V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Lời sám hối

- Vũ Ngọc Toản



Con xin cung kính chắp tay lạy Quán Thế Âm
Cho con sám hối bao lỗi lầm mờ ám lương tâm
Từ đây con gắng tu tâm, từ đây con gắng tu thân
Tụng kinh sớm tối giúp con thấy tâm bình an

Bao năm con sống danh lợi phù phiếm xa hoa
Gây bao đau khổ cho bao người và cả cho ta
Lợi danh nung nấu tâm can, để rồi đau khổ miên man
Phật ơi thương xót, cứu con thoát cơn trầm luân

Lạy Phật Quan Âm
 giúp con vượt lên
  nỗi đau triền miên
   kiếp nhân sinh này
    bởi con mê lầm

Lạy Phật Quan Âm
 vẫy tay nhành dương
  giúp con thuận lương
   tới nước Cam Lồ
    thôi sầu vấn vương

Ai ơi xin nhớ đêm ngày niệm Quán Thế Âm
Bao nhiêu mê đắm, ưu phiền, buồn chán … tan mau
Ngày là nắng ấm xinh tươi, làm tan băng giá ai ơi
Lòng con phơi phới, sẻ chia khắp nơi niềm vui

Danh ngôn (66)

- Lão Tử



Biết người là có trí, biết mình là sáng suốt.
Thắng người là có sức, tự thắng mình là mạnh.
Tự biết đủ thì giàu.

Chim lồng

- Trích: “Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất” - Bạch Lạc Mai
- Chương II - Hoa rơi còn đa tình hơn nàng

Có người nói, một người quá đỗi hoài cựu, không hẳn là vì quá khứ xiết bao rực rỡ, mà là vì anh ta không thể yên lòng với hiện trạng. Đời người rối ren, nào ai dám khoe mình có đủ sức mạnh chặn đứng được muôn ngàn gió bụi.

Chỉ vào lúc thực sự mất đi, con người mới tưởng nhớ da diết sự tốt đẹp đã từng có, những thước phim trước đây như hình với bóng, luôn hiện lên trong tâm trí. Lúc này, chúng ta đều không kìm được phải hỏi bản thân, không bỏ xuống được rốt cuộc là vì ưa hoài niệm, hay là vì quá khứ thật sự đáng thương tiếc ?
Có người nói, một người quá đỗi hoài cựu, không hẳn là vì quá khứ xiết bao rực rỡ, mà là vì anh ta không thể yên lòng với hiện trạng. Đời người rối ren, nào ai dám khoe mình có đủ sức mạnh chặn đứng được muôn ngàn gió bụi. Khi bạn không thể tiếp nhận phong cảnh xa lạ, không thể thích ứng cuộc sống mới mẻ, thì tất nhiên sẽ hoài niệm sự vật đã từng quen thuộc mà ấm áp.

Một người trông có vẻ mạnh mẽ, thực ra nội tâm anh ta lại là tường thành xây bằng băng mỏng, gặp lửa thì tan, vừa xô liền đổ. Một người trông có vẻ mềm yếu, nội tâm anh ta lại được xây bằng gạch ngói tỉ mỉ, đơn giản chất phác, kiên cố vững chắc. Thế nhưng tất cả những điều này, đều bắt nguồn từ tao ngộ của đời người, nếu dặm đường năm tháng bằng phẳng suôn sẻ, vết thương lòng ít, chẳng đến nỗi yếu đuối không chịu nổi. Nếu vận mệnh gập ghềnh trắc trở, trong lòng tất nhiên ngàn trăm lỗ thủng, đến lúc đó, dù bạn vá víu thế nào, cũng không thể chắp vá nên bộ dạng ban đầu.

Thế gian này có những việc có thể hối hận, có những việc ngay cả tư cách hối hận cũng không có. Ví như Tsangyang Gyatso, khi hàng ngày Ngài đọc thuộc lòng kinh văn vô vị, tay cầm tràng hạt cứng ngắc, ngửi cùng một loại đàn hương, sâu trong nội tâm, chắc chắn Ngài sẽ hối hận vì ban đầu không làm khác đi. Nhưng Ngài có tư cách hối hận chăng ? Năm xưa Ngài được sứ giả rước vào cung Potala, căn bản đã không có đường nào chọn lựa, vì Ngài được số mệnh định sẵn là linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5, kiếp này chỉ có thể sống vì kiếp trước. Bất kể Ngài bằng lòng hay không, Ngài đều phải tiếp nhận điển lễ tọa sàng, tiếp nhận vinh dự chí cao vô thượng này. Nếu Ngài cũng từng có vui sướng, đó là bởi vì chàng thiếu niên mười lăm tuổi còn có một trái tim non nớt. Vận mệnh đột ngột thay đổi khiến Ngài không có thời gian suy nghĩ đây rốt cuộc là một niềm vinh dự hay là một nỗi tiếc nuối.

Đây là quà tặng ông trời ban thưởng cho Ngài, một phần quà tặng không thể chối từ, lại nặng nề như núi. Chưa ai từng hỏi Ngài có gánh vác nổi hay không, đến với thế gian này, Ngài định sẵn trở thành truyền kỳ. Khi Ngài ngồi trên ngai Phật của cung Potala, đứng ngồi không yên đọc kinh, tham thiền, cõi lòng lại theo gió mát nhởn nhơ lượn lờ ngoài cửa sổ bay đến phương xa. Làng nhỏ hẻo lánh từng gọi là quê hương ấy cho Ngài niềm vui quên hết tất cả, lại không cho nổi Ngài một chốn về yên ổn bình dị. Chốn về của Ngài là ở đâu ? Chốn về của thể xác Ngài nhất định là cung Potala, nhưng chốn về của tâm linh, lại là làng quê miền núi tên là Monyu ấy.

Mỗi người trong lòng đều có tín ngưỡng thuộc về mình, tín ngưỡng này không nhất thiết là tôn giáo, bạn có thể tín ngưỡng một gốc cây, tín ngưỡng một ngọn cỏ, tín ngưỡng một con cừu, còn có thể tín ngưỡng tình yêu. Nếu để Tsangyang Gyatso lựa chọn, tôi nghĩ Ngài sẽ chọn suốt đời trông nom một gian nhà nhỏ đơn sơ, kề cận người yêu của mình và cảnh vật thiên nhiên Ngài luôn yêu thích. Mặc dù sâu trong nội tâm Ngài cũng tôn sùng Phật giáo, thích đọc kinh văn, nhưng những điều này lại không thể trở thành toàn bộ cuộc sống, chỉ có thể xem là một kiểu tô điểm. Sinh mệnh của Ngài định sẵn là không hoàn hảo, vì Ngài bị gông xiềng dịu dàng của tình yêu trói buộc, muốn vùng vẫy thoát ra, kiếp này e rằng không thể.

Trước đó, chẳng ai nói với Ngài, một người dân Monpa chất phác lãng mạn không thể có tình yêu. Khi Ngài bắt đầu biết yêu, cùng cô gái làng bên ái mộ lẫn nhau, vì sao không ai cho Ngài biết, kiếp này của Ngài định sẵn không có hôn nhân trọn vẹn. Vị Phật sống trong cung Potala - Tsangyang Gyatso bi ai than thở: “Nếu đời này vĩnh viễn bị giam cầm trong tòa cung điện đẹp đẽ này, thế thì xin giao trả ta cho kiếp trước, có lẽ ta còn có thể chọn lựa lại một lần nữa, chịu chuyển thế luân hồi một lần nữa.” Lẽ nào Ngài không biết, chuyển thế luân hồi sớm đã viết sẵn trên đá tam sinh(1), đi qua Vong Xuyên của năm tháng, chẳng ai có thể chọn lựa vận mệnh tương lai cho mình.

Sương trắng trên cỏ lác
Sứ giả của gió đông
Chính là hai kẻ ấy
Chia cắt hoa và ong

Thiên nga yêu hồ nước
Muốn ở thêm một hồi
Nhưng mặt hồ băng đọng
Làm buốt giá tim tôi

Mùa xuân này, mùa xuân của Lhasa, trong gió xuân dịu dàng, Tsangyang Gyatso ngửi thấy hương thơm thanh khiết thoang thoảng của cỏ xanh, nhìn thấy mây trắng nhàn nhã lướt qua trước cửa sổ. Những cảnh vật tự nhiên này lại gợi lên trong lòng Ngài khát vọng vô hạn đối với quê hương. Đều nói Phật là vạn năng, có thể nhìn rõ ràng thấu suốt tất cả mọi thứ trên thế gian, nhưng Tsangyang Gyatso giờ đây, được xưng là Phật sống, vì sao không thể xử lý ngay cả cuộc đời của chính mình ? Nỗi nhớ như cỏ dại mọc tràn nơi đáy lòng, khiến Ngài lúng túng. Không ai thật sự hiểu được tâm sự của Ngài, Ngài mong chờ hoàng hôn, mong chờ đêm đến, lúc đó, cho dù quạnh quẽ, thời gian ngắn ngủi đó lại thật sự thuộc về bản thân.

Ban ngày, Tsangyang Gyatso cực nhọc học tập kinh văn, không dám một phút lơ là. Chỉ vào lúc đêm khuya, cả tòa cung điện yên tĩnh hẳn, Ngài mới dám lấy bút mực ra, khẽ viết thơ tình. Con người chính là như thế, khi bạn có, có lẽ sẽ cảm thấy tất cả chẳng quan trọng lắm. Sau khi mất đi, lại ngày mong đêm nhớ, mong mỏi một ngày đoạt về được báu vật thất lạc. Thật là mâu thuẫn, nhưng không biết bắt đầu từ lúc nào, chúng ta đã thích mâu thuẫn như vậy, bằng lòng vương vấn không thôi với những tâm tư mơ hồ.

Xin Lạt Ma đắc đạo
Chỉ đường sáng cho tôi
Do chẳng hồi tâm được
Lại đến bên nàng rồi

Khuôn mặt sư nghĩ mãi
Chẳng hiện ra trong lòng
Dung nhan nàng hiện rõ
Dù có nghĩ hay không

Chữ màu đen viết xong
Nhòe bởi mưa và nước
Tâm tư chưa viết ra
Muốn xóa không xóa được

Dù là như thế, Tsangyang Gyatso cũng không phải không hề động lòng đối với quyền lực. Trong tòa cung điện vĩ đại này, Ngài là Phật sống, vốn phải có địa vị chí tôn và phong lưu vương giả, thống trị muôn dân trăm họ. Nhưng giờ đây, trong không gian rộng lớn này, Ngài không có cả tư cách nói chuyện. Ngài khát khao thời gian ba năm sớm đi qua, bản thân có thể chủ trì chính sự, trong điện lớn uy nghiêm này, cất lên tiếng nói của mình. Không phải Tsangyang Gyatso tham luyến quyền quý, trong cục thế đã không thể thay đổi, Ngài chỉ biết cúi đầu khuất phục. Đã không trở lại được như trước, Ngài cũng không thể đắm chìm trong hiện tại, Ngài là Phật sống, cần tuân theo phương thức của Phật sống tiếp tục sinh tồn.

Do đó, ba năm nay, Tsangyang Gyatso dù không quên được ngày tháng tươi đẹp của quá khứ, không quên được người tình mơ xanh ngựa gỗ, nhưng Ngài cũng sống rất tỉnh táo. Ngài hiểu được sâu sắc, chỉ có học tập thành tựu, Đệ Ba Sangye Gyatso mới giao phó chính quyền Tây Tạng cho Ngài. Cuộc sống như chim trong lồng ba năm khiến Ngài cảm thấy linh tính còn lại trên người mình đang dần dà mất đi, tình cảm mãnh liệt đối với cuộc sống ngày trước cũng lặng lẽ nhạt dần. Tsangyang Gyatso giống như một cây cỏ khô, cần ánh nắng và mưa móc tưới nhuần mới có thể sống lại. Đúng vậy, Ngài khát khao sống lại, khát khao thật sự ngồi trên ngai Phật cao nhất, bàn việc với các sư trong điện lớn, lắng nghe tiếng nói của muôn dân, dùng sức mạnh của mình, giải nạn trừ lo cho họ.

Mùa hoa nở đã qua
Ong chớ nên rầu rĩ
Duyên yêu nhau đã tận
Ta cũng chẳng sầu bi

Nếu duyên phận quả thật đã hết, cũng không cần quá đỗi bi thương. Cứ đem ký ức chôn chặt đáy lòng, lúc không người, một mình trầm tư, tưởng tượng từng vui vẻ bên nhau, chỉ là ngắn ngủi đến nỗi giống như một lần hoa nở. Hoa lỡ mất mùa nở rộ, vẫn còn có năm sau, duyên phận Ngài bỏ lỡ, còn có thể tìm lại được không ? Không thể nghĩ ngợi nữa, một người quá đỗi chìm đắm trong ngày hôm qua là tự chuốc lấy đau khổ. Nếu đời này Tsangyang Gyatso đều không thể rời cung Potala, thế thì lối thoát duy nhất của Ngài, chính là giải thoát bản thân. Hồng trần và cõi Phật, cách nhau một vách núi, một dòng sông, Ngài hoặc là tung người nhảy qua, hoặc là ngồi thuyền vượt sông.

Tuy nhiên, Tsangyang Gyatso cuối cùng cũng chịu đựng qua ba năm, gian khổ ba năm, trói buộc ba năm, Ngài phải chăng nên phá kén mà ra ? Làm một chú bướm đẹp đẽ tự tại, kiêu ngạo nhẹ nhàng bay lượn giữa trăm khóm hoa. Dẫu là một đám mây trôi, không gốc không rễ, ít nhất cũng có thể trời cao biển rộng. Mười tám tuổi, cuối cùng đã chờ đến mười tám tuổi, đây là tuổi Đạt Lai Lạt Ma tự mình chấp chính. Tsangyang Gyatso mười tám tuổi, đã từ một thiếu niên anh tuấn trở thành một thanh niên trí tuệ sáng suốt, đọc kinh niệm Phật ba năm khiến Ngài thoát khỏi bản tính hoang dại của thảo nguyên, có học thức thâm thúy.

Nhưng vì sao Sangye Gyatso cứ lần lữa không chịu giao quyền trượng đến tay Ngài ? Ngồi trên ngai Phật của cung Potala, dù ngày nào cũng có người rạp mình dưới chân Ngài, nhưng Ngài trước sau như một, không có mảy may quyền lực chấp chính. Ngài vẫn là con cờ do Sangye Gyatso sắp xếp, so với lúc trước, càng thêm nhu nhược, càng thêm bó tay hết cách. Chẳng lẽ chính sự rối rắm khiến Sangye Gyatso bận đến nỗi quên mất hay sao ? Y làm sao có thể quên cơ chứ ? Nhẫn nại ba năm, tu luyện ba năm, nói quên liền một nét bút sổ toẹt hết thảy như thế hay sao ?

Không, Sangye Gyatso không hề quên, nếu y thật sự quên, Tsangyang Gyatso vẫn phải nhốt mình trong phòng học kinh niệm Phật, chứ không thể ngồi trên điện lớn, lắng nghe các sư lễ bái. Tất cả những điều này chẳng qua là cảnh giả, vì Sangye Gyatso sẽ ở sau lưng giả vờ cùng Tsangyang Gyatso bàn bạc chính sự, trên thực tế, quyền quyết định vẫn nắm chắc trong tay Sangye Gyatso. Hơn nữa y thường vẫn nhắc đến vấn đề trả lại quyền cho Ngài, chỉ là mỗi lần Tsangyang Gyatso ngẩng đầu mong đợi, cuối cùng đều kết thúc bằng thất vọng.

Tsangyang Gyatso trẻ tuổi, không biết nên đòi một lời giải thích với ai. Nhìn Phật cầm hoa mỉm cười(2), Ngài cũng cười, chỉ là Ngài cười một cách ẩn nhẫn, cười một cách bất lực, cười một cách hoàn toàn không có vẻ ung dung và ôn hòa của nhà Phật. Ngài là vua của cung Potala, chỉ là trên sân khấu không ai hỏi han, một mình đạo diễn một màn kịch, buồn vui vô thường.

===

(1) Theo tín ngưỡng Á Đông, Điện Diêm Vương thứ 10 ở địa ngục cai quản việc chuyển tiếp đầu thai. Tại điện này có cầu Nại Hà bắc qua sông Vong Xuyên (Sông Quên). Ven sông có một tảng đá, gọi là đá Tam Sinh, ghi lại kiếp trước - kiếp này - kiếp sau của con người. Những linh hồn được đi đầu thai trở lại làm người đều phải qua Vong Đài (Đài Quên), uống canh của Mạnh Bà để quên hết chuyện kiếp trước.

(2) Cầm hoa mỉm cười (Niêm hoa vi tiếu): là một giai thoại thiền, ghi lại sự kiện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đưa cành hoa lên khai thị, tôn giả Ca Diếp mỉm cười. Đây là biểu thị cho pháp môn lấy tâm truyền tâm, một pháp môn siêu ngôn ngữ, siêu văn tự. Trong pháp môn này chỉ có sự giao cảm, rung động giữa hai tâm thức thầy và trò, và hai tâm thức này đã đồng nhất. Đó là cái tâm vi diệu Niết Bàn.

Cát bụi đường bay(73 - 79)

- Thơ Hàn Long Ẩn
- Đoản khúc 73 - 79



73.
Gửi hương cho gió pha màu
Vẽ dương gian đẫm nét đau nhạt nhòa
Nghiêng tay họa rác thành hoa
Nhớ người ta thảo bút qua ngõ hồn

74.
Đường đông phố ngựa xe dồn
Tơ bay bụi cuốn chập chờn nắng rơi
Có ta mây biếc về chơi
Không ta mây cũng bên trời bay bay

75.
Trăng lên đầu ngọn cỏ may
Vô thường dấu nụ hoa gầy trước sân
Em chừ bỏ Bắc về Đông
Đêm đêm đắp mảnh chăn hồng nằm mơ

76.
Triều dâng con nước vỗ bờ
Thuyền không neo bến nên giờ về xa
Ngẫm câu cát bụi đời ta
Thì thôi nhân thế cũng là bóng câu

77.
Ta về thắp nến nguyện cầu
Búp tay sen nở nhiệm mầu tặng em
Quan m hiện bóng mẹ hiền
Cam Lồ giọt nước an nhiên nụ cười

78.
Từ nay ta ở bên người
Khép dư hương cũ mộng đời ngủ yên
Gối kinh đệm cỏ ngồi thiền
Đầu sương ẩn hiện một miền Lạc Bang

79.
Lời kinh hiện bóng trăng ngàn
Vườn tâm hé nụ đá vàng trổ bông
Người đi trong cõi sắc không
Hành trang chỉ chút nắng hồng trên vai

Sống hòa đồng

- H.T. Tịnh Không



Nếu cảm thấy chẳng thể hòa đồng khi sinh hoạt cùng đại chúng thì đó là tự mình đang sanh phiền não, chứ chẳng phải là đang học Phật. Học Phật là đem những cành lá tạp nhạp này dung hòa trở lại, làm cho nó hóa giải hết.

Phật tánh không khác

(Sưu tầm)



Một hôm trên đường đi, Phật để lại những dấu chân in sâu trên đất. Có một vị Bà La Môn tên là Dona giỏi về tướng số, thấy dấu chân có xoáy ốc biết là tướng phi phàm liền theo dấu chân tìm đến gặp Phật. Dona hỏi:

- Ngài có phải tiên không ?

Phật bảo:

- Ta không phải tiên.

- Ngài có phải A Tu La không ?

- Ta không phải A Tu La.

- Ngài có phải Dạ Xoa không ?

- Ta không phải Dạ Xoa.

- Ngài có phải người không ?

- Ta không phải là người.

- Thế Ngài là gì ?

Phật bảo:

- Nếu tiên mà “sạch hết lậu hoặc” thì ta là tiên. Nếu A Tu La mà “sạch hết lậu hoặc” thì ta là A Tu La. Nếu Dạ Xoa mà “sạch hết lậu hoặc” thì ta là Dạ Xoa. Nếu người mà “sạch hết lậu hoặc” thì ta là người. Còn ta vì đã “sạch hết lậu hoặc” nên ta là Phật, là Thế Tôn.

Lời bình:

Đại ý bài kinh trên Phật dạy, Phật tánh (tánh giác) vốn đồng, do mê ngộ mà có khác. Như tấm gương vốn trong sáng, do bụi nhơ mà các hình tướng không thể chiếu vào, nhưng tánh sáng của gương không mất. Phật tánh vào trong lục đạo, nhưng Phật tánh vẫn không đổi thay, một phen hết mê thì Phật tánh hiện. Qua lời giải thích của Phật ở văn kinh đã làm sáng tỏ ý này.

- Sở dĩ Tiên không phải là Phật vì còn lậu hoặc (còn mê đắm dục lạc cõi tiên). Nếu lậu hoặc sạch thì Tiên sẽ là Phật.

- A Tu La không phải là Phật vì còn lậu hoặc (nhiều sân hận ngang trái). Nếu sạch hết lậu hoặc A Tu La sẽ là Phật.

- Dạ Xoa chẳng phải là Phật vì còn tâm bỏn xẻn, keo kiệt (còn lậu hoặc). Nếu sạch hết lậu hoặc Dạ Xoa sẽ là Phật.

- Người không phải là Phật vì còn thiện ác xen lẫn nhau (còn lậu hoặc). Nếu sạch hết lậu hoặc người sẽ là Phật.

Như vậy Phật là bậc hoàn toàn giác ngộ dứt sạch hết tập nhân trong ba cõi nên gọi Ngài là bậc Thiên Nhân Sư hay cũng gọi là Thế Tôn. Trời, Người, A Tu La, hay Dạ Xoa mà hoàn toàn giác ngộ, dứt sạch tất cả lậu hoặc, tức cũng gọi là Phật chớ không ai khác. Thế nên nói, Phật là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành, ai ai cũng đều có thể là Phật, chỉ là giác hay mê, đã sạch lậu hoặc hay chưa sạch lậu hoặc. Vậy chúng ta muốn làm Phật hay không thì hãy xét lại nơi mình, khỏi phải cầu cạnh đâu xa.

Tết Nguyên Tiêu

- Khai Tam



Đêm rằm thỏa nguyện hội hoa đăng
Đẫm ướt duyên tơ với Chị Hằng
Mấy thuở xuân về đùa gọi gió
Bao thời tết đến bởn mời trăng

Chung trà mát dịu tình thân trọng
Tách rượu lừng thơm nghĩa ái quằn
Kỷ niệm ngày xanh hằng vọng mãi
Chờ người kết áo kẻ thêu khăn

Sắc hoa

- Chánh Bảo Trung

Dịu dàng duyên dáng thơ ngây
Tuy nghiêng dáng đứng nhưng ngay thẳng lòng
Sắc hoa thanh khiết trong ngần
Hương hoa lan tỏa khắp miền nhân gian

Hoa nào hoa chẳng tàn phai
Tình nào tình chẳng phôi phai nhạt nhòa
Mai sau thân xác lụn tàn
Còn đâu bóng dáng dịu dàng thanh xuân

Hoa tâm hoa chẳng phai tàn
Tình trong chân tướng dạt dào yêu thương
Trăm năm muôn thuở vẫn thường
Thanh trong tươi sáng miên trường ngát hương



Chuyến tàu thay đổi số phận

- Quà tặng cuộc sống



“Làm gì có ga nào là ga cuối. Nơi mà chúng ta thường gọi là ga cuối ấy lại chính là nơi bắt đầu của một lịch trình mới khi mà con tàu quay ngược trở lại.” - Nơi kết thúc cũng chính là nơi bắt đầu của một hành trình mới !

Ánh sáng Tuệ giác

- Thích Chúc Đại



Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật nói có bốn thứ ánh sáng. Vậy thế nào là bốn ?

1. Ánh sáng mặt trời
2. Ánh sáng mặt trăng
3. Ánh sáng ngọn lửa
4. Ánh sáng trí tuệ

Phật kết luận: trong bốn thứ ánh sáng, chỉ có ánh sáng của trí tuệ là tối thượng.

Đọc qua bốn thứ ánh sáng Phật nói trên, chúng ta hồi tưởng lại truyền sử. Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma khi còn làm Thái Tử, con thứ ba của vua Hương Chí, qua cuộc thí nghiệm bảo châu của Tổ Bát Nhã Đa La có điểm tương đồng. Tổ Bát Nhã Đa La đưa viên minh châu hỏi ba vị Vương Tử:

- Hạt châu này tròn sáng, có hạt châu nào sánh kịp không ?

Vị Vương Tử thứ nhất và thứ hai đều đáp:

- Hạt châu này bằng bảy báu quí nhất trong đời, không có vật báu nào sánh kịp.

Vị Vương Tử thứ ba (tức Bồ Đề Đạt Ma) thưa:

- Đây là “của báu” thế gian chưa đủ làm trên, đối trong các thứ báu chỉ có “Pháp bảo” là trên hết. Và ánh sáng của hạt châu này là ánh sáng trong thế gian, chưa đủ làm trên, trong các ánh sáng chỉ có “trí sáng” là trên hết. Lại nữa, tác dụng chiếu soi của hạt châu này là chiếu soi trong thế gian, chưa đủ làm trên, trong các sự chiếu soi chỉ có “Tâm chiếu soi” là trên hết. Hạt châu này mặc dù nó sẵn có tánh sáng suốt chiếu soi, nhưng nó không thể tự chiếu mà phải nhờ “trí sáng” soi mới biết hạt châu này là báu.

Qua hai lối nhìn trên, chúng ta thấy ý Phật và ý Tổ đều không khác, chỉ lấy “trí tuệ” làm trên.


。。。
。。。

Ở đây, chúng ta thấy rằng ánh sáng mặt trời thường biểu hiện cho sự ấm áp, hơi ấm của mặt trời là diệp lục tố cho muôn vật sinh sôi nảy nở. Ánh sáng của mặt trăng là sự nhẹ nhàng, huyền diệu và lung linh. Ánh sáng ấy có tác dụng xua tan bóng đêm ở mọi nẻo đường và soi sáng mọi ngõ ngách của muôn lối về. Ánh sáng của lửa sẽ sưởi ấm cho chúng ta trong đêm đông buốt giá, hơn thế nữa ánh sáng của lửa cũng là thể hiện cho sự vươn lên của kiếp người. Ánh sáng của trí tuệ là kim chỉ nam, là la bàn định hướng cho mọi hành giả hướng về đời sống hướng thượng, đời sống ấy chính là an lạc giải thoát.

Trong hành tinh này, ánh sáng là một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá đối với con người và vạn vật đang hiện hữu. Ánh sáng tạo nên sự quang hợp hữu cơ của các loài sinh vật trong thế giới tự nhiên, là chất liệu để giúp cho muôn hoa được đâm chồi trổ nhụy và hiến tặng cho đời những đóa hoa tươi thắm nhất. Ở một khía cạnh khác của cuộc sống, ánh sáng sẽ làm xua tan đi những bóng đêm tăm tối của cuộc đời. Ánh sáng trong Đạo Phật được nói đến với tên gọi là Trí Tuệ. Trí Tuệ ấy sẽ là ngọn hải đăng đưa người vượt qua biển mê, là ngọn đèn soi đường dẫn lối đưa hành giả đi vào đạo lộ giải thoát.

Tại sao Trí Tuệ là ánh sáng tối thượng nhất trong bốn loại ánh ? Bởi vì ánh sáng của Trí Tuệ luôn là yếu tố cần thiết và cũng là chi phần đầu tiên trên bước đường đoạn tận các lậu hoặc, chứng ngộ giải thoát. Điều này được minh chứng trong kinh A Hàm, Đức Phật đã nêu lên sự sai khác của người ngu và người trí. Trong đó sự sinh khởi của nguy hiểm, tai họa, tức giận hay bị vô minh tham ái che lấp, làm cho hành giả không thể vượt thoát sanh tử khổ đau chỉ hiện hữu trong người ngu. Còn trái lại đối với người trí thì tất cả những khổ đau trên đã nêu đều vắng bặt.

Từ những dẫn chứng của kinh văn và luận tạng, chúng ta có thể nhận biết rằng, tuệ giác là nguồn mạch sinh khởi của tất cả thiện pháp, là điều kiện tiên quyết trong tất cả các pháp môn tu tập của Phật Giáo, là nhân tố cơ bản để đưa đến quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác, là công cụ truyền đạo và hành đạo của Bồ Tát. Đồng thời,Tuệ giác cũng chính là bước đi đầu tiên đi vào biển giác, và là bước đi cuối cùng chấm dứt sanh tử khổ đau.

Sở dĩ, con người mãi chìm đắm trong sanh tử khổ đau từ kiếp này sang kiếp khác, là do vắng mặt của ánh sáng Tuệ giác. Chính vì thế, mỗi hành giả hãy tự thắp lên ngọn đèn Tuệ giác, để soi rọi và phá tan màng vô minh hắc ám. Mỗi người hãy là chiến binh trí tuệ để diệt trừ tận gốc những tên giặc ngu si, phiền não đã làm náo loạn đời sống của chính mình. Có như thế, chúng ta mới thực sự tìm thấy sự an lạc, thảnh thơi và những giá trị đích thực trong cuộc sống này.

Cát bụi đường bay(64 - 72)

- Thơ Hàn Long Ẩn
- Đoản khúc 64 - 72



64.
Phận em kiếp đóa phù dung
Sầu lên khóe mắt muôn trùng sơn khê
Cánh chim vỗ núi non về
Trao nhau vội vã lời thề phù vân

65.
Tơ bay phố núi lưng chừng
Áo em lụa mỏng vạt gần vạt xa
Bước chân về giữa ngàn hoa
Thì đôi môi ấy còn là cảo thơm ?

66.
Vỗ trăng khuya nước thì thầm
Buông chèo vẩy sóng theo trùng dương đi
Trúc tơ lá động rầm rì
Bên đồi quán gió mây về ngủ say

67.
Tính hôm nay nữa bao ngày
Mà hôm qua đã phủ đầy phong rêu
Vàng phai phố thị trời chiều
Gót chân du thủ đã nhiều niềm riêng

68.
Lặng thầm một cõi đời nghiêng
Xô theo suối tóc tơ huyền lênh đênh
Lên non mình đối diện mình
Xuống sông soi bóng cũng tình ảo mơ

69.
Đường xa xe ngựa mịt mờ
Khói sương nhân ảnh lại chờ áo phai
Mưa giăng phong kín đêm dài
Từ trong hoang lạnh bóng ai gọi hồn

70.
Còn đây hư ảo nụ hôn
Còn đây mộng mị từ muôn kiếp nào
Con chim đậu nhánh mai đào
Tiếng kêu rớt cõi chiêm bao lạnh lùng

71.
Thiền sư bỏ núi hoa rừng
Ngày về cánh khép cửa tùng lặng im
Quê hương khuất bóng đường chim
Hoàng hôn còn một nét chìm xa xăm

72.
Em ra sông buổi trăng rằm
Ngây thơ gót ngọc soi dòng suối mơ
Ta làm chiếc lá tình cờ
Rơi không định hướng lên bờ mắt nhau

Vía Thần Tài

(Tổng hợp)



Theo tục lệ, mùng 10 tháng Giêng hàng năm, nhà nhà lại nô nức sắm sửa lễ vật cúng Vía Thần Tài - vị Thần chủ quản về tài lộc để mong được một năm làm ăn suôn sẻ, đắc lộc đắc tài.

Tục thờ Thần Tài của người xưa phân biệt: Văn Thần Tài và Võ Thần Tài. Văn Thần Tài phù trợ cho người theo ngành văn như công việc văn phòng, sổ sách, giấy tờ, thơ ca hội họa … Còn Võ Thần Tài phù trợ cho gia chủ theo nghiệp võ như làm quan chức, chính quyền … Riêng giới kinh doanh thì dù nghiệp văn hay võ đều thờ Thần Tài cả.

Hình tượng Thần Tài phổ biến nhất là Văn Thần Tài, đội mũ cánh chuồn, râu đen ba chòm, miệng cười rất tươi, tay cầm chậu tụ bảo hoặc thỏi vàng. Đây là vị Thần được thờ cúng nhiều ở trong nhà, vì mang lại tài lộc và giữ tiền của cho gia chủ. Ông thường được thờ chung ở bàn thờ Thổ - Địa, tạo thành bộ ba là Ông Địa, Thần Tài, Thổ Địa.

Phân biệt CHÙA, ĐÌNH, ĐỀN, MIẾU, NGHÈ, ĐIỆN, PHỦ, QUÁN, AM, …

- Tuấn Anh



Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam, có rất nhiều nơi thờ cúng khác nhau như đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, am, … Nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của những địa điểm thờ cúng đó. Cho nên có rất nhiều người đi chùa mà không hiểu được ý nghĩa của việc đi chùa, ở gần nhà có cái đình mà cũng không hiểu vì sao cái đình lại “mọc” lên ở đó. Vì vậy, chúng tôi đã biên tập bài viết này để giúp bạn đọc dễ dàng phân biệt được các địa điểm thờ cúng khác nhau, hiểu được ý nghĩa của việc thờ cúng và những nhân vật được thờ cúng trong đó.

● CHÙA LÀ GÌ ?

Chùa là cơ sở hoạt động và truyền bá Phật giáo, là nơi tập trung sinh hoạt, tu hành và thuyết giảng đạo Phật của các nhà sư, tăng, ni. Mọi người kể cả tín đồ hay người không theo đạo đều có thể đến thăm viếng, nghe giảng kinh hay thực hành các nghi lễ Phật giáo. Ở một số nơi, chùa cũng là nơi cất giữ xá lị và chôn cất các vị đại sư.

● ĐÌNH LÀ GÌ ?

Đình là nơi thờ Thành Hoàng của các làng, đồng thời là nơi hội họp, bàn việc của dân làng. Đình được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa gắn bó với một cộng đồng cư dân và mang đặc trưng của nền văn minh lúa nước Việt Nam.

(Thành Hoàng là người có công với dân, với nước, lập làng, dựng ấp hay sáng lập nên một nghề (ông tổ của nghề). Dưới các triều vua thường có sắc phong cho Thành Hoàng, vì hầu hết Thành Hoàng đều có công với nước. Dân làng, hay phường hội đi lập nghiệp nơi khác cũng xây miếu, đền thờ Thành Hoàng quê gốc của mình tại nơi ở mới.)

● ĐỀN LÀ GÌ ?

Đền là công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị Thánh hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng như thần thánh. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là các đền thờ được xây dựng để ghi nhớ công ơn của các anh hùng có công với đất nước hay công đức của một cá nhân với địa phương được dựng theo truyền thuyết dân gian. Các đền nổi tiếng có thể kể đến ở nước ta như Đền Hùng, Đền Kiếp Bạc, Đền Sóc, Đền Trần … thờ các anh hùng dân tộc. Đền Voi Phục, Đền Bạch Mã, Đền Kim Liên, Đền Quán Thánh … thờ các vị thánh theo truyền thuyết dân gian.

● MIẾU LÀ GÌ ?

Miếu là một dạng di tích văn hóa trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có quy mô nhỏ hơn đền. Đối tượng được thờ ở miếu rất đa dạng, thể hiện ở tên gọi của miếu – tên gọi theo đối tượng được thờ thường phiếm chỉ và tượng trưng. Ví dụ: miếu Cô, miếu Cậu, miếu thờ thần núi gọi chung là miếu Sơn thần, miếu thờ thần nước gọi là miếu Hà Bá hoặc miếu Thủy thần. Miếu thờ thần đất gọi là miếu Thổ thần hoặc thần Hậu thổ.

Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân sinh. Ở một số nơi, trong các ngày giỗ thần như ngày sinh, ngày hóa (nhân thần), ngày hiện hóa (thiên thần) làng mở tế lễ, mở hội, nghinh rước thần từ miếu về đình. Tế lễ xong, lại rước thần về miếu yên vị. Miếu nhỏ còn được gọi là Miễu (cách gọi của người miền Nam).

● NGHÈ LÀ GÌ ?

Một hình thức của đền miếu, thờ thần thánh. Đây là kiến trúc thường có mối quan hệ chặt chẽ với một di tích trung tâm nào đó. Nghè có khi thờ Thành Hoàng làng ở làng nhỏ, được tách ra từ làng gốc như Nghè Hải Triều (Cẩm Giàng – Hải Dương). Nghè cũng có thể là một ngôi đền nhỏ của một thần trong xã nhằm thích ứng với dân sở tại để tiện việc sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính khó đáp ứng được nhu cầu thờ cúng thường nhật, như Nghè ở Trường Yên là một kiến trúc phụ của đền vua Đinh. Hiện ngôi nghè cổ nhất được tìm thấy từ thế kỷ XVII.

● ĐIỆN THỜ LÀ GÌ ?

Điện là sảnh đường cao lớn, thường chỉ chỗ Vua Chúa ở, chỗ Thần Thánh ngự. Như vậy, Điện thờ là một hình thức của Đền, là nơi thờ Thánh trong tín ngưỡng Tam Tứ Phủ. Tuy vậy, quy mô của Điện nhỏ hơn Đền và Phủ, lớn hơn so với Miếu Thờ. Điện thông thường thờ Phật, thờ Mẫu, Công đồng Tam Tứ Phủ, Trần Triều và các vị thần nổi tiếng khác. Điện có thể của cộng đồng hoặc tư nhân. Trên bàn thờ thường có ngai, bài vị, khám, tượng chư vị thánh thần và các đồ thờ khác: tam sơn, bát hương, cây nến, đài, lọ hoa, vàng mã, …

● PHỦ LÀ GÌ ?

Phủ là đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu (tín ngưỡng bản địa của người Việt Nam). Một số nơi thờ tự (ở Thanh Hóa) gọi Đền là Phủ. Có thể hiểu Phủ là nơi thờ tự Thánh Mẫu khá sầm uất, mang tính chất trung tâm của cả một vùng lớn, vượt ra ngoài phạm vi địa phương, thu hút tín đồ khắp nơi đến hành hương (tương tự như chốn Tổ của sơn môn đạo Phật). Ngôi phủ sớm nhất còn lại hiện biết là điện thờ các thần vũ nhân ở chùa Bút Tháp, có niên đại vào giữa thế kỷ XVII.

● QUÁN LÀ GÌ ?

Quán là một dạng Đền gắn với đạo Lão (Đạo giáo). Vào các thế kỷ XI và XIV đạo Lão ở Việt nặng xu hướng thần tiên nên điện thờ thực chất giống như một đền thờ thần thánh. Sang tới thế kỷ XVI và XVII, sự khủng hoảng của Nho giáo đã đẩy một số nhà Nho và một bộ phận dân chúng quan tâm nhiều tới Lão giáo, và điện thờ đạo Lão có nhiều sự phát triển mới, với việc thờ cúng các thần linh cơ bản theo Trung Hoa. Đó là Tam thanh (Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Đạo Quân, Thái Thượng Lão Quân), Ngũ Nhạc mà nổi lên với Đông Phương Sóc và Tây Vương Mẫu, rồi Thánh Phụ, Thánh Mẫu. Cửu Diệu Tinh Quân (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, Mặt Trời, Mặt Trăng, Hồ phủ, Kế đô) đồng thời trên chính điện cũng có cả tượng của Hoàng Quân giáo chủ (Ngọc Hoàng).

Có thể kể tới các quán điển hình như: Hưng Thánh Quán, Lâm Dương Quán, Hội Linh Quán, Linh Tiên Quán … đều ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). “Thăng Long Tứ quán” bao gồm: Chân Vũ quán (tức đền Quán Thánh ở phố Quán Thánh), Huyền Thiên cổ quán (nay là chùa Quán Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai), Đồng Thiên quán (nay là chùa Kim Cổ ở phố Đường Thành), Đế Thích quán (nay là chùa Vua ở phố Thịnh Yên).

● AM LÀ GÌ ?

Hiện được coi là một kiến trúc nhỏ thờ Phật. Gốc của Am từ Trung Quốc, được mô tả như ngôi nhà nhỏ, lợp lá, dùng làm nơi ở của con cái chịu tang cha mẹ, về sau đổi kết cấu với mái tròn, lợp lá, làm nơi ở và nơi đọc sách của văn nhân. Từ đời Đường, Am là nơi tu hành và thờ Phật của ni cô đặt trong vườn tư gia.

Với người Việt, Am là nơi thờ Phật (Hương Hải am tức Chùa Thầy, Thọ Am tức Chùa Đậu – Hà Tây …) cũng có khi am là ngôi miếu nhỏ thờ thần linh của xóm làng – Vào thế kỷ XV (thời Lê sơ) là nơi ở tĩnh mịch để đọc sách làm thơ của văn nhân. Miếu thờ thần linh ở các làng hoặc miếu cô hồn ở bãi tha ma cũng gọi là Am.

●● TỔNG KẾT LẠI

Hầu hết các địa điểm thờ cúng đều gắn với tôn giáo, tín ngưỡng, và tùy theo đối tượng được thờ mà có tên gọi khác nhau. Có thể tóm gọn lại như sau:

1.
Am và Chùa đều là nơi thờ Phật nhưng am có quy mô nhỏ hơn chùa và thường hoạt động riêng lẻ. Chùa là nơi tập trung sinh hoạt, tu hành và thuyết giảng đạo Phật của các nhà sư, tăng, ni (mang tính chất tập thể).

– Chùa mà có khoảng từ 20 vị tăng tu tập trở lên gọi là Tu Viện.

– Chùa có hệ phái khất sĩ gọi là Tịnh Xá (ở trong miền Nam).

– Những nơi tu tập có khu tăng, khu ni, có nhiều khu, nhiều chùa gọi là Đại Tòng Lâm.

2.
Đình, Đền, Miếu, Điện đều là nơi linh thiêng thờ Thánh, Thần. Đình thường thoáng, cao, rộng, phù hợp với hội họp làng xã. Còn Đền, Miếu, Điện thường tối hơn, tạo cảm giác thiêng liêng, huyền bí cho người tới cầu cúng lễ bái. Nhìn chung, Miếu có cấu trúc nhỏ hơn Điện, Điện nhỏ hơn Đền và Đền nhỏ hơn Đình (Miễu < Miếu < Điện < Đền < Đình). Thông thường mỗi làng chỉ có một Đình nhưng có thể có nhiều Đền, Miếu.

3.
Phủ là nơi thờ Mẫu và truyền bá đạo Mẫu. Tuy nhiên cũng có nhiều phủ thờ cả Phật, đây được coi như sự giao thoa hòa nhập giữa các tôn giáo, tín ngưỡng.

4.
Quán là nơi tu luyện và thờ cúng của Đạo giáo.

Tại Việt Nam các nền văn hoá tín ngưỡng thường giao thoa hoà nhập với nhau rất sâu (đây cũng là nét đặc trưng văn hóa tín ngưỡng tại Việt Nam). Có khi Chùa thờ cả Thần (kiến trúc: Tiền Phật hậu Thánh), Chùa thờ cả Mẫu (Tiền Phật hậu Mẫu) … Vì thế sự phân biệt ở đây là không rõ ràng trong đối tượng thờ cúng. Các bạn nên đặc biệt lưu ý đặc điểm này để tránh việc cầu xin không đúng ban, đúng chỗ, cũng như đặt lễ và hành lễ sai nghi thức (ví dụ để đồ mặn, đồ vàng mã ở Ban thờ Phật hoặc để đồ sống ở ban thờ Mẫu chẳng hạn.

Ngay bản thân Đền, nếu đi sâu tìm hiểu sẽ rất phức tạp, khó phân loại. Có nơi thờ Nam thần, có nơi thờ Nữ thần. Thông thường đền thờ Nam thần thì to hơn Nữ thần nhưng đền thờ Nữ thần thì lại nhiều ban thờ hơn như ban Tứ phủ công đồng, ban Cô, ban Cậu. Tuy nhiên, hiện lại có một số đền thờ Nam thần lại cũng có ban thờ Mẫu, rồi thờ Cô, thờ Cậu … thành ra rất khó phân loại.

Danh ngôn (65)

- Tiêu Hà



Thuốc hay thì đắng miệng nhưng có lợi cho người bệnh. Lời ngay thì trái tai nhưng có lợi cho công việc.

Tiếng sáo canh khuya

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương XI, Thích Nhất Hạnh

Udayin, Devadatta, Kimbila, Mahnama, Kaludayi và Anuruddha là những người bạn thường đến chơi với Siddhatta để luận bàn chính trị và đạo đức cùng với Ananda và Nanda, họ sẽ là những người thần tử thân cận nhất của Siddhatta sau này khi chàng lên nối ngôi vua. Những cuộc đàm luận kéo dài sau tiệc rượu, và chìu ý các bạn, Siddhatta đã để cho những đoàn vũ nhạc của hoàng gia trình diễn có khi đến suốt đêm.

Devadatta thường nói thao thao bất tuyệt về chính trị. Udayin và Mahanama là những người hưởng ứng nhiều nhất và thảo luận về những điểm mà Devadatta đưa ra mà không biết mệt mỏi. Siddhatta nói rất ít. Có khi giữa một hội ca vũ, nhận thấy Anuruddha ngồi ngủ gục không tỏ ý gì tha thiết với các cuộc vui, chàng nắm tay Anuruddha đưa ra vườn.

Hai người im lặng ngắm trăng và nghe tiếng suối róc rách chảy. Anuruddha là em ruột của Mahanama. Hai người đều là con trai của thân vương Amiriodana, chú ruột của Siddhatta. Anuruddha tính tình hòa nhã, diện mạo xinh đẹp,
thường được các công nương để ý theo dõi, nhưng chàng không để tâm tới chuyện tình duyên. Có khi Siddhatta và Anuruddha ngồi chơi ngoài ngự viên thật khuya, và khi tiếng đàn hát trong cung đã im bặt chàng mới lấy ống sáo ra thổi dưới ánh trăng vằng vặc. Lúc này các vương tử và bạn bè đều say sưa hoặc mệt mỏi nên đã được mời vào an nghỉ trong cung tại các phòng dành cho tân khách. Sau khi sắp đặt đâu đấy xong xuôi và cho bọn người hầu đi ngủ, Gopa thường đi đốt một lò trầm nhỏ và đem ra vườn. Nàng lặng lẽ đặt lư trầm lên bệ đá rồi ngồi xuống trên một chiếc ghế gần bên để lắng nghe tiếng sáo dìu dặt bổng trầm trong canh khuya.

Thấm thoát mà đã đến ngày Yasodhara mãn nguyệt khai hoa. Vương Phi khuyên con ở lại nội cung để sinh nở mà đừng về quê ngoại ở Ramagama, bởi chính bà cũng đang cư trú ở Kapilavatthu. Bà bàn với hoàng hậu và sắp đặt mời các bà mụ giỏi nhất trong kinh đô về cung để giúp Yasodhara. Ngày Yasodhara lâm bồn, hoàng hậu Gotami có mặt mà Vương Phi Pamita - mẹ của Yasodhara cũng có mặt. Mọi người yên lặng chuẩn bị giờ ra đời của em bé.

Trong cung, một bầu không khí nghiêm trọng bao phủ. Vua Suddhodana không có mặt ở đây nhưng Siddhatta biết rằng phía bên kia cung điện phụ vương chàng cũng đang khắc khoải chờ đợi. Mới vừa đây, Yasodhara còn ngồi với chàng, khi bắt đầu kêu đau, Yasodhara đã được các thị nữ vực vào phòng trong. Bây giờ là vào giữa trưa, nhưng bỗng dưng trời tối sầm lại như có bàn tay ai che mát mặt trời. Siddhatta ngồi ngoài này, cách nàng tới hai lớp cửa, nhưng những tiếng rên siết của nàng từ bên trong đưa ra chàng đều nghe rõ mồn một. Càng lúc niềm lo lắng của chàng càng lớn thêm, rồi những tiếng đau đớn của Yasodhara vọng lên không ngớt. Siddhatta nóng ruột, những tiếng gào của nàng làm nát cả tâm can thái tử. Chàng không thể ngồi yên một chỗ. Chàng đứng dậy đi bộ trong phòng, có khi Yasodhara thét lên những tiếng lanh lảnh làm cho chàng hốt hoảng. Mẹ sinh ra chàng, hoàng hậu Mahamaya, ngày xưa vì sinh chàng mà đã mệnh chung, chàng không bao giờ quên sự thật nát lòng này. Bây giờ đến Yasodhara. Bây giờ đến đứa con của chàng. Sinh đẻ là một cửa ải mà người đàn bà có chồng phải có lúc vượt qua, một cửa ải nguy hiểm khôn cùng. Qua được là sống mà không qua được là chết, mà có khi chết cả hai mẹ con.

Nhớ đến lời dạy của vị sa môn mà chàng đi thăm mấy tháng về trước, chàng ngồi lại trong tư thế hoa sen để bắt đầu điều phục tâm ý. Đây là một giây phút thử thách. Chàng phải giữ được tâm bình lặng trước những tiếng thét của Yasodhara. Chàng vừa ngồi lại thì bỗng thấy hình bóng của một em bé sơ sinh hiện ra trong óc. Hình bóng của đứa con chàng. Ai cũng mong ước cho chàng có một đứa con, và sẽ vui mừng cho chàng vì chàng có một đứa con. Chính chàng, chàng cũng đã ao ước có một đứa con, nhưng bây giờ đây, trong giờ phút quyết liệt này, chàng cảm thấy có một đứa con là một biến cố vô cùng quan trọng. Mình chưa tìm ra được đường đi cho chính mình, mình chưa biết mình đi về đâu, mà mình sinh con ra há chẳng phải tội nghiệp cho con lắm sao ?

Bỗng nhiên tiếng la hét của Yasodhara im bặt. Chàng bật người đứng dậy, cái gì đang xảy ra ? Trái tim của chàng đập mạnh. Để lấy lại bình tĩnh, chàng chú tâm vào hơi thở. Chính vào lúc ấy có tiếng oe oe của một đứa trẻ vọng ra. Biết là em bé đã sinh, Siddhatta đưa tay lên mồ hôi trên trán.

Bà Gotami mở cửa đi ra nhìn chàng, miệng bà mỉm cười. Siddhatta biết rằng mẹ con Yasodhara đã được bình yên. Hoàng hậu ngồi xuống phía trước mặt chàng. Bà nói:

- Gopa đã sinh con trai.

Siddhatta mỉm cười, nhìn mẹ với cặp mắt cám ơn. Chàng nói:

- Con đặt tên cho nó là Rahula.

Chiều hôm đó, Siddhatta được vào thăm hai mẹ con Rahula. Hai mắt sáng ngời nhìn chàng, tràn đầy hạnh phúc. Bên cạnh nàng là em bé. Em bé đã được bọc trong lụa, và chàng chỉ thấy được khuôn mặt bụ bẫm của con. Siddhatta nhìn Yasodhara. Nàng ra dấu ưng thuận. Chàng cúi xuống bế Rahula lên và ôm con vào trong hai tay. Yasodhara nhìn theo. Cũng như hồi nãy, chàng vừa có cảm giác phơi phới lâng lâng mà cũng vừa có cảm giác lo lắng nặng nề.

Yasodhara được tĩnh dưỡng nhiều ngày trong cung. Hoàng hậu Gotami săn sóc nàng thật kỹ lưỡng từ thức ăn đến lò sưởi. Mỗi buổi chiều, khi về đến tư cung, Siddhatta lại vào thăm hai mẹ con. Ôm Rahula trong tay, Siddhatta cảm thấy sự quý giá và mong manh của một mầm sống. Chàng nhớ lại hôm đi đám hỏa táng của em bé ở xóm nghèo. Em bé là một em bé trai chỉ chừng bốn tuổi. Xác nó còn để trên giưòng, khi chàng với Yasodhara tới, em bé không có một chút sinh khí nào, thân hình nó vừa trắng bệch, vừa xanh xao, vừa gầy ốm. Mẹ của em bé vẫn còn ngồi bên giường vừa chùi nước mắt vừa khóc kể. Một lát sau, ông thầy Bà-la-môn tới. Mấy người láng giềng đã túc trực tại đó từ bao giờ. Họ quấn xác em bé vào trong vải hồng rồi đặt em bé vào trong một cái cáng tre mà họ đã làm sẵn để đưa em ra bờ sông. Siddhatta và Yasodhara đi theo sau, trong đám người nghèo khổ. Ngoài bờ sông, đã có dựng một hỏa đàn nhỏ, rất đơn giản. Theo sự chỉ dẫn của ông thầy cúng, người ta khiêng cáng xuống sông và nhúng xác em bé vào dòng nước. Đó là lễ tẩy tịnh, người ta tin rằng nước sông Banganga thiêng liêng sẽ rửa sạch nghiệp chướng của em bé. Rồi người ta đem cáng lên bờ đặt xuống để nước giọt đi bớt. Một người đàn ông đi chế dầu thơm vào hỏa đàn. Thi thể của em bé được đặt lên giàn hỏa. Ông thầy Bà-la-môn, tay cầm đuốc, vừa đi quanh hỏa đàn vừa đọc kinh, Siddhatta nhận ra những đoạn trong kinh Vệ Đà. Đi quanh được ba vòng, ông thầy châm lửa vào giàn hỏa. Lửa phựt cháy, Mẹ và các anh chị của đứa bé òa lên khóc. Lửa đã bắt đầu táp vào thi thể em bé. Siddhatta nhìn Yasodhara, mắt nàng đẫm lệ. Siddhatta bất giác cũng muốn khóc. Bé ơi, bé ơi, bé đang đi về đâu ?

Siddhatta trả Rahula lại cho mẹ nó. Chàng đi ra vườn ngự, và chàng ngồi ở ghế đá một mình cho đến khi màn đêm buông xuống và một cô thị nữ ra tìm chàng:

- Tâu điện hạ, lệnh bà cho con đi tìm điện hạ. Hoàng Thượng ngự giá sang thăm.

Siddhatta đi vào. Đèn đuốc đã được thắp lên sáng trưng trong cung điện.

Nghêu ngao

- Thích Tánh Tuệ



Ngồi trong bóng mát quê hương
Nghe giun dế với ễnh ương hát hò
Nhìn con chim nhảy cò cò
Ngắm con quạ ngủ lưng bò tỉnh queo

Đời nghèo nhưng Đạo không nghèo
Nên thôi làm Khỉ ... với trèo cây cao
Trưa ni rau luộc chấm chao
Ăn xong vỗ bụng nghêu ngao một mình

Hát rằng: “Trời đất rộng thênh
Cội nguồn hạnh phúc, an bình tại tâm …”

Bôn ba ... rồi bạn đất nằm
Thôi
ngồi yên
giữa thăng trầm
mà ... trọn vui

Những điều cần lưu ý về viết “sớ” và dâng “sớ” khi lễ chùa ngày Tết

- Mã Lương, Hà Phương



Ngày nay, ở nhiều chùa thường thấy một người ngồi viết sớ thuê, và mọi người phải xếp hàng chờ đợi rất đông để đến lượt mình, ai cũng rất lo lắng rằng nếu không có lá sớ viết thuê đó, thì lời cầu xin không đến được tai Thần Phật …

Vậy nếu không viết sớ, liệu Phật có biết chúng ta là ai không và biết “mâm lễ” trong hằng bao nhiêu mâm lễ lớn nhỏ trên bàn là của ai không ? Liệu Phật có biết chúng ta muốn “xin” gì không ? Rất nhiều lo lắng xung quanh việc “viết sớ” và “dâng sớ” … Có lẽ bạn sẽ bớt lo lắng hơn khi đọc bài phân tích này.

Thực ra, chỉ cần tĩnh tâm suy nghĩ một lúc, một người dù không tinh thông Phật Pháp cũng có khả năng đoán định được những điều dưới đây …

-1- Một là, không cần viết ra thì Đức Phật có lẽ cũng sẽ biết trong tâm bạn nghĩ gì, bạn mong muốn điều gì.

Đức Phật là người đã khai công, khai ngộ, tu thành chính quả, có thể thi triển thần thông uy lực vô tỷ. Trong Phật giáo cũng có ghi nhận tôn giả Mục Kiền Liên, đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là “đệ nhất thần thông.” Trong đó có thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mệnh thông .v.v.v. Tha tâm thông là khả năng đọc được suy nghĩ của người khác. Như vậy thì, bạn có nói nhỏ đến đâu Phật cũng nghe thấy, thậm chí mới chỉ động niệm trong đầu Ngài đã biết rồi. Nên có lẽ nếu việc viết sớ khó khăn quá và bạn thiếu tờ sớ, bạn cũng không cần phải lo lắng quá. Phật có thể biết hết những điều bạn mong muốn trong tâm và sự thành kính của bạn khi đến cửa chùa rồi. Vậy nên, sự thành tâm thành kính của bạn có lẽ là quan trọng nhất …

-2- Hai là, bạn chỉ biết đời này mình là ai, còn Phật biết cả quá khứ tương lai và từng đời chuyển sinh của bạn.

Một người bình thường trong luân hồi thì mỗi lần chuyển sinh đều bị xóa sạch ký ức tiền kiếp (trừ một số ngoại lệ). Tuy nhiên, đạt đến quả vị của Phật thì trí tuệ hoàn toàn khai mở, có thể nhìn thấu suốt quá khứ vị lai. Ngài không cần phải mở sổ địa chỉ để tìm ra bạn là ai, đây có lẽ chỉ là năng lực tư duy bị giới hạn của con người mà thôi. Ngài có lẽ biết cả nhiều tiền kiếp của bạn, cả tương lai của bạn rồi … Nên bạn có thể không cần phải lo lắng quá là đông người thế này, liệu Phật có biết mình là ai không và mâm lễ của mình Phật có chứng cho không …

-3- Ba là, Đức Phật trong suốt cuộc đời thuyết Pháp chưa bao giờ dạy con người cầu xin mình ban phước.

Chữ Phật, hay Phật Đà vốn xuất phát từ “Buddha”, nghĩa là người đã giác ngộ. Ngài giác ngộ các nguyên lý của Pháp ở các tầng thứ khác nhau, trong đó có quy luật nhân quả: thiện hữu - thiện báo, ác hữu - ác báo. Vậy nên, Đức Phật khuyên bảo con người tu tâm hành thiện. Chỉ có hành thiện mới mang lại phúc báo, chứ Ngài không phải là đấng ban phúc, giáng họa. Ấy thế mà có người lại viết đủ thứ cầu xin: nào là tiêu tai giải nạn, nào là buôn bán phát tài, công thành danh toại, gia quyến an khang … và cho rằng sắm sánh lễ vật trọng hậu thì Phật sẽ “chứng cho”. Nếu chỉ vì một người dâng sớ cầu xin và bỏ nhiều tiền dâng lễ mà Phật thực sự ban cho người ấy, thì có khác gì nhiều ở chốn người thường nhận “quà biếu” ? Phật tại tâm - câu này có ý rằng phải tu chính cái tâm này thì mới có thể thành Phật, chứ không phải có tâm cầu Phật ban cho điều này điều nọ thì Phật sẽ đáp ứng.

Đức Phật khuyên nhủ con người buông bỏ các chủng dục vọng để đạt tâm thanh tịnh, còn những người viết sớ đều là viết đủ những loại dục vọng dâng lên bàn thờ Phật. Phật mà nhìn thấy, hỏi Ngài sẽ nghĩ gì ? Chẳng những người kia không có phước, có khi còn tổn phước. Lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt ta. Đi chùa với tâm thanh tịnh, một lòng tu tâm hướng Phật, ắt sẽ kết Thiện quả.

Xuân thiền ca

- Trần Quê Hương



Mặt trời tươi nắng mới
Mặt đất nở đầy hoa
Mùa xuân như biết nói
Hòa điệu tiếng chim ca

Em ơi em có thấy
Sáng hôm nay mùa xuân
Ngày tinh khôi bừng dậy
Khoe hương sắc trong ngần

Đất trời như tỉnh mộng
Hoa nắng rủ nhau về
Ngàn cỏ cây rung động
Giữa trùng điệp sơn khê

Cuộc sống và tình người
Không gian và thời gian
Nụ cười và hạt lệ
Vui buồn như giao hoan

Hoa vàng và mây trắng
Hoa tím và mây xanh
Trăm năm như suối lặng
Ngàn năm như trăng thanh

Não phiền hay tịnh lạc
Vô thường hay chân thường
Kiếp người ai còn nhớ
Một cõi hay mười phương

Em ơi em có thấy
Sáng hôm nay mùa xuân
Ngày tinh khôi bừng dậy
Gọi hồn ta lâng lâng

Dòng đời trôi bất tận
Nẻo đạo cũng vô biên
Xuân thiền luôn tinh tấn
Kết chuổi hạt thiêng liêng

Tâm Xuân

- Thích Tánh Tuệ



Người qua một giấc Đông miên
Trở mình tỉnh thức ... ngoài hiên Xuân về
Gió xuân lay nhánh Bồ Đề
Chắp tay sen, chợt bốn bề ngát hương
Xuân về xin gửi tình thương
Chan hòa tựa ánh triêu dương rạng ngời
Xuân thiêng liêng giữa đất trời
Ước nguyền đây đó muôn người lạc an
Chuông chùa huyền diệu ngân vang
Lay cành Mai dậy nở vàng trước hiên
Chúa Xuân trong cõi trạm nhiên
Khoan thai nhẹ bước ... bình yên vào đời

Thắp mùa xuân giữa môi cười
Thắp Tâm Xuân để lòng người mãi xuân


Mừng xuân Di Lặc

- Châu Duy Mỹ



Mừng mùa xuân sang
hương gió đưa về trên muôn lối
cánh chim xa cùng nhau trở về
về quê hương đón xuân thanh bình

Cánh hoa mai khoe sắc màu đón trời vào xuân
áng mây trôi nhẹ trời xanh bát ngát
mừng mùa xuân kính chúc vạn niềm vui
ruộng đồng xanh thắm cây tốt tươi được mùa sai trái
khắp nơi xa gần cùng nhau đón mừng
mừng mùa xuân chúc cho muôn nhà
mừng mùa xuân chúc cho muôn nhà

Chào một mùa xuân
ta chúc nhau ngàn lời yêu thương
chúc cho muôn người làm ăn phát tài
cùng nhau đón xuân thái hòa

Hoa lá đua nhau
sắc xuân trở lại
mở hội ngày vui
trẻ thơ nô đùa cùng mâm bánh mứt
cụ già sống vui với đàn cháu thơ

Mừng mùa xuân sang
ta hát vang nhạc lòng mênh mang
bé thơ đi chùa thành tâm khấn nguyện
mùa xuân ấm no cho đời
tình quê hương thắm trong tim người ...

Lên chùa náo nức đàn em thơ
tung tăng khoe màu áo đẹp xinh thật xinh
hoa lá theo chân em đến chùa lòng hân hoan
em hát vang khúc nhạc … khúc nhạc ... mừng xuân sang

Xuân về rực rỡ cánh mai vàng
mọi người vui sống yêu thương thắm lòng từ bi
thành tâm lòng sắc son nguyện cầu
soi sáng đạo vàng xuân đến vạn niềm vui
lòng ta như đóa hoa sen
mừng xuân Di Lặc cho đạo đời thêm tươi

Lên chùa cầu phúc cho muôn nhà
một năm êm ấm an vui - cát tường - bình an
nguyện cầu cho người người sống trong ánh đạo
chánh pháp huy hoàng khắp chốn gần xa
hành theo Phật pháp từ bi
mừng xuân Di Lặc cho đạo đời thêm tươi

Tình Xuân ca

(Tuệ Nguyên - Thích Thái Hòa)




Giữa đời mưa nắng phù vân
Ta nghe cát bụi hồn xuân đi về
Đá mòn in dấu sơn khê
Thiều quang rực sáng giữa quê hương này

Không gian có triệu đường bay
Trong ta xuân triệu tháng ngày rong chơi
Bao la xuân giữa đất trời
Xuân bao la giữa nụ cười hạo nhiên

Xuân tâm vạn đại bình yên
Xuân hoa cánh bướm bay quên lối về
Loanh quanh bướm hẹn hoa thề
Xuân đời thế đó, ta về với ta

Chắp tay chào vạn thiên hà
Trong ta đã có hằng sa xuân rồi
Trong từng hơi thở thảnh thơi
Trong câu niệm Phật, xuân vời vợi duyên

Xuân xưa xanh mướt trăng huyền
Xuân nay sáng đẹp trăm miền thế gian
Cỏ thơm sâu bướm cười khan
Cánh chim hồng hạc vượt ngàn mù sương

Nghêu ngao khúc hát diệu thường
Hát Chân Thường giữa Vô Thường thế gian
Tình ca xuân ngập nắng vàng
Xuân ca tình hát điệu đàn vô chung