V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Hạnh phúc thực sự của cuộc đời

(Sưu tầm)

Thời gian trôi đi rồi cách nhìn nhận về cuộc sống ở mỗi người rồi cũng sẽ khác, chúng ta cũng chẳng thể giữ mãi cho mình vẻ bình yên bên cạnh giữa những thăng trầm đổi thay. Hạnh phúc hay không do bản thân ta lựa chọn.

Hạnh Phúc hay không điều đó phụ thuộc vào quan điểm tự mỗi người. Nếu như ta nghĩ rằng đó là vấn đề khó khăn thì suy nghĩ và cảm xúc của ta cũng sẽ trở nên tiêu cực như thế, nhưng nếu như ta thử thay đổi cách suy nghĩ của mình, nhìn nhận chúng ở một khía cạnh khác thì kết quả sẽ trở nên hoàn toàn khác hẳn, có người từng nói Tư Duy đúng sẽ có Hành Vi đúng, có hiểu mới có thương, không hiểu biết thì không thể thương yêu.

Đã bao giờ ta tự đặt mình vào vị trí của nhau ? Lòng tin ... sự ngờ vực ... Ừ thì nó cũng mong manh và Vô Thường thật. Nay trắng mai đen rồi ngày kia lại trắng. Mắt không thấy, tai không nghe, miệng không nói, có lẽ sẽ tập trung hơn vào những gì cần phải làm, còn lại thì Tùy Duyên ...

Vốn dĩ mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0 mà. Con số 0 vốn luôn tròn trĩnh để người ta soi mình vào đó và tìm thấy trong mình những xúc cảm tự bản thân. Bởi vậy hiện tại mới chính là cuộc sống của ta, đáng trân quý từng giây từng phút. Vì vậy, đừng để hiện tại trôi qua vô nghĩa, hãy trân trọng chúng nhất có thể, đừng quá đoái hoài về quá khứ và chẳng nên quá lo lắng về tương lai. Hãy nuôi dưỡng cho mình cảm xúc thương yêu khi có thể. Hãy tha thứ, bao dung khi có thể. Bởi có thể chỉ một giây phút nữa thôi những điều này sẽ trở thành không thể. Cứ đi đi rồi sẽ đến …

Cuộc sống không phải là một cuộc chạy đua, nó là một cuộc hành trình mà ta có thể tận hưởng, từng bước khám phá. Và hạnh phúc không phải là cảm giác khi tới đích mà là trên từng chặng đường đi. Vì cuộc đời là những chuyến đi, hãy cứ đi đi để tìm thấy chính mình giữa cuộc sống, giữa con người, giữa những tình yêu thương.

Triết lý đạo Phật thể hiện rõ quan điểm “ĐỨC NĂNG THẮNG SỐ” là để chỉ nên điều này, người có đức và làm nhiều việc Thiện Duyên sẽ thay đổi được số phận của riêng mình. Những người thông minh sẽ lựa chọn đi đường thẳng thay vì đường vòng vì đó là con đường ngắn nhất.

Đường đi không phải ở dưới chân mà chính là từ trong Tâm. Khi Tâm ta không phiền não thì không ai có thể làm ta phiền não được.Khi ta không thể buông bỏ, đó chính là tự đem phiền não đến cho mình. Đức Phật từng nói: “HÃY TỰ MÌNH THẮP ĐUỐC LÊN MÀ ĐI” và ngọn đuốc đó là tự thân của mỗi người chúng ta. Khi ta hiểu được hành động, lời nói, suy nghĩ của bản thân mình thì ta sẽ sống một đời sống chân thật Thanh Tịnh, và khi ta biết sống vì người mà không vì mình thì sẽ không bao giờ chiêu cảm đau khổ.

Hãy sống làm sao để người với người gần nhau hơn ... đó mới là hạnh phúc thực sự của cuộc đời ...

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|51|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Cả trăm nghìn người đến lấy lửa từ một ngọn đuốc, kẻ đem lửa về nấu nướng, người đem lửa về thắp sáng, nhưng ngọn đuốc không phải vì thế mà gầy đi”.

Bình yên trong lòng của con người cũng như vậy, chia cho kẻ đang bất an mang về lấp đầy một ngày buồn, chia cho người đang nghiêng ngả mang về kê lại những chông chênh, nhưng bình yên trong lòng người cho đi không phải vì thế mà mỏng mà ít lại.

Nếu chỉ cố giữ ngọn lửa cho mình, ngọn nến không bao giờ giữ lại được ngọn lửa lâu hơn cuộc đời của nó, nến tàn lửa tắt. Nếu không chia sẻ, ngọn nến chỉ là một đốm lửa nhỏ, không thể thắp sáng được cánh đồng hoang lạnh, không sưởi ấm được người ở nơi xa. Nghĩ về dài lâu nên dốc lòng cho đi, nghĩ về mênh mông nên mở lòng chia sẻ, để ngọn lửa ấm có thể sống lâu hơn cuộc đời mình, và đến được nơi mình chưa thể đến.

Người đời thường nghĩ, hạnh phúc khi cho đi sẽ mất, và khi chia sẻ sẽ bị tổn giảm nhiều, đâu hay, hạnh phúc được tìm thấy nhiều nhất trong những ngày dốc lòng cho đi.

Nhất định, với hạnh phúc, không ai bị nghèo nàn bởi cho đi.

Nhất định, khi chưa từng cho cuộc sống được một nụ cười, sẽ không bao giờ nhìn thấy cuộc sống này hiền hậu.

Hạnh phúc cũng có màu sắc của nó, chia sẻ với ai đó, trước khi nó phai đi.



Pháp ngữ (54)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Người công dân chào cờ là bày tỏ lòng cung kính đối với đất nước, với tổ quốc. Tượng Phật thì đại biểu cho Đức Phật, do đó, mình lễ lạy tượng Phật để bày tỏ lòng cung kính với Phật.

Nấm chiên đàn

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương LXXIX, Thích Nhất Hạnh



Đại đức Ananda tới gần Bụt, ngồi xuống bên Người và bạch nhỏ:

- Thế Tôn, bốn mươi năm nay con chưa từng thấy Người ốm đau nặng nề như kỳ rồi. Hôm Thế Tôn bệnh nặng, con cảm thấy bủn rủn cả chân tay. Đầu óc của con lúc ấy không được sáng suốt và con không thấy được sự việc một cách rõ ràng. Hôm đó ai cũng nghĩ rằng Thế Tôn sẽ không qua khỏi, nhưng con tự hỏi: Đức Thế Tôn chưa di chúc gì hết cho giáo đoàn khất sĩ thì Thế Tôn chưa nhập Niết Bàn đâu. Nhờ nghĩ như vậy mà con không đến nỗi nào.

Bụt nói:

- Này Ananda, giáo đoàn khất sĩ còn chờ đợi gì ở Như Lai mà thầy bảo là Như Lai phải để lại di chúc ? Chánh pháp đã được Như Lai giảng bày cặn kẽ cho mọi người, có điều gì mà Như Lai còn giấu diếm chưa dạy quý vị đâu ? Ananda, chỗ nương tựa của giáo đoàn là chánh pháp, các vị đừng đi tìm một chỗ nương tựa bên ngoài nào khác nữa. Mỗi người phải lấy chánh pháp làm nơi nương tựa, phải sống theo chánh pháp, mỗi người phải là một hòn đảo cho chính mình. Ananda, Bụt, Pháp và Tăng có sẵn trong mỗi người: khả năng giác ngộ là Bụt, pháp môn tu học là Pháp, những yếu tố hỗ trợ cho sự tu tập là Tăng. Không ai cướp giật Bụt, Pháp, và Tăng ra khỏi tự thân quí vị được, dù đất trời có nghiêng ngả, tự tính Tam Bảo nơi nỗi người vẫn còn nguyên vẹn. Đó là nơi nương tựa an ổn nhất của mỗi người. Vị khất sĩ trở về an trú trong chánh niệm, quán chiếu thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng tâm ý, đó là vị khất sĩ đang làm hòn đảo cho chính mình, đang có nơi nương tựa vững chãi nhất. Một người khác, dù là giáo chủ, dù là thượng thủ, dù là thầy mình, cũng vẫn không phải là chỗ nương tựa vững chãi hơn hòn đảo chánh niệm, hơn tự tính Tam Bảo sẵn có nơi mỗi người.

Vào cuối mùa an cư, sức khỏe của Bụt đã được hồi phục. Một buổi sáng, chú tiểu Cunda, vị thị giả của đại đức Sariputta tìm tới tịnh thất của đại đức Ananda. Chú báo tin thầy của chú, đại đức Sariputta đã viên tịch tại Nala, rồi chú trình lên đại đức áo cà sa, bình bát và tro xương xá lợi của đại đức Sariputta, rồi chú ôm mặt khóc. Đại đức Ananda cũng òa lên khóc. Cunda kể là đại đức Sariputta đã về đến Nala thăm mẹ và đã săn sóc bà cho đến khi bà lâm chung. Làm lễ trà tỳ mẹ xong, đại đức triệu tập bà con và dân cư trong vùng lại, giảng giải pháp cho họ nghe, làm lễ quy y cho họ và dặn dò hành trì theo chánh pháp, rồi đêm đó đại đức ngồi lại trong tư thế kiết già và nhập diệt. Trước đó, đại đức đã dặn Cunda rằng sau khi đại đức tịch thì chú phải đem y bát và xá lợi của đại đức về trình Bụt và xin Bụt cho đi theo Người. Đại đức có nói là đại đức muốn nhập diệt trước ngày Đức Thế Tôn nhập diệt.

Đại đức Ananda lau nước mắt đứng dậy và cùng chú tiểu Cunda đi gặp Bụt, đem theo cà sa, bình bát và xá lợi của đại đức Sariputta. Bụt lặng yên nhìn cà sa, bình bát và xá lợi của vị đại đệ tử, Người không nói gì trong một lúc lâu, rồi người xoa đầu chú Cunda. Đại đức Ananda lên tiếng:

- Lạy Bụt, khi con nghe tin sư huynh đã viên tịch, con thấy bủn rủn cả chân tay và đầu óc con mất hết sáng suốt, con buồn quá.

Bụt nhìn đại đức Ananda:

- Này Ananda, sư huynh của thầy khi nhập diệt có đem đi theo tất cả giới, định, tuệ và sự giải thoát của thầy đâu ?

Đại đức Ananda trần tình:

- Không phải như thế, bạch Đức Thế Tôn, con nghĩ đến sư huynh con lúc sống đã phục vụ chánh pháp đắc lực như thế nào, đã nâng đỡ anh em chúng con như thế nào, đã dạy dỗ, hướng dẫn, khích lệ chúng con như thế nào, bây giờ đây sư huynh không còn với chúng con nữa, không có hai sư huynh Sariputta và Moggallana, chúng con thấy giáo đoàn trống trải một cách lạ kỳ. Các sư huynh không còn đó để hướng dẫn cho chúng con và chống đỡ cho giáo đoàn, chúng con không cảm thấy bơ vơ sao được ?

Bụt dạy:

- Ananda, Như Lai đã nhiều phen nhắc thầy rằng có sinh thì có diệt, có hội ngộ thì có phân ly. Các pháp hữu vi là thế đó, cho nên ta đừng nên kẹt vào các pháp hữu vi. Hãy vượt thoát lên khỏi thế giới của sinh diệt và của tụ tán. Ananda, Sariputta là một cành cây lớn đã làm xong bổn phận nuôi dưỡng một thân cây hùng mạnh. Cành cây hiện có mặt trong thân cây. Thân cây ấy là giáo đoàn khất sĩ đang tu tập theo giáo pháp giác ngộ. Nếu thầy mở mắt ra mà nhìn, thầy sẽ thấy Sariputta trong thầy, trong Như Lai, trong giáo đoàn khất sĩ, trong những người được Sariputta giáo hóa, trong chú tiểu Cunda, và thầy sẽ thấy Sariputta mọi nơi. Đừng nghĩ là Sariputta không còn nữa, Sariputta đang còn và sẽ còn mãi với chúng ta. Ananda, Sariputta là một vị Bồ Tát, nghĩa là một người đã giác ngộ và đã biết đem trí tuệ và tình thương của mình đi vào cuộc đời để hóa độ cho những người khác, đưa họ cùng về bến bờ giác ngộ.

Trong giáo đoàn khất sĩ, Sariputta đã từng được ca ngợi như người có trí tuệ lớn, và vì thế, Sariputta sẽ được các thế hệ tương lai tưởng niệm tới như một vị Bồ Tát đại trí. Ananda, trong giáo đoàn khất sĩ còn có nhiều vị Bồ Tát nữa có mặt trong cuộc đời để hóa độ và những vị này cũng có hạnh nguyện lớn như Sariputta, khất sĩ Punna, nữ khất sĩ Yasodhara, nam cư sĩ Sudatta đều là những người có lòng thương lớn và hạnh nguyện lớn, luôn luôn dấn thân vào cuộc đời để cứu giúp chúng sanh, không ngại gian khổ và khó khăn. Đó là những vị Bồ Tát đại bi. Nữ khất sĩ Yasodhara và cư sĩ Sudatta đã viên tịch, nhưng đại đức Punna thì vẫn đang tinh tiến và dũng mãnh trên con đường hóa độ.

Nói đến dũng mãnh, Như Lai nhớ tới đại đức Moggallana, đó là một vị Bồ Tát đại dũng, chí khí và can trường rất lớn, ít ai bì kịp. Đại đức Mahakassapa với nếp sống đơn giản và lành mạnh là một vị Bồ Tát tượng trưng cho hạnh tri túc. Đại đức Anurudha là một vị Bồ Tát tượng trưng cho hạnh tinh tiến. Ananda, nếu các thế hệ tương lai biết học hỏi và tu tập đạo lý giải thoát, các vị Bồ Tát như thế sẽ tiếp tục xuất hiện trong đời để nối đuốc chánh pháp và soi sáng cuộc đời. Ananda, tin vào Bụt, tin vào Pháp và tin vào Tăng, tức là tin tưởng ở tương lai giáo đoàn. Trong tương lai sẽ tiếp tục có thêm những vị Bồ Tát mới có tầm vóc lớn như Sariputta, Moggallana, Punna, Anurudha, Yasodhara, Anathapindika … Ananda, thầy không nên buồn về việc sư huynh Sariputta viên tịch.

Trưa hôm ấy trên bờ sông Ganga, bên thôn Ukkhacela, Bụt trầm tĩnh báo tin viên tịch của đại đức Sariputta cho đại chúng các vị khất sĩ. Bụt khuyên đại chúng nên nỗ lực để mỗi người có thể trở nên Sariputta, mỗi người có thể mang khả năng và đại nguyện của Sariputta trên đường tu tập và hành hóa. Bụt dạy:

- Này các vị khất sĩ ! Các vị hãy nương tựa vào chính mình, hãy tự mình làm một hòn đảo cho chính mình, đừng nương tựa vào gì khác, đừng nương tựa vào ai khác, như vậy các vị mới không bị đánh chìm bởi những đợt sóng của sầu đau, của thất vọng, của chới với. Các vị, hãy lấy giáo pháp làm hòn đảo, làm chỗ nương tựa, và đừng nương tựa vào gì khác, đừng nương tựa vào ai khác. Này các vị khất sĩ ! Các vị hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Hãy lấy chánh pháp làm đuốc.

Một buổi sáng, Bụt cùng đại đức Ananda đi vào thành Vesali khất thực. Sau khi ra thọ trai ở một cụm rừng, Bụt nói:

- Ananda, chúng ta hãy về đền Capala để nghỉ trưa.

Trên đường đi, Bụt dừng lại nhiều lần để nhìn phong cảnh và mây nước, Bụt nói:

- Ananda, Vesali thật là đẹp, đền Udena cũng đẹp. Các ngôi đền khác trong vùng như Gotamaka, Sattanbaka và Bahuputta cũng đều là những ngôi đền đẹp. Đền Capala mà ta sắp đến để nghỉ ngơi cũng dễ thương lắm.

Sau khi sắp đặt chỗ nghỉ cho Bụt, đại đức Ananda đi ra phía ngoài để thiền hành. Trong khi đi thiền hành, đại đức thấy đại địa rung động dữ dội và tâm thần của thầy cũng bị chấn động theo. Đại đức tìm về đền Capala và thấy Bụt đang ngồi yên tĩnh trong đền. Đại đức Ananda trình Ngài về hiện tượng động đất xảy ra, Bụt nói:

- Ananda, Như Lai đã quyết định rồi, trong ba tháng nữa, Như Lai sẽ diệt độ.

Đại đức Ananda cảm thấy tay chân bủn rủn, mắt hoa, đầu choáng. Đại đức quỳ xuống trước Bụt và năn nỉ:

- Xin đức Thế Tôn đừng diệt độ sớm như thế. Xin đức Thế Tôn thương xót chúng con.

Bụt im lặng. Thầy Ananda lặp lại lời thỉnh cầu tới lần thứ ba, Bụt nói:

- Ananda, nếu thầy có đức tin nơi Như Lai, thì thầy nên biết rằng những quyết định của Như Lai là những quyết định hợp thời và hợp cơ. Như Lai nói là Như Lai sẽ diệt độ trong ba tháng nữa. Ananda, thầy hãy cho mời tất cả các vị khất sĩ trong vùng về quy tụ tại giảng đường Trùng Các ở rừng Đại Lâm.

Bảy hôm sau, trên một ngàn năm trăm vị khất sĩ và nữ khất sĩ tụ tập tại giảng đường Trùng Các, Bụt được thỉnh vào ngồi trên pháp tọa. Người đưa mắt nhìn đại chúng, rồi Người nói:

- Các vị khất sĩ ! Những gì mà Như Lai đã thực chứng và đã trao truyền lại cho quý vị, quý vị hãy thận trọng và khéo léo mà học hỏi và giữ gìn, tu tập, chứng nghiệm và truyền đạt lại cho những thế hệ tương lai. Nếp sống phạm hạnh cần được nối tiếp vì an lạc và hạnh phúc của mọi người và mọi loài. Các vị khất sĩ ! Những giáo pháp mà Như Lai đã truyền đạt lại tuy nhiều nhưng có thể được tóm tắt trong các pháp môn Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề và Bát Chánh Đạo. Các vị phải khéo léo học hỏi, tu tập, thực chứng và truyền đạt lại những pháp môn ấy. Này các vị ! Tất cả các pháp đều vô thường, có sinh, có diệt, có tụ, có tán. Các vị hãy tinh tiến lên để mà đạt tới giải thoát. Ba tháng nữa, Như Lai sẽ diệt độ.

Hơn một ngàn năm trăm vị khất sĩ im lặng nghe Bụt nói, uống những lời dạy dỗ trực tiếp từ Bụt. Họ biết đây là cơ hội cuối cùng để được thấy Bụt và nghe Bụt. Nghe Bụt nói sẽ diệt độ, ai nấy đều đau lòng. Sáng hôm sau, Bụt đi vào Vesali khất thực. Khất thực xong Bụt ghé vào một cụm rừng để thọ trai. Sau đó Bụt cùng các vị khất sĩ rời thành Vesali. Ngoái nhìn lại thành Vesali với đôi mắt của một con voi chúa, Bụt nói với đại đức Ananda:

- Này Ananda, Vesali thật đẹp. Đây là lần cuối Như Lai nhìn thành phố này.

Và Bụt nhìn trở lại phía trước. Người nói:

- Bây giờ, chúng ta hãy đi về Bhandagama.

Chiều hôm ấy tại Bhandagama, Bụt thuyết pháp cho trên ba trăm vị khất sĩ về giới, định, tuệ và giải thoát. Sau mấy hôm nghỉ ngơi và thăm viếng, Bụt rời Bhandagama và đi Matthigama, rồi Bụt đi Ambagama, Jambugama. Nơi nào Bụt cũng thăm viếng và sách tấn các vị khất sĩ. Rồi Người cùng các vị khất sĩ đi Bhoganagara. Tại đây, Bụt nghỉ ở đền Ananda. Các vị khất sĩ địa phương tới thăm Bụt rất đông. Trong thời gian thăm viếng ở đây, Bụt có dặn dò các vị khất sĩ về sự cần thiết và phương pháp kiểm chứng những điều nghe được về giáo pháp, Bụt dạy:

- Khi nghe một ai nói về giáo pháp, dù người nói cho biết là đã trực tiếp nghe từ những vị đạo cao đức trọng và có thẩm quyền, các vị cũng không nên vội cho ngay đó là giới luật và giáo pháp đích thực của Như Lai giảng dạy. Các vị phải so sánh những lời ấy với kinh và luật. Nếu những lời ấy trái chống với kinh luật thì các vị nên bác bỏ, còn nếu những lời ấy phù hợp với kinh và luật thì các vị hãy chấp nhận và thực hành theo.

Sau đó, Bụt đi Pava. Tại Pava, Người nghỉ trong vườn xoài của nam cư sĩ Cunda, con của một người thợ rèn. Được nghe Bụt thuyết pháp, Cunda rất lấy làm sung sướng. Chàng thỉnh Bụt và các vị khất sĩ ngày mai đến nhà chàng thọ trai. Các vị khất sĩ đi theo rất đông, có đến ba trăm vị. Trong khi người nhà và bạn bè dâng thức ăn vào bát của các vị khất sĩ, Cunda tới trước Bụt và dâng lên Người một thức ăn đặc biệt đã được làm riêng cho Bụt. Đó là nấm chiên đàn – sukara maddava. Sau khi thọ trai xong, Bụt gọi Cunda và bảo chàng:

- Cunda, chỗ còn lại của món nấm chiên đàn này, con nên đào đất mà chôn đi, đừng để cho ai ăn nữa.

Sau khi mọi người đã thọ trai, Bụt thuyết pháp cho gia đình Cunda. Thuyết pháp xong, Bụt và các vị khất sĩ trở về vườn xoài nghỉ ngơi. Tối hôm ấy, một cơn đau bụng dữ dội nổi lên làm Bụt đau đớn vô cùng. Người cố gắng chịu đau, suốt đêm Người không ngủ. Sáng hôm sau, Người bảo các vị khất sĩ lên đường thật sớm, hướng về Kusinara. Giữa đường, cơn đau bụng lại nổi lên dữ dội, Người dừng lại và tới ngồi nghỉ dưới một cội cây. Đại đức Ananda lấy áo sanghati của Bụt xếp lại thành tư và trải xuống gốc cây để Bụt ngồi nghỉ. Bụt bảo Ananda đi kiếm cho Bụt ít nước để uống vì Người thấy khát. Đại đức Ananda nói:

- Lạy Bụt, nước rạch ở đây đục lắm vì có một đoàn xe bò cả mấy trăm chiếc vừa đi qua. Xin Bụt đợi đến khi mình tới sông Kakutha, nước ở đó trong mà ngọt lắm, con sẽ lấy để Bụt uống và rửa mặt cho mát.

Bụt bảo:

- Như Lai khát lắm, thầy cứ đi lấy nước ở đây đi.

Đại đức Ananda vâng lời. Lạ quá, khi đại đức mang vò xuống tới con rạch thì nước rạch đã trở lại trong vắt. Uống nước xong, Bụt ngồi nghỉ. Các đại đức Anuruddha và Ananda ngồi gần bên Người. Ba trăm vị khất sĩ cũng ngồi nghỉ ngơi đây đó, có nhiều vị ngồi vây quanh Bụt. Lúc ấy có một người bộ hành đi từ Kusinara tới. Thấy Bụt ngồi giữa các vị khất sĩ, ông ta tới khấu đầu đảnh lễ. Người này tên là Pukkusa thuộc bộ tộc Malla, và ngày xưa cũng đã từng là đệ tử của đạo sĩ Alara Kalama, vị đạo sĩ mà vị sa môn trẻ Siddhatta đã từng đến thọ giáo. Pukkusa đã nghe nói đến Bụt.

Sau khi lạy Bụt, ông dâng lên Bụt hai tấm y mới để Bụt dùng. Nể lời Pukkusa Bụt nhận một tấm và bảo Pukkusa cúng dường tấm kia cho đại đức Ananda. Sau đó, Pukkusa xin được làm đệ tử Bụt. Bụt dạy đạo lý cho ông, Pukkusa sung sướng cảm tạ rồi từ giã Người.

Thấy y của Bụt đang mặc đã lấm bùn, đại đức Ananda thay y mới cho Người. Sau đó, Bụt và các vị khất sĩ cùng đứng dậy và đi về phía Kusinara. Đến bờ sông Kakuttha, Bụt đi xuống sông để tắm và uống nước. Tắm và uống nước xong, Bụt lên bờ, Bụt đi về một vườn xoài gần đó. Người bảo khất sĩ Cundaka xếp áo và trải xuống đất cho Người nằm. Khất sĩ Cundaka ngồi hầu bên cạnh. Bụt gọi đại đức Ananda:

- Ananda, bữa cơm sáng nay tại nhà của cư sĩ Cunda là bữa cơm cuối cùng của Như Lai. Sau này có thể có người làm cho Cunda có mặc cảm là đã cúng dường bữa ăn chót cho Như Lai. Vậy thầy nên tìm dịp nói cho Cunda biết là những bữa cơm mà Như Lai nhớ mãi là bữa cơm Như Lai thọ nhận trước khi thành đạo và bữa cơm Như Lai thọ nhận trước khi nhập Niết bàn. Người cúng dường một trong hai bữa cơm ấy phải vui mới đúng.

Sau khi nghỉ ngơi một lát, Người nói:

- Ananda, chúng ta hãy đi qua bên kia sông Hirannavati để vào rừng cây sala của bộ tộc Malla.

Rừng cây này rất đẹp, nó nằm ở chỗ ngã rẽ đi vào thành phố Kusinara.

Rồi như một thoáng vô thường

(Sưu tầm)



Sự sống không phải là một cá thể tồn tại biệt lập, con người phải luôn tương tác với mọi thứ xung quanh như bạn bè, gia đình, xã hội ... và cả vụ trũ bao la thì mới có thể tồn tại. Dù người có tài năng đến đâu, dù chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức nào, thì những điều bất như ý vẫn cứ xảy ra theo lẽ tự nhiên của nó. Có thành thì phải có bại, có hợp thì phải có tan, nhưng thói thường thì không ai muốn bại mà chỉ muốn thành, bởi chính cái muốn mọi sự thường hằng trong khi bản chất của chúng là vô thường nên loài người đau khổ.

Có những lúc con người ta gục ngã tưởng chừng như không còn sức trước sự tàn phá của vô thường, nhưng nếu biết thẩm thấu lý duyên sinh cũng giúp con người nhận ra, biết đâu mình đã từng hưởng thụ quá nhiều từ những tặng phẩm của vũ trụ rồi thì lâu lâu bị vũ trụ lấy lại để chia sớt cho kẻ khác, thiết tưởng đó cũng là lẽ tự nhiên chứ đâu có gì là cay đắng. Mặt khác, sự cân bằng trong xã hội thật khó tồn tại, trong khi ai cũng muốn mình có nhiều hơn người khác và có càng nhiều càng tốt, nên con người ta bất chấp khổ đau của người khác, chỉ cần họ vui.

Trong cái được của người này luôn tiềm tàng cái mất và cả niềm bi ai của kẻ khác. Nhưng thôi, nhìn làm chi mặt trái của xã hội, vì bản chất của cõi đời luôn là như thế, buông xả được thì lòng mới an vui. Thực tế thì trạng thái tâm ta như thế nào thì ta sẽ cảm nhận hạnh phúc và khổ đau như thế ấy. Vì khổ đau, hạnh phúc, vốn từ tâm sinh ra mà cũng từ tâm biến diệt.

“ … Nửa đời người tôi hiểu được
Vô thường - ấy lẽ thường nhiên
Và ta chỉ là chiếc lá
Trong rừng nhân loại vô biên
Nếu có một điều vĩnh cửu
Thì đó chính là đổi thay
Đổi thay - chẳng hề thay đổi
Đành hanh ... tại thế gian này”
Thích Tánh Tuệ

S.ố.n.g

(Sưu tầm)

SỐNG VỚI NGƯỜI

- Đừng xem sự lương thiện của người khác là mềm yếu, bởi vì người mạnh mẽ mới có thể vượt qua cái ác của bản năng để sống đời lương thiện.

- Đừng coi sự tha thứ cho người khác là nhu nhược, bởi vì muốn có sự độ lượng, nội tâm phải chan chứa từ bi mới xem nhẹ và bỏ qua được sự xúc phạm của người khác.

- Người tâm tính tốt không dễ nổi giận, nhưng không có nghĩa là sẽ không nổi giận. Tuy nhiên, cái giận của người tốt như lửa rơm, không ghim gút, để lòng.

- Người biết xem nhẹ không có nghĩa là ngu ngơ trước sư việc, mà là họ đã có cái nhìn thông thấu.

SỐNG VỚI MÌNH

- Một tâm thức tự do, cuộc sống sẽ tự do, đến nơi nào cũng là hạnh phúc.

- Một tâm tư đơn giản, thế giới cũng trở nên đơn giản, hạnh phúc từ đó mới có thể sinh sôi.

- Lúc thành công đừng quá đắc ý, cần xem nhẹ. Lúc thất bại, đừng quá bi quan, cần cởi mở, vì “sau cơn mưa trời sẽ sáng”.

- Cuộc sống có rất nhiều thứ có thể buông bỏ, chỉ cần buông xuống được, thì sẽ lấy lại được.

- Khoan dung hơn, rộng lượng hơn, cởi mở trong lòng, đôi khi cần cười lên một cái, (mặc cho ai nghĩ mình bị chạm dây) thì hết thảy những chuyện không thoải mái đều trở thành dĩ vãng, phôi phai …



Không diệt không sinh đừng sợ hãi

(Trích: “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”|Thích Nhất Hạnh)

Câu chuyện tôi ưa kể là chuyện một dòng sông đi theo đám mây. Có một con suối nhỏ từ núi chảy xuống. Nó rất nhỏ tuổi, và nó muốn ra tới biển thật nhanh. Nó không biết sống với hiện tại một cách bình an. Nó rất vội vã vì nó còn rất trẻ. Nó không biết thực tập “đã về đã tới” nên từ núi đổ xuống, nó hối hả vượt qua cánh đồng và trở thành một dòng sông. Là sông thì nó chảy chậm hơn. Điều này làm cho nó bứt rứt vì nó sợ không bao giờ gặp được biển. Vì là sông nên nó chảy chậm hơn, và mặt nước tĩnh lặng hơn. Dòng sông bắt đầu soi bóng mấy đám mây trên bầu trời – mây hồng, mây bạc, mây trắng, … Nhiều hình dạng thật đẹp đẽ. Suốt ngày sông trôi chảy theo mây. Nó trở nên vướng mắc với những đám mây xinh đẹp. Và dòng sông đau khổ vì mây thì vô thường. Mây di động luôn luôn theo các cơn gió, chúng bỏ dòng sông, đi tới những chốn xa xôi. Sông đau khổ vô cùng. Nó cố gắng hoài hủy để đuổi theo mây. Thật là đáng buồn vì mây không ở yên một chỗ với sông bao giờ.

Một hôm trời giông bão, mây bị cuốn đi hết. Bầu trời trống, trong vắt và xanh tuyệt. Dòng sông thất vọng não nề. Không có một gợn mây trên trời. Tấm lòng tan nát vì bầu trời trống trải. “Không có mây thì sống làm sao ? Không có người thương nữa thì sống làm gì ?” - dòng sông muốn tự tử, nhưng nó không biết làm sao để chết. Cả đêm sông than khóc.

Đêm hôm đó, dòng sông có cơ hội để nghe được tiếng khóc của mình. Đó là tiếng sóng vỗ vào hai bên bờ sông. Khi nó nghe được tiếng sóng vỗ của chính nó, dòng sông tỉnh ngộ. Nó hiểu ra là bản chất của sông cũng là bản chất của mây. Nó chính là mây. Mây đang nằm trong sông vì cả hai cùng có bản chất là nước. Mây làm bằng nước. Vậy thì tại sao mình phải chạy theo mây ? Sông tự nhủ: “ta chỉ chạy theo mây nếu như ta không phải là mây mà thôi !”

Đêm đó, trong tận cùng tuyệt vọng và cô đơn, dòng sông thức tỉnh và nhận ra nó cũng là mây. Buổi sớm hôm sau, bầu trời trong vắt trước đây làm cho sông cảm thấy cô đơn, lại hiện ra thật mới lạ, kỳ diệu và trong sáng. Màu xanh của bầu trời biểu hiện sự hồn nhiên và tự do mà dòng sông mới cảm nhận được. Sông biết bầu trời là nơi trú ẩn của tất cả các đám mây, mây không thể ra khỏi bầu trời được. Dòng sông hiểu rằng bản chất của mây là không sinh-không diệt, không đến-không đi, vậy thì tại sao sông lại khóc ? Sao ta lại khóc như bị chia lìa với mây vậy ?

Dòng sông còn có một giác ngộ khác buổi sáng hôm đó. Nó nhìn thấy bản chất không sinh-không diệt của bầu trời. Điều này làm cho sông trở nên rất an nhiên tự tại. Nó bắt đầu tiếp nhận và phản chiếu bầu trời. Trước kia nó không phản chiếu bầu trời, nó chỉ biết tới những đám mây. Nay thì sông có bầu trời luôn luôn hiện diện ngày đêm. Trước đây dòng sông không tiếp xúc được với bản chất của thực tại, nó chỉ tiếp xúc được với những gì thay đổi, sinh diệt. Nay tiếp xúc với cả bầu trời, dòng sông trở nên bình an và thanh thản vô cùng, như chưa bao giờ được vậy. Chiều hôm đó khi những đám mây trở lại, sông không còn vướng bận vào đám mây nào nữa hết. Không còn đám mây nào sông cảm thấy là đặc biệt, là của riêng nó nữa. Nó mỉm cười với tất cả các đám mây, chào mừng và yêu mến tất cả.

Bây giờ dòng sông cảm nhận được hạnh phúc của sự buông xả. Nó không còn tùy thuộc hay yêu mến đặc biệt một đám mây nào. Sông yêu thương tất cả. Nó thưởng thức và phản chiếu bất cứ đám mây nào đi qua bầu trời. Khi mây bay xa, nó nói: “tạm biệt mây nhé, gặp lại nay mai”. Và dòng sông thấy nhẹ lòng. Nó biết đám mây sẽ trở lại sau khi mây biến thành mưa hay tuyết.

Dòng sông được tự do. Hầu như nó cũng không còn thấy cần chảy ra ngoài biển nữa. Đêm đó trăng tròn và chiếu sáng cả lòng sông. Mặt trăng, dòng sông và nước đều thiền quán bên nhau. Dòng sông thưởng thức sự tự do nhiệm mầu của giây phút hiện tại. Nó được giải thoát khỏi mọi đau buồn.

Khi chúng ta chạy đuổi theo một thứ gì, muốn nắm bắt nó, ta sẽ đau khổ. Khi không có gì để đuổi theo, ta cũng khổ đau. Nếu bạn đã là dòng sông, nếu bạn đã từng chạy theo mây, đau khổ, than khóc vì cảm thấy cô đơn, xin hãy nắm lấy tay một người bạn. Hãy quán chiếu thật sâu, bạn sẽ thấy rằng những gì mà bạn tìm kiếm ở kia vẫn thường hiện diện ngay đây, đó chính là bạn.

Quán Thế Âm Bồ Tát, người là ai trong bể trầm luân ?

(Chay Mộc)



Trong một góc nhỏ của Chay Mộc, có một tượng Quán Thế Âm Bồ Tát màu trắng. Tượng ngồi trên đóa sen, dưới bàn tay từ bi che khắp. Một dáng tượng rất đẹp.

Với Chay Mộc, Quán Thế Âm Bồ Tát là một điều gì đó thật tuyệt diệu. Người từ bi, cứu khổ cứu nạn. Có chí nguyện lớn độ đời. Dường như, dù cho bất cứ việc gì xảy ra, chỉ cần giọt nước từ bi của Người chảy xuống, là ngàn vạn chúng sinh sẽ được chữa lành. Những phép màu như trong chuyện cổ tích.

Ngày còn bé, Chay Mộc chỉ biết Quán Thế Âm Bồ Tát qua phim ảnh. Lớn lên chút nữa, sau khi được nghe nhiều người tán dương xưng tụng. Mới thấy chí nguyện to lớn và sự từ bi nhiệm mầu của Người. Nhưng, rồi Chay Mộc cũng nhận ra một điều, nếu bạn chỉ biết dựa vào tha lực, vào phép thuật và sự từ bi cứu khổ của người khác, quả thực, bạn sẽ không còn là chính mình.

Có những con đường, bạn phải tự mình đi qua mới có ý nghĩa. Có những việc, bạn cần phải tự mình giải quyết mới có thể học hỏi thêm nhiều điều hay, đồng thời rèn luyện thêm trí lực. Cuộc sống là vậy, khó khăn thử thách là để vượt qua chứ không phải để trốn tránh hay chìm sâu vào đau khổ. Khi bạn bắt đầu biết tự đi trên đôi chân của chính mình, tự mình làm mọi thứ, bạn mới nhận ra năng lực kỳ diệu bên trong mình.

Trên thế giới này, ai sinh ra đều có những món quà như nhau cả, bởi mỗi con người đều là những cỗ máy vi diệu của thiên nhiên. Tất nhiên, không có ai giống một trăm phần trăm ai cả, kể cả anh em song sinh. Nhưng được mất luôn song hành. Khi bạn mất đi điều này, có nghĩa là điều khác đang đến, và đến nhiều hơn bạn nghĩ. Quan trọng là bạn có khám phá ra điểm mạnh và điểm yếu của chính mình hay không mà thôi. Khi bạn thực sự chính trực và tâm huyết với cuộc sống, bạn sẽ nhận ra, điểm mạnh đôi khi cũng là điểm yếu chết người, và điểm yếu đôi khi cũng là một điểm mạnh tuyệt vời nếu biết cách tận dụng.

Vậy đó, bạn có thể giải quyết, hầu như tất cả mọi việc đến với mình, bằng trái tim yêu thương chân thành. Khi bạn giải quyết bất cứ một việc gì, dù lớn hay nhỏ, bạn biết bỏ qua những ích kỷ cá nhân, những tham lam sân hận không đáng có, chỉ vì con người và con người, vì người, vì mình, cân đối hợp lý, bạn sẽ giải quyết được tất cả bằng thời gian và công sức của chính bạn. Khi đấy, liệu phép mầu có còn thực sự cần thiết ? Chay Mộc nghĩ là không.

Chay Mộc thấy, Quán Thế Âm Bồ Tát là một tấm gương rất đẹp, rất trong về đức từ bi hỷ xả trong mỗi con người. Dù việc gì xảy ra, lấy từ bi làm gốc, bạn sẽ thấy những điều kỳ diệu không kém gì phép mầu trong cuộc sống này. Chay Mộc đã từng nghe đâu đó rằng: “đừng cầu xin Quán Thế Âm Bồ Tát, hãy sống như Bồ Tát, sống trong nhân quả nhưng vẫn mở lòng từ bi thương xót hết thảy chúng sinh, đó mới là những điều đáng sống”.

Một câu nói rất hay, dành cho vạn hữu có duyên. Tất thảy mọi thứ, khi bước qua cửa sinh diệt rồi, đều chẳng còn lại gì ngoài những nghiệp quả bạn làm từ trước đến nay. Vậy nên, có làm, hãy làm nghiệp lành, có như vậy, cuộc đời mới có thêm những đóa từ bi, kết trái lành cho hôm nay và cho cả mai sau.

Present is gift

(Bil Keane)

Yesterday’s the past. Tomorrow’s the future. But, today is a gift. That’s why it’s called the present.



Tĩnh tại

(Thích Tánh Tuệ)



Có đôi khi niềm hạnh phúc
Giữ tâm hồn ta dịu dàng
Và lắm khi lòng nhẫn nhục
Giúp đời ta được bình an

Có khi gặp nhiều nghịch cảnh
Giúp ta mạnh mẽ, kiên cường
Đối diện muộn phiền, bất hạnh
Khiến lòng thêm lớn Hiểu - Thương

Có khi công thành, hiển đạt
Giúp mình hưng phấn, tự tin
Đôi khi bị đời phụ bạc
Thương người lẻ bóng, chênh vênh

Lắm khi đường đời thất bại
Giữ mình nhẫn nại, khiêm cung
Bao lần thương đau nếm trải
Để lòng ... độ lượng khôn cùng

Hãy cảm ơn những mùa Đông
Thấu hiểu tình người ấm lạnh
Tạ ơn giữa lúc Hạ nồng
Có hạt mưa về lấp lánh

Thuận - Nghịch vốn nơi trần cảnh
Chớ để lòng bị đóng khung
Giữa vô thường ngồi tĩnh tại
Nụ cười trải đến vô chung ...

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|50|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Đọc đến cả ngàn câu vô nghĩa không bằng đọc được một câu có nghĩa, đọc xong nghe lòng đủ can đảm để tĩnh lặng”.

Nghe cả ngàn lời vô nghĩa không bằng nghe được một câu dựng lại được niềm tin đã ngã đổ trong lòng từ lâu lắm rồi.

Đi qua cả ngàn người mà không chạm được vào ai, chẳng bằng đứng trước ánh mắt một người và thấy đủ bình thản để sắp xếp lại gọn gàng những bề bộn trong lòng, thấy mình không lạc giữa mênh mông.

Rồi đến một ngày, ai cũng nhận ra, cả ngàn con đường để ra đi không bằng một con đường để trở về. Chỉ một thôi, bé nhỏ thôi, mong manh thôi, như sợi dây nhỏ để ta nắm lại, không rơi vào vực thẳm, không lạc giữa cuộc đời.

Trong cuộc sống có những điều thật khó hiểu, cả ngày ta suy nghĩ hàng trăm chuyện, phần lớn chỉ là những chuyện để âu lo, những chuyện để tâm phải động, cả đời dốc hết lòng theo đuổi những thứ mà khi có được thứ đó, ta lại nhận ra thứ đó thật sự không phải là thứ mình cần, thứ mình cần là thứ đã bỏ lại sau lưng …



Pháp ngữ (53)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Các bạn nên biết, Kinh Lăng Nghiêm là chân thân của Phật, cũng tức là Phật, Pháp, Tăng và giới luật, cũng chính là giới định huệ. Nếu bạn muốn cung kính Phật, Pháp, Tăng thì trước hết hãy cung kính Kinh Lăng Nghiêm.

N.G.H.I.Ệ.P

- Namo Buddhaya

Có ba điều đơn giản cần ghi nhớ về Nghiệp:

➊ Thứ nhất, trong từng giây phút chúng ta có thể tạo nghiệp, bởi vì, chỉ trừ khi chúng ta ngủ, còn thì chúng ta thường xuyên suy nghĩ, nói năng và hoạt động, và mỗi ý nghĩ, lời nói và việc làm, mỗi cử chỉ, hành động của chúng ta đều có thể tạo nghiệp, làm thay đổi cuộc sống của chúng ta trong hiện tại và mai sau theo hai chiều hướng khổ đau hay an lạc.

➋ Thứ hai, là mọi nghiệp thiện hay ác, lành hay dữ, nặng hay nhẹ, đều do ở chỗ tác ý, tức là có chủ ý, có mưu định. Tác ý thiện đưa tới quả báo an lành, tác ý ác đưa tới quả báo đau khổ. Cũng như người trồng cam thì sẽ được cây cam và quả cam. Không thể trồng cam mà lại mọc ra cây ớt. Tất nhiên, trồng cam vẫn có thể không có cam ăn, nếu không biết trồng, không bón phân tưới nước. Hơn nữa, dù cho có biết trồng thì cũng phải có thời gian nhất định mới có quả. Tạo nghiệp ác hay nghiệp thiện cũng vậy, nghĩa là phải có đủ nhân duyên và thời gian thích hợp thì mới có quả báo thiện hay ác.

➌ Thứ đến, có người tuy hiện nay tạo nhiều nghiệp ác, nhưng vẫn sống sung sướng trong hoàn cảnh giàu sang, là vì người ấy trong thời quá khứ đã tạo ra nhiều nghiệp thiện, đến lúc này vừa đúng thời gian lại có điều kiện thích hợp cho nên quả báo của những thiện nghiệp đó trổ ra, vì thế họ vẫn còn được hưởng giàu sang phú quý. Còn những nghiệp ác họ đã tạo ra trong đời sống hiện tại, thì chưa đến thời gian chín muồi, lại chưa có nhân duyên thích hợp, cho nên quả báo ác chưa đến chứ không phải sẽ không đến.

Cho dù bay vút lưng trời
Cho dù đáy biển trốn thời được đâu
Cho dù hun hút hàng sâu
Không nơi nào thoát quả sầu đã gieo
(Kinh Pháp Cú thi hóa)

Vía Thần Tài

(Sưu tầm)

Theo quan niệm dân gian, giai thoại về Thần Tài có rất nhiều, gắn liền với tên tuổi của một nhân vật có thật trong lịch sử. Thần Tài theo tín ngưỡng là một vị thần mang đến tài lộc, của cải, sung túc cho gia đình, mỗi khi làm việc gì, ta thường thấy gia chủ cầu khấn Thần Tài.

Truyền thuyết ngày vía Thần Tài

Theo truyền thuyết, Thần Tài chính là Triệu Công Minh, người đời nhà Thương. Ông lánh đời đi tu tại núi Chung Nam. Về sau đắc đạo, ông được phong làm Chính Nhất Huyền Đàn Nguyên Soái, coi việc đuổi trừ ôn dịch, cứu bệnh trừ tà. Hơn nữa, ai bị oan ức đến cầu cứu ông thì được giúp đỡ. Người buôn bán thì cúng cầu ông để được phát đạt may mắn. Người ông yêu là Phù Dung tiên tử. Người ta thường vẽ ông hình một người mặt đen, râu rậm, tay cầm roi, cưỡi cọp đen. Dân gian còn gọi ông là Tài Bạch Tinh Quân hay Triệu Công Nguyên Soái. Người đời vẽ ông trên một cái đĩa làm bằng kim loại trên bàn thờ để thờ cúng.

Ngày vía Thần Tài

Ngoài ngày vía chính của Thần Tài là ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, mọi người vẫn chọn ngày mùng 10 âm lịch hằng tháng để cúng Thần Tài, cầu xin cho may mắn về tài lộc trong tháng đó, nên trở thành thông lệ.

Ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch lại vẫn được nhiều người xem là ngày vía Thần Tài quan trọng nhất trong năm bởi đó là ngày Thần Tài bay về trời. Vào ngày này tất cả mọi nhà, công ty, cửa hàng, … có thờ Thần Tài, thì đều sắm lễ vật để cúng lấy vía Thần Tài, cầu xin một năm mới làm ăn được thịnh vượng về tài lộc, thuận buồm xuôi gió.

Mua gì cho ngày vía Thần Tài

Vào ngày vía thần Tài, mùng 10 Tết âm lịch, gia chủ cần sắm sửa bày biện những lễ vật sau đây để cúng lấy vía thần Tài cầu lộc lá cả năm:

- 1 bình hoa (hoa đồng tiền, hoa cúc hoặc hoa hồng)
- 5 loại trái cây
- 5 cây nhang
- 5 chum rượu
- 2 đèn cầy
- 2 điếu thuốc
- 1 đĩa gạo
- 1 đĩa muối hột
- 2 miếng vàng bạc
- 1 bộ tam sên đều đã luộc gồm: một miếng thịt ba rọi, một trứng hột vịt, một con tôm hoặc cua

Bộ tam sên gồm thịt, hột vịt và tôm hoặc cua tương truyền đây là ba món mà Thần Tài ngày còn ở nhân gian rất thích.

Văn cúng ngày vía Thần Tài

Vào ngày Thần Tài mùng 10 Tết âm lịch, gia chủ sửa soạn sắm lễ vật được nêu ở trên. Nếu là cửa hàng hoặc công ty thì thực hiện ở ngay ở cửa hàng, công ty. Sau khi thắp hương thì đọc bài cúng vía thần Tài này.

- Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

- Con kính lạy Thần Tài vị tiền.

- Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.

- Tín chủ con là: ……… Tuổi: ……… Ngụ tại: ………

- Hôm nay là ngày … tháng … năm ... (âm lịch). Tín chủ con thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài Thần Tài tiền vị và chư vị tôn Thần. Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.

Cuộc đời không phải là một cuộc đua

(Sưu tầm)

(Khi mình có một chút, mình muốn có nhiều hơn. Khi mình có nhiều hơn, mình ao ước có nhiều hơn nữa. Nhưng khi mất đi tất cả, mình chợt nhận ra rằng: “ồ, phải chi mình còn một chút, và một chút thôi đã là đủ !”)

Cuộc đời không phải là một cuộc đua. Nó là một hành trình để chúng ta từng bước chiêm nghiệm ý nghĩa cuộc sống, điều quan trọng không phải là phần thưởng khi bạn đến đích mà chính là những gì bạn cảm nhận được trên từng chặng đường đi …



D.P.A (61)

(Thiền sư Chân Không)

Xuân đến xuân đi ngờ xuân hết
Hoa nở hoa tàn ấy vẫn xuân



Nét xuân khai

(Thích Tánh Tuệ)

Thầm lặng Xuân về lúc nửa đêm
Lay giọt sương khuya đọng trước thềm
Đánh thức cội Mai già hé nụ
Khẽ khàng xuân bước nhẹ êm êm

Đằm thắm Xuân về giữa kiếp mơ
Hồn ai mây nước lặng như tờ
Cũng nghe gờn gợn niềm rung cảm
Có phải Xuân lòng nở đóa thơ

Nhè nhẹ Xuân về theo gió Đông
Về trong ánh ánh mắt Mẹ mênh mông
Đốt làn hương nguyện cùng sông núi
Xuân đến Bình An khắp đại đồng

Đã thấy Xuân về trong nắng mai
Qua rồi tăm tối, những bi ai
Xuân sang tô thắm màu hoa cũ
Rạng nét môi cười giữa đổi thay

Trầm lặng Xuân về theo tiếng chuông
Hòa theo tiếng mõ quyện làn hương
Có người tỉnh giấc Xuân trần mộng
Rũ áo phong sương ... dưới Cội Nguồn

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|49|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Một ngôi nhà được che lợp cẩn thận sẽ không bị gió mưa len vào. Cũng như vậy, một người khéo giữ lòng mình, che chắn cẩn thận khỏi điều xấu ác, sẽ không bị những bất an len vào”.

Nhiều người cả đời mãi đi tìm kiếm cho mình một góc tĩnh lặng giữa cuộc sống ngày càng ồn ã hơn, tìm một mái hiên mưa, một dòng suối vắng, một cảnh chùa xưa, rồi quên mất góc tĩnh lặng thật sự cho mình giữa thế gian vô thường này chính là tâm mình khi được che chắn cẩn thận.

Người đời thường đổ cốc nước đục trong tay đi rồi chạy vạy ngược xuôi khắp cuộc đời gió bụi này tìm một cốc nước trong. Tìm cả đời không thấy.

Đâu hay. Chỉ cần để yên một lát, trong tay đã có được một cốc nước trong.

Đâu biết, ngược xuôi phiêu bạt cả một đời không bằng một phút tĩnh lặng.

Chỉ cần lòng tĩnh lặng là đã có thể lắng hết bụi bặm xuống, trả hết bất an về với gió mưa, và ngay ở tại nơi đó, trở thành một góc tĩnh lặng, một ngôi nhà nhỏ cho mình, được che lợp cẩn thận giữa cuộc đời gió mưa.

Phía sau mỗi vết sẹo lành đều có một câu chuyện nhói đau của nó, và phía sau sự tĩnh lặng bền vững của một người cũng có một câu chuyện bão giông của nó, nhưng đã lặng rồi.



Đầu xuân hành hương thập tự, có thực sự cần thiết ?

(Sưu tầm)



Câu hỏi:

Dạ thưa Thầy, con có một câu hỏi. Nếu không làm mất thời gian của Thầy, khi nào Thầy có vài phút Thầy trả lời cho con trên FB cũng được, để mọi người đều đọc và học. (Thầy đừng nêu tên con ra nha Thầy ... hihihi)

Con thấy mùng Một Tết mọi người đua nhau đi chùa, thường thì họ thích đi mười chùa, tới lễ Phật nhanh nhanh rồi phải chạy bởi vì sợ không kịp. Trong cái chạy đó, không được thanh thản, không an lạc, càu nhàu con cái vì con mang giày hơi chậm, hoặc vợ hoặc chồng dừng lại ngắm một cảnh gì đó thì lại bị réo “nhanh lên”. Như vậy thưa Thầy, tại sao mình có thói quen đó, và lợi lạc gì khi đi một chùa với đi nhiều chùa, Thầy ạ ?

Con kính cảm ơn Thầy nhiều. Chúc Thầy một ngày mới an lành.

(Một Phật từ San Jose)

Phúc đáp:

Namo Buddhaya. Chào đạo hữu !

Hành hương Thập Tự (mười chùa) là tập tục của người Việt Nam, nó mang tính văn hóa dân gian, du ngoạn mấy ngày xuân nhiều hơn là ý nghĩa về tâm linh đích thực. Thật ra, ngày đầu của một năm mà tâm thức con người đã hướng đến Tâm Linh, chùa chiền, hướng đến Trời Phật, đó là một tâm thức lành thiện, đáng khuyến khích. Tuy nhiên, đứng trên phương diện của một hành giả Phật giáo thì đó chỉ là những điều sơ cơ thôi, điều quan trọng của đi chùa là học hiểu Phật Pháp ứng dụng tu thì mới được lợi lạc.

Có người năm nào cũng đi lạy mười chùa nhưng cả năm không gặp may mắn, ngược lại còn gặp nhiều bất trắc, tai ương, thế là họ quay ngược lại báng bổ, bảo rằng Phật không linh, không gia hộ ... Đây chính là một dạng hành hương thập tự với lòng mê tín. Nếu chúng ta thật tu và thành tâm, đầu năm đi một chùa đã đủ, vì Phật chùa A, chùa B, chùa C không khác. Hãy nhớ cứu cánh của Đạo Phật là mang đến niềm An Lạc cho tâm hồn, đi mười chùa mà không An Lạc thì chỉ là một dạng theo phong trào cho vui thôi, có khi đi đứng cập rập không vui lại sinh thêm phiền não.

Và nên nhớ “Quality better than Quantity” - Phẩm quí hơn Lượng.

Chúc đạo hữu năm mới thường An Lạc nhé !

Tự nhắc nhở bản thân với bảy điều Phật dạy

(Sưu tầm)



Để không phải bận tâm về cuộc sống, bạn cần phải học cách để có được nhiều giây phút an lạc nội tâm trong đời sống hằng ngày. Từ đó, bạn mới có thể nhận diện được những giây phút này mỗi khi gặp khó khăn rắc rối – đây là lúc cần thiết nhất cho sự vắng lặng và thanh bình của nội tâm.

Hãy ghi nhớ bảy điều Phật dạy không đáng để bạn phải hy sinh trong đời để cuộc sống được an bình.

Đừng chìm đắm mãi trong quá khứ

Phật chỉ ra điều không đáng làm trong đời người, trong đó có việc chìm đắm mãi với quá khứ. Quá khứ là thứ đã qua đi, không lấy lại được. Tương lai là những gì sắp diễn ra, không nắm bắt được. Hiện tại mới là cuộc đời, là lẽ sống của mỗi người. Vì thế, đừng mãi đắm chìm trong quá khứ để rồi khi thực sự thức tỉnh đã thấy mình già nua, lạc hậu, khó lòng bắt đầu cuộc đời mới.

Đừng cố gắng trở thành người khác

Ai cũng từng một lần trong đời ngưỡng mộ người khác và mong muốn bản thân mình trở thành người ấy. Đó thực sự là một sai lầm không đáng có. Một người xinh đẹp, thông minh, thành đạt, ưu tú ... hơn mình, nhưng có một sự thật là họ không phải mình và mình chẳng bao giờ là họ. Thay vì cố gắng để trở thành người khác, hãy là chính bản thân mình, cố gắng hết sức để trở thành người tốt, lương thiện, bao dung nhân loại. Và khi ấy, chính bạn cũng trở thành người đáng ngưỡng mộ trong mắt mọi người xung quanh.

Đừng trốn tránh trách nhiệm

Để làm được điều này quả thực không dễ dàng bởi thật khó để giữ tâm bình thản khi đối diện với khó khăn. Nhưng bình tĩnh đối diện mới là chìa khóa giải quyết mọi khó khăn, còn trốn tránh trách nhiệm thì chỉ lãng phí thêm thời gian cũng như sự lo lắng của bản thân mà thôi.

Đừng đáp ứng mọi nhu cầu bản thân

Phật chỉ ra rằng, dục vọng con người như chiếc thùng không đáy, gần như là vô hạn. Bởi thế, trong đời này, nhu cầu bản thân, những điều chúng ta mong muốn là vô cùng nhiều, khó mà kể hết. Tuy nhiên, có những thứ thực sự khiến ta thỏa mãn và hạnh phúc đôi khi rất ít và đơn giản, đó có thể là nụ cười, là sự cho đi, là tình yêu thương ...

Hãy tu tâm dưỡng tính, biết được nhu cầu nào là cần thiết và điều gì cần buông bỏ. Mải mê chạy theo để đáp ứng mọi nhu cầu bản thân là điều không đáng để làm trong đời này.

Đừng lãng phí thời gian vào nhầm người

Cuộc đời ngắn ngủi, sinh tử liền kề, nên đừng đem những ngày tháng quý giá ấy để lãng phí nhầm người. Đôi khi chúng ta chìm đắm trong đau khổ mà quên mất cách buông bỏ, đẩy lùi phiền não. Bạn bè tốt là cả khi giàu sang hay cơ hàn đều nghĩ tới nhau. Chứ người mà khi phú quý huy hoàng mới đến kết giao thì chưa chắc đã là bạn chân chính.

Đừng tự lừa dối bản thân

Huyễn hoặc hay lừa dối bản thân cũng là một. Mình không tài giỏi nhưng cứ tự lừa dối rằng mình giỏi giang hơn người, mình đang đau khổ nhưng lại cứ huyễn hoặc bản thân trong thứ hạnh phúc mông lung, khó nắm bắt. Tự lừa dối bản thân là điều không đáng làm trên đời này. Bởi khi ấy, bạn sẽ chẳng nhận ra khả năng và vị trí của mình ở đâu, không có hướng đi rõ ràng, luôn quẩn quanh trong những suy nghĩ tiêu cực. Vậy nên, nếu muốn gặp được cơ hội tốt, muốn được thành công và hạnh phúc, hãy bắt đầu từ việc chân thành đối đãi với chính mình. Có yêu bản thân thì mới yêu được mọi người xung quanh cũng chính vì lẽ đó.

Đừng sợ phạm sai lầm

Có người làm mọi việc bất chấp sai lầm, nhưng cũng có người không dám làm việc gì vì sợ phạm sai lầm. Thử hỏi trong đời, có mấy người là không từng trải qua sai lầm để gặt hái thành công. Đôi khi, điều khiến bản thân mỗi người hối hận, day dứt mãi không phải là làm một việc sai lầm mà là không dám làm nó. Trách móc bản thân vì phạm sai lầm, cũng là điều tốt để phản tỉnh, đánh thức cái thiện lương trong tâm hồn, giúp bản thân trưởng thành hơn.

Mỗi sai lầm hôm nay sẽ là bài học kinh nghiệm cho tương lai, giúp bạn hoàn thiện chính mình. Vì thế, thay vì trách cứ bản thân, chi bằng hãy tìm cách sửa đổi nó, biến nó thành động lực để giúp mình bay cao bay xa hơn nữa trong cuộc đời.

Nụ hàm tiếu

(Dã Hạc)

Cái lạnh rét buốt, se sắt như nỗi buồn ray rứt, ấm ức trong tâm của mùa đông rồi cũng đã đi qua, cuốn theo những nhọc nhằn, lo toan, bộn bề năm cũ. Một mùa xuân nữa lại trở về. Ấm áp. Thơm nồng. Muôn loài thảo mộc đang chuyển mình, đâm chồi, nảy lộc, cùng với nhân loại hân hoan đón mừng mùa xuân mới với tất cả niềm tin và hy vọng.

Còn niềm tin yêu và hy vọng là còn xuân, hay chăng niềm tin yêu và hy vọng chính là chất liệu làm nên mùa xuân ? Thật vậy, dẫu đất trời có đẹp bao nhiêu, thiên nhiên phong cảnh hữu tình thế nào, và sắc xuân xinh tươi đến mấy, mà lòng buồn thì cảnh có vui đâu bao giờ. Cho nên, trong nhà thiền, đi để gặp mùa xuân, hay ý niệm đi tìm mùa xuân như là động lực thúc đẩy thiền giả trở về tìm lại cái gì đó vốn rất chân, rất thiện, rất mỹ bên trong, tìm lại cái tâm xuân nguyên sơ thanh tịnh của mình. Bởi lẽ:

Nguyên xuân tinh khiết đất trời
Sơ tâm thanh tịnh như lời vô ngôn (1)

Lời vô ngôn là thứ “biệt lập văn tự” mà Đức Thế Tôn đã trao truyền cho Tôn giả Ma-ha Ca-diếp. Hôm nọ, trên non Linh Thứu, trước mặt đông đảo đại chúng, Đức Thế Tôn không tuyên thuyết pháp thoại như mọi ngày, mà lặng lẽ đưa lên một cành hoa, có thể là cành hoa sen đầu hạ, cũng có thể là nhành hoa xuân tươi thắm. Đại chúng ngơ ngác chẳng ai hiểu gì, duy chỉ có Đại Trưởng lão Ca-diếp (Mahākāśyapa) phá nhan mỉm cười. Đức Phật liền tuyên bố với các thầy Tỳ-kheo: “ta có chính pháp vô thượng nay đem trao cho Ma-ha Ca-diếp, Ca-diếp là chỗ nương tựa lớn cho các thầy Tỳ-kheo, cũng như Như Lai là chỗ nương tựa cho tất cả chúng sanh” (2) . Từ câu nói này, chư vị thiền sư tiền bối đã diễn đạt thành: “ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, truyền ngoài giáo pháp, nay trao cho Ca-diếp” (3) .

Ca-diếp có được trao cho cái gì hay không cũng không quan trọng. Chỉ biết rằng Ca-diếp ngắm hoa, dù chỉ một cành, thậm chí một đóa, một nụ hoa bé tí thôi, rồi tủm tỉm cười, cũng đủ tư cách làm nơi nương tựa cho chúng ta rồi. Hoa, vốn đẹp. Thử hỏi với cái đẹp mà không biết thưởng thức, và còn không biết cười nữa chứ, thì sao có thể làm nơi nương tựa cho chúng sanh được. Nhưng mà, cành hoa và nụ hàm tiếu ấy nói gì vậy ? Đất trời dù chẳng nói năng chi mà vui buồn thấy rõ qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, thì cành hoa và nụ hàm tiếu đâu hẳn như lời vô ngôn.

Đức Phật đã mở bày nhiều pháp hội, diễn thuyết vô lượng pháp môn, khiến cho trời - người đều được lợi lạc. Dù vậy, giải thoát Niết-bàn là trạng thái tự chứng tự nội, tự thực hành thể nghiệm hay tự chứng cảnh giới và hằng sống với cảnh giới ấy bằng nhận thức trực tiếp về chân lý mà không thể chia sẻ cho người khác bằng ngôn ngữ lý luận. Trạng thái giác ngộ vượt ra ngoài nhận thức phân biệt của con người, điều đó làm sao diễn tả bằng lời. Sự thật thì trong giáo lý giác ngộ giải thoát của Đức Thế Tôn cũng có một sự hiểu biết có thể với tới được bằng cách tư duy, học hỏi giáo lý, diễn đạt bằng ngôn ngữ; nhưng cũng có một sự hiểu biết vượt trên lý luận, tư duy và không thể diễn đạt bằng lời.

Thế nhưng, nếu không diễn đạt bằng ngôn ngữ, không nói năng gì cả, thì làm sao để hiểu được ? Phải mượn hình ảnh để ví dụ, để diễn đạt những điều không thể diễn đạt bằng lời. ‘Niêm hoa’ là cách khai mở kho tàng tuệ giác vượt lên trên lý luận, tư duy, phân biệt bằng lời đó. Mọi tư duy phân biệt một khi đã bị cắt đứt thì tuệ giác vắng lặng uyên nguyên bình đẳng trong tâm thức của mỗi chúng sanh vốn vượt ngoài giới hạn của mọi hình thức tư duy khái niệm sẽ được khai mở.

Do đó, khi Đức Phật đưa cành hoa lên (niêm hoa) và Ngài Ca-diếp mỉm cười (vi tiếu) là biểu thị cho pháp môn lấy tâm truyền tâm, một pháp môn siêu ngôn ngữ, siêu văn tự. Trong pháp môn này chỉ có sự giao cảm, sự rung động giữa hai tâm thức Thầy và Trò, và hai tâm thức này đã đồng nhất. Đó là cái tâm vi diệu Niết-bàn.

Niết-bàn là thế giới bản môn. Thế giới bản môn vốn cực kỳ thanh tịnh, đất trời vô cùng tinh khiết và không khí tràn ngập hương màu nguyên xuân. Một mùa xuân tinh khôi, tinh khiết, không đến, không đi và được cảm nhận bằng trí vô phân biệt. Chỉ có trí tuệ thanh tịnh mới cảm nhận được bản nguyên thanh tịnh của thế giới. Và đó là mục đích cứu cánh của sự tu học.

_________________

(1) Chưa rõ tác giả.

(2) Kinh Niết-bàn, Bắc bản, Đàm-vô-sấm dịch, ĐTK/ĐCTT, T.12, N° 0379, p. 0377c22. Thực ra, đoạn kinh ấy được nói ra khi các Tỳ-kheo hỏi Phật tại sao không trụ lại ở đời làm chỗ nương tựa cho chúng sanh tu tập mà vào Niết-bàn. Phật vào Niết-bàn rồi các Tỳ-kheo biết nương tựa vào đâu. Phật bảo các Tỳ-kheo đừng nói như vậy, vì đã có Ca-diếp là chỗ nương tựa cho mọi người.

(3) Trong các kinh không có câu này. Nó được thấy trong Liên đăng hội nguyên, tục tạng chữ Vạn, X.80, N° 1565, p.0028b23.


Cửa thiền chúc Xuân

(Thích Tánh Tuệ)

“Ngày xuân gặp bạn lên chùa
Chúc nhau gì nhỉ, cho vừa lòng nhau !”
Tay sen kết nụ xuân đầu
Dâng hương trước Phật, nguyện cầu muôn sinh

Chúc cho em vững niềm tin
Để xua thất vọng nếu ... nhìn xung quanh
Chúc cho anh đủ nhiệt thành
Tàn đông, Mai vẫn đầy cành xuân sang

Chúc cho trăm họ bình an
“Đá mềm chân cứng” lúc gian nan đời
Chúc cho chị đẹp nụ cười
Dù người thi thoảng những lời buồn tênh

Chúc cho nhau biết bỏ, quên
Tính toan, hiềm hận ... lòng bền với nhau
Chúc mình biết “sống trước, sau”
Nhẹ nhàng vật chất, vẹn câu nghĩa tình

Chúc ta biết đến hy sinh
Cái tôi biến, hiện qua hình trái tim
Chúc cho nhau ít muộn phiền
Hiểu và trân quí Bình Yên mới là

Chúc cho Đời, Đạo thăng hoa
Giữa vô thường vẫn hoan ca ngọt ngào
Chúc người trong cõi chiêm bao
Lắng nhìn Tỉnh Thức nhiệm mầu đơm hoa

Xuân này hơn hẳn xuân qua
Mấy lời tâm chúc ... thay quà tân niên
Hoa Yêu Thương nở trước thềm
Mơ xuân Hạnh Phúc khắp miền nhân gian



Thay lời chúc Xuân

(Thích Tánh Tuệ)



Xuân gửi tặng nhau một chữ THƯƠNG
Để sau bù đắp cuộc vô thường
Ân cần, trân quý khi còn gặp
Biết vẫn còn chung một đoạn đường

Xuân, chúc người thương một chữ HÒA
Đời không thuận ý hãy cho qua
Phiền giận, riêng mình ôm mối khổ
Thanh thản khi lòng niệm thứ tha

Xuân, chúc mọi người nhớ chữ TÂM
Để cùng sống đẹp đến trăm năm
Thiên đàng, địa ngục ... từ tâm tạo
Hỷ - Xả - Từ - Bi ... xóa lỗi lầm

Xuân, chúc mọi người một chữ AN
Giữa đời luôn biến động, gian nan
Bình an khó gặp nơi trần cảnh
Tìm lại trong ta, sống nhẹ nhàng

Xuân, chúc mọi nhà một chữ VUI
Đời trăm yến tiệc cũng trôi xuôi
Vui trong đạo lý, nơi điều thiện
Vĩnh viễn hồn ta thắp nụ cười ...

Xuân, chúc cho nhau một chữ THÀNH
Thành công, thành tựu với thành nhân
Hướng về phụng sự vun Tài Đức
Hạnh phúc miên trường ... Xuân mãi Xuân

Mai và Xuân

- Namo Buddhaya

Trước Tết Mai là hoa
Sau tết Mai là củi
Trước bao nhiêu nâng niu
Sau bấy nhiêu hất hủi

Nâng niu Mai chẳng mừng
Hất hủi Mai không tủi
Nghìn trước ngẫm nghìn sau
Khe trong lồng bóng núi
(Quách Tấn)

Đó đâu chỉ là cách xử sự với hoa, đó còn là cách xử sự đối với người, đối với đời. Đáng trách lắm thay !

Mùa xuân đang đến, hoa Mai đang đua thắm trên cành, lòng lại dâng lên niềm cảm xúc khó tả …

Là Phật tử thì luôn nhớ tưởng đến bốn ân cao vời, mà thiên nhiên cây cảnh .. cũng là “ân nhân” của chúng ta. Thiết nghĩ, cái đẹp trang điểm cho tâm hồn nhân mùa xuân đến là cách sống có trước sau, là sự nhớ ơn vạn vật hữu tình, vô tình và đất trời vô lượng.

Trong đạo Phật không có ngày giờ tốt xấu

(Sưu tầm)



Năm mới cận kề, nhiều người luôn quan tâm đến chuyện xuất hành đầu năm, xem ngày tốt ngày xấu, hướng tốt hướng xấu để xuất hành, cầu mong gặp được nhiều may mắn trong năm mới …

Tuy nhiên, theo quan niệm của Phật giáo thì hướng Thiện trong tâm mới luôn là hướng tốt nhất trong mọi lẽ, chứ không phải là hướng Đông Tây Nam Bắc phía bên ngoài như chúng ta thường hiểu.

Quan niệm xuất hành đầu năm, xuất phát từ Khổng Giáo của Trung Quốc xưa. Điều đó đã ăn sâu vào tín ngưỡng của người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Nó trở thành tập tục thói quen của nhiều người, nhiều thế hệ, mà quên đi sự suy niệm về tính đúng sai, hợp lý, bất hợp lý, nên nhiều người tin theo một cách mù quáng.

Đạo Phật, không có quan niệm ngày tốt, giờ tốt, hay hướng tốt, mà Đức Phật dạy ngày nào giờ nào chúng ta làm việc tốt, tâm hồn không sân hận, si mê, thì đó chính là ngày giờ tốt.

Có một vị Bà-la-môn hỏi Đức Phật:

- Thưa tôn giả GauTaMa, trong giáo pháp của Ngài có ngày tốt ngày xấu hay không ?

Đức Phật trả lời:

- Này Bà-la-môn, trong giáo pháp của Như Lai có ngày tốt và ngày xấu. Ngày nào làm việc thiện, với thân, khẩu, ý (hành động, lời nói, suy nghĩ) trong sạch, đó chính là ngày tốt. Ngày nào làm việc xấu với tâm bất thiện, đó chính là ngày xấu. Nếu nói chi tiết hơn thì giây phút nào làm việc thiện thì đó là giây phút tốt, giây phút nào làm việc ác thì giây phút đó là giây phút xấu ...

Những ngày Tết, nhiều vùng quê thường tụ tập rượu chè, nhiều thanh niên đua xe, cờ bạc, đó là những việc bất thiện. Thay vì năm mới uống rượu liên miên say khướt hay cờ bạc sát phạt nhau thì chúng ta nên sum họp gia đình, trò chuyện với Bố Mẹ, đi lễ chùa đầu năm để nguyện cầu những điều tốt lành.

Việt Nam ta có câu “mồng Một Tết Cha, mồng Hai Tết Mẹ, mồng Ba Tết Thầy…” - thay vì lãng phí thời giờ với những việc làm bất thiện thì chúng ta nên làm những việc có ý nghĩa hơn đối với gia đình, góp thêm sự bình yên cho xã hội.

TÂM THIỆN LÀ HƯỚNG THIỆN

Đạo Phật dạy con người hướng thiện, sống đạo đức trí tuệ, thay vì xem hướng xuất hành đầu năm, thuê người xông đất, bản thân mỗi người có những ý nghĩ thiện lành, biết quan tâm và chia sẻ với người khác, làm những công việc tốt cho mình và lợi cho người khác, bớt đi những giận hờn, giữ tâm thanh thản mới là “hướng tốt” cho một năm mới an vui ...

Thõng tay buông những lụy phiền
Chậm sâu hơi thở trên triền trầm luân
Lắng lòng trong giọt tham sân
Là khi thiền vị đã gần nơi tâm
(Thơ Thích Tánh Tuệ)

Nụ cười “kiêng” Tất Niên

- Thơ VUI NGÀY TẾT



I.
Tết đến nhà kia đủ thứ kiêng
Sắm chi cũng sợ gánh ưu phiền
Mua CHUỐI, sợ làm ăn khó “ngóc”
Mua LÊ, sợ mách lẻo xóm giềng
Mua BOM, sợ suốt năm toàn “nổ”
Mua XOÀI, sợ thiếu thốn triền miên
Mua CAM, sợ âm thầm chịu đựng
Mua TÁO, sợ rồi … bón cả niên
Ô hô, đã vậy đừng sắm sửa
Trụi lủi trụi lơ, khỏi tốn tiền

II.
Năm nay bàn cúng Tết trống không
Chỉ cần ... dĩa MỨT với bình BÔNG
DƯA thì em sợ ... dây dưa mãi
Bánh TÉT, ôi chà ... rách cả năm !
Xin XĂM chắc phải nên kiêng cữ
Vì ngại năm mới bị ... xâm xoàng
SẦU RIÊNG lại càng không dám rớ
MĂNG CỤT kẹt lối chẳng hanh thông
Cũng cần kiêng cữ trái THANH LONG
Bởi lo vận số sẽ long ... đong
Trái TẮC lại càng nên kiêng đấy
Bế tắc mọi điều xui cả năm
Bánh ÍT không được ăn ngày Tết
Tiền chẳng vào lưng lấy một đồng

Xuân đến Xuân đi, ba ngày Tết
Đỡ lo bánh trái, mừng ra phết
Thôi thì em chưng HOA với QUẢ
CẦU, DỪA, ĐỦ, XOÀI ... hỏi được không ?

Ngồi lại với mùa xuân

(Trích: “Tùy bút Như Nhiên”|Thích Tánh Tuệ)

… Có khi mùa xuân cũng giống như tình yêu và hôn nhân của kiếp người vậy, khi chưa cưới thì đối tượng đẹp một cách lạ lùng và con người ta trông chờ đến ngày cưới với hy vọng sau đó cuộc đời càng thêm hạnh phúc, thế nhưng phần nhiều sau ngày cưới thì … mọi người biết hết cả rồi !

Với tôi, thời điểm này cho tới đêm 30 mới thực sự gọi là Tết. Sự chuẩn bị, cái trông chờ Tết nó thi vị hơn Tết nhiều, sau buổi chiều mùng 1 thì Tết đã dần phai, nhưng thế nhân không muốn đối diện điều đó, người ta muốn tết kéo dài nên có câu: “tháng Giêng là tháng ăn chơi” để cảm giác rằng xuân còn tươi mãi.

Ở đây là xứ Cà Ri - “nếu Mai không nở thì ... Sư đâu biết xuân về hay chưa” - có lẽ mùa Xuân thực sự của tôi nơi đây là ngồi lại lắng nghe nhịp đập của tim mình, lòng không mơ mộng về một ngày mai xa xôi, không hoài niệm và vướng bận về dĩ vãng ... để chỉ nghe lượng đất trời đang hé mở, chan hòa ... và tuệ tri một điều rằng không phải Tết về thì mình mới thực sự có mùa xuân. “Xuân trong ta” là mùa xuân bất diệt, một mùa xuân đích thực mà bất cứ ai cũng có, chỉ cần lắng tâm nhìn lại, chẳng phải nhọc công tìm.