V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Một đời

- Nguyễn Lương Vỵ



Một đời một dấu hỏi
Một dấu than tiếp sau
Ba dấu chấm nhìn nhau
Bốn bề ngày nín bặt
Mưa bụi sớm nay nhắc
Nẻo quên chiều xa trông
Hú dài lạnh hư không
Thiền sư về trên núi (*)

Một đời một hạt bụi
Một hơi thở vậy thôi
Ba dấu chấm mồ côi
Mười phương trời cô độc
Câu kinh xâu sợi tóc
Tiếng mõ gieo hạt huyền
Huyền âm ngọn cỏ biền
Đất mần thinh không nói

Một đời một tiếng gọi
Một bóng đò tri âm
Ba dấu chấm tự trầm
Ngàn sông trăng tự vẫn
Câu thơ thương lận đận
Giọng hát nhớ lao đao
Thế a là thế sao ?
Thế à là thế đó !

Một đời một trận gió
Một câu Có câu Không
Hỏi mãi ý chửa xong
Than hoài lòng chưa thỏa
Mưa bụi đầu mùa hạ
Chim hót dưới mái hiên
Ngẫu nhiên là tất nhiên
Hít một hơi cho ấm

(*) Buổi sớm mai, ngồi một mình ở quán cà phê Tài Bửu - Westminster, trời mưa bụi nhẹ rất đẹp, giống như buổi chiều bảng lảng bên Việt Nam, chợt nhớ hai câu thơ cuối của thiền sư Không Lộ (? - 1141) trong bài thơ tứ tuyệt “言懷” (Ngôn Hoài - Bày Tỏ Tấm Lòng):

有時直上孤峰頂
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
(Có lúc lên thẳng đỉnh núi cô quạnh)

長叫一聲寒太虛
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
(Kêu dài một tiếng, lạnh cả bầu trời)

Cội nguồn của mọi phước, nằm ở đâu ?

(Sưu tầm)



Mong ước hạnh phúc của mọi người không phải là mơ uớc suông, không ai có thể ban phước cho ta, mà ta phải tích lũy, xây dựng phước báo cho mình bằng cách tốt trong từng ngày, từng giờ. Có bốn pháp này gia chủ: khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó được ở đời. Thế nào là bốn ?

- Mong rằng tài sản khởi lên cho ta đúng pháp.
- Mong rằng tiếng tốt được đồn về ta, cùng với bà con.
- Mong rằng ta được sống lâu, thọ mạng kéo dài.
- Mong rằng khi thân hoại mạng chung, ta được sinh lên cõi thiện, cõi trời và cõi đời này.

Đây là bốn pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý khó được ở đời. Này gia chủ, đối với bốn pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó được ở đời này, có bốn pháp đưa đến chứng được những pháp ấy. Thế nào là bốn ? Đó là đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới, đầy đủ bố thí và đầy đủ trí tuệ.


LỜI BÀN:

Sống ở đời, ai cũng mong muốn được đầy đủ, sung túc và thịnh phát. Không những thế, họ còn mong ước được danh thơm, khỏe mạnh và sống lâu, xa hơn nữa là mong rằng sau khi từ giã cõi đời được sinh về thế giới an lành. Những hoài mong đó thật chính đáng, thiện lành nhưng khó được, bởi không mấy người có đủ phước báo tròn đầy.

Thường thì chúng ta được cái này lại mất cái kia, tuy vậy, có cái để được cũng quý hóa lắm rồi, vì xung quanh ta có khá nhiều người chẳng còn gì để mất. Chính những thăng trầm vinh nhục trong đời, trải nghiệm về sự được mất có đó rồi không đó, khiến chúng ta nhận ra giá trị của phước đức. “Có tài mà cậy chi tài”, có nhiều thứ nhưng ai chắc rằng chúng là của ta mãi mãi. Chỉ có phước đức sâu dày, may ra mới đem lại bình an, hạnh phúc trong cuộc mưu sinh đầy biến động này.

Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta đã rút ra kinh nghiệm sống quý giá: “có phước, có đức mặc sức mà hưởng”, phước đức ấy chính là sự tiếp nối tuệ giác của Thế Tôn, ứng dụng trong đời sống hằng ngày thông qua những biểu hiện thiết thực: có đầy đủ niềm tin, giới hạnh, bố thí và trí tuệ.

Niềm tin Tam Bảo là cội nguồn của mọi phước đức. Vì ba ngôi quý báu Phật Pháp Tăng là ngọn đuốc sáng soi đường cho mọi nẻo lành. An trú vững chắc vào niềm tịnh tín Tam Bảo thì tự khắc chúng ta sẽ thiết lập được đời sống đạo đức, lương thiện và hân hoan với thí xả, mở rộng lòng ra với mọi người. Biết sống với niềm tin, đạo đức và buông xả, sống cho mình và mọi người, sống với an vui hiện tại và tương lai, đó chính là tuệ giác.

Vì thế, mong ước hạnh phúc của mọi người không phải là mơ uớc suông, tin tưởng mơ hồ, cầu xin ai đó ban phước, mà phải tích lũy xây dựng phước báo cho mình bằng cách tốt trong từng ngày, từng giờ. Một khi phước báo đã đầy đủ thì mọi việc tùy duyên thành tựu như ý, an vui và hạnh phúc bền lâu.

Giữa cõi vô thường

- Lê Bích Sơn



Ta ngồi đó bên khung trời đổ nát
Nhìn mây trời vần vũ điệu “sắc - không”
Chim mỏi cánh bay về nơi vô định
Cây trơ xương ủ rũ giữa mùa Đông

Ta ngồi đó giữa buồn-vui nối tiếp
Giữa chập chùng hờn giận với chờ mong
Giữa thương-ghét trăm năm đời mộng mị
Giữa khổ đau-hạnh phúc đã bao lần

Ta ngồi đó nhịp đời buông tiếng hát
Khúc vô thường: THÀNH, TRỤ, HOẠI, KHÔNG
Trăm năm sống, một lần qua cõi mộng
Sao chân ta chưa thể bước thong dong ...

Life and Time

- Anonymous



LIFE teaches us to make good use of TIME.
While TIME teaches us the value of LIFE.

Thứ gì thực sự thuộc về ta ?

(Sưu tầm)



Có một người đàn ông vừa mới chết đi thì gặp một vị Thần. Vị Thần mang đến một chiếc hòm rồi đặt ngay trước mặt ông ta, vị Thần nói:

- Được rồi, chúng ta phải đi thôi !

Người đàn ông hốt hoảng nói:

- Nhanh thế sao ? Con còn rất nhiều kế hoạch đang chờ đợi để thực hiện.

Vị Thần nói:

- Ta thật sự xin lỗi, nhưng mà không có thời gian nữa rồi.

Người đàn ông hỏi:

- Chiếc hòm trong tay Ngài đựng cái gì vậy ?

Vị Thần trả lời:

- Đều là đồ đạc của ngươi đấy.

Người đàn ông ngạc nhiên hỏi:

- Đồ đạc của con sao ? Ý Ngài nói đồ đạc của con là tiền, quần áo …?

Vị Thần trả lời:

- Những thứ đó từ trước đến nay đều không thuộc về ngươi, mà chúng thuộc về thế giới.

Người đàn ông hỏi:

- Vậy đó là những ký ức của con sao ?

Vị Thần nói:

- Ký ức là thuộc về thời gian, thuộc về những năm tháng …

Người đàn ông lại hỏi:

- Vậy đó là tài năng của con ?

Vị Thần trả lời:

- Tài năng là thuộc về hoàn cảnh, môi trường.

Người đàn ông có chút bối rối rồi hỏi tiếp:

- Vậy thì đó là bạn bè, người thân của con ?

Vị Thần vẫn lắc đầu nói:

- Không ! Họ chỉ là những người mà ngươi gặp trong cuộc hành trình này mà thôi.

Người đàn ông:

- Vậy đó có phải là vợ con của con không ?

Vị Thần trả lời:

- Không, họ thuộc về tâm tư của ngươi.

Người đàn ông:

Thế thì nhất định trong chiếc hòm này là thân thể của con rồi.

Vị Thần:

- Không ! Thân thể là thuộc về cát bụi.

Người đàn ông:

- Vậy thì con chắc chắn đó là linh hồn của con.

Vị Thần:

- Thật đáng buồn, linh hồn của ngươi từ lâu đã bị giam tù, bị đánh mất bởi những thứ ngươi vừa hỏi ta. Linh hồn đó có cũng như không.

Người đàn ông sợ hãi, tràn đầy nước mắt nhìn vị Thần rồi mở chiếc hòm đựng hành lý ra. Đó là một chiếc hòm trống rỗng … Người đàn ông cảm thấy lòng mình như tan nát ra, hai má chảy dài những giọt nước mắt hỏi:

- Vậy con chưa từng có được thứ gì sao ?

Vị Thần thở dài rồi trả lời:

- Đúng vậy ! Ngươi chưa từng có được bất kể thứ gì cả.

Người đàn ông:

- Vậy chẳng lẽ thực sự chưa có thứ gì là thuộc về con sao ?

Vị Thần nói:

- Mỗi một khắc của ngươi, mỗi một giây phút khi ngươi còn sống là thuộc về ngươi.

SUY NGHIỆM:

Cuộc đời của mỗi người tưởng như dài nhưng thực ra rất ngắn ngủi. Đến lúc quay đầu lại nhìn, chúng ta sẽ phát hiện ra, cuộc đời chỉ như một cái chớp mắt mà thôi. Hãy trân quý và sử dụng chính xác từng giây, từng phút của cuộc đời mình.

Danh ngôn (72)

- Lão Tử



Làm mà không cậy công, công lao hoàn thành mà mình không giành công, chính vì mình không giành công cho nên công mới không mất đi.

Kiếp nhân sinh

- Cẩm Tâm



Thân mình trong trần thế
một đời gian nan cơ hàn
lòng người thâm sâu phũ phàng

Tham sân si bao lụy phiền còn đeo mãi
thân không chút an nhàn
đời trần ai gieo khổ sầu

Luôn chạy theo phù phiếm
lạc lầm không hay lối vàng
đạo huyền thâm sâu rưới hồn

Khi tan thân vương nghiệp sầu thì đã tắt
quay lưng kiếp tu hành
duyên còn tùy tại tâm thế nhân

Chúng sanh sống trong nơi lợi danh
không hay mình đang vướng sai lầm
thế gian bao nghiệp phần
bao tội lỗi lòng riêng mang
tránh sao qua khỏi bể khổ luân hồi

Đôi lời khuyên từ bỏ
hồng trần chỉ là cõi tạm
đường về Tây Phương sẽ tịnh
lo tu thân, mong tìm đường về Giác Chánh
tâm luôn sẽ an nhàn, niệm Di Đà Phật Ngôn Chú Bi

Sương tâm

- Sưu tầm



Sáng nay bỗng thấy hạt sương rơi
Lấp lánh chìm vào mảnh đất trôi
Từng giọt thấm vào gieo sự sống
Ngọt ngào, tinh khiết gợi lòng tôi

Nhục - Vinh lên xuống bao lần trải
Áo gấm, áo thô được mấy ngày
Mong ước một ngày nơi tĩnh lặng
Hữu tâm - Vô sắc, thoát trần ai

Mới hay cuộc đời áng mây trôi
Tỉnh mộng trần gian tạo phúc đời
Tham vọng, sân si lòng khổ ải
Mang về cay đắng vạn sầu khơi

Bài học từ cuộc sống

- Sưu tầm



Người trưởng thành có nhiều điều phải suy nghĩ với những kinh nghiệm đã qua, và có được những bài học rút ra từ đó, và không bao giờ quan tâm nhiều đến việc mình đã tổ chức bao nhiêu lần sinh nhật.

Tôi học được rằng:

- Có những điều dù ta chỉ làm trong khoảnh khắc nhưng lại làm ta đau lòng cả đời.

- Mỗi khi xa rời người thân yêu, hãy luôn nói lời thương yêu nhất, bởi có thể đó là lần cuối ta gặp họ.

- Đã là bạn thân, dù không làm gì cả, ta vẫn có những phút giây tuyệt vời khi bên nhau.

- Tình bạn chân thành sẽ mãi lớn lên dù cho có cách xa ngàn dặm, và tình yêu đích thực cũng thế đấy.

- Chỉ vì ai đó không yêu ta theo cái cách mà ta mong muốn, điều đó không có nghĩa là họ không yêu ta hết lòng. Đối với một người bạn tốt, sẽ chẳng có vấn đề gì nếu chẳng may họ làm tổn thương ta, và hãy biết tha thứ cho họ vì điều đó.

- Sẽ không đủ nếu ta chỉ biết tha thứ cho người khác. Đôi khi cũng phải học cách tha thứ cho chính mình.

- Bất kể con tim ta có tan vỡ, cuộc sống cũng sẽ chẳng dừng lại, và vẫn vô tình như không biết đến tổn thương của ta.

- Cuộc đời ta có thể bị đổi thay tại một khoảnh khắc nào đó bởi một người thậm chí ta không quen biết.

- Ngay cả khi trắng tay, ta vẫn có thể thấy được mình thật giàu có để giúp đỡ mỗi khi bạn bè cần đến.

- Người mà ta rất quan tâm, thậm chí cả cuộc đời thì lại có thể rời xa ta rất sớm. Người mà ta nghĩ sẽ vùi ta xuống đất đen khi hoạn nạn, nhưng chính họ lại là người nâng ta dậy khi ta vấp ngã.

- Khi không vui, ta được quyền giận dỗi, nhưng lại chẳng được phép tàn bạo và hung ác.

- Trên đời này, không phải ai cũng tốt và tử tế với ta, cho dù ta không động chạm đến họ. Cách tốt nhất là đừng nên để ý đến những kẻ muốn chứng kiến ta gục ngã. Hãy sống vì những người yêu quý ta.

- Để “thành nhân”, thành người mà ta mong muốn, phải mất thời gian rất dài.

- Hãy chịu trách nhiệm về những gì ta làm dù điều đó có làm lòng ta nát tan.

- Nếu ta không làm chủ được hành vi của mình, nó sẽ điều khiển lại ta.

- Người trưởng thành có nhiều điều phải suy nghĩ với những kinh nghiệm đã qua, và có được những bài học rút ra từ đó, và không bao giờ quan tâm nhiều đến việc mình đã tổ chức bao nhiêu lần sinh nhật.

- Hoàn cảnh sống có ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của chúng ta, nên hãy ý thức về điều đó.

- Chiếc áo không bao giờ có thể làm nên thầy tu. Ta không nên quá háo hức để khám phá bí mật vì nó có thể làm thay đổi cuộc đời ta mãi mãi. Dù hai người cùng nhìn vào một vật nhưng họ lại có thể thấy những điểm khác biệt rất lớn.

Chắp tay trong cõi vô thường

- Hoang Phong



Nhón chân trong cõi hư vô
Vời trông quê mẹ mấy bờ ruộng thưa
Cúi nhìn ngọn cỏ đong đưa
Chắp tay xin một hạt mưa giữa trời

Lòng người xin được tựa vai
Thì thầm khe khẽ một lời yêu thương
Cùng đi trong cõi vô thường
Nắm tay âm ấm ngón xương ngón gầy

Mong sao hé mở lòng người
Cho tôi úp mặt chắp mười ngón tay
Xương xương mười đốt tay gầy
Che nghiêng nửa giọt mặn này trong tôi

Bao giờ giọt nước giữa trời
Ruộng khô hạt lúa, lòng người hạt mưa
Tay gầy khép lại ngón thưa
Cho tôi hứng lấy hạt mưa cõi người

Bao giờ mở rộng lòng người
Cho tôi quỳ xuống chắp mười ngón tay
Rưng rưng nữa giọt mặn này
Run run mười đốt tay gầy hiến dâng

Vượt sông Hằng

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương XIV, Thích Nhất Hạnh

Siddhatta vượt sông Ganga và đi sâu vào nội địa Magaha. Đây là một vương quốc nổi tiếng có nhiều vị ẩn tu bậc lớn. Siddhatta quyết đi tìm cho được vị chân sư có thể trao truyền cho bí quyết siêu sinh thoát tử.

Phần lớn những nhà tu hành này đều cư trú trong chốn núi rừng. Theo sự chỉ dẫn của các bạn đồng tu, Siddhatta đi tìm họ để tham vấn, học hỏi, thực tập. Hễ nghe nơi nào có vị chân sư là Siddhatta tìm tới, dù phải vượt núi băng ngàn, dù phải dầm sương dãi nắng tháng này qua tháng khác. Siddhatta đã gặp những người tu thuộc phái lõa thể. Họ không có một mảnh áo quần tối thiểu nào trên người họ. Ông cũng đã gặp những nhóm người tu khổ hạnh. Những người này không nhận thức ăn cúng dường của nhân gian. Họ chỉ ăn rễ cây, đọt cây và trái rừng. Họ để cho nắng gió và mưa bão hành hạ xác thân họ. Họ tin rằng chịu đựng được những khổ hạnh như thế thì sau khi chết họ sẽ sinh lên cõi trời.
Có một hôm Siddhatta nói với họ:

- Dù các bạn có sinh lên cõi trời đi nữa thì những đau khổ trên trần gian vẫn còn nguyên vẹn. Chúng ta tu đạo tức là đi tìm phương thuốc giải khổ cho cuộc đời chứ không phải tìm cách trốn tránh cuộc đời. Đã đành là nếu ta o bế thân thể ta như những người chủ trương ăn chơi kia, thì ta không giúp được gì cho cuộc đời, nhưng nếu ta hành hạ thân thể ta, ta cũng chẳng giúp được gì hơn cho cuộc đời là mấy.

Nói xong, Siddhatta từ giã họ và tiếp tục con đường tham cứu học hỏi của mình. Ông tìm tới nhiều đạo tràng khác nhau. Có nơi ông lưu trú lại trong ba tháng để thực tập. Có nơi ông lưu trú lại sáu tháng. Niệm lực và định lực của ông nhờ sự thực tập càng ngày càng tăng tiến, nhưng đạo lớn của sự vượt thoát tử sinh ông vẫn chưa tìm được. Đôi khi ngồi thiền tập trong rừng, hình ảnh của vua cha, của Yasodhara và Rahula cũng như những hình ảnh của quãng đời niên thiếu hiện về. Năm tháng qua thật mau. Mới đó mà hai năm đã trôi qua từ ngày Siddhatta rời bỏ xứ sở. Siddhatta nhiều khi không khỏi sốt ruột. Tuy vậy, đức tự tin vẫn còn rất mạnh trong ông.

Một thuở nọ, Siddhatta ẩn cư trên sườn đồi Pandava cách kinh đô Rajagaha của vương quốc Magadha không xa. Một hôm, ông cầm bát xuống núi, đi vào kinh thành khất thực. Dáng đi của ông nghiêm túc và khoan thai. Phong thái của ông trầm tĩnh. Hai bên đường người ta dừng lại để nhìn vị sa-môn khất sĩ. Ông đang đi trên đường phố mà ung dung như một con sư tử đang đi giữa chốn sơn lâm. Tình cờ xa giá của quốc vương Magadha đi ngang qua đó. Vua Bimbisara cho dừng xe lại để quan sát ông. Rồi vua ra lệnh cho một thủ hạ đem thức ăn đến cúng dường vị sa-môn khất sĩ này, và tìm cách theo dõi ông ta về nơi ẩn cư của ông cho biết chỗ. Chiều hôm sau, vua Bimbisara tìm lên nơi ẩn cư của Siddhatta. Để xe tứ mã dưới chân đồi, vua leo lên cùng với một tên thị vệ. Thấy Siddhatta đang ngồi dưới một gốc cây, vua tiến tới chào. Siddhatta đứng dậy. Nhìn cách ăn mặc của vua, ông biết đây là quốc vương Magadha. Ông chỉ một phiến đá gần đó và chắp tay mời vua ngồi, và ông cũng ngồi xuống bên một phiến đá đối diện.

Thấy dáng điệu và tư cách thanh tao đặc biệt của ông thầy tu, vua Bimbisara rất đỗi ngạc nhiên và khâm phục. Vua nói:

- Trẫm là quốc vương xứ Magadha. Trẫm đến để kính mời sa-môn về kinh thành với trẫm. Trẫm ước ao có sa-môn bên mình để được thấm nhuần đạo đức của Ngài. Có được Ngài bên trẫm, chắc chắn nước Magadha sẽ có hòa bình và thịnh trị.

Siddhatta mỉm cười:

- Tâu đại vương, bần đạo đã quen sống ở chốn núi rừng.

- Sa-môn ở đây thật là cực khổ. Giường chiếu không có, người hầu hạ cũng không. Nếu Ngài chấp nhận về với trẫm, trẫm sẽ để dành cho Ngài riêng một cung điện. Ngài về để dạy dỗ ...

- Đại vương, đời sống cung điện không thích hợp với bần đạo. Bần đạo đang cố công tìm cho ra con đường giải thoát để có thể cứu độ cho mình và cứu độ cho những kẻ khác. Đời sống cung điện không thích hợp với hoài bão của kẻ tu hành này.

- Ngài còn trẻ, mà quả nhân lại cần một tâm hồn bạn hữu. Mới trông thấy Ngài lần đầu, trẫm đã đem lòng mến yêu. Ngài hãy về với trẫm. Nếu cần, trẫm sẽ chia một nửa giang sơn này cho Ngài trị vì, rồi đến khi tuổi cao, Ngài sẽ trở về cuộc đời của kẻ xuất gia, như vậy cũng chưa muộn.

- Bần đạo xin cảm tạ tấm lòng chiếu cố của đại vương, nhưng quả thật giờ đây bần đạo chỉ có một ước vọng mà thôi, đó là ước vọng tìm cho ra chánh đạo để cứu giúp muôn loài. Thì giờ đi qua rất mau, tâu bệ hạ. Nếu ta không sử dụng năng lực của tuổi trẻ để thực hiện điều ta mong ước thì không mấy chốc tuổi già sẽ đến và ta sẽ hối tiếc, với lại, cuộc sống rất vô thường. Cái khổ của sinh lão bệnh tử luôn luôn rình rập ta. Những ngọn lửa phiền não nội tâm như tham vọng, giận dữ, oán thù, si mê, ganh ghét, và kiêu mạn đang nung nấu tâm hồn ta. Ta chỉ có thể đạt tới an lạc thật sự nếu ta tìm được con đường. Chỉ khi nào Đạo Lớn được tìm ra, mọi loài mới có một đường thoát. Nếu bệ hạ có lòng yêu mến bần đạo thì xin bệ hạ để cho bần đạo được theo đuổi con đường mà kẻ tu hành này đã hướng đến từ lâu.

Càng nghe, vua Bimbisara càng lấy làm cảm phục vị sa-môn khất sĩ. Vua nói:

- Quả nhân rất sung sướng được nghe những lời nói đầy cương nghị và đầy đạo hạnh của Ngài. Kính bạch đại đức sa-môn ! Ngài là người xứ nào, dòng họ của Ngài là dòng họ nào, Ngài có thể cho quả nhân được biết hay không ?

- Tâu đại vương, bần đạo xuất thân từ vương quốc Sakya. Dòng họ của bần đạo là Sakya. Vua Suddhodana là người thân sinh ra bần đạo, hiện trị vì ở Kapilavatthu, và mẹ của bần đạo là phu nhân Mahamaya. Bần đạo vốn là thái tử Đông cung, nhưng vì muốn xuất gia tìm Đạo mà phải rời bỏ cha mẹ, vợ con và cung điện, kể đã được hơn ba năm trời.

Vua Bimbasara rất đỗi ngạc nhiên. Vua thốt lên:

- Thế ra Ngài cũng là người thuộc giới cành vàng lá ngọc. Trẫm hân hạnh được gặp Ngài. Bạch sa-môn ! Giữa hoàng gia xứ Sakya và hoàng gia xứ Magadha đã có liên hệ thân hữu lâu đời. Trẫm đã dại dột dám đem danh lợi ra mà thuyết phục một vị đại sa-môn, xin sa-môn tha thứ cho trẫm. Trẫm chỉ xin Ngài một ân huệ là thỉnh thoảng viếng thăm cung điện để trẫm được cơ duyên cúng dường, rồi khi nào tìm ra được Đạo Lớn, xin Ngài từ bi trở về chỉ dạy cho đệ tử. Xin Ngài hứa cho.

Siddhatta chắp tay đáp lễ:

- Bần đạo xin hứa là khi nào tìm ra được đạo, bần đạo sẽ trở về chia sẻ với đại vương.

Cuộc tiếp kiến chấm dứt. Vua Bimbasara cúi đầu chào vị sa-môn rất thấp và cùng tên cận vệ xuống núi. Sa môn Siddhatta rời bỏ chỗ ẩn cư của ông ngay sau ngày hôm đó. Ông không muốn bị bận rộn vì sự lui tới cúng dường của hoàng gia. Hướng về phía Nam, ông đi tìm một nơi khác thuận lợi cho sự tu tập. Nhờ người mách bảo, ông tìm tới đạo tràng của đạo sĩ Uddaka Ramaputta. Ông nghe nói đạo sĩ có chứng đắc cao siêu lắm.

Đạo tràng của đạo sĩ Ramaputta không xa thủ đô Rajagaha mấy. Đạo sĩ có tới gần bảy trăm vị đệ tử, ba trăm tu học tại chỗ và gần bốn trăm tu học tại những cơ sở địa phương.

Một chốn nào ta ở

- Cư sĩ Liên Hoa



Trong cuộc đời vô định của kiếp nhân sinh, chúng ta dẫm bước trên dòng sông vô thường, rồi một đôi khi bắt gặp lại mình, một con người giả hợp và hiện hữu. Ta có đôi mắt đen trong của tuổi trẻ, có nụ cười khúc khích của bé thơ, có mái tóc bồng bềnh sương gió, nhưng rồi tất cả sẽ rời xa ta như những gì nó đã đến, biến hoại, từng ngày giờ trôi qua.

Trong tận cùng của dòng sinh mạng, ta tung cánh bay như bầy chim vỡ tổ, về muôn hướng, muôn nơi, nhưng từ chiều sâu trong trái tim, lời tự tình của Chân Tâm thức giấc sau bao ngày ngủ vùi trong vọng niệm của ta. Gió bụi đường xa, mây mờ che phủ, ánh trăng của muôn đời vẫn như mời gọi, chỉ rõ một nơi chốn trở về, để gom lại ánh trăng, từng hạt sáng một, từng hạt một, dù rơi trên vai gầy, dù rớt trên mây cao, dù hoà lẫn vào cát bụi, gom lại để cho trong tâm ta, ánh trăng vẫn sáng huyền diệu như một thuở nào ...

trăng lay làm vỡ tổ
bầy hạc vỗ cánh bay
chở theo từng hạt sáng
cho gió lùa tung bay

hoa ngàn cánh mỉm cười
mở khoe màu sắc mới
rạng ngời vung tay rộng
gom từng hạt trăng rơi

người ngồi ôm gối mộng
mắt nhìn những hạt trăng
trăng rơi trên vai rộng
hạt vàng rớt mây gầy

tìm lại chiếc áo tâm
bao năm dài sương gió
mưa bụi bỏ đường mây
trên dãy núi vô thường


Lặng mà nghe

- Bodhgaya Monk



Hầu hết con người sống trong thế gian đều sống với một loại tâm đó là tâm vọng tưởng, sinh diệt, mà hễ còn sống với tâm này thì không ai hoàn hảo cả, ai cũng có những vụng về và sai lầm, vì sự hiểu biết của ta chỉ giới hạn trên một vài phương diện chứ không toàn diện. Khi ta nhớ kỹ điều này thì thái độ sống của ta lúc nào cũng khiêm tốn và biết lắng nghe chung quanh, nhất là những lời phê bình, chỉ trích.

Một người quá tự hào về tri thức, về trí thông minh và tài năng của mình thì họ chỉ muốn nói cho người khác nghe chứ không hề muốn nghe người khác nói, huống nữa là có khả năng lắng nghe người khác phê bình mình. “Tôi như vầy mà dám phê bình tồi à ?”, họ thường tâm niệm như thế. Khi không còn nghe ai, họ trở thành người tự mãn, khi sự tự mãn xuất hiện dày lên theo năm tháng, chính là nguyên nhân khiến người đó cô độc và thất bại trong cuộc sống.

Sách xưa có câu: “nước thì chảy xuống mà dập tắt được lửa bốc lên cao”, biết hạ thấp mình để lắng nghe những lời phê bình ấy là người có trí. Dĩ nhiên, không phải lời phê bình nào cũng đúng, nhưng chính thái độ biết lắng nghe phê bình làm cho bạn trưởng thành hơn. Bỏ xuống tự ái để nghe người khác phê bình không phải là chuyện dễ dàng, nhưng đối với một người thật tâm cầu tiến, họ chẳng thà chấp nhận vị đắng của viên thuốc hơn là những lời ngọt mật khéo bày trên lưỡi dao.

Danh ngôn (71)

- Hành Cảnh Sách



Lấy lòng trách người để trách mình thì ít sai lầm, lấy lòng dung thứ mình để dung thứ người thì giao du được vẹn toàn.

Câu chuyện trong thung lũng

- Quà tặng cuộc sống



Tiềm ẩn bên trong mỗi con người luôn là hai hoặc nhiều mặt đối lập nhau:

- Mạnh mẽ bao nhiêu ắt phải có sự yếu đuối ẩn khuất, ngược lại, không phải một người yếu đuối là sẽ không có sự mạnh mẽ bên trong, chỉ là ít hoặc nhiều hơn và chưa đến lúc thể hiện ra mà thôi.

- Tài năng, giỏi giang đến mấy cũng phải có lúc sơ suất, thiếu kiểm soát. Ngược lại, một người bình thường và cho dù có bị cho là vô dụng thì vẫn có lúc sự vô dụng ấy sẽ được chú ý và sẽ khiến xung quanh bất ngờ.

- Không một ai là toàn vẹn, sự hoàn hảo hay khiếm khuyết mà bên ngoài nhìn thấy được mới chỉ là một phần nhỏ trong sự cấu tạo của nhiều phần lớn khác.

Trong cuộc sống, đừng bao giờ chỉ nhìn về một phía để đánh giá một người, cũng đừng bao giờ chỉ nhìn vào ưu điểm hoặc khuyết điểm của mình và của người khác. Vốn dĩ chẳng có ai mười phân vẹn mười, hãy sống với tinh thần tương thân, tương ái, tương trợ lẫn nhau.

Hạnh phúc trong tay là hạt, hạnh phúc sẻ chia là cây

- Theo Huffington Post
- Ngọc Huyền



Với từ khóa “hygge” chúng ta sẽ biết được lý do tại sao Đan Mạch luôn được xếp hạng là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất trong 40 năm liền.

Nhiều người đã tự hỏi không biết bí quyết hạnh phúc của quốc gia Bắc u nhỏ bé này là gì ? Jessica Alexander - nhà tâm lý học, tác giả cuốn sách “Cách cha mẹ Đan Mạch dạy con trở thành những đứa trẻ hạnh phúc nhất trên thế giới”. Jessica và Iben Sandahl đã cùng nhau tìm ra bí mật hạnh phúc của người Đan Mạch có liên quan đến từ “hygge” (hay được phát âm là “hooga”).

“Hygge” có nguồn gốc từ từ “hyggja” trong tiếng Đức, xuất hiện vào khoảng thế kỷ 19, nó có nghĩa là suy nghĩ hay cảm giác thoải mái. Không có từ ngữ nào để miêu tả đúng nghĩa của từ “hygge” nhưng có thể hiểu chung là sự ấm cúng.

Hygge có nghĩa là khoảng thời gian ấm cúng bên nhau. Với người Đan Mạch, họ xem hygge là một điều thiêng liêng, và là yếu tố căn bản để có cuộc sống hạnh phúc. Với họ, hạnh phúc chính là cùng gây dựng và sẻ chia. Hygge là thời khắc chung chứ không phải của riêng cá nhân.

Hygge được coi là yếu tố quyết định trong hạnh phúc của người Đan Mạch, chính vì vậy mà một số trường đại học ở Anh và Mỹ đã đưa “hyggen” vào trong các khóa học. Nhiều người cho rằng đó là tạo ra một bầu không khí ấm cúng bằng cách thắp nến và cùng nhau ăn. Nhưng đây mới là ý nghĩa bề nổi. Ý nghĩa thực sự sâu xa hơn vậy. Vậy chính xác hygge có nghĩa là gì ?

Hãy tưởng tượng cả gia đình bạn đang sum họp. Không ai nói đến chuyện chính trị, các vấn đề gia đình, các vấn đề cá nhân, lời nịnh bợ, than thở, phàn nàn hay tiêu cực. Tất cả mọi người giúp đỡ nhau hoàn thành các công việc. Không ai khoe khoang, chỉ trích, hay cạnh tranh với nhau. Đó là sự tương tác cân bằng, nhẹ nhàng, mọi người tập trung tận hưởng khoảnh khắc bên nhau và thưởng thức những món ăn ngon tuyệt. Trong khoảnh khắc diệu kỳ đó, không ai bận tâm đến những bon chen, giá lạnh bên ngoài nữa. Với một số người, đây là điều bình thường trong các buổi tụ họp gia đình. Nhưng hầu hết chúng ta đều chưa làm được như thế.

Những quy tắt bất thành văn của hygge làm cho nó trở nên đặc biệt. Các nhà nhân chủng học người Mỹ đã chỉ ra rằng hygge của người Đan Mạch được tạo bởi các tương tác qua lại và cách mà tất cả mọi người không biến mình thành nhân vật trung tâm. Đó là khoảnh khắc mà tất cả mọi người cởi bỏ mặt nạ, tạm quên những khó khăn của mình để hòa vào với tập thể và trân trọng sự hiện diện của những người khác.

Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các mối quan hệ tốt đẹp quan trọng như thế nào trong đời người. Cảm xúc tích cực kết nối mọi người và khiến chúng ta trân trọng cuộc sống. Sự kết nối giúp ta tăng tuổi thọ, giảm stress và thậm chí gia tăng cả sức mạnh cho hệ miễn dịch. Bằng cách dành thời gian để “hygge”, một không gian lành mạnh sẽ đến với tất cả mọi người trong cộng đồng, giúp ta quên đi những đắng cay của cuộc đời, hay chí ít những gian truân, thử thách không còn là tảng đá đè nặng lên mỗi người. Tuy nhiên, điều này chỉ có được khi tất cả mọi người cùng muốn và cùng nhau xây dựng nó.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, chủ nghĩa bình quân của Đan Mạch đóng vai trò rất quan trọng. Theo nghiên cứu năm 2009 của Robert Biswas-Diener và đồng sự đã chỉ ra rằng người giàu ở Mỹ hay Đan Mạch đều hạnh phúc như nhau, nhưng có điểm khác là với những người Đan Mạch có thu nhập thấp lại hạnh phúc hơn người Mỹ. Theo Bernie Sanders, “sự bình đẳng càng cao thì xã hội càng hạnh phúc. Và chủ nghĩa bình quân cũng là một giá trị cốt lõi của hygge. Có lẽ các quy định về đời sống riêng tư ở Đan Mạch đều không cần thiết mà thay vào đó là lợi ích cộng đồng”. Vậy làm thế nào để có thể “hygge” ?

1. HÃY LÀ CHÍNH MÌNH

Hãy quên đi cái tôi cá nhân. Bạn không tấn công người khác thì người khác cũng sẽ không tấn công bạn. Khi chúng ta quên đi cái tôi cá nhân, chúng ta sẽ dễ dàng kết nối với mọi người hơn. Đừng giả vờ nịnh nọt, khoe khoang hay nói xấu nhau, hãy giữ thái độ chân thành và tinh tế.

2. KHÔNG NÊN TRANH CÃI

Những chủ đề có thể gây tranh cãi hay chia rẽ không phải là hygge. Hygge là những thứ cân bằng và tham gia cuộc thảo luận một cách điềm tĩnh, nhẹ nhàng. Tốt nhất là hãy tập trung tận hưởng khoảng thời gian này. Chúng ta có rất nhiều khoảng thời gian trong ngày để tranh luận về các vấn đề cuộc sống, nhưng hygge là lúc chúng ta thưởng thức những món ăn ngon, tận hưởng không khí ấm cúng và không nói những thứ làm ảnh hưởng bầu không khí sum họp. Như vậy, phàn nàn, suy nghĩ tiêu cực, phán đoán và tranh cãi không được phép vào không gian hygge.

3. HÃY NGHĨ MÌNH LÀ THÀNH VIÊN CỦA NHÓM

Tất cả mọi người đều tự làm chứ không chờ ai giao việc mới làm. Vì thế cả nhóm sẽ làm việc trôi chảy hơn. Khi tất cả mọi người cùng chuẩn bị, phục vụ, thưởng thức và trò chuyện thì đó là cao độ của hygge. Và mọi người phải hiểu rằng mình là một phần của tập thể.

4. HÃY XEM HYGGE NHƯ MỘT NƠI TRÚ ẨN

Hygge là nơi mà tất cả mọi người đều thư giãn, thư thái tâm hồn dù cho bạn đang gặp phải chuyện gì khó khăn bên ngoài. Cho dù tốt hơn hay xấu đi, hygge là nơi thiêng liêng, có thể gạt bỏ các vấn đề khác ra bên ngoài. Các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè có thể trải lòng hay nói chuyện với nhau mà không sợ bị phán xét.

5. NHỚ RẰNG THỜI GIAN BỊ GIỚI HẠN

Đó có thể là thách thức nếu bạn không phải người Đan Mạch. Không trở thành tâm điểm chú ý, không khoe khoang, không phàn nàn, không nghĩ tiêu cực, gặp mặt đông người mà không tranh cãi, liệu bạn có làm được không ? Chỉ một vài cá nhân thì rất khó. Điều này đòi hỏi sức mạnh cộng đồng. Thật khó diễn tả bằng lời cái cảm giác được thư thái, thoải mái chia sẻ với những người thân thiết. Có thể chỉ là khoảng thời gian ngắn bên nhau - một bữa trưa hay bữa tối thì sẽ dễ dàng tận hưởng khoảnh khắc đó. Khó khăn sẽ lại đến khi bạn rời hygge nhưng hãy tận hưởng nó, chỉ một khoảng thời gian ngắn hygge sẽ tiếp thêm năng lượng cho bạn để tiếp tục chiến đấu với cuộc sống.

Sửa đổi chính là tu hành

- HT. Tịnh Không



Sửa đổi chính là tu hành, hay nói cách khác, tu hành là sửa đổi sai lầm. Phàm phu thật không dễ dàng phát hiện lỗi lầm của mình, nhưng lại rất dễ dàng thấy lỗi lầm của người khác.

Phát hiện minh châu

- Thích Nhật Từ



Bao năm tháng kết duyên cùng phiền não
Quên viên minh châu trong áo tự bao giờ
Cam phận cảnh kẻ nghèo hèn tìm châu báu
Tha hương cầu thực, đánh mất nguyên sơ

Trong phút chốc nhận ra đời hư ảo
Hướng nguồn tâm vốn thanh tịnh như tờ
Không tăng giảm trong luân hồi điên đảo
Vẫn trang nghiêm, như thị, nên thơ

Cuộc sống cần biết dũng cảm từ bỏ

- Vĩ Thanh



Đã bao giờ bạn cố gắng đuổi theo một thứ, bằng mọi giá phải có được điều đó nhưng đến khi nắm trong tay rồi lại bất ngờ vì chẳng hề vui sướng, hạnh phúc như mình vẫn tưởng chưa ?

Cuộc sống luôn ẩn chứa vô vàn những điều bất ngờ và đôi khi bạn phải từ bỏ một vài mục tiêu đã đề ra trước đó. Nhưng nếu đó là điều mà bạn coi là quan trọng thì việc từ bỏ cũng không hề dễ như “vứt rác”, bởi phàm đã định vị đó là điều cần thiết thì khi nhận ra nó không còn “quý báu” như mình vẫn tưởng dễ khiến con người thấy mình bị “lạc đường”, hoặc thấy phí hoài thời gian đã theo đuổi. Chưa kể, với nhiều người, đó còn là thứ gắn bó đã lâu, thành quen thuộc lại càng khó từ bỏ.

Tôi từng quen một người bạn học hành giỏi giang, gia cảnh cũng khá, nhan sắc cũng ổn nhưng lại phí hoài gần năm năm tuổi xuân để theo đuổi anh chàng học cùng lớp. Lặng lẽ thương yêu, lặng lẽ chăm sóc, luôn là chỗ dựa lúc người đó cần và luôn chờ đợi tình yêu thương từ người kia dù rất nhiều bạn bè đã khuyên cô ấy bỏ cuộc, dù nhiều người nói anh ta vốn chẳng xứng đáng với tình cảm ấy. Sau khi ra trường, cô gái vẫn tiếp tục tình yêu dành cho chàng trai mà bỏ lỡ khá nhiều trái tim chân thành yêu cô tha thiết. Đến một ngày, mọi nỗ lực kiên nhẫn của cô ấy cuối cùng cũng nhận được lời tỏ tình của chàng trai kia. Bạn nghĩ sẽ thế nào ? Một cái kết hạnh phúc ? Họ sẽ yêu nhau hạnh phúc rồi kết hôn, có gia đình bền lâu ?

Thực tế hoàn toàn không đẹp như mơ, cô ấy chủ động chia tay anh chàng kia chỉ sau hơn ba tháng yêu đương, bởi thực ra trong suốt thời gian yêu đơn phương, cô ấy đã tự tạo cho mình cái cảm giác đang nỗ lực vì một ai đó, rồi tự hạnh phúc với những nhớ nhung chờ đợi khắc khoải. Lâu dần nó trở thành thói quen mà cô ấy không dám buông bỏ, nhưng khi thực sự bước chân vào yêu đương thì cô ấy mới biết hóa ra “người trong mộng” cũng chẳng ấm áp, lung linh như mình nghĩ. Nếu cô ấy nhận ra sớm hơn để có thể từ bỏ mối tình ảo mộng thì có lẽ cũng đã sớm tìm được một người yêu thương mình chân thành trong khá nhiều những anh chàng mà cô ấy từ chối.

Chuyện dám từ bỏ cũng đâu chỉ có trong mỗi tình yêu mà còn hiện diện trong từng quyết định liên quan đến công việc và cuộc sống. Tôi có một anh bạn, từ khi còn đi học, cậu ấy đã bắt đầu làm cộng tác viên cho một công ty và mong muốn ra trường được vào đó làm. Anh ấy đặt ra khá nhiều mục tiêu để phấn đấu nhưng dường như khả năng của anh chưa thực sự phù hợp với nơi làm việc đó. Ai cũng nhận ra điều này nhưng chỉ mình “khổ chủ” quyết tâm khiến mọi lời khuyên trở nên vô ích, thậm chí những người thân thiết còn phân vân, biết đâu mình nhầm, khi chứng kiến “lập trường kiên định” của cậu bạn này. Tuy nhiên, dù đã nỗ lực hết mình nhưng ra trường suốt hơn một năm liền, anh ấy vẫn chỉ là cộng tác viên của nơi làm việc đó với mức lương đương nhiên không đủ sống, trong khi bạn bè đã bắt đầu có những chỗ làm ổn định. Chính cậu ta cũng nhận ra điều này khi thấy mình “chậm tiến” hơn các bạn, nhưng cậu tâm sự: “Không dám tìm nơi khác vì đã làm ở đó quen rồi, hơn nữa, cũng tiếc mấy năm đã phấn đấu và cống hiến tại nơi ấy, dù cũng đã có những chỗ làm khác phù hợp khả năng gọi đi ứng tuyển”. Và đến giờ, cậu bạn tôi vẫn đang âm thầm ăn lương cộng tác viên để hy vọng “một ngày nào đó”.

Tôi và một người bạn từng ham mê một trò games tới quên ăn, quên ngủ. Sẵn sàng bật dậy giữa đêm khuya để “cày” cho lên level. Mỗi ngày tôi tốn từ 3-4 giờ cho trò game đó một cách say mê, thích thú. Đến một ngày khi đi làm về khá mệt mỏi, giữa đêm bật dậy theo thói quen tôi mở máy, cày game, rồi lên level nhưng cái cảm giác trong lòng lại là mệt mỏi, nặng nề. Mình đang làm gì nhỉ ? Level games thì chẳng bao giờ ngừng lại, mình cứ chơi, cứ cày như vậy để làm gì ? Vậy là mặc cho công sức bỏ ra, tôi đem nick games đó cho người khác, cũng bỏ luôn trò chơi từ đó. Đôi khi nhớ lại cũng có một chút tiếc đấy, nhưng hơn đó là cảm giác nhẹ người bởi thật may là tôi đã ngưng lại và dành thời gian vô ích đó cho những việc hay ho hơn. Còn người bạn kia vẫn tiếp tục lao vào trò games đó, trong một kỳ học cô ấy đã phải thay tới ba con chuột vì chơi games quá nhiều, học lực cũng tụt không phanh từ giỏi xuống khá. Phải chăng nếu biết dừng lại hay điều tiết bản thân một chút sẽ tốt hơn ?

Đó chỉ là ba trong vô vàn những câu chuyện về việc đôi khi cũng nên dũng cảm từ bỏ một thứ gì đó trong cuộc sống. Tình cảm cũng vậy, công việc cũng vậy, đơn thuần là trò chơi giải trí cũng vậy … mọi thứ luôn cần có một điểm dừng, không phải lúc nào sự kiên trì cũng giúp ích cho bạn, bởi đôi khi bạn đã chọn sai đường ngay từ đầu, nếu không biết quay đầu làm lại thì sự kiên định ở đây chỉ là tiếp thêm thời gian dẫn bạn vào “đường mù”.