(Sưu tầm)
Đệ tử:
- Người tình là gì, thưa thầy ?
Sư phụ:
- Người tình là người yêu, là kẻ thù, là người xa lạ.
Đệ tử:
- Tại sao thầy lại nói vậy ?
Sư phụ:
- Khi hai người yêu nhau, thì họ là người yêu; khi phản bội nhau, họ là kẻ thù; khi xem nhau như người dưng, thì họ là người xa lạ.
Đệ tử:
- Tại sao mọi chuyện lại thành sự tình như sư phụ nói ?
Sư phụ:
- Tình được sinh ta từ sự ham muốn yêu đương, có ham muốn thì nảy sinh chấp trước, bởi vì chấp trước mà muốn chiếm hữu, từ đó không tự mình nhận ra tham vọng muốn khống chế đối phương. Khi mọi sự không như ý, lòng dạ trở thành đa nghi, ghen tuông, tức giận, vì thế nên mâu thuẫn, cãi vã, mất niềm tin, khiến cho nhau tổn thương, lỗ mãng với nhau, thậm chí còn hủy hoại đối phương.
Đệ tử:
- Sao họ lại không trân quý nhau ? Nếu không thể ở bên nhau thì sao lại không chúc phúc cho nhau đường ai nấy đi ?
Sư phụ:
- Người vô lý rất nhiều, người hiểu lý lẽ lại ít ỏi vô cùng. Người ích kỷ nhiều, người vô tư lại càng ít. Người ngang ngược nhiều, người biết cảm thông chỉ là thiểu số. Người đề cao cái tôi của mình cũng nhiều, còn đứng vào vị trí người khác để xem xét vấn đề lại chẳng có mấy ai. Con thử nghĩ mà xem, người có thể thấu hiểu cho người khác phải là người hiểu được lý lẽ, từ đó mới có thể khoan dung và nghĩ đến quyền lợi của người khác.
Đệ tử:
- Phải chăng vì lẽ đó mà sư phụ xuất gia ?
Sư phụ:
- Khi một người bắt đầu bước vào yêu, họ đâu hiểu rằng sẽ trải qua những thăng trầm. Lúc mới bắt đầu thì mọi thứ là mùa xuân, hết thảy đều mỹ hảo. Sau đó là hạ đến, mâu thuẫn không ngừng xuất hiện. Và khi thu về, mọi thứ dần trở nên lãnh đạm. Cuối cùng là mùa đông, thời điểm tình cảm đã hoàn toàn không còn nữa. Ấy thế nhưng tình này vẫn triền miên kiếp người, họ lại đi tìm một người tiếp theo để giẫm lên vết xe đổ. Bởi vì đông qua xuân lại đến, cứ như thế tuần hoàn. Đây chính là dòng sông chứa dục vọng yêu đương của chúng sinh, là nguyên nhân chủ yếu của luân hồi.
Đệ tử:
- Vậy sư phụ sẽ không khuyến khích mọi người yêu nhau phải không ?
Sư phụ:
- Ta không thể nói “tốt”, cũng không thể nói “không tốt”, làm thế nào mới là “tốt nhất”, chính là do tự mình quyết định.
Đệ tử:
- Nếu như không yêu nhau, thì sẽ không có kết hôn. Không kết hôn, thì sẽ không có con cái. Không con không cái, thì sẽ không có nhân loại. Không có nhân loại, chẳng phải thế giới sẽ hoang phế sao, thưa sư phụ ?
Sư phụ:
- Con không cần phải bận tâm, do duyên nợ chúng sinh đã gieo với nhau trong nhiều đời kiếp quá khứ, một khi gặp lại họ sẽ tự động bám vào nhau như nam châm, muốn tránh né duyên nghiệp đã gieo cũng rất khó. Có người hỏi ta, nếu ai ai cũng xuất gia, thì kinh tế của đất nước sẽ ra sao, nhân loại sẽ tiếp tục như thế nào, ta trả lời họ rằng: “giả thiết của thí chủ hoàn toàn không có cơ sở, chẳng qua chỉ là bản thân thí chủ cơ bản không muốn xuất gia, bàn tay có ngón ngắn, ngón dài, khi nào năm ngón bằng nhau thì họa may chuyện đó mới xảy ra”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét