hay phiền muộn, những hơi thở nhẹ và sâu cũng giúp chúng ta không bị lôi cuốn theo cảm xúc và giúp chuyển hoá những năng lượng bất an đó thành năng lượng trung hoà của hơi thở”.

Trong hơn năm trăm thương gia tham dự khoá tu thở và cười, tôi gặp một gương mặt quen thuộc trong làng thiết kế thời trang Việt Nam, nhà tạo mẫu Sĩ Hoàng, khi hỏi cảm nghĩ về khoá tu này, với nụ cười nhẹ, anh cho biết: “tôi nghĩ, nếu biết mỉm cười, thì mọi người sẽ an lạc, hạnh phúc, mỉm cười để đem lại hạnh phúc cho mình và cho cả những người xung quanh”.

Khoá tu thật nhẹ nhàng, mọi người đến đây với những hành động, cử chỉ khoan thai, không gấp gáp. Một nữ doanh nhân công ty Quốc Hương (Đà Nẵng) cho biết: “tôi biết trễ quá, nếu biết sớm hơn thì đã đăng ký cho cả gia đình theo học, học để thở và cười trong chánh niệm, một gia đình với những thành viên vui vẻ, thương yêu, chia sẻ lẫn nhau thì chắc chắn hỗ trợ cho công việc kinh doanh của gia đình rất nhiều”.


THỞ và CƯỜI

Theo chương trình “thở và cười”, mỗi doanh nhân khi tham dự đều được hướng dẫn phương pháp “chậm lại” và “pháp thoại” giúp họ tìm kiếm được sự “thảnh thơi, cân bằng”. Những doanh nhân khi đến với khoá tu đều được tiếp đón tại bãi cỏ “đã về đã tới” của khu nghỉ mát. Mỗi người được phát một chiếc áo “thở và cười” với màu vàng của cát biển và viền nâu sồng. Tất cả những hoạt động phải nhẹ nhàng, không gấp gáp.

Sáng sớm thức dậy, mọi người sẽ khởi động bằng thiền hành trong im lặng và tỉnh thức. “Hãy hít sâu và thở ra một hơi thật dài để tĩnh tâm, để quên đi phiền muộn, bạn sẽ thấy một nụ cười thật tươi cho hạnh phúc”. Đây là lời nhắc nhở của giáo thọ khi mọi người đến với khoá tu. Cùng tham gia hướng dẫn khoá tu với thiền sư Thích Nhất Hạnh là năm mươi tăng ni thuộc tăng thân Làng Mai trực tiếp hướng dẫn phương pháp thực tập thiền buông lỏng thư giãn, nghỉ ngơi toàn thân, đi bộ, ngồi tĩnh lặng ngoài biển …

Một ngày mới thật nhẹ nhàng, trong buổi sáng thiền hành, thiền sư Nhất Hạnh mỉm cười thật nhẹ với bài học đầu tiên: đi và thở, cũng như ăn uống, nói cười ... - những hành vi đơn giản thường ngày tưởng như chẳng có gì để nói - thực ra lại rất đáng để quan tâm. Nhiều người đi như mộng du, thân ở đây mà tâm để đâu đâu. Áp lực công việc nặng nề, nỗi lo lắng sợ hãi trước tương lai đã khiến nhiều người quên mất, không còn nhận ra ý nghĩa và tầm quan trọng của từng hành vi trong hiện tại. Với doanh nhân - các bạn vốn thường xuyên bận rộn, căng thẳng - điều này càng thể hiện rõ.

“Hãy đi thong dong như một con người tự do, không bị quá khứ ràng buộc, không bị tương lai níu kéo, đi với ý thức rằng mỗi bước là một bước đi tới thực tại, về với thực tại - ở đây và lúc này. Đi và thở đều theo nhịp đi là một cách thiết lập thân tâm vững vàng trên thực tại. Và chỉ khi ấy chúng ta mới cảm nhận được sự mầu nhiệm của sự sống, mới nhìn thấy ánh mắt trẻ thơ, trời xanh mây trắng …”

Khi ăn cũng vậy, hãy cảm nhận trọn vẹn từng món ăn, hãy quan tâm đến những người cùng ăn. Có nhiều người ăn mà tâm trí nghĩ đến dự án, đến những con số, ăn vội vã trong lo âu. Sự căng thẳng, bức xúc dễ dẫn đến gãy đổ, cho nên cần phải biết lắng dịu, cần biết chăm sóc bản thân - đó là phương pháp thiền trong cuộc sống.

CÂU CHUYỆN CUỘC SỐNG

Câu chuyện về đôi vợ chồng Claudia và doanh nhân Federich được đưa ra cho mọi người suy ngẫm …

Khởi đầu, đôi vợ chồng sống hạnh phúc với những giây phút được ở bên nhau. Sau vài năm, Federich được thăng tiến và bắt đầu lao vào công việc, ít có thời gian cho vợ con.

Claudia bắt đầu phàn nàn: “anh phải có thì giờ cho anh, cho gia đình chứ, nếu anh cứ bị cuốn hút hoàn toàn vào doanh nghiệp như thế thì em thấy anh không sống cho anh, anh không quan tâm đến em và hai con của chúng ta”.

Federich giải thích: “bây giờ doanh nghiệp không có anh thì không thể phát triển, em hãy chờ anh vài ba năm nữa, thế nào chúng ta cũng sẽ có thì giờ cho nhau”.

Khi con trai của họ mổ tim, Federich không về được vì phải bay đi họp rất xa. Ngay cả khi Claudia bị mổ khối u, Federich cũng không thể ở bên vợ. Doanh nghiệp đã trở thành nhà độc tài lấy hết thời gian của gia đình Federich. Và không bao giờ Federich có cơ hội có thời gian cho gia đình, vì ông bị tai nạn giao thông, mất ở tuổi 51.

Sinh thời, Federich luôn nói: “không ai có thể thay thế được tôi, tôi là rất quan trọng”, nhưng chỉ ba ngày sau khi Federich mất, doanh nghiệp đã thay ngay người khác.

“Bí quyết” của hạnh phúc - chính là sự nuôi dưỡng lòng thương, nhưng liệu điều này có phải là đối nghịch với ý chí vươn lên trong cuộc cạnh tranh khốc liệt chốn thương trường hoặc nỗ lực tìm kiếm lợi nhuận tối đa như mục tiêu của kinh doanh - như thắc mắc của một số doanh nhân nêu ra trong cuộc trò chuyện.

“Phật giáo không phản bác việc làm giàu - thiền sư xác định - nhưng giàu có để làm gì nếu không hạnh phúc ? Tiền tài, danh vọng, quyền thế có góp phần vào hạnh phúc, nhưng thiếu lòng thương thì vẫn không thể hạnh phúc. Nhiều người giàu có mà rất cô đơn, lo lắng, luôn nghi ngờ mọi người chung quanh lợi dụng mình. Trong khi chính lòng thương tạo ra các mối quan hệ ấm áp, biết chia sẻ với nhiều người và khi ấy sẽ không còn cô độc”.

Không để cho mọi người quá sa vào những lời giảng của mình, thỉnh thoảng một tiếng chuông ngân lên, thiền sư lại nhắc: “mời bạn thở vào thở ra ba hơi thở nhẹ và sâu, và nở một nụ cười, chỉ mất mấy giây thôi mà đã khoẻ rồi phải không, chúng ta có nhiều cơ hội để dừng lại và ngắm hoa trong một ngày, chỉ cần quyết tâm và làm đúng phương pháp mà thôi, không có con đường dẫn đến sự thảnh thơi, thảnh thơi chính là con đường”.

Tổng giám đốc Nhà Xinh hỏi: “trong kinh doanh, mặc dù doanh nghiệp đã tạo mọi điều kiện và cố gắng giữ chân nhân viên, thế nhưng họ vẫn bỏ đi, vậy là do nhân viên chứ đâu phải do doanh nghiệp, theo thiền sư, muốn giữ nhân viên đó thì phải làm cách nào ?”

Thiền sư Nhất Hạnh cho rằng, lương bổng chưa hẳn là tất cả. Trong một doanh nghiệp, người sử dụng lao động và nhân viên được xem là đối tác. Trường hợp này, chủ doanh nghiệp chỉ mới làm theo cảm nghĩ của riêng mình, chưa lắng nghe, chưa hiểu biết đối tác. Đôi khi, chủ doanh nghiệp cứ tưởng đã làm hết sức mình, nhưng thực tế chưa đáp ứng nhu cầu của nhân viên. Vậy, mọi người nên ngồi xuống, lắng nghe, thấu hiểu nhau như một người bạn, chứ đừng như một ông chủ, chắc chắn sẽ hiểu được đối tác của ta muốn gì.

Cũng theo thiền sư, hạnh phúc là điều giản dị, nó có ở quanh ta, đôi khi chúng ta đang có, đang được hưởng niềm hạnh phúc ấy, nhưng không biết trân trọng, vì vậy, chúng ta cần quay về chánh niệm, hiểu được hạnh phúc mình đang có để giữ gìn nó, hiểu nó đang tồn tại bên cạnh ta và yêu quý nó. Tự nhiên hạnh phúc tràn trề. Hạnh phúc lớn, nhỏ, bền hay không là do cái tâm của mình. Hạnh phúc thực sự chỉ có khi có sự yên ổn trong tim. Thân an, tâm an mới có hạnh phúc.

Thời gian trôi nhanh, buổi pháp thoại đã kết thúc mà mọi người vẫn còn luyến tiếc. Tiếng chuông vang lên nhắc mọi người tỉnh thức và thở trong chánh niệm. Tôi cũng tập thở, mỉm cười và nhớ đến câu nói nổi tiếng “Breath, you are alive” - “Hãy thở đi, bạn đang sống”.

Pháp ngữ (61)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Chữ TỰ và chữ ĐẠI hợp lại thành chữ XÚ (hôi thối). Bạn mà cao ngạo tự đại thì hôi thối rùm trời, không ai dám tới gần, ai cũng muốn bịt mũi chạy trốn, không dám đến gần.

Người không tốt với mình, mình càng phải tốt với họ

(Sưu tầm)



Khi mình đang sống tử tế, mà vẫn có người tệ với mình thì phải làm sao ?

Khi ai đó đối xử tệ với mình, thì vẫn cứ tốt với họ nếu có thể. Không phải là để chứng minh mình cao thượng quá, cũng không phải là để cho cả thế giới thấy mình thật tốt đẹp ra sao, còn họ tệ đến mức nào. Đối xử tốt với họ, chỉ đơn giản là vì mình không giống họ thôi. Không cần phải cố chứng minh rằng bản thân mình tốt đẹp thế nào, bởi vì thời gian sẽ tự làm điều ấy vào một ngày nào đó thôi.

Đối xử tốt với họ, để cho họ biết rằng, mình sẽ không bị họ ảnh hưởng tiêu cực. Càng không vì họ mà vướng vào vòng luẩn quẩn của những sân hận. Đời người nói dài không dài, ngắn thì cũng không phải, dành quá nhiều thời gian cho những điều thật tệ, có phải phung phí phút giây đáng ra nên dành cho những điều tốt đẹp hay không.

“Người khác đối xử với bạn thế nào, đó là nghiệp của họ. Bạn đối xử với họ thế nào, là nghiệp của bạn. Cho nên, không sợ người nói xấu, chỉ sợ mình làm xấu”. Việc của mình là sống tốt cuộc đời mình, để không phải trả giá đắt cho những điều xấu mình làm nên. Đối xử tốt với họ, vì hi vọng rằng họ sẽ nhận ra đâu là điểm dừng cho những điều không tốt. Nếu hi vọng ấy không thành, cũng không sao cả, ít nhất mình cũng thấy tự do thanh thản với cuộc sống vì những điều tốt đẹp mình đã trao đi.

Người không tốt với mình, mình càng phải tốt với họ. Khi tâm mình bình yên thì chẳng có sóng gió nào làm lung lay được.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|81|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Kẻ nào không còn muốn đuổi theo những thứ phù phiếm, và cảm thấy sợ những tháng năm mải miết đuổi theo thứ phù phiếm của mình, kẻ đó đã chạm được một chân vào tĩnh lặng, từ ngày đó trở về sau, giông gió chẳng dễ gì cuốn được con người đó đi nữa”.

Người có đôi mắt hiền là người từng thấy những chuyện đắng cay trong cuộc sống nhiều hơn ai hết, rồi nhờ đó, thấy được tình người phía sau những đắng cay.

Người có đôi tay ấm là người đã từng chạm phải những giá lạnh của nhân gian rất nhiều lần, rồi nhờ đó, biết cách giữ lấy hơi ấm cho đôi tay của mình, và biết có người sẽ còn cần đến nó.

Người có trái tim nhân hậu là người từng phải chịu nhiều tổn thương hơn kẻ khác, rồi nhờ đó, hiểu được người.

Như hòn đất rắn chắc nhất là khi phải chịu lửa nung nhiều hơn những hòn đất khác, rồi từ đó, gió mưa không còn làm tan rã được nữa, giữ nguyên hình hài, mặc gió giông.

Như cơn gió khi chạm vào vách núi, đổi hướng, quay đầu lại, cẩn thận đỡ từng cây cỏ mà nó đã xô nghiêng đứng dậy.

Có lẽ, ai cũng phải chờ rất lâu, chờ ngày thuyết phục được lòng mình biết sợ những tháng năm phù phiếm, và chờ ai đó cũng biết sợ những tháng năm phù phiếm như mình. Để cùng dừng lại. Để một chân chạm được vào tĩnh lặng. Để những giông gió trong cuộc sống không còn cuốn ai đi nữa. Để một lần đủ bình thản ngồi nhìn lại những điều từng làm chúng ta điêu đứng rồi mỉm cười.

Suốt bao nhiêu năm tìm kiếm, một hôm mới hay, bình yên ở ngay trong đáy mắt mình.

Người ngủ an.



Biết chấp nhận và vượt qua những khiếm khuyết tự thân

(Sưu tầm)



Sống trong một xã hội mà khuynh hướng chung của con người là luôn chú ý đến vỏ bọc ngoài nên chúng ta thường ngưỡng mộ cái vẻ bề ngoài tươi đẹp, hoa lệ của người khác, và hay mặc cảm về cái khiếm khuyết của mình, đó cũng là điều tự nhiên. Nhưng theo quan sát của tôi, tôi phát hiện ra rằng: ngoài Đức Phật và các bậc Thánh ra thì chưa có ai trong cuộc đời này hoàn mỹ và không khiếm khuyết cả, câu nói: “Nhân Vô Thập Toàn” như một chân lý đóng đinh cho nhân cách và phước phần của mỗi con người.

- Có người gia đình giàu có, nhà cao cửa rộng, nhưng con cháu lại không hiếu thuận, làm nhiều đìều sai trái, phạm pháp.

- Có người tài sắc vẹn toàn, giỏi giang, nhưng đường tình duyên lại đầy trắc trở.

- Có đôi vợ chồng, được ông chồng hiền hậu thì bà vợ tính tình rất … gấu, được bà vợ đảm đang hiền thục thì ông chồng rượu chè be bét, trăng hoa.

- Có người cuộc sống vợ chồng rất hạnh phúc, lương bổng cao, nhưng lại mắc những bệnh nan y.

- Có người có vẻ rất tốt số, nhưng trong cả cuộc đời họ, ngoài việc biết kiếm tiền ra, đầu óc họ hoàn toàn rỗng tuếch.

Trong cuộc sống của mỗi người, chúng ta đều không muốn có sự khiếm khuyết, song nó vẫn bám theo ta như bóng theo hình. Trước kia nhiều người cũng đã từng hận về những thiếu sót, khiếm khuyết trong cuộc đời họ. Nhưng cũng có người đã mở rộng lòng mình để đón nhận nó. Bởi vì họ đã “ngộ” ra được rằng , khiếm khuyết trong cuộc đời cũng giống như vết thẹo trên khuôn mặt ta, luôn luôn nhắc nhở ta nên biết sống khiêm tốn.

Có một câu trong ca từ của một bài hát hát thật hay: “có một lần mất mát, mới thơng người đơn độc”, nếu không có những buồn khổ, chúng ta sẽ luôn kiêu ngạo, và nếu không có những thăng trầm, chúng ta sẽ chẳng thể an ủi và giúp đỡ những người bất hạnh bằng trái tim đồng cảm, chân thành.

Tôi cũng tin rằng, cuộc sống không nên mong hoàn hảo quá, có khiếm khuyết để ta may mắn đến với những người khác cũng là một điều hay, bất cứ lúc nào bạn quá bận tâm, bất mãn với những khuyết điểm của mình thì ngay lúc đó bạn nên lấy những may mắn và những ưu điểm của mình ra làm món quà trao tặng cho những người thiếu may mắn, điều này sẽ mang lại niềm vui cho chính bản thân bạn.

Thiết nghĩ, chúng ta không cần phải có mọi thứ, nếu như ta có đủ, người khác sẽ thế nào ? Ta nên nhận biết rằng, những cái mình đang có vẫn nhiều hơn những gì mình không có, và còn có nhiều hơn những người bất hạnh khác nên từ đó ta sẽ không so đo với người khác nữa và càng quý trọng những gì mình đã và đang có hơn. Thế nên, đừng tự ti với bản thân vì những khiếm khuyết đang có. Hãy tự kiểm lại và tu tập để chuyển hóa những khiếm khuyết còn lại.

Ý thức rõ bản chất chúng ta và cuộc đời là tương đối thì tự khắc sống an vui.

Khi cầm mảnh gương soi vào tâm khảm
Ta biết mình đẹp, xấu, đục hay trong
Vườn tâm địa vấn vương nhiều cỏ dại
Mà cũng không thiếu vắng những hoa hồng
(Thích Tánh Tuệ)

D.P.A (90)

(Ca dao Việt Nam)

Mặc ai chác lợi mua danh
Miễn ta học được đạo lành thì thôi



Easy and Difficult

(Anonymous)

Don’t expect good things to come easily, we must work at them. Easy is to think about improving. Difficult is to put these thoughts into action. Easy is to stumble and fall. Difficult is to get back up. Easy is to judge the mistakes of others. Difficult is to recognize your own mistakes. Easy is to receive. Difficult is to give. Easy is to promise something. Difficult is to fulfill that promise. Easy is to say “I love you.” Difficult is to show it every day. Most of the things we need in life are simple, but not easy. But things that are difficult are often the most worthwhile.

╰▶ Đừng mong đợi những điều tốt đẹp sẽ đến một cách dễ dàng, chúng ta phải làm việc với chúng. Dễ dàng là suy nghĩ về việc cải thiện, khó khăn là đưa những suy nghĩ này vào hành động. Dễ sai lầm và vấp ngã, khó khăn để đứng dậy. Dễ là đánh giá sai lầm của người khác, khó là nhận ra sai lầm của chính mình. Dễ dàng nhận về. Khó khi cho đi. Dễ dàng hứa một điều gì đó, nhưng khó thực hiện được lời hứa. Thật dễ dàng để nói “I love you”, khó khăn là để hiển thị nó mỗi ngày. Hầu như những gì chúng ta cần trong cuộc sống đều đơn giản, nhưng không dễ dàng. Nhưng, những điều không có được dễ dàng thường có một giá trị nhất định.



Ngồi lại với mùa thu

(Thích Tánh Tuệ)



Lắng lòng nghe một chiếc lá rơi
Mùa thu vừa đến nhẹ bên đời
Chiều phai, giọt nắng còn vương đọng
Như thầm tiếc nuối một ngày trôi

Mới vừa Xuân, thoáng đã vào Thu
Tháng năm chìm khuất rặng sương mù
Bốn mùa thấp thoáng qua ngày mộng
Vô thường chưa mỏi gót phiêu du ...

Lắng lòng nghe ... tiếng của dòng sông
Buồn, vui, thương, ghét ... cuộc long đong
Sóng tình chưa phút nao dừng lại
Viễn xứ ... nào ai biết ... tại lòng

Dĩ vãng trôi, tương lai cũng trôi
Giấc mơ thành hiện thực đầy vơi
Hiện thực kết nên ngày lịch sử
Rồi lịch sử tìm ... mây trắng trôi

Lắng lòng nghe hơi thở mùa thu
Ngừng theo tiếng gọi của tâm tư
Hồ thu viên sỏi vừa rơi nhẹ
Đã thấy nghìn trùng xa cõi Như

Khép làn mi, khép cửa thời gian
Nghiêng bên dòng nước gặp dung nhan
Ngày mai có thể không hề đến
Chiếc lá vừa rơi … mộng đã tàn

Trọn vẹn trái tim

(Thích Tánh Tuệ)

Mỗi sớm mai thức giấc, hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng, suy nghĩ này sẽ thôi thúc ta biết nhìn đời bằng đôi mắt yêu thương, biết sống với lòng biết ơn và nỗ lực hết mình, bởi ta không biết mình có còn cơ hội để nói lời cảm ơn, nói lời xin lỗi, hoặc làm những việc mình rất muốn làm.

Nếu sớm mai, ta còn có thể nhìn thấy ánh mặt trời, hãy nhớ cảm tạ cuộc sống này bằng trọn vẹn trái tim.



Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|80|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Nhiều người đời thường nghĩ cuộc sống sẽ không đổi thay, những gì yêu thương sẽ còn mãi, mùa mưa này tôi ở đây, mùa Đông mùa Hạ tới cũng sẽ còn ở nơi này. Khi còn chất chứa trong lòng suy nghĩ như vậy, họ vẫn chưa thể lắng nghe được những nguy hiểm từ cuộc sống, chưa nghe được bước chân vô thường đuổi theo ngay sau lưng”.

Để khi đổi thay ập đến không trở tay kịp, không chịu đựng nổi những mất mát đối với những điều cứ tưởng sẽ còn ở lại với mình lâu lâu lắm, những vết thương trên bàn tay người đời bắt đầu từ đó, khi cố nắm lấy một mảnh vỡ của ngày hôm qua, mà mảnh vỡ bao giờ cũng sắc cũng nhọn.

Do còn nuôi trong lòng suy nghĩ cuộc sống sẽ không đổi thay nên người đời mới dễ dàng bị những đổi thay của cuộc đời đánh gục.

Cũng con đường đấy, hàng cây đấy, góc phố đấy, nhưng ngày mai, làm sao vẫn sẽ lại có được một ngày giống như hôm nay ?

Cũng người đấy, ta đấy, vẫn còn đó chung với nhau những vui buồn từ ngày cũ, nhưng ngày mai, mấy ai có thể vẫn còn thương được nhau như ngày hôm qua ?

Người hỏi, làm sao để không phải buồn nhiều khi nhìn theo một điều đã mất đi ? Để không buồn nhiều khi nhìn theo một điều đã mất đi là quay lại nhìn vào những điều chúng ta đang có.

Chúng ta thường cất bình yên của mình vào một người nào đó đã quay lưng, cất niềm vui vào một thứ đã mất, rồi quên rằng bình yên và hạnh phúc là khi biết trân trọng những gì đang có trong hiện tại.

Có kẻ vì một điều mới mà quên những gì đang có. Có kẻ lại mãi nhìn theo những thứ đã không còn rồi cũng quên đi những thứ vẫn đang ở cạnh mình. Dù thế nào thì cũng là một lần phụ bạc với hiện tại của mình.



Sự tích XUẤT GIA GIEO DUYÊN

(Namo Budhaya)



Xuất Gia Gieo Duyên là việc có từ thời Đức Thế Tôn. Lúc Đức Thế Tôn đang giảng dạy ở tu viện Kỳ Viên, hôm nọ có một ông say rượu loạng choạng đi vô và nói “Thế Tôn, con muốn xuất gia đi tu”. Thế Tôn cười, cho đệ tử cao đầu ông ta và ban cho y bát. Hôm sau tỉnh rượu, ông say này sợ quá, bỏ trốn đi về nhà.

Chư Tỳ Kheo thắc mắc, bàn tán với nhau tại sao Đức Thế Tôn làm chuyện lạ nhỉ, biết hắn say mà vẫn độ cho hắn xuất gia ? Hãy để hắn đi cho khuất, rồi chúng ta sẽ đến thỉnh giáo Đức Thế Tôn về việc này.

Thế là họ kéo nhau đến hương thất Đức Phật, bạch hỏi:

- Bạch Đức Thế Tôn, chúng con không hiểu vì nguyên nhân gì Ngài lại độ cho một gã say như thế ? Xin Ðấng Thiện Thệ giải rõ cho chúng con.

- Này các tỳ kheo, các con dường như trách ta vì đã độ cho một gã say. Nhưng ta hỏi các con, trong lúc hắn say, tại sao không cầu chuyện gì khác, mà lại cầu làm Phật ? Như thế là hắn đã gieo một cái nhân tốt đẹp, ta phải giúp duyên cho hắn, vì ta không hẹp gì mà không giúp cho hắn thành Phật. Vả lại, có bao nhiêu người “tỉnh” biết cầu làm Phật như hắn ?

Vậy thì ai tỉnh, ai say ? Huống chi, hắn có nhậu rượu vào mà say thì bất quá chỉ say vài tiếng đồng hồ rồi tỉnh lại, cho nên, bệnh say của hắn, ta không cho là trầm trọng. Trái lại, biết bao kẻ trên thế gian này, dù không uống rượu mà vẫn cứ say, không phải say vài tiếng đồng hồ như hắn mà say muôn kiếp ngàn đời chưa tỉnh. Cái bệnh say đó, say trong vô minh ái dục, ta mới gọi là một chứng bệnh trầm kha.

Đã rất nhiều kiếp, người này không bao giờ nghĩ đến việc tu tập với bất kỳ tôn giáo nào, giờ ông ta đã khởi tâm và nói thành lời, dù là lời của người say nên ta phải tạo duyên lành cho ông ta, dù là chỉ một ngày.

Trong Qui Sơn Cảnh sách, Tổ Qui Sơn đã nói:

Hộc xuyên tước phi, thức tâm tùy nghiệp
(Chim sổ lồng bay về rừng, tùy nghiệp thọ sinh)

Như nhơn phụ trái cường giã tiên khiên
(Người thiếu nợ, ai mạnh sẽ đòi được/Nghiệp lực xấu mạnh hơn mình sẽ thọ sinh về con đường đó)

Vì vậy Phật tử phải luôn gieo duyên hay rải hạt Bồ Đề mỗi nơi mỗi lúc mình có thể làm trong đời này. Tạo thành một nghiệp tốt cho tâm linh như “nghiệp đi chùa, nghiệp nghe thuyết pháp, nghiệp tụng kinh, nghiệp tập sự làm sư, làm ni cô” (dù là vẫn còn tóc và chỉ một thời gian ngắn, một ngày của Bát Quan Trai), nghiệp bố thí làm hoài những thiện nghiệp, thiện sự rồi sẽ thành thói quen. Giống một cái cây to cao vốn đã nghiêng về một hướng, khi giông bão tới (nhắm mắt xuôi tay) nó sẽ ngã xuống theo hướng đã nghiêng.

Các Tổ Phật giáo đã theo lời dạy của Đức Thế Tôn thực hiện các khóa tu Xuất Gia Gieo Duyên ngàn năm trước luôn là ba tháng, cùng lúc với các sư An Cư Kiết Hạ, khi trời mưa nhiều, đường đi khất thực khó khăn, nguy hiểm, mọi người phải ở yên một chỗ cho lành. Giờ vì công việc làm, khóa tập tu đã ngắn lại còn 10, 15, 20 ngày cho thích nghi với đời sống.

Một ngày phát nguyện Xuất Gia
Là duyên giải thoát hằng sa luân hồi
Nguyện cầu tất cả muôn người
Quay về Chánh Pháp đời đời an vui

Tu nhà, tu chợ, hay tu chùa ?

(Thích Đạt Ma Phổ Giác)

Tu là sửa, là chuyển, là thay đổi. Từ đau khổ chuyển thành an vui, từ tình thương yêu ích kỷ thành tình thương yêu bình đẳng, vị tha. Vào chùa học đạo mà chỉ biết thương Phật tượng, Phật gỗ ... mà không biết thương yêu kẻ khác thì đó chưa phải là người tu chân thật.

Đạo Phật khuyên chúng ta không nên dính mắc, đắm say quá đáng vào thấy nghe, hay biết, để được bình yên, hạnh phúc. Trong thực tế, bản chất của sáu trần vốn không có lỗi. Cái lỗi lớn nhất là do tâm phân biệt, thương ghét, vọng tưởng điên đảo của con người. Con người vì đắm nhiễm, dính mắc sáu trần mà gây ra nỗi khổ, niềm đau, nên mãi trôi lăn trong luân hồi sinh tử.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “thứ nhất tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”, câu nói này dân gian cho rằng tu tập tại gia là việc dễ nhất, bởi vì các thành viên trong gia đình đều là những người thân yêu, nên mọi việc đều có thể cảm thông và tha thứ hơn, dễ bỏ qua những lỗi lầm sai trái, như cha mẹ thương con, vợ chồng thương yêu, anh chị em vui vẻ thuận thảo với nhau.

Kế đến, khi ra chợ làm ăn mua bán, mà muốn tu thực là không phải dễ, bởi vì những người ở ngoài chợ tập trung nhiều thành phần khác nhau, mua bán giống như làm dâu trăm họ, nếu không khéo một chút thì mất mối.

Vô chùa tu lại càng khó hơn, bởi vì giới luật nhà chùa khắt khe nghiêm ngặt, thường được sự giám sát của các bậc đạo cao đức trọng, sống muốn ít biết đủ, ăn chay và đi ngược lại sự ham muốn của người đời.

Nhưng thực chất tu ở chùa là dễ dàng nhất, bởi vì không phải lo chuyện tính kế sinh nhai, không bận rộn hay bị tiêm nhiễm chuyện thế gian, có thầy lành bạn tốt sách tấn đồng tu. Còn tu tập tại gia là việc khó khăn nhất, bởi vì người trong gia đình quá quen thuộc, cho nên dễ lờn mặt, khó tu khó sửa, tình cảm luyến ái nặng nề, không người nhắc nhở, khuyến khích tu tập, do đó mà Bụt nhà không linh, không thiêng là vậy đó.

Hơn nữa cuộc sống thế gian của người tại gia, đủ thứ cám dỗ và rất nhiều cái bẫy đang giăng sẵn chực chờ, nào là bẫy tiền tài, bẫy danh vọng, bẫy sắc đẹp, bẫy ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều, vả lại với đủ thứ phiền não, khổ đau cuộc đời, suốt ngày bận rộn với công kia việc nọ, không có thời giờ, thì thử hỏi làm sao tu được ?

Tu chợ so với tu nhà thì ít khó hơn, bởi vì mỗi ngày chỉ đi chợ chừng một tiếng đồng hồ là nhiều, có khi mỗi tuần chỉ đi chợ năm ba ngày, tu ngoài chợ chỉ cần nhỏ nhẹ, tế nhị, bán đúng giá thuận mua vừa bán, thường thì người mua dễ bị lầm hơn.

Vậy theo quan niệm nào mới thật sự là đúng ? Thật ra mỗi chỗ mỗi nơi đều có cái khó riêng của nó, ai có duyên tu trong điều kiện nào thì chỗ đó là số một. Tu chợ, tu tại gia rất cần thiết cho đại đa số quần chúng, bởi vì nó là nhân tố nền tảng đối với gia đình và xã hội. Nói tóm lại, bất cứ hoàn cảnh nào, dù dễ hay khó, chúng ta phải cố gắng tu vì đó là quyền lợi của bản thân, mình không biết tu thì sẽ gánh chịu hậu quả khổ đau, tu được thì mình sẽ an lạc, hạnh phúc.

Phật dạy yêu thương xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu không được như ý khổ. Nhờ có khổ như vậy nên chúng ta mới đến chùa tìm hiểu học hỏi, mong sao để được hết khổ. Nhưng phần đông rơi vào tình trạng lấy cảnh chùa làm nơi trốn tránh cuộc đời, trốn tránh trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình người thân.

Cuộc sống thế gian có quá nhiều đau khổ, nay mình biết chùa, muốn tu, muốn dứt bỏ gia đình người thân, nhưng không ai cho phép, nhiều người muốn vào chùa thọ bát quan trai một ngày một đêm nhưng gia đình không cho phép. Ở đây chúng ta đang thấy một sự thật, vì mỗi khi trong gia đình có sự bất hòa thì phần lỗi ít nhiều gì đó đều do hai bên, không biết thông cảm cho nhau, không thực sự thương yêu nhau.

Tu học là nhằm mục đích để tỉnh thức, nhận ra những điều sai lầm mà trước đây mình không hề hay biết. Ai cũng muốn thương và được thương yêu một cách bình đẳng. Ngày nay, vợ chồng ly dị là chuyện thường. Sống chung mà không biết thương yêu nhau, chỉ làm khổ nhau thì tốt hơn là nên ly dị. Nhưng nhiều khi ly dị xong ta lại cảm thấy cô đơn, muốn đi tìm một người tình khác để yêu, để cưới và để rồi lại ly dị. Nhiều lúc khổ quá, muốn đi tu, nhưng tu làm sao cho yên khi tình cảm dành cho nhau vẫn còn ướt át ? Và chúng ta nên nhớ, tu không phải là dứt hết tình nghĩa, mà là thay đổi quan niệm sống để không quá bi lụy trong tình yêu. Nếu chúng ta dứt hết tình cảm thì đâu còn là người nữa, tu như vậy vô tình ta ví mình như gỗ đá chăng ?

Tu là sửa, là chuyển, là thay đổi. Từ đau khổ chuyển thành an vui, từ tình thương yêu ích kỷ, thành tình thương yêu bình đẳng, vị tha. Vào chùa học đạo mà chỉ biết thương Phật tượng, Phật gỗ mà không biết thương yêu kẻ khác thì đó chưa phải là người tu chân thật. Phật là người đại từ, đại bi, thương tất cả chúng sinh một cách bình đẳng mà không phân biệt thân hay sơ.

Cuộc sống của chúng ta khi có mặt trên cõi đời này là phải ăn với uống để bảo tồn mạng sống, lớn lên rồi lấy vợ, lấy chồng để phát triển giống nòi nhân loại. Từ đó sinh chấp ngã và muốn chiếm hữu để bảo vệ gia đình mình, đất nước mình, người có quyền cao chức trọng nếu không tin sâu nhân quả sẽ tham nhũng làm lãng phí, gây thiệt hại trầm trọng tài sản của chung.

Những lý do bạn nên đi chùa

(Minh Hạnh Đức)

(Giác Ngộ Online)Đi chùa sẽ có cơ hội học tập Phật pháp, mở mang trí tuệ, bỏ tà theo chánh, làm tăng trưởng thiện tâm, thăng hoa đời sống tinh thần.

Đi chùa ngoài ý nghĩa văn hóa còn có giá trị giáo dục và chuyển hóa rất lớn trong đời sống tinh thần của con người. Chùa viện là nơi lý tưởng nhất để lễ Phật, học giáo Pháp, thực hành đời sống đạo đức, thăng hoa đời sống tinh thần, khơi nguồn mạch tâm linh. Dưới đây là những lý do bạn nên đi chùa mà bản thân người viết từng trải nghiệm:

⒈ CẢNH TỊNH KHIẾN CHO LÒNG AN - cảnh chùa thanh tịnh sẽ khiến cho bạn cảm thấy bình an hơn trước những lo toan, được mất, hơn thua trong cuộc mưu sinh quay cuồng, nghiệt ngã.

⒉ KHÔNG GIAN THANH THOÁT DỄ RŨ BỎ PHIỀN NÃO - môi trường, hoàn cảnh bên ngoài có tác động không nhỏ đến tâm trí bạn, cuộc sống phố phường xô bồ đầy thị phi, cám dỗ khó có thể rũ bỏ những phiền não, vì thế bạn cần phải tìm một không gian thanh thoát (dù chỉ vài giờ) để giảm căng thẳng và tái tạo năng lượng sống. Tại đây, bạn thấy thư giãn và cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn.

⒊ NƠI TÔN NGHIÊM TÂM LÀNH DỄ SINH KHỞI - sống trong thế giới đầy ắp phiền não, tâm bạn dễ hình thành tính xấu hơn là phát sinh các đức tính tốt, nhưng khi ở trong môi trường trang nghiêm thanh tịnh, tâm lành của bạn sẽ sinh khởi và phát triển mau chóng.

⒋ SỰ NGHIÊM TỊNH GIÚP DỄ NHIẾP TÂM - ở những nơi ồn náo, bạn khó tập trung, rất khó tu tập chánh niệm, thiền định, khi đến chùa viện, tâm bạn bỗng trở nên nghiêm tịnh hơn, bạn dễ dàng nhiếp tâm vào câu Kinh hay danh hiệu Phật, hoặc dễ dàng thực hành thiền định.

⒌ CUNG KÍNH LỄ PHẬT SẼ SINH PHƯỚC BÁO - thành tâm kính lễ Phật, chư vị Bồ-tát, Thánh hiền, sẽ tạo ra phước báo vô lượng. Không phải Phật, Bồ-tát ban phước cho bạn, mà chính tâm niệm lành, hành động lành của bạn chiêu cảm quả báo tốt.

⒍ HỌC THEO HẠNH PHẬT, BỒ TÁT, THÁNH HIỀN - ngưỡng mộ ai tức là tâm bạn đang hướng về người đó. Hướng về Phật, Bồ-tát, Thánh hiền, là tâm bạn đang theo khuynh hướng thiện lành, để noi gương, học tập những đức tính quý báu của các Ngài.

⒎ GIEO DUYÊN LÀNH VỚI TAM BẢO - bạn làm bất cứ điều gì cũng là đang gieo nhân, gieo duyên và sẽ dẫn đến kết quả tương ứng. Viếng chùa, chiêm bái Thánh tích, lễ Phật, đều là gieo duyên với Tam Bảo, chắc chắn sẽ được Tam Bảo soi sáng, hộ trì.

⒏ KẾT THIỆN DUYÊN VỚI THIỆN HỮU TRI THỨC - đến các chùa viện, bạn có cơ hội gặp gỡ, kết duyên với nhiều người, bạn sẽ học tập được nhiều giáo Pháp, những điều hay từ quý thầy, quý sư cô và bè bạn, có dịp trao đổi kinh nghiệm tu học, rút ra được nhiều điều bổ ích cho mình.

⒐ GIEO TRỒNG RUỘNG PHƯỚC - Tam Bảo là phước điền tối thượng, đa phần người đến chùa đều tùy tâm cúng dường, ủng hộ từ thiện. Thiện tâm thúc giục bạn hành động như thế. Việc làm thiện lành đó sẽ mang lại cho bạn nhiều phước báo trong đời này và đời sau.

⒑ MỞ MANG TRÍ TUỆ - đi chùa sẽ có cơ hội học tập Phật pháp, mở mang trí tuệ, bỏ tà theo chánh, làm tăng trưởng thiện tâm, thăng hoa đời sống tinh thần.

⒒ THỰC HÀNH VÀ TRẢI NGHIỆM ĐỜI SỐNG TÂM LINH - ở chùa có các bậc đạo cao đức trọng, là điểm tựa tinh thần cho mọi người tu tập. Phạm hạnh, công đức, phước báo của các bậc cao tăng có tác động tích cực đối với người đến chùa, giúp tâm bạn thanh tịnh, an ổn, hoan hỷ. “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”, học và tu trong một đạo tràng có thầy, có bạn, cũng sẽ giúp hành giả phấn khởi, tinh tấn hơn, trải nghiệm nội tâm sâu sắc hơn.

⒓ CẦU QUỐC THÁI, DÂN AN, THẾ GIỚI HÒA BÌNH - đến chùa, mọi người đều mong ước, nguyện cầu cho gia đình, tổ quốc, nhân loại, chúng sinh được những điều tốt đẹp, đó chính là đang phát tâm thiện, hạnh lành, và chắc chắn bạn sẽ được thiện quả.

Vì sao tuổi trẻ nên đi chùa ?

(Kim Oanh,Vườn hoa Phật Giáo)

Hôm nay đem việc đi chùa mà bàn với các bạn thanh niên thật là một chuyện rất tầm thường. Thưa bạn ! Tôi lại thích nói những chuyện tầm thường ấy, vì nó rất gần chúng ta, mà đã bị nhiều người lãng quên đi.

Nếu một hôm có người đến mời bạn đi chùa, chắc bạn sẽ cau mày lộ vẻ khó chịu, nếu không bĩu môi kiêu ngạo. Vì bạn thanh niên cho việc đi chùa là việc của những người giàu lòng tín ngưỡng, việc của bà già, ông cụ, còn thanh niên là những con người khoa học thực tế mà ai đi làm việc ấy. Quan niệm đó có thể đúng với người không hiểu ý nghĩa đi chùa, e không đúng với những người đã hiểu ý nghĩa đi chùa.

Thưa bạn ! Trong nhà Phật, mỗi việc làm, mỗi hành động, đều có ý nghĩa của nó, đáng tiếc có một số tín đồ không chịu tìm hiểu, nên việc làm sai lạc, gây sự hiểu lầm cho khách bàng quan. Vì thế, tôi cần biện bạch ý nghĩa đi chùa để các bạn biết qua.

Ði chùa có những ý nghĩa

⒈ Chùa là nơi thờ cốt, tượng của Chư Phật - người từ bi và giác ngộ đã viên mãn - Phật tử đến chùa là tỏ lòng kính mến, sùng thượng gương cao cả của Ngài mà học đòi bắt chước theo, như châm ngôn ta có câu: “trọng thầy sẽ được làm thầy” vậy. Bạn một phen bước chân đến cổng chùa là trong ký ức bạn đã quay lại đức hy sinh cao cả, gương trí tuệ sáng ngời của Phật tổ rồi. Bước vô chánh điện, nhìn lên chân dung của Phật, bạn sẽ thấy cặp mắt hiền lành, vẻ mặt từ bi của Ngài hình như lúc nào cũng chực đưa tay cứu vớt chúng sanh đang đắm chìm trong đau khổ. Chỉ chừng ấy thôi, bạn cũng đã thấy hình dáng Phật gây cho bạn một ấn tượng tốt lành, một gương sáng cao quí.

Bạn đi đến chùa để nhớ lại công hạnh vị tha không bờ bến, đức độ hỉ xả vô biên giới của Phật mà bắt chước theo, chớ đâu phải đi chùa để lễ bái, để khấn nguyện. Như các nhà ái quốc hằng đến thăm lăng, miếu các công thần. Không phải các ông đến đó để xin xăm, để khấn vái, cầu sự ủng hộ cho mình, mà để ôn lại cuộc đời oanh liệt của các Ngài qua những tấm bia, chiếc mão ... cho lòng ái quốc của mình được nồng nhiệt thêm.

⒉ Phật thuyết pháp hơn ba trăm hội, những lời vàng ngọc ấy được ghi chép lại thành ba tạng Kinh điển, trong ấy chứa đựng một nền triết lý cao siêu, một biển từ bi bát ngát. Bạn đến chùa để học hỏi giáo lý qua lời chỉ dẫn của các nhà sư. Vì bạn là một thanh niên Việt Nam, bạn không thể chối cãi được ảnh hưởng ít nhiều của đạo Phật, một đạo cổ truyền của dân tộc mà người Việt Nam đã nhìn nhận là đạo ông bà. Hơn nữa, đạo Phật là một tôn giáo lớn nhất, một nền triết lý cao nhất của Á Ðông, bạn là một thanh niên trí thức Á Ðông, không có lý do gì bạn không biết. Nếu bạn nói không biết thì chẳng hổ với những học giả u Tây đang hướng về Á Ðông để nghiên cứu ấy sao ? Hoặc bạn viện lẽ: “tôi ở nhà đọc sách Phật thì cũng hiểu được, cần gì phải đi đến chùa”.

Thưa bạn ! Ðiều ấy chưa hẳn là đúng. Vì sao ? Vì bạn đang bận sự học hành hoặc đang lo sanh kế, thời giờ đâu bạn nghiền ngẫm Kinh sách, nếu có thời giờ thì cũng rất eo hẹp. Chắc bạn cũng thừa hiểu Kinh điển của nhà Phật như biển cả bao la, nền triết lý Phật giáo như trời cao thăm thẳm. Muốn thấu hiểu, người ta phải chuyên học cả năm, mười năm mà chưa hẳn là đã đạt được, phương chi nằm nhà đọc qua vài ba quyển sách mà có thể thấu triệt được ư ? Lại nữa, thà rằng bạn không hiểu gì về Phật giáo còn hơn là bạn hiểu không đúng chân tinh thần của Phật giáo. Vì sự hiểu sai lạc sẽ làm giảm giá trị của Phật giáo và gây cho những người chung quanh một quan niệm sai lầm, nên không hiểu thì thôi, có hiểu cần phải hiểu cho đúng. Do đó, muốn hiểu Phật giáo, bạn cần đến chùa nhờ những vị sư học rộng giáo điển giảng dạy cho, có phần bảo đảm hơn.

⒊ Trong những ngày đem hết tâm lực tranh đấu với đời, bạn nghe đầu óc nóng ran, tâm trí quay cuồng, bạn muốn tìm một nơi giải trí cho nó êm dịu lại. Hoặc bạn đến rạp chiếu bóng, ở đây bạn thấy nghẹt cả người, hơi người đã khiến bạn nghe mệt. Nếu cố gắng mua vé vào cửa, bạn cũng thấy trên màn bạc toàn là sự tranh đấu, giết chóc, khổ vui, rốt cuộc chỉ làm cho thần kinh bạn thêm căng thẳng. Hoặc bạn đến nhà hàng để tiêu khiển bằng những chung rượu, chén trà. Nhưng vừa ngồi lại, bạn đã nghe lời bàn bạc, tiếng cãi vã về hơn, thua, khôn, dại của những người lân cận, khiến bạn phải nhức đầu. Như thế cũng là một trường tranh đấu, tranh đấu bằng lý thuyết.

Bạn sẽ đến và đến nhiều nơi nữa, nhưng ở đâu rồi cũng gây thêm cho bạn một ý niệm so sánh, tranh đấu. Chi bằng, bạn đi thẳng đến chùa, không khí ở chùa sẽ ru êm, xoa dịu tâm hồn bạn. Ở đây, bạn sẽ thấy cả một trời thanh tịnh. Cổng chùa rêu xanh phủ kín, mặc cho nắng táp mưa sa, ngôi chùa đứng lặng im trong không gian tịch mịch. Có nghe chăng, chỉ những tiếng gió thì thào trên ngọn dương như lời giảng đạo của đức Mâu-ni hơn hai nghìn năm còn vọng lại, tiếng chuông ngân nga nhịp nhàng hòa theo gió, rồi tan lần trong không gian lặng lẽ như đem lòng từ bi chan rải khắp trần gian, và tiếng Mô Phật - thay cho lời chào - của các nhà sư vừa hiền hòa, vừa thanh thoát. Ở đây, bạn không làm gì tìm ra được một dấu vết tranh đấu, nếu có chỉ là sự đấu tranh nội tâm của những con người cầu tiến. Sau vài mươi phút ở chùa, dù tâm hồn bạn có cuồng nhiệt đến đâu cũng tan biến dần trong không gian tĩnh mịch như ngọn lửa hồng đang cháy sẽ tắt lịm đi sau một cơn mưa mát dịu.

⒋ Hoặc trong những lúc chạy đua với đời, bạn đã gặp phải những bức tường chắn lối, hoặc bị sa chân vào cạm bẫy của đời, bạn đang hằn học, đau buồn. Bạn cứ đi ngay đến chùa vì ở đây là nguồn an ủi vô biên của chúng sanh, là suối nước cam lồ để diệt trừ nhiệt não. Vào chùa, bạn sẽ thấy đức Thích-ca trang nghiêm ngự trên đài sen, đức Di-lặc tươi cười thản nhiên trong khi bị bọn lục tặc chọc tai, móc miệng ... đức Di-đà kiên nhẫn sẵn sàng đưa tay chực cứu độ chúng sanh, trong khi chúng vẫn còn lặn hụp trong biển ái.

Qua những hình ảnh ấy, bạn đã thấy thế nào ? Và gợi cho bạn những cảm giác gì ? Ðức Phật Thích-ca ngự trên đài sen là đã nói “Ngài dấn thân trong trần tục mà vẫn trong sạch, siêu thoát, không bị mùi trần tục làm nhiễm ô”. Ðức Di-lặc cười thản nhiên, trong khi bọn lục tặc phá phách, để nói rằng “Ngài sẵn sàng tha thứ, vui vẻ tha thứ và mãi mãi tha thứ tất cả những cái gì mà chúng sanh đã làm cho Ngài rối rắm, đau khổ”. Ðức Di-đà đang duỗi tay cứu độ chúng sanh, mà chúng sanh chưa hướng về Ngài, để nói lên rằng “lúc nào Ngài cũng kiên trì cứu độ chúng sanh, mặc dù chúng đang còn mải mê theo trần tục”. Và còn, còn rất nhiều hình ảnh nữa, tôi không thể kể hết. Nếu bạn biết rõ ý nghĩa khi qua những hình ảnh ấy, bạn sẽ nghe cõi lòng mát lại, quả tim bạn đập đều và bao nhiêu nỗi buồn phiền đã tan biến tự bao giờ.

⒌ Ðó là chưa nói bạn có diễm phúc thấm nhuần giáo lý. Nếu bạn có duyên lành, gặp một nhà sư đức hạnh, bạn sẽ được tắm mát trong dòng suối từ bi, bạn sẽ bừng tỉnh dưới ánh sáng giác ngộ qua lời giảng giải của nhà sư rút trong giáo điển. Thế là, còn sự buồn phiền nào đeo đẳng trong tâm hồn bạn mà không tan vỡ ?

Cho nên đi chùa không phải chỉ vì sự cúng lạy khẩn cầu, mà để noi theo gương lành của Phật, cải đổi tự thân, để học hỏi giáo lý, tu sửa tâm tánh, để lắng lặng tâm hồn khi đang quay cuồng vì đấu tranh, để xoa êm, tưới dịu phần nào ngọn lửa tức giận, vết thương đau khổ.

Cũng có người viện lẽ rằng: “tôi ở nhà, tôi vẫn thờ Phật để học theo gương Ngài, tôi cũng xem Kinh để tu sửa tự tâm ... thì còn hơn đi chùa”. Ðành rằng ở nhà có thờ Phật, có xem Kinh, nhưng làm sao bằng khung cảnh trang nghiêm ở chùa, lời nhắc nhở chân thành của các nhà sư. Chúng ta chưa phải là bậc “sanh nhi tri chi” thì cần phải nhờ thầy lành bạn tốt, hoàn cảnh thuận tiện làm trợ duyên bên ngoài, mới đủ sức cải đổi những cái xấu dở của mình.

Hoặc người ta không chịu đi chùa bởi những lý do

⒈ Vì cửa từ bi quá rộng cho nên có một ít người lợi dụng đó làm kế sinh nhai, hoặc để giấu những hành tung đê tiện. Do đó đã xảy ra nhiều việc không hay, làm hoen ố chốn thiền môn thanh tịnh. Vì vậy, có một ít người sợ đến chùa bị lợi dụng hoặc bị xấu lây. Thưa bạn ! Bất cứ một tôn giáo, một đoàn thể nào cũng có những con chiên ghẻ lẫn trong ấy, nếu bạn vì thấy một vài cái dở mà chấp nê thì tránh sao khỏi cái lỗi “vơ đũa cả nắm”. Hơn nữa, bạn là người có học thức, một hành động, một cử chỉ bất chánh bạn đã thấy, tội gì bạn phải sợ như vậy.

⒉ Hoặc có người nói: “đến chùa nghe những điều tội phước, thấy gương từ bi của Phật sợ về nhà chán ngán việc làm ăn - việc làm ăn lợi mình hại người - nên không dám đi chùa”. Nói thế là cùng ! Bạn thử nghĩ, có ai sợ người ta chỉ lọ trên mặt mình không ? Nếu được người ta chỉ cho mình, có lợi hay có hại ? Nếu vì lý do như vậy mà không đi chùa thì tôi cũng không biết lời gì mà bàn được.

Nói thế cũng đã dông dài rồi. Ðể kết đúc lại, ý nghĩa đi chùa là để gợi lại cho chúng ta thấy những gương sáng cao cả để mở rộng kiến thức, để gội rửa những bụi nhơ phiền não, để xoa dịu những vết thương đau. Sự đi chùa như vậy có gì là huyễn hoặc nhuộm mùi mê tín, không thích hợp với óc khoa học thực tế của thanh niên đâu ? Theo tôi thiết nghĩ: các bạn thanh niên phần nhiều tâm hồn sôi nổi bồng bột, thiếu đức bình tĩnh, thiếu chí kiên nhẫn, các bạn cần phải siêng đi chùa hơn hết mới phải, vì khung cảnh tịch tịnh của nhà chùa sẽ giúp các bạn mát dịu phần nào nhiệt khí, thấy gương nhẫn nại hy sinh của Phật, các bạn sẽ tăng thêm phần kiên chí, nghe được giáo lý của Phật sẽ giúp cho phần tư tưởng của các bạn được cao siêu. Như vậy sự đi chùa há vô bổ hay sao ?

Cuộc sống luôn cho bạn cơ hội thứ hai

(Sưu tầm)

Trong cuộc sống, chẳng mấy ai có thể hoàn thành công việc một cách hoàn hảo, cũng chẳng ai có thể kiểm soát được mình trong mọi trường hợp để không mắc lỗi lầm. Cho nên, mọi lỗi lầm dù có lớn như thế nào đi nữa, vẫn có một cơ hội để sửa chữa - đó là ngày mai.

Kết thúc không có nghĩa là hết, mà kết thúc chính là sự khởi đầu cho một điều gì đó mới hơn và có lẽ sẽ tốt đẹp hơn. Cuộc sống luôn cho bạn cơ hội thứ hai ... được gọi là ngày mai. Trong chúng ta không phải một ai cũng có thể làm và hoàn thành mọi việc một cách hoàn hảo, cũng chẳng phải chúng ta có thể kiểm soát được mọi thứ, nhưng điều tuyệt vời nhất chính là chúng ta nhận ra mình vẫn còn cơ hội để làm mọi thứ tốt hơn một lần nữa.

Ta hiếm khi làm được mọi điều cho đúng ngay lần đầu. Hầu như mọi thành tích lớn trong đời một người bắt đầu bằng quyết định cố hết lần này đến lần khác – đứng dậy sau mỗi lần thử thất bại và thử lại lần nữa.

Mỗi khoảnh khắc khó khăn trong đời ta thường đi kèm với một cơ hội trưởng thành và sáng tạo. Nhưng để đạt được sự trưởng thành và sáng tạo này, trước hết ta phải học buông bỏ quá khứ. Ta phải thừa nhận rằng khó khăn trôi qua như mọi thứ khác trong đời. Và một khi nó đã qua, cái còn lại với ta là những kinh nghiệm và bài học để cố gắng lần sau sẽ tốt hơn.

Cuộc sống không bao giờ ngăn cản con người tìm tới với đam mê và ước mơ của chính mình. Cho nên mỗi lỗi lầm dù có lớn đến như thế nào đi chăng nữa thì vẫn có một cơ hội thứ hai để sửa đổi – đó chính là ngày mai.

Chúng ta luôn có cơ hội để thay đổi hiện tại. Nhiều người cứ đổ lỗi cho duyên số , số phận hay định mệnh, nhiều người lại dễ dàng tin vào chỉ tay và nghĩ cuộc đời đã sắp đặt sẵn như thế rồi. Nhưng có lẽ họ cũng quên rằng chỉ tay cũng chỉ nằm trong tay họ mà thôi. Chỉ sợ ngày mai không đến, còn mọi thứ có thời gian đều có thể làm được.

Ai đó trong dòng chảy của cuộc đời vẫn đang tất bật xô bồ. Ai đó vẫn đang bon chen từng miếng cơm manh áo. Ai đó vẫn đang yêu và tha thiết mong cầu được yêu. Ai đó trao lời ước hẹn, lại có ai đó vừa dứt áo ra đi … Mọi người vẫn đang sống, vẫn đang chuyển động. Những nỗi đau vẫn đi vào vòng lặp: xé nhỏ, lan rộng, rồi biến mất. Những niềm vui cũng chớp hiện rồi chớp tắt trên cong cong những đuôi mắt hằn vệt chân chim.

Rồi dòng người vẫn rất đông, vẫn ồn ã ùa vào cuộc đời lẫn nhau, vẫn va đập với những khúc khuỷu của cuộc đời. Vẫn hồn nhiên. Vẫn vị tha. Vẫn bao dung. Vẫn sôi nổi và náo nhiệt. Hệt như sau khi mặt trời lặn xuống từ phương Tây, thì ngày mai, khi mặt trời mọc lên từ phương Đông, mọi thứ lại háo hức ùa vào một vòng quay mới.

Hết hôm nay rồi sẽ đến ngày mai. Nên nhớ, hôm nay vẫn chưa phải là dấu chấm hết, vẫn chưa phải là tận cùng, vẫn chưa phải là những gì ghê gớm nhất. Cho nên, nếu có tranh thủ mà hờn giận, mà buồn phiền, mà dồn nén những cảm xúc tiêu cực, thì hãy làm tất thảy những điều ấy vào ngày hôm nay đi.

Ngày hôm nay, chúng ta tự cho phép mình được yếu lòng. Được buông bỏ. Được mệt mỏi. Được kêu than. Được gục ngã. Được làm tất cả những gì mình muốn và mình cần, kể cả là tiêu cực nhất. Để rồi ngày mai, chính tay chúng ta sẽ lật giở cuộc đời mình sang một trang vở mới tươi sáng hơn. Ngày mai nhiều hứa hẹn, ngày mai là tương lai, nên ngày mai sẽ khác mà.

Hôm nay đầy rẫy những khó khăn, cũng chẳng có điều gì dễ dàng. Nhưng sau ngày mai, mọi thứ rồi sẽ TỐT ĐẸP HƠN.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|79|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Có con đường hẹp, chỉ đủ rộng cho một người đi, nếu có hai người đi ngược chiều, và không ai chịu nhường ai, sẽ có một người bị đẩy lùi lại, để một người qua trước. Cuộc sống là một con đường hẹp, và những khó khăn, phiền não chẳng bao giờ chấp nhận nhường nhịn người đời. Nên, giải thoát hay bình yên là khi đủ mạnh mẽ đẩy lùi được khó khăn phiền não mà đi tiếp”.

Một viên sỏi nhỏ, cơn bão lũ nào cũng dễ dàng tràn qua. Một hòn đất mềm, cơn mưa nào cũng có thể làm nát rã. Khi lòng can đảm quá nhỏ, khó khăn nào cũng có thể bắt nạt mình. Như đôi chân nhỏ khi đứng trước núi cao, vực sâu, biển rộng, lại phải lầm lũi quay trở về.

Khi lòng từ bi quá nhỏ, một chút phiền não chẳng đáng gì cũng có thể khắc vào lòng một vết thương sâu, tạo ra một nỗi buồn dài, và cả hận thù nữa.

Khó khăn và phiền não chẳng bao giờ chịu nhường nhịn người đời, nên đừng bao giờ chờ đợi sự nhường nhịn từ chúng.

Nếu chờ đợi khó khăn qua hết mới đi tiếp, thì cả đời chẳng đi được mấy bước chân.

Nếu chờ đợi mọi chuyện qua hết mới bình yên, thì cả đời chẳng bình yên được mấy hôm.

Nếu chờ cuộc đời bớt khắc nghiệt mới lương thiện thì cả một đời chẳng lương thiện được mấy khi …

Người nói hiện tại của mình xem như đã bỏ đi, nên chỉ còn biết chờ đợi ngày mai, chờ ai đó đi ra khỏi cuộc đời mình, chờ ai đó đến, chờ những rắc rối được giải quyết … Những thứ đang chờ đợi đó, nếu có, nhất định không phải là hạnh phúc thật sự, hạnh phúc thật sự phải là những gì chúng ta đang tạo dựng ngay trong hiện tại của mình.

Người an.



Như thị

(Thích Tánh Tuệ)

Thấy trắng biết là trắng
Thấy đen biết là đen
Đừng tìm trắng trong đen
Đừng tìm đen trong trắng
Nhận thức rõ trắng đen
Đời sống luôn an lạc



Hiểu mà không làm, không bằng người không hiểu mà thật làm

(H.T Tịnh Không)



Phật pháp từ đầu đến cuối chú trọng ở hành, bạn phải thật làm, cho dù không giải, bạn có thể hành, bạn có thể thành công, giải được càng thấu triệt bạn không chịu làm, vẫn là bằng không, vẫn là không thể thành công.

Từ xưa đến nay, có rất nhiều người không nghe qua Kinh, không đọc qua Kinh, hoàn toàn không giải, lão sư dạy họ niệm một câu A Di Đà Phật, họ một câu A Di Đà Phật niệm đến cùng, chân thật chứng được sự nhất tâm bất loạn, lý nhất tâm bất loạn, khi vãng sanh đứng mà ra đi, ngồi mà ra đi, biết trước giờ ra đi, họ cũng không bị bệnh, rất nhiều rất nhiều, chứng minh hành quan trọng hơn giải.

● Giải là tại vì sao người nói vậy ?

Vì người tín tâm không kiên cố mà nói, bán tín bán nghi, tỉ mỉ giảng giải xây dựng tín tâm cho bạn, chân thật hoàn toàn tin tưởng rồi, hiểu hay không hiểu không cần lo, niệm đến tâm thanh tịnh tự nhiên liền hiểu, tự nhiên liền khai ngộ, vậy thì do đây có thể biết Thế Tôn 49 năm giảng Kinh nói Pháp vì những người nào vậy ? Chính là vì những người tín tâm không kiên định, từ bi đến tột độ.

Người thượng trí đặc biệt thông minh trí tuệ, Phật vừa nói họ liền hiểu, không cần nói lời thừa họ liền tường tận liền khai ngộ, loại người này dễ độ.

Loại thứ hai là hạ ngu, ngu thì họ không cần phải hiểu, họ cũng thành công, giảng nhiều như vậy tôi không hiểu tôi không cần nghe, tôi lão thật niệm thì tốt rồi, họ cũng thành công rồi, hai loại người này dễ độ.

Khó nhất là ở ngay khoảng giữa, người lưng chừng, không cao không thấp, cho nên Phật vì những người này giảng Kinh nói pháp 49 năm, chúng ta chính là người ở khoảng giữa này, không phải cao nhất cũng không phải thấp nhất, loại người này rất khó độ.

Thiệt thòi là phước

(Pháp ngữ của pháp sư Tịnh Không)



Trong xã hội ngày nay nếu chúng ta tỉ mỉ quan sát sẽ dễ dàng thấy được có rất nhiều tai nạn xảy ra, có nhiều bệnh hiểm nghèo hơn so với vài mươi năm trước đây. Nguyên nhân do đâu ?

Đây đều là từ trên tất cả ác nghiệp của chúng sanh mà chiêu cảm ra. Lòng người ngày càng hiểm ác bài xích tất cả các điều thiện, ưa thích tất cả các điều ác. Nghe nói đến Thập Thiện Nghiệp thì liền lắc đầu bảo khó quá làm không được. Còn đối với sát sanh, trộm cắp, dâm dục ... thì liền gật đầu ưa thích. Bạn nói xem còn có cách nào cứu vãn được đây ?

Phàm sanh ra làm người ai ai cũng đều có đủ đầy tham, sân, si, mạn, hà hiếp, dối trá. Trong mỗi ý niệm đều là mong muốn làm chủ và khống chế tất cả mọi người, mọi sự, mọi vật. Trong mọi hoàn cảnh đều muốn gây tổn hại cho người để mong có lợi cho mình, chỉ cần cho họ chút lợi ích thì liền chạy theo mà quên mất đi mọi đạo nghĩa, đây đều là quan niệm sai lầm.

Vì sao sai lầm ? Vì luôn cho rằng tổn người sẽ có lợi cho mình, nhưng nào biết tổn người chỉ có hại cho mình chứ không có lợi. Thật ra cái lợi trước mắt mà ta thấy được đó nó vô cùng nhỏ nhoi so với cái khổ phải đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh sau khi ta chết đi. Chúng ta đọc trong Kinh Địa Tạng mà biết được cái khổ trong tam đồ là vô cùng tận, như vậy thì cái lợi nhỏ nhoi trước mắt đó đâu có đủ để bù vào cái mất đi khi đọa vào trong tam đồ. Do đó, tổn người đâu có lợi cho mình.

Khi hiểu được đạo lý chân thật này rồi thì trong cuộc sống hằng ngày dẫu có phải chịu một chút khổ, một chút thiệt thòi để cho người khác được lợi thì có đáng gì đâu chứ. Cổ Đức có câu: “người chịu thiệt thòi là người có hậu phước” - tương lai nhất định được hưởng phước báo Trời-Người. Càng thù thắng hơn nữa khi ta đem những sự khổ, những sự thiệt thòi này làm động lực để trợ duyên cho ta niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc Tây Phương để làm Phật, làm Tổ, đây mới thật sự là lợi ích lớn lao và chân thật nhất.

Cũng có người nói rằng: “nay họ ức hiếp ta, họ tranh đoạt lợi ích của ta mà ta vẫn phải nhường nhịn họ, vậy có phải là ta đã quá hèn yếu rồi hay không ?” ...

Trong truyện ký về Đức Phật Thích Ca và các đại đệ tử của Phật, chúng ta thấy được Đức Phật Thích Ca năm xưa cũng đã bị Đề Bà Đạt Đa luôn tìm cách quấy phá, gây thương tổn cho Người, thậm chí có đến hai lần tìm cách lấy mạng của Phật, đến cuối cùng thì chính Đề Bà Đạt Đa phải bị đọa vào A Tỳ địa ngục trong hai Đại A-tăng-kỳ kiếp mới được ra khỏi. Đức Mục Kiền Liên được xưng tôn là Thần Thông Đệ Nhất trong hàng đại đệ tử của Phật, cũng cam tâm để cho ngoại đạo đánh chết, sau đó bầm thây Ngài ra thành nhiều mảnh vụn rồi vùi xuống dưới hầm phân. Đức Phật và Đức Mục Kiền Liên đối với những sự việc này không có nửa lời oán thán, đều là cam tâm mà chịu.

Trải qua đến nay đã gần 3000 năm, từng thế hệ từng thế hệ đệ tử đều lấy tấm gương của Phật và của Mục Kiền Liên làm ánh đuốc soi đường cho chính mình trên con đường tu hạnh nhẫn nhục. Vậy Đức Phật và Đức Mục Kiền Liên có phải là đã quá yếu hèn ?

Chúng ta phải biết rằng, chỉ có người mê hoặc điên đảo mới muốn đi tranh đoạt, đi hơn thua cùng người khác, khi bị một chút uẩn khúc thì liền không chịu nổi, bị một chút oan ức thì liền ôm hận trong lòng, niệm niệm đều tìm cơ hội để trả thù, đến cuối cùng thì chiêu cảm lấy ác báo không như ý.

Chúng ta đều biết, sân hận nhất định đọa vào địa ngục, tham lam sẽ đọa vào ngạ quỷ. Do đó, người thật sự giác ngộ sẽ không bao giờ muốn đi tranh, đi đoạt, đi hơn thua cùng người. Mà không tranh, không đoạt, không hơn thua thì sẽ không có phiền não, cuộc sống theo đó liền được tự tại an vui.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
-----------------------------------------
Pháp ngữ của pháp sư Tịnh Không

Nối nhịp cầu duyên

(Thích Tánh Tuệ)



Chỉ là hai chữ Hữu Duyên
Mà thâu sông núi mọi miền gặp nhau
Chỉ là bốn tiếng một câu
「A Di Đà Phật」từ lâu gặp rồi
Chỉ là chung bóng Phật ngồi
Nhìn nhau ánh mắt, nụ cười thiết thân

Dẫu xa vạn nẻo đường trần
Mà trong khoảnh khắc đã gần tấc gang
Gặp nhau trong ánh Đạo Vàng
Hiểu nhau trong tiếng chuông vang giữa đời
Xa gì hơn đất với trời
Gần gì hơn giữa tim người có ta

Thì cùng chắp lại tay hoa
Hướng về Từ Phụ Thích Ca nguyện thề
Sẽ dìu nhau bước trở về
Cùng vun xới Cội Bồ Đề tự tâm
Cho dù mê tối nghìn năm
Thắp trao đèn Tuệ mê lầm bước ra

Đông, Tây ... bốn biển một nhà
Trái tim in bóng hằng sa hữu tình
Thế nhân đâu có ngoài mình
Vào chùa hết thảy đệ huynh một Thầy
Nhiều chia ly, ít sum vầy
Sống chung lý tưởng từng ngày gặp nhau

Bồ Đề Tâm rất nhiệm mầu
Nguyền trân quý một nhịp cầu Giác Duyên
Chúc nhau tu học tinh chuyên
Cho cây Tuệ Giác hiện tiền nở hoa
Dầu sông núi vẫn chia xa
Lòng luôn hạnh phúc chan hòa Phật quang …

12 phép thực tập sống thương yêu

(Namo Buddhaya)

⒈ Nói năng mà không buộc tội
⒉ Nghe với tâm không thành kiến
⒊ Lắng nghe mà không ngắt lời
⒋ Trả lời chứ không “trả miếng”
⒌ Cho, không xem thường kẻ nhận
⒍ Nhận lãnh mà không vong ân
⒎ Chia sẻ mà không khoa trương
⒏ Hiểu người mà không rao bán
⒐ Thưởng thức mà không chê bai
⒑ Tha thứ rồi, không để bụng
⒒ Cầu nguyện mà không tham cầu
⒓ Thương yêu mà không dối gian …



Cách giải hạn mà không cần cúng sao

(Sưu tầm)



Trời có lúc nắng lúc mưa, người có lúc may mắn hoặc xui xẻo, nhưng không có cái gì tự dưng sinh ra hay mất đi, tất cả đều có lý do của do của nó. Theo định luật bảo toàn năng lượng, khi ta dùng một lực ném quả bóng vào tường, tường sẽ trả lại quả bóng về phía ta, do có một phản lực từ bức tường bằng với lực ném của ta. Nếu không ném quả bóng vào tường thì làm gì có quả bóng nào tự dưng bay về phía ta ?

Nếu bạn muốn “GIẢI HẠN” thì đây là bốn điều mà nếu bạn làm thì chắc chắn sẽ hiệu nghiệm mà không cần thầy bà nào cúng sao giải hạn cả. Bạn là thầy của chính bạn.

➊ ĂN NĂN

Ăn năn về tất cả những suy nghĩ, lời nói và hành động vô ý hoặc cố ý, mình biết hoặc không biết, đã làm tổn thương cho người khác hoặc loài vật. Bạn biết đấy, đụng vào điện là điện giật, bất kể bạn có biết đó là điện hay không. Cho nên “không biết vẫn có tội”. Rất may là “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”, mà cho dù có “đánh” thì cũng “nhẹ tay” khi người có lỗi biết ăn năn và hứa sẽ bù đắp. Pháp luật cũng luôn có “khoan hồng” cho những ai tự nhận lỗi trước khi bị vạch ra.

➋ BÙ ĐẮP

Khởi tâm mong muốn bù đắp cho những ai đã vì mình mà tổn thương. Sau đó, tích cực làm nhiều việc thiện và hồi hướng công đức đó cho họ và cho cả những người thân của họ. Một cốc nước mặn, bỏ thêm muối vào thì sẽ mặn hơn, nhưng đổ thêm nước vào thì sẽ nhạt dần, giải hạn cũng như vậy.

➌ THA THỨ CHO NHỮNG LỖI LẦM CỦA NGƯỜI KHÁC

Ai cũng có lỗi lầm, bạn không tha thứ lỗi lầm cho người khác mà muốn được Trời Đất tha thứ là vô lý.

➍ BIẾT ƠN

Dù gặp may mắn hay xui xẻo thì bạn phải nhớ rằng đó là NH N QUẢ của bạn, nó dành cho bạn. Người có thể nhầm lẫn nhưng Luật Trời không bao giờ nhầm lẫn. Khi may mắn, hãy biết ơn Trời Đất đã giúp cho những việc thiện mà bạn đã gieo nay thành quả ngọt. Khi xui xẻo, hãy biết ơn vì rất may là đã không tệ hơn.

Hãy cùng thức tỉnh, không sát sinh để cúng tế vớ vẩn, không lãng phí vào những việc mê tín dị đoan.