V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Lương y như từ mẫu

(Nguyễn Hữu Đức)

Khi nói về Y đức ở nước ta, câu nói được trích dẫn nhiều nhất là “lương y như từ mẫu”. Từ lâu, “lương y như từ mẫu” được xem là cốt lõi của đạo đức của nghề Y, bởi vì nghề Y là nghề rất đặc biệt. Đúng như danh sư nước ta là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từng nói: “không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người, không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề Y thiếu đạo đức”, nghề Y mà thiếu đạo đức thì đúng là chỉ có chết người.

“Lương y như từ mẫu” đáng lẽ phải hiểu: “Thầy thuốc giỏi (lương y) giống y như mẹ hiền (từ mẫu)”. Thế mà thời gian qua, nhiều người lại hiểu một cách thiếu sót: “Thầy thuốc (không có chữ giỏi) như mẹ hiền” tức chỉ nhấn mạnh vế “mẹ hiền” mà quên mất vế “thầy thuốc giỏi”. Có người biện luận cho sự hiểu thiếu sót của mình là do chữ “lương y” được dùng đại trà để chỉ người thầy thuốc bình thường của ngành Y học cổ truyền. Đúng là ta thường gọi thầy thuốc Y học cổ truyền hay thầy thuốc đông Y là lương Y, và lương Y này có khi không hẳn là thầy thuốc giỏi.

Có người cho rằng “lương y như từ mẫu” nên xem là một cách ví von về từ ngữ, nhưng ý nghĩ thì khó phù hợp với y học hiện đại dựa vào nguyên lý của y học thực chứng. Bởi vì khi nói “từ mẫu” là đặt vị trí của người thầy thuốc vào vai trò của người mẹ, gián tiếp xem người thầy thuốc là gia trưởng, là cấp trên. Người mẹ dù hiền như thế nào cũng có thể ra lệnh cho con, thậm chí dùng roi vọt để thể hiện quyền hạn. Người thầy thuốc (hay bác sĩ) thời xưa có thể xem là người mẹ vì là người ra lệnh cho bệnh nhân. Nhưng nay thì không được vì thầy thuốc trong thời đại y học thực chứng chỉ có thể ra khuyến nghị chữa bệnh chứ không được ra lệnh. Y học thực chứng (evidence-based medicine, viết tắt EBM) đòi hỏi người thầy thuốc không được ra lệnh từ những kiến thức về y học nằm sẵn trong đầu ông ta mà ông ta đã xem đó là chân lý và không được cãi. Mà người thầy thuốc phải dựa vào các chứng cứ thực nghiệm là các nghiên cứu lâm sàng được thiết kế đúng chuẩn và đáng tin cậy nhất để ra khuyến nghị một cách bình đẳng với người bệnh. Bình đẳng ở đây là người bệnh có quyền chất vấn bác sĩ về chứng cứ nếu thấy chưa thỏa đáng.

● Vậy ta phải hiểu sâu sắc “lương y như từ mẫu” là như thế nào ?

Bởi vì nghề y là nghề liên quan đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của con người nên người hành nghề y phải là thầy thuốc có chuyên môn giỏi đồng thời phải có tấm lòng thương yêu, tận tụy phục vụ người bệnh. Nói một cách ngắn gọn là người thầy thuốc phải có tâm và có tầm.

Nói theo triết lý nhà Phật, người hành nghề y phải có từ bi và trí tuệ. Nếu từ bi mà không có trí tuệ là từ bi mù và trí tuệ mà không có từ bi thì đó là trí tuệ ác. Giống như con chim đại bàng muốn bay cao phải có hai đôi cánh, người thầy thuốc muốn hành nghề tốt phải luôn có hai điều kiện là phải giỏi và phải thương người.

Câu “lương y như từ mẫu” hay “thầy thuốc giỏi phải giống như mẹ hiền” chính để nhấn mạnh hai điều kiện phải có của người thầy thuốc. Nếu thầy thuốc giỏi mà không có tấm lòng của người mẹ hiền thì khác gì chim đại bàng còn có một cánh, làm sao bay cao được. Hay người thầy thuốc có lòng thương người bệnh nhưng tay nghề quá yếu, không nắm vững chuyên môn thì có khi trở thành kẻ hại người một cách vô tình, thậm chí kẻ sát nhân không chủ ý.

● Thầy thuốc giỏi là như thế nào ?

Đây là người hành nghề đặc biệt, dùng kiến thức và kỹ năng về y dược để chữa bệnh cho mọi người, và thầy thuốc giỏi là người hành nghề y vững về chuyên môn, luôn tìm cách nâng cao trình độ nghề nghiệp, luôn tìm cách cập nhật kiến thức y dược để làm chủ thông tin và trang bị thiết bị hiện đại hầu chữa trị tốt người bệnh. Nhưng thầy thuốc giỏi không thôi thì chưa đủ. Bởi vì người thầy thuốc không có sự tận tụy và lòng thương người thì dễ đi đến lỗi lầm. Một chút lơ đễnh, thờ ơ, tắc trách đến ghê gớm nhất là vô cảm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Dẫn đến những mất mát đau đớn không gì bù đắp cho thân nhân người bệnh, mà những con người đáng thương này đã đặt tất cả hi vọng, niềm tin vào người thầy thuốc. Chính vì thế, người thầy thuốc giỏi phải có tấm lòng của người mẹ hiền là mong ước muôn đời của tất cả mọi người.

● Thầy thuốc giỏi giống như mẹ hiền là như thế nào ?

Ai cũng biết tấm lòng thương yêu bao la của người mẹ đối với con của mình. “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”, nghe câu hát này ai cũng xem đó là điều hết sức tự nhiên. Đặc biệt, lòng mẹ thương con hình như tăng lên bội phần khi đứa con bị bệnh. Sự chăm sóc con bị bệnh ở người mẹ luôn có vẻ tận tình hơn khi con khỏe mạnh. Thậm chí có nhiều bà mẹ có thái độ tha thiết sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho sự hết bệnh, sống còn ở con. Nói “lương y như từ mẫu” thật ra đúng là sự ví von. Thầy thuốc nếu là nam giới thì sao như mẹ hiền cho được ? Sự ví von như thế chỉ nhằm thể hiện sự mong muốn người thầy thuốc phải có tấm lòng yêu thương người bệnh hết mực, có tinh thần trách nhiệm trong nghệ nghiệp cao nhất, có sự tận tụy chăm sóc phục vụ người bệnh hết lòng. Đối với những ai là Phật tử còn có sự ví von cao cả hơn là xem người thầy thuốc tận tâm tận lực người bệnh không khác vị Bồ-tát.

Trong Phật giáo, Bồ-tát là tên gọi những đã thành tựu Phật quả thường không nhập Niết Bàn mà vẫn ở thế gian để độ chúng sinh chưa giác ngộ. Hiểu rộng hơn, Bồ-tát còn chỉ những người có tấm lòng độ lượng nhân ái, sống giữa cuộc đời và cứu giúp mọi người. Tôi đã từng nghe nhiều người gọi ông bác sĩ người Mỹ Mckay McKinnon, người bóc tách thành công khối u gần 90kg ở chân của anh Nguyễn Duy Hải mà nhiều nhà chuyên môn cho là rất khó thành công. Là vị Bồ-tát vì ông Bs McKinnon đã mổ cho anh Hải với tấm lòng quảng đại, không tính toán thiệt hơn, không vì tiền tài danh vọng mà chỉ vì lòng thương người đang quá đau khổ vì bệnh tật. Đối với người bệnh, người thầy thuốc giỏi có tấm lòng như người mẹ hiền luôn được xem là ân phúc của họ.

● Hiểu sâu sắc “lương y như từ mẫu” là như thế nào ?

Hiểu sâu sắc “lương y như từ mẫu” có nghĩa thầy thuốc phải giống như mẹ hiền của thời hiện đại. Người mẹ hiền thời nay không còn là người mẹ quê mùa, chỉ biết thương yêu con với tình yêu mù quáng, chỉ biết rầy la mắng mỏ con với thái độ gia trưởng. Mà là bà mẹ có học thức, biết chăm sóc con với kiến thức khoa học, giỏi tâm lý tiếp xúc, khi cần là người bạn chân tình ngang hàng con cái chứ không phải kẻ cả. Thời nay, rõ ràng con cái dù mẹ hiền và tốt đến đâu vẫn thích tâm sự với bạn thân chí cốt của mình, sẵn sàng thố lộ tình cảm và đón nhận ý kiến của bạn bè nếu người mẹ không sẵn sàng làm bạn với con mình. Nếu hiểu sâu sắc vừa nêu trên thì “lương y như từ mẫu” vẫn có thể áp dụng cho y học hiện đại. Thầy thuốc giỏi trong thời đại hiện nay là bác sĩ hành nghề theo y học thực chứng đã nêu ở trên. Và nếu thầy thuốc đó có tấm lòng mẹ hiền sẽ làm tốt việc phối hợp kiến thức kỹ năng chuyên môn được cập nhật những chứng cứ khoa học là thử nghiệm lâm sàng có độ tin cậy cao nhất với sự tôn trọng nỗi đau và kỳ vọng của bệnh nhân. Thầy thuốc giỏi không phán lệnh như gia trưởng mà đối xử bệnh nhân như người bạn chân tình (partnership), để bác sĩ và bệnh nhân cùng đóng vai trò quyết định phương án điều trị dựa vào chứng cứ tốt nhất.

Như vậy, ta thấy câu “lương y như từ mẫu” nếu hiểu một cách sâu sắc vừa có thể xem là cách ví von tuyệt vời về từ ngữ, vừa có ý nghĩa phù hợp với y học hiện đại dựa trên y học thực chứng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét