V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Gieo hạt vườn tâm

(Chay Mộc)



Khi bạn làm ác mà thấy cuộc đời vẫn an ổn, đừng vội kiêu ngạo ngang tàn, chỉ là nghiệp thiện quá khứ của bạn vẫn còn, nên bạn còn được thế. Đến khi bạn hưởng vừa hết, quả ác phơi bày, lúc đó thì đã quá muộn rồi. Vay trả cứ vậy mà triền miên. Không chỉ một đời.

Khi bạn làm thiện mà thấy cuộc đời vẫn khổ đau, mình biết vậy nhưng cứ cần mẫn mà trả nghiệp, chẳng qua ngày xưa mình làm ác, mà nhân ác đến bây giờ chưa tan. Biết vậy để mình biết sợ hãi, xấu hổ trước hạt giống ác, mà nhất định diệt trừ, nhất định không làm ác nữa. Việc thiện dù nhỏ nhất cũng làm, cứ tích lũy dần những việc thiện lành. Vừa hết nghiệp ác của quá khứ là quả thiện sẽ về.

Mà cuộc đời này, làm sao để biết đâu là thiện pháp để làm ? Đâu là ác pháp để tránh ?

Trước khi làm bất cứ một việc gì, chúng ta cần suy nghĩ cho thấu đáo. Việc này có hại đến ai không ? Việc này có hại đến mình không ? Việc này đem lại lợi ích gì cho tất cả ? Rồi cân nhắc sao cho phù hợp nhất. Lấy mục tiêu không gây ác pháp, không hại mình hại người làm đầu. Từ đó, bạn sẽ có lựa chọn thiện lành nhất cho chính mình.

Giống như bạn chăm chỉ gieo những hạt giống tốt cho khu vườn của mình và chăm sóc chu đáo, đến một ngày, xung quanh bạn sẽ là một vườn quả ngọt dành cho bạn.

D.P.A (88)

(Ca dao Việt Nam)

Có câu tích đức tu thân
Hoạn nạn tương cứu, phú bần tương tri



Kinh hạt muối là gì ?

(HT. Thích Minh Châu)

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn gọi các Tỳ kheo:

Ở đây, này các Tỳ kheo, có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, nhỏ nhen. Người như vậy, làm nghiệp ác nhỏ mọn và nghiệp ác ấy đưa họ vào địa ngục.

Ở đây, này các Tỳ kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, rộng lượng. Người như vậy, có làm việc ác nhỏ mọn tương tợ, nghiệp ác ấy đưa họ đến cảm thọ ngay trong hiện tại cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.

Này các Tỳ kheo, ví như có người bỏ nắm muối vào trong một chén nước nhỏ, nước trong chén ấy vì nắm muối trở thành mặn và không uống được. Nhưng có người bỏ nắm muối vào nước sông Hằng, khối nước ấy rất lớn, không vì nắm muối này mà trở thành mặn và không uống được.

➊ Ai nói như sau, này các Tỳ kheo: “người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ như vậy, như vậy”.

Nếu sự kiện là vậy, này các Tỳ kheo, thời không có đời sống phạm hạnh, không có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt, và này các Tỳ kheo, ai nói như sau: “người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ quả dị thục như vậy, như vậy”.

Nếu sự kiện là vậy, này các Tỳ kheo, thời có đời sống phạm hạnh, có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chân chánh đoạn diệt. Ở đây, này các Tỳ kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Ở đây, này các Tỳ kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.

➋ Hạng người như thế nào, này các Tỳ kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục.

Ở đây, này các Tỳ kheo, có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Người như vậy, này các Tỳ kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục.

Hạng người như thế nào, này các Tỳ kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều. Ở đây, này các Tỳ kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỳ kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.

➌ Ví như, này các Tỳ kheo, có người bỏ một nắm muối vào trong một chén nước nhỏ, các thầy nghĩ như thế nào, này các Tỳ kheo, nước trong chén ấy có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được phải không ?

- Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao ? Nước trong chén nhỏ này là ít, do nắm muối này, nước trở thành mặn, không uống được.

- Ví như, này các Tỳ kheo, có người bỏ một nắm muối vào sông Hằng, các Thầy nghĩ như thế nào, này các Tỳ kheo, sông Hằng có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được phải không ?

- Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao ? Lớn là cả khối nước sông Hằng. Khối nước ấy không vì nắm muối này nước trở thành mặn và không uống được. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, ở đây, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Ở đây, này các Tỳ kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.

➍ Hạng người như thế nào, này các Tỳ kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục ?

Ở đây, này các Tỳ kheo, có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Hạng người như vậy, này các Tỳ kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục.

Hạng người như thế nào, này các Tỳ kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều. Ở đây, này các Tỳ kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỳ kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, nói gì là nhiều.

➎ Ở đây, này các Tỳ kheo, có người bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền.

Nhưng ở đây, này các Tỳ kheo, có người không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền.

Như thế nào, này các Tỳ kheo, bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền ? Ở đây, này các Tỳ kheo, có người nghèo khổ, ít sở hữu, ít tài sản. Người như vậy, này các Tỳ kheo, bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền.

Như thế nào, này các Tỳ kheo, không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền ? Ở đây, này các Tỳ kheo, có người giàu có, có tiền của lớn, có tài sản lớn. Người như vậy, này các Tỳ kheo, không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền.

Cũng vậy, này các Tỳ kheo, ở đây có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Ở đây, này các Tỳ kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều.

➏ Hạng người như thế nào, này các Tỳ kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục ?

Ở đây, này các Tỳ kheo, có người, thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Người như vậy, này các Tỳ kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục.

Hạng người như thế nào, này các Tỳ kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều.

Ở đây, này các Tỳ kheo, có người, thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỳ kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều.

➐ Ví dụ một người đồ tể hay người giết dê, này các Tỳ kheo, đối với một số người đánh cắp dê, có thể giết hay trói, hay tịch thu tài sản, hay làm như ý muốn ?

Đối với một số người cũng đánh cắp dê, không có thể giết, không có thể trói, không có thể tịch thu tài sản, hay không có thể làm như ý muốn. Như thế nào, này các Tỳ kheo, người đồ tể hay người giết dê, đối với một số người đánh cắp dê, có thể giết, có thể trói, có thể tịch thu tài sản, hay có thể làm như ý người ấy muốn ?

Ở đây, này các Tỳ kheo, có người nghèo khổ, ít sở hữu tài sản. Kẻ đồ tể hay người giết dê, đối với kẻ đánh cắp dê như vậy có thể giết, hay trói, hay có thể tịch thu tài sản, hay có thể làm như ý người ấy muốn. Như thế nào, này các Tỳ kheo, người đồ tể hay người giết dê, đối với kẻ đánh cắp dê như vậy không có thể giết, không có thể trói, không có thể tịch thu tài sản, hay không có thể làm như ý muốn ?

Ở đây, này các Tỳ kheo, có người giàu có, có sở hữu lớn, có tài sản lớn, hay nhà vua, hay đại thần của nhà vua. Người đồ tể hay người giết dê, đối với kẻ đánh cắp dê như vậy, không có thể giết, không có thể trói, không có thể tịch thu tài sản, hay không có thể làm như ý người ấy muốn. Không có gì phải làm khác hơn là chắp tay và cầu xin như sau: “thưa Ngài, hãy cho con lại con dê hay giá tiền con dê”.

Cũng vậy, này các Tỳ kheo, ở đây, đối với một số người có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Nhưng ở đây, này các Tỳ kheo, đối với một số người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều.

➑ Hạng người như thế nào, này các Tỳ kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục ?

Ở đây, này các Tỳ kheo, có người, thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Người như vậy, này các Tỳ kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Hạng người như thế nào, này các Tỳ kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều.

Ở đây, này các Tỳ kheo, có người, thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỳ kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều.

Ai nói như sau, này các Tỳ kheo: “người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào, người ấy sẽ cảm thọ (quả) như vậy, như vậy”. Nếu sự kiện là vậy, này các Tỳ kheo, thời không có đời sống phạm hạnh, không có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt. Và này các Tỳ kheo, có ai nói như sau: “người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào, người ấy sẽ cảm thọ quả dị thục như vậy, như vậy”. Nếu sự kiện là vậy, này các Tỳ kheo, thời có đời sống phạm hạnh, có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chân chánh đoạn diệt.

LỜI BÀN:

Khi chưa dự phần vào Thánh vị thì không ai tránh khỏi lỗi lầm, tuy nhiên, những lỗi lầm tác động đến tự thân của họ hoàn toàn khác nhau. Điều ấy phụ thuộc vào mức độ vi phạm và công đức tu tập của mỗi người. Nếu người nào tu tập như pháp, công đức sâu dày thì công đức ấy sẽ hóa giải một phần nào những lỗi lầm lớn và có thể triệt tiêu những lỗi lầm nhỏ. Ngược lại, nếu người nào không tu tập như pháp, không tích lũy được nhiều công đức thì sẽ gánh chịu hoàn toàn những hậu quả do lỗi lầm mình gây ra, dù đó là lỗi nhỏ.

Giống như người giàu mất một số tiền nhỏ thì không ảnh hưởng gì đến kinh tế của gia đình, nhưng người nghèo đánh mất số tiền ấy thì có nguy cơ nợ nần, đói khát. Hoặc như nắm muối bỏ xuống sông Hằng, nước sông không vì nắm muối mà trở thành mặn và không uống được, nhưng cũng nắm muối ấy mà bỏ vào một chén nước nhỏ thì nước trong chén sẽ mặn chát và không thể uống.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa những người có nhiều công đức muốn làm gì thì tùy ý. Vì công đức được tạo ra vô cùng khó khăn, phải tích lũy lâu dài và vun đắp liên tục, nhưng nếu sơ suất phạm vào lỗi lầm, đặc biệt những lỗi lầm lớn thì có thể tiêu tan công đức, trở thành trắng tay.

Do vậy, phải nỗ lực tu tập, tạo phước, trưởng dưỡng công đức, tránh khinh suất để bảo tồn thành quả tu tập. Và nếu không may tạo ra lỗi lầm nhỏ thì không vì thế mà dẫn đến đọa lạc hay chịu hậu quả nghiêm trọng, vì công năng tu tập sẽ hóa giải làm thiểu giảm đến thấp nhất những ảnh hưởng và tác động xấu đến tự thân.


Vì đâu đá nhau

(Sưu tầm)



Có lần về Việt Nam vào dịp Tết, tôi được một người bạn dắt đi xem đá gà. Hai con gà nòi được đưa ra sân để quyết đấu một mất, một còn. Khi họ đặt hai con gà xuống đất, thì chúng không chịu đá mà cứ xệ đôi cánh xuống trông rất oai vệ và lườm nhau. Chờ mãi nhưng chúng vẫn không chịu đá nên hai người chủ liền đẩy chúng vào nhau, khi bị va chạm thì chúng mới chịu đá. Có lẽ để tự vệ thì đúng hơn. Vì trước đó, chúng chỉ đi lòng vòng nhìn nhau thôi chứ không muốn giết nhau.

Cuộc chiến giữa hai con gà trống kéo dài được ba mươi phút thì một con đã bỏ mạng, vì bị cựa sắt mà con người đã gắn vào và làm thủng đầu con kia. Trên xác một con gà nhuộm đầy máu đã chết, là những tiếng hò reo trong sự thú vị của con người, trông thật vô lương tâm và tàn nhẫn.

Con người chúng ta cũng chẳng khác gì hai con gà. Nếu sống không có ý thức trong cách hành xử, thì cũng có thế đá nhau cho tới chết như bọn gà kia.

• Đá nhau vì tình

• Đá nhau vì dục vọng

• Đá nhau vì tự ái

• Đá nhau vì lợi danh

• Đá nhau vì tiền bạc

Nếu bạn phải đá nhau để tự vệ, thì đó là điều bất đắc dĩ cần “phải đá”, còn nếu phải đá nhau để tranh giành tình cảm, lợi danh, hay chỉ vì cái tôi thì đó là một điều dại dột. Đừng để bất cứ ai, hay điều gì tác động phần “CON” nổi dậy trong “NGƯỜI” của bạn nhé. Làm được điều này thì bạn mới thật sự là người bản lĩnh hơn rất nhiều người, vì người ta hơn nhau ở sự nhận thức và cách sống, chứ không phải ở cái miệng, hay cái tay, cái chân.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|77|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Một ngọn núi kiên cố vững chãi nghìn năm không bao giờ bị lay chuyển bởi những giông gió. Người thông minh và sâu sắc không bao giờ bị lay chuyển bởi những lời khen chê thị phi của người đời, vững chãi như núi”.

Người còn lênh đênh giữa biển rộng, người còn bám biển để sống, là còn phải thấp thỏm âu lo đến mất ngủ khi nghe tin biển động, phải chờ biển lặng mới có thể yên lòng.

Người còn tìm kiếm giữa đám đông xô bồ tiếng khen để vui, còn cố gom góp thật nhiều những phù hoa từ đám đông để làm nên diện mạo cho mình, còn nghiêng vai tựa vào đám đông, là còn phải chao đảo trước những thị phi ở đó.

Người đi theo đám đông thường dễ bị lạc trong đó.

Núi, chẳng phải nghiêng vai tựa vào mưa gió mà vững chãi được nghìn năm.

Người, chẳng ai tựa vào đám đông xô bồ mà bình yên được cả đời.

Người ngày mới an.

Núi sáng nay mưa.



Người thôi gánh

(Thích Tánh Tuệ)



Có người quang gánh nhấp nhô
Trước là trẻ nhỏ, sau ngô khoai đầy
Có người gánh nhẹ làn mây
Đàng Đông mây trắng, đàng Tây mây hồng

Có người gánh vợ, gánh chồng
Tìm vui trong khổ nên lòng héo hon
Rồi có người gánh nước non
Nghiêng vai gánh cả giang sơn, cửa nhà

Có người theo dấu Phật Đà
Đặt bao gánh xuống sơn hà vân du
Ngồi thiền trong cánh rừng thu
Chúng sinh ai phát tâm tu ... gánh về

Về nơi dứt hết não nề
Trút đôi quang gánh bên lề ... tự do

Muốn biết đức vơi đầy, hãy nhìn chữ nhẫn. Muốn biết phúc mỏng dày, hãy nhìn vào sự độ lượng

(Sưu tầm)



Con người cần khắc chế dục vọng, tư lợi của bản thân để trở về với quy phạm của lễ, làm theo lễ tiết. Đây mới là đức hạnh, đây mới là biểu hiện của lòng nhân. Do đó, một người có đức hạnh hay không chỉ cần nhìn khi khó, nhẫn họ có thể nhẫn được hay không.

Cổ nhân có câu rằng: “quan đức ư nhẫn, quan phúc ư lượng”, nghĩa là, muốn biết đức hãy nhìn chữ nhẫn, muốn biết phúc hãy nhìn sự độ lượng.

Muốn biết đức vơi đầy, hãy nhìn chữ Nhẫn

Muốn biết một người có đức hạnh hay không thì nhìn xem người ấy có khả năng nhẫn không. Chữ “Nhẫn” hàm chứa ý vị sâu xa, nội dung bao phủ cũng rất toàn diện. Phải nhẫn điều gì đây ?

Ví như đối diện với lợi ích trước mắt bạn có thể nhẫn mà không tham không, thấy lợi thì có nghĩ tới nghĩa hay không ? Nếu không phù hợp với đạo nghĩa thì bạn có thể nhẫn được mà không tranh giành hay không ? Đây chính là biểu hiện của đức hạnh.

Khi diện kiến mỹ sắc, bạn có thể nhẫn mà không tham luyến ái dục, không phóng túng hành vi của mình hay không ? Đây cũng là biểu hiện của đức hạnh.

Có người phỉ báng, không hiểu bạn, phê bình bạn, oán hận bạn, bạn có thể nhẫn mà không tranh biện với họ hay không ? Bạn có thể không đả kích, báo thù, không kéo bè kéo cánh không ? Đây cũng là biểu hiện của đức hạnh.

Vậy nên cổ nhân mới nói rằng: “mọi pháp đều đắc được nhờ nhẫn”, tức là xem bạn gặp lúc khó nhẫn có thể nhẫn được hay không. Khi nghèo khó bạn có thể nhẫn chịu được cuộc sống bần hàn, tự lực tự cường mà gây dựng tương lai sau này hay không ? Khi gặp chuyện như ý, khi được người người mến yêu, liệu bạn có thể nhẫn được mà không sinh tâm hoan hỷ, không tham luyến ái hay không ? Đây cũng là biểu hiện đức hạnh của một người.

Cho nên dẫu trong thuận cảnh hay trong nghịch cảnh thì khảo nghiệm đều vô cùng nghiêm khắc. Đâu phải khi vạn sự đều như ý thì không còn gì có thể đề cao lên được. Hoàn cảnh thuận lợi cũng có thể mài mòn ý chí của con người, khiến con người phóng túng tình cảm, dục vọng của mình, tham thú hoan lạc, hưởng thụ kiếp người. Nếu bạn có thể đối diện với những niềm hưởng lạc này mà không tham luyến ái dục thì đây cũng là biểu hiện của đức hạnh.

Nhan Hồi, đệ tử của Khổng Phu Tử, khi thỉnh giáo thầy rằng “Nhân” là gì, Khổng Tử đã trả lời: “khắc chế bản thân theo Lễ là Nhân” (khắc kỷ phục lễ vi nhân). Con người cần khắc chế dục vọng, tư lợi của bản thân để trở về với quy phạm của lễ, làm theo lễ tiết. Đây mới là đức hạnh, đây mới là biểu hiện của lòng nhân. Do đó, một người có đức hạnh hay không chỉ cần nhìn khi khó nhẫn họ có thể nhẫn được hay không.

Muốn biết phúc dày mỏng, hãy nhìn sự Độ Lượng

“Quan phúc ư lượng”, muốn xem một người có phúc khí hay không, sau này có phát triển không, chỉ cần xem tâm của họ có rộng lượng hay không. Người xưa có câu: “lượng đại phúc đại”, nghĩa là tấm lòng đại lượng thì được phúc lớn.

Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” giảng rằng, khi còn trẻ con đường quan lộ của Viên Liễu Phàm không thuận lợi lắm. Sau này ông tự phản tỉnh bản thân thì nhận ra rằng mình không thể dung nạp được người khác. Ông thường cho rằng người khác không xứng đáng và đã làm rất nhiều việc có lỗi với mình. Ông không thể khoan dung và tha thứ cho người khác là do tấm lòng không đủ độ lượng.

Tóm lại, cổ nhân có rất nhiều cách quan sát con người. Muốn quan sát đức hạnh của một người, điều quan trọng là cần suy ngẫm một cách toàn diện. Trong cuốn “Yến Tử” viết rằng, khi Tề Cảnh Công thỉnh giáo Yến Tử về con đường cầu hiền tài, Yến Tử đáp lại rằng: “thông tắc thị kỳ sở cử, cùng tắc thị kỳ sở bất vi, phú tắc thị kỳ sở phân, bần tắc thị kỳ sở bất thủ”.

- “Thông tắc thị kỳ sở cử” nghĩa là, khi một người hanh thông, đắc chí thì xem họ giới thiệu người như thế nào, là người hiền đức hay là người họ kết bè kết đảng, hay họ hàng thân thích của mình.

- “Cùng tắc thị kỳ sở bất vi” nghĩa là, khi nghèo khó, bất đắc chí thì xem việc mà họ làm ra sao, người nghèo nhưng chí không ngắn, mặc dù một người rất khốn cùng, nhưng những chuyện không phù hợp với đạo nghĩa cũng không nên giành lấy.

- “Phú tắc thị kỳ sở phân” nghĩa là, khi họ giàu có, xem họ có chia sẻ với người nghèo khó hay không, có vui vẻ bố thí tiền tài hay không. Khổng Tử cũng nói rằng, dẫu một người tài hoa như Chu Công, nhưng lại ngạo mạn, bủn xỉn thì những phương diện còn lại không đáng được nhắc đến. Một người giàu sang không những không keo kiệt, mà còn vui vẻ bố thí tiền tài, nhân tài như vậy mới có chỗ hữu dụng.

- “Bần tắc thị kỳ sở bất thủ” nghĩa là, một người rất nghèo, nhưng họ không tùy tiện chiếm đoạt tài vật của người khác, mà họ còn phải xét xem điều này có phù hợp với đạo nghĩa hay không.

Khi còn nhỏ, gia cảnh của Phạm Trọng Yểm vô cùng nghèo khó nên ông theo học tại một ngôi chùa. Một hôm đột nhiên ông phát hiện trong sân có chôn một hũ vàng. Lúc đó cuộc sống của ông vô cùng cần kiệm, nghèo khó, nhưng sau khi nhặt được hũ vàng, biết rằng số tiền này không thuộc về mình, ông lại chôn trở lại dưới gốc cây như cũ. Sau này ông thi đỗ làm tể tướng, dưới một người mà trên vạn người. Câu chuyện này đã nói với chúng ta rằng những gì có trong số mệnh một người thì chẳng thể mất.

Sau khi Phạm Trọng Yểm lên làm tể tướng, vị phương trượng đã tìm tới hoá duyên vì muốn tu sửa lại ngôi chùa, bởi ông từng học dưới ngôi chùa này, giờ lại làm tể tướng nên vị phương trượng mới tìm tới ông hoá duyên. Phạm Trọng Yểm nói kỳ thực trong chùa đã có số tiền này rồi và nói cho vị trụ trì biết về hũ vàng chôn dưới gốc cây. Họ vừa đào lên quả nhiên thấy ngay. Do vậy mới nói, khi một người nghèo khó không tùy tiện lấy đồ không phải của mình, thì đó mới là người có phúc.

Mũ phải ngay

- Trích “Phép Tắc Người Con”,Bài 13
- Theo Zhengjian,Kiến Thiện biên dịch



Mũ phải ngay, nút phải gài
Tất và giày, mang chỉnh tề
Mũ, quần áo, để cố định
Chớ để bừa, tránh dơ bẩn

Diễn giải

Khi đội mũ nhất định phải đội ngay ngắn, khuy áo nút áo phải cài. Đi tất, đi giày đều phải buộc dây thắt chặt. Mũ, quần áo thay ra phải để ở vị trí cố định, không được vứt lung tung khiến trong nhà bẩn thỉu, bừa bãi hỗn loạn.

Câu chuyện tham khảo: NHÀ NHO MŨ ÁO PHÙ HỢP, KIẾN THỨC UYÊN BÁC

Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử rằng: “thưa tiên sinh, trang phục Ngài đang mặc có phải là trang phục của nhà Nho không ?”

Khổng Tử trả lời: “khi tôi còn nhỏ sống ở nước Lỗ, mặc áo dài rộng mà người nước Lỗ mặc, sau khi trưởng thành tôi đến nước Tống, tôi đội mũ lễ vải đen mà người nước Tống đội, tôi nghe nói người quân tử có đức hạnh cần học tập rộng khắp, tri thức uyên bác, trang phục chỉ cần nhập gia tùy tục, mũ áo phù hợp là được rồi, tôi chưa từng biết nhà Nho còn có trang phục đặc thù nào”.

(Nguồn: “Lễ ký – Nho hạnh”)

Phụ chú

Nhà Nho: người nghiên cứu học thuật Nho gia, sau này chỉ những người đi học.

Nguyên tác

冠 必 正 紐 必 結
襪 與 履 俱 緊 切
置 冠 服 有 定 位
勿 亂 頓 致 污 穢

Âm Hán Việt

Quan tất chính, nữu tất kết
Miệt dữ lý, câu khẩn thiết
Trí quan phục, hữu định vị
Vật loạn đốn, trí ô uế

Chú thích

- Quan: mũ

- Chính: ngay ngắn, đoan chính

- Nữu: khuy, nút, cúc

- Kết: cài, gài vào

- Lý: giày

- Câu: đều

- Khẩn thiết: buộc chặt

- Loạn đốn: vứt, để bừa bãi

- Trí: dẫn đến

- Ô uế: bẩn thỉu

D.P.A (87)

(Ca dao Phật giáo)

Bể trần là kiếp phù sinh
Thị phi, thương ghét, … trong tình quẩn quanh



Everyday is a new beginning

(Life quotes)

Everyday is a new beginning. Take a deep breath, smile, and start again.

╰▶ Mỗi ngày đều là một khởi đầu mới. Hãy hít thở thật sâu, mỉm cười, và lại bắt đầu.



Rốt cuộc: đâu mới là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời ?

(Sưu tầm)



Một chàng trai sắp bước sang tuổi 34 nhưng luôn lo lắng về tương lai mình, anh tự hỏi không biết giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời mình đang ở phía trước hay là những năm tháng đã qua rồi. Thói quen hằng ngày của anh là đến phòng tập thể dục trước khi đến sở làm.

Một buổi sáng, anh chú ý tới một ông lão đã lớn tuổi nhưng vẫn giữ được vẻ cường tráng và lạc quan. Anh đến làm quen và hai người trò chuyện với nhau về những kinh nghiệm trong cuộc sống. Cuối cùng, chàng trai hỏi:

- Đâu là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời ông ?

Không chút lưỡng lự, ông lão đáp:

❝Khi tôi còn là một đứa bé, tôi được chăm sóc, nuôi dưỡng bởi cha mẹ, tôi còn giữ được tâm hồn trong sáng từ tiên thiên. Đó là giai đọan đẹp nhất của cuộc đời tôi.

Ở tuổi đến trường, tôi học được những kiến thức mới mẻ từ thầy cô, bạn bè. Đó là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời tôi.

Ngày tôi nhận được việc làm đầu tiên, được gánh vác trách nhiệm và trả luơng bởi những nỗ lực của mình. Đó là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời tôi.

Khi tôi gặp vợ tôi, chúng tôi đã cùng nhau xây dựng gia đình và cùng chí hướng trong cuộc sống. Đó là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời tôi.

Ngày tôi thực sự trở thành một người cha, rồi nhìn những đứa con của mình lớn lên theo năm tháng. Đó là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời tôi.

Và bây giờ ở tuổi 79, tôi có sức khoẻ, tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi đã tìm thấy ý nghĩa chân chính nhất của cuộc đời mình nhờ những cuốn sách Đại Đạo quý giá một người bạn tặng tôi. Tuy rằng tôi nhận được nó hơi muộn, nhưng Thần Thời Gian vẫn ưu ái tôi. Tôi không lo sợ cái chết nữa và biết giờ đây tôi phải làm gì để chuẩn bị cho kiếp sống tới. Đây là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời tôi. Tôi sẽ chia sẻ nó với anh, bởi vì anh đã may mắn được Thần Thời Gian ưu ái.❞


Mỗi giai đoạn của cuộc đời đều là những giai đoạn đẹp nhất nếu chúng ta biết trân trọng từng phút giây và không để thời gian trôi qua một cách vô ích, bởi trên cõi đời này có một ngân hàng đặc biệt dành cho bạn. Ngân hàng đó như thế nào ? Đó không phải là ngân hàng thông thường, mà được cai quản bởi một vị Thần, có tên Thần Thời Gian.

Mỗi sáng, Thần Thời Gian cung cấp vào tài khoản của bạn 86.400 USD, số dư trong tài khoản không được phép chuyển từ ngày này qua ngày khác, mỗi buổi khuya Thần Thời Gian sẽ hủy bỏ hết số dư còn lại mà bạn đã không dùng hết trong ngày.

Mỗi người trong chúng ta đều có một tài khoản ở ngân hàng đó. Vị Thần cai quản ngân hàng đó chính là THẦN THỜI GIAN. Mỗi buổi sáng, Thần Thời Gian cung cấp 86.400 giây. Vào mỗi buổi tối, Thần Thời Gian sẽ xóa bỏ, coi như bạn đã mất, thời gian mà bạn không đầu tư được vào các mục đích tốt, Thần Thời Gian không cho phép bạn được để lại số dư trong tài khoản, cũng không cho phép bạn bội chi.

Mỗi ngày, Thần Thời Gian lại mở một tài khoản mới cho bạn, lại cho bạn một cơ hội mới để bắt kịp lại những gì mình đã để tuột mất ngày hôm qua. Mỗi tối Thần Thời Gian lại hủy hết những gì còn lại trong ngày. Nếu bạn không dùng được hết thời gian mà bạn có trong ngày, người bị mất chính là bạn.

Không có chuyện quay lại ngày hôm qua. Bạn phải sống bằng những gì bạn đang có trong tài khoản ngày hôm nay. Bạn hãy trân quý từng giây từng phút. Thời gian không quay trở lại. Đồng hồ cát vẫn đang chạy những hạt cát cuối cùng.

Hãy cố thực hiện thật nhiều điều ý nghĩa trong ngày hôm nay.

Ba đơn thuốc của cuộc đời

(Sưu tầm)

Ở đời,người có ham muốn ắt sẽ có đau khổ, biết thỏa mãn nên mới sống hạnh phúc, có thể buông bỏ nên mới được tự tại. Trân quý mỗi phút giây cuộc sống, thời gian không chờ đợi một ai.

Có một câu chuyện kể về vị phú ông mắc chứng bệnh lạ, ông luôn cảm thấy mình không còn sống được bao lâu nữa, trong lòng rất khổ sở. Sau này, phú ông thỉnh giáo một vị danh y lớn tuổi sống ẩn cư. Sau khi bắt mạch cho ông ta, vị danh y nói: “bệnh này chỉ có một biện pháp, ngoài biện pháp này ra thì không có thuốc nào có thể cứu chữa được, ở đây tôi có ba đơn thuốc, ông liên tục thực hiện theo như vậy, thực hiện xong một đơn thì tiếp tục mở ra một đơn khác và làm theo”.

Đơn thuốc thứ nhất

Khi về tới nhà, phú ông liền mở ra đơn thuốc thứ nhất, thấy trên đó viết rằng: “ông hãy đến một bãi biển, nằm trên cát trong vòng 30 phút, thực hiện liên tục 21 ngày”.

Phú ông nửa tin nửa ngờ nhưng vẫn làm theo, kết quả mỗi lần nằm trên cát liền hai giờ đồng hồ. Bởi ông ta luôn bận rộn với công việc, vì thế chưa từng cảm thấy thoải mái như thế. Nằm trên cát, nghe thấy gió thổi, nghe được tiếng chim hải âu kêu, cảm thấy nội tâm vô cùng thoải mái.

Đơn thuốc thứ hai

Qua ngày thứ 22, phú ông mở tiếp đơn thuốc thứ hai, bên trong viết rằng: “ở trên bãi biển hãy tìm năm con vật như cá hoặc tôm hoặc con sò, rồi thả chúng về với biển, thực hiện trong 21 ngày liên tục”.

Phú ông xem xong lòng đầy nghi hoặc, nhưng ông vẫn làm theo. Kết quả mỗi lần thả được con tôm, con cá về với biển xong, phú ông cảm thấy trong lòng không khỏi cảm động.

Đơn thuốc thứ ba

Đến ngày 43, phú ông lại mở tiếp đơn thuốc thứ ba, trên đó viết rằng: “hãy tìm một cành cây, ở trên bãi cát, viết ra hết những việc bất mãn cùng oán hận trong lòng”.

Ông làm theo, sau khi ông dùng cành cây viết lên bãi cát chưa được bao lâu thì sóng biển đánh vào bờ xóa sạch những gì mà ông đã viết, đột nhiên phú ông bừng tỉnh mà cảm động khóc lên. Khi về nhà, phú ông cảm thấy toàn thân vui sướng, thực sự nhẹ nhõm mà tự tại, thậm chí không còn sợ chết nữa.

Bởi vì con người không hiểu được ba điều này, cho nên mới không thoải mái:

- Một là nghỉ ngơi

- Hai là trả giá

- Ba là buông bỏ

Kỳ thực, tham lam là một loại độc dược, dục vọng của con người vĩnh viễn không có điểm dừng. Có được cuộc sống ổn định còn muốn sống an nhàn. Có được cuộc sống an nhàn lại còn muốn hưởng thụ cuộc sống xa hoa. Chỉ cần dục vọng của một người không có điểm dừng thì cuộc sống của người đó vĩnh viễn sẽ không có vui sướng. Ở đời, người biết thỏa mãn là người vui sướng. Thế nên, hãy biết quý trọng những gì hiện tại ta đang có, sẽ phát hiện ra rằng chính mình mới là người giàu có nhất trên đời.

* Trong ba đơn thuốc của cuộc đời, liệu có đơn thuốc nào dành cho những người đau khổ ?

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|76|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Dù đọc qua cả ngàn trang Kinh, ngày ngày nói những lời Kinh, nhưng nếu không thực hành để tâm vẫn còn động thì không bao giờ được bình yên. Kẻ đó như gã chăn bò thuê, ngày ngày chỉ ngồi trông coi và đếm bò cho người, biết hết, nhưng sữa, đề-hồ (sữa bột) … mãi mãi là của người chủ, không bao giờ nếm được”.

Không ai chỉ đếm những mùa nắng mưa mà nói đã hiểu được cuộc sống. Không ai chỉ tính tháng năm mà nói đã sống trọn vẹn một đời. Không ai chỉ đọc chỉ nói những câu Kinh mà cho rằng đã nếm được vị Kinh.

Chẳng ai đứng ngoài gió mưa nhìn ngôi nhà mà hết lạnh. Chẳng ai chỉ ngồi nói về những con đường dài mà đến được đích. Chẳng ai chỉ đếm những trang Kinh mà lòng được bình yên.

Ngôi nhà là để ở. Câu Kinh là để sống. Con đường là để đi.

Khi cuộc sống bắt đầu ồn ã hơn, chữ “an”, chữ “yên” được người đời nói đến rất nhiều, ai nói nhiều hơn ai không quan trọng, ai nói hay hơn ai không quan trọng, quan trọng là ai đã vì nó mà nỗ lực nhiều hơn.

Không ai chấp nhận làm một người phải mang vác muộn phiền trên vai đi mãi, nhưng lại chẳng mấy ai đủ sức đặt hết những phiền muộn xuống, để làm một người bình yên.

Người an.



Sống cho chính mình xem

(Sưu tầm)

Người chân thành là tột bậc tinh tế và thành thật, nếu không tinh tế và thành thật thì chẳng thể nào cảm động được người khác.

Cảm hóa người khác là chuyện không dễ. Đó không chỉ là việc cần đến sự khôn ngoan, cơ trí bề mặt, nó còn là sự cảm thấu từ trong tâm, sự đồng điệu tận cõi lòng. Chỉ khi đối xử với người bằng cõi lòng thành thực, chân thành, trong ngoài như một, lời nói và hành động nhất quán thì mới cảm hóa, lay động được người khác.

“Chó không phải sủa hay mà là chó tốt. Người không phải nói hay mà là người hiền” - nhìn người không thể nhìn bề ngoài, cái vỏ ngoài chỉ là giả tướng, lâu ngày tất sẽ hiện nguyên hình. Đánh giá tình cảm không nên chỉ nhìn qua hành động tạm thời trước mắt, khi lâm nạn mới thấy được chân tình. Trước sau nên nhớ kỹ: đường xa biết sức ngựa, lâu ngày hiểu lòng người.

Không thể nói về biển với con ếch đáy giếng, không thể bàn về băng tuyết với côn trùng mùa hè. Ếch ngồi đáy giếng, sống nơi nhỏ hẹp, nhìn vòm trời chỉ như miệng giếng ắt là không biết được cái mênh mông của biển cả. Côn trùng mùa hè chỉ sống trong vài tháng nắng hạ, cũng chẳng thể nào hiểu được cái giá lạnh của băng tuyết mùa đông. Đừng nói đạo lý với người ngang bướng, đừng tranh luận với những người không cùng một tầng thứ, bạn chỉ lãng phí thời gian và tinh lực mà thôi.

Người thế tục đều thích người ta giống mình mà ghét người ta khác mình, ai cũng thích ý kiến của mình được người khác tán đồng mà ghét việc bị phản đối. Thuốc tốt thì đắng nhưng khỏi bệnh, lời thật dù khó nghe nhưng được việc.

Khi có người nghi ngờ việc chúng ta làm, hãy học cách nhìn lại chính mình, có sai thì sửa, không sai thì cố gắng thêm.

Xem người khác sống, bạn là người luôn nô lệ giá trị bên ngoài và bị tha hóa, sống cho người khác xem thì chỉ là diễn viên trên sân khấu cuộc đời mà vong phụ bản thân. Hãy sống để cho chính mình xem, ánh mắt người khác nhìn ta thật ra cũng như khi họ nhìn lướt qua bao phong cảnh bên đường.



Nhiều chuyện trên đời cứ để nó tự nhiên

(Sưu tầm)



Cuộc sống xô bồ với bao sự kiện khiến con người ta lúc nào cũng hối hả. Ai cũng muốn chủ động trong mọi việc, và nhiều khi người ta quên mất rằng: đôi khi cuộc sống cũng cần có những khoảng lặng tự nhiên !

Tôi hay bạn đều sẽ trải qua thời khắc chết đi sống lại, không chỉ bạn, mà tôi, mà tất cả mọi người, ít nhiều đều sẽ trải qua cuộc sống như thế. Tuy rằng những chuyện chúng ta gặp phải rất khác, cảm nhận khác, quá trình trưởng thành khác, mà năng lực cùng sức sống của mỗi người cũng không thể hoàn toàn đo lường chính xác, nhưng chúng ta đều vượt qua, không chỉ tôi, không chỉ bạn, mà là tất cả mọi người, tất cả nhân loại.

Quá khứ đã qua, nhưng tương lai lại không hề biết trước, mà cũng chính vì không hề biết trước, nên sinh mệnh mới càng thêm đẹp đẽ và thần kỳ đến thế. Cho nên, không cần hỏi những chuyện chưa tới nữa, mong bạn, hãy cứ giao phó, để mọi thứ tự nhiên. Cuộc sống này vốn tựa như dòng suối mùa hè thong thả chảy về phía trước, chúng ta vì thế cũng không cần sốt sắng làm gì. Khi chúng ta 30 tuổi, không nên lo lắng về những chuyện xảy ra vào năm 50 tuổi, và khi chúng ta sống, chúng ta lại càng không cần phải chờ đợi ngày cái chết đến gần, hết thảy những điều này, lúc cần đến sẽ đến.

Cuộc sống này thì ra trôi nhanh lắm. Ngày nối ngày, năm nối năm … mà thời gian của con người thì có hạn, lo sợ viễn cảnh, nuối tiếc những khoảng thời gian đã phí hoài, người ta chọn cho mình cách sống nhanh, sống vội vã, và rồi đến một lúc nào đó, người ta mệt mỏi với chính sự vội vàng của mình. Có ai sống được một cuộc đời chỉ toàn là thuận lợi ? Có ai được bước đi trên con đường trải toàn hoa hồng ? Đời phải có những vấp váp, những biến cố mà nhiều người không đủ sức chịu đựng nổi, sẽ có lúc ta cảm thấy cuộc sống thật là khó khăn, cảm thấy mình không đủ khả năng làm được gì.

Cuộc sống cũng bắt ta phải đưa ra nhiều những quyết định. Người ta không chỉ đau khổ với những biến cố, mệt mỏi với những lo toan, mà còn phải đối mặt với sự phân vân khó xử. Đời luôn bắt ta gặp những vấn đề khó giải quyết, khiến ta đau đầu, bế tắc không tìm được lối đi. Cuộc sống thật khắc nghiệt làm sao. Nhưng thường người ta lại chọn cách tiếp tục đương đầu, mà nhiều lúc sẽ lại chỉ bế tắc, ta không hay biết rằng, chính một sự “thả lỏng” đôi khi lại là những gì mà ta thật sự cần.

Một chiếc thuyền có thể không cần mái chèo, chỉ cần thả xuôi theo dòng nước cũng đến được nơi cần đến. Cuộc đời luôn tạo ra những cơn sóng bất tận đánh vào mạn thuyền, bước đi trên đường đời cũng như chèo lái con thuyền ấy, phải bình an mà tới được đích cuối. Cứ gắng sức chèo ngược hướng sóng chưa chắc đã là việc đúng, có khi chỉ làm ta kiệt quệ. Cứ nương theo nước mà dập dềnh, khi sóng gió qua thuyền lại yên ổn. Hãy để điều đó tự nhiên thôi. Không cần phải nỗ lực quá sức để rồi suy hao. Không cần suy nghĩ quá nhiều để phải mệt mỏi.

Khi lựa chọn cách “để mọi thứ được tự nhiên”, thứ được giải phóng đầu tiên chính là tâm trí con người, đừng tự quấn mình vào những sợi xích vô hình mà cuộc đời tạo ra. Đêm dù dài cũng phải kết thúc để nhường chỗ cho nắng mai. Mọi việc đều có xu hướng tự nhiên tốt đẹp nhất, chẳng cần phải cố uốn nắn điều gì bản chất là không thể uốn nắn, những gì ta băn khoăn trăn trở, hãy để nó được diễn ra theo cách tự nhiên nhất.

Nói vậy không có nghĩa là phải buông xuôi tất cả. “Cuộc sống là không chờ đợi”, nó cần thiết phải có những đương đầu, những nỗ lực, nhưng trong chừng mực nào đó, hãy để mọi điều xảy ra như nó phải như thế. Trong cuộc chạy đua với thời gian, con người cũng nên có những bước dừng để chờ cuộc sống tiến lên. Hãy cho tâm hồn mình thoải mái, để “mọi điều tự nhiên diễn ra” …

Giữ lại chút gì

(Thích Pháp Hòa)



Thông thường, nếu dùng sự hiểu biết của mình bình phẩm sự việc thì không gì là hoàn mỹ, lấy tâm lượng bản thân đo lường người khác thì không ai là hoàn thiện.

Soi mói lỗi lầm kẻ khác, chính mình đã không tốt. Trách móc sự thiếu sót của người, tự thân đã là điều không hay.

Người quá bá đạo sẽ không có bạn hữu. Lòng quá ích kỉ chỉ khiến mình mỏi mệt. Trên đời, chỉ có tình thương mới tạo ra tình nghĩa, có thể bao dung được cả thế giới.

Lúc có thời gian nên ngồi yên phản tỉnh lỗi lầm. Khi rảnh rỗi đừng bình luận chuyện tốt xấu thiên hạ. Lời nói dù không trực tiếp hại thân, nhưng rất dễ gây tổn đức. Nên thận trọng mở lời, tránh nói những chuyện không có, dù đùa giỡn cũng nên có chừng mực.

Tố cáo người cũng đừng nên nói tận, giữ lại chút khẩu đức. Trách mắng người nhớ đừng quá cay nghiệt, giữ lại chút độ lượng. Dù có lý cũng đừng truy đến cùng, giữ lại chút khoan dung. Xử lý việc đừng làm quá gay gắt, chừa lại một đường lui.

Nên biết, chấp nhận người khác là mở ra cơ hội cho mình, cảm thông với xung quanh mới giúp bản thân thêm rộng lượng.

Lòng biết nghĩ đến người khác thì mới đáng được quan tâm, có tôn trọng đối phương thì mới được cuộc đời trân trọng. Dùng tâm thái nhẹ nhàng đối xử với tất cả thì lòng mình tự nhiên cũng trở nên thư thái. Không tranh không giành sẽ không lo không sợ.

Shadow

(Life quotes)

Every shadow no matter how deep, is threatened by morning light.

╰▶ Mọi chiếc bóng bất luận dù sâu đến đâu, đều “bị” đe dọa bởi ánh ban mai.



Bóng trăng

(Chánh Bảo Trung)



Hư không trăng tỏ ngày Rằm
Chân Không nguyệt tuệ soi cùng tận thông
Bóng trăng mộng huyễn mê mờ
Trăng trong Không tánh vĩnh hằng sáng trong

Bến kia bờ Giác trăng vàng
Nhiên đăng Phật tuệ chiếu cùng thập phương
Chúng sinh phiền não khổ trầm
Nương nhờ ánh đạo thoát trần an nhiên

Tịnh tâm vô lậu não phiền
Định tâm bất động đối trần như như

Mọi thứ đến với mỗi người đều có ý nghĩa riêng của nó

(Sưu tầm)



Hãy chấp nhận sự thật rằng trong chúng ta có cả Bùn lẫn Sen, có cả Ác Quỷ lẫn Thiên Thần, đừng khước từ Ác Quỷ và cũng đừng cự tuyệt Thiên Thần. Trong chúng ta có cả đen lẫn trắng, nhưng đừng khước từ đen để chạy theo trắng, bởi đen là sự tô điểm cho trắng, bởi Bùn là dưỡng chất cho Sen. Nghĩa là, đừng bao giờ khước từ những yếu kém hay lỗi lầm trong quá khứ, bởi sẽ không có sự tiến bộ và hoàn thiện nào đến từ sự trốn chạy và chối bỏ hết cả, mọi thứ đến với mỗi người đều có ý nghĩa riêng của nó, đều là món quà cho sự trưởng thành và hoàn thiện. Hãy đón nhận nó với lòng biết ơn và trân trọng, và rồi hãy sử dụng sức mạnh chuyển hóa bản thân để nghiền nát toàn bộ sự rác rưởi trở thành dưỡng chất nuôi cây và cho ra hoa thơm, trái ngọt. Sau đó tự mình nếm lấy vị ngọt của niềm hạnh phúc vui sướng rộn ràng trong lòng.

Những con người đẹp nhất là những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát, và đã tìm được đường ra khỏi vực sâu. Những người này có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu với cuộc đời, cuộc đời đã làm họ tràn đầy sự cảm thông, sự dịu dàng và quan tâm, yêu thương sâu sắc. Người đẹp không tự nhiên mà có.

Tôi hay bạn mỗi ngày đều phải tự mình đối mặt với một cuộc chiến thiện ác ngay trong chính bản thân mình. Cuộc chiến đó không hề dễ dàng, con ác quỷ trong người bạn luôn sẵn sàng nhảy xổ ra bất cứ lúc nào bạn không đề phòng, không để ý, khi bạn lơ là. Muốn vậy, mỗi ngày mỗi giờ mỗi phút mỗi giây bạn đều phải luyện thân tâm trí, như vậy có mệt mỏi không ?

Câu trả lời là nếu bạn rèn luyện thường xuyên, đến một ngày nó sẽ trở thành thói quen, và lúc đấy thì bạn sẽ không cần cố gắng nữa, nó sẽ nhẹ như một hơi thở, dễ dàng hơn nhiều. Tôi đã từng có vô vàn ý nghĩ, ý định mà giờ nghĩ lại tôi vẫn còn rùng mình, những thứ ác độc dành cho những kẻ mà tôi căm ghét, thù hận, những kẻ mà tôi cho đã đẩy cuộc sống của tôi vào địa ngục, đã làm tôi tổn thương sâu sắc, khiến tôi hết lần này đến lần khác ngập trong hố sâu lầy lội, đau đớn không thoát ra được.

Thật may, lí trí tôi đủ mạnh để vượt qua điều đó, đã không biến những điều đó thành sự thật một cách trọn vẹn đầy đủ, nó đã kịp được ngăn chặn trước khi quá muộn, hoặc những hậu quả nếu có tôi chưa nhận ra được để đủ trầm trọng.

Là sách đã cứu rỗi linh hồn tôi, chính trong sách đã đưa cho tôi những lối thoát, những con đường, những bàn tay, kéo tôi ra khỏi hố sâu tuyệt vọng. Không biến tôi thành một kẻ xấu tệ hại, đáng sợ. Tôi đã quyết định tha thứ, không phải vì ai khác mà chính vì bản thân mình, tôi đã hiểu chỉ có buông bỏ quá khứ mới có thể giải thoát được tôi. Tôi đang bước chập chững từng bước một ra khỏi hố đen đó, thi thoảng cũng có một vài sợi dây níu tôi lại, gần hơn với cái hố đen đó, nhưng thật may, tôi đã cố gắng đủ nhiều để cắt bớt đi, sức nặng những sợi dây sẽ giảm đi, nhưng cái thế lực đen tối xấu xa trong tôi thi thoảng vẫn trỗi dậy, kéo tôi lại, cứ thế mỗi ngày tôi đều đấu tranh, cố gắng để bước đi.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|75|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Chẳng phải Bố Mẹ, chẳng phải người thân, chẳng phải bất kỳ ai trên cuộc đời này có thể biến ta thành người cao thượng. Để trở thành một người cao thượng phải bắt đầu từ tâm niệm hướng thiện của chính mình”.

Một trong những điều khó khăn nhất của người đời chính là việc thuyết phục được bản thân tin rằng tự mình chịu trách nhiệm cho những hành động của mình, từ suy nghĩ, ánh mắt, lời nói. Thời gian để thuyết phục được bản thân tin vào điều đó dài bằng chính thời gian để đi từ hoang mang, âu lo, dằn vặt, hận thù đến được bình yên, đó là một quá trình nỗ lực rất dài, rất lâu, rất nhiều.

Người đã tin và người chưa tin được điều đó, khi đi ngang qua cuộc đời, đều gặp những bất trắc như nhau cả thôi, như đi dưới mưa, ai cũng bị ướt; khác nhau, một người có nơi trú ẩn, một người lại chưa; một người đã yên, một người còn phải loay hoay tìm ngoài kia một nơi trú ẩn tạm cho mình; một người đã biết quay về tựa vào chính mình, một người thì chưa. Như khi nghe giông gió, một người vội gia cố ngôi nhà mình thật chắc chắn, một người lại trách cuộc đời sao lắm gió giông. Qua nhiều lần giông gió, một người càng vững chãi hơn, càng biết tận dụng từng điều thiện rất nhỏ để gia cố cuộc đời mình, còn một người chỉ toàn những lời đổ lỗi cho cuộc sống làm mình bất an.

Cuộc sống ấy mà, rồi sẽ có một ngày, những chuyện chưa tin cuộc sống bắt chúng ta phải tin, những điều chưa chấp nhận được cuộc sống bắt chúng ta phải chấp nhận, chỉ là, có khi ngày đó đã quá muộn, chẳng còn nhiều thời gian để làm được gì nữa.

Cuộc sống luôn đem những gì tốt đẹp nhất cất vào trái tim mỗi người, để họ tự giữ lấy.

Núi đêm nay sáng trăng, có hương loài hoa dại nở đêm theo gió ngang qua hiên, mơ hồ.

Người ngủ an, mai thức dậy thấy lòng như lá non.



Sáng dậy sớm

- Trích “Phép Tắc Người Con”,Bài 12
- Theo Zhengjian,Kiến Thiện biên dịch



Sáng dậy sớm, tối ngủ trễ
Lúc chưa già, quý thời gian
Sáng rửa mặt, và đánh răng
Tiểu tiện xong, rửa tay sạch

Diễn giải

Buổi sáng phải dậy sớm, vì buổi sáng cần tận dụng thời gian để học tập nhiều thêm, có thể đi ngủ muộn một chút. Chúng ta nên trân quý thời gian hiện tại, bởi vì con người sẽ rất nhanh chóng trở nên già cả. Buổi sáng dậy, phải rửa mặt, đánh răng súc miệng. Mỗi lần sau khi đi vệ sinh thì phải rửa tay ngay.

Câu chuyện tham khảo: NGHE GÀ GÁY DẬY MÚA KIẾM

Chương ‘Tổ Địch liệt truyện’ quyển thứ 62 sách ‘Tấn thư’ có ghi chép rằng, Tổ Địch tên tự là Sỹ Trĩ, là người huyện Phạm Dương Tù (huyện Lai Thủy tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay). Anh tính tình hào phóng, là người nghĩa hiệp, thường cứu tế những người nghèo khổ, do đó được mọi người rất kính trọng. Đương thời, tình hình quốc gia thù trong giặc ngoài, Tổ Địch lập chí dốc sức vì quốc gia, bình định phản loạn.

Sau đó, anh và người bạn thân là Lưu Côn cùng đến ty châu nhậm chức. Vì chí hướng tương đồng, hai người bèn ở cùng nhau, khích lệ rèn giũa lẫn nhau. Khi đó, hai người thấy người Hồ (dân tộc phương Bắc) tiến xuống phía Nam xâm chiếm, quốc gia bị tàn phá, trong lòng đều vô cùng đau buồn và phẫn uất, bèn lập chí dốc sức báo đáp quốc gia. Một lần Tổ Địch nghe thấy tiếng gà gáy lúc nửa đêm, tuy trời chưa sáng, nhưng anh cảm thấy thời gian rất quý báu, nên nỗ lực nắm giữ, bèn gọi Lưu Côn còn đang ngủ ở bên dậy: “nghe thấy tiếng gà gáy chưa, chúng ta mau dậy, tận dụng thời gian luyện võ đi”. Thế là hai người chẳng quản giá lạnh lúc nửa đêm, ra sân múa kiếm rèn luyện thân thể, không ngày nào gián đoạn, cuối cùng đã luyện được một thân võ nghệ thành tài. Sau này, Tổ Địch được hoàng đế biết tới tài năng, được bổ nhiệm là đại tướng quân, dẫn quân đi bình định phản loạn, thu hồi được rất nhiều vùng đất bị xâm chiếm, hoàn thành tâm nguyện báo đáp quốc gia. Còn Lưu Côn làm đô đốc, quản lý quân sự ba châu: Tinh Châu, Ký Châu và U Châu, cũng đã thể hiện được tài năng của mình.

Phụ chú

Nguyên tác

朝 起 早 夜 眠 遲
老 易 至 惜 此 時
晨 必 盥 兼 漱 口
便 溺 回 輒 淨 手

Âm Hán Việt

Triêu khởi tảo, dạ miên trì
Lão dị chí, tích thử thời
Thần tất quán, kiêm thấu khẩu
Tiện niệu hồi, triếp tịnh thủ

Chú thích

• Triêu: buổi sáng

• Miên: ngủ

• Trì: muộn

• Dị chí: rất nhanh liền đến

• Tích: quý tiếc

• Thời: thời gian

• Quán: rửa mặt rửa tay

• Kiêm: đồng thời, cùng

• Tiện niệu: đi vệ sinh (đại tiểu tiện)

• Triếp: mỗi lần

• Tịnh thủ: rửa tay

D.P.A (86)

(Ca dao Phật giáo)

Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người



Cốt hoàn thiện được bản thân

(Thích Tánh Tuệ)

Người đến với bạn vì tiền, hết tiền sẽ rời đi.

Người đến với bạn vì danh, hết danh liền biến mất.

Người đến với bạn vì sắc, sắc tàn phai liền chạy theo kẻ khác.

Vậy đấy, chúng ta cứ nghĩ có tiền tài, có danh vọng, có sắc đẹp là có tất cả. Nhưng những thứ đó bạc bẽo vô thường, nay còn mai mất. Cuộc đời vì vậy mà cười hả hê thì ít, nước mắt lặn sâu chảy thành biển khổ trầm luân thì nhiều.

Khi nhận ra lòng người, bạn cũng đừng vội buồn khổ. Coi như cơ duyên giúp ta lĩnh ngộ, thấu hiểu thêm về nhân sinh và về chính mình.

Khi bạn có đức hạnh, người đức hạnh sẽ gặp.

Khi bạn có lòng từ bi, người từ bi sẽ nhận ra bạn.

Khi bạn có chân thành, người chân thành sẽ nhận được và ở lại với mình.

Những người bạn lành như vậy, mới giúp ta thêm tiến bộ. Cuộc sống với những người an lành như vậy, mới có thể bớt đi rất nhiều những trầm luân của một kiếp làm người.

Đừng đi tìm bạn bè, sự hoàn hảo và hạnh phúc từ bên ngoài. Cốt tự mình hoàn thiện bản thân, phước đức, thiện lành, hạnh phúc sẽ đổ về như những con mưa tự tìm về sông suối.



Biết và Hành

(Sưu tầm)



Dù tại gia hay xuất gia, chúng ta đến với đạo Phật nhưng chỉ biết những hình thức cúng kiến, lễ lạy, cầu nguyện mà thôi, không chịu tìm hiểu xem Ðức Phật dạy những gì để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, tìm hiểu xem đâu là Chánh pháp, điều gì là Chánh kiến, thì khổ đau vẫn hoàn đau khổ, theo đạo Phật như thế thì không lợi lạc gì bao nhiêu và ... có khác chi bao người không biết đến Phật pháp.

Một người tu còn cần phải có ít nhất những đức tính sau đây:

⒈ BIẾT LÀM PHƯỚC, BỐ THÍ: có những người học (đọc) nhiều kinh sách, hiểu biết giáo lý, nói đạo rất hay, nhưng không biết làm phước, bố thí, mà lại keo kiệt, bỏn xẻn, bo bo bám chặt vào tài sản, tiền bạc của mình.

⒉ NÓI LỜI ÁI NGỮ: có người theo học đạo lâu năm mà không giữ gìn khẩu nghiệp, ăn nói xả láng, chê bai, chỉ trích, vu khống, bịa đặt, phỉ báng kẻ khác.

⒊ TỪ, BI, HỶ, XẢ: thiếu bốn đức tính này thì chưa phải là kẻ tu hành.

⒋ KHIÊM CUNG và LỄ ĐỘ: càng tu thì cái ngã phải nhỏ dần và biết cung kính tôn trọng kẻ khác, nhất là các bậc trưởng thượng.

Nếu chưa có những đức tính này thì có thể nói là chưa biết tu, hoặc tu chưa đủ để chuyển hóa tâm tánh. Hãy tự xét lại, nhìn lại mình xem, mình đã tu tập đến đâu để dừng lại sửa ngay sơ sót, nếu chỉ tu trên hình thức suông, không quan xét lại mình, có khi uổng phí một kiếp người may mắn biết Phật Pháp.

- Phật Pháp thì bao la nhưng hãy bắt đầu thực tập từ những gì căn bản nhất. Điều căn bản mà chưa làm được thì dẫu biết những triết lý cao siêu cũng chỉ là đang diễn tả về những chiếc bánh vẽ thật hay mà không nếm được hương vị thật của chiếc bánh.

- Trì giới cho ta một tâm thức an lành.

- Nhẫn nhục cho ta sự khiêm tốn, nhẫn nại.

- Tinh tấn để từ bỏ mọi dính mắc, biếng lười.

- Bố thí để buông xả sự bo bo, tham luyến.

- Thiền định để thấy rõ bản ngã, cái tôi là gốc rễ của mọi buộc ràng, đau khổ.

- Trí tuệ để chiếu rọi và xua tan bóng tối si mê.

“Mừng cho ai biết trở về
Từ nơi Chánh Niệm, Bồ-đề nở hoa …”

Hạt sương mầu nhiệm

(Hàn Long Ẩn)



Buổi sáng mai dậy
Sương đọng trên cành
Nghiêng mình trước gió
Long lanh, long lanh

Lãng quên tất cả
Sương cứ đùa chơi
Dù sắp tan rã
Khi có mặt trời

Nắng mai lầm tưởng
Sương sẽ buồn thôi
Ô kìa sao lạ
Nụ cười trên môi

Giọt sương kiêu hãnh
Ý thức từng giây
Mình đang có mặt
Tâm nở hoa đầy

Hôm nay hóa kiếp
Mai về muôn nơi
Hạt sương mầu nhiệm
Người ơi, người ơi ...

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|74|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Vẽ bức tranh lên tường, dù cẩn thận đến đâu, dù ra sức bảo vệ thế nào, khi tường đổ, bức tranh vỡ nát. Khi đem những danh lợi phù hoa tầm thường vẽ nên hình hài cuộc đời mình, dù cẩn thận thế nào, dù bảo vệ đến đâu, khi cái chết đến, cuộc đời đó cũng sẽ nát thành tro bụi”.

Có những cuộc đời, có những sự nghiệp, nhìn thoáng qua, thấy to lớn lắm, nhưng sụp đổ rất nhanh, chỉ trong một thời gian rất ngắn, nát thành tro bụi, những gì còn lại chỉ là ánh mắt dửng dưng của người đời. Trong cuộc sống hiện tại, những con người như vậy chẳng thiếu gì, đổ nát chỉ sau một đêm.

Do tử tế với người quá ít, do từ bi với cuộc đời chẳng được bao nhiêu, chỉ như sợi dây nhỏ, mong manh, nhưng lại mang lòng tham quá lớn của mình treo lên đó. Đứt - chẳng phải chờ cái chết đến mới vỡ vụn.

Khi đem những điều tầm thường vẽ nên diện mạo cuộc đời mình, như đem thứ màu kém chất lượng vẽ một bức tranh, dù to lớn thế nào, chỉ sau vài lần nắng mưa là phai hết.

Từ bi của chúng ta là bình yên của chúng ta. Nên, hạnh phúc là khi có được tâm từ bi đủ chắc chắn để có thể yên tâm treo lên đó bình yên cả đời mình, không phải lo lắng gì, dù ngoài kia, cuộc đời, có giông gió bao nhiêu đi chăng nữa.

Và hạnh phúc nhất là khi có được tâm từ bi chắc chắn hơn, rộng lớn hơn, đủ chỗ, đủ vững chắc, để lâu lâu có người mang nỗi buồn của mình về treo nhờ lên đấy, chờ nắng lên, hong thật khô, vàng ươm, ấm, thành những bình yên.

Người ngủ an.



Mười lời dạy của cổ nhân

- Sưu tầm

Đời người là hữu hạn, nhưng lòng tham của con người lại vô hạn. Phải làm sao để có được một cuộc sống thảnh thơi, yên bình và nhìn thấu được lòng người giữa cuộc đời bon chen, xô bồ này ?

Trang Tử (~365–290 TCN) là một triết gia và tác gia Đạo giáo. Trang Tử cao minh mà rất giản dị, sống hoà hợp với tự nhiên. Ông luôn chủ trương ẩn dật mà khoáng đạt, thuận theo vũ trụ, xa lánh thế tục. Vị hiền triết nổi tiếng của phương Đông từng đưa ra những lời khuyên vô cùng tâm huyết, khiến cho người đời không khỏi thán phục. Cho đến nay, dù đã hàng nghìn năm trôi qua, những lời nói đầy triết lý của Trang Tử vẫn còn nguyên giá trị như thuở xa xưa. Chắc chắn rằng mười đạo lý của Trang Tử dưới đây sẽ khiến chúng ta phải suy ngẫm và gật gù về con mắt tinh đời của ông.

➊ Con người sống giữa đất trời, cũng giống như con ngựa chạy qua vạch ngăn cách mỏng manh, chớp mắt một cái đã xong rồi. Danh lợi chỉ là những thứ phù phiếm mà chúng ta phải dồn bao tâm sức mới giành được. Thế nhưng, đời người ngắn ngủi lắm, chỉ khoảng mấy chục năm thôi, có khác nào một giấc mơ đâu. Vì vậy, chúng ta cần phải biết cách trân trọng những thứ đáng quý, buông bỏ những tranh chấp vô nghĩa, quên hết bao phiền muộn sầu lo để được sống một cuộc đời thảnh thơi, vui vẻ.

➋ Nước không đủ thì không đẩy được chiếc thuyền lớn, gió không đủ thì không dang nổi đôi cánh to. Chiếc thuyền lênh đênh giữa biển khơi phải dựa vào sức nước, đại bàng muốn sải cánh trên trời cao cũng còn phải xem sức gió. Không có đủ sức nước, chiếc thuyền chẳng thể cập được bến, không có đủ sức gió, đại bàng cũng chẳng thể bay suốt quãng đường dài. Con người muốn thành việc đại sự, thì buộc phải sống thực tế và tập bắt đầu từ những thứ cơ bản nhất.

➌ Người phàm đều thích người khác đứng về phía mình và ghét những kẻ chống lại mình. Sống ở trên đời ai mà chẳng thích nghe lời ngon tiếng ngọt, chẳng có người nào thích nghe những lời chê bai hay phản bác ý kiến của mình cả, đây là một chuyện rất thường tình. Thế nhưng “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”, có những lời phê bình xuất phát từ đáy lòng sẽ rất có lợi cho chúng ta và chúng ta nên học cách tiếp thu. Hầu hết những con người kiệt xuất đều dũng cảm đối mặt với đủ mọi lời chê bai hay hàng loạt ý kiến phản bác của người khác.

➍ Bi ai lớn nhất của đời người là chết về tâm tưởng, còn cái chết về thể xác chỉ xếp sau. Bi kịch lớn nhất của đời người là bị tê liệt tinh thần, bị mất đi ý chí. Một người “chết tâm” không thể tự nhận ra nỗi bi ai của mình, mà phải do người khác nhìn nhận. “Chết tâm” là khi tâm hồn đã nguội lạnh, ý chí bị mài mòn, chính người trong cuộc không hề biết nhiệt huyết trong lòng mình đã lụi tàn, chỉ có những người xung quanh mới phát giác ra điều đó.

➎ Không thể nói chuyện biển cả với con ếch ngồi đáy giếng, chẳng thể bàn về băng tuyết với lũ côn trùng mùa hè. Chúng ta chẳng thể nói những chuyện ngoài biển khơi mênh mông với một con ếch chỉ biết quẩn quanh nơi đáy giếng, cuộc sống bị bó hẹp trong tầng tầng lớp lớp giới hạn. Với lũ côn trùng chỉ sống trong mùa hè nắng ấm, người ta cũng không thể kể lể câu chuyện về băng tuyết giá lạnh, bởi chúng chẳng bao giờ có cơ hội được trải nghiệm và cảm nhận cả. Khi giao tiếp với người khác, cần phải chú trọng cách trình bày, phải dựa vào hoàn cảnh và độ hiểu biết của đối phương để bàn luận. Nếu không sẽ dẫn đến hậu quả là một bên cứ “đàn gảy tai trâu”, còn một bên lại cho rằng người kia đang “không nói tiếng người”.

➏ Người có tài chẳng cần nói nhiều, chỉ có những kẻ bất tài vô dụng mới hay khoe khoang, thể hiện. Một người thông minh sẽ chẳng bao giờ phải mất công trình bày này nọ hay chứng minh điều gì bằng lời nói, bởi “người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”. Còn đối với những kẻ mồm năm miệng mười, luôn thích thể hiện mình giỏi, ra vẻ ta đây thường sẽ rơi vào tình trạng “nói dài, nói dai, thành nói dại” và sớm muộn gì cũng sẽ phải “hiện nguyên hình” mà thôi. Đôi khi lời nói sẽ bộc lộ sự hiểu biết và trí tuệ của con người, nhưng có những lúc trầm mặc lại thể hiện được sự uyên thâm, chín chắn của họ.

➐ Người biết đủ sẽ không bán mạng vì lợi lộc, có mất mát cũng không thấy ân hận. Một người biết thế nào là đủ sẽ không vì lợi ích hay bổng lộc mà làm việc bán sống bán chết, quên hết mọi chuyện xung quanh, người biết tự thỏa mãn sẽ luôn tự tìm được niềm vui, chẳng bao giờ cảm thấy âu lo, ân hận, người sống an nhàn sẽ chẳng vì tranh giành tước vị mà làm những việc hổ thẹn với lương tâm. Người biết đủ không phải là người mãi luôn dậm chân tại chỗ, ì ạch không chịu vươn lên, mà là người xa lánh những tranh giành thế tục, không theo đuổi những thứ phù phiếm, biết kiềm chế lòng tham không đáy của con người.

➑ Mưu sự không có chủ kiến ắt lâm vào cảnh khốn đốn, làm việc không có chuẩn bị tất xôi hỏng bỏng không. Người hay chần chừ, do dự, làm việc không quyết đoán thường sẽ bỏ lỡ những cơ hội quan trọng, không cách nào vãn hồi được, bởi có những cơ hội chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong đời mà thôi. Làm việc gì cũng cần phải có những phương án dự phòng, cần biết dự liệu để có thể kịp thời xoay sở khi xảy ra những sự cố ngoài ý muốn. Nếu không biết nắm bắt thời cơ thì từ việc lớn cho tới việc nhỏ sẽ sớm tan tành mây khói.

➒ Chỉ có dùng tình cảm chân thật mới có thể khiến người ta cảm động. Người chân thành là người sống thật với cảm xúc của mình và có thể dễ dàng dùng tình cảm chinh phục đối phương. Còn người không chân thành thì dù có cơ trí, khôn ngoan cách mấy cũng khó có thể lay động được lòng người. Chỉ có sự chân thành tột bậc mới đủ sức cảm hóa hay khiến cho người ta cảm động, vì vậy, cho dù làm gì cũng luôn phải chú ý gìn giữ cái tâm.

➓ Kẻ hay ca tụng người khác trước mặt thì cũng thường nói xấu sau lưng người ta. Những kẻ thích tán tụng người khác thì cũng thích đi nói xấu sau lưng họ. Có những kẻ trước mặt thì thơn thớt nói cười, dùng đủ mọi lời hoa mỹ để ngợi ca người ta, đưa người ta lên tận mây xanh, nhưng chỉ mới quay mặt đi đã sẵn sàng “đâm” họ cả chục nhát, làm vấy bẩn thanh danh của họ, thậm chí là vu oan giá hoạ cho họ. Loại người này ban đầu rất được lòng người khác, nhưng sớm muộn gì cũng sẽ bị bại lộ bản chất, bởi cái kim trong bọc ắt có ngày phải lòi ra thôi. Chẳng thế mà người xưa hay nói “đường dài mới biết ngựa hay, ở lâu mới biết người ngay kẻ tà”, thôi thì cứ đợi đi, thời gian sẽ chứng minh tất cả.

「Trang Tử (~365–290 TCN) là một triết gia và tác gia Đạo giáo. Tên thật của ông là Trang Chu và tác phẩm của ông sau đều được gọi là Trang Tử. Ông còn có tên là Mông Lại, Mông Trang hay Mông Tẩu. Ông sống vào thời Chiến Quốc, thời kỳ đỉnh cao của các tư tưởng triết học Trung Hoa với Bách Gia Chư Tử.」

Những dòng Pháp nhủ

- Sưu tầm



● Con à, đừng ghét bỏ một ai đó làm gì. Con ghét người ta nhưng chắc gì người ta đã biết điều đấy, như thế chỉ có mình con phải khó chịu mà thôi. Nếu đã không thích, không thương được thì đơn giản là không tiếp xúc, không bận tâm, gánh mãi một người mấy chục ký lô trong suy nghĩ thì con tự làm cho mình kiệt sức đấy.

● Đừng bao giờ trông chờ vào một người nào đó để có được hạnh phúc. Hãy luôn là chính mình, là một tâm hồn tự do, phóng khoáng và làm tất cả những gì mình thích trong chánh niệm, cuộc đời sẽ mỉm cười với con. Hạnh phúc do chính mình mang lại mới là hạnh phúc thực sự.

● Khi một cuộc tranh cãi nổ ra, con không nhất thiết phải là người thắng cuộc. Con sẽ không biết được mình sẽ mất những gì sau đó. Đôi khi, chấp nhận thua để cõi lòng bình an, thì con chính là người thắng vậy.

● Nếu người khác tôn trọng con, hãy tôn trọng họ. Nếu họ không tôn trọng con, vẫn cứ tôn trọng họ. Đừng để hành động của người khác ảnh hưởng đến nhân cách tốt đẹp của con, bởi lẽ, con chính là con chứ không phải là một ai khác.

● Khi con nhìn người khác qua lăng kính hiển vi, con sẽ thấy họ thật nhiều xấu xa, khuyết điểm. Khi con nhìn người khác qua viễn vọng kính, con sẽ thấy họ thật nhỏ bé, tầm thường. Và khi con nhìn người khác qua tấm gương chân lý, con sẽ thấy con và mọi người chẳng khác gì nhau ...

● Trước gương soi, không sợ con xấu thế nào, chỉ sợ con không muốn chấp nhận mình xấu. Còn thái độ trước chân lý, không phải do cái “xấu” và “đẹp” của mỗi người mà quyết định hay sao.

● Có rất nhiều chuyện, trước khi kịp quý trọng thì đã thành chuyện xưa. Có rất nhiều người, trước khi kịp để tâm thì đã thành người cũ. Cuộc sống không bán vé khứ hồi, mất đi vĩnh viễn không có lại được. Con biết không, chúng ta đều già quá nhanh, nhưng sự thông minh lại đến quá muộn ...

Hãy sống cho tròn vẹn kiếp người
Vui buồn, thành bại ... cũng qua thôi
Xuân xôn xao, lá chờ Thu rụng
Sống để thương cùng, sống thảnh thơi
(Thơ Thích Tánh Tuệ)

Cái giếng của đời người

- Sưu tầm

Một trong những câu chuyện tôi yêu thích: “có chú ếch ngoài biển một hôm vào thăm bạn sống dưới một đáy giếng, gặp nhau mừng rỡ, chú ếch ở đáy giếng hỏi bạn:

- Này bạn, biển của bạn có lớn bằng một phần của cái giếng của tôi không ?

- Lớn hơn nhiều.

- Vậy bằng một nửa à ?

- Không, lớn hơn nhiều.

- Không lý bằng cả cái giếng của tôi ?

- Không, lớn hơn rất nhiều.

- Không thể tin được, tôi phải đi để nhìn tận mắt biển của bạn lớn bao nhiêu.

Thế là chú ếch ở đáy giếng cùng bạn ra tận biển để xem có đúng vậy không, ra đến biển, chú ếch bàng hoàng sửng sốt trước sự mênh mông to lớn của biển, kinh hoàng đến nổi ếch ta phình to cái bụng đến mức nổ tung.

Còn chúng ta thì sao ? Trong mấy chục năm cuộc đời và xuyên suốt vô số kiếp quá khứ trôi lăn trong luân hồi, chúng ta bị nhốt trong cái hang đông “ngũ uẩn” đầy dục vọng, mỗi con người chúng ta đã xây dựng nên cả một hệ thống đan xen chặt chẽ của định kiến tri thức và định kiến cảm xúc, những thói quen của thân và tâm mà chưa một lần tự hỏi mình có đúng hay không để tỉnh ngộ, thì đến bao giờ chúng ta mới buông xả để vượt thoát ra khỏi, để nhìn thấu được sự mênh mông vô cùng tận của vũ trụ thiên nhiên. Chính suy nghĩ và cái nhìn hạn hẹp của chúng ta giam nhốt chúng ta trong kiếp đời sinh tử lăn trôi ...

“Giới hương, định hương và tuệ hương
Giải thoát, giải thoát, tri kiến hương …”

Trước người lớn

- Trích “Phép Tắc Người Con”,Bài 11
- Theo Zhengjian,Kiến Thiện biên dịch



Trước người lớn, phải nói nhỏ
Nhỏ khó nghe, không đúng phép
Đến phải nhanh, lui phải chậm
Khi hỏi đáp, mắt nhìn thẳng
Kính Chú Bác như kính Cha
Kính đàn anh như anh ruột

Diễn giải

Trước mặt người lớn phải nói nhỏ nhẹ. Nếu nói nhỏ quá, lí nha lí nhí nghe không rõ thì cũng không thích hợp, không nên.

Đến trước mặt người lớn thì phải nhanh chân bước tới, khi cáo lui thì phải bước chậm rãi. Người lớn hỏi chuyện thì phải lập tức trả lời, chăm chú nhìn vào người lớn, không được nhìn ngang liếc dọc.

Phụng sự các Chú các Bác, những người bằng vai với Cha mình thì cũng tôn kính như đối với Cha mình. Đối với các anh họ, những người bằng vai với anh trai mình thì cũng phải tôn kính như anh ruột mình.

Câu chuyện tham khảo: TRƯƠNG LƯƠNG KÍNH TRỌNG NGƯỜI GIÀ, BA LẦN ĐẾN CẦU DI, CUỐI CÙNG ĐẮC ĐẠO

Trương Lương tên tự là Tử Phòng, là công thần khai quốc triều Hán, được phong làm Lưu hầu, đại tư đồ. Khi Trương Lương còn nhỏ, trên đường đi qua cây cầu Di ở huyện Hạ Phì tỉnh Giang Tô, đúng lúc gió to tuyết rơi. Lúc đó, cậu gặp một cụ già đầu thắt khăn đen, mặc áo vàng, đánh rơi chiếc giày xuống dưới cầu. Cụ già nhìn Trương Lương và nói: “cháu bé, giúp ta nhặt chiếc giày lên”. Trương Lương không hề khó chịu, vội vàng xuống dưới cầu nhặt chiếc giày lên cho ông cụ, hai tay dâng lên. Ông lão thò chân ra đi giày, Trương Lương cung kính xỏ giúp cho cụ. Ông lão cười và nói: “đứa bé này có thể dạy được, sáng mai đến đây ta có thứ muốn dạy cậu”.

Sáng hôm sau khi trời sắp sáng, Trương Lương liền đến như đã hẹn, ông lão đã ở đó rồi. Ông lão nói: “chúng ta đã hẹn rồi, sao cậu lại đến muộn hơn ta, không thể truyền Đạo cho cậu được”. Cứ như thế đi đến lần thứ ba, Trương Lương đến trước, cũng không có vẻ mệt mỏi gì. Ông lão rất vui mừng, lấy sách đưa cho cậu và nói: “đọc quyển sách này có thể thành thầy đế vương, nếu còn muốn cầu học với ta thì đến Cốc Thành tỉnh Sơn Đông, Hoàng Thạch dưới chân núi chính là ta”.

Sau khi Trương Lương đọc quyển sách này, ông đã có thể tùy cơ ứng biến, phò tá Hán Cao Tổ Lưu Bang dẹp yên thiên hạ. Người đời sau gọi quyển sách này là “Hoàng Thạch công thư”, có nghĩa là “Sách của ông Hoàng Thạch”. Dùng sách này tu thân có thể tu luyện khí công, tịch cốc không cần ăn uống, tiếp theo nữa là thân thể nhẹ nhàng, đắc Đạo thành Tiên.

Sau khi Trương Lương thi giải rời thế gian, mai táng ở cánh đồng Long Thủ ở Trường An. Trong cuộc nổi loạn Xích Mi những năm cuối thời Tây Hán, nông dân tổ chức thành Xích Mi quân đi khắp nơi bắt giết quan lại và binh sỹ. Khi đó có người đào mộ Trương Lương, chỉ thấy cái gối bằng đá màu vàng. Cái gối đá bỗng nhiên bay vọt lên không trung mất tích, như một vệt sao băng. Trong mộ không thấy thi thể và quần áo, mũ của Trương Lương.

Trương Lương đăng Tiên vị, là Thái Huyền Đồng Tử, quanh năm theo Thái Thượng Lão Quân (danh xưng tôn kính Lão Tử của đạo gia) trên Tiên giới. Cháu tám đời của ông là Trương Đạo Lăng xuất gia tu đạo, bạch nhật phi thăng ở núi Hạc Minh. Sau khi đắc Đạo thành Tiên, Trương Đạo Lăng đến núi Côn Luân bái kiến Tây Vương Mẫu, Trương Lương cũng đến tham gia đại hội.

(Nguồn: “Tiên truyện thập di” của Đỗ Quang Đình đời Đường)

Phụ chú

– Đại Tư Đồ: chức quan quản lý giáo hóa, cùng với Đại Tư Mã và Đại Tư Không là Tam Công.

– Tịch cốc: phép tu luyện của đạo gia, không ăn ngũ cốc để tu luyện thành Tiên.

– Thi giải: hình thức viên mãn của đạo gia. Sau khi tu luyện đắc đạo, mượn một vật hóa làm thi thể, nhưng bản thân người đó đã thành Tiên đi lên, chứ không phải thực sự chết.

– Bạch nhật phi thăng: nghĩa là ban ngày bay lên trời. Chân nhân đắc Đạo của Đạo gia sau khi tu luyện thành công, nhục thân đã tu thành Đạo thể, có thể đem Đạo thể bay lên Trời.

Nguyên tác

尊 長 前 聲 要 低
低 不 聞 卻 非 宜
進 必 趨 退 必 遲
問 起 對 視 勿 移
事 諸 父 如 事 父
事 諸 兄 如 事 兄

Âm Hán Việt

Tôn trưởng tiền, thanh yếu đê
Đê bất văn, khước phi nghi
Tiến tất xu, thoái tất trì
Vấn khởi đối, thị vật di
Sự chư phụ, như sự phụ
Sự chư huynh, như sự huynh

Chú thích

• Đê: nói nhỏ nhẹ

• Văn: nghe thấy, nghe được

• Khước: trái lại, ngược lại

• Nghi: thích đáng, thích hợp

• Xu: nhanh chân bước tới

• Trì: chậm rãi

• Khởi đối: đứng lên trả lời. ‘Khởi’ nghĩa là đứng lên. ‘Đối’ nghĩa là đối đáp, trả lời.

• Thị: nhìn, xem chăm chú

• Sự: thờ phụng, phụng sự

• Chư phụ: Anh em của cha, anh của cha gọi là bác, bá phụ, em của cha gọi là chú, thúc phụ. Nghĩa rộng là chỉ những người cùng vai vế với cha. Chư nghĩa là nhiều, các, chư vị.

• Chư huynh: anh họ. Con trai của chú, bác, cô, dì, cậu, mợ thì gọi là anh em họ. Chư phụ chư huynh là chỉ họ hàng của cha, nhưng nguyên tắc này cũng thích hợp dùng cho họ hàng của mẹ.