V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Lắng đọng phút giây

(Thích Tánh Tuệ)



… Khi ta sống chậm lại, bạn sẽ cảm nhận cuộc sống sâu hơn. Giữa guồng quay vô tận của thời gian, áp lực của cuộc sống, của công việc, người ta bắt đầu thấy chóng mặt, ngột ngạt, thì khái niệm sống chậm không còn là điều gì đó quá mới mẻ. Nhưng sống chậm như thế nào cho đúng, sống chậm như thế nào cho đủ, và thấm thía thật sâu ý nghĩa của sống chậm thì thật là không phải dễ.

Sống chậm ! Chậm lại để không hời hợt, chậm lại để thấy rõ cảm xúc, để lắng nghe nhịp chảy của cuộc sống, nhịp đập của chính trái tim mình, để nhận ra điều gì thực sự là quan trọng, điều gì chỉ là những phù phiếm thoáng qua. Sống chậm lại với ý thức sáng tỏ bạn sẽ ít vấp váp, lỗi lầm.

Em ơi bước chậm lại
Nhìn đóa hoa bên đường
Em đi chân vội vã
Lướt qua nhiều yêu thương

Đời quay cuồng vô tận
Dòng thời gian trôi nhanh
Sao ai ai cũng thấy
Chỉ phía trước màu xanh

Sống dài đâu quan trọng
Sống sâu mới kể là ...
Ngày mai còn trong mộng
Hiện tại, (present) quà cho ta

Đôi khi dừng lại cảm nhận mình đang sống 

- Sưu tầm

Có khi nào bạn hỏi mình : “ta đang sống hay chỉ đang tồn tại ?”. Tồn tại thì ta như cái máy bị lập trình, nhưng sống là cảm nhận ý nghĩa sự sống qua những điều rất nhỏ.

Có những điều đơn giản trong cuộc sống mà đôi khi do vô tình bạn quên đi mất. Hãy dừng lại một phút để suy ngẫm và bạn sẽ thấy nó ý nghĩa thế nào ...

- Bạn hãy dừng lại một phút để nghe hơi thở của thiên nhiên. Hơi thở đó có thể là những tia nắng ấm áp sau cơn mưa. Có thể là tiếng mưa rơi rả rích, tiếng chim hót hay đơn giản chỉ là tiếng lá cây xào xạc mỗi khi có gió về.

- Bạn hãy dừng lại một phút để nghĩ về cuộc sống. Bạn đã làm được những gì và bạn chưa làm được những gì.

- Bạn hãy dừng lại một phút để nói chuyện với những người bạn cũ. Cuộc sống bận rộn nhưng những giây phút trò chuyện ngắn ngủi cũng làm ấm thêm trái tim của bạn.

- Bạn hãy dừng lại một phút để xem lũ trẻ nô đùa. Chúng thật hồn nhiên các bạn nhỉ ?

- Bạn hãy dừng lại một phút để xem cuộc sống đang dần đổi mới xung quanh ta.

- Và để tặng những người bạn yêu thương … hãy dừng lại một phút để nhớ về những người ấy, ý thức rằng họ quan trọng đối với bạn thế nào. Đa phần chúng ta chỉ nhận ra sự quan trọng của người ta thương khi họ đã đi xa …

- Bạn hãy dừng lại một phút để ngẫm về thời gian - không bao giờ trở lại.

- Và một phút dừng lại để trở về chính mình.

Đôi khi tỉnh giữa đời mơ
Để tâm tỏ ngộ bến bờ thực hư
Đôi khi biết trải lòng Từ
Sống với bây chừ, hạnh phúc nơi đây
(Thích Tánh Tuệ)

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|58|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Dù giữa phố thị xôn xao hay giữa núi rừng tĩnh lặng, giữa cao nguyên bạt ngàn hay nơi hải đảo xa xôi; bất kỳ nơi nào có kẻ mang trong mình trái tim tinh khiết như đóa sen sinh sống, ở đó luôn đầy những cảnh tượng bình yên”.

Rồi ai cũng có đôi lần, thực lòng, chỉ còn muốn những buổi sớm mai bình yên như cỏ dại, không muốn làm tổn thương đến người nào nữa.

Bước chân nhẹ.

Bàn tay ấm.

Ánh mắt hiền.

Trái tim bình yên.

Nhưng ai cũng có những ngày phải gói ghém ước mơ bình yên đó lại, cất thật sâu vào trong lòng, để đi qua phố chợ xôn xao, như lũ cỏ dại cuối mùa không chịu nổi khắc nghiệt từ cuộc sống mà gục xuống, vùi những hạt giống vào đất chờ mưa.

Có người đánh rơi mất ước mơ trong trẻo ngày xưa của mình, thành người phố chợ đua tranh. Như người đi trong sương, nghe vai lạnh, giật mình, ướt áo. Áo ướt lúc nào không hay, thành người đua tranh lúc nào chẳng biết. Nên đôi khi, người chúng ta nhớ nhất lại là chính mình trong trẻo của ngày xưa, ngày còn chưa đi qua phố chợ.

Nhưng, luôn có người đi qua cuộc sống như cơn mưa, đủ sức thuyết phục được những hạt giống đã khô vùi sâu trong mớ ngổn ngang đua tranh thức dậy nảy mầm. Có người đủ sức thuyết phục được người khác tin rằng, dù tâm hồn rách nát thế nào, họ vẫn có thể làm một người tử tế; dù có quay cuồng trong bao nhiêu giông gió, một ngày lòng họ cũng có thể dừng lại mà bình yên.

Có người mà ánh mắt, nụ cười của họ đủ sức thuyết phục chúng ta bỏ qua những đua tranh để lại hiền như một đóa sen và trong trẻo như giọt nước nơi đầu nguồn.

Có bình yên đủ vững chãi để cho những bình yên khác tựa vào lớn lên.



Cha Mẹ gọi

- Trích “Phép Tắc Người Con”,Bài 2
- Theo Zhengjian,Kiến Thiện biên dịch



Cha Mẹ gọi, trả lời ngay
Cha Mẹ bảo, làm lập tức
Cha Mẹ dạy, phải kính nghe
Cha Mẹ trách, phải tiếp nhận

Diễn giải

Khi cha mẹ có việc gọi thì chúng ta phải trả lời ngay, không được trì hoãn. Khi cha mẹ sai bảo làm việc thì chúng ta lập tức hành động, không được lười nhác. Những đạo lý cha mẹ dạy bảo hướng dẫn thì chúng ta phải cung kính lắng nghe, ghi nhớ trong tâm. Những lỗi lầm mà cha mẹ trách mắng, uốn nắn thì chúng ta phải nghe theo, tiếp nhận, thẳng thắn thừa nhận lỗi lầm, không được cãi lại, tranh cãi, không được che giấu lỗi lầm.

Câu chuyện tham khảo: CHU BẠT NGỖ NGHỊCH VỚI CHA MẸ BỊ ĐỌA THÀNH LỪA

Chu Bạt là người huyện Bình Dương, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Từ nhỏ đã là một tiểu thần đồng, sách đã xem qua là ghi nhớ, 7 tuổi đã biết ngâm thơ làm văn. Năm 16 tuổi thơ văn Chu Bạt đã nổi tiếng, được ca ngợi là ‘tài tử Bình Dương’. Bởi vì được mọi người ca ngợi, được cha mẹ sủng ái, Chu Bạt càng ngày càng cuồng vọng tự cao tự đại, không coi ai ra gì. Cha mẹ, anh em và hàng xóm của Chu Bạt thường xuyên phải nhẫn chịu những cơn nóng nảy tức giận của anh.

Một năm, Chu Bạt phải lên kinh dự thi. Để lo lộ phí cho Chu Bạt, cha mẹ anh đã phải đôn đáo ngược xuôi vay mượn, còn mời thợ may may cho anh bộ y phục mới. Nhưng Chu Bạt không biết đủ, chê lộ phí quá ít, chê y phục quá rộng, chê quần quá dài, chê mũ kiểu dáng cũ kỹ, chê giày màu sắc quá đậm. Bao vất vả khổ tâm của cha mẹ lại được báo đáp bằng nỗi oán hận của Chu Bạt.

Cha mẹ không nhẫn nhịn nổi đã dạy bảo anh rằng: “con à, con không được chê cái này chê cái kia, con phải biết vì con đi thi lần này, giúp con lo lộ phí, may quần áo mới, cha mẹ đã vắt óc suy nghĩ, khiến đầu đã bạc hết cả rồi, mà con vẫn chưa biết hài lòng như thế này, cha mẹ cũng đã hết cách rồi”.

Những lời nói này của cha mẹ cũng chẳng khiến Chu Bạt động lòng, trái lại Chu Bạt gầm thét lớn rằng: “tôi là Văn Xương tinh ở trên trời hạ xuống phàm trần, là một đại quý tử, các người là ông bà già quê mùa như bao cỏ kia, có tư cách làm cha mẹ của tôi không ?”.

Cha Chu Bạt bị làm cho tức giận đến nỗi ngất ngay tại chỗ. Đêm hôm đó, Chu Bạt bị bắt đến âm phủ. Diêm Vương nói với anh rằng: “ngươi thường ngày ngỗ nghịch với cha mẹ, tuy có cái vỏ thân xác con người nhưng lại là lòng dạ của súc sinh, hạt giống súc sinh trong tâm địa đã kết quả rồi, ngươi sẽ phải mất đi cái thân người mà đọa thành súc sinh”.

Chu Bạt biện giải: “con đối với cha mẹ chỉ là đúng lý mà nói trực ngôn, sao lại tính là ngỗ nghịch bất hiếu được, hơn nữa, con là một tài tử thông minh tuyệt đỉnh, sao có thể biến thành súc sinh ngu ngốc được, lời nói của Ngài không khiến con tín phục”.

Diêm Vương hiền từ giải thích: “ngươi đời này thông minh là do đời trước có thiện hạnh, nhưng đời này những ác hạnh của ngươi như bừa bãi cuồng vọng, ngạo mạn vô lễ, nóng nảy, ngỗ nghịch … đã nuôi dưỡng hạt giống súc sinh, hạt giống thiện lương đời trước đã bị hủy hoại hết rồi, ngươi cuồng vọng đến mức không coi ai ra gì, báo ứng của ngươi sẽ là đọa xuống thành lừa, bị mọi người bịt mắt kéo cối xay, chịu roi vọt”.

Chu Bạt nghe xong cảm thấy rất có đạo lý, tự biết mình sẽ bị ác báo khó mà thoát được, kinh hoàng tỉnh dậy. Hôm đó liền mắc bệnh hiểm nghèo, mở miệng ra rất khó khăn, hai hàm răng ngậm chặt lại, cổ họng phát ra tiếng lừa kêu. Các danh y đều không thể nào chẩn đoán ra bệnh gì, không đến hai ngày, Chu Bạt chết trong lúc kêu thét như lừa.

(Nguồn: “Án thất đăng” đời Thanh)

Phụ chú

⒈ Lừa kéo cối xay: khi lừa kéo cối xay, nếu nhìn thấy thức ăn trên cối xay sẽ khiến nó muốn ăn mà dừng lại, không chịu kéo cối xay nữa, do đó phải bịt hai mắt nó lại.

Nguyên tác

父 母 呼 應 勿 緩
父 母 命 行 勿 懶
父 母 教 須 敬 聽
父 母 責 須 順 承

Âm Hán Việt

Phụ mẫu hô, ứng vật hoãn
Phụ mẫu mệnh, hành vật lãn
Phụ mẫu giáo, tu kính thính
Phụ mẫu trách, tu thuận thừa

Chú thích

- Hô: gọi
- Ứng: trả lời, đáp lời
- Vật: không được, chớ, đừng
- Hoãn: chậm rãi, chậm chạp
- Mệnh: mệnh lệnh, sai bảo
- Hành: hành động, làm, thực hiện
- Lãn: lười nhác, không nỗ lực
- Giáo: dạy bảo hướng dẫn, răn dạy
- Tu: phải
- Kính thính: cung kính lắng nghe
- Trách: Trách mắng, đòi hỏi
- Thuận thừa: tiếp thu, nghe theo

Kinh: người biết sống một mình

(Thích Nhất Hạnh dịch, Tạp A Hàm, kinh số 1071, tạng Kinh Đại Chánh)




Sau đây là những điều tôi được nghe lúc đức Thế Tôn còn lưu trú ở tịnh xá Kỳ Viên trong vườn Kỳ Đà tại thành Xá Vệ, Ngài gọi các vị khất sĩ và bảo:

- Này quý thầy !

Các vị khất sĩ đáp:

- Có chúng con đây.

Đức Thế Tôn dạy:

- Tôi sẽ nói cho quý thầy nghe thế nào là người biết sống một mình. Trước hết tôi nói đại cương, sau đó tôi sẽ giải thích, quý thầy hãy lắng nghe.

- Thưa Thế Tôn, chúng con đang lắng nghe đây.

Đức Thế Tôn dạy:

 Đừng tìm về quá khứ
 Đừng tưởng tới tương lai
 Quá khứ đã không còn
 Tương lai thì chưa tới
 Hãy quán chiếu sự sống
 Trong giờ phút hiện tại
 Kẻ thức giả an trú
 Vững chãi và thảnh thơ
 Phải tinh tiến hôm nay
 Kẻo ngày mai không kịp
 Cái chết đến bất ngờ
 Không thể nào mặc cả
 Người nào biết an trú
 Đêm ngày trong chánh niệm
 Thì Mâu Ni gọi là
 Người Biết Sống Một Mình

“Này quý thầy, sao gọi là tìm về quá khứ ?” - Khi một người nghĩ rằng, trong quá khứ hình thể ta từng như thế, cảm thọ ta từng như thế, tri giác ta từng như thế, tâm tư ta từng như thế, nhận thức ta từng như thế, nghĩ như thế và khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy thì người đó đang tìm về quá khứ.

“Này quý thầy, sao gọi là không tìm về quá khứ ?” - Khi một người nghĩ rằng, trong quá khứ hình thể ta từng như thế, cảm thọ ta từng như thế, tri giác ta từng như thế, tâm tư ta từng như thế, nhận thức ta từng như thế. Nghĩ như thế mà không khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy, thì người đó đang không tìm về quá khứ.

“Này quý thầy, sao gọi là tưởng tới tương lai ?” - Khi một người nghĩ rằng, trong tương lai hình thể ta sẽ như thế kia, cảm thọ ta sẽ như thế kia, tri giác ta sẽ như thế kia, tâm tư ta sẽ như thế kia, nhận thức ta sẽ như thế kia, nghĩ như thế mà khởi tâm ràng buộc, lo lắng hay mơ tưởng về những gì thuộc về tương lai ấy, thì người đó đang tưởng tới tương lai.

“Này quý thầy, sao gọi là không tưởng tới tương lai ?” - Khi một người nghĩ rằng. trong tương lai hình thể ta sẽ như thế kia, cảm thọ ta sẽ như thế kia, tri giác ta sẽ như thế kia, tâm tư ta sẽ như thế kia, nhận thức ta sẽ như thế kia, nghĩ như thế mà không khởi tâm ràng buộc, lo lắng hay mơ tưởng về những gì thuộc về tương lai ấy, thì người đó đang không tưởng tới tương lai.

“Này quý thầy, thế nào gọi là bị lôi cuốn theo hiện tại ?” - Khi một người không học, không biết gì về Bụt, Pháp, Tăng, không biết gì về các bậc hiền nhân và giáo pháp của các bậc này, không tu tập theo giáo pháp của các bậc hiền nhân, cho rằng hình thể này là mình, mình là hình thể này, cảm thọ này là mình, mình là cảm thọ này, tri giác này là mình, mình là tri giác này, tâm tư này là mình, mình là tâm tư này, nhận thức này là mình, mình là nhận thức này … thì người đó đang bị lôi cuốn theo hiện tại.

“Này quý thầy, thế nào gọi là không bị lôi cuốn theo hiện tại ?” - Khi một người có học, có biết về Bụt, Pháp, Tăng, có biết về các bậc hiền nhân và giáo pháp của các bậc này, có tu tập theo giáo pháp của các bậc hiền nhân, không cho rằng hình thể này là mình, mình là hình thể này, cảm thọ này là mình, mình là cảm thọ này, tri giác này là mình, mình là tri giác này, tâm tư này là mình, mình là tâm tư này, nhận thức này là mình, mình là nhận thức này … thì người đó đang không bị lôi cuốn theo hiện tại.

“Đó, tôi đã chỉ cho quý thầy biết về đại cương và giải thích cho quý thầy nghe về thế nào là người biết sống một mình”.

Bụt nói xong, các vị khất sĩ đồng hoan hỷ phụng hành. (CCC)

(Bhaddekaratta Sutta, Majjhima Nikaya, 131)


Đây là những điều tôi nghe hồi Bụt còn ở tại tu viện Cấp Cô Độc trong vườn cây Kỳ Đà ở thành Vương Xá. Lúc đó có một vị khất sĩ tên là Thượng Tọa (Thera) chỉ ưa ở một mình một chỗ, vị này thường ca ngợi hạnh sống một mình, đi khất thực một mình, thọ trai xong đi về một mình và ngồi thiền một mình. Bấy giờ có một số các vị khất sĩ tới nơi Bụt ở, làm lễ dưới chân Bụt, lui về một bên ngồi, và bạch với Người:

- Thế Tôn, có một vị tôn giả tên Thượng Tọa, vị này ưa ở một mình, ưa ca ngợi hạnh sống một mình, một mình vào xóm làng khất thực, một mình từ xóm làng đi về trú xứ, một mình tọa thiền.

Đức Thế Tôn bèn bảo một vị khất sĩ:

- Thầy hãy tới chỗ mà khất sĩ Thượng Tọa cư trú và bảo với thầy ấy là tôi muốn gặp.

Vị khất sĩ vâng mệnh. Lúc ấy vị khất sĩ Thượng Tọa liền đến chỗ Bụt ở, làm lễ dưới chân Bụt, lui về một bên mà ngồi. Lúc ấy đức Thế Tôn hỏi khất sĩ Thượng Tọa:

- Có phải là thầy ưa ở một mình, ca ngợi hạnh sống một mình, một mình đi khất thực, một mình ra khỏi xóm làng, một mình ngồi thiền phải không ?

Khất sĩ Thượng Tọa đáp:

- Thưa Thế Tôn, đúng vậy.

Bụt bảo khất sĩ Thượng Tọa:

- Thầy sống một mình như thế nào ?

Khất sĩ Thượng Tọa đáp:

- Bạch Thế Tôn, con chỉ sống một mình một nơi, ca ngợi hạnh sống một mình, một mình đi khất thực, một mình ra khỏi xóm làng, một mình ngồi thiền, thế thôi.

Bụt dạy:

- Thầy đúng là người ưa sống một mình, tôi không nói là không phải, nhưng tôi biết có một cách sống một mình thật sự mầu nhiệm, đó là quán chiếu để thấy rằng quá khứ đã không còn mà tương lai thì chưa tới, an nhiên sống trong hiện tại mà không bị vướng mắc vào tham dục. Kẻ thức giả sống như thế, tâm không do dự, bỏ hết mọi lo âu, mọi hối hận, xa lìa hết mọi tham dục ở đời, cắt đứt tất cả những sợi dây ràng buộc và sai xử mình. Đó gọi là thật sự sống một mình. Không có cách nào sống một mình mà mầu nhiệm hơn thế.

Rồi đức Thế Tôn nói bài kệ sau đây:

 Quán chiếu vào cuộc đời
 Thấy rõ được vạn pháp
 Không kẹt vào pháp nào
 Lìa xa mọi ái nhiễm
 Sống an lạc như thế
 Tức là sống một mình

Bụt nói xong, tôn giả Thượng Tọa lấy làm vui mừng sung sướng, cung kính làm lễ Bụt và rút lui. (CCC)

••••••••••••••••••••••••

Thích Nhất Hạnh dịch, (Tạp A Hàm, kinh số 1071, tạng Kinh Đại Chánh)

Kinh Người Biết Sống Một Mình: Kinh này được dịch từ tạng Pali, kinh Bhaddekaratta Sutta của Trung Bộ (Majjhima Nikàya 131). Kinh này dạy ta cách an trú chính niệm trong giây phút hiện tại để sống sâu sắc từng giây phút của đời sống hàng ngày, quán chiếu những gì đang xảy ra trong giây phút ấy để đạt tới tuệ giác và tự do, không bị quá khứ, tương lai và các tâm hành bất thiện lôi kéo. Trong Trung Bộ còn có nhiều kinh khác cũng cùng một đề tài, đó là các kinh 132, 133, 134. Trong tạng Hán, có các kinh A Nan Thuyết, Ôn Tuyền Lâm Thiên, Thích Trung Thiền Thất cũng cùng một đề tài và nội dung. Ba kinh này là các kinh số 167, 165 và số 166 của Trung Bộ. Ngoài ra còn có kinh Tôn Thượng (77, tạng kinh Ðại Chính) do thầy Pháp Hộ dịch, cũng có cùng một đề tài.

Kinh này là văn kiện xưa nhất của lịch sử văn học loài người dạy về nghệ thuật sống trong hiện tại, vững chãi và thảnh thơi. Xin tham khảo sách Kinh Người Biết Sống Một Mình của thiền sư Nhất Hạnh, trong ấy tác giả đã đưa ra nhiều phương pháp hành trì kinh rất cụ thể.

Người biết sống một mình

(Lời Kinh)



Đức Thế Tôn dạy:

 Đừng tìm về quá khứ
 Đừng tưởng tới tương lai
 Quá khứ đã không còn
 Tương lai thì chưa tới
 Hãy quán chiếu sự sống
 Trong giờ phút hiện tại
 Kẻ thức giả an trú
 Vững chãi và thảnh thơi
 Phải tinh tiến hôm nay
 Kẻo ngày mai không kịp
 Cái chết đến bất ngờ
 Không thể nào mặc cả
 Người nào biết an trú
 Đêm ngày trong chánh niệm
 Thì Mâu Ni gọi là
 NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH

Lời khai thị nhiệm mầu

(Sưu tầm)



Thiền sư Vô Căn trong một lần nhập định ba ngày, thần thức của ông xuất khỏi thân thể. Các đệ tử của ông tưởng lầm ông đã tịch diệt nên mang nhục thân ông đi hỏa táng. Sau ba ngày thần thức của ông trở về nhưng không tìm được nhục thân. Tìm không được nhục thân nên thần thức thiền sư Vô Căn quanh quẩn nơi căn phòng ông ở, liên tiếp than thở tìm kiếm nhục thân của ông nhiều ngày đêm thống thiết: “Tôi ơi, tôi ở đâu ? … Tôi ơi, tôi ở đâu ?” …

Điều này làm cho các đệ tử của ông rất ư kinh sợ. Một người bạn của thiền sư Vô Căn tên thiền sư Diệu Không, nghe tin liền đến ngay thiền viện, bảo các đệ tử của thiền sư Vô Căn là đêm đó thiền sư sẽ nghỉ lại trong phòng của thiền sư Vô Căn, rồi bảo các đệ tử hãy mang cho ông một thau nước, một bồn lửa, một bồn bùn đất. Đêm đến, thiền sư Vô Căn lại nghe tiếng than thống thiết của thần thức thiền sư Vô Căn: “Tôi ơi, tôi ở đâu ? … Tôi ơi, tôi ở đâu ?” …

Thiền sư Diệu Không bảo thần thức của thiền sư Vô Căn: “ông ở trong bùn” (ĐẤT), thần thức thiền sư Vô Căn liền lao xuống bùn tìm kiếm. Một lát sau thần thức thiền sư Vô Căn trở lại gặp thiền sư Diệu Không nói: “tôi tìm mãi mà không có tôi trong bùn”.

Thiền sư Diệu Không chỉ tay vào thau nước nói: “ông ở trong nước” (NƯỚC), thần thức thiền sư Vô Căn lẩn vào trong nước tìm kiếm. Lát sau thần thức của ông trở lại gặp thiền sư Diệu Không nói: “tôi tìm mãi vẫn không có tôi trong nước”.

Thiền sư Diệu Không chỉ tay vào bồn lửa nói: “ông ở trong lửa” (LỬA), thần thức thiền sư Vô Căn lao vào trong lửa tìm kiếm. Lát sau thần thức của ông trở lại gặp thiền sư Diệu Không nói: “tôi tìm mãi vẫn không có tôi trong lửa”.

Lúc này thiền sư Diệu Không chỉ tay vào hư không (GIÓ) nói: “ông ở trong hư không”, thần thức của thiền sư Vô Căn bay vào trong hư không tìm kiếm. Lát sau thần thức của ông trở lại gặp thiền sư Diệu Không nói: “tôi tìm tôi khắp nơi trong hư không mà vẫn không tìm được tôi”.

Khi ấy thiền sư Diệu Không lại nói: “ông là người có đầy đủ thần thông, thần lực, an nhiên tự tại đi và đến khắp mọi nơi mọi chỗ, từ bùn đến nước, từ nước đến lửa, từ lửa đến hư không, như thế thì lý do gì mà ông cứ phải dính mắc với cái thân thể hôi dơ đó chứ ?”

Nghe xong, thần thức của thiền sư Vô Căn liền tỉnh thức, và kể từ đó không còn ai nghe tiếng thở than tìm kiếm nhục thân thống thiết của thần thức thiền sư Vô Căn.

Con ta, tài sản ta
Nghĩ thế chìm trong khổ
Chính ta con không có
Con đâu, tài sản đâu
Kinh Pháp Cú

Pháp ngữ (58)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Tu nhưng không phát nguyện thì cũng như cây khai hoa nhưng không kết trái. Chẳng thể được.

Khi giao thiệp giữa người với người ...

(Sưu tầm)

Khi giao thiệp với mọi người, quý nhau ở chữ “chân thành”. Người có tài ăn nói xuất sắc thế nào đi nữa, cũng không cảm động lòng người bằng cái chân tình cảm xúc thật. Nói năng chân thành, con đường nhân sinh mới có thể càng đi càng rộng, càng thuận lợi hơn. Người xưa thường ví cái miệng giống như lọ tiết kiệm tiền, khuôn miệng phú quý thì phước lành tự đến, miệng nhả hoa sen thì phú quý một đời. Cũng bởi lẽ đó mà người thông minh luôn biết cách tu dưỡng “cái miệng phú quý”.

Tích khẩu đức chính là tích phúc khí

Người xưa có câu: “vết thương do đao kiếm gây ra thì dễ lành, lời lẽ độc ác thì khó mà tiêu mất”, làm người cần phải có khẩu đức, lời không nên nói thì đừng nói, lời nào nên nói thì từ từ mà nói.

Người đời thường nói rằng: “phúc từ miệng mà vào, hoạ từ miệng mà ra”. Miệng là tạo nghiệp nhanh nhất, chỉ trong tích tắc, sẽ đắc tội với rất nhiều người. Trên con đường nhân sinh, sẽ ngày càng có nhiều kẻ thù và con đường càng đi càng hẹp. Nếu muốn có mệnh phú quý, cái miệng trước tiên cần phú quý, gia đình muốn có phúc khí, trước tiên ăn nói cần phải có đạo. Khi nói chuyện với người khác, cần có sự đồng cảm, để người khác có cảm giác tốt, họ tự nhiên sẽ chấp thuận và sẵn sàng làm bạn với bạn.

Một tài xế taxi da đen chở hai mẹ con da trắng, đứa trẻ hỏi: “tại sao da của chú tài xế lại khác chúng ta ?”, người mẹ mỉm cười trả lời: “vì Chúa muốn làm cho thế giới đầy màu sắc, nên đã tạo nên những người có màu da khác nhau”. Khi đến nơi, người tài xế đã từ chối nhận tiền: “khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi cũng hỏi mẹ tôi câu hỏi tương tự, mẹ tôi nói rằng chúng tôi là người da đen, trời định là lớp người giai tầng thấp, nếu hôm nay đổi sang câu trả lời của chị, tôi không chừng đã là người khác rồi”.

Miệng nói lời thiện là đang tạo thiện nghiệp, tu bổ thiện duyên. Tu dưỡng cái miệng phú quý, nói chuyện trong tâm mang theo từ bi, càng kết bạn dễ dàng hơn, và gia đình sẽ hòa thuận hơn, phúc khí phú quý sẽ tự nhiên đến.

Năm điều cấm kỵ của cái miệng phú quý, người thông minh không bao giờ nói

Trong “Quỷ Cốc Tử Mưu Thiên”, Quỷ Cốc Tử giảng khi giao thiệp với người khác cần chú ý đến năm trạng thái cấm kỵ sau:

- Người bệnh: nói năng uể oải, thiếu tinh thần, làm việc gì đều không đến nơi đến chốn, không có chí cầu tiến

- Người lo lắng: đa sầu đa cảm, tình cảm quá phong phú, đắm chìm trong thế giới bản thân, khiến người khác hụt hẫng.

- Người tức giận: cảm xúc mất kiểm soát, hỷ nộ thái quá, ngôn từ quá khích.

- Người hoan hỷ: đắc ý vênh váo, khi làm việc thì lên giọng, ăn nói không lựa lời, dễ khiến người ta ganh ghét, vui quá hoá buồn.

- Người oán hận: thích phàn nàn, đầy năng lượng tiêu cực, gặp chuyện thì không có chủ kiến, không đi giải quyết, bi quan tiêu cực.

Khi một người phàn nàn, than nghèo, mang theo năng lượng tiêu cực, không biết thỏa mãn, thì phúc khí mang trên thân sẽ chạy đi mất. Làm việc gì cũng không hăng hái, mọi việc cứ loa qua là xong, cư xử tiêu cực và kết quả là càng sống càng không hài lòng. Gia đình thịnh vượng, nhân sinh mới được mỹ mãn, cần học cách biết hài lòng và học cách nói “hài lòng”. Mây đen thì kéo mưa, người điên cuồng thì có tai hoạ. Con người hành sự không nên ngang ngược điên cuồng, phúc hoạ duyên rủi tự mình gánh lấy. Cần học hiểu cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, trong bất kỳ tình huống nào cũng không được xuất ngôn ngông cuồng. Muốn có mệnh phú quý, đầu tiên tu dưỡng miệng phú quý.

Ăn nói chân thành, đứng trên lập trường đối phương suy xét vấn đề

Người không biết nghệ thuật ăn nói, thì chỉ có thể hoạ từ miệng mà ra, nhưng nếu bạn biết nuôi dưỡng cái miệng phú quý của mình, thì ông trời sẽ ban phúc cho bạn.

Nói chuyện với những người có trí huệ, cần dựa trên kiến thức rộng lớn.

Nói chuyện với những người giàu có, cần mạnh như thác đổ, phong cách tao nhã.

Khi nói chuyện với những người có địa vị thấp, họ thường nhạy cảm, cần phải khiêm tốn và lịch sự, khiến họ cảm động và xem bạn là tri kỷ.

Từ cổ chí kim, nghệ thuật ăn nói phát huy đến cực điểm thì phải bàn đến Quỷ Cốc Tử. Ông khai sáng du thuyết thuật để cho các đệ tử như Trương Nghi, Tô Tần, Bàng Quyên, Tôn Tẫn tung hoành ngang dọc các nước, khống chế bố cục chiến quốc. Ngoài tài ăn nói hùng biện, quan trọng hơn là họ biết cách hoán đổi vị trí suy nghĩ cho đối phương, xuất phát từ lợi ích quân chủ của các nước.

Khi giao tiếp với mọi người, quý nhau ở “chân thành”. Tài hùng biện xuất sắc cũng không đá động lòng người bằng cảm xúc chân tình. Nói chuyện chân thành, con đường nhân sinh càng đi càng rộng, càng đi càng thuận lợi.

D.P.A (69)

• • •

Giác tánh mà chẳng mê thì gọi là Phật.
Mê mà chẳng giác thì gọi là chúng sanh.



“Hoa đốm” nào ai thấy

(Thích Tánh Tuệ)



Nếu Khổ kia là thật
Thì không dứt được đâu
“Khổ” sẽ theo ta mãi
Muôn đời ... sống chung sầu

Nếu Vui kia là thật
Thì vui mãi không buồn
Sáng qua cười hỉ hạ
Chiều ni, lạ … sầu tuôn

Nếu Buồn kia có thật
Sau chia ly, lại cười
Giọt lệ nào nhỏ xuống
Cho cây đời nụ tươi

Nếu Mây kia là thật
Làm sao hóa thành mưa
Còn mưa kia nếu thật
Màu nắng ... là trong mơ

Em xưa là Bạch Tuyết
Cuộc đời nhìn ngẩn ngơ
Tóc chiều nay lau trắng
Chừ biết tìm ... em mô

Nếu Bệnh, Già có thật
Làm sao thoát được đây
Có người ngàn xưa đó
Đã bước qua lối này

… Tất cả là mộng mị
Ai nắm được làn hương
Vạn sự tuồng ảo hóa
Chấp đắm làm đau thương

Nỗi khổ kia nào có
Một khi tỉnh mộng dài
Cái “Ta” tìm đâu đó
“Hoa đốm”, nào thấy ai

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|57|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Đi chung với Không Thiện, đi qua con đường nào cũng thấy chông chênh. Ở chung với Không Thiện, lòng luôn bất an như ở gần kẻ địch. Đi chung với Thiện, có đi đến đâu cũng được. Ở chung với Thiện, lòng an như được ở chung với người thân”.

Chẳng ai đo đếm con đường mình qua bằng những bước chân, vì có những nơi gần lắm, nhưng đi mãi cả đời chẳng tới; vì có những người gần lắm, nhưng cả đời chưa từng chia cho nhau được một nụ cười vui.

Chẳng ai đo đếm những chông chênh trong lòng bằng những khó khăn, vì có những khó khăn chỉ sau nụ cười thật hiền bỗng trở nên không còn đáng kể nữa; vì vẫn còn đó những con người, để những tang thương trong cuộc sống nhẹ như mây.

Khi biết nối những ước mơ lại, không có con đường nào dài hơn ước mơ.

Khi biết nối những yêu thương lại, không chông chênh nào không thể lấp đầy.

Một nụ cười hiền, một đôi tay ấm là cách tốt nhất để người này chia cho người kia chút bình yên trong lòng mình.

Ai cũng phải nhìn lại phía sau để hiểu một người từng đi chung với mình, nhưng dù buồn hay vui, nhất định phải nhìn về phía trước để mà đi tiếp.



Pretend

• • •

Sometimes, people are too conscious but feel tired, feel unhappy, but want to learn to pretend confused is really difficult.

╰▶ Đôi khi, người ta quá tỉnh táo nhưng cảm thấy mệt mỏi, cảm thấy không vui, nhưng muốn học cách giả vờ bối rối là thực sự rất khó khăn.



Chánh niệm

- Thiền sư U Jotika



Con người hiện đại ngày nay quá bận rộn, đến nỗi ngay khoảnh khắc vừa mở mắt dậy, họ đã bị cuốn vào guồng xáo động ngay lập tức. Họ không có được một giây phút bình an - tâm họ lúc nào cũng đầy căng thẳng. Tình trạng căng thẳng này rất đáng báo động.

Điều cần làm là phải luôn luôn tự ý thức, hay biết sự căng thẳng này và thư giãn, buông xả nó. Có những sự căng thẳng có thể làm cho bạn trở nên kiệt sức.

Đến nơi làm việc một cách chánh niệm, bất cứ việc gì bạn phải làm trong công việc cũng làm trong chánh niệm. Thậm chí chỉ trong vòng vài giây thôi cũng cứ hãy chánh niệm. Mọi người thường nghĩ rằng chỉ một chút xíu như vậy chẳng thể mang lại sự khác biệt nào, chẳng có lợi ích gì và họ ngừng lại không làm nữa. Điều đó là không đúng.

Hãy thử thực hành nó. Sau một thời gian bạn sẽ bắt đầu nhận thấy rằng, thậm chí chỉ một khoảnh khắc chánh niệm ngắn ngủi thôi cũng đủ đem lại một sự bình an nào đó cho tâm hồn, đem lại một sự cân bằng và hòa hợp cho tâm mình.

Pháp ngữ (57)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Trong chùa, mình phải tiết kiệm tất cả mọi thứ, vì rằng, thương tiếc vật của thường trụ (chùa) như bảo vệ con mắt mình.

Mọi thứ rồi cũng đều thay đổi

(Sưu tầm)



Qua câu chuyện dưới đây, chúng ta có thể thấy bản thân mình và tự rút ra những bài học cho chính bản thân. Cùng đọc và suy ngẫm nhé.

“Thầy Suzuki Roshi, con đã nghe thầy giảng nhiều năm trời, nhưng con vẫn chưa thực sự hiểu được. Liệu thầy có thể tóm tắt Phật Giáo trong một cụm từ được không ?”.

Mọi người đều cười, thầy Suzuki cũng cười và nhẹ nhàng bảo rằng: “mọi thứ đều thay đổi”.

… Một trong những bài học quan trọng nhất trong Phật Giáo đó là tất cả mọi điều trong cuộc sống đều là hữu hạn. Thậm chí câu trả lời cho câu hỏi của cậu học trò của Suzuki Roshi cũng đã được bao hàm trong câu nói “mọi thứ đều thay đổi”.

Sự hữu hạn của vạn vật là điều chứa đựng tất cả. Bạn sẽ phải chiêm nghiệm hàng giờ mới có thể thực sự thấu hiểu tầm vĩ mô của nguyên lí này. Bạn là hữu hạn, những người bạn yêu quý là hữu hạn, thậm chí ngôi nhà của bạn, hay cả hành tinh này đều hữu hạn trong con mắt của thời gian. Tại sao điều này lại quan trọng đến thế ?

Bởi vì nó chính là cội nguồn cho mọi sự khốn khổ của con người, nhưng một khi chúng ta đã thấy được sự hữu hạn và tính luôn thay đổi một cách tự nhiên của vạn vật, ta có thể trân trọng khoảnh khắc thực tại này nhiều hơn.

Câu chuyện này không phải là bài học về sự buông bỏ, mà nó nói về thực tế là ngay từ đầu ít ai có thể thực sự thấu hiểu được chân lí đơn giản là “vạn vật đều là hữu hạn”.

Nếu chúng ta có thể hiểu và học để sống theo chân lí này, hạnh phúc và bình yên sẽ đến bên ta mọi ngày trong cuộc sống.

D.P.A (68)

- Đức Đạt Lai Lạt Ma

Ra đời hai tay trắng
Lìa đời trắng hai tay
Sao mãi nhặt cho đầy
Túi đời như mây bay



Mười điều tưởng chừng đơn giản

(Sưu tầm)

Có đôi khi người ta nghĩ mọi thứ quá phức tạp mà quên hết những chân lý đơn giản nhưng vô cùng hữu ích trong cuộc sống. Có những lúc người ta cho rằng mình biết hết tất cả mọi thứ, nhưng kỳ thực còn quá nhiều điều nhỏ nhặt đã vô tình bị đưa vào quên lãng …

Cuộc sống giống như một ly trà, bất luận đầy hay vơi, nóng hay lạnh, nồng hay nhạt, cũng đều có dư vị riêng của nó. Con người cũng vậy, chẳng ai giống ai, mỗi người có một lý tưởng, một cách sống riêng, có người ôm giấc mộng giàu sang, có người mong được sống an nhàn, có người lại chỉ cần một tâm hồn thư thái …

Nhưng giữa cuộc sống đầy bon chen này, con người rất khó giữ được trạng thái vô lo vô nghĩ, không ưu phiền vấn vương. Người ta cứ mải chạy theo những điều phù phiếm trước mắt mà quên mất những giá trị thật sự của đời người. Kỳ thực, cuộc sống đôi khi đơn giản hơn chúng ta tưởng rất nhiều, chỉ có điều chúng ta hay tự biến nó thành một mớ bòng bong, để rồi cứ phải mải miết đi tìm kiếm câu trả lời cho một cuộc sống thảnh thơi những ngày sau.

Nếu có thể, hãy vào trong một căn phòng kín, tĩnh tâm ngồi ngẫm nghĩ mười chân lý dưới đây, và khi đã ngộ ra rồi, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống mới dễ chịu làm sao.

Độ lượng

Con người sống ở trên đời, không cần thiết việc gì cũng phải quá minh bạch, rõ ràng, bởi “nước trong quá thì không có cá, còn người thanh cao quá thì không ai chơi”. Khi bạn tranh giành với người nhà, tình thân sẽ rạn nứt; tranh giành với người yêu, tình yêu sẽ phai nhạt; tranh giành với bạn bè, tình nghĩa sẽ tan vỡ. Tranh giành là lý trí, nhưng thua lại là tình cảm, tổn thương vẫn là chính mình.

Đen là đen, mà trắng là trắng, thời gian sẽ chứng minh tất cả. Buông bỏ sự cố chấp của bản thân, làm một người độ lượng, làm việc không so đo, sẽ thắng cả cuộc đời, thêm một chút hòa nhã, một chút dịu dàng, cuộc sống sẽ tràn ngập ánh nắng mặt trời.

Giàu nghèo

Người biết đủ dù ngủ trên nền đất vẫn cảm thấy như đang ở trên thiên đường, người không biết đủ dù ở giữa thiên đường vẫn giống như đang bị đày đọa dưới địa ngục. Trong cuộc đời này, tâm hồn giàu có là thứ quan trọng nhất, nếu ước vọng chỉ bó hẹp trong vật chất thì dù có nhiều đến mấy vẫn thấy không đủ, đó chính là nghèo khó. Trái lại, cuộc sống vật chất nghèo nàn cũng không gây ảnh hưởng đến tâm hồn thanh cao khoáng đạt, mà vẫn sống tự do tự tại, đó mới thật sự là giàu có.

So đo

Tạo điều kiện thuận lợi cho người khác, chính là tạo phúc cho bản thân về sau. Nhân tâm vốn tương thông, bạn nhường người ta một bước, người ta sẽ kính bạn một thước. Lòng người cũng giống như con đường, càng so đo, con đường càng thu hẹp; càng rộng lượng, con đường càng rộng mở. Không tính toán với người quân tử, họ sẽ trả lại bạn sự kính trọng; không so đo với người khác, họ sẽ chẳng bày mưu tính kế với bạn. Khoan dung, dường như là phải nhường cho người ta, nhưng kỳ thực lại là mở cho chính mình một con đường.

Buông bỏ

Có những việc hôm nay được xem là chuyện lớn, nhưng ngày mai lại chỉ là chuyện nhỏ, việc xảy ra trong năm nay dù có lớn đến mấy, sang năm chỉ còn là câu chuyện, việc xảy ra trong kiếp này dù có to cỡ nào thì sang kiếp sau cũng chỉ là truyền thuyết, chúng ta cùng lắm chỉ là những người có câu chuyện mà thôi. Khi gặp khó khăn trong cuộc sống hay trong công việc, hãy tự nhủ với bản thân rằng: hôm nay sẽ qua đi, ngày mai rồi sẽ đến, một ngày mới sẽ lại bắt đầu.

Giản đơn

Tâm đơn giản, cuộc sống cũng trở nên giản đơn, rồi hạnh phúc sẽ tự sinh sôi, tâm tự do, cuộc sống cũng trở nên tự tại, đến đâu cũng tự tìm thấy niềm vui. Lúc đắc ý cần xem nhẹ, khi không như ý hãy nghĩ thoáng. Cuộc đời có rất nhiều thứ có thể buông bỏ được. Chỉ có buông xuống được thì mới cầm lên được. Khoan dung hơn một chút, rộng lượng hơn một xíu, vẫy vẫy tay, cười một cái, hết thảy những chuyện không vui đều sẽ trở thành quá khứ.

Nhân tâm

Đừng coi sự lương thiện của người khác là mềm yếu, bởi đó là một loại độ lượng, đừng xem sự khoan dung của người ta là nhu nhược, bởi đó là một kiểu từ bi. Người tâm tính tốt không dễ nổi nóng, nhưng không có nghĩa là họ không biết tức giận, người lãnh đạm chỉ giả vờ hồ đồ, nhưng không có nghĩa là họ nhìn không thấu. Tình cảm, không thể qua loa đại khái; nhân tâm, không thể đem ra chơi đùa; duyên phận, không thể phung phí bừa bãi. Lấy tình đổi tình, mới có được tình yêu thật sự, yêu thương bình đẳng, mới có được tình cảm chân chính.

Phúc họa

Tích đức tuy rằng chẳng ai thấy, nhưng làm việc thiện luôn có trời đất chứng giám. Con người lương thiện, dù phúc chưa tới, nhưng họa đã tự khắc rời xa, con người tà ác, dù họa chưa tới, nhưng phúc đã tự khắc rời xa. Làm việc thiện giống như cỏ mọc trong vườn xuân, dù không trông thấy tăng trưởng, cũng vẫn cứ lớn dần đều. Làm việc ác giống như mài dao trên đá, dù không trông thấy tổn hại, cũng vẫn hao mòn từng ngày.

Phúc hay họa đều tại tâm, điều đáng sợ khi làm việc ác không phải là lo người khác phát hiện, mà là tự bản thân mình biết; điều đáng mừng khi làm việc thiện, không phải là được người khác tán dương, mà là tự bản thân cảm thấy thanh thản.

Khoảng trống

Chừa cho mình một khoảng trống, sẽ khiến tâm hồn thêm linh hoạt, thoải mái. Lúc thuận buồm xuôi gió, chừa ra một khoảng trống để suy ngẫm, đừng để sự đắc ý làm lu mờ đầu óc. Lúc khó khăn gian khổ, chừa ra một khoảng trống để trấn an, đừng để sự khổ đau làm ngột ngạt tâm hồn. Lúc bộn bề phiền muộn, chừa ra một khoảng trống cho niềm vui, để bao lo lắng tan thành khói mây, nụ cười sẽ tự khắc gia tăng. Lúc cô đơn lạc lõng, chừa ra một khoảng trống cho bạn bè, bởi những người bạn thực sự chính là một phần trong cuộc sống của ta.

Chừa ra một khoảng trống không chỉ là chân lý của cuộc sống, mà còn là trí tuệ của đời người.

Cảm ơn

Cảm ơn người đã tổn thương bạn, bởi họ đã giúp bạn tôi luyện ý chí. Cảm ơn người đã lừa dối bạn, bởi họ đã giúp bạn tăng thêm kiến thức. Cảm ơn người đã đánh đập bạn, bởi họ đã giúp bạn tiêu trừ nghiệp chướng. Cảm ơn người đã bỏ rơi bạn, bởi họ đã giúp bạn biết cách tự lập. Cảm ơn người đã xô ngã bạn, bởi họ đã giúp bạn trở nên mạnh mẽ. Cảm ơn người đã chỉ trích bạn, bởi họ đã giúp bạn biết định thần lại.

Cảm ơn tất cả những người đã giúp bạn trở nên kiên cường, thành công hơn, trong cuộc đời này cần phải biết mang ơn, thì cuộc sống mới càng thêm nhiệm mầu.

Tùy duyên

Nhân sinh, cũng giống như một ly trà, đong đầy cũng tốt mà vơi nửa cũng chẳng sao, cần chi phải tranh giành ? Nồng đậm cũng tốt mà nhạt nhẽo cũng được, vẫn đều có hương vị riêng. Vội vàng cũng tốt mà chậm chạp cũng được, vậy thì đã làm sao ? Ấm áp cũng tốt mà lạnh lẽo cũng được, chỉ cần nhìn nhau cười một cái thôi.

Cuộc sống, bởi vì để tâm, cho nên mới đau khổ; bởi vì nghi ngờ, cho nên mới tổn thương; bởi vì xem nhẹ, cho nên mới vui vẻ; bởi vì đạm bạc, cho nên mới hạnh phúc. Chúng ta đều là những vị khách qua đường của đất trời, có rất nhiều việc chúng ta không thể làm chủ được, vậy nên hãy cứ để vạn sự tùy duyên đi.

ĐỜI NGƯỜI CHỈ GÓI GỌN TRONG 10 ĐIỀU TƯỞNG CHỪNG ĐƠN GIẢN NÀY, NHƯNG PHẢI HIỂU HẾT BẠN MỚI ĐƯỢC THẢNH THƠI

Phép người con

- Trích “Phép Tắc Người Con”,Bài 1
- Theo Zhengjian,Kiến Thiện biên dịch



Phép người con, Thánh nhân dạy
Hiếu đễ trước, rồi cẩn tính
Yêu rộng khắp, gần người nhân
Có dư sức, thì học văn

Diễn giải

“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) là quy phạm đạo đức của cổ thánh tiên hiền dạy bảo, hướng dẫn mọi người. Trong đó, điều then chốt nhất là hiếu thuận với cha mẹ, kính nhường anh chị bạn bè, tiếp đến là làm người, hành xử phải cẩn thận và thành tín. Cần phải yêu thương tất cả mọi người trong thiên hạ, đồng thời nên thường xuyên gần gũi với những người nhân đức để học tập họ. Khi thực hiện những điều trên rồi mà vẫn còn dư thời gian, tinh thần và sức lực thì mới có thể học các loại học vấn, văn hóa.

Câu chuyện tham khảo: VUA THUẤN - ÔNG TỔ CỦA ĐẠO ĐỨC

Vua Thuấn là một trong Ngũ Đế thời thượng cổ, ông họ Diêu, tên là Trọng Hoa, hiệu là Ngu Thị, sử sách gọi ông là Ngu Thuấn.

Khi Thuấn còn rất nhỏ thì mẹ qua đời, người cha là Cổ Tẩu (nghĩa là Ông Mù) bị mù hai mắt, lấy vợ kế, sinh được người em tên là Tượng. Cha của Thuấn là người ngoan cố không đếm xỉa gì đến nghĩa lý, cộng thêm mẹ kế tính tình hung dữ thô bạo, em trai ngang ngược. Mẹ kế và Tượng được Cổ Tẩu sủng ái, ba người đều ghét Thuấn, thường xuyên nghĩ cách hạ sát ông. Một lần, Cổ Tẩu gọi Thuấn sửa kho thóc, đợi đến khi Thuấn leo lên đỉnh kho, Cổ Tẩu liền châm lửa đốt kho thóc. Thuấn cầm hai cái nón lá như con chim nhỏ hạ xuống, Cổ Tẩu không thể hại chết được ông.

Sau này, Cổ Tẩu lại bảo Thuấn đi đào giếng. Khi Thuấn ở sâu trong giếng, Cổ Tẩu và Tượng hợp sức lấp đất vào giếng. Tượng vốn cho rằng lần này không thể có sơ suất, sẽ độc chiếm gia sản của Thuấn. Không ngờ Thuấn rất thông minh, khi đào giếng đã đào trước một đường thông ở bên nên đã thoát được ra ngoài. Khi thấy Thuấn trở về nhà, mọi người sợ hãi lắm. Nhưng Thuấn khoan hồng độ lượng vẫn dùng đức báo oán, vẫn hiếu kính cha mẹ, yêu thương em trai như cũ.

Người xưa nói: “trăm nết hiếu đứng đầu” (nguyên văn: bách thiện hiếu vi tiên). Năm 20 tuổi, Thuấn nổi tiếng khắp thiên hạ bởi hiếu hạnh. Năm Thuấn 30 tuổi, vua Nghiêu tìm người hiền tài, quần thần khắp nơi đều tiến cử Thuấn. Vua Nghiêu đã gả con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh cho Thuấn, đồng thời cho chín người con trai sống cùng với Thuấn để quan sát phẩm đức của Thuấn. Nga Hoàng, Nữ Anh đều được đức hạnh của Thuấn cảm hoá, không dám vì thân phận tôn quý mà có thái độ kiêu căng ngạo mạn, đối xử với mọi người đều vô cùng khiêm tốn cung kính. Chín người con trai của vua Nghiêu được Thuấn cảm hóa thấm nhuần một cách vô tri vô giác, cũng đã trở thành những người nhân hậu cẩn thận.

Thuấn đến núi Lịch Sơn cày ruộng, người vùng đó chịu ảnh hưởng của Thuấn cũng trở nên tấm lòng rộng mở, nhường đất làm địa giới ruộng. Thuấn đến đầm Lôi Trạch bắt cá, người Lôi Trạch tranh nhau nhường nơi ở. Thuấn đến bên sông Hoàng Hà làm gốm, đồ gốm ở đó làm ra đều trở nên vô cùng tinh tế. Mọi người đều thích sống cùng với Thuấn. Do đó, những nơi mà ông ở thì chỉ một năm trở thành thôn làng, hai năm thành thị trấn, ba năm thành đô thị lớn. Trải qua khảo sát, vua Nghiêu vô cùng hài lòng, đã truyền ngôi vua cho Thuấn.

Vua Thuấn đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức, ông tuyên dương giáo dục ngũ thường: cha nhân nghĩa, mẹ nhân từ, anh hiền từ, em cung kính, con hiếu thuận (nguyên văn: phụ nghĩa, mẫu từ, huynh hữu, đệ cung, tử hiếu). Ông thúc đẩy đạo đức nhân luân, khai sáng nền đạo đức truyền thống các dân tộc Á Đông, trở thành mẫu mực cho muôn đời sau.

Phụ chú

⒈ Tam Hoàng Ngũ Đế: thời viễn cổ, vua Phục Hy, Thần Nông và Hoàng Đế gọi là Tam Hoàng. Các vua Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn gọi là Ngũ Đế. Các văn hiến cổ ghi chép, Hoàng Đế là một trong Tam Hoàng, cũng đứng đầu Ngũ Đế.

⒉ Nguyên tác

弟 子 規 聖 人 訓
  首 孝 弟 次 謹 信
汎 愛 眾 而 親 仁
有 餘 力 則 學 文

⒊ Âm Hán Việt

Đệ tử quy, Thánh nhân huấn
Thủ hiếu đễ, thứ cẩn tín
Phiếm ái chúng, nhi thân nhân
Hữu dư lực, tắc học văn

⒋ Chú thích

- Đệ tử: người con, người em, con em.

- Quy: quy phạm, phép tắc.

- Thánh nhân: bậc cổ Thánh tiên hiền có phẩm đức cao siêu, nhân cách hoàn mỹ.

- Huấn: dạy bảo, hướng dẫn.

- Thủ: đầu, quan trọng hàng đầu.

- Hiếu đễ: hiếu thuận cha mẹ, tôn kính anh chị, chữ đễ 弟 còn viết là 悌, nghĩa là kính trọng thuận theo anh chị.

- Thứ: quan trọng thứ nhì.

- Cẩn tín: cẩn thận thận trọng, thành thật giữ chữ tín.

- Phiếm ái chúng: yêu thương tất cả mọi người, phiếm nghĩa là rộng rãi.

- Nhi: mà lại, hơn nữa.

- Thân nhân: thân cận gần gũi người có lòng nhân ái, nhân nghĩa là lòng nhân từ khoan hậu, là đạo đức cơ bản yêu người, yêu vật.

- Dư lực: tâm sức dư thừa.

- Tắc: thì, thì mới.

- Học văn: nghiên cứu học vấn. Khổng Tử nói “hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn”, nghĩa là thực hành các việc trên mà còn dư tâm sức thì mới nghiên cứu học vấn. Ông chủ trương đức dục quan trọng hơn trí dục, phải trước tiên gây dựng nên phẩm đức tốt đẹp, vẫn còn thời gian thì mới học tập các học vấn khác.

Hãy trao nhau những món quà vô giá

(Sưu tầm)



“Quà trao với trọn tấm lòng|Ngày vui một áng mây hồng giăng ngang” - có những món quà bạn không cần phải mua nhưng lại vô cùng ý nghĩa và có giá trị lớn lao khi bạn trao tặng cho bạn bè, người thân và cho cả chính bạn.

Món quà từ những Nụ Cười
••• Nụ cười là một ngôn ngữ không lời nhưng có khả năng lan tỏa sức mạnh đến người khác nhanh nhất. Một nụ cười làm niềm vui nhân đôi, làm nỗi buồn trở nên nhẹ bổng. Hãy trao tặng nụ cười cho tất cả những người xung quanh.

Món quà của sự Lắng Nghe
••• Hãy thật sự lắng nghe, chia sẻ những nỗi đau, tâm sự vui buồn cùng người khác. Hãy lắng nghe không chỉ bằng đôi tai mà bằng tất cả tấm lòng.

Món quà của sự Quan Tâm
••• Hãy dành thời gian để quan tâm đến người thân, bạn bè đồng nghiệp, xem những vấn đề của họ như là của chính bạn. Hãy để mọi người cảm nhận tình cảm của bạn qua những hành động bạn thể hiện hàng ngày.

Món quà của những Lời Khen Tặng
••• Những câu nói giản đơn nhưng chân thành như: “hôm nay trông bạn thật rạng rỡ”, “bạn làm việc đó thật tốt”, hay “bữa ăn hôm nay thật tuyệt vời”… sẽ tạo thêm niềm vui và phấn chấn cho người khác.

Món quà của sự Tĩnh Lặng
••• Là những khoảnh khắc bạn thực sự chỉ muốn yên lặng một mình. Hãy trân trọng thời khắc quý báu này và trao món quà của sự tĩnh lặng cho người khác đúng lúc.

Món quà của sự Tri Ân
••• Những lời đơn giản nhất để bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm, chia sẻ của người khác chính là “chào bạn” và “cảm ơn” cùng nụ cười chân thành …

Khi bạn trao tặng những món quà này cho những người bạn quan tâm, cùng với một chiếc nơ đẹp chính là tấm chân tình của bạn, chắc chắn chúng sẽ trở thành những món quà vô giá, cho người nhận và cả cho người trao tặng.

Từ một chữ “Thích”

(Thích Tánh Tuệ)

Cũng là chữ Thích đi đầu
Mà đằng sau có muôn màu khổ, vui
Thích tiền, đời mãi ngược xuôi
Hạnh phúc quanh quẩn lui hui với tiền
Chán rồi, thì lại Thích Tiên
Gặp Tiên, bảo bỏ dấu huyền mới thương

Thích Danh lồng lộng bốn phương
Thế ... còn đánh đổi phong sương kiếp trần
Thích phiêu bồng cuộc ái ân
Tử, Sinh lũy kiếp bội phần xuống, lên

Thích nhớ mà chẳng thích quên
Tự mình giam ngục triền miên sống sầu
Thích ngũ dục, thích truy cầu
Tìm vui trong khổ nghiệp sâu chất chồng
Thích hưởng thụ, thích đèo bòng
Một ngày Phước tận đời trong úa tàn
Thích làm ác, thích làm càng
Lưới trời bủa xuống ... oán than, giận mình
Thích vơ vét tận tâm tình
Trắng tay, đối diện vạn nghìn khổ đau

… Cũng là chữ Thích đi đầu
Thích bao đạo lý nhiệm mầu xa xưa
Thích hành thiện, thích đi chùa
Thích san sẻ, thích ngăn ngừa ác nhân
Thích cười hơn thích giận sân
Đời bao bất thiện dần dần nhạt phai
Thích giúp người lúc chẳng may
Về sau khổ nạn bỗng ... tay ai chìa

Thích đơn giản, thích quay về
Cõi lòng thanh tịnh Bồ Đề không xa
Chuyện gì cũng Thích cho qua
Ngàn hoa chẳng đẹp bằng hoa nụ cười
Mỗi ngày biết “Tạ ơn đời”
Sống tùy duyên hạnh, thảnh thơi, khoan từ
Bỏ dấu cộng, thích dấu trừ
Thuyền tâm một sớm tạ từ bến mê

Nẻo luân hồi dứt lê thê
Thích và không thích ... đưa về một phương
Sống không thủ, xả, vui, buồn
Mê thay áo Ngộ, cội nguồn bao la ...



Thước đo người tu

(Thích Trí Siêu)



Nhiều người tu lâu năm, thường đi Chùa, ăn Chay, ngồi Thiền, niệm Phật, làm công quả, theo học giáo lý với nhiều thầy nổi tiếng, nhưng bấy nhiêu đó có đủ để chứng minh là người này tu khá, tu đúng và đưa đến giải thoát hay không ?

Có những người tu chỉ thích đến Chùa làm công quả, hoặc thích tạo Chùa to, tượng lớn. Có người thích nhiều Chùa, đông đệ tử. Có người thích học lấy nhiều bằng cấp thế gian. Có người thích nổi tiếng .v.v.v… Những cái đó có phải là tu không ?

Sau đây là những tiêu chuẩn tối thiểu và căn bản để nhận xét một người tu đúng hay không ?

➊ Còn ham thích tài sản, danh lợi và sắc dục hay không ?

➋ Còn dễ nổi sân hay không Khi gặp chuyện trái ý thì giận dữ, bực tức ...?

➌ Còn kiêu căng ngã mạn hay không ? Thích khoe khoang, điều khiển người khác. Thích được khen ngợi, tâng bốc.

➍ Còn chấp vào thầy - tôi hay pháp môn của tôi là hay hơn hết ? Tâm tư hẹp hòi, ưa chia rẽ, bè phái.

Nếu còn bốn điều trên thì dù đã tu 30, 40 năm, ngồi thiền nhập định 6, 7 tháng, tu đủ loại pháp môn Thiền, Tịnh, Mật, tụng làu làu đủ loại Kinh Chú, có hàng ngàn đệ tử, viết hàng trăm cuốn sách, người này vẫn chưa tu đúng theo đạo Phật. Ngoài ra một người tu cần phải có ít nhất những đức tính sau đây:

BIẾT LÀM PHƯỚC, BỐ THÍ: có những người học (đọc) nhiều kinh sách, hiểu biết giáo lý, nói đạo rất hay, nhưng không biết làm phước, bố thí, mà lại keo kiệt, bỏn xẻn, bo bo bám chặt vào tài sản, tiền bạc của mình.

NÓI LỜI ÁI NGỮ: có người học đạo lâu năm mà không giữ gìn khẩu nghiệp, ăn nói xả láng, chê bai, chỉ trích, vu khống, bịa đặt, phỉ báng người khác.

TỪ-BI-HỶ-XẢ: thiếu bốn đức tính này thì không phải là người tu hành chân chính.

KHIÊM CUNG và LỄ ĐỘ: càng Tu thì bản ngã phải nhỏ dần và biết cung kính tôn trọng người khác, nhất là các bậc trưởng thượng.

Nếu chưa có những đức tính này thì cũng chưa biết tu hoặc tu chưa đủ để sửa đổi tâm tánh.

Pháp ngữ (56)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Các bạn hãy thành thật nghĩ xem: mọi chuyện rắc rối, phiền não từ đâu ra ? Đều là do chấp trước (dính mắc) vào cái tôi mà ra.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|56|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Có những người bạn đối đãi với nhau như những ngọn núi”.

Trong cuộc sống, có những con người làm chúng ta ngạc nhiên rất nhiều, cách người ta đối xử với nhau, đơn giản, nhẹ nhàng nhưng bền bỉ và tha thiết lắm. Mặc cho biến cố xô đẩy. Mặc cho phù hoa cuốn xô. Mặc cho thời gian cắt xén hết những thanh xuân ở mỗi người.

Có một người ngày xưa vẫn còn ở đó, như ngọn núi sừng sững hiện ra sau lớp bụi mù, vững chãi đứng đó qua những ngày mưa bão, bình thản qua những mùa hoa rừng thoang thoảng mơ hồ nở rồi tàn. Sau những tháng năm phiêu bạt, ai cũng lấm lem bụi, ai cũng mang trên mình đầy vết thương, quay nhìn lại, đôi khi ta còn không nhận ra được gương mặt ngày xưa của mình, nhưng có một người vẫn nhận ra ta là “BẠN”.

Vui. Đúng không ? Niềm vui trong thế giới vô thường này, đôi khi, chỉ là khi có một người nhìn thấy được một chấm buồn trong mắt của mình, khi tất cả những người chung quanh chỉ nhìn thấy ở đó một nụ cười bình thản mạnh mẽ.

Hạnh phúc trong thế giới vô thường này chỉ là vậy, có được một người bạn cho mình giữa ba ngàn thế giới mênh mông mênh mông, bé nhỏ hơn hạt bụi, nhưng cũng đủ làm người ta cay mắt.

Bất kỳ khi nào ta cất tiếng gọi, nhất định sẽ có tiếng trả lời, như tiếng vọng lại từ một ngọn núi trầm mặc ngàn năm, thiết tha thiết tha.

Có kẻ cố gắng để có được thật nhiều bạn bè.

Có kẻ cố gắng chỉ để có được cho mình một người bạn bình thản vững chãi trầm mặc như ngọn núi ngàn năm.



D.P.A (67)

- Bùi Giáng

Còn không một bận quay về
Vườn xưa nhìn ánh trăng thề vàng gieo



Nửa đầu cuộc đời học nói, nửa sau học im lặng

(Sưu tầm)

Trong cuộc sống, chắc hẳn mỗi người trong số chúng ta đều từng phải nghe những lời khó nghe, hoặc giả vô tình thốt ra những điều gây tổn thương người khác. Nhà văn Hemingway từng nói: “chúng ta mất hai năm để học nói, nhưng lại mất hơn sáu mươi năm cuộc đời còn lại để học cách im lặng, về sau này, khi càng nói nhiều, khoảng cách giữa con người lại càng xa cách hơn, mâu thuẫn cũng nhiều hơn”.

Cổ nhân cũng có câu: “động không bằng tĩnh, nói nhiều vốn chẳng bằng im lặng”. Quả thực, lời nói là thứ rất dễ gây tổn thương người khác, và khi đã tạo thành vết thương đó thì rất khó lành lại như cũ. Nếu như trong giao tiếp, chúng ta chỉ chú trọng vào biểu đạt cá nhân, không nghĩ đến cảm thụ của đối phương, sẽ dễ gây hiểu lầm, bất đồng. Trong nhiều trường hợp, không nói lời nào còn tốt hơn trăm vạn lần so với nói những lời hồ ngôn lộng ngữ.

Chu Dịch viết: “cát nhân chi từ quả, táo nhân chi từ đa”, ngụ ý là người có uy đức thì không nói nhiều, người giảo hoạt mới dùng nhiều lời để nói. Lời nói phần nào phản ánh tâm hồn của mỗi người. Lời nói ra, kỳ thực có thể nhìn thấu rất nhiều điều trong đó. Chỉ cần để tâm quan sát, có thể nhận thấy những người khác nhau sẽ nói ra những lời khác nhau.

Nói nên chậm, tâm nên thiện

Ở Lang Da, Sơn Đông, Trung Quốc, có gia tộc họ Vương nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Theo thống kê, chính sử ghi chép lại, từ thời Đông Hán đến triều Minh Thanh, kéo dài đến hơn 1.700 năm, gia tộc này có tới 36 nữ tử làm hoàng hậu, 36 nam tử làm phò mã, lại có 35 người làm tể tướng. Mà gia tộc hiển hách này suốt bao đời chỉ tuân theo một giáo huấn gồm sáu chữ “ngôn nghi mạn, tâm nghi thiện”, tức là “nói nên chậm, tâm nên thiện”.

Chúng ta không phải là thánh nhân, nếu nói quá nhanh không suy nghĩ sẽ rất dễ mắc lỗi. Có những người, khi đối đáp thường rất nhanh, thoạt nhìn thì quả thực là có khả năng ăn nói, nhưng kỳ thực là lời nói ra không được suy xét kỹ càng, đầy những sơ hở. Những người như vậy kỳ thực sẽ không được người khác coi trọng.

Khổng Tử dạy: “thị vu quân tử hữu tam khiên: ngôn vị cập chi nhi ngôn vị chi táo, ngôn cập chi nhi bất ngôn vị chi ẩn, vị kiến nhan sắc nhi ngôn vị chi cổ”, tức là người quân tử thì có ba điều hổ thẹn: chưa đến lượt nói mà đã cất lời hấp tấp, mạo phạm người khác rồi; đến lúc nói mà lại im lặng, thì chính là lấp liếm; không nhìn xét đến tâm trạng người khác, không quản sự rối ren của tình huống mà đã phán xét, thì có thể còn phạm sai lầm lớn hơn.

Không nên dễ dàng đánh giá người hay sự việc

Thời đại Internet ngày nay giúp chúng ta nắm bắt các nguồn thông tin nhanh hơn sớm hơn, cảm giác chỉ trong nháy mắt mà có thể biết được chuyện gì đang xảy ra trên toàn thế giới, biết được bạn bè chúng ta mỗi giờ mỗi phút đều đang làm gì, toàn bộ được phản ánh hết trên báo chí và các mạng xã hội. Nhưng cũng theo vòng xoáy gấp gáp ấy, chúng ta không còn có đủ thời gian để tìm hiểu xem đâu là thông tin thật, đâu là thông tin giả, cứ bị cuốn vào đó mà bình luận điều này, phán xét điều khác.

Có một câu như thế này: “những gì trên bề mặt bạn nhìn thấy chưa chắc hẳn đã đúng, bởi vì chân lý thường ẩn giấu rất sâu”. Khi bạn nhìn thấy một vấn đề gì đó, có thể chỉ như thầy bói xem từng bộ phận của con voi, nhìn thấy cái tai, cái chân, hay cái vòi voi … thông qua nguồn thông tin hữu hạn mình tiếp cận được, chứ không hoàn toàn nhìn thấu hết mọi mặt của nó. Những điều nhìn thấy đó sẽ khiến bản thân trong lúc vội vàng chưa suy xét hết mà đặt ra một “định nghĩa” riêng, không giống nhau. Định nghĩa đó, có thể hoàn toàn sai khác với thực tế, và vô hình chung bạn lại gây ra lỗi lầm lớn.

Với những người chúng ta không thực sự hiểu về họ, tốt nhất là hãy giữ sự tôn trọng và điềm tĩnh, không tùy tiện phát ngôn. Có nhiều người thể hiện ra bề mặt hết sức lạc quan, không câu nệ tiểu tiết, nhưng kỳ thực họ lại có những “nỗi đau” chí mạng mà không muốn ai chạm tới. Hãy cẩn trọng khi nhắc tới chuyện riêng tư của bất kỳ ai, mỗi người đều có một vết thương lòng, và khi bị khơi gợi lại, có thể mang đến sự tổn thương khó vãn hồi. Đây cũng là nguyên nhân lại sao những người có tu dưỡng thường không tiết lộ bí mật của mình cho người khác.

Nói nhiều cũng là một loại bệnh, nên học cách im lặng

Tăng Quốc Phiên từng nói rằng, nói nhiều là điều đại ác trong kiếp nhân sinh. Tăng Quốc Phiên đã dành rất nhiều tâm sức trong cuộc sống của mình để cố gắng hạn chế “bệnh nói nhiều”. Ông cũng coi đây là một phần quan trọng trong giáo huấn gia đình, trong việc giáo dục hậu nhân.

Có một câu chuyện kể về nhà văn vĩ đại người Mỹ - Mark Twain. Mark Twain nghe bài thuyết giảng của mục sư tại nhà thờ, ban đầu, ông rất cảm động trước bài diễn văn, còn dự định sẽ lấy một khoản tiền lớn để quyên tặng nhà thờ, nhưng sau vài phút, vị mục sư vẫn tiếp tục nói, còn Mark Twain cảm thấy bắt đầu nhàm chán, và quyết định giảm số tiền này xuống một nửa. Sau mười phút, khi vị mục sư trên bục vẫn đang huyên thuyên không ngừng, Mark Twain cảm thấy không chịu nổi nữa, ông quyết định sẽ không quyên tặng tiền nữa. Trong tâm lý, hiện tượng này gọi là “hiệu ứng quá giới hạn”, nghĩa là khi bị kích thích quá nhiều, quá mạnh và thời gian tác dụng quá lâu sẽ dẫn đến tâm lý cực kỳ khó chịu và phản tác dụng.

Bệnh là từ miệng mà vào, họa là từ lời mà rước lấy. Mỗi người đều nên chịu trách nhiệm về những gì họ đã nói. Có những lời, người nói vô tâm, nhưng người nghe lại hữu ý. Nói mà không suy nghĩ kỹ, có thể mang đến hậu quả khôn lường, thậm chí khiến bản thân có thêm bao nhiêu kẻ thù mà chẳng hay biết.

Nhà triết học vĩ đại Socrates từng giảng về đạo lý “ba cái sàng”, Socrates nói: “khi bạn muốn nói với ai đó một chuyện, ít nhất hãy dùng ba cái sàng để lọc, cái thứ nhất gọi là sàng chân thực, cái thứ hai là sàng thiện ý, và cái thứ ba là hữu ích, chính là điều chúng ta muốn nói có quan trọng hay không ?”

Nếu như mỗi chúng ta đều có thể nghĩ đến “ba cái sàng” của Socrates khi muốn nhận định hay tranh biện gì đó, chúng ta sẽ có thể tránh được việc nói ra những lời vô nghĩa, đắc tội với người khác, đồng thời cũng thực sự cải thiện được “bệnh nói nhiều” của bản thân.

Meaningful life

- Ziad K. Abdelnour

Life is not something that “has” meaning, it’s something we give meaning to. You don’t “end up” with a meaningful life, you create it.

╰▶ Cuộc sống không phải thứ gì đó vốn đã có ý nghĩa, nó là thứ mà chúng ta tự mang lại ý nghĩa. Không có giới hạn cuối cùng nào định nghĩa một cuộc sống ý nghĩa, bạn hãy tạo ra nó.



Đừng quá lệ thuộc những “bên ngoài”

(Sưu tầm)

Rất nhiều khi đau khổ của con người đến từ nỗi sợ bị mất một thứ gì đó, mà sở dĩ người ta sợ là bởi vì họ đã quá quen thuộc đến nỗi trở thành thói quen hay phụ thuộc vào sự tình, sự vật, con người mà họ đã gắn bó … Một khi những thứ đó bị mất đi thì mục tiêu cuộc sống của họ, trọng tâm của họ lập tức bị hút ra, khiến cho họ chao đảo, không cách nào tiếp nhận được sự thật rồi rơi vào đau khổ.

Ngày xưa không có điện thoại, không có internet, không có các cửa hàng tiện lợi … Thì con người sẽ không sống được sao ? Con người sẽ không vui vẻ hạnh phúc sao ? Đương nhiên sẽ không như thế. Nếu có thể đo đạt được phẩm chất hạnh phúc của dòng sống, thì chưa chắc những con người sống trong thời văn minh hiện đại này đã hạnh phúc hơn ông bà tổ tiên của họ ngày xưa.

Nhận ra những thứ mà bạn “khăng khăng nhất định phải có” rồi sống nhẹ nhàng hơn trong sự truy cầu, đó chính là mấu chốt của tự do, hạnh phúc. Nói cách khác, một khi “thói quen” lệ thuộc vào các điều kiện sống bên ngoài được cải biến, những điều trước đây “nhất định phải có” đã không còn là nhu cầu phải có nữa, thì bạn sẽ thấy mình được tự do và không còn bị ràng buộc bởi nó.

Không ai có thể mất những thứ mình không sở hữu. Hãy yêu thương chân thành nhất có thể, còn cái gì đã thật sự thuộc về bạn thì luôn thuộc về bạn, cái gì không thuộc về bạn thì dù thế nào đi nữa vẫn như là lữ khách qua đường.

... Rồi bỗng một ngày ta hiểu ra
Thậm chí ... thân này chẳng phải ta
Mảnh Tâm dính mắc … làm đau khổ
Nhẹ nhàng buông, sống thật bao la

Hiểu rõ thêm về Phúc và Đức

(Tâm Tuệ)



Bản thân mỗi người được tồn tại trên đời, được hạnh phúc hay gặt hái được nhiều thành công hơn người khác ... tất cả đều do Phúc Đức mà ra. Phúc Đức càng nhiều thì vật chất càng đầy đủ, tinh thần càng thoải mãi và luôn đứng ở vị thế cao hơn những người khác. Phúc Đức là một lá chắn bảo vệ chủ nhân, là một siêu năng lực mang đến may mắn. Khi có biến cố, lập tức Phúc Đức phát huy sức mạnh của mình, hóa giải tai ương, mang đến sự bình an cho chủ nhân.

Phúc Đức (Phước Đức) được chia làm hai phần, Phúc và Đức.

Phúc sinh ra từ những hành động thiện lành, Phúc được tích lũy từ quá trình ăn ở của các bậc tiền bối có chung huyết thống với mọi người. Ông Bà, Cha Mẹ, tổ tông sẽ là người tạo ra phúc truyền lại cho con cháu, do đó mới gọi là hưởng phúc.

Còn Đức được sinh ra từ trong những ý niệm thiện lành. Phúc được tích lũy từ chính quá trình sống hằng ngày của bản thân mỗi người và được cộng dồn lại để chuyển phúc cho đời tiếp theo. Đức là do chính bản thân mỗi người tạo ra, vì thế người ta mới gọi là tích Đức.

Phần Phúc sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của một người trước 30 tuổi, và phần Đức sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống từ 30 tuổi cho đến lúc chết và đời con cháu tiếp theo. Độ tuổi là cột mốc quan trọng của đời người, độ tuổi này đánh dấu sự chín chắn, sự trưởng thành. Do đó tuổi trung niên người ta gọi là tuổi lập thân, là độ tuổi tôi phải có trách nhiệm với cuộc đời của chính mình và không còn bị ảnh hưởng từ gia đình.

Có những người may mắn được sinh ra trong một gia đình có đạo đức, Ông Bà - Cha Mẹ là người thiện lương nên phần Phúc của người này rất nhiều. Vì thế, trước tuổi lập thân, người này sẽ vô cùng may mắn. Nhưng từ tuổi trung niên trở đi, cuộc đời và thân phận của người này sẽ phải chịu ảnh hưởng của phần Đức.

Trong quá trình sống trước đó, nếu người này tử tế, sống lương thiện thì phần đời còn lại cũng sẽ được thành công và yên bình, còn không thì bắt đầu từ giai đoạn này họ sẽ phải trả giá cho những gì mình đã làm. Người ta gọi đó là nghiệp chướng, nếu phần nghiệp chướng này quá nhiều, nó sẽ được truyền lại cho đời sau. Đó là lý do giải thích cho việc tại sao nhiều những người ăn ở bất lương nhưng vẫn có thể thành công trong cuộc sống. Có điều nếu những người này không biết tích Đức cho mình thì đến một lúc phần Phúc mất đi sẽ còn lại phần Nghiệp, lối sống có Đức thì phần Đức này sẽ hóa giải Nghiệp Chướng, còn không thì tai họa bắt đầu ập đến từ đây.

Nếu bạn cảm thấy bản thân kém may mắn do không được hưởng phần Phúc thì chúng ta vẫn còn lại phần Đức để tự cứu lấy chính mình. Phúc cũng như tiền, hưởng thụ nhiều sẽ cạn, sẽ hết, nhưng phần Đức thì không có giới hạn, bạn càng làm nhiều điều tốt, sống càng lương thiện thì Đức càng được tích trữ nhiều.

Cuộc đời một nửa là do Nghiệp quá khứ hình thành thân phận hôm nay, nhưng một nửa còn lại vẫn nằm trong tay chúng ta. Ông trời có đức hiếu sinh, không triệt đường sống của ai bao giờ, chỉ có chúng ta tự đẩy mình vào vực thẳm mà thôi. Phúc Đức là một dạng sức mạnh tâm linh, một dạng siêu năng lực bảo vệ mỗi người. Người hơn người một phần là do tài năng nhưng phần nhiều là do cách sống đã tạo ra Phúc Đức khiến người khác tôn trọng họ. Tiền bạc và địa vị khi chết sẽ không thể đem theo, nhưng Phúc Đức hay Nghiệp Chướng sẽ được truyền từ đời này qua đời khác.

Phúc Đức bị hao mòn khi tác tao Nghiệp bất thiện, và Nghiệp Chướng sẽ được hóa giải khi Phúc Đức được tích lũy. Mỗi người đều đang cầm trên tay một thanh gươm báu sử dụng vào việc tạo Phúc hay tạo Nghiệp, là do chúng ta quyết định bởi mọi việc chúng ta làm không chỉ ảnh hưởng đến mỗi mình mình mà còn ảnh hưởng tới rất nhiều người khác. Thân phận có tốt hay xấu ở nửa đời người còn lại là do chúng ta định đoạt. Chúng ta không thể chọn cách bắt đầu.

Một vài qui luật đơn giản

(Sưu tầm)



QUI LUẬT QUẢ TÁO - nếu có một thùng táo, gồm cả trái ngon lẫn trái hư, bạn nên ăn trái ngon trước, bỏ những trái hư đi, vì nếu bạn ăn trái hư trước, những trái ngon rồi cũng sẽ hư, có thể bạn sẽ vĩnh viễn không bao giờ ăn được trái táo ngon. Cuộc sống cũng vậy.

QUI LUẬT HẠNH PHÚC - nếu bạn không mất quá nhiều thời gian để nghĩ xem mình có phải là người hạnh phúc không, nghĩa là bạn đang hạnh phúc rồi đấy. Chính sự so sánh với chung quanh làm cho cảm nhận hạnh phúc của bạn vơi đi hơn một nửa.

QUI LUẬT TRANG ĐIỂM - thời gian trang điểm càng lâu bao nhiêu, đồng nghĩa với việc bạn càng thiếu tự tin bấy nhiêu.

QUI LUẬT GIÁ TRỊ - khi bạn sở hữu một món đồ, bạn sẽ phát hiện thấy món đồ ấy không có giá trị như bạn từng nghĩ. Khi bạn mất đi bạn mới biết giá trị của nó quan trọng với bạn đến mức nào. Con người thường cảm nhận rõ những niềm hạnh phúc khi chúng đã rời xa.

QUI LUẬT NGU NGỐC - ngu ngốc phần lớn là do chân tay hoặc miệng mồm hoạt động nhanh hơn cả trí não. Giá trị thực tiễn của việc tu hành chính là Làm Chủ Tâm Ý, giúp ta thoát khỏi sự ân hận của “cái ngu trên”.

QUI LUẬT SAI LẦM - con người ai mà không mắc lỗi, nhưng chỉ khi tái phạm lỗi lầm đó, bạn mới thật sự đáng trách.

QUI LUẬT NIỀM VUI - khi gặp chuyện không may, bạn hãy nghĩ đến mặt tốt của vấn đề, bạn sẽ thấy vui hơn, giống như khi xe bạn bị thủng lốp (hoặc hết xăng), bạn hãy nghĩ: may mà xe mình thủng lốp ngay gần chỗ sửa xe (hoặc ngay gần trạm bơm xăng). Hay khi mất dép hãy nghĩ đến người không có chân mang dép, mình vẫn còn cơ hội để mang.

CUỘC SỐNG THỰC SỰ ĐƠN GIẢN, NHƯNG CHÚNG TA CỨ LÀM NÓ THÀNH PHỨC TẠP