- Nguyễn Đông Nhật
Ở phía Nam thành phố Phan Thiết khoảng 60km, cách trung tâm thị xã La Gi khoảng bảy cây số, nằm bên dòng suối Đó, là chùa Đây. Địa danh Suối Đó không biết có tự đời nào nhưng chùa Đây là cái tên do vị tu sĩ Tấn Tuệ gọi, khi sư đến đây vào năm 1990, dựng một cái chòi tạm bợ làm nơi tu học. Chẳng biết “hàm ý” của cái danh xưng đó-đây ấy có phải là một khái niệm trong tư tưởng Phật giáo hay không ?
Chùa nằm ở vùng ngoại vi, xa khu vực đô thị, dọc theo dòng suối, cảnh quan đơn sơ của một chốn … ít tiền, không có gì đặc sắc. Chỉ trong sân chùa, có vài chục tấm bia, trên đó có những dòng thơ, bài thơ. Là của bằng hữu và khách xa cảm khái viết nên, khi ghé thăm chùa.
Cũng không lạ, bởi vì tu sĩ trụ trì vốn là người làm thơ, có thơ in trên nhiều tờ báo Phật giáo và có nhiều kết giao trong giới làm thơ, cả những “tên tuổi” như Bùi Giáng, Ngân Giang nữ sĩ, Tế Hanh, Huy Cận, Nguyễn Bắc Sơn …
Thơ dường như là một mối … hiểm nguy cho người tu, bởi đối với nhà thiền, sự vọng tưởng là trở ngại lớn trong quá trình nỗ lực đoạn tận vô minh-ái thủ. Hơn ai hết, thầy Tấn Tuệ - Đinh Hồi Tưởng hiểu rõ điều ấy. (Cái bút danh Đinh Hồi Tưởng, nói lái là … Đương Hồi Tỉnh, một phần nào cũng đã “minh thị” cho sự trung thực của chính thầy trong quá trình tu tập. Bởi, ai cũng là phàm phu cả, khác chăng là ở chỗ có tự nhận biết chính mình hay không ?)
Sư bày tỏ: “Làm thế nào để biến cái Có thành ra cái Không, đó chẳng phải là sự nói chơi mà là con đường vô cùng gian khó, phải vượt qua vô vàn cản ngại của tâm thức. Không biết có đủ phước đủ duyên không ? Và như thế, thơ vừa không có gì quan trọng nhưng cũng vừa không thể xem nhẹ …”
Trở lại chùa Thơ lần này, thấy nơi đây vẫn là một chốn lan nhã … ít tiền. Ngôi chánh điện nhỏ, diện tích 9x12m khởi công đã ba năm rồi mà vẫn chỉ mới xong phần móng và trụ. Nhưng bốn con rồng đá được đúc-chạm theo phong cách điêu khắccủa bốn triều đại Đinh-Lê-Lý-Trần đang chuẩn bị để gắn trên mấy bậc tam cấp, do một gia đình Phật tử ở Ninh Bình vừa hiến cúng, dường như là biểu trưng cho lòng trân trọng đối với văn hóa dân tộc của vị Thượng tọa trụ trì.
Việc xây dựng ngôi chánh điện nhỏ bé ấy dù chưa xong, nhưng tâm nguyện của thầy là mai-kia-mốt-nọ sẽ xây một cái tháp thơ. Cũng nhỏ thôi, nhưng sẽ là nơi an nghỉ-tưởng nhớ cho những nhà thơ nào có mong muốn được nằm xuống bên dòng suối ấy, trong ngôi chùa này. Cái ý tưởng khá độc đáo nọ, đến nay vẫn đang còn là … một “tưởng ý”, vì chưa gặp được người phát tâm cúng dường.
Bên chén trà buổi sớm, Sư trầm ngâm: “Nhiều khi, nói Phật sự nhưng cũng chỉ là thế sự thôi !” - Nghe vậy, tôi mừng. Vì Sư đã tiến đến chỗ nhận ra được mình và người. Khi kể lại chuyện ấy cho một vị tu sĩ bằng hữu khác, thầy lại cười-bổ-sung: “Nói thế sự, là còn … lịch sự đó. Có khi, không phải Phật sự mà là … ma sự”.
Với tư cách là một Phật tử, tôi lại mừng hơn nữa. Vì mạng mạch vững bền-sâu xa của Phật giáo dân tộc Việt Nam chính là nằm ở chỗ này: Đội ngũ trí thức trong hàng ngũ tăng sĩ và sự chuyển hóa tư tưởng của Đức Phật vào trong những cái bình thường nhất của cuộc sống hằng ngày …
Trên một tấm bia thơ, chợt thấm thía tấm lòng chân thành sâu xa của nhà văn Trần Duy Lý:
Con của Mẹ giờ tóc nhiều sợi bạc
Đã vượt qua bao sóng gió thăng trầm
Mẹ, Mẹ ơi “Con vua cũng thua con Phật”
Câu nói người xưa giờ con thấy thật rồi
Câu nói người xưa giản dị ít lời
Mà mãi đến cuối đời con mới hiểu …
Còn ở một tấm bia khác, là sự miêu tả cái ước mong của chốn lan nhã này:
Như mãi mùa xanh trí nhớ
Bên thời gian lặng Chùa Đây
Như niềm không dưng Suối Đó
Sau bao bờ bãi vô cùng …
Riêng đối với “chủ nhân” Chùa Đây - Suối Đó, thì tất cả chỉ gói lại trong một … câu hát, như cây kim chỉ nam trên con đường:
Gỡ phương trời ấn vào tâm
Bừng soi mặt đất ướp vầng trăng thu
Không bằng hữu. Chẳng kẻ thù
Chùa Đây - Suối Đó nằm ru hát thiền …
Rời chùa Thơ một ngày cuối năm nhẹ. Lấp loáng trên ánh nước dòng suối xuôi về phương Đông, dường như từ những bào ảnh của cuộc phù thế thấp thoáng hiện ra những câu hỏi, không ngừng đặt ra cho con người. Thơ và Đạo, Cảnh và Tâm, Ý và Tình … Những “đối đãi” đó, phải làm ra sao và đến khi nào để trở thành cái sự thực Không-Hai-Khác ? Đó không phải là chuyện mà một kẻ phàm phu như người viết bài này dám lạm bàn.
Nhưng Chùa Thơ thì có thể là nét dịu dàng cho những khách du muốn tìm đến một nơi mộc mạc …
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét