V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Trùng sinh ân nặng

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương LVI, Thích Nhất Hạnh



Thỉnh thoảng Bụt hoặc các vị đệ tử lớn của người lại tới thăm và nói pháp thoại tại ni viện. Mỗi tháng một lần các vị nữ khất sĩ cũng được tới nghe pháp ở tu viện Jetavana hoặc ở giảng đường Lộc Mẫu. Năm nay theo lời yêu cầu của đại đức Sariputta, Bụt cho kéo dài mùa an cư thêm một tháng. Lễ tự tứ sẽ được cử hành vào ngày trăng tròn tháng Kattika, thay vì vào ngày trăng tròn tháng Assayuja như những năm khác. Ý của đại đức Sariputta là nếu Bụt kéo dài mùa an cư thêm một tháng thì các vị khất sĩ và nữ khất sĩ đang an cư tại các trung tâm tu học khác trong nước và ở các nước lân cận, sau khi làm lễ tự tứ cuối ba tháng an cư của họ, có thể tìm về Savatthi để được gặp Bụt.

Tin Bụt sẽ kéo dài mùa an cư năm nay thêm một tháng đã được truyền đi các nơi rất mau chóng, vì vậy sau lễ tự tứ, các thầy và các ni cô từ các địa phương lục tục tìm về thăm Bụt rất đông. Các vị thí chủ lớn như Sudatta, Visakha và Mallika đã tìm mọi cách để cung cấp phương tiện cư trú và thực phẩm cho cả ngàn vị khách tăng từ các nơi dồn đến. Vào cuối tháng Kattika, số lượng các vị khất sĩ và nữ khất sĩ tại thủ đô Savatthi đã lên tới ba ngàn vị.

Thấm thoát mà ngày trăng tròn tháng Kattika đã đến. Hoa Kumudi nở rộ khắp nơi, Kumudi là một thứ sen trắng thường hay nở rộ vào tiết này nên ngày trăng tròn tháng Kattika cũng được gọi là ngày hoa Kumudi.

Đêm ấy trăng sáng vằng vặc. Bụt ngồi ở ngoài trời, có cả ba ngàn vị đệ tử xuất gia. Hương sen từ hồ bay lên thoang thoảng. Mấy ngàn vị khất sĩ ngồi bao quanh Bụt im lặng. Người nói Người rất bằng lòng thấy được thực chất của sự tu học nơi các vị khất sĩ và nữ khất sĩ. Rồi nhân cơ hội này, Người nói kinh Quán Niệm Hơi Thở. Đúng ra thì vị khất sĩ nào cũng đã được học về phép quán niệm hơi thở, và Bụt đã nhiều lần dạy về pháp môn này, nhưng đây là lần đầu mà đa số các vị xuất gia có mặt được nghe Bụt giảng dạy trực tiếp về phép quán niệm hơi thở. Đây cũng là lần đầu Bụt tổng hợp những điều đã từng dạy về pháp môn này và đúc kết lại trong một bài giảng. Biết trước rằng kinh này sẽ phải được trùng tuyên để tất cả học thuộc mà hành trì, đại đức Ananda lắng nghe và ghi nhận tất cả những tiếng và những lời Bụt dạy.

Trong buổi tụ họp hôm nay có mặt cả ni sư Yasodhara - mẹ của đại đức Rahula, và ni sư Sundari Nanda - cô của đại đức, em gái của Bụt. Hai vị này đã xuất gia dưới sự hướng dẫn của ni sư Gotami và trong những năm qua đã tu học tại một ni viện miền ngoại ô phía Bắc thành Kapilavatthu, ni viện này cũng đã do ni sư Gotami sáng lập. Sáu tháng sau khi bà Gotami được xuất gia, Yasodhara đã xin được xuất gia và gia nhập vào ni chúng. Chỉ trong vòng một năm, ni sư Yasodhara đã trở nên một vị phụ tá đắc lực cho ni sư Gotami.

Từ những năm Bụt bắt đầu an cư tại tu viện Cấp Cô Độc, ni chúng đã tổ chức an cư ở thủ đô Savatthi để được thừa hưởng sự giáo huấn của Bụt và của các vị đại đệ tử. Hoàng hậu Mallika và nữ cư sĩ Visakha đã tận lực ủng hộ ni chúng trong việc thành lập tu viện cho phái nữ. Hai năm đầu, ni chúng được phép sử dụng vườn Thượng Uyển để làm trung tâm an cư. Đến năm thứ ba họ mới lập được tu viện riêng biệt. Biết mình tuổi đã cao, ni sư Gotami nỗ lực đào luyện những vị lãnh đạo ni chúng trong giới những ni sư trẻ tuổi. Ni sư Yasodhara là một trong những vị lãnh đạo ni chúng xuất sắc. Cũng xuất gia một lượt với bà còn có các ni sư Sela, Vimala, Soma, Mutta và Nanduttara. Tất cả các vị ấy đều có mặt hôm nay tại tu viện Lộc Mẫu. Đại đức Rahula đã giới thiệu ni sư Yasodhara và ni sư Sundari Nanda với đại đức Svastika. Đại đức Svastika rất kính mến hai người này, đại đức đã từng được nghe bạn nói nhiều về họ.

Bụt dạy:

- Này các vị khất sĩ, phép quán niệm hơi thở, nếu được phát triển và thực hiện liên tục, sẽ đem lại những thành quả lớn. Do quán niệm hơi thở quý vị có thể thành tựu phép quán Tứ Niệm Xứ và phép quán Thất Giác Chi, tức là bảy yếu tố giác ngộ, và đạt tới trí tuệ và giải thoát.

Hơi thở thứ nhất: thở vào một hơi dài, ta biết ta đang thở vào một hơi dài, thở ra một hơi dài, ta biết ta đang thở ra một hơi dài. Hơi thở thứ hai: thở vào một hơi ngắn, ta biết ta đang thở vào một hơi ngắn, thở ra một hơi ngắn, ta biết ta đang thở ra một hơi ngắn. Hai hơi thở này nhằm mục đích cắt ngang những thất niệm và suy tư vẩn vơ vô ích, đồng thời làm phát khởi chánh niệm và tiếp xúc được với sự sống trong giờ phút hiện tại. Thất niệm là sự quên lãng, là sự vắng mặt của chánh niệm. Hơi thở có ý thức đưa ta trở về với ta và với sự sống.

Hơi thở thứ ba: ta đang thở vào và có ý thức về toàn thân ta, ta đang thở ra và có ý thức về toàn thân ta. Hơi thở này là để quán niệm về thân thể và để tiếp xúc với thân thể của chính mình. Ý thức về thân thể như một tổng thể và ý thức về các bộ phận trong cơ thể để thấy được những mầu nhiệm về sự có mặt và về quá trình sinh diệt của thân thể.

Hơi thở thứ tư: ta đang thở vào và làm cho toàn thân ta an tịnh, ta đang thở ra và làm cho toàn thân ta an tịnh. Hơi thở này là để thực hiện sự an tịnh trong cơ thể và cũng là để đạt tới trạng thái thân tâm nhất như trong đó thân tâm và hơi thở trở nên một hợp thể mầu nhiệm.

Hơi thở thứ năm: ta đang thở vào và cảm thấy mừng vui, ta đang thở ra và cảm thấy mừng vui. Hơi thở thứ sáu: ta đang thở vào và cảm thấy an lạc, ta đang thở ra và cảm thấy an lạc. Với hai hơi thở này hành giả đi sang lãnh vực cảm thọ. Hai hơi thở này tạo ra sự an lạc cho thân tâm để nuôi dưỡng thân tâm. Nhờ chấm dứt vọng tưởng và quên lãng, hành giả trở về với bản thân, tỉnh thức trong giây phút hiện tại, cho nên niềm vui mừng và sự an lạc phát sinh. Hành giả an trú trong sự sống mầu nhiệm và sự tịnh lạc của chánh niệm. Nhờ tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm, hành giả biến những cảm thọ không khổ không vui (gọi là xả thọ) thành những lạc thọ. Hai hơi thở này đem tới những lạc thọ ấy.

Hơi thở thứ bảy: ta đang thở vào và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta, ta đang thở ra và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta an tịnh. Hơi thở thứ tám: ta đang thở vào và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta an tịnh, ta đang thở ra và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta an tịnh. Hai hơi thở này là để quán chiếu tất cả những cảm thọ đang xảy ra trong ta, dù đó là lạc thọ, khổ thọ hay xả thọ, và để làm cho an tịnh những cảm thọ ấy. Những hoạt động tâm ý tức là những cảm thọ. Có ý thức về những cảm thọ và quán chiếu về gốc rễ và bản chất của những cảm thọ ấy, ta điều phục được chúng và làm cho chúng trở nên an tịnh, dù đó là những khổ thọ từ tham dục, giận hờn và ganh ghét phát sinh.

Hơi thở thứ chín: ta đang thở vào và có ý thức về tâm ý ta, ta đang thở ra và có ý thức về tâm ý ta. Hơi thở thứ mười: ta đang thở vào và làm cho tâm ý ta hoan lạc, ta đang thở ra và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Hơi thở thứ mười một: ta đang thở vào và thu nhiếp tâm ta vào định, ta đang thở ra và thu nhiếp tâm ta vào định. Hơi thở thứ mười hai: ta đang thở vào và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do, ta đang thở ra và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Với bốn hơi thở này hành giả đi sang lãnh vực thứ ba là tâm ý. Hơi thở thứ chín nhằm nhận diện tất cả những hoạt động của tâm ý như tri giác, tư duy, phân biệt, vui, buồn, nghi kỵ .v.v.v… Nhận diện để thấy được sự vận hành của những hoạt động tâm ý, và khi đã nhận diện rồi, hành giả thu nhiếp tâm ý, làm cho tâm ý lắng lại và cảm thấy an lạc trong trạng thái tâm ý lắng đọng này. Đó là tác dụng của hơi thở thứ mười và thứ mười một. Hơi thở thứ mười hai nhằm tháo gỡ những chỗ kẹt của tâm ý. Nhờ quán chiếu mà ta thấy được nguồn gốc của tâm ý và do đó ta tháo gỡ được những chỗ kẹt ấy.

Hơi thở thứ mười ba: ta đang thở vào và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp, ta đang thở ra và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Hơi thở thứ mười bốn: ta đang thở vào và quán chiếu tính tàn hoại của vạn pháp, ta đang thở ra và quán chiếu tính tàn hoại của vạn pháp. Hơi thở thứ mười lăm: ta đang thở vào và quán chiếu về giải thoát, ta đang thở ra và quán chiếu về giải thoát. Hơi thở thứ mười sáu: ta đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ, ta đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ. Với bốn hơi thở này, người hành giả bước sang lãnh vực đối tượng của tâm thức, và chú tâm quán sát thực tướng của vạn pháp. Trước hết là quán về tự tính vô thường của vạn pháp. Vì vô thường cho nên tất cả sẽ đi đến tàn hoại. Biết rõ tướng trạng vô thường là tàn hoại của vạn pháp, hành giả không còn bị những sinh diệt thành hoại của vạn pháp trói buộc nữa, do đó hành giả có thể buông bỏ và đi đến giải thoát. Buông bỏ không có nghĩa là ghét bỏ và chạy trốn. Buông bỏ có nghĩa là buông bỏ sự vướng mắc và đam mê, không bị ràng buộc và khổ đau vì sanh-diệt-thành-hoại của các pháp nữa. Một khi đạt được giải thoát và buông bỏ, hành giả sống an lạc trong cuộc đời mà không có gì trong cuộc đời có thể ràng buộc hành giả.

Bụt đã dạy phép hành trì mười sáu hơi thở trong quá trình quán chiếu thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng tâm ý. Người còn dạy áp dụng mười sáu hơi thở này trong công phu tu tập bảy yếu tố giác ngộ là chánh niệm, quyết trạch về vạn pháp, tinh tiến, hỷ lạc, khinh an, định và hành xả. Bảy pháp này được gọi là Thất Giác Chi.

Đại đức Svastika đã từng được nghe kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm. Bây giờ đại đức lại được nghe kinh Quán Niệm Hơi Thở. Đại đức nhận thấy rằng nhờ kinh Quán Niệm Hơi Thở này mà đại đức hiểu được kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm một cách sâu sắc hơn. Hai kinh này, theo đại đức, có thể bổ túc cho nhau, và theo đại đức, đây là những kinh căn bản nhất của công trình thiền tập. Gần ba ngàn vị khất sĩ và nữ khất sĩ đêm ấy được nghe kinh này đều lấy làm sung sướng. Đại đức Svastika thầm cám ơn đại đức Sariputta đã sắp đặt để có được buổi tu tập trong đêm trăng mầu nhiệm này.

Một hôm đại đức Ahimsaka đi khất thực về tới tu viện, bước đi khập khiễng và mặt mũi đầy cả máu me. Svastika trông thấy liền chạy tới đỡ đại đức. Đại đức Ahimsaka nhờ thầy đưa vào yết kiến Bụt. Hôm nay trong khi đi khất thực ở thành phố, đại đức bị một nhóm người nhận ra đại đức chính là Angulimala ngày xưa. Họ đã đến vây quanh và tấn công đại đức. Đại đức chắp hai tay thành búp sen, tuyệt đối không chống trả, để cho họ tha hồ đánh đập, nhóm người ấy đã đánh đại đức trẹo cả chân và hộc cả máu mồm máu mũi. Thấy Ahimsaka trong tình huống ấy, Bụt liền đi ngay ra đỡ thầy. Người bảo Ananda đi lấy một chậu nước và một chiếc khăn mặt để người lau máu cho thầy, và người bảo Svastika đi hái lá dâu để dịt vào những vết thương trên cơ thể thầy. Đại đức Ahimsaka không hề rên rỉ, dù thầy đau lắm. Bụt nói:

- Hãy cố gắng chịu đựng đi Ahimsaka. Những đau khổ hôm nay có thể rửa sạch được những đau khổ của ngày qua. Chịu đựng khổ đau trong tình thương và trong tỉnh thức là một thứ tịnh thủy mầu nhiệm có thể xóa bỏ tất cả oán thù trong muôn kiếp.

Bụt nói:

- Ahimsaka, áo cà sa của thầy đã bị xé rách tả tơi, còn bình bát của thầy đâu ?

- Bạch Đức Thế Tôn, họ đã đập vỡ bình bát của con ra hàng trăm mảnh rồi.

Bụt nói:

- Thôi để tôi nhờ thầy Ananda đi tìm cho thầy một chiếc y sanghati khác và một cái bình bát khác.

Vừa rịt thuốc dâu vào những vết thương của thầy Ahimsaka, Svastika vừa thấy rằng đây là một tấm gương toàn vẹn của tinh thần bất bạo động. Thầy Ahimsaka kể cho Svastika nghe rằng trước đây một hôm đang đi khất thực thầy gặp một thiếu phụ nghèo đang lâm bồn ngay dưới một cội cây ở chốn lâm viên. Thiếu phụ đau đớn vô cùng mà vẫn không sinh nở được. Đại đức xúc động la lên: khổ quá, khổ quá … và chạy nhanh về báo cáo với Bụt. Bụt nói:

- Thầy hãy chạy ngay tới thiếu phụ và chú nguyện cho người đàn bà ấy. Thầy hãy nói: “này cô, từ ngày sinh ra cho đến nay, tôi chưa từng cố ý phạm đến sinh mạng của một loài nào, nguyện rằng nhờ sự thật ấy mà cô sinh cháu được bình an”.

Ahimsaka la lên:

- Con nói như thế là nói dối. Sự thật là con đã cố ý phạm đến sinh mạng của nhiều người từ khi con sinh ra.

Bụt bảo:

- Vậy thì thầy nói: “này cô, từ ngày tôi được sinh ra trong giáo pháp giác ngộ, tôi chưa bao giờ cố ý phạm đến sinh mạng của loài nào, nguyện rằng nhờ sự thực ấy mà cô sinh cháu được bình an”.

Lập tức thầy Ahimsaka chạy về khu lâm viên và nói với người thiếu phụ đúng theo lời Bụt chỉ dạy. Chỉ một vài phút sau đó, thiếu phụ sinh được em bé bình an. Từ ngày ấy về sau, công phu tu học của thầy Ahimsaka càng ngày càng tinh tiến. Thầy được Bụt khen ngợi. Cho đến ngày hôm nay …

Lương y như từ mẫu

(Nguyễn Hữu Đức)

Khi nói về Y đức ở nước ta, câu nói được trích dẫn nhiều nhất là “lương y như từ mẫu”. Từ lâu, “lương y như từ mẫu” được xem là cốt lõi của đạo đức của nghề Y, bởi vì nghề Y là nghề rất đặc biệt. Đúng như danh sư nước ta là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từng nói: “không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người, không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề Y thiếu đạo đức”, nghề Y mà thiếu đạo đức thì đúng là chỉ có chết người.

“Lương y như từ mẫu” đáng lẽ phải hiểu: “Thầy thuốc giỏi (lương y) giống y như mẹ hiền (từ mẫu)”. Thế mà thời gian qua, nhiều người lại hiểu một cách thiếu sót: “Thầy thuốc (không có chữ giỏi) như mẹ hiền” tức chỉ nhấn mạnh vế “mẹ hiền” mà quên mất vế “thầy thuốc giỏi”. Có người biện luận cho sự hiểu thiếu sót của mình là do chữ “lương y” được dùng đại trà để chỉ người thầy thuốc bình thường của ngành Y học cổ truyền. Đúng là ta thường gọi thầy thuốc Y học cổ truyền hay thầy thuốc đông Y là lương Y, và lương Y này có khi không hẳn là thầy thuốc giỏi.

Có người cho rằng “lương y như từ mẫu” nên xem là một cách ví von về từ ngữ, nhưng ý nghĩ thì khó phù hợp với y học hiện đại dựa vào nguyên lý của y học thực chứng. Bởi vì khi nói “từ mẫu” là đặt vị trí của người thầy thuốc vào vai trò của người mẹ, gián tiếp xem người thầy thuốc là gia trưởng, là cấp trên. Người mẹ dù hiền như thế nào cũng có thể ra lệnh cho con, thậm chí dùng roi vọt để thể hiện quyền hạn. Người thầy thuốc (hay bác sĩ) thời xưa có thể xem là người mẹ vì là người ra lệnh cho bệnh nhân. Nhưng nay thì không được vì thầy thuốc trong thời đại y học thực chứng chỉ có thể ra khuyến nghị chữa bệnh chứ không được ra lệnh. Y học thực chứng (evidence-based medicine, viết tắt EBM) đòi hỏi người thầy thuốc không được ra lệnh từ những kiến thức về y học nằm sẵn trong đầu ông ta mà ông ta đã xem đó là chân lý và không được cãi. Mà người thầy thuốc phải dựa vào các chứng cứ thực nghiệm là các nghiên cứu lâm sàng được thiết kế đúng chuẩn và đáng tin cậy nhất để ra khuyến nghị một cách bình đẳng với người bệnh. Bình đẳng ở đây là người bệnh có quyền chất vấn bác sĩ về chứng cứ nếu thấy chưa thỏa đáng.

● Vậy ta phải hiểu sâu sắc “lương y như từ mẫu” là như thế nào ?

Bởi vì nghề y là nghề liên quan đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của con người nên người hành nghề y phải là thầy thuốc có chuyên môn giỏi đồng thời phải có tấm lòng thương yêu, tận tụy phục vụ người bệnh. Nói một cách ngắn gọn là người thầy thuốc phải có tâm và có tầm.

Nói theo triết lý nhà Phật, người hành nghề y phải có từ bi và trí tuệ. Nếu từ bi mà không có trí tuệ là từ bi mù và trí tuệ mà không có từ bi thì đó là trí tuệ ác. Giống như con chim đại bàng muốn bay cao phải có hai đôi cánh, người thầy thuốc muốn hành nghề tốt phải luôn có hai điều kiện là phải giỏi và phải thương người.

Câu “lương y như từ mẫu” hay “thầy thuốc giỏi phải giống như mẹ hiền” chính để nhấn mạnh hai điều kiện phải có của người thầy thuốc. Nếu thầy thuốc giỏi mà không có tấm lòng của người mẹ hiền thì khác gì chim đại bàng còn có một cánh, làm sao bay cao được. Hay người thầy thuốc có lòng thương người bệnh nhưng tay nghề quá yếu, không nắm vững chuyên môn thì có khi trở thành kẻ hại người một cách vô tình, thậm chí kẻ sát nhân không chủ ý.

● Thầy thuốc giỏi là như thế nào ?

Đây là người hành nghề đặc biệt, dùng kiến thức và kỹ năng về y dược để chữa bệnh cho mọi người, và thầy thuốc giỏi là người hành nghề y vững về chuyên môn, luôn tìm cách nâng cao trình độ nghề nghiệp, luôn tìm cách cập nhật kiến thức y dược để làm chủ thông tin và trang bị thiết bị hiện đại hầu chữa trị tốt người bệnh. Nhưng thầy thuốc giỏi không thôi thì chưa đủ. Bởi vì người thầy thuốc không có sự tận tụy và lòng thương người thì dễ đi đến lỗi lầm. Một chút lơ đễnh, thờ ơ, tắc trách đến ghê gớm nhất là vô cảm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Dẫn đến những mất mát đau đớn không gì bù đắp cho thân nhân người bệnh, mà những con người đáng thương này đã đặt tất cả hi vọng, niềm tin vào người thầy thuốc. Chính vì thế, người thầy thuốc giỏi phải có tấm lòng của người mẹ hiền là mong ước muôn đời của tất cả mọi người.

● Thầy thuốc giỏi giống như mẹ hiền là như thế nào ?

Ai cũng biết tấm lòng thương yêu bao la của người mẹ đối với con của mình. “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”, nghe câu hát này ai cũng xem đó là điều hết sức tự nhiên. Đặc biệt, lòng mẹ thương con hình như tăng lên bội phần khi đứa con bị bệnh. Sự chăm sóc con bị bệnh ở người mẹ luôn có vẻ tận tình hơn khi con khỏe mạnh. Thậm chí có nhiều bà mẹ có thái độ tha thiết sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho sự hết bệnh, sống còn ở con. Nói “lương y như từ mẫu” thật ra đúng là sự ví von. Thầy thuốc nếu là nam giới thì sao như mẹ hiền cho được ? Sự ví von như thế chỉ nhằm thể hiện sự mong muốn người thầy thuốc phải có tấm lòng yêu thương người bệnh hết mực, có tinh thần trách nhiệm trong nghệ nghiệp cao nhất, có sự tận tụy chăm sóc phục vụ người bệnh hết lòng. Đối với những ai là Phật tử còn có sự ví von cao cả hơn là xem người thầy thuốc tận tâm tận lực người bệnh không khác vị Bồ-tát.

Trong Phật giáo, Bồ-tát là tên gọi những đã thành tựu Phật quả thường không nhập Niết Bàn mà vẫn ở thế gian để độ chúng sinh chưa giác ngộ. Hiểu rộng hơn, Bồ-tát còn chỉ những người có tấm lòng độ lượng nhân ái, sống giữa cuộc đời và cứu giúp mọi người. Tôi đã từng nghe nhiều người gọi ông bác sĩ người Mỹ Mckay McKinnon, người bóc tách thành công khối u gần 90kg ở chân của anh Nguyễn Duy Hải mà nhiều nhà chuyên môn cho là rất khó thành công. Là vị Bồ-tát vì ông Bs McKinnon đã mổ cho anh Hải với tấm lòng quảng đại, không tính toán thiệt hơn, không vì tiền tài danh vọng mà chỉ vì lòng thương người đang quá đau khổ vì bệnh tật. Đối với người bệnh, người thầy thuốc giỏi có tấm lòng như người mẹ hiền luôn được xem là ân phúc của họ.

● Hiểu sâu sắc “lương y như từ mẫu” là như thế nào ?

Hiểu sâu sắc “lương y như từ mẫu” có nghĩa thầy thuốc phải giống như mẹ hiền của thời hiện đại. Người mẹ hiền thời nay không còn là người mẹ quê mùa, chỉ biết thương yêu con với tình yêu mù quáng, chỉ biết rầy la mắng mỏ con với thái độ gia trưởng. Mà là bà mẹ có học thức, biết chăm sóc con với kiến thức khoa học, giỏi tâm lý tiếp xúc, khi cần là người bạn chân tình ngang hàng con cái chứ không phải kẻ cả. Thời nay, rõ ràng con cái dù mẹ hiền và tốt đến đâu vẫn thích tâm sự với bạn thân chí cốt của mình, sẵn sàng thố lộ tình cảm và đón nhận ý kiến của bạn bè nếu người mẹ không sẵn sàng làm bạn với con mình. Nếu hiểu sâu sắc vừa nêu trên thì “lương y như từ mẫu” vẫn có thể áp dụng cho y học hiện đại. Thầy thuốc giỏi trong thời đại hiện nay là bác sĩ hành nghề theo y học thực chứng đã nêu ở trên. Và nếu thầy thuốc đó có tấm lòng mẹ hiền sẽ làm tốt việc phối hợp kiến thức kỹ năng chuyên môn được cập nhật những chứng cứ khoa học là thử nghiệm lâm sàng có độ tin cậy cao nhất với sự tôn trọng nỗi đau và kỳ vọng của bệnh nhân. Thầy thuốc giỏi không phán lệnh như gia trưởng mà đối xử bệnh nhân như người bạn chân tình (partnership), để bác sĩ và bệnh nhân cùng đóng vai trò quyết định phương án điều trị dựa vào chứng cứ tốt nhất.

Như vậy, ta thấy câu “lương y như từ mẫu” nếu hiểu một cách sâu sắc vừa có thể xem là cách ví von tuyệt vời về từ ngữ, vừa có ý nghĩa phù hợp với y học hiện đại dựa trên y học thực chứng.

Tìm về

(L.T.D.H)



Đến chùa tìm chút bình an
Tìm trong tĩnh lặng, hương trầm tỏa vương
Mõ, Chuông vang vọng từ đường
Bao nhiêu tạp niệm, xả ... buông … lặng … thầm
“Vườn hoang” mở ngõ trăng Rằm
Chắp tay đảnh lễ, lắng ... Tâm … tìm về
Linh thiêng cửa Phật, thoát mê !
Đời - Đạo hai nẻo, ta về thênh thang

Vía Thần Tài, mùng 5 hay mùng 10 tháng Giêng ?

(Sưu tầm)



Ngày 10 tháng Giêng âm lịch là ngày vía Thần tài ở Việt Nam. Trong khi đó, ngày vía Thần tài của người Hoa là ngày 5 tháng Giêng. Chẳng lẽ ông Thần tài có hai ngày sinh ?

Trong ngày vía Thần tài mùng 5 tháng Giêng âm lịch, nhiều gia đình dậy cúng Thần tài từ sáng sớm và mở hết cửa lớn cửa nhỏ để nghinh đón Thần tài. Sau khi cúng xong, người ta có tục đốt pháo mời Thần tài vào nhà. Rất nhiều cửa hàng mở cửa bán vào ngày này để lấy may và cúng cửa hàng. Họ đặt một mâm gồm trái cây, hoa, kẹo, trà, đèn cầy và động vật nguyên con (như vịt quay, heo quay), hải sản (tôm, cua) ngay giữa lối vào cửa hàng. Người ta cũng đặt bao lì xì đỏ có tiền bên trong vào tượng thần tài để lấy may.

Theo quan niệm của người Hoa, Thần tài được xem là vị thần cai quản việc làm ăn, tài chính hay hầu bao của gia chủ, do vậy vào ngày Thần tài, người ta thường mua hương, đi lễ bái, có những cửa hàng kinh doanh thường phát lì xì cho nhân viên. Các hoạt động là cúng lấy may, nghi lễ đón Thần tài, chứ người dân không đi mua vàng như người Việt Nam.

Theo truyền thuyết, Triệu Công Minh là người đời nhà Tần, lánh đời đi tu. Ông có tài hô phong hoán vũ, có khuôn mặt đen, mặc áo trùm đầu, cưỡi con hổ đen có bánh xe bằng vàng. Sau khi chết, Triệu Công Minh được phong làm Chính Nhất Long Hồ Huyền chân quân, thống lĩnh bốn vị thần trên trời là Chiêu Bảo - Nạp Trân - Chiêu Tài - Lợi Thị, vì thế ông được cho giữ chức vụ cai quản tiền bạc, của cải. Trong tâm trí của người Trung Hoa, người ta quên đi khuôn mặt xấu xí của ông và thay đổi bằng cách trang trí đồ trang sức vàng khắp xung quanh ông. Quan Vũ, là Thần tài nổi tiếng nhất ở Trung Quốc sống vào thời Tam Quốc (2211-263 sau công nguyên), người nước Thục. Ông có khuôn mặt đỏ, râu dài, mặc áo giáp màu xanh và một cây long đao nặng đến 40kg. Ngoài hai vị Thần tài nói tên, còn có ba vị Thần tài khác là Bee Kan, Fan li và Yao Shaos.

Sometimes, you have to get knocked down lower than ever

- Anonymous



Just because something doesn’t go as planned, doesn’t mean it wasn’t worth your while. Sometimes you have to fall forward, by learning what doesn’t work, to discover what does. Sometimes you have to get knocked down lower than ever before, so that you can stand up taller than you ever were before. Tears wash out our eyes so that we can have a clearer vision. Don’t carry your mistakes around with you. Be strong enough to let go and wise enough to fight for what you deserve.

╰▶ Chỉ vì một cái gì đó không đi theo kế hoạch, không có nghĩa là nó không đáng giá với mình. Đôi khi phải rơi về phía trước, bằng cách học từ những gì không suôn sẻ, để khám phá những gì hiện đang là. Đôi khi phải hạ xuống thấp hơn bao giờ hết, để mình có thể đứng cao hơn mình đã từng trước đây. Nước mắt chảy ra để chúng ta có thể có một tầm nhìn rõ ràng hơn. Đừng cứ mang những sai lầm của mình xung quanh. Hãy mạnh mẽ đủ để cho đi, và đủ khôn ngoan để chiến đấu cho những gì mình xứng đáng.

Đề nghị bỏ tục đốt vàng mã tại chùa, thiền viện

(Tổng hợp)

Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam vừa ban hành công văn số 31 do Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ Tịch thường trực Trung Ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam ký về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Công văn đề nghị ban thường trực ban trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh,



thành phố trực thuộc Trung Ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trì các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường) nhất là các tự viện là di tích lịch sử - văn hoá, tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, văn hoá Phật giáo.

Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam vừa có văn bản hướng dẫn công tác tổ chức lễ hội nhằm tăng cường nét đẹp truyền thống tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Giáo Hội đề nghị chư tôn đức tăng ni trụ trì các chùa, thiền viện, tu viện, ... nêu cao tinh thần Bồ Tát đạo, hướng dẫn phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Trong các bài giảng, chư tôn đức tăng ni cần chú trọng gìn giữ nét đẹp truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội, lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo.

Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho hay, dịp lễ Tết, mùa Vu Lan hàng năm, Giáo Hội đều khuyến cáo không đốt vàng mã ở nơi thờ tự của Phật giáo. Trước Tết Mậu Tuất 2018, Giáo Hội tiếp tục đăng tải lên trang điện tử với mục tiêu tuyên truyền mạnh hơn. Việc không đốt vàng mã sẽ được đưa vào các bài thuyết giảng, nghị lễ để các tăng ni, phật tử biết, thực hiện và qua đó lan tỏa toàn xã hội.

“Đốt vàng mã là vấn đề nan giải từ nhiều năm qua, Giáo Hội, Bộ Văn Hóa khuyến cáo nhưng không thuyên giảm. Cần có sự chung tay của cộng đồng, các cấp chính quyền mới mong giảm được” - Thượng tọa Thiện nói và cho biết luật tín ngưỡng tôn giáo có hiệu lực từ tháng 1/2018. Nếu nghị định hướng dẫn sắp ban hành có chế tài đối với hành vi đốt vàng mã không đúng sẽ là biện pháp tốt giảm được tục lệ này.

Liên quan đến công tác quản lý lễ hội, công văn ngày 21/2 của Cục Văn Hóa cơ sở (Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch) cho rằng, ở một số lễ hội, di tích vẫn còn xảy ra hiện tượng đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, đốt nhiều đồ mã, vàng mã, hương, nến, gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ mất an toàn.

Từ thực trạng trên, Cục đề nghị có biện pháp kịp thời thu gom tiền lẻ, tiền đặt lễ, hướng dẫn thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định, không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh, giữ gìn vệ sinh môi trường, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ hiện tượng người ăn xin, ăn mày đeo bám gây bức xúc cho du khách.

Chữ AN trong Đạo Phật

(Sưu tầm)



1. Khi tâm không còn lo lắng muộn phiền và cảm thấy vui vẻ gọi là AN LẠC.

2. Khi tâm mình không bị lay động bởi sóng gió cuộc đời gọi là AN BÌNH.

3. Khi mình nở được nụ cười trên môi gọi là AN VUI.

4. Khi mình chú tâm vào một pháp môn tu tập gọi là AN TRÚ.

5. Khi tâm mình không còn một chút dao động gọi là AN TÂM.

6. Khi mình cảm thấy thanh thản không còn vướng bận gọi là AN NHÀN.

7. Khi mình cảm nhận được sự mát mẻ trong lành gọi là AN NHIÊN.

8. Khi tâm không còn lo nghĩ chuyện quá khứ, hiện tại, tương lai gọi là AN YÊN.

9. Khi mình cảm thấy không còn một chút lo sợ gọi là AN ỔN.

10. Khi mình biết bằng lòng với những gì mình đang có gọi là AN PHẬN.

11. Khi mình cảm thấy có được sự bao bọc chở che gọi là AN TOÀN.

12. Khi mình sống đoàn kết hòa hợp với mọi người gọi là AN HÒA.

13. Khi nơi mình sống cảm thấy được yên ổn gọi là AN CƯ.

14. Khi mình có được sự vững chãi lớn mạnh như ngọn núi gọi là AN SƠN.

15. Khi mình có được sự bình an tròn đầy gọi là AN VIÊN.

16. Khi mình gặp chuyện buồn được người khác động viên chia sẻ gọi là AN ỦI.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|11|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường



“Với người nói lời thiện lành, nhưng không làm điều thiện lành, hãy nhìn vào lời nói mà thương họ. Với người không nói lời thiện lành, nhưng làm điều thiện lành, hãy nhìn vào việc làm mà thương họ. Với người không nói lời thiện lành, cũng không làm điều thiện lành, hãy nhìn lại lòng từ bi của chính mình mà thương họ”.

Khi chưa thể yêu thương điều gì đó, chúng ta nhìn lại tâm từ bi của mình, để thấy tâm từ bi còn bé nhỏ, chưa thương được những điều mà người đời thường ghét bỏ. Chỉ khi nào thương được những điều chưa thể thương, mới có thể bình yên trước những điều còn làm mình động. Chúng ta học yêu thương từ chính những việc hôm qua chưa yêu thương được. Lòng từ bi lớn lên bằng cách đó. Hoàn thiện bản thân từ những điều chưa hoàn thiện của cuộc sống.

Có lẽ ai cũng từng nhìn con đường trước mặt, thấy quá nhiều chông gai, có kẻ sợ chông gai mà dừng lại, không đi nữa, có kẻ bình thản đi tiếp, không phải con đường phía trước đã bằng phẳng, chỉ là họ không còn thấy con đường có nhiều chông gai mà thấy trong chông gai có con đường.

Trong chông gai có con đường ...

Tiếng chuông thương nhớ

(Tâm Minh Ngô Tằng Giao)



Văng vẳng hồng chung tiếng vọng dài
Hương Xuân khơi kỷ niệm lòng ai
Niềm thương chùa cũ ươm nhang khói
Nỗi nhớ vườn xưa rợp sắc Mai

Tiếng kệ tu Tâm còn mãi vọng
Dòng kinh dưỡng Tánh cũng chưa phai
Cúi đầu đảnh lễ tôn thờ Phật
Mong bụi trần gian sạch gót hài

Nhìn lại một năm qua

(Thích Tánh Tuệ)



Một năm qua, tựa ngày hôm qua vậy
Vẫn loay hoay giữa thương, ghét, giận hờn
Ngày luôn mới sao hồn mình vẫn cũ
Khi tóc chiều đã nhuộm ánh tà dương

Một năm qua vẫn đến chùa lễ Phật
Vẫn trông đời bằng nét mặt kiêu sa
Biết đạo lý Phật Đà là lẽ thật
Bước chân còn chưa hướng đến vị tha

Một năm qua vẫn thường hằng tắm gội
Nước trôi ngoài chưa xóa bụi trần tâm
Dù vẫn biết ... cuộc đời như gió vội
Hồn băn khoăn ... chưa chọn lối trăng rằm

Một năm qua, đếm bao ngày Tỉnh Thức
Với bao lần sống thực Hiểu và Thương
Ngồi lặng lẽ mà nghe nơi lồng ngực
Sống hay đang tồn tại ... sống qua đường

Một năm qua ta vẫn hoài quét dọn
Sao vườn tâm cỏ dệt lối hoang vu
Mười hơi thở mấy hơi cùng Chánh Niệm
Thắp đèn lên soi sáng cõi sương mù

Tàn Đông giá, Xuân về trong ấm áp
Xin mở lòng cho nắng rọi vào tim
Từng giọt nắng thanh lương là giọt Pháp
Xuân mới về, mong đổi mới, quang minh

Xuân an lạc

(Thích Tánh Tuệ)



Xuân thay áo cả đất trời
Xuân gieo lộc biếc, môi người nở hoa
Xuân yêu thương đến mọi nhà
Ước nguyền năm mới thuận hòa, ấm êm

Lắng nghe chuông vọng cửa thiền
Dang tay đón gió bình yên khắp đời
Xuân về thư thái, thảnh thơi
Chúc xuân an lạc tuyệt vời cõi Tâm

Năm trước gặp thanh xuân

(Namo Buddhaya)



❝Khứ niên phùng thanh xuân
Châu nhan ánh đào lý
Kim niên phùng thanh xuân
Bạch phát yểm song nhỉ
Nhân sanh thất thập niên
Tất nhược đồng lưu thủy
Bất liễu bản lai tâm
Sanh tử hà do ly❞

Thiền sư Thích Thanh Từ dịch:

Năm trước gặp thanh xuân
Má hồng khoe đào lý
Năm nay gặp thanh xuân
Tóc bạc đầy cả mái
Người đời tuổi bảy mươi
Nhanh như dòng nước chảy
Chẳng ngộ tâm xưa nay
Sanh tử làm sao khỏi


Trong những ngày đầu năm, người đời ai gặp nhau cũng đều chúc những lời tốt lành cho năm mới, có khi người ta lại chúc thọ, giả dụ như: “chúc Cụ được thêm một tuổi thọ”. Nói cách khác, người đời đã nghĩ theo hướng cộng thêm một tuổi thọ trong việc chúc tụng vào đầu năm. Nhưng các vị thiền sư thì lại có cách nhìn ngược chiều với người đời, các Ngài nghĩ rằng mỗi khi Tết đến, mỗi khi Xuân về, là con người mất đi một năm sống, mạng sống giảm dần, vì vậy đã thốt lên: “chẳng ngộ tâm xưa nay, sanh tử làm sao khỏi”. Người ngộ được bản thể của tâm, chính là người tìm thấy được mùa Xuân miên viễn.

Thoảng hương xuân

- Thích Tánh Tuệ



Chào ngày mới, chào giọt sương phơi nắng
Chào chim muông về rộn hót sau vườn
Bên tháp cổ nhà sư ngồi tĩnh lặng
Nghe xuân về ngan ngát mấy làn hương

Ngày vẫn thế sao nghe hồn rất lạ
Như tâm tư trải rộng đến vô cùng
Nhìn Di Lăc miệng cười vui hỉ hạ
Bao ưu phiền thoáng chốc đã tiêu dung

Chào xuân đến, lòng tinh khôi giấy mới
Quên nhọc nhằn, cơm áo ... những ngày qua
Thầm cảm niệm tình xuân vừa mang tới
Trao nhân gian bao thắm đẹp chan hòa

Chào xuân mới với tâm tình thư thái
Chúc muôn người vui hái được niềm mơ
Đời khúc khuỷu vững đôi tay lèo lái
Qua gian nan, thành đạt những mong chờ

Xuân cõi thế là xuân không thường tại
Chúc cho đời tươi thắm mãi lòng xuân
Với Hỷ Xả, Từ Bi cùng muôn loại
Giữa vô thường luôn sống đẹp, ung dung ...

Ý nghĩa của bữa cơm tất niên

(Văn hóa - Đời sống)



Hàng năm cứ vào chiều 30 Tết, mỗi gia đình đều chuẩn bị một mâm cỗ đầy đủ những món ăn ngon để cúng tổ tiên, ông bà, kết thúc một năm và mong cho một năm mới nhiều may mắn. Sau khi lễ cúng kết thúc, con cháu cùng nhau tụ tập sum vầy, quây quần bên mâm cơm cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và tiễn những điều không may mắn trong năm.

Cứ như vậy, Tất niên là bữa tiệc thường niên của người Việt. Đây là phong tục tập quán lâu đời mang nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Cúng Tất niên cũng thể hiện một nếp sống tâm linh. Sau một năm làm ăn vất vả, vào những ngày cuối năm, mọi người đều dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tươm tất để cúng tất niên và chuẩn bị đón Tết. Lễ cúng Tất niên là một lễ truyền thống nhưng lễ vật cúng không cần phải quá cầu kỳ, miễn sao thể hiện được tấm lòng thành của người cúng để tri ân đất, trời, thần linh ... đã gia hộ bình an trong một năm qua.

Mâm cơm tất niên, để ghi nhận thời khắc này, người ta thường làm hai mâm cỗ, một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và một mâm cúng trời, đất ở khoảng sân trước nhà. Mâm lễ cúng Tất niên tùy theo điều kiện gia đình cũng như phong tục tập quán mỗi vùng mà thịnh soạn hay thanh đạm. Thế nhưng, một số thành phần bắt buộc phải có khi cúng theo phong tục của người Việt Nam gồm: hương hoa, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng … được bày biện trang nghiêm. Có thể nói, bữa cơm tất niên là nét văn hoá in đậm trong tâm trí người Việt. Đây đã trở thành một nét đẹp truyền thống, đạo lý sâu xa của dân tộc về việc giáo dục chữ hiếu, nguồn cội cho cháu con, nhắc nhở họ nhớ về những kỷ niệm, công đức của ông bà.

Trong phong tục lễ tết cổ truyền của người Việt, không thể thiếu mâm cơm Tất niên. Lễ cúng tất niên vào ngày cuối cùng của năm cũ có ý nghĩa vô cùng đặc biệt.

Xuân tâm

(Thích Tánh Tuệ)



... có khi mùa Xuân cũng giống như tình yêu và hôn nhân của kiếp người vậy, khi chưa cưới thì đối tượng đẹp một cách lạ lùng và con người ta trông chờ đến ngày cưới với hy vọng sau đó cuộc đời càng thêm hạnh phúc, thế nhưng phần nhiều sau ngày cưới thì ... mọi người biết hết cả rồi.

Với mình, thời điểm này cho tới đêm 30 mới thực sự gọi là Tết. Sự chuẩn bị, cái trông chờ Tết nó thi vị hơn Tết nhiều, sau buổi chiều mùng 1 thì Tết đã dần phai, nhưng thế nhân không muốn đối diện điều đó, người ta muốn Tết kéo dài nên có câu: “tháng Giêng là tháng ăn chơi” để cảm giác rằng xuân còn tươi mãi.

Có lẽ mùa Xuân thực sự là ngồi lại lắng nghe nhịp đập của tim mình, lòng không mơ mộng về một ngày mai xa xôi, không hoài niệm và vướng bận về dĩ vãng ... để chỉ nghe lượng đất trời đang hé mở, chan hòa ... và tuệ tri một điều rằng không phải Tết về thì mình mới thực sự có mùa xuân. “Xuân trong ta” là mùa xuân bất diệt, một mùa xuân đích thực mà bất cứ ai cũng không phải nhọc công tìm.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|10|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường



“Hãy suy nghĩ về những mong manh trong cuộc đời, nghĩ về cái chết, như một kẻ tử tù chờ ngày thi hành án tử, … những suy nghĩ đó sẽ tiếp thêm sức mạnh để có đủ dũng khí bứt mình khỏi những phù phiếm trong cuộc đời”.

Nghe đâu mọi tên tử tù đều chỉ mong được sống một cuộc đời lương thiện bình thường bình thường, bất kể ngày xưa hắn đã từng tàn độc đến đâu, muốn một buổi sớm mai bình yên dưới hiên nhà, muốn ăn một bữa cơm giản dị với gia đình, muốn nói gì đó làm gì đó để người mình thương không phải buồn.

Khi đối diện với cái chết, dòng máu thật lạnh cũng phải ấm lại, trái tim cũng ấm lại.

Khi đối diện với cái chết, những được mất hơn thua, những danh vọng vật chất, những hận thù sâu đậm … không còn đáng kể nữa, mờ phai đi, nhẹ tênh.

Khi không còn thời gian để chọn lựa nhiều, người ta tự khắc biết chọn thứ đáng giá nhất cho mình.

Chọn chân thành để sống, chọn việc ý nghĩa để làm, chọn lời yêu thương để nói, chọn ánh mắt hiền để nhìn cuộc đời, chọn đôi tay ấm để cầm lấy tay người, chọn đôi chân thật nhẹ để không làm tổn thương những nơi mình đi qua.

Thường nghĩ đến những gì để yêu thương lớn hơn lỗi lầm, lớn hơn sợ hãi.

D.P.A (36)

- Huyền Không

Xuân về chầm chậm ngoài song
Hương xuân ấm áp cho lòng thảnh thơi



Mâm ngũ quả ngày Tết

(Sưu tầm)

Mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên dịp Tết theo năm sắc màu tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên. Dưới đây là cách bài trí mâm ngũ quả theo quan niệm từng miền.

Ngũ quả nghĩa là gồm có năm loại quả, với năm màu sắc khác nhau. Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Mâm ngũ quả thường theo năm sắc màu đó để phối trí. Tuy nhiên, trên thực tế, ở mỗi một vùng miền, người ta lại có những cách bày biện mâm ngũ quả khác nhau.

● Miền Bắc

Ở miền Bắc, trên mâm ngũ quả thường có năm loại quả với năm màu khác nhau, cụ thể gồm chuối/táo màu xanh, bưởi (hoặc phật thủ), cam - quýt màu vàng, hồng hoặc táo tây, ớt màu đỏ, roi, mận, đào hoặc lê màu trắng, hồng xiêm hoặc nho đen, măng cụt, mận màu đen. Người miền Bắc thường chọn số quả lẻ khi bày mâm ngũ quả ngày Tết.




Trong khi người miền Trung và miền Nam thoải mái hơn khi không quan trọng chuyện chọn số quả lẻ hay chẵn mà chủ yếu chọn ý nghĩa của loại quả khi bày mâm ngũ quả ngày Tết.

Cách trình bày truyền thống thường gặp là nải chuối được đặt ở dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các cây trái khác. Mâm ngũ quả đẹp là mâm ngũ quả có đủ màu sắc rực rỡ. Chính giữa nải chuối xanh thẫm là quả bưởi căng mọng hoặc quả phật thủ chín vàng nổi bật. Những quả chín đỏ đặt xung quanh. Những chỗ khuyết đặt xen kẽ quýt vàng, táo màu xanh hoặc những trái ớt đỏ mọng, hoàn thiện những nét trang trí cuối cùng.

● Miền Trung

Ở miền Trung, người dân không quá câu nệ hình thức của mâm ngũ quả mà chủ yếu có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Mặt khác, do chịu sự giao thoa văn hóa hai miền Bắc - Nam nên mâm ngũ quả của người miền Trung bày biện đủ chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài …

● Miền Nam

Nếu như người miền Bắc, nải chuối xanh dần như không thể không có trên mâm ngũ quả thì người miền Nam lại kiêng kỵ bày một số trái cây. Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi” thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu”, hay như trái lê đồng nghĩa với “lê lết” … Mâm ngũ quả của người miền Nam thường là: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, đọc chệch thành các tên “cầu vừa đủ xài” hoặc “cầu vừa đủ sung”.

Vì sao gọi là Xuân Di Lặc ?

( Giác Ngộ )



❝Vì sao gọi là Xuân Di Lặc ? Vì sao mùa Xuân trong đạo Phật được gọi là xuân Di Lặc ? Tượng Phật Di Lặc trông ngộ nghĩnh và không giống như các Đức Phật khác là tại sao ?❞

Mùa Xuân trong đạo Phật được gọi là xuân Di Lặc vì ngày bắt đầu năm mới là ngày lễ vía của Phật Di Lặc (mùng 1 Tết). Lễ Giao thừa đón mừng Xuân mới đồng thời cũng là lễ kỷ niệm Phật Di Lặc đản sinh. (Theo cố HT. Thích Thiện Siêu - Pháp Thoại Đầu Xuân). Mặt khác, Ngài Di Lặc là vị Phật đương lai tượng trưng cho hạnh hoan hỷ, vui vẻ, hỷ xả, bao dung và tha thứ. Đây cũng là ước nguyện đầu xuân của những người con Phật, nguyện cầu và mong ước một mùa xuân an vui, hạnh phúc.

Vì vậy, người con Phật mừng xuân, ngoài việc vui đón xuân mới, thông thường còn mang ý nghĩa kỷ niệm Phật Di Lặc đản sanh và nỗ lực tu học, chuyển hoá tự thân để luôn hoan hỷ, vui vẻ, tha thứ và bao dung như Ngài, nên gọi là xuân Di Lặc.

Vấn đề hình tượng Ngài Di Lặc, thực ra Ngài là vị Bồ-tát Nhất Sanh bổ xứ hiện đang trú tại nội viện của cung trời Đâu Suất. Ngài là một vị Phật đương lai, cố nhiên có đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp như những vị Phật khác. Tượng Phật Di Lặc mà chúng ta đang thờ với cái bụng lớn, miệng cười và tay cầm một túi đãy lớn là phỏng theo một hóa thân của Ngài Di Lặc làm Bố Đại hòa thượng (vị Hòa thượng mang túi đãy lớn) ở Trung Quốc.

Sinh thời, không ai biết Ngài là hoá thân của Phật Di Lặc. Mọi người chỉ biết một Bố Đại hoà thượng ăn mặc xuềnh xoàng, tay mang túi vải lớn, lúc nào cũng cười tươi, thường xuyên phân phát bánh kẹo và vui đùa với trẻ con. Ngài hành đạo tùy duyên, hoan hỷ và tự tại. Trước khi viên tịch, Ngài để lại một bài kệ:

“Di Lặc chơn Di Lặc
Thiên bách ức hoá thân
Thời thời thị thời nhân
Thời nhân thường phất thức”
(Nghĩa là: Di Lặc đúng thật là Di Lặc đây, hoá thân trăm ngàn ức, thường chỉ dạy cho mọi người, mà mọi người không biết được.)

Lúc bấy giờ người ta mới biết Ngài là hoá thân của Phật Di Lặc và tạc tượng để thờ. Như vậy, tượng Phật Di Lặc mà chúng ta đang thờ hiện nay là hình tượng của Bố Đại hòa thượng, một hóa thân của Phật Di Lặc, do đó không giống với tượng của các đức Phật khác.

Làm người phải biết nhún nhường, biết bao dung

( Sưu tầm )



Gia đình càng thịnh vượng, có phúc khí nếu có thứ này trong nhà:

Nếu đã là người một nhà, càng bao dung thì hạnh phúc càng nhiều. Vợ chồng nếu bao dung càng nhiều thì tình cảm càng sâu đậm. Hàng xóm láng giềng nếu bao dung càng nhiều thì sống bên nhau càng tốt. Bạn bè nếu bao dung càng nhiều thì tình hữu nghị càng dài lâu …

Sống ở đời, con người thường cho mình là quan trọng nhất nên hay lo chuyện được mất hơn thua. Làm người không nên đem kiến thức và cách nhìn của mình để bình luận người khác. Nên nhớ rằng, tâm rộng bao nhiêu thì hạnh phúc bấy nhiêu, bao dung càng lớn, đạt được càng nhiều. Hơn nữa, cuộc sống của chúng ta không phải là chiến trường, vì vậy không cần phải phân cao thấp, thắng thua. Đôi khi, giữa con người với nhau càng giải thích nhiều càng dễ hiểu lầm.

Không cần nói sau lưng người khác, cũng không cần để ý mình bị nói. Đúng sai chính là thị phi. Vậy nên, thay vì chỉ trích lẫn nhau, hãy chia sẻ góp ý chân tình, thông cảm cho nhau. Có nhiều việc chúng ta nên nhớ chớ nên giận, có một số người cần nhường nhịn. Miệng ai ăn thì người đó mệt, có chi không để cho họ lấy phần hơn.

Và hãy nhớ những điều dưới đây sẽ khiến cuộc sống chúng ta hạnh phúc hơn:

- 3 điều nên kiểm soát: tâm trạng, lời nói và hành vi.

- 3 điều nên suy nghĩ: sinh mạng, cái chết và vĩnh hằng.

- 3 điều nên từ bỏ: tội ác, tham vọng và phản bội.

- 3 điều nên tránh xa: lười biếng, ngổ ngáo và chê cười.

- 3 điều nên cứu vãn: thánh thiện, hoà bình và niềm vui.

- 3 điều nên tôn trọng: kiên nghị, lòng tự trọng và nhân ái.

Dưới đây là 4 cách để hưởng phúc báo trọn đời mà bạn cũng làm được:

- Tiền tài, vật chất, danh vọng … hóa hư không.

- Sự thanh tịnh nằm ở trong tâm.

- Tức giận là cục than hồng bạn ném vào người khác, kẻ bị bỏng đầu tiên đương nhiên chính là bạn.

- Biết người là thông minh, biết mình là sự giác ngộ.

Làm người, chỉ cầu cho mình được một nửa còn một nửa kia cho đi. Làm việc chỉ cầu một nửa còn một nửa kia để tùy duyên. Nên nhớ, có nhiều việc không nên quá cầu toàn vì cầu toàn sẽ không còn lối thoát.

Việc đối nhân xử thế không được quá hà khắc, vì quá hà khắc sẽ không còn bạn bè. Làm người phải biết nhún nhường, phải biết bao dung, hào phóng, rộng lượng.


Danh ngôn (126)

- Khuyết danh



Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.

Don’t hurry. Don’t worry

- Walter Hagen



You’re only here for a short visit. Don’t hurry. Don’t worry. And be sure to smell the flowers along the way.

╰▶ Bạn chỉ đến nơi này cho một chuyến viếng thăm ngắn ngủi. Đừng vội. Đừng lo lắng. Và hãy chắc chắn mình ngửi những bông hoa trên đường đi.

Bận lòng chi nữa

- Thích Tánh Tuệ



Dù đã gặp qua lắm cụ già
Ai hay ... mai đó cụ là ta
Vẫn lo xuôi ngược đời cơm áo
Linh hồn hoang phế cõi tha ma

Dù đã thấy nhiều những nạn tai
“Chuyện ấy ... đời ta sẽ đứng ngoài”
Say sưa tạo ác, quên hành thiện
Bất chợt tai ương đến, thở dài

Dù biết chung quanh lắm khổ, buồn
Ái tình, danh, lợi mãi tơ vương
Bôn ba, tất bật quên nhìn lại
Những kẻ về không ở cuối đường

Dù thấy bao nhiêu kẻ chết rồi
“Mình không như thế, chuyện ... xa xôi”
Chẳng một ai tin mình sẽ chết
Bất chợt, vô thường sóng cuốn trôi

Ai đã Thấy - Nghe - Biết cả rồi
Thì về, kẻo muộn bóng chiều rơi
Mồ hoang lắm kẻ còn xanh tóc
Bận lòng chi nữa ... Dã Tràng ơi !

Thế nào là tự tin vào bản thân mình ?

- Chay Mộc



❝ ...

- Con à !

- Dạ !

Thế nào là tự tin vào bản thân mình ?

Tự tin vào bản thân mình, không có nghĩa là mình luôn đúng, người khác luôn sai. Tin vào bản thân mình, bởi vì mình có thể sai hoặc đúng, thì người khác cũng có thể sai hoặc đúng. Đúng sai đôi khi chỉ là tương đối.

Người khác không thể là thánh thần mà quyết định được sai hay đúng. Mình cũng không phải thần thánh gì nên cũng chẳng quyết định được đúng sai. Cuối cùng, chỉ là nếu đã định đi con đường mình lựa chọn. Hãy nhiệt tâm, làm hết mình vì nó. Đi đến cuối cùng con đường đó. Bởi thực ra, giá trị đôi khi không nằm ở cuối con đường. Giá trị lớn nhất mà mình có được, là sự trưởng thành của mình, là con người, sự việc mình gặp trên đường đi. Chứ không phải là kết quả nơi cuối con đường. Vậy nên hãy tự tin lên con nhé, không bảo con sẽ chắc chắn thành công, nhưng con nên biết rằng, mọi nỗ lực đều sẽ được đền đáp, không chỉ là bằng tiền bạc.

Tin vào bản thân mình, nhưng đừng mù quáng. Để tin được vào bản thân mình, con rất cần một cái đầu lạnh và tỉnh táo. Con cũng nên có những thử nghiệm nho nhỏ trước khi sống chết theo một cái gì đấy. Để loại bớt những rủi ro không đáng có, để biết được một phần những khó khăn thử thách con cần vượt qua. Để thực sự có thêm niềm tin đương đầu với những lúc quá khó khăn gian khổ mà con chỉ muốn thối lui.

Và cuối cùng, là cho dù con làm gì. Hãy luôn nhớ một điều rằng: “không làm khổ mình, khổ người”. Có làm được như vậy, con đường đi của con mới thực sự có ý nghĩa, có ích cho chính mình và mọi người. Có như vậy mới không bị lạc đường, không lâm vào cảnh tạo ác nghiệt để rồi chính mình phải trả giá. Con nhớ luật nhân quả chứ, quy luật đó hoàn toàn có thật. Con có thể thử nghiệm và nhận được kết quả. Trước mỗi bước chân mình đi, con hãy tự nhắc nhở mình xem việc này có đang làm khổ mình, khổ người hay không. Nếu có, hãy dừng lại trước khi quá muộn.

Yêu và thương con nhiều, nghe con !

( Chay Mộc )


...❞

Làm sao để yêu chân thành

- Quà tặng cuộc sống

Nếu bạn yêu một bông hoa, đừng hái nó. Vì nếu bạn hái xuống, hoa sẽ chết và đó không còn là những gì bạn từng yêu thích nữa. Nên nếu bạn yêu hoa, cứ để nó tồn tại tự nhiên như thế nhé. Tình yêu không phải là sự sở hữu.





Pháp ngữ (28)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Một ngày không nóng giận là một ngày tu hành. Mười ngày không nóng giận là mười ngày tu hành. Hễ bạn nóng giận tức là không có tu hành.

Ánh mai vừa tỏ rạng

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương LV, Thích Nhất Hạnh



Một hôm Bụt và thầy Ananda đi thăm một tu viện nhỏ ở ngoại thành. Hai người tới tu viện vào giờ các thầy đi khất thực vắng. Trong khi đi một vòng ở khuôn viên tu viện, hai người nghe có tiếng rên la trong một am nhỏ. Bước vào am, Bụt thấy một vị khất sĩ bị ốm đang nằm rên trong xó nhà. Trong am rất hôi hám. Bụt tiến tới hỏi:

- Khất sĩ, thầy bị đau ra sao ?

- Thưa Thế Tôn, con bị kiết.

- Không có ai săn sóc cho thầy sao ?

- Các huynh đệ đi khất thực hết rồi có ai ở nhà đâu. Với lại ban đầu cũng có mấy huynh đệ tới săn sóc, nhưng con thấy mình không làm được lợi ích gì cho các huynh đệ mà cứ bắt các huynh đệ săn sóc cho mình thì tội chết, cho nên con nói với các huynh đừng tới nữa.

Bụt bảo thầy Ananda:

- Ananda, đi kiếm ít nước, chúng ta sẽ rửa ráy cho thầy khất sĩ này.

Sau khi Ananda đi lấy nước về, hai thầy trò tắm rửa và mặc áo sạch cho vị khất sĩ. Rồi hai người đặt thầy lên giường. Xong xuôi, Bụt và Ananda đi quét rửa trong am cho hết mùi hôi hám và đem áo quần ra giặt và phơi. Lúc ấy các vị khất sĩ đi khất thực đã tuần tự trở về. Đại đức Ananda xin họ đi nấu nước sôi và kiếm thuốc men cho thầy khất sĩ bị kiết. Bụt hỏi:

- Các vị khất sĩ, vị khất sĩ ngoài tịnh thất kia đau bệnh gì vậy ?

- Bạch Đức Thế Tôn, thầy ấy bị kiết.

- Có ai săn sóc cho thầy ấy không ?

- Bạch Đức Thế Tôn, ban đầu thì chúng con có săn sóc, nhưng sau đó thầy ấy ngại không cho chúng con săn sóc nữa.

- Này các vị khất sĩ ! Chúng ta đã đi tu và chúng ta không còn được cha mẹ hoặc bà con săn sóc cho chúng ta mỗi khi đau ốm như khi còn ở nhà nữa. Vậy nếu chúng ta không săn sóc cho nhau thì ai sẽ săn sóc cho chúng ta ? Chúng ta phải săn sóc cho nhau, mỗi khi có ai bị đau ốm, dù người ấy là thầy hay bạn hay học trò thì chúng ta cũng phải săn sóc tận tình cho đến khi người ấy bình phục hoàn toàn. Này các vị khất sĩ ! Nếu tôi bị đau ốm thì quý vị có săn sóc cho tôi không ?

- Bạch Đức Thế Tôn, chúng con chắc chắn sẽ săn sóc cho Thế Tôn.

- Vậy thì từ nay, khi có vị nào bị ốm đau thì quý vị hãy săn sóc cho đến khi bình phục. Săn sóc cho vị ấy tức là chăm sóc cho chính tôi vậy.

Các vị khất sĩ có mặt đều chắp tay cúi đầu, vâng theo lời Bụt dạy. Mùa hạ năm sau, Bụt an cư tại tu viện Lộc Mẫu ở Savatthi. Năm nay tại Savatthi, ni sư Mahapajapati cũng lãnh đạo một ni chúng đông đảo an cư tại tu viện của các vị nữ khất sĩ. Phụ tá ni sư có ni sư Khema. Ni sư Khema ngày xưa vốn là một vị quý phi của vua Bimbisara nước Magadha. Cách đây hai mươi năm, bà đã được quy y làm học trò tại gia của Bụt. Bà vốn là người thông minh, nhưng có tính tự hào, nhờ được gặp Bụt và nghe Bụt thuyết pháp nên bà tỉnh ngộ và bắt đầu học phép khiêm cung.

Sau bốn năm tu học với tính cách một cư sĩ tại gia, bà đã xin Bụt xuất gia và gia nhập ni chúng do ni sư Mahapajapati lãnh đạo. Bà tu học rất tinh tiến, và trong những năm gần đây đã trở nên một trong những vị lãnh đạo quan trọng của ni chúng. Nữ cư sĩ Visakha thường cùng các con đi cúng dường và nghe pháp ở nữ tu viện này. Nam cư sĩ Sudatta cũng đã được bà nhiều lần mời tới cúng dường và nghe pháp. Tại đây cư sĩ đã được gặp nữ khất sĩ Khema, nữ khất sĩ Dhammadinna, nữ khất sĩ Utpalavanna và nữ khất sĩ Palacara. Bà Visakha được biết tường tận về cuộc đời của các vị nữ khất sĩ này và bà đã kể cho ông Sudatta nghe lại những điều bà biết.

Một hôm đến ni viện với một người bạn nam giới cũng có tên là Visakha, cư sĩ Sudatta được gặp nữ khất sĩ Dhammadinna. Vị nữ khất sĩ này là một trong những vị giảng sư nổi tiếng nhất của ni viện. Hai người đã được học hỏi đạo lý với vị ni sư này. Ni sư đã giảng giải cho cả hai vị cư sĩ rất rành rẽ về những yếu tố tạo nên con người là năm uẩn, tức là sắc - thọ - tưởng - hành và thức, và về con đường của tám sự hành trì chân chính gọi là bát chánh đạo. Cư sĩ Visakha rất ngạc nhiên khi thấy kiến thức thâm uyên của ni sư về đạo lý tỉnh thức. Ông về tu viện Kỳ Thọ và đem tất cả những điều ni sư giảng dạy bạch lại với Bụt, Bụt nói:

- Visakha, nếu ông hỏi ta, thì ta cũng sẽ trả lời như nữ khất sĩ Dhammadinna không khác. Ông nên biết là qua bài pháp mà ông được nghe, nữ khất sĩ Dhammadinna đã nắm rất vững đạo pháp giải thoát và giác ngộ.

Nói xong, Bụt quay lại đại đức Ananda và bảo:

- Ananda, thầy nên trùng tuyên lại cho đại chúng nghe bài pháp của ni sư Dhammadinna. Bài pháp này là một bài pháp quan trọng.

Bên cạnh ni sư Dhammadinna, còn có ni sư Bhaddha Kapilani, là một vị nữ khất sĩ cũng nổi tiếng thông tuệ về giáo lý. Hai ni sư này thường được các giới cư sĩ thỉnh cầu đến thuyết pháp tại nhiều địa điểm trong xứ. Câu chuyện về nữ khất sĩ Patacara là một câu chuyện rất thương tâm.

Patacara là con gái một người rất giàu có ở Savatthi. Bố mẹ của Patacara giữ con kỹ lắm, không bao giờ cho con gái đi ra ngoài đường. Cả ngày Patacara bị nhốt trong nhà và vì thế không được gặp ai. Đến tuổi dậy thì, cô đem lòng thương một người con trai giúp việc trong nhà. Bố mẹ của cô hoàn toàn không hay biết gì về điều này. Họ sắp đặt để gả cô cho một chàng trai, con của một nhà phú hộ khác. Hoảng kinh, cô bàn tính với người yêu bỏ nhà đi trốn. Rạng sáng ngày cưới, cô hóa trang làm con ở đi gánh nước và thoát ra khỏi nhà. Qua bến đò, cô gặp người yêu. Hai người đi trốn đến một nơi thật xa và cưới nhau. Ăn ở với nhau được ba năm thì cô có mang. Gần đến ngày sinh con, cô đòi chồng đưa về nhà cha mẹ để sinh, theo tục lệ xứ cô. Chồng cô sợ ông bà nhà phú hộ lắm, nhưng vì vợ cương quyết quá nên anh bất đắc dĩ phải đưa vợ về. Nhưng khi về đến nửa đường thì cô lâm bồn và sinh được một cháu bé trai. Việc trở về nhà cha mẹ vì thế không còn cần thiết nữa. Hai vợ chồng liền quay về nơi sinh sống cũ.

Hai năm sau, cô lại có mang, và cô lại ép chồng đưa cô về quê để sinh đẻ. Nhưng lần này họ rủi ro quá. Giữa đường họ gặp một trận bão lớn. Cô lại muốn lâm bồn. Người chồng bảo vợ ngồi xuống bên đường chờ đợi, để anh ta vào rừng đốn cây bẻ lá về che thành một túp lều tạm, Patacara đợi mãi không thấy chồng về. Nửa đêm cô sinh ra một đứa bé trai, trong lúc trời vẫn mưa vẫn gió. Sáng hôm sau, khi bão tạnh, Patacara tay ôm đứa bé sơ sinh tay dắt đứa bé chưa đầy ba tuổi đi vào rừng tìm chồng. Cô thấy chồng nằm chết trong rừng. Hôm qua trong khi đốn củi, anh ta đã bị một con rắn độc cắn và nằm chết ngay tại chỗ, Patacara khóc than thảm thiết, rồi cô ẵm dắt con ra đi, tìm về nhà cha mẹ. Cô đi mãi cho đến khi gặp một dòng sông. Mực nước sông lên cao vì mưa gió đã kéo dài hơn một đêm một ngày. Không biết làm sao, cô mới dặn đứa con ba tuổi đứng chờ cô bên này sông để cô ẵm đứa bé sơ sinh sang bên kia sông trước. Bằng hai tay, cô nâng đứa bé lên quá đầu và lội qua sông. Tới giữa dòng, một con chim ưng sà xuống và cắp đứa bé bay đi. Patacara hoảng hốt la lớn lên để con chim ưng sợ mà buông đứa bé. Ai ngờ tiếng kêu của cô vọng tới sang bờ phía sau, và em bé ba tuổi, tưởng mẹ gọi mình, vội vã lội xuống nước chạy theo. Con chim ưng cắp đứa bé sơ sinh bay xa rồi, Patacara không làm gì được nữa. Ngoái nhìn lại bờ bên nọ cô thấy đứa con trai ba tuổi của cô đã lội xuống nước. Hoảng kinh, Patacara la lên và nhoài mình trở về bờ bên nọ để cứu con, nhưng chậm mất rồi, đứa bé đã bị dòng nước cuốn đi mất.

Qua tới bờ bên kia, Patacara kiệt sức. Cô không còn khóc được nữa. Cô nằm trên bờ sông lâu lắm mới lấy lại được chút sức lực. Rồi cô tìm đường lần hồi về Savatthi. Về tới Savatthi cô được tin là ngôi nhà của cha mẹ cô đã bị trận bão ngày hôm kia xô ngã và cả cha lẫn mẹ cô đều bị đè chết trong ngôi nhà sụp đổ. Ngày hôm cô về tới là ngày người ta đưa xác ông bà lên giàn hỏa. Chưa bao giờ mà nhiều biến cố khổ đau dồn về một lúc trên một con người như thế. Patacara ngã quỵ bên lề đường. Cô không còn muốn sống nữa. Những người qua đường ghé lại thăm hỏi và đưa cô về tu viện Jetavana gặp Bụt. Bụt nhờ các vị nữ cư sĩ đưa Patacara đi tắm rửa và lấy áo quần khô và sạch cho Patacara mặc. Rồi Người ngồi chăm chú nghe Patacara kể lại chuyện mình. Bụt an ủi:

- Con đã gặp quá nhiều tai nạn và rủi ro. Nhưng cuộc đời không phải chỉ có khổ đau và tai nạn. Con hãy học theo pháp giác ngộ để có thể mỉm cười với chính những khổ đau của mình và để tạo an lạc cho hiện tại và cho tương lai.

Patacara lạy Bụt xin quy y với Người. Bụt cho vời ni sư Mahapajapati tới. Người gửi gắm Patacara cho ni sư. Chiều hôm đó, Patacara theo ni sư về ni viện. Sau một thời gian tập sự, Patacara được thọ giới làm nữ khất sĩ. Patacara được ni trưởng và các ni sư trong viện thương yêu lắm. Sau mấy năm tu học, Patacara đã tìm lại được nụ cười. Một hôm trong khi múc nước rửa chân, thấy những dòng nước theo hai chân chảy xuống và thấm vào lòng đất, nữ khất sĩ Patacara ngộ được lý vô thường. Suốt mấy đêm liền, cô thực tập thiền quán bằng hình ảnh ấy. Một buổi sáng nọ, Patacara chứng nghiệm được nguyên tắc sinh diệt. Cô đọc lên mấy câu thơ:

Hôm nọ đang rửa chân
Tôi thấy dòng nước chảy
Nước thấm vào lòng đất
Tôi hỏi: nước về đâu ?
Thiền quán trong tĩnh lặng
Tôi nắm giữ thân tâm
Như một con tuấn mã
Tôi quán sát lục trần
Ngồi nhìn ngọn đèn dầu
Tôi đi vào phép quán
Thời khắc trôi qua mau
Lửa đèn còn chiếu sáng
Lấy cây tăm khêu bấc
Tôi dìm bấc xuống dầu
Ánh đèn bỗng phụt tắt
Tất cả chìm đêm sâu
Ngọn lửa về Niết Bàn
Nhưng hồn tôi chợt sáng
Tâm được cởi trói rồi
Ánh mai vừa tỏa rạng

Nữ khất sĩ Patacara được gặp ni trưởng Mahapajapati sáng hôm ấy. Cô trình lên bà bài thơ và rất được bà khen ngợi. Nữ khất sĩ Uppadavanna được xuất gia là nhờ công tiến dẫn của đại đức Moggallana. Vị ni sư có dung quang rất mỹ lệ, dù bà đã cạo đầu mặc áo khất sĩ. Bà tu học tinh tiến lắm và cũng là một trong những người phụ tá giỏi của ni trưởng Pajapati. Một hôm đi qua công viên thành phố, đại đức Moggallana gặp người thiếu phụ nhan sắc mặn mà đang đứng chặn đường Người. Đó là Uppadavanna, lúc ấy là một hoa khôi trong giới thương nữ. Người đời gọi cô là Liên Hoa Sắc vì cô có sắc đẹp và sự tươi mát của một bông hoa sen xanh. Đại đức Moggallana nhìn thẳng vào mặt người phụ nữ này và biết ngay đây là một người mà tâm hồn chứa chất rất nhiều u uẩn khổ đau. Đại đức nói:

- Cô có hình dáng xinh đẹp, cô lại có bề ngoài trang phục lộng lẫy, nhưng tôi biết bên trong cô là một người đầy khổ đau và mặc cảm. Nghiệp chướng cô nặng nề lắm và cô đang càng ngày càng sa vào con đường lầy lội. Cô nên thức tỉnh càng sớm càng hay.

Uppadavanna hoảng kinh thấy vị khất sĩ nhìn thấu nội tâm mình, nhưng cô vẫn giữ vẻ bình thản. Cô nói:

- Có thể là đại đức nói đúng, nhưng tôi không có con đường nào khác hơn.

Thầy Moggallana nói:

- Tại sao cô lại bi quan như thế ? Dù quá khứ có sao đi nữa, ta vẫn có thể chuyển hướng và xây dựng cho tương lai. Áo quần dơ bẩn thì ta dùng nước sông để giặt giũ. Thân thể dơ bẩn thì ta tắm gội. Tâm tư vẩn đục và chán chường thì ta lấy nước giải thoát mà gạn lọc. Bụt dạy: ai cũng có khả năng tỉnh thức và thanh tịnh hóa thân tâm của mình.

Uppadavanna sa nước mắt:

- Nhưng cuộc đời của con đầy dẫy tội lỗi, con sợ Bụt cũng không cứu được con nữa là đại đức.

Vị khất sĩ mỉm cười:

- Không sao đâu, cô cứ kể tự sự cho tôi nghe đi.

Uppadavanna thuật lại rằng nàng là con gái của một nhà triệu phú. Nàng lấy chồng năm mười sáu tuổi. Sau ngày cha chồng nàng mất, mẹ chồng nàng lại ăn nằm với chính chồng của nàng. Lúc đó Uppadavanna đã sinh được một đứa con gái. Chứng kiến cảnh loạn luân ấy, cô bỏ nhà ra đi, bỏ luôn đứa con gái lại. Mấy năm sau, cô gặp một thương gia và được ông này cưới làm vợ. Một thời gian sau, cô nghe nói chồng cô có mua về một nàng hầu và đem giấu diếm ở một ngôi nhà cách biệt ngoài thành phố. Cô tìm đến đánh ghen thì phát giác ra rằng đó chính là con gái năm xưa của cô. Đau xót vô cùng, cô đem lòng thù hận trời đất và con người. Cô không còn tin được ai và thương được ai nữa. Cô theo nghề kỹ nữ. Cô chỉ cần tiền bạc, đồ trang sức và một nếp sống vật chất dư dả. Nên cô đã có ý định chinh phục cả những vị khất sĩ, đó là vì cô muốn trả thù con người và chửi thẳng vào mặt cái đạo đức giả của con người.

Nói tới đó, Liên Hoa Sắc úp mặt trong hai tay và khóc. Đợi Uppalavanna khóc cho thỏa thuê xong, đại đức Moggallana mới bắt đầu dạy đạo cho cô. Rồi thầy đưa cô về gặp Bụt. Bụt an ủi Uppadavanna và cho phép cô đi về ni viện tập sự tu học dưới sự hướng dẫn của ni sư Gotami. Chỉ trong vòng bốn năm, Uppadavanna đã trở nên một vị ni sư gương mẫu.

20 câu nói nhân sinh cảm ngộ, thâm thúy và đáng ngẫm

- Sưu tầm

Hạnh phúc, với những người khác nhau, tiêu chuẩn cũng rất khác nhau. Thứ trẻ nhỏ mong muốn có được rất giản đơn, có đồ chơi, có đồ ăn, đó chính là cuộc sống hạnh phúc. Còn với người lớn, thứ chúng ta mong muốn phức tạp hơn rất nhiều, khi đã có cơm ăn áo mặc, có khả năng chi trả cho đời sống tinh thần, chúng ta sẽ muốn có nhà, có xe, khi đã có rồi lại mong có nhà to hơn, xe đẹp hơn. Đây chính là lý do vì sao người lớn rất tốn công tốn sức trong việc kiếm tìm hạnh phúc trong khi với trẻ nhỏ, việc đó lại rất dễ dàng. Chỉ cần chúng ta yêu cầu đơn giản hơn một chút, hạnh phúc sẽ đến, dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi tin rằng, những câu nói dưới đây sẽ có lúc đúng với tất cả mọi người, cho dù bạn là ai.

20 CÂU NÓI NHÂN SINH CẢM NGỘ, THÂM THÚY VÀ ĐÁNG NGẪM

1. Khi còn sống, con người thường hay cho rằng ngày mai còn dài, thiếu gì cơ hội để gặp gỡ nhau, nhưng thực ra, đời người là một phép trừ, gặp nhau một lần cũng là đã bớt đi một lần gặp gỡ.

2. Trong những lúc nóng nảy, giận dữ, tuyệt đối không dùng những lời lẽ cay nghiệt, tuyệt tình làm tổn thương người yêu thương chúng ta.

3. Đừng chỉ dùng cái tai đi tìm hiểu người khác.

4. Có những lúc, không có lần sau, không có cơ hội lặp lại, không có sự tạm dừng rồi lại tiếp tục. Có những lúc, bỏ lỡ hiện tại sẽ vĩnh viễn không còn cơ hội trong tương lai.

5. Dùng thái độ cam tâm tình nguyện, bạn sẽ có một cuộc sống an nhiên dù gặp phải bất cứ cảnh ngộ nào.

6. Tất cả các vấn đề suy cho cùng đều là vấn đề của bản thân.

7. Khi người ta nghèo, phải ra ngoài kiếm sống, lăn lộn mà ít có thời gian ở nhà. Giàu rồi, phải ở nhà nhiều hơn, hạn chế ở bên ngoài, đó mới là nghệ thuật sống.

8. Có những lúc, bạn rõ ràng đã tha thứ cho người đó nhưng chúng ta không thể vui lên được, đó là bởi bạn đã quên mất việc tha thứ cho bản thân mình.

9. Mỗi một người, có sinh sẽ có tử, nhưng chỉ cần chúng ta sống, chúng ta phải sống theo cách tốt nhất. Có thể không có tình yêu, không có danh hiệu, nhưng không thể không có niềm vui.

10. Những thứ bản thân ta không cần đến, có tốt đến đâu cũng chỉ là rác.

11. Tuổi trẻ là tài sản, là sự giàu có lớn nhất của đời người. Mỗi chúng ta cần nhân thêm thời khắc đáng trân trọng đó, dù nghèo khó cũng không cần phải sợ hãi. Hiểu cách bồi dưỡng bản thân, hiểu thế nào là những thứ quý giá, hiểu nên đầu tư vào đâu, hiểu nên tiết kiệm ở chỗ nào, đó là những điều quan trong nhất trong suốt cả đời người.

12. Có một ngày bạn sẽ hiểu, lương thiện sẽ khó hơn thông minh. Thông minh là thứ trời phú còn lương thiện, đó là một lựa chọn.

13. Bạn lợi hại đến mức nào không nằm ở việc bạn quen biết bao nhiêu người mà thể hiện ở lúc bạn gặp hoạn nạn, có bao nhiêu người quen biết bạn.

14. Với những việc không cần giải thích, bắt đầu từ thời khắc bạn mở miệng, bạn đã thua rồi.

15. Một khi số tiền mà cuộc sống cần đến đã đủ, hạnh phúc lớn nhất là dùng thu nhập của bạn hoàn thành giấc mơ của bạn, dang rộng đôi cánh của bạn để làm những điều mình thích. Hãy để sinh mệnh được trải nghiệm những chuyến đi khác nhau.

16. Đừng phung phí quá nhiều tiền vào việc mua sắm quần áo, mua ít đi một chút nhưng hãy đầu tư vào vài bộ thực sự “chất”. Hãy thay đổi không khí bằng việc ra ngoài dùng bữa, mời khách ăn uống, nhưng nếu mời, hãy mời những người có lý tưởng, có suy nghĩ, nỗ lực hơn mình để học hỏi, trau dồi bản thân.

17. Phụ nữ không có sức cuốn hút mới nói đàn ông trăng hoa, đàn ông không có thực lực mới cảm thấy phụ nữ thực dụng.

18. Hãy nói một lời xin lỗi với bản thân, những năm qua, hẳn có rất nhiều người đã không học được cách yêu chính bản thân mình.

19. Khi nghèo nhất định cần rộng rãi, giàu rồi, chớ có vung tay quá trán. Sinh mệnh đã khôi phục được sự giản đơn, đã trở nên yên bình trở lại nhưng hành thiện nhiều hơn là điều cần thiết.

20. Con người ta khi nghèo không nên tính toán chi ly, cũng không phải uốn mình nịnh nọt người khác, đó gọi là người nghèo nhưng chí không nghèo. Khi giàu, phải học cách đối xử với người khác tốt hơn khi người khác đối tốt với mình, phải biết nâng lên, đặt xuống, biết trân trọng nhưng cũng cần biết buông bỏ.

(Sưu tầm)