(Sưu tầm)
Chúng ta không thể nói an lạc thì thân sẽ an lạc, chúng ta không thể nói tâm hạnh phúc thì tâm sẽ hạnh phúc, mà phải hiểu biết thực hành con đường hạnh phúc.
Chúng ta chưa thật tâm sống với lòng từ, đó là một trong những nguyên do mà chúng ta thấy tâm mình ít khi vui vẻ, hạnh phúc.
Lòng từ, tâm từ, là suy nghĩ thương yêu đến hạnh phúc của tất cả chúng sinh và các loài hữu tình. Hiểu diệu pháp tâm từ đã khó, ứng dụng diệu pháp này vào thực tế càng khó hơn, chúng ta phải biết thật kĩ càng.
Ví dụ, mình đi làm từ thiện với lòng từ, nhưng gặp những điều chướng tai, gai con mắt trong việc làm từ thiện, liệu mình có giữ được lòng từ hay không ?
Tâm từ có các tính chất:
- Đối trị tâm sân của chúng ta.
- Che chở (bảo hộ) người khác, che chở (bảo hộ) chính mình.
Khi chúng ta gặp các điều chướng tai, gai con mắt, tâm khó chịu, tâm sân thường sinh khởi, chính lúc này lấy tâm từ đối trị.
Khi mình biết thương yêu đến hạnh phúc người khác thì đó là sự che chở cho người khác, đồng thời cũng che chở cho bản thân.
Để tâm của mình hạnh phúc giữa đời thường, không gì hơn hãy thực hành lòng từ đối với những người chung quanh hằng ngày ta có dịp tiếp xúc đối diện, dần dần mở rộng suy nghĩ thương yêu và quan tâm nâng đỡ đến hạnh phúc muôn loài.
Xin đảnh lễ, tán thán bài Kinh Pháp Cú sau:
“Vui thay, chúng ta sống
Không hận, giữa hận thù
Giữa những người thù hận
Ta sống, không hận thù”
Chúng ta nghe lời Phật dạy và nhắc mình cố gắng hành theo, thì tâm mình dần dần sẽ hạnh phúc. Đức Phật không ban cho mình hạnh phúc nhưng Ngài dạy ta biết cách chế tác hạnh phúc cho đời mình. Hạnh phúc do chính mình tạo nên thì bao giờ ta cũng cảm thấy ý nghĩa và trân trọng nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét