V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|66|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Giữa rừng sâu, đầy muôn thú, gã voi rừng cũng phải tự nỗ lực hết sức để thoát ra khi bị sa lầy. Giữa thế giới đông đúc người, ai cũng chỉ có thể một mình đi qua hết những biến cố bằng chính nội lực tự thân. Vì vậy, đừng phàn nàn nhiều mà hãy yên lặng nỗ lực, cố gắng để có một nội tâm mạnh mẽ để tự cứu lấy mình”.

Có nụ cười ở gần lắm, của những người ở ngay bên cạnh mình, đưa tay ra là chạm vào được, nhưng lại không bao giờ có thể mang về để lấp đầy một ngày buồn. Vì nụ cười là của người, còn ngày buồn là của ta.

Có những ngày, đứng giữa dòng người ngược xuôi tấp nập, nhưng bản thân mình lại không biết đi đâu. Vì con đường là của người, còn đôi chân là của ta.

Những được mất, đổ vỡ, tàn phai … ai cũng phải đối diện nhiều lần, người nào cảm nhận được câu kinh “vô thường” sâu sắc hơn, người đó sẽ đi qua nhanh hơn, bằng không, cứ phải loanh quanh mãi trong đám gai đó. Rồi bị đau hơn người. Không ai thay thế ai đi qua được.

Những hẹp hòi hơn thua, ai cũng từng gặp phải, người càng rộng lượng càng dễ thoát ra, bằng không, sẽ chết ngạt trong đó. Không ai giải thoát cho ai được.

Ngày và đêm nối nhau, làm nên tháng năm. Niềm vui và nỗi buồn đan xen nhau làm nên cuộc sống. Nên cuộc sống có những ngày vui và những ngày rất buồn.

Khi không tự bảo vệ được mình trong những ngày buồn, kẻ đó sẽ rất dễ đánh mất mình trong những ngày vui.



Lạy Phật, tụng Kinh … có công đức, có phước đức gì chăng ?

(Sưu tầm)



“Tụng Kinh thì có công đức hay phước đức gì không, và có được Phật thương, Phật gia hộ gì không ?”

Kinh điển là lời và ý của Phật dạy cho chúng ta biết hiểu để tu tập thân tâm, nhờ vào sự tu tập thân và tâm thì chúng ta mới có giác ngộ và giải thoát. Kinh điển chỉ là phương tiện để cho chúng ta biết con đường tu tập cho đúng cách tạo công đức cho mình, vì vậy đọc tụng hiểu được nghĩa của Kinh để thực hành tu tập thân và tâm thì khi đó mới có công đức. Còn người tụng đọc Kinh mà không tu tập thì chẳng có công đức gì cả, dù hàng ngày chúng ta có tụng đọc bao nhiêu thời kinh thì cũng chẳng có công đức gì.

Kinh chúng ta tụng đọc rõ ràng, mạch lạc, có sức cuốn hút tạo cho người khác nghe, thấy được ý và nghĩa của Kinh, giúp cho người khác tinh tấn thêm trong việc tu tập hoặc người khác nghe thấy sự tốt đẹp của Kinh, mang lại lợi ích cho cuộc sống của họ, để họ tìm hiểu học theo lời Phật dạy, thì khi đó chúng ta có phước đức. Đó là chúng ta được người kính trọng thương yêu trong cuộc sống.

Chúng ta tụng đọc Kinh có được Phật thương Phât gia hộ không ? Xin thưa, không hề có chuyện đó, vì Đức Phật của chúng ta không cần chúng ta đọc lại lời Ngài dạy cho Ngài nghe. Mặt khác, lòng từ bi của Đức Phật đối với chúng sanh là hoàn toàn bằng nhau, không có chuyện con Phật dòng họ, bà con của Phật, hay là đệ tử của Phật thì Phật thương hơn người khác. Lòng từ bi của Đức Phật mang tính bình đẳng tuyệt đối, vì vậy người tụng đọc Kinh hay người không tụng đọc hoàn toàn như nhau.

Và cũng như thế, Đức Phật không cần chúng ta lễ lạy Ngài, và sự lễ lạy đó cũng không được Phật thương hơn người không lễ lạy Phật. Vì vậy, chúng ta không cần phải lễ lạy Ngài 500 lạy hay 1000 lạy mỗi ngày. Đức Phật là một người thầy dẫn đường vĩ đại của nhân loại, vì vậy chúng ta lễ lạy Phật là thể hiện lòng tôn kính đối với Ngài và cao hơn nữa lễ Phật và tụng đọc Kinh điển để chuyển hóa tâm mình tinh tấn tu tập thân và tâm ấy mới là công đức vô lượng cho chúng ta.

Ngoài việc tu tập hằng ngày, tụng đọc Kinh nếu nhất tâm, không để tâm mình loạn động theo cảnh, đạt cảnh giới từ nhất niệm đến vô niệm là cận định cho tâm thanh tịnh, và khi tâm thành thục có thể đạt được tâm thanh tịnh.

Trong lịch sử phật giáo Ngài Huyền Giác thiền sư tụng đọc Kinh Duy Ma Cật mà chứng tâm thanh tịnh đại ngộ.

Trong kinh pháp cú Đức Phật có dạy:

“Dẫu tụng nhiều Kinh điển
Không hiểu, ích lợi gì
Chỉ rõ một câu Pháp
Thực hành sẽ đắc đạo”

Công đức là thành quả tu tập thân tâm mà chúng ta có được. Vì vậy nó tồn tại lâu dài giúp cho thân và tâm ta có an lạc trong cuộc sống, và nó còn tạo ra phước đức cho chúng ta nữa. Công đức làm cho nhân quả của chúng ta luôn tốt đẹp, không có sự mất đi trong cuộc sống. Phước đức là nghiệp lành, quả tốt mà chúng ta tạo ra khi mang đến những lợi ích cho người và chúng ta được nhận lại. Phước đức mang tính chất tương đối, không lâu dài và có thể còn mất.

D.P.A (76)

(Bùi Giáng)

Em ngó buổi chiều buồn có phải
Buồn cũng như buồn những buổi chiều xưa
Tròng con mắt đã mỏi mòn có phải
Sắc của trời, hương của đất lưa thưa

Những nhịp bước bên đường còn dội mãi
Vang về đâu không vọng lại hồi âm
Của réo rắt riêng một lần mãi mãi
Gió phương trời ù mộng giữa hoa tâm

Em hỏi mãi tuy biết lời đáp lại
Chẳng bao giờ thoả đáng giữa đời câm
Em ngó mãi những chiều về trở lại
Mang những gì về trong cõi trăm năm



Em xin vừa đủ

(Thích Tánh Tuệ)



Em xin ... vừa đủ muộn phiền
Để môi còn biết làm duyên nụ cười
Em xin vừa đủ niềm vui
Để em biết sống ngọt bùi sẻ chia

Em xin vừa đủ bạn bè
Khi đời mưa gió ... vỗ về, ủi an
Em xin vừa đủ trái ngang
Để thương thêm cảnh lầm than kiếp người

Em xin vừa đủ ơn đời
Đề hồn chan chứa một trời yêu thương
Em xin biết sống khiêm nhường
Dù thành công chẳng xem thường một ai

Em xin vừa đủ chông gai
Đường đời thất bại không thay đổi lòng
Em xin vừa đủ ước mong
Nhưng không hoang tưởng, đèo bòng vẩn vơ

Em xin biết đợi, biết chờ
Để tin vui đến bất ngờ hân hoan
Em xin có đủ hành trang
Từ - Bi - Trí - Tuệ bình an bước đời

Em xin biết sống thảnh thơi
Biết tri túc giữa gọi mời muốn, tham
Và xin tư tưởng, nói, làm
Vun bồi đức hạnh Ưu Đàm tỏa hương

Em xin thấu hiểu vô thường
Để em tìm đến cội nguồn Chân Như
Tay em biết mở Kinh thư
Trần duyên lắng đọng, huyễn hư đoạn lìa

Em xin phát nguyện Bồ Đề
Phương trời giải thoát ... em về tinh khôi

Luận về tình yêu

(Sưu tầm)



Hai thầy trò tăng sỹ nhàn nhã ngồi pha trà nói chuyện, bởi ngày lễ Tình Nhân vừa đến nên họ cũng nhân đó mà nói một chút về chủ đề này.

Đệ tử:

- Người tình là gì, thưa thầy ?

Sư phụ:

- Người tình là người yêu, là kẻ thù, là người xa lạ.

Đệ tử:

- Tại sao thầy lại nói vậy ?

Sư phụ:

- Khi hai người yêu nhau, thì họ là người yêu; khi phản bội nhau, họ là kẻ thù; khi xem nhau như người dưng, thì họ là người xa lạ.

Đệ tử:

- Tại sao mọi chuyện lại thành sự tình như sư phụ nói ?

Sư phụ:

- Tình được sinh ta từ sự ham muốn yêu đương, có ham muốn thì nảy sinh chấp trước, bởi vì chấp trước mà muốn chiếm hữu, từ đó không tự mình nhận ra tham vọng muốn khống chế đối phương. Khi mọi sự không như ý, lòng dạ trở thành đa nghi, ghen tuông, tức giận, vì thế nên mâu thuẫn, cãi vã, mất niềm tin, khiến cho nhau tổn thương, lỗ mãng với nhau, thậm chí còn hủy hoại đối phương.

Đệ tử:

- Sao họ lại không trân quý nhau ? Nếu không thể ở bên nhau thì sao lại không chúc phúc cho nhau đường ai nấy đi ?

Sư phụ:

- Người vô lý rất nhiều, người hiểu lý lẽ lại ít ỏi vô cùng. Người ích kỷ nhiều, người vô tư lại càng ít. Người ngang ngược nhiều, người biết cảm thông chỉ là thiểu số. Người đề cao cái tôi của mình cũng nhiều, còn đứng vào vị trí người khác để xem xét vấn đề lại chẳng có mấy ai. Con thử nghĩ mà xem, người có thể thấu hiểu cho người khác phải là người hiểu được lý lẽ, từ đó mới có thể khoan dung và nghĩ đến quyền lợi của người khác.

Đệ tử:

- Phải chăng vì lẽ đó mà sư phụ xuất gia ?

Sư phụ:

- Khi một người bắt đầu bước vào yêu, họ đâu hiểu rằng sẽ trải qua những thăng trầm. Lúc mới bắt đầu thì mọi thứ là mùa xuân, hết thảy đều mỹ hảo. Sau đó là hạ đến, mâu thuẫn không ngừng xuất hiện. Và khi thu về, mọi thứ dần trở nên lãnh đạm. Cuối cùng là mùa đông, thời điểm tình cảm đã hoàn toàn không còn nữa. Ấy thế nhưng tình này vẫn triền miên kiếp người, họ lại đi tìm một người tiếp theo để giẫm lên vết xe đổ. Bởi vì đông qua xuân lại đến, cứ như thế tuần hoàn. Đây chính là dòng sông chứa dục vọng yêu đương của chúng sinh, là nguyên nhân chủ yếu của luân hồi.

Đệ tử:

- Vậy sư phụ sẽ không khuyến khích mọi người yêu nhau phải không ?

Sư phụ:

- Ta không thể nói “tốt”, cũng không thể nói “không tốt”, làm thế nào mới là “tốt nhất”, chính là do tự mình quyết định.

Đệ tử:

- Nếu như không yêu nhau, thì sẽ không có kết hôn. Không kết hôn, thì sẽ không có con cái. Không con không cái, thì sẽ không có nhân loại. Không có nhân loại, chẳng phải thế giới sẽ hoang phế sao, thưa sư phụ ?

Sư phụ:

- Con không cần phải bận tâm, do duyên nợ chúng sinh đã gieo với nhau trong nhiều đời kiếp quá khứ, một khi gặp lại họ sẽ tự động bám vào nhau như nam châm, muốn tránh né duyên nghiệp đã gieo cũng rất khó. Có người hỏi ta, nếu ai ai cũng xuất gia, thì kinh tế của đất nước sẽ ra sao, nhân loại sẽ tiếp tục như thế nào, ta trả lời họ rằng: “giả thiết của thí chủ hoàn toàn không có cơ sở, chẳng qua chỉ là bản thân thí chủ cơ bản không muốn xuất gia, bàn tay có ngón ngắn, ngón dài, khi nào năm ngón bằng nhau thì họa may chuyện đó mới xảy ra”.

Cha Mẹ lỗi

- Trích “Phép Tắc Người Con”,Bài 6
- Theo Zhengjian,Kiến Thiện biên dịch



Cha Mẹ lỗi, khuyên thay đổi
Mặt ta vui, lời ta dịu
Khuyên không nghe, vui can tiếp
Dùng khóc khuyên, đánh không giận

Diễn giải

Cha Mẹ có lỗi lầm thì phải cố gắng khuyên can để Cha Mẹ sửa chữa, quy chính, bản thân mình cần phải có vẻ mặt hòa nhã vui vẻ, nói năng dịu dàng. Cha Mẹ không nghe lời khuyên can thì phải đợi đến khi Cha Mẹ vui rồi khuyên can tiếp, nếu vẫn chưa được thì khóc lóc cầu xin, cho dù bị Cha Mẹ đánh cũng không hề có một lời oán hận.

Câu chuyện tham khảo: TÚ TRINH KHUYÊN MẸ CỨU EM GÁI

Vào thời nhà Minh, mẹ của Dương Tú Trinh sinh liền ba người con gái, không có con trai, sinh người con thứ tư cũng vẫn là gái, bà tức giận lắm, muốn dìm chết đứa trẻ sơ sinh. Khi đó Dương Tú Trinh 13 tuổi, cô vội vàng chạy đến ôm lấy em gái rồi quỳ xuống cầu xin Mẹ: “Mẹ à, vì con trai mà sát hại con gái thì càng không thể có được con trai đâu, nếu Mẹ phiền não vì phải lo của hồi môn sau này thì hãy lấy con làm của hồi môn cho em gái này”.

Bà Nội chửi cô không hiểu sự đời, Tú Trinh quỳ xuống thưa với Bà Nội rằng: “Bà Nội ngày ngày niệm Phật, bây giờ thấy người sắp chết mà không cứu thì niệm Phật để làm gì ?”. Bà Nội cảm động và đã minh bạch ra, thế là giữ bé gái sơ sinh lại nuôi. Hai năm sau, mẹ Tú Trinh quả nhiên đã sinh được một bé trai. Khi mẹ sinh em trai, cha Tú Trinh mộng thấy ông Nội nói với Cha rằng: “nếu đứa con gái thứ tư mà không giữ lại thì đứa con trai này nhất định không thể nào sinh được”. Chính vì những lời Tú Trinh năm xưa quỳ xuống cầu xin khuyên can, lòng chí hiếu đã cảm động đến Thượng Thiên nên nhà họ Dương mới có được người nối dõi.

PHỤ CHÚ

Nguyên tác

親 有 過 諫 使 更
怡 吾 色 柔 吾 聲
諫 不 入 悅 復 諫
號 泣 隨 撻 無 怨

Âm Hán Việt

Thân hữu quá, gián sử canh
Di ngô sắc, nhu ngô thanh
Gián bất nhập, duyệt phục gián
Hào khấp tùy, thát vô oán

Chú thích

• Gián: khuyên can, can ngăn

• Canh: thay đổi

• Di: ôn hòa vui vẻ

• Ngô: tôi, ta

• Sắc: sắc mặt, vẻ mặt

• Nhu: nhu hòa, dịu dàng

• Bất nhập: không tiếp thu

• Duyệt: vui vẻ

• Phục: lại

• Hào khấp: khóc lóc. Hào có nghĩa là kêu khóc lớn. Khấp có nghĩa là khóc sụt sịt

• Tùy: theo sau, theo cùng

• Thát: đánh đòn

• Oán: oán trách

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|65|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Đừng theo đuổi những điều tầm thường. Đừng chất chứa trong lòng những điều hạ liệt. Đừng nghe những lời làm mình lạc lối. Đừng gom góp những nguyên nhân mang đến khổ đau đổ vào cuộc đời mình”.

Có những con đường rất dài, nhiều trắc trở, nhưng nhiều người vẫn muốn đi cho hết, vì cuối con đường ấy là một nơi rất đẹp. Đáng để đi.

Có những người chấp nhận những trắc trở để đi đến cùng với một ai đó, vì kẻ ấy có những lý tưởng thật hay. Đáng để sống.

Đừng theo đuổi những điều tầm thường, đừng gom góp cất vào lòng những điều hạ liệt, đừng sống cuộc đời vụn vặt, để người ta bỏ mình không chút luyến tiếc. Một chiếc cốc bẩn, để đâu cũng được, đặt đâu cũng xong. Nhưng một chiếc cốc sạch, chứa đựng trong đó thứ có giá trị, người ta phải che đậy cẩn thận, phải tìm kiếm một chỗ thích hợp để cất giữ, phải thường xuyên để tâm tới.

Đừng chất chứa trong lòng những điều tầm thường để người tùy ý bỏ mặc ta ở đâu cũng được.

Đừng nuôi dưỡng trong lòng những điều tầm thường.



Tìm kiếm vị thầy

- Chẳng Có Ai Cả
- Thiền Sư Ajahn Chah

Tìm kiếm những gì bên ngoài chúng ta chỉ là sự so sánh và phân biệt. Không thể tìm kiếm hạnh phúc bằng cách này. Không thể tìm kiếm hạnh phúc bằng cách truy tầm cho ra một người hay một vị thầy hoàn hảo. Đức Phật dạy chúng ta phải tìm kiếm giáo pháp, tìm kiếm chân lý chứ đừng tìm kiếm người nào.

Bình an nằm ngay trong chúng ta, nó ở cùng chỗ với bất an và đau khổ. Không thể tìm bình an trong rừng sâu hay trên đồi cao. Cũng không thể tìm bình an nơi vị thầy khả kính khả ái. Ở đâu có đau khổ ở đó có con đường thoát ly.

Khổ chỗ này người ta chạy đến chỗ kia. Chỗ mới này khổ họ lại chạy nữa. Họ tưởng rằng chạy thoát khỏi khổ đau, nhưng thực ra không phải vậy. Họ mang đau khổ đi mọi nơi mà không biết. Không biết đau khổ sẽ không biết nguyên nhân của khổ đau. Không biết nguyên nhân của khổ đau sẽ không biết chấm dứt đau khổ. Do đó không có cách gì để thoát khỏi khổ đau.

Phải tự mình thấy giáo pháp. Tự mình ở đây có nghĩa là tự mình thực hành. Bạn chỉ có thể dựa vào thầy năm mươi phần trăm mà thôi. Ngay cả giáo pháp tôi hướng dẫn cho bạn cũng chỉ là những lời nói suông, vô ích. Nếu bạn tin những điều đó với lý do là do tôi nói thì bạn cũng chẳng sử dụng những lời dạy của giáo pháp một cách thích nghi. Nếu bạn hoàn toàn tin tưởng nơi tôi, thì bạn thật là điên rồ.

Hãy lắng nghe giáo pháp, thấy được lợi ích của giáo pháp rồi tự mình đem ra thực hành để thấy giáo pháp trong chính bạn, điều đó mới thật có lợi ích lớn lao.

Nếu có thể thấy chân lý của Đức Phật một cách dễ dàng thì chúng ta không cần phải có nhiều thầy dạy. Khi hiểu những lời dạy của Đức Phật thì chúng ta chỉ cần làm những gì cần làm.

L I F E

(Mother Teresa)

Life is an opportunity, benefit from it.
Life is beauty, admire it.
Life is a dream, realize it.
Life is a challenge, meet it.
Life is a duty, complete it.
Life is a game, play it.
Life is a promise, fulfill it.
Life is sorrow, overcome it.
Life is a song, sing it.
Life is a struggle, accept it.
Life is a tragedy, confront it.
Life is an adventure, dare it.
Life is luck, make it.
Life is too precious, do not destroy it.
Life is life, fight for it.

Cuộc sống là một cơ hội, được hưởng lợi từ nó.
Cuộc sống thật đẹp, hãy ngưỡng mộ nó.
Cuộc sống là một giấc mơ, nhận ra nó.
Cuộc sống là một thách thức, đáp ứng nó.
Cuộc sống là một nhiệm vụ, hoàn thành nó.
Cuộc sống là một trò chơi, hãy chơi nó.
Cuộc sống là một lời hứa, thực hiện nó.
Cuộc sống là đau khổ, vượt qua nó.
Cuộc sống là một bài hát, hát nó.
Cuộc sống là một sự thử thách, chấp nhận nó đi.
Cuộc sống là một bi kịch, đối đầu với nó.
Cuộc sống là một cuộc phiêu lưu, hãy dám (phiêu lưu) nó.
Cuộc sống là may mắn, hãy nắm bắt nó.
Cuộc sống là quý giá, đừng phá hủy nó.
Cuộc sống là cuộc sống, hãy chiến đấu vì nó.



Chi rồi cũng qua

(Thích Tánh Tuệ)



Rồi cũng qua đi những nhọc nhằn
Đường đời mấy độ bước trầm - thăng
Niềm vui, nỗi khổ, tìm mây khói
Còn lại yên bình mỗi bước chân

Rồi cũng nhòa trôi những nụ cười
Tiệc tùng, hoa lệ hẹn ... phai phôi
Ai người thấu hiểu đời như mộng
Chẳng tiếc ngày qua, chẳng ngậm ngùi

Đôi lúc ... nghe lòng như khói sương
Cõi tình hư thực giữa vô thường
Trăm năm bóng nguyệt dòng lưu thủy
Mong vớt làm chi … “chuốt” đoạn trường

Rồi cũng qua dần bao giấc mơ
Trả ta về lại thuở hoang sơ
Hỏi người thiên cổ từng xây mộng
Đã toại nơi lòng hay vẫn chưa ?

Rồi cũng xuôi dòng trôi tháng năm
Bồng bềnh danh lợi cuốn xa xăm
Đã quá nửa đời nay mới hiểu
Cội nguồn gia bảo vốn nơi tâm

Ngày cũng trôi qua giống mọi ngày
Khác là Tỉnh Thức giữa cuồng say
Xưa tìm hạnh phúc nơi phiền muộn
Giờ Sống bây chừ, Sống tại đây

Những sự việc làm hao tổn phúc đức đời người

(Sưu tầm)



Người xưa khuyên rằng, hành thiện sẽ tích được phúc báo. Nhưng trong cuộc sống, có rất nhiều việc chúng ta vô ý làm sẽ không những không tích được phúc báo mà còn khiến phúc báo bị hao tổn mất. Dưới đây là sáu hành vi khiến phúc báo của một người bị hao tổn nhanh nhất mà chúng ta nên tránh xa.

Thường xuyên sát sinh

Sát sinh là hành vi đứng đầu trong những hành vi làm hao tổn phúc báo nhanh nhất. Trong cuộc sống hàng ngày, sát sinh là việc khó “đoạn tuyệt” được, nhưng nếu không nhất định phải sát sinh thì chúng ta hãy hạn chế sát sinh, bởi vì sát sinh chính là cách làm hao tổn dần phúc báo của bản thân, đến khi đã hưởng hết phúc báo từ đời trước thì chúng ta sẽ phải chịu nghiệp báo của sát sinh gây ra.

Tức giận, oán giận, cáu kỉnh

Thường thì những người phụ nữ không hay tức giận thì con cháu sống thọ hơn. Phụ nữ thường xuyên tức giận cáu kỉnh, sinh con sẽ khó nuôi. Phát giận là điều cứu không được, tức giận chính là “lửa thiêu rừng công đức”, chỉ một cơn lửa giận có thể thiêu cháy hết cả phúc đức.

Người xưa thường khuyên rằng: oán giận một lần đối với một người bình thường sẽ làm tiêu tan phúc đức tích lũy trong một trăm kiếp, oán giận một lần đối với cha mẹ - người lớn tuổi - người đại đức - sẽ làm tiêu tan phúc đức tích lũy trong một ngàn kiếp, oán giận cha mẹ hậu quả rõ ràng nhất là “phúc mỏng mệnh nông”.

Xung đột với cha mẹ, người bề trên

Chống đối, mâu thuẫn với cha mẹ là việc đứng đầu trong những việc làm “tổn phúc bại lộc”, vô luận là cầu cái gì cũng đều không đạt được, ngàn vạn lần cầu cũng uổng công bởi vì tích phúc không có mà tổn phúc lại nhanh. Sự việc, nhân duyên, làm việc đều không thuận … Nếu như công việc không thuận lợi, cảm tình thống khổ lập tức hiếu thuận với cha mẹ, cha mẹ vui mừng thì hết thảy thiên nhân, quỷ thần đều sẽ đến bảo hộ.

Người không chống đối, không có mâu thuẫn với cha mẹ thì công việc sẽ thuận lợi, có nhân duyên tốt đẹp. Nếu như từ nhỏ đã không có mâu thuẫn gì với cha mẹ thì cho dù xuất thân trong gia đình nghèo khó sau này lớn nên cũng có thể trờ thành người có sự nghiệp. Người dùng tiền tài nuôi dưỡng cha mẹ, tương lai tất sẽ giàu có, khá giả. Hiếu thuận nhưng không dùng vật phẩm tiền tài nuôi dưỡng cha mẹ thì cho dù làm đại quan cũng sẽ thiếu hụt tài phú. Nói xấu xuyên tạc bậc thánh hiền, đại đức, một câu làm tổn hại một trăm thiện, làm hỏng hết huyết mạch phúc báo của gia đình.

Oán trời trách người, bàn lộng thị phi, ghen ghét người khác

Những điều này làm tổn hại đức khí và hòa khí của trời đất, tài vận sẽ bị hủy diệt. Nếu như không có của cải của tổ tiên che chở thì nhất định sẽ bần cùng, làm việc không thuận. Oán trời trách người một lần sẽ làm tiêu tan ba thiện. “Người gặp nghịch cảnh mà không oán trời trách người thì nhất định sẽ có hậu phúc và con cháu thịnh vượng”, ghen ghét châm chọc, nói xấu người khác cái gì thì tương lai cũng sẽ phải chịu như thế.

Khoe khoang, khoa trương bản thân

Khoe khoang bản thân, ở đâu cũng đề cao mình, cũng tự mãn, sẽ khiến quỷ thần ghen ghét mà phá bỏ. Cho nên, khoe khoang cái gì thì tương lai sẽ bị mất đi thứ đó.

Nói điều xấu, điều không đúng về người khác

Nói những điều xấu về người khác là làm tổn thương đến hòa khí giữa trời và đất mà chiêu mời tai họa mà quỷ thần giáng xuống. Hơn nữa, dùng một chút những lời nói đồn đại không đúng sự thật để khoa trương bản thân khiến cho người bị nói sẽ tức giận khó chịu thì sao có thể sống bình an đây ?

Trời đất đã sinh ra dược thảo khiến vạn vật thoải mái, cũng sinh ra độc thảo đầu độc vạn vật. Trời đất dưỡng dục người lương thiện, quân tử cũng dưỡng dục tiểu nhân. Mặt trăng mặt trời chưa bao giờ chỉ soi sáng cho người lương thiện mà không soi sáng cho người ác. Nước biển chưa bao giờ chỉ thu nạp dòng nước tinh khiết, cự tuyệt dòng nước ô nhiễm. Cho dù chúng ta có bao nhiêu sai lầm khuyết điểm thì trời đất, mặt trăng mặt trời cũng chưa bao giờ yêu cầu chúng ta điều gì. Cho nên, chúng ta cũng không thể yêu cầu người khác, xa lánh người thương tổn đến mình mà cho đó là tiểu nhân, ác nhân. Hãy mở rộng lòng mình mà bao dung hết thảy, chúng ta sẽ được nhiều hơn.

Người xưa có câu: “Thái sơn bất từ thổ nhưỡng, hà hải bất trạch tế lưu” là có ý khuyên rằng làm người phải tiếp nhận được hết thảy mọi người, kể cả người không cùng suy nghĩ, quan niệm và hành vi, thì mới có thể thành tựu chính bản thân mình.


Lòng tốt là ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy

(Sưu tầm)

Trong cuộc sống đời thường, nếu bạn có thể giữ vững được nguyên tắc làm người “làm ơn mà không cần đáp trả, nhận được ơn huệ mà không bao giờ quên” thì bạn nhất định sẽ tích được đại đức cho tương lai. Có một số người mặc dù cũng biết được rằng làm việc thiện là tốt, nhưng một khi làm việc thiện không nhận được sự báo đáp đã nhanh chóng trở nên nản chí, ngã lòng, thậm chí họ còn nghi ngờ rằng, thế gian liệu có thực sự tồn tại thiên lý “thiện - ác có báo” ? Điều này đơn giản là bởi vì lòng nhân từ của họ không đủ trong sáng, thuần túy.

Một người thực sự lương thiện thì giống như là nước, nước nuôi dưỡng tất cả các sinh linh, tưới tắm cho vạn vật, nó không tranh đấu vì quyền lợi, và cũng không cần sự báo đáp, đây chính là sự khiêm nhường lớn nhất và đức hạnh cao cả nhất.

Hiện nay, khi mà cuộc sống ngày càng trở nên hối hả, bon chen, con người ta đôi khi bị cuốn theo nhịp sống công nghiệp, sống gấp sống vội mà bỏ quên đi sự quan tâm giúp đỡ dành cho mọi người xung quanh, thậm chí, giữa thời buổi “thật giả lẫn lộn” điều này càng cổ vũ cho thói vô cảm, khiến nhiều người mặc dù thấy hoạn nạn mà không dám giúp đỡ vì sợ bị lừa gạt, sợ trở thành nạn nhân của các trò dàn cảnh trấn lột, thôi miên, lừa đảo …

Tuy vậy, thực tế, nhiều hành động tốt đẹp, giúp đỡ người khác mà không cầu tư lợi, báo đáp vẫn được chia sẻ nhằm khiến lòng tốt lan tỏa. Tất cả những hành động tuy rất giản dị, gần gũi, nhưng lại có sức lay động lòng người, dù bất kì ai cũng có thể làm được, nhưng liệu bạn có bao giờ tự hỏi mình, nếu ở vào hoàn cảnh đó, bạn có thực sự sẵn lòng cho đi lòng tốt của mình mà không cầu bất kì điều gì không …

Lòng tốt có thể làm được nhiều điều kỳ diệu, như mặt trời toả sáng trong những ngày lạnh giá, như mặt trăng chiếu sáng những đêm mịt mù, như làn gió xua tan sự oi bức.


Lòng tốt chính là những hành động tử tế

Một người phụ nữ mù bắt taxi tới một tòa nhà. Lúc đến nơi, đồng hồ hiển thị số tiền là 100 ngàn đồng. Tài xế taxi dẫn cô vào chỗ an toàn rồi nói: “tôi không thu tiền của cô, bởi vì so với cô thì việc kiếm tiền của tôi chắc là dễ dàng hơn”.

Vừa đúng lúc này, từ trong khu cư xá, người đàn ông có dáng vẻ của một ông chủ đi ra, ông cũng lên chiếc xe taxi đó rồi đi. Trên đường, hai người đàn ông vui vẻ chuyện trò cùng nhau, khi xuống xe, đồng hồ hiển thị số tiền là 100 ngàn đồng nhưng người đàn ông lấy ra số tiền 200 ngàn và nói: “tiền này bao gồm cả số tiền của người phụ nữ lúc nãy, tôi cũng không phải vĩ đại gì, nhưng chắc là việc kiếm tiền cũng dễ dàng hơn cậu một chút, hy vọng cậu có thể tiếp tục làm việc tốt !”

Lòng tốt được người truyền người - tâm truyền tâm

Vào đêm bão tuyết ở Texas, nước Mỹ, chàng trai tên Kress đi ô tô và bị mắc kẹt tại khu bão tuyết. Anh ta vô cùng lo lắng, nhưng đúng lúc ấy, một người đàn ông đi qua thấy được tình cảnh này, liền không nói năng gì mà dùng ngựa của mình kéo ô tô của Kress về thị trấn nhỏ. Sau đó, Kress cảm kích và lấy ra rất nhiều tiền đưa cho người đàn ông này để tỏ lòng biết ơn. Song, ông ta nói: “tôi giúp cậu không cần báo đáp, tôi chỉ mong cậu hứa với tôi một điều, lúc gặp người khác khó khăn phải hết lòng giúp đỡ họ”.

Vì thế, sau này, Kress luôn chủ động giúp đỡ rất nhiều người. Hơn nữa mỗi lần giúp ai đó, anh lại nhắc lại câu mà người đàn ông đó đã nói với mình. Nhiều năm sau, khi Kress đột nhiên bị mắc kẹt trong trận lũ quét trên hòn đảo, một nam thanh niên đã liều mình cứu sống anh. Lúc Kress cảm ơn thanh niên kia, không ngờ cậu ta cũng nói một câu giống y như câu mà Kress đã nói vô số lần: “tôi giúp ông không cần báo đáp nhưng muốn ông hứa …”

Kress cảm thấy thật ấm áp và thầm nghĩ: “hóa ra, mình đã tặng tình yêu thương cho nhiều người và cuối cùng nó đã thông qua cậu thanh niên này mà trả lại, những việc tốt mà mình đã làm trong cuộc đời, cuối cùng mình cũng sẽ được nhận lại mọi thứ”.

Lòng tốt nhiều khi không biểu đạt qua tiền bạc, lòng tốt chính sự sẻ chia chân thành

Lòng tốt đến từ cái nhìn biểu cảm, từ sự sẻ chia, từ sự tiếp xúc ân cần. Nó là mọi thứ làm người khác ấm lòng, ở mọi nơi mọi lúc. Không phải chỉ khi có tiền, người ta mới có thể làm người tốt, mới có thể mang đến niềm vui cho người khác.

Có hai cậu bé tình cờ gặp nhau. Một cậu mồ côi luôn ước ao được bay như chim tới những vùng đất khác. Một cậu bị liệt ngồi trên xe lăn được bố đưa đi dạo, cậu ao ước có thể đi và chạy như các bạn nhỏ khác.

Cậu bé muốn bay như chim hỏi cậu bé bị liệt xem liệu có cách nào có thể mọc thêm cánh để bay lượn trên bầu trời. Cậu bé bị liệt đáp rằng mình không biết, giờ cậu chỉ mong muốn có thể đi và chạy thôi.

Cậu bé mồ côi nhìn bạn đầy thương cảm và ước mình có thể giúp được người bạn kia. Và thế là cậu bé mồ côi đã nghĩ ra một trò chơi, cậu bảo bạn trèo lên lưng, bắt đầu đứng lên và chạy. Những bước chân ban đầu còn chệnh choạng, càng về sau lại càng nhanh hơn. Trên lưng, người bạn tật nguyền ôm ghì lấy cổ, cậu dần không cảm thấy gánh nặng trên lưng mà như được tiếp thêm sức mạnh, đôi chân cậu lướt chạy băng băng, cho tới lúc cả hai cảm nhận gió đang tạt mạnh vào mặt. Quá phấn khích, cậu bé tật nguyền dang rộng một tay, khua loạn trong gió và hét to: “con đang bay, Bố ơi, con đang bay !”

Vậy là cậu bé mồ côi đã giúp được người khác thực hiện được chính ước mơ của cậu. Điều vĩ đại nhất mà lòng tốt làm được cho người khác là khiến chính họ cũng trở nên tốt đẹp.

Lòng tốt đến từ sự biết nghĩ cho người khác

Lòng tốt luôn hiện diện quanh ta, bởi quanh ta còn có rất nhiều người biết nghĩ cho người khác. Lòng tốt là sự cho đi mà không cầu đáp lại.

Khi một người mẹ hỏi đứa con trai 5 tuổi: “nếu hai mẹ con ta đang khát nước và chỉ có hai quả táo, con sẽ làm gì ?”, cậu bé suy nghĩ một lát rồi trả lời: “con sẽ cắn mỗi quả táo một miếng, Mẹ ạ !”

Người mẹ nghe vậy cảm thấy hơi buồn và thất vọng, cô nhẹ nhàng hỏi con: “con có thể nói cho mẹ biết vì sao con làm thế ?”. Và cô đã thật sự xúc động khi cậu bé ngây thơ đáp: “con muốn thử và dành quả ngọt nhất cho Mẹ”.

Đừng vội nghi ngờ người khác. Hãy nhớ rằng làm người tốt và làm điều tốt, đó là tất cả những gì chúng ta nên làm. Hãy để lòng tốt hiện diện trên gương mặt, trong đôi mắt và trong nụ cười của bạn.

• • •

Nếu bạn có may mắn đọc được lời hứa này, xin vui lòng chuyển tiếp tới bạn bè và người thân của mình. Tin rằng có rất nhiều người cần sự giúp đỡ của chúng ta và chính nghĩa sẽ được lan truyền, bởi vì suy cho cùng việc tốt, việc thiện mà mọi người làm ở hiện tại cũng vì tương lai của bản thân.

“Làm việc tốt không cần báo đáp, chỉ cần bạn hứa với tôi rằng nếu gặp người khác khó khăn hãy hết lòng giúp đỡ họ” - hi vọng rằng bạn cũng hoàn thành được lời hứa này và lại chuyển tiếp nó cho người tiếp theo nhé.


D.P.A (75)

(Luận Bảo Vương Tam Muội)

Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân quả chưa xả.



Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|64|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Có người nổi trôi trên dòng nước lớn nhưng lại bị chết khát. Có người ngày ngày vẫn thường nói nhiều lời Kinh, nhưng chưa đủ năng lực đoạn trừ cơn khát tham sân si trong lòng, cầm thật nhiều câu Kinh trong tay nhưng lại bị phiền não đánh gục, ngày mai phải chịu nhiều khổ đau”.

Do câu Kinh chỉ để nói, nên mới có người còn phải mang đôi mắt thật buồn về ngồi trước Phật, có kẻ còn phải mang trong lòng nhiều vết thương về khép cửa học lại câu Kinh xưa.

Do câu Kinh chỉ để nói, nên mới có người nói mãi những câu Kinh nhưng lòng vẫn chưa thuộc, đọc mãi những lời Kinh trong lòng vẫn cứ quên; nói mãi câu Kinh “vô thường” nhưng lòng vẫn còn sân si rất nhiều trước những chuyện được mất, còn cố níu giữ những điều hư ảo, còn đuổi theo những điều mong manh; nói mãi câu Kinh “vô ngã” nhưng lòng vẫn còn phiền não rất nhiều trước những chuyện hợp tan.

Do câu Kinh chỉ để nói, nên mới có kẻ còn phải bận rộn loay hoay mãi với những tổn thương của mình mà quên mất nụ cười, quên hỏi người bên cạnh mình: “người có an không ?”.

Biết bao nhiêu người đến ngồi dưới hiên chùa, tiếc nuối, giá mà biết được những câu Kinh sớm hơn, để không phải oằn vai gánh mãi nỗi buồn. Thật ra, tiếc nuối lớn nhất không phải là chưa biết được những câu Kinh, mà biết được rồi nhưng lại không cất được câu Kinh vào lòng. Tiếc nuối lớn nhất là cầm thật nhiều câu Kinh trong tay nhưng lại bị phiền não đánh gục.

Núi chiều mưa.



Tình Cha như núi Thái Sơn

(Sưu tầm)

TÌNH CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NHƯNG KÌ THỰC, NHỮNG GÌ CHA DÀNH CHO CON CÒN NGÀN LẦN HƠN THẾ

Tình yêu mà Cha dành cho chúng con thật thầm lặng. Còn đối với Mẹ, lại là tấm chân tình sâu đậm, giống như rượu để càng lâu lại càng nồng nàn, càng thơm …

Trong cuộc sống nhân sinh, con người sống không thể thiếu tình thương, song nói đến chữ “tình” thì không có thứ tình cảm nào có thể sánh bằng tình thương của Cha Mẹ. Đó là một thứ tình yêu thiêng liêng, cao cả, mênh mông sâu xa như biển thẳm không bờ.

“Công Cha như núi Thái Sơn|Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra” - kỳ thực, tình thương Cha Mẹ dành cho các con còn vĩ đại ngàn lần hơn thế nữa. Núi Thái Sơn dẫu có uy nghi, hùng vĩ bao nhiêu cũng không mãi đứng hiên ngang bất diệt, và nước trong nguồn cũng có khi phải cạn, nhưng tình Cha nghĩa Mẹ thật khó nghĩ bàn, không vơi đầy thay đổi theo dòng chảy của thời gian.

Tình thương Cha Mẹ là suối nguồn bất tận, tích tụ, vun bón từ bao đời và thẩm thấu thành máu xương, tâm hồn, trái tim con. Chỉ một việc tưới tẩm cuộc đời con, dù các con có ngoảnh mặt hay hân hoan đón nhận thì tình thương kia vẫn canh cánh bên lòng không một chút lãng xao. m thầm chở che, dìu dắt và dõi theo từng bước chân bé bỏng của con chập chững bước vào đời. Tình cha, tình mẹ sẽ mãi mãi là bản tình ca muôn đời bất hủ của các con.

Khi con sợ hãi, tình thương của Cha là vòng tay ấp ôm che chở.

Khi con lạc lối, tình thương của Cha là ánh sáng chiếu rọi bước con đi.

Khi con đơn độc, tình thương của Cha là người bạn đồng hành.

Khi con hụt hẫng, tình thương của Cha là bờ vai cho con nương tựa.

Khi con chơi vơi, tình thương của Cha là trụ cột tinh thần cho con dẫn lối.

Với con, Cha luôn là như thế, là cơn mưa giữa ngày hè khô hạn, là ngọn lửa hồng giữa đêm đông lạnh giá. Bởi vậy, có đi giữa dòng đời tấp nập thì thật không khó để tìm thấy những tình Cha đang viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường ...

Và bạn có cảm nhận được không, Cha dường như là người cô đơn nhất, nhưng tình cảm của Cha lại sâu lắng và thâm trầm nhất. Nếu yêu Cha mình, đang nhớ Cha mình, hay đang mong chờ khát khao tình yêu của Cha, thì có lẽ bạn cũng đồng ý rằng:

- Trên thế gian này, người lặng lẽ nhất là Cha, mà khó hiểu nhất cũng là Cha. Cha luôn dạy bạn phải cần cù tiết kiệm, nhưng chỉ cần bạn “làm nũng” một chút thôi, Cha lại là người hào phóng nhất chu cấp cho bạn tất cả.

- Mặc dù luôn trách cứ mỗi khi bạn làm điều sai trái, nhưng cha lại không nỡ không nhẫn tâm nhìn bạn bị trách mắng như vậy. Cha chưa bao giờ khen bạn giỏi giang thế nào, nhưng trong sâu thẳm lại vô cùng tự hào về bạn. Cha phản đối bạn yêu sớm, nhưng chính Cha lại là người sốt sắng nhất khi bạn mãi không chịu lập gia đình.

- Trên thế giới này người yêu thương bạn sâu sắc nhất nhưng không bày tỏ bằng lời thì đó chính là Cha.

- Trên thế giới này người phải chịu nhiều áp lực nhất, người phải đối đầu với những cạnh tranh tàn khốc nhất, người phải gánh trọng trách nặng nề nhất trên đôi vai đó chính là Cha.

- Trên thế giới này người cô độc nhất cũng lại là Cha.

Trong những người xung quanh bạn, người phải chịu nhiều phong ba bão táp nhiều gian khổ nhất là Cha, và ngược lại nhận được ít lời khen ngợi tán dương nhất cũng lại là Cha. Trong những ngày tháng sau này của cuộc đời, nếu còn cơ hội ở bên Cha, hãy trở thành cánh tay còn lại của Cha, dìu Cha đi trên những bước đường đời cuối cùng của cuộc đời …

Người có bản lĩnh đều phải trải qua sự tịch mịch cô độc của cuộc đời

(Sưu tầm )



Người có thể chịu được sự tịch mịch, cô độc, mới thực là người có bản lĩnh. Sự tịch mịch làm người ta trầm tĩnh hơn, mạnh mẽ hơn, sự cô độc làm người ta độc lập hơn, chủ động hơn, từ đó mà hình thành nên một con người độc đáo.

Cuộc sống sở dĩ cảm thấy khổ, chỉ bởi vì trong nội tâm cứ tự dày vò, không thoát ra được. Cho nên, đôi khi chúng ta phải học được cách phân tích nội tâm của chính mình, nhìn thật sâu vào bên trong, từ đó mà tìm thấy bản thân mình, cuối cùng mới có thể đạt được giải thoát.

Người bản lĩnh có thể chịu được sự cô độc, tịch mịch

Rất nhiều người đều sợ hãi sự tịch mịch, thế nhưng nếu không chịu được sự tịch mịch, thì làm sao có được cảnh náo nhiệt phồn hoa ? Thành công là đánh đổi, trong đó tịch mịch là một bước phải vượt qua.

Rất nhiều người đều sợ hãi sự cô độc, nhưng mà nếu không chịu được sự cô độc, vậy thì khi nó đến, sẽ trở thành một loại đau khổ. Người có bản lĩnh sẽ hiểu được dùng tâm thái tốt nhất đi cảm ngộ, nhận thức cuộc sống này, chịu đựng sự tịch mịch của nhân thế, tận hưởng sự cô độc của trần gian.

Thế giới ồn ào, chỉ những lúc bạn cảm thấy tịch mịch, bạn mới có thể cảm nhận được con người chân thật của mình. Chỉ những lúc bạn cảm thấy cô độc, bạn mới có thể trò chuyện với nội tâm của chính mình.

Cô độc, quả là một vị thuốc hay. Tận hưởng được sự cô độc, sẽ làm chúng ta mạnh mẽ lên rất nhiều. Không còn sợ hãi, hoảng hốt, cũng không còn lo lắng nữa, bởi vì chúng ta đã có một người bạn là “chính mình”, đây mới là người bạn đáng tin cậy nhất.

Người có bản lĩnh, tự nhiên sẽ có chỗ “độc đáo”

Chúng ta cũng đã biết, thường những người có bản lĩnh đều rất độc lập, ưa thích một mình. Thực ra, bọn họ còn một đặc điểm nữa, đó chính là rất “độc đáo”. Họ đối với cuộc sống của mình, họ sẽ rất tự nhiên mà có được cách nghĩ và phương pháp độc đáo, họ sẽ không ngập ngừng, lúng túng, càng không đi theo số đông.

Người thành công trên đời này tương đối ít, nhưng chân lý cũng là từ số ít người này mà ra. Cho nên người có bản lĩnh hiểu được, bạn đi theo người khác, vậy thì bạn cũng chỉ tầm thường như họ. Bạn muốn xuất chúng, thì nhất định phải có chỗ “độc đáo”.

Thế giới này, không có ai tự nhiên mà thành công, chỉ có người đột nhiên mà thất bại. Bạn có bản lĩnh, thì cũng phải biết cách để phát huy bản lĩnh của mình, bạn không có bản lĩnh, vậy thì hãy rèn luyện để xuất ra bản lĩnh của mình.

Học được chữ “độc”

Con người trong kiếp nhân sinh, mỗi người đều là độc nhất vô nhị. Thế nhưng trong quá trình chúng ta không ngừng tiến về phía trước, có người càng ngày càng trở nên lợi hại, càng ngày càng có bản lĩnh, mà có người dường như là dậm chân tại chỗ, thậm chí còn bắt đầu thụt lùi.

Kỳ thực, nhiều khi chúng ta đều có suy nghĩ của mình, đều có những truy cầu của bản thân, chỉ là có người thì buông thả, có người lại giữ vững được. Mà những người có thể kiên trì, thường là những người rất có bản lĩnh.

Có thể trước đây chúng ta không có bản sự gì cả, nhưng chỉ cần thông qua cố gắng của bản thân, không ngừng tu luyện, không ngừng lĩnh ngộ, không ngừng đột phá chính mình, tất sẽ hình thành nên được một con người bản lĩnh.

Trong quá trình này, rất nhiều người đều phải trải qua sự tịch mịch, cô độc. Thế nhưng, chính vì những “tịch mịch” và “cô độc” này, mới làm chúng ta khác biệt với những người khác.

Nghịch lý

(Thích Tánh Tuệ)



Thời buổi này ...
người ta có nhà cao cửa lớn
nhưng gia đình thì bé lại hơn xưa
lắm bạc tiền nhưng tất tả chạy đua
chung mái ấm, mà bơ vơ tội nghiệp

Thời buổi này ...
sống xã giao bặt thiệp
miệng nói cười lòng ngập những mưu toan
thật khó biết ai là đá, là vàng
niềm tin tưởng, món hàng xa xỉ phẩm

Thời buổi này ...
ăn nhanh tiêu hóa chậm
biết tận chân trời nhưng chẳng biết chung quanh
nhà ngói nhiều hơn những nhà tranh
sao tất bật, loài người như Robot ?

Kiến thức nhiều mà hành vi dại dột
Thành công bề ngoài mà thất bại bề trong
Sống tiện nghi nhưng vật chất quay mòng
Iphone mất, kể như mù đôi mắt ...

Thời buổi này ...
cái được nhiều hơn mất
cái mất chính là Đạo Đức đã ... đi chơi
xác thân to, lòng teo tóp lại rồi
nhìn thống khổ ... bao hững hờ, vô cảm

Thời buổi này ...
lượng nhiều mà phẩm giảm
kiếm sống nhiều ... mà cuộc sống chẳng là bao
và yêu cuồng sống vội kiểu phong trào
người hóa kiếp thiêu thân ... thời hiện đại

Nhiều nghịch lý nói thêm ... càng tê tái
Văn minh này, đã đích thật văn minh ?
Xin nguyện cầu cho Thức Tỉnh hồi sinh
Rời bỏ những hư vinh mà Sống Thật

Sống vô nghĩa, nếu cuồng quay tất bật
Hạnh phúc đời người - đích thực có Bình An

Hãy tự hào về những vết nứt của bạn

(Sưu tầm)

Ở Nhật Bản, khi một cái bát vỡ, họ dùng vàng gắn lại những mảnh vỡ để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật mới. Cái đó gọi là Golden Joinery.

Tại sao họ làm vậy ? Người Nhật Bản tin rằng, khi một thứ gì đó từng bị tổn thương và mang trong mình một lịch sử, nó sẽ đẹp hơn. Vì thế, thay vì vứt một cái bát vỡ đi, họ sẽ gắn lại những mảnh vỡ bằng vàng. Thay vì tìm cách che giấu đi những vết nứt vỡ, họ dùng vàng để làm chúng nổi bật lên như một cách để ca tụng và biến chúng thành điểm nhấn của cả chiếc bát.

Con người cũng vậy. Tất cả những khó khăn, thương tổn bạn đã hoặc đang trải qua không làm cho bạn xấu xí hơn. Bạn có quyền lựa chọn để sơn lên những thương tổn ấy của mình một lớp vàng.

Bạn hoàn toàn có thể vực mình dậy và học từ những vấp váp ấy để trở thành phiên bản tốt hơn của mình.

Bạn hoàn toàn có thể tự hào về những vết sẹo từ những tổn thương của mình và nói rằng: “hãy nhìn những gì tôi đã trải qua, nhờ chúng mà tôi trở thành tôi của ngày hôm nay, giờ không có gì là tôi không thể vượt qua”.

Không ai có một cuộc đời hoàn hảo. Nhưng ai cũng có thể lựa chọn để sơn vàng lên những mảnh vỡ của cuộc đời mình. Đừng hổ thẹn vì những gì đã xảy ra với bạn. Bạn càng phủ nhận và than vãn vì những gì đã xảy ra, chúng càng không giúp ích gì cho bạn. Ngược lại, khi bạn chấp nhận và rút ra bài học từ những đổ vỡ và gắn lại chúng bằng vàng, bạn đã biến những thứ tưởng như xấu xí, vô dụng, thành một một câu chuyện đẹp đẽ và đầy cảm hứng. Những đau khổ tổn thương của bạn có thể trở thành động lực cho một ai đó.

Có một câu nói rằng: “mỗi level tiếp theo của cuộc đời đòi hỏi một phiên bản mới của bạn”, và đôi khi, những mảnh vỡ là thứ cần thiết để bạn trở thành phiên bản mới ấy.

Cuộc đời, rồi ai cũng từng làm vỡ đi một cái gì đó. Người ta chưa từng bị đổ vỡ nên người ta đứng đó phán xét khi thấy bạn làm vỡ đi thứ mình yêu thích. Sau này, khi trải qua những cảm giác tương tự, người ta cũng sẽ có cảm giác như bạn mà thôi. Hãy sống cho bản thân và tự đi đến nơi mình cảm thấy hạnh phúc, hà cớ gì phải sợ người đời dèm pha, ai tốt, ai xấu, theo thời gian cũng sẽ nhìn thấy rõ. Và sẽ có người bước đến, rồi bạn sẽ lại yêu, sẽ lại tìm thấy hạnh phúc ... để nhận ra, đổ vỡ không có gì đáng sợ cả, vấp ngã ai mà chưa từng, đứng lên đi tiếp hay ngồi yên tại chỗ ngã than khóc mới là điều bạn cần phải chọn lựa.

Đừng vì một lần đổ vỡ mà bỏ luôn cả một đoạn đường dài phía trước, chỉ cần bạn không ngừng tìm kiếm, thì sớm muộn cũng nhìn thấy hạnh phúc đích thực mà thôi.

Dòng duyên nợ ba sinh

(Trần Duyên)

Từ trong Kinh điển Phật nói cho chúng ta biết rất rõ ràng, các quan hệ trong gia đình như chồng vợ, cha mẹ, con cái, anh em … trong đời này, đều là quan hệ Duyên-Nợ với nhau. Nếu không có cái quan hệ Duyên-Nợ này thì sao ? Thì sẽ không gặp nhau.

Do đó, chúng ta phải biết sự sống chung giữa người với người, giữa mình với người, đều phải nói đến duyên phận. Trong duyên phận này, có thiện duyên và ác duyên.

- Thế nào là thiện duyên ? Mối duyên phận này đem đến an vui, hạnh phúc cho những người trong cuộc.

- Thế nào là ác duyên ? Tức là mối duyên phận này chỉ toàn đem lại khổ đau và buồn phiền cho những người trong cuộc.

Nói đến nợ tức là có trả nợ, có đòi nợ. Trong xã hội ngày nay, chúng ta thấy được hiện tượng đòi nợ và trả nợ trong quan hệ vợ chồng rất rõ ràng. Ban đầu khi đến với nhau chẳng phải đều rất tốt đẹp đó sao, nhưng chỉ trong thời gian ngắn thì liền trở mặt, liền chia tay. Nguyên nhân do đâu ? Đã hết nợ. Khi một trong hai người đã đòi nợ xong xuôi, và người kia cũng trả xong, thì liền chia tay, liền ra đi.

• Vậy thế nào là đến với nhau để đòi nợ ?

Người này trong gia đình thường rất gia trưởng, không thích làm, nhưng rất biết hưởng thụ, không thích người chồng hay vợ làm phật ý mình, nhưng bản thân thì không mấy quan tâm đến cảm nhận của người chồng hay vợ của mình. Nếu là nợ ít, thì người này chỉ trong thời gian ngắn thì đòi xong nợ, nợ đòi xong thì liền chia tay, liền ra đi. Nếu nợ nhiều, thì có khi đến hết cuộc đời mới chịu ra đi.

• Vậy thế nào là đến với nhau để trả nợ ?

Người này rất mực yêu thương và lo lắng, làm tất cả mọi việc chỉ để cung phụng và phục vụ cho người chồng hay vợ của mình. Mặc dù là người làm ra tiền, nhưng người này chẳng dám xài dù chỉ một đồng cho mình, tất cả đều dành cho người chồng hay vợ của mình.

• Duyên-Nợ của vợ chồng là từ đâu đến ?

Đó là từ những nhân duyên vay trả từ đời quá khứ mà đến. Đời trước ta nợ của người, nhưng lại có duyên tình ái với người, nên đời này người đến làm chồng, làm vợ của ta để viết tiếp đoạn tình ái còn dang dở của đời quá khứ, và cũng để đòi cho xong số nợ mà ta đã nợ của người. Thế mới biết, giữa người với người không có chuyện thiếu nợ mà không trả, đời này không trả thì đời sau vẫn phải trả, đời sau không trả thì đời sau nữa vẫn phải trả.

Trong truyện Hồng Lâu Mộng có nói một câu rất hay: “nợ người nước mắt thì phải trả lại bằng nước mắt”. Từ đây mà biết được, chính chúng ta tu phước, chính chúng ta thọ dụng, chẳng ai có thể can thiệp vào tiến trình Nhân-Quả của chúng ta được cả.

Giờ đây đã hiểu được chân tướng sự thật Duyên-Nợ giữa vợ chồng rồi, thì trong cuộc sống gia đình hằng ngày, chỗ nợ mình thiếu đó cứ hoan hoan hỷ hỷ mà trả, đừng nên đi so đo, chấp được, chấp mất nữa. Vì sao ? Vì biết được nếu bây giờ mình không trả, thì sau này vẫn phải trả, đời này không trả thì đời sau vẫn tiếp tục trả, vậy thì hà tất gì phải kéo dài thời gian làm khổ cho chính mình chứ. Cứ vui vẻ mà trả, nợ trả xong rồi thì phước, thì an vui liền đến.

• Vậy còn người thiếu ta thì sao ?

Số nợ này ta không cần nữa, bỏ qua hết cho người. Vậy thì liền được tự tại, được an vui.

Có người nói rằng: “nợ là do người thiếu của ta, nay ta bỏ qua hết cho người, vậy thì ta có thiệt thòi quá không ?”. Xin thưa rằng, chẳng những không có thiệt thòi, mà còn được phước. Nếu ta không bỏ qua, quyết định đời này cùng với người nợ nần phải đòi cho bằng được, thì đến kiếp kế tiếp ta lại là người phải đi trả nợ. Ta và người, nợ nần đền trả hết kiếp này đến kiếp khác không cùng không tận, đồng nghĩa với việc ta mãi đi trong luân hồi sanh tử chỉ để hết vay rồi trả, hết trả rồi vay cùng với người. Vậy thì cái đòi được trước mắt không đủ để bù vào cái ta sẽ mất trong tương lai, đây là thiệt thòi quá lớn, quá lớn !

Cha Mẹ ghét

- Trích “Phép Tắc Người Con”,Bài 5
- Theo Zhengjian,Kiến Thiện biên dịch



Cha Mẹ thích, dốc lòng làm
Cha Mẹ ghét, cẩn thận bỏ
Thân tổn thương, Cha Mẹ lo
Đức tổn thương, Cha Mẹ tủi
Cha Mẹ thương, hiếu đâu khó
Cha Mẹ ghét, hiếu mới hay

Diễn giải

Những sự vật hoặc hành vi mà cha mẹ yêu thích, là người làm con vì cha mẹ thì phải dốc hết sức làm được. Những sự vật hoặc hành vi mà cha mẹ không thích, là người làm con vì cha mẹ thì phải cẩn thận bài trừ, cẩn thận sửa chữa quy chính.

Thân thể người con bị thương sẽ làm cho cha mẹ buồn rầu lo lắng. Phẩm đức người con bị tổn hao sẽ khiến cha mẹ tủi nhục. Cha mẹ yêu thương mình, mình hiếu thuận với cha mẹ thì có gì là khó ? Cha mẹ ghét bỏ mình, mình vẫn hiếu thuận với cha mẹ, đó mới là người hiền có phẩm đức cao thượng thực sự.

Câu chuyện tham khảo: MẪN TỬ KHIÊN MẶC ÁO HOA LAU HIẾU THUẬN VỚI MẸ

Mẫn Tổn tên tự là Tử Khiên, người nước Lỗ thời Xuân Thu (triều nhà Chu), là đệ tử của Khổng Tử. Đức hạnh Tử Khiên nổi tiếng sánh vai với Nhan Uyên, ông cũng là một trong 24 tấm gương hiếu hạnh.

Khi còn nhỏ, Mẫn Tử Khiên đã mồ côi mẹ, cha tái hôn, mẹ kế sinh được hai em trai. Tử Khiên vô cùng hiếu thuận với cha mẹ, nhưng mẹ kế lại rất ghét cậu. Bà dùng bông làm áo rét cho hai con đẻ, và dùng hoa lau làm áo rét cho Tử Khiên. Mùa đông giá rét, cha Tử Khiên bảo cậu giúp ông đánh xe, Tử Khiên bị rét cứng tay chân, cầm không nổi dây cương, mấy lần đánh rơi dây cương. Bị cha trách mắng, cậu vẫn không biện hộ giải thích. Sau đó, cha cậu thấy cậu bị lạnh đến mức mặt xanh xám tái nhợt, ông sờ lên áo rét của cậu mới phát hiện ra áo rất mỏng. Ông xé áo ra xem mới biết không phải là áo bông, mà áo rét của hai người con của mẹ kế lại toàn là bông tinh chất. Cha ông cảm thấy vô cùng đau buồn, quyết định bỏ vợ.

Tử Khiên khóc như mưa khuyên cha: “Mẹ còn thì chỉ một người con bị lạnh, mẹ đi thì cả ba người con côi cút”. Mẹ kế nghe thấy vô cùng cảm động, cuối cùng hối cải, đối đãi với cả ba người con như một người mẹ hiền từ. Danh tiếng người con hiếu hạnh của Mẫn Tử Khiên cũng từ đó mà lan truyền khắp thiên hạ.

PHỤ CHÚ

24 tấm gương hiếu hạnh (Nhị Thập Tứ Hiếu)

Quách Cư Kính là một người con hiếu hạnh nổi tiếng triều Nguyên. Ông cảm thán rằng không còn cơ hội để hiếu thuận với cha mẹ đã mất, bèn lựa chọn những câu chuyện của 24 người con hiếu hạnh tiêu biểu nhất được lưu truyền trong các sách cổ, biên soạn thành sách “Nhị Thập Tứ Hiếu” (24 tấm gương hiếu hạnh), gồm có: Ngu Thuấn, Hán Văn Đế, Tăng Sâm triều Chu, Mẫn Tổn triều Chu, Tử Lộ triều Chu, Đổng Vĩnh triều Hán, Đàm Tử triều Chu, Giang Cách triều Hậu Hán, Lục Tích triều Hậu Hán, Đường Phu Nhân triều Đường, Ngô Mãnh triều Tấn, Vương Tường triều Tấn, Quách Cự triều Hán, Dương Hương triều Tấn, Chu Thọ Xương triều Tống, Canh Kiền Lâu triều Nam Tề, Lão Lai Tử triều Chu, Thái Thuận triều Hán, Hoàng Hương triều Hán, Khương Thi triều Hán, Vương Bầu nước Ngụy thời Tam Quốc, Đinh Lan triều Hán, Mạnh Tông thời Tam Quốc, Hoàng Đình Kiên triều Tống.

Nguyên tác

親 所 好 力 為 具
親 所 惡 謹 為 去
身 有 傷 貽 親 憂
德 有 傷 貽 親 羞
親 愛 我 孝 何 難
親 憎 我 孝 方 賢

Âm Hán Việt

Thân sở hiếu, lực vị cụ
Thân sở ố, cẩn vị khứ
Thân hữu thương, di thân ưu
Đức hữu thương, di thân tu
Thân ái ngã, hiếu hà nan
Thân tăng ngã, hiếu phương hiền

Chú thích:

- Thiện: tự ý chủ trương, làm tùy tiện theo ý mình.

- Cẩu: nếu, nếu như.

- Tử đạo: đạo làm con. Đạo ở đây nghĩa là đạo lý, phép tắc.

- Khuy: tổn hao, thiếu, khiếm khuyết.

- Tư tàng: cất giữ riêng, chiếm làm của riêng.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|63|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Không phải chỉ trong một sớm chiều mà kẻ nấu sữa tươi đã có được đề-hồ (tinh chất sữa). Không phải chỉ trong một sớm chiều mà những việc thiện, những điều xấu ác đã có kết quả. Nhưng nhất định, những gì con người đã làm sẽ mãi theo đuổi họ như đốm than nhỏ ẩn mình thật kỹ dưới lớp tro dày, chỉ chờ đủ điều kiện thích hợp để bùng cháy”.

Có kẻ không thấy được mùa hoa trong mớ hạt giống bé tí nằm gọn trong lòng bàn tay, nên ném bỏ đi không chút luyến tiếc.

Có kẻ không thấy được những bão giông trong những hạt gió mình gieo vào cuộc đời, nên không mảy may lo sợ đối với những việc làm bất thiện thường làm mỗi ngày.

Có kẻ thấy được cả mùa đông dài từ cái lạnh mơ hồ bất chợt thoáng qua trong những chiều cuối thu, nên đã chuẩn bị cho mình chiếc khăn, chiếc áo mùa đông.

Có kẻ thấy được nơi đến của mình từ những bước chân trong hiện tại, nên luôn cẩn thận, nhất tâm từng bước chân đi.

Có kẻ biết, sau này, dù ngoảnh đầu nhìn lại cả nghìn lần cũng không thể quay lại được ngày xưa, nên luôn trân trọng từng ánh mắt, lời nói, việc làm và những con người đang ở bên cạnh mình trong hiện tại.



D.P.A (74)

(Ca dao Phật giáo)

Nguyện cho tôi được biện tài
Thuyết cho Cha Mẹ vui hoài vẫn vui



Nhìn tướng biết tâm, nhìn tâm biết mệnh

(Sưu tầm)



Tướng do tâm sinh, do đó nhìn tướng sẽ biết tâm một người như thế nào, và từ tâm sẽ biết mệnh của một người.

Tướng mạo của một người sẽ thay đổi theo tâm niệm thiện ác của người đó

“Tướng do tâm sinh” là quan niệm trong văn hóa thần truyền, cả trong Phật giáo lẫn Đạo giáo. “Tướng” là bề mặt, là biểu hiện bên ngoài; “Tâm” là hoạt động bên trong; “Tướng” là hư cấu bất thực, ở trạng thái bị động, là phản ánh ra ngoài của “Tâm”; “Tâm” thế nào thì “Tướng” thế nấy; “Tướng” là tùy theo “Tâm” biến hoá mà biến hoá theo, cũng gọi là “cảnh tùy tâm chuyển”, “tướng tùy tâm sinh”. Cũng có thể coi “Tâm” là nhân của “Tướng”, “Tướng” là quả của “Tâm”.

Hình là dung mạo có từ khi sinh ra. Thần thái quyết định bởi quá trình tu dưỡng. Từng ý từng niệm thể hiện trong sinh hoạt thường ngày của mỗi người, qua năm tháng đều ngưng tụ trên gương mặt của họ, gọi là “những gì bên trong sẽ hiện ra bên ngoài” (hữu chư nội tất hình chư ngoại).

Tâm niệm nảy sinh sẽ tác động đến thân thể, nếu tâm bình hòa yên tĩnh, lòng thanh thản bao dung, quang minh chính đại, thì khí huyết hài hòa, ngũ tạng yên định, thân thể sẽ khỏe mạnh, nét mặt nhờ đó bình ổn, thần sắc sáng sủa, khiến người khác nhìn vào cũng cảm thấy dễ chịu, thoải mái, vì vậy mà việc giao tiếp thân thiện, vui vẻ.

Từ tướng biết tâm, từ tâm biết mệnh

Khuôn mặt đẹp cũng là một loại phúc báo. Dù là phúc báo gì đều có căn nguyên của nó, giống như tài phú đến từ bố thí, tôn quý đến từ khiêm cung, khuôn mặt đẹp đến từ dịu dàng lương thiện. Đến trung niên, tướng mạo đã đi vào ổn định, cũng là thể hiện của tính cách một người.

Tướng mạo không phải sinh ra là cố định, mà nó là phản chiếu của quá trình tu tâm và hành động lâu dài, cũng vì vậy, tướng mạo sẽ biểu lộ ra vận mệnh tương lai của một người. Nửa đời trước là ảnh hưởng từ kiếp trước, nửa đời sau, chính là tự mình. Vậy mới nói, sau khi đến trung niên, cần phải chịu trách nhiệm với hành vi của chính mình.

Người có thiện tâm, thường từ trong ra ngoài tản mát ra một loại hào quang, thần thái toát lên vẻ an hòa, tự tại, khiến người gặp gỡ thấy thoải mái ngay cả khi chưa nói chuyện. Mà người ích kỷ, giảo hoạt, so đo, tất khó nhìn, thậm chí xấu xí, cho dù may mắn có khuôn mặt đẹp đẽ, người ta thường nói khuôn mặt không có duyên, càng tiếp xúc càng thấy khuôn mặt dẫu đẹp cũng không có cảm tình.

Làm việc thiện hay ác đều hiển hiện trên tướng mạo

Xưa có hai anh xem sinh đôi là Cao Hiếu Tiêu và Cao Hiếu Tích, cử chỉ lời nói và tài trí thông minh đều giống nhau như chỉ là một người. Đạo sĩ Trần Hi Di sau khi xem tướng mạo hai người, nói: “hai người các ngươi có lông mày xanh và đôi mắt đẹp đều là người có trong danh sách đỗ đạt, huống hồ ánh mắt các ngươi bây giờ màu sắc rực rỡ, tất sẽ đỗ đạt cao”.

Đến kì thi Hương, hai anh em liền cùng nhau vào Kinh Thành, sống nhờ tại nhà một người thân thích. Hàng xóm có một quả phụ trẻ tuổi xinh đẹp. Cao Hiếu Tiêu một lòng dốc lòng cầu học, tâm không động. Cao Hiếu Tích không cầm lòng được, nên tư thông cùng thiếu phụ kia. Sau đó bị người khác phát giác, quả phụ xấu hổ quá nhảy sông tự vẫn.

Kỳ thi mùa thu kết thúc, Trần Hi Di nhìn hai người họ, kinh ngạc nói: “tướng mạo hai anh em các người thay đổi rất lớn, lông mày Hiếu Tiêu màu tím, ánh mắt sáng ngời, nhất định là đỗ cao, mà lông mày Hiếu Tích có thay đổi, hai con ngươi phù, sống mũi ngắn mà đen, thần sắc chán nản tiều tụy, khí lạnh mà tán, đây nhất định là do làm tổn hại đạo đức mà khiến tướng mạo thay đổi, cuộc thi này chẳng những không đậu, ngược lại có dấu hiệu chết sớm”.

Sau khi yết bảng, Cao Hiếu Tích thi rớt, hậm hực mà chết. Cao Hiếu Tiêu trở thành quan lớn, thanh danh hiển hách, con cháu đông đúc. Trần Hi Di bởi vậy cảm thán: “nhìn ra tướng mạo một người là dễ dàng, nhưng vận mệnh một người lại không dễ mà đoán chuẩn xác được, bởi vì mệnh là trời định, tướng do hành vi của con người tạo nên, nếu có thể thuận theo thiên ý, hòa hợp sự việc với người, ắt đời đời hưng vượng, đây gọi là phúc hoạ vô môn, duy nhân tự triệu (phúc họa không có cửa, đều do người triệu mời)”.

Nhớ Tết Đoan Ngọ xưa

(Nguyễn Khôi)

Tết Đoan Ngọ, ngày xưa còn nhớ
Bảnh mắt ra: rôm sảy cắn thịt da
Tụt khỏi giường là ào ra ao tắm
Bắt “chuồn chuồn cắn rốn”
… cùng lũ bạn nhẩn nha

Rồi về nhà: sà vào lòng Mẹ
Một bát đầy “Rượu Nếp” thơm ngon
Hai quả trứng luộc xơi đã miệng
Chùm vải thiều ngọt ứa linh hồn

“Giết sâu bọ” - Mẹ hiền nhắc nhủ
Chớ ra sông dãi nắng đầu mùa
Chớ trèo cây đung đưa bẻ nhãn
Chớ cưỡi Trâu phi đại dại đua

Tết Đoan Ngọ ...
Ôi tuổi thơ tươi đẹp
Mái tranh vàng thơm phức hương cau
Mẹ cười răng hạt na đen nhánh
Thằng con trai chạy nhảy bãi sông Cầu ...



Khép trần duyên

(Thích Tánh Tuệ)



Nhắm mắt thôi theo mây trời phiêu lãng
Nghe nhịp tim thanh thản đập yên bình
Cho ưu phiền, khổ lụy kiếp nhân sinh
Dần tan biến, vọng tình ngưng khuấy động

Nhắm mắt lại để thấy: Tâm là Vọng !
Rồi không còn mơ mộng sống lênh đênh
Cuộc đời kia làn mây nổi bồng bềnh
Danh - Sắc đó, loài yêu tinh giả mỵ

Nhắm mắt lại để thấy mình thật kỹ
Ta là ai ? Ngày khép lại, về đâu ?
Hãy trầm tư và quán chiếu thật sâu
Trong vạn pháp có đạo mầu thâm viễn

Nhắm mắt lại nhìn cái tâm bám luyến
Biết sự đời hư huyễn vẫn lòng đau
Vì Hành - Tri còn cách một nhịp cầu
Biết và Ngộ vẫn hai đầu cách biệt

Ôm Phật ngủ mà khổ hoài da diết
Phải chăng vì chưa thiết nẻo hồi hương
Ta vẫn hay đời sinh diệt, vô thường
Song yếu đuối vấn vương từng giọt mật

Nhắm mắt lại để thôi làm hành khất
Đi van xin hạnh phúc giữa màn đêm
Khoảng trống trong hồn cố lấp vẫn rộng tênh
Vì hy vọng đã ước thề tuyệt vọng

Nhắm mắt lại biết tâm nào thực, mộng
Tĩnh tại nhìn hoa, rác nổi đầy sông
Và nhận ra Sinh Tử gốc tại lòng
Kể từ đó bụi hồng thôi vướng nhiễm

Nhắm mắt lại Xả Buông và Chánh Niệm
Mở mắt nhìn tâm rỗng sáng thường minh
Thì nơi này đích thực “ngộ vô sinh”
Thấy Cực Lạc vốn không lìa tự tánh

Dù sống giữa trần duyên và ngoại cảnh
Vẫn quay về, mở mắt sáng Tâm Linh

Bảy lời khuyên của Khổng Tử

• • •

Khổng Tử là một nhà tư tưởng, nhà triết học xã hội nổi tiếng người Trung Hoa, các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng rộng lớn đối với đời sống và tư tưởng của các nền văn hóa Đông Á. Người Trung Hoa đời sau đã tôn xưng ông là Vạn thế Sư biểu (bậc thầy của muôn đời). Dưới đây là bảy lời khuyên đáng suy ngẫm của Khổng Tử.

⒈ Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích.

⒉ Bất hiếu Cha Mẹ, thờ cúng vô ích.

⒊ Anh em không hòa, bạn bè vô ích.

⒋ Làm việc bất chính, đọc sách vô ích.

⒌ Làm trái lòng người, thông minh vô ích.

⒍ Không giữ nguyên khí, thuốc bổ vô ích.

⒎ Thời vận không thông, mưu cầu vô ích.



Bốn loại thức ăn

(Trích pháp thoại|Thích Nhất Hạnh)

Loại thức ăn thứ nhất là ĐOÀN THỰC
(tức là những thức ăn đi vào miệng của chúng ta)

Chánh kiến cũng là biết phân biệt những đoàn thực có hại và những đoàn thực không có hại. Chúng ta phải biết những thức ăn và thức uống nào gây tàn phá và làm mất sự điều hòa trong cơ thể. Khi chúng ta ăn những món hiền lành và bổ dưỡng thì chúng ta cũng biết. Ðó gọi là chánh kiến. Ta thực tập chánh kiến ngay trong đời sống hằng ngày, trên bàn ăn và trong khi nấu ăn, chứ không phải chỉ thực tập trong thiền đường mà thôi. Trước khi ăn chúng ta nói: “chỉ xin ăn những thức ăn có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh”, đó là chánh kiến áp dụng khi ăn và khi nấu ăn.

Nói về đoàn thực, Bụt đã dùng hình ảnh của hai vợ chồng nhà kia ăn thịt con. Hai vợ chồng này mang đứa con trai duy nhất đi qua sa mạc. Họ nghĩ rằng số lương thực đem theo là đủ dùng cho chuyến đi, nhưng chưa ra khỏi sa mạc họ đã hết thực phẩm. Hai vợ chồng biết rằng cả ba người sẽ chết đói. Cuối cùng họ phải đành tâm ăn thịt đứa con để sống mà ra khỏi sa mạc. Họ vừa ăn thịt con vừa khóc. Bụt hỏi rằng: “này các thầy, khi hai vợ chồng đó ăn thịt đứa con thì họ có thấy thích thú gì không ?”, các thầy thưa: “Bạch đức Thế Tôn, làm sao thích thú được khi biết mình đang ăn thịt con”. Bụt dạy: “trong đời sống hằng ngày, trong khi tiêu thụ, chúng ta cũng phải biết thức ăn của mình đã có thể được tạo ra bằng sự đau khổ cùng cực của kẻ khác, của những loài sinh vật khác”.

“Hai tay nâng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” - ăn không có chánh niệm, ta tạo khổ đau cho mọi loài và khổ đau cho chính bản thân ta. Khi ta hút thuốc, uống rượu, ăn nhiều thức béo vào, là ta đang ăn bộ phổi của ta, đang ăn buồng gan, trái tim của ta, ta tự đang ăn thịt ta. Nếu là cha, là mẹ, thì lúc đó ta đang ăn thịt con ta tại vì các con cần có cha mẹ mạnh khỏe, tươi vui. Và nếu cha mẹ trong khi ăn uống mà tàn hại thân thể của chính mình thì chính cha mẹ đang giết con. Thành ra ăn như thế nào để đừng tạo ra những khổ đau cho các loài và đừng tạo khổ đau cho chính mình, đó là chánh niệm và chánh kiến.

Ðạo Bụt trong cả Nam Tông và Bắc Tông đều tin rằng chúng sanh từ đời này sang đời khác thay phiên lần lượt làm cha làm mẹ của nhau. Vì vậy mỗi khi ăn thịt, chúng ta hãy có ý thức rằng có thể ta đang ăn thịt cha mẹ hay con cái của ta. Do đó chúng ta đã tập ăn chay và tập không sát sanh.

Loại thức ăn thứ hai là XÚC THỰC

Chúng ta có sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Chúng tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Ta phải thấy rằng việc tiếp xúc đó có đem chất độc vào người hay không. Ví dụ như khi ta xem truyền hình, mắt ta tiếp xúc với hình sắc. Phải thực tập chánh kiến xem chương trình truyền hình kia có đưa vào trong tâm ta những độc tố như sợ hãi, căm thù và bạo động hay không. Có những phim mang lại cho lòng ta sự hiểu biết, lòng từ bi, chí quyết tâm muốn giúp người, quyết tâm không làm những điều lầm lỗi. Ta biết ta có thể xem phim đó. Ấy là ta thực tập chánh kiến. Người lớn cũng như trẻ em, trong khi xem phim, phải biết thực tập chánh kiến. Phải biết rằng có những chương trình truyền hình chứa đựng rất nhiều độc tố như bạo động, căm thù và dục vọng. Ngay cả những phim quảng cáo cũng khơi động thèm khát, dục vọng hay sợ hãi của người ta. Khi xem một tờ báo không có chánh niệm, chúng ta có thể tiếp nhận rất nhiều độc tố. Ðọc xong ta có thể mệt nhoài, vì những điều ta đọc có thể khiến chúng ta chán nản, lo lắng và ghê sợ. Chính những câu chuyện hàng ngày cũng có thể mang nhiều độc tố. Ðó là xúc thực.

Chánh kiến phát sinh ra chánh niệm và chánh niệm cũng làm phát sinh chánh kiến. Tôi biết rằng nhìn, nghe và tiếp xúc với những gì thì thân tâm tôi sẽ khỏe khoắn, nhẹ nhàng và an lạc, và tôi quyết định mỗi ngày tiếp xúc với những chất liệu đó. Còn những thứ làm tôi mệt, tôi buồn, tôi lo, tôi giận thì tôi sẽ tránh không tiếp xúc. Ðó là chánh niệm về xúc thực, có được nhờ chánh kiến về xúc thực.

Bụt dạy rằng con người rất dễ bị thương tích, trên cơ thể cũng như trên tâm hồn. Bụt đã dùng hình ảnh một con bò bị lột da dẫn xuống sông. Dưới sông có hàng vạn loài sinh vật li ti bu lại hút máu và rỉa thịt con bò. Và khi ta đưa con bò tới đứng gần một bức tường hay một cây cổ thụ, cũng có những sinh vật li ti sống trên bức tường và trong cây cổ thụ bay ra, bám vào con bò để hút máu. Nếu chúng ta không giữ gìn thân và tâm bằng chánh kiến và chánh niệm thì các độc tố trong cuộc đời cũng bám lại và tàn phá thân tâm ta. Năm giới mà chúng ta tiếp nhận và hành trì là bộ da bao bọc thân thể và tâm hồn ra. Nếu không hành trì năm giới là chúng ta không thực tập chánh kiến. Và trong mỗi chúng ta vốn đã có hạt giống của chánh niệm. Thực tập chánh niệm cũng như tạo ra những kháng thể để chống lại sự thâm nhập của các độc tố kia.

Loại thức ăn thứ ba là TƯ NIỆM THỰC

Ðó là những nỗi ước ao ta muốn thực hiện cho đời ta. Mong muốn làm giám đốc một hãng buôn lớn, hay mong muốn đậu bằng tiến sĩ, những mong muốn như thế thâm nhập vào người ta giống như một thức ăn. Mong muốn là một loại thực phẩm gọi là tư niệm thực.

Ước muốn mạnh sẽ giúp ta năng lượng để thực hiện hoài bão. Nhưng có những loại tư niệm thực làm cho ta khổ đau suốt đời. Như danh, lợi, tài và sắc. Muốn được mạnh khỏe và tươi vui, muốn được giúp đỡ cho gia đình và xã hội, muốn bảo vệ thiên nhiên, tu tập để chuyển hóa, để thành một bậc giác ngộ độ thoát cho đời .vv.v. thì đó là loại tư niệm thực có thể đưa tới an lạc, hạnh phúc.

Về tư niệm thực, Bụt kể chuyện một người bị hai lực sĩ khiêng người kia ném xuống hầm lửa đang bốc cháy. Bụt nói rằng khi ta bị những tư niệm thực bất thiện chiếm cứ, bị danh, lợi, tài và sắc lôi cuốn thì cũng như ta bị những anh chàng lực sĩ kéo đi liệng xuống hầm lửa. Do đó người tu học phải có chánh kiến, phải nhận diện được tư niệm thực trong ta là loại nào.

Loại thức ăn thứ tư là THỨC THỰC

Chúng ta là sự biểu hiện của thức, gồm có y báo và chánh báo. Chánh báo là con người gồm năm uẩn của ta và y báo thuộc hoàn cảnh chung quanh ta. Vì hành động từ nhiều kiếp xưa nên bây giờ ta có chánh báo này, với y báo này. Chánh báo và y báo đều là sự biểu hiện của tâm thức. Khi làm công việc nhận thức, tâm cũng giống như cơ thể đón nhận các món ăn. Nếu trong quá khứ tâm thức ta đã tiếp nhận những thức ăn độc hại, thì nay tâm thức ta biểu hiện ra y báo và chánh báo không lành. Những gì ta thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc, suy tư, tưởng tượng, tất cả những thứ ấy đều như muôn sông chảy về biển tâm thức. Và những vô minh, hận thù và buồn khổ của ta đều trở về biển cả của tâm thức ta. Vì vậy ta phải biết mỗi ngày chúng ta nhận vào tâm thức của ta những món ăn nào. Chúng ta cho nó ăn từ, bi, hỷ, xả hay là chúng ta cho nó ăn trạo cử, hôn trầm, giải đãi, phóng dật ?

Về thức thực, Bụt đã dùng hình ảnh một người tử tù và ông vua. Buổi sáng vua ra lệnh lấy 300 lưỡi dao cắm vào thân thể của một tử tội. Tới buổi chiều vua hỏi: “người tù đó bây giờ sao ?” – “Tâu bệ hạ, nó còn sống” – “Vậy thì đem nó ra, lấy 300 lưỡi dao đâm qua người nó một lần nữa”. Và buổi tối, vua hỏi: “kẻ đó bây giờ ra sao ?” – “Còn sống” – “Hãy lấy 300 mũi dao đâm qua thân thể nó một lần nữa !” ... Bụt dùng ví dụ đó để nói chúng ta cũng đang hành hạ tâm thức của ta y như thế. Mỗi ngày chúng ta đâm 300 mũi dao của độc tố vào trong tâm thức ta. Những mũi dao của tham lam, giận dữ, ganh tỵ, hờn giận, thù oán, vô minh.

Bốn ví dụ kể trên được chép trong Kinh Tử Nhục. Tử Nhục là thịt của đứa con. Bốn ví dụ nghe rất ghê sợ, có tác dụng răn bảo chúng ta phải tỉnh táo giữ gìn chánh niệm.

Năm điều tâm niệm

(Sưu tầm)



Đức Phật Ngài dạy mỗi ngày phải nhớ năm điều tâm niệm sau:

➊ Chắc chắn ta sẽ bị già.

➋ Chắc chắn ta sẽ bị bệnh.

➌ Chắc chắn ta sẽ bị chết.

➍ Chắc chắn ta sẽ lìa xa những người hay vật mà ta thương thích.

➎ Chắc chắn ta phải chịu trách nhiệm những thiện ác lớn bé trong tam nghiệp của mình.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|62|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường

“Có những người bạn đối đãi với nhau như đất”.

Đất chắt chiu cất giữ từng hạt giống, nuôi hạt giống nảy mầm, nâng đỡ mọi thứ, để cuộc đời bớt hoang vu.

Người bạn như đất chắt chiu cất giữ từng hạt giống thiện, nuôi lớn thành những sớm mai bình yên, để con người thấy mình không cô độc giữa ba ngàn thế giới mênh mông.

Có đôi tay như đất, vẫn còn cất giữ những trong trẻo của ngày xưa, có người sẽ lại cần đến nó sau khi đi ngang qua phố chợ rồi mất sạch, trắng tay. Có người sẽ về nhận lại.

Có đôi chân như đất, vững chãi, ở đó, đi chung với nhau qua hết những vực sâu.

Có lời nói như đất, lấp hết những vết thương, làm xanh lại lòng người.

Có ánh mắt như đất, vẫn luôn nhìn thấy lòng người bạn mình như chiếc lá non.

Có trái tim như đất, ấm như nắng sớm, ủ từng hạt giống vàng ươm, nhận hết những muộn phiền, rồi gởi lại cho người tất cả những bình yên.

Có người bạn như đất, vàng như nắng, đẹp như mùa hoa dại.



D.P.A (73)

(Bùi Giáng)

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng

Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người

Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau

Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây

Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
Hỏi rằng người ở quê đâu
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà

Hỏi rằng từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào

Hỏi rằng đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân