V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


NGỘ - NHẪN - TÂM

- Ngộ - Nhẫn - Tâm



Khi đã NGỘ ta tìm đến NHẪN
Nhẫn để TÂM tự tại an nhiên
Giữa dòng đời muôn vàn trụy lạc
Sống thiện hơn cho bản ngã người hơn

“Thánh nhân đãi kẻ khù khờ ...”

- Sưu tầm



Người xưa có câu “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, người sẵn lòng chịu thiệt có thật là ngu ngốc không ? Thực ra người phải chịu một số thiệt thòi nhỏ, thường lại rất có phúc khí. Câu chuyện về “chàng khờ” sau đây là một ví dụ.

Đời nhà Thanh có một người họ Mục sống tại một thị trấn nhỏ. Họ Mục sinh ra vốn đã may mắn vì cha mẹ có của ăn của để, tuy nhiên người này lại không sắc sảo nhanh nhẹn như bao người khác. Khi cha mẹ mất đi, họ Mục được thừa hưởng gia tài kha khá. Hàng xóm tính hay dòm ngó cứ nghĩ kiểu gì rồi cậu ấm ngờ nghệch này cũng khuynh gia bại sản mà thôi, bởi có biết thế nào là làm ăn đâu. Vậy mà không hiểu sao cửa tiệm của họ Mục vẫn kinh doanh rất tốt, lời lãi còn nhiều hơn khi cha mẹ chưa qua đời.

Họ Mục tính khờ khạo nhưng tốt bụng, luôn đối đãi với gia nhân trong nhà như anh em. Gặp người khốn khó đều thiện tâm giúp đỡ. Tính tình họ Mục cũng vô tư, gặp ai cũng cười nói vui vẻ và chẳng để ý gì tới những lời soi mói, chê bai của hàng xóm. Và được cái họ Mục tuy không mấy thông minh nhưng lại rất khỏe mạnh, từ bé đến lớn chưa bao giờ đau ốm gì nặng.

Một ngày nọ, có tin đồn rằng một người làm trong nhà họ Mục treo cổ tự tử. Dân thị trấn nghe vậy, vốn đã ghen tức với sự may mắn của họ Mục, vội vàng báo quan. Nhiều người chắc mẩm, kiểu gì lần này họ Mục cũng sẽ gặp hạn, lại còn chưa nói đầu óc không được thông thái, làm sao mà thoát. Khi nha sai tới khám nhà họ Mục, quả thật thấy một người nằm sóng soài trên mặt đất. Tuy nhiên vừa lúc pháp y động vào để kiểm tra thi thể thì người hầu này đột nhiên động đậy rồi ngồi bật dậy, khiến ai ai cũng hốt hoảng bất ngờ. Người hầu vươn vai ngáp dài, vặn vẹo người rồi ngạc nhiên hỏi vì sao lại lắm nha sai, chòm xóm tụ tập bên cạnh vậy ?

Nha sai bèn truy hỏi có phải người hầu bị ép buộc chuyện gì đến nỗi phải treo cổ tự vẫn không ? Nhưng người hầu mỉm cười lắc đầu và bảo: “Tôi đang hạnh phúc thế này sao mà tự vẫn được ? Tôi chỉ là ngủ một giấc thật say để thả hồn mình ngắm nhìn bầu trời trong xanh mà thôi !”. Nha sai thấy chẳng còn việc gì nữa nên cáo từ về phủ. Còn dân trong trấn thì thầm với nhau để thắc mắc: “Họ Mục nhìn khờ khạo ngốc nghếch như vậy mà sao lúc nào cũng gặp may thế nhỉ ? Gia nhân trong nhà cứ tưởng treo cổ tự vẫn mà cũng sống lại rồi mất trí nhớ, thật khó tin quá”.

Tuy nhiên một thầy bói có mặt ở đó đã giải thích với mọi người rằng:

- Các vị không hiểu ngọn ngành câu chuyện rồi. Họ Mục là người có Đức từ kiếp trước, sang kiếp này vẫn tích Đức nên luôn được may mắn. Kiếp trước cậu ta cũng sống vô tư và độ lượng, luôn sẵn lòng giúp đỡ người gặp khó, không bao giờ trách cứ bất kỳ ai, luôn đối xử với mọi người như nhau không phân biệt sang hèn. Khi bị bắt nạt hay lừa gạt, cậu ta cũng không trách cứ kẻ hại mình. Họ Mục cũng chưa từng dối gạt ai bao giờ, trái tim luôn lương thiện và độ lượng. Bởi vậy nên kiếp này được đầu thai vào nhà giàu có, vận may tới tấp đến thăm là nhờ vào Đức. Cho dù có chuyện gì xảy ra, họ Mục luôn gặp hảo sự bởi tích nhiều Đức, từ đời trước cho tới tận đời này. Cậu ta khờ khạo cũng là điều hay, bởi vì cho dù các vị có gièm pha, chê bai hay làm gì đi chăng nữa, cậu cũng chẳng để tâm. Các vị nếu học được như cậu ta, chắc chắn sẽ được may mắn.

Nghe vị thầy bói nói xong, ai nấy đều im lặng. Họ lúc ấy mới thấy rằng, họ Mục không hề khờ khạo, và câu nói “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ” quả thật đúng, tất cả đều do luật nhân quả báo ứng mà ra.

Bài học nửa đời

- Thích Tánh Tuệ



Nửa đời người tôi hiểu được
Vô thường - ấy lẽ thường nhiên
Và ta chỉ là chiếc lá
Trong rừng nhân loại vô biên

Nếu có một điều vĩnh cửu
Thì đó chính là đổi thay
Đổi thay - chẳng hề thay đổi
Đành hanh ... tại thế gian này

Điều ta cho là hạnh phúc
Nào phải cứ là bên nhau
Dẫu hai phương trời cách biệt
Vẫn vui ý hợp tâm đầu

Không phụ thuộc vào năm tháng
Mà đo sống ít hay nhiều
Chính là cách mình đã sống
Mỗi ngày thức tỉnh bao nhiêu

Nửa đời trầm tư hiểu được
Bản chất kiếp người lẻ loi
Đã biết nhân sinh hữu hạn
Lấp đầy - vẫn thiếu mà thôi

Con sóng phủ thềm năm tháng
Xóa nhòa, cuốn nỗi niềm trôi
Chỉ cần nhận ra, trầm tĩnh
Đớn đau nào cũng phai phôi

Nửa đời người tôi học được
Tan hợp, thăng trầm bởi duyên
Đến lúc mây về chốn cũ
Nhẹ nhàng, đâu bận niềm riêng

Nửa đời người khi tỏ ngộ
Phân trần đen trắng mà chi
Thế gian mỉm cười đối diện
Sống với cõi lòng vô vi

Em ơi, đừng tránh vô thường

- Trương Hoàng Minh

Vợ tôi có thói quen đi chợ, đi đám tiệc hay đi bất cứ nơi đâu, hễ bước chân ra khỏi nhà là phải trang điểm. Rửa mặt bằng nước ấm, lau khô bằng khăn lông mềm mại rồi vào bàn trang điểm chăm chút mắt-mi-môi-má bằng những loại mỹ phẩm cao cấp. Ngoài việc trang điểm, vợ tôi cũng thường xuyên quan tâm chăm sóc mái tóc mượt mà đen nhánh, làn da trắng mịn không có lấy một vết sẹo nhỏ. “Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”, vợ tôi thường nói câu này để biện minh cho việc làm đẹp của mình.

Theo lời mẹ vợ tôi nói lại thì vợ tôi đẹp gái từ lúc mới chào đời, được các nữ hộ sinh, sản phụ nằm chung phòng và thân nhân bạn bè đến thăm đều tấm tắc ngợi khen. Lớn lên, nàng đẹp lộng lẫy như đóa hoa hồng mãn khai. Hồi học trung học, nàng được bầu chọn là hoa khôi của trường sau hai lần đoạt giải nhất cuộc thi “nữ sinh thanh lịch” do nhà trường phối hợp với huyện đoàn và tỉnh đoàn tổ chức. Từ đó, nàng có một ước mơ cháy bỏng là được một lần dự thi hoa hậu toàn quốc, nhưng do thiếu cơ duyên nên ước mơ cứ mãi là ước mơ chứ không bao giờ biến thành hiện thực. Bù lại, bước vào tuổi trung niên, vợ tôi lại đoạt giải quán quân cuộc thi “duyên dáng tuổi bốn mươi” do ngành văn hóa tỉnh tổ chức. Một cô học sinh, một phụ nữ ở vùng sâu mà được như thế là hãnh diện lắm rồi.

Một hôm, vợ tôi ngồi trước bàn trang điểm săm soi mặt mũi tóc tai một hồi rồi kêu tôi đến xem dùm có phải tóc của nàng đã bắt đầu bạc rồi không. Tôi bước đến sau lưng nàng, vạch tóc xem thì quả đúng như vậy, trong mái tóc mượt mà đen nhánh đã có nhiều cọng tóc trắng xen kẽ lai rai. Hai đuôi mắt của vợ tôi cũng có biểu hiện dấu chân chim.
Nàng lặng thinh, đôi mắt thẫn thờ, tiếc nuối. Tôi biết vợ tôi buồn lắm, buồn vì biết mình đã già, nhan sắc bắt đầu tàn phai, buồn vì đã tốn của tốn công chăm sóc bấy lâu nay mà vẫn không giữ được vẻ đẹp mặn mà duyên dáng như thuở trước. Tôi cúi xuống bên vai nàng, nhẹ nhàng an ủi:

- Phật dạy, mọi vật trên thế gian đều vô thường, cái cũ tiêu vong, cái mới phát sinh chứ không có cái nào tồn tại mãi với thời gian đâu em. Nhan sắc của em cũng vậy. Người đời ví người phụ nữ đẹp như một đóa hoa, sớm nở tối tàn chứ không giữ mãi được sắc hương. Chăm sóc bảo vệ mái tóc làn da là cần thiết nhưng chỉ tương đối, làm chậm tiến độ lão hóa thôi chứ không thể ngăn cản hoặc thay đổi được nó (cải lão hoàn đồng). Đó là sự thật hiển nhiên, dù muốn dù không, dù van xin cầu khẩn cỡ nào hoặc trốn tránh bất cứ nơi đâu thì cái gì đến cũng sẽ đến. Cho nên anh nghĩ em không nên buồn bã mà hãy vui vẻ chấp nhận và chung sống với những thứ mình đã có, đang có một cách vô tư hồn nhiên là hạnh phúc lắm rồi.

Vợ tôi nhíu mày cau có:

- Vô thường là cái gì ? Đồ quỷ quái chết tiệt đó ai bày ra làm chi cho người ta khổ đau thất vọng chứ có lợi ích gì đâu ?

Tôi bật cười và giải thích:

- Không ai bày hết ! Vô thường là qui luật của tự nhiên được Phật Thích Ca phát hiện ra, bên khoa học gọi là qui luật phát triển. Hay nói cách khác đó là sự vận hành của vũ trụ, của thế giới, của muôn loài và của xã hội. Nhờ sự vận hành này vạn vật mới phát triển từ không đến có, từ thấp đến cao, từ thô sơ đến hoàn chỉnh, xã hội mới phát triển từ mông muội đến hiện đại, con người mới phát triển từ nguyên thủy đến văn minh. Anh chỉ nói một khía cạnh nhỏ xíu xiu thôi, em thử nghĩ xem, nếu không có qui luật này em sẽ không phát triển, em sẽ mãi mãi là đứa bé sơ sinh thì làm sao có được như ngày nay. Vì vậy em không nên trách cứ, nguyền rủa vô thường mà phải cám ơn nó, nhờ có nó em mới trở thành cô học sinh “hoa khôi”, thành người phụ nữ “duyên dáng”, đúng không ? Em không hiểu vô thường, không biết những gì em có là mong manh tạm bợ nay còn mai mất rồi bám víu vào chúng, giữ chặt lấy chúng, đến khi chúng mất em thấy hụt hẫng, thất vọng khổ đau. Biết được vạn vật vô thường mình sẽ nương vào chúng mà sống chứ đừng dính mắc vào bất cứ thứ gì hết, nếu em làm được như vậy, buông bỏ tất cả, anh bảo đảm em sẽ xóa sạch phiền não trong lòng. Như vậy, Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy vạn vật vô thường là đem hạnh phúc an vui cho chúng ta chứ không phải đem khổ đau thất vọng như em đã nghĩ.

Vợ tôi ngồi nín thinh, nét mặt không còn như lúc trước. Tôi nhìn nàng trong gương và đọc hai câu thơ:

“Nếu không có cảnh đông tàn
Làm sao có cảnh huy hoàng mùa xuân”

Nàng liếc nhìn tôi, miệng cười chúm chím.

Giấc mộng cuộc đời

- Nẻo xa



Cuộc đời như giấc mộng
Qua rồi hết nhớ trông
Tình buồn theo sương gió
Êm đềm phủ mùa đông

Cuộc đời như giấc mộng
Trăng tròn giữa hư không
Hỏi ai, ai biết mộng
Chìm sâu phút mặn nồng

Cuộc đời như giấc mộng
Đôi bờ cách mênh mông
Thuyền trôi trên lối sống
Khách buồn đứng nhìn trông

Cuộc đời như giấc mộng
Tiếng dế rền non sông
Gió xuyên qua đồng trống
Ân tình khóc tang bồng

Danh ngôn (78)

- Thomas Merton



Cuộc đời không phải là trường đua, đừng bước đi hối hả trong cuộc đời để rồi quên mình đã từng đến và định đi đâu.

Ngày xưa

- Quà tặng cuộc sống



“Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng
Con nuôi Cha Mẹ tính tháng tính ngày …”

Công phu chân thật là “biết lỗi, sửa lỗi”

( H.T. Tịnh Không )



Trong khi đọc Kinh sẽ có chỗ ngộ, niệm Phật cũng sẽ có chỗ ngộ. Trong đời sống, lúc đãi người tiếp vật cũng sẽ có lúc ngộ được. Chỗ ngộ được này nghĩa là gì ?

- Nghĩa là phát hiện lỗi lầm. Phát hiện được lỗi lầm tức là khai ngộ, sửa đổi sai lầm trở lại tức là tu hành. Công phu chân thật là “biết lỗi”, “sửa lỗi”, có thể làm được bốn chữ này ngày hôm nay bạn sẽ cảm thấy rất sung mãn, chẳng luống uổng.

Ném câu thơ vào gió

- Thơ Bằng Việt



Ném một câu thơ vào gió thổi
Lời bay đi, tôi nhớ lại đời mình
Có lắm buồn vui, có nhiều lầm lỗi
Nhưng không có gì xảo trá, gian manh

Có đôi lúc nực cười thời trẻ quá
Chưa hết tung tăng đã muốn bạc đầu
Có đôi chút bùng nhùng thời bả lả
Chơi hơi nhiều, rốt cuộc có gì đâu

Có nỗi đam mê một thời trang trọng
Lo nỗi lo khuôn thước của muôn nhà
Quên mất câu thơ quá chừng bé bỏng
Thổn thức trong lòng không thể thoát ra ...

Nay lại ném câu thơ vào gió thổi
Tin – Không tin ! Vẫn còn lại riêng mình
Còn lại tấm lòng mong manh, dễ vỡ
Cát đã qua lò, nay hoá thủy tinh

Cả đời bái Phật nhưng rốt cuộc vẫn còn thiếu “một nén nhang”

( Khuyết Danh| Lý Mai An biên tập )

Trong Đại Hùng Bảo Điện nguy nga đồ sộ, có một cậu thiếu niên đang dâng hương cầu khẩn Phật Tổ. Cậu cắm ba nén nhang vào trong lư hương, thầm cầu khẩn rằng: “Nguyện cầu Phật Tổ phù hộ con thi đậu khoa cử, thăng quan tiến chức, tận trung báo quốc, tạo phúc cho người dân trong làng”. Nói xong lại bái lạy vài lần, lúc này mới đứng dậy rời đi.

Phật Tổ nhìn cậu thiếu niên bên dưới chỉ cười mà không nói gì, tôn giả A Nan đứng bên cạnh hỏi rằng:

- Thưa Phật Đà, cậu thiếu niên này vô cùng thành khẩn, lời nguyện phát ra lại là nguyện lành, vậy sao Người không nhận lời ?

Phật Tổ chỉ mỉm cười, chậm rãi nói: “Bởi còn thiếu một nén nhang !”

“Còn thiếu một nén ?”, tôn giả A Nan nhìn ba nén nhang vẫn còn trong lư hương, nghĩ mãi vẫn không hiểu được.

Thoáng một cái đã mười năm trôi qua, cậu thiếu niên ngây ngô ngày nào giờ đã trở thành một chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú, khí phách oai hùng. Kỳ thi năm đó tuy chàng không thi đậu, nhưng ngược lại chàng đã vứt bút tòng quân, trở thành một viên võ tướng, đã lập được nhiều chiến công hiển hách trong quân đội. Lần này về lại quê làng, là đặc biệt trở về cử hành hỷ sự.

Chàng thanh niên vẫn giống như trước đây, thắp ba nén nhang đàn hương, cung kính quỳ lạy trước tượng Phật rằng: “Nguyện cầu Phật Tổ phù hộ cho hạ quan kết được một mối duyên lành, thê tử hiền thục, vợ chồng hòa thuận”, vừa nói vừa dập đầu sát mặt đất.

Tôn giả A Nan nhìn thấy màn này thì rất xúc động, quay đầu lại nhìn thấy Phật Tổ vẫn mỉm cười không nói gì, lại bèn hỏi rằng:

- Thưa Phật Đà, sao Người lại không nhận lời anh ta ?

Phật Tổ cười nói: “Vẫn còn thiếu một nén nhang !”

Nháy mắt lại mười năm đã trôi qua, chàng thanh niên giờ đã bước vào tuổi trung niên. Khi ông đi vào Đại Hùng Bảo Điện lần nữa, trên gương mặt đã phảng phất hiện ra mấy nếp nhăn. Bởi bị gia tộc nhà vợ liên lụy, đại tướng quân oai phong lẫm liệt năm nào, giờ đây đã bị giáng chức làm một viên quan quèn ở địa phương, bao nhiêu chí nguyện lớn lao nay đều không thể thực hiện được nữa.

Ông bước vào Bảo Điện dâng hương bái lạy, thầm cầu khẩn, cầu cho con cái của mình có thể chuyên tâm học hành, hoàn thành sự nghiệp dang dở của mình. Tôn giả A Nan nhìn nhìn ông, lại quay sang nhìn Phật Tổ đang mỉm cười không nói gì, trong lòng than rằng: “Rốt cuộc vẫn còn thiếu một nén nhang !”

Mười năm lại trôi qua, người trung niên giờ đây tóc đã hoa râm bước vào tuổi già. Lúc này ông đã giải ngũ về làng, sống an cư nơi thôn dã, không còn chí nguyện to lớn như ngày trước nữa. Người lão niên thắp ba nén nhang đàn hương giống như trước đây, khấu đầu rằng:

- Phật Tổ, ngày trước con đã nhiều lần đến cầu nguyện, nhưng Người trước sau đều chưa từng nhận lời con dù chỉ một lần. Nhưng một lần này đến đây xin Người hãy thành toàn cho tấm lòng hiếu thảo của con. Nghĩ đến ngày trước, cha con mất sớm, là mẹ già trong nhà đã vất vả nuôi nấng con khôn lớn thành người. Bây giờ mẹ già tuổi đã cao, chỉ mong bà có thể bình an vô sự, vui vẻ sống quãng đời còn lại, ngoài điều này ra không còn cầu mong gì hơn nữa.

Tôn giả A Nan nghe thấy những lời này thật không đành lòng, quay đầu nhìn sang Phật Tổ, lại phát hiện trên gương mặt Phật Tổ đã nở nụ cười, nhẹ nhàng gật đầu:

- Vậy sẽ như nguyện của con vậy.

Người lão niên đi ra khỏi chùa, còn chưa về đến nhà, tin mừng đã từ xa truyền lại, hai người con trai của ông lại cùng lúc thi đậu văn võ trạng nguyên trong triều, hơn nữa triều đình còn ban bố chiếu thư rửa sạch nỗi oan của ông, để cho ông khôi phục chức quan, còn thăng lên ba bậc nữa. Nhưng lần này người lão niên cuối cùng đã không nhận lệnh. Ông đã quyết định từ nay ở lại trong nhà chăm lo cho mẹ già.

Con người ta cả một đời đứng trước tượng Phật chỉ chăm chú cầu khẩn cho những lợi ích, danh vọng của bản thân mình, nhưng rốt cuộc vẫn là còn “thiếu một nén nhang”. Người xưa có câu rằng: “Trăm điều thiện, Hiếu đứng đầu” - tấm lòng hiếu thuận của người con quả thật có thể làm cảm động đất trời.

Đọc xong câu chuyện này, mong bạn cũng tỏ lòng biết ơn, thắp một nén nhang cầu nguyện cho cha mẹ, người đã vì bạn mà vất vả một đời này.

Lời khuyên con gái

- Nguyễn Đình Huân



Là con gái hãy giữ nét kiêu sa
Con đừng có tin người ta tuyệt đối
Cuộc sống này, còn có nhiều giả dối
Nhớ đừng bao giờ sống vội, nhé con !

Trên đôi môi, hãy giữ vẹn nét son
Nở nụ cười xinh tươi, con yêu nhé !
Là con gái hãy luôn nghe lời mẹ
Ăn nói dịu dàng, nhỏ nhẹ dễ thương

Đời học sinh vui tới lớp tới trường
Chuẩn bị hành trang, con đường phía trước
Giữa cuộc đời, mai ngày xuôi ngược
Con hãy sẵn sàng vững bước đi xa

Cuộc sống này đâu chỉ bánh và hoa
Cũng không phải toàn lời ca tiếng hát
Còn có cả chông gai và chua chát
Vượt qua gian nan, mới đạt ước mơ

Con hãy vô tư, tận hưởng tuổi thơ
Rồi tương lai sẽ đón chờ con ạ
Con hãy nhớ, gia đình là tất cả
Bố mẹ sẵn sàng, vất vả vì con

Con hãy lo sao chữ hiếu cho tròn
Để sau này, tới khi con làm mẹ
Sẽ lại khuyên răn con mình khi bé
Giống như bây giờ bố mẹ khuyên con

Tỉnh thức

- Nhạc: Nguyễn Tiến Nghĩa
- Thơ: Thích Thiện Minh



Tuổi thơ ấu đi qua
Bao buồn vui để lại
Những vết nhăn cuộc đời
Còn in đậm trên tôi

Bao giờ tôi quay lại
Để nhận rõ được mình
Cho quãng đời còn lại
Đượm thắm một vần thơ

Quê hương là tất cả
Tất cả nỗi mong chờ
Cho người con lầm lạc
Tỉnh thức một vần thơ

Dặn lòng

- Tôn Nữ Hỷ Khương

Giữ yên nếp sống dịu hiền
Gây chi sóng gió cho phiền lòng nhau
Khi đời đã chẳng vào đâu
Trăm năm mua lấy chữ sầu ích chi



Không hoan hỷ không sầu muộn

- Sưu tầm



Trong Tương Ưng Bộ Kinh chép:

Một thời Thế Tôn ở tại Xá Vệ, rừng Kỳ Đà (Jetavana) vườn ông Cấp Cô Độc. Rồi một vị Thiên Tử tên là Kakudha, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jatavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên, bạch rằng:

- Thưa Sa Môn, Ngài có hoan hỷ không ?

- Ta được cái gì, này hiền giả (mà ta hoan hỷ) ?

- Nếu vậy, thưa Sa Môn, có phải Ngài sầu muộn ?

- Ta mòn mỏi cái gì, này hiền giả (mà ta sầu muộn) ?

- Vậy thời, thưa Sa Môn, Ngài không hoan hỷ và không sầu muộn ?

- Thật đúng vậy, này hiền giả !

Thế Tôn liền nói bài kệ:

Hoan hỷ chỉ có đến
Với người tâm sầu muộn
Sầu muộn chỉ có đến
Với người tâm hoan hỷ
Do vậy, vị Tỳ Kheo
Không hoan hỷ sầu muộn
Vậy nên, này hiền giả
Ngươi phải biết như vậy


╰▶ Lời bình: Hỏi hoan hỷ hay sầu muộn là bởi trong lòng còn chứa cái niệm được mất. Vì nghĩ được nên hoan hỷ, vì nghĩ mất nên sầu muộn. Nhưng có hoan hỷ là do đã từng sầu muộn: cái gì bị mất mát, khi được thì sanh tâm hoan hỷ. Trái lại, sầu muộn là do đã có cái hoan hỷ: cái đã được mà bị mất đi liền sầu muộn.

Thế gian chúng ta cứ mãi sống lẩn quẩn trong vòng được mất nên hết hoan hỷ rồi sầu muộn, hết sầu muộn đến hoan hỷ ... như sóng chập chùng lên xuống không có ngày dừng. Thế nên người hiểu đạo, thấy rõ hoan hỷ và sầu muộn chỉ là cặp đối đãi nhau không thật thể, ngay đó tâm lặng lẽ như như. Mà lặng lẽ như như tức là đạo chứ gì ? Cho nên chúng ta có phải nhọc nhằn tìm đạo đâu xa ?

Chỗ này chúng ta mới thấy Phật nói, Tổ nói không hai. Phật nói hoan hỷ là do tâm sầu muộn, sầu muộn là do tâm hoan hỷ, tức hai bên nhơn nhau mà có, lại bảo không hoan hỷ sầu muộn là dứt cả hai đầu được mất. Tổ thì thường bảo, còn thấy có hai là chưa thấy đạo, cho nên người hỏi đạo mà còn mắc kẹt hai bên thì các Ngài liền đưa hai ngón tay.

Tóm lại, còn có tâm được mất là còn có hoan hỷ sầu muộn, tức còn dao động. Trái lại, không thấy có được mất tức không hoan hỷ sầu muộn, ngay đó là Đạo.

Đừng ... (1)

- Marc(Thủy Nguyệt dịch)

Dù bạn đang ở hoàn cảnh tốt đẹp hay tồi tệ, hãy thức dậy mỗi ngày với niềm biết ơn cuộc sống của mình. Ở nơi nào đó, người khác đang đấu tranh trong tuyệt vọng để giành giật lấy cuộc sống của họ. Thay vì nghĩ về những gì bạn không có, hãy nghĩ về những gì bạn đang có mà người khác không có. ╰▶ ĐỪNG LÀ NGƯỜI VÔ ƠN



Danh ngôn (77)

- E. F. Berry



Kẻ nào không có tham vọng trở thành cao thượng hơn con người của mình hiện thời thì không xứng đáng chiếm một chỗ đứng dưới bóng mặt trời.

Thì ra lệnh bà giả ngủ

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương XVI, Thích Nhất Hạnh



Svastika là con nhà nghèo, hồi nhỏ chưa từng được đi học. Năm mười hai tuổi mới bắt đầu được Sujata dạy cho chút ít về văn hóa. Chú nói năng chưa được hoạt bát, cho nên trong khi kể lại những gì mà Bụt đã kể về cuộc đời niên thiếu của người, chú đã ngập ngừng nhiều lúc và phải nhờ những người ngồi nghe chuyện đỡ lời cho.

Hôm ấy ngoài thầy Ananda và chú Rahula, còn có hai người ngồi nghe chú kể. Đó là một ni sư tuổi đã lớn, tên là ni sư Mahapajapati và một thầy khoảng ba mươi lăm tuổi tên là thầy Assaji. Chiều hôm ấy chú Rahula đã giới thiệu hai vị này với Svastika rồi. Chú rất cảm động khi biết ni sư Mahapajapati chính là lệnh bà Gotami, dì của Bụt và đã nuôi Bụt từ khi tấm bé. Bà là người phụ nữ đầu tiên được xuất gia và gia nhập vào giáo đoàn của Bụt. Hiện bà làm ni trưởng lãnh đạo hơn bảy trăm vị nữ khất sĩ. Bà mới cùng một phái đoàn các ni sư từ miền Bắc xuống để thăm viếng Bụt và tham khảo ý kiến của người về việc tu chỉnh giới luật của ni chúng.

Chú Svastika nghe nói quý vị ni sư mới tới Rajagaha chiều hôm qua. Chú Rahula là cháu của bà. Biết bà sẽ rất vui mừng được nghe Svastika kể lại những gì xảy ra trong rừng Uruvela những Bụt sắp thành đạo và những tuần lễ sau ngày Bụt thành đạo, chú Rahula chắp tay cúi đầu rất thấp để chào vị ni trưởng vì chú đã từng được nghe Bụt kể về bà và đã có sẵn rất nhiều cảm mến, và chú có cảm tưởng bà cũng thương chú như thương chú Rahula cháu ruột của bà vậy. Nghĩ như thế chú cũng tự xưng cháu với bà.

Sau khi giới thiệu bà, chú Rahula lại giới thiệu thầy Assaji, Svastika không nhớ tên này dù Bụt đã có nhắc đến tên thầy trong câu chuyện mà người đã kể cho bọn thiếu nhi trong rừng Uruvela. Mắt Svastika sáng lên khi chú biết thầy Assaji là một trong năm vị sa-môn đã tu khổ hạnh với Bụt ngay tại quê hương của chú. Chú đã từng nghe Bụt nói rằng sau khi thấy Bụt ngưng tu khổ hạnh, bắt đầu uống sữa và ăn cơm thì năm người này bỏ Bụt đi tu chỗ khác. Vậy mà bây giờ không biết trong trường hợp nào mà thầy Assaji lại trở nên một vị khất sĩ đệ tử của Bụt và đang tu hành dưới sự chỉ dẫn của người, ngay tại tu viện Trúc Lâm. Chú dự tính sẽ hỏi Rahula về việc này.

Trong câu chuyện chú kể, chính ni sư Gotami đã đỡ lời cho chú nhiều nhất. Nhiều khi bà đặt câu hỏi để chú có cơ hội nói thêm về những chi tiết của câu chuyện, những chi tiết không mấy quan trọng đối với chú nhưng hình như rất quan trọng đối với bà. Ví dụ như những chi tiết về mớ cỏ Kusa mà chú đã dâng lên Bụt để người trải làm tọa cụ dưới cây bồ đề. Ni sư đã hỏi: “Cỏ đó, con cắt ở đâu ? Cứ mấy ôm thì con cắt cỏ mới để dâng cúng cho Bụt ? Con dâng bớt cỏ cho Bụt như thế thì trâu con có đủ cỏ để ăn ban đêm hay không ? Và con có bị chủ trâu đánh mắng hay không ?…”

Câu chuyện chú kể đã xong đâu, còn nhiều lắm. Chú xin phép ngưng lại nơi đây. Chú thưa với mọi người là chú sẽ xin kể tiếp ngày mai, nhưng trước khi từ giã, chú muốn được hỏi ni trưởng một vài câu hỏi mà chú đã ấp ủ trong lòng gần mười năm nay, có thể là ni trưởng sẽ trả lời được cho chú. Nghe chú nói thế, ni sư Gotami mỉm cười nhìn chú:

- Chú cứ hỏi, nếu trả lời được, thì ta sẽ trả lời ngay.

Svastika muốn biết nhiều chuyện lắm. Trước hết chú muốn biết khi thái tử Siddhatta vén màn định từ giã lệnh bà Yasodhara thì lệnh bà đang ngủ thật hay là đang giả ngủ ? Rồi khi người hầu cận thái tử Siddhatta đem thanh kiếm, chuỗi ngọc, mớ tóc và con ngựa Kanthaka về tới kinh đô thì hoàng thượng, hoàng hậu và lệnh bà Yasodhara đã nghĩ gì, nói gì và làm gì ? Trong sáu năm vắng mặt, cái gì đã xảy ra cho những người thân yêu của Bụt tại Kapilavatthu ? Và ai nghe tin Bụt thành đạo trước ? Ai đi đón Bụt ? Và đến khi Bụt về thì cả kinh thành đón rước ra sao ?

- Chú hỏi nhiều câu hỏi thật, ni sư Gotami mỉm cười hiền hậu nhìn Svastika. Để ta trả lời sơ lược cho chú. Trước hết là chuyện Yasodhara có thật là đang ngủ khi Siddhatta từ giã hay không. Chuyện này cho chắc chắn, chú phải hỏi ni sư Yasodhara, nhưng theo ta, thì lúc ấy Yasodhara không ngủ. Chính Yasodhara đã soạn đủ nón giày và áo dạ hành để sẵn bên hành lang. Chính Yasodhara đã vào bảo Channa thắng yên cương vào cho con Kathanka. Vậy Yasodhara biết chắc là đêm ấy thái tử sẽ bỏ đi. Làm sao mà Yasodhara có thể ngủ trong một tâm trạng như thế được, hả chú Svastika ? Ta nghĩ rằng Yasodhara đã làm như đang ngủ để tránh cho Siddhatta và cho mình giây phút khó khăn của sự giã biệt. Chú chưa biết, chứ mẹ của Rahula tính tình cương nghị lắm, Yasodhara hiểu được chí hướng của Siddhatta và đã âm thầm yểm trợ cho Siddhatta, điều đó ta biết rõ hơn ai hết ở trong cung, bởi vì ta là người thân cận và làm việc với công nương Yasodhara nhiều hơn ai hết.

Rồi ni sư Gotami kể tiếp những gì đã xảy ra trong cung điện. Buổi sáng ấy, nghe tin Siddhatta đã bỏ đi rồi, trong cung náo động, ai cũng bàng hoàng hoảng hốt, chỉ trừ có Yasodhara. Vua Suddhodana giận dữ, quát tháo quân hầu, quát tháo mọi người, trách họ đã không giữ gìn để cho thái tử ra đi. Bà Gotami nghe tin vội chạy qua tìm Yasodhara. Yasodhara không nói gì, chỉ ngồi thầm lặng khóc. Quan phụ chính đại thần tổ chức nhiều toán người sai đi bốn ngã tìm kiếm thái tử. Toán người ngựa đi về phương Nam đã gặp được Channa, đang trở về với con ngựa Kanthaka. Channa ngăn họ không cho họ đi về phương Nam tìm thái tử. Channa nói:

- Quý vị hãy để yên cho thái tử tu hành. Tôi đã cầu xin hết lời, đã khóc lóc đã van nài, nhưng thái tử đã một lòng một chí muốn đi tìm đạo. Với lại thái tử đã đi vào chốn thâm sơn. Núi rừng trùng điệp, lại thuộc về một vương quốc khác, thì các vị đi tìm làm sao được ?

Khi Channa trở về tới cung điện, anh ta dập đầu tạ tội rồi đem thanh kiếm, chuỗi ngọc và mớ tóc dâng lên vua. Lúc ấy hoàng hậu Gotami và lệnh bà Yasodhara cũng đang đứng bên cạnh vua. Thấy Channa khóc, vua không nỡ buộc tội. Vua hỏi han mọi chuyện, than vãn hồi lâu, rồi truyền cho Channa đem gươm báu, chuỗi ngọc và mớ tóc của thái tử giao lại cho lệnh bà Yasodhara cất giữ. Không khí của cung điện thật là buồn bã. Vua ở luôn trong biệt điện nhiều ngày liên tiếp không chịu ra thiết triều. Quan phụ chính đại thần Vessamitta phải thay vua xử lý mọi công việc chính sự. Con Kanthaka sau khi được trả về tàu ngựa từ chối không ăn uống gì. Mấy ngày sau nó qua đời. Channa rất thương tiếc. Channa nói với Yasodhara làm lễ hỏa thiêu cho nó.

Ni sư Gotami kể tới đó thì chuông thiền tọa buổi tối đã vọng lên. Mọi người đều tỏ vẻ tiếc vì phải bỏ dở câu chuyện, nhưng thầy Ananda bảo không nên bỏ giờ thiền tọa, dù câu chuyện có hay cách mấy đi nữa, và thầy mời mọi người chiều hôm sau lại tới liêu xá thầy. Svastika và Rahula chắp tay làm lễ ni sư Gotami, thầy Anada và thầy Assaji để trở về liêu xá của thầy Sariputta. Đôi bạn thân đi bên nhau im lặng không nói. Tiếng chuông chậm rãi bây giờ đây đã bắt đầu dồn dập đổ hồi. Svastika theo dõi hơi thở và thầm đọc bài kệ nghe chuông:

“Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe - tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm …”

Ngày mai nếu không là tôi nữa

- Đăng Học



Ngày mai nếu không là tôi nữa
Sỏi đá vô tri chắc cũng buồn

Những điều cần phải học

- Sưu tầm

Một bậc thầy phong thủy đã đưa ra chín phát ngôn cuối đời vô cùng ý nghĩa và được nhiều người tâm đắc chia sẻ. Dưới đây là chín phát ngôn để đời đó:

1. HỌC CÁCH CHO ĐI
Trong thương trường, đừng mong đợi sự giúp đỡ của người khác dành cho bạn, bởi đối với bất cứ ai, tiền không bao giờ đủ.

2. HỌC CÁCH HIỂU LÝ LẼ
Những người giúp đỡ bạn là những người bạn tốt có đạo nghĩa, những người không giúp bạn cũng không có gì đáng trách cứ, không nên nuôi dưỡng thù hận, bởi họ đâu nợ bạn.

3. HỌC CÁCH KIÊN CƯỜNG
Hãy hiểu rằng không một ai nhất thiết phải giúp bạn khi bạn cần. Nếu có, người đó chỉ có thể là chính bạn. Vì vậy làm cho bản thân tự lập, mạnh mẽ, vui vẻ, hạnh phúc, mới là những việc bạn cần phải làm, dẫu sao cũng chỉ có bản thân mới nhất thiết cùng bạn vào sinh ra tử, hoạn nạn có nhau.

4. HỌC CÁCH PHÂN BIỆT
Kết bạn không phân biệt giàu nghèo, họ có gia tài hàng tỷ với bạn một xu cũng không liên quan, đừng để bản thân biến thành người đầy tớ, họ có lẽ không có gì cả nhưng vẫn nhường miếng bánh mì duy nhất cho bạn.

5. HỌC CÁCH TỰ TRỌNG
Đừng vì những người bạn giàu có mà xa lánh những người bạn tinh thần, dần dần bạn sẽ hiểu ra sự giàu có của bạn bè có thể đưa bạn đi ăn uống vui chơi và cũng có thể mang lại đủ thứ phiền não thế tục, phức tạp và rắc rối. Những người bạn tinh thần chỉ có thể đưa bạn ra đồng ruộng, bờ suối, không có cao lương mỹ tửu, không sâm banh, cà phê, không có sàn nhảy, nhưng họ có thể cùng bạn chạy nhảy, cùng bạn cười đùa như một thằng hề.

6. HỌC CÁCH TRÂN TRỌNG
Có thể tin rằng trên thế giới quả thực có tình yêu chung thủy, nhưng nó chỉ là thuộc về Ngưu Lang - Chức Nữ, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, bên u Mỹ còn có Romeo và Juliet, bởi họ đều có cuộc sống ngắn ngủi. Còn chúng ta thì phải sống thật lâu.

7. HỌC CÁCH TRÁCH NHIỆM
Không cần biết bạn kết hôn vì điều gì, một khi bạn đã có con, bạn cần phải yêu gia đình này, bất kể nó tẻ nhạt và lạnh lẽo đến mức nào, bạn đều có nghĩa vụ phải sưởi ấm nó lên, bởi vì bạn là người cha.

8. HỌC CÁCH TRƯỞNG THÀNH
Chớp mắt tuổi thanh xuân của chúng ta sẽ không còn nữa, nếp nhăn dày lên từng ngày bên khóe mắt, chúng ta không thể ngăn sự tàn phá của năm tháng lên dung nhan, nhưng chúng ta có thể để cho trái tim làm chậm dần sự mài dũa của năm tháng như ngọc trong cát, dần dần bóng lên. Chờ đến khi chúng ta râu bạc, răng sụn, bước đi lảo đảo, bạn vẫn có thể giữ được vầng đỏ rực rỡ trên ánh ngọc trai đến cuối cùng, không phải sao ?

9. HỌC CÁCH BUÔNG TAY
Đừng nên quá cố chấp, cuộc sống có rất nhiều điều không như ý, thế giới không thể hoan hợp cho riêng bạn, trái đất không phải vì bạn mà xoay chuyển, do đó, đừng ôm mãi sự cố chấp, chúng ta cũng chỉ là những kẻ qua đường ở chốn hồng trần này, được sinh ra trần truồng, khi chết đi cũng chẳng thể mang theo được gì.

Tết Đoan Ngọ

- Thẩm Thy Phượng



Ngày Xuân Đoan Ngọ thắm mưa Xuân
Nắng nhẹ vàng rơi đẹp nửa lừng
Nửa tuổi có Xuân mừng thêm nữa
Nửa năm mới cũ, nữa bâng khuâng

Nửa năm hướng mới tương lai đến
Bước thẳng thừng đi chớ ngập ngừng
Vừa mới Xuân tròn Xuân với nữa
Giao cành phơi phới đẹp lòng Xuân

Chỉ một câu nói có thể hủy hoại phúc báo của bạn

- Theo NTD TV
- Mai Trà biên dịch

Vương Dương Minh là một nhà tư tưởng học nổi tiếng vào thời Minh. Trong một lần cùng với các đệ tử ra ngoài dạo chơi, ông thấy trên đường có hai người đang cãi nhau, một người nói: “Ngươi thật không có đạo lý”, người kia phản bác: “Ngươi thì không có lương tâm” ...

Một vị đệ tử liền quay ra nói với thầy rằng: “Thầy nghe xem, bọn họ đang giảng đạo”, Vương Dương Minh nói: “Không phải, họ đang mạ lỵ người khác”.




Dùng thiên lý, lương tâm yêu cầu chính bản thân thì là giảng đạo, còn áp đặt yêu cầu lên người khác thì chính là đang mạ lỵ người ta. Khi giao tiếp với mọi người, lời chúng ta nói ra chính là một cách tu hành thâm nhập thực tế, những lời nói tốt đẹp chính là hành động thiện lành nhất. Vì thế người nói, người nghe hay người ngoài cuộc mà vô tâm khiêu khích cũng sẽ tạo ra một sự ác ý tuần hoàn. Vì vậy, có thể nói tin đồn sẽ dừng ở người khôn ngoan. Khi mọi người ở cùng với nhau, không nên vì những lời nói tức thời bộc phát mà làm mất đi thiện duyên khó có được này.

Ngôn ngữ dùng để biểu đạt cảm xúc, là công cụ để biểu lộ suy nghĩ, thế nhưng nó cũng có thể tạo ra những lời nói không phù hợp, vô nghĩa hoặc không cần thiết, dẫn đến phiền não không đáng có. Socrates – một triết học gia người Hy Lạp cổ rất giỏi về diễn thuyết, ông thường hay dạy mọi người cách làm thế nào để trò chuyện. Một hôm, có một thanh niên đến và nhờ ông dạy những kỹ năng diễn thuyết, bàn về tính trọng yếu của diễn thuyết như thế nào. Sau một thời gian dài chờ đợi chàng thanh niên nói xong, Socrates tỏ ý muốn thu tiền học phí của anh gấp đôi, anh ta hỏi nguyên nhân tại sao. Socrates trả lời: “Bởi vì, ngoài việc dạy anh diễn thuyết, tôi còn phải dạy thêm anh cách để ngừng nói”.

Cổ nhân xưa có câu: “Nhất ngôn chiết tận bình sinh phúc” – Cẩn trọng khi nói chính là điểm mấu chốt của tu thân.

Mục đích của lời nói là để diễn đạt những lời yêu thương dễ nghe cho nhau. Thế nhưng, trong những cuộc nói chuyện hàng ngày, có rất nhiều từ ngữ chúng ta cần thực sự phải chú ý, ví dụ:

- “Là tôi bảo anh ta đến”, tại sao lại không nói: “Là tôi mời anh ta đến” ?

- “Hãy nghe tôi đi”, tại sao lại không nói là: “Chúng ta cùng bàn bạc nhé” ?

- “Bạn đừng có hối hận đấy”, tại sao lại không nói là: “Bạn có muốn suy nghĩ thêm không” ?

- “Bạn hãy cẩn thận cho tôi”, tại sao lại không nói là: “Có lẽ vẫn cứ nên cẩn thận một chút thì tốt hơn” ?

Cùng là một hàm nghĩa nhưng tại sao cứ phải thêm vào những lời khó nghe ? Như vậy, không những khiến cho đối phương cảm thấy không vui, mà còn dễ dẫn đến hiểu lầm, quả thực là không xứng với nét đẹp của những người có văn hóa.

Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm khi đăng ngôi Hoàng Đế, muốn coi bói quẻ xem ngôi Hoàng Đế này sẽ được truyền đến bao đời, kết quả là chỉ có một chữ “Nhất” (một). Vũ Đế rất không vui, quần thần đều sợ hãi mặt tái xanh, không ai dám nói câu gì. Đúng lúc đó, thị trung Bùi Khai đã tiến lên trước và nói: “Vi thần nghe nói, trời có một sẽ thanh minh, đất có một sẽ an bình, hầu vương có một sẽ có được sự ủng hộ trung thành của quần dân”. Chỉ một câu nói ngắn gọn như vậy đã khiến Vũ Đế từ lo lắng chuyển sang vui mừng, quần thần từ đáy lòng đều cảm phục Bùi Khai.

Bất cứ việc gì bạn nhìn thấy cũng có thể chỉ là vẻ bề ngoài chứ chưa phải là thực chất, không nhất định là đúng. Có thể nắm rõ những kỹ năng khi nói chuyện, vào những lúc thích hợp, bạn sẽ có thể biến nỗi buồn thành niềm vui, hoá thối nát thành thần kỳ.

Lời khuyên cho con

- Nguyễn Đình Huân



Nếu vấp ngã hãy tự mình đứng dậy
Cuộc đời này luôn đầy rẫy chông gai
Ngẩng cao đầu và bước tới tương lai
Đừng trông mong bất kỳ ai giúp đỡ

Hãy tự mình làm dù hay dù dở
Chưa thành công đừng than thở nghe con
Phía trước chúng ta cơ hội vẫn còn
Nếu cố gắng sẽ làm tròn mơ ước

Có những lúc phải một mình lội ngược
Mặc dòng đời như dòng nước chảy xuôi
Sau đắng cay ta sẽ được mỉm cười
Nếu có thể hãy giúp người hoạn nạn

Cố gắng sống để bớt thù thêm bạn
Đừng bao giờ phải buồn chán bi quan
Vết thương sẽ lành bằng thuốc thời gian
Không được quên thuở cơ hàn khốn khó

Yêu đồng loại và chúng sinh cây cỏ
Sống có tình để cho gió cuốn đi
Vui lên con gác bỏ hết sân si
Và hạnh phúc với những gì mình có

Only small things with great love

- Mother Teresa



We can do no great things, only small things with great love.

Đời người có năm ngày

- Sưu tầm



Nếu mạng sống được tính bằng hơi thở, thì cuộc đời mỗi người dù dài hay ngắn, rốt cuộc chỉ gói trọn trong năm ngày:

+ hôm trước
+ hôm qua
+ hôm nay
+ ngày mai
+ ngày sau

Hãy sống thật ý nghĩa mỗi ngày, và …

CẢM ƠN HÔM TRƯỚC: quá khứ đã qua không thể thay đổi, chỉ nên cảm kích vì mình vẫn còn được sống. Biết ơn Cha Mẹ đã đưa chúng ta đến với cuộc đời tươi đẹp này, để mỗi ngày có thể ngắm ánh bình minh trong trẻo, nhìn cảnh hoàng hôn yên bình, cảm nhận cuộc sống diệu kỳ, tận hưởng niềm vui nhân thế.

TỔNG KẾT HÔM QUA: con đường chúng ta đi qua có niềm vui, hạnh phúc và thành công. Bên cạnh đó cũng có niềm đau, nỗi khổ và thất bại. Sai sót ở đâu thì làm lại nơi đó, thất bại hôm qua sẽ là nền tảng cho thành công ngày mai, không thể bỏ qua việc học hỏi, càng không thể từ chối sự tiến bộ.

NẮM CHẮC HÔM NAY: trân trọng hiện tại, chăm chỉ học hỏi, chuyên cần thực hành, vững bước tiến về phía trước. Hôm qua đã không còn, ngày mai thì chưa đến, chỉ có bây giờ, ở đây. Hiện tại chăm chỉ cày cấy thì ngày sau ắt có cái để thu hoạch.

THEO ĐUỔI NGÀY MAI: tương lai luôn mang nhiều hứa hẹn, cũng đầy mê hoặc, lý tưởng nhất là ươm mầm ngay bây giờ, để mai kia trở thành hiện thực.

KHÔNG SỢ HÃI NGÀY SAU: chúng ta đã cố gắng trong quá khứ và hiện tại, nên tương lai chắc chắn sẽ tốt đẹp, vì thế không cần lo lắng. Đây là quy luật phát triển tự nhiên, như ngày và đêm không thể tách rời.

Mỗi ngày trong đời đều đáng trân trọng, không nên hối tiếc sự do dự hôm qua, rồi thụ động chờ đợi ngày mai đến. Sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc hiện tại, mới không hổ thẹn với ý nghĩa cuộc đời.

Danh ngôn (76)

- Khổng Tử



Biết mà không làm thì không bằng đừng biết.
Thân mà không tin thì không bằng đừng thân.
Vui vừa mới đến thì vui mà đừng kiêu.
Họa vừa mới đến thì lo mà đừng buồn.

Duyên

- Món quà cuộc sống



“Gặp gỡ là một cái duyên, và đi qua cuộc đời nhau cũng là sự sắp đặt của định mệnh, một món quà của cuộc sống. Đôi khi chỉ nghĩ lại thôi người ta cũng có lý do để mỉm cười !”

Tĩnh lặng giữa đôi bờ

- Thích Tánh Tuệ



Có được thì có mất
Có buồn ắt có vui
Cả hai đều chẳng thật
Không hân hoan, ngậm ngùi

Dứt mưa thì tới nắng
Hết trắng rồi đến đen
Một người ngồi lẳng lặng
Nhìn mây trôi êm đềm

Hôm nao vừa hội ngộ
Sáng nay chia đôi đường
Thoảng gặp rồi ly biệt
Xót xa vì tơ vương

Có yêu thì có phụ
Nốt thăng bạn nốt trầm
Bấp bênh, đời “như thị”
Trách ai - mình khổ tâm

Hôm nay rồi cũng sẽ
Trở thành ngày hôm qua
Và ngày mai cũng thế
Lùi quá khứ nhạt nhòa

Biết hai từ CHẤP NHẬN
Là biết sống TÙY DUYÊN
Kiếp nhân hoàn lận đận
Chấp mê ... làm đảo điên

Qua phố lòng tĩnh lặng
Ngắm dòng đời biến thiên
Biết trăm năm là mộng
Chuốc chi thêm ưu phiền

Măng tây - Phương pháp chữa trị ung thư hiệu quả

(Sưu tầm và Tổng hợp)

“Mẹ tôi đã dùng nước sinh tố măng tây, sáng bốn muỗng xúp và tối cũng bốn muỗng, từ hơn một tháng nay. Bà đang phải uống thuốc hóa trị cho bệnh ung thư màng phổi giai đoạn ba và số lượng tế bào ung thư của bà từ 386 đã xuống 125 trong tuần vừa qua. Vị bác sĩ chuyên gia có nói là bà không cần phải đến gặp ông ta trong ba tháng tới đây …” - trích lời dẫn.

I. BÀI BÁO

Nhiều năm trước đây, tôi có gặp một người đang đi tìm măng tây cho người bạn bị bệnh ung thư. Anh ta đưa tôi một bản sao bài báo tựa đề “Măng tây cho bệnh ung thư”, được đăng trên tờ Cancer News Journal, tháng 12 năm 1979. Tôi chia sẻ cùng các bạn ngay bây giờ như anh ta đã làm với tôi.




Tôi là một nhà hóa sinh và chuyên về liên quan giữa chế độ ăn kiêng và sức khỏe trên 50 năm rồi. Nhiều năm trước, tôi có biết về sự khám phá của ông Richard R. Vensal, D.D.S, rằng măng tây có thể chữa khỏi bệnh ung thư. Từ đó đến giờ, tôi đã hợp tác với ông ta cho dự án của ông ta. Chúng tôi đã thu thập được rất nhiều trường hợp rất triển vọng. Sau đây là vài thí dụ:

1.
Một người đàn ông gần như là không còn hy vọng gì với bệnh Hodgkin (một loại bệnh ung thư về mạch bạch huyết) đã hoàn toàn mất hết năng lực. Một năm sau khi chữa trị bằng liệu pháp măng tây, các bác sĩ của ông ta không thể tìm thấy bất cứ dấu hiệu nào của bệnh ung thư và anh ta trở lại làm việc thật hăng hái.

2.
Một thương gia thành đạt ở tuổi 68 đã bị bệnh ung thư bàng quang từ 16 năm rồi. Sau nhiều năm điều trị, kể cả xạ trị không kết quả, ông ta chuyển qua măng tây. Sau ba tháng, các xét nghiệm cho thấy khối u trong bàng quang đã biến mất và thận của ông ta hoạt động bình thường.

3.
Một người đàn ông bị ung thư phổi. Vào ngày 5 tháng 3 năm 1971, ông ta được đưa lên bàn mổ nhưng vì căn bệnh đã phát triển quá nhiều nên không thể tiến hành cuộc giải phẫu được. Các bác sĩ tuyên bố trường hợp của ông ta không còn hy vọng gì. Vào ngày 5 tháng 4, ông ta nghe nói đến liệu pháp măng tây và bắt đầu uống ngay tức thì. Đến tháng 8, các phim X-Quang cho thấy các dấu hiệu của bệnh ung thư đã biến mất và ông ta trở lại công việc kinh doanh của mình.

4.
Một phụ nữ bị bệnh ung thư da từ nhiều năm. Sau đó bệnh này đã chuyển sang nhiều hình thức ung thư khác nhau mà vị bác sĩ chuyên gia cho là đã phát triển nhiều rồi. Sau ba tháng dùng măng tây, vị bác sĩ chuyên gia cho biết da bà ta trông rất tốt và không còn các vết tổn thương nữa. Bà này còn cho biết liệu pháp măng tây còn chữa căn bệnh thận của bà, mắc phải từ năm 1949. Bà ta đã làm 10 cuộc giải phẫu lấy sỏi thận và bà cũng nhận được trợ cấp từ chính phủ về tình trạng thận không thể giải phẫu ở giai đoạn cuối. Bà quy cho liệu pháp măng tây đã chữa khỏi bệnh thận của bà.

Tôi không ngạc nhiên lắm về các kết quả, vì theo “Các yêu tố về materia medica” được xuất bản vào năm 1854 do một ông Giáo sư của Trường Đại Học Pennsylvania, nói rõ là măng tây là một phương thuốc dân gian để làm tan các sỏi thận. Hãy chú ý đến ngày tháng. Chúng tôi còn có nhiều trường hợp khác nữa nhưng ngành y tế đã can thiệp vào việc chúng tôi thu thập các hồ sơ. Vì thế, chúng tôi mới kêu gọi các độc giả hãy phổ biến các thông tin rất hữu ích này để giúp đỡ chúng tôi thu thập thật nhiều chứng cứ về các thành tích bệnh sử để áp đảo các người hoài nghi của ngành y tế cho một thứ liệu pháp rất không thể tin được, đơn giản và tự nhiên này.

Về cách chữa trị, măng tây phải được nấu chín trước khi dùng. Vì thế, măng tây đóng hộp vừa tươi và tiện lợi. Tôi có liên hệ với hai công ty đóng hộp măng tây, Giant và Stokely, và tôi rất hài lòng vì hai nhãn hiệu này không có sử dụng thuốc trừ sâu hoặc hóa chất bảo quản. Bỏ các cọng măng tây vào máy xay sinh tố và đánh cho nhừ, sau đó cất vào trong tủ lạnh. Cho người bệnh uống bốn muỗng canh, hai lần trong ngày, sáng và chiều tối. Thường thì sau 2 - 4 tuần người bệnh sẽ thấy sức khỏe được cải thiện. Người bệnh cũng có thể pha loãng trong nước nóng hoặc nước lạnh để uống. Liều lượng này được ấn định căn cứ trên các thí nghiệm thực tế, nhưng dung lượng nhiều hơn cũng không có hại gì hết mà đôi khi rất cần thiết trong vài trường hợp. Với tư cách là một nhà hóa sinh, tôi tin chắc rằng câu châm ngôn cổ xưa rằng “Cái gì điều trị được thì có thể phòng ngừa được”, căn cứ theo lý thuyết này mà vợ chồng chúng tôi thường dùng purée măng tây như là thức uống trong các bữa cơm. Chúng tôi dùng hai muỗng canh được pha trong nước để hợp khẩu vị của chúng tôi cho các bữa ăn sáng và tối. Tôi thì thích uống nóng trong khi vợ tôi thì thích lạnh.

Từ nhiều năm rồi, chúng tôi thường cho xét nghiệm máu trong các lần kiểm tra sức khỏe. Trong lần kiểm tra máu sau cùng do một ông bác sĩ chuyên về dinh dưỡng liên quan đến sức khỏe cho thấy có nhiều cải thiện đáng kể trong các thành phần trong máu khác với lần trước đó và chúng tôi có thể khẳng định rằng các cải thiện đó không do cái gì khác hơn là măng tây. Với tư cách là một nhà hóa sinh, tôi có làm một nghiên cứu sâu rộng về các nét đặc trưng của các bệnh ung thư và các phương pháp chữa trị được đề nghị. Và với kết luận cuối cùng, tôi tin chắc rằng măng tây phù hợp nhất cho các lý thuyết về ung thư.

Măng tây có chứa một số lượng lớn protein gọi là histones mà tôi tin là rất tích cực trong kiểm soát sự phát triển của tế bào. Vì lý do đó, tôi tin là ta có thể nói măng tây có chứa một chất mà tôi tạm gọi là chất bình thường hóa cho sự phát triển tế bào. Tầm quan trọng của tác động trên bệnh ung thư cũng không khác như là nhiệm vụ của một loại thuốc bổ cho cơ thể. Không để ý đến lý thuyết, trong hoàn cảnh này, măng tây được dùng theo đề nghị của chúng tôi, là một chất vô hại. Cơ quan FDA (Cơ quan kiểm tra thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ) không có lý do gì ngăn cản bạn dùng một thứ mà chỉ có đem lại điều tốt mà thôi. Viện Nghiên Cứu Ung Thư Hoa Kỳ đã báo cáo là trong măng tây có chứa chất glutathione, được xem như là chất chống sinh ung thư và chống oxy rất hiệu nghiệm.

II. CÙNG TÌM HIỂU TÁC DỤNG CỦA MĂNG TÂY XANH

Măng tây giàu dinh dưỡng, tăng khả năng miễn dịch và phòng chống ung thư. Tuy nhiên, chỉ có giống măng tây xanh ATLAS và trồng đúng kỹ thuật mới có đủ chất dinh dưỡng để tốt cho bệnh ung thư. Trên thị trường bây giờ rất nhiều măng tây xanh của Trung Quốc và măng trồng tự phát chưa đúng kỹ thuật theo tiêu chuẩn VIETGAP, chứa nhiều dư lượng thuốc thực vật và thuốc sâu, ăn vào có khi lại có hại sức khỏe.

● Thành phần dinh dưỡng

Măng tây được trồng để thu lấy chồi, phần chồi này có hàm lượng dinh dưỡng cao. Trong 100g măng tây xanh (tươi) chứa 2,2% đạm, 3,9% cacbohydrate, 2,1% xơ, 0,6% tro, 0,1% béo, và các khoáng chất (canxi, sắt, magiê, mangan, phốt pho, kali, kẽm … chiếm 35%). Ngoài ra, nó còn chứa rất nhiều loại vitamin cần thiết như vitamin C, E, K, thiamine (vitamin B1), riboflavin (vitamin B2), niacin (vitamin B3), axit pantothenic (vitamin B5), pyridoxine (vitamin B6), folate (vitamin B9), … Hơn nữa, đọt măng tây lại có vị ngọt đặc trưng, có thể dùng để chế biến thành nhiều món ăn ngon như salad măng tây, măng tây xào với thịt bò, gà, tôm, hay các món nướng, hầm, súp .v.v.v...

● Lợi ích của măng tây

Măng tây không chỉ giàu dinh dưỡng, mà nó còn chứa các chất có hoạt tính sinh học và đã được chứng minh có tác dụng tích cực đến sức khỏe với các công dụng sau:

+ MĂNG TÂY GIÀU HỢP CHẤT CHỐNG VIÊM - Măng tây có chứa một nhóm các chất có khả năng chống viêm bao gồm các saponin măng tây (asparanin, sarsasapogenin, protodioscin, và diosgenin) và flavonoid quercetin, rutin, kaempferol và isorhamnetin. Các hợp chất chống viêm này là một trong những tác nhân tốt nhất giúp phòng chống các bệnh mãn tính như tiểu đường type 2, bệnh tim và bệnh ung thư.

+ NGUỒN CHẤT CHỐNG OXY HÓA - Măng tây còn là nguồn dồi dào các chất chống oxy hóa bao gồm vitamin C, beta-carotene và các khoáng chất kẽm, selen, mangan. Đặc biệt là glutathione (GSH) – một tripeptide có trong măng tây có tác dụng chống oxy hóa mạnh. Theo báo cáo của Viện Ung Thư Quốc gia Hoa Kỳ, măng tây có chứa lượng glutathione cao nhất trong số các thực phẩm được thử nghiệm. Các chất chống oxy hóa trong măng tây cũng góp phần không nhỏ trong việc giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường và bệnh ung thư.

+ MĂNG TÂY GIÀU CHẤT XƠ GIÚP HỖ TRỢ TIÊU HÓA, CÓ LỢI CHO TIM MẠCH - Măng tây có chứa một lượng lớn chất xơ và chất xơ hòa tan – có tác dụng làm giảm huyết áp, hạn chế quá trình xơ vữa động mạch, tạo sự lưu thông tốt cho hệ tuần hoàn máu giúp tim khỏe mạnh, là cách hiệu quả giảm lượng chất béo (cholesterol) trong chế độ ăn. Măng tây chứa một polysaccaride có tên gọi là inulin (thuộc nhóm chất xơ fructan) có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa. Inulin không bị tiêu hóa ở ruột non, khi di chuyển đến ruột già, nó sẽ trở thành nguồn thức ăn cho một số loại vi khuẩn có lợi nhưbifidobacteria và lactobacilli, làm tăng khả năng chống lại sự phát triển của các vi khuẩn có hại, giúp cơ thể hấp thu triệt để các chất dinh dưỡng, làm giảm nguy cơ dị ứng, và giảm nguy cơ ung thư ruột kết.

+ Và các thành phần có giá trị khác

Ngoài những thành phần có lợi cho sức khỏe kể trên, măng tây còn chứa các hợp chất được gọi là glycosides steroid (asparagoside) trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất hormone và đôi khi được sử dụng như một kích thích tình dục do có thể ảnh hưởng đến cảm xúc.

Một loại protein đặc biệt trong măng tây có tên gọi histone được cho là chủ động trong việc kiểm soát sự phát triển của tế bào nên có thể kìm hãm sự phát triển của các tế bào ung thư. Măng tây cũng rất giàu axit folic nên là loại thực phẩm tốt đối với phụ nữ mang thai, vì nó bảo vệ chống lại các khuyết tật ống thần kinh ở trẻ và rất cần thiết cho sản xuất ra các tế bào hồng cầu mới. Với đa dạng các thành phần dinh dưỡng cộng với các chất có hoạt tính sinh học có lợi, măng tây xứng đáng được coi là một loại rau hoàng đế, rau của mùa xuân.

Rau hoàng đế, rau mùa xuân ... là những cái tên thân thương mà người Đức hay dùng để gọi măng tây. Người ta có thể chế biến đủ món tây ta từ măng tây như: măng tây rưới sốt nấm kem tươi, măng tây cuốn thịt ba chỉ rán, măng tây nấu xốt cá, măng tây luộc chấm mắm tỏi, măng tây áp trứng …

Sexy là từ người ta hay dùng để nói về hình dạng măng tây. Ăn măng tây, uống rượu vang là một thứ “viagra tự nhiên”. Thân mầm (hay còn gọi là măng) mới là nơi tập trung các chất dinh dưỡng của cây khi còn non. Dùng thân mầm măng tây xanh nấu canh hoặc sắc lấy nước uống có tác dụng lợi tiểu, phòng trị các bệnh đau bàng quang, suy gan, suy thận …

Ung thư và các chứng bệnh có liên quan sẽ được giảm thiểu nếu bạn ăn nhiều măng tây. Chất glutathione – một chất chống oxy hóa có khả năng phòng ngừa và điều trị bệnh ung thư – có rất nhiều trong măng tây. Chất asparagin có trong măng tây rất cần thiết cho sự xây dựng và phân chia tế bào, được sử dụng trong điều trị bệnh tim và gút (goutte).

Viagra thảo dược là tên mà người ta hay dùng để gọi măng tây. Trong số thực phẩm có hình dáng gợi cảm như “vũ khí” của phái mạnh: chuối, cà rốt, bơ … măng tây được xem là thực phẩm có tác dụng tích cực cho sức khỏe tình dục. Ăn nhiều măng tây thì “máy móc” của các đấng mày râu sẽ “chạy” mạnh như vũ bão không thua gì ăn sò, hàu, ngẩu pín dê …

Xenlulô (Cellulose) là chất xơ có nhiều trong măng tây rất cần thiết cho hệ tiêu hóa. Chúng có tác dụng nhuận tràng, chữa táo bón. Yếu sinh lý ở nam giới và những trục trặc về hoạt động tình dục sẽ được hạn chế nếu ăn măng tây trắng liên tục trong ba ngày. Theo quan niệm của người Nhật, đọt măng tây trắng là chất kích dục thiên nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà tạo hóa ban tặng cho măng tây hình “ngọn giáo”.

III. HƯỚNG DẪN SƠ CHẾ, SỬ DỤNG và BẢO QUẢN MĂNG TÂY

● SƠ CHẾ và SỬ DỤNG MĂNG TÂY LÀM THUỐC

+ Cắt khúc măng tây khoảng 3-4 cm. Phần gốc tước vỏ ngoài. Nếu già quá không ăn được có thể gom lại nấu thành nước sâm uống hàng ngày.

+ Ngâm măng tây trong nước vo gạo từ 5-10 phút. Sau đó vớt ra, rửa sạch và để ráo nước.

+ Nấu chín măng tây (hấp hay luộc), để nguội, sau đó cho vào một máy xay sinh tố xay cho thật nhuyễn thành sền sệt, cất vào tủ lạnh để dành uống dần.

+ Mỗi ngày uống hai lần sáng và chiều, mỗi lần uống bốn muỗng canh.

+ Có thể quậy chung vào nước để uống, nước lạnh hay nước nóng cũng được. Có thể nêm thêm một ít đường hoặc một ít muối tùy khẩu vị mỗi người. Thông thường, các bệnh nhân cho thấy có tiến triển trong vòng từ hai đến bốn tuần.

+ Liều lượng nói trên là căn cứ vào kinh nghiệm, nhưng chắc chắn là một liều lượng lớn hơn chẳng những không có gì nguy hiểm mà có khi cần thiết để điều trị những bệnh nặng.

● MĂNG TÂY LÀM MÓN ĂN

Măng tây làm món ăn rất tốt cho người già, trẻ nhỏ, mẹ bầu, người ăn kiêng, vợ chồng muốn sinh con …

+ Món xào:
Về sơ chế (xem phần sơ chế bên trên), sau đó chần măng tây qua nước sôi khoảng 30 giây – 1 phút. Sau đó vớt ra ngâm vào nước lạnh. Măng tây có thể xào thịt bò, thịt gà, tôm, lòng, thịt lợn, nấm hương+tỏi … Xào chín các phần này, sau đó mới cho măng tây vào xào thêm từ 1-2 phút.

+ Nấu canh:
Có thể nấu canh xương, canh thịt, canh ngao, ốc … Cho măng tây đã qua sơ chế (xem phần sơ chế bên trên) vào nồi canh đã chín, đun thêm 3-5 phút.

+ Nấu cháo cho trẻ nhỏ và người già:
Cho măng tây đã qua sơ chế (xem phần sơ chế bên trên) vào máy xay, xay nhuyễn, sau đó cho vào nồi cháo đã nấu chín, nấu thêm 5-10 phút. Ngoài ra có thể dùng làm rau lẩu hoặc cuộn thịt ba chỉ để nướng.

● BẢO QUẢN MĂNG TÂY

Gói kín măng tây bằng màng nilon bọc thực phẩm (hai lần càng tốt), sau đó gói thêm bằng túi nilon (hai lần càng tốt) và để vào ngăn mát tủ lạnh. Có thể để được 2-3 tuần.