(Dã Hạc)
Còn niềm tin yêu và hy vọng là còn xuân, hay chăng niềm tin yêu và hy vọng chính là chất liệu làm nên mùa xuân ? Thật vậy, dẫu đất trời có đẹp bao nhiêu, thiên nhiên phong cảnh hữu tình thế nào, và sắc xuân xinh tươi đến mấy, mà lòng buồn thì cảnh có vui đâu bao giờ. Cho nên, trong nhà thiền, đi để gặp mùa xuân, hay ý niệm đi tìm mùa xuân như là động lực thúc đẩy thiền giả trở về tìm lại cái gì đó vốn rất chân, rất thiện, rất mỹ bên trong, tìm lại cái tâm xuân nguyên sơ thanh tịnh của mình. Bởi lẽ:
Nguyên xuân tinh khiết đất trời
Sơ tâm thanh tịnh như lời vô ngôn (1)
Lời vô ngôn là thứ “biệt lập văn tự” mà Đức Thế Tôn đã trao truyền cho Tôn giả Ma-ha Ca-diếp. Hôm nọ, trên non Linh Thứu, trước mặt đông đảo đại chúng, Đức Thế Tôn không tuyên thuyết pháp thoại như mọi ngày, mà lặng lẽ đưa lên một cành hoa, có thể là cành hoa sen đầu hạ, cũng có thể là nhành hoa xuân tươi thắm. Đại chúng ngơ ngác chẳng ai hiểu gì, duy chỉ có Đại Trưởng lão Ca-diếp (Mahākāśyapa) phá nhan mỉm cười. Đức Phật liền tuyên bố với các thầy Tỳ-kheo: “ta có chính pháp vô thượng nay đem trao cho Ma-ha Ca-diếp, Ca-diếp là chỗ nương tựa lớn cho các thầy Tỳ-kheo, cũng như Như Lai là chỗ nương tựa cho tất cả chúng sanh” (2) . Từ câu nói này, chư vị thiền sư tiền bối đã diễn đạt thành: “ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, truyền ngoài giáo pháp, nay trao cho Ca-diếp” (3) .
Ca-diếp có được trao cho cái gì hay không cũng không quan trọng. Chỉ biết rằng Ca-diếp ngắm hoa, dù chỉ một cành, thậm chí một đóa, một nụ hoa bé tí thôi, rồi tủm tỉm cười, cũng đủ tư cách làm nơi nương tựa cho chúng ta rồi. Hoa, vốn đẹp. Thử hỏi với cái đẹp mà không biết thưởng thức, và còn không biết cười nữa chứ, thì sao có thể làm nơi nương tựa cho chúng sanh được. Nhưng mà, cành hoa và nụ hàm tiếu ấy nói gì vậy ? Đất trời dù chẳng nói năng chi mà vui buồn thấy rõ qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, thì cành hoa và nụ hàm tiếu đâu hẳn như lời vô ngôn.
Đức Phật đã mở bày nhiều pháp hội, diễn thuyết vô lượng pháp môn, khiến cho trời - người đều được lợi lạc. Dù vậy, giải thoát Niết-bàn là trạng thái tự chứng tự nội, tự thực hành thể nghiệm hay tự chứng cảnh giới và hằng sống với cảnh giới ấy bằng nhận thức trực tiếp về chân lý mà không thể chia sẻ cho người khác bằng ngôn ngữ lý luận. Trạng thái giác ngộ vượt ra ngoài nhận thức phân biệt của con người, điều đó làm sao diễn tả bằng lời. Sự thật thì trong giáo lý giác ngộ giải thoát của Đức Thế Tôn cũng có một sự hiểu biết có thể với tới được bằng cách tư duy, học hỏi giáo lý, diễn đạt bằng ngôn ngữ; nhưng cũng có một sự hiểu biết vượt trên lý luận, tư duy và không thể diễn đạt bằng lời.
Thế nhưng, nếu không diễn đạt bằng ngôn ngữ, không nói năng gì cả, thì làm sao để hiểu được ? Phải mượn hình ảnh để ví dụ, để diễn đạt những điều không thể diễn đạt bằng lời. ‘Niêm hoa’ là cách khai mở kho tàng tuệ giác vượt lên trên lý luận, tư duy, phân biệt bằng lời đó. Mọi tư duy phân biệt một khi đã bị cắt đứt thì tuệ giác vắng lặng uyên nguyên bình đẳng trong tâm thức của mỗi chúng sanh vốn vượt ngoài giới hạn của mọi hình thức tư duy khái niệm sẽ được khai mở.
Do đó, khi Đức Phật đưa cành hoa lên (niêm hoa) và Ngài Ca-diếp mỉm cười (vi tiếu) là biểu thị cho pháp môn lấy tâm truyền tâm, một pháp môn siêu ngôn ngữ, siêu văn tự. Trong pháp môn này chỉ có sự giao cảm, sự rung động giữa hai tâm thức Thầy và Trò, và hai tâm thức này đã đồng nhất. Đó là cái tâm vi diệu Niết-bàn.
Niết-bàn là thế giới bản môn. Thế giới bản môn vốn cực kỳ thanh tịnh, đất trời vô cùng tinh khiết và không khí tràn ngập hương màu nguyên xuân. Một mùa xuân tinh khôi, tinh khiết, không đến, không đi và được cảm nhận bằng trí vô phân biệt. Chỉ có trí tuệ thanh tịnh mới cảm nhận được bản nguyên thanh tịnh của thế giới. Và đó là mục đích cứu cánh của sự tu học.
_________________
(1) Chưa rõ tác giả.
(2) Kinh Niết-bàn, Bắc bản, Đàm-vô-sấm dịch, ĐTK/ĐCTT, T.12, N° 0379, p. 0377c22. Thực ra, đoạn kinh ấy được nói ra khi các Tỳ-kheo hỏi Phật tại sao không trụ lại ở đời làm chỗ nương tựa cho chúng sanh tu tập mà vào Niết-bàn. Phật vào Niết-bàn rồi các Tỳ-kheo biết nương tựa vào đâu. Phật bảo các Tỳ-kheo đừng nói như vậy, vì đã có Ca-diếp là chỗ nương tựa cho mọi người.
(3) Trong các kinh không có câu này. Nó được thấy trong Liên đăng hội nguyên, tục tạng chữ Vạn, X.80, N° 1565, p.0028b23.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét