V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Tại sao không có hai Đức Phật xuất hiện một lần ?

- Trích từ: Mi Tiên Vấn Ðáp 147
- Dịch giả: Hòa Thượng Giới Nghiêm

- Thưa đại đức ! Trẫm nghe rằng, các Đức Phật giác ngộ những điều giống nhau, thuyết những pháp giống nhau, giới luật ban hành cũng giống nhau, ... có phải thế không ạ ?

- Tâu, vâng !

- Một vị Phật xuất hiện ở thế gian như thế, cuộc đời sẽ rất đẹp, hoàn thiện và tươi sáng thêm lên, có phải thế không ạ ?

- Tâu, vâng !

- Thế tại sao hai bậc Toàn Giác không xuất hiện một lúc để cùng hỗ trợ cho nhau, tương trợ nhau để xiển dương chánh pháp ? Nếu vậy thì cuộc đời này sẽ tốt đẹp gấp đôi, hoàn thiện gấp đôi, và xán lạn tươi đẹp cũng gấp đôi. Và như thế thì đạo Phật sẽ huy hoàng, lan tràn trong hoàn vũ, tế độ được gấp bội chúng sanh trời, người hơn nữa. Xin đại đức chỉ giáo cho điều này ?

- Tâu đại vương ! Đức Phật dạy rằng, thế gian này có mười ngàn thế giới. Mười ngàn thế giới ấy chỉ có khả năng nâng đỡ một vị Phật mà thôi. Nói cách khác, mười ngàn thế giới chỉ có thể chịu đựng sự hiện hữu của một vị Phật. Nếu hai vị Phật cùng xuất hiện một lúc thì mười ngàn thế giới này sẽ bị chấn động, bị rung chuyển, bị nghiêng lệch đi, sẽ bị hủy diệt, bị tiêu vong. Ví như một chiếc thuyền nhỏ chỉ chở được một người, nếu hai người cùng quá giang thì thuyền ấy sẽ không chở nổi, sẽ bị chìm. Chiếc thuyền chính là mười ngàn thế giới, khách quá giang là một vị Phật. Ví dụ này đại vương nên hiểu để tự trả lời và tìm hiểu lý do tại sao cho câu hỏi của mình.

- Thưa, vâng.

- Ví như hai chiếc xe chất hàng hóa với trọng tải vừa đủ để chuẩn bị cho lộ trình xa. Với lý do nào đó, người ta lấy bớt một xe, sớt hàng hóa xe ấy sang xe kia. Đại vương thấy thế nào ? Một chiếc xe mà chở nặng một số hàng hóa với trọng tải gấp đôi, thì số phận chiếc xe ấy sẽ như thế nào ?

- Bánh xe ấy sẽ gãy hoặc trục xe ấy sẽ vỡ lìa từng đoạn.

- Mười ngàn thế giới này cũng sẽ gãy đổ hoặc vỡ lìa tan nát ra như thế, nếu sức nặng của hai vị Phật đồng ngự đến một lần, tâu đại vương !

- Trẫm đã hiểu nhờ hai ví dụ ấy.

- Ngoài ra, biết bao điều tai hại do tranh chấp, do chia rẽ, do chấp thủ, do bảo vệ, rằng là “đây là Phật của tôi, kia là Phật của anh”; và thế là phân thành hai nhóm, sẽ tranh đấu với nhau bằng binh khí miệng lưỡi, binh khí đao gậy. Nói tóm là những điều nguy hại cho giáo pháp sẽ xảy ra.

- Vâng ! Ví như trong triều đình của trẫm đây, nếu trẫm có hai vị quan cận thần có tài đức và công lao ngang nhau, đều được trẫm sủng ái. Quan lại trong triều đều phân làm đôi ủng hộ hai vị quan ấy. Chuyện gì sẽ xảy ra ? Dĩ nhiên là sẽ có chuyện tranh chấp cãi cọ lôi thôi, sẽ có sự chia rẽ, mất hòa khí khi “ông quan này của chúng tôi, ông quan kia của các anh”, thật là khó xử cho trẫm đấy. Trong triều không thể để cho hai ông quan có tài đức ngang nhau, công lao ngang nhau, quyền lực ngang nhau ... Như thế nào thì mười ngàn thế giới này cũng không nên tồn tại hai vị Phật, thưa đại đức !

- Vâng, mong rằng đại vương đã hiểu. Và có thể có những tế toái, phức nhiễu khác nữa. Ngay chính những hồng ân, danh hiệu, sự tôn xưng của thế gian đối với chư Phật sẽ có cái gì không được ổn cho lắm. Ví dụ, Đức Phật là bậc tối thượng giữa muôn loài. Chữ tối thượng kia phải xét lại. Tối thượng là chỉ có một người, duy nhất, tại sao ở đây lại có hai người ? Lại ví dụ, Đức Phật là bậc đáng tôn trọng, cao quý nhất trong tam giới. Dùng chữ cao quý nhất ấy không còn thích đáng nữa. Cũng thế, chẳng hạn, Đức Phật là bậc tiến hóa đệ nhất giữa chốn chư thiên và loài người. Chữ “đệ nhất” ấy cũng sẽ không còn dùng được. Ngoài ra, tỉ như, vô thượng sĩ, Thế Tôn, Thiên nhân sư .v.v.v... đều phải sửa đổi lại. Còn nữa, tâu đại vương ! Trên đời này, những cái to lớn, vĩ đại thường chỉ có một: quả đất, mặt trời, mặt trăng, biển cả, hư không, núi Tu Di, Hy Mã Lạp Sơn ... Còn các giống hữu tình lớn như ma vương, đế thích, đại phạm thiên cũng chỉ có một. Tương tợ thế ấy, giữa thế gian chỉ có một đức Chánh Đẳng Giác mới gọi ngài là vĩ đại, quý báu, tôn quý, cao thượng, vô thượng, tối thượng .v.v.v... Như thế, trong một thời kỳ nhất định, giữa mười ngàn thế giới này chỉ có một vị Phật Đản sanh, không thể có hai vị được, tâu đại vương !

Tâm hương mùa Phật Đản

- Thích Tánh Tuệ



Người đã đến, vầng hồng dương rạng rỡ
Bước nhiệm huyền bừng nở những đài sen
Ưu Đàm hoa còn lưu hương muôn thuở
Cõi trầm luân còn nhắc nhớ bao phen

Người đã đến xua tan màn u tối
Vòng tay dang rộng mở lối yêu thương
Mưa pháp vũ cho muôn loài tắm gội
Trí và Bi từ đó được khơi nguồn

Ngày Phật Đản lòng hân hoan, mở hội
Cỏ cây cười, thế giới lặng niềm đau
Đà bao kiếp đời vướng sâu lầm lỗi
Nhờ chuông vang, hồn tỉnh thức, quay đầu

Người đã đến cho con niềm chân phúc
Biết quay về và gạn đục khơi trong
Thắp Chánh Niệm giữa đời từng giây, phút
Sống an bình, tri túc chẳng chờ mong

Người đã đến rồi lên ngôi bất diệt
Giữa tim con và giữa biết bao người
Nguồn Chân Lý sáng soi cùng nhật nguyệt
Suốt ba thời ... siêu việt chẳng phai phôi

Xin đốt nén tâm hương mùa Phật Đản
Hướng về Người dâng hết vạn niềm tin
Giới, Định, Tuệ nguyện đời đời kết bạn
Pháp thực hành là tối thượng tôn vinh

Ngày Phật Đản mắt vui mà ngấn lệ
Hạnh phúc làm con Phật, biết là bao
Cảnh, Tâm đó dù nghìn năm dâu bể
Còn Như Lai, còn bóng mát ngọt ngào ...

D.P.A (44)

• • •

Ta cảm ơn những gian nan thử thách. Ta cảm ơn cuộc đời với những đạo lý cho ta thành người.



Reminds us

- Anonymous

Millions of flowers open without forcing the buds. It reminds us not to force anything for things happen in the right time.

╰▶ Hàng triệu bông hoa mở ra mà không buộc chồi. Nó nhắc nhở chúng ta đừng ép buộc bất cứ điều gì xảy ra vào đúng thời điểm.



Phải thực tập chánh niệm

- Thiền sư Nhất Hạnh



Biết mình đang nghĩ gì, nói gì và làm gì để có thể chủ động đời sống mình và không bị lôi kéo bởi hoàn cảnh. Đây là một phương pháp tu tâm thần diệu của đạo Phật. Phương pháp này không bắt đầu bằng sự phân biệt những ý niệm thiện ác mà bằng sự quán sát sự sống của bản thân mình. Có nhiều người tuy sống mà thật ra không sống, bởi vì họ không có ý thức về sự sống của họ: Họ ăn, ngủ, làm việc và giải trí như một bộ máy cho đến khi chết. Đến lúc sắp lìa đời, nhìn lại họ giật mình thấy như mình chưa từng sống: sáu, bảy mươi năm qua vừa qua đi như một giấc mộng.

Bí quyết của phương pháp chánh niệm là Ý THỨC ĐƯỢC RẰNG MÌNH ĐANG SỐNG: khi đang ăn, mình biết là mình đang ăn, khi đang ngồi, mình biết là mình đang ngồi. Nói tóm lại mình phải ý thức được mỗi giây phút của đời sống mình.

Thắp lên ngọn đèn chánh niệm, tự nhiên sự vô tâm quên lãng trở thành ý thức sáng tỏ và sự chết biến thành sự sống. Nhiều lần trong một ngày ta tự hỏi mình: ta là ai, ta đang làm gì, nghĩ gì, nói gì ? Như thế, ta nắm ngay được chủ quyền, không để cho hoàn cảnh lôi kéo và áp giải ta về thế giới quên lãng và về cái thế giới của sự chết. Ta sống cuộc đời của ta. Buổi sáng rửa mặt nhìn vào trong gương, ta tự nhủ: “đây là một ngày mới, ta phải sống ngày hôm nay cho trọn vẹn, ta phải biết làm thế nào để sống ngày hôm nay cho an lạc, đừng để cho những tên giặc cáu kỉnh, tỵ hiềm và hối hả đến quấy phá và cướp mất hai mươi bốn giờ quý báu của ta”.

Chẳng thể trốn chạy số phận

( Chay Mộc )



❝ ...

- Con à !

- Dạ !

Chúng ta chẳng thể trốn chạy số phận, bởi đã gieo nhân từ bao đời tiền kiếp. Đến ngày hái quả mới biết quả chua, muốn trốn cũng chẳng được nữa. Chúng ta có thể thử trốn chạy, kết quả chỉ là thảm khốc hơn mà thôi.

Con người thường lo rất xa, nên nhìn thấy quả xấu từ xa, hay gặp cảnh trái ý mình một tí, là giãy giụa, là oán thán không muốn nhận. Rồi làm đủ thứ để trốn chạy, để đòi những thứ như ước vọng. Nhưng, có thực sự những thứ họ trốn chạy là xấu, còn những thứ họ khao khát có được là tốt đẹp. Với tâm trí hiểu biết hạn hẹp như của con người, làm sao biết trước được xấu đẹp ?

Chúng ta cho những thứ mình gặp là đau thương, chúng ta còn bận đổ lỗi và trách móc, mà không nhận ra được rằng đó là cơ hội để mình trải nghiệm, để mình trưởng thành. Đi qua những vấp ngã, chúng ta sẽ mạnh mẽ và tự lập lên bao nhiêu, chúng ta sẽ có những kinh nghiệm quý báu gì, đó là cả một kho tàng quý giá mà không ai cướp được của mình. Còn chúng ta cho những thứ là hạnh phúc, chúng ta còn bận rộn hưởng thụ nó, làm sao chúng ta nhận ra bao hệ lụy từ nó. Ví như đường ngọt ngào, chúng ta sẽ thoải mái ăn thật nhiều, mà chẳng nhận ra những nguy cơ như béo phì, tiểu đường mà nó mang lại. Ngọt ngào khiến người ta chẳng kịp đề phòng. Chúng ta có thật nhiều tiền, chúng ta có thực sự hạnh phúc khi những kẻ tham lam gian xảo luôn nghĩ cách để lấy của mình ? Chúng ta có thực sự hạnh phúc khi mình xinh đẹp, khi chúng ta phải cố gắng làm mọi cách để níu giữ tuổi thanh xuân ?…

Câu chuyện bao đời vẫn vậy. Hết kiếp này đến kiếp khác, lớp người này đến lớp người khác. Số phận chỉ là sinh ra rồi chết đi, vậy mà thế hệ sau chúng ta vẫn chẳng thế nhận ra. Bây giờ, ai cũng chỉ mong suôn sẻ, mong êm ái nhẹ nhàng. Chúng ta mong được hưởng thụ hết những tiện nghi vật chất, những tham ái dục lạc, mà chẳng nhận ra đau thương từ chúng. Vậy nên, mới có những kẻ đứng ngoài vòng xoáy. Sống thanh thản, nhẹ nhàng, không phải bởi chúng ta hết ý chí sống, đơn giản là chúng ta muốn sống một cuộc đời trọn vẹn hơn mà thôi.

Yêu và thương con nhiều, nghe con !

( Chay Mộc )


...❞

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|20|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường



“Lòng từ bi như kho báu lớn, dùng mãi không tận, biến kẻ đó thành một người giàu có, đủ sức mua hết những trắc trở trong cuộc đời rồi bình yên, để không phải điêu đứng như một người nghèo không đủ từ bi mua nổi cho mình một ngày bình yên”.

Một nửa cuộc đời mỗi người là những trắc trở, từ chuyện tình cảm, đến công việc, các mối quan hệ, rồi sức khoẻ … nếu không có tâm từ bi, người ta sẽ không biết làm gì với những trắc trở đó, ngoài việc dùng chúng làm ra phiền não, làm ra nỗi đau, cho mình, cho người. Những trắc trở, những vấn đề trong cuộc sống chỉ có thể giải quyết được bằng cách sống, cách sống tích cực, cách sống từ bi.

Một chiếc thuyền, khi đã thả neo chạm đáy, thì sóng gió ngoài kia không còn cuốn trôi được nữa. Một người, khi đã có tâm từ bi, để tâm từ bi chạm được lòng mình, thì cuộc đời ngoài kia, dù thế nào, cũng không thể biến họ thành một con người khác, không thể cuốn.

Ai cũng nỗ lực đi qua hết những khó khăn, nhưng khi có tâm từ bi, người ta sẽ chú ý đến việc sau khi đi qua hết nơi đó mình sẽ trở thành người như thế nào. Thực ra, phải đến khi nào nhận ra sự bình thản trong tâm là quan trọng, khi đó người ta mới thấy tâm từ bi là một kho báu, phải đến khi nào người ta đem tất cả những phù hoa gom góp cả đời không đổi được cho mình một buổi sớm mai bình yên, khi đó mới nhận ra tâm từ bi là một kho báu. Nếu không, tâm từ bi cứ là chuyện nhỏ.

Có những điều nghĩ là nhỏ nhặt, một ngày nọ, lại trở thành vô cùng to lớn, như một ngày, người bỗng thấy thương một hơi thở bình yên của mình, thương đến mức, mỗi buổi sớm mai, việc đầu tiên luôn giành thời gian cho nó, điều nhỏ nhặt đó, đủ sức thay đổi cả thế giới chung quanh mình.

Pháp ngữ (35)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Người tu, nếu không có tiền bạc gì cả thì mới tu hành được. Một khi có tiền thì tuyệt đối chẳng thể tu hành đặng. Đó là điều tôi dám bảo chứng.

Tiếng gầm của sư tử lớn

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương LXI, Thích Nhất Hạnh



Mùa an cư an năm nay, nhân một câu hỏi của đại đức Ananda về đạo lý duyên sinh, Bụt đã dạy các vị khất sĩ về mười hai nhân duyên như là động cơ của guồng máy sinh tử. Người bảo thầy Ananda:

❝Đạo lý duyên sinh là đạo lý rất vi diệu và thâm sâu. Các vị đừng nghĩ rằng có thể thấu hiểu được hết chiều sâu của đạo lý này bằng ngôn từ và lý luận.

Các vị khất sĩ ! Ngày xưa thầy Uruvela Kassapa nhờ được nghe đạo lý nhân duyên mà thấy được và vào được chánh pháp. Ngày xưa Sariputta cũng nhờ nghe được một bài kệ về đạo lý nhân duyên mà hôm nay đã trở nên một trong những khuôn mặt của chúng trung tôn.

Này các vị ! Trong mỗi giây phút của cuộc sống hàng ngày, các vị phải quán chiếu về tự tính duyên sinh của vạn pháp. Nhìn vào một tờ lá hay một hạt mưa, các vị phải tập thấy cho được tất cả những điều kiện gần xa đã đưa tới sự có mặt của tờ lá ấy hay của hạt mưa ấy. Các vị nên biết rằng thế giới được dệt thành bởi những màn nhân duyên chằng chịt, cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt. Sự sinh diệt của một pháp tùy thuộc vào sự sinh diệt của tất cả các pháp. Sự sinh diệt của tất cả các pháp tùy thuộc vào sự sinh diệt của một pháp. Trong cái một có cái tất cả, và trong cái tất cả có cái một. Cái một tức là cái tất cả, cái tất cả tức là cái một. Không có cái một thì không có cái tất cả, không có cái tất cả thì không có cái một. Đây là chỗ vi diệu của đạo lý duyên sinh. Nếu quán sát cho thấu triệt tự tính của vạn pháp, các vị sẽ vượt thoát ra ngoài cái lo và cái khổ về sinh tử, nói một cách khác hơn là thoát ra được ngoài vòng sinh tử.

Các vị khất sĩ ! Duyên khởi chằng chịt nhiều tầng nhiều lớp, nhưng quý vị có thể phân biệt bốn loại: đó là nhân duyên, tăng thượng duyên, đẳng vô gián duyên và sở duyên duyên.

- Nhân duyên là điều kiện chính yếu gần nhất, như hạt lúa là điều kiện chính yếu để phát sinh ra cây lúa.

- Tăng thượng duyên là những điều kiện phù trợ, như nắng, mưa, hơi ấm, đất màu giúp cho hạt lúa nảy mầm lớn lên thành cây lúa.

- Đẳng vô gián duyên tức là sự tiếp nối không gián đoạn của dòng lưu chuyển. Thiếu sự tiếp nối thì sự trưởng thành của cây lúa bị gián đoạn nửa chừng.

- Sở duyên duyên là đối tượng của nhận thức, bởi vì nhận thức bao giờ cũng là nhận thức một cái gì, nhận thức không rời đối tượng nhận thức. Hạt lúa, cây lúa và các điều kiện xa gần đưa tới sự có mặt của cây lúa … tất cả đều là đối tượng của nhận thức, không thể tách rời ra khỏi nhận thức. Tâm thức vì vậy là một điều kiện căn bản của hiện hữu.

Này các vị khất sĩ ! Sở dĩ có khổ đau là vì có sinh tử. Tại sao có sinh tử ? Tại vì có vô minh. Nếu các vị quán chiếu và thấy được tự tính duyên khởi của vạn vật thì các vị sẽ tiêu diệt được vô minh. Tiêu diệt được vô minh thì siêu thoát được quan niệm về sinh tử. Thoát được sinh tử thì diệt được mọi khổ đau và lo âu.

Này các vị ! Có tử là vì có sinh, có sinh tử là vì còn ý niệm có ta, còn ý niệm có ta là vì bị dính mắc, bị dính mắc là vì tham ái, tham ái là vì không thấy được tự tính của cảm giác, không thấy được tự tính của cảm giác là vì bị kéo theo dòng tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng, bị kéo theo dòng tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng là vì tâm tư không sáng suốt và an tĩnh, tâm tư không sáng suốt an tĩnh là vì tâm thức hôn mê. Tâm thức hôn mê là vì vô minh. Mười hai cái khoen của vòng xích ấy nối liền nhau, trong một cái có cả mười một cái kia, thiếu một cái thì mười một cái kia cũng không có. Tử, Sinh, Hữu, Thủ, Ái, Thọ, Xúc, Lục nhập, Danh sắc, Thức, Hành và Vô minh là tên gọi của mười hai cái khoen ấy.

Các vị khất sĩ ! Vô minh là chất liệu căn bản của cả mười hai nhân duyên. Nhờ quán chiếu tự tính duyên sinh, ta lấy ánh sáng của trí tuệ làm tan rã chất liệu vô minh đó và ta vượt thoát được tất cả những lo sợ đau buồn của sinh tử. Người phàm phu bị nhận chìm trong biển khổ sinh tử. Bậc giải thoát cưỡi trên những đợt sóng sinh tử mà đi. Mười hai cái khoen của vòng xích trở nên mười hai cái bánh xe của một cỗ xe chở người tới giác ngộ. Bậc giác ngộ sống trên đời nhưng không bao giờ bị cuộc đời làm cho chìm đắm. Các vị khất sĩ ! Các vị đừng trốn chạy sinh tử, các vị chỉ cần vượt thắng lên trên sinh tử mà thôi. Siêu việt sinh tử, đó là chí khí của bậc đại trượng phu.❞


Trong một buổi pháp đàm được tổ chức sau đó mấy hôm, đại đức Mahakassapa cho biết Bụt đã từng giảng dạy nhiều lần về đạo lý nhân duyên, và đạo lý này có thể coi như là trọng tâm của đạo giác ngộ, và đại đức cho biết có lần Bụt đã dùng hình ảnh một bó lau để làm ví dụ. Người nói không có ai làm ra các nhân duyên cả mà chính các nhân duyên tự làm ra nhau. Vô minh làm ra hành và hành làm ra vô minh, hành làm ra thức và thức làm ra hành. Cũng như những cọng lau dựa vào nhau mà đứng, một cọng lau bị kéo qua một bên thì cọng kia rơi xuống. Vạn vật trong vũ trụ cũng vậy. Một làm ra tất cả, và tất cả làm ra một. Nhìn cho sâu, ta thấy cái một trong tất cả và ta thấy tất cả trong cái một.

Cũng trong mùa an cư, Bụt bị một nhóm Bà-la-môn âm mưu trả thù bằng cách vu cáo rằng Người đã ăn nằm với một người đàn bà cho đến khi người này có thai rồi bỏ. Vụ âm mưu này được tổ chức rất khéo léo. Những người chủ mưu đã tìm được một cô gái trong giới Bà-la-môn sẵn sàng cộng tác với họ. Cô này tên là Cinca, nhan sắc khá mặn mà. Những người chủ mưu đã than thở với cô về sự sụp đổ của niềm tin nơi đạo Bà-la-môn của giới trẻ tuổi. Giới trẻ tuổi Bà-la-môn đã theo Bụt nhiều quá, và trong số ấy có những người rất xuất sắc. Một khi theo Bụt họ đã không ngần ngại nói tới những cái mà họ cho là sai lầm và hẹp hòi trong đạo Bà-la-môn. Nóng lòng vì nền đạo đức của tổ tiên, cô Cinca nói rằng cô có thể làm bất cứ gì để cứu vãn tình thế, và cô đã làm theo những lời chỉ dẫn của những người chủ mưu. Ngày nào cô cũng ăn mặc thật đẹp và đi về tu viện Jetavana, trên tay luôn luôn có một bó hoa. Nhưng cô không đi chùa vào giờ người khác đi chùa. Cô chỉ tới chùa vào giờ những người khác rời chùa để về nhà sau khi nghe thuyết pháp. Ai hỏi đi đâu, cô chỉ mỉm cười mà không nói. Có khi cô lại nói nửa úp nửa mở: “tôi đi đâu thì đi, việc gì đến quý vị mà hỏi ?”. Thiên hạ lấy làm hồ nghi. Sau đó nhiều tuần lễ, cô lại trả lời người ta như sau: “tôi đi thăm sa-môn Gotama”. Rồi mấy hôm sau, cô lại nói: “ngủ lại tu viện Jetavana thật là vui !”. Những điều đó làm nhiều người chối tai, nhưng cũng làm cho một số người sinh ra hoài nghi. Tuy nhiên không ai phê phán gì. Cho đến một hôm, Cinca xuất hiện trong một buổi thuyết pháp của Bụt. Bụng của cô đã phình lên khá lớn, Bụt đang thuyết pháp nửa chừng thì cô bước lên. Trước mặt thính chúng đông đảo, cô nói lớn:

- Sa-môn Gotama ! Ngài thuyết pháp rất là hay, và Ngài là một người có thế lực lớn, nhưng Ngài không bao bọc được cho một người đàn bà yếu đuối đã vì Ngài mà bụng mang dạ chửa. Đứa con trong bụng này là của Ngài. Nếu Ngài không chịu nhận trách nhiệm làm cha nó thì ai nhận đây ?

Thính chúng xôn xao, mọi người đưa mắt hỏi nhau rồi nhìn lên Bụt. Bụt nói với Cinca, miệng Người mỉm cười:

- Này cô bé, chuyện này là thật hay giả thì chỉ có cô và ta biết rõ mà thôi.

Cinca hơi mất bình tĩnh, nhưng cô cố lấy giọng rắn rỏi:

- Đúng rồi, việc này có thật hay không có thật thì chỉ có sa-môn Gotama và tôi biết mà thôi.

Quần chúng không chịu đựng được sự ngạc nhiên nữa. Nhiều người xô ghế đứng dậy. Nhất là những người ngồi phía sau. Cinca hoảng hốt, tưởng thiên hạ đang lén tấn công mình. Cô tìm cách thoát thân, cô vụng về vấp phải một cái cột nhà, cô gượng níu lấy cột nhà để đứng dậy. Lúc đó có một sợi dây đứt và miếng gỗ tròn lép từ bụng cô rơi xuống đánh rầm một cái. Miếng gỗ khá nặng, dầy ở giữa và có mép mỏng chung quanh. Miếng gỗ rơi xuống trúng vào hai ngón chân của bàn chân cô làm cô đau điếng. Cinca rú lên, cúi xuống ôm lấy bàn chân. Cái bụng của cô bây giờ xép xẹp. Quần chúng thở phào nhẹ nhõm. Nhiều người phá lên cười ngặt nghẽo. Có một ni sư đứng dậy và tiến lên. Đó là ni sư Khema. Ni sư bước tới, dịu dàng dìu Cinca ra khỏi phòng. Đợi cho hai người khuất bóng, Bụt trở lại với bài thuyết pháp. Giọng nói của Người bình thản, như là vừa rồi chẳng có chuyện gì quan trọng xảy ra. Bụt nói:

❝Đại chúng ! Đạo lý giác ngộ có năng lực công phá những thành trì kiên cố nhất của vô minh, cũng như ánh sáng có năng lực làm tiêu tan bóng tối. Những đạo lý như bốn sự thật, vô thường, vô ngã, duyên sinh, bốn niệm xứ, bảy giác chi, ba cánh cửa giải thoát và con đường tám sự chân chính đã được tuyên thuyết trong nhân gian như những tiếng gầm của một con sư tử lớn, đẩy lui hàng trăm hàng ngàn tà thuyết và lý luận.

Này các vị, sư tử là vua của các loài thú. Khi con sư tử ra khỏi hang, nó uốn mình và vươn vai. Sau khi uốn mình và vươn vai, nó đưa cặp mắt sáng nhìn ra bốn phía. Rồi nó gầm lên ba lần tiếng gầm của loài sư tử. Sau đó nó mới đi tìm mồi. Này các vị, bất cứ loài thú nào trong rừng nghe tiếng gầm của sư tử cũng đều lấy làm sợ hãi, có con núp kín, có con run rẩy, có con bỏ chạy, có con rời rã cả tứ chi không còn biết làm gì nữa. Chim bay lên cao, loài cư trú dưới nước như thuồng luồng và cá sấu hấp tấp lội xuống nước, chồn, cáo và các loài ở hang chui xuống hang sâu. Những con voi trong các làng xóm lân cận, dù là voi của vua có trang sức dây nịt và lộng vàng, đều hoảng sợ, tung bỏ tất cả những đồ trang sức mà chạy, có khi văng cả phân và nước tiểu. Con sư tử có uy lực lớn như thế đó.

Đại chúng ! Pháp âm của đạo giác ngộ cũng giống như tiếng gầm của con sư tử. Pháp âm giác ngộ được cất lên thì tất cả các tà thuyết đều run sợ. Các đạo lý vô thường, vô ngã, duyên sinh … một khi được tuyên thuyết lên thì tất cả những ai lâu nay nương náu và cảm thấy an ổn trong vô minh và trong quên lãng đều phải giật mình. Loài người cũng vậy mà loài trời cũng vậy. Khi bừng tỉnh giấc mơ, mọi người thấy được sự thật chói lòa: “thì ra lâu nay chúng ta đang ôm lấy hiểm nguy, chúng ta đã nhận cái vô thường làm cái thường, cái vô ngã làm cái ngã, cái khổ làm cái vui, cái tạm bợ làm cái vĩnh cửu, cái giả làm cái thật, đã đến lúc chúng ta phải phá tung tất cả những màn lưới quên lãng và luận chấp mà đi”.

Đại chúng ! Các học thuyết của nhân gian đều bị ràng buộc vào ý niệm có và không. Pháp âm của đạo giác ngộ đưa nhân gian ra khỏi màn lưới dầy đặc của muôn ngàn lý luận ấy. Đạo lý giác ngộ vượt thoát mọi ý niệm có không. Mỗi khi có một bậc giác ngộ ra đời là pháp âm giác ngộ lại được dịp vang động như tiếng hải triều. Khi hải triều lên, tất cả đều bị cuốn phăng theo ngọn sóng. Pháp âm giác ngộ cũng hùng vĩ như tiếng hải triều. Đại chúng ! Nhân gian thường bị vướng mắc trong bốn cái cạm bẫy lớn. Cạm bẫy thứ nhất là dục lạc. Cạm bẫy thứ hai là kiến thức. Cạm bẫy thứ ba là nghi lễ. Cạm bẫy thứ tư là ý niệm về ngã. Vướng mắc vào các cạm bẫy ấy, con người không còn vùng vẫy được. Pháp âm giác ngộ đưa con người thoát ra bốn thứ cạm bẫy lớn này.

Đại chúng ! Đạo lý duyên khởi là con đường đưa mọi người ra khỏi mọi cố chấp và cạm bẫy. Các vị phải thường xuyên quán sát tự tánh duyên khởi trong đời sống hàng ngày của các vị, nơi thân thể, nơi cảm thọ, nơi tâm ý và nơi vạn pháp, đối tượng của tâm ý.❞


Buổi thuyết pháp của Bụt được đại đức Ananda trùng tuyên ngày hôm sau tại giảng đường Lộc Mẫu. Đại đức đặt tên cho bài thuyết pháp này là kinh Tiếng Gầm Của Sư Tử. Mùa an cư năm ấy, rất nhiều vị khất sĩ trong tu viện mắc phải bệnh sốt rét. Có nhiều thầy sốt cho đến ốm o và xanh xao. Rất nhiều thầy không đủ sức để ôm bát đi khất thực. Họ phải nằm tại nhà chờ các vị khất sĩ đi khất thực về chia sẻ thức ăn với họ. Nhưng hầu hết thức ăn xin được là cơm có chan nước cà ri. Thức ăn này quá cứng và quá khô đối với người bệnh, thành ra những vị khất sĩ bị sốt không thể nào nuốt được. Biết vậy, Bụt cho phép giới cư sĩ cúng dường cho các vị khất sĩ bệnh các thức ăn mềm và có nhiều chất lượng bổ dưỡng như mật, sữa, đường, đề hồ và dâu. Nhờ những thức ăn ấy, các vị khất sĩ bị bệnh phục hồi được sức khỏe một cách từ từ.

Một hôm sau giờ ngồi thiền, Bụt nghe tiếng quạ kêu râm ran bốn phía. Người đi ra thì thấy một số các vị khất sĩ đang cho quạ ăn các thức ăn rất quý đã được cúng dường đặc biệt cho người bệnh. Các vị khất sĩ này là những người được cử ra săn sóc cho bệnh nhân. Họ trình với Bụt rằng sở dĩ họ phải cho quạ ăn các thức ăn quý giá này vì có một số các vị khất sĩ sốt vào buổi sáng nên không thọ thực được. Quá giờ Ngọ thì không được ăn nữa, cho nên thức ăn phải đem cho quạ ăn. Bụt hỏi tại sao không giữ các thức ăn này lại cho ngày mai. Các vị trả lời là họ không được phép giữ thức ăn qua đêm. Bụt dạy trong khi bệnh, các vị khất sĩ có quyền thọ thực sau giờ Ngọ, và cũng có quyền giữ các thức ăn đến ngày hôm sau. Một vị y sĩ tại thủ đô gặp đại đức Sariputta và đề nghị với đại đức một thứ thức ăn được chế biến bằng năm yếu tố có nhiều chất đạm để bồi bổ cho các vị khất sĩ đã vì sốt và rét mà trở nên ốm yếu xanh xao.

Những điều Phật không thể làm được

- Thích Tánh Tuệ

Có một đệ tử hỏi Phật rằng: “Ngài có thần thông và từ bi, vì sao vẫn còn những kẻ chịu khổ vậy ?”

Phật rằng: “tôi tuy có sức thần thông rất lớn, nhưng có bốn điều là vẫn không thể thực hiện được”, chính là:

⒈ Nhân quả không thể đổi thay, tự gieo nhân thì tự nhận quả, người khác không thể nhận thay.

⒉ Trí tuệ không thể cho được, bất kỳ ai muốn có trí tuệ thì phải tự mình tu, học.

⒊ Tột cùng của Diệu Pháp không thể diễn tả được. Bản thể chân thật của vũ trụ dùng ngôn ngữ không thể cắt nghĩa mà hiểu được, chỉ có thể dựa vào thực chứng mà thôi.

⒋ Không có duyên thì không thể độ, người không có duyên thì họ không bao giờ nghe những lời nói mà ta chia sẻ.

Mưa trời tuy lớn, cây không rễ khó mà thấm nước. Phật môn tuy rộng mở, khó độ người vô duyên.



Thói thường

- Thích Tánh Tuệ



Vắng rồi, mới thấy lòng đau
Lúc còn bên cạnh nhìn nhau hững hờ
Khuất rồi, quay quắt, thẩn thờ
Khi gần chẳng thiết một giờ cho nhau
Tháng ngày lạnh lẽo lướt mau
Câu thương chưa nói, lời đau đã nhiều

Biệt rồi, mới biết là yêu
Hỏi thời gian có ngược chiều được chăng
Xa rồi, mới thấy ăn năn
Chưa lời tha thứ lòng băn khoăn hoài
Giận rồi, mới hiểu mình sai
Người đi thôi hết còn ai tự tình
Mất rồi, mới biết đoái nhìn
Còn đây chỉ một tấm hình lặng im

Hết rồi, nhịp đập trái tim
Mới hay một kiếp vô minh sống cùng
Đông rồi, tiếc những ngày Xuân
Thả mồi bắt bóng ... hư không cuối đời
Mưa rồi, nhớ sực áo phơi
Khóc rồi, tiếc hận bao lời đã buông
Mẹ Cha thuận thế vô thường
Ngàn muôn hiếu hạnh, nhớ thương cũng hoài

Chiều tàn, mới biết mỉm cười
Toan cười ... thì đã ngập trời bóng đêm
Đi rồi, mới nhớ gọi tên
Người xuôi vào cõi lãng quên mịt mờ
Tỉnh rồi, mới ngộ rằng mơ
Thế nên sống trọn từng giờ hôm nay
Người không hết dạ lúc này
Đời mang hối tiếc đong đầy vị lai ...

Danh ngôn (131)

- Khuyết Danh



Một người có văn hóa là một người có trí óc luôn luôn hướng về vẻ đẹp và những việc tốt.

Tám phương pháp thiền cực dễ nhưng hiệu quả

- Sưu tầm



Theo Trung tâm Khoa học Greater Good của Đại học Berkeley (Mỹ): Thiền định có thể được định nghĩa là sự duy trì nhận thức từng chút một những suy nghĩ, cảm xúc, xúc giác của chúng ta về môi trường xung quanh. Taso Papadakis, giáo viên dạy Pháp giáo tại Golden Wind Zen Center (Mỹ) nói: “có rất nhiều con đường khôn ngoan để tiếp cận với bản ngã của chúng ta”. Nếu bạn muốn có được một tâm hồn và thể chất khoẻ mạnh, hãy thử một trong tám kỹ thuật thiền định đơn giản dưới đây, có thể thực hiện được ở nhiều lúc, nhiều nơi.

1. Nắm rồi thả căng thẳng

Nắm chặt tay thành một cái nắm đấm, đếm từ 1 đến 20 và thả ra. Tập trung tất cả nhận thức của bạn vào cảm giác trong bàn tay. Tiếp tục tập trung vào những cảm giác này càng lâu càng tốt. Lặp lại động tác nhiều lần. Động tác này giúp tâm trí bạn tập trung nhận thức và trở nên bình tĩnh. Điều này có thể thực hiện ở bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào. Tất cả bạn cần là tâm trí và bàn tay.

2. Tập trung vào một đối tượng duy nhất

Chọn bất kỳ đối tượng nào trong tầm mắt để hướng sự chú ý vào đó. Hãy rũ bỏ hết tất cả những bình phẩm, chỉ nhìn sự vật với sự tập trung và hiếu kì. Những thứ dễ quan sát nhất là động vật, trẻ em, những con sóng, cây cối và những đám mây. Nếu bạn đang ở nhà, nhìn một ngọn nến có thể là cách thôi miên để nhanh chóng mất ý niệm về thực tại. Chỉ cần tập trung và quan sát các đối tượng với sự tò mò cao độ về những gì có thể diễn ra sau đó.

3. Thực sự lắng nghe âm nhạc

Bật một bài hát, chăm chú lắng nghe những âm thanh phát ra. Phiêu lưu trong những cảm xúc, kỷ niệm mà giai điệu đó khơi gợi trong bạn, những màu sắc, hình ảnh mà bạn cảm nhận được. Nhạc không lời hữu ích hơn vì nó không chứa ngôn ngữ có thể làm cho bộ não phân tâm trong lúc cố gắng giải mã và diễn dịch lời bài hát. Điều này sẽ giúp tâm trí của bạn chỉ tập trung vào âm nhạc thay vì hoá đơn hay công việc.

4. Thu hút khứu giác vào mùi hương

Tập trung vào những hương thơm mạnh mẽ như mùi cà phê, hoa oải hương hay tỏi và xem điều gì sẽ xảy đến. Các nhà nghiên cứu Đài Loan đã phát hiện rằng việc sử dụng hương liệu sẽ làm giảm cảm giác căng thẳng trong cơ thể. Luyện tập điều này trong một thời gian sẽ giúp tâm trí của bạn tập trung chăm chú vào những mùi hương. Chọn một mùi hương mà bạn cảm thấy dễ chịu. Khi cần bình tĩnh và sáng suốt, hãy hình dung lại thật mạnh mẽ mùi hương đó.

5. Làm mới lại những khẩu vị cũ

Thử nhai một viên đá, mẩu sôcôla hoặc nhánh bạc hà. Tập trung hoàn toàn vào cảm giác và mùi vị của nó trên lưỡi. Cảm giác thế nào khi bạn cắn nó ? Nhai nó Hoặc nuốt nó ? Bạn có cảm giác gì khi nó tan chảy trong miệng ? Phương pháp này cũng có thể thực hiện với các bữa ăn của bạn. Thay vì vừa ăn vừa xem tivi hay nói chuyện với mọi người, hãy ăn một cách yên lặng và từ từ với sự chú ý đến từng chi tiết. Điều này không chỉ tập trung tâm trí của bạn mà cũng ảnh hưởng đến số lượng và mùi vị thức ăn. Kiểu ăn “thiền” này có thể giảm stress, tăng sự thoả mãn, thậm chí còn giúp bạn giảm cân.

6. Tập trung vào âm thanh của hơi thở

Đặt bông gòn vào tai hoặc nút tai lại. Khi đã tắt kết nối với thế giới bên ngoài, bạn sẽ thấy rằng tâm trí mình bắt đầu tập trung vào âm thanh của hơi thở. Nghiên cứu từ Đại Học bang Weber cho thấy: khi bạn dành thời gian để tập trung vào hơi thở, cơ thể sẽ giảm việc tiết các hormone stress.

7. Đi bộ “thiền”

Tìm cho mình một nơi mà bạn có thể thả bộ, hoà mình vào thiên nhiên kết hợp với một chút nhạc nhẹ nhàng, thư giãn qua tai nghe. Hãy đi chậm, nhìn từng bước xuống chân. Tập trung tất cả sự chú ý đến những bước đi này, bạn có thể cảm thấy sự khác biệt trong những bề mặt đi qua. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói: “hãy bước đi như thể bàn chân đang hôn đất”, bạn sẽ hoàn toàn ngạc nhiên trước những gì mà việc đi bộ có thể tác động đến nhận thức về thời điểm.

8. Tắm

Tắm là một trong những hành động thư giãn nhất trong ngày. Hãy tắm với nước ấm cùng mùi thơm của tinh dầu, giảm bớt ánh sáng, thêm vài cây nến lung linh và chút nhạc cho spa. Ngâm mình trong bồn tắm ấm áp khiến khứu giác được kích thích. Tập trung vào mùi hương, sau đó tập trung vào cảm giác ở các cơ bắp khi được thư giãn khi làn nước ấm. Nhắm mắt lại và lắng nghe âm nhạc. Sau một vài phút, chuyển sự chú ý vào ngọn nến.

Thực hành các kỹ thuật thiền có thể làm giảm sự căng thẳng tác động lên não, cải thiện chất lượng giấc ngủ, cải thiện sự tập trung, thậm chí còn làm tăng ý thức về cảm xúc và thể chất. Hãy tìm một phương pháp phù hợp nhất cho mình. Khi bạn có được sự thanh thản thì những người xung bạn cũng sẽ nhận được điều ấy.

Trust your instincts

- Anonymous

Sometimes you will not be able to see where you are going, every step will seem uncertain. But know that as long as you follow your intuition and take baby steps, your soul’s inner GPS will guide you home. You will find that you will be the right person, at the right place, at the right time, doing the right thing, exactly how it’s meant to be. Trust your instincts. Living is about learning as you go.

╰▶ Đôi khi bạn sẽ không thể thấy được mình đang đi đâu, mọi bước đi sẽ có vẻ như không chắc chắn. Nhưng biết rằng miễn là bạn theo dõi trực giác của bạn và thực hiện từng các bước nhỏ nhất, GPS bên trong của linh hồn bạn sẽ hướng dẫn bạn về nhà. Bạn sẽ thấy rằng bạn sẽ là đúng người, đúng nơi, vào đúng thời điểm, làm đúng, chính xác như thế nào. Tin vào bản năng của bạn. Sống là để học như khi bạn bước đi.



Pháp ngữ (34)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Còn tâm tham là còn khổ, tới khi nào không còn gì mong cầu thì lúc đó sẽ hết âu lo.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|19|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường



“Sống cả trăm năm mà không thấy cuộc sống này là vô thường, chẳng bằng sống một ngày mà thấy mọi thứ đều vô thường, mong manh khó lường, tất cả đang mất đi”.

Không phải khi nhận thấy cuộc sống vô thường thì cuộc sống sẽ không còn vô thường với họ nữa. Cuộc sống vẫn vô thường như vậy, luôn vận động, mãi đổi thay, chỉ là lúc này, sẽ thôi chờ mong những điều quanh mình là mãi mãi để bình yên, mà sẽ học cách bình yên giữa những đổi thay vô thường.

Không phải khi nhận ra lửa là nóng thì lửa sẽ thôi không nóng nữa, lửa vẫn nóng như vậy, chỉ là lúc này, ta biết cách để lửa không làm tổn thương mình, biết cách dùng hơi ấm của lửa để làm những việc có ích mà mình muốn. Có người vẫn mang trong lòng suy nghĩ “tất cả đều vô thường” để bình thản đi qua hết những nỗi buồn rất dài đó thôi, với niềm tin, đại dương mênh mông cũng còn có bờ, dù hút trong tầm mắt, không thấy bờ ở đâu.

Cả trăm năm chấp chới trong biển sinh tử chẳng bằng một ngày về được đến bờ, ngồi bình thản, nhìn lại biển sinh tử, những con sóng bạc đầu đáng sợ ngày xưa giờ cũng đẹp như một bức tranh. Tuyệt nhất là đến một ngày, ta nhận ra cuộc sống là vô thường, cảm nhận thật sự bằng từng giác quan, mắt thấy được màu vô thường, tai nghe được tiếng vô thường, mũi ngửi được mùi vô thường, lưỡi nếm được vị vô thường, tay chạm được vào vô thường … rồi nhìn lại hôm qua, thấy tất cả đều rất đẹp, kể cả những nỗi buồn, kể cả những nuối tiếc, kể cả những dở dang.

“Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết”, đừng nghĩ trong thế giới vô thường thì tất cả đều vô thường.

Happy Mother’s day

2018



MOTHER = MẸ, là từ viết tắt của sáu từ M, O, T, H, E, R

M … Million là hằng triệu điều Mẹ trao cho con
O ... Old là Mẹ sẽ vì thế mà ngày càng già đi
T ... Tears là những giọt nước mắt Mẹ đổ vì con
H … Heart là trái tim vàng của Mẹ
E … Eyes là đôi mắt Mẹ luôn theo dõi con
R … Right là những gì đúng đắn Mẹ hay khuyên bảo

HAPPY MOTHER'S DAY

Anh hãy thử vào vai

(Thích Tánh Tuệ)



Anh hãy hóa thân, một lần làm phụ nữ
Cay đắng trăm bề kiếp phận làm dâu
Đôi lúc nhớ nhà thao thức cả đêm thâu
Mẹ chồng mắng, nuốt sầu trong đơn lẻ ...

Anh hãy đóng vai, thử một lần làm Mẹ
Chín tháng hoài thai cảm giác sẽ ra sao
Ăn uống khó khăn, cẩn thận lúc ra vào
Kỳ sinh nở đớn đau toàn thân thể ...

Thử làm vợ đi, biết khó hay là dễ
Việc nhà nhiều vô kể, việc không tên
Buổi cơm chiều chu tất đã dọn lên
Đợi chờ mãi anh về luôn trễ muộn

Anh hay trách vợ mình sao luộm thuộm
Con dại đau hoài phải thức suốt hằng đêm
Anh vô tư trong giấc ngủ say mèm
Mặc ngày tháng hằn chân chim đôi mắt

Thử làm Mẹ đi, hiểu một đời tất bật
Buôn bán tảo tần, giặt giũ, dạy nuôi con
Phận làm dâu cố gắng được vuông tròn
Đạo làm vợ phải chu toàn nghĩa vụ

Anh thử vào vai, hiểu ra nghìn tâm sự
Một đôi lời khôn cạn nỗi niềm riêng
Khi hiểu rồi thương thật Mẹ và em
Thương bổn phận thiêng liêng người phụ nữ

Và từ đó không hững hờ buông chữ
“Làm đàn bà sướng chết, khổ gì đâu !”

Bên đời con có Phật

(Thích Tánh Tuệ)



Lạy đức Phật, Người dạy con biết Sống
Biết quay về lắng đọng những nguồn cơn
Bên dòng đời còn mải miết thua, hơn
Biết nhìn lại tâm hồn cùng hơi thở

Nhờ Phật dạy, con biết tu là sửa
Niệm tâm Từ rộng mở đến vô biên
Và mỉm cười trước nghịch cảnh, chướng duyên
Biết chấp nhận ... rồi bỏ buông tất cả

Với nhân thế sống Từ, Bi, Hỷ, Xả
Với tâm mình là Chánh Niệm, bao dung
Ngó lỗi người lòng con bị đóng khung
Đời con khổ trong ánh nhìn hạn hẹp

Lạy đức Phật, con nhủ lòng sống đẹp
Đời ngắn dài, khép mở một làn hơi
Thì cớ gì con chẳng phút thảnh thơi
Mà không sống giữa khung trời thực tại

Quá khứ đã chết trong miền hoang dại
Và tương lai ... gạo sống chửa thành cơm
Hiện tại này con trân quý, cảm ơn
Lòng thanh thản ... đời hoa thơm, trái ngọt

Nghìn xây đắp ... cũng về nơi bèo bọt
Nên nguyện lòng không trói cột gì thêm
Nhẹ bước về nơi tỉnh thức gọi tên
Sống thất niệm sẽ ... dài đêm lắm mộng

Tạ ơn Phật, con nguyền buông khát vọng
Để hồn con lồng lộng lối yêu thương
Giữa trần gian vững chãi một con đường
Đường hạnh phúc chân thường in bóng Phật

Dù mai đó vô thường con mất tất
Vẫn rất giàu, có Phật giữa đời con ...

Suối nguồn của mọi điều tốt đẹp

(Thích Tánh Tuệ)



… “Khi nhận thức của chúng ta trở nên sâu sắc hơn, cuối cùng chúng ta sẽ đạt đến một nhận thức rất quan trọng, chúng ta không phải là cảm xúc của chúng ta”. Ý nghĩ và cảm xúc giống như đám mây - có đám mây đẹp, có đám mây đen - còn bản thể cốt lõi của chúng ta là bầu trời.

Đám mây không phải là bầu trời, chúng chỉ là hiện tượng trên bầu trời, hết đến rồi lại đi. Tương tự, ý nghĩ và cảm xúc không phải là chúng ta, chúng chỉ đơn giản là hiện tượng trong tâm trí và cơ thể, hết đến rồi lại đi. Hiểu được điều này, mỗi người có thể thay đổi bên trong của họ. “Hãy nhìn vào bên trong, đó là suối nguồn của mọi điều tốt đẹp”.


Mây kia nào phải bầu trời
Mặc mây vờn gió Bụt ngồi an nhiên
Nắng mưa ... là chuyện trần duyên
Đến đi vẫn thế an nhiên Bụt ngồi
Mắt nhìn vạn sự cùng trôi
Hương trà thực tại bờ môi biết là …

Thanh thản sống giữa đời

(Sưu tầm)

- Trên đời này không có gì là nhất cả, tình yêu là cảm giác bất chợt, đi qua cuộc đời bạn, nhưng nó sẽ theo thời gian và lòng người mà thay đổi. Hãy để thời gian rửa sạch vết thương, để tâm hồn bạn lắng lại, rồi nỗi đau của bạn cũng dần biến mất. Không có ai là không thể thay thế, không có vật gì thuộc hoàn toàn sở hữu của bạn. Vì thế, nếu sau này người bạn yêu thương không còn ở bên, hay họ không còn là nơi bạn có thể đặt niềm tin, bạn cũng đừng bi lụy. Ai nói với bạn những câu đại loại như: “thiếu em, anh không sống nổi'” (I can’t live without you), chỉ là câu nói cốt làm đẹp lòng bạn thôi mà.

- Bạn đừng mơ ước một tình yêu hoàn hảo, cũng đừng thổi phồng nỗi đau khi nó không còn. Bạn có thể bắt mình giữ chữ tín nhưng không thể yêu cầu người khác làm thế cho mình. Bạn có thể yêu cầu bản thân phải đối đãi tốt với người, nhưng bạn không thể kỳ vọng người ta sẽ làm ngược lại. Khi bạn tốt với mọi người, không có nghĩa là họ có nghĩa vụ cư xử tốt với bạn. Hãy nhớ điều này, nếu không, bạn sẽ luôn gặp ưu phiền trong cuộc sống.

- Một người không tốt với bạn, bạn không nên quá bận tâm, vì trong cuộc sống của bạn, không ai có nghĩa vụ cư xử tốt với bạn trừ cha mẹ. Còn với những ai tốt với bạn, bạn nên trân trọng và biết ơn điều đó, nhưng bạn cũng cần phải có chút đề phòng, bởi vì ngoài những con người có trái tim Bồ-tát, ngoài những người có đạo đức vị tha ra, thì hầu như mỗi con người phàm phu khi làm bất cứ việc gì cho ai đều có mục đích riêng của họ. Tóm lại, hãy nhớ rằng, có khi người khác họ tốt với bạn không đồng nghĩa với việc họ thật lòng quý mến bạn.

- Kiếp sống nhân sinh thật sự ngắn ngủi, bạn cũng đừng để mỗi ngày trôi đi vô ích. Người ta tham vọng sống lâu, nhưng nếu bạn biết Sống-trong-Chánh Niệm, chỉ cần sống hạnh phúc mỗi ngày. Hãy trân trọng và yêu lấy cuộc sống hiện tại của bạn.

- Chỉ những ai có duyên phận mới trở thành người thân với nhau, cho dù trong cuộc sống bận rộn bạn ít khi gặp người thân, nhưng bạn hãy trân trọng từng khoảnh khắc khi còn bên họ, hãy dành thời gian cho họ để yêu thương họ hơn …

“Nửa đời người tôi hiểu được
Vô thường - ấy lẽ thường nhiên
Và ta chỉ là chiếc lá
Trong rừng nhân loại vô biên
Nếu có một điều vĩnh cửu
Thì đó chính là đổi thay
Đổi thay - chẳng hề thay đổi
Đành hanh ... tại thế gian này !”
(Thích Tánh Tuệ)

Quan trọng là biết rõ chính mình

(Thích Tánh Tuệ)



Ngôi chùa nọ trên núi có nuôi một con Lừa, mỗi ngày nó đều ở trong phòng xay thóc lúa vất vả cực nhọc kéo cối xay, thời gian lâu dần, Lừa ta bắt đầu chán ghét cuộc sống vô vị này, mỗi ngày nó đều trầm tư: “nếu như có thể ra ngoài ngắm xem thế giới bên ngoài, không cần kéo cối xay nữa, như thế thật là tốt biết mấy !”

Không lâu sau, cơ hội cuối cùng đã đến, một vị tăng trong chùa muốn dẫn Lừa ta xuống núi để thồ hàng, lòng nó hứng khởi mãi không thôi. Đến dưới chân núi, vị tăng đem món hàng đặt lên lưng nó, sau đó trở về ngôi chùa. Thật không ngờ, khi những người đi đường trông thấy Lừa ta, ai nấy cũng đều quỳ mọp ở hai bên đường cung kính bái lạy. Lúc bắt đầu, Lừa ta không hiểu gì cả, không biết tại sao mọi người lại muốn dập đầu bái lạy nó, liền hoảng sợ tránh né. Tuy nhiên, suốt dọc đường đều như vậy cả, Lừa ta bất giác hiu hiu tự đắc hẳn lên, lòng thầm nghĩ thì ra mọi người sùng bái ta đến thế.

Mỗi khi nhìn thấy có người qua đường thì con Lừa lập tức sẽ nghênh ngang kiêu ngạo đứng ngay giữa đường phố, yên dạ yên lòng nhận sự bái lạy của mọi người. Về đến chùa, Lừa ta cho rằng bản thân mình thân phận cao quý, dứt khoát không chịu kéo cối xay nữa. Vị tăng hết cách, đành phải thả nó xuống núi. Lừa ta vừa mới xuống núi, xa xa đã nhìn thấy một nhóm người đánh trống khua chiêng đang đi về phía mình, lòng nghĩ, nhất định mọi người đến để nghênh đón mình đây mà, thế là nghênh ngang đứng ngay giữa đường lộ. Thực ra, đó là đoàn người rước dâu, đang đi lại bị một con Lừa khư khư chắn ngang đường, người nào người nấy đều rất tức giận, gậy gộc tới tấp … Lừa ta vội vàng hoảng hốt chạy về chùa. Khi về đến nơi thì cũng chỉ còn lại chút hơi tàn. Trước khi chết, nó căm phẫn nói với vị tăng rằng: “thì ra lòng người hiểm ác đến thế, lần đầu khi xuống núi, mọi người đều đảnh lễ bái lạy ta, nhưng hôm nay họ lại ra tay tàn độc với ta đến thế”, nói xong liền tắt thở. Vị tăng thở dài một tiếng: “con thật đúng là một con lừa dại dột, hôm đó, thứ mà mọi người bái lạy chính là bức tượng Phật được ngươi cõng trên lưng mà thôi”.

Suy nghiệm:

Điều bất hạnh lớn nhất trong đời người chính là cả một đời mà không nhận thức được bản thân mình. Đôi khi chúng ta là chính mình, nhưng cũng có những lúc ta đánh mất bản thân, có những lúc để nhận thức được bản thân còn khó hơn cả việc nhận thức được thế giới chung quanh. Mỗi ngày chúng ta đều soi gương, nhưng khi soi gương, có ai từng hỏi bản thân mình một câu rằng: “bạn đã nhận thức được chính mình chưa ?”

- Nếu như bạn có tiền tài, điều người ta sùng bái chẳng qua là tiền tài của bạn chứ không phải chính bản thân bạn, nhưng bạn lại ôm ảo vọng rằng họ đang sùng bái mình.

- Nếu như bạn có danh vọng, điều người ta tôn kính chẳng qua là danh vọng của bạn chứ không phải chính bạn, nhưng bạn lại lầm tưởng rằng người khác đang tôn kính mình.

- Nếu như bạn có dung mạo đẹp đẽ, điều người ta mến mộ chẳng qua chỉ là “cái vỏ dung mạo” đẹp đẽ mà tạm thời bạn đang có, chứ không phải chính bạn, nhưng bạn lại hoang đường cho rằng người khác đang ngưỡng mộ chính bản thân mình.

Khi tiền tài, danh lợi, vẻ đẹp của bạn không còn nữa, thì cũng là lúc bạn bị vứt bỏ … có bao giờ bạn nghĩ đến điều ấy ? Điều mà người khác tôn sùng chẳng qua chỉ là những ước muốn trong tâm của họ, chứ không phải là chính bạn.

Giá trị một con người xuất phát từ nội tâm đức hạnh và trí tuệ chứ không phải những thứ bề ngoài, lao tâm khổ sở vì nó thật là điều bất hạnh nhất trên đời. Ta nên nhìn rõ chính mình là điều vô cùng quan trọng và cần thiết vậy.


Biết im lặng đúng lúc

(Tâm Tuệ)

Người xưa có câu rằng: “học nói thì chỉ mất hai năm, nhưng học im lặng thì phải mất cả đời !”.Trong cuộc đời, sẽ có lúc bạn nhận ra rằng ngàn lời nói chi bằng không nói lời nào. Hãy tham khảo bốn tình huống dưới đây:

1. Ghen tị với người khác, đừng nói lời đồn đại

Ghen tị là một tật xấu mà rất nhiều người gặp phải. Ghen tức tật đố sẽ ảnh hưởng đến cả thân thể và tinh thần của một người. Nó sinh ra lòng thù hận, hại người hại mình. Một người nên được gì thì đó là trong mệnh của họ đã được an bài dựa theo “đức” và “nghiệp” mà họ tích được. Nếu muốn được những điều tốt đẹp, hãy tự nhắc nhở bản thân hành thiện, làm việc tốt. Đối mặt với người hơn mình, không nên ghen tị, đố kỵ mà phao tin đồn để làm hại họ. Bởi vì, thực ra hại người cũng chính là hại mình.

2. Khi bị người khác nhục mạ, đừng nói lời xằng bậy, vô nghĩa

Đời người không thể lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Khi bị người khác nhục mạ, rất nhiều người sẽ miên man suy nghĩ, khi bị cảm xúc bi quan chế ước, họ sẽ rất dễ suy đoán lung tung, hồ đồ . Khi đó, người ta thường phát tiết ra và nói những lời vô nghĩa. Vì vậy, khi bị người khác nhục mạ thì thái độ xử thế tốt nhất không phải là bất mãn, mà là tự suy xét lại bản thân mình, khách quan phân tích và tìm ra nguyên nhân bản thân bị nhục mạ là gì mà từ bỏ nó đi. Trên thế giới này, người có thể cứu vớt mình chính là bản thân mình, điều người khác có thể làm chỉ là khuyên giải.

3. Khi bị xem nhẹ, đừng nói lời oán giận

Hãy nhớ kỹ rằng, trên đời này, người thực sự không coi thường bạn chính là người quan tâm đến bạn. Đến một ngày nào đó, bạn không còn quan trọng trong mắt họ thì cũng là duyên đã hết, và nên cảm ơn họ, đừng oán giận. Khi đối mặt với người xem nhẹ bạn, hãy suy nghĩ xem, có lẽ bởi vì bạn đã làm tổn thương họ, hay điều tốt mà bạn làm còn chưa đủ, hay người khác không cần thiết phải quá để tâm đến bạn … Vì vậy, cho dù bất kỳ ai đang xem nhẹ bạn thì oán giận cũng chỉ là vô ích, thậm chí còn khiến mối quan hệ tồi tệ hơn, mâu thuẫn xảy ra và dẫn đến kết quả xấu.

4. Khi được người khác khen ngợi, đừng nói lời ngông cuồng, ngạo mạn

Khi được người khác khen ngợi, khẳng định năng lực chính là vì bạn làm tốt một lĩnh vực nào đó. Nhưng kỳ thực mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, đừng nên vì thế mà vội kiêu ngạo. Trong cuộc sống rất cần những lời khen ngợi, nhưng đừng vì sự ngưỡng mộ, tán thưởng của người khác mà trở thành người ngạo mạn, tự đại mà mê lạc mất bản thân. Người nói lời quá ngông cuồng, ngạo mạn thì chỉ nhận được sự chán ghét của người khác và họ sẽ dần dần rời xa bạn. Hãy nhớ kỹ rằng, để có được thành công, ngoài bản thân bạn ra còn có rất nhiều sự giúp đỡ từ người khác. Người xưa có câu: “nước có thể nâng thuyền lên, nhưng cũng có thể làm thuyền bị lật”, câu nói này thực sự là đạo lý.

Một trong những biểu hiện của người trí đó là biết im lặng đúng lúc.

Phước

(Thích Tánh Tuệ)

Tặng người một ánh hồng dương
Cho hồn mở ngõ yêu thương đến cùng
Một ngày trong cõi tạm dung
Vạn điều độ lượng sống chung trọn lành
Vì mình trong cả chúng sanh
Thì vui với sự viên thành của nhau
Tay sen chắp nụ nhiệm mầu
Chân thành chúc một ngày đầu Vạn An

Đức Phật nói về phước:

1. Phước là nơi nương tựa cho chúng sanh trong đời này và đời sau.

2. Phước không bị ai cướp đoạt.

3. Phước đem lại sự an vui khi qua đời.

4. Tích tụ Phước là đem lại sự an lạc, hạnh phúc.

Nên làm Phước vì nó đem lại sự an vui lâu dài.




Tha thứ cho người khác là một loại tu dưỡng

- Theo Bldaily.com
- Minh Nguyệt biên dịch



Trong cuộc đời của mỗi người đều sẽ gặp phải những chuyện chẳng như ý hay không thuận mắt. Nếu bạn không học cách tha thứ thì sẽ luôn cảm thấy cuộc sống dường như đang rất mệt mỏi và thống khổ …

Tha thứ là một kiểu phong thái, cũng là một sự tu dưỡng. Tha thứ như một chất hòa tan, một loại dầu bôi trơn có thể hòa hoãn đôi bên.

Tha thứ giống như một chiếc ô, nó sẽ bảo vệ bạn, giúp đỡ bạn tiến về phía trước ngay giữa cơn mưa giông bất chợt.

Giữa người với người luôn có nhận thức khác nhau, kiến thức khác nhau và sự tu dưỡng cũng khác nhau. Vậy nên tự nhiên sẽ có cách nhìn nhận khác nhau về các sự việc hiện tượng, và những cọ sát, mâu thuẫn giữa người với người là điều rất bình thường. Hiểu lầm người khác chi bằng thử mỉm cười và buông bỏ, cho thời gian một cơ hội kiểm chứng. Tha thứ cho người khác cần có tinh thần quên đi bản thân, phải có một tấm lòng rộng mở. Chịu thiệt không đồng nghĩa với việc yếu mềm dễ bị bắt nạt.

Hãy thứ tha cho những bất công trong cuộc sống. Bởi lẽ nó giống như bầu trời vậy, sẽ chẳng thể mãi mãi tinh khôi, sáng trong. Khi bầu trời bao la vạn dặm, nó sẽ khiến bạn mỉm cười hạnh phúc. Khi mây đen giăng kín nó khiến bạn lo lắng, thấp thỏm không yên. Tha thứ sẽ khiến bạn luôn hạnh phúc, nó sẽ khiến bạn được nếm trải đủ vị cay đắng ngọt bùi trong cuộc sống. Nếu bạn không thể tha thứ thì nhất định sẽ thống khổ muôn phần. Hậu quả là bạn sẽ có cảm giác như lúc nào cũng đang sống trong “nước sôi lửa bỏng”, lo lắng chẳng thể yên vui vậy.

Sau khi bạn tha thứ hết thảy, bạn sẽ phát hiện ra, người được giải thoát không phải là một ai đó khác mà chính là bản thân mình.

Cuộc đời như tấm gương soi

- Thích Tánh Tuệ



Nhiều người quan niệm tu là phải lánh đời, nhưng thật ra sống trong đời mới giúp ta tiến trên con đường đạo.

Đời ví như tấm gương để ta soi mình. Tấm gương giúp cho ta nhìn thấy mình vui, buồn, hiền lành hay hung dữ. Đời giúp ta hơn cả tấm gương là giúp ta soi cả nội tâm sâu kín của mình. Nếu không có sự liên hệ, va chạm giữa ta và người thì làm sao ta biết được tâm trạng của chính mình trong mỗi trường hợp xảy ra. Các hành xử của con người chẳng những giúp ta soi rọi được người xung quanh mà lại giúp ta biết mình qua các phản ứng nội tâm và ngoại tại của riêng mình.

Lời Đức Phật dạy sẽ không ngấm sâu vào tâm ta nếu ta cứ sống nhởn nhơ, yên lành, hạnh phúc, không va chạm trong đời thường. Những va chạm bất đắc dĩ, những hoàn cảnh bế tắc thì ta mới thấu rõ ta và rõ người quanh ta, những người mà ta chỉ thấy họ ở một chiều. Chính những va chạm và bế tắc của đời sống mới giúp cho ta thấy sự cần thiết, giá trị, lợi ích của đạo. Đạo giúp ta thay vì đau khổ thì trở lại quân bình, thay vì điên cuồng giận dữ thì yên lặng chiêm nghiệm về người, về ta, và rút kinh nghiệm sống lẫn kinh nghiệm trong sự tu tập để tiến hóa.

Đời - Đạo song tu, giáo pháp Đức Phật đã hướng dẫn cho chúng ta là một con đường sáng giúp cho ta đi đứng vững vàng không vấp ngã, bỏ cuộc, thất bại nửa chừng, mà lại tiếp tục phục vụ đời lẫn đạo cho đến phút cuối của cuộc đời giả tạm. Bản chất cuộc đời thì giả tạm, nhưng chính cuộc đời giả tạm này mới giúp ta có phương tiện và hoàn cảnh để tu tập, và giác ngộ ra nhiều điều. Cuộc đời tuy giả tạm nhưng khéo biết Tu, biết Sống thì cuộc đời đó trở nên hữu lợi vô cùng.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|18|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường



“Không biết cuộc sống vô thường, không biết kiếp người chẳng bền chắc, không biết niềm vui vun đắp từ những điều phù phiếm vô thường sẽ mau chóng theo thời gian tàn phai, hôm nay không biết chăm lo cho gì cho hạt giống niềm vui, nhưng lúc nào cũng mong muốn ngày mai không khổ”.

Khi nhận thấy cuộc sống vô thường, khi nhận ra kiếp người không bền chắc, ngay lúc đó, nhất định sẽ phải buồn rất nhiều. Buồn vì ngoài kia mong manh, buồn vì bản thân mình tạm bợ. Nhưng ngày mai, kẻ đó không còn bị những mong manh mất mát đổi thay làm khổ, không còn bị những cuộc chia ly sinh tử băm nát lòng mình. Không ai phải buồn nhiều khi đã sớm biết bản chất của vấn đề vốn như vậy.

Khi nhận thấy cuộc sống không là vô thường, khi nghĩ biết kiếp người rất bền chắc, kẻ đó nhất định sẽ vui, vì ngoài kia sẽ không đổi thay, và phía trước của mình và những người mình yêu thương còn dài lâu lắm. Nhưng ngày mai, kẻ đó nhất định sẽ bị những mất mát đổi thay làm khổ, bị những cuộc chia ly tử sinh đè nặng lòng mình. Người ta phải buồn nhiều bởi những nỗi đau ập đến mà họ không thể ngờ.

Có những nỗi buồn là cần thiết để kết thúc những nỗi buồn to lớn hơn. Nên nhìn thấy cuộc sống vô thường không phải là bi quan, nhận ra kiếp người không bền chắc cũng chẳng phải là bi quan, mà là để lòng bình thản trước những biến cố ngày mai.

Khi không biết niềm vui vun đắp từ những điều phù phiếm vô thường sẽ mau chóng theo thời gian tàn phai, kẻ đó ngày ngày vẫn theo đuổi hàng triệu thứ mong manh, rồi chiều phải để tất cả lại phía sau, cố bao nhiêu cũng không còn giữ lại được.

Khi nhận ra kiếp người không bền chắc, người ta sẽ thôi cố chăm chút cho tấm thân tứ đại này thật đẹp mà chỉ cố sống cho những điều thật đẹp, thôi cố chăm chút cho tấm thân tứ đại này sống qua sống qua trăm năm, mà chỉ cố làm những việc để trăm năm sau vẫn còn, thôi thương người bằng tình thương hư ảo, chỉ thương người bằng tình thương qua được trăm năm.

Mộng chỉ là mộng thôi

- Thích Tánh Tuệ

Hôm kia nằm mộng thấy
Đời tột đỉnh giàu sang
Bước lên ngôi quyền lực
Hạnh phúc và vinh quang

Niềm vui chưa hưởng trọn
Bỗng ... tiếng gà gáy vang
Giật mình, choàng tỉnh dậy
Ta nhìn ta, ngỡ ngàng

Đêm qua nằm mộng thấy
Mang phận nghèo gian truân
Tai ương cùng bịnh hoạn
Đến bủa vây không ngừng

Bèn ra sông tự vẫn
Chợt nắng soi ... giật mình
Thì ra là cơn mộng
Mở mắt chào bình minh

Đời giàu sang, nghèo khó
Hai nét mặt buồn, vui
Trong mắt người Tỉnh Ngộ
Mộng cứ là ... mộng thôi