- Minh Niệm
Ai trong chúng ta cũng đều sợ thất bại, vì thất bại có thể làm hao tổn tài sản, năng lực và cả niềm tin hy vọng nữa. Nói chung sự thất bại nào cũng mang lại cảm giác xấu (unpleasant) cả, nhưng tùy vào quan niệm sống và thái độ của mỗi người đối với sự thất bại mà cảm giác xấu ấy sẽ biểu hiện và ảnh hưởng tới mức độ nào.
Nếu ta cho rằng mình sẽ không bao giờ bị thất bại vì tài năng và bản lĩnh có thừa, thậm chí ta rất ghét sự thất bại, ta còn cho rằng thất bại là xấu xa là nhục nhã, nên khi đối đầu với sự thất bại ta sẽ dễ bị chao đảo và ngã quỵ. Nhiều khi sự tổn hại về tài sản và năng lực cũng chẳng là bao, nhưng chính cái kẹt vào danh dự mới làm ta khổ. Ta vừa phải lo thu dọn bao nhiêu thứ tàn dư sau cuộc chiến bại, vừa phải tìm cách ứng phó để giữ gìn sĩ diện. Đó là chưa nói đến sự tưởng tượng của ta về thái độ coi khinh của mọi người khi họ biết ta thất bại, mà chính ta cũng tự vẽ vời thêm thảm cảnh đáng thương của mình trong những ngày sắp tới sống trong thất bại. Chính thái độ ấy đã nhấn cuộc đời ta chìm xuống.
Cũng có khi ta chưa quen thất bại hoặc chưa bao giờ bị thất bại nặng nề như vậy, nên ta rất dễ lúng túng rồi cố bám víu vào mọi thứ. Một người vừa bị mất việc thì tìm kiếm ngay việc khác để làm, một người lỡ tay làm hư một tác phẩm thì vội vàng bắt tay vào tác phẩm mới, một người vừa bị phụ tình thì mau chóng lao tới đối tượng khác để được cảm giác thương yêu. Tất cả những phản ứng sau sự thất bại thường là cố gắng khẳng định cái tôi của mình, vì theo ta nếu không nắm được gì trong tay thì chẳng còn gì là ta nữa. Nhưng phần lớn những gì ta cố bám trong khi đang trải qua sự thất bại đều là lầm lẫn. Ta chỉ đang tìm cách xoa dịu và khỏa lấp sự tổn thương ích kỷ của mình, chứ không phải ta đang có sự đầu tư đúng mức cho đối tượng. Bi kịch thường hay xảy ra trong những lần cảm xúc bùng vỡ như thế, bởi sự chọn lựa không hề có sự soi sáng chín chắn của lý trí.
Nhiều khi ta lại đi tìm cái tôi của mình ngay nơi con đường tâm linh. Đáng lẽ ra những phương pháp thực tập chuyển hóa có thể giúp ta chữa trị và hồi phục rất nhanh chóng, nhưng khi vết thương chưa kịp lành là ta đã vội đặt cho mình những mục tiêu chuyển hóa to tát cần phải đạt được. Ta lầm tưởng đó là thái độ quyết tâm hướng thượng, nhưng thực chất là ta đang củng cố cái tôi yếu đuối của mình. Ta phải làm một điều gì đó để ta thấy được sự tồn tại của mình. Trong tình trạng năng lượng cạn kiệt mà ta lại đặt thêm một tham vọng mới, dù tham vọng ấy được coi là chính đáng đi nữa thì nó vẫn đốt cháy hết năng lượng dự trữ trong ta, sức ép ấy khiến ta phải tiếp tục chiến đấu chứ không được nghỉ ngơi. Cũng như khi cục tuyết rơi từ đỉnh núi xuống, nếu nó cứ cố bám vào tuyết trên đoạn đường rơi xuống thì cục tuyết sẽ lớn dần và trở thành cục tuyết khổng lồ khi rơi tới chân núi, sức tàn phá của nó rất ghê gớm. Đó là hiệu ứng quả cầu tuyết (snowball effect).
Ta đã từng thấy có nhiều người càng hướng tới tâm linh thì họ càng vướng kẹt và suy yếu vì họ vẫn chưa dừng lại cuộc tranh đấu. Nhiều người tìm đến công tác từ thiện hay phục vụ cộng đồng cũng để khỏa lấp nỗi đau thất bại từ cuộc đời. Tuy những công tác cao cả ấy có thể mời lên những năng lượng tốt đẹp trong tâm hồn nhưng vết thương kia vẫn còn đó, sau này khi năng lượng xoa dịu không còn dồi dào nữa thì nó sẽ đau nhức trở lại. Tìm tới danh vọng khi thất bại trong tình cảm, hay tìm đến tình cảm khi danh vọng thất bại cũng đều như vậy, cũng là cách để cứu vớt cái tôi yếu đuối của mình và cũng sẽ đón nhận những thất bại sâu đậm hơn. Bởi sự đầu tư vội vàng sau những lần thất bại thường mang theo rất nhiều hy vọng, cũng như kẻ chơi bạc vốc hết túi tiền để đặt cược lần sau cuối.
● Chỉ là chưa thành công
Một sự thành công phải luôn hội tụ vô số điều kiện phù hợp với nó, nhưng không phải lúc nào ta cũng chủ động nắm hết mọi điều kiện, vì có thể nó hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của ta. Dù điều kiện quyết định sự thành công có khi nằm ngay trong ta và tưởng chừng rất dễ dàng để chế tác ra, nhưng vì thiếu kinh nghiệm và sáng suốt nên ta cũng không biết thêm bớt như thế nào để gọi là đủ điều kiện cho nó. Đây cũng là lẽ thường nhiên, vì nếu ai cũng nắm được mọi bí quyết đưa tới sự thành công thì con người đã không còn là con người và thế gian này đã biến thành cõi thiên đường mất rồi. Như vậy khi sự việc bất thành thì ta phải hiểu rằng những điều kiện đưa tới sự thành công chỉ là chưa hợp lý, có thể dư hoặc thiếu, chứ không hẳn là vô nghĩa.
Chữ “thất bại” có thể khiến ta hiểu lầm là ta không được gì cả, hoàn toàn trắng tay, trong khi những gì ta đã gầy dựng nên vẫn còn đó chứ có mất đâu. Những kỹ năng tập luyện, những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy, cũng như những yếu tố thuận lợi bên ngoài mà ta đã cất công gom lại sẽ được sử dụng một cách xứng đáng cho công trình hay đối tượng kế tiếp. Cho nên khi thành công ta phải hiểu rằng sự thành công này đang đứng trên vai của sự thất bại trong quá khứ, đó chính là ý nghĩa của câu nói: “Thất bại là mẹ của thành công”.
Không có sự thành công vững bền nào mà không được làm ra từ những thất bại nho nhỏ ban đầu. Vì vậy ta nên tập gọi sự việc bất thành là “chưa thành công” thay vì gọi là thất bại. Cách gọi đó sẽ giúp ta không dễ dàng suy sụp tinh thần hay thất vọng, vì ta biết rằng cơ hội vẫn chưa chấm dứt, thua keo này ta vẫn có thể bày keo khác. Thật ra, thất bại là một phần rất quan trọng của cuộc sống. Khi thất bại ta sẽ thu mình lại, mặc dù bị đè nặng trong cảm giác rất khó chịu nhưng đó là cơ hội để ta nhìn lại mình rõ hơn. Ít nhất lòng tự hào, háo thắng hay chủ quan trong ta cũng rơi rụng bớt. Đó là lý do mà các bậc trải nghiệm luôn rất lo lắng khi thấy người trẻ dễ dàng gặt hái được thành công, nhất là sự thành công vay mượn quá nhiều từ những điều kiện thuận lợi bên ngoài. Họ chưa nếm trải những cảm giác xấu khi thất bại, cái tôi của họ chưa từng bị bầm dập khi đi ngang qua những giai đoạn khốn đốn vì không biết phải xoay sở bằng cách nào, và họ cũng chưa kịp mời lên những phẩm chất quý giá đạo đức trong tâm hồn như tính từ hòa hay đức khiêm cung, thì sự thành công lớn có thể trở thành tai họa cho chính cuộc đời họ và mọi người chung quanh. Ta đã từng chứng kiến rất nhiều người trẻ có những thành công vang dội nhưng lại mau chóng ngã đổ vì chính thái độ biến đổi khôn lường của họ.
Vả lại, bản năng sinh tồn của con người vốn rất vĩ đại, chỉ khi nào đối đầu với những lần thất bại sâu cay thì nó mới chịu phát hiện ra, nhờ vậy mà nội lực con người trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cho nên ta đừng sợ thất bại. Nếu thấy mình chưa đủ vững vàng thì ta cũng đừng vội mong cầu thành công, hãy vui vẻ đón nhận sự thất bại như đón nhận cơ hội đào luyện sức chịu đựng và chuyển hóa tâm tính của mình. Người trí thường hay từ khước những điều kiện thuận lợi mà tìm tới những hoàn cảnh khắc nghiệt để phát huy hết năng lực tiềm ẩn, họ xem nhẹ những thành công chỉ mang lại những cảm giác thỏa mãn đơn điệu theo thị hiếu của cuộc sống để chọn cái to tát hơn chính là chiến thắng với những bóng tối phiền não trong họ. Đó mới chính là những người hùng thật sự.
● Mỉm cười với thất bại
Bài tập đầu tiên khi đón nhận sự thất bại đó chính là nhìn lại thái độ phản ứng của mình. Ta phải ghi nhận cái gì đang biểu hiện trong dòng cảm xúc hay tâm thức của mình, mà không dùng ý chí để đàn áp hay phủ nhận nó. Cần nắm rõ hiện trạng tâm lý để ta đánh giá chính xác nội lực của mình mà quyết định hứng chịu một mình hay cần đến sự trợ giúp của người thân, thay vì chỉ cố gắng che đậy để bảo vệ danh dự hay dựa dẫm vào những đối tượng khác để xoa dịu sự tổn thương. Để làm được điều này ta cần phải có thói quen thường xuyên nhìn lại tâm mình trong mọi tình huống. Nhìn lại mình đã là một bước luyện tập đáng nể, mà nếu có thể nhìn bằng thái độ không thành kiến thì cái nhìn đó sẽ đạt tới mức thấu suốt bản chất của mọi đối tượng. Có thể ta sẽ thấy những phiền não trong ta mới là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại, hoàn cảnh chỉ đóng vai trò phụ.
Tham vọng là phiền não ta thường phát hiện ra nhiều nhất trong những lần thất bại. Bởi ta luôn bị sự kích động quá lớn của trào lưu xã hội nên thấy ai có cái gì ta cũng muốn có cho bằng được, mà thực chất ta không biết rõ mình có cần nó hay không, và mình có đủ khả năng để đạt được nó hay không. Tham vọng có thể khiến cho tâm tưởng nhồi nặn ra lòng tự tin một cách không căn cứ. Ta thường dễ bị ý muốn thành công dẫn dắt thay vì tìm kỹ trong kinh nghiệm và kiến thức tích lũy của mình có những chất liệu nào đóng góp nên sự thành công. Nếu chỉ có cái muốn mà ta đã vội vắt kiện năng lượng ra đầu tư thì đó là một hành động rất ngây thơ, bị cảm xúc chi phối trầm trọng. Những lần phát hiện ra lòng tham của mình đang vận hành, ta nên nở nụ cười để xác nhận rằng ta đã thấy nó rồi, nó không thể gạt gẫm ta được nữa vì ta đã thấu hiểu đường đi nước bước của nó.
Chấp nhận sự thất bại là thái độ rất quan trọng trong tiến trình trị liệu. Ta nên nhớ rằng trạng thái tâm lý đang chịu đựng sự thất bại rất quan trọng, nó là một phần tất yếu của cái tôi thuần phục và vững chãi. Nếu ta đã phấn đấu hết lòng rồi mà vẫn không thành công thì chắc chắn nguyên nhân tùy thuộc ở bên ngoài, lực bất tòng tâm, ta không cần phải day dứt hay trách móc bản thân, cứ kiên nhẫn chờ đợi đến khi điều kiện hội đủ. Vượt qua được tâm lý tổn thương và mặc cảm là ta đã vượt qua hơn một nửa nỗi khổ niềm đau vì thất bại. Thỉnh thoảng ta cũng nên tự hỏi mình có cần đeo bám mãi sự thành công không, nó có phải là điều kiện tiên quyết cho hạnh phúc của ta trong hiện tại không, để ta buông xả bớt những mục tiêu chỉ đem lại những giá trị tầm thường hay vô nghĩa. Đừng bao giờ quên rằng sự thất bại dù lớn lao đến đâu cũng chỉ là một phần của cuộc sống, nó không thể làm phương hại tới những giá trị mầu nhiệm mà ta đang nắm giữ trong tầm tay.
Thành bại đã bao lần
Tuổi xuân trôi lần lựa
Nụ cười trên môi chờ
Bao giờ cho nhau nữa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét