V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Tâm thức

(Đạt Lai Lạt Ma)

Tình yêu thương và lòng từ bi sẽ làm tan biến nỗi sợ hãi phát sinh từ cảm nhận cho rằng sự sống của mình chỉ là một sự áp đặt mà mình không có quyền lựa chọn. Một khi các xúc cảm tích cực ấy hiển lộ trong nội tâm mình thì sự tự tin cũng sẽ hiển hiện và mọi nỗi sợ hãi sẽ tan biến hết. Chính tâm thức mình đã tạo ra cái thế giới mà mình đang sống.

Tâm buông bỏ, đời bình an

• • •

Trước đây, muốn đi khắp nơi, trải nghiệm vô vàn thứ, giờ thì mong mình tìm được một điểm tựa yên bình giữa Trái Đất tròn nhưng nhiều góc cạnh.

Trước đây, muốn gặp thật nhiều người, nói về thật nhiều thứ, giờ thì chỉ mong gặp lại những người thân xưa cũ, nghe lại những câu chuyện cũ xưa. Nhớ đến thắt lòng những con người đã không bao giờ có mặt trên thế gian này được nữa và những câu chuyện xưa mãi mãi còn bỏ ngỏ.

Your mind - Your life

• • •

If you change your mind, you can change your life.

╰▶ Nếu thay đổi suy nghĩ, bạn có thể thay đổi cuộc đời mình.



Gửi tâm vào cái lạy

(Sưu tầm)

Hãy thực tập phương pháp lễ lạy như sau:

- Khi chắp hai tay đưa lên trán, con đồng nhất sự cung kính của con với ý.

- Khi đưa tay xuống ngang miệng và cổ họng thì con đồng nhất sự cung kính với lời nói.

- Khi đưa tay rời lĩnh vực ngôn ngữ, đi xuống ngang trái tim thì họ đồng nhất sự cung kính của con với thân.

Và khi lạy xuống là lạy với ba nghiệp thân - ngữ - ý thanh tịnh. Như vậy, hành động kính lễ ấy gom được thân, khẩu và ý trong chánh niệm, và lạy xuống trong nhận thức là trong mình có Bụt, và Bụt có trong mình. (Trích Sen Nở Trời Phương Ngoại - Ts Làng Mai)

Lạy Phật theo tác ý của một vị sư:

- Lạy thứ nhất: Thế Tôn không thể giúp cho con thoát chết, nhưng Ngài có thể giúp cho con không sợ chết.

- Lạy thứ hai: Thế Tôn có thể không cho con những gì con muốn, nhưng Thế Tôn có thể giúp cho con không muốn cái gì.

- Lạy thứ ba: Thế Tôn không thể đưa con đến tham quan vô lượng vũ trụ, nhưng Thế Tôn dạy con hiểu rằng đi đâu cũng vậy mà thôi.



Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|89|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

Rồi sẽ có một ngày, trên con đường đời dài vô tận kia, ai cũng sẽ nhận lại được điều tương tự như điều mà ngày xưa họ đã từng trao đi, oán hận, yêu thương, vô cảm …, như giọt nước, hóa thành hơi bay đi, rồi một ngày nào đó, bằng cách này hay cách khác, sẽ rơi trở lại mặt đất.

Người mang trái tim đau ê ẩm về ngồi trước Phật, mong có được sức mạnh để có thể đi qua hết những bể dâu.

Nếu thấy được những chân thành đã dốc lòng cho đi ngày trước vẫn còn ở đâu đó bên kia những bể dâu, thì những bể dâu kia đâu có sá gì.

Nếu biết được những bể dâu đang đối diện trong hiện tại là kết quả đến từ một lần chính mình đã động niệm sân si ngày trước, thì nhất định đã không có ai phải mệt mỏi oán trách nhiều đến như vậy.

Bình yên không phải tất cả mọi thứ đều bình yên, mà do chúng ta biết đem tâm bình yên ra để thu xếp mọi vấn đề.

Nên, một trong những điều khó nhất trong cuộc đời này chính là việc làm sao gom cho đủ niềm tin vào nhân quả, để có thể dốc hết bao dung trong lòng đem đổi được hai chữ “thương người”.

Người an.



Bông hồng đêm Giáng Sinh

(Sưu tầm)



Tuyết đang rơi. Bobby đang ngồi ở khoảng sân sau nhà, nó thấy lạnh hơn. Bobby không mang giày ống cao. Nó không thích, mà nó cũng chẳng có đôi nào. Chiếc áo khoác mỏng tang không đủ giữ ấm cho Bobby. Nó lạnh lắm.

Tuyết vẫn không ngừng rơi. Hơn một giờ trôi qua, nó nghĩ mãi chưa ra món quà Giáng Sinh tặng Mẹ. “Ôi, thật là chán. Giờ đây nếu có nghĩ ra mua gì thì mình cũng đâu có tiền mà mua” - nó lắc đầu, mặt buồn rười rượi.

Đã ba năm kể từ khi Bố nó qua đời, ba năm qua, cả nhà năm miệng ăn vật lộn từng ngày với cuộc sống, không phải vì Mẹ nó không quan tâm, mà chỉ vì không biết bao nhiêu mới đủ. Mẹ làm cả ca đêm ở bệnh viện, nhưng đồng lương nhỏ bé cũng chỉ đủ chống chọi qua ngày. Càng thiếu tiền và những thứ khác, cả nhà càng thương yêu và bảo bọc nhau hơn. Cùng với anh chị và một đứa em, Bobby đảm trách mọi việc nhà khi Mẹ vắng. Ba chị em gái của nó đã chuẩn bị những món quà Giáng Sinh rất dễ thương cho Mẹ rồi. Còn Bobby thì vẫn tay trắng, dù bây giờ đã là đêm Giáng Sinh.

Lau vội dòng nước mắt, nó đá chân vào tuyết và đi xuống phố, nơi các cửa hiệu đang lấp lánh ánh đèn màu và nhộn nhịp tiếng nhạc Giáng Sinh. Một đứa bé sáu tuổi, mồ côi cha, sao giờ đây nó thấy rất cần một người đàn ông để chuyện trò. Nhưng sao khó quá.

Bobby đi dọc theo các cửa hiệu, nhìn đăm đắm vào những tủ kính được trang trí thật lộng lẫy. Mọi thứ sao mà đẹp đến thế, mà cũng xa tầm tay nó đến thế. Trời tối dần. Bobby đành phải quay về nhà. Bỗng mắt nó bắt gặp một tia sáng nhỏ từ phía chân tường. Nó cúi xuống và phát hiện ra đó là một đồng tiền sáng chói. Giây phút đó, Bobby như thấy mình là kẻ giàu có hạnh phúc nhất thế gian. Một làn hơi ấm chạy dọc cơ thể. Nó chạy nhanh về phía cửa hiệu đầu tiên nó nhìn thấy. Nhưng rồi lòng phấn khích bỗng tan thành mây khói khi người chủ hiệu bảo rằng nó sẽ chẳng mua được thứ gì với đồng tiền này.

Nó trông thấy một hàng hoa và quyết định bước vào trong chờ tới lượt mình. “Gì vậy cháu ?” - người bán hoa hỏi. Bobby chìa đồng xu ra và nói rằng liệu nó có thể mua một bông hoa làm quà Giáng Sinh cho Mẹ không. Người bán hoa nhìn vào đồng 10 xu. Đặt tay lên vai thằng bé, ông trả lời: “hãy đợi ở đây, để chú xem chú có thể giúp cháu được gì nhé !”.

Đứng đợi, Bobby nhìn những bông hoa đầy màu sắc xung quanh. Dù là một cậu bé nhưng nó có thể tưởng tượng được rằng Mẹ và các chị em gái nó yêu những bông hoa như thế nào.

Tiếng cánh cửa đóng lại của người khách cuối cùng đưa Bobby trở về với hiện tại. Chỉ còn một mình trong cửa hiệu, nó cảm thấy cô đơn và hơi chút lo sợ. Bỗng người bán hoa xuất hiện, đi tới quầy, ông lấy lên mười hai bông hồng đỏ thắm, với những cành lá xanh điểm xuyến những chấm hoa trắng li ti, được bó lại với một chiếc nơ bạc thật xinh. Tim Bobby như lặng đi khi người chủ hiệu đặt bó hoa vào một chiếc hộp màu trắng trong.

“Đây, của cháu đây, tất cả là 10 xu” - ông nói rồi chìa tay ra. Bobby đưa đồng xu một cách rụt rè. Ôi, không biết mình có nằm mơ không đây ? Ai lại bán cả một bó hoa tuyệt đẹp thế kia với chỉ 10 xu cơ chứ. Dường như cảm nhận được vẻ lưỡng lự của thằng bé, người chủ hàng hoa nói: “chú đang bán giảm giá mười hai bông 10 xu, cháu có thích chúng không nào ?”.

Nghe vậy, Bobby không còn ngần ngại nữa. Khi chạm tay vào chiếc hộp dài xinh xắn, nó mới tin rằng đó là sự thật. Bước ra khỏi hàng hoa, nó còn nghe giọng người bán hoa gọi với theo: “Giáng Sinh vui vẻ nhé, con trai !”.

Người bán hoa quay vào, cùng lúc vợ ông đi ra. “Chuyện gì vậy anh?” …

Nhìn ra ngoài cửa sổ, cố ngăn dòng nước mắt, ông nói: “một điều kỳ lạ vừa mới xảy ra sáng nay, em biết không, trong lúc anh sửa soạn mở hàng, anh nghe một giọng nói bảo rằng hãy dành ra một tá hoa hồng để làm một món quà đặc biệt, rồi mải mê với công việc anh cũng không nhớ tới nó lắm, nhưng vừa rồi không biết sao anh lại để mười hai bông hoa sang một bên, chỉ một vài phút sau, một thằng bé bước vào và hỏi mua một bông hoa tặng Mẹ chỉ với một đồng 10 xu”. Anh bỗng nhớ lại …

“Đã lâu lắm, khi ấy anh là một cậu bé rất nghèo, không có lấy một đồng mua quà Giáng Sinh cho Mẹ. Đêm Giáng Sinh năm ấy, khi đang lang thang một mình trên đường, anh gặp một người đàn ông xa lạ, ông ấy ngỏ lời cho anh 10 đô la. Đêm nay, khi gặp thằng bé, anh đã biết giọng nói ban sáng là của ai. Và anh đã để lại mười hai bông hoa đẹp nhất”.

Hai vợ chồng ôm nhau thật lâu. Rồi họ bước ra khỏi nhà trong cái giá rét đêm Giáng Sinh. Trời lạnh lắm, nhưng trong lòng họ ấm áp hơn bao giờ hết.

Sống hạnh phúc với Tâm Từ

(Sưu tầm)



Đã làm người thì phải có cuộc sống, ăn, ngủ, làm việc,... nhưng làm sao để cuộc sống của mình an lạc, hạnh phúc ? Đó là mục đích mà nhiều người hướng đến.

Chúng ta không thể nói an lạc thì thân sẽ an lạc, chúng ta không thể nói tâm hạnh phúc thì tâm sẽ hạnh phúc, mà phải hiểu biết thực hành con đường hạnh phúc.

Chúng ta chưa thật tâm sống với lòng từ, đó là một trong những nguyên do mà chúng ta thấy tâm mình ít khi vui vẻ, hạnh phúc.

Lòng từ, tâm từ, là suy nghĩ thương yêu đến hạnh phúc của tất cả chúng sinh và các loài hữu tình. Hiểu diệu pháp tâm từ đã khó, ứng dụng diệu pháp này vào thực tế càng khó hơn, chúng ta phải biết thật kĩ càng.

Ví dụ, mình đi làm từ thiện với lòng từ, nhưng gặp những điều chướng tai, gai con mắt trong việc làm từ thiện, liệu mình có giữ được lòng từ hay không ?

Tâm từ có các tính chất:

- Đối trị tâm sân của chúng ta.

- Che chở (bảo hộ) người khác, che chở (bảo hộ) chính mình.

Khi chúng ta gặp các điều chướng tai, gai con mắt, tâm khó chịu, tâm sân thường sinh khởi, chính lúc này lấy tâm từ đối trị.

Khi mình biết thương yêu đến hạnh phúc người khác thì đó là sự che chở cho người khác, đồng thời cũng che chở cho bản thân.

Để tâm của mình hạnh phúc giữa đời thường, không gì hơn hãy thực hành lòng từ đối với những người chung quanh hằng ngày ta có dịp tiếp xúc đối diện, dần dần mở rộng suy nghĩ thương yêu và quan tâm nâng đỡ đến hạnh phúc muôn loài.

Xin đảnh lễ, tán thán bài Kinh Pháp Cú sau:

“Vui thay, chúng ta sống
Không hận, giữa hận thù
Giữa những người thù hận
Ta sống, không hận thù”

Chúng ta nghe lời Phật dạy và nhắc mình cố gắng hành theo, thì tâm mình dần dần sẽ hạnh phúc. Đức Phật không ban cho mình hạnh phúc nhưng Ngài dạy ta biết cách chế tác hạnh phúc cho đời mình. Hạnh phúc do chính mình tạo nên thì bao giờ ta cũng cảm thấy ý nghĩa và trân trọng nó.

Hãy chăm sóc cơn giận của mình

(Thích Nhất Hạnh)

Nếu một cái nhà đang cháy thì việc trước nhất phải làm là chữa cháy căn nhà chứ không phải chạy theo đuổi bắt người đốt nhà. Nếu chỉ lo chạy theo người mà ta nghi là đã đốt nhà thì căn nhà sẽ cháy rụi trong khi ta chạy theo đuổi bắt người kia. Như thế là không khôn ngoan. Phải trở về dập tắt lửa trước đã.

Cũng như khi ta giận, khi một ai đó làm ta giận, ta phải trở về với thân tâm và chăm sóc cơn giận của mình. Không nên nói gì hết. Không nên làm gì hết. Khi đang giận mà nói năng hay hành động thì chỉ gây thêm đổ vỡ mà thôi.



Sống đơn giản bao nhiêu thì lòng sẽ hạnh phúc thanh thản bấy nhiêu

(Sưu tầm)

Con người đến một tuổi đời nhất định mới nhận ra rằng thế giới là của mình, thật yên bình và thuần phác. Suy nghĩ đơn giản một chút, lòng sẽ thanh thản, tự tại. Tâm tư đơn giản một chút, cuộc sống sẽ không còn phức tạp.

Trên con đường của cuộc đời mỗi con người, nếu học biết được giản đơn, có thể khiến chúng ta vui vẻ mà cất bước. Vì trong đời người đặc sắc này, chúng ta chính là cần buông bỏ gánh nặng, cho ánh sáng và niềm vui vào trong hành trang, chọn lấy những điều đẹp đẽ, tích cóp hy vọng làm phong phú hành trình của mình.

Có ba cảnh giới trong đời người, trước tiên là nhìn xa, nhìn xa mới có thể thâu hết cảnh vật trong tầm mắt; tiếp đó là nhìn thấu, nhìn thấu mới có thể nhìn rõ mồn một bản chất của sự vật; sau cùng là xem nhẹ, chỉ khi xem nhẹ lòng ta mới có thể vui vẻ nhẹ nhàng.

Cuộc sống này giống như một ống kính vạn hoa, chua ngọt đắng cay đều thâu gom cả vào trong đó. Đời người, nói đến cùng rốt cuộc vẫn là sống sao được vui vẻ. Người đa dục mệt mỏi, người vô dục thanh nhàn. Lòng xem nhẹ rồi, hạnh phúc mới sẽ nhiều hơn. Chỉ có nhìn xa mới có thể nhìn thấu được, và khi ta đã nhìn thấu được rồi, ta mới có thể xem nhẹ.

Rất nhiều lúc, đồng cảm không phải là bởi nói toạc ra, không phải là bởi xúc cảm mãnh liệt, càng không phải là bởi làm ra điệu bộ, mà là đến từ bình thản ai cũng không thể nói rõ được.

Con người sống ở đời vốn không hề dễ dàng gì. Mỗi một người, đều là đến trong tiếng khóc của bản thân, rời đi trong thống khổ. Mỗi một người, đến trong tiếng cười của người thân, và trong tiếng khóc của người thân mà rời đi. Đời người buồn nhiều hơn vui, mọi người hà tất phải làm khó bản thân trong suốt chặng đường của sinh mệnh ?

Con đường, là ở dưới chân của mỗi người. Nếu lấy tâm thái tích cực, khỏe mạnh, bền bỉ, vui vẻ bước trên con đường nhân sinh, thì mỗi một con đường đều sẽ liên thông đến vui vẻ và hạnh phúc. Còn nếu lấy tâm thái tiêu cực, chán nản, hèn nhát, bi quan cất bước trên đường đời, thì mỗi con đường đều liên thông đến thống khổ và u sầu. Nếu “thế giới thần tiên” thật sự có đi chăng nữa, nhưng nếu chỉ dựa vào ảo tưởng cũng khó lòng bước vào được. Người xưa nói: “người có cảnh giới thì tự mình sẽ hình thành nhân cách cao thượng”, cảnh giới cao nhất của đời người, kỳ thực chính là thuần chân tự nhiên, giản giản đơn đơn.

Thật vậy, hạnh phúc là một loại cảm nhận, chỉ là, không phải mọi cảm nhận đều hạnh phúc. Đời người, rốt cuộc vẫn là một lần sống trên thế gian. Người xem nặng thì lòng đau khổ nặng nề, người xem nhẹ thì lòng tự tại ung dung, người chấp trước quá dễ bị mê mờ, người nhìn thấu tỏ thì sáng suốt. Chỉ với một ấm chè nhạt, một tập sách hay, một khúc nhạc du dương nhẹ nhàng, để tâm lặng lẽ nhìn ngắm hoa nở hoa tàn, ngẩng đầu nhìn gió mây chuyển sắc, cũng vẫn có thể xem là một loại tự tại thanh thản bình yên.

- Đời người cũng giống như ngọn nến được thắp sáng, nó có huy hoàng của ngọn lửa toát ra, cũng có bi ai của sự lụi tàn.

- Đời người cũng giống như một đóa hoa tươi rực rỡ, nó có vẻ đẹp khiến người ta trầm trồ tán thưởng, cũng có dần dần rụng đi không thể đổi khác được.

- Đời người giống như một cơn bão, có khí thế rợp trời dậy đất, cũng có khung cảnh bình yên sau khi mưa tạnh mây tan.

- Đời người giống như một đầm nước, bạn dụng tâm yêu mến, cố gắng nâng niu trân trọng, thì nó chính là một đầm nước trong, còn nếu bạn ra sức khuấy đảo, không đối tốt với nó, thì nó sẽ là một đầm nước đục ngầu.

Thế nên, đời người chỉ cần cho đi sự cố gắng, thuận theo tự nhiên, chính là sẽ không lưu lại quá nhiều những điều khiến ta phải ân hận tiếc nuối.

Cuộc sống không cần phải bố trí quá vẹn toàn, đời người không cần phải trù tính quá kỹ lưỡng. Không kể làm gì, cũng nên chừa lại chút không gian cho bản thân. Lòng người đơn giản, vậy nên ít phiền não. Cuộc sống giản đơn, bởi vậy nhiều hạnh phúc. Hết thảy của hết thảy, đạt được không mừng rỡ hân hoan, mất đi không ủ dột sầu não, giữa được và mất ta hãy cứ điềm tĩnh ung dung. “Người có lúc buồn, vui, tan, hợp. Trăng có đêm tối, sáng, tròn, khuyết. Việc này xưa nay khó bề trọn vẹn” - (Tô Đông Pha).

Đời người há không phải như vậy hay sao ? Mỗi người đều có một mặt tốt đẹp nhất, cũng có phiền não và những điều không như ý đi kèm. Nếu thời gian một đi không trở lại, thế thì, chúng ta trong cõi hồng trần cuồn cuộn này, quan trọng nhất chính là biết trân quý, nắm chắc ngày hôm nay.

Trên hành trình cuộc đời, mọi khó khăn đều chính là món quà ông trời dành tặng bạn, nó khiến bạn trở nên kiên cường mạnh mẽ; mọi trắc trở đều sẽ khiến bạn “ngã một lần, khôn hơn một chút”, khiến bạn trưởng thành hơn. Không trải qua mưa gió, sao có thể thấy được cầu vồng. Không nếm qua trăm vị của đời người, sao có thể hiểu được ý nghĩa thật sự của nhân sinh đây ?

Sống ở đời, lòng đơn giản, thì giảm thiểu phiền não, tăng thêm niềm vui; lòng giản đơn, chính là sẽ giảm bớt u sầu, tăng thêm hạnh phúc. Học được giản đơn, mọi thứ đều trở nên giản đơn; học biết giản đơn, thì bạn chính là không đơn giản nữa.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|88|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Người nào thân làm việc thiện, miệng nói lời thiện, ý suy nghĩ thiện, thì mới thực sự là người biết tự thương và tự bảo vệ mình”.

Có kẻ mỗi sáng thức dậy luôn hứa, sẽ đổi thay, sẽ thương mình hơn hôm qua, nhưng khi hết ngày, nhìn lại, thấy vẫn chưa làm được việc gì để thương mình cả. Vẫn nghĩ những điều, vẫn nói những lời, vẫn làm những việc để mình phải buồn nhiều và mệt mỏi như hôm qua.

Không ai có thể tựa vào một suy nghĩ không tích cực để đứng vững trong những ngày tối tăm. Không ai có thể đem một lời nói ác để bảo vệ mình giữa miệng lưỡi thế gian. Cũng không ai có thể dùng một hành động ác để thương lấy ngày mai của mình.

Khi chưa biết thương bản thân, chúng ta vẫn còn theo đuổi những thứ không đáng, và chọn cho mình một điểm tựa sai, rồi một ngày điểm tựa đó lại đổ xuống đè nặng lòng mình.

Trên con đường đi về phía trước không bao giờ thiếu những khó khăn, và trong những ngày trưởng thành không bao giờ thiếu những nỗi đau. Người đã thương mình bằng cách nào ? Người đã bảo vệ mình ra sao ?

Có kẻ tựa vào tài sản, có người tựa vào quyền lực … Khi trong tay có nhiều tài sản nhưng không lương thiện, khi trong tay có đầy quyền lực nhưng không lương thiện, tài sản và quyền lực lúc đó chẳng khác gì thanh kiếm bén trong tay một kẻ ác, không hại người thì cũng hại mình.

Xưa nay, có lẽ ai cũng thấy, chiếc bóng của quyền lực chưa bao giờ cho người ta nương náu được lâu, nhất là khi bên trong đó không có được sự lương thiện.

Khi không lương thiện, thương kiểu gì cũng buồn, tựa vào đâu cũng đổ.

Khi không lương thiện, khi không tử tế, những ngày buồn phía trước sẽ còn dài lắm.

Người ngủ an ...



Ván cờ cuộc đời

(Sưu tầm)

Này con, hãy nhớ rằng cơn mưa của ngày hôm qua không thể làm ướt chiếc áo của ngày hôm nay, cái nắng của ngày hôm qua càng không thể làm khô chiếc áo của ngày hôm nay …

Cuộc đời mỗi người như một ván cờ, thắng thua đều phải kết thúc. Hãy sống như chơi một ván cờ đẹp nhất, rồi sau này con sẽ hiểu, những tháng ngày vinh quang nhất cũng không thể sánh được với những ngày tháng bình yên nhất.



D.P.A (96)

(Trích Phật Bà Chùa Hương)

Chân Như đạo Phật rất mầu
Tâm trung chữ Hiếu, niệm đầu chữ Nhân

Lo lắng

(Dalai Lama)

Nếu một khó khăn có thể sửa chữa được, nếu một tình huống mà bạn có thể làm cái gì đó cho nó, thì không cần thiết để lo lắng. (Nhưng) - nếu nó không còn sửa chữa được, thì cũng không lợi chi trong việc lo lắng.



Ngày xưa và bây chừ

(Thích Tánh Tuệ)



- Ngày xưa, tưởng đóng đinh thì đóng đinh, không thích thì có thể nhổ, bây chừ cảm nhận được đinh có thể nhổ nhưng vết sâu vẫn còn. Ôi “lời nói không là dao, sao cắt lòng đau nhói” !

- Ngày xưa, rất sợ phải chết, bây chừ mới biết, sống máy móc, hành xử thiếu cái Tâm, còn đáng sợ hơn cái chết rất nhiều.

- Ngày xưa, tưởng sự sống và cái chết ở cách xa nhau lắm, bây chừ thấy rõ, biên giới giữa sống chết, chỉ cách nhau một lằn chỉ mong manh.

- Ngày xưa, cứ mơ ước lớn lên rồi sẽ trở thành người này người kia, bây chừ mới biết “được trở thành chính mình mới là điều hạnh phúc nhất trên đời” …

- Ngày xưa, tưởng thành thật là điều tốt, bây chừ mới biết sống thành thật với mình thôi cũng là điều khó khăn biết bao.

- Ngày xưa, vẫn nghĩ rằng tình yêu là mãi mãi, tình yêu là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời, bây chừ thì biết yêu đến đó rồi đi đó, như mưa bóng mây, hay dù có như chớp bể mưa nguồn thì cũng vậy, có đó rồi mất đó.

- Ngày xưa, tưởng hạnh phúc là điều gì đó xa xôi lắm, bây chừ mới biết hạnh phúc chỉ đơn giản là những thứ bình dị xung quanh ta, có chăng là mình đã không nhận thấy.

- Ngày xưa, tưởng thành người lớn là lớn, bây chừ đã thấy có nhiều người lớn mà vẫn chưa thật sự trưởng thành, người đời thường bông đùa đó là trẻ nhỏ sống ... lâu năm.

● Đời người sẽ trải qua ba lần trưởng thành. Llần đầu tiên là khi biết rõ có một số chuyện rõ ràng là sẽ không có kết quả, nhưng vẫn bất chấp tất cả để theo đuổi. Kết quả, đã làm con người ta trưởng thành. Lần thứ hai là khi phát hiện ra mình không phải trung tâm của thế giới. Và lần thứ ba là khi nhận ra có một số việc, dù ta có cố gắng như thế nào vẫn không thể thay đổi được. Từ đó mà ... nhỏ được vài ý thơ:

Đừng ước mơ thay đổi
Cả thế giới quanh mình
Hạnh phúc cười với bạn
Khi thay đổi cách nhìn

Mười nguyên tắc sống của Đức Dalai Lama

(Sưu tầm)



“Tín ngưỡng của tôi rất đơn giản, tín ngưỡng của tôi là lòng tốt.” – Dalai Lama

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, vị lãnh đạo về tôn giáo và chính trị của nhân dân Tây Tạng, Ngài được phong tước vị vào 1940 tại Lhasa, thủ đô của Tây Tạng. Cho đến cuối thập niên 50, tình hình căng thẳng giữa Tây Tạng và Trung Quốc ngày càng gay gắt, mặc dù đã đến Bắc Kinh để thương thuyết hòa bình nhưng không nhận được kết quả, nhiều cuộc biểu tình khắp các tỉnh ở Tây Tạng nổ ra đã bị quân đội Trung Quốc đàn áp quyết liệt.

Năm 1959, Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng 80.000 dân Tây Tạng phải vượt dãy Himalaya, lưu vong sang miền Bắc Ấn Độ và tiếp tục đấu tranh cho sự độc lập của Tây Tạng. Ngài là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, được xem là một trong những thánh nhân của thế kỷ XX. Sau đây là nguyên tắc để cuộc sống trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

➊ Chúng ta luôn có những giai đoạn trong cuộc sống mà phải đối mặt với nhiều cuộc tranh chấp, mâu thuẫn với nhiều người, cha mẹ, người mình thương, vợ chồng hay anh em, bạn bè, ...Tốt hơn hết là chúng ta nên cẩn thận trong hành động lẫn lời nói khi bản thân đang tức giận và không để cái tôi thắng thế. Những lời nói của ta lúc tức giận có thể là những lời gây tổn thương và để lại những vết đen trong mối quan hệ đó mãi về sau.

➋ Ba mươi phút đến một giờ, một mình mỗi ngày là khoảng thời gian tuyệt vời để tĩnh tâm. Dành một ít thời gian cho bản thân mỗi ngày, chúng ta có thể ngồi uống trà, đi dạo một tí hoặc ngâm mình thư giãn trong bồn nước ấm để tự suy nghĩ và trò chuyện với bản thân. Dù không nhiều nhưng đủ để chúng ta làm trơn tru luồng suy nghĩ của mình và trở nên minh mẫn sáng suốt hơn.

➌ Hầu hết chúng ta có xu hướng mang những chuyện quá khứ của người khác vào trong quá trình bất đồng mâu thuẫn với người đó, để có thể chiếm ưu thế hơn. Hãy dừng việc đó lại ngay lập tức. Hãy đàm phán để tìm giải pháp cho vấn đề hiện tại với đối phương, những gì xảy ra trong quá khứ sẽ và nên ở lại trong quá khứ.

➍ Trên con đường đi đến sự thành công của bản thân, chúng ta phải hy sinh khá nhiều thứ của bản thân, chúng ta thức khuya dậy sớm, chúng ta từ bỏ những bữa tiệc cuối tuần, chúng ta làm việc chăm chỉ không còn thời gian cho gia đình và bạn bè, đôi khi thất bại lại không nhận được sự cảm thông. Tuy nhiên, mấu chốt nằm ở chỗ chúng ta quyết định đi tiếp hay dừng lại.

➎ Mắc phải lỗi lầm là một điều hết sức tự nhiên của con người, và đó là cách mà chúng ta học, con người học từ những lần vấp ngã. Nên một điều hết sức quan trọng là mỗi khi vấp ngã, chúng ta có hiểu được vì sao mình vấp ngã để lần sau ta có thể đi vững hơn, đó gọi là bài học. Chúng ta thấy nhiều người hoặc chính bản thân mình bị một sai lầm và lặp đi lặp lại, hãy bình tâm, mọi thứ trên cuộc đời đến với chúng ta đều mang một ý nghĩa gì đó, hãy nhìn nhận và lắng nghe nó.


- Respect for yourself: tôn trọng bản thân

- Respect for others: tôn trọng mọi người

- Responsibility for all your actions: trách nhiệm trong từng hành động của bản thân

3R là một trong những quy tắc quan trọng nhất chúng ta nên theo đuổi để có một cuộc sống an lạc.

➐ Rất nhiều bài học và trải nghiệm cuộc sống chúng ta chỉ có thể nhận ra khi đi du lịch, rất nhiều nền văn hóa, thế giới rộng mở mà chúng ta chưa từng biết đến. Mỗi năm một lần, hãy lên kế hoạch cho những nơi bạn muốn đến và lần lượt chinh phục chúng.

➑ Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói: “tôn giáo của tôi rất đơn giản, không cần nhiều chùa chiền hay đền thờ, tâm trí và trái tim của chúng ta là những ngôi đền, triết lý của chúng ta là lòng tốt”. Không quá khó để sống tốt và đối xử tốt với mọi người, trên thực tế, đó là một việc dễ dàng thực hiện mà không tốn kém, chúng không những đem lại cho người khác sự hạnh phúc và họ sẽ nhớ về ta, mà còn khiến ta cảm thấy bình thản trong tâm hồn.

➒ Những hành động hay lời nói làm hại hay tổn thương người khác sẽ không mang lại gì cho chúng ta ngoài sự toại nguyện nhất thời và sau đó là sự giằng xé và ám ảnh. Những lời nói dối, buôn dưa lê, bắt nạt, đả thương,... đều sẽ gây nghiệp lớn mà chúng ta sẽ sớm gặt quả báo sau này. Nhân quả là có thật.

➓ Âm thanh của sự im lặng chính là âm nhạc với đôi tai của Ngài và cũng nên là âm nhạc với đôi tai của chúng ta. Đôi khi chúng ta nhận ra thật tốt khi giữ im lặng và không nói thêm bất cứ lời nào. Hoặc đôi khi chúng ta rất muốn nói cho ai đó rằng chúng ta nghĩ như thế nào về họ, tốt nhất vẫn nên giữ im lặng.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|87|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

Giữa muôn nghìn lời tổn thương nhau, có một lời nói đủ sức dựng lại niềm tin đã đổ vỡ từ rất lâu trong lòng là có thật.

Có những lời nói như ngọn nến, bé nhỏ thôi, nhưng cũng đủ mang ánh sáng và hơi ấm lấp đầy trái tim đã bị tổn thương và hoang lạnh từ rất lâu.

Ai cũng có cho mình một câu nói, từ một ai đó, ấm như ngọn nến, cất cẩn thận trong lòng như báu vật, mang theo đến cả đời, những lúc bất an lại đem ra, ngắm nhìn, mỉm cười rồi bình yên.

Giữa cuộc sống đông đúc này, đâu đó vẫn có những con người bình thản và vững chãi như cây đứng trên vách núi đá, để níu vào, không bị rơi xuống vực sâu lòng người đầy toan tính.

Cũng là con người. Cũng là lòng người. Cũng là lời nói … nhưng đôi khi là điểm tựa, nhiều khi là vực sâu.

Người ngày mới an.



Tịnh độ

(Sưu tầm)



❶ Có người hỏi tôi rằng: “người ăn mặn niệm danh hiệu Phật A-di-đà cầu sanh Tịnh Độ có được không ?”. Tôi nói được. Vì sao ?

Vì người ăn mặn mà biết niệm Phật để cầu sanh Tịnh Độ, còn có phước đức hơn những người ăn mặn mà không biết niệm Phật và không biết cầu sanh Tịnh Độ. Và người ăn mặn biết niệm Phật A-di-đà để cầu sanh Tịnh Độ có phước đức hơn người ăn chay mà không biết niệm Phật, nhưng người ăn mặn mà niệm danh hiệu Phật A-di-đà cầu sanh Tịnh Độ không có hiệu quả bằng người phát bồ đề tâm, ăn chay niệm Phật để cầu sanh Tịnh Độ. Tại sao ? Vì người phát bồ đề tâm, ăn chay niệm Phật để cầu sanh Tịnh Độ, tâm và khẩu của họ đồng nhất, thiện duyên đầy đủ, khiến họ được vãng sanh Tịnh Độ dễ dàng.

❷ Có người hỏi tôi: “niệm Phật A Di Đà” liên hệ đến Giới - Định - Tuệ như thế nào ? Tôi nói: liên hệ rất chặt chẽ.

Chuyên tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà, khiến Ý không còn nghĩ đến điều ác, ấy là giới. Ý không nghĩ đến điều ác, nên miệng không nói lời ác, ấy là giới. Ý không nghĩ điều ác, nên thân không làm điều ác, ấy là giới và là tâm giới.

Giới là ngăn ngừa điều ác của thân và tâm, niệm Phật A Di Đà, khiến Ý không còn nghĩ đến điều ác, miệng không còn điều kiện để nói lời xấu ác, và thân không còn điều kiện để làm các điều xấu ác. Do đó, niệm Phật A Di Đà là giới và trì giới.

Chuyên tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà, khiến tâm an trú vào một điểm, phiền não lắng xuống và tâm bất loạn, ấy là định. Định ấy có khả năng sanh giới mà thuật ngữ Luận Tạng gọi là Tịnh Lự Sanh Luật Nghi hay Định Sanh Luật Nghi. Nghĩa là giới hay luật nghi sanh khởi từ.

Thiền định, để phòng hộ điều ác xảy ra từ nơi tâm ý và nơi hành động của thân, ngữ. Nên, trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà đến nhất tâm, không những sanh ra giới (śīla) mà còn sinh ra định (samādhi), và không những sinh ra định mà còn sinh ra giới. Không những sinh ra giới, định, mà còn sinh ra tuệ (Prajñā). Từ định mà sinh tuệ, thuật ngữ Luận Tạng gọi là Đạo Sinh Luật Nghi. Nghĩa là do tâm ở vào trạng thái thiền định thuần nhất, các phiền não bị nhiếp phục và đoạn tận, khiến con đường đi vào giải thoát phát sinh và có năng lực phòng hộ các ác pháp, khiến chúng bị chuyển hóa và không thể khởi lên nơi tâm, ấy gọi là Đạo Sinh Luật Nghi.

Nên, niệm Phật càng chuyên nhất, tâm càng đi sâu vào định, và định đến chỗ tột cùng thì tuệ phát sinh và nhập vào Thánh Đạo Vô Lậu hay Phật Đạo.

Tuệ phát sinh, thì thấy rõ tự tánh thanh tịnh nơi tâm mình, và tự tánh thanh tịnh nơi tâm Phật A Di Đà không hai, không khác. Thấy rõ tha phương Tịnh Độ với tự tâm Tịnh Độ là tương tức, tương nhập.

Không chứng nhập được tự tâm Tịnh Độ, thì không thể chứng nhập được tha phương Tịnh Độ. Và không tin vào tha phương Tịnh Độ, thì không có điều kiện để chứng nhập tự tâm Tịnh Độ. Trong tha phương Tịnh Độ có tự tâm Tịnh Độ và trong tự tâm Tịnh Độ có tha phương Tịnh Độ. Nên, tự tâm Tịnh Độ và tha phương Tịnh Độ, tuy hai mà không phải hai, tuy một mà không phải một.

Và do có tuệ, nên thấy Tịnh Độ Phật A Di Đà và Tịnh Độ của Chư Phật mười phương đều cùng một bản thể thanh tịnh, dung thông vô ngại, có khác chăng là do từ nơi bản nguyện hay phương tiện thiết lập Tịnh Độ của các Ngài.

Có bao giờ em hỏi

(Thơ Mặc Giang)

Khi nhìn lên đầu Cha
Có bao giờ em hỏi
Sao tóc Cha trắng hếu
Khi nhìn vào mắt Mẹ
Có bao giờ em hỏi
Sao mắt Mẹ quá sâu
Qua bao sông, em biết mấy cây cầu
Qua bao đường, em biết bao ngõ ngách
Khi nhìn vầng trán Cha
Em hình dung đỉnh núi
Khi ôm vòng tay Mẹ
Em mường tượng biển khơi
Cõi trần ai đập giũa cả một đời
Triều sóng bạc và núi rừng sương trắng

Khi sờ đôi chân Cha
Em thấy gì chai cứng
Khi sờ hai má Mẹ
Em thấy gì nhăn nheo
Chốn ba sinh, bao đồi thẳm dốc đèo
Cát đá còn xát xây, huống gì thân thể
Một đời Cha như thế
Một đời Mẹ như thế
Để làm gì, em có biết không em
Công Cha, ngàn đời, không thể quên
Nghĩa Mẹ, ngàn đời, luôn ghi nhớ
Chữ Hiếu kia, em không làm sao trả nổi
Chữ Ân kia, em không làm sao đáp đền
Cân tiểu ly, cũng không thể lượng phân

Xin nhắc em, một đôi lời, em nhé
Ngồi bên Cha, em ân cần khẽ nói
Cha có biết rằng, con thương Cha lắm không
Ngồi bên Mẹ, em mân mê, khẽ hỏi
Mẹ có biết rằng, con thương Mẹ lắm không
Không những nói “Công Cha như núi Thái Sơn”
Mà em nói, công Cha hơn muôn ngàn đỉnh núi
Không những nói “Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Mà em nói, nghĩa Mẹ hơn muôn ngàn sông nước bao la
Bài hát nào, cũng kết thúc câu ca
Bài Cha Mẹ, vẫn còn vang mãi mãi



Đời người trong một câu chữ

(Sưu tầm)

Ngày xửa, ngày xưa, có một ông vua, như bao nhiêu vì vua khác trong truyện cổ tích, đức vua của chúng ta làm chủ một giang sơn gấm vóc, có một đám đông đình thần giỏi giang và hằng hà sa số thần dân gương mẫu. Điều đáng nói là đức vua rất sáng suốt, nhìn xa thấy rộng, đáng làm gương cho hết thảy các ông vua khác noi theo, người ta có thể chứng minh điều đó bằng một sắc luật của đức vua khi mới bước lên ngôi cữu ngũ: “cho sưu tầm hết tất cả sách vở có trong trời đất, tập trung về hoàng cung cho đức vua tham học”.

Hàng trăm quan lớn, hàng nghìn quan nhỏ, cùng hàng vạn dân phu khuân vác đã làm việc cật lực suốt mười năm dài mới tải hết được sổ sách của nhân loại về kinh đô. Đứng trước một trăm gian phòng chứa đầy nhóc các thủ bản viết tay, đức vua gãi đầu, ra lệnh cho quan tể tướng phải cấp tốc thiết lập một ban quản thủ thư viện, kiêm nhiệm việc phân loại, tóm tắt các văn kiện rồi hãy đem đệ trình cho mắt rồng ngự lãm.

Ban quản thủ thư viện lại làm việc ráo riết bất kể ngày đêm để đạt yêu cầu của đức hoàng thượng. Và sau mười năm dài không ngơi nghỉ, họ mới tóm tắt thâu gọn cái thư viện đồ sộ từ một trăm gian phòng xuống còn một gian duy nhất, rồi hân hoan đệ trình lên đức vua của họ. Đứng trước những tủ sách gọn gàng, ngăn nắp, trình bày vô cùng mỹ thuật ấy, đức vua vô cùng cảm động.

Sau khi nhìn tới nhìn lui … đức vua lại truyền lệnh: “phải tóm tắt nữa, thu gọn nữa … làm sao để trẫm có thể đọc hết tất cả các tinh hoa của nhân loại, thông thái hết những ý kiến khôn ngoan … chỉ trong khoảng mười cuốn sách mà thôi … các khanh đã làm việc thật hoàn hảo, nhưng trẫm không có thì giờ … các khanh hiểu chứ !”.

Dĩ nhiên là ban quản thủ thư viện vâng vâng dạ dạ lia lịa và lại đốt nến bắt tay vào công việc mới. Mười năm dài trôi qua, toàn thể sách vở đã được cô đọng lại trong mười quyển dày cộm, đóng bìa da, gáy mạ vàng, đầy chi chít những chữ. Lần này, đức vua không tiếc lời khen ngợi đám đình thần mẫn cán, bốc vàng bạc ban thưởng cho họ từng nắm lớn, rồi dõng dạc ra lệnh: “hãy tóm tắt thêm nữa … hãy làm cách nào để chúng chỉ còn vỏn vẹn có một quyển thôi, cho trẫm gối đầu giường mỗi khi rỗi rảnh, các khanh hiểu ý trẫm chứ ?”.

Đám đình thần lại tranh nhau tung hô và gật đầu lia lịa. Lại mười năm dài trôi qua. Quyển sách được hoàn thành thể theo lời yêu cầu của người cần đọc. Quan tể tướng long trọng đặt nó lên một cái mâm bằng vàng, phủ nhiễu đỏ, cung kính nâng lên ngang mày, dâng lên đức vua của họ, bây giờ đang hấp hối trên long sàng. Đức vua nhìn quyển sách, rơi lệ, thều thào nói: “muộn mất rồi, các khanh hãy tóm tắt đại ý của quyển sách, trong chỉ một câu thôi, để trẫm được nghe một lần sau cuối”.

Một cuộc đại hội được khẩn cấp triệu tập. Ban quản thủ thư viện lại làm việc ròng rã suốt ba ngày đêm … Sau cùng, quan tể tướng vội vã đến quỳ mọp bên long sàng, dâng lên một mảnh giấy đỏ, có viết mấy dòng chữ vàng bằng nhũ óng ánh. Đức vua gật đầu, ra dấu cho quan tể tướng đọc lớn lên.

Vị trung thần lão thành này cố nén nỗi thương tâm, quẹt nước mắt, hít mũi, hắng giọng, lớn tiếng đọc bằng một giọng rõ ràng và trang trọng: “sinh … i … già … à … bệ … bệnh … ch … chế … chết …”.

Đức vua lắng tai nghe xong, gục gật đầu rồi khép mắt, trút hơi thở sau cùng. Những người xung quanh đều khóc rống lên, quan tể tướng vật vã đập đầu vào long sàng, các đình thần đấm ngực bứt áo … Đám ngự lâm quân hối hả dìu các vị lão thần, ngăn cản các vị trung niên đang nhổ râu sừng sựt.

Trong khung cảnh hỗn loạn đó, tờ giấy đỏ có viết kim nhũ vàng lặng lẽ chao mình theo một cơn gió, bay vèo qua cửa sổ và âm thầm chui vào một cái hốc chứa đầy nước trong máng xối … Toàn thể công lao của ban quản thủ thư viện đều trôi theo những giọt kim nhũ vàng óng ánh, chầm chậm nhỏ từng giọt xuống bức tường đầy phủ rêu xanh.

D.P.A (95)

(Kinh Pháp Cú)

Biết cung kính khiêm nhường
Tri túc và tri ân
Đúng thời nghe Chánh pháp
Là phúc lành cao thượng

Hãy luôn cẩn trọng canh chừng tâm của bạn

(Sưu tầm)

Hãy luôn cẩn trọng canh chừng tâm của bạn.

Ở trình độ của chúng ta, là những người tầm thường, ta không thể không có những tư tưởng và hành động bị thôi thúc bởi những ý định xấu. Nhưng nếu chúng ta có thể lập tức nhận ra điều sai lầm, hãy sám hối và nguyện không tái phạm nữa, chúng ta sẽ cắt đứt mối ràng buộc với động cơ xấu ác.



Lần lữa

(Sưu tầm)

“Có khi trễ hẹn một giờ
Đến duyên gặp lại phải chờ trăm năm” …


Một hôm Đức Phật cùng các đệ tử đi ngang qua một cánh đồng, có người nông phu đang cày ruộng gần đấy, thấy Phật hào quang rực rỡ, oai nghi đoan chính, lòng anh rất hân hoan đến lễ Phật, xin quy y, nhưng sực nhớ đến công việc cày cấy chưa xong, bèn tự nhủ: “thôi để khi khác, bao giờ cày cấy, gieo giống xong được rảnh rang hãy đến nơi Phật xin quy y chẳng muộn”. Nghĩ thế rồi anh tiếp tục công việc.

Phật biết ý niệm của anh nông phu kia nên mỉm cười. A Nan liền lễ Phật hỏi duyên do, Phật đáp: “các ông có thấy người cày ruộng ấy chăng, anh trải qua chín mươi mốt kiếp, gặp cả thảy bảy vị Phật ra đời, mỗi lần gặp Phật anh đều hoan hỷ toan đến quy y lễ bái, nhưng nghĩ lại việc mùa màng chưa xong bèn thôi, tự hẹn khi khác, đến nay gặp ta, y vừa toan đến quy y rồi cũng thối niệm tự hẹn khi khác, cứ như thế đã biết bao nhiêu lần sanh tử chuyển luân, việc cày cấy vẫn chưa xong và cũng vẫn chưa được quy y Tam Bảo”.

Anh nông phu được nghe Phật nói tiền nghiệp giãi đãi của mình như thế, giật mình kinh sợ, tự hối quá buông cày đến lễ Phật cầu xin thọ giới quy y.




Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|86|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Hãy canh giữ cẩn thận tâm mình như người lính ngày đêm canh giữ thành lũy trong những ngày chiến tranh, chỉ cần lơ là một lát cũng đã đủ để quân giặc lẻn vào cướp mất thành. Một khoảnh khắc vọng tâm động niệm là một khoảnh khắc đánh mất bình yên”.

Có kẻ, trong một khoảnh khắc lơ là, đánh rơi que diêm đang cháy xuống hiên nhà, nhưng không biết, rồi bất lực nhìn ngôi nhà gỗ mà mình mất cả nửa đời mới làm được bị cháy rụi.

Do que diêm quá nhỏ, lén rơi khỏi tay lúc nào không hay, và cũng có thể do ngọn lửa của que diêm quá bé, nghĩ không đáng gì, nên việc giữ que diêm không rơi khỏi tay cũng hơi khó, nhưng sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi phải tìm cách dập lửa hay làm lại ngôi nhà gỗ cho mình.

Do chúng ta nghĩ chỉ một chốc, một lát, chỉ một sát-na sân si chẳng đáng gì, nên việc giữ cho tâm không động niệm trở nên rất khó, nhưng sẽ khó khăn hơn khi phải thu xếp cho gọn những đổ vỡ do một khoảnh khắc vọng tâm động niệm gây nên.

Đừng sợ không bình yên, chỉ sợ còn vọng tâm động niệm, rồi vô tình đánh rơi đốm lửa nhỏ sân si xuống hiên nhà mà không biết. Có những cuộc hành trình chỉ một phút xao lòng là phải bắt đầu lại, vấn đề ở chỗ, có những điều người ta không muốn bắt đầu lại, vì chẳng còn như ngày xưa, cố thế nào cũng chỉ là vá víu.

Núi sáng nay nhiều sương, lạnh.

Người ngày mới an.



Quan niệm: tạo thiện nghiệp để xóa bỏ ác nghiệp

(“Nền Tảng Phật Giáo”|TS. Hộ Pháp)

Một số người có quan niệm rằng: “tạo thiện nghiệp để xóa bỏ ác nghiệp”, quan niệm như vậy có đúng hay không ?

Ác nghiệp nào mà người ấy đã tạo trong kiếp hiện tại, hoặc trong nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, ác nghiệp ấy đã được tích lũy ở trong tâm rồi. Về sau, người ấy dù có tạo thiện nghiệp nào, có năng lực mạnh như thế nào cũng không thể trở lại ngược thời gian trong quá khứ để xóa bỏ ác nghiệp quá khứ ấy được, còn thiện nghiệp ấy cũng đã được tích lũy ở trong tâm.

Tuy thiện nghiệp không thể xóa bỏ được ác nghiệp trong quá khứ, nhưng nếu cố gắng tạo nhiều thiện nghiệp (dù là dục giới đại thiện nghiệp), thì cũng có khả năng làm giảm tiềm năng cho quả của ác nghiệp.

Thực ra, ác nghiệp nào nếu khi hội đủ điều kiện, thì ác nghiệp ấy mới có cơ hội cho quả khổ của ác nghiệp ấy, nếu không hội đủ điều kiện, thì ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả của nó. Và thiện nghiệp nào nếu khi hội đủ điều kiện, thì thiện nghiệp ấy mới có cơ hội cho quả an lạc của thiện nghiệp ấy, nếu không hội đủ điều kiện, thì thiện nghiệp ấy không có cơ hội cho quả của nó.

Bởi vậy cho nên, không phải tất cả mọi ác nghiệp, tất cả mọi thiện nghiệp, đều được cho quả của chúng. Sự thật, ác nghiệp nào, thiện nghiệp nào, khi hội đầy đủ điều kiện, thì ác nghiệp ấy, thiện nghiệp ấy, mới có cơ hội cho quả của nó.




Tiền và tình có làm ta khổ ?

(Sưu tầm)

Ngạn ngữ Phương Tây có câu: “tiền là tên đầy tớ tốt và là một ông chủ tồi”, tiền bạc không gây đau khổ, sử dụng tiền bạc một cách khôn ngoan, khi tiền bạc không thể làm ông chủ của mình, mà ngược lại - làm nô lệ cho mình, thì không có đau khổ.

Khổ chỉ đến khi mình bám chấp vào tiền bạc: phải có tiền, tôi như thế này phải ở thế này, cỡ như tôi không thể ở nhà lụp xụp được, cỡ như tôi không thể ở nhà chỉ hai - ba cái phòng được ... cái khổ đến từ tôi giàu tôi phải ăn mặc đẹp, tôi phải đi xe hơi. Nếu bám chấp như thế, thì giàu vẫn khổ, mà không bám chấp thế, thì nghèo mà vẫn an lạc. Bám chấp vào tiền, tiền liền làm cho mình khổ. Có tiền thì nhà cao cửa rộng, mà không có tiền thì khách sạn ngàn sao, bầu trời lấp lánh hàng ngàn ngôi sao, có gì đâu. Thế nào cũng được !

Tương tự, yêu đương là chuyện bình thường, thích là cấp độ ban đầu, và cái gọi là “quá thích” thì là nó trở thành yêu, nhưng chỉ yêu thôi thì chưa có khổ. Ví như đi vào một khu vườn, bông hoa đẹp rất nhiều, có vấn đề gì đâu, nhưng bảo tôi phải đem về nhà cho riêng tôi, hoặc tôi phải sở hữu bông hoa này, mới là vấn đề.

Nếu người tu tập rồi thì chỉ dừng ở đấy thôi thì cuộc đời rất đẹp, gặp ai mình cũng thấy thoải mái hết, gặp ai mình cũng thấy thích thú, thoải mái, dễ chịu, và mình chẳng muốn sở hữu ai hết. Với tâm lý sở hữu thì câu nói: “tôi không thể sống thiếu anh/em” liền trở thành chân lý, con người ta trở nên dở sống dở chết khi đối tượng đổi thay ... không nhớ rằng lúc trước đây, khi chưa hề quen đối tượng họ vẫn sống ... phây phây.

Thế thôi ! Mọi người đi qua trước mặt mình giống như bông hoa đẹp đi qua vườn hoa thế thôi. Ngày hôm sau mình quay lại mình thấy nó thì tốt, không thấy thì thôi, mình không có nhu cầu nắm giữ, nếu nắm giữ là ngày hôm sau tôi phải quay lại chỗ đấy để thấy bông hoa đấy, nắm giữ mới là có vấn đề. Nên nếu không có nắm giữ thì không sao hết. Với một tâm không nắm giữ thì tiền hay tình, chúng là chúng, có làm khổ được chi ta.

Vì sao kiếp này chúng ta gặp nhau ?

(HT. Tịnh Không)



Phật dạy chúng ta, từ quan hệ cha con, quan hệ anh em, cho đến quan hệ với tất cả mọi người đều không ngoài bốn loại duyên, đó là:

⒈ Báo ân

⒉ Báo oán

⒊ Đòi nợ

⒋ Trả nợ

Nếu như không phải bốn loại duyên phận này, dù tương ngộ cũng không hề quen biết, chúng ta gọi là người lạ, mặt lạ, không quen. Ngay trong đời này chỉ cần phát sinh quan hệ với mình, thì nhất định trong đời quá khứ có liên quan đến bốn loại duyên nghiệp trên.

Trong duyên nghiệp có thiện, có ác. Chúng ta hiểu được thông suốt thì nhất định phải biết đoạn ác, tu thiện. Ta thiếu nợ người nhất định phải trả. Người khác lừa gạt ta, xâm phạm ta, cướp đoạt của ta, ta đều phải nghĩ là đang trả nợ, trong lòng ta sẽ dễ chịu và cảm thấy tự tại. Họ gạt ta, trộm cắp, cướp đoạt của ta, vì sao họ không đi lừa gạt, cướp đoạt của người khác ? Vì trong đời quá khứ, người khác không có cái duyên này với họ.

Nói cách khác, chúng ta trong đời quá khứ đã từng lấy, đã từng ăn cắp, đã từng cướp đoạt của họ, hôm nay gặp được nhân duyên tương ngộ, vẫn là dùng phương pháp này họ lấy đem đi, được dịp chúng ta đã trả nợ. Cho nên, chúng ta phải hoan hỉ cùng với tất cả chúng sanh kết thiện duyên, không kết ác duyên, cho dù gặp phải ác duyên, quyết cũng không để trong lòng.

D.P.A (94)

(Trích Phật Bà Chùa Hương)

H I Ế U là độ được đấng thân
N H Â N là độ được trầm luân mọi loài

Pháp tu: “dừng một phút”

(Sưu tầm)

Trong đạo Phật, việc tu hành thường bắt đầu từ những điều nho nhỏ, căn bản nhất. Việc nhỏ, nếu chúng ta không để tâm thực tập, thì chuyện học hỏi những đạo lí cao siêu khó có thể tin rằng chúng ta sẽ đem ứng dụng được vào trong thực tế để ít nhiều lợi lạc.

Khi bạn sống quá nhanh trong suy nghĩ, lời nói và hành động, đó chính là lúc mà bạn dễ mắc phải sai lầm đáng tiếc. Vì vậy, trong cuộc sống bạn nên thường xuyên dừng lại để suy nghĩ, để kiểm tra lại Thân, Miệng, Ý của mình, cho dù chỉ một phút thôi. Tuy một phút rất ngắn ngủi, nhưng đôi khi nó cũng giúp bạn cứu vãn, hoặc xoay chuyển được những cục diện lớn lao của một đời người.

- Dừng lại một phút để xem xét những quyết định của mình trước khi hành động đúng hay sai.

- Dừng lại một phút để suy nghĩ, trước khi bạn nói quá lời.

- Dừng lại một phút để suy nghĩ lại xem, mình có nên tranh cãi để làm rạn nứt tình cảm không.

- Dừng lại một phút để suy nghĩ và cảm thông, thay vì trách móc.

- Dừng lại một phút để suy nghĩ, trước khi bạn bán rẻ nhân cách chỉ vì một chút danh dự, một chút tiền.

- Dừng lại một phút để suy nghĩ về hậu quả, trước khi bạn ra tay và dùng bạo lực.

- Dừng lại một phút để suy nghĩ, trước khi bạn lạc lòng trước một người không phải vợ/chồng mình. Hãy hỏi lại mình xem, người này có đáng để bạn đánh đổi hạnh phúc mà bạn đã khổ công xây dựng không.

- Dừng lại một phút để suy nghĩ xem bạn nên ở hay nên đi ra khỏi cuộc đời một người, trước khi vội vàng quyết định.

- Dừng lại một phút để suy nghĩ trước khi bạn nhắm mắt làm liều bất cứ chuyện gì.

- Dừng lại một phút để suy nghĩ, trước khi bạn muốn buông xuôi cuộc đời cho khuynh hướng sống không ra gì.

Thật ra thì một phút chẳng là bao, nhưng nếu bạn biết áp dụng nó vào những lúc bạn đang háo thắng hoặc nông nổi, bạn sẽ thấy nó hiệu quả vô cùng, và bạn sẽ không phải hối tiếc sau này. Khó khăn lớn nhất của đời người là không thể ngược thời gian sửa những sai lầm trong quá khứ. Dừng lại một phút để suy nghĩ, chính là chi CHÁNH TƯ DUY, một trong tám chi phần quan trọng của Bát Chánh Đạo.

Cảm xúc

(Trích “BƯỚC CHÂN AN LẠC” - Thích Nhất Hạnh)

“Nếu đang có một cảm xúc khó khăn trong tâm hồn, như tức giận hoặc buồn bã sâu sắc, và tôi (xử lý chúng bằng cách) cố tập trung điều hòa nhịp thở của mình thì liệu đó có phải là hành động né tránh cảm xúc của bản thân không ?”

Thường thì mọi người dễ đánh mất bản thân mình trước những cảm xúc mạnh và bị chúng choáng hết tâm trí. Đó không phải là cách để ta chế ngự cảm xúc, bởi khi chuyện xảy ra như thế, bạn sẽ là nạn nhân của cảm xúc.

Để tránh không trở thành nạn nhân, hãy hít thở, tĩnh tâm và rồi bạn sẽ nhìn sâu vào bên trong con người mình, thấy rằng cảm xúc cũng chỉ là cảm xúc mà thôi, không hơn. Việc nhìn sâu vào trong tâm hồn mình là rất quan trọng, bởi bạn sẽ không còn sợ hãi nữa. Bạn sẽ bình tĩnh và không còn muốn chạy trốn nữa. Bạn sẽ xử lý tốt hơn các cảm xúc. Hãy xem hơi thở chính là con người bạn, bạn cần có sự liên kết với hơi thở để trở thành chính mình một cách tốt hơn, để mạnh mẽ hơn.

Rồi bạn sẽ chế ngự cảm xúc tốt hơn. Bạn không nên tìm cách quên đi cảm xúc của mình. Thay vì thế, hãy sống thật với chính mình, dần dần bạn sẽ trở nên cứng rắn và mạnh mẽ để xử lý cảm xúc của mình.