- Sưu tầm
Một thời Thế Tôn ở tại Xá Vệ, rừng Kỳ Đà (Jetavana) vườn ông Cấp Cô Độc. Rồi một vị Thiên Tử tên là Kakudha, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jatavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên, bạch rằng:
- Thưa Sa Môn, Ngài có hoan hỷ không ?
- Ta được cái gì, này hiền giả (mà ta hoan hỷ) ?
- Nếu vậy, thưa Sa Môn, có phải Ngài sầu muộn ?
- Ta mòn mỏi cái gì, này hiền giả (mà ta sầu muộn) ?
- Vậy thời, thưa Sa Môn, Ngài không hoan hỷ và không sầu muộn ?
- Thật đúng vậy, này hiền giả !
Thế Tôn liền nói bài kệ:
Hoan hỷ chỉ có đến
Với người tâm sầu muộn
Sầu muộn chỉ có đến
Với người tâm hoan hỷ
Do vậy, vị Tỳ Kheo
Không hoan hỷ sầu muộn
Vậy nên, này hiền giả
Ngươi phải biết như vậy
╰▶ Lời bình: Hỏi hoan hỷ hay sầu muộn là bởi trong lòng còn chứa cái niệm được mất. Vì nghĩ được nên hoan hỷ, vì nghĩ mất nên sầu muộn. Nhưng có hoan hỷ là do đã từng sầu muộn: cái gì bị mất mát, khi được thì sanh tâm hoan hỷ. Trái lại, sầu muộn là do đã có cái hoan hỷ: cái đã được mà bị mất đi liền sầu muộn.
Thế gian chúng ta cứ mãi sống lẩn quẩn trong vòng được mất nên hết hoan hỷ rồi sầu muộn, hết sầu muộn đến hoan hỷ ... như sóng chập chùng lên xuống không có ngày dừng. Thế nên người hiểu đạo, thấy rõ hoan hỷ và sầu muộn chỉ là cặp đối đãi nhau không thật thể, ngay đó tâm lặng lẽ như như. Mà lặng lẽ như như tức là đạo chứ gì ? Cho nên chúng ta có phải nhọc nhằn tìm đạo đâu xa ?
Chỗ này chúng ta mới thấy Phật nói, Tổ nói không hai. Phật nói hoan hỷ là do tâm sầu muộn, sầu muộn là do tâm hoan hỷ, tức hai bên nhơn nhau mà có, lại bảo không hoan hỷ sầu muộn là dứt cả hai đầu được mất. Tổ thì thường bảo, còn thấy có hai là chưa thấy đạo, cho nên người hỏi đạo mà còn mắc kẹt hai bên thì các Ngài liền đưa hai ngón tay.
Tóm lại, còn có tâm được mất là còn có hoan hỷ sầu muộn, tức còn dao động. Trái lại, không thấy có được mất tức không hoan hỷ sầu muộn, ngay đó là Đạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét