V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Chắp tay niệm Phật

- Quý Luân



Quan Âm
… trái tim sáng ngời, cứu người hoạn nạn qua cơn khó khăn.

Quan Âm
… tay cầm bình nước Cam Lồ, tay cầm nhành liễu thân vàng, rưới khắp thế gian, tốt tươi mát mẻ mười phương thanh nhàn.


Dưới tòa sen vàng, hương trầm tỏa ngát nhân gian
Lạy Phật Quan Âm dìu con qua bến mê đời
Cho con được sống đời an vui
Cho con được sống đời xinh tươi
Quan Âm cứu khổ
Quan Âm cứu nạn
Đời con rạng ngời

Lâng lâng dòng suối ngọt ngào
Diệu vi hương ngát lối vào cửa Không
Sen tươi chẳng nhuốm bụi trần
Lắng hồn tỉnh thức, chuông ngân nhẹ nhàng
Nhiệm huyền ánh sáng Từ Quang
Chắp tay niệm Phật trút ngàn khổ đau

- - -

Chùm thơ tim ruột: BÀY TỎ (IV)

- Minh Đức Triều Tâm Ảnh, 1992 -



vì giác ngộ mà lòng ta giếng cạn
lòng giếng ngàn năm
đá sỏi, cát đằng ơi !
chữ và tiếng từ muôn xưa vỡ vụn
đã muôn xưa nằm mộng thốt nên lời

ta về từ núi cao
với lửa rừng nguyên thủy
hàng tùng xanh gốc cỗi mấy tăng kỳ
ta quỳ xuống, hoang vu niềm khổ lụy
gặp trăm đời trong nửa niệm phân ly

nói ai hiểu, mà có còn ai hiểu
tay cầm tay khoảng cách rộng vô cùng
thơ xuống núi
lời thừa, âm lạc điệu
bởi đất trời chưa kết mối duyên chung

ta về từ bao giờ
nắng mưa quen mặt cả
lời chia hai, nhật nguyệt cũng chia hai
nửa xanh mát, lộc non và biển hạ
nửa khô vàng, lá úa với thu phai

vì giác ngộ, lòng ta cơn gió lạ
thổi lồng bồng, gác vắng với hiên khuya
ta lất phất, thói đời cùng thói đạo
rõ lắm rồi
cỏ rác cũng se sua

lời tục sĩ, đau lòng ai đó chứ ?
tháng ngày chừ, thơ thẩn núi non xưa
vài bằng hữu, cũng dạt dào thi tứ
dăm anh em
sông núi cũng dư thừa

ta đã bỏ những bài thơ thứ nhất
bỏ đam mê, con chim hót vườn trăng
ta chợt đến như một người quả đất
thở và quên
hiên trước gót chân nhân

tình bỏ túi lâu ngày, men hóa nấm
ôi ngày xưa ! xưa lắm, có ngày xưa
ta mỉm cười con sâu màu mía mật
nằm im ngoan
kén ngọc, gió thu đùa

có những đêm khêu đèn xem sách cổ
trí lý hình - con chuột gặm lăn tăn
ôi ! thánh nhân - lời sông pha cổ độ
mấy nghìn năm
bến cũ, chiếc đò trăng

ta đến đây chưa một lần giao kết
nên ra đi
cơn gió thoảng ngoài song
những bài thơ suốt đời làm chửa hết
tình anh em hoa nở thắm trên dòng

vì giác ngộ lòng ta thành đá trắng
nằm chiêm bao năm tháng đỉnh cô đơn
cành trúc vàng đong đưa không muốn hỏi
phong kín bao giờ
thiên tải, nguyệt đầu non ?

ai đại nguyện trong đời, cao chánh khí ?
guồng tử sinh quay mãi biết làm sao !
giun dế đêm đêm vẫn còn thầm thỉ
rõ lắm rồi
sỏi đá cũng hư hao

sống như thật, đời mê đời chẳng hiểu
ta là chân nhân
người thật đã từ lâu
thương ghét buồn vui là trăng đùa bóng liễu
trúc lả bên hồ, hoa nắng cợt bèo dâu

ta bày tỏ với ai ?
với con sâu màu mía mật
với dâu bèo, đốm nắng, với đông sương ?
lời tục sĩ đau lòng ai đó chứ
ta chưa từng vẽ mắt đứng soi gương

ta là chân nhân
là cỏ rêu bé mọn
là phượng hoàng, đỉnh núi lạ về chơi
cất cánh rợp giữa huy hoàng mộng triệu
rồi bay đi
mất hút cõi con người

Chùm thơ tim ruột: BÀY TỎ (III)

-Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Ký xuất vô thủ chi 1980-



đã nửa đời tôi làm người gian dối
chạy loanh quanh
những hố rác, đường mương
tôi lượm được đã rất nhiều bóng tối
cũng thật nhiều kiêu hãnh lẫn tai ương

tôi cầm trên tay những chai-lon rỉ độc
nên tháng ngày ăn nhấm tuổi da non
bỏ vào túi những gói, đùm tủi nhục
lẫn bạc vàng
cùng mộng mị, ưu, hoan

tôi học từ sân ga
từ gậm cầu, bến chợ
trộm cắp, giật giành
lấy cớ để sinh nhai
học mèo ngoan
học sếu già cao cổ
xảo quyệt, trẽn trơ
tượng đá cũng thở dài

có những đêm nghìn chung trên lầu thượng
mỹ nữ, ca nhi
hương phấn phủ da người
một tợp rượu
chí nam nhi bừng bừng cao chín trượng
rồi gục đầu trong xiêm áo lả lơi

đã nửa đời tôi làm người gian dối
đứng se sua giữa sân khấu đèn hồng
tôi tập nghệ
làm anh hùng, hiệp sĩ
tiếng thét sôi, bốc nóng máu cha ông

kiếm tôi bén kiêu cuồng và đa dục
bụi tung trời
vô độ, ngựa cao phi
áo khinh cừu chợt tẩm đầy máu độc
mà ô hay
máu ấy, máu nhân tri !

tôi phi mãi theo con đường thuận thế
vó sải mau qua biên ải điêu tàn
mộ chí cha ông
nằm khóc đau ý hệ
máu quỷ vương nuôi lớn kẻ di man

đã qua bao đồi bao suối
ánh thép loang
chém rụng mấy triêu dương
đã qua bao triền bao vực
ánh thép loang
chém gục mấy thiên lương

đã nửa đời tôi làm người gian dối
mòn đũng quần
ngồi đấu láo, khoe khoang
làm thiên tài
làm triết gia, nghệ sĩ
trực thướng cô phong hề
bất kiến cổ nhân !
đã nhiều lần học thổi kèn, đánh trống
tôi hô hào nhân tính và tự do
rồi múa rối bằng một tay con ảo vọng
rồi bằng hai chân
con dã thú thức, tri !

có những lần tôi luận về vũ trụ
lời bên này
đánh tráo chữ bên kia
tôi khẳng định cả những gì phi hữu
vẽ chúa trời còn thêm chút râu ria

tôi chống gậy cao, nói về chân lý
biển lớn kia chẳng có tép tôm nào
tôi đứng chiếm cả đỉnh đồi tư ý
chỉ phương ngoài
rồi cất bước nghêu ngao

tiếng thét dội thâm lâm
ngẩng trời cao đại vọng
tôi hiên ngang
quăng vô lượng chân tình
tôi phủi phất
cả những gì thiêng liêng, trân trọng
tai cơ man khèn
từ địa ngục âm binh !

và đấy là trò chơi
trò chơi đại xuẩn
và đấy là trò ngông
ngông kiểu vô luân
một tiếng thét, ngàn sau còn đồng vọng
rượt theo người dầu xương thịt ly phân

tôi có lúc trầm tư trong quán rượu
tiền vung tay qua cửa để tiêu sầu
trách trời đất
sao vô tình quá đỗi
để hận này cô tịch giữa nương dâu

tôi biết có ai
còn ai là bạn
lỡ lên cao vi vút cánh chim bằng
tôi biết tìm đâu
về đâu thoát nạn
cụm mây hồng chết đuối giữa mùa trăng

nếu kiêu ngã thì ngã kiêu còn thứ
đống rơm kia chắc vựa lúa còn đầy
ở tận tạng con dã can bất trị
đợi đêm về
đến huyệt kéo lôi thây

như tảng đá
sau hôm kia địa chấn
sáng thấy mình xương cốt vỡ tan hoang
như lão ngựa đã sức cùng lực tận
thở phì phòm
vùng đất trích thê lương

ai đẩy tôi đi ?
nào ai đẩy được !
nếu u mê thì ánh sáng còn lầm
một thoáng nữa
một giây là cuối vực
có nghe chăng tiếng vọng tuyệt tình âm ?

biết bao lần lệ rưng sầu biển tối
trong tầm tay
thoắt vụt mất linh hồn
tôi sợ hãi nỗi niềm gay cấn ấy
rồi ngỡ ngàng leo xuống tự đầu non

có những lần nhìn rừng cây trầm mặc
ai chí nhân khêu ngọn lửa bên trời
mưa tối quá
con đường sâu kỳ quặc
dõi xa mờ ánh đuốc loáng ma trơi

tôi biết chắc ngày mai trời sẽ tạnh
con chim nào tha rác cuối làng tranh
tôi thổn thức vì lửa tình cháy mạnh
ôi ! tình gì
trong giọt nước long lanh

khi biết chắc con đường này lá đổ
qua mấy thu màu xám điệp trùng lâu
khi biết chắc
con đường này nắng ngọ
khói yên hà
thoáng lát loãng tan mau

ôi ! tôi đã ra đi
vốn tự kỷ nguyên xưa
khi hồng hoang chưa phơi trần đại địa
cũng là khi
trời đất chưa phân ly tình nghĩa
tôi ra đi
độ ấy, quá lâu rồi

lạy Phật Thích Ca !
lạy ân Từ Phụ !
con quỳ đây ôm siết cuốn Kinh vàng
đánh vần nhỏ
dẫu biết rằng hư tự
Cho tế bào cùng nghe thấy như quang

lạy muôn xưa
lời này vụng dại
lạy muôn sau
đời đạo vuông tròn
“Hồng lô diễm hỏa, phi liên tại
Chỉ hữu tri như, miễn luận bàn !”

Chùm thơ tim ruột: BÀY TỎ (II)

-Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Tiết Thượng Nguyên, Canh Thân 1980-



mai hết cuộc
tôi xin về núi cũ
giã từ ngày áo đỏ đèn xanh
chẳng phải tôi nhớ nguồn, nhớ tổ
mà bởi tôi
chưa dung nổi thị thành

tôi đã ra đi bằng bài thơ thứ nhất
thuở đầu đời
môi rượu lả đường say
tôi đã ra đi tự khối tình chân thật
yêu trần gian
mà chưa dám cầm tay

chí tôi mọn không hơn loài rong biển
thân tôi mềm
không kham nổi gió sương
và hiểu biết
cũng như loài ong kiến
thì nói chi nhập cuộc với lên đường

ôi, trai trẻ
một thời oanh liệt quá
kiếm trên vai vô địch mấy sông hồ
và ngạo khí tưởng chừng như thép đá
giữa ngàn năm sinh tử chẳng nhấp nhô

ôi, trai trẻ
một thời nghiêm chính quá
tôi chưa dung một ác niệm bao giờ
tôi cách biệt với bao người dối trá
ngỡ rằng mình
là đích tử Thích Ca

cơm với áo dễ sinh mầm sâu bọ
cưu mang chi cho hèn liệt một đời
là dã hạc tự cội nguồn đông độ
vốn vô tranh
cả giọng nói tiếng cười

và thuở ấy
biết bao người quý mến
đời sa-môn giản dị xiết bao
danh lợi
tiền tài chưa một lần ngó lại
thì sá chi uế trược với trần lao

cảm ơn nhé, một thời gió nổi
cuốn phăng tôi, một bản ngã bên trời
thế gian nhé
một lần xin sám tội
quỳ nơi đây mà ôm siết con người

dẫu bây giờ có về núi cũ
tôi chẳng dám
ví mình là sư tử rừng xanh
tôi sẽ sống một đời bình dị
hơn chi ai mà phất áo thị thành

những bằng hữu lên đường
những người em ở lại
tôi xin chắp tay, im lặng, cúi đầu
không nói được
dẫu một lời vụng dại
trong hồn tôi
sương phủ mấy nhịp cầu

tôi sẽ ra đi và không hề bỏ lại
thế gian này
cùng tình nghĩa đệ huynh
nếu còn sống
tôi còn thương yêu mãi
và lỡ lầm xin trời đất bao dung

tôi chẳng biết nơi nao là quán trọ
kiếp vốn tha hương
cố quận bao giờ ?
nếu còn thở
tôi vẫn còn bày tỏ
yêu cuộc đời
với nguyên vẹn tình thơ !

các em của tôi mà tình thầy nghĩa đệ
có nhớ nhau xin cạn một chung trà
đời còn đẹp khi ta còn giọt lệ
đời khổ đau
nên sinh-tử-tình-ca

tôi yêu con chim cổ còn rướm máu
đến trần gian
phụng hiến cả tâm hồn
đã một thời
tôi trao người kiếm báu
còn giờ đây, khí lực đã suy mòn

tôi bỏ cuộc ?
ừ, thì tôi bỏ cuộc !
tôi ra đi ?
ừ, thì tôi ra đi !
ai bỏ cuộc
và ai không bỏ cuộc
nhìn trên đầu
mây trắng giục đường phi

từ giã nhé !
mấy năm không hẹn được
kẻ Đông châu
người Tây độ mù khơi
còn luân hồi
thì ta còn xuôi ngược
còn ra đi
còn thân phận con người

còn ra đi nghĩa là còn điên dại
còn nửa khuya thả mộng mấy sông hồ
còn yêu người
nghĩa là còn quằn quại
còn đỉnh cao
tóc rũ một trời thơ

thôi nhé người
mai tôi về núi cũ
để biết mình muôn thuở vẫn còn đi
để biết mình không là gì cả
xin một đời rêu cỏ an tri !

Chùm thơ tim ruột: BÀY TỎ (I)

- Minh Đức Triều Tâm Ảnh, 1979



một kiếp làm người đã mệt
nói làm chi những chuyện cao xa
đầu ngửng lên
cao chỉ chừng mấy thước
xin thưa người
mây trắng hỏi đường qua !

tay tôi ngắn không với từng xanh thẳm
mắt tôi mờ không thấy lý vô biên
tàu vĩnh cửu
đã đông người quá lắm
còn riêng tôi
xin trót phận vô duyên

bao lầm lỡ suốt quãng đời niên trẻ
mây và sương
còn phủ ngợp đường dài
ai giải thoát
còn riêng tôi chưa thể
chút hơi người
còn vương vướng tóc tai !

dẫu về rừng thì tôi làm đạo sĩ
lên non tu
tôi quẳng gậy trường giang
nhưng trái đất
cứ quay hoài quay hủy
gẫm lòng mình nên chưa muốn ly tâm !

sông xa nguồn có bao giờ tịch lặng
con nước xuôi
dòng chảy đến trăm miền
mang hơi thở
cũng nghe chừng quá nặng
thì nói chi cơm áo với phàm duyên !

một kiếp làm người đã mệt
còn hơi đâu nghị luận không vời
học yêu người
suốt đời chửa hết
sự sống đâu có treo lửng giữa trời !

óc tôi muội không am tường triết lý
không biết chi
bản thể và siêu hình
tôi tập mãi mà ước chừng quá tệ
học đứng đi
học ăn nói ngồi nằm !

địa cầu lớn biết bao người đại trí
đâu phần tôi
phương thế phụng nhân quần
tôi cố gắng sống phần người nhỏ bé
cố gắng thương đời
bằng chút máu đỏ trong tim !

tóc mấy sợi bạc dần xuân xanh cũ
kinh thư còn
mò mẫm mấy trang ngoài
đêm thức giấc cũng tủi mình ám độn
qua song thưa
trăng đã gác non Đoài !

Phật ...
vẫn chờ con cuối đường đó chứ
con về sau hoa có nở Liên đài ?
con thèm lắm một nụ cười giản dị
đấng Cha lành
đâu phải của riêng ai !

một kiếp làm người
không đi, cũng mỏi
chữ nhân thường viết mãi vẫn run tay
môi bập bẹ
sợ lời mình lầm lỗi
làm sao đương những đại sự cao dày ?

ai vô nhiễm
còn riêng tôi còn nhiễm
tâm để lâu bụi bặm cũng hoen nhờ
tôi thấy thực
dẫu bao người thấy huyễn
mảnh trăng vàng dệt sông nước đầy thơ !

ai đã từng sơn khê
phong trần, hồ hải
đầu ngước cao
thép kiếm, ánh dương hồng
tôi cầu nguyện
chí người bung áo vải
cho đạo đời thơm ngát tấm tình chung

chưa bao tuổi đã thấy mình lú lẩn
tụng kinh hoài
khi nhớ, khi quên
nghĩ tượng đá cũng đầu sương tuyết điểm
thì buồn chi
tôi, một gã Tăng quèn !

sống giao tiếp, tôi vụng về, khờ dại
gặp chỉ cười
không biết phải làm chi
nếu ai đó có nhìn tôi ái ngại
thì xin thưa
cây cỏ nói năng gì !

một kiếp làm người
thành người, đã khó
đâu dám kham những việc phi thường
xin lạy tạ cả trần gian khốn khổ
biết bao giờ
hết hoạn nạn tai ương ?

manh áo mặc đã bao dung biết mấy
miếng cơm ăn cũng lụy đến bao người
ai đổ hột
giữa nương cày ruộng cấy
thì tôi dám đâu
tự tại một bên trời !

ôi ! hơi thở, một đời tịch lặng
nhưng trái tim nhịp đập liên hồi
dẫu rất nhẹ
cũng dường như địa chấn
nước mắt, niềm vui
chốc thoáng cũng xa rồi

dẫu thế sự rày suy mai thịnh
biển muôn trùng năm tháng đầy vơi
cố gắng sống một đời trầm tịnh
bỏ ngoài da
chữ vận, chữ thời !

dẫu ai hát bên đường, giữa chợ
tôi cố nghe
cố mở rộng trang lòng
“đà” trong mắt
đâu rác người bé tí
yêu thương nhau đức lớn nào đong ?

ai nói phải và ai nói trái
sóng nhân tình vỗ biển bạc bao la
ai nói hư và ai nói thiệt
đỉnh non ngàn
muôn thuở lợp mù sa

thôi nhé cuộc đời
cho tôi kỉnh lạy
thôi nhé anh em
bằng hữu, chút tri lòng
vẳng chuông sớm
tôi thấy mình ngồi dậy
ráng tu hoài
dẫu thiên địa vô công !

Lắng nghe

- Minh Niệm

Một khi đánh mất khả năng lắng nghe chân thật, ta sẽ đánh mất cơ hội thấu hiểu chân thật.



● Ai cũng cần lắng nghe

Người xưa hay nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”, là để nhắc nhở chúng ta đừng chỉ nghe theo dư luận mà không chịu tìm hiểu kỹ càng, không đợi chứng kiến tận mắt. Nhưng người xưa cũng lại nhắc thêm rằng: “Thấy vậy chứ không phải vậy”, là vì có những cái chính mắt ta nhìn thấy rành rành mà vẫn sai như thường. Như khi bị người kia ném vào ta những cơn thịnh nộ và cả những lời hết sức cay độ, thông thường ta sẽ nghĩ ngay người này chắc đang rất căm ghét hay đang muốn tấn công mình. Nhưng coi chừng lầm. Có thể người kia đang gặp khó khăn hay có nỗi khổ quá lớn, nên khiến họ mất hết năng lượng và không còn kiểm soát được bản thân. Hoặc có thể do họ đang vướng vào một nhận thức sai lầm nào đó với ta. Hoặc cũng có thể do họ đang cố tình ra chiêu thức để trắc nghiệm phản ứng của ta. Hay chỉ đơn giản là do họ đang uất ức ai đó, nhưng lại chọn ta để giải tỏa cảm xúc theo kiểu “giận cá chém thớt”. Nếu ta nói rằng: “Tôi không cần biết nguyên do. Tôi chỉ biết là anh đã nói những lời như vậy là đã làm tổn thương tôi”, thì ta sẽ đóng bít cơ hội giãi bày và cơ hội thể hiện trở lại con người chân thật của họ. Ta sẽ đánh mất họ.

Cuộc sống luôn có nhiều áp lực nên không phải lúc nào ta cũng đủ vững chãi để làm chủ hết bản thân, nhất là khi có những biến động bất ngờ. Trong những lúc tâm tư rối bời hoảng loạn hay chán chường lạc lõng, ta luôn ước ao có một người thân bên cạnh để được chia sẻ. Dù người ấy chẳng giúp ta giải quyết được vấn đề, thậm chí chẳng khuyên được một điều gì bổ ích, nhưng chỉ cần thái độ lắng nghe hết lòng của họ cũng khiến ta vơi đi rất nhiều phiền muộn rồi. Cho nên, được lắng nghe là nhu cầu không thể thiếu của con người. Thế nhưng, điều nghịch lý là ai cũng muốn người khác lắng nghe mình, còn mình thì không chịu lắng nghe ai cả. Nhất là thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, ai ai cũng sống trong hối hả vội vàng, nên làm việc gì đòi hỏi sự kiên nhẫn mà không mang lại hiệu quả kinh tế thì họ rất sợ. Mỗi khi ta mở lời xin họ ngồi xuống để ta chia sẻ vài vấn đề khó khăn, nhất là có liên quan tới họ, thì họ viện đủ thứ lý do để từ chối hay xin hẹn vào dịp khác. Với một người lịch sự, họ cũng chấp nhận nghe, nhưng lại khống chế thời gian chia sẻ. Họ ngồi đó như một khúc gỗ vô hồn, mắt cứ xa xăm và không ngừng liếc ngang đồng hồ, thì làm sao ta có thể trút cạn nỗi lòng và dám xin họ cùng ta tháo gỡ khó khăn.

Những người được gọi là thân yêu nhất mà cũng sợ phải lắng nghe ta thì ai sẽ lắng nghe ta đây ? Có thể cách chia sẻ của ta chưa dễ thương và chưa thuyết phục, nhưng phần lớn là do họ luôn nhìn ta bằng con mắt thành kiến “biết rồi, khổ quá, nói mãi”. Nếu sống chung với những người độc tài luôn cho mình là đúng, hay những người thích sử dụng uy quyền để áp đặt kẻ khác, thì xin có ý kiến với họ cũng đã khó khắn lắm rồi. Đừng mong họ chia sẻ với ta những niềm đau nỗi khổ. Có những đứa bé uất ức vì bị hiểu lầm, nên chúng tự giam trong phòng từ ngày này sang ngày khác. Có những cặp vợ chồng mỗi lần ngồi xuống là tranh cãi và gây tổn thương nhau, nên họ luôn chọn những người bạn thân hay những chuyên gia tâm lý để than thở. Có những người lớn tuổi không được sự cảm thông và quan tâm của con cháu, nên phải tìm đến những loài thú nuôi để tâm sự. Có những người vì ôm mãi khối sầu đau quá lớn mà không thể bày tỏ cùng ai, nên họ đã rơi vào trầm cảm, tâm thần hay chọn đến cái chết. Đúng là không có gì cô đơn cho bằng khi có biết bao người thân yêu bên cạnh, mà ta lại phải đơn độc vượt qua gian khổ.

● Lắng nghe tận nguồn cơn

Nếu ta thật sự muốn giúp người kia vơi đi những nỗi khổ niềm đau đang đè nặng trong lòng, thì việc trước tiên là ta phải biết lắng nghe họ. Cũng như vị thầy thuốc trước khi chẩn mạch kê toa thì phải luôn quan sát thần sắc của bệnh nhân. Sau đó, họ lắng nghe thật kỹ càng những báo cáo hay lời than thở về bệnh trạng. Khi ta quyết định lắng nghe một người đang khổ, tức là ta đã chấp nhận đóng vai thầy thuốc để chữa trị tâm bệnh cho họ. Dù ta không phải là nhà tâm lý trị liệu, nhưng với lòng chân thành và thái độ lắng nghe đúng đắn, chắc chắn ta sẽ giúp được người kia ít nhiều. Vì vậy mỗi khi chuẩn bị lắng nghe, ta phải hỏi kỹ lại mình đã thật sự vào vai của một người cứu giúp chưa ?

Công ty bảo hiểm Prudential của Anh thật thông minh khi đưa ra tiêu chí: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấy hiểu”. Họ đã ý thức được con đường nhanh nhất và chính xác nhất đưa tới sự thấu hiểu chính là thái độ lắng nghe. Nhưng nếu chúng ta không có tiền, thì công ty bảo hiểm cũng không thể lắng nghe ta được. Lắng nghe một người nào đó với suy nghĩ rằng mình sẽ được gì sau buổi lắng nghe ấy, thì chắc chắn trái tim ta không thể nào mở ra trọn vẹn. Thực tế, đôi khi có nhiều người rất nhiệt tình lắng nghe chỉ vì họ thấy mình thật giá trị khi được người kia tin tưởng chọn lựa giữa rất đông người. Điều buồn cười là dù biết sự lắng nghe ấy chỉ có ý nghĩa như vậy, nhưng người kia vẫn chấp nhận. Tại vì mục đích của họ là chỉ cần có thêm đồng minh để công nhận mình đúng, hoặc chỉ vì muốn xả bớt những năng lượng bực tức mà thôi. Hãy coi chừng và tránh xa chiếc bẫy ấy. Đừng lắng nghe một cách hình thức mà làm hư tâm mình. Một khi đánh mất khả năng lắng nghe chân thật, ta sẽ đánh mất cơ hội thấu hiểu chân thật.

Chữ lắng nghe có ý nghĩa rất hay. Phải “lắng” thì mới “nghe” được. “Nghe” mà không “lắng” lòng xuống, không dừng lại suy tư, không buông bỏ thành kiến hay phiền não đang chế ngự trong tâm, thì cái nghe ấy không đạt tới mức thấu tận nguồn cơn của vấn đề. Nó còn có thể khiến ta hiểu sai lệch vấn đề. Người Trung Quốc dùng chữ đế thính nghĩa là “nghe hết lòng”, còn người Mỹ dùng chữ listening deeply nghĩa là “nghe thật sâu”, nhưng cũng không bằng chữ lắng nghe của tiếng Việt. Vì nó chỉ biểu lộ thiện chí quyết lòng muốn nghe, nhưng lại không có thái độ thanh lọc tâm ý trong khi nghe. Thực tế, nếu ta còn nôn nóng lo ra, còn giận hờn bực tức, còn mang theo kinh nghiệm cũ kỹ về người ấy thì ta sẽ đánh mất khả năng lắng nghe ngay từ đầu, dù ta đang cố gắng nghe.

Cho nên “lắng” là ngõ vào của “nghe”. Không “lắng” thì không thể “nghe” trọn vẹn. Từ nay nếu có ai mời ta ngồi xuống lắng nghe thì ta hãy nhìn lại cảm xúc của mình trước đã. Nếu thấy tâm mình còn quá dao động, trong nhất thời không thể lắng lòng xuống thì nên xin họ cho ta cơ hội khác. Ngược lại, nếu người kia nhận lời lắng nghe ta thì ta cũng nên cẩn thận hỏi họ đã thật sự “lắng nghe” chưa ? Phải có thái độ “lắng” mới được, chưa đủ “lắng” thì ta nhất định không mở lời . “Lắng” chính là sự im lặng sâu sắc của con tim.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng phát hiện ra nghệ thuật lắng nghe này, nên anh đã viết “Im lặng thở dài tôi đang lắng nghe”. Không im lặng thì không thể lắng nghe được. Và sự im lặng đầy đủ nhất phải vượt thoát mọi nói năng, suy tư vọng động. Cũng như khi nghe một bản tình ca, nếu ta nhắm mắt lại để thưởng thức thì ta sẽ dễ dàng đón nhận toàn bộ cảm xúc của người thể hiện và cả linh hồn của bản nhạc. Vì “phần nhìn” vốn dễ làm phân tán “phần nghe”. Trong khi lắng nghe người khác giãi bày, ta cũng nên tránh hay hạn chế tối đa những gì có thể khuấy động sự im lặng, để ta lắng nghe một cách trọn vẹn, dù đó là cái nhìn đầy thông cảm. Hãy tập lắng nghe bằng chính con tim mình. Dù người kia có nói ra những điều sai với sự thật hay những lời chua chát nặng nề, thì ta vẫn thực tập im lặng lắng nghe để cảm nhận hết nỗi khổ niềm đau mà họ đang gánh chịu. Đừng vội vàng ngắt lời hay phán xét để ta sẽ hiểu rõ nguyên nhân sâu xa nào đã khiến họ trở nên như vậy.

● Lắng nghe đời mình

Trong bài hát “Tôi đang lắng nghe”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chia sẻ:

“... Im lặng dòng sông tôi đang lắng nghe
Im lặng ngọn đồi tôi đang lắng nghe
Im lặng thở dài tôi đang lắng nghe
Tôi đang lắng nghe im lặng thở dài
Sau cơn bão qua im lặng mặt người
Nghe bao nỗi đau trên một bàn tay …”

Khi ta im lặng, dừng hết mọi lao xao, buông xả hết những mong cầu hay chống đối, ta sẽ nghe được rất nhiều tiếng động xung quanh đang diễn ra, dù đó là tiếng thở dài não ruột của một người ở nơi xa, hay ngay cả “tiếng vô thanh” của dòng sông và ngọn đồi. Cuộc sống luôn hối hả và vội vàng, nên dễ khiến ta quên dần thói quen lắng nghe sâu sắc bằng trái tim. Nhiều khi người kia đã nói rất rõ ràng mà ta còn chưa chịu hiểu, huống hồ chi họ chỉ nói nửa câu hay im lặng để tự ta suy ngẫm. Vì có những niềm đau đã giấu kín trong lòng thì không thể dễ dàng nói ra nếu người nghe không biểu lộ được sự rung cảm chân thành từ nơi trái tim. Biết được điều ấy, nên Trịnh Công Sơn đã không chọn cách lắng nghe bằng lỗ tai, mà chỉ im lặng để con tim tự cảm nhận lấy. Bởi nhạc sĩ đã có kinh nghiệm lắng nghe tiếng thở dài tuyệt vọng của chính mình, đã từng dừng lại để lắng nghe đời mình - “Tôi đang lắng nghe im lặng đời mình”.

Cho nên, phải lắng nghe và thấu hiểu chính mình thì ta mới lắng nghe và thấu hiểu được những kẻ khác. Vậy từ bây giờ ta hãy tìm cho mình một không gian tĩnh lặng để tập nghe rõ lại từng bước chân và hơi thở của mình. Đó là những âm thanh rất gần gũi và quan trọng mà ta đã quên lãng từ lâu. Ngoài ra, ta hãy cố gắng tập im lặng lắng nghe từng dòng cảm xúc nhớ nhung hay khát khao, từng ý niệm giận hờn hay ganh ghét, những quyết định sai lầm hay những lần tự mãn, và ngay cả khi tâm tư hoàn toàn vắng lặng để ta nhận ra từng thái độ sống của mình. Chỉ cần im lặng lắng nghe mà đừng vội can thiệp hay phán xét, để ta có cơ hội hiểu biết hết những ngõ ngách sâu kín trong tâm hồn. Biết lắng nghe chính mình trong mọi lúc mọi nơi, dù ở một mình hay khi tiếp xúc với người khác, thì ta sẽ dần tách ly ra khỏi sự ràng buộc và điều khiển của hoàn cảnh. Nhờ đó, ta sẽ có nhiều cơ hội làm chủ chính mình. Làm chủ được chính mình cũng chính là làm chủ được cuộc đời mình. Khi làm chủ được cuộc đời mình, ta mới đủ bản lĩnh mời người khác cùng tham dự mà không gây khổ lụy cho nhau, đủ sức dìu dắt nhau qua nhưng quãng đời gian khó.

Khi lắng nghe được chính mình và những người thân yêu bên cạnh, khả năng lắng nghe của ta sẽ còn đi xa hơn nữa. Trong phút giây im lặng nào đó, ta sẽ nghe được những tiếng kêu thương từ những góc tối cuộc đời giữa muôn trùng bước chân xôn xao và hờ hững.

Từ im lặng trái tim
Ta nghe lòng khắc khoải
Bao năm qua đi đâu
Không hay đời réo gọi ?

Quá khứ - Hoài niệm ấm áp và quen thuộc

- Gặp lại ở chốn hồng trần sâu nhất | Bạch Lạc Mai



Chỉ đến khi đã đánh mất tất cả, người ta mới nhớ về những điều tốt đẹp đã từng có được, nhớ sâu tận đáy lòng, mà những điều vụn vặt ngày trước lại như hình với bóng, hiện lên ở trong đầu. Lúc này chúng ta đều tự hỏi bản thân, là không bỏ xuống được vì vậy mới thích nhớ về những chuyện xưa cũ, hay là do quá khứ thật sự đáng để thương tiếc nhớ nhung ? Có người nói, một người hay nhớ về quá khứ, không nhất định là vì quá khứ đó vô cùng xinh đẹp, mà chỉ vì người đó không bằng lòng với hiện tại.

Thế gian này ào ào hỗn loạn, ai có thể nói bản thân đủ khả năng có thể chống đỡ ngàn vạn phong trần ? Khi bạn không thể tiếp nhận phong cảnh xa lạ, không thể thích ứng với cuộc sống mới, tất nhiên sẽ hoài niệm những thứ ấm áp mà đã từng quen thuộc với mình.

Vọng bình yên

- Thích Tánh Tuệ



Ta chờ ròng rã một ngày
Đến đêm yên bình ngơi nghỉ
Xác thân dường đã hao gầy
Nỗi chờ dài như vạn kỷ

Ta chờ mòn mỏi cả tuần
Mong sao tới ngày Chủ Nhật
Cuối tuần đã đến bao lần
Đời ta vẫn hoài tất bật

Thôi thì chờ đến ... cuối năm
Xa xăm ... nhưng lòng cố đợi
Tết đến, Xuân qua âm thầm
Bình yên còn xa vời vợi

Đành hẹn lòng sang năm mới
Mọi điều chắc sẽ tốt hơn
Hạnh phúc trốn xa tầm với
Ta chờ, chờ đến héo mòn …

Mắt sâu thẩn thờ, ngơ ngác
Bao giờ mới gặp bình yên ?
Ơ hay, tóc chiều nay bạc !
Một đời … chờ trong ưu phiền

Thôi thế kiếp này đã lỡ
Bình yên, hạnh phúc đời sau
Rồi hẹn cùng nghìn sau nữa
Ta hóa đá chờ … thiên thâu …

Danh ngôn (23)

- Diderot



Không có một quyển sách nào hay đối với người dốt.
Không có một tác phẩm nào dở đối với người khôn.

Thất bại

- Minh Niệm



● Ai cũng sợ thất bại

Ai trong chúng ta cũng đều sợ thất bại, vì thất bại có thể làm hao tổn tài sản, năng lực và cả niềm tin hy vọng nữa. Nói chung sự thất bại nào cũng mang lại cảm giác xấu (unpleasant) cả, nhưng tùy vào quan niệm sống và thái độ của mỗi người đối với sự thất bại mà cảm giác xấu ấy sẽ biểu hiện và ảnh hưởng tới mức độ nào.

Nếu ta cho rằng mình sẽ không bao giờ bị thất bại vì tài năng và bản lĩnh có thừa, thậm chí ta rất ghét sự thất bại, ta còn cho rằng thất bại là xấu xa là nhục nhã, nên khi đối đầu với sự thất bại ta sẽ dễ bị chao đảo và ngã quỵ. Nhiều khi sự tổn hại về tài sản và năng lực cũng chẳng là bao, nhưng chính cái kẹt vào danh dự mới làm ta khổ. Ta vừa phải lo thu dọn bao nhiêu thứ tàn dư sau cuộc chiến bại, vừa phải tìm cách ứng phó để giữ gìn sĩ diện. Đó là chưa nói đến sự tưởng tượng của ta về thái độ coi khinh của mọi người khi họ biết ta thất bại, mà chính ta cũng tự vẽ vời thêm thảm cảnh đáng thương của mình trong những ngày sắp tới sống trong thất bại. Chính thái độ ấy đã nhấn cuộc đời ta chìm xuống.

Cũng có khi ta chưa quen thất bại hoặc chưa bao giờ bị thất bại nặng nề như vậy, nên ta rất dễ lúng túng rồi cố bám víu vào mọi thứ. Một người vừa bị mất việc thì tìm kiếm ngay việc khác để làm, một người lỡ tay làm hư một tác phẩm thì vội vàng bắt tay vào tác phẩm mới, một người vừa bị phụ tình thì mau chóng lao tới đối tượng khác để được cảm giác thương yêu. Tất cả những phản ứng sau sự thất bại thường là cố gắng khẳng định cái tôi của mình, vì theo ta nếu không nắm được gì trong tay thì chẳng còn gì là ta nữa. Nhưng phần lớn những gì ta cố bám trong khi đang trải qua sự thất bại đều là lầm lẫn. Ta chỉ đang tìm cách xoa dịu và khỏa lấp sự tổn thương ích kỷ của mình, chứ không phải ta đang có sự đầu tư đúng mức cho đối tượng. Bi kịch thường hay xảy ra trong những lần cảm xúc bùng vỡ như thế, bởi sự chọn lựa không hề có sự soi sáng chín chắn của lý trí.

Nhiều khi ta lại đi tìm cái tôi của mình ngay nơi con đường tâm linh. Đáng lẽ ra những phương pháp thực tập chuyển hóa có thể giúp ta chữa trị và hồi phục rất nhanh chóng, nhưng khi vết thương chưa kịp lành là ta đã vội đặt cho mình những mục tiêu chuyển hóa to tát cần phải đạt được. Ta lầm tưởng đó là thái độ quyết tâm hướng thượng, nhưng thực chất là ta đang củng cố cái tôi yếu đuối của mình. Ta phải làm một điều gì đó để ta thấy được sự tồn tại của mình. Trong tình trạng năng lượng cạn kiệt mà ta lại đặt thêm một tham vọng mới, dù tham vọng ấy được coi là chính đáng đi nữa thì nó vẫn đốt cháy hết năng lượng dự trữ trong ta, sức ép ấy khiến ta phải tiếp tục chiến đấu chứ không được nghỉ ngơi. Cũng như khi cục tuyết rơi từ đỉnh núi xuống, nếu nó cứ cố bám vào tuyết trên đoạn đường rơi xuống thì cục tuyết sẽ lớn dần và trở thành cục tuyết khổng lồ khi rơi tới chân núi, sức tàn phá của nó rất ghê gớm. Đó là hiệu ứng quả cầu tuyết (snowball effect).

Ta đã từng thấy có nhiều người càng hướng tới tâm linh thì họ càng vướng kẹt và suy yếu vì họ vẫn chưa dừng lại cuộc tranh đấu. Nhiều người tìm đến công tác từ thiện hay phục vụ cộng đồng cũng để khỏa lấp nỗi đau thất bại từ cuộc đời. Tuy những công tác cao cả ấy có thể mời lên những năng lượng tốt đẹp trong tâm hồn nhưng vết thương kia vẫn còn đó, sau này khi năng lượng xoa dịu không còn dồi dào nữa thì nó sẽ đau nhức trở lại. Tìm tới danh vọng khi thất bại trong tình cảm, hay tìm đến tình cảm khi danh vọng thất bại cũng đều như vậy, cũng là cách để cứu vớt cái tôi yếu đuối của mình và cũng sẽ đón nhận những thất bại sâu đậm hơn. Bởi sự đầu tư vội vàng sau những lần thất bại thường mang theo rất nhiều hy vọng, cũng như kẻ chơi bạc vốc hết túi tiền để đặt cược lần sau cuối.

● Chỉ là chưa thành công

Một sự thành công phải luôn hội tụ vô số điều kiện phù hợp với nó, nhưng không phải lúc nào ta cũng chủ động nắm hết mọi điều kiện, vì có thể nó hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của ta. Dù điều kiện quyết định sự thành công có khi nằm ngay trong ta và tưởng chừng rất dễ dàng để chế tác ra, nhưng vì thiếu kinh nghiệm và sáng suốt nên ta cũng không biết thêm bớt như thế nào để gọi là đủ điều kiện cho nó. Đây cũng là lẽ thường nhiên, vì nếu ai cũng nắm được mọi bí quyết đưa tới sự thành công thì con người đã không còn là con người và thế gian này đã biến thành cõi thiên đường mất rồi. Như vậy khi sự việc bất thành thì ta phải hiểu rằng những điều kiện đưa tới sự thành công chỉ là chưa hợp lý, có thể dư hoặc thiếu, chứ không hẳn là vô nghĩa.

Chữ “thất bại” có thể khiến ta hiểu lầm là ta không được gì cả, hoàn toàn trắng tay, trong khi những gì ta đã gầy dựng nên vẫn còn đó chứ có mất đâu. Những kỹ năng tập luyện, những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy, cũng như những yếu tố thuận lợi bên ngoài mà ta đã cất công gom lại sẽ được sử dụng một cách xứng đáng cho công trình hay đối tượng kế tiếp. Cho nên khi thành công ta phải hiểu rằng sự thành công này đang đứng trên vai của sự thất bại trong quá khứ, đó chính là ý nghĩa của câu nói: “Thất bại là mẹ của thành công”.

Không có sự thành công vững bền nào mà không được làm ra từ những thất bại nho nhỏ ban đầu. Vì vậy ta nên tập gọi sự việc bất thành là “chưa thành công” thay vì gọi là thất bại. Cách gọi đó sẽ giúp ta không dễ dàng suy sụp tinh thần hay thất vọng, vì ta biết rằng cơ hội vẫn chưa chấm dứt, thua keo này ta vẫn có thể bày keo khác. Thật ra, thất bại là một phần rất quan trọng của cuộc sống. Khi thất bại ta sẽ thu mình lại, mặc dù bị đè nặng trong cảm giác rất khó chịu nhưng đó là cơ hội để ta nhìn lại mình rõ hơn. Ít nhất lòng tự hào, háo thắng hay chủ quan trong ta cũng rơi rụng bớt. Đó là lý do mà các bậc trải nghiệm luôn rất lo lắng khi thấy người trẻ dễ dàng gặt hái được thành công, nhất là sự thành công vay mượn quá nhiều từ những điều kiện thuận lợi bên ngoài. Họ chưa nếm trải những cảm giác xấu khi thất bại, cái tôi của họ chưa từng bị bầm dập khi đi ngang qua những giai đoạn khốn đốn vì không biết phải xoay sở bằng cách nào, và họ cũng chưa kịp mời lên những phẩm chất quý giá đạo đức trong tâm hồn như tính từ hòa hay đức khiêm cung, thì sự thành công lớn có thể trở thành tai họa cho chính cuộc đời họ và mọi người chung quanh. Ta đã từng chứng kiến rất nhiều người trẻ có những thành công vang dội nhưng lại mau chóng ngã đổ vì chính thái độ biến đổi khôn lường của họ.

Vả lại, bản năng sinh tồn của con người vốn rất vĩ đại, chỉ khi nào đối đầu với những lần thất bại sâu cay thì nó mới chịu phát hiện ra, nhờ vậy mà nội lực con người trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cho nên ta đừng sợ thất bại. Nếu thấy mình chưa đủ vững vàng thì ta cũng đừng vội mong cầu thành công, hãy vui vẻ đón nhận sự thất bại như đón nhận cơ hội đào luyện sức chịu đựng và chuyển hóa tâm tính của mình. Người trí thường hay từ khước những điều kiện thuận lợi mà tìm tới những hoàn cảnh khắc nghiệt để phát huy hết năng lực tiềm ẩn, họ xem nhẹ những thành công chỉ mang lại những cảm giác thỏa mãn đơn điệu theo thị hiếu của cuộc sống để chọn cái to tát hơn chính là chiến thắng với những bóng tối phiền não trong họ. Đó mới chính là những người hùng thật sự.

● Mỉm cười với thất bại

Bài tập đầu tiên khi đón nhận sự thất bại đó chính là nhìn lại thái độ phản ứng của mình. Ta phải ghi nhận cái gì đang biểu hiện trong dòng cảm xúc hay tâm thức của mình, mà không dùng ý chí để đàn áp hay phủ nhận nó. Cần nắm rõ hiện trạng tâm lý để ta đánh giá chính xác nội lực của mình mà quyết định hứng chịu một mình hay cần đến sự trợ giúp của người thân, thay vì chỉ cố gắng che đậy để bảo vệ danh dự hay dựa dẫm vào những đối tượng khác để xoa dịu sự tổn thương. Để làm được điều này ta cần phải có thói quen thường xuyên nhìn lại tâm mình trong mọi tình huống. Nhìn lại mình đã là một bước luyện tập đáng nể, mà nếu có thể nhìn bằng thái độ không thành kiến thì cái nhìn đó sẽ đạt tới mức thấu suốt bản chất của mọi đối tượng. Có thể ta sẽ thấy những phiền não trong ta mới là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại, hoàn cảnh chỉ đóng vai trò phụ.

Tham vọng là phiền não ta thường phát hiện ra nhiều nhất trong những lần thất bại. Bởi ta luôn bị sự kích động quá lớn của trào lưu xã hội nên thấy ai có cái gì ta cũng muốn có cho bằng được, mà thực chất ta không biết rõ mình có cần nó hay không, và mình có đủ khả năng để đạt được nó hay không. Tham vọng có thể khiến cho tâm tưởng nhồi nặn ra lòng tự tin một cách không căn cứ. Ta thường dễ bị ý muốn thành công dẫn dắt thay vì tìm kỹ trong kinh nghiệm và kiến thức tích lũy của mình có những chất liệu nào đóng góp nên sự thành công. Nếu chỉ có cái muốn mà ta đã vội vắt kiện năng lượng ra đầu tư thì đó là một hành động rất ngây thơ, bị cảm xúc chi phối trầm trọng. Những lần phát hiện ra lòng tham của mình đang vận hành, ta nên nở nụ cười để xác nhận rằng ta đã thấy nó rồi, nó không thể gạt gẫm ta được nữa vì ta đã thấu hiểu đường đi nước bước của nó.

Chấp nhận sự thất bại là thái độ rất quan trọng trong tiến trình trị liệu. Ta nên nhớ rằng trạng thái tâm lý đang chịu đựng sự thất bại rất quan trọng, nó là một phần tất yếu của cái tôi thuần phục và vững chãi. Nếu ta đã phấn đấu hết lòng rồi mà vẫn không thành công thì chắc chắn nguyên nhân tùy thuộc ở bên ngoài, lực bất tòng tâm, ta không cần phải day dứt hay trách móc bản thân, cứ kiên nhẫn chờ đợi đến khi điều kiện hội đủ. Vượt qua được tâm lý tổn thương và mặc cảm là ta đã vượt qua hơn một nửa nỗi khổ niềm đau vì thất bại. Thỉnh thoảng ta cũng nên tự hỏi mình có cần đeo bám mãi sự thành công không, nó có phải là điều kiện tiên quyết cho hạnh phúc của ta trong hiện tại không, để ta buông xả bớt những mục tiêu chỉ đem lại những giá trị tầm thường hay vô nghĩa. Đừng bao giờ quên rằng sự thất bại dù lớn lao đến đâu cũng chỉ là một phần của cuộc sống, nó không thể làm phương hại tới những giá trị mầu nhiệm mà ta đang nắm giữ trong tầm tay.

Thành bại đã bao lần
Tuổi xuân trôi lần lựa
Nụ cười trên môi chờ
Bao giờ cho nhau nữa

Vừa ...

- Thích Tánh Tuệ



Vừa sâu đậm, vừa mỏng manh
Đó là tình cảm nhân sanh ở đời
Vừa rộng rãi, vừa hẹp hòi
Là con tim của bao người, của ta

Trông gần rồi cũng nhìn xa
Là đôi mắt lúc mặn mà, dửng dưng
Vừa nhỏ nhiệm, vừa bao dung
Bởi nơi ý niệm riêng-chung đổi dời

Khi nằng nặng, lúc nhẹ hời
Ấy là thái độ giữa người với nhau
Vừa đẹp đẽ, vừa … “xấu đau”
Chỗ lòng hoan hỷ, nơi câu tỵ hiềm

Vừa mạnh mẽ, vừa êm đềm
Khi lời ai nhuốm nỗi niềm giận-thương
Vừa trân quý, vừa xem thường
Là câu nhân nghĩa thuở buồn, lúc vui

Vừa hạnh phúc, vừa ngậm ngùi
Là tình yêu đó muôn đời biến thiên
Khi hữu hạnh, lúc vô duyên
Là chân vừa đến cửa Thiền, trở lui

Thế tình là thế mà thôi
Cũng vừa, nói mãi không rồi ... cõi ni !

Viên sỏi trắng

- Truyện ngắn Lam Khê

Mỗi sáng xả thiền, thầy đều thấy những viên sỏi trắng được sắp xếp gọn gàng ngay lối đi. Ngày một ít. Lâu dần, con đường nhỏ dẫn đến ngôi tịnh thất đã trải đầy thảm sỏi.

Bóng con bé chạy dài theo bóng nắng. Thoắt cái nó đã mất hút sau đám ô môi rậm rạp. Vị thầy chỉ đi theo một đoạn. Nhìn những dấu chân nhỏ nhắn in trên nền đất, ông khẽ lắc đầu:

- Làm sao nó có thể chạy nhanh như sóc vậy chứ !

Thầy ngồi thiền. Ánh nắng ban mai soi bạc cả mảnh y vàng đắp trên người. Không gian sáng lòa mà yên tĩnh.
Mùi hoa sói bên hiên ngoài thoang thoảng hương vị của tách trà thơm buổi sớm. Rồi thì con bé thập thò bước vào. Một thân hình khẳng khiu bé nhỏ, xác xơ như chiếc lá úa buổi chiều tàn. Duy chỉ có đôi mắt thơ ngây là còn đọng lại đôi chút long lanh ngời sáng.

Sau khi rải hết bọc sỏi ... con bé bước đến ngồi ngay bục cửa gian tịnh thất. Mắt ngước nhìn vị thầy, nó bắt chước theo cách ngồi của người. Mọi hơi thở cử động của nó cũng rất khẽ, rất nhẹ nhàng. Nó lo sợ vị thầy nhìn thấy, dù biết người hiền từ đâu nỡ bắt tội một đứa nhỏ bệnh tật. Con bé chẳng hiểu thầy ngồi như thế để làm gì. Nhưng hình bóng thầy toát lên vẻ uy nghiêm khả kính làm nó cảm thấy thật an lành. Nó phát hiện ra nơi này trong một lần tha thẩn ngang qua, bèn khởi ý tưởng đem trải sỏi dọc theo con đường.

Nhiều tháng rồi vị thầy chưa tiếp cận được với con bé. Nó đến và đi cứ như bóng ma chập chờn lẩn khuất. Khi xả thiền, thầy chỉ thoáng thấy dáng nó bỏ chạy xa xa nơi lùm bụi. Chỉ có những viên sỏi trắng ngày một nhiều thêm trên lối đi. Loại sỏi này thầy nghe nói có rất nhiều bên con suối cạn. Và một hôm thầy cũng lần mò tìm tới ...

Con bé mở to đôi mắt khi thoáng thấy tà áo nâu đi ngược lên đồi. Đã lâu lắm rồi, dân trong làng thi thoảng đi qua quăng cho một ít thức ăn để giúp nó không bị chết đói, rồi thôi. Chẳng ai thăm viếng hay hỏi han nó lấy một lời. Lúc nãy, nó đã toan đứng dậy bỏ chạy nhưng đôi chân đau quá. Ánh nắng phản chiếu gương mặt hốc hác xanh xao, để lộ vài vết thâm tím gần mí mắt. Thầy hơi chựng lại khi nhìn con bé đang ngồi bệt dưới đất nhặt nhạnh những viên sỏi với vẻ mặt hốt hoảng. Như kịp hiểu ra điều gì, thầy bước tới ngồi xuống cạnh nó rồi dịu dàng hỏi:

- Sao lâu nay con không tới trải sỏi. Con bị bệnh à ?

Con bé chưa hết ngơ ngác. Nó không hiểu hay không biết trả lời thế nào. Thầy vẫn ôn tồn:

- Con bị bệnh phải không ? Sao lại ở đây một mình ? Ba mẹ nhà cửa con đâu ?

Con bé đưa tay chỉ căn chòi lá bên khu đồng mả. Qua giây phút ngỡ ngàng, con chim nhỏ bắt đầu cất tiếng. Nó cố gắng bật ra từng tiếng một, giọng ngọng nghịu đến khó nghe:

- Mọi ... người nằm ... ở đó. Không còn ai cả !

Thoáng lạ lùng, rồi thầy cũng đoán hiểu trong nỗi ngậm ngùi xót xa. Thầy nhìn vào đôi mắt thâm tím của nó:

- Đôi mắt con bị sao thế này ?

- Hôm trước ... con sợ ... sợ thầy… bắt gặp ... nên chạy ... té.

- Hừ ! Chắc là đau lắm ? Thầy có làm gì đâu mà con phải sợ đến như vậy ? Con ở đây một mình rồi ăn uống thuốc men làm sao ? Không thể như thế này được. Để thầy đưa con về tịnh thất chăm sóc.

Con bé yên lặng quay nhìn ra đồng mả. Mắt nó rươm rướm ngấn lệ.

- Con tên là gì ? - Thầy vẫn nhỏ nhẹ.

Giây lâu con bé mới lắp bắp trả lời:

- Con tên … A Lin. Mà không ... Con là ... Sỏi Trắng

Thầy cười, cố ý nhại theo:

- Đó là tên sao, Sỏi Trắng ?

Con bé lại lắc đầu. Dường như nó chẳng biết gì hơn nữa. Cả với cái tên của mình.

Đá sỏi trơ gan cũng phải mềm lòng khi bước chân người tìm đến. Suối ngàn róc rách. Chim hót oanh ca. Gió ngàn vi vu bên những tàng cây lá đổ tạo nên bản hợp xướng không lời nơi chốn rừng xanh êm ả. Nhiều năm rồi, dòng suối cạn được nạo vét, hình thành một dòng chảy bất tận qua các xóm làng ven núi. Cây trái xum xuê đã làm thay đổi hẳn bộ mặt một vùng đất vốn nổi tiếng khô hạn lâu nay.

Chính vị thầy đã tìm ra mạch nước ngầm từ trên một đỉnh thác cao. Sau đó thầy huy động dân làng đục đá, nạo vét lòng suối để cho dòng nước được thông nguồn tuôn chảy. Con suối hồi sinh. Dân quanh vùng tìm đến phát nương làm rẫy. Nhà cửa đông dần. Nhiều con đường được mở ra. Vị thầy cũng dời am thất về bên bờ suối. Con đường từ tịnh thất của thầy đi qua các dãy nhà đều trải đá sỏi. Mấy ngôi mộ bên bờ suối cũng được xây lăng, trồng hoa. Riêng mộ của Thiện Duyên mọc dày đặc các loại cỏ chỉ. Phía trên đặt khung gỗ lớn viết mấy hàng thư pháp. Nét chữ nhỏ mà tiêu phóng như dàn trải cho đời bao ước mơ thầm lặng ...

“Khi người ta ném viên sỏi vào nước dù rất nhỏ, nó cũng tạo nên vài gợn sóng. Khi đã gieo vào lòng mình chút duyên lành, nó cũng sẽ kết tinh nên những hạt mầm tươi đẹp cho sự sống muôn đời tiếp nối.”

Một lần thầy giảng cho con bé nghe về dòng suối thanh lương có thể rửa hết muộn phiền đau khổ. Thầy nói câu ấy và con bé ghi nhớ. Rồi nó đọc lại cho người tạo cây cảnh khu vườn viết thư pháp lên gỗ. Khi con bé mất, thầy đặt mảnh gỗ thay cho mộ bia tưởng niệm. Con bé ra đi lặng lẽ với cõi lòng mãn nguyện. Cuối cùng nó cũng nhận chân ra được chân lý cuộc sống. Nó không còn cô độc giữa đời, cũng không có gì lưu luyến hay giận hờn phiền trách. Thầy hay kể cho nó nghe chuyện cậu bé nhà nghèo cúng nắm đất cho Phật mà được vô lượng phước điền về sau …

“Dù nghiệp duyên con phải trả trong kiếp này. Nhưng con vẫn còn đó chút căn lành là được gần gũi quý thầy lại thích nghe Pháp. Hơn nữa con cũng biết tạo công đức cúng dường khi đem rải sỏi quanh tịnh thất của thầy. Sau này dù sanh ra ở đâu con đều được an lành với phước báo đã tu tạo.”

Thiện Duyên là pháp danh thầy đặt cho Sỏi Trắng. Tâm hồn con bé từ một dòng suối khô cạn, bỗng gặp được duyên lành, để từ đó bao mạch nước trong xanh lại dạt dào tuôn chảy.

... Sỏi Trắng không quá ngu ngơ như thầy nghĩ. Cuộc sống cô độc giữa rừng xanh, sự xa lánh của con người làm cho nó e ngại cả khi nghe tiếng lá cây xào xạc. Cha mẹ Sỏi Trắng cùng mắc chứng bệnh phong nên bị người trong bản làng xua đuổi. Họ trôi dạt về ngọn đồi khô cằn này sống lẻ loi xa cách. Dân ở đây không quá kỳ thị, nhưng người ta vẫn tránh đến gần. Khi họ mất, dân làng đến lo chôn cất. Tuy vậy, không ai muốn lãnh nuôi đứa bé. Không còn người thân, Sỏi Trắng chỉ biết sống âm thầm bên ngách cửa rừng với chút ít lương thực mà người trong làng mang đến. Khi con bé ra đời, cha mẹ nó ắt hẳn đã nhìn những viên sỏi nhỏ xinh xinh bên bờ suối mà gọi tên con ...

Thầy sẽ mở một trạm xá cứu chữa chăm sóc cho người bệnh. Trước mắt là cho con bé Sỏi Trắng. - Thầy nói với dân làng như vậy. Sau đó thầy đến bên bờ suối chặt cây đốn tre dựng lên một am thất nhỏ. Hằng ngày Sỏi Trắng vẫn thích làm công việc của mình là quanh quẩn bên bờ suối lượm sỏi đem rải quanh ngôi tịnh thất mới. Mỗi sáng sau khi xả thiền, thầy cũng xuống suối nạo vét đem sỏi lên trải đường. Bao lần đứng nhìn con suối cạn, lòng thầy cứ băn khoăn suy nghĩ. Thầy thường đi sâu vào trong rừng tìm cỏ thuốc. Và rồi một hôm lòng nhiệt thành của thầy cũng được đền đáp khi phát hiện ra thác nước ở tận rẻo núi cao. Thầy nhận ra đây là nguồn nước từng đổ về dòng suối cạn. Do mưa bão lớn lấp đá ngăn mất đầu nguồn, từ đó mà dòng suối bị tắc nghẽn.

“Bồ Tát cùng Chư Thiện thần sẽ bổ xứ cho đệ đến một nơi nào đó để hoằng pháp” - Ngày trước khi nghe mấy sư huynh nói vậy thầy chỉ cười. Phật bổ xứ chắc cũng có ngoại lệ. Xưa nay thầy quen việc đến đi trong cõi tạm. Đâu đâu cũng chỉ dừng chân ít lâu. Có khi tĩnh tọa tham thiền, có lúc ngao du sơn thủy. Đời tu sĩ thích trải lòng cùng sông núi thiên nhiên, thầy chẳng quan tâm hay vướng bận một nơi nào. Vậy mà gió mưa không lay chuyển nổi tảng đá giữa trời xanh, nhưng khe suối cạn nơi heo hút đã làm chùn bước chân đời du phương ẩn sĩ.

Vũ trụ bao la nên ẩn chứa bao điều kỳ diệu. Câu chuyện về con suối cạn đã thông thương dòng chảy không chỉ mang lại sự sống cho người dân quanh vùng, mà cũng thắp lên ngọn lửa về niềm tin chơn lý đạo mầu. Mang ơn người tìm ra dòng nước trong lành, lại ghi nhớ công đức người khai sáng nguồn tâm, từ đó dân lành sống hòa thuận yên vui thấm tình đạo vị. Thầy đã lấy nơi đây làm trụ xứ hành đạo. Người đã làm nhiều điều lợi ích dân sinh, nhưng lại không thể cứu chữa căn bệnh nan y cho Sỏi Trắng. Người đệ tử đầu tiên được thầy quy y. Cỏ dại đã theo về cùng đất lạnh, nhưng hạt giống lành vẫn không ngừng tăng trưởng. Con đường Sỏi Trắng, ngọn đồi Thiện Duyên ... là những tên gọi thân tình mà bao người dành cho cô bé. Những đứa trẻ mồ côi, những người bệnh tật neo đơn cũng đã có một nơi chăm sóc an dưỡng.

Bên dòng suối thanh lương, nguồn mưa pháp vẫn dạt dào tuôn chảy.

Thiên thu là những gì khoảnh khắc

- Nguyễn Phi Nguyện



Cuộc lữ trăm năm kể cũng dài
Nhưng rồi không quá một tầm tay
Thiên thu là những gì khoảnh khắc
Chợt mất chợt còn như gió bay

Phật ở nơi nao ?

- Trích “Năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình yên” | Bạch Lạc Mai



“Phật ở nơi nao ?”

Giữa chốn đồng không mông quạnh cỏ cây tàn tạ, một ngọn cỏ xanh non là Phật. Giữa đêm tuyết im lìm không tiếng động, một chậu than hồng là Phật. Giữa sông bể mênh mang vô bờ, một chiếc thuyền con là Phật. Giữa sắc màu đan xen rối rắm, đơn sơ là Phật. Giữa ngày tháng loạn lạc huyên náo, bình an là Phật.


“Gặp Phật khi nào ?”

Trong năm tháng đợi chờ hoa nở, giữa phù hoa giữ sự đơn thuần, trong phồn tạp tĩnh tâm dưỡng tính, sẽ có thể gặp Phật.

Những cõi mù trong ta

- Thích Tánh Tuệ



Khi cưu mang lòng ích kỷ
Là lúc mắt ta mù lòa
Không thấy nhu cầu, quyền lợi
Bao người trên dưới, gần xa

Khi mang một hồn vô cảm
Ta mù giữa lúc bình minh
Làm tổn thương người và vật
Thờ ơ, chẳng chút giật mình

Lúc ta ôm niềm tự phụ
Mù trước đức độ, tài ba
Ảo tưởng “ta là vũ trụ”
Người trí trông mà xót xa

Bẩm sinh mắt lòng ta sáng
Hôm nao kiêu mạn hóa mù
Khuyết điểm đời mình đâu thấy
Chuyện người rõ suốt thiên thu

Ta lạc giữa rừng thành kiến
Chẳng biết đâu là lối ra
Vì con mắt mù, phiến diện
Trước sự thật vẫn đang là

Đôi khi chỉ vì nông cạn
Ta hay lên án mọi người
Từ đó không ai bầu bạn
Ta quờ quạng ... giữa đơn côi

Lắm khi nhịp đời hối hả
Ta mù vẻ đẹp chung quanh
Kiếp đời xoay xoay con vụ
Cô phụ nắng vàng, biển xanh

Xuôi dòng văn minh, vật chất
Trôi theo nhịp sống mịt mờ
Tâm linh, điều thiêng liêng thế
Ta đành bỏ trống hoang sơ

Lũy kiếp tù trong Ngũ Ấm
Chứng mù ta đã trầm kha
Nhờ Phật soi đèn Chánh Kiến
Họa chăng biết ngõ về nhà

Danh ngôn (22)

- F. Mauriac



Một ngày chúng ta không thắp sáng lên ngọn lửa yêu thương, thì sẽ có bao nhiêu người chết vì giá lạnh.

Nỗi đau

- Như Hải

Con người ta sinh ra trên trái đất này là để trải nghiệm tất cả những bài học được-mất, sướng-khổ, buồn-vui, trải nghiệm những điều bất hạnh nhất trên đời, cũng như những giây phút thăng hoa của cuộc sống. Nếu ai đó nói người đó chưa bao giờ bị đau đớn, thì chỉ là người … ngoài hành tinh thôi !



Nỗi đau không bao giờ giống nhau, nhưng có chung một điểm, đó là nó làm cho tâm thức ta như bị “trúng đạn”. Nhưng cũng nhờ đó, ta như người mê, tỉnh ra và biết rõ ta đang đau đớn đến nhường nào. Tính biết trong ta nhờ thế dẫn ta trở lại giây phút hiện tại. Ta trở nên bình tĩnh và suy xét chính xác hơn về nỗi đau của chính mình.

Mình còn nhớ ngày bé khi bị ốm khá nặng. Lúc nằm trên giường nhìn mọi thứ xung quanh cứ như qua lăng kính vàng hoe. Cơ thể mình lúc đấy bồng bềnh như ở hư không. Nhưng cũng lúc ấy mình cảm thấy rất rõ ràng mọi thứ đang xảy đến, này sốt, này mồ hôi, mệt, tim đập thình thịch … Mình cũng từng chứng kiến người cậu ruột của mình bị ung thư gan giai đoạn cuối. Từ ngày biết đến ngày ra đi chỉ khoảng ba tháng. Có những khi đau tới mức cậu phải rên lên khe khẽ, quằn quại trên giường. Cơ thể hồng hào ngày nào teo tóp rất nhanh. Thế nhưng cậu luôn lạc quan và vẫn bông đùa với mọi người. Rồi cậu ra đi thật thanh thản vào một ngày mưa trong bệnh viện. Có lẽ do chấp nhận sự thật, chấp nhận nỗi đau mà người ta có thể vượt qua chính nó một cách dễ dàng.

Cách đây khoảng 35 năm, mình từng chứng kiến anh phụ trách đội của tụi mình đã bạc trắng đầu chỉ sau một đêm vì một trong số học sinh khi ấy bị mất tích dưới suối Hai - Ba Vì.
Mình không thể nào quên được hình ảnh ấy của anh. Chỉ sau một đêm thôi con người ta có thể bị nỗi đau làm biến dạng nhanh đến như vậy đấy !

Một cô gái khác mình quen thì chỉ vì thất tình, cứ héo hon, gầy mòn. Dù được gia đình tận tình chạy chữa, bao người khuyên răn, cô gái ấy đã ra đi vào một ngày buồn bã, trong tâm trạng thật buồn bã. Nỗi đau ấy hẳn quá sức chịu đựng của cô và cô chọn cái chết thay vì sống tiếp.

Chẳng ai chọn cho mình được quyền sinh ra trên cõi đời này, nhưng ai cũng có quyền chọn cho mình sẽ sống ra sao, sống như thế nào. Cuộc sống này ngắn ngủi và có vô vàn bài học đến với chúng ta. Thì, đớn đau chính là bài học tốt nhất của cuộc sống. Vì khi con người sung sướng ít khi họ học ra bài học lắm, vì họ còn đang say sưa trong hạnh phúc. Chỉ trong đau khổ, khó khăn, trở ngại, khi con người “bất toàn”, “bất an”, “bất hạnh” … thì mới giúp họ “giác ngộ”. Giác ngộ là thấy ra bản chất thực của nỗi đau ấy để nỗi đau được gọi tên, thế thôi.

Nỗi đau thể xác hay tinh thần đều là nỗi đau. Nỗi đau thể xác là có thực còn nỗi đau tinh thần là huyễn ảo, nó phụ thuộc vào những hư cấu của tâm trí chúng ta.

Hoà thượng Viên Minh kể một ví dụ cho trường hợp này như sau:

- “Một người bị một cú đấm bất ngờ từ sau lưng. Người đó cảm thấy rất đau nơi vai. Nếu xét theo cơ học thì cú đấm ấy có độ công phá khoảng 1/2kg, khiến vai tê chùng xuống. Các tế bào truyền tin lên não rất nhanh và ta cảm nhận được sự đau. Như vậy nỗi đau cơ thể là có thực, rõ ràng, cân đong đo đếm chính xác. Thế nhưng, nếu quay người lại người đó thấy người đánh mình là kẻ thù của mình, thì sức công phá không còn là 1/2kg nữa, mà lúc này có thể nặng đến … ngàn ký, khiến họ trở nên giận dữ, căm thù và làm nỗi đau trở nên ghê gớm hơn. Ngược lại, nếu người đánh là ... một cô nàng mà mình yêu mến, thì 1/2kg cơ học đó sẽ chỉ còn … nhẹ như bông hồng.
Có khi ta còn chìa vai cho nàng đánh thêm.”


Thế đó. Nỗi đau tâm lý luôn là không thực, bạn à. Chẳng qua nó bị tâm trí và những thói quen quá khứ của chúng ta hư cấu, đẩy nó thêm cao độ. Đã biết thì sẽ làm được. Nỗi đau cơ thể thì chữa chạy thôi, không thay đổi được, nhưng nỗi đau tinh thần thì có thể thay đổi hoàn toàn. Khi hiểu được nó bạn sẽ không bị nó chi phối nữa. Tất cả các Đạo nhất là Đạo Phật từ xưa tới nay đều nói về sự đau khổ tinh thần này.

Mình thích câu này của Nguyễn Duy Nhiên: “... đôi lúc nhờ lối đi xưa bị che lấp mà ta chợt thấy được con đường mới. Nhờ có những khổ đau mà mình tìm lại được sự thong dong …” Nói thì dễ, làm mới khó, nhưng nhận thức đúng sẽ làm đúng được, phải không ? Chúc bạn và mình - chúng ta luôn tỉnh thức để biêt rõ bản chất của nỗi đau nào ta đang mang, và để vượt qua nó với sự chấp nhận sự thật một cách bình thản nhất nhé.

Như lòng Bụt thương

- Thích Tánh Tuệ

Thân thiết quá dễ trở nên nhàm chán
Dễ buông lời ... ngao ngán cõi lòng nhau
Nếu trân kính như buổi vừa kết bạn
Dù xa xôi ... vẫn đẹp thuở ban đầu

Quan tâm quá dễ trở nên ràng buộc
Rồi xây thành giam nhốt kẻ mình thương
Khi ta hiểu người ta thương cùng tột
Đâu trói người chết ngột bởi tơ vương

Yêu thương quá có khi lòng đau đớn
Bởi tình đời như nắng sớm sương tan
Trong hội ngộ đã ươm sầu chia biệt
Nọ người dưng, sao lệ nhỏ hai hàng

Sâu đậm quá rồi có khi nhòa nhạt
Kẻ khóc nhiều đôi lúc lại mau quên
Không gắn bó, không trách đời đen bạc
Xót xa này ai trót dệt thành tên

Nên hãy sống mở lòng thương như Bụt
Trí và Bi như lượng nước sông Hằng
Tình hạn lượng dắt ta vào ngõ cụt
Với Tâm Từ, vui giải thoát lâng lâng ...



Có hay không một cái tôi ?

- Nguyễn Duy Nhiên

Đức Phật thường rất thận trọng mỗi khi Ngài trả lời cho ai một điều gì, phương cách trả lời của Phật là làm sao giúp cho người nghe được giác ngộ.

Có những câu hỏi Phật trả lời chung cho tất cả, nếu đó là một vấn đề phổ quát có thể áp dụng cho mọi người. Có những câu Phật trả lời bằng cách phân tích, định nghĩa những danh tự rõ ràng, trước khi Ngài giải thích. Cũng có những trường hợp Phật giải đáp bằng cách đặt câu hỏi ngược lại, để làm sáng tỏ vấn đề trong tâm của người hỏi. Và nếu như Phật thấy câu hỏi nêu ra chỉ tạo thêm sự vướng mắc, làm trở ngại cho sự tu tập của người nghe, thì Phật thinh lặng và không trả lời.




● Tháo gỡ chứ không trói buộc thêm

Một trong những đức tính về giáo pháp của Phật là thiết thực hiện tại. Nó có nghĩa là những câu trả lời hay lời dạy của Phật, đều có thể chứng nghiệm được ngay trong bây giờ và ở đây, chứ đó không phải là một khái niệm hay lý thuyết mà ta cần phải lý luận hoặc tìm hiểu xa xôi. Những lời Phật dạy thường có một mục đích là giúp cho người nghe tháo gỡ một cái gì đó còn đang bị vướng mắc, bằng cách giúp họ quay trở lại để tiếp xúc với thực tại, có mặt trọn vẹn với những gì đang xảy ra.

Nhưng nhiều khi trên con đường tu học, chúng ta lại vô tình biến những lời dạy cụ thể ấy trở thành một khái niệm, để rồi lý luận, tìm kiếm một sự giải thích nào đó bên ngoài. Thay vì buông bỏ, ta lại vô tình trói buộc thêm vào bằng những sở tri, những ý niệm không cần thiết, mà đôi khi lại còn làm ngăn ngại cho việc chuyển hóa những khó khăn của mình.

● Giáo lý không phải là ý niệm

Và thật ra, những giáo lý sâu sắc về vô ngã, vô thường hay tánh không, cũng chỉ có một mục đích duy nhất ấy thôi, giúp ta tháo gỡ bớt đi những dính mắc của mình,
chứ chúng không phải là những ý niệm để ta suy luận hay tìm hiểu.

Có lần thầy Thanissaro Bhikkhu nói về giáo lý vô ngã (not-self). Thầy đặt ra vấn đề là, Đức Phật có bao giờ nói rằng chúng ta không có một cái tôi chăng ? Theo thầy Thanissaro thì thật ra Phật không hề xác định hay phủ nhận rằng chúng ta có hay không có một cái tôi. Vì vô ngã không phải là một ý niệm để ta tìm hiểu, suy đoán hay tranh luận, mà đó là một phương tiện một công cụ giúp ta tháo gỡ ra những dính mắc để chuyển hóa khổ đau.

Trên con đường tu học, chúng ta đừng quên tính cách cụ thể của lời Phật dạy, mà có thể vô tình biến chúng trở thành những sở tri, những trói buộc mới khác, bằng sự suy luận hay lời giải thích có giới hạn của mình. Xin gửi bạn những chia sẻ của Thầy Thanissaro về vấn đề có hay không có một cái tôi.

● “Ta cũng chưa bao giờ nói như thế !”

Khi đạo sĩ Vacchagotta hỏi thẳng Đức Phật rằng có một cái tôi hay không - is there a self - Phật im lặng và không trả lời. Sự thinh lặng ấy của Phật có nghĩa là không có một câu trả lời nào giúp ích được cho người hỏi.
Và sau này Phật có giải thích cho Annanda rằng, nếu như Ngài có trả lời là có hay không gì đi chăng nữa, cũng chỉ khiến cho người hỏi bị kẹt vào hai thái cực của một cái thấy sai lầm mà thôi (Samyutta Nikaya 44.10).

Có người cho rằng, sở dĩ Đức Phật không trả lời với Vacchagotta rằng “không có một cái tôi”, là vì anh ta cũng sẽ không thể nào hiểu được. Nhưng thật ra trong Kinh, Đức Phật cũng đã khuyên các thầy hãy tránh tranh luận về những vấn đề như là “Tôi là ai” “Tôi có hiện hữu không ?”, vì chúng sẽ dẫn đến những câu trả lời như là “Tôi có tự ngã” và “Tôi không có tự ngã”, “I have a self” and “I have no self”, và cả hai đều là một cái thấy sai lầm, cái thấy trói buộc và chúng là những lý luận vô ích (Majjhima Nikaya 2), chỉ làm trở ngại và khiến cho ta không thấy được sự thật mà thôi.

● Bắt đầu từ những sự tranh luận

Nhưng nếu thế thì tại sao ngày nay chúng ta lại thường gán cho Đức Phật đã dạy rằng, không có một tự ngã, there is no self ?

Tôi nghĩ có lẽ vấn đề phát xuất từ một nền văn hóa ưa chuộng tranh luận của Ấn độ. Ngày xưa các giáo sĩ thường hay tổ chức những cuộc tranh luận công cộng về các vấn đề “nóng bỏng”, với mục đích thu hút tín đồ, và tìm sự ủng hộ của các bậc vua chúa. Và Đức Phật thì luôn nhắc nhở các đệ tử mình đừng bao giờ tham dự vào những cuộc tranh luận này (Sutta Nipata 4.8), vì trong những cuộc tranh luận ấy ta không thể nào được phép im lặng.

Thế hệ sau thời Đức Phật, các thầy vì bị vướng vào những sự tranh luận này với các trường phái khác, nên phải đặt ra một câu trả lời nhất định cho câu hỏi về việc có hay không có một cái tôi. Luận Sự (Kathavatthu) là một bộ luận đầu tiên mà chúng ta biết, có đề cập đến câu trả lời “không” cho vấn đề tự ngã này. Và về sau, những tác phẩm lớn khác như là Cuộc đời Đức Phật (Buddha Charita) và Mi Tiên Vấn đáp (Milinda Panha), được sáng tác vào thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, đã đặt cái “không” này vào tâm điểm giáo lý của Đức Phật.

Và ngày nay, chúng ta lại còn cộng thêm vào những suy luận riêng của mình để trả lời cho câu hỏi ấy, ví dụ như là mặc dù tuy ta không có một cái tôi riêng biệt, nhưng ta có một cái tôi vũ trụ rộng lớn (a cosmic self). Nhưng thật ra, đây lại là một quan niệm mà Đức Phật hoàn toàn bác bỏ và chê trách trong bài Kinh ví dụ về người bắt rắn (Alagaddupama Sutta).

● Một công cụ giúp cho sự giải thoát

“Không có một cái tôi” không phải là lời dạy của Phật. Nhưng sở dĩ nó vẫn còn tồn tại đến hôm nay là vì lời tuyên bố ấy cũng tương tợ với giáo lý vô ngã, anatta, (not-self).

Vô ngã là một trong những công cụ, phương tiện, Đức Phật dùng để giúp ta buông bỏ những dính mắc của mình. Vì mặc dù Đức Phật không hề xác định hay phủ nhận về sự có mặt của một cái tôi,
nhưng Ngài có nói đến cái tiến trình mà tâm ta tạo nên cái cảm nhận về một cái ta ảo tưởng, khi nó đeo đuổi chạy theo những tham ái.

Nói một cách khác, Đức Phật chỉ chú trọng về cái nghiệp quả tạo nên từ sự thành hình của một cái tôi ảo tưởng ấy, vì sự tham ái, nắm bắt ... mới chính là nguyên nhân của khổ đau. Và cũng vì trong bất cứ một cảm nhận nào của một cái tôi cũng có sự nắm bắt, nên Phật khuyên chúng ta sử dụng ý niệm vô ngã như là một phương cách để tháo gỡ ra sự dính mắc ấy.

Mỗi khi ta thấy mình bị gắn liền vào một cái gì đó khổ đau và biến đổi, bạn hãy tự nhắc nhở mình rằng nó là vô ngã, và nó không đáng để cho ta bám víu, không đáng cho ta nhận đó là mình (Samyutta Nikaya 22.59). Điều ấy sẽ giúp ta buông bỏ. Và khi ta thực hiện điều ấy một cách trọn vẹn, nó có thể dẫn ta đến sự giải thoát.

● Vô ngã là giáo lý về sự buông bỏ



Hiểu như vậy thì ta thấy rõ rằng giáo lý vô ngã (not-self) là một câu trả lời – nhưng không phải cho câu hỏi về có một cái tôi hay không có một cái tôi, nhưng cho một câu hỏi mà Đức Phật cho rằng trọng yếu nhất trên con đường tu tập “Những việc nào tôi làm sẽ mang đến một lợi ích và hạnh phúc lâu dài ?” (Majjhima Nikaya 135). Và ta sẽ tìm thấy một hạnh phúc chân thật lâu dài bằng sự buông bỏ.

Trên con đường tu tập, chúng ta áp dụng ý niệm về vô ngã đối với những gì đang lôi kéo ta đi lạc lối, để biết quay trở lại. Nhưng nếu như ta không còn bị vướng mắc nữa, thì ta cũng đâu cần đến ý niệm về ngã (self) hay vô ngã (not-self) nữa làm gì ? Vì câu hỏi ấy không hề cần thiết, khi ta đã hoàn toàn giải thoát và có được hạnh phúc thật sự.

Thật ra tin chấp vào không có một cái tôi cũng có thể là một trở ngại cho sự giải thoát. Như Phật có dạy rằng, quán chiếu về vô ngã có thể dẫn đến một cảm nhận về sự trống không (MN 106). Và nếu như mục đích tu học của ta là để đi chối bỏ một cái tôi, thì ta có thể nhận lầm cái cảm nhận về sự trống không ấy chính là sự giác ngộ, và cho rằng mình đã đi đến cuối đường. Nhưng Phật nhắc nhở ta rằng, trong sự trống không ấy vẫn có thể còn những sự dính mắc vi tế. Mà nếu như ta đã cho rằng mình đã đến nơi rồi, thì ta sẽ không còn nhìn thấy chúng nữa. Và nếu như không thấy được thì ta sẽ không thể nào buông bỏ được.

Vì vậy cho nên, ta cần nên nhớ rõ giáo lý vô ngã là để giúp cho ta trả lời những câu hỏi nào, và không phải để giải thích cho vấn đề nào. Hiểu được như vậy, ta sẽ thấy rõ ràng được sự khác biệt giữa thế nào là một sự giải thoát thật sự, và thế nào là vẫn còn bị trói buộc.

Mấy độ nhân gian

- Thích Tánh Tuệ



Gạn hỏi lòng mình thực tỉnh chưa
Hay hoài dan díu với dây dưa
Nụ cười Linh Thứu nghìn năm vẫn
Chỉ tại trần tâm cứ ... lững lờ

Gạn hỏi mùa thu mấy tuổi rồi
Lá vàng mấy độ lặng thầm rơi
Ai đi hun hút phương trời mộng
Sáu nẻo trầm luân có rã rời

Gạn hỏi dòng sông chạnh nhớ nguồn
Với mây hiền hậu ngủ đầu non
Nghìn trùng lưu thủy sông còn nhớ
Hay cách xa lòng ... quên sắt son

Gạn hỏi con đường chạy mãi đâu
Có nhớ nguyên lai thuở bắt đầu
Gót chân phiêu lãng mờ nhân ảnh
Cố quán xa, chìm trong bể dâu

Gạn hỏi hoa Tường Vi trước sân
Nở, tàn ... sao dạ khách bâng khuâng
Có gã thi nhân lòng mê muội
Lưu lạc thiên thu với lục trần

Gạn hỏi từ nay chuyện tử sinh
Thắp hồn say mộng ... một câu Kinh
Hay là vẫn thói đời du tử
Ưa thú đau thương, kiếp gập ghềnh

Thôi, đừng gạn hỏi thêm chi nữa
Ai về, ai ở, chẳng ai trông
Nhân gian như thị từ muôn thuở
Kìa mảnh thuyền trôi giữa Sắc - Không

CHO và NHẬN

- Sưu tầm

Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên “người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh.

Trên đường đi, hai người bắt gặp một đôi giày cũ nằm giữa đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở một cánh đồng gần bên, có lẽ ông ta đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình. Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư:

- Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu giày của ông ta rồi thầy và em cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi không tìm thấy đôi giày.

Vị giáo sư ngăn lại:

- Này, anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãy đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng ông ta ra sao.

Người sinh viên làm như lời vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó. Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày. Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quỳ xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một món quà đúng lúc, cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn, người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.

Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng:

- Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không ?

Người thanh niên trả lời:

- Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu: “Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về !”


● ● ●

Đôi khi bạn thấy cuộc đời này thật bất công. Bạn đã cho đi quá nhiều mà không nhận lại được bao nhiêu … Vấn đề thực ra rất đơn giản. Khi bạn cho đi là bạn đã nhận được rất nhiều hơn thế, đó là niềm vui vô hình mà bạn không chạm vào được.

Bạn thắc mắc rằng tại sao khi người khác buồn thì bạn luôn ở bên cạnh họ để xoa dịu vết thương cho họ, rồi đến khi họ tìm lại được niềm vui thì họ sẽ lại quên bạn. Bạn ạ, cuộc đời này là một vòng tròn. Thật ra không có sự bất công nào đối với bạn ở đây hết. Có hay chăng sự nhận lại từ người khác chỉ là đến với bạn sớm hay muộn mà thôi.
Và cái quan trọng là bạn có mở rộng lòng mình để nhận nó hay không ?

Tất cả chúng ta sinh ra và tồn tại trên đời này đều mắc nợ nhau. Cho đi, nhận lại, là hình thức luân phiên để trả nợ lẫn nhau. Khi bạn cho đi những điều tốt đẹp thì bạn sẽ được sự bình yên trong tâm hồn. Bạn phải hiểu rằng cho đi không có nghĩa là sự toan tính ở đây. Bạn càng toan tính thì bạn lại càng cảm thấy bị dồn nén, bạn cho đi mà tâm bạn không tịnh. Khi ấy bạn vừa phải cho mà vừa không được nhận niềm vui vô hình từ chính bản thân cái cho đi của bạn.

Tất cả mọi thứ chúng ta làm cho nhau đều có sự vay trả. Đôi khi là sự vay trả hữu hình, và đôi khi cũng là một sự vay trả vô hình. Mỗi người chúng ta quen biết nhau, yêu nhau, ghét nhau … âu cũng là cái duyên. Có duyên mới có những xúc cảm đó. Cái duyên ban đầu là do trời định, nhưng để gắn bó lâu dài, muốn biến cái duyên ấy thành tình yêu thương là do chúng ta quyết định, nhờ vào cái cho đi của mỗi người. Nhưng bạn nên nhớ, trong tình yêu không có sự trông mong được nhận lại, bởi tình yêu luôn là một thứ điều luật không công bằng của trái tim, không có định nghĩa cũng chẳng có lí lẽ. Có hay chăng một là bạn nhận được hạnh phúc, không thì bạn nhận chịu sự đau khổ. Tất cả đều trong một vòng tròn lẩn quẩn.

Nhưng dù biết đôi khi cuộc sống không được như ý muốn của chúng ta, bạn hãy cứ cho đi. Cho đi là bạn đã tự yêu thương lấy chính bản thân mình. Bạn đã hòa vào dòng chảy của cuộc sống, của đời người.

Đời người như một dòng sông, nhưng cuộc sống hòa tan với thời gian, luôn trôi đi và không ngừng đổi mới, mãi biến chuyển mà muôn đời vẫn thế. Tất cả dòng sông rồi sẽ đi về biển, từ biển bao la sẽ rót vào những con sông mênh mang tràn đầy. Mạch luân lưu không ngơi nghỉ ấy là cuộc sống.

Sẽ không bao giờ có cái chết, vì nơi tận cùng cũng là khởi thủy cho những mầm sống mới, con người mới cưu mang trong mình nghiệp cũ của tiền kiếp.

Danh ngôn (21)

- H. Baizac



Cảnh khổ, sự thất bại ... là một nấc thang cho bậc anh tài, một kho tàng cho người thông minh, và là một vực thẳm cho kẻ yếu hèn.

Đời này chỉ là kiếp cuối cùng

- ( Trích “Năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình yên”Bạch Lạc Mai – Lục Bích dịch)

Dựa vào một khung cửa sổ nho nhỏ, ngắm vài cổ vật bình thường, nhàn nhã nơi đình viện. Trên bàn, ngọn gió mát lật giở trang sách, dấu chữ chẳng nhận ra nổi là của triều đại nào. Thời gian cứ thế trôi đi, trôi đi. Đến nay mới hiểu, gió mây của thế giới bên ngoài chỉ là nhất thời, những sự vật đơn giản thuần khiết mà linh thiêng đó trải qua biến chuyển của năm tháng, trước sau trầm tĩnh, không bị quấy rầy.

Hết thảy chúng sinh hữu tình đều có Phật tính. Có thể thấy những cảnh, vật nhỏ nhoi trong ngày thường đó, tu hành trong một xó xỉnh chẳng ai hỏi tới. Chỉ vì thiếu đi sự mài sắc đao quang kiếm ảnh của thế tục, thiếu đi sự nung nấu nước sôi lửa bỏng của hồng trần, cho nên không bộc lộ quá sắc sảo, ngược lại càng thấy từ tâm.
Kiếp sau, những vật có linh tính sẽ hóa thành hoa sen, chắc chắn là cực phẩm. Mà tôi, bản thân ở giữa phàm trần bận bịu, lại phải tu luyện thêm vài kiếp, mới có thể công đức viên mãn.

Ngẫu nhiên đọc được một câu như thế này: “Đời này nên là kiếp cuối. Khi trở lại, chân bước trên hoa sen.” Người nói câu này là ai đã không thể biết được, nhưng có thể thấy rằng người đó đạo tâm kiên định, thề đoạn tuyệt qua lại với cõi trần. Trên con đường dưới ánh nắng ngột ngạt, chúng sinh đều sợ hãi phải chịu luân hồi vô thường, không muốn đi theo vết xe đổ. Chúng sinh vô số, có một ngày đều phải tan biến trong biển người mênh mông, họ thực sự có thể tùy tâm nguyện lựa chọn chốn về của mình hay không ?

Thời gian càng dài, lòng người càng nhạt. Từng nói người cùng sống chết, đến cuối cùng già chết đi, không còn qua lại. Năm tháng là kẻ cướp, luôn vô tình đánh cắp rất nhiều dung nhan xinh đẹp, tình cảm chân thành và cuộc sống hạnh phúc. Có lẽ chúng ta không có cách nào để coi như không thấy, nhưng cũng không cần đối địch với nhau. Rốt cuộc ai cũng đều đã có những năm tháng như hoa tươi trăng tròn, khi đó nên chuẩn bị sẵn sàng, bởi sẽ có một ngày bị cướp sạch sành sanh.

Cuộc đời mỗi người đều có vài lần kiếp số, duy chỉ có trải hết trần kiếp, mới có thể rời xa Đại Thiên thế giới, tránh khỏi nỗi khổ trầm luân. Sinh mệnh là một hành trình không thể đoán định, cho dù tôi và bạn đi đến cảnh ngộ không thể thay đổi thì cũng nên bình tĩnh ung dung. Mỗi một lần không như ý, mỗi một việc trái với tâm nguyện, kỳ thực đều có kết cục không thể dự đoán. Gió cuốn theo mây, liễu tối hoa sáng chính là như thế.

Hồng tụ thêm hương, tình sâu chẳng bền. Sớm biết thế này, nhưng vẫn có kẻ trước người sau tiếp tục lũ lượt lao xuống biển tình cuồn cuộn, không hỏi về đâu. Là chúng ta muốn quá nhiều thứ, hay trong sinh mệnh mỗi con người đều có một đoạn hoặc vài đoạn hành trình cần phải đi qua như thế ? Nhìn quen trăng thu gió xuân, sao có thể để tâm chuyện đổi thay của tự nhiên hỗn tạp. Nếm tận buồn vui ly hợp, sao có thể dễ dàng bị tình cảm nào đó làm lung lay.

Nhân sinh trăm vị, thế sự sâu xa. Kinh Phật dạy: “Giác tri đa dục bi khổ. Sinh tử bì lao, tòng tham dục khởi, thiểu dục vô vị, thân tâm tự tại.” (Tạm dịch: Biết được nhiều ham muốn là khổ. Sinh tử mệt mỏi, ham muốn trỗi dậy cùng với lòng tham. Bớt ham muốn vô vị, thì thân và tâm đều tự tại) Thân ở thế tục phồn hoa, quá nhiều mê hoặc khiến con người khó cự tuyệt. Có bao nhiêu người có thể vứt bỏ gạo ngọc rau vàng mà uống trà trong ăn cơm nhạt. Cùng đi giữa thế gian, có những người phải nếm hết khói lửa phố chợ mới chịu thôi, có những người lòng đã sớm quay về chốn sơn lâm, nguyện vui cùng non nước.

Cổ nhân nói: “Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao”, vô cầu tức là không ham muốn, nếu con người mà có thể không ham muốn, nhân phẩm tự nhiên sẽ cao thượng, mà khổ não cũng sẽ tự tiêu tan. Nhưng có thể làm được một người “không ham không muốn”, há phải kẻ tầm thường sao ? Tu luyện giữa nhân gian đầy gió bụi bao phủ, có người mê đắm phong cảnh hoa lệ tuyệt mỹ, có người chỉ yêu vật cổ như đã từng quen biết. Trái tim rộng lớn như bể nên dùng gì để lấp đầy, những vật chất tầm thường hay là tinh thần, liệu có đủ không ?

Phật nói, phiền não tức bồ đề, sinh tử tức Niết Bàn. Mỗi con người đều có một hòn đá Tam Sinh thuộc về chính mình, ở đó có thể nhìn rõ đời này kiếp trước của mình. Những con người đã từng bôn tẩu trên con đường hồng trần vì thế mà tỉnh ngộ, quyết ý tin vào nhân quả, không còn tranh danh đoạt lợi nữa. Họ nguyện ý hóa thành một thân cây, lặng lẽ tồn tại giữa núi sông ngàn kiếp, từ đó im hơi lặng tiếng.

Bắt đầu từ bây giờ, cùng tu luyện với sinh linh vạn vật. Cho dù quá trình dài đến bao lâu, cho dù thời gian có nhạt nhẽo vô vị hay không, đều kiên định giữ gìn, hững hờ trước buồn vui, trân trọng sinh mệnh, cảm tạ chúng sinh. Phật pháp không có nông sâu, nông sâu chính là lòng người. Phật Đà không có yêu hận, yêu hận chính là phàm nhân. Trang nghiêm xuất thế, tự nhiên lánh trần. Bất cứ tham niệm và nông nỗi nào đều do tu vi của bản thân chưa đủ.

Quá trình là gì ? Quá trình là uống hết nước của ngàn con sông, nếm đủ trăng sáng của vạn cổ, đọc một cuốn sách ẩm hơi nước, ôn lại mấy câu chuyện xưa cũ, diễn dịch một hồi ly hợp định mệnh. Hành trình đơn sơ, đi giữa thế gian ngắm cò trắng làm kinh động cành cây, hoa rơi đầy mình, duy có Linh Sơn là đường về. Một người khai ngộ không phải vì có gia sản giàu có, không phải có vì tư tưởng sâu sắc, cũng không phải vì có tài năng xuất chúng, mà vì có cơ duyên huyền diệu, có thiền tâm chất phát. Một người nhận biết tự nhiên, trân trọng sinh mệnh, tất sẽ được chứng ngộ trước tiên.

Vừa đi vừa ngâm vịnh non nước, một giấc tới tận ngàn năm. Từng ngắm muôn hồng ngàn tía, oanh liệng én chao, lại thấy gió trúc luồn sân, sen xanh thơm ngát. Từng ngắm chiều buông cò lẻ bóng, nước thu sắc trời, lại thấy tuyết trắng tung bay, hàn mai cao ngạo. Trong đó có không ít khung cảnh thanh vắng cô quạnh, cũng không hiếm khoảnh khắc thân mật ấm nồng. Thời gian cứ già đi, già đi như thế. Tôi và bạn khi đó đã gạn lọc hết phù hoa, chỉ giữ lại một khung cửa sổ nho nhỏ, ngắm đình viện cổ xưa, mưa bay hoa rụng. Ngoài xa, tiếng chuông bảng lảng, quanh năm lánh đời.

Phật nói: “Dục đắc tịnh thổ, đương tịnh kỳ tâm, tùy kỳ tâm tịnh, tức Phật thổ tịnh. Thánh nhân cầu tâm bất cầu Phật, ngu nhân cầu Phật bất cầu tâm, trí giả điều tâm - tâm bất điều thân, ngu giả điều thân bất điều tâm.” (Tạm dịch: Muốn được tịnh thổ, phải tịnh tâm mình, tâm mình tịnh rồi, đó là Phật thổ tịnh. Thánh nhân cầu tâm chẳng cầu Phật, người ngu cầu Phật chẳng cầu tâm, người trí điều hòa tâm chẳng điều chỉnh thân, kẻ ngu điều chỉnh thân chẳng điều hòa tâm). Có thể thấy chỉ cần có một Thiền tâm bình hòa yên tĩnh, là có thể quét sạch hết thảy gió mây vần vũ, chìm nổi lận đận của thế gian. Có thể thấu tỏ hết thảy sự vật nhạy bén, cho dù thân ở giữa nơi đồng hoang mênh mang cũng không lầm vào đường rẽ, rơi vào mê hoặc. Khi chẳng có gì, chỉ giữ cho tâm của minh, tự vui vẻ bình an.

Thiền là cam lộ, nuôi dưỡng chúng sinh là diệu dược, phổ độ vạn vật. Vạn sự trong nhân gian đều là tầm thường, cũng đều là vô thường, chỉ có bỏ qua mới có thể ung dung tự tại, mới có thể thể nghiệm huyền cơ mộng ảo như bong bóng. Năm tháng tựa sương, vầng dương như bay, nhìn núi xa đường đá, đom đóm lóe sáng lập lòe. Lúc trùng phùng, đã là lá rụng núi trống, hạc về tăm không, nhân sinh đã buổi xế chiều.

Một chén trà trong, uống đến khi nguội. Vở kịch một khi đã diễn, sẽ xem tận đến lúc hạ màn. Bài học cần tu cả đời, cũng sẽ viết nên kết cục vào một thời khắc kết thúc nào đó. Phật tin không nói được. Mây nước vô bờ, nhân gian an vui, trên thế gian đáng quý này, bạn đến - ở nơi này, bạn đi - vẫn ở nơi này. Sự tồn tại đó thật giản đơn, vạn vật hóa cát bụi, vui vẻ mà ngợi khen. Kiếp này, cho dù phía trước là bụi vàng lướt bay, hay là nước lặng yên song, thì vẫn cứ đi tiếp như thế. Kiếp sau, hẹn gặp trên đài hoa sen. Bạn rực rỡ vàng son, từ bi hiền hòa. Tôi toàn thân trắng muốt, trang nghiêm tĩnh lặng.