V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Như mây qua trời

- Thích Tánh Tuệ



Em hay nhìn lại đằng sau
Nên sống ... âu sầu cô quạnh
Nhiều khi chẳng vẹn mong cầu
Về sau lại là hữu hạnh

Trái tim người không có cánh
Nhưng rất dễ dàng vụt bay
Thói quen ôm ghì, nắm giữ
Mất mát, hẳn lòng đắng cay

Những thứ thuộc về tan vỡ
Cứ hay tìm nhặt trong đời
Khi đôi tay đầy thương tích
Nỗi niềm ... “Ai thấu dùm tôi ?”

Có cái trên đời mất đi
Đáng để cho mình tiếc nuối
Song, có những thứ xa rồi
Bàn chân nhẹ nhàng muôn lối

Nếu ưa nhìn người thấy lỗi
Lòng chẳng bao giờ bình yên
Chỉ việc chính mình thay đổi
Bụi bay trước mặt không phiền

Khổ Đau bạn cùng Hạnh Phúc
Là “cặp bài trùng” sánh đôi
Chấp nhận thôi, đừng ôm giữ
Sống nhẹ như mây qua trời

Bữa cơm lạnh

- Quà tặng cuộc sống



Bữa cơm gia đình là thời gian để các thành viên trong nhà quây quần bên nhau nhưng cuộc sống hiện đại khiến con người ta bỏ quên khoảnh khắc quan trọng ấy. Bữa cơm lạnh chính là câu chuyện đáng suy ngẫm về cuộc sống gia đình hiện đại.

Cát bụi đường bay(37 - 45)

- Thơ Hàn Long Ẩn
- Đoản khúc 37 - 45



37.
Chân Như thực tại đang là
Vô tâm hớp ngụm chung trà hạo nhiên
Như Lai chím nụ cười hiền
Nhành hoa sen nở trên miền tuyết băng

38.
Về thôi cát bụi đá vàng
Về thôi cuộc mộng non ngàn phù vân
Đêm nay buốt giá phiêu bồng
Lặng nghe chiếc lá bạt dòng sương bay

39.
Vườn đông khép lá ngủ say
Kìa trong đôi mắt hao gầy trúc tơ
Trầm tư ta thảo nét mơ
Họa người ta vút đường mờ như sương

40.
Bao giờ phai dấu bụi đường
Gót chân thôi hết dặm trường phiêu du
Vốc trăng hứng giọt sa mù
Đề thơ trên lá gửi phù hư chơi

41.
Đọc kinh bỏ ý quên lời
Bản lai diện mục nụ cười vô ngôn
Tế Điên túy lúy càn khôn
Hành trang là mảnh trăng đơn cuối ngàn

42.
Tình chung ta viết đôi hàng
Gửi người đan áo cho vàng cúc hoa
Trời tây đổ bóng chiều qua
Lật trang thư cũ bút nhòa nét nghiêng

43.
Thiền sư xuống núi tọa thiền
Bỏ quên tràng hạt trên miền tuyết băng
Đầu ngọn cỏ giọt sương trong
Tháng năm lặng rớt một dòng phân vân

44.
Phố khuya ai bước bâng khuâng
Thoảng trong hiu hắt lưng chừng bến mê
Trăng xưa lạc gió mây về
Nghe trong dư ảnh lời thề hanh hao

45.
Ai còn ngủ thức chiêm bao
Thì ta xin gửi lời chào đầu xuân
Tồn sinh hóa hiện bao lần
Từ vô thỉ kiếp trăng ngần dáng xưa

Ngắm nhìn tĩnh tại thôi !

- Nguyễn Duy Nhiên

Chúng ta thường nghe nói rằng chữ tu có nghĩa là sửa. Tu tập có nghĩa là ta sửa đổi để mình có thể được trở nên tốt đẹp hơn, sống an vui và hạnh phúc hơn. Nhưng vấn đề “sửa đổi” ấy cũng không dễ hiểu và đơn giản như chúng ta vẫn tưởng. Vì, thế nào là sửa đổi, mà thật ra ta có thể thay đổi được những gì ?



1. Đừng tự lừa phỉnh mình

Jules Shuzen Harris là một nhà phân tâm học và cũng là một giáo thọ thuộc truyền thống Thiền Tào Động Nhật Bản. Ông Shuzen Harris có chia sẻ với học trò mình một bài nói chuyện với tựa đề là “Đừng tự lừa phỉnh mình.”

“Sự tu tập của bạn sẽ không làm thay đổi gì được thế giới này. Nếu bạn chịu cố gắng lắm thì hy vọng rằng nó sẽ tạo được một vết hằn nho nhỏ nào đó ở nơi bạn mà thôi. Người mà duy nhất bạn có thể thay đổi chính là người đang ngồi đó trên tọa cụ.

Bạn không thể nào thay đổi được tôi. Bạn không thể nào thay đổi được chồng hay vợ của mình, và cũng không sửa đổi gì được những đứa con, mặc dù bạn sẽ vẫn cứ tiếp tục cố gắng. Ta không thể thay đổi được bất cứ một việc gì. Ta chống đối điều ấy. Tôi biết điều đó rất khó chấp nhận, nhưng nó cần thiết nếu như bạn muốn mình được thật sự tự do.

Đạo Phật không chú trọng về khổ đau mà là sự an vui. Nhưng làm sao ta có thể thật sự an vui nếu như mình cứ chạy loanh quanh muốn thế giới chung quanh phải thay đổi, chỉ vì chúng ta cảm thấy khó chịu và bất an ? Tu tập không phải là để ta đi tìm kiếm một sự an ổn và chắc chắn nào hết. Nếu như trong lúc này bạn muốn được tự do và giải thoát, thì ngay ở đây chính là nơi mà bạn có thể học được điều ấy. Nhưng bạn sẽ không thể nào thật sự có tự do, trừ khi bạn nhìn lại tất cả mọi khía cạnh của mình một cách trọn vẹn, và đối diện với nó. Sự tu tập chỉ là như vậy thôi.”


2. Không phải là sửa đổi hay chấp nhận

Đó có phải là một nhận xét bi quan và tiêu cực lắm không bạn ? Thật ra tôi nghĩ, có lẽ điều ấy cũng là một sự thật.

Cuộc sống bao giờ cũng biến đổi, dù có sự can dự và mong muốn của mình hay không. Vấn đề là ta lại muốn sửa đổi nó theo ý riêng của mình, có thể vì ta nghĩ rằng đó là chân thật, là hay và đẹp. Nhưng phần lớn những cố gắng muốn sửa đổi của ta là dựa trên một sự tham ái hay ghét bỏ nào đó. Và vì vậy mà dầu ta có sửa đổi được gì đi chăng nữa, chúng cũng sẽ chỉ mang đến cho ta một sự an vui tạm thời nào đó mà thôi.

Nhưng điều ấy cũng không có nghĩa là ta hãy chấp nhận và không làm gì hết, mà là ta có thấy rõ được nó không ? Vì nếu như ta không thấy được rằng nó phát khởi từ một sự tạo tác do những tham ái và mong cầu, thì cho dù có thể là hay là đẹp lúc đầu, nhưng cuối cùng rồi cũng sẽ mang lại cho ta một sự bất an khác. Tôi nhớ câu chuyện về Đức Phật sau khi thành đạo dưới cội bồ đề. Trong kinh kể lại, Phật đã do dự trước khi Ngài quyết định trở lại với xã hội con người. Có lời giải thích rằng, sở dĩ Đức Phật do dự là vì Ngài thấy rõ mỗi chúng sinh đều đang sống theo đúng luật nhân quả của họ, không ai có thể làm gì được, và dưới con mắt tuệ giác của Phật thì mọi việc tự nó đã là hoàn hảo rồi. Điều Đức Phật chỉ có thể làm là khai thị, chỉ cho chúng ta thấy được con đường để tự mình giải thoát và đi đến tự do.

3. Khói lam về nơi nao



Vương Duy là một nhà thơ đời Đường. Ông còn được gọi là nhà Thi Phật, vì các bài thơ ông viết đều mang những sắc màu thanh cao, trong sáng và nhiều thiền vị. Ông có làm một bài thơ ghi lại cảnh chiều về trên vùng núi Võng Xuyên nơi ông ở.

Thu sơn liễm dư chiếu
Phi điểu trục tiền doanh
Phỉ thúy thời phân minh
Tịch lam vô xứ sở
(Núi thu vương nắng chiều
Chim bay lượn theo nhau
Cỏ xanh sáng màu tím
Khói lam về nơi nao)


Mỗi câu trong bài thơ là một bức tranh, ghi lại những khoảnh khắc linh động, mà cũng biến đổi nhanh. Núi rừng mùa thu giữ lại chút vạt nắng chiều còn vương vấn trong cây lá. Những con chim nhỏ bay theo nhau trong không gian chiều tà. Màu cỏ cây xanh chợt đổi thành tím biếc theo ánh nắng hoàng hôn sắp tắt. Và rồi đâu đó, làn khói lam chiều lãng đãng vương vấn không có nơi nào cư trú.

Bài thơ là một bức tranh đơn sơ, giản dị, mà tác giả không cần thêm vào sự giải thích hay phê bình nào. Và cũng nhờ tác giả không thêm bớt gì, chỉ ghi lại như nó là, mà ngàn năm sau ngồi đây đọc lại, chúng ta cảm thấy như mình vẫn có thể tiếp chạm được với những hình ảnh và màu sắc linh động ấy.

4. Bụi, đừng xoa, đừng phủi

Tôi nghĩ, mỗi câu thơ gợi lên trong mỗi chúng ta một hình ảnh riêng, chắc rằng không ai giống nhau, nhưng tất cả đều chân thật như nhau. Tịch lam vô xứ sở. Như những làn sương khói, cuộc sống tuy luôn biến đổi, đến rồi đi, mà mỗi lúc vẫn là vẹn toàn. Có lẽ sự tu tập của ta cũng như thế, giữ cho cái nhìn của mình được đơn sơ, tĩnh tại và hồn nhiên. Và vì sự tĩnh tại hồn nhiên ấy không phải là một phương pháp đặc biệt nào để ta rèn luyện, sửa đổi hay thành đạt, nên nó không có sự đúng hay sai, thành công hay thất bại.

Nó chính là sống thật với mình, có mặt với những kinh nghiệm nào đang có mặt nơi ta, đang xảy ra trong thân tâm ở giây phút này. Và như ông Jules Shuzen Harris chia sẻ, “bạn sẽ không thể nào thật sự có tự do, trừ khi bạn nhìn lại tất cả mọi khía cạnh của mình một cách trọn vẹn, và đối diện với nó.”

Mấy tháng trước tôi có dịp được gặp Sư Giới Đức. Sư có viết tặng mấy câu thơ:

Bụi, đừng xoa, đừng phủi
Ngắm nhìn tĩnh tại thôi
Gió lao xao khóm trúc
Mất tích tận cuối vời


Sự tu tập không phải là để ta được trở thành một cái gì đó hay đẹp hơn, hoặc có hạnh phúc hơn, mà là để ta trở lại với sự toàn vẹn sẵn có. Trong một cuộc sống lăng xăng và tạo tác, chúng ta thường quen xem trọng cái làm hơn là cái thấy.

Bạn biết không, thật ra không phải là ta đừng bao giờ cần xoa hay phủi, hay sửa đổi, mà vấn đề trước hết là mình có thể lắng nghe và ngắm nhìn nó cho được tĩnh tại không. Thấy rõ rồi thì nhiều khi vấn đề sẽ tự nó chỉnh sửa lại tự nhiên thôi ... Và nếu như có một sự tu tập nào đó, thì có lẽ chỉ là như vậy thôi, phải thế không bạn !

Danh ngôn (61)

- Bishop



Khi biết tha thứ, bạn sẽ mỉm cười nhiều hơn, biết cảm nhận sâu sắc và dễ thông cảm với người khác.

Núi thần

- Trích: “Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất” - Bạch Lạc Mai
- Chương II - Hoa rơi còn đa tình hơn nàng



Cảnh vật trên đời vốn không có tình cảm, từng cành cây ngọn cỏ, từng hạt cát hạt bụi, đều là do con người thêu dệt những câu chuyện và truyền thuyết phủ lên trên nên mới có máu thịt, mới có điểm tựa.

Mỗi người đều từng có một thời thanh xuân trẻ trung, đều từng có một cuộc tình rực rỡ như pháo hoa, tuy rằng ngắn ngủi, nhưng suốt đời khó quên. Thế gian này có nhiều việc có thể quay trở lại, nhưng thời gian qua đi và tình cảm bỏ lỡ lại, một đi không trở lại. Cho dù như thế, ai cũng không thể xóa đi những thứ từng có được, những đoạn đời ấy được niêm phong trong ký ức, lâu bền không phai. Do đó, chúng ta sẽ luôn trầm tư hồi lâu vì một tấm ảnh cũ ố vàng, sẽ nước mắt lưng tròng vì tình cờ nghe được một bài hát xưa, sẽ cảm động khôn nguôi vì một cảnh gặp lại sau bao ngày xa cách.

Khi tôi được biết nhiều người vì đọc thơ tình của Tsangyang Gyatso mà lựa chọn sắp xếp hành trang lặn lội đường xa đến Tây Tạng, trong lòng không khỏi nảy sinh muôn vàn cảm xúc. Tôi luôn tin tưởng những người này đi Tây Tạng không đơn thuần là vì tìm kiếm kiếp trước kiếp này của Tsangyang Gyatso. Họ càng muốn biết, trên mảnh đất phong tình lãng mạn đó, rốt cuộc đã từng có mối tình duyên không giống người phàm ra sao. Rốt cuộc là một vị Đạt Lai Lạt Ma thế nào mới có thể viết ra câu thơ: “Thế gian nào có đôi đường vẹn/Chẳng phụ Như Lai, chẳng phụ nàng”. Mà những người khách qua đường vội vã đó, đều là người chí tình, sở dĩ họ ngàn dặm xa xôi tìm hiểu câu chuyện thần kỳ của người khác, là vì đáy lòng họ cũng cất giấu một chuyện xưa không ai hay biết.

Chỉ có những ai từng yêu mới dễ dàng cảm động bởi tình yêu của người khác. Cảnh vật trên đời vốn không có tình cảm, từng cành cây ngọn cỏ, từng hạt cát hạt bụi, đều là do con người thêu dệt những câu chuyện và truyền thuyết phủ lên trên nên mới có máu thịt, mới có điểm tựa. Nếu không có công chúa Văn Thành năm xưa gả đi xa, không có thơ tình của Tsangyang Gyatso, cao nguyên Tây Tạng mênh mông hoang vu kia có lẽ sẽ thiếu đi nhiều sắc thái lãng mạn. Cung Potala tráng lệ cũng chẳng qua là ảo ảnh của thời gian, cằn cỗi vì thiếu những mẩu chuyện xưa. Giờ đây, vì có sự tồn tại của chúng, dù trải qua bao nhiêu năm tháng, đều không đến nỗi bị thời gian bòn rút sạch trơn.

Tình cảm chân thật và tư tưởng phong phú có thể khiến một mảnh đất hoang vu trong nháy mắt nở đầy hoa. Khi chúng ta đi lại ở mỗi chốn xưa Tsangyang Gyatso từng sống, dạo bước trên mỗi nẻo đường Ngài từng đi qua, đều không nhịn được tự hỏi: Ngài thật sự đã từng ở nơi này ư ? Phải chăng có thể bước trùng lên dấu chân của Ngài ? Hết lần này đến lần khác đọc thơ tình của Ngài, chỉ cảm thấy cỏ cây nơi đây đều thông hiểu tâm linh, hiểu được tình cảm. Chúng từng chứng kiến tình yêu đẹp đẽ của Tsangyang Gyatso, từng nghe những lời âu yếm của Ngài cùng cô gái mình thương đã nói, nhớ lại mỗi lời ước hẹn Ngài đã trao.

Ba trăm năm, thời gian sao mà dài đằng đẵng, triều đại đổi thay, con người thay đổi, chỉ có cây cỏ vẫn xanh tươi, đá núi vẫn vững chãi như xưa. Nhân gian là kịch trường, biết bao máu lệ chảy thành sông, tràn ngập đến mức không ai thu dọn. Mà chúng ta của hôm nay, vì lẽ gì còn phải tổn thương nhau, vì lẽ gì không thể giống như gió mát trăng thanh, dung chứa lẫn nhau, chung sống yên bình ? Tôi tin rằng, những người đã đến Tây Tạng, đã thấy núi tuyết thảo nguyên, đã từng uống nước hồ thánh, lòng của họ từ đó sẽ trong trẻo sáng láng. Sẽ hiểu được người sống trên đời thật chẳng dễ dàng, hết thảy duyên phận đều phải cố gắng trân trọng, tất cả mọi người đều nên chúc phúc cho nhau.

Lịch sử là chân thực, ba trăm năm trước, đích xác từng có một Tsangyang Gyatso, trên mảnh đất Tây Tạng bao la cũng thực sự lưu giữ chút ít vết tích của Ngài. Ngài sinh ra ở nơi này, tâm tình và câu chuyện cả đời cũng giao phó cho nơi này, rất nhiều câu thơ đều chạm khắc trên mảnh đất này. Rời xa Tây Tạng, Ngài sẽ không còn là Tsangyang Gyatso, do đó mỗi người nhớ nhung Tsangyang Gyatso đều sẽ nhớ nhung Tây Tạng. Chúng ta hy vọng mình kiếp này có thể đích thân đến đây, có thể chính miệng hỏi một tiếng, vị tình tăng chẳng phụ Như Lai chẳng phụ nàng ấy, ba trăm năm đã qua, Ngài vẫn khỏe chứ ? Linh hồn của Ngài phải chăng thật sự vẫn luân hồi tiếp tục ? Giờ đây, chúng ta nên đến chốn nào tìm Ngài ?

Tsangyang Gyatso trước mười bốn tuổi, đúng là có thể chẳng phụ Như Lai chẳng phụ nàng. Ngài vừa học kinh ở tu viện Basang, vừa nghe những bản tình ca cảm động ngoài cửa sổ, cũng âm thầm hẹn hò với cô gái làng bên. Ngài thậm chí còn cảm thấy vào tuổi xuân xanh, không hết lòng yêu nhau một lần là uổng phí đời người. Ở nơi vốn dĩ có thể trai gái tự do luyến ái, tình yêu của Tsangyang Gyatso như đất trời tháng Tư, oanh bay cỏ mọc, không chút e dè. Ngài chẳng mảy may biết bí mật về linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5, dù Ngài thông tuệ hơn những thiếu niên khác, tràn đầy linh khí, nhưng cũng chỉ cho rằng mình là một người may mắn, được ông trời quan tâm chiếu cố mà thôi.

Phía xa tu viện Basang, có núi thần Bonri (1) nguy nga hùng vĩ. Trên ngọn núi thần này, có một cây thần cực lớn, trên cây treo đầy kinh phướn phấp phới, cây cao chọc trời, rất có linh tính. Rất nhiều người đi kora quanh núi, từ trời nam đất bắc không nề muôn dặm xa xôi rong ruổi, chỉ để đến ngọn núi thần này dập đầu bái lạy, nguyện một lời thề ước ở dưới cây. Tsangyang Gyatso lúc đó thường hay đứng lặng hồi lâu ở ban công tu viện, nhìn cây thần trên núi thần từ xa, âm thầm cầu khấn cho ước mơ non nớt trong lòng.

Giờ lành đổi vận đến
Phướn cầu phúc dựng lên
Ta nhận lời thục nữ
Tới làm khách làng bên


Tsangyang Gyatso đa tình thật sự đã yêu, Ngài và ý trung nhân yêu nhau trong khu vươgn hoan lạc mỹ lệ. Ánh nắng cao nguyên cho cỏ dại hoa xuân đầy đủ hơi ấm, cũng kích thích tình cảm nóng bỏng rạo rực của những thiếu niên thiếu nữ nơi này. Họ có thể hát đối đáp tình ca để cuồng nhiệt bày tỏ tình yêu trong lòng, có thể không chút e dè phung phí tuổi xuân tràn trề. Đó là quyền lợi mà sinh mệnh trao cho họ, khi tuổi xuân đi xa, những con sóng tình yêu ấy sẽ thật sự trở thành nước chảy cuồn cuộn, một đi không trở lại.

Đỗ Quyên bay đến thăm
Đem hương xuân thơm ngát
Ta và nàng gặp nhau
Lòng sướng vui dào dạt

Miệng cười khoe răng trắng
Hớp mất hồn ai kia
Nếu thật lòng thương mến
Xin thể chẳng chia lìa


Thật ra tâm nguyện của Tsangyang Gyatso rất đỗi bình thường, Ngài chẳng qua chỉ muốn cùng người yêu kề cận trên mảnh đất lãng mạn quen thuộc, cùng một dòng suối, một đám mây, một bãi cỏ, mấy con bò con cừu nương tựa lẫn nhau, sống bình lặng, yên ổn vô sự. Họ cùng chăn thả, cùng làm thơ, sinh một đôi trai gái dễ thương, sở hữu hạnh phúc bình thường nhất trên đời. Tâm nguyện nhỏ nhoi biết bao, lại không đáng kể biết bao, đây là hạnh phúc mà một làng quê nhỏ của Tây Tạng, thậm chí bất cứ một làng quê nhỏ nào trên thế gian đều có thể cho họ.

Hỏi người tình trong mộng
Có gần gũi trọn đời
Đáp, từ phi tử biệt
Sống - mãi chẳng chia rời

Nếu nàng vì học Đạo
Rời bỏ ta ra đi
Thiếu niên ta nhất định
Theo vào chốn tu vi


Đúng vậy, điều Ngài muốn chính là một người bạn tình ngọt ngào, sống chết có nhau cả đời như thế. Ngài không hề biết rằng, thảo nguyên rộng lớn này, làng quê chất phác này lại không thỏa mãn được tâm nguyện nhỏ bé của Ngài. Bất cứ người nào cũng có thể mưu cầu niềm hạnh phúc đơn giản ấy, duy chỉ có Ngài - Tsangyang Gyatso, định sẵn không có duyên với phàm trần. Một cuộc tình bình thường lại là kiếp nạn số mệnh dành cho Ngài. Đích thực như thế, khi một ngày kia Ngài đứng trên đỉnh cao không ai với tới nhìn xuống chúng sinh, Ngài sẽ hiểu rõ, thì ra “cao ngất lạnh lùng sao”(2) là thế nào.

Tình yêu, trước khi đến, bạn không biết là gì, sau khi đến rồi, bạn sẽ không còn là chính mình nữa. Biết bao người cả đời đều đang tìm tìm kiếm kiếm, mong mỏi tìm được người mình yêu và người ấy cũng yêu mình, song thực tế thường trái với nguyện vọng. Thế nhưng khi thật sự có được, lại có bao nhiêu người sẽ cố gắng trân trọng ? Những hứa hẹn đã trao ấy, phải chăng thật sự có thể vĩnh viễn ? Những người từng yêu ấy, đến cuối cùng phải chăng đều thành khách qua đường ? Sống hết cuộc đời dài đằng đẵng, người và việc đáng để chúng ta hồi tưởng, còn có thể sót lại bao nhiêu ?

Dù Tsangyang Gyatso từng có tình yêu, nhưng cuối cùng không thể cùng người thương bầu bạn lâu dài, do đó Ngài sẽ chìm đắm một đời trong dòng sông tình ái. Nếu Ngài trọn vẹn mơ ước, kết hôn sinh con với cô gái mình yêu, lại phải chăng thật sự sẽ trọn hạnh phúc ? Đời người biết bao câu chuyện khiến ta sinh lòng tiếc nuối trước những lệch lạc sai sót, chúng ta đạo diễn từng màn kịch, nhìn hết sống chết ly biệt, lại bất lực không thể làm gì. Tình cảm của con người, nếu có thể thu phát như ý, nói bắt đầu là bắt đầu, nói kết thúc là kết thúc, chẳng có lưu luyến, cũng không vương vấn, thế thì tốt biết dường nào ?

Bao nhiêu người đứng nơi đầu sóng ngọn gió khăng khăng làm theo ý mình, đến sau chót, chung quy cũng không chống chọi nổi vận mệnh cố chấp. Thấy đời người thịnh suy, chúng ta luôn oán trách năm tháng quá ép người, xưa nay chưa hề hỏi xem, bản thân đã gieo nhân trước ra sao. Suy cho cùng, thời gian cũng như đám thổ phỉ, dọc đường đánh cướp chúng ta. Tsangyang Gyatso, linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5, gánh vác bí mật của mười bốn năm, rốt cuộc vẫn là bị bức bách đến bước đường cùng.

- - -

(1) Núi thần Bonri: núi thần được đạo Bon nguyên thủy ở Tây Tạng tôn sùng, cao khoảng 4.500m.

(2) Nguyên văn là: “Cao xứ bất thắng hàn”, một câu trong bài từ “Thủy điệu ca đầu” của Tô Đông Pha thời Tống.

Giáng Sinh

- X’mas



◄ Merry X’mas … from my house to yours. ►
GIÁNG SINH AN LÀNH, HỒNG PHÚC, ẤM ÁP.

Đi chùa - Bước đầu của hành trình tâm linh

- Thiện Ý

Đây là một đề tài khá phức tạp và dễ bị hiểu lầm. Có câu nói: “Hành trình ngàn dặm khởi đầu bằng một bước đi”. Vì vậy, vấn đề cần phải nêu ra là khi nào và từ đâu chúng ta bắt đầu cất bước trên con đường tâm linh. Đa phần chúng ta đi tìm con đường tâm linh cho mình khá trễ. Trễ là do mình không cảm thấy nhu cầu cần thiết cho tâm linh lúc trẻ vì quan niệm rằng chùa chiền không thể nào giải quyết được những ưu phiền, đau khổ trong cuộc sống của tuổi trẻ. Chùa là dành cho những người lớn tuổi, xế chiều. Họ cần đến chùa là để vun bồi phước đức như làm việc thiện, bố thí, công quả .v.v.v. để “sau này” được hưởng phước tốt lành.

Chùa, tu viện, đạo tràng là chỗ mà những người bắt đầu cảm thấy cần để tu tâm, dưỡng tánh tìm đến. Những ngỡ ngàng ban đầu khi bước vào một nơi trang nghiêm, thanh tịnh như vậy, lòng thành kính của chúng ta thật là thiết tha.
Mình cảm nhận được sự thanh thản, an lạc thực sự sau mỗi lần viếng thăm. Thế là mình quyết định “đi chùa” thường xuyên hơn. Nhưng, muốn tu tâm, dưỡng tánh thì bắt đầu từ đâu ? Thường thì chúng ta tham dự những buổi tụng kinh, hay làm công quả, tùy theo những sinh hoạt đã sẵn có ở ngôi chùa đó. Thỉnh thoảng, có gặp quý thầy, quý cô nhưng còn ngại ngùng chưa dám hỏi gì nhiều, chỉ hỏi chung chung giờ giấc sinh hoạt của chùa. Khi đã bắt đầu quen thuộc với những sinh hoạt thường kỳ, mình mới bắt đầu tiếp cận nhiều với quý thầy, cô trong một phong thái tương đối bớt hình thức hơn.

Từ việc tham gia những sinh hoạt thường kỳ đến việc làm công quả cho chùa trong những ngày lễ lạt là một chuyển tiếp rất bình thường. Nhưng việc này có dính dáng gì đến hành trình tu tập tâm linh ? Dạ thưa, có liên hệ rất gần. Bằng chứng là sau nhiều lần công quả, chúng ta thường được nhiều người khen là làm giúp chùa nhiều vậy thì phước đức sẽ nhiều lắm. Thế là ta hăng hái hơn lên để tích lũy thêm phước đức dù không hiểu rõ là làm vậy có đúng là mình đang “tu” hay không. Nhưng tin rằng có nhiều phước đức là tốt lắm rồi.

Khi bước chân vào một nơi trang nghiêm thanh tịnh như chùa, tu viện, hay đạo tràng mình có một khái niệm rằng tất cả mọi người ở đó chắc đều hiền lành, dễ thương. Thoạt đầu, ai cũng đối xử với mình rất tốt và lịch sự. Do vậy, mình có cảm tưởng rằng: “Trong đây ai cũng đều tu hành nên họ tốt vậy đó !”. Cho đến khi sau vài tháng hay hơn một năm đi chùa, chúng ta bỗng nhiên phát hiện một khía cạnh khác của chùa. Trong khi làm công quả có những lúc “va chạm” với những người mà mình cho là tốt, nên sự suy nghĩ lúc ban sơ đã bắt đầu lung lay khiến cho sự hăng hái thuở trước cũng dần dần giảm nhiệt. Không phải mình làm biếng hay chán mà vì lòng mình đã bắt đầu có sự bối rối, phân vân: không biết mình có hiểu sai, làm sai, hay thấy sai về việc đến chùa tu tập hay không ? Tại sao chùa mà vẫn còn những sự hục hặc, tranh cạnh bên trong như vậy ?

Câu hỏi được đặt ra là, nếu phức tạp như thế, vậy mình có cần phải đến chùa để tu tập cho tâm linh không ? Nếu trả lời là không cần, vậy thì ông bà, cha mẹ mình và các Phật tử của thế hệ trước đâu cần đổ công sức để lập chùa. Ai cũng có thể ở nhà tu tập là đủ rồi. Cũng vậy, nếu ai cũng biết cách tự học ở nhà thế thì cần gì phải xây trường học mới học được. Lập luận này không đứng vững chút nào. Chùa hay tự viện là nơi huấn luyện cho chúng ta hiểu thấu giáo nghĩa vô thượng của Phật dạy và đem những giáo pháp này ứng dụng cho tâm linh của mình để tìm thấy hạnh phúc và an lạc trong đời sống.

Nhất nhật Phật tại tiền, tam niên Phật thăng thiên” - Nghĩa là ngày đầu đến chùa thấy tu theo Phật sao dễ quá, nhưng sau ba năm thì thấy Phật cũng mất luôn, chứ chưa nói là tu theo Phật. Do vậy mà cái sơ tâm – tâm tốt ban đầu, cần phải được giữ gìn cẩn thận vì nó chính là vốn liếng, là nền móng căn bản để mình tăng trưởng tâm linh. Nếu không, khi sơ tâm bị sứt mẻ trầm trọng sẽ khiến mình quay lưng lại với con đường tu tập, hoặc có khi trở thành kẻ Nhất-xiển-đề, không còn biết sợ tội phước, nhân quả là gì. Đây không phải là một hình thức hù dọa khiến chúng ta sợ cảnh “đi chùa”, nhưng vì giá trị vô giá của tâm linh chúng ta phải luôn luôn cảnh giác, thận trọng đừng để đánh mất viên ngọc quý đó. Chính vì vậy mà trong kinh Pháp Hoa có dạy rằng: “Hành giả khi tu tập nên (để tâm) ở trong nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, và ngồi tòa Như Lai. Nhà Như Lai là tâm từ bi, áo là hạnh nhẫn nhục, tòa là tâm xả bỏ”. Một hình thức mặc áo giáp để phòng hộ những chướng ngại, phiền não trên hành trình tu tập cho tâm linh.

Tất nhiên nếu mình chưa có đủ “nội lực” để khoác áo nhẫn nhục, xả bỏ thì mình nên học pháp xa lìa (viễn ly) mà Phật đã dạy khi gặp những ác hành, phiền não. Tức là, không nên thân cận những nơi mình cảm thấy dễ sinh bất thiện pháp, hay sân hận như nhà bếp, phòng ăn … và tìm đến những chỗ nào khiến an lạc, hạnh phúc dễ phát sinh như chánh điện, thiền đường, lớp học giáo lý .v.v.v. Không phải chúng tôi muốn ám chỉ nhà bếp, phòng ăn là những chỗ xấu. Nhưng vì đó là nơi để tu “phước” nhiều hơn tu “huệ” và cũng là nơi điều kiện “đời” dễ phát sinh nên khiến dễ dàng lây lan những pháp xấu. Trong các thiền viện hay đạo tràng lớn, các thầy cô được chia nhóm phụ trách hành đường, nghĩa là lo nấu dọn ăn và dọn dẹp cho tất cả các Tăng, Ni trong chùa, không để cho người cư sĩ phụ trách. Theo nội quy của thiền môn, sau giờ ăn tất cả mọi người đều phải tập họp lên thiền đường hay chính điện để hành trì tu tập, không ai được phép bén mảng ở lại nhà bếp hay phòng ăn.

Như chúng ta đã biết, chùa chiền là nơi để trấn áp, trừ diệt ma quân, không phải là nơi để chúng ma sinh trưởng. Thế nên, có điều luật như vậy không phải để ngăn cản người cư sĩ làm phước mà vì muốn giúp họ phải “phước huệ song tu”, phòng ngừa những ma pháp phát sinh trên bước đường tu học, đặc biệt là bên trong nhà chùa. Trong kinh Ưu-bà-tắc giới giải thích rõ là người phụ nữ nào đã quy y Tam Bảo và thọ nhận 5 giới gọi là Ưu-bà-di (Upasika), còn người nam gọi là Ưu-bà-tắc (Upasaka), nghĩa là Cận Sự nữ và Cận Sự nam. Cận Sự là gần gũi để hộ trì và thực hành giáo pháp Phật dạy. Như vậy, việc thân cận người hiền hay bậc thiện tri thức và xa lìa những ma pháp và ác hữu là đúng theo Chánh pháp.

Những “va chạm” ở chùa chỉ là thử thách xem mình đã học và làm được gì sau vài tháng đi chùa. Đa phần có sự va chạm này là vì khi vào chùa chúng ta cũng mang theo những hệ lụy, phiền não, kinh nghiệm “ngoài đời” của mình theo. Nên mặc dù thân ở chùa nhưng tâm vẫn còn rất “đời”. Chúng ta chưa xóa kịp những cạnh tranh, hơn thua, danh lợi vốn dĩ đã theo chúng ta suốt những năm qua. Sự va chạm này là một cơ hội lớn cho chúng ta thử nghiệm với chính mình. Khi chúng ta hiểu được điều này và vẫn tiếp tục giữ “Bồ-đề tâm kiên cố, chí tu học vững bền” thì đây mới chính là lúc mình bắt đầu cất bước trên con đường tu tập tâm linh vậy.

Cô Tiên

- Duy Lê

Lặng lẽ riêng mình một cõi tiên
Vô tư tự tại chẳng ưu phiền
Ẩn mình cư ngụ nơi phố thị
Vui vẻ tiêu dao giữa chốn thiền

Vô dục vô cầu tâm rực sáng
Không giành không hận dạ an nhiên
Vườn xưa cổ tích em bồi đắp
Một thoáng phiêu lưu nhẹ nỗi niềm



Sống không phiền

- Nguyen Chinh



1. Chỉ lèo tèo vài món trong bữa ăn chiều nay nhưng không phiền cho rằng nàng lười nấu nướng, mà phải vui vì nàng vẫn còn chăm sóc đến gia đình. Cảm ơn Trời, tôi vẫn còn có một người vợ tốt …

2. Chồng tôi cứ ngồi salon coi TV, tôi không buồn vì chàng vẫn ở nhà với tôi, thay vì đi nhậu nhẹt tốn tiền … Cảm ơn Trời, tôi vẫn còn người chồng tốt, vẫn hơn chị bạn tôi đang sống thui thủi một mình.

3. Con gái tôi cằn nhằn vì bị bắt rửa chén. Tui không phiền vì nó vẫn còn là đứa con ngoan không ra đường lêu lỏng.

4. Sau buổi tiệc tại nhà và khi các bạn đã ra về tôi phải cực nhọc lau chùi, nhưng vui vì tôi có được nhiều bạn tốt.

5. Quần áo lúc này hơi chật, nhưng tôi không than phiền, vì điều đó có nghĩa là tôi được no nê, sung túc.

6. Đi giữa trời đứng bóng nóng nực tôi không buồn phiền, vì được sống thong thả tự do dưới ánh mặt trời.

7. Đồ đạc quần áo chất đống để chờ tôi giặt, ủi, nhưng tôi không phiền vì mình vẫn còn có nhiều quần áo để mặc.

8. Sau một ngày làm việc tôi mệt mỏi và đau nhức các bắp thịt, nhưng tôi vui vì mình vẫn còn có khả năng làm được những việc nặng nhọc.

9. Sân cỏ cần được cắt, cửa sổ cần được lau chùi, và bao nhiêu công việc nhà đang chờ đợi, nhưng tôi không phiền, không than thở vì tôi vẫn còn được một mái nhà cho gia đình mình.

10. Ở trong Chùa, cái bà đứng sau tôi tụng kinh sai hết trọi hết trơn, nhưng tôi không phiền, vì thính giác của mình vẫn còn tốt, trong khi nhiều người khác không còn khả năng nghe được.

11. Buổi sáng ngủ ngon mà bị đồng hồ báo thức, đáng lẽ phải càu nhàu, nhưng tôi vui vì biết mình còn sống.

12. Với những người làm việc chung với tôi, có nhiều tính khí khác lạ, tôi không phiền vì chính nhờ họ mà công việc không trở nên buồn tẻ, trái lại thêm thích thú.

13. Và cuối cùng, nhận được nhiều e-mail quá nhưng tôi không phiền, vì điều đó chứng tỏ rằng tôi có nhiều bạn.

Nhân - Quả

- Thích Chân Quang



Gieo tham lam, hái khổ đau
Gieo lòng sân hận, hái sầu bi ai
Trồng cây, gai chạm phải gai
Hương thơm trồng Huệ, trồng Nhài, trồng Sen
Gieo nhân lành, hái quả ngon
Gieo thánh thiện, được quả tròn từ bi
Gieo u mê, hái quả si
Luật trời không thể biến suy lẽ đời
Gieo nhân thánh được lên trời
Giác ngộ trí tuệ rạng ngời tỏa sen

Tâm chân thật

- HT. Tịnh Không



Chúng ta giúp đỡ người khác, bất luận là cá nhân, đoàn thể hay đạo tràng, đều phải ghi nhớ lời dạy của đại sư Thiện Đạo: “Hết thảy phải làm với tâm chân thật”, chẳng thể giả dối. Sự khác biệt giữa Phật pháp và Thế pháp là ở chỗ chân và giả, Phật pháp là chân thật, Tâm là chân thật, cho nên hết thảy đều là chân thật.

Duyên dáng áo lam

- Vũ Ngọc Toản



Thân thương chiếc áo màu lam
Mặc vào người thấy tánh tham tan dần
An nhiên đang đến thật gần
Tham - Si - Sân - Hận, lần lần ra đi

Ngôi chùa đầm ấm khắp thiên
Thiện duyên đã đến con đi về chùa
Thầy hiền, bạn tốt, thi đua
Đêm ngày học pháp bốn mùa an vui

Ơi thân thương áo lam hiền
Về miền đồng sâu, núi cao
Em đem chia sớt cho người
Hạt gạo hay tấm áo

Ơi thân thương áo lam hiền
Vì lòng từ bi hiến dâng
Nghe bâng khuâng chút nắng nhạt
Vừa cợt đùa vạt áo em

12 con giáp và những vị Phật nào độ mệnh ?

- Sách Kinh Phật

Trong sách “Pháp uyển châu lâm” có viết: “Bên ngoài cõi Diêm Phù Đề, bên trong bốn biển, có mười hai loài thú, được Bồ Tát giáo hóa. Khi cõi người mới sinh ra, Bồ Tát dặn những loài thú này bảo vệ, nhận được lợi ích, nên 12 con giáp cũng dựa vào đó để đặt ra …”

Mỗi Phật bản mệnh đều có rất nhiều công đức đặc thù khác nhau, tu hành theo Phật bản mệnh có thể đạt được những công đức tương ứng. Phật độ mệnh được phân định theo tuổi, tức là căn cứ vào năm sinh của bạn để phân định, không thay đổi theo năm. Bất kỳ vị Phật nào độ mệnh, theo quan niệm dân gian, đều mang lại điều tốt lành cho bạn, ngầm bảo hộ bạn trong cuộc sống. Biết Phật nào độ mệnh cho mình sẽ tốt hơn khi vãn cảnh chùa lễ Phật, hướng về vị đó kêu cầu, lễ tạ.



Phật Quan Âm nghìn tay

Phật Hư Không Tạng Bồ Tát

Phật Văn Thù Bồ Tát

Phật Phổ Hiền Bồ Tát

Phật Đại Chí Thế Bồ Tát

Phật Như Lai Đại Nhật

Phật Bất Động Minh Vương

Phật A Di Đà
-●- Người sinh năm Tý sẽ nhận được sự phù hộ, độ trì của Phật Quan Âm nghìn tay – vị thần tượng trưng cho sự nhân ái, từ bi. Ngài sẽ giúp bạn vượt qua được mọi khó khăn trong cuộc sống, có đủ ý chí và niềm tin để chiến thắng mọi bệnh tật. Khi vận may của bạn tìm đến, Ngài sẽ góp sức để vận thế của bạn thêm huy hoàng, xán lạn. Ngược lại, nếu bạn đang gặp vận rủi, Ngài sẽ giúp bạn hóa giải mọi khó khăn, vượt qua các trở ngại một cách thuận lợi để có cuộc sống bình an, hạnh phúc và may mắn. Bạn nên ít đi đường vòng, luôn tâm niệm và làm theo những lời Phật dạy để tránh gặp phải những trở ngại lớn, khiến bạn phải ân hận đến suốt đời.


-●- Người sinh năm Sửu, Dần sẽ nhận được sự phù hộ, độ trì của Phật Hư Không Tạng Bồ Tát, còn gọi là Khố Tàng Kim Cương – vị thần tượng trưng cho sự thành thực và giàu có. Ngài sẽ giúp bạn vượt qua mọi khó khăn, hóa giải mọi nguy cơ mà bạn gặp phải trong cuộc sống, nhất là những nguy cơ liên quan đến chuyện phá sản hoặc hao tài tốn của. Ngoài ra, Ngài cũng giúp cho đường tài vận của bạn thêm hanh thông, thuận lợi, có thể làm ra và tích lũy được nhiều của cải, đi đến đâu cũng được quý nhân phù trợ, tránh xa những kẻ tiểu nhân hãm hại, cuộc đời luôn được bình an, hạnh phúc.


-●- Người sinh năm Mão sẽ nhận được sự phù hộ, độ trì của Phật Văn Thù Bồ Tát – tượng trưng cho trí tuệ lớn. Ngài sẽ giúp trí tuệ của bạn sẽ không ngừng được khai phá, sự giác ngộ được nâng cao. Đặc biệt, với sự giúp sức của Ngài, trẻ sinh năm Mão sẽ luôn đạt được thành tích tốt trong học tập, những người đang là công chức sẽ nhận được rất nhiều lộc, thương gia tuổi Mão sẽ luôn gặp may mắn, có nhiều tiền của, phúc lộc. Bên cạnh đó, Ngài còn giúp người sinh năm Mão phát huy được năng lực sáng tạo và sức mạnh tiềm tàng trong con người họ để vượt lên mọi đối thủ trong tất cả các cuộc cạnh tranh, xây dựng được một sự nghiệp huy hoàng, bền vững.


-●- Người sinh năm Thìn, Tỵ sẽ nhận được sự phù hộ, độ trì của Phật Phổ Hiền Bồ Tát – vị thần tượng trưng cho lễ nghi, sự đức độ và tự nguyện. Ngài sẽ giúp bạn thực hiện được những nguyện vọng lớn lao nhất của mình, thoát khỏi cạm bẫy của những kẻ tiểu nhân, gia tăng thêm uy quyền lãnh đạo, vượt lên mọi trở ngại để có cuộc sống hạnh phúc, mỹ mãn.


-●- Người sinh năm Ngọ sẽ nhận được sự phù hộ, độ trì của Phật Đại Thế Chí Bồ Tát – vị thần mang lại ánh sáng của trí tuệ. Ngài sẽ giúp bạn luôn thuận buồm xuôi gió, thành công trong sự nghiệp. Phật quang phổ chiếu – ánh sáng của nhà phật chiếu đến khắp nơi sẽ giúp bạn được “gặp hung hóa cát”, luôn cát tường, may mắn như ý nguyện, đi trên những con đường sáng, phát huy được hết trí tuệ của mình để đạt đến một thế giới lý tưởng.


-●- Người sinh năm Mùi, Thân sẽ nhận được sự phù hộ, độ trì của Phật Như Lai Đại Nhật – vị thần tượng trưng cho ánh sáng và trí tuệ. Ngài sẽ mang lại cho bạn sức mạnh của ánh sáng và tri thức, giúp bạn vượt qua mọi khổ đau, bi ai trong cuộc sống, nắm bắt được những nét tinh hoa của vạn vật, dũng cảm tiến lên phía trước để đến với chân trời của ánh sáng và niềm vui.


-●- Người sinh năm Dậu sẽ nhận được sự phù hộ, độ trì của Phật Bất Động Minh Vương – tượng trưng cho lý tính. Ngài sẽ giúp bạn luôn phân biệt được mọi sự đúng sai trên đường đời, có thể nắm bắt được mọi cơ hội, tận dụng tốt trí tuệ của mình, thích ứng tốt với mọi hoàn cảnh để xây dựng được một sự nghiệp thành công. Bên cạnh đó, gia đình bạn cũng luôn có hạnh phúc, may mắn, cát tường, như ý.


-●- Người sinh năm Tuất, Hợi sẽ được phù hộ bởi Phật A Di Đà – tượng trưng của sáng suốt vô lượng, thọ mệnh vô lượng, trí tuệ thông thiên địa. Ngài sẽ giúp bạn giải trừ mọi phiền não, nhọc nhằn vất vả, có khả năng sáng tạo, đem lại lợi ích cho cả gia đình và xã hội, góp công xây dựng sự nghiệp nhà Phật, từ bi hỉ xả cho chúng sinh.

NIỆM PHẬT

- Truyện cổ Phật giáo



Ngày xưa, có một phú ông rất sùng mộ đạo Phật. Phú ông xuất tiền xây cất một ngôi Chùa cực kỳ nguy nga tráng lệ. Ông già hảo tâm ấy lại có tính hiếu kỳ. Sau khi hoàn thành ngôi Bảo Điện, ông già muốn có một điểm gì đặc biệt khác thường nên ông chạm trổ một bức hoành phi thật đẹp và khắc sáu chữ vàng “Nam Mô A Di Ðà Phật” bằng chữ Phạn rồi treo trước chánh điện. Những học giả và bô lão trong làng đều chịu không biết là chữ gì. Họ rất thánh phục phú ông, cho phú ông là một học giả uyên bác, thông hiểu cả Phạn ngữ. Kỳ thật thì phú ông đã nhờ một Pháp sư người Ấn Ðộ viết cho sáu chữ đó.

Ðược thiên hạ trầm trồ khen ngợi bao nhiêu thì tính hiếu kỳ tự đắc của phú ông càng bị kích thích bấy nhiêu. Một hôm, ông cho viết sáu chữ ấy lên các tấm bảng gỗ kèm theo mấy hàng chữ bản xứ ở dưới: “Nếu ai đọc được mấy chữ này tôi sẽ gả con gái cho làm vợ và chia một nửa gia tài”, đoạn phú ông cho dựng những tấm bảng đó khắp nơi trong vùng và mỗi nơi cắt một người đứng gác.

Sau khi những tấm yết thị được dựng lên, các học giả, văn gia, thi sĩ và nho sinh nô nức đến xem, nhưng không một ai đọc được cả. Một ngày nọ có chàng thanh niên bán chiếu tên Hoàng Kim Ấn, đi qua một nơi có dựng bảng, thấy rất nhiều người đang chen lấn nhau vào xem chữ, dĩ nhiên là ai cũng ôm một bầu hy vọng to tướng trong lòng. Tò mò, chàng bán chiếu cũng cố len lỏi để vào cho được. Nhưng khi đến nơi, nhìn lên tấm bảng chàng chẳng hiểu cái quái gì, chỉ thấy mấy dòng chữ ngoằn ngoèo như giun bò, chàng thất vọng quay ra. Song, lúc chàng vừa quay ra thì không may đầu đòn gánh của chàng đụng ngay vào trán của một văn sĩ đang đứng bên cạnh. Hoàng Kim Ấn hoảng hồn la lên “Nam Mô A Di Ðà Phật”. Lập tức người đứng gác bảng tóm lấy cổ chàng và nói: “Ðúng người này rồi”. Hoàng Kim Ấn chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, cứ van lạy để xin lỗi vì trót vô ý để đòn gánh đụng vào trán nhà văn. Nhưng người gác nhất định không buông tha chàng, và vội vàng đưa chàng về trình với phú ông. Chàng bán chiếu vẫn kêu van lạy lục xin tha, nhưng người gác lại nói:

- Anh này thật dại dột, sắp được vợ đẹp và giàu sang đến nơi rồi mà không biết, còn cứ xin tha mãi. Bộ anh sợ vợ hay sao ?

Hoàng Kim Ấn càng hoang mang ngơ ngác thêm không hiểu chi hết và cứ bước theo người gác về nhà phú ông. Chả là Hoàng Kim Ấn là một Phật tử rất kiên thành. Mặc dầu nhà nghèo, học ít, không được đọc kinh sách, nhưng chàng rất tin Phật, nên chỉ trì sáu chữ Nam mô A Di Ðà Phật và lúc nào cũng nhớ Phật, niệm Phật, dù đi đứng, nằm, ngồi không bao giờ quên cả. Niệm Phật đối với chàng đã thành một thói quen. Mỗi khi gặp nguy hiểm, hay việc gì ngoài ý muốn của chàng, chàng lại niệm Phật to hơn. Do đó, lúc vô ý để đòn gánh của mình đụng vào tránh nhà văn sĩ, chàng cất tiếng niệm danh hiệu Phật, mục đích để cầu cho việc đó được vô sự. Nhưng không ngờ sáu chữ chàng niệm lại đúng với sáu chữ viết bằng chữ Phạn ở trên bảng, nên người đứng gác tưởng chàng biết những chữ ấy, nên liền tóm lấy cổ chàng rồi lôi cổ chàng về để phú ông gả con gái cho. Khốn nỗi chàng bán chiếu không hiểu cứ tưởng là người ta bắt đi để mang “gông” vào cổ, vì đã làm sứt trán của nhà văn lúc nãy, nên cứ kêu xin tha tội hoài.

Khi về tới nhà phú ông, chàng bán chiếu mới vỡ lẽ là chàng được tôn lên hàng “học giả” để cùng sánh vai với tiểu thư, con gái phú ông để cùng ca khúc “Phượng cầu Kỳ Hoàng”. Chàng bán chiếu thấy bàn tay của định mệnh xếp đặt lắm việc kỳ diệu quá. Bất giác chàng khẽ ngâm hai câu đối để ghi lại một biến chuyển trong quãng đời chàng mà chàng cho là vô cùng huyền bí:

“Phúc chủ, lộc thầy, bát tất con hiền, con thận
Thơm tay, may miệng, hà tụ phụng thỉnh, phụng chư”

Từ đó, Hoàng Kim Ấn sống cuộc đời trưởng giả, nhưng hàng ngày chàng vẫn không quên công việc niệm Phật của quãng đời bán chiếu hồi xưa. Một hôm, vì trái nắng trở trời, vợ chàng cảm gió. Cũng tưởng chỉ qua loa, nào ngờ mỗi ngày bệnh tình mỗi trầm trọng, cứ sốt li bì, không thuốc nào khỏi. Hoàng Kim Ấn đâm lo và lúc nào cũng ngồi bên giường bệnh nhân để niệm Phật. Vừa niệm, chàng vừa đưa tay thoa từ đầu đến chân của tiểu thư, và huyền diệu thay, hễ chàng đưa tay đến đâu là nàng cảm thấy nhẹ nhõm đến đó. Chẳng bao lâu, vợ chàng bình phục hẳn. Thật là đã “may miệng” lại “thơm tay”.

Từ đó, Hoàng Kim Ấn nổi tiếng là một “Ðại y sư” thành danh lừng lẫy, đồn đến tai vua. Thật là một sự trùng hợp li kỳ. Cũng trong thời gian trái nắng, trái gió ấy, công chúa cũng lâm bệnh, và bao nhiêu danh y đã được triệu vào để trị liệu cho công chúa, nhưng đều vô hiệu. Khi tiếng tăm của Hoàng Kim Ấn được đồn đến hoàng cung, lập tức nhà vua hạ chiếu chỉ vời chàng vào để chữa cho công chúa. Nhận được chiếu chỉ, Hoàng Kim Ấn cảm thấy bối rối, lo sợ, sợ vì không biết miệng chàng còn may không nữa ? Câu niệm Phật biết có còn hiệu nghiệm để chữa bệnh cho Công chúa nữa không ? Mặc dầu lo sợ, song không cách nào để khước từ mệnh lệnh của nhà vua, bởi vậy chàng đành “nhắm mắt đưa chân” và chỉ tin tưởng vào sức vạn năng của một câu niệm Phật chí thành, đã đến chỗ nhất tâm bất loạn.

Khi tới hoàng cung, Hoàng Kim Ấn được đưa ngay vào phòng bệnh của công chúa. Chàng đuổi hết người hầu cận ra ngoài. Trong phòng chỉ còn có chàng và công chúa. Bây giờ chàng bắt đầu chữa cho công chúa bằng phương thần dược, miệng chàng niệm Phật, tay chàng thoa vào đầu và mình mẩy công chúa. Công chúa ngạc nhiên và không thấy y sư cho uống thuốc gì cả, mà trong người thì cứ thấy nhẹ nhàng dần, rồi cuối cùng như một chiếc đũa thần hễ tay Hoàng Kim Ấn đưa đến đâu là bệnh hết đến đấy. Mừng và lạ quá, công chúa chạy vào tâu với hoàng hậu và đức vua. Nhà vua thấy con mình bình phục mau quá cũng hết sức ngạc nhiên và trong bụng nghĩ thầm Hoàng Kim Ấn đúng là “thánh sư”.

Nhà Vua hạ lệnh mở yến ăn mừng và khoản đãi “thánh sư”. Trong bữa tiệc không thiếu một thứ gì, đủ cả sơn hào hải vị. Trong lúc rượu đã ngà ngà, nhà vua nhìn ra sân, nơi có đắp một con rồng thật lớn, nói với Hoàng Kim Ấn:

- Trẫm đố khanh biết trong miệng con rồng kia có cái gì ? Nếu khanh nói đúng, Trẫm sẽ cho làm phò mã và gả công chúa cho, bằng không trẫm bắt tội.

Nguy to rồi, nếu lần này mà cái miệng của chàng hết “may” thì đến “du địa phủ”. Ðầu óc Hoàng Kim Ấn lúc này thật là rối tùng xòe, như một túi bòng bong vậy. Chàng tự nghĩ: “Nếu không nói đúng, chắc mình phải chết, còn nếu nói đúng thì cái nghĩa “tào khang chi thê” mới làm sao đây ?”. Thật là tiến thoái lưỡng nan. Ðúng cũng khổ mà không đúng thì chết. Chàng cứ băn khoăn lo lắng, tự nghĩ đời tàn, bất giác chàng than một câu để thương cho số phận: “HOÀNG KIM ẤN”, nhưng chàng vừa dứt lời thì bỗng nhà vua vỗ tay reo và truyền gọi công chúa ra dâng cho chàng một ly rượu. Hoàng Kim Ấn ngơ ngác, không hiểu ra sao. Chàng còn đang ngơ ngác thì nhà vua nói:

- Khanh nói đúng, thật là thánh sư. Trẫm có cất chiếc “Hoàng Kim Ấn” trong miệng rồng đó.

Kỳ diệu biết bao. Tưởng mình chết đến nơi, kêu tên mình lên để than thở cho số phận, không ngờ tên mình lại trùng với tên có giấu bằng vàng ròng của nhà vua, chết thì thoát rồi, còn việc phò mã và lấy công chúa thì sao ? Hoàng Kim Ấn dập đầu xin nhà vua tha cho tội đó, viện lẽ mình đã có vợ và phải giữ trọn đạo thủy chung. Nhà vua cảm khích vì người có tiết nghĩa, không nỡ ép buộc, liền ban thưởng thật trọng hậu rồi sai cận vệ đưa tiễn về nhà …

Huyền diệu và linh nghiệm thay sáu chữ NAM-MÔ-A-DI-ĐÀ-PHẬT khi được phát ra với niềm chí thiết, chí thành và nhất tâm bất loạn.

Ví dù muôn đắng ngàn cay
Một câu niệm Phật tan ngay cấp kỳ
Niệm Phật dứt bỏ oán thù
Lòng không hung dữ ngục tù đâu vương
Niệm Phật mở rộng lòng thương
Oan thân bình đẳng tai ương nào vào

Cuộc sống đi qua, níu được gì

- Diệu Thi



Đời như nước mắt biển khơi
Người như chiếc lá ngược xuôi miệt mài
Như còn tiếc cuộc tỉnh say
Tiếc trăng đáy nước, tiếc nguời trong tranh
Dẫu còn sanh tử lộn quanh
Xin đừng chậm bước, ngại ngần phút giây
Hãy tìm nhau cuộc sum vầy
Hành trang là trái tim đầy thương yêu

Đôi cánh chỉ thuộc về chim

- Quà tặng cuộc sống



Nhận thức được năng lực và sức lực của mình là việc làm đúng đắn. Câu chuyện làm thay đổi cuộc sống, mang đầy ý nghĩa giáo dục đạo đức, lối sống, nhân văn, hướng con người hoàn thiện bản thân hơn.

Danh ngôn (60)

- Lão Tử



Tự cho mình khôn là không sáng suốt, tự cho mình biết là không rõ, tự kể công là không có công, tự kiêu là không giỏi.

Chuỗi ngọc

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương VIII, Thích Nhất Hạnh

Cuộc sống trong cung điện hơi ngột ngạt đối với chàng, nên Siddhatta ưa đi ra ngoài thành. Chàng đã trưởng thành lâu rồi - năm nay chàng hăm bốn - nên đi đâu trong vòng một vài hôm chàng không phải xin phép vua và hoàng hậu nữa - Siddhatta có một người hầu cận trung thành là Channa. Channa thường đánh xe song mã đưa Siddhatta đi. Có khi chàng rủ bạn hoặc đem em đi theo, có khi chàng đi một mình với Channa, và rất nhiều khi chàng tự tay cầm ngựa, để cho Channa ngồi chơi bên cạnh chàng. Siddhatta không bao giờ dùng roi ngựa. Biết vậy nên Channa cũng không sờ tới cây roi.

Vương quốc Sakya, chàng đã đi thăm gần như khắp nơi. Phía Bắc của vương quốc là miền cao nguyên gồm những dãy đồi nối tiếp nhau chạy về phía chân dãy Himalaya. Một nửa vương quốc là đồng bằng ở vào phía Nam. Kinh đô Kapilavatthu ở vào khoảng đất trù phú nhất của miền đồng bằng này. So với các nước láng giềng Kosala và Magadha, vương quốc Sakya thật bé nhỏ. Đất đai cũng không phì nhiêu, nhưng vị thế của vương quốc thật là đặc biệt. Các con sông Rohini và Banganga bắt nguồn từ miền cao nguyên chảy về tưới đồng bằng rồi tiếp tục đi về miền Nam để chảy về sông Hiranyavati trước khi rót vào sông Hằng. Siddhatta thường ưa ngồi bên bờ sông Banganga ngắm dòng nước chảy. Dân quê vẫn tin rằng nước sông này có thể tẩy trừ tội lỗi và nghiệp chướng kiếp trước và kiếp này cho nên thường hay kính cẩn xuống ngâm mình dưới dòng nước, cả những khi nước rất lạnh. Có một hôm ngồi với Channa bên bờ sông, Siddhatta chỉ những người đang tắm ở bên kia sông và hỏi người hầu cận:

- Này Channa, anh có tin là tắm như thế rất thường thì có thể rửa sạch được nghiệp chướng không ?

- Thưa điện hạ, có chứ. Nếu không thì người ta tắm làm gì ?

Siddhatta cười:

- Nếu thế thì đứng về phương diện nghiệp chướng có phải các loài tôm, cá, rùa và sò ốc là những loài thanh tịnh nhất không ? Chúng ở suốt đời dưới sông thì chúng phải sạch nghiệp hơn chúng ta chứ ?

Channa trả lời:

- Nhưng ít nhất tắm dưới sông cũng rửa sạch được những cáu bẩn trên da thịt.

Siddhatta vỗ vai Channa:

- Cái đó thì anh nói đúng.

Một hôm trên đường về thành nội, Siddhatta ghé lại thăm một xóm nghèo ở ngoại thành. Chàng ngạc nhiên thấy Yasodhara đang ở trong xóm. Cùng một đứa ở, nàng đang săn sóc cho các trẻ em đó. Các em đang được săn sóc đều là những đứa trẻ có bệnh, đứa thì đau mắt, đứa thì cảm cúm, đứa thì ghẻ chóc. Yasodhra ăn vận rất đơn giản, nhưng nàng tươi mát như một bà tiên vừa hiện đến giữa bầy trẻ nghèo. Siddhatta thấy cảnh tượng rất đẹp. Chàng sửng sốt khi thấy một người con gái nhà quyền quý lại chịu thương chịu khó đi làm những công việc như rửa ghẻ,
rửa mắt, xức thuốc, giặt áo cho bọn trẻ nghèo đói.

- Công nương đã bắt đầu làm các việc này từ bao giờ thế ? - Chàng hỏi - Thật là quý hóa quá.

Đang rửa tay cho một em bé gái chừng ba tuổi, Yasodhara ngửng lên nhìn Siddhatta:

- Chúng em bắt đầu làm công việc này cũng đã gần hai năm rồi, thưa điện hạ. Tuy nhiên đây chỉ là lần thứ hai em đến xóm này.

- Tôi đến xóm này thường lắm. Bọn trẻ con trong xóm đều biết tôi. Tôi nghĩ được làm những công việc này chắc công nương thấy vui trong lòng lắm.

Yasodhara mỉm cười, không đáp. Nàng cúi xuống tiếp tục rửa mụt ghẻ trên đầu gối của em bé. Hôm ấy, Siddhatta được nói chuyện nhiều với Yasodhara. Chàng ngạc nhiên khám phá ra rằng Yasodhara có nhiều nhận thức giống chàng. Yasodhara không phải là một cô gái khuê các chỉ biết vâng theo truyền thống. Nàng cũng biết về tư tưởng Vệ Đà, cũng ngấm ngầm phản đối tình trạng bất công của xã hội. Cũng như Siddhatta, nàng không cảm thấy có hạnh phúc trong địa vị giàu sang và nhiều quyền thế của hoàng tộc. Trái lại nàng ghê tởm những cuộc tranh chấp quyền lợi và địa vị của những thành phần quý tộc trong triều đình, và ngay ở giới tăng lữ Bà-la-môn. Biết mình là gái không thể nào làm được những cuộc thay đổi lớn trong xã hội, nàng chỉ tìm cách biểu lộ cái thấy của mình và thiết lập sự bình an trong tâm mình bằng các công việc từ ái. Nàng hy vọng sẽ có những bạn hữu trong giới trẻ tuổi thấy được ý nghĩa của công việc nàng làm.

Đã có cảm tình tự nhiên sẵn với Yasodhara từ trước, Siddhatta càng nghe nàng nói càng tỏ vẻ mến phục nàng. Phụ vương đã ngỏ ý muốn chàng lập gia đình. Yasodhara có thể là người mà chàng chọn lựa. Trong các cuộc gặp gỡ khác như những nhạc hội, vũ hội, Siddhatta đã gặp nhiều thiếu nữ diễm lệ. Ở Kapilavatthu cũng như ở Ramayana không thiếu những cô gái mặn mà, Yasodhara tuy không phải là cô gái đẹp nhất mà chàng gặp nhưng đó là cô gái mà mỗi khi gặp là chàng cảm thấy trong tâm hồn một sự an bình và thoải mái.

Một hôm, hoàng hậu Gotami muốn chính tự mình tổ chức một cuộc trình diễn quốc phục phụ nữ. Bà nhờ vương phi Pamita, mẹ của Yasodhara tới giúp mình về việc tổ chức. Tất cả các thiếu nữ trong thành Kapilavatthu đều được mời tới dự thi. Người nào cũng sẽ có giải thưởng nữ trang. Vương phi Pamita đề nghị Siddhatta phát giải thưởng cho các cô, cũng như tháng trước Yasodhara đã làm công việc tiếp tân trong đại hội thể thao do bà tổ chức vậy.

Vua Suddhodana, triều đình và tất cả các vị vương tôn công nương đều được mời tham dự. Đêm đầu hạ thật mát, thức giải khát đặt khắp nơi. m nhạc dân tộc làm nền cho buổi dạ hội. Dưới ánh hoa đăng rạng rỡ, các thiếu nữ tha thướt trong những chiết sari đủ màu và lóng lánh kim tuyến, từng người một đi ngang tuyền đài trước hàng ghế danh dự trong đó có vua và hoàng hậu. Siddhatta mặc quốc phục đứng về phía bên trái, trước mặt chàng là những xâu chuỗi, vàng ngọc đủ để phân phát cho cả ngàn người.

Siddhatta đã từng từ chối việc phát thưởng, nhưng bà Gotami và vương phi Cam Lộ đã nài ép chàng. “Được thái tử Siddhatta tự tay phát thưởng, đó là một niềm vui lớn cho bất cứ ai. Con phải biết điều đó”, vương phi Pamita nhìn chàng nói một cách tươi cười. Đem niềm vui cho kẻ khác đó là việc chàng không muốn từ chối, nên Siddhatta đã hoan hỷ vâng lời. Giờ đây đứng trước hàng ngàn quan khác chàng thật không biết làm sao cho thỏa đáng.

Mỗi thiếu nữ khi bước lên đài, phải đi qua một hàng ghế danh dự để mọi người được trông thấy. Đi qua hàng ghế ấy mới tới chỗ Siddhatta. Thiếu nữ đi đầu là Soma, con của một vị vương tử. Theo sự chỉ dẫn của vương phi Pamita, nàng tiến tới, bước mấy nấc thang để lên bục và đi ngang qua đài. Tới trước mặt vua và hoàng hậu, nàng quay lại chắp tay cúi đầu chào, rồi từ từ tiến về bên trái, đi về phía Siddhatta. Đến trước Siddhatta, Soma cúi đầu chào chàng. Siddhatta đáp lễ, rồi cúi xuống cầm lên một xâu chuỗi ngọc. Chàng trao cho Soma, có tiếng cử tọa hoan hô. Soma nghiêng mình cảm tạ. Nàng lí nhí mấy câu cám ơn, nhưng Siddhatta không nghe rõ nàng nói gì. Thiếu nữ thứ hai là Rohini, tên của dòng sông.

Siddhatta có vẻ như không lựa chọn các phần thưởng cho xứng đáng với vẻ đẹp và sắc phục các thiếu nữ. Vớ được món nữ trang nào trên bàn, chằng tặng ngay món nữ trang đó. Vì vậy cuộc trình diễn đi qua khá mau, dù số thiếu nữ tham dự rất đông, Vào khoảng mười giờ đêm, các món nữ trang đặt trên dãy bàn dài đã vơi gần hết. Mọi người tưởng Sela là thiếu nữ sau chót, và chính Siddhatta cũng nghĩ thế. Bỗng dưng, một thiếu nữ từ trên hàng khán đài bước xuống. Đó là Yasodhara. Nàng bước ra trước khán đài, và quay trở vào bái chào vua và hoàng hậu. Yasodhara vận một chiếc sari màu trắng ngà, đơn sơ và nhẹ nhàng như một cơn gió sớm. Duyên dáng, tự nhiên, nàng bước tới trước Siddhatta, rồi mỉm cười tươi như hoa, nàng hỏi:

- Điện hạ, còn món nữ trang nào để cho em không ?

Siddhatta nhìn Yasodhara. Chàng nghiêng mình đáp lễ rồi nhìn xuống mấy món nữ trang còn lại. Chàng tỏ vẻ bối rối, trong những món còn lại đó chẳng có món nào xứng đáng với con người đẹp đẽ đang đứng trước mặt chàng. Đột nhiên Siddhatta mỉm cười. Chàng đưa tay tháo xâu chuỗi ngọc chàng đang đeo ở cổ. Cầm chuỗi ngọc lóng lánh trên tray chàng mỉm cười nhìn Yasodhara:

- Đây là món quà tặng cho công nương.

- Em làm đẹp cho điện hạ còn chưa hết, lòng nào mà lại lấy món trang sức của điện hạ.

Siddhatta nói:

- Mẹ ta hoàng hậu Gotami thường nói là ta chẳng cần đeo đồ trang sức. Càng đeo vào càng xấu thêm ra. Vậy xin công nương vui lòng nhận món quà này.

Nói xong chàng ra hiệu cho Yasodhara lại gần và cúi đầu xuống, và chàng mang chuỗi ngọc lóng lánh vào cho nàng. Tiếng hoan hô vang dậy cả trên và dưới khán đài. Tiếng hoan hô kéo dài như không bao giờ dứt. Mọi người đều đứng dậy và bày tỏ nỗi vui mừng của mình.

Người sung sướng chắc gì hơn ta được

- Mặc Giang



Đừng trách chi, cuộc đời là thế đó
Nếu thanh cao, còn gì nghĩa cuộc đời
Phải nổi trôi, cho thấm những đầy vơi
Phải phong trần, cho đượm mùi gió bụi

Đừng trách chi, một kiếp người ngắn ngủi
Nếu bình yên, không uổng lắm hay sao
Không biển khơi, làm sao biết ba đào
Không hầm hố, cần chi đường bằng phẳng

Đừng trách chi, cuộc đời sao cay đắng
Nếu không mùi, có vô vị lắm không
Ta phải đón cái buốt của mùa đông
Ta phải nhận cái nồng trong nắng hạ

Đừng trách chi, tình người sao kỳ lạ
Một bức tranh phải đủ sắc đủ màu
Đã làm người phải thấm nghĩa thương đau
Mới hiểu được cõi trần gian lao khổ

Trăng vẫn đẹp, dù trăng ngà mấy độ
Hoa vẫn tươi, dù từ đá đơm bông
Ta nhận chân tất cả có hơn không
Người sung sướng chắc gì hơn ta được

Thân - Tâm thanh tịnh là hạnh phúc

- HT. Tịnh Không



Đời người hạnh phúc mỹ mãn không nhất định là rất có tiền, không nhất định là rất có địa vị. Nói thật thà, có tiền có địa vị chưa chắc đã có hạnh phúc.

Hạnh phúc thật sự là gì ? Là trong tâm chẳng vướng mắc, chẳng có ưu lự, đó là hạnh phúc thật sự. Trong tâm chuyện gì cũng đều chẳng có, tâm thanh tịnh, thân thanh tịnh. Thân tâm thanh tịnh, thế giới bèn thanh tịnh. Thế giới là cảnh chuyển theo tâm, thế giới bèn thanh tịnh. Đó là hạnh phúc thật sự. Trong tâm có ưu lự, có vướng mắc, tâm sẽ không thanh tịnh, sẽ có phiền não, sẽ có nghiệp chướng. Trong tâm thanh tịnh, lấy đâu ra chướng ngại !

Chuyện kẻ lang thang muốn đổi chỗ với Bồ Tát

- Nguồn tin: NTD TV
- Biên dịch: Minh Quân
- Biên tập: Tuệ Minh



Có một kẻ lang thang, đi vào chùa, thấy Bồ Tát ngồi trên Đài Sen nhận cúng bái của mọi người, anh ta vô cùng ngưỡng mộ.

Kẻ lang thang nói:

- Tôi có thể đổi chỗ ngồi với Người một lát không ?

Bồ Tát trả lời:

- Chỉ cần anh không mở miệng.

Kẻ lang thang ngồi lên Đài Sen. Trước mắt của anh là cả ngày hỗn loạn ầm ĩ, người đến phần lớn là cầu điều này điều kia. Anh vẫn cố gắng chịu đựng trước sau không mở miệng. Một ngày, một phú ông đến. Phú ông: “Cầu Bồ Tát ban cho con một đức tính tốt”, nói xong ông dập đầu, đứng dậy, ví tiền lại bị rớt xuống mặt đất, kẻ lang thang vừa muốn mở miệng nhắc nhở, nhưng kịp nhớ đến điều kiện của Bồ Tát.

Sau khi phú ông đi ra, thì có một người nghèo bước vào. Người nghèo nói: “Cầu Bồ Tát ban cho con ít tiền. Người nhà con lâm bệnh nặng, đang rất cần tiền ạ.” - cầu xong ông dập đầu, đứng dậy, nhìn thấy một túi tiền rơi trên mặt đất. Người nghèo thốt lên: “Bồ Tát quả thật hiển linh rồi.” Ông cầm túi tiền ra đi. Kẻ lang thang muốn mở miệng nói không phải hiển linh, đó là đồ người ta đánh rơi, nhưng anh lại nhớ đến điều kiện của Bồ Tát.

Lúc này, một người ngư dân đi vào. Ngư dân cầu xin: “Cầu Bồ Tát ban cho con bình an, ra biển không gặp sóng gió.” Đoạn dập đầu, đứng dậy, ông vừa muốn đi, lại bị phú ông túm chặt. Vì túi tiền, hai người đánh nhau túi bụi. Phú ông cho rằng người ngư dân đã lấy túi tiền, mà ngư dân thì cảm thấy bị oan uổng không cách nào chịu đựng nổi. Kẻ lang thang không thể nhịn được nữa, anh ta liền hô to: “Dừng tay !” Rồi đem chân tướng nói ra cho họ. Tranh chấp nhờ đó mà đã yên.

Lúc này Bồ Tát mới nói:

- Ngươi cảm thấy làm vậy là đúng chăng ? Ngươi hãy tiếp tục đi làm kẻ lang thang đi. Ngươi mở miệng tự cho mình rất công bằng, nhưng, người nghèo vì vậy mà không có tiền cứu chữa người thân, người giàu không có cơ hội tu đức hạnh, người ngư dân ra biển gặp sóng gió chôn thân dưới đáy biển. Nếu ngươi không mở miệng, mạng sống người nhà kẻ nghèo kia được cứu, người giàu tốn chút tiền nhưng giúp người khác mà tích được đức, ngư dân cũng vì dây dưa không cách nào lên thuyền, tránh được mưa gió, có thể còn sống sót.

Kẻ lang thang im lặng ra khỏi chùa …

Rất nhiều sự tình, nó thế nào, chính là như thế đó. Để nó tiến triển theo tự nhiên, kết quả sẽ tốt hơn. Khi đối mặt với sự việc, ai có thể biết rõ kết quả gì sẽ xảy ra chứ ? Yên lặng theo dõi diễn biến, chính là một loại năng lực. Thuận theo tự nhiên, là một loại hạnh phúc.

Cát bụi đường bay(28 - 36)

- Thơ Hàn Long Ẩn
- Đoản khúc 28 - 36



28.
Gầy khô khóe mắt chung tình
Bếp tàn lửa tắt trang kinh ngập ngừng
Đành thôi xếp lá hoa rừng
Ngủ bên triền dốc lưng chừng khói mây

29.
Thiên thu gối mộng nằm say
Gác chân lên ngọn cỏ may phiêu bồng
Nắng mai nhuộm suối mây hồng
Hoa xuân hé nụ bướm ong tìm về

30.
Em đi trẩy hội đồng quê
Gót son vẽ một đường mê luân hồi
Nghìn thu cuộc mộng trang đời
Kiếp nhân sinh ấy là lời chung riêng

31.
Thiền sư khép cửa am thiền
Vẫn nghe đầu gió một miền u linh
Hàn Long ẩn bóng thu mình
Nguyệt kia chẳng chịu để bình minh lên

32.
Cỏ khuya ngậm hạt sương đêm
Soi trong bóng nước nhớ tiền kiếp xưa
Những khi lá đổ chiều buông
Là khi em hiện miên trường xa xăm

33.
Vô Ưu cá lội dưới dòng
Chuồn Chuồn đậu nhánh hoa hồng ngủ quên
Tạ từ suối mộng trăng lên
Sao khuya vút một đường tên cuối trời

34.
Đã đành ảo mộng thì thôi
Mà sao ta vẫn nhớ người rưng rưng
Hong tay trên bếp lửa hồng
Trầm tư bạc tóc lừng khừng cuộc đi

35.
Vẳng nghe tiếng vọng cố tri
Loang trong sương khói thầm thì cỏ hoa
Gió về mây hỏi đường qua
Mưa lên cung gấm giang hà mê man

36.
Bàn tay lướt phím tơ đàn
Rừng khuya hợp tấu mây ngàn về nghe
Suối sông gõ nhịp đê mê
Ngàn con sóng nhỏ hòa về hát ca

Nghiệp duyên chỉ bởi một nụ cười

- Tiểu Thiện, dịch từ Epoch Times

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng giảng rằng, phương pháp độ nhân, cần phải chú trọng “khéo léo đúng dịp”. Câu chuyện Đức Phật hóa độ Bạt Kiết Đế, người con gái đem lòng cảm mến tôn giả A Nan, chính là một minh chứng sống động về phương diện này.


Tôn giả A Nan trông vô cùng anh tuấn khôi ngô, Văn Thù Bồ Tát từng dùng “tướng như thu mãn nguyệt, mục tựa tịnh liên hoa” để ca ngợi ngài. Một hôm, tôn giả A Nan khát nước đến không chịu được, liền đến bên một thiếu nữ đang gánh nước xin chút nước uống. Thiếu nữ này tên là Bạt Kiết Đế, là tộc người Ma Đăng Già vốn bị mọi người xem là hạ tiện. Cũng giống như bao thiếu nữ quyền quý khác, cô cũng đã ngưỡng mộ A Nan từ lâu. Nhân thấy A Nan đến chỗ mình xin nước uống, lòng cô vui khôn tả xiết.

Tôn giả A Nan uống nước xong, cúi mình cảm tạ cô gái, trong lòng ngài không hiểu sao lại có cảm giác dường như đã quen biết cô từ rất lâu rồi. Thiếu nữ nhìn theo hình bóng A Nan đi xa rồi khuất dần, bỗng sinh lòng mến mộ, từ đó cô chìm sâu vào nỗi nhớ tương tư của mối tình đầu, thần trí suốt ngày ngẩn ngơ như mất hồn mất vía. Mẹ cô không ngừng gạn hỏi nguyên do, cuối cùng cô cũng nói ra sự thật. Người mẹ không nhẫn tâm nhìn thấy con gái ngày một gầy đi, liền nghĩ ra một mưu kế Sa Bì Già La Tiên Phạm Thiên chú, có thể mê hoặc đàn ông, nếu như gạt A Nan đến chỗ này, mời người niệm chú, để cho họ gạo nấu thành cơm.

Một hôm, quốc vương Ba Tư Nặc mở hội đàn trai tăng cúng dường, Đức Phật cùng chúng đệ tử là những người được mời đến tham dự. Tôn giả A Nan vì đi ra ngoài chưa về, nên không thể đến dự tiệc hội trai tăng, đành phải tự mình cầm bát đi khất thực. Khi đi ngang qua trước cửa nhà của người thiếu nữ Ma Đăng Già, cô mỉm cười tiếp đón ngài, nói: “Tôn giả A Nan, ngài còn nhớ tôi không ?”

Tôn giả A Nan thực tình vẫn chưa quên người thiếu nữ xinh đẹp này, liền cười cười gật đầu. Thiếu nữ vô cùng xúc động nắm lấy tay A Nan, nói: “Hãy theo em vào nhà nào, vào nhà em nhận cúng dường”.

A Nan trong đầu mơ mơ màng màng đi theo sau cô gái, vào đến khuê phòng của cô, tôn giả cứ như khúc gỗ, mặc cho người ta sắp đặt, trong lòng rất muốn thoát ra, nhưng lại không làm gì được. Lúc này, hội trai tăng cúng dường trong hoàng cung cũng vừa mới bắt đầu, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni biết rõ A Nan bị ma chú khống chế, không cách nào thoát ra được, liền căn dặn Văn Thù Bồ Tát, dùng Lăng Nghiêm Chú mà giải cứu A Nan.

Văn Thù Bồ Tát vội đến nhà thiếu nữ, dùng Lăng Nghiêm Chú hóa giải Sa Bì Già La Tiên Phạm Thiên chú. A Nan giật mình tỉnh ngộ, thoát khỏi sự khống chế của cô gái, lôi thôi lếch thếch trở về tịnh xá. Thiếu nữ Ma Đăng Già không can tâm bỏ cuộc dễ dàng như vậy, ngày ngày cứ đứng chờ A Nan trước cửa tịnh xá, A Nan đi đến đâu, cô theo đến đó. Cuối cùng tôn giả A Nan hết cách, đành cầu xin Đức Phật giúp đỡ. Đức Phật nói: “Ngày mai con hãy gọi cô gái đó đến đây, ta sẽ nói chuyện với cô ấy !”

Ngày hôm sau, cô gái theo A Nan đến gặp Đức Phật. Đức Phật không hề oán trách cô nửa lời, Ngài từ bi mà nói với cô rằng: “tâm tình muốn được gả cho A Nan của con ta hiểu được, nhưng A Nan đã là người xuất gia, nếu con muốn gả cho y, thì con cần phải xuất gia tu hành một năm cái đã”, thiếu nữ liền gật đầu đồng ý.

Đức Phật nói: “Xuất gia cần phải được sự đồng ý của cha mẹ, cha mẹ con đồng ý cho con xuất gia sao ?”

Thiếu nữ đáp: “Bẩm Phật Đà ! Từ nhỏ đến lớn cha mẹ con lúc nào cũng đều nghe lời con hết, họ nhất định sẽ đồng ý cho con xuất gia !”

Cứ như vậy, thiếu nữ Ma Đăng Già vui vui vẻ vẻ mà xuống tóc tu hành, trở thành một thành viên trong nhóm Tỳ Kheo Ni. Sau khi xuất gia, dưới sự cảm hóa của Phật Pháp, trái tim nồng nhiệt ban đầu của cô, càng ngày càng trở nên tĩnh lặng, dần dần cô hiểu ra rằng tình cảm ràng buộc đối với A Nan ngày trước đều là sự ngu muội nhất thời mà thôi.

Phật Đà nói với chúng đệ tử rằng, A Nan và Bạt Kiết Đế 500 năm kiếp trước, trong một lần tình cờ gặp gỡ, hai người đã mỉm cười với nhau, từ đó mà dẫn đến tình duyên trong đời này. Từ đó, Bạt Kiết Đế càng thêm nỗ lực tinh tấn tu hành, sau cùng cô trở thành một trong những người kiệt xuất trong nhóm Tỳ Kheo Ni, chứng đắc Thánh quả còn sớm hơn cả A Nan.

( Dựa theo “Câu chuyện mười đại đệ tử của Đức Phật” )

Giữa cõi khen chê

- Thích Nhật Từ

Cõi khen chê chứa đầy khổ đau hạnh phúc
Lúc được khen tâm mừng rỡ mê say
Lúc bị chê như chìm vào bão táp
Phiền não theo như tối sáng, đêm ngày

Hãy tỉnh thức lên, đừng để tự tình trói buộc
Sống thong dong trước lửa đạn khen chê
Hãy bình tĩnh nhận ra đâu là phải trái
An nhiên, tự tại vượt thoát cơn mê



Bí mật

- Trích: “Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất” - Bạch Lạc Mai
- Chương I - Chỉ vừa gặp gỡ đã quen nhau



Đi qua thời trai trẻ, năm tháng bắt đầu không khoan dung, mỗi ngày điều ta có thể làm chính là thu thập những hồi ức đã già đi, giả vờ bản thân còn sở hữu cảnh xuân hồng ngàn tía.

Lúc con người còn thơ ấu, luôn cảm thấy thời gian trôi qua quá chậm, dường như mình là đứa bé không lớn nổi, chẳng có cả khả năng đứng dưới gốc cây rướn người hái quả. Nhưng thật sự đến lúc vĩnh biệt tuổi xuân xanh, mới cảm thấy thời gian quá đỗi vô tình, không cho ta cơ hội quay đầu ôn lại giấc mơ xưa. Đi qua thời trai trẻ, năm tháng bắt đầu không khoan dung, mỗi ngày điều ta có thể làm chính là thu thập những hồi ức đã già đi, giả vờ bản thân còn sở hữu cảnh xuân hồng ngàn tía. Quá trình của sinh mệnh cũng như giương buồm ra khơi, đã không thể xoay chuyển phương hướng con thuyền, lại hà tất để tâm nó có xuôi theo dòng nước mùa xuân cuồn cuộn chảy về đông hay chăng ?

Tsangyang Gyatso sinh trưởng giữa non nước Monyu, cho rằng mình có một tuổi thơ hạnh phúc. Là con cả trong nhà, Ngài được cha mẹ hết lòng cưng chìu. Ngài như một chú chim ưng non vui vẻ tự do trên thảo nguyên, tuy chưa đủ lông đủ cánh, nhưng không cần lo lắng gió mưa xâm phạm. Mỗi ngày, Ngài cùng đám bạn trẻ chăn thả đàn cừu, cười nói vui đùa. Có lúc, Ngài lẳng lặng gối đầu lên bãi cỏ, ngắm mây trắng trôi dạt dưới trời xanh, trong đầu thoáng hiện một số chuyện cũ chưa từng xảy ra nhưng lại lờ mờ phảng phất. Ngài yêu mến mảnh đất đã cho mình sinh mệnh này, quyến luyến cỏ dại nhẹ nhàng lay động trong gió, thích thú ngắm mái tóc dài đen mượt của cô gái làng bên.

Tsangyang Gyatso khi còn rất nhỏ đã biết mình và các bạn khác không giống nhau. Bắt đầu từ khi có ký ức, ngày thường ngoài chăn thả chơi đùa với bạn bè, Ngài còn được định kỳ bí mật sắp xếp học kinh ở một nơi gọi là tu viện Basang. Tu viện Basang tọa lạc tại huyện Cona(1), là nơi người Monpa tụ tập sinh sống, sùng bái Hồng Giáo, tôn trọng tình yêu. Ở đây, sư sãi có thể kết hôn với phụ nữ ngoài đời, do đó bên ngoài tu viện thường vang vọng những bản tình ca du dương.

Khi Tsangyang Gyatso chưa thôi nôi, gia đình người nông dân bình thường này đột nhiên có khách quý viếng thăm, đó chính là sứ giả do Đệ Ba Sangye Gyatso phái đến. Sứ giả đem đến một tin tức động trời, y nói cho cha mẹ Tsangyang Gyatso biết, con trai cả của họ là linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5 Lobsang Gyatso. Vinh hoa từ trên trời rơi xuống này trong khoảnh khắc nhắm trúng họ, khiến đôi vợ chồng thường dân lương thiện ấy luống cuống. Thế nhưng, tin tức này không có nghĩa là Tsangyang Gyatso sẽ phải lập tức rời Monyu, đi đến Lhasa xa xôi, ngồi trên ngai Phật quyền quý của cung Potala, từ đó diễn tiếp cuộc đời Phật sống của Ngài.

Có câu “họa là nơi phúc tựa, phúc là nơi họa nấp”, sự đời biến ảo vô thường, khi bạn chìm đắm trong niềm vui sướng tuyệt vời khôn tả, lại đâu hay có tâm tư bi thương đang lặng lẽ chờ bạn.

Cha mẹ Tsangyang Gyatso biết rõ con trai họ chính là linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5, sẽ bước vào cung Potala rực rỡ huy hoàng trong truyền thuyết, trở thành Đức Phật sống chí cao vô thượng, được muôn người tôn sùng, nhưng lại không thể không giữ kín như bưng bí mật lớn lao này, vì dù là dân thường chốn Monyu hẻo lánh, cũng biết trong xã hội tầng trên của Lsaha luôn diễn ra đấu tranh chính trị tàn khốc mà kịch liệt. Họ không thể biết được, con mình trong tương lai bị cuốn vào trong những đấu tranh ấy, sẽ gánh chịu hưng thịnh vinh nhục thế nào. Không biết, ẩn tình giấu diếm này mai kia chiếu cáo thiên hạ, sẽ dấy lên sóng to gió lớn ra sao.

Không ai có thể đoán trước tương lai, cũng giống như ban đầu không thể dự liệu gia đình nghèo nàn trong sạch này sẽ giáng lâm một linh đồng chuyển thế của Đạt Lai Lạt Ma. Nếu nói đây là sủng ái của cao xanh đối với họ, là ban ơn của Phật tổ đối với họ, lại vì sao buộc họ cố sống cố chết giữ kín bí mật lớn tày trời này, đến nỗi cả ngày hoảng hốt không yên. Khi Tsangyang Gyatso hai tuổi, liền được định kỳ bí mật sắp xếp học kinh ở tu viện Basang, đứa bé còn chưa tỏ sự đời này không hề biết sứ mệnh gian khó Phật tổ trao cho mình. Chỉ có cha mẹ của bé, ngày tháng từ đó về sau, mỗi ngày đều như đi trên băng mỏng.

Tsangyang Gyatso thơ bé học tập kinh văn ở tu viện Basang, thầy dạy kinh sách cho Ngài là mấy vị cao tăng đắc đạo do Đệ Ba Sangye Gyatso cử đến. Một ngày kia, nếu bạn đến Tây Tạng, đi qua tu viện Basang cũ kỹ vắng vẻ, phải chăng sẽ nảy sinh nỗi buồn da diết đối với nơi từng khóa chặt tuổi thơ của Tsangyang Gyatso ? Kỳ thực sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta, lẽ nào lại không mềm yếu như thế, luôn bị một chút tình cảm êm đềm nho nhỏ làm cảm động đến rối bời. Khi ngoài cửa sổ vang vọng một bản tình ca uyển chuyển, chúng ta muốn biết, năm xưa Tsangyang Gyatso dựa bàn đọc kinh, phải chăng sẽ bị tình ca bay bổng cắt đứt suy nghĩ sâu lắng, gợi mở tưởng tượng xa vời vô tận đối với tình yêu của Ngài ?

Ta và nàng gặp gỡ
Trong rừng nam Monpa
Ngoài chim vẹt dẻo miệng
Chẳng một ai biết qua
Chim vẹt biết nói à
Đừng lộ bí mật ra
Xin anh vẹt nhà ta
Lặng yên thêm chút nữa
Chị họa mi rừng liễu
Muốn hát một khúc ca

Tsangyang Gyatso ba trăm năm trước đã lớn lên trong tiếng đọc kinh văn và những bản tình ca. Mười bốn năm đằng đẵng trôi qua, Ngài đã trở thành một thiếu niên tiêu sái như cây ngọc trước gió. Ở miền đất tự do luyến ái và kết hôn này, chàng trai trẻ Tsangyang Gyatso trước sau vẫn cho rằng mình có thể cùng cô gái nhà bên mắt qua mày lại, bày tỏ tình cảm. Lúc ấy, cha Tsangyang Gyatso sớm đã qua đời, chỉ có người mẹ hiền một mình vất vả giữ kín bí mật không ai biết kia, sống ngày tày năm. Bà nhìn thấy con cưng tình xuân nảy nở, chìm đắm trong ảo tưởng ngọt ngào, chỉ có thể âm thầm than thở. Bà không biết ngày nào cảnh tượng trước mắt sẽ bỗng nhiên tan biến, khi bí mật sáng tỏ trên đời, đứa con này có thể chịu đựng tổn thương mà vinh quang muôn trượng mang lại hay không ?

Trên đời này chẳng ai hiểu rõ con mình bằng một người mẹ, mẹ Tsangyang Gyatso biết rõ con mình từ nhỏ đã có một trái tim đa cảm. Trên khuôn mặt tuấn tú của Ngài thiếu đi khí thế lẫm liệt nhả khói phun sương, dư nhu tình quyến luyến ôn hòa như nước. Trong đôi mắt sâu thẳm kia mang một nỗi ưu sầu bẩm sinh. Một thiếu niên cảm thương rơi lệ vì hoa cỏ, thì thầm trò chuyện cùng bò cừu, si mê tình ca, định sẵn là tình lang đẹp nhất trên thảo nguyên. Có lẽ chúng ta nên tha thứ cho một đứa trẻ ngây ngô không biết thân thế thật sự của mình, đứa trẻ ấy chẳng mảy may kiêng dè theo đuổi tình yêu, tịnh không phạm phải lỗi lớn tày trời gì cả.

Chính những khúc tình ca ngân nga cảm động lòng người khiến Ngài mê hoặc sâu sắc, chính mảnh đất nảy nở hoa tình này đã chôn xuống hạt giống lãng mạn trong đáy lòng Ngài. Khi bí mật chưa công bố với đời, tình yêu của Tsangyang Gyatso thật là vô tội. Ngài ôm ấp niềm vui của tình xuân, viết nên văn chương hoa mỹ của mộng mơ, trái tim khát vọng tình yêu ấy của Ngài đâu thấy tóc bạc ngày càng nhiều thêm của mẹ, thấy được ưu tư đè nặng đáy lòng mẹ. Ngài không có tội, nhưng nhiều năm sau, Ngài lại chịu sự trừng phạt vô tình bởi thói đa tình của mình. Đây chẳng lẽ cũng là nhân quả đời này Ngài phải nhận ? Nếu phải, sẽ dùng tu hành một đời để xóa bỏ hết thảy nghiệt trái tiền duyên.

Đều nói người trong cuộc mê, người ngoài cuộc tỉnh, một người quá tỉnh táo, có lẽ sẽ sống mệt mỏi hơn bất kỳ ai khác. Có lẽ chúng ta đều nên hồ đồ một chuyến, đối với nhiều người nhiều việc, giả vờ không nhìn thấy, như vậy phải chăng sẽ sống nhẹ nhõm hơn ? Tsangyang Gyatso trước mười bốn tuổi, chính là người ở trong cuộc nhưng lại không biết câu đố. Đời người thật khéo trêu cợt, khi một người quyết ý thề chết không hối vì tình yêu, bạn làm sao nhẫn tâm cho người đó biết, thật ra cả đời này, người đó định sẵn ngồi trên ngai Phật, cô độc đến chết.

---

(1) Cona (Thác Na): một huyện của địa khu Lhoka, khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc.

Danh ngôn (59)

- A. Smith



Sẽ chẳng bao giờ bạn băng qua được vực thẳm nếu bạn không dám đặt chân lên sợi dây thừng bắc ngang qua vực đó.