V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Con gái đắt giá hơn con trai

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương LVIII, Thích Nhất Hạnh



Một hôm nọ đi khất thực qua một xóm nghèo, Bụt gặp một đám thiếu nhi đang chơi giữa đường. Các bé đang xúm nhau xây một thành phố bằng đất và cát. Chúng xây thành vua, kho lúa, nhà cửa và đào một con sông chảy qua thành phố. Bọn nhỏ đông có đến mười lăm đứa.

Bụt và đoàn khất sĩ dừng lại. Một em bé, chừng như là đầu đàn của bọn nhỏ, nói:

- Có Bụt và các vị khất sĩ đi ngang qua thành phố chúng ta. Chúng ta phải cúng dường Người và các vị đệ tử của Người mới được.

Bọn trẻ nhao nhao hỏi:

- Chúng ta lấy gì mà cúng dường Bụt ? Người lớn mới có thể cúng dường chứ chúng ta là con nít mà cúng dường sao được ?

Em bé kia trả lời:

- Tại sao chúng ta lại không có thể cúng dường ? Này các bạn, trong kho lẫm nội thành có bao nhiêu là thóc lúa. Chúng ta hãy lấy thóc lúa trong kho ra mà cúng dường Bụt và tăng đoàn.

Bọn nhỏ reo hò vang dậy. Chúng moi bụi cát trong kho lúa của chúng ra và đặt bụi cát đó trên một chiếc lá bàng. Em bé đầu đàn nâng chiếc lá bàng có đựng bụi đất trên hai tay, quỳ xuống trước Bụt và dâng lên Bụt những đất bụi ấy. Bọn trẻ đều bắt chước quỳ xuống, hướng về Bụt và tăng đoàn mà chắp tay. Em bé đầu đàn nói:

- Dân chúng trong thành phố chúng con kính dâng lên Bụt và tăng đoàn chút ít lúa gạo trong kho lẫm của chúng con. Xin Bụt và tăng đoàn nhận cho.

Bụt mỉm cười. Người đưa tay xoa đầu em bé và nói:

- Cám ơn các con đã cúng dường lúa gạo cho Bụt và cho các thầy khất sĩ. Các con dễ thương lắm.

Rồi Người xoay lại nói với thầy Ananda:

- Ananda, thầy hãy nhận lấy bụi đất trong chiếc lá bàng này rồi đem về hòa với nước và trét lên vách đất của tịnh thất ta.

Thầy Ananda lĩnh mệnh, thu nhận vật cúng dường của các bé. Bọn trẻ mời Bụt ngồi trên một tảng dá dưới một cội cây đa, rồi tất cả kéo tới quây quần xung quanh Bụt. Ananda và các vị khất sĩ cũng xúm lại gần.

Bụt kể cho bọn trẻ nghe chuyện tiền thân Visvantara. Kiếp xưa, thái tử Visvantara là một người giàu lòng thương, luôn luôn bố thí tất cả những gì mình có cho những người nghèo khổ túng thiếu, không tiếc bất cứ một vật gì. Thái tử có một người vợ tên là Madri rất hiền thục và đảm đang. Nàng biết niềm vui của chàng là cứu giúp kẻ thiếu thốn, và vì vậy nàng không bao giờ tỏ vẻ nuối tiếc một thứ gì mà chồng đem cho. Hai người sinh được hai đứa con, một đứa trai tên là Jalin và một đứa gái tên là Krishnajina. Vào những năm đói kém hoàng tử được phép vua cha cho lấy lương thực và vải vóc trong kho để phát tặng cho những người đói rét. Các kho lẫm vì thế cạn dần. Một vài vị quan trong triều thấy thế tìm cách chận thái tử lại. Một hôm họ tâu vua là thái tử làm sạt nghiệp quốc gia và nhân dịp thái tử lỡ cho mất của triều đình một con voi quý, họ đề nghị đày thái tử tới một nơi hẻo lánh trên núi Jayatura để thái tử học sống cuộc đời nghèo khổ và đạm bạc.

Bị áp lực của các quan, vua cha nghe lời. Vợ chồng và hai đứa con vì vậy phải lên đường đi đày biệt xứ. Giữa đường có người nghèo ghé tới xin bố thí. Thái tử cởi chiếc áo quý đang mặc mà cho. Khi có những người nghèo khác tới xin, vợ thái tử cởi chiếc áo đẹp bên ngoài của nàng, và khi có những người nghèo khác tới nữa, Jalin và Krishnajina lại cởi áo và những đồ trang sức để tặng. Đi mới được hai phần ba đường mà thái tử và gia đình đã cho hết tất cả những gì có giá có thể bán được để mua gạo. Cuối cùng, họ phải cho luôn chiếc xe và hai con ngựa. Thái tử ẵm Jalin, Madri ẵm Krishnajina, họ đành lòng đi bộ tới xứ Jayatura để sống thời gian lưu đày của mình. Không còn của cải gì nhưng họ vẫn vui, vẫn hát, vì lòng họ thanh thản. Họ biết họ đã cho người khác những niềm vui.

Thái tử và vợ đi mãi đến khi chân họ rướm máu và chai đi thì mới tới nơi. Đó là một ngọn núi và những khu rừng rậm. Leo lên núi họ tìm thấy một túp lều bỏ không. Túp lều mà chắc ngày xưa đã có một vị đạo sĩ cư trú để tu hành. Hai vợ chồng sửa sang quét dọn túp lều, bứt tranh bứt lá lót giường cho bốn người, và nghĩ đến việc đi tìm thực phẩm. Hai người đi tìm các loại trái cây và các loại rau lá mọc hoang trong rừng có thể ăn được. Hai đứa bé cũng được dạy dỗ cách đi tìm trái cây, hái rau, giặt áo và phơi áo bên bờ suối, gieo hạt và làm vườn. Ngoài ra các bé còn được học chữ nữa. Họ dùng lá kè và viết chữ bằng một cái gai nhọn.

Họ sống đơn giản như thế trên núi được ba năm, và cuộc sống rất vui tươi, nhưng có một hôm nọ, trong khi Visvantara và Madri đang đi hái trái cây trong rừng thì ở nhà có người tới bắt cóc mất hai đứa trẻ. Khi về nhà không thấy hai con, hai vợ chồng hoảng hốt đi tìm. Họ đi khắp núi rừng và khi không thấy con, họ tìm về phố chợ. Hai tháng trôi qua nhưng họ vẫn không tìm được con. Họ trở về túp lều một lần nữa, hy vọng các con đi đâu lạc đã trở về. Về tới nhà, họ gặp sứ giả của vua cha. Vua cha triệu hai vợ chồng về. Sứ giả cho biết là Jalin và Krishnajina đã về tới trong hoàng cung và đang sống với ông nội.

Hai người mừng rỡ hỏi thăm. Sứ giả nói:

- Một hôm nọ có người đem bán hai đứa bé ngoài chợ kinh đô. Có một bà mệnh phụ đi chợ nhận ra hai đứa này là con của thái tử Visvantara. Bà liền về báo cho chồng biết. Vị quan này tức tốc ra chợ. Ông bảo người kia rằng nếu đem hai đứa trẻ vào cung bán thì sẽ được giá rất cao, và ông tiến dẫn người bán vào cung.

Thấy hai đứa nhỏ, dù áo quần tả tơi và mặt mày lem luốc, vua cha cũng giật mình nhận ra cháu mình. Vua bàng hoàng. Lòng nhớ thương con cháu sống dậy mãnh liệt nơi vua. Vua truyền:

- Nhà ngươi tìm được hai đứa bé này ở đâu thế ? Bán mỗi đứa bao nhiêu ?

Người kia chưa kịp tâu bày gì thì vị đại thần đã lên tiếng:

- Tâu hoàng thượng, đứa bé gái bán giá một ngàn lượng vàng và một ngàn con bò, còn đứa bé trai bán giá một trăm lượng vàng và một trăm con bò.

Mọi người, kể cả hai đứa trẻ, đều ngạc nhiên. Vua hỏi:

- Tại sao con gái lại bán đắt hơn con trai ?

Vị đại thần nói:

- Vì hoàng thượng quý con gái hơn con trai. Các công chúa không bao giờ bị hoàng thượng trừng phạt và la rầy, cả đến những cung nhân trong cung cấm cũng được đối đãi thật tử tế. Hoàng thượng chỉ có một đứa con trai duy nhất mà hoàng thượng lại đày lên núi xa ở với cọp beo, phải đi hái trái rừng để ăn và để nuôi con. Như vậy con gái không đắt hơn con trai là gì ?

Vua rơi nước mắt:

- Thôi khanh đừng nói nữa, trẫm đã hiểu rõ rồi.

Vua hỏi người kia gặp hai đứa trẻ ở đâu. Người kia trả lời là đã mua lại hai đứa bé từ một miền núi xa xăm. Vua ban tiền bạc cho người ấy và ra lệnh cho người này cộng tác với thám tử của vua truy nã người đã bắt cóc trẻ em đem đi bán. Rồi vua gọi hai cháu lên và ôm vào lòng. Vua hỏi thăm về cuộc sống trên núi. Sau đó, vua lập tức ban chiếu chỉ triệu vợ chồng thái tử về. Từ đó về sau, vua rất cưng chìu thái tử và còn làm hết sức mình để giúp thái tử có thêm lúa gạo và vải vóc để chia tặng cho những người nghèo khổ.

Bọn trẻ em nghe Bụt kể chuyện một cách say mê. Bụt nói:

- Thái tử Visvantara tìm thấy niềm vui khi chia sẻ những gì mình có với những kẻ khác. Này các con, hồi nãy các con chỉ cho ta một ít bụi đất trong kho lẫm của các con mà ta cũng đã rất vui rồi. Các con nên biết: mỗi ngày ta có thể đem lại niềm vui cho kẻ khác bằng cách tặng cho kẻ ấy một món quà. Món quà ấy không cần phải mua. Khi các con hái một bông hoa bên bờ ruộng đem về tặng cho cha mẹ là các con đã cho cha mẹ các con một niềm vui rồi. Nói một câu hiếu thuận hoặc dễ thương cũng là một món quà quý giá. Ôm lấy cha mẹ mà nói rằng mình rất thương quý cha mẹ đã làm lụng khó nhọc để nuôi mình, đó cũng là một tặng phẩm rất quý. Một cái nhìn, một sự săn sóc nhỏ nhặt cũng đưa tới những niềm vui. Đối với cô bác và bạn bè, các con cũng có thể làm cho họ vui bằng những tặng phẩm như thế. Bây giờ ta với các thầy phải từ giã các con để tiếp tục đi khất thực, nhưng ta sẽ nhớ mãi những bụi đất mà các con đã tặng cho ta trong ngày hôm nay.

Bọn trẻ em rất sung sướng được gặp Bụt ngày hôm ấy. Chúng bàn nhau sẽ rủ các bạn tới tu viện Jetavana để thỉnh thoảng được nghe Bụt và các thầy kể chuyện.

Mùa nắng năm sau, Bụt về Rajagaha. Thăm hỏi và dạy dỗ đại chúng ở đây xong, người lên núi Linh Thứu. Y sĩ Jivaka được tin Bụt về Linh Thứu liền lên núi thăm người. Rồi Jivaka thỉnh Bụt về vườn xoài của ông dăm bữa. Bụt nhận lời. Thầy Ananda cũng đi theo Bụt. Y sĩ có một vườn xoài rất mát mẻ và xum xuê. Xoài ở đây đã lên tới năm thứ tám. Jivaka đã dựng một tịnh thất nhỏ để Bụt ở. Hàng ngày ông đem thức ăn chay do ông tự tay nấu để cúng dường Bụt. Ông xin Bụt nghỉ ngơi ít hôm đừng đi khất thực để có dịp bồi bổ lại sức khỏe. Ông lại đem thuốc bổ đến để cúng dường Bụt. Thuốc bổ này gồm toàn rễ cây, lá cây, và trái cây. Một hôm ngồi với Bụt trong vườn xoài, Jivaka hỏi:

- Lạy Bụt, có người đồn đãi rằng các vị khất sĩ được phép Bụt cho ăn mặn. Họ còn nói: sa môn Gotama cho phép giết thú vật, để làm thức ăn cúng dường ông ta và các vị khất sĩ học trò của ông. Có người than thở: vì sa môn Gotama mà dân chúng phải sát hại sinh vật để làm thức ăn cho ông và cho đệ tử ông. Bạch Thế Tôn, con thấy những lời đồn đãi này không đúng, nhưng con muốn nghe Thế Tôn trực tiếp nói về điều này.

Bụt nói:

- Này Jivaka, những ai nói rằng thầy cho phép giết sinh vật để làm thực phẩm cho thầy và cho các vị khất sĩ, những người ấy đã không nói đúng sự thật. Jivaka, thầy đã từng nói rõ nhiều lần: nếu một vị khất sĩ thấy người ta giết thú vật để làm thực phẩm cúng dường mình, vị khất sĩ ấy phải từ chối không được ăn. Nếu không thấy mà chỉ nghe nói rằng người ta đã vì mình mà giết thú vật thì vị khất sĩ cũng phải từ chối không được tiếp nhận thực phẩm, và hơn thế nữa, dù không thấy không nghe nhưng một khi đã nghi rằng người ta có vì mình mà giết thú vật thì vị khất sĩ cũng phải từ chối không được ăn. Jivaka, theo phép khất thực, người ta cho thức ăn gì thì phải nhận thức ăn ấy, nhưng trong trường hợp đã thấy đã nghe và đã nghi rằng người ta đã vì mình mà sát hại thú vật thì vị khất sĩ có quyền từ chối và phải từ chối. Như thế mới nuôi dưỡng và bảo vệ được lòng từ bi của mình. Jivaka, những thí chủ nào biết Bụt, biết Pháp và biết Tăng thì mỗi khi sửa soạn vật thực cúng dường họ đều dùng những thức ăn chay tịnh. Trong trường hợp không có sẵn các món chay họ mới chia sẻ cho các thầy khất sĩ món mặn họ sẵn có mà thôi. Những người lần đầu tiên cúng dường các vị khất sĩ cũng không biết rằng các thầy ưa thức ăn chay hơn thức ăn mặn cho nên cũng chỉ cúng dường và san sẻ những thức ăn họ sẵn có. Trong trường hợp này, các vị khất sĩ có thể thọ dụng thức ăn mặn, để khỏi phụ lòng thí chủ và cũng để thí chủ có dịp kết duyên từ từ với đạo giải thoát. Jivaka, một mai kia, khi tất cả thiên hạ đều biết rằng các vị khất sĩ không ăn thịt thú vật bị giết vì họ thì thiên hạ sẽ không cúng dường thịt cho các vị khất sĩ nữa. Lúc ấy các vị khất sĩ sẽ ăn chay hoàn toàn.

Jivaka biện bạch:

- Con thấy ăn chay làm cho cơ thể nhẹ nhàng và ít bệnh hơn ăn mặn. Thế Tôn, từ mười năm nay, con đã ăn chay. Con nghĩ rằng ăn chay vừa được khỏe mạnh vừa nuôi dưỡng được lòng từ bi. Hôm nay con rất vui mừng được thầy chỉ dạy rõ ràng về việc ấy.

Jivaka cũng tỏ ý khen ngợi Bụt về pháp chế không ăn sau giờ Ngọ và không ăn những thức ăn cất giữ từ ngày hôm qua, trừ trong mùa lạnh. Ông thấy những điều này rất hợp với phép vệ sinh. Không ăn buổi chiều và buổi đêm thì vừa cảm thấy nhẹ nhàng vừa có thêm thì giờ tu tập. Thức ăn để lại ngày hôm sau có thể bị hư và làm độc hại cơ thể, nếu trời nóng quá. Bụt khen ngợi Jivaka và ngỏ lời mời ông một hôm nào về tu viện nói cho các vị khất sĩ nghe về các phép vệ sinh của đời sống hàng ngày.

Sống an nhiên

(Thích Tánh Tuệ)



Sống giản đơn bình dị
Cho cuộc đời thảnh thơi
Sống vô cầu, an vui
Để tâm hồn nhẹ nhõm

Sống lo âu thấp thỏm
Tóc bạc trước khi già
Sống nhẹ nhàng, cho qua
Biết buông là hạnh phúc

Sống biết điều đôi chút
Đi khuất, người nhớ tên
Sống lẽ đẹp nhìn lên
Để biết cần phấn đấu

Sống “yêu” mà không “dấu”
Lồng ngực tròn trái tim
Sống đôi lúc lặng im
Trọn ngắm nhìn sự thật

Sống không cần tất bật
Vì đất gọi, về không
Chỉ vun xới, ươm trồng
Một loài hoa Bi Trí

Sống nụ cười hoan hỉ
Trân quý còn có nhau
Sống như thuở ban đầu
Mãi về sau hạnh phúc

Sống giữa nghìn trong đục
Tinh khiết đời đóa sen
Mở lòng đến vô biên
Là sống Thiền, giải thoát

Có hay không số phận rủi ro dưới góc nhìn Phật giáo ?

(Sưu tầm)



Cuộc sống mỗi người trên trái đất vốn rất đa dạng, muôn màu và luôn có sự khác biệt. Sự thật là, mỗi người trong chúng ta đều có một cấu trúc tâm sinh lý, hoàn cảnh, điều kiện sống hoàn toàn khác nhau. Đã bao giờ bạn hỏi rằng, tại sao cùng là con người nhưng có người vô cùng xinh đẹp, dáng người thanh tú, nước da trắng ngần, còn người kia lại sở hữu làn da đen nhẻm, khuôn mặt bình thường ? Hay có người bỗng nhiên trúng số độc đắc rồi trở nên giàu có, còn người khác liên tục làm ăn thua lỗ phải vất vả mưu sinh từng bữa qua ngày. Phải chăng đó là số phận may rủi ở mỗi người ? Nếu bạn gặp may, bạn làm gì cũng thuận, nhưng khi “vận đen” ghé tới thì việc gì cũng rối. Vậy số phận là gì và sự may rủi trong số phận mỗi con người ra sao ? Hãy cùng tìm hiểu những khái niệm này dưới góc độ Phật giáo.

● Số phận rủi may dưới trường phái triết học Nho giáo

Rất nhiều học thuyết đã được đưa ra nhằm lý giải cho số phận, thiên mệnh của mỗi con người. Tuy nhiên, chưa một học thuyết nào có thể giải thích tường tận về số phận. Trong Nho giáo, số phận là quan niệm của các trường phái triết học như Túc mệnh luận, Định mệnh luận và Thiên mệnh luận.

Theo đó, Túc mệnh luận cho rằng, mỗi người đều có một số mệnh do quá khứ an bài và xếp đặt, mọi cố gắng đều vô ích. Định mệnh luận có cùng quan niệm như Túc mệnh luận nhưng cường điệu hơn. Số phận khi đã quyết định thì không thể thay đổi và phủ nhận hoàn toàn mọi nỗ lực cá nhân. Thiên mệnh luận của Nho giáo quan niệm Thiên mệnh là do trời định đoạt. Nên dù bạn cố gắng đến đâu nhưng số phận khổ, may của mỗi người khó có thể thoát khỏi ý trời.

Do đó hiểu đơn giản, mỗi người đều có một số phận đã được an bài, định đoạt bởi một ai đó, một vị thần thánh hay đấng siêu nhiên nào đó. Và khi số phận an bài, con người cần chấp nhận, mãi mãi không bao giờ thay đổi được số phận đó. Chẳng hạn như một người khi sinh ra đã bị khiếm thị. Chính cha mẹ hay bản thân họ đều không mong muốn điều đó xảy ra với mình nhưng phải chịu thân phận mù lòa do người này đã được ông trời định đoạt như vậy. Nhưng sự thật là, những điều trên chỉ là do chúng ta suy luận mà thôi. Bởi dưới góc độ Phật giáo, sự rủi may trong số phận không phải do ông trời hay do một đấng siêu nhiên nào có thể quyết định.

Không ít người cho rằng, chính vì tin vào những học thuyết Thiên mệnh, số phận an bài ... đã khiến chúng ta quá “an phận” trong cuộc sống. Có người cảm thấy quá mặc cảm vì vẻ ngoại hình xấu xí hay gia cảnh nghèo khó mà không cố gắng vươn lên, hay người khác lại dựa vào lời tiên đoán tương lai mình sẽ giàu có mà “ôm cây đợi thỏ” bỏ quên lao động … Nhưng đó chỉ là những suy đoán chủ quan tích góp từ kinh nghiệm mà thôi. Bởi một triết gia đã từng nói: “Chúng ta không có quyền chọn người sinh ra mình hay chọn nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta có quyền chọn cách mình sẽ sống. Cách sống ấy có thể đúng, có thể sai trong mắt người đời nhưng chỉ cần từ tận sâu thẳm con tim mình luôn tin đó là đúng thì nó là đúng”. Điều này hẳn sẽ khiến nhiều người nghĩ đến số phận của chàng trai không chân tay Nick Vujicic. Không ai cho rằng với thân hình như vậy - anh lại có thể trở thành một nhà diễn thuyết tài năng hay cưới được một người vợ xinh đẹp. Nhưng chính vì không chịu khuất phục bởi số phận, anh đã vươn lên và trở thành một nhà diễn giả nổi tiếng.

● Và sự may rủi của số phận dưới góc nhìn Phật giáo

Dưới lăng kính Phật giáo, sự rủi may trong số phận không phải do thiên mệnh hay định mệnh mà thân phận mỗi con người là kết quả do quá trình của chúng ta hành động từ một đến nhiều đời. Hay nói cách khác, con người hiện hữu và tồn tại với các đặc tính khác nhau là kết quả của Nghiệp - được tạo tác bởi chính họ trong hiện tại và quá khứ. Theo Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt – Trung Bộ III có nói: “Con người là chủ nhân của Nghiệp, là kẻ thừa tự Nghiệp … Nghiệp là thai tạng, Nghiệp là điểm tựa”.

Điều đó có nghĩa, sự hiện hữu của mỗi con người trên thế gian này là sự hiện hữu của nghiệp thiện và bất thiện của họ từ quá khứ. Nghiệp tức là chủ động tạo điều kiện để tái sinh trong kiếp hiện tại và cho những kiếp tương lai. Vì thế tất cả mọi khổ vui, thành công, thất bại, tướng diện đẹp xấu, thông minh hay khờ dại … của con người trong kiếp sống này là sự lĩnh hội những quả nghiệp do chính họ tự tạo từ quá khứ, chứ không do sự thưởng, phạt nào của bất cứ ai. Cùng với đó, sự may mắn hay rủi ro mà mỗi người đang “lĩnh hội” hiện tại đều do chính chúng ta tạo dựng ra. Cuộc sống của bạn hạnh phúc, an lành hay đau khổ, bất an, tùy thuộc vào cách sống của mỗi người.

Nếu ai đó gặp thất bại trong công việc thì hãy đi tìm nguyên nhân chứ đừng nên nói rằng mình gặp vận xui. Theo Phật giáo, đó là kết quả mà bạn cần phải chịu do đã tạo ra những nghiệp xấu gây ra trước đó. Một sự không chu toàn trong hành xử, nói lời khó nghe ... đôi khi cũng khiến bạn gặp thất bại. Bởi vậy, thay vì than thân trách phận thì hãy vượt qua bằng cách làm nhiều việc tích cực và thông cảm nhiều hơn. Biết đâu vào lúc nào đó, bạn sẽ lại gặp được người tốt giúp đỡ mình. Còn nếu việc thất bại là do sự bất tài, thiếu kinh nghiệm, lười nhác thì bạn cần cố gắng, cải tiến học hỏi để khắc phục thất bại.

Đức Phật dạy rằng, điều lành là kết quả thiện - phát sinh từ những nguyên nhân tốt và kết quả xấu chỉ có thể dẫn đến từ các nguyên nhân bất thiện. Một người luôn mang trong mình tâm không sạch, hành động ác, không thể nói rằng cuộc đời anh ta gặp “vận rủi ro”. Ý nghĩ xấu, hành động ác độc sẽ chỉ tạo nên cuộc sống bất hạnh. Trái lại, ý nghĩ thiện và hành động tốt sẽ đem đến cho bạn cuộc sống an vui, gặp may trong cuộc đời.

Dưới góc độ Phật giáo, Nghiệp do con người tạo ra trong quá khứ và từng phút từng giây trong hiện tại qua ba con đường: hành động (Thân nghiệp), ngôn ngữ (Khẩu nghiệp) và tư duy (Ý nghiệp) rồi trở lại chi phối chính người ấy. Không ít bạn cho rằng, tháng 7 âm lịch là “Tháng Cô Hồn” và bạn sẽ gặp nhiều điều xui xẻo. Sự thật là, không có sự may rủi trong cuộc sống và không có một thế lực siêu nhiên nào chi phối, khiến bạn gặp xui xẻo. Mà sự may rủi đó chính là do bạn tạo nên. Những hành động hướng thiện, tâm hồn trong sáng ... là yếu tố giúp bạn luôn gặp may mắn trong cuộc đời.

Bạn hãy nhớ rằng, dù chúng ta sinh ra như thế nào, trong hoàn cảnh ra sao thì hãy luôn sống có ý nghĩa và có ích cho xã hội. Cuộc sống có sướng khổ, buồn, vui là do bạn tự định đoạt tương lai cho mình.

D.P.A (39)

- Thích Thiện Hoa

Phàm làm việc gì trước phải nghĩ đến hậu quả của nó.



Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|14|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường



“Cuối cùng, không có gì - không còn gì quý giá hơn Tình Thương, Tình Thương là căn bản cho tất cả niềm vui bắt đầu. Khi trong lòng không có Tình Thương, ngày mai của người đó, nhất định, chỉ còn nỗi buồn”.

Một sát-na Từ Bi có thể tránh được những biến cố to lớn, một sát-na không Từ Bi có thể phải nhận lấy khổ đau cả đời.

Một lần Từ Bi, là một lần người ta quyết tâm đặt xuống hết hận thù trong lòng, rồi nhẹ nhàng, giải thoát. Một lần không từ bi là một lần người ta quyết tâm cầm hết hận thù lên, giữ thật chặt, rồi nặng nề, đảo điên, khổ lụy.

Nhẹ nhàng, giải thoát bắt đầu từ tâm Từ Bi, và bế tắc khổ lụy nối dài thêm khi tâm Từ Bi không còn. Sự khác biệt duy nhất giữa hạnh phúc và khổ đau chính là tâm Từ Bi.

Chiều về, hôm đó mưa, mưa ướt mắt ướt tay, nghe câu hát văng vẳng trong mưa, thấy lòng thật nhẹ:

“… còn tình yêu đó lỗi lầm sẽ qua …”

Câu hát nhẹ như một câu Kinh, và nặng như câu Chân Ngôn Giải Oan Kết mà người đời viết được cho nhau.

Thứ duy nhất lớn hơn lỗi lầm là tình thương. Một ánh mắt dữ, một lời nói ác … chẳng qua cũng do tình thương không còn.

Khi trong lòng còn tình thương, lỗi lầm của người chỉ là chuyện nhỏ. Khi trong tâm còn Từ Bi, những tổn thương từ cuộc sống vô thường mang đến cũng chẳng đáng gì. Con đường khổ lụy của người đời có muôn ngàn cách để bắt đầu, và cũng có chừng ấy cách để nối dài thêm, nhưng có một cách để kết thúc là tâm Từ Bi.

Từ Bi để can đảm mà lương thiện.

Giặt tâm

- Nguyễn Ngọc Trọng

Có một hôm thầy hỏi:

- Con biết giặt đồ không ?

- Dạ biết.

Thầy nói:

- Con người ai cũng biết giặt đồ, giặt mỗi ngày, giặt xong rồi ngâm cho thơm, ủi cho thẳng. Nếu cái áo hoặc cái quần dính một chút bụi thì chê dơ không mặc.

- Dạ.

Thầy hỏi:

- Thế con có biết cách giặt cái tâm mình không ?

Tôi thật sự bất ngờ trước câu hỏi này của thầy. Thật lòng mà nói, ngay cả nghĩ cũng chưa từng nghĩ đến, thì làm sao biết giặt nó thế nào.

Thầy nói:

- Tâm bị ô nhiễm bởi tham, sân, si, kiêu mạn, ích kỷ ... lâu mà không thanh lọc cho sạch, ô nhiễm ngày càng trầm trọng, dẫn đến hành động, lời nói đều tạo nghiệp theo sự chi phối bởi tham, sân, si ... thì làm sao mà không đau khổ. Trong tâm tràn ngập tham, sân, si ... mà muốn sống an lành hạnh phúc, là ảo tưởng, không thật. Muốn sống hạnh phúc, thì lo mà giặt cái tâm của mình. Tâm càng trong sáng, thì càng sống an lạc, bình an bấy nhiêu.

- Dạ.

Thầy rất từ bi chỉ luôn “cái máy giặt”, cái máy giặt không cần điện và sự vận hành gì cả. Lòng tràn ngập hoan hỷ. Một bài học quí giá, sâu sắc.



Điều quan trọng trong cuộc sống

- Sưu tầm



Dù đã sẵn sàng hay còn chưa chuẩn bị, rồi một ngày kia, chúng ta cũng phải chia tay thế giới này.

Sẽ chẳng còn ánh mặt trời chói chang chào đón, sẽ chẳng còn một ngày mới bắt đầu bằng giọt nắng trong vắt của buổi bình minh. Sẽ không còn nữa những ngày xuân hiền hòa, ấm áp. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực, … tất cả với ta, cuối cùng, cũng sẽ trở thành vô nghĩa. Còn ý nghĩa chăng là những gì ta tạo ra đối với thế giới này. Vậy điều gì là thật sự quan trọng lưu lại dấu ấn của ta trong cuộc sống ?

- Quan trọng không phải là những thứ ta mang theo bên mình, mà là những gì mình đã chân thành đóng góp cho tha nhân.

- Quan trọng không phải là những thứ ta nhận được, mà là những gì mình đã cho đi.

- Quan trọng không phải là những thành công mà mình đã có được trong cuộc đời, mà là ý nghĩa thanh cao của chúng.

- Quan trọng không phải là những thứ ta học được, mà là những gì mình đã truyền lại cho người khác.

- Quan trọng không còn là năng lực của ta, mà chính là tính cách - là những gì mà mình đã cư xử với mọi người xung quanh.

- Quan trọng là những khoảnh khắc, cử chỉ, thái độ mà ta đã vô tình hay cố ý khắc ghi trong lòng người khác, khi cùng chia sẻ với họ những lo âu, phiền muộn, khi ta an ủi và làm yên lòng họ bằng cách riêng nào đó của mình, hay chỉ đơn giản là một nụ cười hoan hỉ hay một cái nắm tay, đỡ cho một người khỏi ngã.

- Quan trọng đâu chỉ là ta sẽ được mọi người nhớ đến trong bao lâu, mà là họ nhớ gì về mình (tốt hay xấu).

- Quan trọng không phải là ta quen biết thật nhiều người, mà là bao nhiêu người sẽ đau xót khi mất ta trong đời.

Vậy thì, bạn ơi ! Chúng ta hãy nhìn cuộc sống bằng ánh mắt yêu thương và hiểu biết, bởi vì chỉ có tình yêu thương, sự hiểu biết mới đem lại những điều kỳ diệu cho cuộc sống.

Thế giới không thuộc về ta

- Thích Tánh Tuệ

Thế giới vốn không thuộc về bạn, vì thế bạn không cần vứt bỏ, cái cần vứt bỏ chính là những TÁNH CỐ CHẤP (chấp thủ). Vạn vật đều cung ứng cho ta, nhưng không thuộc về ta.

Mai đây ta chết, đời như thị
Thế giới điềm nhiên đẹp vẫn là
Dòng sông mãi trôi xuôi từ vạn kỷ
Biết chi đời từng có giọt sương sa




Trả nốt cho duyên

- Thích Tánh Tuệ



Trả ai cái kiếp luân hồi
Về nơi cố quận mà ngồi thong dong
Trả luôn mấy bận lưng còng
Gá thân, rồi tự đèo bòng nghiệp duyên
Trả bao tâm thức đảo điên
Theo con sóng biển tan miền đại dương
Trả tình mấy bận tơ vương
Dùng dằng lũy kiếp mù sương, gập ghềnh

… Liêu xiêu bóng trúc qua thềm
Sông thời gian vẫn bồng bềnh lặng trôi
Còn gì sót lại trong tôi
Thả theo mây trắng bên trời loãng tan
Trả ai cơn mộng trần gian
Nghìn năm mở mắt ... mơ màng lối xưa
Bàn chân nhịp điệu mơ hồ
Giữa thiên thu lại đứng chờ thiên thu
Trả trời, đất, thuở âm u
Trả luôn nhịp võng lời ru Mẹ hiền
Tấm thân sinh tử, ưu phiền
Kiếp tằm mấy độ oan khiên tự ràng

Trả rừng thu ngọn lá vàng
Trả thơ cho bút, trả đàn cho dây
Tôi về “mặt mũi xưa, nay”
Vạn duyên, hoàn lại chốn này vạn duyên

Danh ngôn (128)

- Ngụy Hy



Người tri túc, trời không bắt nghèo được.
Người vô cầu, trời không bắt hèn được.

Pháp ngữ (30)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Học Phật thì phải đem Tâm ra học. Nhất cử nhất động, mỗi lời mỗi việc, thì đều phải hướng về điều chân thật mà làm.

Happiness is ...

- Corrie Ten Boom



Happiness isn’t something that depends on our surroundings … It’s something we make inside ourselves.

╰▶ Hạnh phúc không phải là điều gì đó phụ thuộc vào môi trường xung quanh chúng ta … Đó là điều chúng ta tạo ra bên trong chính mình.

D.P.A (38)

- Lời Phật dạy

Không làm các điều ác
Siêng làm những điều lành
Giữ tâm ý trong sạch
Đó là lời Phật dạy



Luật vay trả

- Sưu tầm



Cho dù chúng ta có theo tôn giáo hay không theo một tôn giáo nào, chúng ta vẫn phải trả và nhận những gì mình gây tạo ra, Luật Nhân Quả cũng giống như lửa, hễ chạm tay vào thì mọi người đều bị phỏng như nhau, cho dù có người không tin rằng sờ vào lửa là sẽ phỏng. Thế nên:

- Làm ác hại người mà cầu bình an thì không thể.

- Cướp của gian tham mà cầu giàu an ổn có thì không thể.

- Không cho đi mà đòi nhận lại thì không thể.

- Không giúp người mà đòi người giúp thì không thể.

- Không yêu thương ai mà đòi người khác yêu thương mình thì không thể.

- Sống giả dối mà đòi người khác sống thật với mình thì không thể.

- Phá hoại hạnh phúc người khác mà cầu mình được hạnh phúc thì không thể.

- Làm việc ác mà muốn người khác làm việc tốt với mình thì không thể.

Ở đời có vay có trả, một việc nhỏ thôi, thiện hay ác vẫn có báo ứng. Chúng ta trồng cây cam, sẽ có trái cam. Chúng ta trồng cây đắng, sẽ ăn trái đắng. Đừng than, đừng trách, đừng cầu, đừng mong. Gieo cây ngọt sẽ được ăn quả ngọt. Đừng nghĩ rằng không ai biết việc mình đã làm. Trước hay sau gì, hoặc sớm hay muộn mà thôi, có lên trời hay xuống tận đáy biển … vẫn phải trả nghiệp mình đã tạo ra.

Cho dù cao vút lưng trời
Cho dù đáy biển trốn thời được đâu
Cho dù núi thẳm, hang sâu
Không nơi nào thoát quả sầu đã gieo
(Kinh Pháp Cú)

Chiếc bè đưa người

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương LVII, Thích Nhất Hạnh



Mùa Đông năm ấy trong khi Bụt nhập thất gần giảng đường Trùng Các ở Vesali, có mấy vị khất sĩ rủ nhau tự sát ngay trong tu viện. Sau thời hạn nhập thất Bụt được báo tin này. Người hỏi nguyên do. Các thầy trả lời là các vị khất sĩ ấy vì quán sát tính vô thường và tàn hoại của thân thể cho nên đã sinh lòng chán ghét thân thể và không muốn sống nữa. Bụt cho triệu tập tất cả các vị khất sĩ trong tu viện lại. Người nói:

- Các vị khất sĩ, quán vô thường là để thấy được tự tính chân thực của vạn pháp và đừng bị vạn pháp thao túng và làm cho khổ đau. Quán tính tàn hoại của thân thể cũng có mục đích ấy. Người ta không đạt tới giải thoát và tự do bằng cách trốn chạy vạn pháp. Người ta chỉ đạt tới giải thoát và tự do bằng cách thấy được thực tính của vạn pháp. Có một vài người trong quý vị đã không hiểu được điều đó và đã tìm con đường dại dột của sự trốn chạy và đã phạm vào giới sát. Này các vị ! Người giải thoát là người không kẹt vào sự tham đắm mà cũng không kẹt vào chán ghét. Tham đắm và chán ghét đều là những sợi dây ràng buộc. Người tự do là người vượt thoát cả tham đắm lẫn chán ghét. Do sự vượt thoát đó, người ấy an trú trong tịnh lạc. Niềm hạnh phúc của người đó không thể nào đo lường được. Những cố chấp về vô thường và vô ngã cũng không có mặt nơi người ấy. Này các vị khất sĩ ! Các vị hãy học và hành theo giáo lý tôi dạy một cách thông minh và trong tinh thần phá chấp.

Về lại Savatthi, Bụt lại có dịp dạy các vị khất sĩ thêm về vấn đề phá chấp. Tại Savatthi có một vị khất sĩ tên là Arittha cũng đã vì không hiểu được chân ý của lời Bụt dạy mà bị kẹt vào những cố chấp. Trước đại chúng các vị khất sĩ tại tu viện Jetavana, Bụt dạy:

❝Hiểu giáo pháp một cách sai lạc, người ta có thể đi vào cố chấp, từ cố chấp người ta đi sâu vào sai lầm, gây đau khổ cho mình và cho người. Này các vị ! Hãy nghe, hiểu và hành giáo pháp một cách thông minh, như thế giáo pháp mới đưa đến một lợi ích thiết thực. Một người bắt rắn giỏi biết cách dùng một cái cây có nạng và chận vào phía cổ của con rắn và cuối cùng nắm bắt được rắn ở chỗ cổ của nó. Nếu không biết bắt rắn mà nắm lấy rắn ở lưng hay ở đuôi thì người có thể bị rắn quay lại cắn tay. Học hỏi giáo lý, cũng phải học hỏi thông minh như là bắt rắn vậy. Này các vị ! Giáo lý là phương tiện chỉ bày chân lý, đừng chấp phương tiện là chân lý. Ngón tay chỉ mặt trăng không phải là mặt trăng. Không có ngón tay ấy thì quý vị không biết hướng của mặt trăng, nhưng nếu quý vị nhận lầm ngón tay là mặt trăng, thì vĩnh viễn quý vị không thấy được mặt trăng.

Giáo lý là chiếc bè đưa người sang sông. Chiếc bè rất cần thiết, nhưng chiếc bè không phải là bờ bên kia. Một người thông minh khi sang tới bờ bên kia rồi không bao giờ dại dột đội chiếc bè lên đầu mà đi. Này quý vị ! Giáo pháp tôi dạy là chiếc bè đưa quý vị vượt qua bờ sinh tử. Quý vị phải sử dụng chiếc bè để qua bờ sinh tử mà không nên nắm giữ chiếc bè. Quý vị cần hiểu rõ ví dụ này để đừng bị kẹt vào giáo pháp, để có khả năng buông bỏ được giáo pháp. Này quý vị ! Giáo pháp còn cần được buông, huống hồ là giáo pháp hiểu sai. Giáo pháp hiểu sai không phải là giáo pháp. Này quý vị, tất cả những giáo pháp mà quý vị đã học như Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Tứ niệm xứ, Thất giác chi, vô thường, vô ngã, khổ, không, vô tướng, vô tác, … tất cả những giáo pháp quý vị phải học hỏi và thực tập một cách thông minh và khôn khéo. Hãy sử dụng những giáo pháp ấy để đi tới giải thoát, nhưng đừng bị kẹt vào những giáo pháp ấy.❞


Trung tâm tu học của ni chúng tại Savatthi đã có đến năm trăm vị nữ khất sĩ. Trung tâm này thường thỉnh Bụt và các vị cao đức từ Jetavana tới giảng dạy. Đại đức Ananda được Bụt giao cho trách nhiệm công cử các vị giảng sư cho ni chúng. Một hôm đại đức đề cử đại đức Bhanda. Đại đức Bhanda là người có thật tu, có chứng đắc, nhưng đại đức không rành về chuyện diễn giảng, tuy nhiên vì đã được chỉ định, đại đức phải vâng lời. Ngày hôm sau, sau khi đi khất thực, đại đức ghé vào một cụm rừng để thọ trai. Thọ trai xong, đại đức đi về phía nữ tu viện. Đại đức được các ni sư đón tiếp niềm nở. Ni sư Gotami thỉnh đại đức lên pháp tọa. Lên pháp tọa, đại đức Bhanda chỉ đọc vỏn vẹn một bài kệ:

An trú trong tĩnh mặc
Thấy Pháp, trở về nguồn
Không hận thù bạo động
Niềm an lạc trào tuôn
Điều phục được kiêu mạn
Sống an hòa chân thật
Vượt ra ngoài ái nhiễm
Là niềm vui lớn nhất

Đọc xong bài kệ, đại đức im lặng đi vào đại định. Bài thuyết pháp của đại đức Bhanda chỉ có mấy chục từ nhưng đạo phong của đại đức đã làm cho các ni sư hoan hỷ. Một số các vị ni sư còn trẻ thấy bài thuyết pháp ngắn quá, liền bạch với ni sư Gotami xin đại đức nói thêm. Ni sư Gotami chìu họ, tiến lên làm lễ đại đức Bhanda và chuyển lời thỉnh cầu của các ni sư trẻ. Nhưng đại đức chỉ lặp lại một lần nữa bài kệ trên rồi bước xuống pháp tọa.

Câu chuyện này mấy hôm sau được trình lên Bụt. Có vị đề nghị là nếu cần cử vị giảng sư cho ni chúng thì nên cử những vị có biện tài nhiều hơn đại đức Bhanda. Bụt dạy: thực chứng là điều căn bản nhất. Vị giảng sư có thể ít dạy bằng lời nhưng dạy nhiều bằng đạo phong của mình, và người căn dặn là vị giảng sư cho ni chúng phải được công cử bởi đại chúng.

Một buổi trưa đi khất thực về, Bụt không thấy Ananda đâu cả. Người hỏi đại đức Rahula xem thầy có biết thầy Ananda ở đâu không. Rahula trả lời là không biết. Một vị khất sĩ cho biết là thầy thấy thầy Ananda đi khất thực ở một xóm nghèo trong giới những người hạ tiện không giai cấp. Thầy lại nói lâu nay thầy vẫn thấy đại đức Ananda lui tới xóm ấy để khất thực. Nghe nói thế, Bụt nhờ vị khất sĩ này đi tìm thầy Ananda. Vị đại đức đi hỏi thăm và tìm được thầy Ananda về. Đại đức cũng đem về theo những vị thí chủ của thầy Ananda. Đó là cô Prakriti và bà mẹ của cô. Thầy Ananda đã được mời lại thọ trai tại nhà này, và hai mẹ con đã tìm cách lưu thầy ở lại. Bà mẹ của Prakriti đã cho thầy uống một thứ nước lá cây lạ khiến đầu óc thầy choáng váng, tay chân thầy như bủn rủn và thầy không còn đủ sức đứng dậy ra về nữa.

Lúc ấy Bụt đang nói pháp thoại cho các vị khất sĩ. Đại đức Ananda thuật lại cho Bụt nghe là cô Prakriti đã đem lòng thương đại đức, và đại đức đã tìm mọi cách giảng giải để cô từ bỏ mối tình tuyệt vọng đó đi, nhưng đại đức chưa thành công. Đại đức cầu xin Bụt giúp đỡ đại đức. Theo thầy Ananda kể thì một hôm trên đường đi khất thực về, cảm thấy khát nước, thầy đã ghé vào một cái giếng trong xóm để giải khát. Hôm ấy chỉ có một mình cô Prakriti đang múc nước ngoài giếng. Prakriti tuy là một cô gái thuộc dòng hạ tiện, nhưng nhan sắc rất mặn mà. Thầy Ananda ngỏ ý xin cô nước uống. Cô không dám đưa nước cho thầy, nói rằng cô thuộc về ngoại cấp, không có quyền cúng dường nước cho thầy, sợ làm ô uế thầy. Ananda bảo:

- Tôi đâu cần xin địa vị hay giai cấp trong xã hội. Tôi chỉ cần xin nước uống thôi. Cô cứ cho tôi uống nước đi, đừng sợ.

Prakriti liền đưa nước cho thầy Ananda uống. Cô chưa thấy một người đàn ông nào đẹp trai, hiền hậu và ăn nói dịu dàng như thầy. Từ giờ phút đó cô đem lòng thương thầy. Tối đến cô không ngủ được, cứ nằm nghĩ đến thầy. Cô thường ra giếng nước ngồi đợi hàng giờ, mong mỏi được gặp thầy cho đỡ bớt nỗi nhớ niềm thương. Prakriti đã từng bàn với mẹ mời thầy Ananda về nhà thọ trai mấy lần. Thầy đã nhận lời tới thọ trai tại đây hai lần, nhưng sau đó thấy được niềm đam mê của cô nên thầy đã tránh và đã từ chối. Cô Prakriti đau khổ vì tình, người cô càng ngày càng ốm xanh đi. Bà mẹ hỏi mãi, cô mới thú thật là cô yêu thầy Ananda và muốn thầy Ananda ra đời để cưới cô. Bà mẹ la cô, nói đó chỉ là cuồng vọng, nhưng cô nhất quyết nói rằng nếu không lấy được thầy Ananda thì cô sẽ chết. Cuối cùng bà mẹ của cô, vốn thuộc về dòng Matanga có biết ít nhiều về bùa chú và ma thuật, đã tìm cách cho thầy uống nước một thứ lá lạ để cho thầy mất minh mẫn mà đáp lại mối tình nồng nhiệt của con gái mình.

Sáng hôm nay bà đã đón đường thầy, và cầu khẩn thầy ghé nhà thọ trai một lần chót. Thầy đinh ninh hôm nay sẽ có cơ hội giảng rõ cho hai mẹ con về đạo lý để họ buông bỏ thầy, nhưng chưa kịp làm việc ấy thì thầy đã uống nhằm thứ nước trà quái đản kia. Uống xong thầy biết ngay là mình cần phải ngồi lại để thực hành phép quán niệm hơi thở. Thầy ngồi yên trong tư thế kiết già như thế rất lâu, dùng khí công để giải tỏa chất ma túy cho đến khi được Bụt phái người đến triệu về.

Bụt gọi Prakriti tới gần. Người hỏi, giọng rất hiền lành:

- Con thương thầy Ananda lắm phải không ?

Prakriti bạch:

- Con thương thầy Ananda lắm.

- Con thương cái gì nơi thầy Ananda ? Con thương hai mắt, cái mũi hay là cái miệng của thầy ?

- Con thương hết những gì nơi thầy Ananda. Mắt con cũng thương, mũi con cũng thương, miệng con cũng thương, giọng nói con cũng thương, dáng đi con cũng thương. Bạch sa-môn, con thương hết tất cả những gì nơi thầy ấy.

- Ngoài hai con mắt, cái mũi, cái miệng, giọng nói, dáng đi và cái nhìn, thầy Ananda có nhiều cái đẹp khác mà ta nghĩ là con chưa biết và con chưa thương.

- Bạch sa-môn, ví dụ như cái gì ?

- Ví dụ như lòng thương của thầy Ananda, con có biết thầy Ananda thương gì không ?

- Con không biết. Con chỉ biết là thầy Ananda không thương con.

- Con lầm rồi. Thầy Ananda có thương con, nhưng không thương theo kiểu con muốn thầy Ananda thương. Con biết không, thầy Ananda thương cuộc sống giải thoát, tự do và an lạc. Do sự giải thoát và tự do mà thầy Ananda thường mỉm cười và thầy thương được mọi người và mọi loài, và thầy muốn đem đạo lý giải thoát để dạy cho mọi người, để mọi người có thể có tự do và an lạc như thầy. Thầy Ananda thương lý tưởng giải thoát của thầy, thầy ấy cũng thương mọi người và mọi loài, vì tình thương ấy đi đôi với giáo pháp giác ngộ và giải thoát cho nên thầy Ananda tuy thương mà không bị sầu khổ và thất vọng như con thương. Nếu con thật sự thương thầy Ananda, thì con cũng thương cái tình thương ấy của thầy, để cho thầy có thể tiếp tục sống đời sống phạm hạnh giải thoát và tiếp tục soi sáng được cho mọi người. Nếu con biết thương như thế thì con đâu có bị sầu khổ và thất vọng. Sở dĩ con thất vọng và sầu khổ vì con chỉ muốn chiếm thầy Ananda cho riêng một mình con. Tình thương ấy ích kỷ. Con phải học thương như thầy Ananda thương mới được.

Prakriti ngước lên nhìn Bụt:

- Bạch sa-môn, con phải học thương như thế nào ?

- Thương như thế nào để con có hạnh phúc mà thầy Ananda cũng có hạnh phúc. Thầy Ananda như một cơn gió mát. Nếu con cố ý nhốt cơn gió mát ấy lại trong cái ngục tù của tình thương nhỏ bé thì cơn gió mát ấy sẽ chết và không ai được hưởng sự mát mẻ của nó, trong đó có cả con. Vậy con thương một ngọn gió mát như thế nào thì con cũng thương thầy Ananda như thế đó. Prakriti, nếu con biết thương thì chính con, con cũng có thể trở thành một cơn gió mát, làm dịu đi nỗi nóng bức của bao nhiêu người.

- Bạch sa-môn, xin Người chỉ dạy cho con.

- Con có thể làm như đại đức Ananda, con có thể sống cuộc sống giải thoát an lạc như thầy và con cũng có thể đem niềm vui tới cho mọi người như thầy. Con có thể xuất gia tu học như thầy Ananda.

- Thật như thế hả, bạch sa-môn ? Con có thể đi xuất gia hả ? Con là người hạ tiện, không có giai cấp …

- Điều đó, ở trong giáo đoàn khất sĩ không có ai nghĩ tới cả. Trong giáo đoàn ta, có những vị khất sĩ xuất thân từ giới ngoại cấp. Đại đức Sunita mà quốc vương Pasenadi rất trọng vọng đó là một người xuất thân từ giới ngoại cấp. Nếu con xuất gia tu học thì con sẽ là vị nữ khất sĩ đầu tiên xuất thân từ giới ngoại cấp. Nếu con bằng lòng, ta sẽ nhờ ni sư Khema làm lễ thế phát cho con.

Prakriti sung sướng lạy xuống. Cô cầu Bụt cho cô được xuất gia tu học. Bụt phó thác Prakriti cho ni sư Khema hôm ấy cũng có mặt trong buổi pháp thoại. Ni sư Khema đưa Prakriti đi rồi, Bụt nhìn Ananda rồi bảo đại chúng:

- Các vị khất sĩ, giới thể của thầy Ananda còn nguyên vẹn, nhưng tôi muốn các vị cẩn thận hơn trong lúc giao tiếp. Nếu chúng ta luôn an trú trong chánh niệm thì chúng ta có thể thấy được rất sớm những gì đã và đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Nếu thấy được sớm, ta sẽ sớm có những biện pháp để đối trị và tiếp xử với hoàn cảnh. Trường hợp của Ananda chỉ là trường hợp của định lực còn non yếu. Thực hiện chánh niệm trong từng giây phút của đời sống hàng ngày đó là phương cách nuôi dưỡng định lực hay nhất. Một khi định lực đã vững mạnh thì cái thấy của ta sẽ sáng và hành động của ta sẽ kịp thời. Định và tuệ đi với nhau, định và tuệ bao hàm nhau, định và tuệ là một. Các vị khất sĩ ! Đối với giới phụ nữ, các vị nên tập quán sát như sau. Với những người lớn tuổi, ta xem họ như mẹ, hoặc như chị của chính ta, với những người nhỏ tuổi hơn, ta xem họ như em hoặc như con của chính ta. Những vị khất sĩ còn nhỏ tuổi mới bước vào đường đạo nên cẩn thận hơn nữa trong lúc tiếp xử với phụ nữ. Sự dịu dàng của người phụ nữ có thể đưa đến những trở ngại của sự tu học. Hãy hạn chế sự tiếp xúc. Cần tiếp xúc mới tiếp xúc, khi tiếp xúc chỉ nên trao đổi những lời thật sự cần thiết có liên hệ tới sự học hỏi và hành trì giáo pháp.

Được Bụt chỉ dạy cặn kẽ, các thầy khất sĩ đều hoan hỷ phụng hành.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|13|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường



“Những điều đáng sợ lại không biết lo sợ, những điều trân trọng không đáng sợ lại lo sợ. Người mãi chất chứa trong lòng suy nghĩ như vậy, sống như vậy, có đi đâu cũng không thể tránh khỏi những bất an”.

- Những việc làm mang đến hậu quả đáng sợ nhưng không biết sợ, nên chưa từng đủ ngập ngừng mà dừng lại, nên ngày ngày vẫn thản nhiên gom góp gió, cho một cơn bão ngày mai.

- Những việc làm mang đến kết quả vui nhưng lại lo sợ, nên chưa từng đủ can đảm để theo đuổi đến tận cùng. Sợ khó khăn nên bỏ cuộc, sợ dài lâu nên không đi nữa, để sống những ngày như không, một kiếp người như không.

Người đang lo sợ điều gì ?

Có người sợ lòng người rộng mà không dám đi qua, sợ chết chìm trong đó, không dám mở lòng ra thương người thêm một lần nữa.

Có người sợ lòng người sâu mà không dám nối dài sự chân thành, sợ với không tới, chạm không được, không dám thương người hơn hôm qua.

Có người sợ bị lãng quên mà không dám tĩnh lặng, sợ bị khuất lấp, sợ bị phai nhạt.

Có người sợ không ai nhìn theo nên khi bước đi chưa từng quay đầu nhìn lại.

Có người sợ tổn thương mà thu người lại làm kẻ lạnh lùng.

Có người sợ chân thành của mình người không nhận nên dù muốn nói gì đó nhưng lại thôi.

Có người sợ cô độc nên cả đời đi mãi về phía đám đông …

Như thế cuộc đời

(Thích Tánh Tuệ)



Đau thương mới gọi là tình
Khổ ưu mới gọi nhân sinh kiếp người
Đổi thay mới gọi cuộc đời
Khóc cười mới gọi luân hồi nhục vinh
Thăng trầm mới gọi điêu linh
Mệt nhoài mới gọi ba sinh nổi chìm
Tự tri mới gọi biết mình
Vô tri mới gọi hữu tình đắm say
Trót mang lấy mảnh hình hài
Đời là rứa đó đắng cay làm gì
Buồn nhiều, sự chẳng khác chi
Lo nhiều, đánh mất lưu ly hiện tiền

Đảo điên mới gọi là tiền
Mê lầm mới gọi truân chuyên cõi tình
Chỉ vì là phận chúng sinh
Còn ôm giấc mộng vô minh ngủ dài
Nhọc nhằn mới gọi trần ai
Thú đau thương hẹn lai rai với sầu
Không ưng phủi áo qua cầu
Chưa cam thì khổ chớ hầu bỏ tha
Hiểu chăng đây là cõi ta bà
Khổ đau, Hạnh phúc, vốn là bạn thân ?
Ngày nao về lại nguồn Chân
Mới mong giã biệt gian truân cuộc đời
Thì thôi, chấp nhận mỉm cười
Bao dung tâm lượng cho đời rộng thêm

Ngồi yên giữa cuộc lênh đênh
Biết đâu vượt thoát hai bên vui, buồn
Để lòng ngát một làn hương
Từ miền cố quận Chân Thường thoảng qua ...

Các Pháp chỉ là tương đối

(Sưu tầm)



Thiền sư hỏi đệ tử:

- Ngươi cảm thấy một thỏi vàng tốt hơn hay một đống đất tốt hơn ?

Đệ tử đáp:

- Thưa thầy, đương nhiên là thỏi vàng tốt hơn rồi ạ !

Thiền sư cười và nói:

- Nếu như ngươi là một hạt giống thì sao ? Đất tốt hay vàng tốt ?

Lời bình:

Các pháp tùy duyên mà có ý nghĩa sai biệt, con người không thể ăn vàng thay cơm, khi đói. Mọi việc ở đời không có gì thật sự quý hay tiện. Mỗi một cá nhân có một vai trò khác nhau cùng góp phần xây dựng cuộc đời. Chị lao công không thể thế vai trò anh giám đốc điều hành, nhưng không thể nói anh giám đốc quý, chị lao công tiện, bởi đường phố sạch đẹp không phải nhờ công lao của anh giám đốc. Thức ăn dành cho người nghèo có lúc mỗi chúng ta đều cần phải ăn để tồn tại.

Các pháp chỉ là tương đối, thay đổi tư duy một chút chúng ta có thể đạt giác ngộ trong tất cả mọi vấn đề.


Học cách chấp nhận

( Liễu Tri )



- Học cách chấp nhận là tình yêu không bao giờ vĩnh cửu.

- Học cách chấp nhận hạnh phúc nào rồi cũng nhạt phai.

- Học cách chấp nhận vật chất là phù du, có hôm nay rồi mai lại mất.

- Học cách chấp nhận cuộc sống là muôn vàn thử thách ta phải đương đầu.

- Học cách chấp nhận cho đi những gì vốn dĩ không thuộc về mình để có được những điều tốt đẹp hơn.

- Học cách chấp nhận mỗi sai lầm trong cuộc sống là một bài học để giúp ta trưởng thành hơn trong suy nghĩ.

- Học cách chấp nhận một ngày nào đó vì cuộc sống bạn cũng sẽ phải đứng vững một mình để tranh đấu và sinh tồn.

- Học cách chấp nhận thất bại để có được thành công.

- Học cách chấp nhận từ bỏ đi dĩ vãng để không mất tương lai.

- Học cách chấp nhận là mọi vật chung quanh chúng ta cũng sẽ thay đổi thì lòng dạ người ta cũng sẽ vậy thôi.

Cuộc sống không bao giờ hoàn hảo vì con người có ai hoàn hảo đâu, rồi tất cả cũng sẽ phải thay đổi. Biết là như vậy, chúng ta nên chuẩn bị tinh thần và học cách chấp nhận thì sẽ cảm thấy bình an hơn là thất vọng.

... chỉ khác nhau ở bản tâm này

( Chay Mộc )



❝ ...

- Con à !

- Dạ !

Xưa có một lão hòa thượng sống trong ngôi chùa cổ trên núi cao. Một ngày kia có vị hành giả ghé thăm chùa. Hành giả biết lão hòa thượng đã tu hành đắc Đạo, bèn hỏi ông rằng: “trước khi đắc đạo, Ngài đã làm những gì ?”, lão hòa thượng trả lời: “ta chẻ củi, gánh nước, nấu cơm”. Hành giả hỏi: “vậy sau khi đắc đạo thì sao ?”, lão hòa thượng nói: “ta vẫn chẻ củi, gánh nước, nấu cơm”. Hành giả lại hỏi: “vậy cái gì gọi là đắc đạo ?”.

Lão hòa thượng ôn tồn trả lời: “trước khi đắc đạo, lúc chẻ củi thì nghĩ về gánh nước, lúc gánh nước lại nghĩ về nấu cơm, nấu cơm rồi lại lo ngày mai đi chẻ củi gánh nước. Sau khi đắc đạo, chẻ củi thì là chẻ củi, gánh nước thì là gánh nước, nấu cơm thì là nấu cơm”.Kỳ thực, đắc đạo hay chưa chỉ khác nhau ở một chữ “Tâm” này mà thôi. Trước khi đắc đạo, lão hòa thượng cũng giống như những người phàm phu khác, tâm không thể tĩnh tại, làm chuyện gì cũng nghĩ tưởng về quá khứ và tương lai. Chỉ khi đã khắc chế cái tâm này, thì lòng người mới có thể ung dung tự tại, tinh thần mới có thể thảnh thơi …

- Con à !

- Dạ !

Vậy mới nói, hết thảy mọi phiền não trong đời là bởi tâm phàm quá nặng. Chỉ khi buông bỏ mọi dính mắc trong tâm, chúng ta mới có thể giải thoát chính mình. Đạo Phật giảng “xả”, giảng “buông”, khuyên con người hãy từ bỏ mọi chấp trước và dục vọng, bởi chỉ khi đã xem nhẹ mọi thăng trầm thì nội tâm mới có thể an nhiên tự tại.

Đến đây, có lẽ con đã tìm được lời giải cho câu hỏi “vì sao cuộc sống mệt mỏi ?”, đó là bởi những thứ kiểm soát tâm trạng của con có quá nhiều. Ví như sự thay đổi của thời tiết, sự nóng lạnh của tình người, những phong cảnh khác nhau, .v.v.v. đều có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của con. Và tất nhiên, đó đều là những thứ mà con không thể kiểm soát. Khi đã xem nhẹ rồi, thì bầu trời dẫu u ám hay trong xanh, con người dẫu chia ly hay tái hợp, vạn vật dẫu xoay vần biến đổi, thì lòng ta an nhiên không sợ hãi, thuận theo tự nhiên mà yên ổn. Nỗi đau của hôm nay bắt nguồn từ sự phóng túng của hôm qua, nỗi khổ của đời này đều do nghiệp chướng từ kiếp trước. Bởi vậy, biết đối diện với hoàn cảnh, chấp nhận thực tại, sống thuận theo tự nhiên, thì tất cả mọi buồn phiền hay oán trách mới có thể tan hòa vào trong sự cảm ân …

Yêu và thương con nhiều, nghe con !

( Chay Mộc )


...❞

Những người có thể khiến bạn mỉm cười

- Theo Tinh Túy



Trên đời có hàng nghìn hàng vạn con người, nhưng những người có thể khiến bạn mỉm cười lại chẳng có mấy ai. Có người sinh ra đã vô vị, nhạt nhẽo, cũng có người luôn biết cách mang lại niềm vui cho người khác. Những người khiến bạn có thể cười mới là người yêu bạn sâu sắc nhất, mới là người dành riêng cho bạn.

Người có thể khiến bạn mỉm cười là người quan tâm tới bạn nhiều nhất. Nếu hai người ở cùng nhau mà nước mắt lại nhiều hơn nụ cười, thì người đó chắc chắn không quan tâm tới bạn. Quan tâm chính là không nỡ làm bạn tổn thương, mà chỉ muốn yêu bạn nhiều hơn.

Người có thể khiến bạn mỉm cười chắc chắn là người thấu hiểu bạn. Họ biết bạn thích gì, ghét gì, biết cách nhận biết tâm tư của bạn, để tâm tới cảm nhận của bạn, đón đầu sở thích và tâm trạng của bạn một cách phù hợp.

Người có thể khiến bạn cười chắc chắn là người quan tâm tới bạn. Kỳ thực, một người có thể khiến bạn vui đã là quá đủ rồi. Sở dĩ họ phải dốc tâm dốc sức làm bạn vui, chính là vì họ quan tâm tới bạn, trân trọng bạn.

Có thể mỉm cười thì tình cảm mới bền lâu, ngày tháng mới có hy vọng.

Người khiến bạn có thể mỉm cười mới đáng kết giao, kiếp nhân sinh thú vị mới đáng sống.

Một người có thể khiến bạn mỉm cười có lẽ không phải là người giàu có nhất, có quyền lực nhất hay có học vấn nhất bên cạnh bạn, nhưng lại là người đáng quý nhất đối với bạn. Người như vậy thường thì rất thú vị, chỉ cần một đôi lời đã có thể khiến cả bầu không khí bừng sáng. Người như vậy rất giỏi tìm thấy những điểm sáng trong cuộc sống bình dị.

Thái độ sống giữa con người với con người cũng có thể lan truyền tới nhau. Hãy ở cùng những người có thể khiến bạn mỉm cười, bạn cũng sẽ trở nên lạc quan và yêu đời hơn. Trên đời này lớp da người xinh đẹp thì rất nhiều, nhưng tâm hồn thú vị thì lại không có mấy. Nếu gặp được một người vừa thú vị lại muốn chia sẻ sự thú vị này với người khác, thì nhất định phải trân quý họ.

Trong phần đời còn lại của mình, bạn hãy ở bên họ, cùng mỉm cười với họ. Sự quý giá của cuộc sống nằm ở niềm vui. Dẫu cuộc sống quá đỗi bình thường cũng hãy cứ mỉm cười khi đối diện với nó.

Người có thể khiến bạn mỉm cười mới là người xứng đáng kết giao nhất.

Ưu phiền khiến con người già nua

- H.T Tịnh Không



Cổ nhân đã nói rất hay: “ưu phiền khiến con người già nua”, con người trở nên già nua nhanh hơn bình thường. Nói thật ra, ưu tư, phiền muộn là nhân tố hàng đầu làm cho con người già nua. Chúng ta phải buông xuống những chuyện phiền bực trong lòng, đó là những chuyện vướng bận, lo được lo mất, tất cả những chuyện phiền bực trong lòng đều buông xuống, phải buông bỏ hết.

Pháp ngữ (29)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Khi mình niệm danh hiệu Đức Quán Âm Bồ Tát, chớ nên thấy ai mình cũng nhìn lỗi lầm của họ, nếu mình cứ chuyên môn tìm chuyện xấu của người thì cái khổ của mình chưa trừ hết, gốc khổ chưa dứt tận.

Walks alone

- Albert Einstein



The woman who follows the crowd will usually go no further than the crowd. The woman who walks alone is likely to find herself in places no one has ever been before.

╰▶ Người phụ nữ đi theo đám đông thường sẽ không đi xa quá đám đông. Người phụ nữ đi một mình sẽ tìm thấy mình ở một nơi người khác chưa từng đến qua.

D.P.A (37)

- Lời Kinh dạy

Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe và trí tuệ.



Tâm tốt nhưng miệng lại không tốt, vinh hoa phú quý rồi cũng sẽ mất

- Sưu tầm



Chắc đã không ít lần, các bạn được nghe những lời này trong đời:

Người khôn nói ít, nghe nhiều
Lựa lời đối đáp, lựa điều hỏi han
Trước người hiền ngõ khôn ngoan
Nhường trên một bước, rộng đường dễ đi
Chuyện người, chớ nói làm chi
Chuyện mình, mình biết vậy thì mới khôn

“Chuyện người, chớ nói làm chi” - có nghĩa là chuyện của người khác người ta tốt hay xấu thì người ta biết, thường khi mình nói chuyện người khác là mình đem chuyện xấu của họ ra bàn rồi chê khen, như vậy không tốt, chuyện họ thế nào để họ tự giải quyết. Nhưng nếu thấy họ làm điều gì sai mình cần nói để giúp họ tốt hơn thì mình nhỏ nhẹ đợi lúc chỉ có hai người mà nói nhỏ khuyên răng họ biết để họ sửa thôi, không cần ta phải nói lớn để người ngoài biết không sẽ hay.

Lời qua tiếng lại – giải quyết chi đâu ?
Sao không dừng lại – kẻo hố thêm sâu
Lời qua tiếng lại – đưa ta đến đâu ?
Sao không thở nhẹ – mỉm cười nhìn nhau
Lời qua tiếng lại – đưa ta đến đâu ?
Sao không dừng lại – thở nhẹ và sâu

Của cải dù to lớn như núi, nhưng cái miệng ăn lâu ngày cũng hết. Phước đức dù cực khổ gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, phê bình, chỉ trích, nói lời ác … thì trong giây phút cũng có thể tiêu tan. Làm ơn hay bị mắc oán, cũng do cái miệng này hay kể công, mắng nhiếc, nói sỉ nhục người. “Thần khẩu nó hại xác phàm|Người nào nói quá họa làm khổ thân|Lỡ chân gượng được đỡ lên|Lỡ miệng gây họa phải đền trả thôi”.


1. Nếu bạn nhẫn chịu oan khuất thì bạn là người được phúc báo

Người khác nhục mạ bạn, bạn nên coi như được bội phục, người khác làm tổn thương bạn, bạn nên coi như họ đến để thành tựu bạn. Làm tổn thương người khác chính là tiêu xài công đức phát tài của mình, một người tâm địa xấu xa thường làm hại, làm tổn thương người khác, thì chính là mang tiền đến đưa cho người khác. Ngược lại, một người có thể nhẫn nhục, chính là liên tục thu tiền. Người đại nhẫn giống như mở ngân hàng, có thể thu nạp từ trăm sông. Trong mấy chục năm của cuộc đời, có rất nhiều chuyện và lời lẽ khiến chúng ta cảm động. Vì thế, chúng ta cũng nên nỗ lực tìm cách khiến người khác cảm động.

2. Trên thế giời này có một loại kinh doanh luôn lỗ vốn, chính là tức giận

Mọi người thường không chịu nhận sai, mọi thứ đều nói là lỗi của người khác, cho rằng mình mới là đúng. Kỳ thực không chịu nhận sai chính là một sai lầm. Người mình nhận lỗi có thể là bố mẹ, bạn bè, người ngoài xã hội, thậm chí nhận lỗi với con cái và với cả người đối xử không tốt với mình. Bạn sẽ thấy rằng mình sẽ chẳng mất đi cái gì, mà ngược lại sẽ thấy được sự độ lượng của mình. Nhận lỗi là một phẩm chất tốt, cũng là một loại tu hành.

3. Cái gì cũng không thể nhẫn nại, thành tựu của bạn sẽ bị giới hạn

Nhẫn nhịn cũng chính là điều mà con người gọi là bền chí, nghị lực. Cần phải nhẫn để được vừa lòng đẹp ý, tại sao vậy ? Người xưa dạy “một điều nhịn, chín điều lành”, cũng lại nói: “lùi một bước biển rộng trời cao”. Quả thực, nhẫn nhịn có thể khiến tâm chúng ta trở nên thanh tịnh, khoảng trời trước mặt cũng sẽ trở nên rộng mở bao la.

4. Niệm giận vừa khởi lên, triệu cửa nghiệp chướng liền khai mở

Một khi tâm oán giận vừa khởi lên thì trí tuệ sẽ không còn, lý tính bị che mất. Do đó sẽ xử trí theo cảm tính, không chỉ làm tổn thương mình, mà còn hữu ý hoặc vô ý gây thù kết oán với người khác. Nếu không thể hóa giải thù oán, khi nhân duyên chín muồi, báo ứng sẽ hiện ngay trước mắt, oan oan tương báo, quả báo sẽ ngày càng tàn khốc hơn. Đừng nói những điều làm tổn thương nhau.

5. Thân thể, tâm trạng của con người cùng với tự nhiên dung thành một bức họa

Thất tình lục dục làm nhiễu loạn tự nhiên, nhiễu loạn thân thể người. Thất tình là “thích, phẫn nộ, buồn, vui, yêu, ác, dục”. Trong đó tức giận, nổi cáu là gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Có người nói, tuổi thọ trung bình của con người lẽ ra phải là 200 tuổi, chính là do những phiền não của bản thân đã làm cho thân thể bị hư hại; người luôn sống trong cảnh giới đại từ bi thì không già, không yếu, không mê, không tà, khộng tiêm nhiễm – đây mới là niềm vui thật sự.

6. Thường cảm ơn trong lòng

Mặc dù người khác nhục mạ, phỉ báng, hãm hại bạn, cũng vẫn nên dùng thiện tâm để đối đãi, và tự đáy lòng mình cảm ơn họ. Thực sự thì sự sỉ nhục, phỉ báng, và hãm hại của người khác, chính là để tiêu trừ nghiệp lực mà mình đã tạo ra trong đời này. Vậy nên quyết không thể để tâm oán hận nổi lên. Nếu vẫn còn tâm oán hận, thì không những không thể tiêu nghiệp, mà ngược lại còn làm cho nghiệp tăng lên.

7. Bạn hỏi Phật ngày nào tốt, Phật hỏi xem bạn có ngày nào bình yên ?

Cuộc đời giống như một cái cặp da, khi cần dùng thì mới lấy, khi không dùng thì bỏ nó ra. Lúc cần bỏ xuống thì lại không bỏ, giống như mang theo hành lý nặng trĩu, không thể tự tại. Những năm tháng của cuộc đời có hạn, vậy nên nhận sai, tôn trọng, bao dung thì mới có thể bình thản, buông bỏ mới có thể tự tại.

8. Nổi cáu là tối kỵ của tu hành, là đốt cháy rừng công đức của mình

Nếu không sửa đổi tính xấu này, thì vô luận là một ngày có niệm bao nhiêu bộ kinh, có thuyết bao nhiêu lần Pháp, thì bạn cũng không thể ra khỏi tam giới. Phát cáu là biểu hiện của vô minh, chính là không minh bạch.

9. Bất thiện, ác ý với người khác chính là chà đạp chính mình

Nếu ác ý với người người khác, thì người bị hại chỉ chịu 3/10, mà chính chúng ta mới phải gánh chịu phần nhiều 7/10, đó chính là chà đạp chính mình mà không tự biết. Miệng để nói lời hay ý đẹp, một câu nói ra khỏi miệng, gây sự tổn thương, thì chính mình là người gánh chịu phần lớn sự tổn thương đó. Bạn muốn mình khỏe mạnh, trường thọ và tràn đầy trí huệ, thì bạn phải dùng tấm lòng yêu mến để đối đãi với tất cả mọi người. Biết cho đi, bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn thế.

10. Lời nói làm tổn thương người khác, còn nghiêm trọng hơn cả giết người

Đây là sự thật mà rất ít người biết. Khẩu tạo nghiệp là dễ xảy ra nhất, mà cũng là tạo thành nhiều nhất, quả báo kiếp sau sẽ vô cùng thảm thiết. Nhẫn thì sẽ có thể xử lý và hóa giải, có thể biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có chuyện gì. Có thể nhẫn thì có thể phân biệt được tốt xấu, thiện ác, thị phi của thế gian. Vào buổi tối mỗi ngày trước khi đi ngủ, hãy tự hỏi chính mình: “hôm nay mình có tức giận không ?”. Cảm xúc ảnh hưởng đến tâm trạng của cả ngày, vì thế mỗi ngày hãy tự mỉm cười với mình nhé.

Đường về Linh Thứu

- Thích Tánh Tuệ

Thời gian vỗ cánh làm sao níu
Giữ bước chân tôi giữa núi này
Lưu luyến làm sao rời Linh Thứu
Hương tòa Phật ngự chớm mây bay ...

Biết đến bao giờ tôi trở lại
Thắp nén trầm hương ý trọn đầy
Ngày sau, ai biết ngày sau nữa
Tôi về tâm thức đã đổi thay

Một chuyến hành hương về xứ Phật
Tái tạo đời con xác lẫn hồn
“Tạ ơn”, lời đáy lòng chân thật
Ngẩng đầu con khẽ gọi “Từ Tôn !”

Hôm nay tứ chúng hàng đệ tử
Từ khắp muôn phương nhóm tụ về
Cùng một tâm tình con viễn xứ
Thương về đất Phật giống thương quê

Mấy vòng Thánh địa đôi chân mỏi
Thương Phật ngày xưa luống nhọc nhằn
Vì đời khổ lụy Ngài đi tới
Ngại gì núi cản với sông ngăn

Chúng con đồng chắp tay cầu nguyện
Phật pháp ngàn sau mãi sáng ngời
Vang tiếng kinh cầu, hương khói quyện
Là cầu sanh chúng hết chơi vơi ...

Hành hương xứ Phật đầy rung cảm
Chiêm ngưỡng Từ Tôn, ngó lại lòng
Những đóa sen hồng vừa kết nụ
Như thầm ... vươn đến tận hư không



Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|12|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường



“Rồi ai cũng từng phạm phải những lỗi lầm, lỡ làm người tổn thương, lỡ làm mình té ngã. Nhưng đừng phạm mãi lỗi lầm. Đừng dửng dưng như không khi làm xong những điều lầm lỗi. Vì khi làm điều không tốt nhất định sẽ nhận lại những kết quả không vui. Và khi không học được điều gì từ những lỗi lầm đó mới là lỗi lầm thật sự”.

Một vài bước chân chưa đủ để làm thành một con đường, một vài suy nghĩ lớn lao chưa đủ biến người ta thành to lớn.

Một vài lần té ngã cuộc đời chưa thể vỡ vụn ra.

Chỉ một vài bước chân sai chưa thể thành người lạc lối. Người đời, thất vọng nhau không phải chỉ vì một vài chuyện, bỏ nhau đi không phải chỉ do một vài điều.

Ai cũng từng té ngã, nhưng khi còn biết đứng lên và đi tiếp thì rong rêu vẫn không thể vây phủ lấy cuộc đời mình.

Ai cũng từng thất bại, nhưng khi còn nỗ lực để tiếp tục, thất bại đó chỉ là tạm thời. Khi quyết định bỏ cuộc, thất bại đó trở thành mãi mãi.

Khi không học được điều gì từ những lỗi lầm, đó mới là lỗi lầm thật sự.

Danh ngôn (127)

- H. Bordeaux



Kẻ nào quên hạnh phúc riêng biệt của mình để mưu hạnh phúc cho kẻ khác, sẽ được hạnh phúc dồi dào.

Đường xưa

- Sưu tầm

Đầu tròn y nhuộm sắc vàng
Chư Tăng thong thả nghiêm trang thoát trần
Thiền hành sen nở dưới chân
Sương mai còn đọng ngại ngần chim ca

Chuông ngân vang vọng chùa xa
Ngõ mai nhịp tiếng kinh hòa trong không
Bên hồ sen nở sắc hồng
Cõi tu an lạc, tâm không não phiền

Về đây bạn với thiên nhiên
Thân tâm thanh tịnh qua miền phù vân
Đường xưa rũ sạch phong trần
Thong dong nhẹ bước đến gần Chân Như …











14 điều răn của Phật

- Chân lý sống

1. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình

2. Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá

3. Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại

4. Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị

5. Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình

6. Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu

7. Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti

8. Đáng khâm phục lớn nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã

9. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng

10. Tài sản lớn nhất của đời người là sức khoẻ, trí tuệ

11. Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm

12. Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung

13. Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết

14. An ủi lớn nhất của đời người là bố thí