V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Tâm vô thường nên tình cảm cũng vô thường

(Thích Tánh Tuệ)

- Kỳ vọng càng cao, đớn đau càng nhiều.

- Tim người cũng như lá sẽ đổi màu theo thời gian. Ngẫm kỹ, con người ta tìm nhau trong cuôc đời chỉ là để lấp vá nỗi cô đơn trong chính mình, chứ thực sự không ai là ai của ai hết, hà tất phải coi người khác như hơi thở, thiếu họ thì điêu đứng, chênh vênh.

- Vì Tâm Vô Thường, người nào cho ta hạnh phúc càng nhiều cũng có thể cho ta khổ đau tương xứng.

- Người mang một trái tim quá nhạy cảm hay quá vô cảm là người ôm giữ một thứ tài sản bất hạnh trong cõi sống vô thường này.

- Lúc còn là một đứa trẻ, chỉ một chút thương tổn thôi là bản thân cũng thấy không chịu đựng nổi. Sau này mới biết, phải chịu đựng thương tổn mới có thể trưởng thành.

- Đừng cầu cho đời không phiền não, hãy luyện cho ta luôn có khả năng biến tất cả phiền não hóa bồ đề.

Lăn tăn chi mãi chuyện đời
Bỏ ra vài phút ngồi chơi với mình
Tâm an, trời đất rông thênh
Dính đâu, khổ đó - Lặng nhìn, như nhiên
Đừng tìm hạnh phúc Đông, Tây
Đường về hạnh phúc nằm ngay tâm mình ...



Times, Heart, Behavior

(Anonymous)

TIMES decides who you meet in life.

Your HEART decides who you want in your life.

And your BEHAVIOR decides who stays in your life.

 • Thời gian quyết định bạn sẽ gặp ai trong đời.

 • Trái tim quyết định bạn muốn gặp ai trong đời mình.

 • Và thái độ(hành vi, cư xử)của bạn quyết định ai sẽ ở lại trong đời mình.


Vén rèm cửa

- Trích “Phép Tắc Người Con”,Bài 16
- Theo Zhengjian,Kiến Thiện biên dịch



Vén rèm cửa, chớ ra tiếng
Rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc
Cầm vật rỗng, như vật đầy
Vào phòng trống, như có người
Chớ làm vội, vội sai nhiều
Không sợ khó, chớ qua loa
Nơi ồn ào, không đến gần
Việc tà tịch, quyết chớ hỏi

Diễn giải

Khi vén cuốn rèm cửa lên cần phải chậm rãi, không được để phát ra tiếng động. Khi rẽ quẹo thì khoảng cách cần phải lớn một chút, không được va chạm vào những chỗ có góc cạnh. Khi tay cầm đồ vật tuy trống rỗng không chứa gì thì cũng phải cẩn thận như cầm đồ vật đựng đầy đồ. Vào phòng trống không có người cũng phải giống như phòng có người. Làm việc không được vội vàng hấp tấp, vội vàng quá thì khả năng xảy ra sai lầm sẽ nhiều. Không được sợ khó khăn, cũng không được coi nhẹ qua loa không để ý. Những nơi dễ xảy ra những chuyện đánh cãi nhau ồn ào thì tuyệt đối không được đến gần. Những tư tưởng và hành vi không chính đáng hoặc tà vạy cũng tuyệt đối không được nghe ngóng hỏi han.

Câu chuyện tham khảo: CHÀNG TRAI HỌ LIỄU CHÌM ĐẮM MÚA CA NỮ SẮC TIÊU TÁN HẾT GIA SẢN

Thời nhà Thanh, ở tỉnh An Huy có hai phú ông họ Ân và họ Liễu, họ kết giao với nhau rất thân tình. Phú ông Liễu khi bị bệnh nguy kịch bèn đem con trai độc nhất vẫn còn ngây thơ phó thác cho phú ông Ân, xin ông chăm sóc giúp.

Sau khi đứa con côi cút của phú ông Liễu trưởng thành, anh ta giao du với một đám vô lại, cả ngày cờ bạc nhậu nhẹt, buông thả hưởng lạc chốn trăng gió. Phú ông Ân nhiều lần khuyên bảo anh ta, thậm chí khóc đau đớn hy vọng anh ta sửa chữa lỗi lầm, nhưng anh ta vẫn không hề hối cải. Phú ông Ân thấy anh ta không thể tỉnh ngộ nữa rồi, bèn sai người hàng ngày đánh bạc với anh ta, thua bạc thì bảo anh ta bán ruộng. Phú ông Ân nhờ người đứng ra mua giúp, mua được với giá thấp. Sau đó, chàng trai họ Liễu bán ruộng đất, nhà cửa, vàng bạc châu báu … Chỉ trong vài năm, khối gia sản khổng lồ đã bán sạch trơn, tất cả thuộc về sở hữu của phú ông Ân rồi.

Chàng trai họ Liễu cùng đường đành phải đến nhà họ hàng ăn nhờ. Anh ta không chịu nổi nỗi nhục bị người ta xua đuổi nên lại đến chùa chiền, Đạo quán. Nhưng những nơi Thánh địa tu hành cũng không phải là trạm nhân đạo thu nhận người vô gia cư. Cuối cùng, anh ta đành phải lần từng nhà ăn xin, trở thành một thành viên trẻ trong đoàn người ăn xin. Phú ông Ân thấy anh ta đã được tôi luyện đủ rồi, mới gọi anh ta đến nhà, để anh ta tắm rửa ăn uống xong rồi nói: “cháu còn nhớ những lời Bác khuyên trước kia không ?”.

Chàng trai họ Liễu vừa nghe xong thì nỗi lòng sầu bi từ trong lòng trào dâng, khóc rống lên, vô cùng hối hận những chuyện hoang đường của mình trước kia. Phú ông Ân nói: “cái mất đi thì đã không thể truy cầu được nữa rồi, cháu hãy ở nhà Bác nỗ lực học hành, tương lai có thể còn có thành tựu đó”.

Từ đó, chàng trai họ Liễu sửa chữa sai lầm, làm lại từ đầu, khắc khổ cầu học, sau một năm thi đỗ tú tài. Phú ông Ân thấy anh ta đã sửa chữa tất cả những lỗi lầm trước kia, liền đem toàn bộ gia sản ông mua giao lại cho anh ta, rồi nghiêm túc nói: “trước kia Bác thấy cháu không nghe lời khuyên răn, biết là không đến bước đường cùng thì không thể hối hận, bất đắc dĩ mới phải dùng cách ‘đưa vào chỗ chết để mà sống’. Mấy người trước kia đánh bạc với cháu đều là Bác sai đến, người mua tài sản cũng là Bác nhờ họ đứng ra. Bây giờ kế sách đã thành công, tiền đồ của cháu rộng mở, Bác cũng không phụ sự phó thác của cha cháu lúc lâm chung. Sau khi chết, Bác gặp ông ấy cũng không hổ thẹn”.

Chàng trai họ Liễu nghe xong bỗng bừng tỉnh ngộ, vội quỳ xuống khấu đầu rơi lệ, cảm kích nói không nên lời.

(Nguồn tài liệu: “Du Khúc viên bút ký” của Du Việt đời Thanh)

Phụ chú

Nguyên văn Đệ Tử Quy

緩 揭 簾 勿 有 聲
寬 轉 彎 勿 觸 棱
執 虛 器 如 執 盈
入 虛 室 如 有 人
事 勿 忙 忙 多 錯
勿 畏 難 勿 輕 略
鬥 鬧 場 絕 勿 近
邪 僻 事 絕 勿 問

Âm Hán Việt

Hoãn yết liêm, vật hữu thanh
Khoan chuyển loan, vật xúc lăng
Chấp hư khí, như chấp doanh
Nhập hư thất, như hữu nhân
Sự vật mang, mang đa thác
Vật úy nan, vật khinh lược
Đấu náo trường, tuyệt vật cận
Tà tích sự, tuyệt vật vấn

Chú thích

- Hoãn: chậm, từ từ.

- Yết: kéo lên.

- Liêm: rèm, mành. Đồ gia dụng thường làm bằng tre, vải, nhựa … treo ở cửa để che gió mưa, nắng.

- Vật: không được, chớ.

- Thanh: âm thanh, tiếng động.

- Khoan: rộng. Chỉ khoảng cách lớn.

- Chuyển loan: rẽ, vòng. Thay đổi phương hướng.

- Xúc: chạm vào, va vào.

- Lăng: cạnh. Ở đây có nghĩa là góc tường, góc của vật thể.

- Chấp: nắm, cầm.

- Hư: không, trống, rỗng.

- Khí: đồ, dụng cụ. Tên gọi chung của dụng cụ như khí cụ, vũ khí …

- Như: giống như, giống.

- Doanh: đầy.

- Thất: bên trong căn phòng.

- Sự: sự việc. Chỉ tình huống mà con người làm hoặc gặp phải.

- Mang: bận, nhiều việc. Ở đây có nghĩa làm việc vội vàng, giải quyết hấp tấp.

- Thác: sai lầm.

- Úy: sợ, sợ hãi.

- Nan: khó. Chỉ việc không dễ làm.

- Khinh: coi thường, coi nhẹ.

- Lược: bỏ qua, khinh suất.

- Đấu: tranh đấu, tương tranh.

- Náo: tranh cãi gây sự.

- Trường: bãi đất trống hoặc nơi nhiều người tụ tập.

- Tà: chỉ tư tưởng hoặc hành vi không chính đáng.

- Tích: kỳ quặc, ít thấy.

- Vấn: hỏi hoặc hỏi han.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|97|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Người đời bị những điều phiền não vây phủ, như con tằm nhỏ nằm trong chiếc kén to”.

Chúng ta thường như vậy, đem những suy nghĩ không lành, mang những suy nghĩ không tích cực, vây phủ lấy cuộc đời mình, tự nhốt lấy mình trong những ngày dài buồn tênh.

Có kẻ đem tâm không tha thứ nhốt mãi mình trong một vết thương.

Có kẻ đem tâm yếu đuối nhốt mình trong bế tắc, đem tâm cố chấp nhốt mình vào những phiền muộn của ngày hôm qua, đem tâm tham nhốt mình vào những điều phù phiếm, đem tâm sân nhốt mình vào những hận thù, đem tâm si nhốt mình giữa những mịt mù nhân gian.

Bỏ bớt những hận thù trong tim, bỏ bớt những phiền não trong lòng, trong cuộc sống, sẽ có nhiều thứ làm chúng ta phải thất vọng, để tâm an, phải tập buông bỏ mà đi tiếp.

Một thái độ tích cực sẽ mang đến một sức mạnh rất lớn khi đối diện với mọi chuyện, đừng bao giờ để nỗi buồn hôm nay khơi dậy những suy nghĩ không lành, lớn dần, rồi chiếm hết cả tâm trí, để ngày mai, niềm vui không còn chỗ để đến.

Khó thoát ra nhất là khi bị mắc kẹt trong tâm trí của chính mình.

Người ngủ an.



Today

(Anonymous)

“One day, you will find yourself close to the end, and thinking about the beginning. TODAY is that beginning. TODAY is life. You’ve got to live it.

Live for what’s right.

Live for what you believe in.

Live for what’s important to you.

Live for the people you love, and never forget to tell them how much they mean to you.

Realize that today you’re lucky because you still have a chance. So stop for a moment and think. Whatever you still need to do, start doing it now. There are only so many todays left.”

╰▶ Một ngày nào đó, bạn sẽ thấy mình gần đến cuối cùng, và suy nghĩ về sự khởi đầu. HÔM NAY là bắt đầu. HÔM NAY là cuộc sống. Bạn phải sống nó.

Sống cho những gì mà đúng.

Sống cho những gì bạn tin tưởng.

Sống cho những gì quan trọng đối với bạn.

Sống cho những người bạn yêu thương, và đừng bao giờ quên nói cho họ biết họ có ý nghĩa như thế nào với bạn.

Nhận ra rằng hôm nay bạn may mắn vì bạn vẫn còn cơ hội. Vì vậy, dừng lại một chút và suy nghĩ. Bất cứ điều gì bạn vẫn cần làm, bắt đầu làm nó bây giờ. Chỉ còn lại một số ngày như ngày hôm nay.


Dòng thời gian

(Tô Tài Năng, Jenny Thủy Đinh)



Dòng thời gian chẳng chừa một ai
rồi tất cả chúng ta sẽ là tích xưa
ngồi than thở gió mưa
hờn ganh ghét thêm thừa
nhìn lại ta chữ tịnh có thật lòng chưa

Dòng thời gian chẳng chờ một ai
lặng im tiếng thế nhân lấy dần tuổi xuân
đời sinh tử tử sinh
chuyện nhân thế con người
từ ngày xưa đã vậy đến vạn đời sau

Nhìn lại ta những chặng đường qua
nhiều vui sướng, sướng vui hay nhiều xót xa
mừng cho ai gấm hoa
thầm thương kiếp không nhà
đời hèn sang đổi phận nhớ đừng dèm pha

Nhìn Mẹ Cha nắng nhạt màu da
bạc phai mái tóc, ốm đau cũng vì chúng ta
phận làm con hiểu ra
đời chữ hiếu cho tròn
để còn nghe mỗi đêm giấc mộng vàng son

Nhìn lại ta nửa đoạn đường đi
điều sai đúng, đúng sai phải thường nghĩ suy
lợi danh khi đến đi
đời qua tuổi xuân thì
trầm ngâm ta ngoảnh lại kiếp người còn chi

Nhìn lại ta ấm ngọt thời nay
đừng quên nhé, sớt chia những điều phước may
đời này ai chẳng sai
nào ai luôn đúng hoài
lòng vị tha giúp ta giúp người vượt qua

Ngồi bên nhau nhắc chuyện ngày sau
đời con cháu lớn lên nghĩa tình với nhau
đừng rời xa cách xa
đệ huynh sống chan hòa
cùng hòa chung khúc nhạc giữa đời hồng hoa

Mùa xuân sang khắp trời bình an
tình xưa nghĩa cũ hãy thôi khóc hận oán than
giận hờn nhau mãi sao
tình thương thắp lên nào
từ bi cho trái tim giấc mộng bình an …

Người ít ngủ

- Sưu tầm

Đêm là lúc phần đông mọi người đang ngủ, đang say ngủ. Đang chìm đắm trong cảm giác lạc ngủ nghỉ, lạc hôn trầm thụy miên. Còn những người đang thức thì sao nhỉ …

Có lần đức Phật dạy, này các Tỳ Khưu, có bốn hạng người này ít ngủ, nghỉ:

⒈ Kẻ trộm cướp
⒉ Người nữ tơ tưởng đến nam nhân và ngược lại
⒊ Đức vua (lo âu việc nước)
⒋ Vị sa môn chuyên cần hướng đến giải thoát

Những ai, thuần thục về Tâm, thấy biết về Thân, sẽ biết rằng, có năm nguyên nhân khiến ngủ ít:

⒈ Quá vui
⒉ Quá lo lắng
⒊ Quá tính toán cho tương lai
⒋ Thân cảm thọ Khổ mạnh
⒌ Tâm An Vui, An Trú trong Pháp

“Đêm dài kẻ thức tròn canh
Đường dài với khách lữ hành mỏi chân
Luân hồi dài với muôn nhân
Không thông diệu pháp muôn phần khổ đau”
Kinh Pháp Cú thi hóa



Hoàn thiện bản thân từ phiền não

- Thích Tánh Tuệ

Bạn phiền muộn, là do tâm hay chấp nhất và chưa đủ rộng lượng.

Bạn tức giận, là vì muốn chung quanh thuận theo ý mình và lòng thì chưa đủ bao dung.

Bạn rầu rỉ, là do suy nghĩ chưa đủ tích cực.

Bạn lo nghĩ, là do tâm trí chưa đủ thong dong.

Bạn đau thương, là tại chí chưa đủ kiên cường.

Bạn đố kỵ, là vì mình chưa đủ ưu tú.

Bạn tham muốn là vì chưa thấu hiểu vô thường ...

Mỗi loại phiền não đều bắt nguồn từ chính ta. Mỗi khi chúng xuất hiện, là cơ hội để ta quay trở về quán sát nội tâm, nhận ra khiếm khuyết bản thân, rồi nỗ lực chuyển hóa. Cứ như thế, nhờ phiền não chúng ta hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Đôi khi nên cảm ơn Bùn
Vì Bùn đích thực cội nguồn của Sen
Đừng mong đời chẳng muộn phiền
Mong ta đủ sức yếu hèn vượt qua
Tạ ơn giáo lý Phật Đà
Giữa đời thuận nghịch vẫn là thong dong



Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|96|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Một thanh sắt nóng đỏ, vài giọt nước nhỏ rơi lên đó liền khô mất, thanh sắt vẫn còn nóng. Một người khi tâm còn động, một vài cảnh yêu thương đi qua trong mắt họ, gợi lên một ý niệm yêu thương trong lòng cũng mau chóng tan đi, lòng vẫn còn động, chưa thể bình yên”.

Có kẻ mang trái tim thật buồn về ngồi bệt dưới hiên nhà xưa, nhìn ánh mắt thật hiền của Mẹ, nhìn đôi vai đầy nắng mưa của Cha, hứa: “sau này không làm gì để những người thân yêu của mình phải buồn nữa”. Nhưng khi trở lại phố chợ lại quên mất, tiếp tục làm những việc để ai thật lòng thương họ cũng phải buồn.

Có kẻ về ngồi trước Phật, nhìn ánh mắt thật sáng thật hiền của Người, nghe lòng thật yên, hứa: “mình gửi những ngày còn lại ở đây nghen’’. Nhưng khi quay đi lại quên mất, lại động lòng trước một ánh mắt thật sâu của nhân gian, rồi lưu lạc quên mất đường về, gửi mình cho gió giông.

Có kẻ ngồi trước buổi sớm mai bình yên, nghe lòng thật ấm thật yên, hứa: “sau này dù thế nào cũng giữ được trong lòng một chút nắng ấm của buổi bình minh sớm mai’’. Nhưng khi bước ra cuộc sống đầy giông gió ngoài kia lại quên mất, để trong tim chỉ còn lại toàn những gió giông.

Có kẻ hứa chỉ cầm trái tim từ bi để đi qua thế gian, nhưng khi đối diện với vài lần tổn thương lại quên mất, đặt trái tim từ bi xuống, để đôi tay lúc nào cũng đầy những muộn phiền.

Chiều qua, núi nhiều gió, ngồi dưới hiên nhìn lũ chim ngược giông gió tìm về tổ, thấy thương; thương lũ chim thì ít, thương mình nhiều hơn; con người chúng ta thường theo giông gió mà đi, chẳng mấy ai thương mình đủ lớn để ngược giông ngược gió trở về …

Người ngày mới an.



Đi thong thả

- Trích “Phép Tắc Người Con”,Bài 15
- Theo Zhengjian,Kiến Thiện biên dịch



Đi thong thả, đứng ngay thẳng
Chào cúi sâu, lạy cung kính
Chớ đạp thềm, không nghiêng dựa
Chớ ngồi dang, không rung đùi

Diễn giải

Khi đi bộ thì thong dong, không vội vàng, khi đứng thì tư thế ngay ngắn, ngẩng đầu ưỡn ngực. Khi cúi chào thì phải chắp tay khom lưng, khi quỳ lạy hành lễ thì thái độ phải cung kính. Chân không được giẫm lên thềm cửa ngưỡng cửa, thân thể không được nghiêng vẹo, tựa dựa. Khi ngồi không được dang hai chân ra, không được rung đùi.

Câu chuyện tham khảo: TRƯỜNG TÔN KIỆM TỰ TRỌNG ĐƯỢC MỌI NGƯỜI TÔN KÍNH, ĐỨC THANH KHIẾT LƯU TRUYỀN HẬU THẾ

Trường Tôn Kiệm là người Hà Nam thời Bắc Chu, tên gốc là Khánh Minh. Khi tuổi thiếu niên ông đã là người đoan chính, phẩm đức cao thượng, thần thái nghiêm túc, tuy ở nhà nhưng cả ngày vẫn giữ thái độ đoan chính trang trọng. Chu Văn Đế vô cùng kính trọng ông, ban cho ông đổi tên là Kiệm để biểu dương ông giữ gìn tiết tháo cao khiết.

Sau này, Trường Tôn Kiệm làm đến chức thượng thư (chức quan quản lý các tấu chương của quần thần). Một lần ông cùng quần thần ngồi hầu bên hoàng đế, Chu Văn Đế nói với mọi người xung quanh rằng: “vị tôn công này cử chỉ trầm tĩnh nho nhã, mỗi lần nói chuyện với ông ấy, ta đều bỗng nhiên khởi lòng tôn kính, rất sợ mình có thái độ gì đó thất lễ”.

Khi khu vực Kinh Châu mới được thu phục lại, Chu Văn Đế trao mệnh cho Trường Tôn Kiệm thống lĩnh mười hai châu vùng Tam Kinh. Bởi vì Kinh Châu là vùng đất hoang sơ, man dại, phong khí người dân chưa được khai hóa, người trẻ tuổi không biết tôn kính người lớn tuổi. Dưới sự khuyên dạy chỉ bảo cần mẫn của Trường Tôn Kiệm, phong tục địa phương đã cải biến lớn. Quan lại và người dân dâng thư kể sự tình, xây dựng Thanh Đức Lâu cho Trường Tôn Kiệm, dựng bia ca ngợi ông.

(Nguồn tư liệu: “Bắc Sử” và “Chu Thư”)

Phụ chú

– Kinh Châu: nước Sở thời cổ đại, là vùng Hà Nam, Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay. Thời cổ đại, vùng Kinh Châu có văn hóa thấp hơn vùng Trung Nguyên nên còn được gọi là Kinh Man, Nam Man, có nghĩa là các dân tộc hoang dã miền Nam. Thời Tam Quốc đến thời Nam Bắc Triều, Kinh Châu là khu vực quân sự và chính trị trọng yếu, là vùng đất mà các nhà quân sự đều tranh giành để có được.

Nguyên văn Đệ Tử Quy

步 從 容 立 端 正
揖 深 圓 拜 恭 敬
勿 踐 閾 勿 跛 倚
勿 箕 踞 勿 搖 髀

Âm Hán Việt

Bộ thung dung, lập đoan chính
Ấp thâm viên, bái cung kính
Vật tiễn vực, vật bả ỷ
Vật ki cứ, vật dao bễ

Chú thích

- Bộ: đi bộ, đi đường.

- Thung dung: tâm tình thư thái, dáng vẻ không vội vàng hấp tấp.

- Lập: đứng.

- Đoan chính: ngẩng đầu ưỡn ngực, nghiêm, ngay ngắn.

- Ấp: chắp tay chào, hành lễ. Hai tay ôm quyền (nắm tay), khom lưng cúi người hành lễ.

- Thâm viên: chỉ tư thế khom lưng cúi người đến vị trí (Thâm nghĩa là sâu, Viên nghĩa là tròn).

- Bái: cúi đầu chắp tay hành lễ hoặc quỳ xuống dập đầu bái lạy.

- Tiễn vực: giẫm lên bậc cửa. Tiễn nghĩa là giẫm đạp. Vực nghĩa là khung gỗ ngang phía dưới cửa.

- Bả ỷ: thân thể nghiêng vẹo, đứng không ngay ngắn. Bả nghĩa là chân tàn tật hoặc tư thế đi không ngay ngắn (thọt). Ỷ nghĩa là lệch nghiêng, tựa dựa.

- Ki cứ: ngồi dạng hai chân, hình dáng như cái ki hốt đất. Đây là cách ngồi không tuân thủ lễ tiết hoặc thái độ ngạo mạn. Ki nghĩa là cái ki, cái gầu hốt. Cứ nghĩa là dang chân ra ngồi, hai chân hình chữ bát.

- Dao bễ: rung lắc đùi. Bễ là bắp đùi.

Để đạt đến giác ngộ

(Sưu tầm)



Hỏi:

“Con xin hỏi thầy về các trình độ tu chứng đối với người học đạo ?”

–––––––––

Tuần tự có những bước như sau để đạt đến giác ngộ. Trước hết chúng ta cần phải tiêu trừ tâm chấp ngã, khi đó ta đạt được sự tự chủ đối với tâm của mình. Khi thoát được tâm chấp ngã có nghĩa là tảng nước đá tan chảy. Tảng nước đá chỉ tan khi ta phát triển được tâm từ bi, tình thương yêu đối với mọi loài chúng sinh. Càng phát triển tâm từ bi bao nhiêu thì trí tuệ càng tăng trưởng bấy nhiêu và chấp ngã càng giảm bớt đi.

Ngoài ra còn có những dấu hiệu giúp cho chúng ta biết ta đang đi đúng đường. Ví dụ như khi tâm ô nhiễm vừa phát khởi, như tâm sân hận, ta liền NHẬN BIẾT được và đoạn trừ được ngay khi nó vừa phát khởi. Đó là dấu hiệu tiến bộ, tăng trưởng định tuệ. Điều đó có nghĩa là công năng tu tập của chúng ta đã phần nào đạt được kết quả.

Những tham, sân, si, mạn, đố, đau khổ xuất hiện là chuyện bình thường và còn xuất hiện nhiều lần nữa. Thay đổi ở đây không phải là chúng không đến nữa, mà điều quan trọng chính là khi chúng đến thì tâm ta NHẬN DIỆN ĐƯỢC NGAY và chúng biến đi ngay. Đó là dấu hiệu con đang tiến trên con đường dẫn tới Phật quả.


Cuộc đời hai hạt muối

(Sưu tầm)



Hạt muối Bé nói với hạt muối To:

- Em đến chia tay chị, em sắp được hòa trong đại dương.

Muối To trố mắt:

- Em dại quá, sao lại để đánh mất mình như thế ?

- Em muốn thì em cứ làm. Chị không điên !

Muối To thu mình co quắp lại, nhất định không để biển hòa tan. Muối To lên bờ, sống trong vuông muối. Nó vẫn ngạo nghễ, to cứng và nhìn chúng bạn bé tí ti đầy khinh khỉnh. Thu hoạch, nông dân thấy nó to quá gạt nó ra ngoài, xếp vào loại phế phẩm, còn những hạt muối tinh trắng kia được đội lên đầu, bê bên lưng, rồi đóng vào bao sạch đẹp … Lần đầu tiên Muối to thấy mình bị xúc phạm.

Sau một thời gian lăn lóc hết xó chợ này đến xó chợ khác, cuối cùng người ta cho nó vào nồi cám heo. Phải hóa thân phục vụ cho lũ heo dơ bẩn này ư ? Nó tủi nhục ê chề. Lòng kiêu hãnh không cho phép nó “tế thân” cho lũ heo hạ tiện. Nó thu mình co cứng hơn, mặc cho nước sôi trăm độ cũng không lấy được, dù là cái vảy da của nó. Khi rửa máng heo, người ta phát hiện nó, và chẳng cần nghĩ suy, ném nó ra đường lộ. Người người qua lại đạp lên nó ...

Suy ngẫm:

Hạt muối là để hòa tan. Hạt muối phải chịu tan biến chính mình mới thể hiện giá trị đích thực của hạt muối. Người nhiều cống cao ngạo mạn và lòng đầy ích kỷ thì tự đóng khung mình lại trong kiếp đời vô nghĩa.

Nơi nào có Vô Ngã nơi đó có lòng vị tha. Là Phật tử hãy biết làm “HẠT MUỐI HÒA TAN”.


Có một kiểu người: trời đất kính nể, dịch bệnh rời xa

(Sưu tầm)



Cổ ngữ Ấn Độ có câu: “trăm triệu hạt mưa rơi không có hạt nào rơi nhầm chỗ”, vạn sự trên đời đến và đi tất cả đều có nguyên do, và đương nhiên dịch bệnh cũng không nằm ngoại lệ … Nhìn lại lịch sử của nhân loại trong quá khứ, thật không khó để chúng ta bắt gặp những trường hợp miễn dịch đến lạ kỳ …

Trong đại nạn vẫn có người được cứu

Tháng 3 năm Thuận Trị thứ 11 (năm 1654), khu vực Thành Đông của kinh thành xảy ra đại dịch. Dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh chóng. Có những gia đình chết hết toàn bộ nhân khẩu, có những con ngõ chỉ còn lại vài người sống sót. Mọi người đều cảm thấy kinh sợ, thân tâm đều run rẩy. Ai nấy đều tránh xa khu vực Thành Đông không một ai dám đi qua, thậm chí ngay cả những người thân thiết nhất cũng không dám đến thăm hỏi bệnh tình của bệnh nhân.

Con dâu gia đình họ Cố ở Thành Đông là Tiền thị - vợ của Hùng Lễ. Trước khi dịch bệnh hoành hành, cô có việc phải về nhà mẹ đẻ. Trong thời gian ở nhà mẹ đẻ, cô nghe nói bố mẹ chồng bị nhiễm bệnh dịch, sau đó lây sang các con. Cả nhà có tám người bệnh tình nghiêm trọng, nằm bẹp trên giường, chỉ biết phó mặc cho mệnh Trời. Tiền thị biết tin lập tức thu dọn hành lý để trở về ngay, tuy nhiên cha mẹ cô lại không đồng ý. Tiền thị nói với cha mẹ rằng: “người ta lấy vợ vốn là để phụng dưỡng cha mẹ, giờ đây, cha mẹ chồng bị bệnh nặng như thế mà con không về, vậy thì có khác gì loài cầm thú đâu ?”. Cha mẹ khuyên can thế nào đi nữa cũng không ngăn được, Tiền thị một mình lên đường về nhà chồng.

Người con dâu hiếu thuận đó đã nhanh chóng quay trở về nhà. Khi cô vừa bước vào nhà thì ông Cố bỗng nhiên nghe thấy tiếng quỷ nói: “chúng Thần đều bảo hộ cô con dâu hiếu thuận này trở về, chúng ta mau chóng trốn đi, nếu không sẽ bị trừng phạt không nhẹ đâu”. Thế là cha mẹ chồng cô và cả nhà đều thoát khỏi dịch bệnh.

Y học gia nghiên cứu bệnh dịch có thành tựu đời Thanh là Lưu Khuê (hiệu Tùng Phong) từng nói: “tà không thể xâm phạm chính được, hiếu có thể cảm động Trời, quả đúng là phương thuốc tốt loại trừ dịch bệnh”.

Nhà sử học Evagrius từng là nhân chứng cho bệnh dịch hạch Justinian, ông cũng đã từng viết như sau:

“Có người đã thoát ly nơi thành phố bị nhiễm bệnh, hơn nữa bản thân họ còn rất khỏe mạnh, nhưng chính họ lại truyền bệnh cho những người không bị nhiễm bệnh. Cũng có một số người thậm chí là sống giữa những người bệnh, không chỉ ở cùng với người bệnh mà còn tiếp xúc với những người đã chết nhưng họ hoàn toàn không bị lây nhiễm. Cũng có người vì mất đi con cái và người thân nên chủ động muốn chết theo, hơn nữa họ còn gần gũi hơn với người bệnh để mong cho chết mau hơn, nhưng dường như căn bệnh lại từ chối ý muốn đó, dù cho họ có làm cách nào thì vẫn cứ khỏe mạnh như trước”.

Nhà sử học Procopius (500-565) người Byzantine cũng từng ghi chép rằng: “sau khi người khỏe mạnh bị lây nhiễm bệnh dịch hạch mang tên ‘cái chết đen’, đột nhiên có triệu chứng bị sốt nhẹ, khi đó họ sẽ nhìn thấy những thứ như ma quỷ hay u linh”. Tông đồ John của hội thánh Ephesus cũng ghi chép tương tự: “trước tiên người bệnh gặp phải ảo giác, tiếp theo sẽ nhìn thấy u linh màu đen không có đầu, thân thể bắt đầu xuất hiện cục bướu lớn và mụn mủ màu đen sưng tấy lên, những người này đều chết ngay trong ngày hôm đó”.

Thứ mà người La Mã cổ đại gọi là u linh rất có thể là quỷ chốn âm gian mà người phương Đông nhắc đến. Vào những năm Càn Long, có một người gọi là Sư Đạo Nam ở vùng Triệu Châu, tỉnh Vân Nam đã viết một bài thơ vào thời kỳ bệnh dịch hạch hoành hành. Bài thơ có tên là “Thủ Tử Hành”, trong đó có mấy câu thơ miêu tả đại ý như sau: “khi phần Thần của nhân loại bị lấy mất đi thì người và quỷ là một, ban ngày gặp gỡ người phần nhiều là quỷ, lúc hoàng hôn gặp quỷ ngược lại nghi ngờ là người”.

Thiện lương chính là tấm bùa hộ mệnh tránh mọi tai ương …

Có thể có người cho rằng những người không bị lây nhiễm đó là do cơ thể họ có hệ thống miễn dịch tự nhiên khỏe mạnh hơn người khác. Kỳ thực đó chính là sức mạnh của lòng thiện lương.

Hãng nội thất danh tiếng IKEA đến từ Thụy Điển từng làm qua một thí nghiệm. Họ đưa hai cây xanh tới khuôn viên một trường học ở các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và để ở đó với chế độ chăm sóc hai cây như nhau. Tiếp theo họ yêu cầu các em học sinh hàng ngày khen ngợi và thể hiện tình yêu thương với một chậu cây, còn một chậu cây còn lại thì buông những lời mắng chửi. Kết quả là sau ba mươi ngày, chậu cây bị mắng chửi đã héo úa mà chết, còn chậu cây được khen ngợi lại phát triển khoẻ mạnh.

Tiến sĩ Masaru Emoto - giám đốc viện Hado ở Tokyo(Nhật Bản)- trong cuốn sách của mình mang tên: THÔNG ĐIỆP CỦA NƯỚC, một trong những cuốn sách bán chạy nhất do New York Times bình chọn, ông đã chứng minh thật thuyết phục giá trị của lời cầu nguyện. Masaru Emoto đã làm rất nhiều thí nghiệm quan sát tinh thể nước, trước và sau khi tiếp xúc với âm nhạc, từ ngữ, hình ảnh và lời cầu nguyện … Trước khi nghe lời cầu nguyện, tinh thể nước méo mó, bị khuyết, không có hình dáng cụ thể và xấu xí. Bất ngờ thay, tinh thể nước trở nên tuyệt đẹp như một bông hoa tuyết với các cánh đều đặn, tinh khiết và đẹp rực rỡ sau khi nó được nghe lời cầu nguyện.

Dịch bệnh nhìn trên bề mặt tuy là rất tự nhiên nhưng trên thực tế lại không hề ngẫu nhiên chút nào cả. Cổ nhân có câu: “Nhân sinh hữu mệnh, sinh tử tại Thiên”, con người ta sinh ra ở đời sống chết đều do định số, sức người khó đổi. Tuy nói là khó đổi nhưng không phải không thể, khi đi tìm hiểu chi tiết hơn nữa những người miễn dịch, người ta dễ dàng tìm thấy ở những người này một điểm chung nổi bật đó là những người này đều có một tâm hồn chân chính thiện lương, một tấm lòng hiếu thảo cảm động trời cao. Điều này hoàn toàn trùng hợp với câu nói xưa kia của cổ nhân: “làm người thiện lương dù phúc chưa báo, hoạ cũng đã rời xa”.

Có thể trong xã hội hiện nay, khi nhắc đến nhân quả, thiện lương, sẽ có người cho rằng đó là mê tín, là dị đoan. Tuy nhiên có khi nào bạn thử nghĩ: tin thì được gì, không tin sẽ mất gì ? Giả sử bạn tin vào sự tồn tại của nhân quả và quy luật thiện ác hữu báo, tin vào sự tồn tại của thế giới bên kia để từ đó đối nhân xử thế bằng lòng cung kính, thiện lương, trung thực. Dẫu sau khi chết đi, thiên đường hay địa ngục có tồn tại hay không, thì trước mắt khi sinh thời bạn cũng đã nhận được lòng kính trọng, sự yêu mến của mọi người. Còn giả sử, bạn cho rằng linh hồn không tồn tại, thiên đường và địa ngục chỉ là trò hư ảo để rồi sống phóng túng theo dục vọng bản thân ... vậy thì chưa cần phải nhắm mắt xuôi tay, ngay lúc hiện thời bạn đã phải đối diện với sự ghét bỏ của mọi người. Và điều gì sẽ xảy ra khi bạn nhắm mắt xuôi tay, phát hiện rằng cái chết chỉ là sự khởi đầu cho một tương lai mới, thiên đường, địa ngục nó hoàn toàn tồn tại một cách chân thực. Thử hỏi lúc đó bạn sẽ phải mất những gì ? Ắt hẳn mọi sự hối hận đều đã muộn màng.

Có câu: “chỉ cần bạn lương thiện, trời xanh tự có an bài”.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|95|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

Ai cũng từng loay hoay tự hỏi, những gì thực sự quan trọng nhất trong cuộc đời này, và sau đó đi tìm câu trả lời cho mình, diện mạo cuộc đời của mỗi người được gây dựng nên từ chính những câu trả lời đó.

Chúng ta đi về phía mà mình nghĩ là quan trọng, và nghiêng về phía mà mình cho là nặng hơn. Chỉ là, có những điều, ngày xưa nghĩ là quan trọng, hiện tại lại thấy không đáng giá một xu, có những thứ ngày trước nghĩ là nặng lắm, hiện tại lại nhẹ như vệt nắng trên tay.

Hạnh phúc từ những điều hư ảo cũng giống như chiếc bóng, nó vẫn có đấy, còn đấy trong một ngày đầy nắng, nhưng sẽ biến mất nhanh chóng không để lại dấu vết gì khi đi qua những ngày tối tăm.

Một nụ cười hư ảo có thể đánh lừa được đám đông, nhưng không thể đánh lừa được bản thân mình, và không thể xoá được những âu lo đang hiện hữu trong lòng. Tại sao lại chọn những điều hư ảo ?

Những điều hư ảo luôn rất dễ tìm và cũng rất dễ mất; những điều bền vững luôn rất khó tìm và cũng rất khó mất đi.

Người chọn điều gì để gây dựng nên cuộc đời mình ?

Người an.



Once is enough

(Mae West)

You only live once, but if you do it right, once is enough.
╰▶ Chúng ta chỉ sống một lần, nhưng nếu chúng ta làm(sống) đúng, thì một lần là đủ.

Những thái độ sống trí tuệ

(Sưu tầm)



Trí tuệ làm người

Người quá khôn (khôn lõi), sẽ không chịu nhận phần thiệt, mọi thứ đều so đo tính toán, sẽ luôn phải đối chọi, sống trong tranh giành mâu thuẫn, kỳ thực rất mệt mỏi. Vậy nên, có lúc cần nên khờ khạo một chút, chịu thiệt một chút, có thể làm ngơ, có thể bỏ qua, không nhìn vào thiếu sót của người khác. Sự thông minh nên cất ở trong tâm, dùng để nhìn xa trông rộng, dùng cho việc lớn, đừng để nó chằm chằm hướng vào khuyết điểm của người khác.

Trí tuệ sinh tồn

Một người đi thỉnh giáo thiền sư, vì cửa thiền viện rất thấp, người này không chú ý, kết quả đầu đụng vào cửa. Thiền sư nói với anh ta, muốn không đụng phải đầu, thì phải học cách cúi đầu. Đối nhân xử thế cũng là như thế.

Trí tuệ giao tiếp

Trong giao tiếp, đúng sai chỉ là tương đối, đừng nên tranh biện gay gắt làm gì. Người lịch duyệt, biết xử sự, có thể giao thiệp với bất kỳ ai, thậm chí người khác mạo phạm, họ cũng có thể mỉm cười đối mặt. Như vậy vừa có thể tránh được xung đột, vừa có thể kết được duyên lành. Ai đó có câu: “sống cho ngay thẳng, thật thà, cho dù thua thiệt nhưng mà bình yên”.

Trí tuệ khoan dung

Khi bạn bao dung người khác, cũng là tích lũy Tâm Đức cho chính mình. Làm người, có thể bỏ qua được thì nên bỏ qua. Khi bạn bao dung người khác, cũng là lúc hoa từ bi trong lòng chớm nở. Biển chứa trăm sông, có dung nạp mới trở thành rộng lớn; người có bao dung, vạn sự dễ thành.

Trí tuệ kham nhẫn

Người có nội lực thực sự, là những người có thể duỗi cũng có thể co. Không ai cả đời đều là thuận lợi, cho nên, lúc đắc ý dĩ nhiên đáng hãnh diện, nhưng lúc thất ý lại không thể để tinh thần sa sút, mà phải tích lũy năng lượng, học bài học từ thất bại mà chín chắn trưởng thành. Ngồi hít thở đưa tâm về tĩnh lặng, chuyện gì rồi cũng qua, lấy lui làm tiến.

Trí tuệ tu niệm

Nhân sinh quan trọng nhất là lạc quan sống, người biết đủ thường sẽ biết cách tìm niềm vui, họ có thể nghĩ thoáng, cho nên không quan tâm hơn thua, thong dong tự tại. Muốn lạc quan bình thản, thì phải biết thuận theo tự nhiên, không lạc vào dòng thị phi nhân thế, cười nhìn hoa nở hoa tàn. Đời người chưa chắc được trăm năm, con người lao tâm khổ trí vì nghĩ rằng cái chết là chuyện của người ta, chẳng dính chi tới mình.

“Không ai sống mãi trăm năm
Thế mà tính chuyện xa xăm ngàn đời
Không ai biết được tuổi trời
Mà ôm mộng tưởng đổi dời thế gian …”
Thích Tánh Tuệ

Nhẫn – Nhịn

- HT. Thiện Hoa

NHẪN-NHẪN-NHẪN, bao nhiêu nghiệp chướng oan gia đều tiêu hết.
NHỊN-NHỊN-NHỊN, thì ngàn tai muôn hoạ cũng không còn.
NÍN-NÍN-NÍN, thì thiên đàng mở ra trước mặt.
THÔI-THÔI-THÔI, thì niết bàn ở kế một bên.

Ta không thể nào tồn tại một mình

(Sưu tầm)

Rất nhiều người khi có chức, có quyền, và có tiền, thì họ lập tức xem mọi người như cỏ rác và vội nghĩ rằng, ai cũng phải cần tôi. Nhưng họ không hiểu những điều sau đây:

• Họ sinh ra cũng bởi người khác.

• Họ lớn lên cũng nhờ người khác nuôi.

• Họ thành tài cũng vì người khác dạy.

• Họ làm ăn giàu có cũng nhờ người khác mua.

• Họ làm chủ và thành công cũng nhờ thuộc hạ có tài.

• Họ ăn uống cũng nhờ người khác cung cấp thực phẩm.

• Họ ăn mặc cũng do người khác may.

• Họ muốn nói cũng phải có người khác nghe.

• Họ ốm đau cũng do người khác chữa trị.

• Họ hoạn nạn cũng cần người khác cứu.

• Và khi họ chết đi cũng cần phải có người khác chôn cất.

Vậy mà họ vẫn ra vẻ ta đây, dương dương tự đắc !

Nên nhớ rằng: “NGÀY SAU SỎI ĐÁ CŨNG CẦN CÓ NHAU”, bạn ạ. Ta không thể nào tồn tại một mình được đâu, ta sống là nhờ sự tương quan của mạng lưới nhân duyên chằng chịt, thế nên bạn sẽ luôn phải cần tới người khác dù trực tiêp hay là gián tiếp. Vì vậy, hãy sống khiêm cung, biết ơn mọi người chung quanh, và sống tốt với tất cả mọi người. Nếu không, bạn sẽ không thể nào đứng vững trong cuộc đời này một khi cuộc đời phong ba, bão táp.

Phạm phải một lần, hối hận cả một đời

(Sưu tầm)

Các bậc trí giả ngày xưa đã gửi gắm cho thế hệ sau này những bài học xương máu, đúc kết từ chính kinh nghiệm thương đau của họ về bốn sai lầm mà con người không nên phạm phải, kẻo sai một lần mà hối hận cả một đời.

Đã là “nhân” thì sẽ “bất thập toàn”, thật vậy, chúng ta không ai là hoàn hảo cả, chính vì thế khó tránh khỏi những lúc phạm phải sai lầm trên đoạn đường làm người. Nhưng cũng nhờ những sai lầm ấy, chúng ta mới có thể hoàn thiện bản thân hơn và trưởng thành hơn. Tuy nhiên, tiếc rằng, sai lầm thì cũng có sai lầm này sai lầm kia, sai lầm với hậu quả cho ta bài học với nhiều giá trị, và cả các sai lầm để lại cho chúng ta cảm giác hối tiếc đến tột cùng mà mãi mãi không thể nào sửa chữa được. Vậy nên, từ xa xưa, cổ nhân, mà điển hình là các bậc trí giả đã gửi gắm cho thế hệ sau này những bài học xương máu đúc kết từ chính kinh nghiệm thương đau của họ về bốn sai lầm mà con người không nên phạm phải, kẻo sai một lần mà hối hận cả một đời.

Khỏe không thương thân, đổ bệnh sẽ hối hận

Tài sản quý nhất của con người chính là sức khỏe, không có sức khỏe chúng ta không còn gì cả. Tình yêu, hy vọng, sự nghiệp, tiền tài,... đều chẳng là gì khi mỗi người đứng trước ngưỡng cửa đau ốm triền miên. Thế mới thấy, phàm làm người, khi còn trẻ và khỏe, hãy biết thương lấy bản thân mình, tuyệt đối không sống buông thả mà sa đà vào rượu chè và các thú vui gây hại, kẻo một mai ngã xuống, tiếc thương đã quá muộn màng. Chưa kể, ngoài thân bệnh thì tâm bệnh cũng rất quan trọng, tâm yên vui trong sạch, chúng ta mới sống khỏe mạnh được. Cho nên, đừng để những cám dỗ của cuộc đời khiến tâm mình nhơ nhuốc, suốt ngày nghĩ kế bày mưu, toan tính thiệt hơn, sân si oán hận,... chúng chính là liều thuốc độc khiến con người mất hết phúc khí, sinh ra bệnh tật ốm đau.

Ham mê tửu sắc, nói lời cuồng ngông, tỉnh dậy sẽ hối hận

Rượu và sắc dục chính là hai thứ vui thú nhất mà cũng cám dỗ nhất của đời người. Sa vào chúng mà không biết kiểm soát bản thân, thì đầu óc chúng ta sẽ mộng mị, mơ màng quên hết đạo, quên hết nhân tâm. Từ đó gây ra biết bao nhiêu là điều đau khổ cho người xung quanh, mà điển hình là việc nói lời cuồng ngông, không biết tôn ti trên dưới, không biết tương kính đối đãi. Sau đó thì sao ? Nếu có phúc phần thoát khỏi cảnh chấp mê bất ngộ, chúng ta liền hối hận, nhưng hối hận lúc này đây đâu còn tác dụng gì. Nỗi đau mà bản thân gây ra cho mọi người kề cận xung quanh trong lúc mê muội vì rượu chè tư dục là có thật, nó tồn tại trong tim họ và khiến họ nhìn mình bằng một con mắt khác, tệ hại và xấu xí vô cùng.

Lúc có cơ hội học thì không học, tới lúc cần sẽ hối hận

Lúc còn trẻ, trí tuệ của con người thường tinh thông, tinh thần tràn đầy nhiệt huyết nên dễ dàng tiếp thu được những điều mới, nhưng tiếc rằng thời điểm này cũng là lúc xung quanh có rất nhiều cám dỗ, rất nhiều các thú vui hoa mộng. Cho nên, người không biết nhìn xa trông rộng sẽ chọn chơi thay vì chọn học. Đến cuối cùng, ôm cái đầu rỗng tuếch leo lên con đường sự nghiệp, thành công mãi mãi không bao giờ có được, chỉ biết tặc lưỡi mà thốt lên hai từ “giá như”. Chưa kể, những bài học ngoài trường đời, trong môi trường công sở, cũng đầy rẫy và miễn phí, người không biết nắm bắt sẽ hối hận tột cùng khi có việc cần đến. Ví dụ như có vị sếp giỏi, học theo thì không học, suốt ngày cứ lo tính chuyện sân si, tranh đấu thị phi trong công ty, mãi sau này làm việc lớn lao hơn một chút, gặp khó khăn mới tự trách bản thân năm xưa không biết học hỏi người tài.

Giàu có không tiết kiệm, khi nghèo rồi sẽ hối hận

Cổ nhân có câu “miệng ăn, núi lở”, tức là ám chỉ việc giàu có đến mức nào nhưng không biết làm việc, chỉ biết hưởng thụ thì sớm muộn cũng trở thành kẻ trắng tay. Quả thật, kiểu người như thế ngày nay tồn tại rất nhiều, họ kiêu hãnh tận hưởng khối tài sản khổng lồ mình đang có, mãi cho đến khi sa cơ lỡ vận, mới ân hận cho rằng mình đã sai. Tiếc là ân hận, tài sản cũng không quay về như trước. Cuộc đời không bao giờ biết được ngày mai sẽ ra sao, giàu hôm nay nghèo ngày mai mấy hồi, vậy mà không biết tích cóp, kiệm chi để duy trì tài lộc. Giàu có thì được tôn kính ngưỡng mộ, nghèo rồi thì bị đả kích, khinh bỉ, không muốn bị như thế, sao còn không tiết kiệm đi …

Thắng - Thua

(Thích Tâm Nguyên)

Thắng làm vua, thua làm lại, thất bại có chi đâu ngại. Đừng để thắng thua làm chướng ngại cuộc đời.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|94|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Những đốm rỉ sét sinh ra từ thanh sắt rồi dần dần lớn lên làm mục nát cả thanh sắt. Những thái độ sống không thiện, những hành động không thiện sinh ra từ tâm của mỗi người rồi dần phá nát cuộc đời họ”.

Chúng ta thường nghĩ nhiều đến lỗi lầm, thường nói nhiều đến lỗi lầm, thường tránh xa những lỗi lầm, nhưng thật ra, điều đáng sợ hơn lỗi lầm chính là thái độ; có những thái độ dùng dằng, loanh quanh, lẩn tránh, cố tìm ra một lí do gì đó để che đậy, để bưng bít, dung dưỡng lỗi lầm âm thầm tồn tại và lớn dần lên, rồi phá nát tất cả, như đốm rỉ sét lớn dần rồi làm mục nát cả thanh sắt to.

Chúng ta thường chú ý nhiều đến những khuyết tật nơi thân thể, nhưng thật ra, khuyết tật lớn nhất của con người chính là thái độ sống không tích cực, khuyết tật lớn nhất của con người chính là một trái tim thiếu khuyết tâm từ bi; nên mới có chuyện mặc dù có đôi chân nhưng không đứng vững được trong những điều thiện, có đôi tay nhưng không giữ lại được cho mình sự bình thản mỗi khi đối mặt với tổn thương, có đôi mắt nhưng hiếm khi nhìn thấy được tình người nằm lẩn khuất đâu đó bên trong mớ ngổn ngang cuộc sống, có đôi tai nhưng chẳng mấy khi nghe được bước chân bình yên đi ngang qua hiên nhà mỗi sáng.

Một người mang trong lòng một thái độ sống tiêu cực, trong tâm thiếu khuyết từ bi, dù có hò hét động viên thế nào, cũng không thể làm họ thương được cuộc sống, đến cả bản thân mình họ còn không thương được.

Một người mang trong lòng thái độ sống tích cực, trong tâm đầy từ bi, dù đi qua bao nhiêu tổn thương, họ vẫn luôn thương được mọi thứ.

Thay đổi thái độ, lấy đầy từ bi cho trái tim, sẽ thấy bình yên trong cuộc sống quay trở lại.

Khi mang trong lòng suy nghĩ tích cực, khi mang trong tâm đầy từ bi, chúng ta đang tự tạo cho mình một nguồn năng lượng rất lớn khi đối mặt mọi chuyện.

Người an.



Bật đèn lên

(Thích Tâm Nguyên)

Nếu một ngày bạn cảm thấy mọi thứ trở nên không tốt đẹp, đừng cố làm gì với tâm trí bực bội, bởi càng hành động bạn sẽ càng bế tắc. Nếu bạn thấy không ổn, hãy ngồi xuống, bình lặng, tĩnh tâm một chút đã rồi hãy bắt đầu công việc mới. Như người trong phòng tối, đánh nhau với bóng tối là vô ích, bởi căn bản việc bạn phải làm là bật đèn lên.

Hiểu

(Thích Nhất Hạnh)

Khi ta trồng cây mà cây không lớn tốt, ta không đổ lỗi cho cái cây, mà đi xem xét các lí do vì sao lại như vậy: thiếu nước, thiếu phân bón, hay thiếu ánh nắng mặt trời. Vậy nhưng khi ta có vấn đề với bạn bè hay gia đình ta, ta lại đổ lỗi cho họ. Nếu ta biết cách quan tâm họ, họ cũng sẽ “lớn tốt” như cây cối vậy. Đổ lỗi cho ai đó hoàn toàn là vô nghĩa, tranh cãi cũng vậy. Đó là kinh nghiệm của tôi. Không đổ lỗi cho ai, không tranh cãi, chỉ đơn giản là hiểu. Nếu ta hiểu vấn đề, và thể hiện ra điều đó, ta sẽ luôn có thể yêu thương, và vấn đề đó sẽ được giải quyết.

Áo quý sạch

- Trích “Phép Tắc Người Con”,Bài 14
- Theo Zhengjian,Kiến Thiện biên dịch



Áo quý sạch, không quý đắt
Hợp thân phận, hợp gia đình
Với ăn uống, chớ kén chọn
Ăn vừa đủ, chớ quá no
Tuổi còn nhỏ, chớ uống rượu
Uống say rồi, rất là xấu

Diễn giải

Quần áo cần chú trọng gọn gàng sạch sẽ, không được cầu kỳ hoa lệ đắt tiền. Ăn mặc trước tiên xem xét thân phận của mình và trường hợp hoàn cảnh tham dự, sau đó cân nhắc tình hình kinh tế gia đình.

Ăn uống hàng ngày cần chú ý cân bằng dinh dưỡng, không được kén chọn thức ăn. Ba bữa ăn cần vừa đủ là dừng, không được ăn uống no nê bừa phứa.

Người trẻ tuổi không được uống rượu, bởi vì uống rượu say sẽ ăn nói bừa bãi lung tung, sẽ xuất hiện đủ các loại trạng thái xấu xí khó coi.

Câu chuyện tham khảo: TƯ MÃ QUANG DẠY CON

Tư Mã Quang (1019 – 1086) tên tự là Quân Thực, là nhà sử học và chính trị gia nổi tiếng thời Bắc Tống. Cuộc đời ông có nhiều câu chuyện xúc động được lưu truyền đến nay.

Tư Mã Quang là một viên quan thanh liêm, phẩm cách cung kính khiêm nhường chính trực không thích hoa lệ của ông được ca ngợi nhiều nhất. Thậm chí đối thủ chính trị của ông là Vương An Thạch cũng rất khâm phục phẩm đức của ông, nguyện ý làm hàng xóm với ông.

Đương thời, để hoàn thành bộ lịch sử lớn là “Tư Trị Thông Giám”, ông không những tìm những người như Phạm Tổ Vũ, Lưu Thứ, Lưu Ban làm trợ thủ, mà còn yêu cầu con trai là Tư Mã Khang tham gia công việc này. Khi ông trông thấy con trai đọc sách dùng móng tay để kẹp giở trang sách thì vô cùng tức giận. Vì thế, ông đã nghiêm túc truyền thụ cho con trai kinh nghiệm và phương pháp yêu quý giữ gìn sách:

- Trước khi đọc sách phải lau sạch bàn, trải tấm phủ bàn.

- Khi đọc sách phải ngồi ngay ngắn.

- Khi lật trang sách, trước tiên dùng cạnh ngón tay cái bên phải lật mép trang sách lên, sau đó dùng ngón tay trỏ kẹp nhẹ để giở trang sách.

Ông còn răn dạy con trai rằng: “người kinh doanh buôn bán thì phải tích lũy thêm tiền vốn, người đi học đọc sách thì phải yêu quý giữ gìn sách”.

Trong cuộc sống, Tư Mã Quang tiết kiệm, thuần khiết, chất phác. Ông “cả đời mặc chỉ để che thân, khỏi lạnh, ăn chỉ để no bụng”, nhưng lại “không dám ăn mặc bẩn thỉu rách rưới, cố ý trái với thế tục để cầu cái danh”. Ông thường giáo dục các con rằng, ăn ngon sẽ sinh ra xa hoa, giàu sang sẽ sinh ra xa xỉ. Ông phản đối mạnh mẽ phong tục bại hoại của xã hội đương thời như: làm việc coi trọng hình thức hoành tráng, hào hoa xa xỉ, sai nha binh sỹ cũng ăn mặc như quan lại, nông dân cày ruộng cũng đi giày lụa. Tư Mã Quang dốc sức đề xướng tiết kiệm chất phác, đến nay vẫn còn lưu truyền câu nói nổi tiếng của ông: “từ tiết kiệm sang xa hoa rất dễ, từ xa hoa sang tiết kiệm rất khó” (nguyên văn: do kiệm nhập xa dị, do xa nhập kiệm nan).

Dưới sự giáo dục của Tư Mã Quang, con trai ông là Tư Mã Khang từ nhỏ đã hiểu được tầm quan trọng của tiết kiệm, chất phác, đồng thời tự giác kỷ luật tuân theo tiết kiệm chất phác. Tư Mã Khang cũng đảm nhiệm các chức Hiệu Thư Lang, Trước Tác Lang kiêm Thị Giảng, cũng là người học rộng bác cổ thông kim, liêm khiết và sống cần kiệm chất phác, được người đời sau ca ngợi.

Phụ chú

Nhà Nho: người nghiên cứu học thuật Nho gia, sau này chỉ những người đi học.

Nguyên tác

衣 貴 潔 不 貴 華
上 循 分 下 稱 家
對 飲 食 勿 揀 擇
食 適 可 勿 過 則
年 方 少 勿 飲 酒
飲 酒 醉 最 為 醜

Âm Hán Việt

Y quý khiết, bất quý hoa
Thượng tuần phận, hạ xứng gia
Đối ẩm thực, vật giản trạch
Thực thích khả, vật quá tắc
Niên phương thiếu, vật ẩm tửu
Ẩm tửu túy, tối vi xú

Chú thích

- Quý: chú trọng, coi trọng.

- Khiết: sạch sẽ gọn gàng.

- Hoa: xa hoa, đắt tiền.

- Thượng: trước tiên, trước.

- Tuần phận: tuân theo bổn phận bản thân. Tuần nghĩa là tuân thủ, chiểu theo. Phận nghĩa là bổn phận.

- Hạ: sau.

- Xứng gia: tương xứng với điều kiện, địa vị của gia đình. Xứng có nghĩa là tương xứng. Gia có nghĩa là gia cảnh.

- Giản trạch: kén chọn. Giản nghĩa là lựa chọn. Trạch nghĩa là chọn.

- Thích: hợp, thích hợp.

- Quá tắc: vượt quá tiêu chuẩn, quá lượng. Quá có nghĩa là vượt quá. Tắc nghĩa là chuẩn tắc, phép tắc.

- Thiếu: tuổi nhỏ, tuổi trẻ.

- Xú: trạng thái xấu xí khó coi.

D.P.A (101)

(Ca dao Phật giáo)

MẸ còn là cả trời hoa
CHA còn là cả một tòa kim cương

Nghĩa tình là mãi mãi

(Lâm Anh Hải)



Sống ở trên đời tất cả là phù du
Mối thâm tình cùng nhau xua đi mọi khốn khó
Sống đời lạc quan, yêu thương và gắn bó
Sống thật lòng mình, nghĩa tình chẳng đổi thay

Kết giao chân tình để còn gặp lại nhau
Đời người là bao hãy cùng nhau chia sẻ
Thói đời chẳng qua ba hoa và dối trá
Cũng chẳng được gì khiến lòng thêm sầu bi

Sống đừng khinh khi hay ganh ghét so bì
Mọi người trông thấy ta, từ từ ai cũng xa
Đừng gieo cay đắng cho thế gian sầu
Hãy vui sống chan hòa sẽ thấy đời đẹp hơn

Sống buông không buồn, thói đời là vậy thôi
Những lời thị phi ta đừng màng đến nó
Đời là phù du nghĩa tình là mãi mãi
Sống trước sau như một tình bạn luôn có nhau

Tình người không ... hóa đơn

(Sưu tầm)



Một câu chuyện có thật tại một thành phố ở Ấn Độ, một vị thương gia mất cả ngày trời thương thảo với đối tác, mệt mỏi, ông vào một nhà hàng sang trọng, tự thưởng cho mình bữa tối thịnh soạn. Khi những món ăn đã sẵn sàng trên bàn, bất chợt ông nhìn thấy một cậu bé đang nhìn trộm qua cửa kính, ánh mắt vô cùng thèm thuồng. Có gì đó đâm nhói trong tim, ông vẫy cậu bé vào. Cậu bé dắt theo một đứa em gái nhỏ. Hai đứa trẻ chăm chăm nhìn vào những dĩa thức ăn nóng hổi, chẳng cần biết người gọi chúng vào là ai.

Vị thương gia bảo chúng cứ ăn thỏa thích. Và, không nói, không cười, hai đứa trẻ ngấu nghiến ăn hết các món ngon lành trên bàn. Vị thương gia im lặng nhìn hai đứa trẻ ăn và rời đi, ông thấy cơn đói được xua tan một cách lạ kỳ, một cảm giác khó tả lâng lâng trong lòng …

Vị thương gia gọi lại món ăn, nhẩn nha thưởng thức, sau đó gọi thanh toán. Ông xem tờ hóa đơn, một giọt nước mắt khẽ rơi. Ông nhìn người đàn ông tại quầy thu ngân và mỉm cười, anh ta đáp lại bằng nụ cười rạng rỡ. Tờ hóa đơn không hề ghi số tiền mà chỉ có một lời nhắn: “thật đáng tiếc, chúng tôi không in được hóa đơn thanh toán cho tình người, chúc Ngài luôn hạnh phúc !”.

Vị thương gia dùng “đức”, lấy tình thương đối xử với người nghèo.

Chủ nhà hàng dùng “nghĩa” đáp lại “đức”.

Không biết ai hơn ai ?

Người xưa có câu: “ngồi trên đống cát, ai cũng là hiền nhân, quân tử, ngồi trên đống vàng mới biết ai thật sự là quân tử, hiền nhân”.

Tình yêu thương luôn đem đến những điều kì diệu cho cả người cho đi và người nhận lại. Hạnh phúc mà tình yêu thương đem lại cho cả hai là cảm giác bình yên và thật sâu lắng, xóa tan mọi đau khổ và bất hạnh.

Vạn vật tồn tại trên thế giới này đều không thể sống mãi với thời gian, ngay cả con người cũng không thể đi ngược lại hay cưỡng cầu với quy luật của thời gian. Theo thời gian, mọi thứ đều biến hóa và đổi thay khôn lường, có thể sinh ra hoặc mất đi, có thể phát triển hay lụi tàn, cái gì có đến chắc chắn sẽ có đi, không bao giờ là tồn tại mãi mãi. Nhưng, đó chỉ đúng với vật chất ngoài thân, có một thứ mà con người có thể gìn giữ nó tồn tại mãi với thời gian đó chính là tình người.

Chuyển hóa

- Thích Đạt Ma Phổ Giác

Làm phước, bố thí, cúng dường hay nâng đỡ cho nhau ... là con đường dẫn đến tình yêu thương nhân loại, là cách thức để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc, nhằm giúp cho ta và người cùng ngồi lại bên nhau, để được sống bằng trái tim yêu thương có hiểu biết.