V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Người có đạo đức không nói ba lời này

(Sưu tầm)



Lời nói là thứ tốt nhất phơi bày một người, miệng của một người cho thấy sự giáo dục của người đó.

Chắc hẳn bạn đã từng gặp qua những người như này: “con người tôi nói chuyện có hơi thẳng thắn, cậu thông cảm”, “tính tôi nói chuyện như tát vào mặt người ta vậy”, “tôi ‘đánh’ người có hơi đau, cậu cố mà nhịn” ...

Sự thật: “nhiều khi, khoe khoang mình nói chuyện thẳng thắn, thực ra là không muốn tốn thời gian đi nghĩ tới cảm nhận của đối phương”. Thẳng thắn không phải tấm bia chắn làm tổn thương người khác, độc mồm không phải là hài hước, không phải thẳng thắn mà là vô duyên, không được dạy dỗ tới nơi tới chốn.

Một người có đạo đức, sẽ không nói ba lời này:

Lời khó nghe, tổn thương người khác

Nhiều khi, những lời trông có vẻ như “không có ý gì” lại giống như một con dao đâm thẳng vào trái tim người khác, cuối cùng dẫn tới những hậu quả không thể lường trước. Tổn thương da thịt rồi sẽ lành, tổn thương trái tim là tổn thương cả đời, đôi khi một câu nói “vô tư” của bạn thôi cũng có thể khiến người khác vô cùng đau đớn. Đừng bao giờ mở miệng ra là chê bai người khác, đừng động tới khuyết điểm hay nỗi đau của họ, chẳng ai sống mà không có khuyết điểm, không cần bạn phơi ra, họ tự biết, còn muốn sửa hay không là quyền của họ, là cuộc đời của họ. Việc của bạn là đừng để cái miệng đáng yêu của bạn trở thành khuyết điểm lớn nhất của bạn. Bởi lẽ, miệng của một người, chính là phong thủy của anh ta.

Lời tiêu cực, khiến tâm trạng chùng xuống

Các nhà tâm lý học nói: “cảm xúc biết lây lan, ở trong một môi trường nào đó lâu rồi, chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng từ người đó, hơn nữa còn rất khó nhận ra, trong vô thức, bạn đã biến thành một người giống như đối phương”.

Nhiều khi, chúng ta sống không vui vẻ đó là bởi bên cạnh chúng ta có những người tiêu cực, ở cạnh những người này lâu rồi sẽ vô thức bị họ lây nhiễm, đối mặt với cuộc sống theo đúng nghĩa “gần mực thì đen”. Tránh xa những người tiêu cực, bản thân cũng không nói những lời tiêu cực, có như vậy thì mỗi ngày của bạn mới tràn ngập ánh nắng và sự rực rỡ.

Lời thị phi, không đáng tin

Ở cạnh một người suốt ngày thích đi nói xấu sau lưng người khác, cảm giác ra sao ? Các cụ hay nói người thích nói lời thị phi không chỉ không đáng tin mà còn khiến người khác ghét bỏ, cuối cùng hại người hại cả mình.

Hay nói lời thị phi, hay thích suy xét người khác là trò tiêu khiển hạ đẳng nhất, một người thích nói xấu sau lưng người khác chắc chắn bản thân cũng đã từng mắc lỗi, lại còn là lỗi giống y hệt.

Một người thích đâm thọc, ly gián, công kích người khác, nội tâm chắc chắn cũng không trong sáng gì. Người thích nói lời thị phi, ban đầu có thể rất đắc ý, nhưng lâu dần, sớm muộn gì báo ứng cũng tới gõ cửa nhà anh ta.

Người hạ đẳng dùng mồm nói chuyện, người trung đẳng dùng đầu nói chuyện, người thượng đẳng dùng tâm nói chuyện. Lời nói của một người tiềm ẩn đạo đức và sự ấm áp của họ. Mong bạn là một người “giỏi ăn nói”, nói ra những lời khiến người khác cảm động, đem lại cho họ sự dịu dàng và ấm áp.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|93|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Có hai thứ, khi nào còn giữ được trong lòng, còn nghĩ tới, còn ghi nhớ, còn chưa quên, khi đó sẽ còn thấy lòng bình yên như trong một ngày gió mưa được trở về ngồi tĩnh tâm trước Phật. Hai thứ ấy là gì ? Là Hiểu Biết và Tĩnh Lặng !”

Bước chân thì ngắn mà đường trần lại quá dài, con người thì bé nhỏ mà thế giới ngoài kia lại quá mênh mông, trái tim chỉ có một mà những thứ làm tổn thương nó lại quá nhiều. Con người cũng chỉ là một sinh vật bé nhỏ, thứ vững chãi nhất để cho sinh vật bé nhỏ ấy tựa vào, để có thể vững chãi giữa thế giới mênh mông đầy bất trắc ấy chính là tâm từ bi của chính họ. Đó là một trong những hiểu biết đáng giá nhất để con người có thể bình yên dù thế giới ngoài kia ra sao.

Con người, không ai giống ai, kẻ xuất thân từ nơi này, người xuất thân từ nơi khác, kẻ có ngày hôm qua thế này, người có ngày hôm qua thế kia, nhưng không cần biết kẻ ấy là ai, ngày hôm qua của họ thế nào, vì để có được bình yên, điều đó không còn quan trọng nữa, bởi lẽ để có được bình yên nhất định phải bắt đầu từ chính bản thân mình. Đó là một trong những hiểu biết đáng giá nhất để con người có thể bình yên dù ngày hôm qua ra sao.

Con người, không ai giống ai, nhưng có cùng một âu lo cho những bất trắc ở ngày mai. Ít ai biết rằng, khi càng từ bi trong hiện tại, ngày mai càng dễ dàng có được những ngày bình yên. Đó là một trong những hiểu biết đáng giá nhất để con người có thể bình yên, chẳng cần biết ngày mai ra sao.

Nơi tốt nhất để chúng ta lánh khỏi những xô bồ từ cuộc sống ngoài kia luôn là sự tĩnh lặng trong lòng của chính mình.

Người ngày mới an.



D.P.A (100)

(Kinh Hạnh Phúc)

Xả ly tâm niệm ác
Tự chế không say sưa
Tinh cần trong thiện pháp
Là phúc lành cao thượng

Xuân trong ánh đạo vàng

(Sưu tầm)

“Xuân đến xuân đi nhưng xuân lòng luôn bất diệt
Hoa nở hoa tàn nhưng hoa đạo vẫn luôn tươi
Xin chúc cho người và xin chúc cho tôi
Xuân Di Lặc nụ cười trên môi luôn rạng rỡ …”

Thoảng hương xuân

- Thích Tánh Tuệ

Chào ngày mới, chào giọt sương phơi nắng
Chào chim muông về rộn hót sau vườn ...
Bên tháp cổ, nhà sư ngồi tĩnh lặng
Nghe xuân về ngan ngát mấy làn hương

Ngày vẫn thế sao nghe hồn rất lạ
Như tâm tư trải rộng đến vô cùng
Nhìn Di Lặc miệng cười vui hỉ hạ
Bao ưu phiền thoáng chốc đã tiêu dung

Chào xuân đến, lòng tinh khôi giấy mới
Quên nhọc nhằn cơm áo ... những ngày qua
Thầm cảm niệm tình xuân vừa mang tới
Trao nhân gian bao thắm đẹp chan hòa

Chào xuân mới với tâm tình thư thái
Chúc muôn người vui hái được niềm mơ
Đời khúc khuỷu vững đôi tay lèo lái
Qua gian nan, thành đạt những mong chờ

Xuân cõi thế là xuân không thường tại
Chúc cho đời tươi thắm mãi lòng Xuân
Với Hỷ Xả, Từ Bi cùng muôn loại
Giữa vô thường luôn sống đẹp, ung dung ...

Lời đầu năm cho nhau

(Xuân yêu thương)

Bạn biết không ? Ghét thì có thể đưa ra nhiều lí do nhưng thương thì chỉ cần nói Thương thôi là đã đủ. Từ Bi cũng thế, Từ Bi không cần phải nhiều lời, chỉ cần mỉm cười, tâm chân thành thương quý lẫn nhau là đã có thể truyền thiện niệm của Từ Bi đến người khác rồi. Từ Bi là năng lượng và sức mạnh có thực. Nó có thể làm tan chảy một tâm hồn băng tuyết. Ai có tâm Từ Bi, người đó có đại Phúc Đức, bởi vậy mà Kinh Phật có câu: “mắt Từ trông chúng sinh, bể Phúc lớn không cùng” (Từ nhãn thị chúng sanh|Phước tụ hải vô lượng). Nơi nào có mặt Từ Bi, nơi đó có mùa xuân và có mặt an lành, hạnh phúc.

Năm mới chúc người nhớ chữ Tâm
Để cùng sống đẹp đến trăm năm
Thiên đàng, địa ngục ... từ Tâm tạo
Hỷ, Xả, Từ, Bi, xóa lỗi lầm

Xuân Canh Tý

(2 0 2 0)

Xuân sang cội PHÚC sinh nhành lộc
Tết về cây ĐỨC trổ thêm hoa
… CUNG CHÚC TÂN XUÂN

Làm gì để rước lộc vào nhà ngày đầu năm ?

(Phạm Kim)



Là mốc chuyển giao thiêng liêng của đất trời, những ngày đầu năm mới được người Việt tin sẽ quyết định vận may rủi của cả năm. Chuyên gia văn hoá, tiến sĩ Trần Long - trưởng bộ môn Văn Hóa Việt Nam, khoa Văn Hóa học, trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP.HCM - chia sẻ những việc nên và không nên để đón một năm mới hanh thông, sung túc.

“Tống cựu nghênh tân” đón năm mới

Tiến sĩ Trần Long cho biết, khi khởi đầu chu kỳ mới của đất trời, mọi thứ cần “tống cựu nghênh tân”, chuyện cũ gác lại một bên, cùng nhau hướng về những hy vọng, dự định tốt đẹp. “Cội nguồn của phong thủy chính là tâm thế gia chủ. Muốn đón tài lộc, trước tiên lòng phải bình an, vui vẻ. Vì thế ngày Tết diện quần áo mới, thăm hỏi họ hàng bằng hữu, chén trà đi trước, lời nói thân mật theo sau, mọi người ngồi lại xí xóa chuyện cũ, trả hết nợ nần … tâm lý cởi mở hân hoan thì tài vận sẽ khởi sắc” - tiến sĩ Trần Long chia sẻ.

Việc chuẩn bị cho Tết cũng phải chỉn chu. Đồ dùng, thực phẩm ... phải ước lượng từ trước, sắm sửa đủ đầy. Ngày đầu năm cần tránh cảnh thiếu trước hụt sau. Khi mọi thứ sẵn sàng, ngày Tết suôn sẻ mới khởi đầu một năm hanh thông.

Trong nhà, bếp là nơi thoát ra nhiều nguồn khí không có lợi cho đường hô hấp như khói bếp, mùi thực phẩm chưa nấu chín, thực phẩm hư cũ ... Để đảm bảo yếu tố phong thủy, khi thiết kế gian bếp cần chú ý đến khí động học: gió từ ngoài vào bếp phải là nguồn gió giàu “sinh khí” tức giàu oxy (đi qua vườn cây, hồ nước …), khí từ bếp thải ra được dẫn thẳng ra ngoài, không đi ngược vào nhà hay vào phòng khách, phòng ngủ, phòng vệ sinh … Không gian các phòng phải đủ rộng, thuận lợi trong việc cứu hỏa. Vật dụng bày trí có thể tùy theo nhu cầu, thói quen gia chủ. Trong tư duy ngũ hành, đủ năm yếu tố mọi thứ sẽ tương sinh, tạo sự hanh thông, vận động.

Như năm 2020 thuộc hành Thổ, nếu chưng cây cảnh để thêm hương sắc cho không gian thì nên thiên về màu vàng. Các vật trang trí bên trong có thể chọn đỏ, hồng (các màu thuộc hành Hỏa, Hỏa sinh Thổ) làm điểm nhấn.

Khai bếp đầu năm rước lộc vào nhà

Gian bếp - nơi ấm áp nhất trong gia đình - không chỉ mang giá trị gắn kết các thành viên mà còn là nơi duy nhất trong căn nhà hội đủ năm yếu tố ngũ hành. Do đó, khai bếp (hay còn gọi xông bếp) là hoạt động được tin sẽ giúp ngũ hành tương sinh, khởi nguồn vượng khí, mang đến tài lộc cho gia chủ. Từ đó mà dân gian có câu: đầu năm khai bếp để “bếp ấm, nhà an, giàu sang sẽ đến”.

Việc khai bếp ngũ hành chủ yếu dựa vào chính những vật dụng có sẵn trong gian bếp. Cụ thể gồm nồi, chảo, xoong kim loại (hành Kim), đôi đũa (hành Mộc) dầu ăn (hành Thủy), bếp (hành Hỏa), và người khai bếp (hành Thổ).

Trình tự cho buổi khai bếp, đầu tiên cần chuẩn bị đủ dụng cụ nấu nướng. Ưu tiên nồi, chảo (Kim) hình tròn, không gỉ sét, tượng trưng cho sự tròn vẹn. Đôi đũa (Mộc) một đầu tròn, một đầu vuông tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi vuông tròn. Bếp (Hỏa) cần được kiểm tra trước để đảm bảo ngọn lửa đầu năm bật lên không quá yếu cũng không quá lớn. Dầu ăn (Thủy) cần đầy ắp tượng trưng cho của cải đủ đầy. Người thực hiện khai bếp (Thổ) cần có kỹ năng nấu nướng, tâm trạng vui vẻ để việc khai bếp diễn ra suôn sẻ.

Những điều kiêng kỵ trong ngày đầu năm

Trong thời khắc giao hòa, để mọi việc suôn sẻ, nên tránh những điều có khả năng gây cản trở, đổ vỡ, hư hỏng. Mỗi người cần giữ hòa khí trong chính gia đình mình và với hàng xóm xung quanh.

Ngày Tết có rất nhiều điều cần chuẩn bị. Mỗi gia đình cần lên kế hoạch mua sắm từ sớm, không quá sơ sài dẫn đến cảnh thiếu trước hụt sau, nhưng cũng không cần quá cầu kỳ, dễ phát sinh nhiều phiền toái, mệt mỏi hay lãng phí.

Để bố trí gian bếp cho ấm cúng nên xét đến yếu tố màu sắc, nên tránh các màu mang thuộc tính dương như đỏ, cam, hồng, thay vào đó là màu dịu mát như xanh lam, xanh nhạt, vàng nhạt … Ngoài ra, người Việt còn lưu truyền nhiều hoạt động kiêng kỵ cần tuân thủ trong ngày Tết như tránh chẻ củi vì động đến thổ thần, không trèo cao chọc lên trời, giữ nhà cửa sạch sẽ nhưng không quét ra ngoài mà hãy quét vào trong … Nhưng để bếp ấm, nhà an, thì ai cũng đặt lên hàng đầu trong việc chuẩn bị đón năm mới.

Ngày Tết đi lễ chùa để tìm niềm vui cao thượng

(Phật Quang)

“Người Việt Nam ta có một từ rất lạ là “ăn Tết”, thường thường, “ăn” có nghĩa là “nhai và nuốt”, ta “ăn Tết” không lẽ là ta “nhai và nuốt Tết” ? Sự thật không phải vậy, chữ “ăn” của người Việt Nam có nghĩa là “hưởng vui ngày Tết”, chứ không phải là nhai nuốt Tết, bỏ vô bụng.

Gọi là “hưởng vui” vì ngày Tết là ngày vui. Mà Tết do đâu mà vui ? Có phải hễ tới ngày Tết là vui không ? Không phải ! Do tâm của con người tạo nên niềm vui của ngày Tết. Do chúng ta bắt buộc Tết phải vui, thế là từ đó Tết vui luôn. Mà ta bắt ai làm cho Tết vui ? Ta bắt chính chúng ta ! Ta bắt chính mỗi người chúng ta phải làm sao cho Tết vui, Tết không được buồn, Tết không được gây gổ, Tết không được làm mất tiền, chỉ lấy được tiền thì lấy chứ đừng làm mất .v.v.v… Nghĩa là ta cứ tạo ra nhiều niềm vui và bắt mình vui với người, bắt người vui với mình, cho nên thành ra Tết là vui, và ta ăn Tết tức là ta hưởng niềm vui Tết như thế.

Hưởng niềm vui Tết có nhiều cách để hưởng. Khi ta không biết đạo, thì ta hay hưởng vui Tết bằng nhiều trò giải trí đôi khi không lành mạnh. Người càng có tiền càng nghĩ ra nhiều trò bậy bạ để hưởng Tết, để ăn Tết. Mà cứ hưởng qua một cái Tết như vậy, thì ta lại tạo bao nhiêu tội lỗi vì những trò giải trí bẩn thỉu của mình. Nhưng điều may mắn nhất của ta là khi Tết vui như vậy thì ta nghĩ tới chùa. Ta nghĩ cái vui của ta phải gắn với đạo lý, nên ta dành thời gian để đi chùa. Mà có điều rất hay là trong những ngày Tết qua ở khắp nơi, các Phật tử cứ đổ xô đi chùa rất nhiều, thậm chí cả những người không phải đạo Phật cũng đi chùa thắp hương, lễ Phật.

Đi chùa thắp hương, lễ Phật như vậy có nhiều ý nghĩa. Như khi đến chùa ta ăn Tết bằng giáo lý, ta được nghe một bài pháp, ta nhận được một cái thiệp chúc Tết trong đó có một bài thơ vừa có ý đạo, lại vừa báo điềm trong năm của mình, mình chiêm nghiệm xem bài thơ đó có đúng với cuộc đời năm mới hay không. Nên người Phật tử ăn Tết thì lấy giáo lý làm niềm vui chính.

Việc đến chùa để hy vọng sự gia hộ của ơn trên là một điều có thật. Vì có nhiều người đã để ý thấy rằng, ví dụ mọi năm mình thường đi chùa, nhưng có năm đó bạn bè rủ mình đi du lịch chơi, mình đành lỡ hẹn với chùa, thì đúng là nguyên năm đó làm ăn vất vả, không suôn sẻ. Do vài năm chiêm nghiệm như vậy, mọi người mới giật mình nghĩ, đúng là đầu năm mà không đi chùa thì năm đó sẽ bị lận đận. Nghĩa là, thực sự có một sự nối kết tâm linh của ta với sự thiêng liêng của Đức Phật. Nên từ đó người ta mới bỏ hết những lần đi chơi bậy bạ, mà cứ cố gắng làm sao hễ đến ngày Tết là phải về được chùa, để thắp nhang, lễ Phật, thì năm đó thấy bình an hơn.

Và thấy cũng chưa chắc chắn, nhiều người còn đến chùa xin cúng sao nữa, vì họ cho rằng mỗi năm mình có một loại sao chiếu mạng, mà nhằm cái năm lỡ sao đó là sao xấu, thì mình phải nhờ cúng giải sao xấu đi. Tức là cái số thì cho ta cái sao xấu, nhưng mà nhờ quý thầy, nhờ thần lực của Phật, có một cái lực khác che sao xấu, thế là nó không chiếu tới, thì đời mình đỡ khổ. Còn nếu sao sáng nó chiếu, như sao Thái Dương chiếu vô thì đời mình sáng thêm. Đó là niềm tin do thầy bói vẽ vời ra thêm.

Tuy nhiên, có một sự thật là trong những ngày mà ta nghĩ là vui nhất, thiêng liêng nhất, ta không bỏ phí ngày đó đi vào thế gian tầm thường, mà ta dành những ngày đó cho Phật, thì cuộc đời ta được nhiều may mắn, đó là điều hiển nhiên. Và khi ta ăn Tết bằng đạo lý, bằng niềm vui cao thượng như vậy, tự nhiên cái hưởng Tết của ta bước lên một cấp độ khác, và ta cũng là một con người bước lên một cấp độ khác, không còn tầm thường nữa.

Chúng ta hãy nghĩ một con người mà nếu ngày Tết vui không biết làm gì, cứ rủ bạn bè tới nhậu với đánh bài, và một người khác ngày Tết vui đi chùa, lễ Phật, thì trong năm đó, hai hạng người đó, người nào sẽ sống tử tế, uy tín hơn với cộng đồng ? Rõ ràng là người đi chùa, phải không ? Nghĩa là ngày Tết, họ dành cuộc đời họ cho chùa thì bảo đảm rằng họ biết kiểm soát con người họ, kiểm soát hành động, lời nói của họ, chắc chắn trong năm họ là một người đàng hoàng, mẫu mực.

Và cứ một năm trôi qua, họ lại tăng uy tín với cộng đồng của mình, với người thân, với gia đình, với bạn bè, với đồng nghiệp. Còn những người mà đầu năm cứ dành thời gian để uống rượu, đánh bài, thì bảo đảm là năm đó thế nào cũng sơ suất, làm bậy, uy tín mình lại giảm xuống. Nên rất tán thán quý Phật tử những ngày Tết thế này mà đến chùa để tìm niềm vui cao thượng …

Cố tìm lỗi sai của người khác, cũng giống như đem rác về cất trong nhà

(Sưu tầm)

Kỳ thực, cuộc đời này ngắn lắm, con người chẳng thể quyết định được mình sống bao lâu, nhưng có thể tùy ý sử dụng chiều sâu của sinh mệnh, thế nên hãy nhìn thế giới một cách thông suốt, giữ cho tâm bình thản chớ nên phán xét, soi mói những sai lầm của người khác.

Câu chuyện kể về một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc hai vợ chồng ăn điểm tâm, người vợ thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi. “Tấm vải bẩn thật – cô vợ thốt lên – bà ấy không biết giặt, có lẽ bà ấy cần một loại xà phòng mới thì giặt sẽ sạch hơn”.

Khi ấy, người chồng nhìn thấy nhưng vẫn lặng im. Thế rồi, vẫn những lời bình phẩm ấy cứ thốt ra từ miệng cô vợ mỗi ngày, sau khi nhìn thấy bà hàng xóm phơi đồ trong sân. Một tháng sau, vào một buổi sáng, người vợ ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cô nói với chồng: “anh nhìn kìa, bây giờ bà ấy đã biết cách giặt tấm vải rồi, ai đã dạy bà ấy thế nhỉ ?”. Lúc này, người chồng đáp: “không, sáng nay anh dậy sớm và đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy”.

Thực ra mỗi người trong chúng ta, ai cũng đều giống như cô vợ trong câu truyện kia. Chúng ta đang nhìn đời, nhìn người qua lăng kính loang lổ những vệt màu của cảm xúc, bám dày lớp bụi bặm của thành kiến và những kinh nghiệm thương đau. Chúng ta trở nên phán xét, bực dọc và bất an trước những gì mà tự mình cho là “lỗi lầm của người khác”. Một điều dễ thấy là khi tâm trạng vui vẻ, chúng ta nhìn ai cũng thấy dễ chịu, gặp chuyện gì cũng dễ tha thứ. Chúng ta có thể mỉm cười trước những trò nghịch ngợm của lũ trẻ, đủ sự khoan dung và tha thứ để nhẫn nại một lời nói khó nghe, những chuyện tưởng chừng khó chấp nhận, thì chúng ta cũng dễ dàng thỏa hiệp. Những lúc ấy, dường như cả thế giới đều trở nên hòa ái, mọi chuyện trôi qua một cách nhẹ nhàng. Thế mà, chỉ cần một chút lo lắng dâng lên trong lòng, những muộn phiền về quá khứ, nỗi sợ hãi về tương lai sẽ lập tức khiến cho cái thế giới vốn đang đẹp đẽ kia liền biến thành một chốn đầy những chuyện xấu xa, phiền phức. Khi ấy những tiếng hò hét cười đùa của lũ trẻ sẽ trở thành những âm thanh khó chịu, một lời nói không vừa ý dễ dàng khiến cho ta sân si giận hờn hoặc tổn thương, những chuyện nhỏ mà lúc bình thường không đáng bận tâm, bỗng trở thành một nỗi phiền não quá sức chịu đựng.

Thực ra, không phải là thế giới có vấn đề, hay người khác quá sai, mà vấn đề nằm chính ngay ở tâm ta. Khi nhìn đời bằng cái tâm có vấn đề, mang đầy những cảm xúc và thành kiến tiêu cực, thì chúng ta thấy ai cũng thành sai quấy, đụng chuyện gì cũng hóa tổn thương. Ở đời, con người luôn có hai xu hướng: nhìn những thứ mình thích, những người mình thương với cặp mắt kính màu hồng, và ngược lại, nhìn những việc mình không muốn, những người mình không ưa bằng chiếc kính tiêu cực màu đen.

Do thói quen phóng đại mọi ưu điểm của những người mình thích, họ trở nên quá lung linh, quá tuyệt vời trong cảm nhận của chúng ta. Mỗi lời họ nói, mỗi việc họ làm đều khiến chúng ta xem là chân lý, ngay cả lúc họ sai, chúng ta cũng khó lòng nhìn thấy và nhận ra cái sai của họ. Chẳng hạn những cặp đôi khi mới yêu nhau, thì riêng đối với họ, đối phương luôn đẹp đẽ, dễ thương và toàn ưu điểm. Nếu chẳng may phát hiện đối phương làm chuyện không tốt, thì chúng ta vẫn thừa khả năng và đủ lý lẽ để tự huyễn hoặc bản thân rằng họ không sai. Dĩ nhiên, chính do cặp mắt kính màu hồng đã khiến cho cách nhìn của chúng ta hóa ra lệch lạc, chúng ta không thấy được mọi người đúng với bản chất chân thực như họ vốn là vậy. Để rồi khi sự yêu thích bên trong giảm dần theo năm tháng, thì hình tượng huyễn hoặc trong lòng cũng theo đó mà sụp đổ. Chúng ta sẽ nhìn thấy ở đối phương ngày càng nhiều lỗi lầm và khuyết điểm, chúng ta trở nên hoang mang đau khổ, đến nỗi hoài nghi ngay cả chính bản thân mình. Điều tương tự cũng xảy ra đối với những người bị chúng ta coi thường, chỉ trích. Chúng ta xé to những sai lầm của họ, đi rêu rao những khuyết điểm mà chúng ta cho rằng thật khó chấp nhận làm sao. Rồi đến một thời điểm nào đó, những người mà trong tâm trí ta vẫn xem như kẻ thù, lại sẵn sàng giúp đỡ và tử tế, thì liệu chúng ta có thể xem như không chút hổ thẹn với lương tâm ?

Khi nói ra lỗi lầm ở người khác, chúng ta vô tình truyền sang người nghe những cảm xúc tiêu cực, bất an. Dòng tâm thức của chúng ta cũng trở nên lộn xộn, đầy những rắc rối y như câu chuyện mà mình đang kể. Theo đó, ấn tượng mà ta để lại trong lòng những người khác chỉ là những cảm giác tiêu cực, để rồi một cách rất tự nhiên, họ sẽ áp dụng đúng sự phê phán, soi xét đó trở lại cho ta.

Hai thái cực nói trên, kể cả việc phóng đại những điều mình thích và phản ứng kịch liệt với điều mình không ưa, nói chung đều là những cách nhìn thế giới còn chưa đúng đắn. Nên chăng, chúng ta hãy dùng cặp mắt sáng suốt của trí tuệ, dùng tâm thái thiện lương để nhìn nhận cuộc đời. Có thể thấy, thời gian đã làm cho chúng ta mất đi cái nhìn trong sáng về thế giới, đánh mất những rung cảm hạnh phúc trước cuộc sống vốn đầy mầu nhiệm và bình an. Chúng ta không có thời gian dừng lại để lắng nghe bản thân và chăm sóc chính mình, mà cứ mải chạy rong ruổi theo những suy nghĩ đúng sai, phải quấy về cuộc đời và về người khác.

Xét cho cùng, lỗi sai dù của ai đi chăng nữa, vốn chẳng hề ảnh hưởng đến tư cách và phẩm chất của chúng ta. Chắc chắn, nó không làm cho chúng ta trở nên đẹp đẽ gì hơn khi phê phán người khác. Mà chính thái độ tiêu cực, thói quen chỉ trích mới khiến chúng ta mắc lỗi với bản thân mình và trở nên xấu đi trong mắt của mọi người. Tìm lỗi của người khác, là tự mang rác rưởi của họ về cất trong nhà. Mỗi phút chúng ta để tâm đến chuyện không tốt, thì mất đi một phút vui vẻ không thể lấy lại. Cuộc đời ngắn ngủi lắm, sẽ chẳng ai có khả năng và trách nghiệm níu giữ cho ta những thời khắc sinh mệnh đang vùn vụt trôi qua. Vậy chúng ta có còn muốn phí hoài cuộc sống để đi phán xét những sai lầm của người khác ? Cách mà chúng ta nhìn người khác, thực ra là đang phản ánh nội tâm của chính mình. Một người đang túng thiếu sẽ thấy khó chịu với những ai dư giả. Một người sân hận sẽ luôn thấy người khác công kích và chọc tức mình. Một người không thành thật sẽ thấy mọi người đầy gian trá.

Hầu hết những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực đó, đều khởi sinh từ một tâm thức thiếu bình an. Nên điều mà chúng ta cần làm, là quay trở vào bên trong để nuôi dưỡng mảnh đất tâm mình vốn đang ngập đầy giông bão. Bao nhiêu người trong số chúng ta vẫn đang hằng ao ước có được “một chiếc vé đi tuổi thơ” ? Đã bao lâu rồi chúng ta không thể nở một nụ cười trọn vẹn ?

Con người luôn khao khát có được chút hồn nhiên, trong trẻo như trẻ nhỏ, để có thể dễ dàng hạnh phúc và dễ dàng thứ tha. Nhưng tại ai đã làm cho chúng ta ngày càng trở nên khô cằn, nóng nảy và bất hạnh ? Do ai đã khiến chúng ta luôn cô đơn, lạc lõng ngay chính trong gia đình mình, giữa bạn bè mình và bên cạnh hàng tỷ người trên trái đất này ? Là do con người cố chấp mà đeo lên những cặp kính đầy phiền não, những cặp kính sai lầm ngăn cách chúng ta với hạnh phúc hiện tại. Chỉ cần một lúc nào đó đủ dũng cảm tháo bỏ cặp kính ấy đi, thì cuộc đời sẽ hiện ra tươi mới, thế giới sẽ là chỗ để chúng ta trải nghiệm phúc lạc đủ đầy.

Ngày xuân đọc thơ thiền

(Thích Tánh Tuệ)

Ngày xưa Thiền sư Quang Giác nhân khi mùa xuân đến, thì nhớ lại ngày nào mình vẫn còn niên thiếu mà bây giờ tuổi đời đã bảy mươi, thời gian trôi quá nhanh như dòng nước chảy, và vấn đề sinh tử là một vấn đề mà con người không thể nào tránh khỏi. Ngài viết:

“Khứ niên phùng thanh xuân
Châu nhan ánh đào lý
Kim niên phùng thanh xuân
Bạch phát yểm song nhỉ
Nhân sanh thất thập niên
Tất nhược đồng lưu thủy
Bất liễu bản lai tâm
Sanh tử hà do ly”

Dịch:

“Năm trước gặp thanh xuân
Má hồng khoe đào lý
Năm nay gặp thanh xuân
Tóc bạc đầy cả mái
Người đời tuổi bảy mươi
Nhanh như dòng nước chảy
Chẳng ngộ tâm xưa nay
Sanh tử làm sao khỏi”
(Thích Thanh Từ thiền sư dịch)

Trong những ngày đầu năm, người đời ai gặp nhau cũng đều chúc những lời tốt lành cho năm mới, có khi người ta lại chúc thọ, giả dụ như “chúc Cụ được thêm một tuổi thọ”. Nói cách khác, người đời đã nghĩ theo hướng cộng thêm một tuổi thọ trong việc chúc tụng vào đầu năm. Nhưng các vị thiền sư thì lại có cách nhìn ngược chiều với người đời, các Ngài nghĩ rằng mỗi khi Tết đến, mỗi khi Xuân về, là con người mất đi một năm sống, mạng sống giảm dần, vì vậy đã thốt lên: “chẳng ngộ tâm xưa nay, sanh tử làm sao khỏi”.

Người ngộ được bản thể của tâm, chính là người tìm thấy được mùa xuân miên viễn.

Xuân trên xứ Phật

- Thích Tánh Tuệ
- Bodhgaya India - Xuân 2012



Xuân trên xứ Phật không Mai nở
Đâu biết mùa xuân nữa lại về
Sáng nay ... ngồi đếm từng hơi thở
Nghe lòng gờn gợn ... chút xuân quê

Thoáng đã năm năm trên đất Phật
Nào thấy Mai, Đào khoe sắc xuân
Mùa đông buốt lạnh còn say giấc
Nên ngỡ ngày xuân vẫn mịt mùng

Khuya Ba Mươi Tết không nghe pháo
Nửa đêm đồng vọng tiếng chuông chùa
Ngoài kia làng mạc mờ hư ảo
Ôi đời ... chìm đắm mãi trong mơ

Thuở còn thơ dại chờ xuân đến
Bấm đốt bàn tay tính mỗi ngày …
Nay quá nửa đời, thôi ngóng đợi
Mà từng xuân đến vội, không hay !

Dòng đời vẫn mệt mài trôi mãi
Xua buổi xuân thì đi rất xa
Đưa tay níu áo thời gian lại
Quay mặt, người ơi … một tuổi già

Xuân về, xuân cứ khoe hoa thắm
Cửa thiền yên lặng ngắm xuân sang
Hương xuân nhân loại hồn say đắm
Nên nẻo hoàn nguyên bước lỡ làng

Đầu năm, pha một chung trà nhạt
Đốt nén trầm hương cúng Phật đà
Dâng chút “lòng thành” tuy “lễ bạc”
Cùng Người, con tiễn một năm qua

Dẫu biết xuân về trong cõi mộng
Vẫn nguyện đời an lạc, thái bình
Vén rèm xuân thấy đời hư vọng
Quay về Tỉnh Thức, dứt phiêu linh

Vấn đề khổ, vui

- Thích nữ Trí Hải
- Trích “Bóng Nguyệt Lòng Sông”



Có những tôn giáo ca tụng khổ đau như phương tiện duy nhất để đạt đến giải thoát, do đó mà có những trường phái khổ hạnh ép xác, nằm gai nếm mật ... trong nhiều tôn giáo khác nhau. Bởi vì họ cho chính thân xác này là nguồn gốc của tội lỗi, nên muốn chuộc tội thì phải hành phạt nó cho xứng đáng. Và tội lỗi đây là tội đối với thần linh, đối với những nhân vật vô hình mà họ nghĩ có rất nhiều quyền uy, và cũng như con người, có thương có ghét, đầy đủ thất tình lục dục, hăng say thưởng thiện phạt ác.

Khuynh hướng tôn thờ đau khổ còn được tìm thấy trong một số triết gia, thi sĩ, văn sĩ lãng mạn ở mọi thời, mọi xứ. Những người này cho đau khổ như nguồn thi hứng bất tận giúp họ sáng tác, do đó họ đi tìm đau khổ, đào bới cho ra khổ đau, để tìm trong đó một độ sống nồng nàn giữa cuộc đời nhạt phèo vô vị. Cái khuynh hướng tầm cầu khổ đau ấy đã đẻ ra những văn nghệ sĩ than mây khóc gió, “không ốm mà rên”.

Khuynh hướng ấy theo phân tâm học ngày nay là một thứ tâm bệnh, bệnh “tự hành khổ” (masochism). Như S. Freud mô tả, hạng này luôn luôn cho mình thấp kém, tội lỗi, xấu xa, gán hết tất cả những gì tốt đẹp, thánh thiện, thanh cao cho một đấng tối cao, rồi quỳ lạy trước đấng ấy để van xin lại một chút ân sủng, một chút ánh sáng (mà họ đã gán cho vị ấy). Freud đi đến kết luận rằng, tôn giáo thần quyền là một hình thức tâm bệnh tập thể.

Đức Phật không chủ trương rằng đau khổ đem lại giải thoát. Nếu khổ đưa đến giải thoát thì chúng sinh ở địa ngục ngạ quỷ đáng lẽ được thành Phật trước hơn ai cả, và trâu-bò-lừa-ngựa sẽ giải thoát trước cả chúng ta, bởi vì chúng kéo cày chở nặng suốt đời. Ngài cũng không tuyên bố rằng chỉ có vui mới đem lại giải thoát. Nếu vui có thể đem lại giải thoát, thì chúng ta nên bỏ hết thời giờ để theo đuổi các thú vui cho thỏa thích.

Trái lại, Phật phân tích hai loại khổ, hai loại vui. Có cái khổ hiện tại đưa đến tương lai cũng khổ, cái khổ ấy ta nên tránh. Đó là những khổ hạnh theo tà kiến, như cẩu hạnh, ngưu hạnh (làm như trâu, làm như chó với hy vọng như thế sẽ được sanh lên trời). Đó là những nghiệp bất thiện của thân, miệng, ý hiện tại bị người có trí quở trách, tương lai bị sinh vào địa ngục. Nhưng có loại khổ hiện tại mà đưa đến vui tương lai, cái khổ ấy ta không nên tránh mà hãy vượt qua. Đó là nỗi khổ của người bình sinh có nhiều tham, sân, si, khi biết đạo, bắt đầu tu tập, phải cố gắng nhiếp phục chúng. Nỗ lực nhiếp phục những tánh xấu nơi mình cố nhiên là một nỗi khổ, nhưng cái khổ ấy ta cần phải vượt qua. không thể vì khổ mà ta không cố gắng, để cho các thói xấu tiếp tục làm chủ mình.

Vui cũng vậy, có hai loại vui. Có cái vui hiện tại đưa đến khổ tương lai, vui ấy ta nên tránh. Như cái vui của sự phóng túng không theo giới luật, cái vui của kẻ làm ác mà vênh vang tự đắc (gọi là tà mạn hãnh diện về việc ác). Đó là những cái vui của vô minh, sẽ đưa đến tương lai khổ, khi hành vi tội ác bắt đầu kết quả. Nhưng ngược lại, có cái vui của hiện tại đưa đến tương lai cũng vui, cái vui ấy ta nên thực hiện, và thực hiện nhiều lần. Đó là niềm vui do các việc lành đem lại, do bố thí, trì giới, nhẫn nhục, do không tham, không sân ... đó là cái vui không còn bóng dáng đau khổ, gọi là “hỷ lạc do ly dục sanh” ở cảnh giới sơ thiền sau khi gột sạch năm triền cái, phát sanh năm thiền chi (tầm, tứ, hỉ, lạc, nhất tâm) cái vui ở cảnh giới nhị thiền (hỷ lạc do định sanh), tam thiền (xả niệm lạc trú) và tứ thiền (xả niệm thanh tịnh). Đó đều là những niềm vui của tịch diệt.

Nói tóm lại, Đức Phật không chủ trương nên vui hay nên khổ trên phương diện cảm thọ, nghĩa là vui khổ trong vòng sống chết. Đúng hơn, Ngài khuyên chúng ta hãy tránh những khổ vui nào đưa chúng ta càng ngày càng xa sự giải thoát, và đừng tránh những khổ vui nào đưa ta tới gần giải thoát, niết bàn, là cái vui tối thượng một cảm thọ siêu thoát ngoài khổ vui thế gian.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|92|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

Tâm bao dung của người đời nhiều khi chỉ nhỏ được như chiếc lá, không gói hết nổi một vết thương; lắm lúc mỏng như sương khói, không che kín được một nỗi buồn; và chẳng mấy khi rắn được như đá, để chồng lên, nối lại, xếp cạnh nhau, làm thành một con đường bắc qua sông, để sang đến được bờ bên kia. Nên dù biết bờ bên kia là vui, bờ bên kia là an, nhưng chẳng mấy người đến được, do gom góp cả đời cũng không đủ tâm từ bi để làm cho mình một con đường bắc qua sông, bắc qua những nông sâu của cuộc cuộc sống, bắc qua những sân si tật đố tị hiềm của lòng người, mênh mông như dòng sông rộng không bờ ngày mưa lũ.

Chỉ thôi từ bi với mình một lát, đã nghe lòng quá đa đoan.

Chỉ thôi từ bi với người một lát, đã thấy lòng người quá lạnh.

Chỉ thôi từ bi với cuộc sống một lát, đã thấy đường trần dài dằng dặc lắm gian truân.

Thêm một chút từ bi, thêm một chút từ bi, thêm một chút từ bi nữa, mọi bão giông đều có thể trở thành bình yên. Bình yên sẽ trở về trong tâm, trong mắt của một người bắt đầu biết từ bi với mọi thứ.

Nếu không bước đi, chúng ta luôn đứng mãi một chỗ. Nếu không thể từ bi, chúng ta luôn đứng mãi trong nỗi buồn.

Người an.



Phong thủy đời người

(Sưu tầm)



Đôi vợ chồng cự cãi, hục hặc hoài. Chị vợ đi coi bói, thầy bói nói:

- Cây đòn dông nhà đối diện đâm nhà bà nên gia đạo bất an.

Chị về treo kiếng chiếu yêu để tà khí chiếu nhà kia. Chị còn rước thầy pháp cúng, yểm ... và làm nhiều chuyện bất thiện theo lời chỉ bảo của thầy pháp. Ấy vậy mà gia đạo vẫn như cũ. Có người thân tín bảo chị rằng:

- Tâm đã bất an, làm chuyện chẳng lành, tin lời vô đạo ... thì làm sao gia đạo an được ?

Trong phong thủy, “phúc nhân cư phúc địa” nghĩa là người nếu như có phúc thì chỗ ở của người đó nhất định là phúc địa. Nếu chỗ ở của bạn vốn dĩ không phải là phúc địa thì bạn cũng có thể ngụ ở đó và biến nó thành phúc địa. Cho nên, quan trọng nhất của phong thủy chính là tự mình phải thay đổi, chính mình cải biến, khi sửa đổi tâm mình thì các loại vấn đề của phong thủy nếu như vốn trước đó không thuận lợi cũng sẽ tự nhiên mà tiêu mất.

Xưa nay mọi người đều biết phong thủy ảnh hưởng đến con người, nhưng lại có rất ít người biết rằng CON NGƯỜI CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG VÀ HÌNH THÀNH PHONG THỦY. Nói như nhà Phật là Chánh Báo ảnh hưởng và hình thành Y Báo. Người thích nỗ lực cố gắng, phúc báo càng ngày càng nhiều.

Thích cảm ơn, thuận lợi càng ngày càng nhiều.
Thích oán hận, phiền não sẽ càng ngày càng nhiều.

Thích hài lòng, thư thái càng ngày càng nhiều.
Thích trốn tránh, thất bại sẽ càng ngày càng nhiều.

Thích chia sẻ, bằng hữu càng ngày càng nhiều.
Thích tức giận, bệnh tật càng ngày càng nhiều.

Thích lợi dụng, bần cùng càng ngày càng nhiều.
Thích bố thí, phú quý càng ngày càng nhiều.

Thích hưởng thụ, thống khổ càng ngày càng nhiều.
Thích học hành, trí tuệ càng ngày càng nhiều.

Một cuộc sống hạnh phúc sung sướng thật sự, không có gì ngoài “tích đức tạo phúc”. Tâm tốt, sống tốt … thì phong thủy, vận mệnh sẽ tốt theo vậy.

Tâm thiện, tâm thiền

(Ts. U Jotika)

Buổi sáng vừa thức dậy hành thiền một chút trong tư thế nằm, rồi ngồi dậy và tiếp tục ngồi thiền ngay tại chỗ, ở trên giường. Bạn có thể vệ sinh thân thể sau. Ngay khi vừa tỉnh dậy là ngay khi đó bạn hãy chánh niệm, ghi nhận, tự biết mình.

Khi đã duy trì được đà chánh niệm liên tục và thành công trong một thời gian nào đó, thì một nội tâm trong sáng, thuần tịnh, an lạc và tĩnh lặng sẽ bắt đầu đến với bạn.

Bắt đầu một ngày mới bằng một tâm thiện, một tâm thiền, đó quả là một điều phúc lạc thực sự, quả là chân hạnh phúc cho đời. Bạn chưa rửa mặt ư, cũng chẳng sao cả. Cái tâm còn quan trọng hơn việc ấy nhiều.

Một bước chân

(Thích Tâm Nguyên)

Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân đi. Bởi vậy hãy bước về phía trước, mở rộng lòng ra, rồi đất trời mênh mông sẽ ôm lấy tất cả tin yêu trong bạn.

Vài món tư lương mang theo trong đời sống

(Sưu tầm)


Trên đường đạo hay đường đời, người có trí thường trang bị cho mình chữ “Tự”:

- Tự khóc tự lau, tự đau tự chịu

- Tự bước đi trên con đường của mình

- Tự đứng lên sau vấp ngã

- Tự lập trong cuộc sống khó khăn này

- Tự biết lỗi và tự độ, tự giác


Quần áo rách có thể vá. Nhà cửa hỏng có thể sửa chữa. Chỉ có niềm tin tưởng của người khác dành cho bạn, một khi đã mất rồi thì thật rất khó khăn mà hồi phục lại.


Những bài học quí báu nhất thường đến từ những khoảng thời gian tồi tệ nhất.


Dù biết mình không làm sai nhưng vẫn hạ cái tôi xuống để nói câu xin lỗi, vì hiểu rằng bầu không khí an hòa quan trọng hơn chuyện ai đúng, ai sai.


Cho dù bạn có tốt đẹp đến mức nào thì ở sau lưng sẽ luôn có người nói này nói nọ. Hãy lắng nghe thật cẩn thận cách mà một người nói về người khác trước mặt bạn. Vì đó là cách mà họ sẽ nói về bạn trước mặt người khác.


Dù ở trong một cuộc giao tiếp ngắn hay dài, người thực sự thông minh dùng tâm thái sẵn sàng lắng nghe để bắt đầu, chứ không phải tâm thái sẵn sàng nói để bắt đầu. Người thực sự thông minh là người sẵn sàng lắng nghe, quan sát tính cách của đối phương, để từ đó hiểu được trạng thái cuộc sống và tâm ý của đối phương.


Trước khi định nói điều gì
Ta nên học hạnh nhu mì lắng nghe
Trước khi chỉ trích, cười chê
Ta nên nhìn lại tự phê phán mình
Thơ Thích Tánh Tuệ



Đời là bể khổ hay … bể sướng ?

(Sưu tầm)



Bên tách trà, một học giả chia sẻ quan điểm của mình với nhà sư:

- Với tôi, đời không phải bể khổ mà là bể ‘sướng’, vấn đề là phải biết suy nghĩ cho đúng.

Nhà sư:

- Muốn biết sướng hay khổ hãy vào nhà thương, hãy ra nghĩa địa mà suy nghĩ.

- Suy nghĩ gì thưa sư ?

Như sư khẩn khoản:

- Nghĩ rằng ... trên đời chỉ có kẻ khờ mới tin rằng mình và những người thân của mình không bao giờ phải nằm những chỗ ấy. Vả lại, ông cứ đến những người đang đau khổ vì tai nạn, vì tật bệnh, vì chết chóc mà nói ... đời là bể ‘sướng’ có khi còn bị chửi đấy.

Nhà học giả:

- Chửi thật ! Nhưng ... đó là duyên nghiệp của mỗi người. Muôn vật duy tâm tạo.

Sư nhấp ngụm trà:

- Cho dù là duyên nghiệp, và cho dù cái nhìn của ông thấy … đời là bể ‘sướng’, nhưng ông ‘sướng’ cả trên nỗi đau của người khác là vô cảm, dù có suy nghĩ ‘đúng’ chỉ là cái đúng hời hợt. Tôi hỏi ông, sanh – già – bệnh – chết – sầu – bi – khổ – ưu – não cũng là sướng ư ?

- Thưa sư, nhưng “sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc … vô khổ tập diệt đạo”.

- Này ông bạn, sù miệng ông nói “vô khổ, hữu sướng”, nhưng tôi và những người khác thấy sanh già bệnh chết “hữu khổ, vô sướng”. Ông có quyền thấy đời là sướng, nhưng sướng cả trên những nỗi đau của người khác là vô tình, là vô tâm, ông hiểu không. Thái tử Siddartha đi dạo bốn cửa thành thấy cảnh khổ Ngài có cảm giác ‘sướng’ chăng ?

- Nhưng thưa sư, Ngài cứ “đau nỗi đau này đời”, làm sao diệt được khổ cho mình ?

- Trái lại là đằng khác. Ông không thấy khổ thì làm sao diệt được khổ; không thấu cảm nỗi đau cuộc đời, làm sao nỗ lực cứu đời ? Ông tránh đối diện với cuộc đời bằng cách tô màu lên chúng, biến chúng thành những cái ‘thú đau thương’, cho đó là hạnh phúc, thì làm sao hiểu được con đường diệt khổ ?

- Thưa sư, muốn hiểu phải thế nào ?

- Phải thấy khổ trước. Ông phải thấu nỗi khổ của mình để không tự đánh lừa chính mình bằng những hạnh phúc giả tạo, từ đó mới nỗ lực cứu mình. Ông phải thấu nỗi khổ của người để không làm khổ người nữa, mới nỗ lực cứu người. Thấy đời khổ để rồi mình khổ theo là kẻ vô trí. Thấy đời khổ mà mình vẫn sướng là kẻ vô tâm. Thấy đời khổ để rồi giúp mình và người cùng thoát khổ mới là bậc hiền trí đại tuệ.

- Sư nói cứ như triết gia ấy.

- Triết gia chỉ có nói thôi mà không tu. Muốn thoát khổ là tu thôi, không lý thuyết suông. Và chỉ nói những khi cảm thấy cần nên nói. Mô Phật ~

Vừa xấu xa nhất cũng vừa tốt đẹp nhất

(Thiện Ngữ)

Chuyện kể rằng: một ông vua nọ muốn tìm người tài đức làm cố vấn cho mình nên ra một chiếu chỉ cho toàn dân như sau: “ai tìm được vật gì xấu xa nhất thế giới đem về cho trẫm thì sẽ được trọng thưởng”.

Thời gian qua đi, không người nào làm vua vừa lòng. Một hôm, có một thầy đồ xin vào dâng vua vật xấu nhất thế giới mà ông ta tìm được. Khi vua thấy ông ta vào diện kiến mình với đôi bàn tay không thì hỏi: nhà ngươi tìm được cái gì thế, ta chẳng thấy gì cả”, thầy đồ thưa, “tâu bệ hạ, đây ạ”.

Nói rồi thầy đồ lè lưỡi của mình ra. Nhà vua hoang mang không hiểu nên ra lệnh thầy đồ giải thích. Thầy đồ thưa:

- Tâu bệ hạ, cái lưỡi của kẻ hèn này là vật xấu xa, đê tiện nhất. Lưỡi của hạ thần có thể làm được nhiều chuyện kinh khủng, kể cả giết người. Cái lưỡi của thần nói xấu về người khác, làm chứng dối để người vô tội bị hàm oan. Lưỡi của thần có thể giúp thần ăn uống phè phỡn thừa mứa đến nỗi thân xác thần bị bệnh. Và còn nhiều điều xấu xa khác mà cái lưỡi có thể làm. Vậy tâu bệ hạ, chẳng phải cái lưỡi là vật đê tiện xấu xa nhất đó sao ?”.

Nhà vua vui lòng với cái nhìn sâu sắc và giải thích rõ ràng của thầy đồ, nhưng vua lại ra lệnh cho thầy đồ một việc mới: “vậy ngươi hãy đi tìm cho trẫm một vật tốt đẹp nhất trên đời”.

Thầy đồ cáo lui, xin đi. Một thời gian ngắn sau, thầy đồ trở lại với hai bàn tay không. Nhà vua hỏi: “vật tốt nhất thế gian đâu ?”, một lần nữa, thầy đồ lại lè lưỡi mình ra, nhà vua hỏi, “nhưng cái lưỡi lại có thể vừa là vật xấu nhất và là vật tốt đẹp nhất sao ?”, thầy đồ thưa:

- Dạ vâng, tâu bệ hạ, cái lưỡi của thần là sứ giả của tình yêu nói những lời dịu dàng an ủi người đau khổ, nói những điều vui tươi đầy hy vọng nâng đỡ người bi quan chán sống. Chỉ có cái lưỡi mới có khả năng diễn tả thơ văn, ca hát. Cái lưỡi của thần giúp thần chọn lựa thức ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng cho sức khỏe. Và trên hết mọi sự, cái lưỡi của thần cho phép thần nói những lời chúc tụng, ca ngợi đức vua.

Kết quả thế nào thì chúng ta đều có thể nhận ra được, là chính nhà vua ban tặng chức cố vấn hoàng gia cho ông thầy đồ vừa thông minh vừa đạo đức ấy.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|91|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Chiếc muỗng múc thuốc, múc đến hỏng cũng không biết được mùi vị của thuốc là gì. Có người, gần gũi người Thầy cả đời vẫn không học được gì, mãi làm người lạc lối, vẫn không được bình yên”.

Có kẻ bị cuộc sống cuốn trôi đi, may mắn cầm được sợi dây, níu lại, nhưng khi bị tuột đến cuối dây, lại không biết buộc ở cuối sợi dây ấy một nút, để có thể cầm sợi dây được chắc chắn hơn. Cuối cùng, đã cầm được sợi dây trong tay nhưng vẫn phải làm người chìm nổi. Tiếc.

Nắm được sợi dây trong một ngày chìm nổi là quan trọng, gặp được một người Thầy tốt, có được một người bạn lành ... trong một lênh đênh là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là khi gút lại được một điều gì đó từ những lời dạy của người Thầy để sống, rồi thấy mọi chuyện trắc trở trong cuộc đời nhẹ như gió như mây. Bằng không, sợi dây có bền chắc đến đâu cũng không còn quan trọng nữa khi đôi tay không đủ lực và không biết cách để cứu được chính mình, và người Thầy có thông thái đến đâu cũng không còn quan trọng nữa khi người học trò vẫn chưa chịu dốc hết lòng để thương lấy mình.

Không ai chỉ ngồi ngoài gió mưa nhìn ngôi nhà mà hết lạnh, dù ngôi nhà đó là của họ.

Cuộc sống chưa bao giờ nương tay cho bất kì một người nào với lí do kẻ ấy có được một người thầy giỏi.

Người an.



Uống trà với Phật

(Thích Tánh Tuệ)



Phật ở nơi đâu ? - Ở mắt nhìn
Ánh nhìn bi mẫn khắp hàm linh
Muôn loài hiện hữu trong trời đất
Một dòng máu đỏ với con tim

Phật ở nơi nào ? - Nơi thế gian
Giữa nghìn biến động vẫn khinh an
Nhân sinh mở mắt, thường say mộng
Phật khép làn mi, biết rõ ràng

Tìm Phật nơi nào ? - Nơi cõi mê
Trăng lòng chưa rạng bởi mây che
Chỉ trong Giác Niệm xoay nhìn lại
Thoáng chốc đài Liên đã cận kề

Phật ngự nơi nào ? - Nơi đổi thay
Mà Thương, mà Hiểu vẫn đong đầy
Mở lòng phụng sự cùng nhân loại
Đâu ngờ ... Phật hiện giữa đôi tay

Ai biết tận tường lẽ sắc, không
Không còn kiếm Phật khắp Tây, Đông
Bỏ buông chấp thủ, đời vô ngã
Trọn chén trà vui với Phật lòng ...

Youth & Wisdom

(Winston Churchill)

When youth departs, may wisdom prove enough.

╰▶ Khi tuổi trẻ bắt đầu, trí tuệ (sáng suốt - khôn ngoan - hiểu biết) có thể được chứng minh đủ.



Tuệ ngữ

(Thiền sư Ajahn Chah)

Trong việc điều phục tâm, bạn không được dính mắc vào lời khen tặng lẫn sự chê trách. Muốn được khen và không bị chê là đường lối của thế gian. Đường lối của Đức Phật là chấp nhận sự khen tặng lẫn sự chê trách.

• Đau khổ nằm ngay tại đây, trong tâm của chúng ta, nó luôn làm cho sự việc phức tạp, làm cho tâm nặng nề. Nó sinh ra ở đây nhưng rồi cũng chết tại đây.

• Hãy nhìn thẳng vào những sinh khởi của tâm, chấp nhận chúng như thế đó, chúng chỉ là vậy thôi. Dầu xấu hay tốt hay bất cứ gì, chúng là thế thôi. Nếu bạn không dính mắc vào những sinh khởi này, chúng không trở thành điều gì khác hơn là bản chất tự nhiên của chúng. Nếu chúng ta dính mắc vào đó, chúng ta sẽ bị đau khổ.

Hãy cố gắng giữ tâm an trụ trong hiện tại. Bất kỳ tư tưởng gì hiện ra trong tâm bạn, bạn phải chú tâm ghi nhận nó. Những phóng tâm ấy sẽ tự động ra đi. Cũng đừng ao ước sẽ xua đuổi được chúng, cứ thực hành rồi bạn sẽ đạt được trạng thái tự nhiên. Cũng không nên có sự phân biệt giữa tốt và xấu, giữa nóng và lạnh. Chẳng có tôi, chẳng có anh, và chẳng có tự ngã gì cả. Chúng thế nào thì nhìn chúng thế ấy.



D.P.A (98)

(Ca dao Phật giáo)

Cha già là Phật Thích Ca
Mẹ già đích thị Phật Bà Quán Âm

Tụng Kinh để làm gì ?

(Thích Nhất Hạnh)

Tụng Kinh là để tưới tẩm những hạt giống hiểu biết và thương yêu có sẵn trong ta.

Tụng Kinh là một phần thực tập quan trọng, nhưng nó chỉ quan trọng khi ta tụng trong “Chánh Niệm” thôi.

Nếu tụng Kinh như một con vẹt, chỉ để ý tới âm điệu và tâm không duyên với “ý Kinh “ thì không có lợi lạc bao nhiêu. Có thể chúng ta đã tụng mười năm rồi mà vẫn chưa vỡ ra được, nhưng vào buổi tối đó, tụng một hồi tự nhiên vỡ ra và ta bắt đầu hiểu, ta phải kiên nhẫn lắm.

Mỗi lần tụng như là một nhát búa đập vào khối “si mê” của ta, lời giáo huấn của Đức Thế Tôn đi vào mỗi ngày một ít “soi sáng” cho ta. Một buổi tối đó, ta tưởng lần tụng này cũng như những lần tụng trước, nhưng không, lần tụng này làm vỡ khối si mê và tự nhiên ta “bừng sáng”. Đó gọi là “ngộ”. Mê nghe Kinh trọn kiếp, ngộ chỉ một “sát na”.

Niệm đâu tâm đó mới gọi “tụng” Kinh
Miệng đọc, Tâm tán ... chỉ là “đọc” suông
Hiểu được ý pháp, mới thấy Như Lai
Không nhập “tri kiến” đọc hoài uổng công



Hiểu đạo

(HT. Thích Thanh Từ)

Người chưa hiểu đạo khổ đủ thứ, người ta nói hơn mình một tiếng là chịu không nổi, bị lấn lướt một chút chịu không nổi, bị khinh một chút chịu cũng không nổi … cái gì cũng chịu không nổi hết, riết cả lồng ngực chứa đầy oán hờn thành ra bệnh tim, gần chết khổ sở vô cùng.

Hiểu rồi, chúng ta nhìn mọi thứ chỉ cười thôi, cái gì qua cho qua luôn, hơi đâu phiền giận, như vậy chúng ta thản nhiên tự tại, sống trong cuộc đời rất vui.



Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|90|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Một người nghĩ mình khoẻ mạnh, vung nắm tay muốn đấm vỡ tảng đá to, nhưng đá không vỡ mà tay bị giập nát. Một người ôm lòng sân si bất thiện muốn hãm hại người từ bi với cuộc sống, cũng giống như người cậy mình khoẻ mạnh, vung nắm tay muốn đấm vỡ tảng đá to, cuối cùng chỉ nhận tổn thương về mình”.

Khi ôm lòng sân si bất thiện hãm hại người, điều kẻ ấy muốn thấy nhất là được nhìn đối phương phải đau khổ, phải điêu đứng, phải rách nát tang thương, để vui. Nên khi nhìn thấy đối phương vẫn bình thản như không, kẻ ra tay hãm hại sẽ điên tiết đến cùng cực, những khổ đau, điêu đứng mà họ muốn đối phương nhận lấy cuối cùng trở về lại hết với mình, như khi vung tay cố sức đấm mạnh vào tảng đá to.

Với một người đã có thể mở rộng lòng ra nhân từ với cuộc sống, lòng họ đã an như đá và rộng như hư không, rộng như hư không mới có thể bao dung được mọi thứ, dù tròn hay khuyết, dù trắng hay đen, dù tốt hay xấu, như hư không bình thản ôm hết mọi thứ vào lòng.

Với một trái tim thực sự từ bi và thấu hiểu, sẽ biết cách buông xuống những thứ nặng nề.

Với một trái tim thực sự từ bi và thấu hiểu, luôn tìm thấy cách để cân bằng lại, không để mình liêu xiêu ngã đỗ.

Khi bị kẻ khác hãm hại, lầm lỗi là của họ, nhưng nếu chúng ta giữ mãi đau khổ trong lòng rồi phải phiền muộn rất lâu thì nhất định là lầm lỗi của chúng ta.

Người cuối tuần an.

Núi cũng an.



Lễ Phật thành đạo

(Thích Thông Huệ)

Hôm nay(mùng 8 tháng 12.âl)nhân ngày Phật thành đạo, tất cả Tăng Ni tụ hội về chánh điện lễ kỷ niệm Phật thành đạo. Chúng tôi nhận thấy người sau đặt nặng ngày Phật đản sanh hơn ngày Phật thành đạo. Ngày Phật đản sanh tất cả chùa chiền đều tổ chức huy hoàng, còn ngày Phật thành đạo thì im lặng đơn sơ.

Lý đáng người tu chúng ta phải thấy ngày Phật thành đạo là ngày tối quan trọng. Vì nếu không thành đạo, Đức Phật không thể giảng giải Phật pháp, giáo hóa chúng sanh. Như vậy ngày thành đạo là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tu tập của Ngài, mà cũng là ngày có ý nghĩa đối với muôn loài. Đó là ngày Đức Phật từ một con người thế gian trở thành xuất thế gian, từ con người mê thành con người giác. Vì vậy chúng tôi cho rằng ngày này hết sức trọng đại.


•••••••••••••••••••••••••••••••••••••••

THÀNH ĐẠO THEO TINH THẦN THIỀN TÔNG
(Thích Thông Huệ)

Sau khi vượt thành xuất gia, sa môn Cù Đàm trải qua nhiều năm tháng tầm sư học đạo và khổ hạnh nơi rừng già, mục đích tìm ra con đường thoát ly sanh tử. Ngài đã thọ giáo nơi các tiên nhân nổi tiếng như Kalama, Ramaputta, và đã đạt đến trình độ tâm linh như các vị ấy. Tuy nhiên, Ngài biết rằng ở cõi trời cao nhất là ‘phi tưởng phi phi tưởng’ cũng chưa phải là cứu cánh giải thoát, vì còn trong Tam Giới. Cuối cùng Ngài nhận ra rằng, chỉ nên tìm học ở ngay chính mình chứ không tìm cầu bên ngoài mà được. Miệt mài thiền định dưới cội Tất-bát-la (Bồ đề), Ngài chứng quả vị tối thượng vào đêm thứ 49, khi sao Mai vừa mọc. Từ đó, sa môn Cù Đàm trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và đêm lịch sử ấy được gọi là Đêm Thành Đạo.

Vậy thế nào là Thành Đạo ? Theo nghĩa thông thường, đạo là con đường, như độc đạo là con đường duy nhất, đạo cũng có nghĩa là đường lối, nguyên tắc mà con người có bổn phận giữ gìn và tuân theo trong cuộc sống xã hội. Trong tôn giáo, đạo vừa là một tổ chức, vừa là nội dung học thuyết của tôn giáo ấy như đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hồi … có tổ chức giáo hội và hệ thống giáo lý hướng dẫn môn đồ tu hành. Bài pháp đầu tiên Đức Phật dạy cho năm anh em Kiều Trần Như là Tứ Diệu Đế, trong đó chi phần sau cùng là Đạo Đế. Đạo cũng là phương pháp chân chính, có hiệu quả chắc chắn đưa hành giả đến cảnh giới an lạc, giải thoát sinh tử.

Với những ý nghĩa trên, Đạo bị lệ thuộc bởi ý thức nên vẫn còn trong vòng đối đãi. Ví dụ đạo làm người thay đổi theo tập quán của từng vùng miền, theo từng thời kỳ, từng xu hướng xã hội. Như ở các nước phương Tây, con đến tuổi thành niên thường ra ngoài sống tự lập, cha mẹ già bị đưa vào viện dưỡng lão, nhưng người Đông phương thì quan niệm “tam tứ đại đồng đường” (ba bốn đời ở chung một nhà) là phước đức của gia đình. Ngày xưa, phụ nữ theo lễ giáo tam tòng tứ đức, chỉ biết việc nội trợ hầu hạ chồng con, nhưng ngày nay, phụ nữ tham gia việc chính trị, kinh tế, khoa học cũng thành công không kém nam giới. Trong giai đoạn đầu hoằng pháp, Đức Phật dạy về Ngũ thừa, tựu trung là tránh ác làm thiện, bỏ phiền não, cầu an lạc, giải thoát sinh tử tu chứng Niết Bàn. Như thế, còn phân biệt việc xấu dở phải tránh, điều thiện lành phải làm, sinh tử là điều đáng chán và Niết Bàn là cảnh giới thanh tịnh đáng hướng về …

Riêng đối với nhà Thiền, Đạo có thêm một ý nghĩa khác, một chân trời khác. Trong hội Linh Sơn, khi Đức Phật cầm cành sen đưa lên, dùng đôi mắt màu sen xanh nhìn quanh đại chúng, tất cả đều ngơ ngác, chỉ riêng tôn giả Ca Diếp mỉm cười. Đức Phật ấn chứng cho tôn giả trở thành sơ tổ Thiền tông từ lúc ấy. Thiền sinh Nghĩa Huyền trong pháp hội của tổ Hoàng Bá, một hôm hỏi Tổ: Thế nào là đại ý Phật pháp ? Tổ không trả lời mà đập cho một gậy. Ba lần thưa hỏi, ba lần đều bị đánh. Đến khi ngộ đạo qua hòa thượng Đại Ngu, Ngài Nghĩa Huyền trình kiến giải bằng … một cái thoi vào hông người khai thị. Và tông Lâm Tế do Ngài khai sáng truyền mãi không dứt cho đến ngày nay. Có phải chăng, Đạo trong nhà Thiền biểu hiện bằng một cành hoa, bằng những cái đánh, bằng lời nói thoạt nghe không có nghĩa lý gì ? Và có phải chăng, “Thành Đạo” là có một cái Đạo để thành tựu, trước khi tu ta không có, khi tu đến mực độ chín muồi thì Đạo sẽ hiện ra ? Lúc chưa thành đạo, ta là kẻ phàm phu, khi thành đạo rồi, ta biến thành con người khác hẳn với hình tướng thoát tục, hào quang sáng ngời ? Hẳn nhiên, không thể hiểu theo sự tưởng tượng bay bổng như thế.

Phật dạy, tất cả chúng sanh đều có tánh giác, tức bản tâm chân thật vượt mọi đối đãi. Tánh giác bình đẳng ở muôn loài, hiển lộ qua sáu căn. Khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng … mà không khởi niệm phân biệt đẹp xấu hay dở, thì tánh giác hiện tiền, không phải tìm cầu đâu xa. Chạm mắt tức Bồ-đề là như thế. Phàm phu chúng ta luôn chạy theo ngoại trần, tạo nghiệp thiện ác rồi quanh quẩn trong sáu đường sinh tử, nhà Phật gọi là phan duyên. Ngược lại, Nhị Thừa sợ ngoại trần lôi kéo nên tìm mọi cách tránh duyên, thu thúc lục căn, đè nén vọng tưởng. Bồ Tát không sa vào hai cực đoan ấy. Các Ngài biết rõ các duyên không thật có, nên vì chúng sanh mà thị hiện vào các cõi, tùy duyên hóa độ. Các Ngài không phan duyên, không tránh duyên, mà liễu tri các duyên, đồng thời nhận ra cái chân thật hằng hữu, bình đẳng tuyệt đối, nơi Thánh không thêm nơi Phàm chẳng bớt. Cái chân thật ấy không có hình tướng nên không thể nắm bắt, không phải sản phẩm của ý thức nên không thể tưởng tượng hay diễn tả, không thể tìm trong sách vở kinh lục hay giải quyết bằng cách tranh biện luận đàm. Nó chính là mình nên không tìm thấy bên ngoài mà chỉ nhận ra bằng trực giác, khi tâm thanh tịnh mà hằng tri. Tùy theo tính chất, diệu dụng và cảm nhận của người thực chứng mà gán cho một tên gọi (Phật tánh, Chân tâm, ông chủ, bản lai diện mục,…), thật sự nó không có tên. Và ở đây, chúng ta gọi đó là Đạo.

Ngày xưa, thiền sư Văn Hỷ tìm Bồ Tát Văn Thù trên Ngũ Đài Sơn, nhưng gặp mặt Bồ Tát mà không biết. Đến khi ngộ đạo, thấy Bồ Tát hiện ra trên nồi cháo đang sôi, Ngài lấy dầm đập chứ không đảnh lễ. Bởi vì, khi đã thấy Phật tâm của chính mình thì không cầu Phật bên ngoài nữa. Người tu chúng ta cũng thế, lúc đầu phải sửa chữa tâm mình từ hư dở trở thành hiền thiện, nhưng mục đích cuối cùng là nhận được Phật tâm hằng hữu ấy. Đạo của nhà Thiền chỉ có ở trong tâm, nhận ra và sống trọn vẹn với bản tâm là Thành Đạo. Cho nên, tu đạo là tu tâm, ngộ đạo là ngộ tâm, chứng đạo là chứng tâm, và thành đạo cũng là thành tại tâm chứ không đâu khác. Từ trước đến sau cũng chỉ một người ấy, không thay đổi gì về hình tướng, chẳng ngồi tòa sen phát hào quang, nhưng tâm lại có một biến đổi diệu thường. Đó là “Rắn hóa Rồng không đổi vảy”.

Phật dạy: “ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”, lời dạy ấy là đứng trên Phật quả, nhưng theo tinh thần kinh Lăng Già thì “chúng sanh đã là Phật”, tức nhắm trên Phật nhân. Đã là Phật, vì chúng sanh nào cũng có trí tuệ đức tướng Như Lai. Như kẻ ăn mày trong kinh Pháp Hoa không biết mình có hạt châu trong chéo áo, cứ phải sống đời lang thang cơ nhỡ. Đến lúc được bạn nhắc nhở, lấy ra dùng thì trở nên giàu sang phú quý. Hạt châu có sẵn như Đạo sẵn đủ tại tâm, chỉ vì ta quên nên mê, còn nhớ ra là ngộ Đạo.

Đức Phật thành đạo nơi cội Tất-bát-la cách đây gần 26 thế kỷ, nhưng câu chuyện tìm đạo của Ngài vẫn luôn là bài học lớn cho hàng đệ tử Phật chúng ta. Khi mới phát tâm tu, chúng ta cần có thầy hướng dẫn đường lối đúng đắn để khỏi lạc lầm. Đang trong giai đoạn dụng công, ta cũng cần thầy bạn sách tấn và sửa chữa những sai sót, để khỏi sa vào những cám dỗ của ngoại ma. Nhưng vấn đề ngộ đạo lại khác, tự thân hành giả nỗ lực công phu, phải tự nhận ra Phật tâm nơi chính mình chứ không ai làm thay cho ai được.

Hiểu và tin mình có khả năng thành Phật, chúng ta có sự vững vàng trên đường tu. Ta không tìm cầu Phật bên ngoài, không tin có một quyền năng ban phước giáng họa, mà chỉ tin chính tâm mình có chánh nhân thành Phật. Ta cứ một lòng một dạ tiến bước trong Chánh pháp mà không khởi ý niệm mong cầu, thì khi đủ thời tiết nhân duyên, tất nhiên trổ ra chánh quả. Đến lúc ấy, ta mới thấm thía và biết ơn vô cùng lời-dạy-vô-ngôn của Đức Bổn Sư khi cầm cành sen, hay gậy tổ Hoàng Bá khi đập cho đệ tử xuất cách Nghĩa Huyền ba gậy.

Vậy thì rốt cuộc, Thành Đạo là nhận ra và hằng sống với con người chân thật chính mình.