V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|102|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Loài bướm đêm khi thấy ngọn lửa, háo hức lao vào, đâu biết nơi đó sẽ thiêu cháy chúng. Con người cũng vậy, thường háo hức lao vào những nơi, đâu biết nơi đó sẽ thiêu cháy cuộc đời họ”.

Thế gian lạnh, lòng người cũng lạnh, nên ai cũng đi tìm chút hơi ấm cho mình. Có kẻ đi về biển lửa quyền lực để tìm cho mình chút hơi ấm, có người lại đi tìm hơi ấm trong những điều phù hoa khói lửa chốn nhân gian, có kẻ đi tìm hơi ấm trong đôi mắt - trong đôi tay của người khác, có người lại quay về nhen nhóm từ bi trong tâm mình cho nhiều thêm lên và tìm hơi ấm ở đó.

Ai trong chúng ta cũng đang dốc lòng theo đuổi một ngọn lửa, và ngày mai, nó có thể sưởi ấm hoặc thiêu cháy chúng ta.

Danh vọng quyền lực cũng mang đến cho người đời hơi ấm, mang đến cho người đời hạnh phúc, hạnh phúc chốn nhân gian chứa trong đó đầy hệ lụy, biết bao nhiêu người chỉ vì chút hơi ấm mà đi vào biển lửa.

Có kẻ, bỏ cả nửa đời người để theo đuổi những điều phù phiếm, rồi một ngày tự hỏi mình đang đứng đây với những thứ ấy để làm gì ?

Muốn vui trong một chốc, thì đuổi theo những điều phù hoa khói lửa. Muốn vui trong một đời thì đuổi theo tâm từ bi của mình. Từ bi cũng là ngọn lửa, nhưng là ngọn lửa duy nhất trên thế gian mà con người có thể cầm trên tay mà không bao giờ bị bỏng.

Người an.



Đời người chỉ sống có một lần, đau đớn cứ từ bỏ, mệt mỏi hãy nghỉ ngơi

(Sưu tầm)



Trong cuộc sống này, ai cũng mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mình. Khi gặp phải những khó khăn, bất hạnh, mấy ai có thể mỉm cười mà chấp nhận, mấy ai có thể bản lĩnh vượt qua. Nhưng suy cho cùng thì đời người vẫn phải tự dựa vào chính mình, lúc cô đơn không có người ở bên thì ta vẫn phải cố gắng mà vượt qua. Lúc bất lực ta cũng phải kiên cường. Đâu phải ai cũng đủ rảnh rỗi để đến bên ta, quan tâm ta từng li từng chút một. Đã trưởng thành thì phải tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình. Phải tự đưa ra được những quyết định đến vận mệnh của chính mình.

Hãy cứ dùng nụ cười tỏa sáng để tự thuyết phục rằng mọi thứ vẫn đang rất ổn. Con đường nhân sinh này, dù khó khăn, gập ghềnh đến mấy thì cũng phải cố gắng vượt qua mà thôi. Dù hôm nay trời có âm u, đen tối, thì rồi ngày mai cũng sẽ nắng trong veo mà thôi. Chỉ có bạn mới nắm được số phận của mình, phương hướng cuộc đời là do chính bạn nắm giữ, nếu như mệt mỏi quá, muốn nghỉ ngơi thì hãy cứ nghỉ ngơi, đừng cố làm gì để bản thân mệt mỏi.

Làm người ai mà chẳng có lúc mệt, có lúc chán nản và oán trách số phận. Nhưng hãy cứ tin rằng rồi mọi thứ sẽ lại tốt đẹp mà thôi. Đừng ép buộc bản thân, đừng quá khắc chế chính mình, đôi khi cứ phải phóng túng khóc một trận thật to, rồi tự lau khô nước mắt và đối mặt với tất cả.

Nhân sinh đơn giản chính là như vậy, khi mệt mỏi thì học cách nghỉ ngơi, đau đớn thì học cách buông bỏ, khổ não thì học được cách thương lấy chính mình. Có những thứ mất đi đừng vội tiếc, đừng vội hận, bởi vì sớm muộn gì cũng sẽ ly khai. Có được đấy, thì nhất định phải trân quý, biết yêu thương, cả đời không rời xa hay buông bỏ. Cuộc sống này vốn ngắn ngủi nhưng khổ đau quá nhiều, còn sống là còn hạnh phúc, dù như thế nào đi chăng nữa cùng đừng làm những chuyện có lỗi với bản thân mình.

Không khí giá bao nhiêu ?

(Thích Tánh Tuệ)



Sau khi trở nên khá hơn trong bệnh viện, cụ ông 83 tuổi ở Italy được thông báo phải trả tiền cho máy thở trong một ngày, và ông già đã khóc. Bác sĩ khuyên ông đừng khóc vì hóa đơn, nhưng rồi bác sĩ phải khóc khi nghe ông trả lời. Ông nói:

- Tôi không khóc vì số tiền tôi phải trả. Tôi có thể trả tất cả số tiền này. Tôi khóc vì tôi đã hít thở không khí của Đất Trời trong 83 năm mà chưa bao giờ trả tiền cho nó. Giờ tôi mới biết phải mất 5000Eu để sử dụng máy thở trong bệnh viện trong một ngày. Bạn có biết tôi nợ Trời Đất bao nhiêu không ? Tôi đã không cảm ơn thiên nhiên vì điều đó trước đây.

Sự thật của tin tức không thể được xác minh, nhưng những lời của ông đáng để chúng ta suy ngẫm. Khi chúng ta hít thở không khí một cách tự do mà không bị đau đớn hay bệnh tật, không ai coi trọng không khí. Chỉ khi chúng ta vào bệnh viện, chúng ta mới có thể biết rằng ngay cả việc thở oxy bằng máy thở cũng phải trả tiền.

Hãy trân trọng thời gian chúng ta còn có thể thở tự do.

“… Em đừng mãi đi xa tìm hạnh phúc
Hãy yên ngồi nhận diện ở chung quanh
Hạnh phúc đến từ những điều bình dị
Mỗi bình minh ... hít thở ... sống yên lành”

Từ đó có bình an

(Thích Tánh Tuệ)



• Vì biết trong ta có cả Bùn lẫn Sen, có cả Ác Quỷ lẫn Thiên Thần, không quá thích sen mà chối bỏ bùn, không vì yêu mến thiên thần mà hận thù ác quỷ, từ đó có Bình An.

• Vì biết trong ta có cả đen lẫn trắng, không khước từ đen để hãnh diện vì mình trắng, không quá vui khi mình trắng mà cay đắng lúc mình đen, từ đó có Bình An.

• Vì biết nhìn người và vật không thể nhìn bề ngoài. Cái vỏ ngoài chỉ là giả tướng, từ đó có Bình An.

• Vì biết cảm hóa người khác là chuyện không dễ dàng, không quá mong mỏi người khác thay đổi theo ý mình, từ đó có Bình An.

• Vì biết không thể nói về biển với con ếch đáy giếng, không thể bàn về băng tuyết với côn trùng mùa hè, từ đó có Bình An.

• Vì biết nhìn vào trạng thái tâm trước khi nói, từ đó có Bình An.

• Vì biết sống trên cái lưỡi khen chê của thiên hạ là luôn nô lệ giá trị bên ngoài và bị tha hóa, nghe gì cũng “thôi kệ”, từ đó có Bình An.

• Vì biết đánh giá tình cảm của con người không chỉ nhìn qua hành động tạm thời trước mắt, mà qua hoạn nạn mới rạng chân tình, từ đó có Bình An.

• Vì biết nhìn người ta mà sống là nô lệ, và sống cho người ta nhìn là sống ảo, từ đó có Bình An.

• Vì biết chắc chắn ta sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết, trừ bậc Thánh, chẳng một ai thoát ra ngoài cái quy luật muôn đời ấy, từ đấy có Bình An.

• Vì biết chịu trách nhiệm những hành động thiện ác lớn bé trong tam nghiệp của mình, từ đó có Bình An.

• Vì biết Khổ Đau đi theo sau Hạnh Phúc như bóng dõi theo hình, không nhọc nhằn đeo đuổi hạnh phúc nữa, từ đó có Bình An.

• Vì biết bất cứ điều gì hễ có khi bắt đầu sẽ có lúc kết thúc, từ đó có Bình An.

• Vì biết cái Ác chỉ có thể thắng cái Thiện nhất thời rồi nhanh chóng nhường lại chỗ ngồi cho Chân Lý, từ đó có Bình An.

• Vì biết cái có thể mang theo được ở cuối con đường sinh mệnh đó là Tình Thương, Trí Tuệ và Nụ Cười, mỗi ngày sống với ba điều đó, từ đó có Bình An.

❤️🙏

Chưa thật chớ nói

- Trích “Phép Tắc Người Con”,Bài 19
- Theo Zhengjian,Kiến Thiện biên dịch



Thấy chưa thật, chớ nói bừa
Biết chưa đúng, chớ tuyên truyền
Việc không tốt, chớ nhận lời
Nếu nhận lời, tiến lui sai
Phàm nói chuyện, nói từ tốn
Chớ nói nhanh, chớ mơ hồ
Kia nói phải, đây nói quấy
Không liên quan, chớ quản chuyện

Diễn giải

Trước khi thấy rõ chân tướng sự việc thì không được tùy ý nói bừa. Trước khi hiểu rõ sự việc thì không được tùy tiện truyền bá.

Việc không nên làm thì không được tùy tiện nhận lời, nếu tùy tiện nhận lời thì làm hay không làm cũng đều là sai.

Khi nói chuyện cần phải thận trọng suy xét, thái độ thong dong. Nói chuyện không được quá gấp, quá nhanh, cũng không được nói mơ hồ không rõ ràng rành mạch.

Nghe thấy người khác đàm luận chuyện phải trái tốt xấu, không liên quan đến mình thì không được quản chuyện.

Câu chuyện tham khảo: LỜI ÁC ĐỘC TỔN THƯƠNG NGƯỜI, 500 ĐỜI LÀM CHÓ

Thời Phật Ca Diếp (Kashyapa, là vị Phật nguyên thủy, đến thế gian truyền Pháp độ nhân trước Phật Thích Ca) trụ thế, có một tỳ kheo (hòa thượng) trẻ, có giọng nói trong trẻo thanh nhã, có sở trường tụng kinh kệ, mọi người đều rất thích nghe tỳ kheo trẻ tụng kinh. Trong khi đó, một tỳ kheo già có giọng tụng khàn đặc. Tỳ kheo trẻ chê bai giọng tụng của tỳ kheo già như chó kêu mà không hay biết rằng tỳ kheo già đã là bậc thánh giả chứng ngộ quả vị La Hán rồi.

Tỳ kheo già hỏi tỳ kheo trẻ: “cậu có biết tôi không ?”

Tỳ kheo trẻ trả lời: “tôi biết ông từ lâu rồi, ông là tỳ kheo có giọng tụng khàn đặc”.

Tỳ kheo già nói: “hiện nay tôi đã chứng được quả La Hán rồi, đã giải thoát khỏi hết thảy khổ não thế gian rồi”.

Tỳ kheo trẻ nghe vậy cảm thấy kinh sợ và tự trách mình. Bởi vì cậu nói lời ác độc nên bị sinh làm kiếp chó trong 500 đời. Mãi cho đến khi gặp tôn giả Xá Lợi Phất thì mới được giải thoát.

Khi đó, có một nhóm thương gia đi đến nước khác buôn bán, họ có nuôi một con chó. Khi nghỉ ngơi dọc đường, con chó ăn trộm miếng thịt mà người chủ đem theo. Các thương gia phát hiện ra thì bực tức tranh nhau đánh con chó này. Chó bị đánh gãy chân rồi vất ra cánh đồng hoang. Tôn giả Xá Lợi Phất dùng thiên mục trông thấy con chó này đang đói khát sắp chết bèn đến bên, cho nó ăn uống, đồng thời thuyết giải Phật Pháp vi diệu cho nó. Sau khi con chó chết, nó đầu thai sinh vào gia đình Bà-la-môn (quý tộc Ấn Độ xưa) ở nước Xá Vệ. Một hôm, tôn giả Xá Lợi Phất cầm bình bát đi khất thực một mình, người Bà-la-môn nhìn thấy thì hỏi Ngài rằng: “tôn giả đi một mình, không có sa di (tức chú tiểu, người xuất gia thụ mười giới, vẫn chưa thụ giới tỳ kheo) đi theo à ?”

Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “tôi không có sa di, nghe nói ông có đứa con trai, có thể xuất gia làm sa di không ?”

Người Bà-la-môn nói: “tôi có một đứa con trai tên là Quân Đề, tuổi vẫn còn quá nhỏ, khó mà dùng để sai khiến được. Để nó lớn chút nữa tôi đưa đến chỗ Ngài làm sa di”.

Khi đứa trẻ được 7 tuổi, tôn giả Xá Lợi Phất lại đến thỉnh cầu. Người Bà-la-môn liền đem con trai giao cho tôn giả, để nó xuất gia. Tôn giả Xá Lợi Phất giảng giải cho nó rất nhiều diệu Pháp, cậu bé rất nhanh chóng đã khai ngộ, chứng đắc quả La Hán.

Sa di Quân Đề sau khi chứng ngộ nhìn thấy nhân duyên ác khẩu trong đời quá khứ của mình, lại thấy đời trước mình là một con chó được ân sư là tôn giả Xá Lợi Phất cứu, đời này ân sư lại dạy mình chứng ngộ quả vị, thoát ly bể khổ. Sa di Quân Đề quyết định làm sa di hầu tôn giả Xá Lợi Phất cả đời để báo đáp sư ân.

(Nguồn tư liệu: “Hiền Ngu Kinh”)

Phụ chú

Nguyên văn Đệ Tử Quy

見 未 真 勿 輕 言
知 未 的 勿 輕 傳
事 非 宜 勿 輕 諾
苟 輕 諾 進 退 錯
凡 道 字 重 且 舒
勿 急 遽 勿 模 糊
彼 說 長 此 說 短
不 關 己 莫 閒 管

Âm Hán Việt

Kiến vị chân, vật khinh ngôn
Tri vị đích, vật khinh truyền
Sự phi nghi, vật khinh nặc
Cẩu khinh nặc, tiến thoái thác
Phàm đạo tự, trọng thả thư
Vật cấp cự, vật mô hồ
Bỉ thuyết trường, thử thuyết đoản
Bất quan kỷ, mạc nhàn quản

Chú thích

- Vị: chưa.

- Khinh: khinh suất, tùy tiện.

- Đích: đích xác, chân thực.

- Phi nghi: không thích đáng. Phi nghĩa là không. Nghi nghĩa là thích nghi.

- Nặc: đáp ứng, nhận lời.

- Cẩu: nếu, nếu như.

- Phàm: hễ, hết thảy, tất cả.

- Đạo tự: nói chuyện. Đạo nghĩa là nói.

- Trọng: thận trọng, chắc chắn.

- Thư: chậm rãi, thong dong.

- Cấp cự: nhanh. Cự: nghĩa là gấp, vội.

- Mô hồ: không rõ ràng, mơ hồ.

- Bỉ thuyết trường, thử thuyết đoản: ý nói chuyện thị phi của người khác. Bỉ: nghĩa là kia, người kia. Thử nghĩa là này, người này. Trường nghĩa là sở trường, ưu điểm. Đoản: nghĩa là sở đoản, khuyết điểm.

- Mạc: không được, chớ.

- Nhàn quản: quản chuyện (ý nói chuyện không đáng, không liên quan, vô bổ).

Thông điệp sâu sắc của Bill Gates về virus Corona

|Sơn Đặng lược dịch|

Xin lưu ý: bài viết này được cho là của Bill Gates, ý hay, nên Sơn Đặng dịch nhanh cho cộng đồng đọc và ngẫm nhé.)

Tôi là một người tin tưởng mạnh mẽ rằng, luôn có một mục đích tâm linh đằng sau mọi thứ xảy ra, cho dù đó là những gì chúng ta cho là tốt hay xấu. Khi tôi suy ngẫm về điều này, tôi muốn chia sẻ với bạn những điều mà tôi thấy là Virus Covid-19 đã mang đến cho loài người.

⒈ Nó nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng với nhau, bất kể văn hóa, tôn giáo, nghề nghiệp, tình hình tài chính hay mức độ nổi tiếng. Bệnh này đối xử với tất cả chúng ta như nhau, có lẽ đó là điều chúng ta nên làm theo. Nếu bạn không tin tôi, hãy hỏi Tom Hanks.

⒉ Nó nhắc nhở rằng tất cả chúng ta đều kết nối với nhau và một điều gì đó ảnh hưởng đến một người có thể ảnh hưởng đến người khác. Nó nhắc nhở rằng các đường biên giới giả lập mà chúng ta đã tạo ra có rất ít giá trị, vì virus này không cần hộ chiếu. Nó đang nhắc nhở chúng ta, bằng cách áp bức chúng ta trong một thời gian ngắn, về thân phận của những con người bị áp bức suốt đời.

⒊ Nó nhắc nhở rằng sức khỏe của chúng ta quý giá như thế nào và chúng ta xem thường điều đó bằng cách tiêu thụ thực phẩm nghèo dinh dưỡng và nước uống đầy hóa chất. Nếu chúng ta không chăm sóc sức khỏe, tất nhiên chúng ta sẽ bị bệnh.

⒋ Nó nhắc nhở về sự ngắn ngủi của cuộc sống và điều quan trọng nhất mà chúng ta nên làm, đó là giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt cần giúp những người già hoặc bệnh tật. Mục đích của chúng ta không phải là lo đi vét giấy vệ sinh.

⒌ Nó nhắc nhở rằng xã hội của chúng ta đã trở nên vật chất hoá như thế nào và trong những thời khắc khó khăn, chúng ta sực nhớ rằng chúng ta chỉ cần rất ít những thứ thiết yếu để tồn tại (thực phẩm, nước, thuốc), chứ không phải là những thứ xa xỉ vô bổ.

⒍ Nó nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của gia đình lẫn đời sống điền viên, và chúng ta đã bỏ bê điều này đến mức nào. Nó buộc chúng ta ở trong nhà để chúng ta có thể gầy dựng lại tổ ấm.

⒎ Nó nhắc nhở chúng ta rằng công việc thực sự của chúng ta khác với nghề nghiệp, đó là những gì chúng ta làm, không phải những gì chúng ta được tạo ra để làm. Công việc thực sự của chúng ta là chăm sóc lẫn nhau, bảo vệ lẫn nhau và mang lại lợi ích cho nhau.

⒏ Nó nhắc nhở chúng ta nên biết tự vấn về bản ngã của mình. Cho dù chúng ta nghĩ chúng ta vĩ đại đến mức nào hay người khác nghĩ chúng ta tuyệt vời đến thế nào, một loại virus có thể khiến thế giới của chúng ta đứng yên.

⒐ Nó nhắc nhở rằng chúng ta có thể kiểm soát sức mạnh của ý chí. Chúng ta có thể chọn hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ, cho đi, hoặc chúng ta có thể chọn ích kỷ, tích trữ, chỉ chăm sóc bộ lông. Thật vậy, lửa thử vàng.

⒑ Nó nhắc nhở rằng chúng ta có thể bình tĩnh, hoặc chúng ta có thể hoảng loạn. Chúng ta nên hiểu rằng những tình huống như này đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử và rồi cũng qua, hoặc chúng ta có thể hoảng loạn và xem nó là sự kết thúc của thế giới và, do đó, gây hại cho bản thân.

⒒ Nó nhắc nhở rằng đây có thể là một kết thúc hoặc một khởi đầu mới. Đây có thể là thời gian suy ngẫm và hiểu biết, nơi chúng ta học hỏi từ những sai lầm của mình, hoặc nó có thể là khởi đầu của một chu kỳ sẽ mãi tiếp tục cho đến khi chúng ta cũng học được bài học nhất định.

⒓ Nó nhắc nhở rằng trái đất này đang bị bệnh. Nó nhắc nhở rằng chúng ta cần xem xét mức độ phá rừng cũng đã khẩn cấp như tốc độ biến mất khỏi kệ của các cuộn giấy vệ sinh. Chúng ta mắc dịch vì ngôi nhà lớn của chúng ta đã đổ bệnh.

⒔ Nó nhắc nhở rằng sau mỗi khó khăn, sự dễ thở sẽ trở lại. Cuộc sống lặp đi lặp lại theo chu kỳ, và đây chỉ là một giai đoạn trong chu kỳ tuyệt vời này. Chúng ta không cần phải hoảng sợ, điều này cũng sẽ qua.

⒕ Trong khi nhiều người coi Virus Covid-19 là một thảm họa lớn, tôi thích xem nó như là một *sự sửa chữa tuyệt vời - great corrector*.

Nó được gửi đến để nhắc nhở về những bài học mà chúng ta dường như đã quên, và điều quan trọng là liệu chúng ta có thực sự muốn học được gì từ chúng hay không.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|101|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Không phải nơi sinh ra làm một người trở thành kém hèn, và cũng không phải nơi sinh ra giúp một người trở nên tôn quý. Do chính thái độ và việc làm mới biến một kẻ trở thành kém hèn, và cũng do chính thái độ và việc làm mới biến một kẻ trở thành tôn quý”.

“Dạo này sao rồi ? Có gì mới không ?”, “Không, vẫn vậy, như cũ, không có gì mới” … Người luôn nói mình vẫn vậy, như cũ, không có gì mới, nhưng khi gặp lại đã khác xưa rất nhiều. Biết bao nhiêu người, đã khác xưa rất nhiều, đã đi rất xa mà chẳng biết.

Mỗi suy nghĩ là một bước chân, mỗi lời nói là một bước chân, mỗi việc làm là một bước chân, con người đi xa hơn nơi họ đã bước vào cuộc sống, bằng những bước chân như vậy. Có kẻ bước những bước chân tha thứ và từ bi, rồi trở thành người hạnh phúc. Có kẻ bước những bước chân cố chấp và oán thù rồi trở thành người bất an.

Nên cuộc hành trình lớn nhất của con người chính là cuộc hành trình đi qua hết những bất an trong lòng mình, dùng dằng, bước đi rồi quay lại, đặt xuống rồi cầm lên, nên có khi, đi mãi cả đời mà chẳng đến đâu, vẫn nghe trong lòng rất nặng, vẫn thấy cuộc sống ngoài kia đầy bão giông.

Ai cũng đang bước đi, đi tìm bình yên cho mình, chỉ là có người ngay từ đầu đã chọn nhầm những bước chân sai, nên càng đi càng xa; nếu chọn đúng, chúng ta đã không cần phải quá nhọc nhằn mới có được bình yên.

Mỗi bước chân sai phải đổi một bước chân để quay về …

Người an.



Đạo-Đời song song

|Thích Tánh Tuệ|

Khẩu trang khan hiếm, những xấp vải chư Phật tử dâng Y Kathina cho các Sư, các Sư đã khéo léo chế tác như này, rồi chia nhau đi phát muôn nơi. Cảm động và cảm niệm tấm lòng chư Sư nhiều lắm. Xưa chừ, Đạo vẫn song song với cuộc đời trong những lúc nguy nan.(Namo Buddhaya)

Ai bảo nhà Sư không biết ... may
Đường kim mối chỉ, ý thương đầy
Trong niềm thinh lặng, Sư thầm nguyện
Dịch sớm tiêu trừ, qua đắng cay

Cảm niệm những hiến dâng thầm lặng

(Như Nhiên)

Hơn cả tháng nay, vị bác sĩ này ở New York chỉ gặp con mình mỗi ngày qua tấm kiếng, ông ta còn nhắn gửi với hiền thê của ông cứ thanh thản bước lên một chuyến “xe bông” nữa, nếu ông chẳng may có mệnh hệ gì ... Đọc đoạn tin này mà nghe tim buốt quá. Đời sống, sao có lúc ngậm ngùi đến thế. Thấy nhau trong gang tấc mà vẫn như cách một trùng dương.

Tôi biết rằng vị bác sĩ này là một trong rất nhiều những bác sĩ trong thời buổi khốn đốn hiện nay, đã tận tâm với nghề mình như thế. Họ là những “Anh Hùng Bác Sĩ” mang trái tim hiến dâng thầm lặng và sống chết cho lí tưởng cứu người. Thật đúng, trong gian nguy mới hiểu được Tình Người và Tâm Lượng.

Có thể vị bác sĩ này chưa từng có khái niệm như “Lục Độ Ba La Mật”, “Thí Vô Úy”, “Vô Ngã Vị Tha” ... như những am hiểu phổ cập của người tu Phật, nhưng cách sống của họ chính là một bài Pháp hùng hồn cho những khái niệm đạo lí mà chúng ta từng học. Thực tế cho thấy, có những người chỉ Nói mà không Sống, và có những người thực sự Sống mà không phô diễn bản thân dù chỉ một ngôn từ.

Ai cũng có cái Tôi và “cái của Tôi”. Khi vô thường đến, cái Tôi của chúng ta run rẩy, lo sợ, bất an ... cũng chẳng qua là sợ mất, sợ vô thường tước đoạt đi những sở hữu dấu yêu, đó là tâm lý thông thường của đa số. Vì thế, những người đã đặt xuống sự mất còn của bản thân, chỉ có nghĩ đến sự bình an và tính mạng của tha nhân, bỗng nhiên họ trở nên thiêng liêng và thần thánh.

Cố tổng thống Kennedy có câu nói huyền thoại: “đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho mình, mà hãy tự hỏi mình có thể làm gì cho tổ quốc”(ask not what your country can do for you, ask what you can do for your country).

LÀM GÌ QUẢ THẬT ĐÁNG NÓI HƠN LÀ ... LÀ GÌ.

Trước lẽ thịnh suy

(Sưu tầm)

Hết suy rồi thịnh, hết thịnh rồi suy, đây là quy luật hiển nhiên mà đa phần không nhận thấy, tâm ý cứ cố bám víu nên buồn lo, sầu khổ.

Thịnh suy có nhiều cấp độ, nhiều hình thức, có nhiều chu kì khác nhau, nhưng chung quy là một vòng tròn làm nhân sinh hạnh phúc và tiều tụy.

Người đời cho khi thịnh là khôn, cho khi suy là dại, nên đa phần lao xao ở những chốn đông người, tranh giành mọi thứ. Nhưng người hiểu đạo, hiểu thời, người ta thấy biết được tất yếu có thịnh, rồi suy, nên người ta tìm về nơi vắng vẻ, từ bỏ sự tranh giành các thứ thế gian. Ngày xưa có cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, cụ Chu Văn An, … là những bậc minh triết, thấu rõ cuộc đời thịnh suy, đáng cho chúng ta suy gẫm và tìm hiểu.

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
|Nguyễn Bỉnh Khiêm|

Lời của cụ như tiếng “sấm” đánh thức con người, tiền của, sắc đẹp, danh vọng chỉ là phù du, mây khói, chỉ một tâm hồn thanh thản, an lạc mới thật sự là chân giá trị.

Đại dịch bệnh nCov rồi cũng phải chấm dứt, đến lúc con người phải trở lại nhịp sống bình thường, nhưng cốt lõi chúng ta có nhận ra được sự thịnh hay suy của kiếp người hay không, để mình giảm đi, hết đi những dục lạc phù du của thế gian này.

Nhất thiết hữu vi Pháp
Như mộng, huyễn, bào ảnh
Như lô diệc như điển
Ưng tác như thị quán
 nghĩa là:
Tất cả Pháp hữu vi
Như chiêm bao bọt nước
Như sấm chớp, sương mai
Nên quán tưởng như thế
|Kinh Kim Cang|



Phát tâm từ bi sẽ chuyển hóa đại nạn

(Sưu tầm)



Trong kinh Pháp Cú có một câu chuyện như sau:

❝Ở một khu rừng bị cháy rất lớn, có một con chim Anh Vũ, thấy rừng cháy như vậy, nó thương muôn con vật ở trong rừng sẽ chết hết, nó thương lắm. Lúc đó, nó mới bay ra ngoài sông, mổ mỏ xuống dòng sông rồi ngậm lấy giọt nước ấy bay về rừng để dập lửa. Nó cứ bay ra sông mổ nước, bay về rừng phun nước ra để dập lửa.

Chúng ta thấy rừng cháy mà một con chim như vậy thì có dập được lửa không ? Không thể nào dập được. Nhưng nó cứ làm, cứ bay ra lấy nước, rồi về phun ra. Một giọt nước ấy không đáng là bao, nhưng việc làm của con chim Anh Vũ lúc ấy đã động lòng đến ông Trời Đế Thích ở trên, ông ấy liền hiện ra bảo:

- Này chim Anh Vũ, một giọt nước của ngươi như thế thì làm sao dập được rừng lửa cháy này ? Sao ngươi làm việc giống như công dã tràng vậy ?

Con chim Anh Vũ liền trả lời:

- Tôi biết rằng một giọt nước của tôi không dập được lửa này, nhưng việc cứu lửa, dập lửa này, ai cũng phải làm. Nên tuy sức tôi như thế, tôi cũng kiên quyết làm. Dù không dập được lửa, tôi cũng làm.

Nghe câu trả lời của chim Anh Vũ, ông Trời Đế Thích cảm động, làm ra một trận mưa để dập lửa cho tắt. Con chim Anh Vũ ấy chính là tiền thân của Đức Phật Thích Ca.❞

❤️ LỜI BÀN:

Đức Phật không hóa phép cho chúng ta thoát khổ, nhưng Ngài chỉ cho chúng ta phương cách thoát khổ. Pháp của Ngài thuyết trong 45 năm cũng không ngoài một vị, đó là vị thuốc “cứu khổ chúng sinh”. Một cá nhân tuy nhỏ, nhưng nếu tất cả chúng ta cùng đồng lòng KHỞI TÂM TỪ BI, YÊU THƯƠNG, và nhất là CHÂN THÀNH SÁM HỐI, chân thật niệm PHẬT, CHUYỂN HÓA ÁC TÂM THÀNH THIỆN NIỆM, nhất định sẽ được MƯỜI PHƯƠNG NHƯ LAI, OAI ĐỨC TAM BẢO hộ trì, hóa giải mọi tai ương cho thế gian này.

Chữ n.h.ẫ.n

(Sưu tầm)



Nhẫn nhịn không thể tách rời trong cuộc sống con người, để thành công phải nhẫn, mưu sinh tồn tại phải nhẫn, giải quyết khó khăn phải nhẫn.

Nhẫn một lúc trời yên biển lặng
Lùi một bước biển rộng trời cao

Nhẫn không có ý là hèn nhát, cũng không phải là bất tài. Nó không thể thiếu trong trí tuệ loài người, nó là tấm lòng, một sự biết điều, một đức tính tốt. Có thể nói nhẫn nhịn là loại nghệ thuật bắt buộc để chúng ta đi đến thành công.

Con người sống trong một môi trường đầy sự cạnh tranh, đa số đều có cảm giác vô cùng gấp rút, tâm tư thay đổi, chuyển động và phong phú. Mọi người đều muốn nhân cơ hội tốt đẹp này làm việc kiếm nhiều tiền, làm nên nghiệp lớn, làm rạng rỡ giá trị nhân sinh của bản thân, tìm được vị trí ổn định cho mình. Nhưng thời thế chỉ cung cấp cơ hội, chứ không đảm bảo cho mỗi người đều có thể đạt được thành công.

Nhẫn là hành vi của người mạnh, là phương thức của người thành công, và là sách lược của người chiến thắng. Trong cuộc sống và công việc, chữ “Nhẫn” sẽ tạo cho chúng ta cơ hội, làm cho chúng ta có được tiền tài của cải.

Nhịn được cái tức một lúc, tránh được cái lo trăm ngày.
Muốn hoà thuận trên dưới, nhẫn nhịn đứng hàng đầu.
Cái gốc trăm nết, nhẫn nhịn là cao.
Cha con nhẫn nhịn nhau, vẹn toàn đạo lý.
Vợ chồng nhẫn nhịn nhau, con cái khỏi bơ vơ.
Anh em nhẫn nhịn nhau, trong nhà thường êm ấm.
Bạn bè nhẫn nhịn nhau, tình nghĩa chẳng phai mờ.
Tự mình nhẫn nhịn trước, ai ai cũng mến yêu.

Người mà chưa biết nhẫn, chưa phải là người hay !

Bảy điều suy ngẫm

(Dalai Lama)

K H O Ẻ:không phải là nhấc lên mạnh, mà là để xuống nhẹ.

K Í N H:không phải là đối với trên, mà là xử với dưới.

Ð Ẹ P:không phải là hút người vào, mà là giữ người ở lại.

X Ấ U:không phải tại gương mặt, mà ở tại cách sống.

K H É O:không phải tạo điều to, mà là làm điều nhỏ.

H A Y:không phải là ngạc nhiên, mà là sự thú vị.

B U Ồ N:không phải do bên ngoài, mà vì ẩn ở bên trong.



A-di-đà Phật

◦ ◦ ◦

Thong thả thì thanh thản.
Tha thứ thì thư thái.
Thảnh thơi thì thênh thang.
Thật thà thì thánh thiện.
Thê thảm thì thấm thía.

You must to

(Toni Morrison)

If there's a book that you want to read, but it hasn’t been written yet, then you must write it.

➤➤➤ Nếu có một cuốn sách mà bạn muốn đọc nhưng nó chưa được viết, vậy thì bạn nên viết nó.

Lời đã nói

- Trích “Phép Tắc Người Con”,Bài 18
- Theo Zhengjian,Kiến Thiện biên dịch



Phàm nói ra, tín trước tiên
Lời dối trá, sao nói được
Nói nhiều lời, không bằng ít
Phải nói thật, chớ xảo nịnh
Lời gian xảo, từ bẩn dơ
Thói chợ búa, phải loại trừ

Diễn giải

Những lời đã nói thì nhất định phải giữ chữ tín. Nói chuyện lừa dối người khác hoặc tùy tiện nói bừa bãi thì làm sao có thể nói được ? Nói nhiều quá mà không làm được thì chi bằng nói ít đi một chút thì tốt hơn. Hơn nữa, nói chuyện phải chân thực, không được mồm mép tép nhảy, liến thoắng, hoặc nói những lời hoa mỹ khéo léo xu nịnh lấy lòng người khác. Những lời cay nghiệt khắc bạc, ngôn từ không nhã nhặn và ngữ khí thô tục đều nên thay đổi sửa lại cho đúng mực.

Câu chuyện tham khảo: QUÝ TRÁT TREO KIẾM

Quý Trát là công tử của quốc quân nước Ngô thời nhà Chu, là một vị quân tử rất có khí chất và tu dưỡng. Một lần, Quý Trát phải đi sứ nước Lỗ nên đã đi qua nước Từ, thế là ông tiện đường vào bái kiến quốc quân nước Từ. Trong khi hai người đàm đạo, ánh mắt của Từ Quân luôn luôn bị cuốn hút bởi thanh bảo kiếm mà Quý Trát đeo bên hông.

Từ Quân trong lòng thầm nghĩ: thanh bảo kiếm này của Quý Trát được chế tạo ra không những có khí phách mà còn có mấy viên đá quý nạm vào nữa, đẹp cổ điển mỹ lệ mà lại không mất đi vẻ trang trọng. Chỉ có người quân tử như Quý Trát đây mới xứng đáng đeo thanh kiếm này. Mặc dù Từ Quân rất thích thanh bảo kiếm này nhưng không nỡ lòng nói ra, chỉ một mực nhẫn nại ngắm nhìn thanh kiếm. Quý Trát biết tâm ý của Từ Quân, trong lòng thầm nghĩ rằng, đợi đến sau khi hoàn thành sứ mệnh đi sứ nước Lỗ trở về, nhất định sẽ quay lại tặng Từ Quân thanh kiếm này.

Sau đó, khi Quý Trát từ nước Lỗ trở về, đến nước Từ, ông mới biết Từ Quân đã qua đời rồi. Quý Trát buồn rầu đến bên mộ Từ Quân, lấy thanh bảo kiếm ra treo lên cây, đồng thời trong lòng mặc niệm rằng: “tuy Ngài đã qua đời rồi, nhưng lời hứa trong tâm tôi vẫn còn, hôm nay tôi đem thanh kiếm này tặng cho Ngài, cũng là dùng thanh kiếm này để nói lời vĩnh biệt với Ngài”.

Quý Trát cúi mình trước bia mộ lễ bái, sau đó quay người ra đi. Hành động này của Quý Trát khiến những người tùy tùng cảm thấy rất nghi hoặc khó hiểu, họ không nén nổi bèn hỏi: “Từ Quân đã qua đời rồi, Ngài treo thanh kiếm ở đây là có dụng ý gì ?”. Quý Trát đáp: “tuy ông ấy đã qua đời rồi nhưng trong tâm ta đã có lời hứa với ông ấy rằng sau khi ta từ nước Lỗ trở về nhất định sẽ tặng kiếm cho ông ấy, là một người quân tử thì cái cần coi trọng là thành tín và đạo nghĩa, sao có thể vì người ta chết rồi mà phản bội lại thành tín mà con người cần phải có chứ ?”

Đức hạnh giữ chữ tín này của Quý Trát khiến người đời sau vô cùng kính trọng và cảm động.

Phụ chú

Nguyên văn Đệ Tử Quy

凡 出 言 信 為 先
詐 與 妄 奚 可 焉
話 說 多 不 如 少
惟 其 是 勿 佞 巧
刻 薄 話 穢 污 詞
市 井 氣 切 戒 之

Âm Hán Việt

Phàm xuất ngôn, tín vi tiên
Trá dữ vọng, hề khả yên
Thoại thuyết đa, bất như thiểu
Duy kỳ thị, vật nịnh xảo
Khắc bạc thoại, uế ô từ
Thị tỉnh khí, thiết giới chi

Chú thích

- Xuất ngôn: lời nói ra. Ngôn: nghĩa là lời nói.

- Tín: chữ tín, thành tín.

- Trá: dối trá, lừa dối.

- Vọng: nói xằng bậy, nói lung tung.

- Hề: tại sao. Biểu thị ngữ khí nghi vấn.

- Yên: từ ngữ khí, đặt cuối câu biểu thị nghi vấn.

- Duy: hy vọng, chỉ, duy nhất.

- Nịnh xảo: người giỏi ăn nói hoa mỹ khéo léo xu nịnh. Nịnh nghĩa là mồm mép khéo léo, giỏi biện luận, xiểm nịnh. Xảo nghĩa là giảo hoạt, hư giả, giả dối.

- Khắc bạc: mỉa mai, châm chọc, giễu cợt người khác. Khắc: nghĩa là làm tổn thương. Bạc: nghĩa là không đôn hậu.

- Uế: dơ bẩn, không sạch sẽ.

- Thị tỉnh khí: khẩu khí thô tục, chợ búa.

- Giới: sửa đổi cho đúng.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|100|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

Ai cũng từng đi qua những ngày, lòng nặng trĩu, nhưng chỉ yên lặng thôi, không thể nói gì.
• Có kẻ, từ đó, sinh tâm oán hận.
• Có kẻ lại nhờ đó mà học được cách lắng nghe những yên lặng của người.

Ai cũng từng phải đối mặt với những nghi ngờ.
• Có kẻ, từ đó, mất niềm tin vào cuộc sống.
• Có kẻ lại nhờ đó mà học được cách để hiểu người.

Ai cũng từng chứng kiến những phụ bạc.
• Có kẻ, từ đó, không còn tin vào lòng chung thủy.
• Có kẻ lại nhờ đó mà học được cách thủy chung.

Ai cũng từng thất bại.
• Có kẻ bỏ cuộc.
• Có kẻ nhờ đó mà trở nên mạnh mẽ hơn.

Cũng đất đó nước đó, có cây chắt chiu rồi làm ra những chiếc gai nhọn bao quanh mình, có cây lại làm ra những đóa hoa thơm để gió mang hương đi.

Cũng cuộc đời đó, cũng biến cố đó, nhưng lòng người khác nhau, làm nên những con người khác nhau.

Người an.



D.P.A (104)

(Thích Tánh Tuệ)

Người ơi, mở cánh cửa lòng
Để cho trời đất mênh mông hiện vào
Mỗi bình minh đến ngọt ngào
An lành trên mỗi tế bào Thân, Tâm

Chiêm nghiệm câu “trời kêu ai nấy dạ”

(Thích Tánh Tuệ)



“Trời kêu ai nấy dạ” là một câu thành ngữ mà chúng ta vẫn thường nghe nhiều người dùng. Câu này được sử dụng khi nào ?

Đó là khi một người nào đó cảm thấy cái chết của một số người khác hay của chính họ thật quá dễ dàng và đơn giản, và con người dường như nhỏ bé trước tiếng gọi của tử thần, như khi thấy một người nào đó đang đi đường trong mùa mưa bão, bỗng đâu một nhánh cây văng ra và bay đập vào đầu người ấy rồi mất mạng, hoặc giữa dịch bệnh, biết bao nhiêu con người, vậy mà tự nhiên người kia vô tình gặp gỡ người bệnh dịch, rồi bị người ấy lây bệnh, điều trị không khỏi, và mất mạng ...

Đứng trước nhiều trường hợp bất khả kháng vậy, con người thường nói một câu an ủi là: thôi trời kêu ai thì nấy dạ, hay sống chết có số”, hãy cứ an vui mà sống đi, không nên quá lo lắng. Rõ ràng, với câu nói này thì ít nhiều gì cũng làm cho người nói và người được nghe yên tâm phần nào, an ổn và vui vẻ sống tiếp trước những thiên tai, dịch bệnh, hay các rủi ro .... Nhưng sự thật thì có một ông Trời nào quản lý về thọ mạng của con người hay không ? Vấn đề này có lẽ chúng ta sẽ bàn trong một chủ đề khác.

Tuy nhiên có một điều chắc chắn là thọ mạng của một người bị chi phối bởi nhân quả sống của người ấy trong vô lượng kiếp sống trong quá khứ, và tiếp tục ở kiếp hiện tại này. Thậm chí cả hình thức chết cũng bị chi phối bởi nhân quả sống của người ấy. Như người thì chết đuối, người tai nạn, người bị dao đâm, người bị đạn bắn, người trúng độc, người bị treo cổ, người bị ám sát, người bị hãm hiếp, người bị nhiễm virus corona, ...tất cả đều do nhân quả riêng của mỗi người mà ít ai giống ai.

Một số nhân nếu gieo để được thọ mạng dài hoặc có cái chết an ổn là:

⒈ Sống với Tâm Từ, Tâm Bi.

⒉ Sống mà không làm tổn hại mạng sống các loài khác.

⒊ Thường bố thí thuốc men, đồ ăn cho chúng sinh khác đang cần.

⒋ Người thường có thói quen đi phóng sinh cứu vật, giúp người hoạn nạn.

⒌ Người nào hay ăn chay, ít ăn mặn, cũng được quả phúc sống thọ.

⒍ Người mở quán chay, khuyên người ăn chay, bớt sát sinh ... cũng được quả sống thọ.

⒎ Người sống biết giữ gìn bảo vệ môi trường như hạn chế thải rác nhựa, đổ xà phòng, hoá chất độc ra môi trường.. Người sống tốt như thế cũng là đang gieo nhân thọ mạng dài hơn.

⒏ Người yêu thiên nhiên, thích trồng rừng, bảo vệ cây cối ... người này cũng đang gieo nhân thọ mạng dài.

Nói chung sẽ còn rất nhiều nhân nữa. Và ngược những nhân trên, thì đang gieo nhân để có thọ mạng ngắn lại. Việc pha trộn các hành động sống của một con người như thế trong vô lượng kiếp sẽ hình thành nên thọ mạng của một con người trong kiếp hiện tại. Tuy nhiên, ở kiếp hiện tại chúng ta vẫn có thể tu tập các thiện nghiệp để bổ sung vào quả thọ mạng mà chúng ta đã gieo ra trong vô lượng kiếp.

Tuy nó ít so với một chuỗi dài sự sống chúng ta đã gieo ra trong vô lượng kiếp, nhưng đây là cách tốt nhất mà một người hiểu đạo có thể làm, mà không có cách nào khác tốt hơn. Tuy hơi muộn, nhưng người nào bắt đầu đi thì sẽ tốt hơn rất nhiều so với một người sống buông xuôi mà chẳng làm gì cả.

Thương mình, bạn hãy làm ngay !

Tự tri

(Thích Tánh Tuệ)



Nhiều lắm Phù Du sống một ngày
Đời mình cũng vậy, có ai hay !
Diễm mộng đêm qua thành triệu phú
Thức giấc, bật cười ... vẫn trắng tay

Nhà dẫu trăm gian, ngủ một giường
Bạc vàng chất chứa ngập trong rương
Một cơn gió ác thành thiên cổ
Thần thức ngục tù trong vấn vương

Dẫu ta quen biết đầy thiên hạ
Mấy kẻ quan hoài cho ... nén hương
Tơ tình bao mối thành xa lạ
Mình lẻ loi đi, Nghiệp dẫn đường

Vô thường một sớm làm cây chổi
Quét lá mùa thu, quét mạng người
Nếu hay vạn sự là mây nổi
Thì giờ nắm níu hoặc buông lơi ?

Nhiều lắm trăm năm một kiếp người
Đến rồi ai cũng phải đi thôi
Hãy sống sao cho đầy ý nghĩa
Để buổi xuôi tay miệng mỉm cười

Sắp vào cửa

- Trích “Phép Tắc Người Con”,Bài 17
- Theo Zhengjian,Kiến Thiện biên dịch



Sắp vào cửa, hỏi có ai
Sắp vào nhà, cất tiếng lớn
Người hỏi ai, nên nói tên
Nói Ta - Tôi, không rõ ràng
Dùng đồ người, cần mượn rõ
Nếu không hỏi, tức là trộm
Mượn đồ người, trả đúng hẹn
Người hỏi mượn, chớ keo kiệt

Diễn giải

Khi sắp vào cửa thì trước tiên hỏi rõ ai đang ở trong. Khi sắp bước vào phòng phải lớn tiếng chào hỏi.

Người khác hỏi cậu là ai thì phải trả lời rõ tên mình. Nếu chỉ trả lời ‘tôi’ thì người khác không biết rõ ràng.

Muốn sử dụng đồ vật của người khác thì trước tiên nói rõ, hỏi xin mượn dùng. Nếu không được sự đồng ý mà tự tiện lấy đi thì chính là ăn trộm.

Đồ mượn của người khác khi dùng xong phải nhanh chóng trả lại. Người khác hỏi mình mượn đồ, nếu mình có thì không được keo kiệt.

Câu chuyện tham khảo: BÀI MINH Ở ĐỊA PHỦ CHÉP TỘI ĂN TRỘM GÀ

Thời cổ đại, ở vùng Giang Nam có một học trò có lòng chính trực. Đúng lúc Điện thứ 7 của Địa Phủ chốn âm gian thiếu người, Ngọc Hoàng Đại Đế trao mệnh để anh tạm thời cai quản. Cứ cách mấy ngày anh lại đến Địa Phủ xử lý công việc, chỉ cần xem xét sổ sách, không phải xử án.

Anh thấy mỗi người tùy theo nghiệp thiện (đức) và nghiệp ác khác nhau của bản thân mà được phúc báo hay bị trừng phạt khác nhau. Mỗi lần thấy có người phải bò trên núi dao, leo cây kiếm, anh liền sai người hầu xung quanh đi cứu. Càng cứu thì trái lại họ bò càng nhanh, không cách nào cứu được. Một hôm, lúc xem sổ sách anh thấy vợ mình có một tội, đó là ăn trộm một con gà nhà hàng xóm. Con gà gồm cả lông là 1 cân 12 lạng (đơn vị xưa, tương đương với 0.9 kg ngày nay). Anh bèn gấp trang này lại đánh dấu.

Trở về dương gian anh chất vấn vợ. Vợ anh vẫn chối cãi lừa anh. Anh kể lại những chuyện thấy dưới Địa Phủ rồi lại hỏi vợ, vợ anh mới thừa nhận rằng, con gà nhà hàng xóm ăn thức ăn chị phơi, chị lỡ tay đánh chết nó, sợ người phụ nữ hàng xóm trách mắng, do đó đã giấu con gà đó đi không dám nói ra. Hai người đem con gà chết ra cân, quả nhiên không sai một ly, đúng là 1 cân 12 lạng. Hai vợ chồng đều cảm thấy kinh ngạc lạ lùng, thế là đem con gà này quy đổi ra số tiền tương đương bồi thường cho hàng xóm và tạ tội.

Không lâu sau anh lại đến Địa Phủ. Kiểm tra sổ sách trước đây, vết gấp vẫn y như cũ, nhưng tội trạng vợ anh đã không còn tung tích nữa.

(Nguồn tài liệu: “Kiến Văn Lục Bạch Thoại” đời Minh)

Phụ chú

Nguyên văn Đệ Tử Quy

將 入 門 問 孰 存
將 上 堂 聲 必 揚
人 問 誰 對 以 名
吾 與 我 不 分 明
用 人 物 須 明 求
倘 不 問 即 為 偷
借 人 物 及 時 還
人 借 物 有 勿 慳

Âm Hán Việt

Tương nhập môn, vấn thục tồn
Tương thượng đường, thanh tất dương
Nhân vấn thùy, đối dĩ danh
Ngô dữ ngã, bất phân minh
Dụng nhân vật, tu minh cầu
Thảng bất vấn, tức vi thâu
Tá nhân vật, cập thời hoàn
Nhân tá vật, hữu vật san

Chú thích

- Nhập môn: vào cửa. Nhập nghĩa là vào. Môn nghĩa là cửa, cổng.

- Thục tồn: có ai ở bên trong. Thục nghĩa là ai. Tồn nghĩa là có, tồn tại.

- Thượng đường: đi lên phòng lớn. Thượng nghĩa là lên. Đường nghĩa là phòng chính, phòng lớn.

- Dương: cất cao âm thanh.

- Ngô: tôi.

- Phân minh: rõ ràng, minh bạch.

- Dụng nhân vật: mượn đồ vật người khác để dùng. Dụng nghĩa là dùng, sử dụng.

- Thảng: nếu, nếu như.

- Tức: tức là, chính là, là.

- Cập thời: nhanh chóng và không lỡ thời gian. Kịp thời.

- San: keo kiệt, bủn xỉn (còn có âm là khan).

Giúp người khác, trời xanh sẽ giúp lại

(Sưu tầm)



Khi bạn đối mặt với khó khăn, liệu có thể tạm thời quên phiền não của mình, đưa tay ra giúp đỡ người cần giúp ? Nếu bạn có thể làm được như vậy, đừng lo lắng rằng mình sẽ mất thứ gì, bởi ông trời sẽ thông qua một số hình thức mà bồi hoàn lại cho bạn.

Rất nhiều người trong hoàn cảnh khó khăn, họ không nhìn thấy cái khó của người khác, bởi vì họ không vượt qua được quan ải trước mắt mình. Nếu bạn hiểu quy luật bù đắp thì bạn sẽ minh bạch, khi bạn đưa tay ra giúp đỡ những người bất hạnh kia, bạn sẽ thấy rằng công sức của mình sẽ không uổng phí, ông trời sẽ dùng một số hình thức, hồi đáp lại bạn vào một thời điểm nhất định. Những hồi đáp này có thể không phải từ người bạn đã giúp đỡ, mà đến từ một nguồn khác một cách rất tự nhiên. Bạn cho đi, thì sẽ được bù đắp lại, đây chính là quy luật của vũ trụ.

Khi gặp khó khăn, đôi khi ta hay trách móc ông trời, sau này ta mới phát hiện, thì ra mình đã sai. Vào lúc khó khăn nhất, ta đã than phiền, than phiền rất nhiều, nhưng cũng không thể tiêu được mối hận trong lòng, rồi ta ngẩng đầu lên oán trách ông trời, sao lại khiến ta khổ sở đến như vậy ? Điều khiến ta càng bực mình chính là, ông trời không bao giờ hồi đáp lại những căm phẫn của ta, không có bất kỳ hồi đáp nào.

Hóa ra, ông trời đã an bài rất kỹ lưỡng, chính là muốn giúp đỡ tất cả mọi người. Chỉ tiếc là lúc đó ta không thể lĩnh ngộ ra, mới không thể vượt qua được những quan ải của mình, nên đương nhiên phải chịu nhiều dày vò. Ta đã hiểu lầm một cách nghiêm trọng, đã coi sự từ bi của trời cao là tàn khốc, không công bằng, bây giờ ta đã hiểu, không bảo hộ mới là sự bảo hộ lớn nhất.

Bạn không vui vẻ đều đến từ cách nhìn chủ quan của mình

Những suy nghĩ chủ quan của chúng ta thật đáng ghét, đôi khi nó bóp méo sự thật, khiến ta căm ghét chính mình, vì thế phần lớn thời gian của chúng ta đều không vui vẻ. Hãy thay những suy nghĩ tiêu cực này bằng sự khích lệ, không oán hận than phiền, bất kể là ta bị oan ức hoặc tổn thất lớn đến nhường nào, thì ông trời cũng đều sẽ có an bài, sẽ dùng một phương thức khác để cho bù đắp lại cho ta.

Mỗi ngày thế giới này đều mang đến rất nhiều cơ hội, khiến chúng ta từ trong đó mà học tập, trưởng thành, chuyển biến, cảm nhận những sự vật xung quanh, cũng như thấy được sức ảnh hưởng của mình đối với tất cả mọi người và sự vật xung quanh.

Người nhún nhường không phải là kém cỏi, mà là biết dung nạp thiếu sót của mình, thưởng thức ưu điểm của người khác. Khi bạn có thể dung nạp những cái tầm thường của mình, thì cũng chính là một sự vĩ đại.

Quy luật bù đắp chính là: “khi bạn mất đi thứ gì thì sẽ nhận lại được thứ đó”

Hết thảy những gì trước mắt của chúng ta, chính là từ một thệ thống bù đắp.

Mỗi thống khổ đều sẽ nhận được hồi báo.

Mỗi sự hy sinh cũng nhận được thù lao.

Mọi khoản nợ nào thì cũng sẽ được hoàn trả.

Có thể thời khắc này bạn đang thất bại, nó còn kéo theo sự thất vọng dai dẳng trong tương lại, nhưng cuối cùng nhất định bạn sẽ nhận lại được những gì bạn đã mất qua một hình thức khác.

Sống hôm nay như ngày cuối trong đời

(Sưu tầm)



Thi thoảng, ta hay suy nghĩ về cái chết và sự mong manh của đời người như một người vừa trải qua một cơn thập tử nhất sinh. Những suy nghĩ đó sẽ tiếp thêm cho ta sức mạnh để dám bứt mình khỏi những điều phù phiếm.

Nếu chỉ còn một ngày để sống, liệu ta có còn bon chen hối hả giành giật với đời, với người ? Liệu ta có còn tỏ ra trì trệ, lười biếng, hời hợt với bản thân ? Liệu ta có còn vô tâm, vô cảm, toan tính với những người xung quanh ? Liệu ta có còn buông thả tâm mình theo những thú vui vô nghĩa ? Có còn giữ trong lòng những hận thù, oán ghét, những hành động xấu, ác ?

Liệu ta có còn thốt ra những lời nói, làm những hành động làm tổn thương người khác ? Hay ta chỉ muốn một sớm mai bình yên ngồi dưới hiện nhà, muốn ăn một bữa cơm đạm bạc với gia đình, muốn nhìn kỹ ánh mắt của những đứa con thơ, nhìn kỹ nét tần tảo chịu thương chịu khó của Cha Mẹ, muốn nói điều gì đó để làm người thương vui lòng ?

Khi đối diện với cái chết, ngay cả những dòng máu thật lạnh, những trái tim thật băng giá cũng sẽ nồng ấm lại.

Khi đối diện với cái chết, những được-mất-hơn-thua, những tham vọng vật chất, những hận thù sâu đậm ... đều không còn đáng kể nữa, đều sẽ mờ phai đi, sự nhẹ tênh …

Khi không còn thời gian để chọn nhiều hơn, người ta tự khắc biết chọn thứ đáng quý nhất. Họ sẽ …

- chọn suy nghĩ yêu thương, thiện lành.

- chọn sống chân thành, tử tế với người.

- chọn việc ý nghĩa để làm.

- chọn lời dễ thương để nói.

- chọn ánh mắt hiền để nhìn cuộc đời.

- chọn đôi tay ấm để nắm lấy tay người khác.

- chọn bước nhẹ đôi chân để tránh làm tổn thương những nơi mình đi qua.

- chọn hơi thở nhẹ nhàng, định tĩnh để lắng nghe cuộc sống.

Biết là vậy nhưng sao ta cứ mãi không làm chủ được mình, cứ bị những điều bất thiện, những danh lợi, thiệt-hơn trong cuộc đời cuốn đi ? Những lúc như vậy, xin ta hãy luôn nhớ: “cách để có thể thương được mọi thứ trong cuộc sống đầy khắc nghiệt này chính là nghĩ rằng mọi thứ rồi sẽ mất đi, thật vậy, mọi thứ rồi sẽ mất đi”.

Mỗi sớm mai thức giấc, hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng. Suy nghĩ này sẽ thôi thúc ta biết nhìn đời bằng đôi mắt yêu thương, biết sống với lòng biết ơn và nỗ lực hết mình, bởi ta không biết mình có còn cơ hôi để nói lời cảm ơn, nói lời xin lỗi, hoặc làm những việc mình rất muốn làm.

Nếu sớm mai, ta còn có thể nhìn thấy ánh mặt trời, hãy nhớ cảm tạ cuộc sống này bằng trọn vẹn trái tim.

Người ta thích làm tù nhân quá khứ
Rồi ưng làm đạo diễn ở tương lai
Giữa huyên náo có ai ngồi vô sự
Sống bây giờ, trọn vẹn với hôm nay ?
Thích Tánh Tuệ

Tần số năng lượng của mỗi chúng ta

(Sưu tầm)

Trải qua một loạt các trường hợp thực chứng, Ts Hawkins đúc kết ra rằng: “những người bị mắc bệnh vì trong nội tâm họ có suy nghĩ tiêu cực”.

Theo nhà nghiên cứu tâm thần nổi tiếng David Hawkins (Hoa Kỳ), tùy theo cảnh giới tinh thần mà mỗi người có một tần số rung động khác nhau, từ 1-1000. Sự đau khổ, tuyệt vọng và oán thán có tần số thấp, khiến người ta mang bệnh, và ngược lại, hòa ái từ bi có tần số cao khiến mọi người khỏe mạnh, hạnh phúc.

Cảnh giới khác nhau, năng lượng khác nhau

Tiến sĩ, bác sĩ tâm thần, nhà nghiên cứu nhận thức và giảng viên tâm linh nổi tiếng người Mỹ, ông David R.Hawkins (1927–2012), đã chứng minh được mối liên hệ mật thiết giữa bệnh tật của con người và những suy giảm năng lượng trong cơ thể, đến từ những tư tưởng tiêu cực. Kết quả nghiên cứu được ông trình bày trong cuốn sách bán chạy nhất của mình – “Power vs Force.”

Theo đó, mỗi người có một tần số rung động hay mức năng lượng khác nhau tùy theo cảnh giới tinh thần của họ, nằm trong khoảng từ 1 đến 1000. Ví dụ như:

• Vui vẻ, thanh tĩnh: 540

• Lý tính, thấu hiểu: 400

• Khoan dung độ lượng: 350

• Hy vọng lạc quan: 310

• Tự cao, khinh thường: 175

• Căm ghét, thù hận: 150

• Dục vọng, khao khát: 125

• Sợ hãi, lo lắng: 100

• Đau buồn, tiếc nuối: 75

• Thờ ơ, tuyệt vọng: 50

• Nhục nhã, hổ thẹn: 20

Ông cho biết những người không được thương yêu hay có tư tưởng tiêu cực, oán giận, chỉ trích, hận thù người khác hoặc sống ích kỷ đều có tần số rung động thấp. Trong quá trình trách móc, hận thù người khác, sẽ làm tiêu hao rất nhiều năng lượng của họ và nó cũng tạo ra nhiều áp lực trên cơ thể, vì thế tần số rung động sẽ giảm và những người này có nguy cơ bị mắc rất nhiều loại bệnh. Tần số rung động chính là từ trường mà mọi người thường hay nói.

Lấy ví dụ một người vô gia cư. Anh ta thường cảm thấy thất vọng, tự ti, mặc cảm, chỉ muốn buông xuôi thì tần số rung động chỉ ở mức 20. Tuy nhiên cách nhìn của người xung quanh đối với người vô gia cư này sẽ chỉ rõ tần số rung động của họ ở mức nào. Có người thì cho rằng người vô gia cư kia nghiện ngập và nếu cho tiền thì anh ta cũng đem mua rượu hay cung phụng cho cơn ghiền mà thôi. Họ nghĩ những người vô gia cư không nên tồn tại. Tư tưởng này cho thấy tần số rung động của họ cũng chỉ ở mức 20. Điều thú vị là hai hoàn cảnh này dường như trái ngược nhau nhưng tần số rung động lại tương đương. Lại cũng có người khác muốn tránh xa người vô gia cư vì có cảm giác sợ sệt hay vô cảm thì tần số rung động cũng chỉ ở mức từ 50-100.

Từ bi, giác ngộ là cảnh giới cao

Cũng theo tiến sĩ Hawkins, tần số rung động cao nhất mà ông đã quan sát được là 700, tần số trên 700 là những người thuộc hàng đã ở trong cảnh giới giác ngộ, tu hành đắc đạo, tràn đầy từ bi. Năng lượng của họ rất phong phú đầy đủ, khi họ xuất hiện có thể ảnh hưởng tới từ trường của vùng xung quanh.

Tiến sĩ Hawkins lấy ví dụ về nữ tu sĩ Thiên Chúa giáo Teresa. Khi bà xuất hiện trong buổi lễ trao giải Nobel Hòa Bình, bầu không khí trong toàn hội trường rất hòa ái tốt đẹp, tần số rung động cũng rất cao. Tại sao lại như vậy ? Nguyên nhân vì tần số rung động của bà làm cho tất cả mọi người trong hội trường đều cảm nhận được nguồn năng lượng đó và chịu ảnh hưởng theo.

Khi người có tần số rung động cao xuất hiện, sẽ kéo theo sự thay đổi của mọi thứ xung quanh. Cũng vậy, khi trong tâm một người xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực, họ không những làm tổn hại tới bản thân, mà còn làm cho toàn bộ từ trường quanh đó bị ô nhiễm, biến đổi theo hướng xấu.

Tần số năng lượng là chìa khóa cho sức khỏe, hạnh phúc

Tiến sĩ, bác sĩ David Hawkins đã điều trị rất nhiều bệnh nhân đến từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi ngày ông đều tiếp xúc hơn một nghìn bệnh nhân, nhiều khi quá tải, ông đều phải nhờ đến vị trợ lý của mình. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần nhìn thấy bệnh nhân, ông đã biết người đó tại sao mắc bệnh, là vì ông không thể tìm thấy bất kể sự ‘yêu thương’ nào toát ra từ người đó, chỉ toàn là đau khổ và tuyệt vọng bao trùm khắp thân.

Nếu tần số rung động của một người từ 200 trở lên thì người đó không mắc bệnh. Những người hay bệnh tật thường có tần số rung động thấp hơn 200. Vậy những ý niệm tiêu cực này là gì ? Đó chính là những suy nghĩ thích chỉ trích người khác, khi họ chỉ trích người khác sẽ tiêu hao lượng lớn năng lượng của tự thân, do vậy tần số rung động của họ tụt xuống dưới mức 200. Những người này rất dễ mắc bệnh, mỗi người có thể mắc một loại bệnh khác nhau.

Tiến sĩ Hawkins cho biết, ông đã trải qua trên hàng chục nghìn trường hợp để kiểm chứng điều này và kết quả đều thống nhất như nhau.

Tần số rung động trong xã hội hiện đại

TS. Hawkins cũng cung cấp những thực tế thú vị mà ít người biết về tần số rung động dưới đây:

• 85% dân số trên toàn thế giới có tần số rung động ở mức dưới 200.

• Tần số rung động cao gắn với sự khỏe mạnh, tần số rung động thấp gây ra trạng thái ốm yếu/bệnh tật. Từng suy nghĩ, cảm xúc, lời nói, hành động, cũng như mỗi khoảnh khắc mà con người trải qua trong ngày đều đi về một trong hai hướng nêu trên.

• Sách, thực phẩm, nước uống, quần áo, người, động vật, các tòa nhà, xe hơi, phim ảnh, thể thao, âm nhạc … đều có thể hiệu chỉnh tần số rung động từ thấp lên cao.

• Hầu hết phim ảnh sẽ làm suy yếu những người xem chúng bằng cách đưa các mức năng lượng xuống dưới 200.

• Những cuốn sách/tri thức mang tần số rung động cao: Kinh Vệ Đà (910), sử thi Ramayana (810), giáo lý Thiền (795), sử thi Mahabarata (780), Tâm Kinh và Kinh Pháp Hoa (cùng 780), Kinh Koran và Kinh Kim Cương (cùng 700) …

Bởi vậy xuất phát từ góc độ là một bác sĩ tâm lý, tiến sĩ Hawkins khuyên mọi người nên có chính niệm, suy nghĩ lạc quan … Điều này rất quan trọng và có thể mang đến cho bạn những lợi ích đáng kinh ngạc.

Nhiều chuyên gia có cùng quan điểm với Ts Hawkins, là chế độ ăn kiêng và tập thể dục không phải là yếu tố quan trọng nhất để có tuổi thọ. Tiến sĩ Elizabeth Blackburn, người đoạt giải Nobel năm 2009 về sinh lý học, tổng kết các yếu tố sống thọ: nếu bạn muốn sống hơn 100 năm, chế độ ăn uống hợp lý chiếm 25%, các yếu tố khác 25%, trong khi cân bằng tâm lý chiếm 50%.

Như vậy, nếu bạn muốn sống khỏe mạnh và trường thọ hơn nữa, nhất định cần xem xét đến những điểm sau:

Tâm trạng tốt so với tâm trạng không tốt

Nếu bạn bồn chồn cả ngày và tâm trí của bạn tràn ngập sự tức giận, căng thẳng, tham lam và những suy nghĩ xấu, cơ thể bạn sẽ tạo ra các hóc-môn căng thẳng làm hỏng hệ thống miễn dịch. Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng khi bạn cực kỳ tức giận, cơ thể bạn có thể tạo đủ lượng hormone căng thẳng để diệt chuột. Tuy nhiên, khi bạn cảm thấy hạnh phúc, não của bạn sẽ tiết ra dopamine và các hormone có lợi khác. Có một đặc điểm chung trong số những người sống trăm tuổi – tất cả đều có trái tim vui vẻ.

Mục tiêu lành mạnh giúp tăng trưởng năng lượng

Khi mọi người không có một mục đích trong cuộc sống, cái chết thường trở thành mục tiêu cuối cùng của họ, và sức khoẻ tinh thần của họ bị ảnh hưởng. Duy trì một thái độ tích cực và một tinh thần lạc quan để tìm cách đạt được một mục tiêu sẽ kích thích tế bào não và ngăn ngừa lão hóa sớm.

Nuôi dưỡng lòng từ ái và làm các việc thiện

Các chuyên gia về tâm thần học cho rằng những nghĩa cử thiện lương làm cho trái tim bạn tràn ngập niềm vui, triệt tiêu các hóc-môn gây căng thẳng, và tăng sản xuất các hóc-môn có lợi.

Gia đình hòa ái

Một mối quan hệ hài hòa với những thành viên trong gia đình giúp ngăn ngừa sản sinh hóc-môn căng thẳng. Đồng thời, khi nhu cầu tình cảm của bạn được đáp ứng, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|99|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Người dốc lòng làm việc thiện, có thể lúc đó phải chịu nhiều cực nhọc, phải chịu không ít tổn thương, nhưng cuối cùng thứ có được luôn là nụ cười bình yên, và không khổ não”.

Nói được một câu “thương người” giữa cuộc đời đầy những toan tính thế này không phải dễ, nhưng khi nói được, bỗng thấy cuộc đời dù thế nào cũng còn rất hiền hậu, đủ để chúng ta có thể nở một nụ cười bình yên.

Tha thứ cho những điều đã làm mình tổn thương không phải dễ, nhưng chỉ khi nào làm được điều đó, vết thương trong lòng mới có thể lành; trên người của những kẻ bình yên nào cũng có một vài vết thương, nhưng đã lành rồi.

Tử tế trong từng lời nói, ánh mắt, việc làm, không phải dễ, nhưng đừng bao giờ làm khó khăn cho cuộc sống ngày mai bằng cách chọn cho mình những ngày hiện tại sống quá dễ dàng vì không cần phải tử tế và mỉm cười với ai.

Thêm một chút can đảm, thêm một chút từ bi, những nỗi buồn dường như dài vô tận cũng kết thúc, những vết thương dường như không thể lành cũng có thể khép miệng. Và can đảm, từ bi cũng không phải dễ.

Đôi khi cũng do nghĩ sau này còn cơ hội, nên chúng ta thường bỏ qua những việc làm thiện khi thấy nó bắt đầu khó khăn, thấy một chút trắc trở là dừng lại: “để sau này hãy làm”, “để sau này hãy tính”, “để sau này làm tiếp” ... đâu biết, cuộc sống không bao giờ cho chúng ta có được nhiều lần “sau này” đến như vậy.

Ai không đủ can đảm thương được những trắc trở của mình khi dốc lòng làm điều thiện sẽ không đủ sức để đi qua hết nỗi đau mênh mông của kiếp người.

Mong người luôn an.



Tiền và Tôi

(Sưu tầm)



TIỀN:
- bỏ dấu huyền thì là Tiên
- thêm dấu sắc là Tiến
- thêm dấu nặng là Tiện
- thêm dấu ngã là Tiễn
Biết dùng tiền, sẽ giúp bạn thăng tiến
Có được tiền, cảm giác sướng như tiên
Cố giữ tiền, bạn là người bần tiện
Thiếu thốn tiền, nhà cửa cũng ... phải tiễn, người yêu bỗng nhiên ... biến.

TÔI:
- bỏ dấu thì là Toi
- thêm dấu sắc là Tối
- thêm dấu huyền là Tồi
- thêm dấu nặng là Tội
Không biết mình là ai thì toi
Không học hỏi người khác thì tối
Không giúp người hoạn nạn thì tồi
Không làm điều tốt lành thì tù tội

ĐỪNG BẤT CHẤP TẤT CẢ ĐỂ BÁN RẺ CÁI TÔI CHO ĐỒNG TIỀN.

Chánh Niệm và Trí Tuệ

(Thiền Sư U Tejaniya Sayadaw)

Đức Phật không bảo chúng ta đừng suy nghĩ, nói năng hay hành động, mà Ngài dạy chúng ta phải nghĩ, phải nói, phải làm với trí tuệ, chứ không để bị phiền não giật dây, thao túng.

Một khi đã thấy được sự nguy hiểm của các phiền não, bạn sẽ chỉ muốn giữ tâm mình luôn ở trong trạng thái tích cực, tỉnh thức nhất đến mức có thể.

Khi suy nghĩ, nói năng hay hành động với phiền não, chúng ta sẽ còn tiếp tục lăn trôi mãi trong luân hồi. Cũng như vậy, nếu suy nghĩ, nói năng hay hành động với trí tuệ, chúng ta sẽ tìm được đường thoát ra khỏi sanh tử luân hồi.

Tuệ giác tự nó thì chẳng có gì là quan trọng, điều quan trọng thực sự là tuệ giác đó có đem lại sự chuyển hoá trong tâm bạn hay không, để có thể giúp bạn xử lý những tình huống tương tự trong tương lai mà không bị phiền não chi phối.

Công việc của chánh niệm chỉ là hay biết. Công việc của trí tuệ là phân biệt cái gì là thiện, cái gì là bất thiện.

Sự chấp nhận thực sự và xả ly là con đẻ của trí tuệ.



Đời đẹp bởi nó mong manh

(Thích Tánh Tuệ)

Hạnh phúc mong manh, vì tiềm tàng trong hạnh phúc luôn có niềm đau khổ. Và đau khổ cũng mong manh, vì đau khổ vốn do duyên sanh thì cũng do duyên mà đến ngày hoại diệt.

Một người hiểu biết, khi hạnh phúc đến, họ cảm nhận và bình an, không vênh vang đắc chí. Khi đau khổ xuất hiện, họ cũng cảm nhận và bình an, không hoảng loạn, ưu phiền …

Cuộc đời này rất đẹp, và vạn sự đều mang vẻ đẹp của sương mai, mong manh tan theo ngày nắng vội. Nhưng không vì thế mà cuộc đời này mọi thứ trở nên vô vị và vô nghĩa. Nhiều vĩ nhân cũng mang tấm thân phận hạt bụi như chúng ta, họ đã đi qua cuộc đời này mà nghìn năm vẫn còn vang bóng, họ cũng mong manh ... mà trí tuệ và tấm lòng thì soi sáng, vĩnh hằng.

Con người không tồn tại với thời gian, tiếng nói cũng không vang mãi tới muôn trùng, nhưng trái tim và tác phẩm để lại cho đời thì thiên thu bất diệt. Ai nói kiếp đời “hạt bụi mong manh” là vô nghĩa, hư vô, là chưa hiểu thấu đấy thôi …

Hãy nhủ lòng hiện hữu như sương mai, dẫu phù du mà vẫn tinh khôi, chiếu sáng. Hạt sương đẹp ở chỗ dù không ai chiêm ngưỡng thì nó vẫn đẹp, nó đẹp một cái tự nhiên như bản thể nó là. Sống giữa đời, cứ như sương, cứ như hoa, sống là biểu hiện, là cống hiến vô tư, chẳng vì ai tán dương, ca tụng ...

Hãy yêu thương cuộc đời và loài người, vì thân phận loài người cũng mong manh như loài sương buổi sớm, lỡ phải một cơn gió thôi, lỡ nhiễm một cơn dịch thôi là cũng dễ vỡ tan rồi.

Đời người như giọt sương mai
Thương nhau không hết, đắng cay làm gì
Mai rồi ai ở, ai đi
Giọt sương khóe mắt ... nói chi, muộn màng

20 câu nói nhân sinh …

(Sưu tầm)

20 CÂU NÓI NHÂN SINH THẤM THÍA NHẮC NHỞ BẠN TRONG MỌI THỜI KHẮC CỦA CUỘC ĐỜI

⒈ Tiền tài giống như nước biển, uống càng nhiều, khát cũng càng nhiều.

⒉ Nhân sinh muôn nẻo, đường đời muôn lối, trăm bước ngoặt, ngàn bước rẽ, thì cuối cùng cũng trở về một điểm đích. Tham lam tranh đấu để có được tiền tài, địa vị, cuối cùng tất cả đều để lại phía sau. Điều còn lại chính là nghiệp bước theo thân.

⒊ Người minh trí thì đối với phú quý tiền tài, vật chất ngoài thân, đều tùy kỳ tự nhiên. Làm người có thể khiến dục vọng bản thân như nước triều dâng, lên được, xuống được, nhưng tuyệt đối không vượt khỏi giới hạn của nó. Người u mê đắm say vật chất như nước tràn đê vỡ, càng chảy càng hung.

⒋ Đời người là một chuỗi dài lựa chọn, tương lai, vận mệnh mỗi người đều nằm trong tay của chính mình, mỗi một lựa chọn sẽ mang đến một tương lai. Sống thông minh không khó, khó là làm người thiện lương, bởi thiện lương là lựa chọn, còn thông minh lại là thiên bẩm.

⒌ Nhân sinh như bản tình ca, có trầm có bổng, có đắng có cay, có du dương có cả ngọt bùi, như vậy mới trọn kiếp người.

⒍ Cho người khác một con đường chính là cho mình một cánh cửa, giúp người thuận tiện chính là giúp mình thuận tiện, lấy thiện đãi người cũng chính là lấy thiện đãi mình.

⒎ Phiền phức, đa phần đều do tự mình tìm đến, nếu bản thân chúng ta không muốn nó sẽ chẳng thể bám được vào mình. Thái độ vui vẻ, hiểu được buông bỏ chính là chìa khóa để cởi bỏ phiền phức.

⒏ Nhân sinh tại thế, đã là con người thì ai ai cũng có dục vọng, vì dục vọng mà sống, vì dục vọng mà vươn lên. Tuy nhiên, kẻ thành người bại lại nằm ở chỗ ai là người có thể khống chế dục vọng của mình, biết đâu là điểm đến, đâu là điểm dừng.

⒐ Người yếu đuối thường sợ đối diện với nguy hiểm, tuy nhiên không dám đối diện với nguy hiểm lại chính là đặt bản thân vào chỗ nguy hiểm nhất.

⒑ Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần, làm người muốn học đi thì trước tiên phải học ngã, muốn ngẩng đầu thì phải biết cúi đầu. Cúi đầu càng thấp thì ngẩng đầu càng cao, cúi đầu hôm nay để ngẩng đâu ngày mai.

⒒ Khi bạn muốn tìm một người thay đổi được cuộc đời bạn, hãy nhìn vào gương.

⒓ Hãy mạnh mẽ lên đi, mọi thứ rồi sẽ ổn thôi. Bầu trời có thể bão bùng, nhưng mưa không thể rơi mãi được đâu.

⒔ Nếu người khác tôn trọng bạn, hãy tôn trọng họ. Nếu họ không tôn trọng bạn, vẫn cứ tôn trọng họ, đừng để hành động của người khác ảnh hưởng đến nhân cách tốt đẹp của bạn. Bởi lẽ, bạn chính là bạn chứ không phải là một ai khác.

⒕ Đại dương mênh mông sẽ không thể đánh chìm một con tàu nếu nước không tràn vào bên trong nó. Cũng tương tự như thế, những khó khăn sẽ không thể quật ngã bạn nếu bạn không cho phép chúng làm thế.

⒖ Cuộc đời chỉ có một, vì thế hãy làm những gì khiến bạn hạnh phúc và ở bên người khiến bạn luôn mỉm cười.

⒗ Nếu như bạn mong đợi người đời sẽ tử tế với bạn chỉ vì bạn tử tế với họ, thì cũng giống như việc bạn trông chờ một con sư tử không ăn thịt mình chỉ vì mình không ăn thịt nó. Cuộc sống vốn dĩ không công bằng, hãy học cách thích ứng đi.

⒘ Nếu kẻ khác nói xấu bạn, phán xét bạn, mặc dù không biết gì về bạn. Đừng buồn, hãy nhớ kĩ một điều: “chó sủa khi gặp người lạ”.

⒙ Đôi khi, không phải là một người đã thay đổi, chỉ là mặt nạ của họ đã rơi xuống mà thôi.

⒚ Vợ chồng yêu nhau không phải là khi bốn mắt nhìn nhau mà là khi bốn mắt cùng nhìn về một hướng.

⒛ Làm người đôi khi bị người khác lợi dụng cũng là điều hạnh phúc, bởi vạn vật trên đời có được ắt sẽ có mất, không người thăm hỏi mới là điều đáng thương nhất.

Cuộc sống đầy lo toan và cám dỗ, bạn hãy nhớ kĩ những điều này để sống an yên.

Any road will get you there

(Lewis Carroll)

If you don’t know where you are going, any road will get you there.

╰▶ Nếu bạn không biết bạn đang đi đâu, bất kỳ con đường nào cũng sẽ đưa bạn đến đó.

Những dòng Pháp ghi lại để tự nhắc bản thân

(Sưu tầm)

“Người ta không thể chấp nhận một cái gì xa vời, hão huyền rời xa thực tế vì những điều này không ăn nhập gì đến đời sống hiện tại. Con đường giải thoát ngay trong đời sống hiện tại, vì khi tìm ra nó, người ta sẽ không còn đau khổ và đời sống sẽ là một ân sủng thay vì một sự phấn đấu khôn nguôi”.(Satomi Myodo - Hoa trôi trên sóng nước)

“Càng giữ giới càng ghét người phạm giới, ít có tâm từ bi lắm. Mình càng mong muốn lên thiên đường, lại càng mong muốn kẻ khác xuống địa ngục. Tu hành kiểu đó xuống địa ngục cho rồi. Nghe thông tin về một vị sư nào đó phá giới, phạm trai, mình sẵn sàng rủa sả ngay “thứ đó đọa địa ngục hết”, chứ không hề khởi tâm từ bi, thấy người ta đi vào con đường đọa lạc, thì tìm cách để chặn lại, để họ đừng rơi xuống địa ngục. Nghĩ được như vậy e rất khó. Mười người chưa chắc được một. Nhưng làm được như vậy, đó mới chính thực là tu tập theo Bồ Tát đạo, thực hành Bồ Tát hạnh …”. (Trích lời H.T Tuệ Sỹ, giảng giải về Kinh Kim Cang)

Nếu một người có thể nói trong chánh niệm, nếu anh ta có thể giữ chánh niệm trong khi nói, điều đó chứng tỏ rằng niệm lực của anh ta rất mạnh. Bất cứ khi nào bạn muốn nói, hãy tự nhắc nhở mình nói trong chánh niệm: “nếu tôi không thể nói trong chánh niệm, tôi sẽ không nói”. Vì vậy, hãy rất cẩn thận khi nói năng. Khi bạn yên lặng, hãy ý thức rằng bạn đang yên lặng và ghi nhận (niệm) “yên lặng, yên lặng, yên lặng”. HÃY RẤT CẨN THẬN KHI NÓI NĂNG - ĐỪNG NÓI KHI KHÔNG CHÁNH NIỆM.

Đi chùa, lạy Phật, ăn chay
Đôi khi chỉ để giải khuây nỗi lòng
Tu là nhìn lại bên trong
Biết sai liền sửa ... mới tròn nghĩa tu
Như thế mới thực công phu
Lao xao hình thức, chỉ tu bề ngoài
Con đường về với Như Lai
Đừng tìm khắp chốn, tìm ngay chính mình
(Thích Tánh Tuệ)



Ngày mai, liệu chúng ta còn biết chúng ta mất hay còn ?

(Chay Mộc)



Hôm nay chúng ta còn sống. Ngày mai, liệu chúng ta còn biết chúng ta mất hay còn ? Vậy nhưng chúng ta luôn tảng lờ sự thật ấy. Chỉ nghĩ đến sinh, chưa từng nghĩ qua về tử. Có nghĩ đến cũng chỉ là thoáng qua, chứ không nhiều người sống với điều đó mỗi ngày. Nếu bạn nhận ra rằng dù bạn có xoay sở ra sao đi nữa, giành giật và hưởng thụ thế nào đi nữa, vào ngày mai, bạn phải đối diện với cái chết, liệu bạn có hành động như hiện tại ? Bạn có nghĩ đủ mọi kế để hại mình hại người miễn sao có tiền ?

Bạn sẽ nhận ra tiền chẳng mang lại nhiều hạnh phúc như bạn tưởng. Khi có nhiều tiền. Bạn sẽ cần nhiều tiền hơn nữa. Bởi vì bạn vẫn thấy có người giàu có hơn bạn. Rồi bạn phải ngồi nghĩ cách làm sao cho tiền tiếp tục sinh ra tiền. Nghĩ cách phát triển hơn mới thấy an toàn. Cuối cùng, thực ra bạn được hưởng cực ít trong số đó. Bởi bạn còn bận làm ăn tính toán, làm sao có thời gian hưởng thụ.

Những kẻ hưởng thụ ngay thì lại thấy tiền hết rất nhanh. Và lại tiếp tục giành giật để kiếm tiền tiếp. Nhân sinh, chìm trong vòng luẩn quẩn u hoài. Bạn có xây nhà thật to, mua ô tô thật đẹp, nhưng rồi cũng chẳng biết mình được sử dụng bao lâu.

Con người bây giờ thường chỉ nghĩ làm sao để: xây nhà to đẹp, mua xe ô tô thời thượng, mặc áo hàng hiệu, đi ăn quán sang trọng, hưởng thụ mọi thú vui trên đời … Nhưng rồi chẳng ai nhận ra để có được những thứ đó, bạn phải trả giá những gì. Bạn phải trả bằng toàn bộ thời gian, sức khỏe và trí óc. Chúng ta chỉ biết quẩn quanh với những trò chơi vô vị, cả một đời phấn đấu, cuối cùng đối diện chỉ là cái chết. Khi nhắm mắt xuôi tay, ta chẳng cầm theo được chút gì, nhà cao cửa rộng, con cháu đầy đàn … đến cuối cùng chỉ là ô đất lạnh.

Có người nghĩ chết là hết. Nên mục đích sống duy nhất chỉ là hưởng thụ. Không còn nghĩ được gì thêm. Còn có người biết được rằng nghiệp báo nhân quả sẽ kéo ta đi luân hồi vạn kiếp, nên biết tìm cách gieo nhân lành, biết sống sao cho trọn, biết tỉnh thức hàng ngày để chuẩn bị cho mọi sự, kể cả cái chết. Nên một đời thanh thản. Sống an lành tự tại. Chẳng còn lo vướng mắc bụi trần.

Sống ra sao, bạn có quyền lựa chọn. Bạn có thể đi bất cứ con đường nào, bởi chẳng có định nghĩa tốt xấu. Tâm thức bạn như thế nào, vũ trụ sẽ phản hồi lại tương xứng. Và bạn, sẽ có bài học của riêng mình.

● ● ● Bạn hãy lựa chọn, sao cho ngày mai là một ngày an lành !

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|98|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

Một hôm, có người tìm đến ngôi nhà nhỏ của Đức Phật trong rừng Jeta, nước Sravasti, chào Đức Phật rồi ngồi qua một bên, nói: “thưa Người, thật khó để giữ cho tâm được tĩnh lặng - thưa Người - đường trần ngoài kia thật khó đi”.

Đây là câu nói của một người hơn 2500 năm trước. Chúng ta hôm nay, khi trở về ngồi trước Người, có lẽ cũng nói câu nói giống như vậy: “thưa Người, con đã về; thưa Người, thật khó để giữ cho tâm con được bình yên, đường trần ngoài kia chông chênh quá”. Người của hơn 2500 năm trước, người của 2500 năm sau, mang chung trong lòng một vết thương.

Ai cũng có những bất an của mình, khác nhau là cách chúng ta ứng xử với nó. “Thưa Người, con đã về; thưa Người, thật khó để giữ cho tâm con được bình yên, đường trần ngoài kia chông chênh quá”. Nhưng không sao - người mỉm cười và nói được “nhưng không sao” ấy, là người chưa bao giờ để những bất an trở thành một cái cớ để thôi không nỗ lực gì nữa, thôi không từ bi với cuộc đời thêm một lần nào nữa.

Cây luôn đổ về phía nó tựa vào, con người luôn đổ về phía tâm niệm mà họ thường xuyên nuôi dưỡng trong lòng, đó là điểm tựa của con người. Dù đường trần nhiều xót xa, vẫn luôn có rất nhiều điều tốt đẹp đến từ đó. Cuộc sống hiện thực dù bất an thế nào nó vẫn luôn đáng giá hơn mọi giấc mơ.

“Thưa Người, con đã về; thưa Người, đường trần ngoài kia chông chênh quá … nhưng không sao !”

Người cuối tuần an.